Liêu Trai Chí Dị
Tình Hoa
Ðình Nguyên
Thân là một thi sĩ có tài nhưng đa đoan. Thời còn trẻ, tuổi mới hơn hai mươi, nhân lúc bàn chuyện với anh em trong nghề, bởi nghĩ rằng họ chưa biết, chưa tin ở tài năng mình, Thân về gom góp hết tài sản, bán rẻ đi, rồi lấy tiền này in 5,000 cuốn thơ của riêng mình. Lúc ấy, chàng tin tưởng chỉ sau một thời gian phát hành, tập thơ sẽ tạo cho mình một tiếng tăm tốt hơn và tiền bán thơ được hy vọng sẽ đủ vốn đã bỏ ra...
Tủi thay, chỉ vì bốc đồng mà nông nổi... Tập thơ của Thân in xong chẳng thấy ma nào rớ tới. Còn những tập dành riêng để tặng bạn bè, họ đọc hay không không biết nhưng chỉ khen vài câu chiếu lệ rồi im luôn, chẳng một ai buồn viết một bài, dù ngắn ngủi, để loan tin trên mặt báo về tập thơ, làm như nó chưa từng được in ra.
Buồn đời, lại bị gia đình cằn nhằn về chuyện dám đem hết tài sản để đổi lấy một chút phù phiếm. Thân thường bỏ đi đây đó luôn. Bất cứ ai, không kể thân sơ, hễ có bụng liên tài, đánh tiếng mời là chàng tới ngay.
Lúc ấy, về phía thượng lưu sông Cửu Long cũng có một thi sĩ bất đắc chí, trở thành ngư dân, biết tiếng Thân qua bạn bè, chàng ngư dân - nhà thơ ấy gởi thư mời. Nhận được thư, Thân lên đường ngay.
Nơi ở của chủ nhân là một huyện biên giới, thuộc vùng đất mà dòng Mê-Kông chia làm hai nhánh chảy vào miền đồng bằng lớn. Thân đã từng đi khắp các tỉnh đồng bằng nhưng chưa tới đây bao giờ nên cũng thấy thích thú trước thiên nhiên khoáng đạt và hoang dã.
"Những con sông kiêu hãnh!" Chàng nghĩ vậy khi đứng soi mình bên bờ dòng sông lớn, cuốn cuộn một màu nước đượm phù sa. Sau đó, khi được gia chủ đón tiếp nồng hậu, Thân quyết định là sẽ lưu lại đây chơi một thời gian vô hạn định.
Họ nhanh chóng trở thành đôi bạn ý hợp tâm đầu. Hằng ngày, Thân theo bạn xuống một chiếc ghe nhỏ, mang theo cả ngư cụ lẫn... "văn cụ", rồi cứ vậy, khi chèo ngược dòng Hậu Giang, lúc lại thả xuôi. Khi buông chài, thả lưới, lúc lại ngâm thơ uống rượu. Trong hành trang của Thân, chàng có đem theo cả chục tập thơ đã in của mình làm quà và chàng ngư dân thi sĩ kia cũng có hàng trăm bài thơ đã sáng tác trong suốt những ngày lênh đênh trên sóng nước. Họ ngâm thơ nhau, bình thơ nhau, lúc lắng lại thâm trầm, khi đắc ý cười vang ha hả. Trên chiếc ghe nhỏ ấy, một tình bạn, một không khí như của một thời nào đó đang sống lại. Thời mà văn chương còn được trọng vọng. Những ám ảnh ngoài đời với chợ văn chương xô bồ không lọt được đến đấy.
Dù vậy, sống mãi trên sông nước cũng có phần tù túng. Một hôm, nhân khi người bạn neo ghe vào một khc vắng để ngủ trưa, Thân len lén bỏ lên bờ. Chàng định ngoạn cảnh một lát rồi quay lại nên không cho bạn hay...
Nơi Thân bước lên thật vắng vẻ. Một con đường nhỏ chạy vòng vèo theo bờ sông. Không gian u tịch thỉnh thoảng lại vút lên một vài tiếng chim lạ trong những tàng cây không cao lắm nhưng rậm rạp.
Men theo con đường một đoạn, Thân bỗng ngạc nhiên khi thấy thấp thoáng có hai bóng áo hồng trước mắt. Chàng vội rảo bước và nhận ra đó là hai thiếu nữ qua dáng đi thướt tha, uyển chuyển của họ. Qua một khúc quanh, có cảm tưởng như họ đã thật gần thế nhưng dù Thân gắng đi thật nhanh nhưng vẫn không đuổi kịp. Con đường dần xa hẳn với bờ sông nhưng Thân chẳng còn quan tâm. Chàng chỉ muốn đuổi kịp hai cô gái kia để nhìn mặt họ mà qua dáng đi chàng đoán chừng họ khá đẹp.
Lại qua một khúc rẽ nữa và nhờ gần như chạy theo nên Thân đã đến được sau lưng hai cô gái. Thân thầm ngạc nhiên không biết con nhà ai lại đi vào nơi vắng vẻ này. Hai cô gái cũng đã nghe tiếng chân nên quay đầu nhìn lại, nhưng khi thấy đó là một người đàn ông họ lại vội rảo bước. Thân đánh liều gọi:
- Hai cô, hai cô ơi. Cho tôi hỏi thăm chút!
Chàng nghe một cô nói:
- Chị Hai! Cái ông khách lạ này kỳ cục thiệt. Không quen biết mà cũng kêu réo người ta.
Nhưng Thân đã mê mẩn vì vẻ đẹp của cô con gái lớn lúc nàng quay đầu nhìn lại nên lì lợm bám theo và bước thật nhanh. Qua những quãng đường hẹp, tới một đoạn đường khá rộng, chàng liền vượt lên và đi ngang hàng với họ. Thấy hai cô gái nhìn tránh đi, có vẻ ngại ngùng, chàng phân trần:
- Tôi quả đúng là khách lạ. Nhân đến chơi với một người bạn, thấy đây phong cảnh hữu tình nên mới quanh quẩn dạo chơi. Thật may mắn là gặp được hai cô. Xin hai cô cho phép tôi được hỏi con đường nhỏ này sẽ dẫn về đâu?
- Ðường này sẽ dẫn về thôn Phù Dung, nơi đó cũng là nơi ngụ của gia đình chúng tôi!
Cô gái lớn cất tiếng trả lời. Chưa bao giờ Thân được nghe giọng nói êm ái dường ấy. Chàng say sưa ngắm vẻ đẹp của gương mặt ửng hồng, nhất là làn da mịn màng đến khó tin ở họ. Ðường thì vắng, lại chỉ có chàng với hai người nên chàng không mấy e dè.
Chuyện trò xã giao một lát, thấy hai cô gái cũng vui vẻ, Thân kể là mình không có ai quen biết ở vùng này nhưng rất muốn đến thăm thôn Phù Dung (?). Chàng ngạc nhiên khi thấy họ mau chóng mời mình ghé lại nhà họ chơi.
- Chúng tôi là hai chị em ruột và chúng tôi đang ở cùng với mẹ.
Vượt qua quãng đường rộng lại đến một khúc quanh hẹp cây lá um tùm. Ðến trước một cái cổng bằng cây đơn sơ, cô gái lớn bảo:
- Ðây đã thuộc địa phận thôn Phù Dung. Nhà chúng tôi đã gần!
Họ bước qua cổng và trước mắt Thân hiện ra một thôn nhỏ chừng năm bảy nóc nhà nhỏ nhắn, mái lợp bằng lá. Lạ một điều là những mái lá ấy màu xanh, hình như ở đây họ lợp nhà bằng một loại lá nào đó khác hẳn lá dừa hay tranh.
Không khí tĩnh mịch bao trùm lên cả thôn. Thấp thoáng đằng sau khung cửa những bóng áo hồng lay động.
Hai cô gái dừng lại trước cổng một căn nhà nằm gần giữa thôn. Cô em, Thân đoán chừng 15-16 tuổi gọi:
- Mẹ ơi ! Chúng con đã về. Mà nhà mình còn có khách nữa!
Cánh cửa từ từ mở ra và một bà lão bước ra đón họ. Thân ngạc nhiên khi thấy bà lão cũng mặc áo màu hồng giống như hai cô con gái, nhưng điều chàng kinh ngạc hơn hết là dù bà cụ đã già nhưng khuôn mặt vẫn còn rất trẻ với làn da cực mịn như một loại đồ sứ đắt tiền. Thấy chàng lễ phép cúi chào, bà cũng đáp lại rồi hỏi:
- Ai đây các con ?
- Dạ, đây là người khách đi ngoạn cảnh, muốn thăm thôn chúng ta!
- Ðược rồi. Các con mời khách vào nhà. Người đã có lòng đến thăm, chúng ta phải có lòng tiếp đãi!
Nghe những lời nói giản dị, chân tình nhưng hầu như đã mất hẳn ngoài cuộc đời ấy, Thân cứ ngỡ mình đang rơi vào một giấc mơ hoặc là đang đi lạc vào một xứ sở huyền thoại. Nhưng bà cụ đã giục khách vào nhà. Trong nhà bày biện đơn sơ nhưng tất cả vật dụng đều xinh xắn. Hai cô con gái lụi vào nhà sau còn lại bà cụ ngồi tiếp khách. Cụ bảo:
- Ðã lâu lắm rồi nhà không có khách viếng. Mà thôn này cũng vậy. Nếu cháu không chê gia cảnh bần hàn, hãy ở lại chơi cho thong thả. Thôn chúng tôi tuy nghèo nhưng không hẹp lượng với khách bao giờ.
Thân cực kỳ khoan khoái trong lòng. Với chàng lúc ấy, đó có lẽ là những lời nói quý giá nhất.
Bữa cơm chiều được dọn ra. Chỉ có cơm trắng với rau xanh nhưng Thân ăn ngon miệng hơn cả khi ăn trong những nhà hàng sang trọng. Bà lão cùng hai cô con gái ngồi ăn với khách không một chút câu nệ. Một không khí ấm cúng bao trùm lên câu chuyện của họ. Và Thân cảm thấy nao lòng, chàng cơ hồ quên đi tất cả trước sóng tình không giấu được giữa chàng và cô con gái lớn.
Chàng xin phép được ở lại chơi. Bà lão bảo:
- Già không hẹp lòng được. Ðể bé Hai đem quần áo sạch cho cháu thay đổi! Và cũng nói để cháu biết, thôn chúng tôi có lệ ngủ rất sớm. Mặt trời lặn là đã ngủ say. Nếu ở lại cháu cũng phải theo lệ ấy!
Dù rất đỗi lạ lùng, Thân cũng thưa là mình sẽ làm đúng như những gì bà lão dạy. Bà cụ có vẻ hài lòng. Rồi bà gọi:
- Bé Hai, bé Ba! Ðem quần áo cho khách, chuẩn bị thay áo rồi đi ngủ!
Thân nghe hai tiếng "dạ" rất thanh tao vang lên. Lát sau, hai cô gái bước ra. Họ đều đã thay y phục đỏ rực và cũng mang ra cho chàng một bồ đồ như vậy. Bà cụ bảo:
Bé Hai, con hướng dẫn khách về phòng còn bé Ba giúp mẹ thay áo, chúng ta đi ngủ thôi! Cháu ngủ cho ngon nhé!
Thân bồi hồi theo cô gái về phòng mình. Nàng chỉ cho Thân một căn phòng nhỏ rồi rút lui nhanh chóng đến mỗi chàng chưa kịp nói một lời. Ðó là một căn phòng nhỏ, bốn vách đều kết bằng lá xanh. Nhưng Thân không quan sát được lâu hơn. Cửa phòng tự nhiên khép lại và một cơn buồn ngủ ập tới, Thân chỉ còn kịp nằm lăn ra giường...
Sáng hôm sau những bước chân nhẹ nhàng đánh thức Thân dậy. Một thau nước sạch đã để sẵn cho chàng rửa mặt. Khi Thân đã chỉnh tề bước ra nhà khách, đã thấy bà cụ ngồi nhai trầu bỏm bẻm và hai cô con gái đã ngồi vào khung cửi, một loại khung dệt vải rất đơn sơ mà chàng từ lâu đã không còn thấy. Lại một điều khiến Thân kinh ngạc. Cả ba mẹ con cụ đã mặc vào người những bộ đồ toàn màu trắng tinh khiết. Thân được mời uống trà. Trà ngon và hương vị rất thanh. Thân cảm thấy tâm hồn lâng lâng như vừa làm xong một bài thơ ưng ý.
- Ðây là một làng dệt - Bà cụ nói với khách - chúng tôi vẫn cố giữ nghề truyền thống của tổ tiên dù bây giờ chỉ còn lại mấy gia đình.
Hai cô con gái vẫn đưa thoi thoăn thoắt. Thân xin phép đi ngoạn cảnh nhưng ngang nhà nào cũng đều thấy mọi người bận bịu, chàng lại quay về với một nhận xét là có lẽ ở thôn Phù Dung này mọi người đều mặc đồng phục!
Trưa hôm ấy Thân lại bổ sung thêm cho nhận xét ấy là không những họ mặc đồng phục mà còn mặc đồng phục theo giờ. Hình như buổi sáng sớm là lúc mọi người phải mặc y phục màu trắng, trưa màu hồng phấn còn chiều, trước lúc ngủ mặc màu đỏ tươi.
Tối hôm ấy, Thân đã có một chủ định. Khi cô con gái lớn một lần nữa đưa chàng đến trước cửa phòng, chàng liều lĩnh nắm thật chặt tay nàng rồi nói nhanh:
- Anh thương em quá. Thương ngay từ giây phút đầu tiên. Em xin phép mẹ cho anh được ở lại đây luôn nghen!
Cô gái hoảng hốt rút nhanh tay lại nhưng vì chàng nắm quá chặt nên nàng năn nỉ:
- Ðừng anh! Buông tay em ra. Mẹ rầy chết!
Chàng đành buông ra một cách tiếc rẻ. Da thịt nàng mịn màng và mát rượi. Nàng bỗng nói:
- Em hiểu lòng anh lắm. Nhưng mọi sự là do mẹ quyết định. Anh hãy thưa lên cùng mẹ. Nhưng hai ta khác nhau nhiều lắm!
- Anh chưa bận bịu gia đình. Anh sẽ ở đây vĩnh viễn cùng em. Ðây chính là nơi anh hằng mong ước được sống để tránh xa chốn đô hội phù phiếm ngoài kia! Chàng hùng hồn nhưng thành thật.
- Anh không hiểu hết được đâu! Nàng trả lời một cách bí ẩn - Nhưng em không thể nói chuyện lâu với anh được vào giờ này. Em phải về phòng mình.
Nàng chạy vụt đi. Thân nghe lòng bồi hồi vì nghĩ chắc khó mà ngủ được vì những cơn sóng tình đang cuồn cuộn trong lòng. Thế nhưng vừa nằm xuống giường là mắt chàng đã díp lại ngay.
Ngay hôm sau, chàng đem nỗi lòng mình thưa lên bà cụ. Cụ bảo:
- Ta già rồi. Có được chàng rể như cháu hẳn là có phúc. Nhưng không biết rồi đây mọi chuyện sẽ ra sao!
Nhưng rồi thấy chàng năn nỉ quá mà cô con gái lớn cũng quyến luyến, bà cụ nhận lời cầu hôn. Lòng Thân tràn ngập một cảm giác hạnh phúc chưa từng có dù là lúc đó, với một chút lý trí còn lại, chàng vẫn biết mình đang rơi vào cơn mê muội hay hoang tưởng trong vùng đất của ảo giác?
Họ bắt đầu chuẩn bị cho hôn lễ, thế nhưng ngày hạnh phúc nhất ấy chưa đến thì đã xảy ra một biến cố. Một buổi sáng sớm, vừa thức dậy, Thân đã thấy trước cửa xôn xao mấy người hàng xóm. Họ đang bàn luận một điều gì đó mà mặt bà lão biến sắc còn vị hôn thê của chàng nước mắt đầm đìa. Khi những người hàng xóm vừa về, bà cụ kêu chàng đến ngay và bảo:
- Không thể được rồi. Xin cháu hãy trở về nơi trước kia cháu đã đến đây. Tai họa sắp giáng xuống thôn chúng tôi vì chuyện này. Ta rất buồn nhưng không thể còn cách nào khác hơn!
- Tai họa? Tai họa nào? Xin bác vì cháu mà đừng xua đuổi. Cháu sẽ chết mất nếu phải về với cuộc sống ngoài kia. Sẽ không thể nào chịu đựng nổi khi phải xa cách bé Hai!
- Cháu không hiểu hết hậu quả của việc này đâu. Ta rất tiếc nhưng cuộc hôn nhân này sẽ không thành được. Bé Hai, con hãy đưa khách về giúp mẹ!
Cô gái lớn nước mắt lưng tròng kéo tay chàng bảo:
- Nếu thương em, thương mẹ, anh hãy về ngay. Em cũng yêu anh ngay từ ngày đầu nhưng bây giờ thì hết rồi. Dù anh về, em ở lại cũng như đã chết đi mà thôi!
- Tại sao anh phải về khi anh tự nguyện ở lại đây? Anh không hiểu? Chàng nghẹn ngào.
- Rồi anh sẽ hiểu khi về đến nơi anh đã ra đi! Còn ngay bây giờ, không còn cách nào khác. Anh phải rời khỏi đây ngay để cứu mẹ con em, cứu thôn Phù Dung này!
Thấy nàng quá khổ tâm nhưng vẫn cương quyết như vậy nên Thân đành từ biệt bà cụ, cô em gái nhỏ rồi cùng bé Hai lên đường. Ðến trước cổng làng, nàng bảo:
- Chúng ta chia tay ở đây thôi. Mong anh hạnh phúc!
- Không! Chàng ôm chặt lấy nàng, phút giây ấy chàng lờ mờ hiểu nàng không thuộc về thế giới con người đầy hệ lụy - Anh van em, anh chưa bao giờ có hạnh phúc nơi anh đã sinh ra và sẽ không bao giờ tìm được nó khi đã mất em. Hãy cho phép anh trở lại!
- Anh ơi! Hãy thông cảm cho em. Ðiều này là không thể. Cả gia đình em, cả thôn Phù Dung chắc sẽ bị tàn sát nếu chấp thuận anh. Anh mau về đi. Em cũng không sống được vì thiếu anh đâu!
Nàng móc trong túi áo trao cho chàng một vật gì đó đã gói kín và bảo:
- Ðây là tình yêu của em, là trái tim đã thuộc về chàng!
Nói xong nàng khóc ngất lên và thật bất ngờ xô mạnh vai chàng. Thân thấy mình té nhào vào một bụi rậm và lọt qua bên kia. Chàng vội đứng lên, tìm gọi nàng nhưng không còn thấy nàng đâu nữa. Bốn bề hoang vắng. Nơi họ đứng chuyện trò khóc lóc lúc nãy chẳng thấy chiếc cổng làng nào bằng gỗ mà chỉ thấy một cây đa, cành lá và rễ phụ um tùm.
Chợt nghe tiếng lao xao từ phía sau, chàng vội ngoảnh lại. Cách chàng một khoảng rất xa có nhiều người đang làm một việc gì đó giống như họ đang phát rẫy. Chàng vội vạch cây lá đi về hướng đó và khi đã khá gần chàng nghe họ vừa phát cây, bụi rậm vừa gọi tên chàng í ới.
- Tôi đây! Chàng la lên.
- A! Ðây rồi!
Họ mừng rỡ xúm ngay lại. Có cả người bạn của chàng. Ai cũng tranh nhau hỏi mấy ngày nay chàng đã đi và ở những đâu? Và làm sao quay về được?
Chàng chỉ trả lời qua loa rồi theo bạn trở về. Ðến nhà chàng mới kể hết tất cả cho người bạn nghe. Anh ta bảo:
- Nghe giống chuyện liêu trai quá. Hay là tại anh đi lạc mấy ngày nên đói lả mà sinh ra ảo giác?
- Không, tất cả đều rõ ràng như chúng ta đang ngồi nói chuyện ở đây. Thậm chí nàng còn tặng tôi một kỷ vật nữa.
Chàng vừa nói vừa móc cái gói mà nàng trao lúc chia tay. Họ mở ra. Trong ấy là một đóa Phù Dung vẫn còn tươi roi rói.
Người bạn sững sờ. Dù anh ta vẫn không tin lắm nhưng cả anh ta lẫn mọi người, không ai có thể giải thích được là tại sao Thân đi lạc đã mấy ngày mà thần thái vẫn không thay đổi, y phục vẫn chỉnh tề?
Mấy hôm sau, hai người quyết định đi tìm lại nơi mà Thân đã gặp hai cô gái kia. Họ chỉ thấy toàn là lau sậy và bụi rậm bạt ngàn. Người bạn muốn trở về nhưng Thân nhất định phải tìm cho ra nơi mà chàng vẫn tin là có thật kia. Chợt chàng nhìn thấy ngọn của cây đa và cứ nhắm hướng ấy mà xông tới, người bạn thơ đành theo sát phía sau. Họ vượt qua một số bụi rậm bên kia gốc đa và nhìn thấy một khoảng đất bằng phẳng. Trong khoảng đất ấy, có năm bụi Phù Dung tươi tốt mà bụi nào cũng đang nở hoa. Lúc ấy đã gần trưa nên những cánh Phù Dung đã đổi từ màu trắng sang phơn phớt hồng.
Thân lặng người. Chàng tiến đến một gốc Phù Dung ở giữa. Gốc Phù Dung ấy do ba cây nhỏ hợp thành nhưng chỉ có hai cây đang ra hoa còn một cây héo rũ như vừa bị chết!
Thân và người bạn thơ thẩn một hồi rồi buồn bã quay về. Cả ngày chàng lấy đóa Phù Dung kỷ vật ra ngắm. Nó dần dần héo đi và hôm sau rã ra từng cánh khi tay chàng chạm đến...
Mấy ngày sau, qua một bô lão trong làng, Thân được biết cách bờ sông này chừng một cây số, hai mươi năm trước có một làng nhỏ sống bằng nghề dệt truyền thống. Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, làng dệt phải sơ tán nhưng vẫn còn mấy gia đình ở lại. Rồi một hôm, một đám quân Pôn Pốt khát máu đã vượt biên giới, tiến vào tàn sát cả làng, mà phần lớn chỉ còn toàn phụ nữ và trẻ em. Câu chuyện ấy càng làm cho Thân buồn hơn, chàng liền từ giã bạn. Hành trang trở về của Thân chỉ có một cuốn sổ, dùng làm bản thảo chép thơ. Trong cuốn sổ ấy, giữa những bài thơ buồn là những cánh Phù Dung đã héo
2.Bèo Mây
Ðinh Bảng
Cách đây không lâu lắm thành phố C. còn có một nhánh sông cắt ngang. Dù chỉ là một nhánh sông cụt và nhánh phụ của con sông Cái nhưng vì chảy ngang qua thị thành nó đã trở thành một nơi chốn thần tiên cho cả tuổi thơ lẫn những đôi lứa đang kỳ hò hẹn. Dọc theo bờ sông mọc đầy cây bần là bãi tắm tuyệt vời nhất cho những đứa trẻ trong thành phố những buổi chiều. Sau đó, một vài người đến cất những căn nhà lá nhỏ ngay trên mặt sông để làm nơi sinh sống. Họ là những người nghèo khổ, tha phương cầu thực chớ không phải là dân bản địa và vì không tiền mua đất, họ phải làm liều dù ai cũng biết rằng khu đất ấy là đất công...
Thế nhưng, thành phố dần phát triển, đất hẹp người đông, nhu cầu về chỗ ở ngày một cao đã làm cho mỗi tấc đất trở thành tấc vàng thật sự. Vậy là những cái đầu thực dụng nhìn thấy nhánh sông chảy băng qua thành phố cùng với bãi bờ của nó cả một diện tích rộng nếu được lấp đầy. Cũng không khó gì lắm để ra đời một chỉ thị. Lập kế hoạch thổi cát từ sông Cái lên lấp nhánh sông "không cần thiết" để tạo ra một mặt bằng rộng dùng cho việc lập chợ, kinh doanh. Xung quanh câu chuyện trên có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cũng không ai phản đối gì vì những người cư ngụ dọc theo hai bờ sông đều là dân sống bất hợp pháp. Tôi có một người bạn tên Hưng, kỹ sư xây dựng cũng được huy động vào công việc xây cất này, chính anh đã kể cho tôi nghe một câu chuyện khá lạ lùng...
Trước kia chúng tôi đã từng chơi với nhau khá thân, từng học chung một lớp suốt thời tiểu học và có những chiều hè rủ nhau ra bờ sông vừa tắm vừa chơi trò đuổi bắt. Cuộc sống biến đổi thật nhanh, quả là không ngờ vài chục năm sau chính Hưng lại tham gia vào chuyện lấp đi những kỷ niệm của chính mình...
Hưng kể, vì được chỉ thị phải làm thật nhanh kể từ ngày có lệnh xây dựng một thí điểm, số công nhân và kỹ sư gần như phải làm suốt ba ca. Có đêm, Hưng phải ngủ lại. Một đêm kia, sau một chầu bia tối kéo dài tận khuya, anh thức dậy và thấy mình ngủ một mình trên võng buộc tạm vào lan can chiếc cầu mà họ dự tính sẽ cho giật sập trong tuần tới vì dòng sông bên dưới đang cạn dần...
Chầu nhậu làm Hưng khát khô cổ và cảm thấy thèm thuốc nhưng trong túi không có sẵn hộp quẹt. Bỗng dưng Hưng nghe có tiếng thì thầm nho nhỏ như có ai đó đang trò chuyện. Anh dụi mắt, bước ra khỏi võng và vô cùng ngạc nhiên khi thấy nơi bến sông trước mặt, có một dãy ghe nhỏ che mui kín đang đậu. Từ những chiếc ghe nhỏ ấy, phát ra tiếng rì rầm và có cả ánh sáng yếu ớt của những chiếc đèn hột vịt. Dù rất ngạc nhiên vì nhánh sông ngoài kia đã gần như bị bít để thổi cát vào, những căn nhà dọc bờ sông đã giải tỏa và ghe xuồng không cách nào vào được nhánh sông nhưng không hiểu sao lúc ấy Hưng vẫn trỗi dậy, bước ra khỏi võng và đi lần xuống bến với ý nghĩ xin mồi thuốc.
Dưới bến có chừng năm bảy chiếc ghe đang neo đậu và tất cả hầu như đều chưa ngủ. Hưng bước tới chiếc ghe gần nhất và dưới ánh trăng anh nhìn thấy một ông cụ mặc bộ bà ba nâu, đầu chít khăn rằn đang ngồi đốt thuốc bên chiếc hỏa lò nhỏ le lói ánh than hồng.
- Chào bác! Hưng cất tiếng.
Ông cụ gật đầu đáp lại nhưng không nói gì với khách. Hưng bước đến gần hơn và nói:
- Bác cho cháu mồi nhờ điếu thuốc...
- Ðược, cậu cứ lên đây. Ông già đã lên tiếng.
Hưng bước lên mũi ghe. Chiếc ghe khá nhỏ và nó chao mạnh khi anh chuẩn bị ngồi xuống.
- Bác thức khuya quá. Cháu ngủ gần đây, nghe tiếng trò chuyện nên cháu mới...
- Ngồi hút thuốc uống nước cho vui đi cậu. Gia đình chúng tôi cùng mấy bà con quanh đây sắp sửa dời đi nhưng còn đợi con nước.
Rồi ông quay nhìn vô trong mui, lên tiếng:
- Lục Bình, con đem thêm gói trà cho cha mời khách.
Hưng hơi tò mò nhìn theo ánh mắt ông lão. Ông thấy trong khoang ghe được ngăn lại bằng một tấm màn vải kẻ ca rô mà người nhà quê ưa dùng. Từ trong ấy có một cô gái vén màn chui ra. Cô gái một tay cầm gói trà còn tay kia vén tóc lại cho gọn gàng và khẽ gật đầu chào khách. Hưng bàng hoàng. Dù ánh trăng không tỏ lắm nhưng anh cũng kịp nhận ra là cô gái quá đẹp. Bộ đồ ba bà màu xanh lá tuy rộng nhưng vẫn nhìn rõ một vóc dáng thanh thoát, rất ít gặp ở những cô gái con nhà thương hồ. Không hiểu sao Hưng lại chăm chú nhìn cô như vậy, thậm chí anh còn nhận thấy hình như gương mặt cô gái có một nét u buồn sâu kín. Khi cô lui vào trong khoang ghe, khuất sau tấm màn. Hưng nghe như có tiếng đối đáp nho nhỏ giữa cô gái cùng một người khác nữa.
Chiếc ấm trên hỏa lò bắt đầu sôi và ông lão nhắc ra, rót nước sôi vào một chiếc ấm đất màu gan gà. Vẫn nghe thấy tiếng người thì thầm, Hưng đánh bạo hỏi:
- Xóm ghe mình hôm nay thức khuya để dời đi đâu hả bác?
Mắt ông lão dường như tối lại:
- Cả xóm đã bàn nhau nhưng chưa biết là sẽ đi đâu. Chúng tôi đã định cư đây bao đời rồi, giờ thật là khổ.
Tiếng thì thầm trong khoang ghe bỗng chuyển thành tiếng nức nở, ông lão bảo Hưng:
- Thôi, uống nước đi cháu. Chúng tôi cũng sắp sửa nhổ sào.
Rồi ông quay vô, trầm giọng.
- Chuẩn bị đi bà ơi. Ông hắng giọng, nói thêm - Còn con Lục Bình, cha đã nói là phận bọt bèo của mình, đành phải chịu. Sao còn thương cảm hoài vậy!
Không dằn lòng được nữa, Hưng hỏi:
- Cô nhà có chuyện chi mà không vui vậy bác?
- À, Lục Bình là con gái út nhà tui. Chỉ còn mình nó là chưa lập gia đình. Trước đây chúng tui có hứa hôn với họ Hà. Thế nhưng gần đây không hiểu sao đất đai nhà cửa của dòng họ ấy bỗng bị mất sạch. Cha con ly tán, họ hàng thất lạc. Thằng con rể tương lai cũng bị vạ lây. Giờ đây, chúng tôi cũng phải ra đi. Chuyện nhơn duyên lỡ dở như vậy nên mấy ngày nay con Lục Bình nó khóc lóc hoài. Cả hai vợ chồng tui khuyên can mấy cũng chưa vơi...
Hưng rùng mình. Tự dưng anh liên tưởng đến công việc của mình trong không khí huyền ảo chín phần hư chỉ có một phần thực này. Anh uống vội ngụm nước rồi từ giã ông cụ. Khi anh đã bước lên bờ, dưới ánh trăng huyền hoặc, Hưng vẫn nhìn thấy thân hình nhỏ bé buồn bã của ông cụ in đậm trên nền của hàng cây và bên tai Hưng vẫn vang lên tiếng nức nở của người con gái...
Sáng hôm sau, Hưng tỉnh lại khi có người lay vai mình. Ðó là một anh công nhân đến sớm. Hưng bàng hoàng thấy mình nằm ngủ ngay trên thành cây cầu sắp sửa bị phá đi, cách xa chiếc võng của mình chừng mười mét. Anh chàng công nhân trẻ cười:
- Hồi đêm xỉn dữ hả anh Hưng? Về không tới võng mà...
Hưng ngồi dậy, anh tư lự tựa vào lan can cầu nhìn xuống dòng sông đang cạn. Dưới ấy, từng đám lục bình đang theo con nước đẩy đưa giạt dần về phía dòng sông Cái. Có một khóm lục bình nhỏ còn vướng vào chân cầu vì nước đã cạn lắm. Hưng đi vòng xuống bến, gỡ cánh bèo và nhẹ nhàng đẩy nó ra xa, nhập vào đám lục bình lớn trước con mắt ngạc nhiên của người công nhân trẻ...
Chúng tôi ngồi bên nhau trong công viên bên bờ sông. Trước mặt tôi những cánh bèo vẫn giạt từng đám trong con nước kiệt, giọng Hưng bùi ngùi : "Sau đó mình xin chuyển công tác. Mình cảm thấy như có gì đó sai lắm, và như thể có lỗi với tuổi thơ của mình. Và còn một lý do nữa, đó là nỗi ám ảnh không nguôi về cái đêm nửa hư nửa thực ấy. Mình vẫn nhớ rất rõ cô gái ấy tên là Lục Bình, vẫn nhớ màu áo xanh cô ấy lay động dưới ánh trăng khi đem gói trà ra, nhớ rất rõ ánh mắt buồn của ông cụ, cả cách nói chơn chất như người vùng quê cách đây vài chục năm, cùng tiếng nức nở của cô con gái và câu chuyện lạ lùng về dòng họ Hà bị xiêu tán, nó cũng giống như một lời cảnh tỉnh..."
Ðêm đó khi chúng tôi trở về, Hưng chở tôi chạy ngang qua khu đô thị mới. Dòng sông xưa giờ đã mất tích. Chỗ chiếc cầu đá mà cách đây hai mươi năm chúng tôi còn thi nhau leo lên rồi nhảy ùm xuống dòng nước mát gần như không còn có thể nhận ra. Thay vào đó là những tiếng nhạc xập xình phát ra từ các quán cà phê mới đang thi nhau mở hết công suất...
3.Người đẹp đông phương
Trọng Miên
Cách đây mấy năm, chúng tôi còn là một lũ học sinh ở trọ một căn gác tại Hà Nội. Một buổi tối thứ bảy trời mưa, chúng tôi ngồi nói chuyện đoán đến cách chết của mỗi người sau này.
Phát nói một cách khôi hài:
- Chắc chắn rằng mau hay lâu đây tôi cũng thua một trận oanh liệt với mấy đạo quân vi trùng lao đã một năm nay đi dạo trong phổi tôi.
- Tôi có thể tin ở bệnh đau ruột của mình.
Sau lời ý, đến tôi.
Thanh, họa sĩ nói:
- Tôi chết vì đàn bà.
Hạ cười:
- Thật không?
Thanh ngừng một lúc rồi thong thả:
- Không, tôi sẽ gãy đổ vì nghệ thuật.
Sự sống và cuộc đời đưa chúng tôi về một nơi xa khác nhau. Năm năm sau, tôi gặp Nam, Cử nhân luật ở Sài Gòn. Nam rủ tôi cùng đi ăn cơm tối. Khi tôi tỏ ý hỏi thăm các bạn cũ còn ở Hà Nội, thì Nam nói:
- Bây giờ họ không còn đủ hết đâu!
- Tại sao thế?
- Mấy người đều theo đúng lời bàn đoán trước của họ. Anh còn nhớ buổi tối chúng ta nói đến cách chết của mỗi người sau này?
- Phải, nhớ lắm. Nửa năm sau đó tôi về đây, rồi trôi dạt khắp nơi đến nay gặp anh.
- à, Phát là người đi trước, sáu tháng sau, hắn chết lúc gần kỳ thi.
- Chúng ta cả thảy là sáu - ba đứa đều đi theo mỗi cách chết riêng. ý thì lẽ tất nhiên vì bệnh đau ruột. Tứ thì vỡ não vì quá trụy lạc. Thần chết cũng chiều theo ý muốn của người đấy chứ!
- Còn Thanh họa sĩ thì thế nào?
- Thanh đã theo đúng lời hơn hết trong bọn chúng ta. Hắn gẫy đổ vì đàn bà và nghệ thuật.
- Hắn chết vì đàn bà?
- Đã mấy tháng nay Thanh ở trong nhà thương điên, thuộc vào hạng không chữa được. Người thiếu nữ làm kiểu mẫu của Thanh tan ra vì khoái lạc, dưới những cái hôn nồng cháy của hắn rồi bốc lên não làm cho hắn thành điên.
- Tôi tưởng Nam nên khôi hài một lúc khác thì hơn.
- Không, tôi có khôi hài đâu, sự thật là thế. Nam khẩy tàn thuốc, gọi thêm một cốc rượu rồi nói:
- Câu chuyện tóm tắt như tôi đã nói với anh: một thiếu nữ trẻ, đẹp chừng hai nghìn tuổi, mà Thanh vẽ rồi yêu, tan ra vì khoái lạc trong lúc Thanh âu yếm. Vì thế mà Thanh trở nên điên. Hết! Nhưng nếu muốn rõ ràng, tôi có thể kể lại cho anh nghe.
Rồi Nam thong thả tiếp theo:
- Lúc anh từ giã Hà Nội, bốn tháng sau Thanh đến vẽ cho "Cổ viện á Đông". Tìm một họa sĩ chuyên về lối phương Đông như Thanh không phải dễ dàng. Thanh là một thiên tài và cũng vì thế mới đưa hắn vào nhà điên.
Độ ấy viên hội trưởng "Cổ viện á đông" có mua được một thứ đồ cổ rất quý, ở miền bắc á châu, không thể định giá được là bao nhiêu, vì trên mặt đất này chẳng có một vật thứ hai như thế. Đó là một khối nước đá lớn, đã mấy nghìn năm nay đựng một người đẹp còn giữ được thân thể nguyên vẹn nằm trong đó.
Việc chở "Người đẹp Đông phương" về rất khó khăn. Cái phòng làm chỗ ở cho người đàn bà lại khác lạ lắm. Một tòa nhà hai mươi thước bề cao, bốn mươi thước bề ngang và khá dài. "Cổ viện á Đông" muốn giữ được vẻ đặc biệt, cho "Người đẹp Đông phương" ở một căn phòng xây dưới đất, cả một tháp nước đá, mà nhờ các máy, khí hậu ở đây luôn luôn giá lạnh. Hai lớp cửa sắt phủ nước đá phía trong ngăn cách một gian phòng ấm áp ở ngoài. ánh đèn khí đặt rất khôn khéo chiếu sáng cái tháp mùa đông.
Ai muốn vào xem "Người đẹp Đông phương" thì phải có giấy phép của viên hội trưởng "Cổ viện á Đông". Thế rồi một người đến, và sự gặp gỡ này tai hại cho cả hai.
Thanh là người đã được chứng kiến lúc rước người đẹp đến. Nhân dịp này, có người chụp vài tấm hình về cuộc đón tiếp, nhưng hư hỏng gần hết, vì tảng nước đá phản ánh sáng, một người đàn bà bị thay đổi, như ở trong một tấm kính trá dạng. Bởi thế viên hội trưởng nhờ Thanh vẽ nàng để gửi bức tranh ấy qua trường Bác Cổ Pháp. Thanh nhận lời.
Thế rồi một sự dị thường đi qua tâm trí Thanh. Về sau các người canh giữ nhà nước đá nói rằng lúc đầu họ không thấy gì lạ trong các cử chỉ của Thanh, nhưng mấy ngày cuối cùng phải để ý vì thấy có khi họa sĩ ngồi yên hàng giờ, mắt chăm chú vào người đẹp, không vẽ một nét. Một hôm lạnh, tay cầm bút họa run, Thanh thôi, và cũng vẽ xong một bức chứa chan tài nghệ.
Trong mấy ngày trước khi thôi vẽ, Thanh nói với mấy người canh giữ ra ở phòng trước. Ban đầu họ không lấy làm lạ và cho là lòng tử tế của họa sĩ muốn được ở gian ngoài ấm áp hơn là gần khối nước đá lạnh lẽo. Thanh còn cho họ tiền riêng để họ mặc yên một mình họa sĩ. Hai lần, ở căn phòng trước, họ nghe tiếng nói trong gian phòng nước đá, và nhận ra là giọng của Thanh.
Về độ này, một hôm Thanh nói chuyện cùng viên hội trưởng mượn các thìa khoá trong gian phòng để người đẹp. Thanh muốn vẽ một bức tranh lớn về nàng và cần phải được luôn luôn tự do vô ra. Theo trường hợp khác thì Thanh đã được nhận lời, nhưng trong lúc ấy, cử chỉ của Thanh và cách yêu cầu có vẻ khác thường làm cho viên hội trưởng nghi nan liền từ chối một cách lịch thiệp. Thanh run người lên, nói vài câu vô nghĩa rồi vội vã ra ngoài, không chào nữa. Lẽ tất nhiên thái độ lạ lùng ấy làm cho viên hội trưởng thêm nghi ngờ. Ông ta bảo cùng những người canh giữ "Cổ viện á Đông" không được để một người nào vào gian phòng nước đá nếu chẳng có giấy phép có chữ ký của ông ta.
Sau đó có tin ở Cổ viện rằng có người định đánh đuổi tên canh gác để vào trong tháp nước đá. Người ấy không ai khác hơn là Thanh. Ông hội trưởng hay tin, tìm đến nhà Thanh gặp lúc Thanh đang ngồi trước đồ vẽ, mặt úp trong hai tay. Thấy khó cắt nghĩa về việc đã xẩy ra, Thanh lễ phép mời viên hội trưởng đi ngay khỏi căn phòng mà Thanh là chủ nhân. Thấy họa sĩ có vẻ kỳ dị, ông nhún vai ra về và đặt thêm ba ống khóa bí mật ở cửa phòng "Người đẹp Đông phương" và giữ chìa khóa trong tủ sắt ở buồng giấy riêng. Trong ba tháng, không có sự gì xẩy ra. Mỗi tuần hai lần viên hội trưởng cùng hai người canh giữ coi về các máy lạnh tự mình vào thăm người đẹp.
Mỗi ngày, Thanh vào phòng họa nhưng không làm việc nữa, nước thuốc khô lại, bút vẽ bừa bãi không rửa. Có lúc, Thanh ngồi hàng giờ trước giá vẽ hay là đi lui tới luôn trong phòng không nghỉ. Cách nửa tháng, một buổi khuya, tôi gặp Thanh trong một tiệm cà phê bán sáng đêm. Lạnh lùng bơ phờ, Thanh bắt tay tôi, chỉ nói một câu:
- Tôi mới bán ba bức tranh cho một người Pháp được gần một ngàn đồng.
Rồi im lặng ngồi nhìn tách cà phê đậm đen cho đến lúc trời hừng sáng, Thanh đứng dậy nhìn tôi cười gượng đầy cả buồn rầu ra về.
Vắng Thanh khá lâu, một hôm tôi đọc thấy trên báo rằng Thanh và đồng lõa, một người thợ khóa, và tên canh giữ "Cổ viện á Đông" bị truy tố. Người thợ khóa có tiền án trốn thoát; tên canh giữ bị bắt thú nhận hết: Thanh năn nỉ nếu hắn ngủ yên trong đêm phiên gác thì sẽ cho một trăm đồng. Được món tiền lớn hắn nhận lời. Lúc chín giờ tối Thanh đến Cổ viện với một người thợ khóa, tên canh giữ mở cửa cho hai người vào phòng giấy của viên hội trưởng.
Tên thợ khóa mở cửa vào, rồi đem ra thử đủ các kiểu thìa khóa để mở tủ sắt. Hắn không phải khó nhọc lắm, vì ống khóa tủ sắt làm theo một kiểu xưa, Thanh lấy mấy cái thìa khóa để trong đó và đóng lại. Rồi cả ba người vào trong Cổ viện mở các ống khóa bí mật ở tòa nước đá để vào văn phòng trước.
Thanh bảo tên canh giữ đốt củi ở lò sưởi cho được ấm áp rồi bày thuốc màu và đồ vẽ đem theo. Thanh đưa cho tên canh giữ số tiền đã hẹn và cho tên thợ khóa ba chục rồi bảo đi ra để yên một mình Thanh. Hai đứa ra uống rượu mừng được món tiền lớn, rồi người thợ khóa đi, tên canh giữ ngả ra ngủ cho đến sáng.
Tình cờ ngày sau lại gặp hôm viên hội trưởng đến thăm người đẹp. Thấy cánh cửa sắt khóa ở trong, ông cho tìm một người thợ khóa và báo tin cùng sở cảnh sát. Sau một giờ phá, cạy, cái cửa sắt nặng rơi rầm xuống trong gian phòng ngoài. Một mùi thối ghê gớm hắt vào mặt bắt họ muốn nhào lui, long óc. Viên hội trưởng bịt mũi bằng khăn tay, chạy vào thì thấy khối nước đá đã tan vỡ và ở phía giữa, người đẹp biến mất.
Thình lình trong góc, một giọng rền rĩ, than vãn nghe như không phải là tiếng của người. Thanh đang cựa quậy trong đống nước đá bị ướp lạnh đến nửa người. Mặt và hai tay đầy máu, mình mặc sơ mi và quần áo rách hư. Hai con mắt của Thanh như lìa ra khỏi sọ dừa, nước bọt chảy đầy cả miệng. Người ta đem Thanh ra khỏi nơi này rất khó khăn. Trả lời cho những câu hỏi, Thanh chỉ lập cập nói không đâu. Khi muốn đưa Thanh ra căn phòng trước thì hắn la hét và vùng vẫy chống cự lại. Bốn người phải giữ lấy Thanh nhưng lúc đem ra gần cửa phía ngoài thì hắn giật thoát được, với một tiếng hét ghê gớm rồi chạy vào một góc trong xa. Một sự giày vò điên cuồng đưa lại cho cái thân hình đã giá cứng một sức mạnh lạ thường khiến những người canh gác phải bắt trói chân tay Thanh lại, khiêng đi như một con vật. Ra đến trước cửa Thanh còn cố gỡ thoát ra với một tiếng kêu rùng rợn, rồi rơi xuống đất, đầu gối trên một tảng nước đá, bất tỉnh.
Người ta mới chở Thanh vào nhà thương và ở đây, cách ba tháng sau, đưa vào nhà điên. Tôi có đến thăm Thanh một lần trông thảm hại quá. Hai lỗ tai và bàn tay mặt cứng giá lại, độ mười lăm phút, thì một cơn ho dữ dội làm run rẩy cả mình Thanh. Sau một đêm ghê rợn trong gian phòng nước đá, Thanh chẳng có một lúc yên. Một cơn mê sảng ghê gớm giày vò hắn cả ngày lẫn đêm.
Tôi sôi nổi giục Nam.
- Nhưng mà trong đêm đó tại "Cổ viện á Đông" đã xẩy ra những gì?
- Tôi đã hết sức chú ý, thu nhặt đến những tài liệu gần như vô ích để đi tới sự hiểu biết rõ ràng. Tôi sục sạo những tranh vẽ, các hộc bàn của Thanh; ở đây, một nét vẽ, chỗ kia một hàng chữ, cắt nghĩa cho tôi biết thấu những dây tơ tưởng, những giấc mơ của Thanh. Có lẽ tôi phải nghĩ ra nhiều trường hợp nữa, nhưng tôi chắc không đến nỗi phải lầm.
Nguyễn Thanh là một người khác thường. Thanh đi trên cuộc đời với một giấc mơ trong tâm hồn. Đối với Thanh cái gì rồi cũng ra tro bụi trong nháy mắt, cái xác con chó chết thối tha bên đường cũng như hình ảnh người đàn bà đẹp nhất bằng xương bằng thịt. Thanh muốn sự không bao giờ có thực hiện. Phải có một cái đẹp nữa, đứng trên cả thời gian và không gian: sự bất diệt.
Và sự vô vọng ấy đã thành sự thật: nhà nghệ sĩ đã tìm được nàng bất diệt, "Người đẹp Đông phương" - Một người đàn bà đẹp, đã sống mấy ngàn năm trước đây ở một góc trời á đến làm kiểu mẫu cho Thanh. Nàng đã đặt mình nằm trên sức mạnh của thời gian để gặp Thanh. Nàng đã chết. Nhưng cần gì? Thanh nói thế, dẫu nàng chết đi rồi, sao Thanh lại không có thể yêu? Người xưa đã yêu một pho tượng đá và pho tượng đã cảm động hóa ra người. Người đẹp phương Đông đã thắng được sức mạnh của thời gian trong khi loài người tiêu tan trở về với cát bụi. Nhà nghệ sĩ theo đuổi sự bất tử liền ôm ấp lấy sự phi thường ấy.
Cứ mỗi lần Thanh đến ở Cổ viện để vẽ người đẹp, thì trong hồn càng in sâu bức tranh tượng trưng sự thắng lợi của sắc đẹp trên thời gian. Và bởi đây, trí tưởng điên cuồng của nhà nghệ sĩ đã nẩy nở ra cái hoa đẹp nhất mà không bao giờ một người trần gian nào được hưởng: ái tình và Nghệ thuật hòa nhịp đời đời. Nhưng mà không phải Thanh vẽ người yêu ở trong khối óc đá. Nàng phải được tự do nằm ở gần chàng. Dưới chân nàng thời gian giết hại bất lực quỳ trước nhan sắc thắng thế.
ý nghĩ đem nàng ra khỏi khối nước đá ăn sâu trong tâm hồn Thanh và những sự khó khăn phải gặp chỉ làm cho Thanh thêm bồng bột muốn đi ngay đến định tưởng. Với số tiền đã bán được mấy bức tranh, Thanh đưa cho tên canh giữ và người thợ khóa, Thanh có thể thực hiện được ý muốn. Trong thời kỳ viên hội trưởng cấm không cho Thanh vào Cổ viện, sự ước muốn gần người đẹp càng sôi nổi trong đầu óc Thanh. Và chàng đã tìm đến "Người đẹp Đông phương".
Trong khối nước đá, nàng như muốn đi ra với Thanh. Hai mắt người đẹp như chăm chú nhìn Thanh, bàn tay nàng như ra dấu trước sự mờ loạn của Thanh.
Chàng rút cái rìu nhỏ đem theo trong túi ra bắt đầu làm việc.
Nhưng với một vật nhỏ như thế không phải là dễ dàng, Thanh đã phải làm việc rất lâu. Từng lúc người đẹp như thúc giục chàng với đôi mắt xanh biếc.
- Gắng lên, người yêu của em! Chỉ trong chốc lát là em sẽ ở trong tay anh!
Bốn bề nước đá vỡ vớt ra từng mảng. Thanh phá mãi, và bồng được người đẹp ra ở phòng ngoài ấm áp và tiếng nổ trong lò sưởi như hát một điệu nhạc lạ lùng.
Nhẹ nhàng, Thanh đặt nàng trên ghế dài rồi bắt đầu vẽ. Với một sự sôi nổi dị thường, một cảm hứng kỳ lạ, Thanh đặt hết thiên tài vào tác phẩm của mình. Trong khi ấy, lửa ở lò sưởi cháy rực làm không khí trong phòng trở nên nóng bức. Mồ hôi nhỏ giọt ở trán, Thanh tưởng là sự kích thích của linh hứng đã làm cho chàng nóng nảy nên cởi áo ngoài ra mặc sơ mi để vẽ.
Có phải môi nàng đã cử động không? Thanh chăm chú nhìn nàng, môi dưới của người đẹp như thoáng một nét cười. Thanh dụi mắt tưởng mình lầm lạc. Nhưng tay nàng se sẽ cử động như tỏ dấu cho Thanh lại. Thanh vứt bút vẽ vội vàng đến bên nàng. Chàng quỳ xuống, nắm lấy bàn tay xinh đẹp in mấy làn gân xanh nhạt Nàng để yên cho Thanh. Chàng ấp vào bàn tay, ngẩng đầu lên nhìn rồi ngả mình vào lòng nàng, nhắm mắt hôn má, môi, cổ, làn ngực trắng nõn nà.
Xác thịt tan rữa, hôi nồng nặc dính vào người Thanh. Chàng lùi vài bước. Những nét đẹp mất dần... Một mùi thối ghê gớm, không thể chịu nổi lấn át Thanh và theo hơi nóng của lửa càng tăng thêm. Xác người đàn bà đẹp chảy ra. Trước mắt Thanh, một cảnh tượng khủng khiếp đi sâu vào trí não chàng: thời gian, cái vĩ đại tàn ác trả thù.
Thanh muốn trốn thoát, chạy ra cửa... nhưng thìa khóa đâu? Trong lúc ấy, Thanh không còn lý trí nữa. Chàng đánh đầu đến chảy máu, nhưng cửa sắt vẫn đóng chặt. Và cứ mỗi lúc cảnh rùng rợn càng tăng thêm. Thanh cảm thấy mùi thịt rữa nát bấu cắn lấy mũi, miệng chàng. Thanh hét lên như một con vật bị cắn họng, chàng đâm mình vào trong phòng nước đá rồi ngồi yên trong một góc mặc cho sự hối hận vò xé, đay nghiến.
Và đây, ta thấy con người bé nhỏ rồ dại tưởng có thể giãy đạp thời gian ở dưới chân.
4.Internet Cafe
Bàn Tải Cân
Internet là một phương tiện truyền thông thời cổ, phát triển rất mạnh vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi mốt. Ông Vương Yến Ngọc, ban tôi, nhà sử học tình dục thường nói: "Những gì tốt lành từ Internet đều là mạo nhận vậy". Ông Phùng Tất Đắc, chủ bút tờ "Chó Chết Chẹt" cũng có cùng chủ kiến: "Internet chỉ giỏi phục vụ công nghiệp tình dục, lừa đảo và cờ bạc mà thôi". Riêng bản thân tôi nhận thấy rằng ngày xưa đã từng có thời kỳ mà Internet quán - tục gọi là Internet Cafe, được mở tràn lan ở các nước thứ ba. Chúng không những gây tác hại lớn đối với bản sắc văn hoá dân tộc, làm ảnh hưởng trầm trọng đến thuần phong mỹ tục mà còn chính là môi trường vô cùng thuận lợi để ma quỉ hoành hành và tác oai tác quái. Câu chuyện dưới đây do tôi tình cờ lượm được trong một xó xỉnh của mạng Internet cổ, âu cũng có thể coi là một trong những ví dụ điển hình về tác hại của nó vậy.
Xưa ở Hà thành có bần sĩ họ Phạm tên Thiềm, nhưng sinh nhằm năm Kỷ Tuất nên còn có tên gọi là Phạm Tuất Sinh, làm nghề tự do, quê ở Hào Nam, thân mình nở nang cao lớn, da trắng mặt đẹp, chỗ kín có nhiều nốt ruồi đỏ. Sinh vốn khiếu văn thơ ca hát, bản tính lại hào hoa phong nhã, hết sức nịnh đầm nên rất được phụ nữ thương yêu quí cảm. Đặc biệt mông Sinh thường ngày vẫn tiết ra một thứ hương lạ, vô cùng kỳ dị, đàn ông dính phải thì nóng bụng sốt ruột, đau óc váng đầu, đàn bà ngửi lâu thì sảng khoái đê mê, tâm thần dễ chịu. Có điều thứ hương này hoàn toàn không mùi không vị, nên nữ giới cứ gần Sinh là lúng liếng lả lơi mà chẳng hiểu nguyên nhân nguồn gốc, còn các bậc chính nhân quân tử thấy Sinh sát gái như nam châm hút nước thì ghen tức mà kháo nhau rằng Sinh lạm dụng bùa ngải để quyến rũ nữ nhân vậy.
Nhân tết Đoan ngọ năm Canh Hợi Sinh đi chơi đền chùa, khi qua chân cầu Cương Châu chợt thấy một ông già khăn xếp áo dài, đầu tóc gọn gàng mà lông miệng rậm rạp, ngồi bên cạnh một chiếc máy in cổ kính nối mạng, thiên hạ xúm quanh xem rất đông. Sinh tò mò vươn cổ chen chân, thấy ông già đang coi bói cho khách, chính xác đến độ những chuyện trăm năm sau vẫn có thể kể ra vanh vách, không sai một chi tiết. Tất thẩy đều xì xào sợ hãi khâm phục. Sinh thấy thú vị quá bèn xếp hàng bỏ tiền xin một quẻ cầu may, nào ngờ lúc máy in ra lá số, chỉ thấy ông già cau mắt nhíu mày, hai tai giật giật, miệng lẩm bẩm: "Số này nghèo hèn mà phú quí, tình này dâm dục mà đoan trang, mệnh này đoản thọ mà trường sinh, thật là phá cách không sao hiểu được!". Sinh sốt ruột gặng hỏi, ông già bèn nói: "Nếu chỉ coi bằng lá số thôi thì chưa đủ, xin thí chủ cho xem toàn bộ nhân diện cùng thân dạng" - Nói đoạn kêu Sinh cởi bỏ hoàn toàn y phục, Sinh bất đắc dĩ phải nghe theo. Thiên hạ thấy sự kỳ lạ hiếm có, kháo nhau kéo đến xem đông như kiến. Ông già vừa ngắm vừa ngửi Sinh rất kỹ càng, chốc lại ngửa mặt lên trời lấy ngón tay bấm bấm, chừng độ một giờ ba khắc sau mới lắc đầu mà phán rằng: "Năm nay bản mệnh rất mờ mà tinh hoa lại phát tiết hết ra hai quả mông rồi, xác suất tử nạn trong 6 tháng đầu năm đạt 47%, trong sáu tháng cuối năm đạt 54%, tổng là 101% nên chắc chắn không thoát khỏi nạn kiếp, vậy xin thí chủ liệu đường mà lo trước hậu sự". Nói xong ông già tắt máy rút điện rũ tay phủi áo đứng dậy ra về, ai hỏi cũng không nói thêm câu nào nữa. Nên nhớ thời đó chuyện tướng số tử vi kinh dịch tử bình phong thuỷ bấm độn vẫn bị coi là mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học. Sinh là người cứng bóng vía, lại có chút học vấn sơ khai nên coi những lời ông già nói chỉ là đồng cốt mê sảng không đáng tin mà quên bẵng đi.
Tháng ba năm đó kinh tế toàn cầu suy thoái, Phạm Tuất Sinh lâm vào cảnh túng thiếu, thường phải ăn chịu ở quán cơm bụi gần nhà. Mụ chủ quán cơm tên là Tồn Như Liên, ước chừng hai mươi bốn tuổi sáu tháng rưỡi, tuy không còn trẻ trung gì nhưng cũng thuộc loại lả lơi nhan sắc. Như Liên vốn cảm cái hương lạ của Sinh mỗi khi Sinh đến ăn chịu nên chẳng buồn để ý đến chuyện đòi tiền cơm nước, lại còn nhân lúc vắng khách buông lời ong bướm gạ gẫm: "Cậu mà chịu đồng sàng thì bao nhiêu nợ nần cơm bụi tôi hứa sẽ một tay xoá một tay tẩy mà bỏ hết, lại còn ngày ngày cơm rượu ba bữa, đồng thời sẽ kiếm cho cậu một việc làm an nhàn mà ổn định". Sinh cả mừng, từ đấy sống cùng Như Liên già nhân ngãi non vợ chồng, nghĩa cơm bụi tình gối chăn xem ra rất đằm thắm. Thứ hương lạ phát ra từ mông Sinh chính là sợi dây vô hình nối kết tình cảm giữa hai người vậy.
Như Liên có cậu em vợ làm nghề vi tính, mở một quán Internet Cafe rất khang trang ở ngay đầu Giảng Võ, bèn giới thiệu để Sinh vào làm phục vụ. Công việc của Sinh là đếm giờ thu tiền, pha cà phê nước chanh chè Dilmah, mời chào học sinh choai choai tây ba lô khách vãng lai. Lúc rảnh ít khách Sinh cũng tranh thủ ngồi tập toẹ sử dụng Internet, nào ngờ bản tính vốn thông minh nên tiếp thu rất nhanh. Sinh lại tự đọc sách thiết kế được web site riêng cho quán, có khả năng thoả mãn các yêu cầu kín đáo riêng tư của khách hàng nên được chủ quán rất tín nhiệm. Có điều Sinh trở nên mê Internet như điếu đổ, ngày nào không trực tuyến độ dăm ba tiếng đồng hồ là cơ thể bứt rứt không sao chịu được. Đến giữa tháng năm Sinh đã trở thành cao thủ có tiếng về tìm kiếm thông tin thiết kế lập trình viết thư hội thoại tán gẫu, trình độ giả tên đổi giống cũng đã đến độ xuất quỉ nhập thần. Đêm đêm Sinh thường hay lang thang khắp Internet trêu chọc tán tỉnh hẹn hò lăng nhăng, tự cảm thấy vô cùng thi vị.
Một đêm gió mưa tầm tã, Internet quán chẳng có mống khách nào, Sinh mắc màn ngủ sớm. Nửa đêm tỉnh dậy đi tiểu, Sinh tranh thủ bật máy định tán gẫu một lát cho vui, nhưng lạ thay kết nối vào đâu cũng thấy vắng ngắt như chùa Bà Đanh, chờ đến đầu canh ba mới thấy có nick hoamai, hành tung lạ lùng, thoắt ẩn thoắt hiện như là ma vậy. Sinh cả mừng bắn tin chào hỏi, gõ phím tanh tách. Nói chuyện hồi lâu thấy hoamai tâm đầu ý hợp lắm, cảm thấy nàng đáng yêu vô cùng, cách hành văn lại thỏ thẻ yểu điệu nhẹ nhàng như thục nữ còn trinh. Sinh cao hứng quá không còn kìm giữ được nữa, bao nhiêu tài lẻ đều phun ra hết, lăn chuột thành ảnh đẹp, xuất phím thành thơ hay. Hoamai cũng hưởng ứng nhiệt tình, ngợi khen nức nở, nhận được thơ Sinh gửi bao giờ cũng hồi âm phúc đáp, mà lời lẽ ý tứ của nàng thường thâm thuý sâu sắc hơn hẳn, nhưng vẫn tỏ vẻ khiêm cung nhún nhường để Sinh khỏi hổ thẹn. Cứ thế hàng đêm Sinh cùng mỹ nhân làm thơ xướng hoạ, thật là mãn nguyện lắm lắm. Cũng từ đó lúc nào Sinh cũng ngơ ngác như người mất hồn, chẳng buồn làm việc gì, cả ngày chỉ rạo rực chờ đến đầu canh ba để được tâm tình cùng hoamai, thật là chưa thấy dung nhan mà đã cảm nhau đến tận chân tơ kẽ tóc vậy.
Thời gian thấm thoắt, chốc đà chớm thu, Hà thành đã vào tiết mưa ngâu rồi. Nhân một đêm mưa dầm, hội thoại cùng hoamai trên mạng, Sinh thu hết can đảm mà gạn hỏi nàng về thân thế: "Nàng tên là Phí Hoa Mai, tuổi tròn mười bẩy chân dài ngực săn thì ta biết rồi. Chỉ buồn vì nàng dứt khoát không cho thấy ngọc diện, cương quyết chẳng cho nghe ngọc âm. Chắc chỉ coi ta như vật giải sầu trong thế giới ảo thôi chăng?". Hoa Mai bị Sinh hỏi dồn, biết giấu cũng không được đành gạt lệ nói: "Việc đã đến nước này là do chàng ép thiếp đấy. Thiếp ra ở riêng ba tháng nay rồi, nhà cuối khu Văn Điển, sau Đài hoá thân...". Sinh là người nhạy cảm, nghe nói đã có ý ngờ rằng nàng là ma, nhưng để chắc chắn Sinh vẫn nhấc phone gọi đến số điện thoại nàng cho để thẩm định lại. Quả nhiên người nhà thông báo Phí Hoa Mai bị cảm phong trúng gió trong khi mở cửa sổ chatting, trong vòng mười phút quên mất không thở nên đã tạ thế đúng vào đầu canh ba, cách đây tròn ba tháng rồi.
Tuất Sinh nghe vậy thì bi luỵ lắm, hôm sau bèn xin nghỉ phép đến thắp hương bên mộ chí của nàng ở Văn Điển mà lầm rầm khấn rằng: "Hôm nay trời nhẹ mây trôi, Tuất Sinh cảm khái đến ngồi thắp hương, buồn thay môi đỏ má hường, hồng nhan bạc mệnh xót thương vô cùng...". Đang lúc nước mắt lã chã bỗng đâu có trận gió cuốn cờ xảy đến, cát bụi mịt mờ, Sinh thoảng ngửi thấy có mùi son phấn Hàn quốc cùng trầm hương hoà quện ngào ngạt, lại thấy chập chờn có bóng thiếu nữ áo trắng từ trong mộ chí lãng đãng lại gần ôm lấy đầu Sinh mà thơm vào trán. Trong chốc lát cảnh vật trở lại yên ắng như không có chuyện gì xẩy ra. Sinh bần thần chạy ra cổng nghĩa trang trả tiền gửi vé lấy xe phóng về, đến nhà soi gương đã thấy trên đầu có một chiếc mụn lớn, kích thước bằng hạt lạc, mọc ngay giữa trán.
Tồn Như Liên bình sinh vốn thích nặn mụn với trứng cá, ngặt vì bấy lâu nay Sinh được ăn uống no đủ, chăn gối thoả thuê, kem dưỡng da và sữa rửa mặt lại dùng toàn của hãng có tên tuổi nên nước da nhẵn bóng mịn màng tựa như làn da của trẻ nhỏ vậy, dù là cố tình bới lông tìm vết cũng không bói nổi một chiếc mụn con nào. Nay Như Liên thấy trán Sinh mọc mụn to tướng thì cả mừng, âu yếm đè ngửa Sinh ra salon định nặn bóp cho đã đời, cho phọt ra hết cả nhân lẫn mủ. Nào ngờ lúc vừa chạm nhẹ vào chiếc mụn thì người Sinh bỗng như bị điện giật, các cơ vòng co duỗi liên hồi, mắt đờ đẫn vô hồn trợn ngược, mép sùi bọt trắng xoá. Như Liên kinh hãi vội dìu Sinh lên giường ủ chăn đắp mền, tận tình chăm sóc đến tận đầu canh ba Sinh mới dần hồi tỉnh. Từ đó Sinh trở nên sợ hãi không dám cho ai sờ vào mụn nhọt của mình, mà Như Liên cũng cạch chẳng bao giờ dám nặn trứng cá cho người khác phái nữa.
Chiếc mụn mọc trên trán Sinh ngày nhỏ mà mềm mại, đêm to mà cứng ngắc, đặc biệt cứ sau nửa đêm khoảng đầu canh ba thì to đúng bằng hột vịt lộn lòng đào, cương lên khiến đầu Sinh đau buốt không thể tả. Một đêm đau quá không chịu được, Sinh liều mình một tay chuẩn bị bông gạc tẩm xianua thuỷ ngân để sát trùng, một tay dùng dao cạo khứa mạnh. Tưởng rằng sẽ tung ra một đống máu mủ trắng đỏ lẫn lộn, nào ngờ chỉ cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng lâng lâng bay bổng, mà từ vết thương có một con bướm nhỏ bay ra, đôi cánh một chiếc xanh một chiếc đỏ trông vô cùng ngoạn mục. Sinh ngạc nhiên nhìn kỹ thì thấy thân bướm là một thiếu nữ tí hon đang khoả thân, cơ thể có đầy đủ các bộ phận như người lớn mà lại cân đối tuyệt đẹp. Con bướm như có vẻ e thẹn ngượng ngùng mà khép cánh che các chỗ kín lại, rồi thoắt cái bỗng to lên như thiếu nữ trưởng thành, khuôn mặt cực kỳ khả ái, cao chừng thước bẩy nặng sáu mươi cân. Cánh trái cuốn dưới đùi biến thành chiếc quần bò ngố màu xanh nước biển, cánh phải che trên ngực biến ra chiếc coóc-xê lụa đỏ màu cam rất đẹp. Sinh biết ngay là Hoa Mai hiển linh, bèn cầm tay âu yếm cười cười nói nói, trước cũng thăm hỏi dăm câu cho lịch sự, sau là đưa nhau lên giường mà đồng sàng giao hoan. Thật là thoả thuê mãn nguyện, bẩy mươi hai thế phượng rồng chẳng thế nào mà chưa từng thử qua vài ba lượt.
Sinh cùng Hoa Mai làm xong việc lớn, nghỉ ngơi uống nước cho đến khi có tiếng gà con gáy lảnh lót, chợt thấy Hoa Mai rùng mình, cơ thể biến đổi lạ lùng, chiếc cooc-xê lụa đỏ màu cam tung ra biến thành chiếc cánh màu đỏ bên phải, quần bò ngố mùa xanh nước biển tụt xuống thành chiếc cánh màu xanh bên trái, trong chốc lát Hoa Mai lại trở thành con bướm tuyệt đẹp chấp chới đôi cánh xanh đỏ mà bay dính vào trán Sinh tạo thành chiếc mụn lớn. Từ đó mỗi khi vắng vẻ Hoa Mai lại bay ra cùng Sinh tình tự, đôi lứa rất là tâm đắc. Có điều sau mỗi lần cùng nàng Sinh thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi, tựa như nguyên khí bị suy kiệt tổn hao rất nhiều vậy.
Một lần nhân việc đi mua linh kiện nâng cấp máy cho Internet Cafe, Sinh rủ Tồn Như Liên qua lại cầu Cương Châu, thấy ông già xem bói đầu tóc gọn gàng mà lông miệng rậm rạp vẫn đang ngồi đó. Nhớ lại hồi đầu năm Tết Đoan ngọ mất tiền oan, lại phải làm trò đùa khoả thân giữa trời cho thiên hạ cười cợt, Sinh căm tức lắm, bèn rẽ đám đông bước vào chào hỏi: "Cụ ạ, nhờ trước được cụ bói cho một quẻ mà bây giờ những gì cụ không nói đều linh nghiệm cả, thật là ơn này không biết lấy gì mà đền đáp". Nói xong Sinh đặt lễ một tập đô-la tiền âm phủ, vái hai vái rồi lui ra, trong dạ rất lấy làm đắc chí. Nào ngờ chỉ thấy ông già nhẹ nhàng chỉ tay vào mặt Sinh rồi chậm rãi nói: "Tiếc thay, chết đến nơi rồi mà không chịu hối", lại quay sang Như Liên bảo: "Nàng phải sống với hạng người này âu cũng là duyên nợ tiền kiếp mà thôi, liệu mà về sắm sửa hậu sự cho hắn thật chu đáo". Nói đoạn cầm tập đô-la âm phủ Sinh đưa xé tan làm ngàn mảnh, tung lên trời hoá ra một đàn nhặng xanh vo ve hồi lâu rồi bay đi mất.
Đến đầu tháng chín năm đó Sinh bắt đầu ngã bệnh, thoạt đầu chỉ thấy hoa mắt nhức đầu, mỏi xương đau khớp. Sau bệnh tình ngày càng nặng, sức lực cạn kiệt, hàng ngày chăn gối cùng Như Liên không quá nổi ba lần, hơn nữa mỗi khi đồng sàng, chiếc mụn trên trán lại sưng tấy đỏ ửng, đau nhức như trăm ngàn mũi kim chọc thẳng vào não bộ khiến cho cuộc truy hoan cũng không được trọn vẹn hoàn mỹ. Đến độ trung tuần tháng mười thì căn bệnh phát ra nhiều biểu hiện kỳ dị với các triệu chứng lâm sàng đặc biệt lạ lùng, thí dụ cứ đêm ngủ là đồng tử con ngươi lại giãn rộng, hoặc sáng sớm ngủ dậy là lại cảm thấy buồn đi tiểu. Những triệu chứng như vậy khiến các bác sĩ giỏi ở các bệnh viện lớn cũng không thể nắm bắt được nguyên nhân nguồn cơn của gốc bệnh chứ chưa nói gì đến việc chữa chạy. Như Liên vô cùng lo lắng, nhưng lần nào đưa Sinh vào viện cũng đều bị trả về gia đình nên nàng chẳng biết phải giải quyết thế nào.
Một đêm đầu canh ba, con bướm Phí Hoa Mai lại bay ra đòi giao hợp. Sinh rền rĩ cáo ốm. Hoa Mai không chịu, cứ thế khoả thân lên giường mà nằm. Sinh sợ nguy đến sức khoẻ, lấy tay ẩn nàng ra. Hoa Mai vừa thẹn vừa tức, bèn dùng móng tay mổ toang bụng dưới của Sinh, dễ dàng như ta dùng dao mổ trâu giết gà vậy, bao nhiêu lòng dạ tung ra hết. Hoa Mai chỉ vào đôi quả nhỏ màu trắng, dính vào nhánh dưới bên phải của hành tá tràng mà nói rằng: "Thứ hương lạ trên người chàng là do quả cật trắng này tiết ra, có gì là quí báu lãng mạn đâu mà phải tinh vi thế", nói đoạn dứt đứt ném mạnh ra sân cho gà. Sinh đau quá hét toáng lên, choàng tỉnh giấc mộng, thấy phía dưới chăn đệm đã ướt sũng rồi. Từ đấy bệnh tình càng ngày càng nguy kịch.
Tồn Như Liên vốn có tình cảm sâu đậm với Tuất Sinh nên không đành lòng thấy cảnh người yêu hấp hối đau đớn. Nhân nhớ về ông già coi bói chân cầu Cương Châu, một bữa cuối tháng chạp nàng bèn gọi xe ôm, đem lễ vật đến quì xuống mà cầu khẩn xin cứu giúp. Ông già cười nói lơi lả: "Nàng vẫn còn trẻ đẹp, lại đường đường là chủ một quán cơm bụi, việc gì phải hết lòng với một kẻ phàm phu tục tử, bạc tình bạc nghĩa như hắn?". Như Liên cứ kiên nhẫn quì mà không chịu đứng lên. Một lát ông già lại hỏi: "Người đẹp có dám hôn ta chăng?". Như Liên nhìn ông già tuy còn tráng khí minh mẫn nhưng nước da đã đến hồi nhăn nheo, mà lông miệng lại rậm rạp quá nên cũng có ý ngại, chỉ hiềm nghĩ đến Sinh nên cố nén kinh tởm mà vươn cổ há miệng thơm ông già một cái. Lúc chạm vào môi ông già những tưởng toàn mùi thuốc lào bia rượu, nào ngờ chỉ thấy hương thơm LipIce toả ra ngào ngạt, lại thấy hai chiếc răng cửa của ông già bỗng nhiên mắc dính vào cổ họng mình, không làm sao nhổ ra được. Ông già được Như Liên thơm xong chẳng nói câu nào, phủi áo đứng dậy, cười ha hả để lộ khuôn miệng trống hai răng cửa rồi bỏ đi mất.
Như Liên cảm thấy vô cùng uất hận nhục nhã, chỉ mong sao chết đi cho rồi. Bèn chạy về nhà định tự tử thì thấy Sinh cũng đang cơn hấp hối, tay đã bắt đầu bắt bươm bướm, mà con bươm bướm này lại rất đẹp, một cánh xanh một cánh đỏ cứ chập chờn bay trong giường, đuổi thế nào cũng không đi, đánh thế nào cũng không chết. Như Liên giận quá bèn quát lớn, bỗng nhiên cảm thấy hai chiếc răng của ông già trong cổ họng được văng ra, bèn đưa tay ra đỡ thì ra là một chiếc vợt bướm tuyệt đẹp, trên cán có đề "Made in Hell". Như Liên tiện tay vợt một cái, đã thấy con bướm xanh đỏ mắc ngay vào trong vợt. Con bướm giãy giụa cắn xé điên cuồng nhưng chiếc vợt như có ma lực nên nó không sao thoát được. Như Liên đang định lấy búa tạ đập chết bướm, bỗng thấy ông già xem bói xuất hiện ngay trên bệ cửa sổ. Ông già liếc mắt đưa tình, béo má Như Liên một cái rồi nói: "Con bướm này ngày xưa vốn ở trên trời, một bữa dám lẻn vào vườn cấm mà hút nhuỵ hoa mai nên bị đầy xuống trần làm kiếp người trong mười bẩy năm. Lẽ ra khi chết phải về trời để được đầu thai chuyển kiếp, nhưng do trong thời gian sống dưới trần trót ham thích Internet, bản tính vốn lại là loài bướm ong ưa chuyện dâm dục nên linh hồn vẫn cố nấn ná chui lủi trong mạng mà tròng ghẹo nam nhân. Thôi để ta thu phục đưa nó về trời". Nói đoạn rút trong túi ra một bao nhỏ trong suốt làm bằng cao su mỏng, quát to lên một tiếng, thấy có làn khói trắng từ chiếc vợt bay thẳng vào bao. Ông già buộc thắt miệng bao lại, hôn gió Như Liên rồi quay người nhảy qua cửa sổ mà bỏ đi mất.
Lát sau Phạm Tuất Sinh chợt tỉnh lại, tựa hồ như vừa trải qua một cơn ác mộng, tâm thần ngơ ngác chẳng nhớ những chuyện đã xảy ra. Được mấy hôm thì sức khoẻ phục hồi như cũ, chỉ hiềm thứ hương lạ không mùi từ mông Sinh không còn toả ra như trước được nữa. Dầu vậy Như Liên vẫn còn yêu Sinh lắm, lại còn lấy làm yên tâm rằng từ nay Sinh không còn cuốn hút nữ nhân được, bèn làm lễ cưới linh đình. Sau rồi chồng ra mở riêng quán Internet Cafe, vợ làm chủ quán cơm bụi, con cháu đầy nhà. Thật là khí độ của một đại gia vậy.
Sau khi ông già đi, bên trong chiếc vợt vẫn còn thân xác của con bướm kỳ lạ, một cánh xanh một cánh đỏ mà thân bướm trông giống hệt cơ thể thiếu nữ đương thì với đầy đủ các bộ phận. Như Liên bèn đem ngâm fooc-môn làm tiêu bản rồi tặng lại cho ông Thái Kim Châm là một nhà côn trùng học có tiếng thời bấy giờ. Đến nay tiêu bản đặc biệt này vẫn còn được trưng bày ở tầng 3, viện bảo tàng sinh học Paris.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro