Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phiên ngoại 1: Góc nhìn của Lý Nhã Khả

1

Đã lâu lắm rồi, tôi không ngờ sẽ nhận được điện thoại của Vương Sở Khâm, hơn nữa lại vào lúc nửa đêm.

Anh ta nói, Tôn Dĩnh Sa gặp chuyện rồi. Ban đầu, tôi còn tưởng anh ta đang đùa mình. Dù sao thì lúc anh ta chia tay với Tôn Dĩnh Sa, tôi cũng từng gọi điện cho anh ta vào lúc nửa đêm, xối xả mắng một trận.

— "Anh đúng là không phải đàn ông, Sa Sa chờ anh nhiều năm như vậy, sắp kết hôn rồi mà anh nói chia tay là chia tay luôn."

— "Anh xem hôn nhân là trò đùa à? Anh xem mười mấy năm thanh xuân của cô ấy là gì?"

— "Anh có trái tim không vậy?"

...

Nhưng nghĩ lại, Vương Sở Khâm tuyệt đối không phải kiểu người lấy Tôn Dĩnh Sa ra để đùa cợt.

Lúc tôi đến bệnh viện, anh ta đang ngồi trên băng ghế bên ngoài phòng bệnh, cúi đầu, vắt chéo chân, một tay thong thả xoay chuỗi tràng hạt trong tay. Hành lang khi đó rất yên tĩnh, âm thanh hạt chuỗi va vào nhau vang lên rõ mồn một.

Sợ làm phiền Tôn Dĩnh Sa, tôi khẽ mở cửa nhìn vào trong. Cô ấy đang ngủ rất yên tĩnh, chỉ có vết trầy xước trên cánh tay trông hơi đáng sợ, còn lại thì có vẻ ổn. Tôi thở phào nhẹ nhõm một chút.

Nhưng quay đầu lại nhìn Vương Sở Khâm, tôi thật sự không thể hiểu nổi. Hai người họ đã chia tay một năm rồi, vậy mà xảy ra chuyện, người đầu tiên Tôn Dĩnh Sa tìm đến vẫn là anh ta? Tôi đúng là kiểu người kỳ lạ, cố tình hỏi móc một câu:

"Chuyện của hai người là sao đây? Sao không gọi cho tôi đầu tiên, mà lại gọi cho anh, người chồng cũ này?"

Anh ta nói anh ta cũng muốn biết.

Không biết có phải nửa đêm đầu óc dễ bị chập mạch không, tôi buột miệng hỏi tiếp:

"Anh có hối hận không?"

Anh ta có hối hận hay không tôi không biết, nhưng ngay khoảnh khắc tôi hỏi câu đó, tôi đã hối hận rồi.

Động tác xoay chuỗi hạt của anh ta lập tức dừng lại—Vương Sở Khâm khi im lặng, không cười cũng không nói, đúng là có một loại khí chất "người lạ chớ gần", nhất là trong hành lang bệnh viện với ánh đèn lờ mờ như vậy! Tôi bị dọa đến mức nín thở luôn.

Tôi biết anh ta vẫn canh cánh trong lòng chuyện đó. Nhưng nếu đổi lại là tôi, có lẽ tôi cũng sẽ ghi nhớ cả đời.

— "Hay là cô đi hỏi Tôn Dĩnh Sa đi,"

— "Cái ngày cô ấy để tôi ngồi chờ suốt buổi chiều ở Cục Dân chính, cô ấy có hối hận không?"

Đúng lúc đó, Tôn Dĩnh Sa khe khẽ rên lên hai tiếng. Tôi còn chưa kịp phản ứng, ánh mắt vẫn dính chặt vào người Vương Sở Khâm—thì anh ta đã quay người rất nhanh.

Rồi bị anh ta phát hiện. Anh ta lập tức đứng dậy định đi. Cái con người này, đúng là thích diễn! Cố chấp! Sĩ diện chết đi được!

Tôi hỏi anh ta: "Anh không vào xem cô ấy à?"

Anh ta trả lời tôi một câu:

— "Tôi chỉ là—chồng—cũ—thôi—"

Đồ thần kinh...

Tôi lại hỏi thêm một câu, thật sự cảm thấy tối nay miệng mình không thuộc về mình nữa.

"Nói thật đi, anh có thể cho Tôn Dĩnh Sa thêm một cơ hội nữa không?"

Anh ta dừng lại cách tôi không xa, chỉ một cái liếc mắt thôi, tôi đã nhìn ra anh ta gầy đi rất nhiều. Bóng lưng anh ta bị ánh đèn kéo dài trên nền đất, nhìn mà tôi bỗng thấy nhói lòng, muốn khóc.

Anh ta nói gì?

— "Hai người đúng là chị em tốt thật đấy, một người rồi lại một người đều đến xin tha thứ cho cô ấy."

— "Vậy còn tôi thì sao? Những gì tôi bỏ ra là điều hiển nhiên sao?"

Rồi anh ta rời đi, chính xác hơn là bỏ chạy một cách vội vàng.

Khoảnh khắc đó, tôi chắc chắn—dù có là thiên hoàng lão tử đến cũng không thể thay đổi suy nghĩ của tôi—hai người này chắc chắn vẫn còn tình cảm. Còn kết cục ra sao, thì phải xem duyên phận của họ.

Chứ còn gì nữa?

Nhìn dáng vẻ Vương Sở Khâm lúc đến, tóc tai rối bù, cổ áo khoác bị lật ngược, một ống quần xắn lên, một ống lê lết chạm đất. Người như anh ta, bình thường để ý đến hình tượng đến thế, nếu không phải vì quá quan tâm, quá lo lắng, thì làm sao có thể để mình xuất hiện trong bộ dạng này?

Hơn nữa, nếu anh ta thực sự buông bỏ rồi, thì đâu cần đến đây—chia tay rồi thì đâu còn liên quan gì? Sống hay chết có can hệ gì đến nhau? Và càng không thể vì mấy câu hỏi của tôi mà phản ứng mạnh đến thế.

Haizz.

Tôi vào phòng, đúng lúc cái tiếng gọi của tôi ban nãy đã đánh thức Tôn Dĩnh Sa.

Thật lòng mà nói, tôi là một người khoan dung với bạn bè đến mức gần như không có giới hạn... Ừ, trừ việc cô ấy không được làm chuyện phạm pháp hoặc trái với đạo đức xã hội.

Nhưng tôi không chịu nổi khi cô ấy đau lòng.

Tôi không nỡ để cô ấy đau lòng.

Tôi không muốn cô ấy đau lòng.

Trong mắt người khác, cô ấy hào quang chói lọi, làm việc có trách nhiệm, mọi nhiệm vụ, mọi công việc đều hoàn thành đến mức không ai chê trách được. Ai cũng ca ngợi sự hoàn mỹ của cô ấy, nhưng tôi biết, trái tim cô ấy đã hoang tàn từ lâu rồi.

Mà chuyện lần này, đúng là cô ấy sai trước.

Ai đời lại có người quên mất cả ngày đi đăng ký kết hôn chứ?

Không cần cô ấy nói, tôi cũng biết cô ấy vẫn luôn nghĩ gì. Nhưng với tình thế bây giờ, dù có là Nguyệt Lão đích thân mang theo cả bó dây tơ hồng đến trói họ lại, tôi cũng thấy khó mà hàn gắn được.

Định mệnh này, chắc chắn, nhất định sẽ là một quá trình rất dày vò, rất đau khổ, mà còn chưa chắc sau này trong lòng họ có còn khúc mắc hay không. Nếu vậy, sau này chỉ cần một chuyện nhỏ xảy ra, lật lại vết thương cũ, chỉ càng thêm khó coi.

Tôi nói: "Tôn Dĩnh Sa, hay là thôi đi. Bây giờ thế này cũng ổn rồi, cố níu kéo, e là càng khó xử hơn."

"Buông tha cho bản thân chị, cũng buông tha cho anh ta đi."

Tôn Dĩnh Sa là một con lừa bướng bỉnh. Cô ấy không chịu.

Đêm đó, cô ấy ôm tay tôi, lẩm bẩm suốt một lúc lâu, lặp đi lặp lại chỉ có hai ba câu, rồi tự mình nói đến mức ngủ thiếp đi.

— "Nhã Khả, ngoài anh ấy ra, trong lòng tôi không thể chứa nổi ai khác."

— "Hãy để tôi thử thêm lần nữa, có được không?"

— "Nếu anh ấy không đồng ý, tôi sẽ tiếp tục cầu xin anh ấy."

2

Tôi biết hai người họ chia tay là vào ngày Tôn Dĩnh Sa dọn về ký túc xá của Tổng cục Thể thao.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ khung cảnh đầu tiên khi tôi chạy đến bên cô ấy.

Cửa phòng ký túc xá mở toang, bên trong đồ đạc vứt bừa bộn khắp nơi, chiếc vali bị mở tung, nằm ngay trước mặt tôi chỉ cách hai bước chân. Còn Tôn Dĩnh Sa thì ngồi xổm ngay giữa căn phòng, ánh đèn vàng nhàn nhạt chiếu lên người cô ấy, lẽ ra nên mang lại cảm giác ấm áp, nhưng khi nhìn vào, mắt tôi chỉ thấy cay xè.

Tôi gọi cô ấy mấy lần, nhưng cô ấy không trả lời. Mỗi lần tôi gọi, cô ấy lại càng ôm chặt lấy mình hơn, ép sát mặt vào đầu gối, vòng qua hai chân mà siết lấy cánh tay—đến mức các đốt ngón tay trắng bệch vì dùng lực quá mạnh. Nhưng tôi không nhìn thấy mặt cô ấy, vì tóc đã che kín.

Tôi chợt nhớ đến khoảng thời gian cô ấy vẫn còn thi đấu, có những ngày phải tập luyện không ngừng nghỉ, đến mức nhắm mắt lại cũng là một sự xa xỉ, thay đổi kỹ thuật đến mức sụp đổ, ngồi xổm bên chân HLV Khâu, dùng khăn che mặt mà khóc. Tôi cứ tưởng rằng sau khi giải nghệ, cô ấy sẽ không bao giờ phải như vậy nữa. Cô ấy đáng lẽ phải luôn luôn hạnh phúc.

Nhìn cảnh này thật đau lòng. Tôi nhẹ nhàng bước đến, bước chân đặt thật khẽ, sợ rằng nếu tôi đi mạnh hơn một chút, cô ấy sẽ vỡ vụn mất.

Cuối cùng, khi tôi ngồi xuống bên cạnh, cô ấy mới ngẩng đầu lên nhìn tôi.

Trong mắt không còn ánh sáng.

Cô ấy nói, "Tôi chia tay rồi."

"Em biết."

"Em không hỏi tại sao à?"

"Không hỏi. Chị muốn nói thì nói." Tôi đáp.

Cô ấy cười, đôi mắt cong lên như vầng trăng. Nhưng khi nhìn thấy nụ cười ấy, tôi lại càng đau lòng hơn. Trong lòng tôi cứ gào thét, đừng cười, chị cứ khóc đi.

Tôn Dĩnh Sa, chị đừng như thế.

Chị có biết không, em thà rằng chị thành thật bộc lộ nỗi đau của mình. Không sao cả, em sẽ luôn nâng đỡ chị.

Cô ấy nói cô ấy đói bụng. Tôi đoán chắc cả ngày nay cô ấy chưa ăn gì rồi. Tôi nghĩ, nếu mua chút đồ ăn mà cô ấy thích, liệu có giúp cô ấy khá hơn không? Nhưng cô ấy ngăn tôi lại, bảo rằng trong nhà có sẵn.

Nhà? Nhà có gì chứ? Tôi nhìn quanh một vòng, chẳng có gì cả, ngoài một căn phòng hỗn độn.

Cô ấy đi đến tủ dưới TV, ngồi xổm xuống lục tung từng ngăn kéo. Tôi đứng ngay sau lưng cô ấy, nhìn vào trong, ngoài mấy món đồ linh tinh và bụi bẩn thì chẳng có gì cả.

Tôn Dĩnh Sa gần như muốn chui cả người vào tủ để tìm, tiếng lục lọi vang lên ầm ĩ, đến mức tôi còn lo hàng xóm sẽ gọi cảnh sát vì nghĩ rằng chúng tôi đang phá phách giữa đêm khuya.

Sau đó, cô ấy chạy vào phòng ngủ tìm tiếp. Tôi đi theo, định bật đèn, nhưng đèn hỏng rồi. Không biết đã hỏng từ bao giờ.

Cô ấy mò mẫm trong bóng tối, lục tung mọi thứ, miệng cứ lẩm bẩm: "Bánh kẹo đâu? Xe đẩy đâu? Rõ ràng mấy hôm trước vừa đi mua mà? Anh ấy đi mua cùng tôi mà."

Khoảnh khắc đó, tôi đã nghĩ có khi nào Tôn Dĩnh Sa phát điên rồi không. Hoặc nếu không điên, thì cũng đã mất đi lý trí.

Tôi chưa bao giờ nói với cô ấy bằng giọng điệu nặng nề như vậy.

— "Tôn Dĩnh Sa!"

— "Đây là ký túc xá của chị!"

— "Không phải nhà của chị và anh ta!"

Tay cô ấy lạnh buốt, hoàn toàn không có chút hơi ấm nào. Tôi nắm chặt tay cô ấy, siết chặt hơn nữa.

Nhưng tôi biết, điều đang rời xa cô ấy lúc này, không chỉ là nhiệt độ cơ thể.

Tôi còn khóc trước cả cô ấy.

Tôn Dĩnh Sa bấu chặt lấy vai tôi, lay mạnh, cố chấp hỏi tôi vừa nói gì. Tôi chỉ có thể lặp lại một lần nữa. Tôi biết, nói như vậy chẳng khác nào đâm thêm một nhát dao vào trái tim đã đầy vết thương của cô ấy.

Nhưng đau đớn cũng là liều thuốc giảm đau, chỉ khi đối diện với nỗi đau, cảm nhận nó thật rõ ràng, mới có thể dần nguôi ngoai.

Cuối cùng, cô ấy bật khóc.

Như một ngọn núi tuyết im lìm hàng nghìn năm bị một con thuyền lạc lối đâm vào, từ trong ra ngoài dần dần nứt vỡ, rồi sụp đổ hoàn toàn, chìm vào biển sâu vô tận.

Cô ấy cứ nói mãi:

— "Nhã Khả, tôi đói quá."

— "Đây không phải nhà của tôi, ở đây không có những món tôi thích ăn."

Đêm hôm đó, tôi và cô ấy đều khóc đến đỏ cả mắt.

3

Ừm.

Kể từ cái đêm Vương Sở Khâm gọi điện bảo tôi đến bệnh viện vì chuyện của Tôn Dĩnh Sa, tôi ngộ ra một đạo lý: Nếu khuyên không được, thì cứ để cô ấy làm.

Con người ta không đâm đầu vào tường thì không biết quay đầu, không thấy quan tài thì không đổ lệ. Chỉ khi nào tự mình dâng hết thể diện, lòng tự trọng, rồi hết lần này đến lần khác bị đối phương chà đạp, nghiền nát, cho đến khi dốc cạn tất cả, đánh mất hoàn toàn, thì cô ấy mới có thể bắt đầu một cuộc sống mới.

Có lẽ, đây chính là cái gọi là "không phá thì không lập".

Nhưng tôi vẫn mong là không phải như vậy. Mong rằng cô ấy không phải đi đến bước đường đó.

Tôn Dĩnh Sa trong chuyện tình cảm ngây ngô như một đứa trẻ.

Cũng chẳng thể trách cô ấy được. Những năm mười mấy, hai mươi tuổi, cô ấy luôn cống hiến hết mình cho đội tuyển quốc gia, mỗi ngày mở mắt ra chỉ biết nghĩ làm sao để ghi điểm, làm sao để đánh tốt, làm sao để giành chiến thắng. Ở trong đội, đã quen với việc được sắp xếp, được chăm sóc, đến khi giải nghệ lại có một "ông bố quốc dân" như Vương Sở Khâm lo toan từng việc nhỏ.

Bây giờ rơi vào tình cảnh này, làm sao có thể trách cô ấy hết được?

Cô ấy cũng đã chịu đủ khổ rồi.

Tôi chỉ có thể đóng vai một "giáo viên", ngồi bên cạnh cô ấy, trước mặt là một bài thi toàn dấu X đỏ chói, cầm tay cô ấy, kiên nhẫn hướng dẫn sửa từng câu một.

Tôi nói với cô ấy: Tình yêu cần được đáp lại, cần được nhìn thấy.

Tôi nói với cô ấy: Đừng để anh ấy cứ mãi cúi xuống yêu chị. Chị cũng cần phải kiễng chân lên mà chủ động hôn anh ấy.

...

Nhưng lúc này, cô ấy chẳng khác nào một học sinh chỉ biết rập khuôn công thức, mà chẳng hiểu gì về bản chất của nó.

Tôi nhìn cô ấy lao đầu vào mọi chuyện một cách mù quáng. Trong cơn mưa lớn, cô ấy chạy đến nhà Vương Sở Khâm—à, chuyện này đúng là quá sức hoang đường.

Qua đêm ở đó, kết quả chẳng làm rõ được gì.

Dẫn cô ấy ra ngoài trải nghiệm cuộc sống, nhưng thôi vậy, tâm trí cô ấy đâu có đặt vào chuyện đó, chẳng qua chỉ đang tìm chút tư liệu để nhắn tin cho Vương Sở Khâm mà thôi. Cũng được đi, miễn là cô ấy thấy hài lòng.

Trong quá trình này, với tư cách là người ngoài cuộc, tôi tất nhiên nhìn rõ hơn bọn họ—Vương Sở Khâm đã có lúc dao động.

Tôi tự hỏi, liệu có thời điểm nào thích hợp để nhóm thêm một ngọn lửa, giúp thúc đẩy mọi chuyện tiến triển không?

Nhưng còn chưa kịp ra tay...

Thì chuyện đã xảy ra.

4

Hôm đó là thứ Sáu, tôi và cô ấy đi ăn ở một nhà hàng Tây. Ban đầu vốn định tận hưởng một bữa ăn ngon, vui vẻ tận hưởng cuối tuần.

Tôn Dĩnh Sa nói muốn đi vệ sinh, tôi bảo: "Ừm, chị đi đi."

Chờ rất lâu mà không thấy cô ấy quay lại.

Tôi nghĩ, có khi nào cô ấy vào đó mà không mang theo giấy không? Nhưng xem điện thoại thì cũng không thấy tin nhắn nào từ cô ấy.

Trong lòng đột nhiên dâng lên một dự cảm bất an.

Tôi đứng dậy đi tìm.

Ngay khi bước vào hành lang dẫn đến khu phòng riêng, tôi trực tiếp đụng phải Tôn Dĩnh Sa.

Cú va chạm làm tôi sững lại, nhưng theo phản xạ vẫn đưa tay kéo cô ấy lại, hỏi: "Chuyện gì vậy?"

Cô ấy lập tức hất tay tôi ra, chạy ngang qua bàn của chúng tôi, chộp lấy túi xách rồi lao thẳng ra cửa, không quay đầu lại.

Tôi gọi cô ấy, nhưng cô ấy không đáp.

Đến khi tôi hoàn hồn đuổi theo, cô ấy đã biến mất rồi.

Mưa rơi.

Mưa lớn.

Tôn Dĩnh Sa, chị đang ở đâu? Chị sẽ đi đâu?

Bỗng nhiên tôi hiểu ra tất cả.

Tôi vội tìm một chỗ trú mưa, không chút do dự lấy điện thoại ra gọi cho Vương Sở Khâm. Đây là lần thứ hai tôi gọi cho anh ta.

Tôi hỏi anh ta, gần như gào lên:

— "Anh lại nói lời khốn nạn gì, làm chuyện khốn nạn gì nữa hả?"

— "Vương Sở Khâm, coi như tôi cầu xin anh."

— "Trả cô ấy lại cho chúng tôi, trả cô ấy lại cho chính cô ấy, cũng trả chính anh lại cho anh được không?"

Đừng giày vò cô ấy nữa.

5

Tôi lái xe đến ký túc xá của Tôn Dĩnh Sa.

Cô ấy không ở đó.

Đã qua một khoảng thời gian khá lâu, vẫn không có bất cứ tin tức gì.

Mưa bên ngoài ngày càng nặng hạt, như thể muốn nhấn chìm cả đất trời.

Tôi gọi cho Vương Sở Khâm. Anh ta nói anh ta biết một chỗ, rồi cúp máy ngay sau đó.

Tôi chỉ có thể ngồi trên ghế sô-pha mà chờ.

Không phải tôi không muốn đi tìm, mà là vì tôi biết tôi sẽ không thể tìm thấy cô ấy, chỉ có Vương Sở Khâm mới có thể tìm ra cô ấy.

Bỗng chốc, tôi bình tĩnh lại.

Lờ mờ, tôi cảm thấy đêm nay sẽ có chuyện gì đó xảy ra.

Chờ rất lâu, rất lâu, cơn hoảng loạn lại trỗi dậy, như thủy triều dâng lên, nhấn chìm cả tai, mũi, miệng tôi.

Trái tim bị một bàn tay vô hình siết chặt, móng tay lạnh lẽo cắm sâu vào da thịt, đau đến tê dại, ngột ngạt đến nghẹt thở.

Tay chân tôi lạnh toát.

Tôi không còn đủ dũng khí để gọi cho Vương Sở Khâm nữa.

Dù trong lúc chờ đợi, tôi đã gọi vô số lần, nhưng chưa để đổ chuông được hai giây, tôi đã vội vàng ngắt máy.

Tôi cứ run rẩy không ngừng, tôi sợ.

Tôi sợ anh ta nói rằng không tìm thấy cô ấy.

Dù lúc đầu tôi vẫn chắc chắn và bình tĩnh như vậy.

Tôi không nhớ rõ bản thân đã thực sự nhấn nút gọi đi như thế nào, chỉ biết rằng mở miệng ra đã rút cạn hết sức lực toàn thân.

Ừm... Nghĩ lại thì đúng là tôi có hơi vô lý.

Rõ ràng mấy lần trước chưa kịp đổ chuông lâu tôi đã tự động cúp máy, vậy mà còn trách Vương Sở Khâm không bắt máy?

Được rồi, tôi tự kiểm điểm.

— "Lý Nhã Khả, em không cần cổ họng nữa à?"

Nghe thấy giọng của Tôn Dĩnh Sa, tôi nhất thời không nhận ra.

Tôi đưa điện thoại lên trước mặt, nheo mắt nhìn thật kỹ—số của Vương Sở Khâm mà, không sai mà?

Giọng nói này...

Tôi hiểu rồi.

Cuối cùng, tôi nghe thấy Vương Sở Khâm nói:

"Cô ấy đang ở chỗ tôi. Cúp máy đây."

Lúc đó, trái tim tôi cuối cùng cũng được buông xuống.

Dù có chút bất lực, nhưng tôi an tâm.

Tôi rời khỏi ký túc xá của Tôn Dĩnh Sa.

Trên đường lái xe về nhà, tôi cứ khóc mãi.

Khóc đến mức không nhìn rõ con đường phía trước.

Tôi khóc vì điều gì?

Có lẽ là vì đứa trẻ ngốc nghếch của tôi, một mình lang thang cô độc bấy lâu nay, cuối cùng cũng tìm được đường về nhà.

Đó là một chuyện tốt mà.

6

Cuối tuần, Tôn Dĩnh Sa gọi tôi đến ký túc xá của cô ấy để dọn dẹp đồ đạc cùng.

Dọn dẹp chỉ là cái cớ, mục đích thực sự là buôn chuyện về diễn biến của mọi chuyện.

Mà chết tiệt thật, còn bắt tôi đợi một lúc lâu nữa. Có bạn trai rồi là quên luôn chị em từng cùng chung hoạn nạn phải không?

Từ miệng cô ấy nghe được câu "Vương Sở Khâm đi xem mắt rồi", tôi thực sự sốc.

Đây là điều tôi chưa từng nghĩ tới.

Nhưng nghĩ kỹ lại thì cũng bình thường thôi.

Tôi vẫn luôn cho rằng, suốt một năm qua, chắc chắn Vương Sở Khâm không sống dễ dàng gì.

Chắc chắn đã vô số lần, anh ta mong muốn Tôn Dĩnh Sa quay trở lại bên mình, quay về những ngày tháng trước kia.

Nhưng đồng thời, anh ta cũng không thể buông bỏ cái ngày mình bị bỏ lại trước cửa Cục Dân chính, không thể buông bỏ những khoảnh khắc bị cô ấy phớt lờ.

Anh ta nhất định đã giằng co rất lâu giữa việc cắt đứt mọi thứ để bước tiếp hay lựa chọn quay lại từ đầu, đến mức chính mình cũng rối loạn, chẳng còn tỉnh táo nữa.

Anh ta cần một lối thoát.

Dù lối thoát đó không dẫn đến nơi anh ta thực sự muốn, nhưng ít nhất cũng giúp anh ta thở được một hơi.

Đi xem mắt với cô gái kia, chính là khoảng thời gian để anh ta thở.

Cũng là cơ hội để anh ta nhìn rõ lòng mình vẫn luôn muốn điều gì, nhưng lại không ngừng trốn tránh.

Tôn Dĩnh Sa ríu rít kể rất nhiều, ờ thì thôi vậy, hai người họ làm lành là được, nghe đến mức đầu tôi cũng ong ong cả lên.

Tôi muốn đi rửa mặt, nhưng lúc vào phòng tắm lại không thấy khăn mặt đâu, bèn hỏi Tôn Dĩnh Sa.

Không ngờ cô ấy đáp ngay, "Ở ngăn thứ ba của tủ bên cạnh TV."

So với việc nghe tin Vương Sở Khâm đi xem mắt, chuyện này còn khiến tôi sốc hơn.

Tôi cứ tưởng cô ấy chỉ hứng thú trong chốc lát thôi.

Tôi nhớ lại ba tháng đầu sau khi họ chia tay, gần như lúc nào tôi cũng ở cùng cô ấy.

Tháng đầu tiên

Mỗi ngày, tôi thấy Tôn Dĩnh Sa ở lại Tổng cục Thể thao đến tận mười, mười một giờ đêm, có hôm còn đến tận mười hai giờ.

Lúc về nhà, cô ấy đã mệt đến mức đứng cũng có thể ngủ gật, nhưng vẫn kiên quyết quét dọn, lau chùi sạch sẽ từng ngóc ngách.

Tôi cười nhạo cô ấy: "chị tính chuyển nghề làm lao công đấy à?"

Cô ấy nói: "Cũng không phải là không được."

Tôi chỉ nghĩ, chắc cô ấy đang tìm cách để phân tán sự chú ý mà thôi.

Tháng thứ hai

Tôi phát hiện ký túc xá bắt đầu trở nên cực kỳ gọn gàng, mọi thứ đều có vị trí cố định của nó.

Có lần tôi lấy một món đồ ra dùng xong, tiện tay đặt ở chỗ khác, nhưng chỉ một lát sau, cô ấy đã để lại đúng vị trí ban đầu.

Hôm đó tôi tìm bấm móng tay, vừa mở ngăn kéo theo lời chỉ của cô ấy, tôi liền sững sờ—bên trong tất cả mọi thứ đều được sắp xếp ngay ngắn, chỉnh tề một cách hoàn hảo.

Tôi cứng đờ.

Tôi nói: "Sao đây? Chị định thi lấy chứng chỉ sắp xếp đồ đạc à? Hay là Tổng cục Thể thao sắp cắt giảm nhân sự, đuổi luôn cả nhân vật kỳ cựu như chị?"

Cô ấy lườm tôi một cái, "Em nói linh tinh gì vậy?"

Lúc đó, tôi bắt đầu thấy có gì đó không đúng.

Tháng thứ ba

Một ngày nọ, tôi về nhà định rủ cô ấy đi ăn, không ngờ thấy cô ấy đang chuẩn bị xuống bếp nấu cơm.

Lúc đó, tôi không nghĩ nhiều, chỉ cho rằng cô ấy chán quá nên muốn thử nấu ăn, liền kéo cô ấy ra ngoài ăn với tôi, bảo để hôm khác làm cũng được.

Ăn xong, cô ấy nói muốn đi bộ về nhà để tiêu thực, tôi đồng ý.

Cô ấy nói muốn uống rượu, tôi bảo "Nếu chị uống được thì ok thôi."

Ha, không phải người ta hay nói "rượu vào lời ra" sao?

Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ba tháng qua cô ấy đã làm gì, vì cái gì.

Nói cho cùng, vẫn là vì Vương Sở Khâm.

Tôi thực sự rất giận.

Con người có thể ngu ngốc đến mức này sao?

Tôn Dĩnh Sa vẫn luôn nghĩ rằng, vì cô ấy không biết dọn dẹp, không biết sắp xếp nhà cửa, không biết nấu ăn, nên Vương Sở Khâm mới chia tay cô ấy?

Cô ấy có hiểu không, rằng đây không phải điều mà Vương Sở Khâm muốn?

Anh ta không cần cô ấy học những thứ đó, không cần cô ấy làm những việc cô ấy vốn không giỏi chỉ để duy trì mối quan hệ này.

Cái khiến Vương Sở Khâm thực sự tức giận không phải là ngày hôm đó cô ấy không đến Cục Dân chính, mà là vì anh ta đã bị phớt lờ quá lâu.

Anh ta không biết mình đã bỏ ra nhiều như vậy để làm gì, không còn tìm thấy chính mình trong mối quan hệ này.

Đó mới là điều quan trọng nhất.

Tôi còn thấy trên tay cô ấy có một vết bỏng.

Cô ấy nói là bị bỏng khi làm bữa sáng cho Vương Sở Khâm, mà anh ta có vẻ không vui lắm.

Tôn Dĩnh Sa ơi Tôn Dĩnh Sa, em biết nói chị thế nào đây?

Hai người bây giờ, lại đang trên đà xảy ra chuyện nữa rồi phải không?

Tôi hỏi cô ấy:

"Tôn Dĩnh Sa, chị học nấu ăn, là vì anh ấy, hay vì chính chị thật sự muốn học?"

Cô ấy chưa kịp trả lời đã mơ màng nhắm mắt ngủ mất.

Tôi thực sự, haizz...

Tôi sắp điên rồi.

Rõ ràng người yêu không phải là tôi, nhưng tại sao tôi lại cảm thấy khổ sở thế này?

Tôi nghĩ, phải tìm cơ hội nói chuyện với Vương Sở Khâm.

Đứa trẻ ngốc này, thực sự rất ngốc.

Cô ấy tuyệt đối không được đánh mất chính mình.

7

Không ngờ lại chạm mặt Vương Sở Khâm nhanh như vậy.

Bên kia, mấy người bọn họ đang túm tụm lại, ríu rít vây quanh Tôn Dĩnh Sa, hết hỏi đông lại hỏi tây.

Còn tôi thì không cần hỏi. Chẳng có chuyện gì mà tôi không biết.

Tôi ngồi xổm một bên, cùng Vương Sở Khâm nướng xiên thịt!

Món "xin lỗi" mà tôi nợ Vương Sở Khâm bấy lâu nay, cuối cùng cũng có thể nói ra.

Ban đầu, tôi cũng rất tức giận.

Tôi cảm thấy Vương Sở Khâm quá vô tình.

Tôn Dĩnh Sa dành hơn mười năm cuộc đời—từ sự nghiệp bóng bàn đến tình yêu sau này—từ đầu đến cuối, bên cạnh cô ấy luôn là anh ta.

Chỉ vì một sai lầm nhỏ, anh ta đã nói chia tay, thậm chí không quan tâm đến chuyện hai người đã đi đến bước sắp kết hôn.

Nhưng sau này tôi mới hiểu.

Đó không phải chỉ là một sai lầm nhỏ.

Mà là hàng ngày bị bỏ quên, hàng trăm lần chịu ấm ức dồn nén, rồi đến lúc bùng nổ.

Trước đây, hay nói đúng hơn là cho đến tận gần đây, đôi lúc tôi vẫn tự hỏi—rốt cuộc ai sai nhiều hơn?

Nhưng thật ra, chẳng ai sai cả.

Chỉ là cả hai đều không biết cách diễn đạt rõ ràng nhu cầu của mình, không nói ra ranh giới và nguyên tắc trong mối quan hệ.

Và cũng bởi vì quá yêu, nên một người thì được cưng chiều mà trở nên kiêu ngạo, còn một người thì không ngừng nhượng bộ.

Nhưng dù có đi một con đường dài bao nhiêu, rồi cũng sẽ có điểm dừng.

Dù thế giới có rộng lớn thế nào, cũng sẽ có giới hạn.

Con người không thể mãi mãi lùi bước.

Ai cũng muốn được yêu.

Anh ta hỏi tôi Tôn Dĩnh Sa sống thế nào trong một năm qua.

Tôi kể cho anh ta.

Hoặc có thể nói, giống như đang cầu xin hơn.

"Vương Sở Khâm, anh đừng trách Tôn Dĩnh Sa."

"Cô ấy không hiểu được ý nghĩa thực sự đằng sau những lời nói và hành động của anh."

"Cũng giống như cô ấy không biết rằng, khi anh cứ lẩm bẩm bảo cô ấy học nấu ăn, học dọn dẹp, thực ra là vì anh lo lắng rằng một ngày nào đó, nếu anh không còn bên cạnh, cô ấy vẫn có thể tự chăm sóc bản thân thật tốt."

"Nếu anh không nói ra, thì cô ấy sẽ mất rất, rất lâu mới đoán ra được suy nghĩ thật sự của anh."

"Trong khoảng thời gian đó, cô ấy sẽ nghĩ rằng anh tức giận chỉ vì những điều nhỏ nhặt ấy, nên mới không ngừng cố gắng học hỏi, rồi đem những gì mình làm được dâng lên trước mặt anh, mong anh nguôi giận. Nhưng thực ra, thứ mà anh cần, không phải là những điều đó, đúng không?"

"Lúc cô ấy còn là vận động viên, anh cũng tận mắt chứng kiến rồi. Mọi thứ đều được Tổng cục, huấn luyện viên, cấp trên sắp đặt sẵn. Cô ấy chỉ cần đánh tốt, giành chiến thắng là được."

"Sau khi hai người ở bên nhau, anh lại tiếp tục thu xếp mọi thứ cho cô ấy."

"Cô ấy quen được anh cưng chiều như một đứa trẻ."

"Anh không thể mong đợi rằng cô ấy sẽ hiểu hết, học hết mọi thứ trong chốc lát."

"Anh cũng đừng tự trách mình nữa. Anh cũng không sai."

"Tôn Dĩnh Sa, cô ấy yêu anh rất nhiều."

"Cô ấy chưa bao giờ trách anh cả."

"Tôi chưa từng trách cô ấy."

"Tôi chưa bao giờ trách Tôn Dĩnh Sa."

Vương Sở Khâm nói với tôi.

8

Tôn Dĩnh Sa tìm tôi, nói rằng cô ấy muốn cầu hôn Vương Sở Khâm, nhờ tôi nghĩ giúp một ý tưởng.

Nhưng suốt cả buổi, tôi chẳng chen được mấy câu, vì cô ấy đã sắp xếp sẵn mọi thứ từ lâu rồi.

Ngày cầu hôn, phải đặt trước hoa hồng Cappuccino, phải tổ chức trên bãi cỏ bên hồ trong công viên nhỏ, phải mặc gì, trang điểm thế nào, phải nói những gì—mọi thứ đã lên kế hoạch hết cả.

Tôi chẳng có cơ hội góp ý gì.

Tôi cảm giác mình như một con cún nhỏ đang ngủ ngon lành trong ổ, đột nhiên bị cô ấy đá một phát vào mông để bắt dậy ăn cơm chó.

— "Tôi vẫn còn nhớ bó hoa hồng Cappuccino mà anh ấy từng đặt cho tôi khi trước, đẹp lắm."

— "Chọn công viên là vì... lần đầu tiên bọn tôi chính thức nắm tay và hôn nhau, cũng ở đó mà. Có bắt đầu, có kết thúc, thật trọn vẹn, đúng không? Có lãng mạn không?"

— "Lý Nhã Khả, em nói gì đi chứ, đừng có lườm tôi nữa."

Tôi bĩu môi, bất lực. "Vậy em cần làm gì đây? Chị đã tự nghĩ hết rồi còn gì? Chị đến đây chẳng qua chỉ để nhồi cẩu lương cho em thôi đúng không?"

— "Không phải mà..." Tôn Dĩnh Sa bày ra vẻ mặt ấm ức.

— "Tôi muốn em đi cùng tôi, chứng kiến hạnh phúc của bọn tôi mà."

— "Biến đi." Tôi đá nhẹ cô ấy một cái.

— "Sao lại chọn hoa hồng Cappuccino?"

— "Vì..." Cô ấy nghiêng đầu nghĩ một chút, rồi cười nói:

— "Hoa hồng Cappuccino có ý nghĩa là 'Em yêu anh, đó là định mệnh' mà."

— "Còn một lý do nữa... Tôi không muốn khiến anh ấy nghĩ rằng tôi gấp gáp muốn ổn định lại hay bù đắp cho những gì đã xảy ra trước kia. Nhưng dù sao, trong lòng tôi vẫn có chút áy náy. Có lẽ, tôi muốn tái hiện lại một ngày lẽ ra nên thật đẹp."

Tôi không nói gì, coi như ngầm đồng ý.

Chúng tôi thống nhất ngày, rồi tìm một lý do để dụ Vương Sở Khâm đến công viên—nói rằng mọi người muốn đi dã ngoại.

Tôn Dĩnh Sa và tôi đến đó từ sớm để trang trí.

Còn Vương Sở Khâm, đợi chúng tôi gọi thì mới đến.

Suốt quãng thời gian ngồi trong xe chờ đợi, Tôn Dĩnh Sa cứ lật qua lật lại hết cái này đến cái kia, lo lắng bản thân chưa chuẩn bị đủ tốt.

Tôi biết, cô ấy sợ Vương Sở Khâm từ chối.

Nhưng làm sao có thể chứ?

Tuyệt đối không thể.

Hai người họ đã mất một năm dài để đi hết một vòng lớn, trải qua bao nhiêu tổn thương, bao nhiêu dày vò, vậy mà cuối cùng vẫn là quay về bên nhau.

Giống như bó hoa cô ấy chọn—

Họ yêu nhau, đó là định mệnh.

Nguyệt Lão buộc tơ hồng cho người khác đều chỉ thắt nút lỏng, để chừa lại đường lui.

Nhưng đến lượt hai người họ, nút thắt đó là một nút chết.

Tôn Dĩnh Sa liên tục hỏi:

— "Như vậy ổn không?"

— "Không có vấn đề gì chứ?"

— "Không thiếu sót gì chứ?"

...

Tôi khẳng định hết lần này đến lần khác.

Cuối cùng, cô ấy dũng cảm bước ra ngoài.

Rồi rất đột ngột, cô ấy quay lại.

— "Anh ấy... sẽ đồng ý chứ?"

— "Chắc chắn sẽ." Tôi dựa vào trụ đá, trả lời thật kiên định.

Cô ấy như một con chim nhỏ vừa được thả về với tự nhiên, hân hoan lao về phía tương lai, lao về phía người cô ấy đã yêu hơn mười năm trời.

Còn tôi, đứng trong đình nghỉ mát, trên sườn dốc, dõi theo từng bước chân của cô ấy đến gần anh ta hơn, từng chút một, từng chút một, chạy đến bến đỗ hạnh phúc mà cô ấy lẽ ra đã thuộc về từ lâu.

Tôi thấy cô ấy ôm bó hoa, cầm điện thoại, đôi môi khẽ mấp máy.

Tôi không biết cô ấy nói gì.

Tôi chỉ biết rằng—

Đứa trẻ ngốc nghếch này đã ngã đến đầu rơi máu chảy, nhưng chưa từng từ bỏ.

Và cuối cùng, hạnh phúc đã đến với cô ấy.

Tôi chợt nhớ lại, mọi lần họ gặp lại, mọi lần họ dây dưa đều là vào những ngày mưa.

Hôm nay lại là một ngày nắng đẹp.

Tôi thấy Vương Sở Khâm đeo thứ gì đó cho cô ấy.

Là nhẫn chăng?

Chuyện này tôi không biết.

Nhưng không sao cả, vẫn thật tuyệt vời.

Đứa trẻ ngốc nghếch này tưởng rằng chỉ có mình cô ấy đang âm thầm chuẩn bị một bất ngờ.

Nhưng cô ấy đâu ngờ rằng, đối phương cũng đã chuẩn bị một bất ngờ để đáp lại cô ấy.

Chị xem, sau bao lần rẽ ngang rẽ dọc, cuối cùng vẫn chạy về phía nhau, đẹp biết bao.

Cô ấy vui vẻ đến mức cầm bó hoa chạy vòng quanh Vương Sở Khâm mấy vòng, vừa nhảy vừa cười.

Đột nhiên cô ấy dừng lại.

Cô ấy nhìn thấy tôi.

Cô ấy biết tôi luôn ở đây.

Cô ấy kéo Vương Sở Khâm đến bên cạnh, nắm lấy tay anh ta, giơ cao lên thật cao.

Rồi cô ấy hét lớn, rất lớn, rất rất lớn.

— "Nhã Khả——"

— "Tôi thành công rồi——"

Rõ ràng đây là chuyện vui, vậy mà tôi lại không kìm được nước mắt.

Tôi không nói được câu nào, chỉ có thể giơ tay vẫy mạnh, gật đầu thật lực.

Tôi biết cô ấy nhìn thấy tôi.

Nhưng tôi sợ cô ấy không thấy, nên tôi cứ vẫy mãi, vẫy mãi.

Tôi nghĩ, chắc là ứng với câu nói đó—

Nhìn thấy cô ấy hạnh phúc, tôi sẽ là người rơi nước mắt trước.

Đứa trẻ ngốc nghếch của tôi à.

Cuối cùng, chị cũng tìm được chiếc chìa khóa đúng đắn để mở cửa tình yêu.

Từ giờ trở đi, chị sẽ không còn lạc lối ở ngã rẽ của tình yêu nữa.

Tôn Dĩnh Sa, chị phải luôn luôn, luôn luôn hạnh phúc nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro