Phiên ngoại 3: Góc nhìn của Phạm Hành Chu
1
Tôi không biết dạo này ông chủ bị sao nữa.
Trước đây, mặt trời lên cao chót vót gọi tám trăm lần mới chịu vác mặt đến công ty, đến giờ tan làm thì là người chuồn nhanh nhất, cứ như dưới chân bôi dầu vậy.
Bây giờ thì sao?
Người đến sớm nhất, về muộn nhất, làm nhiều nhất chính là anh ấy.
Còn nữa.
Trước đây, ông chủ lúc nào cũng cười nói vui vẻ với mọi người—
Dù nhân viên có gây họa to đến mức nào, chỉ cần biết sai và sửa, là lại có thể đùa giỡn như thường.
Bây giờ thì sao?
Ngày nào cũng lạnh mặt.
Hôm trước, có một nữ đồng nghiệp chào hỏi anh ấy, không biết là anh ấy không thấy hay thế nào, mà đi lướt qua luôn.
Kết quả, cô gái ấy sợ đến phát khóc, tự ngẫm lại mấy ngày xem mình có làm sai chuyện gì không.
Cả công ty ai cũng nơm nớp lo sợ, mỗi ngày đều có cảm giác một thanh đao sắc bén treo lơ lửng trên đầu, chỉ sợ sơ sẩy một chút sẽ bị chém ngay lập tức.
À, còn một chuyện nữa.
Trước đây, chị Sa Sa mỗi tháng sẽ đến công ty ba, bốn lần.
Nhưng giờ nghĩ lại, đã rất lâu rồi không thấy chị ấy đến.
Dù có giận dỗi, cũng không thể giận lâu đến thế được.
Lẽ nào...
Tôi đột nhiên có một linh cảm không lành.
2
Dự cảm của tôi được xác nhận vào một đêm sau khi tan tiệc xã giao.
Ông chủ xưa nay không thích uống rượu, cũng ghét tiệc tùng.
Chiều hôm đó, tôi báo cáo lịch trình, định nói có thể từ chối, thì bị anh ấy chặn lại.
"Tôi sẽ đi."
"Nhưng mà... ông chủ bên đối tác ấy, tôi đã tìm hiểu rồi, ông ta rất thích uống rượu. Nếu đi, chắc chắn không thể từ chối khoản này đâu."
Tôi có hơi lo lắng.
"Không sao."
Ông chủ lắc đầu.
"Tôi uống được."
Trước đây, mỗi lần tiệc tùng có rượu, hầu như tôi là người uống thay.
Ông chủ thì hoặc là lấy trà thay rượu, hoặc là lấy từ túi ra một hộp thuốc kháng sinh, bày vẻ mặt đầy áy náy nói:
"Xin lỗi nhé, hôm nay cơ thể không khỏe, tôi đã uống thuốc kháng sinh rồi, không thể uống rượu được."
Dù sao anh ấy cũng là ông chủ của tôi, nhưng mà vậy thì sao chứ?!
Lần nào nhìn cảnh đó, tôi cũng muốn đảo mắt đầy khinh bỉ trong lòng.
Người chịu khổ là tôi mà!
Nhưng tối hôm đó, tôi thậm chí còn không được chạm vào giọt rượu nào.
Ông chủ uống đến say khướt.
Chỉ chờ đối phương ký hợp đồng xong, ai nấy đều dìu ông sếp nhà mình ra ngoài.
anh ấy đi xiêu vẹo, bước được hai bước lại đột ngột lảo đảo, suýt chút nữa kéo cả tôi ngã theo.
Mãi mới nhét được anh ấy vào xe, nhưng lại thấy anh ấy bám lấy cửa sổ, nôn nao khó chịu.
Tôi nhanh chóng túm lấy một túi ni-lông, mở ra đặt trước mặt anh ấy.
"Ông chủ, tôi có thuốc giải rượu đây, uống một viên đi. Không thì sáng mai tỉnh dậy, bị say rượu hành hạ còn khổ hơn."
Tôi vội vàng lục lọi trong túi áo—
Vì đã dự đoán trước tình huống này, tôi lén mang theo một hộp thuốc giải rượu.
Vừa lấy ra, đã bị ông chủ giữ tay lại.
"Tôi không uống."
anh ấy lắc đầu, hướng về phía túi ni-lông nôn khan một lúc lâu nhưng không có gì ra, dứt khoát ngả người ra sau, nửa thân trên tựa nghiêng vào cửa xe, tiếng thở hỗn loạn nghe như âm thanh đầu móng tay cào mạnh trên mặt giấy nhám.
"Cô ấy nói, uống quá nhiều thuốc không tốt.
Phải uống trà giải rượu."
"Ai nói?"
Tôi còn chưa kịp phản ứng, bận rộn tìm một cái gối tựa, kê dưới đầu anh ấy, hy vọng nâng cao một chút có thể giúp anh dễ chịu hơn.
"Tôn Dĩnh Sa chứ ai...
Không lẽ còn ai khác?"
Ông chủ tặc lưỡi khó chịu, lẩm bẩm:
"Lấy điện thoại tôi lại đây.
Tôi muốn nhắn tin cho cô ấy.
Ừm... hay là cậu nhắn giúp tôi đi.
Nói rằng, tôi đã uống rượu, giờ đang về nhà."
"Đợi tôi về đến nhà, tôi có thể... có thể uống trà giải rượu rồi.
Cái đó hiệu quả hơn nhiều."
"À à, được."
Tôi thò tay vào túi áo ông chủ, lấy điện thoại ra, mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt, rồi vào phần tin nhắn.
Người được ghim lên đầu danh sách chính là chị Sa Sa.
Tôi bấm vào khung trò chuyện, chuẩn bị gửi tin nhắn, nhưng vô tình liếc thấy thời gian của tin nhắn gần nhất.
Đã hơn một tháng trước rồi.
Tôi cầm điện thoại, gửi cũng không được, không gửi cũng không xong.
"Gửi đi, sao không gửi?"
Ông chủ híp mắt nhìn tôi.
"Ông chủ... có phải chị Sa Sa đổi số rồi không?"
Tôi rón rén hỏi, "Tôi thấy tin nhắn cuối cùng từ lâu lắm rồi."
Ông chủ im lặng không nói gì.
Tôi nhìn anh ấy, anh ấy từ từ nhắm mắt lại, như thể đã ngủ rồi.
Mãi sau, anh mới lên tiếng.
Giọng anh khàn đến mức khiến người ta khó chịu.
"Không cần gửi nữa."
"Tôi quên mất."
"Tôi và cô ấy đã chia tay rồi."
3
Những biểu hiện khác thường trước đây, giờ đây đều có lý do hợp lý.
Tôi không biết mình có thể làm gì,
Chỉ có thể tận tâm làm tốt công việc của mình hơn nữa.
Mỗi tài liệu được giao đến tay tôi, tôi kiểm tra kỹ đi kỹ lại, sửa tới sửa lui, rồi mới đưa cho ông chủ.
Bởi vì tôi cảm thấy anh ấy rất mệt.
Ngày nào cũng như bị rút cạn sức lực, nhưng vẫn cố chống đỡ.
Tôi muốn anh ấy có thể nhẹ nhõm hơn một chút, có thể được nghỉ ngơi.
Ngoài ra, còn có một chuyện khác—
Nếu anh ấy đến sớm, tôi sẽ đến sớm hơn để chờ anh ấy.
Nếu anh ấy ở lại muộn, tôi cũng sẽ ở lại muộn với anh ấy.
Tôi vốn dĩ không thích đi làm.
Nhưng nhìn ông chủ cô độc ngồi lại đến tận khuya, tôi không đành lòng.
Mọi người có hiểu không?
Cái khung cảnh đó.
Cái cảm giác đó.
Phòng làm việc của ông chủ là cửa kính sát đất.
Từ đó có thể nhìn ra ngoài, thấy được những ánh đèn neon lấp lánh, thấy được hàng vạn mái nhà sáng đèn.
Cả công ty đều đã tắt hết đèn.
Chỉ còn phòng làm việc của anh ấy sáng lên.
Nhưng ánh sáng đó, chỉ là ánh đèn bàn nhỏ trên bàn làm việc.
Một người.
Một ngọn đèn.
Đôi khi, ánh đèn lay động,
Bóng dáng anh hắt lên tường, lên cửa kính cũng lung lay theo.
Tôi biết, thực ra anh ấy không có việc gì để làm.
Không có tài liệu nào cần xem cả.
Anh chỉ ngồi đó, thẫn thờ.
Chỉ là anh không muốn về nhà.
Tôi nghĩ, có lẽ là vì, trong nhà không còn chị Sa Sa nữa.
Vậy thì nơi đó...
Còn được gọi là nhà không?
Một thời gian sau, tôi nhận ra ông chủ rất thích đứng trước cửa sổ, nhìn xuống dưới.
Mỗi lần đứng, đều rất lâu.
Hoặc là ôm một tập tài liệu, tựa người vào cửa sổ đọc.
Hoặc là dựa vào cửa sổ, gọi điện thoại cho ai đó.
Có lần tôi thật sự tò mò, không nhịn được bèn hỏi:
"Ông chủ, anh đang nhìn gì vậy?"
"Không có gì."
Anh thu ánh mắt về, trở lại chỗ ngồi.
Kể từ hôm đó,
Tôi không còn thấy anh ấy đứng ở cửa sổ nhìn xuống nữa.
Còn có vài lần trong các cuộc họp—
Mọi người báo cáo công việc xong,
Người cuối cùng cũng đã trình bày xong,
Đứng thẳng tắp chờ anh ấy lên tiếng.
Nhưng ông chủ chỉ cầm bút,
Tựa lên quyển sổ, thỉnh thoảng di chuyển, viết vài chữ,
Nhưng chưa từng ngẩng đầu lên.
Cả phòng họp nín thở, không ai dám hó hé.
Có người thật sự không chịu nổi nữa, khẽ gọi một tiếng "ông chủ".
Nhưng không có tiếng đáp lại.
Người đó cũng không dám gọi thêm lần nữa.
4
Hôm đó là chiều thứ Sáu, mọi người trong công ty tan làm sớm, chẳng mấy chốc chỉ còn lại tôi và ông chủ.
Tôi bưng một ly nước nóng bước vào, đặt xuống trước mặt anh, định nói gì đó.
Nhưng anh đã lên tiếng trước:
"Hành Chu, hôm nay cậu có cần về sớm không?"
"Không cần đâu."
Tôi lắc đầu.
"Anh có việc gì cần tôi làm ngay bây giờ không?"
"......"
Anh im lặng một lúc, hít một hơi thật sâu, rồi nói:
"Cậu đi cùng tôi đến một nơi được không?"
"Được."
/
Những lúc ông chủ tự lái xe không nhiều.
Tôi ngồi ở ghế sau, ban đầu cả hai đều không nói gì.
Những gói đồ ăn vặt và lon nước trong hộc xe theo chuyển động của xe mà kêu sột soạt.
Một gói bánh nhỏ rơi xuống.
Tôi cúi xuống nhặt lên, theo thói quen xem ngày hết hạn.
"Ông chủ, đồ ăn vặt trong xe anh đều hết hạn rồi."
Tôi lấy mấy gói khác ra xem thử, không một gói nào còn hạn sử dụng.
"Hửm?"
Anh liếc mắt nhìn thật nhanh, rồi quay lại lái xe.
"Hết hạn rồi sao? Vậy lúc nào rảnh tôi mua lại vậy."
"Vâng."
Chúng tôi đến một cửa hàng trang sức.
Vừa bước xuống xe, người bán hàng bên trong đã niềm nở chào đón.
Có vẻ rất quen với ông chủ.
"Cuối cùng anh cũng đến! Chiếc nhẫn anh đặt đã hoàn thành từ lâu rồi, chúng tôi vẫn đang đợi anh đến lấy đây!"
"Ừm, đưa tôi xem thử."
Chúng tôi được dẫn vào phòng tiếp khách,
Rất nhanh, một chiếc hộp nhung màu xám được mang đến, đặt trước mặt chúng tôi.
Người bán hàng mở hộp, để lộ chiếc nhẫn bên trong.
"Anh kiểm tra xem có gì chưa ưng ý không?"
Đó là một chiếc nhẫn.
Ông chủ cầm lên, xoay qua xoay lại kiểm tra, rồi đưa đến trước mặt tôi.
"Đẹp không?"
"Đẹp."
Tôi nheo mắt, ghé sát vào nhìn kỹ hơn.
Chiếc nhẫn không có bất kỳ họa tiết rườm rà nào,
Chỉ có một đường rãnh tinh tế chạy dọc vòng nhẫn,
Đỉnh nhẫn khảm một viên kim cương nhỏ.
Trơn nhẵn, đơn giản, thanh lịch.
Không quá phô trương, cũng không quá mỏng manh.
"Khiêm tốn, nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng."
"Tôi nghĩ nó sẽ rất hợp với cô ấy."
Tôi quay đầu nhìn ông chủ.
Anh có lẽ không nhận ra—
ánh mắt anh khi nhìn chiếc nhẫn, dịu dàng đến mức nào.
Tôi biết, "cô ấy" mà ông chủ nhắc đến là ai.
Tôi cũng nhìn thấy—
Bên trong vòng nhẫn, khắc hai chữ cái viết tắt.
Là tên của Tôn Dĩnh Sa và Vương Sở Khâm.
"Tại sao lại chọn một kiểu dáng đơn giản như vậy?"
Tôi không nhịn được mà hỏi.
Ông chủ dừng lại một chút, rồi đặt nhẫn trở lại hộp, ra hiệu cho nhân viên đóng gói lại.
"Có lẽ là vì..."
"Ban đầu, ai cũng chỉ mong muốn sự đơn giản thôi."
5
Sau đó, có một khoảng thời gian rất kỳ lạ.
Ông chủ bắt đầu đến công ty rất muộn,
Người lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu.
Vừa vào văn phòng, anh liền tựa vào lưng ghế,
Một tay ấn vào thái dương, cau mày, nhắm mắt lại.
Tôi đoán chắc chắn hôm qua anh lại uống rất nhiều rượu,
Nhưng vấn đề là—gần đây đâu có bữa tiệc xã giao nào đâu!
À, thực ra có một cái, nhưng lần đó ông chủ không muốn đi,
Tôi đã tìm đủ mọi cách để từ chối mấy lần rồi.
Người ta hỏi tại sao?
Tại sao à? Hỏi tôi làm gì, tôi cũng có biết đâu!
Tôi không dám hỏi anh.
Chỉ có thể tìm một tiệm thuốc, mua mấy gói trà giải rượu, đặt sẵn trên bàn làm việc của mình.
Mỗi ngày tính toán giờ ông chủ có thể đến,
Pha sẵn một cốc, để vừa đúng độ ấm,
Đợi anh ấy đến là có thể uống ngay.
Không còn cách nào khác,
Anh ấy không chịu uống thuốc giải rượu.
Sau đó nữa, một chuyện hết sức đột ngột và đáng sợ đã xảy ra.
Vừa mở nhóm chat công việc—
À, là nhóm không có ông chủ.
Thông báo dồn dập, màn hình tràn ngập tin nhắn.
"Trời ơi! Hôm nay ông chủ cười kìa!"
"Ông chủ còn chào hỏi mọi người nữa!"
"Ối giời ơi... ủa? Chuyện gì vậy? Sao ông chủ lại vui thế?"
Tôi mở khung trò chuyện với ông chủ,
Tin nhắn của tôi chất đống đến 99+,
Anh ấy một tin cũng chưa trả lời...
Vấn đề là!
Hôm nay thật sự rất gấp!
Tôi ôm một chồng tài liệu dày,
Đứng trước cửa văn phòng, y như lính gác cổng,
Mắt mong mỏi nhìn về phía hành lang, đợi "nhà tài trợ cuộc sống" của tôi đến.
Đợi a đợi, ngóng sao ngóng trăng,
Cuối cùng cũng đợi được người.
Tôi đứng bên cạnh, nhìn anh ký từng trang tài liệu,
Giống hệt một bà mẹ nhìn con làm bài tập.
Trong lúc sắp xếp lại giấy tờ, tôi lén nhìn anh mấy lần,
Do dự một hồi, mới lên tiếng:
"Tối nay có một bữa tiệc xã giao, anh nhất định phải đi."
"Vẫn là bên đó à?"
Ông chủ nhíu mày, tôi bỗng thấy lạnh sống lưng.
Không thể trách tôi được, tôi đã cố gắng từ chối nhiều lần lắm rồi!
Nhưng bên kia kiên trì không bỏ cuộc, nhất định phải gặp mặt, tôi còn biết làm gì bây giờ?!
"Đã từ chối nhiều lần rồi, lần này không thể né được nữa."
"Được rồi, cậu thu xếp đi."
Tôi ôm chồng tài liệu,
Xoay người chạy mất dép.
6
Tôi ôm một tập tài liệu khác, phát hiện còn sót một bản cần đưa cho ông chủ,
Vội vã chạy đến văn phòng.
Vừa đẩy cửa bước vào,
Tôi liền thấy ông chủ vắt chân chữ ngũ,
Cầm điện thoại, cười ngây ngô,
Khóe miệng gần như kéo đến tận mang tai.
Tôi bỗng nhiên hiểu ra tại sao nhóm chat lại náo loạn như vậy.
Bởi vì tôi cũng bị dọa sợ rồi.
Đã quá lâu, thật sự quá lâu rồi,
Tôi không còn nhìn thấy nụ cười đó nữa.
Không phải là ông chủ chưa từng cười,
Nhưng nụ cười trước đây của anh ấy,
Không hề có cảm giác hạnh phúc.
Tôi cũng từng có khoảnh khắc như vậy.
Không biết nên miêu tả cảm giác này như thế nào.
Có lẽ là...
Hạnh phúc nhẹ nhàng chạm vào đầu tôi,
Nhưng chưa bao giờ dừng lại vì tôi.
Và tôi sợ rằng nó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa,
Vậy nên tôi đã dốc hết sức để mỉm cười,
Để nói lời tạm biệt với nó.
Tôi thật sự muốn khóc.
Tôi luôn cho rằng, ông chủ là một người rất tốt.
Tôi vẫn nhớ ngày tôi đến phỏng vấn,
Vì thiếu kinh nghiệm, tôi bị hỏi đến ngẩn người,
Câu trả lời lắp ba lắp bắp, chẳng đâu vào đâu.
Các giám khảo phỏng vấn lắc đầu,
Có người cầm sơ yếu lý lịch của tôi, thì thầm bàn tán với nhau.
Tất cả đều chứng tỏ rằng—tôi đã thất bại.
Chỉ có ông chủ,
Ngồi ở giữa bàn họp,
Khoanh ấyy trên mặt bàn,
Gật đầu xác nhận với tôi.
Anh ấy chỉ định tôi làm trợ lý của mình.
Về sau, tôi đã hỏi lý do.
Anh nói:
"Cậu chỉ thiếu kinh nghiệm, chứ không phải không có năng lực.
Vậy tại sao không cho cậu một cơ hội thử xem?"
Khoảnh khắc đó, tôi đã quyết định—
Trừ khi bị đuổi, nếu không, tôi sẽ không rời đi.
Một người tốt như vậy, tại sao lại không thể hạnh phúc?
Tại sao lại không thể cười?
Đây là câu hỏi tôi đã tự hỏi mình vô số lần trong suốt một năm qua.
Tôi đoán, chắc là chị Sa Sa đã quay về rồi.
/
Buổi tối hôm đó, tôi bị ông chủ đẩy ra chặn rượu, lâu lắm rồi mới có lại cảnh này.
Sau khi nôn đến trời đất quay cuồng trong nhà vệ sinh,
Cuối cùng tôi cũng đỡ hơn, vịn vào tường chuẩn bị đi ra ngoài.
Bất chợt, tôi nghe thấy giọng ông chủ đang nói chuyện điện thoại.
Anh tựa vào vách cửa, giọng nói rất nhẹ, rất chậm.
Tôi vốn đang mơ mơ màng màng,
Nhưng giây phút đó tỉnh táo ngay lập tức.
Tôi tựa lưng vào bên trong,
Cố gắng dựng thẳng lỗ tai lên để nghe.
Tôi thề,
Sẽ không có lần sau đâu!
"Tôn Dĩnh Sa."
"Anh uống rượu rồi."
"Em đến đón anh được không?"
Quả nhiên, là chị Sa Sa đã quay về rồi.
Nhưng mà...
Anh uống cái gì chứ?!
Mười ly rượu thì có đến chín ly rưỡi chui hết vào bụng tôi rồi!
Anh uống cái gì?!
Tôi thật sự muốn ngửa mặt lên trời mà kêu oan!
Thế này là sao?!
Rõ ràng chẳng uống bao nhiêu, nhưng vẫn phải giả bộ say, chỉ để chị Sa Sa đến đón!
Hừ! Quả nhiên là một con Samoyed xảo quyệt!
Tôi thề,
Tôi không có ý chửi ông chủ là chó đâu.
Được rồi,
Hôm đó tôi thực sự uống quá nhiều,
Lúc đi cả người lảo đảo,
Theo như trí nhớ mơ hồ của tôi,
Hình như ông chủ và tài xế thuê đã cùng nhau khiêng tôi lên xe.
À...
Tôi còn nhớ,
Hôm đó tôi đã túm lấy ông chủ,
Lảm nhảm vài câu.
Cũng không phải hoàn toàn do say,
Mà có một chút là cố tình giả vờ.
"Ông chủ, thấy anh vui, tôi thật sự rất vui."
"Phải... phải đối xử thật tốt với bà chủ đấy."
Đây là lời thật lòng.
Sau đó...
Cũng chính là kết thúc rồi.
Một ngày nọ, tôi gặp ông chủ, chị Sa Sa và những người bạn thân của họ.
Mọi người quây quần bên nhau,
Vui vẻ ăn đồ nướng.
Ông chủ và chị Nhã Khả ở bên kia làm khổ sai,
Bọn tôi còn lại tụ tập bên này,
"tám chuyện" với chị Sa Sa, hỏi đông hỏi tây.
Tôi thực ra không hỏi nhiều,
Hầu hết đều chỉ lắng nghe.
Nhưng về sau,
Rất nhiều câu nói còn chưa kịp lọt vào tai tôi,
Đã bị gió thổi bay đi.
Bởi vì sự chú ý của tôi,
Đều dồn cả vào ngón tay của chị Sa Sa.
Tôi chợt nhớ lại—
Chiếc nhẫn mà tôi và ông chủ cùng đi lấy hôm đó.
Tôi nhớ lại ông chủ đã nói:
"Tôi nghĩ nó sẽ rất hợp với cô ấy."
Sau đó, ông chủ và chị Nhã Khả bưng đồ ăn nướng ra,
Mọi người nâng ly, cụng chén, cười nói rôm rả.
Tôi là người mới,
Bị ép uống mấy ly liền.
Trong rượu có đá lạnh,
Tôi cắn vỡ những viên đá trong miệng,
Nhưng khi nuốt vào,
Dạ dày tôi lại có cảm giác như bị lửa đốt,
Ngọn lửa ấy chạy thẳng lên não,
Khiến tôi choáng váng, mơ màng.
Giống như ngày hôm đó, khi tôi uống rượu thay cho ông chủ.
Tôi mơ hồ nói ra một câu:
"Chị Sa Sa... Chị về rồi, thật sự quá tốt..."
"Chị không biết đâu, lúc chị không ở đây..."
"Ông chủ, ông chủ chẳng khác gì một cái xác không hồn cả!
Ngày nào cũng lạnh mặt, không có chút hơi thở của người sống!"
"Thế cũng đành thôi, nhưng mà...
Anh ấy một mình làm hết hơn nửa công việc của tất cả chúng tôi!
Thế chúng tôi còn làm gì nữa?
Chúng tôi lo lắng đến phát sợ, ngày nào cũng ôm thùng giấy, chuẩn bị tinh thần bị đuổi bất cứ lúc nào!"
"Còn nữa, chị Sa Sa à, tôi nói chị nghe...
Ông chủ bao nhiêu lần họp hành, nghe mọi người báo cáo mà lại mơ màng!
Tôi lén nhìn qua, thấy anh ấy cứ viết tên chị trên sổ ghi chép.
Viết suốt mấy trang, mấy trang liền...!"
Tôi không biết chị Sa Sa có biết những chuyện này không.
Nhưng tôi nghĩ chị ấy nên biết.
Mọi người xung quanh bắt đầu góp chuyện,
Kể ra những điều về chị Sa Sa.
Nói rằng, mỗi lần ăn cơm với mọi người, chị ấy luôn vô thức không cho họ gọi hải sản,
Bởi vì ông chủ bị dị ứng hải sản.
Nói rằng, chị ấy đã mua rất nhiều đồ đôi,
Nhưng phần lớn đều chỉ có một mình chị ấy giữ.
Nói rằng, nửa đêm đi vệ sinh sợ tối,
Gọi chị Nhã Khả dậy, nhưng lại buột miệng gọi tên của ông chủ.
Chúng tôi nói ra những điều này, không phải để so sánh xem ai yêu ai nhiều hơn,
Không phải để so xem ai đau khổ hơn trong thời gian chia tay.
Chúng tôi nói, vì chúng tôi là bạn bè.
Là người ngoài cuộc, nhưng lại luôn dõi theo họ.
Chúng tôi chỉ muốn góp một chút sức, một chút tấm lòng,
Để giúp họ nói ra những yêu thương mà họ chưa từng thổ lộ với nhau.
Bởi vì trong thời đại tình yêu chớp nhoáng này,
Tình yêu của họ quá thuần khiết.
Dù nó không xảy ra với chúng tôi,
Chúng tôi vẫn muốn bảo vệ nó.
Bởi vì...
Nếu không nói ra, ai sẽ biết được?
Chúng tôi biết cũng vô ích.
Chỉ hy vọng họ có thể hạnh phúc.
Sau đó, ông chủ xen ngang câu chuyện,
Mọi người cũng không nói tiếp nữa.
Tôi nhận ra,
Ông chủ và chị Sa Sa dần dần ít tham gia vào cuộc trò chuyện.
Chỉ thi thoảng đáp lại đôi câu.
Chị Sa Sa ngồi đối diện tôi,
Chống cằm lên đầu gối, đầu gật gù.
Ông chủ ngồi sát bên chị ấy.
Gió đêm thổi lớn,
Có lẽ thấy chị Sa Sa mặc hơi mỏng,
Ông chủ cởi áo khoác, đắp lên người chị ấy.
Chị Sa Sa thoáng sững lại,
Rồi dựa dậy, kéo một nửa áo khoác sang cho ông chủ.
Hai người sát lại gần nhau,
Cùng co mình trong một chiếc áo khoác nhỏ bé.
Nhưng...
Đó lại là cả thế giới rộng lớn của riêng họ.
Tôi đột nhiên hiểu,
Vì sao ngày hôm đó, ông chủ đã nói—
"Ban đầu, ai cũng chỉ mong muốn sự đơn giản thôi."
Con người vốn là những mảnh ghép rời rạc.
Ai mà chưa từng vỡ vụn trong tình yêu, chưa từng sụp đổ, chưa từng trốn tránh?
Dù sự tổn thương đó có thể là do chính đối phương gây ra—
Nhưng điều đó còn quan trọng không?
Họ khiến nhau khóc,
Nhưng cũng chính họ là người tự tay ghép lại những mảnh vỡ của nhau.
Họ tự tay xoa dịu nhau, dỗ dành nhau.
Lau đi nước mắt cho nhau.
Họ ôm chặt lấy nhau,
Che tai đối phương lại,
Giúp nhau chặn lại tất cả những tổn thương và gai nhọn của thế gian.
Họ đều từng đổ vỡ,
Nhưng lại cùng nhau ghép thành một thế giới chỉ thuộc về riêng họ.
Khó khăn một chút thì sao?
Chỉ cần là anh ấy.
Chỉ cần là cô ấy.
Sẽ có một ngày, những mảnh ghép đều sẽ trở về đúng vị trí.
Chỉ đơn giản vậy thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro