Chương 20+21+22
CHƯƠNG 20: THỦY MÃNG THẢO
CỎ THỦY MÃNG
Đồng Thị Thanh Trà Phụng Ngọc Trường
Xuất Chi Thiếu Nữ Tiện Cam Phương
Nhất Thời Tuy Giải Tương Như Khát
Hà Xứ Phùng Nhân Mịch Cố Đương?
Dịch:
Cùng Thứ Trà Xanh Đựng Ngọc Hồ
Tay Người Đẹp Rót Thấy Thơm Tho
Tạm Thời Dù Đỡ Tương Như Khát
Quần Lót Tìm Đâu Giải Cứu Cho?
•
Thủy mãng là loài cỏ độc, mọc như dây leo, hoa tím như đậu ván, ai lầm ăn vào là chết ngay, hóa thành ma thủy mãng. Tục truyền ma ấy không được luân hồi, phải có người khác trúng độc chết thay vào mới được thác sinh, vì vậy suốt một dải sông Đào Hoa ở đất Sở Trung (vùng Hồ Nam) có rất nhiều ma ấy.
Người Sở nếu sinh cùng năm thì gọi là đồng niên, đưa thiếp ra mắt gọi nhau là canh huynh canh đệ, hàng con cháu thì gọi bề trên là canh bá, quen lệ thành như thế. Có Chúc sinh đi thăm bạn đồng niên, trên đường khát nước, chợt thấy bên đường có bà già bày quán thí nước liền rảo bước tới. Bà già đón vào rót nước mời mọc ân cần, sinh thấy có mùi lạ không giống mùi trà bèn đặt xuống không uống mà đứng dậy đi ra. Bà già vội giữ khách lại rồi gọi:
- Tam Nương, pha một chén trà ngon đem ra đây.
Giây lát có một thiếu nữ bưng trà từ sau quán bước ra, tuổi khoảng mười bốn mười lăm, nhan sắc tuyệt đẹp, ngón tay đeo nhẫn, cổ tay đeo xuyến sáng loáng. Sinh đỡ lấy chén trà, tâm thần ngây ngất, ngửi thấy thơm phức liền uống cạn, lại xin chén nữa. Thừa lúc bà già đi ra bèn đùa nắm tay cô gái, tháo một chiếc nhẫn. Nàng đỏ mặt mỉm cười, sinh càng mê mệt bèn hỏi qua nhà cửa. Cô gái nói:
- Tối chàng tới thì thiếp còn ở đây.
Sinh xin một nắm trà, lại cất luôn chiếc nhẫn ra đi. Tới nhà bạn đồng niên thì thấy bụng đau quặn, ngờ là vì nước trà bèn kể cho bạn nghe. Bạn hoảng sợ nói:
- Chết rồi! Đó là ma thủy mãng. Cha ta ngày xưa cũng chết vì nó, không thể cứu được, làm sao bây giờ.
Sinh cả sợ đưa gói trà cho bạn xem thì đúng là cỏ thủy mãng. Lại đưa chiếc nhẫn ra, tả lại hình dáng cô gái, người bạn ngẫm nghĩ rồi nói:
- Đó ắt là Khấu Tam Nương.
Sinh thấy đúng tên liền hỏi vì sao biết, bạn đáp:
- Cô ta là con gái họ Khấu ở thôn Nam, nổi tiếng xinh đẹp, mấy năm trước ăn lầm cỏ thủy mãng mà chết, ắt đã làm ma. Có người nói ai bị ma ấy hại, nếu biết được tên họ mà tới nhà xin được cái quần cũ nó mặc đem về nấu nước uống thì có thể khỏi.
Bạn vội tới nhà họ Khấu kể rõ tình thật, lạy lục năn nỉ. Khấu nghĩ Chúc sinh chết thì con gái mình sẽ được đầu thai nên không cho, người bạn tức giận về kể lại. Sinh cũng nghiến răng căm hờn nói:
- Ta chết rồi quyết không cho con gái y đi đầu thai.
Người bạn cáng sinh về, gần tới cổng nhà thì chết, mẹ sinh khóc lóc chôn cất con trai. Sinh để lại một con trai vừa đầy năm, vợ không thủ tiết được, nửa năm sau bỏ đi lấy chồng khác. Mẹ sinh giữ cháu nội lại nuôi nấng, vất vả không sao chịu nổi, sớm tối đau xót khóc lóc.
Một hôm bà đang bế cháu khóc lóc trong phòng chợt sinh sừng sững bước vào. Mẹ cả sợ gạt nước mắt hỏi, sinh nói:
- Con ở dưới đất nghe mẹ khóc rất đau xót nên trở về để sớm hôm hầu hạ mẹ thôi. Con tuy chết nhưng đã lấy vợ, nay cũng về cùng để giúp đỡ mẹ, mẹ đừng buồn nữa.
Mẹ hỏi vợ là ai, sinh nói:
- Họ Khấu để mặc cho con chết, con rất căm hận, sau khi chết muốn tìm Tam Nương nhưng không biết nàng ở đâu. Mới rồi gặp canh bá Mỗ chỉ cho, con tới thì Tam Nương đã đầu thai vào nhà quan Thị lang họ Nhiệm. Con đuổi theo bắt nàng trở lại, nay đã làm vợ con, cũng tâm đầu ý hợp không có gì khổ.
Giây lát có một cô gái ăn mặc lộng lẫy bước vào quỳ xuống lạy mẹ, sinh nói:
- Đây là Khấu Tam Nương!
Tuy hai vợ chồng không phải là người sống nhưng mẹ nhìn thấy cũng được an ủi, sinh bèn sai Tam Nương làm việc nhà. Tam Nương không quen làm lụng nhưng rất ngoan ngoãn với mẹ chồng, từ đó vào ở luôn phòng sinh cũ không đi. Cô gái xin mẹ báo tin cho nhà mình biết, sinh không muốn nhưng mẹ chiều ý con dâu nên báo cho họ Khấu.
Ông bà Khấu nghe tin cả sợ, thắng xe kiệu tới ngay, vào thấy đúng là Tam Nương, nhìn nhau khóc lạc cả giọng, cô gái khuyên mãi mới nín. Bà Khấu thấy nhà sinh nghèo quá có ý thương xót con gái, nàng nói:
- Con đã là ma thì sợ gì nghèo. Huống hồ mẹ con Chúc lang đối xử với con rất có tình nghĩa, con đã yên phận rồi.
Bà Khấu nhân hỏi bà già bán trà là ai, nàng đáp:
- Bà ta họ Nghê, tự thẹn già nua không dụ dỗ được khách đi đường nên nhờ con giúp cho thôi, nay đã thác sinh vào một nhà bán rượu trong thành.
Kế quay lại nhìn sinh nói:
- Chàng đã làm rể mà không lạy cha mẹ vợ thì thiếp còn lòng dạ nào?
Sinh liền lạy chào. Cô gái bèn vào bếp giúp mẹ chồng nấu cơm đãi thông gia. Họ Khấu thấy thế thương xót, khi trở về liền sai hai tỳ nữ tới hầu hạ, gởi thêm trăm cân vàng, vài mươi tấm lụa, thỉnh thoảng lại tặng biếu rượu thịt, mẹ Chúc sinh trở nên dư dật. Họ Khấu cũng thỉnh thoảng gọi nàng về thăm nhà, nhưng cứ ở vài ngày thì nàng nói:
- Ở nhà không có ai, nên để con về sớm.
Nếu cố giữ lại thì nàng lãng đãng tự về. Ông Khấu xây cất nhà cửu cho Chúc sinh rất tươm tất, nhưng rốt lại sinh vẫn không hề tới nhà cha mẹ vợ.
Một hôm trong làng có người trúng độc cỏ thủy mãng chết nhưng lại sống lại, người ta đồn là chuyện lạ. Sinh nói:
- Đó là ta cứu sống đấy, y bị con ma Lý Cửu làm hại, ta đã đuổi nó đi giúp.
Mẹ hỏi:
- Sao con không tìm người khác thay thế cho mình?
Sinh đáp:
- Con rất căm thù bọn ấy đang định diệt trừ cho bằng hết, đâu lại làm như chúng. Vả lại con được thờ mẹ là vui lắm rồi, không muốn đầu thai nữa.
Từ đó về sau, những người trúng độc thường bày cỗ bàn giữa sân khấn vái sinh, đều thấy hiệu nghiệm. Trải hơn mười năm, bà mẹ qua đời, vợ chồng cũng để tang nhưng không ra tiếp khách, chỉ sai con mặc sô chống gậy làm lễ chôn cất mà thôi. Chôn cất mẹ xong, lại ở hơn hai năm rồi cưới vợ cho con, nàng dâu là cháu nội Thị lang họ Nhiệm. Trước là người thiếp của ông Nhiệm sinh được đứa con gái vài tháng thì chết, sau nghe chuyện lạ của vợ Chúc bèn sai thắng kiệu tới nhà nhận sinh làm con rể. Đến lúc ấy lại gả cháu nội cho con sinh, hai nhà qua lại nhau không dứt.
Một hôm sinh nói với con:
- Thượng đế xét ta có công với người đời nên phong làm Tứ độc Mục Long quân, nay ta đi đây.
Giây lát thấy giữa sân có bốn con ngựa thắng xe mui vàng, chân ngựa đều mọc vảy, hai vợ chồng ăn mặc đẹp đẽ bước ra cùng lên xe. Vợ chồng con trai khóc lạy đưa tiễn, trong chớp mắt đều biến mất. Hôm ấy nhà họ Khấu thấy con gái về từ giã cha mẹ, cũng nói như lời sinh. Bà Khấu khóc giữ lại nàng nói:
- Chúc lang đi trước rồi!
Rồi bước ra cửa biến mất. Con trai sinh tên Ngạc, tự Ly Trần, tới xin ông Khấu cho lấy hài cốt Tam Nương về hợp táng với sinh.
____________________________________
CHƯƠNG 21: PHƯỢNG DƯƠNG SĨ NHÂN
CHÀNG THƯ SINH ĐẤT PHƯỢNG DƯƠNG
Đệ Huynh Phu Phụ Các Tây Đông
Nguyệt Hạ Hoài Nhân Cảm Khái Trung
Điên Đảo Viễn Ly Thành Mộng Tưởng
Bất Đồng Dị Mộng Mộng Thiên Đồng
Dịch:
Anh Em Chồng Vợ Biệt Tây Đông
Dưới Nguyệt Hoài Mong Cảm Khái Chung
Điên Đảo Xa Lìa Thành Mộng Tưởng
Chẳng Cùng Đêm Mộng Mộng Sao Cùng
•
Có một người học trò ở huyện Phượng Dương (tỉnh An Huy) đi du học xa, hẹn vợ nửa năm sẽ về nhưng hơn mười tháng vẫn tuyệt vô âm tín, vợ ở nhà mỏi mòn trông đợi. Một đêm vừa mới đi nằm, thấy bóng trăng lay động trên tấm rèm che cửa sổ, càng thêm nhớ nhung. Còn đang trằn trọc thì có một cô gái đẹp cài trâm ngọc quàng khăn hồng vén rèm bước vào cười hỏi:
- Bà chị muốn gặp lang quân không?
Người vợ vội trở dậy vâng dạ.
Người đẹp rủ cùng đi, nàng ngại đường xa hiểm trở, người đẹp khuyên đừng lo rồi nắm tay đạp lên ánh trăng ra đi. Được khoảng một tầm tên, nàng thấy người đẹp đi rất mau mà mình đi chậm liền gọi bảo đợi một lát để về mang giày. Người đẹp kéo nàng ngồi xuống bên đường, cởi giày của mình đưa cho, nàng mừng rỡ mang vào, may là vừa khít, liền đứng dậy đi theo, thấy bước đi mau như bay. Giây lát thấy người học trò cưỡi ngựa trắng đi tới, nhìn thấy vợ ngạc nhiên vội xuống ngựa hỏi đi đâu, nàng đáp:
- Định đi thăm chàng!
Người học trò quay nhìn người đẹp rồi hỏi là ai, nàng chưa kịp trả lời thì người đẹp che miệng cười nói:
- Thôi đừng hỏi nữa, nương tử bôn ba tới đây không phải dễ, chàng thì rong ruổi đến nửa đêm, chắc người ngựa cũng đều mệt rồi. Nhà thiếp cách đây không xa, xin mời vào tạm nghỉ ngơi, sáng mai đi cũng không muộn.
Hai người nhìn ra thấy gần đó quả có làng xóm bèn cùng đi.
Vào một ngôi nhà, người đẹp gọi tỳ nữ dậy lo cơm nước mời khách, nói:
- Đêm nay trăng sáng không cần thắp đèn, ngồi lên sập đá trong tiểu đình cũng được.
Người học trò buộc ngựa vào cây ngô đồng rồi ngồi xuống, người đẹp nói:
- Giày to không vừa chân, trên đường chắc chị mệt lắm. Nhưng lúc về đã có con ngựa đỡ chân, cho em xin lại.
Người vợ cảm ơn, cởi giày trả lại.
Lát sau, rượu bánh bày ra, người đẹp nâng chén nói:
- Loan phượng xa nhau lâu ngày, đêm nay được sum họp, có chén rượu đục xin kính mừng!
Người học trò cũng nâng chén đáp lễ, chủ khách cười nói vui vẻ, giày dép lẫn lộn dưới sập. Người học trò cứ đăm đăm nhìn người đẹp, mấy lần buông lời đùa cợt, vợ chồng bao ngày mới gặp nhau mà không trò chuyện một lời. Người đẹp cũng liếc mắt đưa tình, thả lời nũng nịu, người vợ cứ ngồi im giả như ngu đần. Hồi lâu rượu càng ngấm, hai người trò chuyện lại càng buông thả. Người đẹp lấy chén lớn mời khách, người học trò từ chối là đã say nhưng nàng cứ ra sức nài ép. Người học trò cười nói:
- Nàng hát cho nghe một khúc, ta sẽ uống ngay.
Người đẹp không từ chối, lấy phím ngà gảy đàn cầm hát rằng:
Hoàng hôn xếp bỏ tàn son phấn
Gió lọt song the thấu lạnh da
Tiếng mưa rả rích trên tàu chuối
Vui thú nơi nao mãi xướng ca
Trông mòn con mắt chẳng thấy về a
Càng nhớ ai mà, càng hận ai mà
Vớ lấy chiếc giày gấm hoa, gieo quẻ bói ma. (*)
(*) chồng đi xa lâu chưa về, lấy chiếc giày của chồng giơ lên cao rồi gieo xuống đất để bói, giày ngửa là chồng sắp về, giày úp là không về, gọi đấy là gieo quả bói ma ( xuân vi bí hí ).
Hát xong cười nói:
- Đây là khúc hát ở đầu đường xó chợ, không đáng làm bẩn tai chàng, nhưng vì thiên hạ đang ưa chuộng nên thiếp cũng học đòi bắt chước thôi.
Giọng nói uốn éo, bộ dạng lả lơi khiến người học trò điên đảo tâm thần, như không kìm lòng được nữa. Lát sau người đẹp giả về ngủ đi ra, người học trò cũng đứng dậy đi theo, hồi lâu không trở vào, đứa tỳ nữ mỏi mệt nằm gục xuống ngủ ở hành lang. Người vợ ngồi trơ trọi một mình, trong lòng vừa buồn vừa giận không sao chịu nổi, nghĩ muốn bỏ ra về nhưng đêm tối mù mịt, lại không nhớ đường đi, băn khoăn không sao kìm lòng được bèn đứng lên ra xem. Vừa tới cạnh cửa sổ đã nghe loáng thoáng tiếng mây mưa bên trong, lại lắng nghe thì ra những gì chồng vẫn thường làm khi âu yếm với mình trong phòng đều giở ra hết. Người vợ lúc ấy tim đập mạnh, tay run bắn, chết điếng cả người, nghĩ không bằng cứ ra cửa nhảy xuống ngòi rãnh mà chết đi.
Vừa căm hờn đi ra thì thấy em trai là Tam Lang cưỡi ngựa tới, xuống ngựa hỏi han. Nàng kể lại mọi việc, Tam Lang cả giận lập tức cùng chị quay lại, vào thẳng trong nhà thì cửa phòng đã cài then nhưng vẫn nghe thấy tiếng thì thào trên giường. Tam Lang nhấc một hòn đá to bằng cái đấu ném mạnh vào cửa sổ làm gãy luôn mấy cái chấn song, nghe bên trong có tiếng kêu lớn:
- Lang quân vỡ sọ rồi, làm sao?
Nàng nghe thấy kinh hoàng khóc lớn, nói với em:
- Ta đâu có bảo ngươi giết y, làm thế nào bây giờ.
Tam Lang trợn mắt nói:
- Chị vừa khóc lóc kéo ta vào, bây giờ hả giận rồi thì lại vì chồng mà oán anh em. Ta không quen chịu sai phái như bọn tôi tớ đâu.
Rồi quay người bỏ ra. Nàng níu áo nói:
- Ngươi chẳng đưa ta về lại còn đi đâu?
Tam Lang xô chị ngã lăn xuống đất rồi bỏ đi, nàng giật mình tỉnh dậy mới biết là vừa nằm mơ.
Hôm sau quả nhiên người học trò về, cũng cưỡi con ngựa trắng, vợ kinh ngạc nhưng chưa nói gì. Người học trò kể lại giấc mơ đêm qua, những điều gặp gỡ nhất nhất đều như vợ đã nghe đã thấy, hai người đều lấy làm quái lạ. Kế Tam Lang nghe tin anh rể đi xa về cũng tới thăm hỏi, xong nói với người học trò:
- Đêm qua nằm mơ thấy anh về, nay quả đúng, thật lạ quá.
Người học trò cười nói:
- May mà ta không bị đá ném chết.
Tam Lang ngạc nhiên hỏi sao nói thế, người học trò kể lại giấc mơ, Tam Lang vô cùng kinh ngạc. Thì ra đêm qua Tam Lang cũng nằm mơ thấy gặp chị khóc lóc kể lể nên nổi giận ném đá. Ba giấc mộng khớp nhau, chỉ không biết người đẹp là ai mà thôi.
____________________________________
CHƯƠNG 22: CHÂU NHI
Sách Trái Nhân Tiên Phản Dạ Đài
Cảm Ân Hồn Hựu Phụ Thi Lai
Châu Nhi Chân Tự Châu Như Ý
Bất Cách U Minh Nhẫm Vãng Hồi
Dịch:
Khách Nợ Đòi Xong Xuống Dạ Đài
Mang Ơn Mượn Xác Phụ Hồn Thôi
Châu Nhi Thực Giống Châu Như Ý
U Hiểm Không Nề Mặc Tới Lui
•
Người dân ở Thường Châu (huyện Vũ Tiến tỉnh Giang Tô) là Lý Hóa, nhà giàu có, nhiều ruộng đất. Hơn năm mươi tuổi mà không có con trai, chỉ có một con gái tên Tiểu Huệ, mặt mũi xinh đẹp, vợ chồng rất yêu dấu. Năm cô gái mười bốn tuổi thì mắc bạo bệnh chết yểu, nhà cửa vắng vẻ, Lý không còn sinh thú mới cưới tỳ thiếp. Hơn một năm người thiếp sinh được một con trai, Lý yêu quý như châu ngọc, đặt tên là Châu nhi. Đứa nhỏ dần dần lớn lên, khôi ngô khả ái nhưng tính rất ngây ngốc, năm sáu tuổi vẫn chưa phân biệt được ngô với đậu, ăn nói thì ngơ ngẩn, Lý cũng ưa nên không ghét bỏ.
Gặp lúc có nhà sư lòa tới khuyến hóa ở chợ, biết rõ cả việc trong khuê phòng nhà người ta, mọi người đều tôn kính như thần. Sư lại nói có thể cứu sống hại chết, ban phúc giáng họa, muốn vài trăm ngàn đồng tiền cứ tìm tên mà đòi, không ai dám chậm trễ. Tới Lý khuyến hóa xin một trăm quan tiền, Lý lấy làm khó, đưa ra mười quan nhưng sư không nhận. Dần dần đưa lên thêm tới ba mươi quan, sư tức giận nói:
- Phải đủ một trăm quan, thiếu một đồng cũng không được.
Lý cũng tức giận, thu tiền lại đuổi ra, sư tức tối đứng lên nói:
- Đừng có hối hận, đừng có hối hận.
Không bao lâu Châu nhi chợt phát bệnh đau tim, lăn lộn cào cấu trên giường, mặt xám như tro. Lý sợ liền đem tám mươi quan tới chỗ nhà sư xin cứu cho, sư cười nói:
- Có được bấy nhiêu tiền quả không dễ, nhưng nhà sư trong núi thì làm được gì?
Lý về thì Châu nhi đã chết, vô cùng đau đớn bèn đưa đơn kiện lên huyện. Quan huyện cho bắt nhà sư hỏi cung, sư cũng nói đó là việc ngẫu nhiên để phân trần, quan sai đánh đòn thấy bồm bộp như đánh vào cái túi da, liền sai lục soát trong người sư, tìm được hai hình người bằng gỗ, một chiếc quan tài nhỏ, năm lá phướn con. Quan tức giận, lấy tay làm ra vẻ bắt quyết cho nhìn, sư sợ hãi bèn xin cung khai. Quan không thèm nghe, sai đánh chết luôn, Lý bèn lạy tạ ra về.
Lúc ấy trời đã sập tối, Lý và vợ đang ngồi trên giường, chợt có đứa nhỏ chập chờn bước vào phòng, nói:
- Sao cha đi mau thế? Con cố đuổi mà không kịp.
Nhìn tới vóc dáng dung mạo thì khoảng bảy tám tuổi. Lý kinh ngạc đang định gạn hỏi thì thấy nó như ẩn như hiện, chập chờn tựa làn mây mù. Lúc chập chờn nó đã lên tới giường, Lý xô xuống, nó rơi xuống đất không có tiếng động, nói:
- Sao cha lại làm thế?
Trong chớp mắt lại đã lên giường trở lại. Lý hoảng sợ dắt vợ bỏ chạy, đứa nhỏ kêu cha gọi mẹ không ngớt. Lý chạy vào phòng vợ, đóng mau cửa lại, quay lại thì đứa nhỏ đã đứng ngay dưới chân, Lý sợ quá hỏi nó định làm gì, đứa nhỏ đáp:
- Con là người Tô Châu (tỉnh Giang Tô), họ Thiềm, năm lên sáu tuổi đã mồ côi cha mẹ, anh trai chị dâu không chịu nuôi nấng nên tới ở nhà ngoại. Ngẫu nhiên chơi đùa ngoài cổng bị gã yêu tăng kia dụ dỗ giết chết dưới gốc dâu, sai khiến như ma trành, ngậm oan dưới suối vàng không được chuyển sinh. May nhờ cha trả thù cho, xin theo làm con.
Lý nói:
- Người với ma khác loài, làm sao nương tựa nhau được?
Đứa nhỏ nói:
- Chỉ xin xếp cho một gian phòng nhỏ, trong bày giường chiếu cho con nằm, mỗi ngày cho một chén cháo loãng, ngoài ra không cần gì khác.
Lý theo lời, đứa nhỏ mừng rỡ, từ đó một mình ở trong phòng riêng, ra vào ăn nói không khác gì người sống. Nghe người thiếp của Lý khóc lóc, nó hỏi Châu nhi chết đã mấy ngày rồi, người thiếp đáp bảy ngày. Đứa nhỏ nói:
- Trời đang rất lạnh, chắc xác chưa rã, xin đào mồ lên xem thử, nếu như vẫn còn nguyên vẹn thì con có thể sống lại.
Lý mừng rỡ dắt nó cùng đi, đào mồ Châu nhi lên xem thấy xác vẫn như cũ, đang còn đau xót, ngoảng lại nhìn thì đứa nhỏ đã biến mất, lấy làm lạ bèn cáng cái xác về. Vừa đặt lên giường thì mí mắt đã động đậy, giây lát đòi uống nước, uống xong ra mồ hôi đầm đìa, kế đứng lên. Mọi người mừng Châu nhi đã sống lại, lại còn thêm khôn ngoan thông minh khác hẳn ngày trước. Đến đêm lại lên giường nằm cứng đờ không có chút hơi thở nào, mọi người cùng vào xoay trở vẫn nhắm mắt nằm yên như chết, mọi người đều cả sợ cho rằng lại chết rồi.
Trời vừa sáng nó mới như tỉnh mộng, mọi người xúm lại hỏi han, đứa nhỏ đáp:
- Trước đây lúc còn theo gã yêu tăng, còn có hai đứa nhỏ khác, một đứa tên Ca Tử, vừa rồi đuổi theo cha không kịp vì nán lại phía sau chia tay Ca Tử đó thôi. Nay Ca Tử ở dưới âm ty làm con nuôi của Khương Viên ngoại, cũng được thong thả. Đêm qua nó tới chơi đùa với con, kế lấy ngựa đưa con về.
Vợ Lý nhân hỏi có thấy Châu nhi dưới âm ty không, đứa nhỏ đáp:
- Châu nhi đã đi đầu thai rồi, nó với cha không có duyên phận cha con, chẳng qua chỉ là Nghiêm Tử Phương ở Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô) tới đòi món nợ mấy trăm ngàn đồng tiền trước đây mà thôi.
Trước là Lý buôn bán ở Kim Lăng, còn thiếu tiền hàng của Nghiêm chưa trả, kế Nghiêm chết, chuyện ấy không ai hay biết. Lý nghe thấy cả sợ.
Vợ Lý bèn hỏi đứa nhỏ rằng con gặp chị Huệ không, nó đáp:
- Không biết, lần sau con xuống đó sẽ hỏi thăm.
Ba bốn hôm sau, nó nói với mẹ rằng:
- Chị Huệ dưới âm ty sung sướng lắm, làm vợ của con trai út Sở Giang vương, vàng ngọc đeo đầy người, ra cửa thì có hàng ngàn người tiền hô hậu ủng.
Vợ Lý hỏi:
- Sao nó không về thăm nhà một chuyến?
Đứa nhỏ nói:
- Kẻ đã chết thì không dính líu gì với người thân nữa, nếu có ai kể rõ chuyện kiếp trước mới nhớ lại thôi. Hôm rồi con theo Khương Viên ngoại nên được gặp chị, chị gọi con lên ngồi trên giường san hô, con nói cha mẹ đều rất nhớ nhung mà chị cứ như đang ngủ mơ. Con nói lúc chị còn sống thích thêu quả cầu kết hoa bằng lụa, lúc cắt vải bị đứt tay làm dính máu vào đó, nay mẹ còn treo ở đầu giường, thương nhớ không nguôi, chị quên rồi sao? Chị mới buồn rầu, nói sẽ thưa với lang quân xin về thăm mẹ.
Vợ Lý hỏi lúc nào, nó đáp là không biết.
Một hôm nói với mẹ rằng:
- Chị sắp về tới, có rất nhiều tùy tùng đi theo, phải chuẩn bị nhiều rượu thịt.
Giây lát nó chạy vào phòng mẹ nói:
- Chị tới rồi!
Rồi đẩy ghế ra sảnh đường nói:
- Chị hãy ngồi xuống nghỉ mệt, đừng khóc lóc.
Mọi người không ai nhìn thấy gì cả. Đứa nhỏ bảo mọi người ra đốt giấy tiền vàng bạc ngoài cổng rồi trở vào nói:
- Con đã cho những người tùy tùng tạm lui về rồi. Chị nói rằng trước đây cái chăn gấm xanh chị vẫn đắp bị lửa đèn bắn vào làm thủng một lỗ to bằng hạt đậu, nay có còn không?
Mẹ đáp:
- Vẫn còn!
Rồi lập tức mở rương lấy ra, đứa nhỏ nói:
- Chị bảo con đem trải trong phòng cũ, chị hơi mệt phải nghỉ một lúc, ngày mai sẽ lại nói chuyện với mẹ.
Có cô gái họ Triệu bên láng giềng vốn chơi thân với Huệ, đêm ấy chợt mơ thấy Huệ đội khăn mặc áo màu tía tới thăm, chuyện trò cười nói thân thiết như lúc còn sống, kế nói:
- Ta nay khác loài, giáp mặt cha mẹ mà chẳng khác nào xa cách nhau muôn núi ngàn sông, định mượn xác muội tử về trò chuyện với người nhà, xin đừng hoảng sợ.
Đến sáng nàng đang trò chuyện với mẹ chợt ngã lăn ra đất mê man, lát sau mới tỉnh, nói:
- Tiểu Huệ xa cách thím mấy năm rồi, không ngờ tóc thím đã bắt đầu bạc.
Bà Triệu hoảng sợ nói:
- Con điên rồi à?
Nàng lạy chào rồi đi ra. Bà Triệu biết là có chuyện lạ bèn đi theo, thấy nàng tới thẳng nhà Lý, vào ôm vợ Lý khóc sướt mướt, vợ Lý hoảng sợ không biết chuyện gì. Nàng nói:
- Hôm qua con về mệt quá chưa nói được câu nào. Con bất hiếu nửa đường chết đi bỏ cha mẹ lại, lại làm cha mẹ phải nhớ nhung, biết lấy gì để chuộc tội?
Mẹ sực hiểu ra bèn khóc hỏi:
- Nghe nói nay con rất quý hiển, mẹ rất được an ủi, nhưng con gởi thân ở nhà bậc vương hầu, làm sao tới được đây?
Cô gái nói:
- Chồng con rất thương yêu con, cha mẹ chồng cũng rất thương mến, nên không bị ghét bỏ gì.
Lúc Huệ còn sống hay lấy tay chống cằm, cô gái nói xong cũng làm giống hệt. Giây lát Châu nhi chạy vào nói:
- Người đón chị tới rồi!
Cô gái bèn đứng lên khóc lóc từ biệt, nói:
- Con đi đây!
Nói xong ngã lăn ra đất hồi lâu mới tỉnh.
Sau đó vài tháng, Lý mắc bệnh nặng, thuốc men gì cũng vô hiệu. Đứa nhỏ nói:
- Sợ trong sớm tối sẽ khó cứu, có hai con quỷ ngồi ở đầu giường cha, một đứa cầm gậy, một đứa cầm dây dài bốn năm thước, con đã đêm ngày năn nỉ mà chúng không đi.
Mẹ khóc chuẩn bị đồ liệm, đến tối thì đứa nhỏ bước vào nói:
Đàn bà con gái tránh ra hết, anh rể tới thăm cha đấy.
Giây lát lại vỗ tay cười lớn mẹ hỏi vì sao, nó đáp:
Con cười hai con quỷ nghe nói anh rể tới đều rúc vào gầm giường như con rùa rụt đầu.
Lát sau lại thấy nó nhìn lên trời nói chuyện, hỏi thăm anh rể khỏe không, kế vỗ tay nói:
Hai thằng quỷ kia, ta năn nỉ không chịu đi bây giờ thật hả dạ.
Rồi đi ra cổng, kế quay vào nói:
- Anh rể đi rồi, hai con quỷ bị bắt buộc sau yên ngựa, chắc cha không sao đâu. Anh rể nói trở về sẽ thưa với Đại vương xin cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi.
Cả nhà đều mừng rỡ.
Đến đêm thì Lý đỡ bệnh, qua vài ngày thì khỏi hẳn. Bèn rước thầy về dạy học cho, đứa nhỏ rất thông minh, mười tám tuổi được vào học trường huyện, vẫn thường nói chuyện dưới âm ty. Thấy trong làng có ai bị bệnh thì chỉ rõ nơi ma quỷ trốn núp, lấy lửa thiêu đất, ai cũng khỏi bệnh. Về sau nó bị bệnh nặng, người sưng phù lên, da chỗ xanh chỗ tím, tự nói là quỷ thần phạt ta về tội tiết lộ chuyện âm ty, từ đó trở đi không nói gì nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro