Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 364+365+366+367+368

CHƯƠNG 364: ĐẠO SĨ ĐIÊN

Du Hí Thần Tiên Tự Bất Quần
Tiếu Khâm Du Cái Nhật Phân Phân
Chư Nô Mạc Ỷ Hào Môn Thế
Hòe Thụ Trung Không Đãi Thực Quân

Dịch:

Đùa Giỡn Thần Tiên Cũng Tuyệt Vời
Cười Xem Xe Lọng Nhộn Bời Bời
Cường Hào Đừng Ỷ Vào Thế Lực
Chỗ Hổng Cây Hòe Sẵn Đợi Ai

Có đạo sĩ điên không rõ tên họ ngụ trong chùa trên núi, lúc ca lúc khóc bất thường, người ta không hiểu được, có người thấy đạo sĩ nấu đá làm cơm ăn. Gặp tiết Trùng dương có người hào quý trong huyện mang rượu lên núi chơi, ngồi kiệu che lọng rần rộ kéo đi, yến ẩm xong về ngang chùa. Vừa tới cổng thì thấy đạo sĩ đi chân không mặc áo rách, tự cầm lọng vàng, miệng kêu beng beng làm như tiếng thanh la dẹp đường từ trong đi ra, như có ý nhạo báng. Người hào quý vừa thẹn vừa giận, sai đầy tớ đuổi theo chửi mắng, đạo sĩ cười bỏ chạy. Bọn kia đuổi gấp, đạo sĩ vứt bỏ cái lọng, lại xé tan vải lọng ra, từng mảnh từng mảnh biến thành chim ưng chim cắt bay tứ tán, mọi người mới bắt đầu run sợ. Cái cán lọng biến thành con mãng xà lớn, vẩy đỏ mắt sáng, bọn kia kêu la định bỏ chạy. Có người khách cùng đi ngăn lại nói:

- Đó chẳng qua chỉ là ảo thuật mà mắt thôi, làm sao nuốt được người?

Bèn rút đao xông lên, con mãng xà tức giận lướt tới há miệng táp người ấy nuốt chửng. Bọn kia càng hoảng sợ, đỡ người hào quý chạy mau, được ba dặm mới dừng, sai mấy người trở lại dò xét. Vào tới chùa thì chẳng thấy người khách và con mãng xà đâu, đang định về báo thì nghe trong cây hòe lớn có tiếng thở phì phò như con lừa. Họ sợ hãi, lúc đầu không dám bước tới, dần dần mới rón rén tới gần xem, thấy trong gốc cây có cái hốc bằng cái mâm, trèo lên nhìn vào thì người đánh nhau với con mãng xà bị nhét chúc đầu xuống bên trong, nhưng cái lỗ chỉ đủ thò hai bàn tay vào, không có cách nào ra được. Họ vội lấy đao phá gốc cây, cái hốc vỡ ra thì người đã ngất đi. Hồi lâu tỉnh lại, họ bèn vực về, còn đạo sĩ không biết đã đi đâu. 

____________________________________

CHƯƠNG 365: QUỈ LỆNH

TỬU LỆNH MA

Cổ Sát Hà Nhân Dạ Cử Bôi
Bất Hành Xạ Phú Bất Xai Mai
Hài Thanh Chiết Tự Phiên Tâm Lệnh
Phong Nhã Cư Nhiên Hữu Tiệp Tài

Dịch:

Chùa Cổ Đêm Nay Tiệc Rượu Vui
Không Dùng Phú Xạ Với Xai Mai
Hài Thanh Chiết Tự Toàn Lệnh Mới
Phong Nhã Thanh Tao Có Biệt Tài

Giáo thụ Triển tiên sinh tiêu sái phóng khoáng có phong độ danh sĩ, nhưng uống rượu say là bất chấp lễ nghi. Cứ mỗi lần uống rượu về lại phi ngựa vào sân miếu thờ Khổng Tử. Trong sân có nhiều cây bách cổ, một hôm Triển phi ngựa húc vào cây vỡ đầu tự nói:

- Tử Lộ giận ta vô lễ, đánh vỡ đầu ta rồi!

*[Tử Lộ: tên Trọng Do, học trò giỏi của Khổng tử, tính cương trực quả cảm, được Nho gia thờ chung trong Văn miếu với Khổng tử]. 

Nửa đêm thì chết. Trong huyện có Mỗ Ất buôn bán ở làng ấy, đêm ngủ ở một ngôi chùa cổ, đêm vắng không người, chợt thấy bốn năm người mang rượu vào uống, Triển cũng có trong số đó. Rượu được vài tuần, có người lấy chữ làm tửu lệnh, đọc: 

Chữ Điền không đủ cùng 
Chữ Thập ở bên trong 
Chữ Thập đưa lên ngọn 
Chữ Cổ được đầy chung 

Một người đọc: 

Chữ Hồi không đủ cùng 
Chữ Khẩu ở bên trong 
Chữ Khẩu đưa lên ngọn 
Chữ Lữ được đầy chung 

Một người đọc: 

Chữ Linh không đủ cùng 
Chữ Lệnh ở bên trong 
Chữ Lệnh đưa lên ngọn 
Chữ Hàm được đầy chung 

Lại một người đọc: 

Chữ Khốn không đủ cùng 
Chữ Mộc ở bên trong 
Chữ Mộc đưa lên ngọn 
Chữ Hạnh được đầy chung 

Sau cùng tới Triển, Triển nghĩ không ra, mọi người cười nói:

- Không đọc được thì phải chịu phạt, uống một chén lớn đi!

Triển nói:

- Ta nghĩ được rồi!

Rồi đọc: 

Chữ Viết không đủ cùng 
Chữ Nhất ở bên trong 

Mọi người cười hỏi:

- Suy ra là chữ gì?

Triển uống cạn chén rồi đọc tiếp: 

Chữ Nhất đưa lên ngọn 
Một hớp đầy một chung*

*[Tất cả các bài thơ trước đều dùng một lối chiết tự như nhau, như chữ điền gồm chữ khẩu ở ngoài và chữ thập ở trong, đưa chữ thập lên trên chữ khẩu thành chữ cổ. Riêng bài của nhân vật họ Triển thì chiết tự chữ viết lại không ra chữ gì mà lại thành hai chữ nhất khẩu (một hớp)]. 

Mọi người cười ran, không bao lâu thì ra về. Ất không biết là Triển chết, nghĩ thầm rằng chắc bị bãi chức về. Đến khi về tới làng hỏi thăm, thì Triển chết đã lâu, mới biết rằng mình đã gặp ma. 

____________________________________

CHƯƠNG 366: DIÊM VƯƠNG YẾN

Nhất Phạn Tàng Thao Niệm Bất Vong
Đa Tình Ai Bằng Ngọ Cung Vương
U Minh Cánh Nhĩ Thông Thù Tạc
Đặc Túc Gia Tân Tiến Vũ Trường

Dịch:

Bữa Cơm Mãi Mãi Vẫn Ghi Lòng
Tình Cảm Ai Bằng Chúa Ngọ Cung
U Hiển Không Nề Thù Tạc Đâm
Đón Mời Quý Khách Rượu Hương Nồng

Thiệu sinh ở huyện Tĩnh Hải (tỉnh Hà Bắc) nhà nghèo, gặp ngày sinh nhật của mẹ, sắm sửa rượu thịt ra cúng ở sân. Lạy xong đứng dậy thì thức ăn bày trên bàn đã hết sạch. Vô cùng hoảng sợ, đem chuyện kể với mẹ, mẹ ngờ vì túng thiếu không thể làm lễ chúc thọ nên bịa đặt ra như vậy, Thiệu im lặng không biết làm sao phân trần. Không bao lâu sau, quan Học sứ đích thân đi khảo thí học trò các phủ huyện, Thiệu khổ sở không có tiền ăn đường nhưng chạy mượn được món tiền nhỏ ra đi. Trên đường gặp một người chờ bên vệ đường mời mọc rất ân cần. Thiệu đi theo, thấy điện gác lâu đài xếp lớp trên đường. Vào tới nơi, thấy một bậc vương giả ngồi trên điện, Thiệu lạy phục xuống. Vương hòa nhã bảo ngồi, rồi mời ăn tiệc, nhân nói:

- Lần trước đi ngang quý thự, vì bọn người hầu đi đường đói khát quá nên có ăn vụng bàn tiệc của ông.

Thiệu ngạc nhiên không hiểu, Vương nói:

- Ta là Diêm Vương đây, ông không nhớ hôm mừng thọ lệnh đường à?

Ăn tiệc xong, đưa cho Thiệu một đồng tiền, nói:

- Có chút ít, gọi là cám ơn lần trước!

Thiệu nhận lấy trở ra, thì cung điện nhân vật trong phút chốc biến mất cả, chỉ có vài cây đại thụ sừng sững bên đường. Nhìn lại đồng tiền thì là vàng ròng, đem cân được năm lượng. Khảo thí xong, Thiệu chỉ tiêu hết có một nửa, còn bao nhiêu đem về nuôi mẹ. 

____________________________________

CHƯƠNG 367: HỌA MÃ

NGỰA TRONG TRANH

Thiên Kim Kỳ Tích Cấu Hoa Lưu
Diệu Hoa Thông Linh Hà Xứ Cầu
Mạn Đạo Điểm Tình Long Phá Bính
Tử Ngang Trực Khả Kế Tăng Du

Dịch:

Ngàn Vàng Mua Được Ngựa Hoa Lưu
Nét Vẽ Thông Linh Diệu Tới Đâu
Điểm Mắt Nói Chi Rồng Phá Vách
Tử Ngang Có Thể Nói Tăng Du

Thôi sinh ở huyện Lâm Thanh (tỉnh Sơn Đông) nhà rất nghèo, tường quanh sân sụp lở không sửa được. Cứ sáng dậy lại thấy một con ngựa vào nằm trên bãi cỏ đẫm sương, lông đen vằn trắng, chỉ có lông đuôi không đều, như là bị lửa cháy sém vậy. Đuổi đi thì đêm lại vào nằm, không biết từ đâu tới. Thôi có người bạn thân làm quan ở đất Tấn (vùng Sơn Tây), vẫn thường muốn tới thăm nhưng không đi bộ nổi. Bèn bắt con ngựa thắng yên cương cưỡi đi, dặn người nhà rằng:

- Nếu có ai tìm ngựa, thì nói là ta mượn qua đất Tấn.

Ra tới đường, con ngựa phóng như bay, trong chớp mắt đã được trăm dặm. Đêm vào nhà trọ, nó không chịu ăn rơm cỏ, Thôi cho là bị bệnh. Hôm sau buộc lại không cưỡi, nhưng con ngựa giẫm chân phì bọt mép, dáng mạnh mẽ hung hăng như hôm qua, Thôi lại cưỡi lên, trưa đã tới đất Tấn. Lúc ấy Thôi đi trên đường phố, ai nhìn thấy cũng khen ngợi con ngựa. Tấn vương nghe đồn, hỏi mua với giá cao, Thôi sợ người mất ngựa tìm tới nên lấy cớ từ chối. Được nửa năm chẳng thấy ở nhà nhắn gì, Thôi bèn bán con ngựa cho Tấn vương được tám trăm đồng vàng, rồi mua một con ngựa khỏe cưỡi về. 

Về sau Tấn vương có chuyện gấp sai viên Hiệu úy cưỡi con ngựa tới Lâm Thanh, con ngựa giật dây chạy, viên Hiệu úy đuổi vào tới nhà láng giềng của Thôi thì không thấy đâu nữa. Hỏi chủ nhà họ Tăng, thì ông ta không thấy. Đến lúc vào trong phòng, thấy trên vách treo một bức tranh vẽ ngựa của Tử Ngang chỉ có một con, màu lông giống hệt, chỗ đuôi bị khói hương cháy sém, mới chợt hiểu ra rằng con ngựa là yêu quái trong bức tranh. Viên Hiệu úy không biết làm sao về phục mệnh với Tấn vương, bèn kiện Tăng. Lúc bấy giờ Thôi được số tiền bán ngựa đem về làm ăn đã trở nên giàu có, bèn tình nguyện bỏ tiền ra đền thay Tăng cho viên Hiệu úy trở về. Tăng vô cùng biết ơn, nhưng không biết Thôi là người bán con ngựa cho Tấn vương năm trước. 

*[Tử Ngang: tức Trần Tử Ngang, nhà thơ và họa sĩ nổi tiếng thời Đường]. 

____________________________________

CHƯƠNG 368: PHÓNG ĐIỆP

THẢ BƯỚM

Hồ Điệp Quần Phi Khứ Phục Hồi
Tụng Đình Xuân Đáo Bách Hoa Khai
Khuê Trung Hí Hước Tầm Thường Sự
Chiết Đắc Phong Lưu Tội Quá Lai

Dịch:

Bươm Bướm Tung Bay Nhộn Lại Qua
Tụng Đình Xuân Tới Nở Trăm Hoa
Phòng The Đùa Giỡn Thường Tình Nhỉ
Tội Lỗi Phong Lưu Lại Xảy Ra

Tiến sĩ Vương Đẩu Sinh người huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) làm Tri huyện, cứ xử kiện thì định tội nặng nhẹ theo pháp luật rồi bắt nộp bướm để chuộc tội. Hàng vạn con bướm đem tới sân công đường thả ra cùng lúc, như gấm vụn bị gió cuốn bay đầy trời, Vương thì vỗ bàn cười lớn. Một đêm mơ thấy một cô gái xiêm y lộng lẫy thong thả bước vào nói:

- Gặp phải chính sự bạo ngược của ông nên chị em ta đã chịu khổ nhiều, cũng phải cho ông nếm mùi trừng phạt nhẹ trước về cái tội phong lưu.

Nói xong biến thành con bướm chập chờn bay đi. Hôm sau Vương đang uống rượu một mình trong công thự, chợt nghe báo có quan Trực chỉ sứ tới, vội vã ra đón. Trước đó thê thiếp đùa lấy hoa giắt lên mão, Vương vội vàng nên quên bỏ ra. Trực chỉ sứ thấy thế, cho là khinh nhờn, chữi mắng một trận mới cho về. Từ đó Vương bỏ luôn lệ chuộc tội bằng bướm. 

Vu Trọng Dần ở Thanh Thành, tính phóng túng ngông cuồng. Lúc làm Tư lý, ngày tết Nguyên đán lấy pháo tre buộc khắp từ đầu tới đuôi con lừa rồi dắt tới dinh quan Thái thú, gõ cổng xin vào gặp, nói:

- Xin dâng con lừa pháo, mời quan ra xem một lúc.

Lúc ấy Thái thú có đứa con trai cưng đang bị lên đậu, thấy khó chịu nên từ chối. Vu cứ nằng nặc xin gặp, Thái thú bất đắc dĩ sai mở cổng. Cánh cổng vừa mở, Vu châm ngòi pháo rồi đẩy con lừa vào. Pháo nổ, con lừa phát hoảng lồng lên phóng bừa, lại thêm lửa bắn tứ tung, không ai dám tới gần bắt lại. Con lừa băng qua phòng khách chạy tuông vào phòng ngủ, đạp vỡ hết lọ hoa bình trà, lửa bén vào cửa sổ, người nhà hoảng sợ la thét, đứa nhỏ bị đậu thất kinh, qua đêm thì chết. Thái thú đau xót căm hờn, toan hặc tội cách chức. Vu nhờ các ty đạo cùng đi năn nỉ giùm, tới công đường xin chịu tội mới được tha. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro