lich su
Alexandros Đại đế
Alexandros III của Macedonia, được biết rộng rãi với cái tên Alexandros Đại đế, (tiếng Hy Lạp: Μέγας Αλέξανδρος[1],
Megas Alexandros, gọi theo tiếng Hán-Việt là A Lịch Sơn Đại đế) (Tháng 7 năm 356 TCN – 11 tháng 6 năm 323 TCN), là Quốc
vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN), nhưng ít giành thời gian cho việc trị quốc tại quê
nhà Macedonia. Trong suốt triều đại của ông, người chiến binh này chủ yếu giành thời gian cho các cuộc chinh phạt,[2] và
được xem là một trong những vị tư lệnh thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông
biết trước khi qua đời; ông thường được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử. Vì những
chiến công hiển hách và ảnh hưởng lớn lao của ông đối với lịch sử thế giới, vị vua trẻ tuổi xứ Macedonia trở nên nổi tiếng
với cái tên là Alexandros Đại Đế.
Tiếp sau khi thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại dưới sự cai trị của vua cha Philipos II, Alexandros chinh phục Đế
chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế của ông
đến xa tận Punjab. Chiến thắng của ông trước quân Ba Tư trong trận Gaugamela - chiến thắng quyết định thứ ba của ông trước
vua Ba Tư Darius III - được xem là chiến công hiển hách nhất trong thời kỳ cổ đại; không những thế ông còn đánh tan tác
người Scythia - một dân tộc bách chiến bách thắng thời cổ đại. Alexandros thực hiện một chính sách hòa hợp: ông đưa cả
những người ngoại quốc (không phải người Hy Lạp hay người Macedonia) vào chính quyền và quân đội của mình, ông khuyến
khích hôn nhân giữa các tướng sĩ của mình với người nước ngoài và chính ông cũng lấy vợ ngoại quốc.
Sau mười hai năm liên tục thân hành cầm quân đánh đâu thắng đó, vua Alexandros Đại Đế qua đời, có lẽ là do sốt rét,
thương hàn, hay viêm não do virút. Những cuộc chinh phạt của ông mở đầu cho nhiều thế kỉ định cư và thống trị của người Hy
Lạp trên nhiều vùng đất xa xôi, một giai đoạn được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa. Bản thân ông cũng sống trong lịch sử và
trong các truyền thuyết của các nền văn hóa Hy Lạp và không Hy Lạp. Ngay khi ông còn sống, và đặc biệt sau khi ông qua
đời, những cuộc chinh phạt của ông đã là nguồn cảm hứng của một truyền thống văn học mà trong đó ông xuất hiện như là một
anh hùng huyền thoại theo truyền thống của Achilles (Asin) năm xưa. Không những vị vua trẻ tuổi này trở thành nhà chinh
phạt xuất sắc nhất của Hy Lạp cổ điển, ông còn là một vị anh hùng trong truyền thống Hồi giáo, người Ả Rập gọi ông là
Iskandar.
Mục lục
1 Thời thơ ấu
2 Tuổi thơ không êm đềm
3 Lên ngôi vua Macedonia
4 Giai đoạn của các cuộc chinh phạt
4.1 Sự sụp đổ của Đế quốc Ba Tư cổ đại
4.2 Những âm mưu chống đối Alexandros
4.3 Cuộc chinh phạt Ấn Độ
4.4 Sau Ấn Độ
5 Qua đời
5.1 Người kế vị
6 Đời tư
7 Danh ngôn
8 Chú thích
9 Tài liệu tham khảo
9.1 Nguồn sơ cấp
9.2 Nguồn thứ cấp
Thời thơ ấu
Alexandros Đại đế là con trai của vua Philipos II của Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros. Thông
qua vị vua khai quốc Macedonia là Karanos, Alexandros là hậu duệ của anh hùng Heracles. Bên họ mẹ ông, Alexandros là
con cháu của Aeacides thông qua anh hùng Neoptolemus. Thông qua mẹ ông, Alexandros là anh họ thứ hai của một vị vua -
chiến binh lỗi lạc khác là Pyrros. Pyrros là Quốc vương xứ Ipiros, tài năng của ông này đã làm cho nhân dân Macedonia
nhớ tới Quốc vương Alexandros Đại Đế xưa kia, và danh tướng Hannibal đã đặt ông thứ hai trong danh sách các vị danh tướng
kiệt xuất nhất, chỉ sau Quốc vương Alexandros.[7] Trong tiểu sử Alexandros Đại Đế, Plutarchus ghi nhận: Người ta nói
rằng, vua cha Philippos II của ông lúc còn trẻ đã yêu cô thiếu nữ Olympias (lúc bấy giờ cả cha lẫn mẹ của bà đã qua đời)
trên hòn đảo nhỏ Samothracia, tại đây họ được làm quen và hiểu được những phép lạ của giới tăng lữ: và sau đó, Philippos
II hỏi ý anh trai của Olympias là vua Arymbas về việc kết hôn với bà, và vua này chấp thuận. Trong đêm trước khi cặp đôi
nằm trên giường cưới, Olympias nằm mộng thấy sấm sét đánh vào tử cung của bà, và một ngọn lửa sáng rực tự gieo rắc nó
thành nhiều đống lửa khác nhau. Còn vua Philippos II thì chiêm bao thấy mình niêm phong tử cung của Olympias, và con
dấu niêm phong của ông có in hình một con mãnh sư. Tuy các thầy pháp và nhà tiên tri khuyên vua cần phải cảnh giác với
vợ mình qua giấc chiêm bao này, nhưng Aristander người xứ Telmessus đổi ý: ông cho rằng Hoàng hậu Olympias đang có thai
và không gì có thể che dấu được điều này, và thai nhi của bà chứa một hoàng nam có tính khí của loài mãnh sư.[8]
Cũng chính Plutarchus có kể lại một câu chuyện như sau: Nhiều lần ngủ trên giường của mình, Olympias thích nằm chung với
rắn, mà có người cho rằng đây là nguyên nhân lớn nhất khiến cho nhà vua ghẻ lạnh với bà. Do đó, vua không nằm nhiều với
bà, khác với lúc trước: hoặc là do vua sợ một sức mê hoặc hay bùa phép nào đó, hoặc là vua lo sợ rằng một vị thần linh
nào đó đã yêu Olympias, mà mình là người trần mắt thích không thể gặp được chư thần. Có người lại thuật câu chuyện này
theo một lối nói khác: rằng phụ nữ các vùng đất Cổ Hy Lạp thời đó có được tâm hồn của thần Orpheus và tính nóng nảy thánh
thiêng của thần Bacchus, do đó họ được gọi là Clodones và Mimallones (nghĩa là hung dữ, hiếu chiến), và làm những việc
giống như các phụ nữ xứ Edonia và Thrace, sinh sống ở miền núi Aemus. Và do đó, có lẽ từ ngữ threskeuin tiếng Hy Lạp cổ
đại (nghĩa là lòng thành kính quá mãnh liệt đối với chư thần) bắt nguồn từ họ. Olympias phải truyền cảm chư thần bằng sự
điên cuồng và đanh đá thiêng liêng của mình, vì vậy trong những buổi lễ cúng tế thần linh, bà thường làm những trò hết
sức man rợ và khủng khiếp. Bà múa cho thần Bacchus xem cùng với những con rắn xung quanh mình, làm đám đàn ông phát
sợ.[8]
Nói chung, sau khi có chiêm bao, vua Philippos II sai Chaero người xứ Megalopolis) đến ngôi điện thờ thần Apollo tại
Delphi, để hỏi ý thần linh xem giấc mộng của vua báo hiệu điều gì sẽ xảy ra? Philippos II đã nhận được câu trả lời rằng,
ông phải thờ phụng thần Zeus chu đáo, hơn hết tất cả mọi vị thần khác. Và, nhà vua đã bị mất một con mắt khi đi chinh
chiến, mà với con mắt này ông đã nhìn trộm qua buồng ngủ của vợ, thấy thần linh đội lốt loài rắn mà ngủ chung với vợ ông.
Hơn nữa, theo như Eratosthenes, sau này khi Alexandros Đại Đế lên đường chinh phạt Á châu, Olympias đã tử tế từ biệt con
mình, sau khi bà đã nói riêng với ông rằng ông thực chất là con của ai? Bà đã cúng tế vị thần ấy như thế nào? Để rồi ông
thật xứng đáng là con của vị thần ấy. Cũng có người viết rằng Olympias bác bỏ huyền thoại này, bà nói:[8]
“Alexandros sẽ không bao giờ để ta phải gây gổ với vợ thần Zeus chứ?”
—Olympias
Lại nói, Hoàng tử Alexandros chào đời vào ngày thứ sáu trong tháng sáu (tức tháng Hecatombaeon theo cách gọi của người
Hy Lạp cổ đại, hoặc tháng Lous theo cách gọi của người Macedonia thời đó). Đúng ngày mà Alexandros được sinh ra, ngôi
đền thờ thần Artemis ở Ephesus bị cháy rụi. Hegesias người xứ Magnesius có chứng kiến trận cháy kinh hoàng này, và lời
than vãn cùng tiếng kêu ca của thần nữ Artemis thật quá lạnh lẽo đến mức nó có thể làm dập tắt đám cháy. Theo
Plutarchus, không lạ gì nếu Artemis để cho ngôi đền này bị bùng cháy là do bà đang phải coi sóc vị vua tương lai
Alexandros Đại Đế. Tuy nhiên, mọi giáo sĩ, nhà tiên tri và thầy pháp ở đều dự báo về sự đến gần của một hiểm họa cực kỳ
nghiêm trọng: nét mặt họ hết sức hoảng sợ, họ phải chạy quanh, rồi chạy vào thành phố Ephesus vào kêu ca rằng, trận cháy
là điềm báo trong ngày hôm ấy, một sức mạnh vô biên đã ra đời vào và sẽ tiêu diệt châu Á sau này. Ít lâu sau đó,
Philippos II chiếm lĩnh được thành phố Potidae, và có ba tin vui đến với nhà vua làm cho ông hết sức sung sướng: trước
tiên, danh tướng Parmenion đã đại phá tan tác quân Illyria, thứ hai, con ngựa của ông thắng giải và đạt được vòng nguyệt
quế trong kỳ Thế vận hội tại Olympía lần này, và cuối cùng, Hoàng hậu Olympias đã hạ sinh một hoàng nam tên là
Alexandros. Niềm sướng vui của nhà vua càng trở nên tột độ khi các nhà tiên tri tiên đoán rằng, do Alexandros đã hạ
sinh giữa ba chiến thắng, vị vua tương lai sẽ đánh đâu thắng đó.[8]
Vóc dáng của Alexandros được thể hiện rõ nhất qua những bức tượng do Lyssipus tạc, theo Plutarchus, Lyssipus là người
nghệ nhân xứng đáng nhất để tạc chân dung vị vua vĩ đại. Và trên thực tế, những đặc điểm của Alexandros mà sau này nhiều
bạn hữu và vua chúa kế tục luôn mong muốn được kế thừa từ ông: cái cổ hơi nghiêng về bên trái, và đôi mắt ẩm ướt đã được
hoàn toàn thừa nhận bởi các nghệ sĩ về sau. Họa sĩ Apelles sau này cũng có vẽ tranh Alexandros Đại Đế nắm giữ sấm sét
trông giống như thần Zeus, tuy không nhấn mạnh rõ đến làn da của ông, nhưng làm cho nó thật tối, ngăm đen. Người ta
thường nói Alexandros rất đẹp trai và vẻ đẹp của ông được thể hiện bởi phần da hồng sẫm nhạt ở xung quat ngực và mặt của
ông. Vả lại, theo "Hồi ký" của Aristoxienus, miệng và thịt của Alexandros có vị ngọt ngào, trong khi làn da của ông có
hương thơm ngát, đến mức ngấm vào mọi y phục của Alexandros. Có lẽ sự tỏa hương này là do tính khí nóng nảy của
Alexandros, theo lời bàn của Plutarchus.[8]
Bấy giờ, vua nước Ba Tư phái sứ thần đến triều kiến Hoàng gia Macedonia, giữa lúc vua cha Philippos II đang phải đi
chinh chiến ở phương xa nên Hoàng tử Alexandros vui vẻ tiếp đón phái sứ, và được họ nể phục vì sự nhã nhặn của mình. Bởi
vì ông không hề hỏi họ những câu hỏi mang tính con nít, không thèm quan tâm đến những vấn đề linh tinh.[8] Trong cuộc
đời, điều mà Alexandros khao khát hơn là hành động và vinh quang, chứ không phải thú vui và giàu có. Alexandros khao
khát được nổi tiếng đến mức khi nghe về cuộc chinh phục của vua cha Philippos II, chàng không hề sung sướng vì đươc thừa
hưởng một gia tài và quyền lực càng tăng thêm mà chỉ cảm thấy không vui vì những vùng đất còn lại cho chàng chinh phục
giờ đây nhỏ nhé dần. Alexandros thường than phiền với bạn bè rằng nếu cứ đà này thì một khi chàng lên nối ngôi vua, trên
thế giới sẽ chẳng còn việc gì để làm.
Alexandros chỉ muốn đất nước mình gặp khó khăn hay gây chiến tranh. Lúc đó chàng sẽ có môi trường lớn để thử thách lòng
dũng cảm của mình và ghi lại dấu ấn của mình trong lịch sử. Chàng khinh thường cuộc sống no đủ và lười biếng.
Trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình, Alexandros luôn cưỡi con thần mã yêu quý Bucephalus. Câu chuyện Alexandros
thuần phục được nó ngay từ khi còn nhỏ là một trong những mẩu chuyển tiêu biểu nhất Alexandros, thể hiện tài nghệ của
chàng ngay từ khi còn nhỏ như vậy. Theo trước tác của Plutarchus, mọi sự mở đầu với việc một lái buôn người xứ Thessaly là
Philoneicus đã mang con thần mã dũng mãnh này đến bán cho vua Philippos II, với giá là 13 đồng talent. Nhà vua và các
quan cận thần trong Triều đình cũng ra một cánh đồng, và tại đó mọi người thay nhau ra sức thuần phục con thần mã. Con
thần mã thật quá hung dữ và khó có thể bị chế ngự: nó không cho bất kỳ một ai cưỡi lên lưng nó, nó cũng không để tâm đến
bất kỳ một lời khuyên nào của mọi người dưới sự cỗ vũ của Philippos II mà toàn là hất họ ra. Nhà vua tức giận, bèn đem trả
con ngựa táo tợn này vì nó thật quá hoang dã và không thể kiềm chế được, nhưng Alexandros khi đang đứng đó, liền nói:[9]
“Họ mất một con ngựa như thế chẳng qua là vì họ chẳng có kinh nghiệm và thật quá hèn nhát để có thể thu phục được
nó.”
—Alexandros Đại Đế
Đầu tiên Philippos II vẫn im lặng chứ không thèm để ý. Nhưng do Alexandros vẫn than vãn lặp đi lặp lại và trở nên hết
sức là buồn bã, vua cha mới phán con: " Hoàng nhi cứ chê bai những người lớn tuổi hơn con cứ như là con biết nhiều hơn và
làm tốt hơn họ vậy". Hoàng tử Alexandros trả lời: "Ít ra thì con cũng biết thuần phục con ngựa này chứ không tệ như họ!"
Vua cha lại hỏi: "Và nếu Hoàng nhi không thể thu phục được nó, thì con phải làm gì để trả giá cho cái tính bốc đồng" của
con. Alexandros không ngại gì:[9]
“Con sẽ trả tiền mua con ngựa này, dưới sự chứng dám của thần linh.”
—Alexandros Đại Đế
Thế là tất cả mọi người cười phá lên. Alexandros đánh cuộc và chàng chạy đến con thần mã. Chàng nắm lấy dây cương và dắt
con ngựa đi theo hướng mặt trời; rõ rằng, chàng nhận ra rằng con thần mã này thường trở nên hoảng sợ khi nhìn thấy cái
bóng của chính nó ở phía trước nó. Vì vậy chàng dắt con ngựa đứng yên đối diện với mặt trời rồi dắt nó đi theo hướng này.
Mỗi khi con ngựa tỏ vẻ hung hăng hay giận dữ, chàng lại khẽ vuôt ve nó. Bất thình lình, Alexandros nhảy lên lưng con
thần mã rồi nhẹ nhàng nhưng cương quyết giật dây cương cho đến khi tất cả vẻ hung dữ biến mất. Rồi chàng ra lệnh cho con
Bucephalus phi nước đại, với giọng điệu hùng hồn hơn hẳn.[9]
Vua Philippos II và những người khác đứng xem rất lo lắng cho đến khi nhìn thấy Alexandros chiến thắng trở về. Nhà vua
hết sức vui sướng và thỏa mãn, ông mừng đến mức phải rơi lệ. Trong khi đó, tất cả mọi người đều ầm ầm vỗ tay. Người ta nói
rằng nhà vua bế Alexandros lên và hôn vào trán của chàng, sau đó ông đặt con xuống và tuyên bố:[9]
“
Hỡi con trai của ta con hãy tự tìm cho mình một vương quốc xứng đáng vì Macedonia qua nhỏ bé với con.
”
—Philippos II
Hầu hết mọi người đều xem Alexandros là một trong số rất ít Hoàng đế thời cổ đại, đã tiếp nhận một nền giáo dục và huận
luyện chuyên môn để giữ vai trò thống trị một đế quốc. Dưới sự sắp xếp của người cha, ngay từ năm 13 tuổi ông đã theo học
Aristotle, một triết gia nổi tiếng người Hy Lạp.[10][11] Aristotle đã huấn luyện Alexandros về mọi mặt như thuật hùng
biện và văn học và gợi lên các sở thích của cậu ta trong khoa học, y khoa và triết học. Aristotle đưa cho Hoàng tử
Alexandros một bản sử thi Iliad của Homer, mà ông luôn giữ và đọc thường xuyên. Theo 10 đại hoàng đế thế giới,
Alexandros rất ngưỡng mộ và luôn học hỏi theo sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng Achilles thời chiến tranh thành Troia.
[10]
[sửa]Tuổi thơ không êm đềm
Alexandros rất say mê nghiên cứu và luyện tập binh pháp. Sách Lịch sử thế giới: Từ 570 triệu năm trước đến 1990 Công
nguyên: Trình bày bằng những hình ảnh cụ thể, gọi ông là một người vĩ đại và có nhân cách khác thường.[11] Ông rất yêu
thích sự nghiệp và những công tích hiển hách của Hoàng đế Cyrus Đại Đế của Đế quốc Ba Tư cổ đại. Không những thế, hẳn, ông
cũng hứng chịu ảnh hưởng rất lớn từ đoạn này trong tác phẩm "Anabasis" của nhà sử học Xenophon:[12]
“Nước Ba Tư thuộc về người có ý chí và sức mạnh để chiếm lấy nó.”
—Xenophon
Năm 16 tuổi,[11] ông bắt đầu theo cha mình đi chinh chiến, học hỏi các bố trận và làm tướng. Khi Philipos lãnh đạo cuộc
tấn công vào Byzantium năm 340 TCN, Alexandros được để lại như là quan chấp chính của Macedonia. Vào năm 339 TCN,
Philipos lấy người vợ thứ năm, Cleopatra Eurydice xứ Macedonia. Vì mẹ của Alexandros, Olympias, là người từ Epirus (một
vùng đất thuộc phần phía tây của bán đảo Hy Lạp và không phải là một phần của Macedonia), và Cleopatra là một người
Macedonia chính gốc, điều này đã dẫn đến tranh cãi về quyền nối ngôi hợp pháp của Alexandros. Attalus, chú của cô dâu,
được kể là nâng ly trong tiệc cưới để chúc cho lễ thành hôn sẽ sản sinh ra một người nối ngôi hợp pháp của xứ Macedonia;
Alexandros hất cốc rượu vào Attalus nạt lớn:
Thế thì ta là gì, một đứa con bất hợp pháp à?.
Philipos hiển nhiên đã rút gươm ra và tiến về phía Alexandros, nhưng bị ngã vì quá say. Alexandros nói:
“
Đây là người đàn ông dự định chinh phục từ Hy Lạp đến châu Á, và ông ta không thể di chuyển nổi từ bàn này sang bàn
khác.
”
—Alexandros
Alexandros, mẹ và em gái (cũng tên là Cleopatra) sau đó bỏ Macedonia mà ra đi trong cơn giận dữ. Có người bạn cũ đến
thăm, vua Philipos hỏi ông ta liệu những người Hy Lạp có thể chung sống hòa binh với nhau không. Vị khách trả lời: Thật
lạ lùng, tại sao ngài phải lo lắng về Hy lạp đến thế trong khi gia đình ngài đang tan vỡ vì quá nhiều xung đột?". Philip
hiểu ra vấn đề nên triệu Alexandros trở về.
Cuối cùng thì vua cha Philipos giảng hòa với con trai, và Alexandros quay trở lại nhà; Olympias và em gái của ông vẫn
ở lại xứ Epirus. Vào năm 338 TCN, trên lưng con thần mã Bucephalus,[13] Alexandros giúp vua cha trong trận quyết định
Trận đánh Chaeronea chống lại các thành phố Hy Lạp tự trị Athena và Thebes, cánh do đội kỵ binh dẫn đầu bởi Alexandros
đã tiêu diệt Đội thần binh Thebes - một lực lượng tinh nhuệ được xem là bất khả chiến bại. Sau trận đánh, Philipos tổ chức
ăn mừng trọng thể, và đáng để ý là Alexandros không tham dự (người ta tin rằng ông đang chăm sóc thương binh và chôn cất
liệt sỹ, của Quân đội Macedonia và của kẻ thù). Chiến thắng này đã làm Philipos yêu quý con trai đến mức ông thích nghe
các chiến binh gọi Philipos là vị tướng còn Alexandros mới là vị vua của họ.Philipos bằng lòng tước quyền thống trị của
Thebes đối với Boeotia và để lại một đội quân đồn trú trong thành. Một vài tháng sau, để gia cố sự thống trị của
Macedonia đối với các thành phố Hy Lạp tự trị, Hiệp hội Corinth được thành lập.
[sửa]Lên ngôi vua Macedonia
Vào năm 336 TCN, Philipos bị ám sát tại lễ cưới của con gái ông là Cleopatra của Macedonia với vua Alexandros I của
Epirus. Người ta nói rằng, kẻ ám sát là một sủng thần trước đây của nhà vua - một nhà quý tộc trẻ bất mãn Pausanias, ông
ta trở nên thù oán vua Philippos II vì nhà vua đã bỏ mặc một lời than phiền mà ông ta đã đưa ra. Người ta cho rằng vụ ám
sát Philippos đã được tính toán trước với thông tin và sự tham gia của Alexandros hay Olympias. Một kẻ có khả năng là
chủ mưu là Darius III - tân Hoàng đế của Đế quốc Ba Tư khi đó. Nhà sử học Plutarch đề cập đến một lá thư giận dữ từ
Alexandros gửi Darius, trong đó ông đổ thừa cho Hoàng đế Darius III và quan Tể tướng Bagoas, cho cái chết của vua cha,
nói rằng chính Darius là người đã khoác lác với các thành phố Hy Lạp là ông ta đã tổ chức ám sát Philippos như thế nào.
Sau cái chết của Philippos, quân đội suy tôn Alexandros, lúc này 20 tuổi, như là vua mới của Macedonia. Chỉ trong vòng
vài tuần sau khi vua cha qua đời, tân vương Alexandros đã nắm vững tòan bộ quyền thống trị Chính phủ và Quân đội
Macedonia[14]. Các thành bang Hy Lạp như Athena và Thebes, bị bắt buộc phải quy phục Philippos, thấy vị tân vương như là
một cơ hội để giành lại hoàn toàn quyền độc lập của họ. Các bạn hữu và quân sư của nhà vua khuyên ông không nên lập lại
quyền thống trị của xứ Macedonia tại Hy Lạp và các rợ lân cận, trước khi ông đảm bảo sự ổn định nội bộ đất nước và sự trung
thành tuyệt đối của toàn dân Macedonia. Do đó, họ khuyên ông không nên suy nghĩ xâu xa gì về ý định chinh phạt Ba Tư
của tiên vương Philippos II trong vòng vài năm tới.[14].
Tuy nhiên, nhà vua quyết định không bỏ qua bất kỳ một lãnh thổ nào mà tiên vương khổ công chiếm lấy, hoặc bất kỳ một dự
định hay mục tiêu nào của tiên vương. Thoạt đầu, ông quyết định đấu tranh chống cái liên minh hiểm họa vừa được thành lập
tại Hy Lạp để chống lại ông. Bấy giờ, ở phía Đông, đất nước đã được phòng vệ vì ít lâu trước khi mất, tiên vương Philippos
II đã sai tướng Parmenion kéo 5000 quân tinh nhuệ đến, để chuẩn bị vượt sông Hellespont (Dardanelles) mà đánh Ba Tư. Do
đó, nhà vua chỉ chú ý đến phía Bắc và phía Tây đất nước.[14] Ông hành động nhanh chóng và Thebes, là thành phố chống lại
ông tích cực nhất, đã đầu hàng khi ông xuất hiện ở cửa thành. Hội đồng Hy Lạp tại Eo Corinth, với ngoại lệ Sparta, bầu
ông lên như là Tổng tư lệnh chống lại quân Ba Tư, mà trước đây chức danh này được phong tặng cho cha ông.
Năm kế tiếp, (335 TCN), Alexandros cảm thấy tự do tiến đánh Thracia và Illyria để bảo vệ sông Danube như là biên giới
phương bắc của Vương quốc Macedonia. Trong khi ông đang chinh phạt phía bắc một cách thắng lợi, người Thebes và Athena
lại nổi dậy một lần nữa. Alexandros phản ứng lập tức và trong khi các thành phố khác lại một lần nữa do dự, Thebes lần này
quyết định chống trả cật lực nhất. Sự chống trả là vô ích; cuối cùng, thành phố bị chinh phục với nhiều máu đổ. Người
Thebes chịu số phận thê thảm hơn khi thành phố bị đốt trụi và lãnh thổ bị chia ra giữa các thành phố Boeotian khác. Hơn
nữa, tất cả các công dân của thành phố bị bán thành nô lệ, chỉ chừa lại các thầy tu, các lãnh tụ của các đảng ủng hộ
Macedonia và hậu duệ của Pindar - nhà của người này không bị đụng chạm đến. Kết cục của xứ Thebes làm Athena sợ hãi mà đầu
hàng và sẵn sàng chấp nhận yêu sách của Alexandros cho lưu đày các lãnh tụ của phe cánh chống lại Macedonia,
Demosthenes là người đầu tiên. Người ta không biết thái đô ôn hòa sau đó của Alexandros đối với người Athena là do lòng
thương hại của chàng đối với sư tàn bạo dành cho Thebes hay đơn giản chỉ vì sự khát máu của chàng đã được thỏa mãn. Nhưng
kể từ đó, Alexandros luôn đối xử tế đối với bất cứ người Thebes nào sống sót mà chàng gặp.
Ngay sau đó, đại diện của các thành bang Hy Lạp gặp nhau tại Corinth và tôn Alexandros lên làm Minh chủ trong cuộc
chiến tranh chống lại quân Ba Tư, nhằm báo thù sự xâm phạm của người Ba Tư vào Hy Lạp năm xưa.[15] Khi Alexandros tới
Corinth, nhiều chính khách và nhà triết học đến chúc tụng chàng. Nhà vua cũng chờ nhà triết học nổi tiếng Diogenes của
Sinope đến chúc mừng, nhưng Diogenes không đến dù ông này sống ở ngay Corinth.[16]
Vì vậy, đích thân Alexandros đến thăm nhà Diogenes và gặp ông đang nằm tắm nắng. Diogenes hơi nhỏm người dậy khi nghe
tiếng đám đông tới gần. Khi Alexandros hỏi triết gia rất nhã nhặn rằng liệu có một đặc ân gì nhà vua có thể làm cho ông
không thì Diogenes chỉ nói:" Đức Vua hãy làm ơn bỏ cái bóng của Ngài ra khỏi tôi". Trên đường trở về, những tùy tùng của
Alexandros cười nhạo ông già gàn dở này, nhưng Alexandros bảo họ:[16]
“
Các Ngươi cứ cười nếu muốn, nhưng nếu Ta không phải là Alexandros thì Ta muốn được làm Diogenes.
Giai đoạn của các cuộc chinh phạt
Sau khi củng cố nền thống trị ở Hy Lạp, ông liền tích cực lo việc thực thi kế hoạch chinh phạt đế quốc Ba Tư Achaemenes mà
tiên vương đã soạn thảo, để qua đó cướp đoạt tài nguyên phong phú ở phía đông.[17] Ông vốn rất ngưỡng mộ hai nhà chinh
phạt vĩ đại trước thời ông là Nữ hoàng Semiramis của Đế quốc Assyria và Hoàng đế Cyrus Đại Đế của Đế quốc Ba Tư
Achaemenes, và quyết định tiến hành chinh phạt châu Á - theo gương họ thành lập một đế quốc hùng mạnh vào thời kỳ cổ
đại.[18][19] Lúc bấy giờ, vương triều Achaemenes của Ba Tư đã suy yếu, nội bộ thường tranh chấp liên miên. Vả lại,
Alexandros Đại Đế cũng đã kế thừa từ vua cha một công cụ chiến tranh hiệu quả, đó là một lực lượng Quân đội Macedonia
dũng mãnh không gì sánh bằng.[15] Ông nhân cơ hội này mà phát động cuộc viễn chinh, đồng thời, ông cũng dùng cuộc chinh
phạt này để chuyển tầm nhìn của những người Hy Lạp chống Macedonia sang hướng khác, và cũng làm hòa dịu cuộc khủng hoảng
về kinh tế và chính trị ở các thành bang Hy Lạp.[17]
Rõ ràng, trong việc theo đuổi tham vọng của mình, Alexandros Đại Đế đã phải kế thừa và phát huy di sản mà vua cha để
lại. Nếu không có Philippos II - cũng là một vĩ nhân với tầm vóc không kém trong lịch sử, Alexandros Đại Đế sẽ không thể
thật lẫy lừng được.[15]
[sửa]Sự sụp đổ của Đế quốc Ba Tư cổ đại
Mùa xuân năm 334 Trước Công Nguyên, Đại Đế Alexandros III thân hành xua đại binh đi đông chinh. Quân tinh nhuệ của ông
đã vượt qua eo biển Hellespont với khoảng 42 nghìn binh sỹ - chủ yếu là người Macedonia[20] và Hy Lạp, đa phần là từ các
thành phố tự trị phía nam Hy Lạp, nhưng cũng có bao gồm một số người Thracia, Paionia và Illyria. Tương truyền khi đó ông
đích thân cầm lái chiếc kỳ hạm của mình, và giết một con bò để hiến tế cho thần biển Poseidon.[17], ông còn dùng một
chén vàng đựng rượu mật để cúng thần biển. Khi chiến thuyền cập đến bờ biển bên kia, Alexandros mình mặc võ phục, bước lên
đại lục châu Á đầu tiên.[17] .Chàng chỉ có 70 talent vàng để trả lương cho binh lính và lương thực chỉ đủ cho 30 ngày.
Bản thân Alexandros còn nợ 200 talent vàng nên chàng phải tiêu bất cứ thứ gì chàng có để đảm bảo binh lính có đủ tiền
chu cấp cho gia đình. Một viên tướng hỏi chàng muốn giữ lại gì cho bản thân mình, Alexandros trả lời:"Niềm hy vọng của
Ta". Viên tướng này sau đó cũng từ chối nhận lương và nói:"Các chiến binh của Bệ Hạ cũng sẽ là bạn của Người trong niềm hy
vọng ấy".
Với lòng khao khát và quyết tâm đó, Alexandros và các chiến binh của chàng tiến đến di tích thành Troy ở châu Á. Tại
ngôi mộ của danh tướng Achilles, tổ tiên bên họ ngoại của chàng, Alexandros thoa dầu thơm lên bia mộ của Achilles rồi
cùng những tùy tùng khỏa thân chạy xung quanh ngôi mộ theo phong tục cổ ở đây. Chàng nói Achilles là một người may mắn
vì có một người bạn tri kỉ khi còn sống và một nhà thơ vĩ đại làm cho những ký ức về mình vẫn còn được lưu giữ mãi.
Trong khi đó quân Ba Tư đã cắm trại ở phía bên kia sông Granicus ngăn không cho Alexandros vượt qua. Quân Ba Tư gồm có
2 vạn Bộ binh và 2 vạn Kỵ binh với thế trận rất vững chắc. Dòng sông khá sâu còn bờ sông lại rất cao và dốc đứng. Dường
như không thể tấn công được nhưng ngay lập tức Alexandros dẫn đầu 13 toán Kỵ binh vượt sông dưới làn mưa tên. Với sức chịu
đựng ghê gớm, họ đã đặt chân lên bờ sông đầy bùn để giáp chiến với kẻ thù.
Ngù lông trắng và bộ giáp sáng chói của Alexandros làm chàng nổi bật trên bãi chiến trường, vì vậy những chiến binh Ba
Tư dũng cảm nhất lăn xả vào nơi chàng đứng. Đó là nơi trận chiến diễn ra khốc liệt nhất. Một viên quan Tổng đốc Ba Tư đập
rìu chiến vào đầu Alexandros làm chàng choáng váng, nhưng một chiến binh tên là Cleitus đã cứu mạng chàng bằng cách
đâm chết kẻ thù trước khi hắn kịp giết chàng.
Trong khi đó, đội hình phương trận của quân Macedonia đã vượt sông và tập hợp lại bên bờ bên kia. Quân Ba Tư không thể
chống đỡ sức tấn công của họ nên chả mấy chốc toàn bộ quân Ba Tư đã bỏ chạy thoát thân. Quân Ba Tư mất toàn bộ 2 vạn bộ
binh và 2500 kị binh còn Alexandros mất 34 người.
Sau chiến thắng khởi đầu tại Granicus, Alexandros chấp nhận sự đầu hàng của thủ phủ tỉnh Ba Tư và ngân khố của Sardis và
tiếp tục tiến xuống bờ biển Ionia. Tại Halicarnassus, Alexandros đã thành công trong việc tổ chức những cuộc bao vây đầu
tiên, cuối cùng buộc đối phương, thuyền trưởng đánh thuê Memnon xứ Rhodes và các satrap (thống đốc) Ba Tư của Caria,
Orontobates, phải rút lui bằng đường biển. Alexandros trao Caria cho Ada, người từng là nữ hoàng xứ Caria trước khi bị
chiếm ngôi bởi người em trai là Pixodarus. Từ Halicarnassus, Alexandros tiến vào vùng núi Lycia và đồng bằng
Pamphylia, khẳng định chủ quyền trên tất cả các thành phố ven biển và từ chối quyền đó cho kẻ thù của ông. Từ Pamphylia
trở đi, bờ biển không còn cảng lớn nào và do đó Alexandros di chuyển vào trong lục địa. Tại Termessus, Alexandros khiêm
tốn nhưng không ập vào thành phố Pisidia. Tại kinh đô cổ đại Phrygia của xứ Gordium, Alexandros “tháo” nút thắt Gordian
Knot, một thách thức được nói là chờ cho vị “Vua của cả châu Á” trong tương lai. Theo một câu chuyện sinh động nhất,
Alexandros nói rằng không cần biết làm thế nào nút thắt được mở ra, và ông cắt nó bằng thanh gươm. Một dị bản khác nói
ông đã không dùng gươm, nhưng thực sự đã tìm ra cách mở nút.
Các chiến binh dũng mãnh của Alexandros băng qua Cổng Cilician, chạm phải và đánh bại quân chủ lực của Ba Tư dưới sự chỉ
huy của hoàng đế Darius III trong Trận đánh Issus vào năm 333 TCN. Lúc này vua Darius dẫn 60 vạn quân tinh nhuệ từ
Susa tiến đến, khi đó Alexandros vẫn đóng quân tại Cicilia nên Darius và các mưu sĩ thân cận của ông ta cho rằng
Alexandros sợ không dám đương đầu với một đội quân khổng lồ. Nhưng thực ra Alexandros trì hoãn là do khi đó chàng phải
trải qua một cơn ốm nặng.
Mọi thầy thuốc của Alexandros không dám dùng thuốc chữa vì nếu không chữa được, Alexanrdros sẽ chết và người Macedonia sẽ
trừng phạt thầy thuốc. Nhưng có một người tên là Philip ở xứ Acarnania dám mạo hiểm chữa bệnh cho Alexandros. Alexandros
nhận được một bức thư tử Parmenio, nói rằng người thầy thuốc này đã phản bội, ông ta nhận tiền của Darius để thay thuốc
chữa bệnh bằng thuốc độc. Alexandros đọc lá thư rồi để nó xuống gối và không cho ai biết. Khi Philip mang chén đến,
Alexandros lấy bức thư ra đưa cho ông ta. Trong khi Philip đọc, Alexandros mỉm cười uống cạn chén thuốc. Chỉ vài ngày
sau, Alexandros đã khỏi bệnh.
Các chiến binh Ba Tư cắm trại trên một vùng đồng bằng rộng lớn nơi họ tận dụng được sức mạnh của Kị binh. Nhưng nhiều tuần
trôi qua mà không thấy Alexandros, lúc đó đang hồi phục sức khỏe sau trận ốm, không động binh nên những bầy tôi xu nịnh
vua Darius rằng quân Hy Lạp đã quá khiếp sợ không dám giao tranh. Vì thế Darius nên dẫn quân đến Issus để cắt đường rút
chạy của Alexandros. Darius dẫn quân đến Issus đúng lúc Alexandros tiến quân vào Syria để đương đầu với ông ta, vì thế
cả hai đạo quân đều không gặp nhau. Khi Alexandros biết rằng quân Ba Tư đã vòng phía sau chàng chàng quay lại và thúc
quân nhanh chóng đến Issus.
Vua Darius vội vã rút quân ra khỏi Issus khi nhận thấy địa hình gồ ghề khiến kị binh trở nên vô dụng và quân đội của ông
ta bị chia tách, còn quân Hy Lạp giành được lợi thế. Nhưng trước khi Darius thoát được cái bẫy của chính mình thì
Alexandros đã đến nơi. Alexandros tự mình chỉ huy cánh phải nghiền nát cánh trái của quân Ba Tư. Trong trận này quân Ba
tư mất tới 11 vạn người. Còn Darius tháo chạy khỏi trận đánh trong hoảng loạn bỏ lại vợ là Stateira I, hai con gái, mẹ
già, và phần lớn của cải cá nhân. Sisygambis, mẹ của hoàng hậu, không bao giờ tha thứ Darius đã bỏ rơi con gái bà. Bà
chối bỏ Darius, và Alexandros đã cưới được một con gái của Darius III là Stateira II. Tiến xuống bờ biển Địa Trung Hải,
ông lấy được Tyre và Gaza sau những trận vây hãm nổi tiếng (xem Cuộc bao vây Tyre). Alexandros đi ngang qua gần đó
nhưng có lẽ không ghé vào Jerusalem. Một ngày kia, Alexandros bị tụt lại sau đạo quân của mình vì người thầy cũ của
chàng là Lysimachos không theo kịp. Đêm đến, Alexandros thấy mình đang ở trong một tình thế nguy hiểm. Khi đó chàng đã
đi quá xa đoàn quân và không có lửa để chống lại cái lạnh. Chàng phát hiện có vài lửa trại của kẻ thù gần đó, chạy đến
đống lửa gần nhất và giết chết 2 tên lính rồi mang lửa về cho các chiến binh của mình. Đó là tính cách điển hình của
Alexandros: luôn cổ vũ những chiến binh bằng hành động và sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy.
Trong suốt 7 tháng trước khi thành Tyre bị tiêu diệt, Darius viết thư cho Alexandros xin chuộc lại những người bị
Alexandros cầm giữ. Darius cũng đề nghị gả cho Alexandros một trong số những người con gái của ông ta nếu Alexandros bằng
lòng làm bá chủ toàn bộ các vương quốc phía Tây sông Euphrates. Alexandros kể cho bạn bè nghe chuyện này và hỏi ý kiến
họ. Parmenio nói:" Nếu tôi là bệ hạ tôi sẽ vui mừng chấp thuận".
Alexandros đáp:
“Nếu là Parmenio thì ta sẽ làm như vậy. Nhưng vì ta là Alexandros nên ta sẽ gửi cho Darius một câu trả lời khác.
”
—Alexandros Đại Đế
Đây là câu trả lời của Alexandros:" Tất cả châu Á cũng như tất cả những kho báu ở đó là của ta. Số tiền ngươi muốn cống
nạp thực ra đã là của ta rồi. Còn con gái ngươi, nếu muốn, ta sẽ cưới , bất kể ngươi đồng ý hay không. Nếu ngươi muốn xin
ta điều gì, hãy đến đây một mình. Nếu không , ta sẽ đến chỗ ngươi."
Vào năm 332 TCN – 331 TCN, Alexandros Đại Đế được chào đón như là người giải phóng ở xứ Ai Cập và được công nhận là con
trai của Zeus bởi các tu sỹ Ai Cập thờ thần Ammon tại Đền thờ thần ở Ốc đảo Siwa trong sa mạc ở Libya. Từ đó trở về sau,
Alexandros nhắc đến thần Zeus-Ammon như là cha thật sự của mình, và sau đó đồng tiền có hình ông với sừng cừu như là
chứng minh cho niềm tin phổ biến này. Ông thành lập thành phố Alexandria ở Ai Cập, sau đó trở thành một kinh đô phồn
vinh của triều đại Ptolemy sau khi ông qua đời. Trong lúc đó, Darius III không phải là mối bận tâm duy nhất của ông: có
hung tin báo rằng tình hình Âu Châu đang nằm trong rối loạn, do vua xứ Sparta Agis III đã thân hành cầm đầu một liên
quân chống Macedonia và đánh tan nát quân Macedonia của quan Tổng đốc quân sự vùng Peloponnesus là Corrhagus. Cuối
cùng, Hộ quốc công Antipatros hành binh về thành phố Megalopolis và chiếm lại được thành này sau một trận càn khốc liệt:
3.500 chiến binh Macedonia phải ngã xuống, bên cạnh thi thể của họ là xác của 5.300 tên địch, trong đó có cả Agis III.
[21] Cuộc chiến này tuy diễn ra đột ngột, nhưng nó kết thúc trước khi Alexandros Đại Đế đánh thắng quân Ba Tư thêm một
trận nữa.[22] Khi tin chiến thắng được báo đến tai ông, Alexandros Đại Đế chẳng vui mừng gì vì ông nghĩ đây là một chiến
thắng chẳng có gì nổi bật:[23]
Rời khỏi Ai Cập, Alexandros hành quân về phía đông vào vùng Assyria (bây giờ là bắc Iraq) và chạm trán Darius và đạo
quân Ba Tư thứ ba tại Trận Gaugamela. Tiếng náo động và cảnh tượng vô số đống lửa trại bên phía quân châu Á khủng khiếp
đến mức một số vị tướng của Alexandros tấn công vào ban đêm vì tấn công một lực lượng khổng lồ như vậy vào ban ngày là quá
mạo hiểm. Nhưng Alexandros đáp lại:
“Ta không muốn ăn cắp chiến thắng”
—Alexandros Đại Đế
Một số người có thể cho rằng câu trả lời này dường như thể hiện sự non nớt và kiêu ngạo, nhưng thực sự đây là một mưu mẹo
khôn ngoan. Nếu Darius thua trận này giữa ban ngày, trên chiến trường do ông ta chọn, ông không còn lý do gì để bào
chữa cho sự thua kém của mình như trước đó ở Issus. Khi đã hoàn toàn tuyệt vọng ông ta sẽ không còn muốn chống cự nữa.
Chiến tranh sẽ kết thúc, dù Darius có thừa tiền bạc và quân lính duy trì một cuộc chiến tranh lâu dài. Đó là lý do
Alexandros cho các chiến binh của ông nghỉ ngơi cho đến sáng hôm sau. Khi đi kiểm tra đội hình trước trận đánh,
Alexandros cưỡi một con ngựa khác vì con Bucephalus lúc đó đã già. Nhưng khi trận đánh thực bắt đầu, chàng lại leo lên
con Bucephalus và bắt đầu tấn công. Ngày hôm đó, Alexandros diễn thuyết rất lâu trước những người Thessaly và những người
Hy lạp khác, họ hét vang trả lời chàng. Rồi Alexandros tay trái cầm lao, còn tay phải giơ cao cầu nguyện các vị thần
chiến thắng. Ngay lúc đó một con chim ưng bay qua đầu chàng tiến thẳng về phía kẻ thù. Chính điềm báo này làm bừng lên
ngọn lửa chiến đấu trong các chiến binh Macedonia. Các đoàn kị binh phi nước đại và tiếp theo là đội hình phalanx.
Darius buộc phải bỏ chạy sau khi người lái chiến xa của ông ta bị giết, và Alexandros đuổi theo ông ta xa đến tận Arbela.
Trong khi Darius chạy về vùng núi về phía Ecbatana (nay là Hamadan), Alexandros tiến về thành Babylon. Thành phố này
đầu hàng ngay lập tức.
Trong lúc vua Alexandros Đại Đế đang chinh chiến chống Đế quốc Ba Tư, Zopyrion lên nắm chức Tổng đốc quân sự xứ Thrace.
Zopyrion huy động một đạo quân tinh nhuệ, có lẽ bao gồm 3 vạn chiến binh, đi đánh người Scythia. Zopyrion nhận thấy rằng
ông phải ra tay làm một việc gì đó, chứ không thể ngồi không trong khi Đức Vua phải lâm chiến ngoài xa trường.[24] Ông
cho vây hãm Olbia nhưng không thành công, và do thời tiết xấu, các chiến binh Macedonia bại trận còn Zopyrion thì hy
sinh.[25] Về phần mình, từ Babylon, Alexandros đi đến Susa, một trong những kinh đô của Vương triều Achaemenes, và chiếm
được ngân khố quốc gia Ba Tư. Gửi đi toàn bộ quân lính đến Persepolis, kinh đô Ba Tư, bằng Đại lộ Hoàng gia, Alexandros
ập vào và chiếm được Cổng Ba Tư (Persian Gate) (vùng nay là Dãy núi Zagros), sau đó đánh vào Persepolis trước khi ngân
khố ở đó có thể bị cướp phá. Nhà vua truyền lệnh cho đại quân cướp phá kinh thành Persepolis. Một ngọn lửa lớn bùng cháy ở
cung điện phía Đông của Hoàng đế Xerxes I và lan đi khắp thành phố. Theo lời kể của Cleitarchus, Alexandros Đại Đế đã hạ
lệnh cho đốt cháy Persepolis do bị cô kỹ nữ xinh đẹp Thais người Athena. Những nhà văn đời sau cũng tin vào câu chuyện
này và liên tục kể đến nó, và thậm chí cho đến ngày nay.[26] Cuốn Sách của Arda Wiraz, một tác phẩm Hỏa giáo được viết
ra vào thế kỉ thứ 3 hay 4, cũng nói về những thư viện lưu trữ chứa đựng “tất cả Avesta và Zand, được viết trên những tấm da
bò đã thuộc, với mực mạ vàng” đã bị thiêu hủy; nhưng những câu như vậy thường bị nghi ngờ bởi các học giả, bởi vì nói chung
là người ta nghĩ rằng qua nhiều thế kỉ Avesta chủ yếu được truyền khẩu bởi những người Magia.
Trong số những quà tặng gửi về Hy Lạp, có một số lớn hương trầm và nhựa thơm được gửi tặng Leonidas, người thầy của
Alexandros. Lý do của việc này xuất phát là khi Alexandros còn nhỏ, Leonidas đã khuyên Alexandros đừng dùng quá nhiều
các gia vị thuộc loại này trong lễ tế các vị thần : " Khi nào con chinh phục được những vương quốc trồng các gia vị này,
con có thể dùng thoải mái hơn, nhưng bây giờ đừng lãng phí vì chúng ta chẳng có nhiều". Alexandros gửi kèm món quà với
một mảnh giấy viết rằng:" Chúng con gửi thầy rất nhiều hương trầm và nhựa thơm để thầy không còn phải dè sẻn với các vị thần
nữa".
Khi trở nên giàu có lòng hào hiệp bẩm sinh của Alexandros càng thể hiện rõ. Thái độ thân ái khi ông ban tặng các món
quà càng làm chúng quý giá hơn. Như khi người chiến binh Ariston giết kẻ thù rồi đưa cái đầu vừa chặt được cho Alexandros
xem, nói rằng phần thưởng theo phong tục ở nước anh ta là một chiếc cốc vàng. Alexandros mỉm cười nói:
“Đúng, nhưng đó là một chiếc cốc rỗng .Còn ở đây là một cái cốc đầy rượu vang và ta hãy uống mừng vì tình bạn và
lòng trung thành của ngươi.”
—Alexandros Đại Đế
Một lần khác, một chiến binh đang dắt một con la đang chở rất nhiều vàng bạc, châu báu của Alexandros. Vì con la gần
kiệt sức không thể đi tiếp nên người chiến binh vác hết số của cải này lên vai. Trông thấy anh ta mệt nhọc lê bước,
Alexandros liền hỏi xem điều gì đã xảy ra. Người lính nói rằng con la quá yếu để mang số của cải đó còn anh ta cũng sắp
kiệt sức. Alexandros nói:
“Đừng bỏ cuộc và hãy cố mang những thứ đó đến lều của ngươi. Tất cả chúng thuộc về ngươi.”
—Alexandros Đại Đế
Mẹ của Alexandros là Hoàng Thái hậu Olympias thường viết thư khuyên bảo Alexandros đừng để bạn hữu ông trở nên giàu có
đến mức họ cũng trở thành những ông hoàng và có khả năng mua được đoàn tùy tùng cho bản thân, còn Alexandros sẽ nghèo
khó và suy yếu vì sự hào phóng này. Alexandros gửi biếu người mẹ thêm nhiều món quà nhưng không bao giờ làm theo lời
khuyên của bà. Điều này làm cho Olympias tức giận , còn Alexandros vẫn kiên nhẫn chịu đựng điều này. Khi Antipatros,
quan Tổng đốc của ông ở Macedonia, viết một lá thư dài cho Alexandros phàn nàn về Olympias, Alexandros nói với bạn bè:
“Antipatros không hiểu rằng một giọt nước mắt của mẹ ta có thể xóa tan 10000 lá thư như thế này.”
—Alexandros Đại Đế
Giờ đây , mọi chiến binh đều trở nên giàu có, họ chỉ muốn tận hưởng những thú vui và bắt đầu xao lãng tập luyện.
Alexandros nhẹ nhàng nhắc nhở họ, nói rằng ông rất ngạc nhiên khi thấy sau tất cả những trận đánh và những vất vả đã qua,
họ không học được rằng những người chịu khó lao động sẽ ngủ ngon hơn và sự xa hoa sẽ dẫn đến ách nô lệ, còn mọi đặc ân đều
đi kèm với sự mất mát và cực nhọc. Ông nói:
“"Chẳng lẽ các người chưa học được rằng vinh quang và sự hoàn hảo trong thắng lợi của chúng ta gồm cả việc tránh xa
những điều xấu, những điều làm cho kẻ thù của chúng ta dễ bị đánh bại."”
Alexandros đặc biệt lo ngại việc binh lính lười luyện tập. Ông nói rằng không thể xứng đáng là một chiến binh nếu không
quan tâm đến những thứ gần gũi nhất, tức là cơ thể con người, dù có một bộ giáp sáng chói hay một con ngựa hay.
Alexandros thể hiện sự gương mẫu của mình. Ông đi săn sư tử chứ không muốn nghỉ ngơi hưởng thụ những nhàn hạ. Nhưng những
chiến binh của ông giờ đây đã trở nên kiêu ngạo vì giàu có. Những cuộc chiến tranh và những cuộc hành quân đã làm họ mỏi
mệt nên họ nói xấu vị vua của mình. Thoạt đầu, Alexandros rất kiên nhẫn với họ. Ông nói rằng làm vua phải làm điều tốt
cho mọi người, dù ông ta có bị chê trách.
Vào năm 330 trước Công Nguyên, nhà vua viếng thăm lăng mộ của Cyrus Đại Đế.[27] Ông luôn muốn mình được làm vị vua kế tục
đích thực của Cyrus Đại Đế năm xưa.[28] Rồi cũng đến lúc phải truy tìm Darius. Sau khi vượt qua 400 dặm trong 11 ngày
đường, Alexandros và binh lính của ông gần chết khát. Một số quân do thám người Macedonia đã đem về một ít túi nước từ
một dòng sông cách đó khá xa và mang cho Alexandros một chiếc mũ đầy nước. Mặc dù miệng khô đến mức sắp nghẹt thở,
Alexandros cũng từ chối và nói:
“" Chỗ này không đủ cho tất cả mọi người nên nếu ta uống thì sẽ có những người khác phải chết."”
. Khi nhìn thấy cảnh này, các chiến binh thúc ngựa lên phía trước hét lên rằng họ muốn Alexandros dẫn dắt họ. Họ nói rằng
với một vị vua như thế, họ sẽ vượt qua bất kì khó khăn nào. Ông cũng đuổi theo và bắt được vua Darius III, ông ta sau bị
giết bởi những cận thần của quan Tổng đốc xứ Bactria là Bessus - một người bà con của ông ta, Alexandros cởi áo choàng
của mình và đắp cho Darius và chân thành than khóc cho cái chết bất hạnh của ông ta. Quan Tổng đốc Bessus sau đó tự tấn
phong mình là Hoàng đế Artaxerxes V - vua kế tục của Hoàng đế Darius III - và rút lui vào vùng Trung Á để tiến hành
chiến tranh du kích đánh lại vua Alexandros Đại Đế. Với cái chết của Darius, Alexandros tuyên bố cuộc chiến trả thù đã
chấm dứt, và giải thể quân Hy Lạp và các đồng minh khác trong chiến dịch Đồng minh (mặc dù ông cho phép những ai muốn
thì tái đăng kí như là lính đánh thuê trong Quân đội Macedonia của ông).
Chiến dịch ba năm của Alexandros ban đầu là chống lại Darius và sau đó là các satrap (thống đốc) của các vùng Sogdiana,
Spitamenes, đã đưa ông qua các vùng Media, Parthia, Aria, Drangiana, Arachosia, Bactria và Scythia.[29] Trong quá
trình đó, ông chiếm được và tái thiết lập Herat và Maracanda. Hơn nữa, ông lập ra một chuỗi các thành phố mới, tất cả đều
gọi là Alexandria, bao gồm cả Kandahar ngày nay ở Afghanistan, và Alexandria Eschate (“Xa nhất”) ở vùng nay là
Tajikistan. Vào năm 329 TCN, Spitamenes làm phản Bessus (không rõ Spitamenes giữ chức vụ gì ở tỉnh Sogdiana?).
Spitamenes nộp Bessus cho Ptolemaios, một trong những cận tướng của vua Alexandros Đại Đế, và Bessus bị hành quyết.[30]
. Alexandros cho quân dừng lại tại Parthia. Đây là lần đầu tiên Alexandros khoác những bộ quần áo của người châu Á rồi
trò chuyện với họ. Hy vọng bằng cách này ông sẽ lôi kéo họ theo mình. Nhưng sau đó ông vẫn giữ nguyên trang phục này khi
đứng trước đội quân của mình. Điều này làm các chiến binh tức giận nhưng rồi họ cũng chiều theo tính lập dị của vị thủ lĩnh
dũng cảm.
Hephaetion là người bạn tán thành việc Alexandros sống theo phong tục xa lạ này nhất và cũng bắt trước những thay đổi của
Alexandros. Còn Crateros, một người bạn khác , vẫn gắn bó với phong tục của người Macedonia. Alexandros dùng Hephaetion
để giao thiệp với người châu Á và dùng Crateros giao thiệp với người Hy lạp. Ông bày tỏ nhiều tình thân thiện đối với
Hephaetion , người được ông gọi là " bằng hữu của Alexandros" và bày tỏ sự tôn trọng đối với Crateros, người được ông gọi
là " cố vấn của nhà vua". Nhưng hai người này luôn luôn có ác cảm với nhau, đôi khi còn cãi cọ trước mặt quân lính.
Tuy nhiên, về sau này, khi ông cùng ba quân đang chinh chiến bên sông Jaxartes, Spitamenes làm loạn tại Sogdiana.
Trước sự quấy nhiễu của người Scythia tinh nhuệ, nhà vua thân chinh đánh tan tác người Scythia trong trận Jaxartes vào
năm 329 TCN.[31] Người Scythia tan vỡ, tháo chạy, bãi chiến trường chất hàng ngàn cái thây của người Scythia, trong số
đó có vị thủ lĩnh tài ba Satraces.[32] Sau đó, nhà vua trao trả tù binh và đối xử tốt với dân tộc này. Trước chiến thắng
oanh liệt của ông, ngay cả Hoàng đế Darius I cũng bị người Scythia đánh bại vào năm 513 TCN.[33] Người Scythia vốn xưa
nay là một dân tộc bách chiến bách thắng, và thất bại ê chề của họ trở thành một biểu hiện cho thấy tất cả các quốc gia
trên thế giới đều phải thần phục Vương quốc Macedonia.[34] Giờ đây, cái dân tộc từng đánh bại Hoàng đế Cyrus Đại Đế này
đã phải nhận thức rằng xứ Macedonia vô cùng hùng mạnh.[5]
Người Scythia thất bại thảm hại, vua Alexandros Đại Đế mới tiến đánh Spitamenes,[35] ông giành chiến thắng trong trận
Gabai; sau chiến bại này, Spitamenes bị binh lính giết hại, vì họ sẵn sàng làm hòa với nhà vua xứ Macedonia.[36] Có câu
chuyện kể rằng chính cô vợ của Spitamenes đã chặt đầu ông ta và mang cái đầu ông ta đến trại quân của nhà vua, và ông
hoảng hồn nhận lấy nó.[37]
[sửa]Những âm mưu chống đối Alexandros
Trong thời gian này, Đại Đế Alexandros III cho phổ biến một số loại áo quần và phong tục Ba Tư trong triều đình của ông,
đáng chú ý là phong tục proskynesis, một cách hôn tay tượng trưng mà người Ba Tư thường làm để tỏ lòng kính trọng với
những người có địa vị xã hội cao hơn, nhưng phong tục này không được người Hy Lạp chấp thuận. Những người Hy Lạp cho là cử
chỉ này được dành riêng cho các thần linh và tin rằng Đại Đế Alexandros III tự thần thánh hóa chính ông bằng cách yêu
cầu cử chỉ đó. Điều này đã làm giảm sút đáng kể sự yêu quý của những người Hy Lạp đối với vị vua trẻ tuổi. Nơi này cũng
diễn ra một vụ mưu sát ông nhưng bị bại lộ, và một trong những viên Sỹ quan Quân đội Macedonia, Philotas, bị xử tử vì tội
phản bội vì đã không báo lên âm mưu đó kịp thời. Lão tướng Parmenion, cha của Philotas, người là đứng đầu một quân đoàn
tại Ecbatana, bị ám sát theo lệnh của Đại Đế Alexandros III, do nhà vua sợ rằng Parmenion có thể trả thù cho con trai.
Một số cuộc xử án khác về tội "phản nghịch" theo sau đó, và nhiều người Macedonia bị xử tử. Sau đó, trong một trận cãi
nhau lúc say rượu tại Maracanda, ông cũng giết một người đàn ông đã cứu sống ông tại Granicus, Clitus Đen. Sau đó trong
chiến dịch Trung Á, một vụ mưu sát Alexandros thứ hai được khám phá, lần này là bởi những người hầu cận của ông, và sử gia
chính thức của ông, Callisthenes xứ Olynthus (người đã bị thất sủng vì đã dẫn đầu trong việc chống lại việc giới thiệu
phong tục proskynesis), bị xử là liên đới chủ mưu và nhiều sử gia cho rằng đây là những vu cáo. Tuy nhiên, các chứng cứ
khá rõ là Callisthenes, thầy của các người hầu cận, phải là người dụ dỗ họ ám sát nhà vua .
[sửa]Cuộc chinh phạt Ấn Độ
Sau cái chết của Spitamenes và đám cưới của ông với Roxana xứ Bactria (Roshanak trong tiếng Bactria) để củng cố quan hệ
mới thiết lập với các tiểu vương vùng Trung Á, vào năm 326 TCN Alexandros cuối cùng rảnh tay để quay sự chú ý về phía Ấn
Độ. Nay, Alexandros cho mời tất cả các thủ lĩnh của vùng trước là tiểu vương quốc xứ Gandhara, về phía bắc của vùng nay
là Pakistan, đến gặp ông và chấp nhận đầu hàng. Ambhi, người cai trị xứ Taxila, với vương quốc trải dài từ sông Ấn đến tận
Hydaspes (sông Jhelum), tuân theo. Nhưng thủ lĩnh của một số bộ tộc vùng cao bao gồm các phần Aspasios và Assakenois
của Kambojas (tên cổ), được biết trong sử sách Ấn Độ như là Ashvayana và Ashvakayana (những cái tên chỉ bản chất cưỡi ngựa
của họ), từ chối không đầu hàng.
Alexandros thân chinh thống lĩnh lính cầm khiên, bộ binh, lính bắn cung người Agriania và lính cưỡi ngựa phóng lao tấn
công bộ lạc Kamboja -- người Aspasios của thung lũng Kunar/Alishang, người Guraean của thung lũng Guraeus (Panjkora),
và người Assakenois ở thung lũng Swat và Buner.[38] Một trận đánh khốc liệt với người Aspasios và chính Alexandros bị
trọng thương nơi vai vì trúng lao nhưng cuối cùng người Aspasios thua trận; 40.000 người của họ bị bán thành nô lệ. Người
Assakenois đối đầu Alexandros với quân đội bao gồm 30.000 kị binh, 38.000 bộ binh và 30 voi[39]. Họ đã chiến đấu dũng
cảm và kháng cự ngoan cường chống lại quân xâm lược trong nhiều địa điểm cố thủ ở các thành phố Ora, Bazira và Massaga.
Đồn Massaga chỉ bị hạ sau nhiều ngày đánh nhau đẫm máu và chính Alexandros bị thương ở cổ chân. Khi thủ lĩnh của Massaga
ngã xuống trên chiến trường, quyền tổng tư lệnh vào tay bà mẹ già của ông ta là Cleophis (q.v.) người cũng cương quyết
bảo vệ đất mẹ đến hơi thở cuối cùng. Việc Cleophis giữ quyền tổng chỉ huy quân đội đã đưa toàn bộ lực lượng phụ nữ địa phương
vào chiến trận[40]. Alexandros chỉ có thể hạ được Massaga bằng cách sử dụng các âm mưu chính trị và nội phản. Theo như
Curtius:[41]
“
Vua Alexandros không chỉ thảm sát toàn bộ dân thành Massaga, nhưng ông ta còn phá hủy các tòa nhà thành những đống đổ
nát.
”
—Curtius
Một cuộc thảm sát tương tự diễn ra tại Ora, một địa điểm phòng thủ khác của người Assakenois.
Sau những cuộc thảm sát và đốt phá bởi Alexandros ở Massaga và Ora, rất nhiều người Assakenois chạy lên một đồn cao gọi
là Aornos. Alexandros đuổi sát theo họ và chiếm được đồn trên đồi cao nhưng chỉ sau bốn ngày đánh nhau ác liệt. Câu
chuyện của Massaga được lặp lại ở Aornos và sự tàn sát người bộ lạc diễn ra tương tự sau đó.
Viết về chiến dịch của vua Alexandros chống lại người Assakenois, Victor Hanson nhận xét:
“
Sau khi hứa hẹn những người Assacenis xung quanh rằng họ sẽ được tha mạng khi bị bắt, ông xử tử tất cả lính đã đầu hàng.
Các điểm phòng thủ của họ ở Ora và Aornus cũng bị đánh ập vào. Các quân đoàn đóng trong đó có lẽ đều bị thảm sát.
”
—Victor Hanson[42]
Sisikottos, người đã giúp vua Alexandros Đại Đế trong chiến dịch này, được phong làm thống đốc của Aornos.
Sau khi hạ được Aornos, vua Alexandros Đại Đế băng qua sông Ấn và đánh tan tác quân của Porus, vua của xứ đó trong vùng
Punjab trong trận thắng lịch sử tại Hydaspes vào năm 326 TCN. Tuy vua Porus sử dụng những đội tượng binh dũng mãnh, Quân
đội Macedonia giành thắng lợi nhờ có lòng dũng cảm, tinh thần kỷ cương cao và những chiến thuật tài tình của vua
Alexandros Đại Đế.[43] Có người kể rằng, trong cuộc đại chiến này, con thần mã Bucephalus hy sinh khi trúng tên của con
trai của Porus - chính tay này cũng làm cho Alexandros Đại Đế bị thương. Tuy nhiên, có tư liệu kể ràng con thần mã chết
do nó đã già và phải chịu nóng nực. Theo trước tác của Plutarchus, Bucephalus chết ít lâu khi các chiến binh tinh nhuệ
Macedonia đại phá tan nát được hùng binh mãnh tướng của Porus. Alexandros Đại Đế hết sức đau buồn, ông nghĩ rằng tổn thất
này chẳng khác gì sự mất đi một binh sĩ trung thành, một người bạn hữu của mình.[44] Theo sử sách, ông bắt được vua Porus
làm tù binh, và sau chiến thắng vang dội ông hỏi vua Porus muốn đối xử như thế nào. Vị vua thất thế đáp lại:[45]
“Này Alexandros, xin hãy đối xử với tôi như với một vị Quân vương.”
—Porus
Vua Alexandros Đại Đế chưa từng gặp phải một kẻ thù nào đáng phục hơn thế. Do đó, ông cho phép vua Porus được giữ vững
Vương quốc của ông ta, không những thế vua Porus còn trở thành một đồng minh thân cận của ông. Ông hòa giải hai ông vua
thù địch nhau là Porus và Taxiles, đồng thời giao cho họ cai quản các vùng đất lân cận. Cả hai vị vua này đều trở nên
hùng mạnh như nhau. Cách ông đối đãi với vua Porus và Taxiles chứng tỏ ông muốn có thêm những đồng minh hung mạnh va
đáng tin cậy.[45] Alexandros đặt tên cho một trong hai thành phố mới mà ông tìm được là Bucephala, nhằm tôn vinh con
thần mã dũng mãnh Bucephalus của ông.[46] Sau đó ông cũng tiến hành lễ tang trọng thể cho những liệt sỹ Macedonia cùng
với những liệt sỹ quả cảm nhất của quân thù.[44] Nhà vua đặt tên cho thành phố kia là Nicaea (Khải hoàn), ngày nay là
vùng Mong.[47][48] Alexandros tiếp tục chinh phục toàn bộ vùng thượng nguồn sông Ấn.
Phía Đông của vương quốc Porus, gần sông Hằng, là đế chế hùng mạnh Magadha (tức là Ma-kiệt-đà) dưới sự cai trị của triều
đại Nanda. Lo sợ về khả năng phải đối mặt với một đội quân Ấn Độ hùng mạnh khác nữa và kiệt sức bởi nhiều năm chinh chiến,
quân đội của ông nổi loạn ở sông Hyphasis (nay là Beas), không muốn chiến đấu tiếp nữa:
“
Về phần người dân Macedonia, dẫu sao, cuộc chiến với Porus làm mài mòn lòng dũng cảm của họ và ngăn cản họ tiến xa hơn
vào Ấn Độ. Thay vì làm tất cả những gì có thể để đẩy lùi kẻ thù với quân số chỉ có 20000 bộ binh và 2000 chiến mã, họ lại
kịch liệt chống lại Alexandros khi ông khăng khăng đòi vượt qua sông Hằng, mà họ biết rộng 32 Fulông, sâu 100 sải, trong
khi các nhánh sông phía bên kia được mai phục bởi vô số bộ binh, kỵ sĩ và voi. Họ được báo rằng các vị vua của Ganderites
và Praesii đang đợi họ với 80000 kỵ sĩ, 200000 lính đánh bộ, 8000 xe ngựa và 6000 voi thiện chiến. Theo Plutarch, Vita
Alexandri, 62 [49]
”
Vua Alexandros Đại Đế, sau khi bàn bạc với quân sư Coenus, bị thuyết phục quay trở lại. Ông buộc phải trở về phía nam.
Ông gửi phần lớn quân đến Carmania (hiện thuộc phía nam Iran) với tướng Craterus, và giao nhiệm vụ thăm dò vịnh Ba Tư
dưới quyền của đô đốc Nearchus, trong khi ông dẫn đoàn quân còn lại về bằng con đường phía nam qua Gedrosia (ngày nay là
Makran phía nam Pakistan). Theo huyền sử cổ xưa, Quân đội Assyria do Nữ hoàng Semiramis thân chinh cầm đầu và Quân đội
Ba Tư Achaemenes do Hoàng đế Cyrus Đại Đế (có lẽ còn gọi là Kay Khosrow) thân chinh thống lĩnh đều chịu tổn thất thảm hại
ghi đi qua hoang mạc Madran - một nơi khét tiếng là có địa thế hết sức khó khăn. Khi thoát khỏi đây, Nữ hoàng Semiramis
chỉ còn có 20 binh sĩ, và Hoàng đế Cyrus Đại Đế chỉ còn có bảy binh sĩ.[50][51] Nay, vua Alexandros Đại Đế biết ông đã
lâm vào nguy hiểm, nhưng ông quyết định tiến hành hành quân qua Makran để vượt trội hơn cả những chiến công hiển hách của
hai nhà chinh phạt lỗi lạc trước thời ông là Nữ hòang Semiramis và Hoàng đế Cyrus Đại Đế.[19][52][53][54]
[sửa]Sau Ấn Độ
Khi ở Ấn Độ, Alexandros mang theo 10 người Bà la môn trong số những tù binh bị bắt. Họ là những người đã kích động bộ tộc
Sabba chống lại ông. Đây là những người nổi tiếng thông minh nên Alexandros quyết định thử thách trí thông minh của họ .
Ông tuyên bố người nào có câu trả lời kém nhất sẽ bị giết đầu tiên và sai người già nhất làm trọng tài.
Alexandros hỏi người đầu tiên: " Người sống nhiều hơn hay người chết nhiều hơn?". Người này trả lời:" Người sống bởi vì
người chết không còn đếm được nữa". Alexandros hỏi người thứ hai:" biển hay đất liền có nhiều sinh vật hơn?" .câu trả lời
là:" Đất liền, bởi vì biển chỉ là một phần của đất". Alexandros hỏi người thứ ba:" Con vật nào thông minh nhât?". Người
này trả lời:" Đó là con vật chúng ta chưa tìm ra". Alexandros hỏi người thứ tư:"Để thúc giục người Sabba nổi dậy cần lý lẽ
nào?". và ông ta trả lời" Một người hoặc phải sống hào hiệp hoặc phải chết cao thượng". Alexandros hỏi người thứ năm:" Đêm
có trước hay ngày có trước?", câu trả lời là " Ngày có trước đêm ít nhất một ngày". Khi ấy thấy Alexandros có vẻ không
hài lòng với câu trả lời, ông ta nói thêm:" Những câu hỏi lạ lùng thì sẽ có những câu trả lời lạ lùng". Alexandros hỏi
người thứ sáu: Người ta phải làm gì để được yêu quý?". " Hãy mạnh mẽ đừng khiếp sợ bản thâm". Alexandros hỏi người thứ
bảy:" Con người phải làm gì để trở thành vị thần"; " hãy làm những gì con người không thể làm được". Alexandros hỏi người
thứ tám:" Cuộc sống hay cái chết mạnh hơn?"." Cuộc sống mạnh hơn cái chết vì phải chịu nhiều nỗi bất hạnh hơn". Người thứ
chín được hỏi:"Con người nên sống bao nhiêu lâu". Ông ta trả lời:" Cho đến khi chết là tốt nhất". Rồi Alexandros quay
sang giám khảo, ông ta trả lời rằng bất kì ai cũng trả lời tồi hơn một người khác. Alexandros nói:"Vậy thì ngươi phải chết
đầu tiên vì đưa ra lời phán quyết đó.". Ông ta đáp lại: " Không thể như vậy, thưa đức vua tối cao, nếu ngài còn muốn là
một người giữ lời. Ngài đã nói rằng chỉ giết ai có câu trả lời tệ nhất kia mà.". Alexandros trả tự do cho họ và tặng quà
cho những người Bà la môn.
Phát hiện rằng rất nhiều phó vương và thủ lĩnh các đội quân của ông cư xử không đứng đắn khi ông vắng mặt, Alexandros cho
hành hình rất nhiều người trong số họ làm gương trên đường đến Susa. Để biểu lộ thiện chí, ông ban thưởng cho binh lính và
thông báo rằng ông sẽ gửi những người lính già và tàn tật về Macedonia dưới quyền của Craterus, nhưng quân đội hiểu nhầm
ý định của ông và nổi dậy ở thị trấn của Opis, từ chối bị gửi đi và chỉ trích cay độc việc chấp nhận phong tục, trang phục
của người Ba Tư và sự gia nhập của lính Ba Tư vào đoàn quân Macedonia. Alexandros cho hành quyết những kẻ cầm đầu cuộc
nổi loạn, nhưng tha tội cho binh lính. Với dự định thiết lập mối giao hảo lâu dài giữa những người Macedonia và người Ba
Tư, ông tổ chức hàng loạt hôn lễ giữa các sĩ quan của ông và người Ba Tư và cả những phụ nữ quý tộc Susa, nhưng rất hiếm
cuộc hôn nhân nào kéo dài được hơn 1 năm.
Nỗ lực nhằm hòa hợp nền văn hóa Ba Tư với những người lính Hy Lạp của ông còn thể hiện ở việc huấn luyện một đội quận gồm
những chàng trai Ba Tư theo cách của người Macedonia. Không có ghi chép chắc chắn về việc Alexandros chấp nhận cách gọi
vua của người Ba Tư la Shahenshah (tức “Hoàng đế vĩ đại” hay “Vua của các vị vua”). Tuy nhiên, hầu hết các sử gia đều tin
rằng ông đã chấp nhận việc đó.
Có giả thiết là Alexandros đã muốn xâm chiếm hoặc nhập với bán đảo Ả Rập, nhưng giả thiết này vẫn còn đang được tranh
cãi. Có người cho rằng Alexandros đã tiến về phía tây và tấn công Carthage và Ý thay vì chiếm Ả Rập.
[sửa]Qua đời
Sau hành trình đến Ecbatana để lấy lại phần lớn của cải của Ba Tư, người bạn thân nhất và được ông yêu mến, tên là
Hephaeistion đã qua đời vì bệnh tật. Alexandros đã quẫn trí, mắc bệnh và qua đời trên đường trở về tại cung điện của vua
Nebuchadrezzar II, Babylon vào 10 tháng 6, 323 TCN. Khi đó, ông mới 33 tuổi.[11] Vài tháng trước khi mất, ông tập
trung lực lượng để chuẩn bị mở mang bờ cõi. Quân sĩ Macedonia đã quá chán vào sinh ra tử để phục vụ cho giấc mộng bá chủ
hoàn cầu của vua, nên đã nổi loạn. Trong cuộc loạn đó, họ đã hô những khẩu hiệu như:
Ông muốn đi chinh phạt thêm thì cứ việc! Nhưng khỏi kêu bọn tôi! Chỉ mình ông và cha ông là thần Amon cũng đủ!.[55]
Điều này cho thấy dù Alexandros đã xa Ai cập lâu ngày nhưng vẫn thường xuyên nói mình là con của thần Amon xứ Ai Cập.
Theo nhà sử học quân sự người Mỹ Trevor Nevitt Dupuy, các nhà sử học coi vua Alexandros Đại Đế là một vị Đại Danh tướng
(Great Captain) trong lịch sử, cùng với thống soái Hannibal xứ Carthage, nhà độc tài Julius Caesar thành La Mã, nhà
chinh phạt Thành Cát Tư Hãn người Mông Cổ, vua Gustav II Adolf nước Thụy Điển, vua Friedrich II Đại Đế nước Phổ và Hoàng
đế Napoléon Bonaparte nước Pháp. Cũng theo Dupuy, ông có thể là vị Đại Danh tướng đầu tiên, và vĩ đại nhất trong số đó.
[56] Xem ra trên trận tiền, ông bị thương nhiều hơn mọi vị Đại Danh tướng khác.[57] Không những là một nhà chinh phạt liều
lĩnh,[58] ông vừa là chiến binh mà cũng vừa là chính khách trong cùng lúc, cũng như nhiều ông vua nổi tiếng khác trong
lịch sử châu Âu.[59]
[sửa]Người kế vị
Bài chi tiết: Philipos III của Macedonia, Alexandros IV của Macedonia, Ai Cập thuộc Hy Lạp, và Cuộc chiến Diodochi
Sau khi ông qua đời, Alexandros được kế vị bởi một người anh khác mẹ của ông, Philipos III Arrhidaeus (khoảng 359 TCN-
317 TCN). Vài tuần sau đó, Roxana sinh hạ một người con trai, cũng mang tên Alexandros, cũng được lên ngôi, Alexandros
IV. Nhưng, các vua này chỉ ở ngôi lấy vì, còn đế quốc đã bị các vị tướng lãnh hàng đầu phân chia.[11]
Năm 306 TCN, sau khi Hoàng gia Macedonia bị tiêu diệt, tướng Antigonus xưng vương, khiến cho các tướng khác noi theo.
Năm 305 TCN Ptolemy khởi lập nhà Ptolemy ở Ai Cập, Cassander lên ngôi vua Macedonia trong khi Seleucus sáng lập nhà
Seleukos ở Syria, Iran, Iraq, A Phú Hãn và các vùng đất phụ cận.
Sau khi vua cha Antigonus qua đời, vua Demetrios I lên kế thừa ngôi báu Macedonia. Ông này phải lâm chiến với vua xứ
Ipiros là Pyrros - được xem là hậu duệ của vị anh hùng Achilles.[60] Tuy ông vua nhà binh Pyrros đại phá quân
Macedonia, các chiến binh Macedonia không những không căm thù ông này, trái lại còn rất thán phục Pyrros vì theo
Plutarch, Pyrros không khác già Alexandros Đại Đế. Trong thời đại Hy Lạp hóa, các vị vua đều xưng những vương hiệu hoành
tráng, thân chinh thống lĩnh những chiến binh tinh nhuệ và lập nên một đội cận vệ uy dũng để bắt chước Alexandros, nhưng
chỉ có thiên tài quân sự của Pyrros mới đạt đến tầm vóc của ông. Và rồi, theo Plutarch, một đêm kia, vua Pyrros chiêm
bao thấy mình được cố vương Alexandros Đại Đế triệu đến bái kiến, và khi tới, Pyrros chợt thấy vị cố vương lừng lẫy một thời
đang nằm ốm trên giường bệnh. Ông nhiệt liệt hoan nghênh và tán dương Pyrros, thậm chí còn hứa rằng sẽ hỗ trợ cho vị vua
trẻ tuổi. Sau đó, vua Pyrros đánh bạo, hỏi lại ông: "Thưa Thánh thượng, Người đang nằm ốm thế này thì giúp con bằng cách
nào đây?" Ông bèn đáp: "Chỉ với cái tên của Trẫm". Không những thế, ông còn bất ngờ đứng dậy, lên lưng chiến mã Nisea và
phi ngựa tiến thẳng lên phía trước Pyrros để dẫn dắt ông vua nhà binh trẻ tuổi xung phong trận mạc
Bucephalus, Alexandros Đại Đế đánh đâu cũng thắng.[44] Ngoài ra, sự gắn bó sâu sắc nhất về tình cảm của ông hầu như được
cho là đối với người đồng hữu, người chỉ huy đội kị binh (chiliarchos) và là người bạn từ thời thơ ấu của ông, Hephaestion.
Ông học cùng Alexandros, như một nhóm trẻ em con nhà quý tộc khác ở Macedonia, dưới sự dạy dỗ của Aristotle. Hephaestion
đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên trong lịch sử của mình vào thời điểm Alexandros tiến đến Troia. Tại đây hai người bạn đã
đặt vòng hoa tại các đền thờ của hai vị anh hùng Achilles và Patroclus năm xưa; Alexandros Đại Đế tại đền thờ Achilles,
và Hephaestion tại đền thờ Patroclus. Aelian trong cuốn Varia Historia (12.7) khẳng định rằng Hephaestion “tiết lộ ông
là eromenos [“người tình”] của Alexandros, như Patroclus đối với Achilles vậy.” Có lẽ Olympias cũng đã từng cổ võ cho
Alexandros Đại Đế hãnh diện vì ông là hậu duệ của vị anh hùng Achilles này.[62]
Một số nhà sử học đã đặt nghi vấn về khẳng định về mối quan hệ đồng tính giữa Alexandros và Hephaestion. Robin Lane Fox
viết rằng tuy “những lượm lặt gần đây nhất cho khẳng định rằng vua Alexandros Đại Đế có mối quan hệ yêu đương với
Hephaiston”, không có văn kiện lịch sử đương thời nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, Fox nói thêm, “sự thực là tình bạn
của hai người đàn ông này sâu sắc và thân thiết một cách khác thường.” [63] Vì cái chết của Hephaestion, Alexandros
khóc thương cho ông ta rất nhiều, và không ăn uống gì trong mấy ngày liền. Nỗi buồn của nhà vua khi đó rất giống với cơn
đau buồn của Achilles sau khi Patroclus hy sinh trên trận tiền.[64]
Cũng có một số nhà khoa học của Mỹ cho rằng, Alexander Đại đế chết vì một loại vi khuẩn cực độc khiến cho ông luôn luôn
đau nhức mỗi khi ra trận. Trước khi qua đời khoảng 14 ngày, Alexander Đại đế lên cơn sốt cao, bị đau các khớp xương. Rồi
sau một hồi quằn quại và co giật dữ dội, ông cũng không thoát khỏi cái chết đang ngày một cận kề.
[sửa]Danh ngôn
Địch quân trong một thời gian dài vừa qua, luôn sống trong hoàn cảnh thái bình hưởng lạc, còn chúng ta thì luôn luôn
chiến đấu và đã vượt qua không biết bao nhiêu thử thách gian nguy, mỗi chiến sĩ đều được luyện rèn nên đã trở thành kiên
cường hơn. Một điều quan trọng nữa, đó là trận đánh này chính là một trận quyết đấu giữa người tự do và người nô lệ. Số
người đi theo Darius để đánh giặc đều là những người vì tiền mà bán mạng cho ông ta. Trong khi quân đội của ta đều là
chí nguyện quân chiến đấu vì đất nước Hy Lạp, là những chiến sĩ dũng cảm thiện chiến nhất ở Á châu. Chỗ yếu kém nhất của
quân địch là ô hợp và không có tài năng. (lời nói trước tướng sĩ trong trận Issus
Triều đại Việt Nam
HỒNG BÀNG & VĂN LANG: (Khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 3 trước CN)
Kinh Dương Vương (~3054-~2839 TCN)
Lạc Long Quân
Hùng Vương (18 đời)
ÂU LẠC & NAM VIỆT: (Thế kỷ 3 trước CN)
An Dương Vương (257-207 TCN)
THUỘC TÂY HÁN : (Thế kỷ 2 trước CN đến năm 25)
Triệu Vũ Vương Triệu Đà 207-137 TCN
Triệu Văn Vương Triệu Hồ 137-125 TCN
Triệu Minh Vương Triệu Anh Tề 125-113 TCN
Triệu Ai Vương Triệu Hưng 113-112 TCN
Triệu Thuật Dương Vương Triệu Kiến Đức 112-111 TCN
Các vua nhà Triệu là người Hán, không phải người Việt.
THUỘC ĐÔNG HÁN: (25 - 226)
Hai Bà Trưng: Trưng Trắc - Trưng Nhị (40 - 43)
THUỘC ĐÔNG NGÔ: (220 - 265)
Bà Triệu: Triệu Thị Trinh (246 - 248)
THUỘC LƯỠNG TẤN : (265 - 420)
THUỘC NAM BẮC TRIỀU : (420 - 589)
NHÀ LÝ & NHÀ TRIỆU : (541-602)
Lý Nam Đế Lý Bí còn gọi là Lý Bôn 541-548
Triệu Việt Vương Triệu Quang Phục 549-571
Hậu Lý Nam Đế Lý Phật Tử 571-602
THUỘC TÙY : (602 - 617)
THUỘC ĐƯỜNG : (618 - 907)
Mai Hắc Đế : Mai Thúc Loan 722
Phùng Hưng : Phùng An 791
THUỘC NGŨ ĐẠI : (907 - 938)
NHÀ KHÚC (Tĩnh Hải Tiết độ sứ): (905 - 939)
Khúc Thừa Dụ 906-907
Khúc Thừa Hạo 907-917
Khúc Thừa Mỹ 917-923/930
Dương Đình Nghệ 931-937
Kiều Công Tiễn 937-938
NHÀ NGÔ : (939 - 967)
Tiền Ngô Vương Ngô Quyền 939-944
Dương Bình Vương Dương Tam Kha 944-950
Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập 950-965
Hậu Ngô Vương Ngô Xương Văn 950-965
Dương Tam Kha cướp ngôi của nhà Ngô và làm vua trong 6 năm.
Thời Hậu Ngô Vương gồm hai vị vua Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn và Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập cùng trị vì.
LOẠN 12 SỨ QUÂN
NHÀ ĐINH : (968 - 980)
Đinh Tiên Hoàng Đinh Bộ Lĩnh 968-979
Đinh Phế Đế Đinh Toàn 979-980
NHÀ TIỀN LÊ : (980 - 1010)
Lê Đại Hành Lê Hoàn 980-1005
Lê Trung Tông Lê Long Việt 1005 (3 ngày)
Lê Ngoạ Triều Lê Long Đĩnh 1005-1009
NHÀ LÝ : (1010 - 1225)
Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn 1010 - 1028
Lý Thái Tông Lý Phật Mã 1028 - 1054
Lý Thánh Tông Lý Nhật Tôn 1054 - 1072
Lý Nhân Tông Lý Càn Đức 1072 - 1127
Lý Thần Tông Lý Dương Hoán 1128 - 1138
Lý Anh Tông Lý Thiên Tộ 1138 - 1175
Lý Cao Tông Lý Long Trát 1176 - 1210
Lý Huệ Tông Lý Sảm 1211 - 1224
Lý Chiêu Hoàng Lý Phật Kim 1224 đến 1225
Lý Chiêu Hoàng là Nữ vương duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
NHÀ TRẦN : (1225 - 1400)
Trần Thái Tông Trần Cảnh 1225-1258
Trần Thánh Tông Trần Hoảng 1258-1278
Trần Nhân Tông Trầm Khâm 1279-1293
Trần Anh Tông Trần Thuyên 1293-1314
Trần Minh Tông Trần Mạnh 1314-1329
Trần Hiến Tông Trần Vượng 1329-1341
Trần Dụ Tông Trần Hạo 1341-1369
Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ 1369-1370
Trần Nghệ Tông Trần Phủ 1370-1372
Trần Duệ Tông Trần Kính 1372-1377
Trần Phế Đế Trần Hiện 1377-1388
Trần Thuận Tông Trần Ngung 1388-1398
Trần Thiếu Đế Trần Án 1398-1400
NHÀ HỒ : (1400 - 1407)
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly 1400
Hồ Hán Thương Hồ Hán Thương 1401-1407
NHÀ HẬU TRẦN : (1407 - 1414)
Giản Định Đế Trần Ngỗi 1407 - 1409
Trần Trùng Quang Trần Quý Khoáng 1407 - 1414
THUỘC MINH : (1407-1427)
Trần Cảo Trần Cảo 1426-1428
NHÀ LÊ : (1428 - 1788)
Lê Thái Tổ Lê Lợi 1428-1433
Lê Thái Tông Lê Nguyên Long 1433-1442
Lê Nhân Tông Lê Bang Cơ 1442-1459
Lệ Đức Hầu (Lạng Sơn Vương) Lê Nghi Dân 1459-1460
Lê Thánh Tông Lê Tư Thành (Lê Hạo) 1460-1497
Lê Hiến Tông Lê Tranh 1497-1504
Lê Túc Tông Lê Thuần 6/1504-12/1504
Lê Uy Mục Lê Tuấn 1505-1509
Lê Tương Dực Lê Oanh 1510-1516
Lê Chiêu Tông Lê Y 1516-1522
Lê Cung Hoàng Lê Xuân 1522-1527
NAM BẮC TRIỀU
Bắc Triều - Nhà Mạc : (1527 - 1593)
Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung 1527-1529
Mạc Thái Tông Mạc Đăng Doanh 1530-1540
Mạc Hiến Tông Mạc Phúc Hải 1541-1546
Mạc Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên 1546-1561
Mạc Mậu Hợp Mạc Mậu Hợp 1562-1592
Mạc Toàn Mạc Toàn 1592
Mạc Kính Chỉ (1592-1593)
Mạc Kính Cung (1593-1625)
Mạc Kính Khoan (1623-1638)
Mạc Kính Vũ (Mạc Kính Hoàn) (1638-1677)
Từ đời Mạc Kính Chỉ, con cháu nhà Mạc rút lên Cao Bằng, tồn tại cho đến năm 1677 mới bị diệt hẳn:
Nam Triều - Lê Trung Hưng (1533 - 1788)
Lê Trang Tông Lê Duy Ninh 1533-1548
Lê Trung Tông Lê Huyên 1548-1556
Lê Anh Tông Lê Duy Bang 1556-1573
Lê Thế Tông Lê Duy Đàm 1573-1599
TRỊNH NGUYỄN PHÂN TRANH
- Lê Trung Hưng (Trên Danh Nghĩa)
Lê Kính Tông Lê Duy Tân 1600-1619
Lê Thần Tông Lê Duy Kỳ 1619-1643
Lê Chân Tông Lê Duy Hựu 1643-1649
Lê Thần Tông Lê Duy Kỳ 1649-1662
Lê Huyền Tông Lê Duy Vũ 1663-1671
Lê Gia Tông Lê Duy Hợi (Lê Duy Cối, Lê Duy Khoái) 1672-1675
Lê Hy Tông Lê Duy Hợp 1676-1704
Lê Dụ Tông Lê Duy Đường 1705-1728
Hôn Đức Công Lê Duy Phường 1729-1732
Lê Thuần Tông Lê Duy Tường 1732-1735
Lê Ý Tông Lê Duy Thận 1735-1740
Lê Hiển Tông Lê Duy Diêu 1740-1786
Lê Mẫn Đế Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) 1787-1789
- Chúa Trịnh: (1545 - 1787)
Thế Tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm 1545-1570
Bình An Vương Trịnh Tùng 1570-1623
Thanh Đô Vương Trịnh Tráng 1623-1652
Tây Định Vương Trịnh Tạc 1653-1682
Định Nam Vương Trịnh Căn 1682-1709
An Đô Vương Trịnh Cương 1709-1729
Uy Nam Vương Trịnh Giang 1729-1740
Minh Đô Vương Trịnh Doanh 1740-1767
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm 1767-1782
Điện Đô Vương Trịnh Cán 1782 (2 tháng)
Đoan Nam Vương Trịnh Khải 1782-1786
Án Đô Vương Trịnh Bồng 1786-1787
- Chúa Nguyễn: (1600 - 1802)
Tiên vương (Chúa Tiên) Nguyễn Hoàng 1600-1613
Sãi vương (Chúa Bụt) Nguyễn Phúc Nguyên 1613-1635
Thượng vương Nguyễn Phúc Lan 1635-1648
Hiền vương Nguyễn Phúc Tần 1648-1687
Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn 1687-1691
Minh vương Nguyễn Phúc Chu 1691-1725
Ninh vương Nguyễn Phúc Chú 1725-1738
Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát 1738-1765
Định Vương Nguyễn Phúc Thuần 1765-1777
Nguyễn Ánh Nguyễn Phúc Ánh 1781-1802
NHÀ TÂY SƠN : (1788 - 1802)
Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc 1778-1793
Thái Tổ Vũ Hoàng Đế Nguyễn Huệ 1788-1792
Cảnh Thịnh Hoàng Đế Nguyễn Quang Toản 1792-1802
NHÀ NGUYỄN : (1802 - 1945)
Gia Long Nguyễn Thế Tổ - Nguyễn Phúc Ánh 1802-1819
Minh Mạng Nguyễn Thánh Tổ - Nguyễn Phúc Đảm 1820-1840
Thiệu Trị Nguyễn Hiến Tổ - Nguyễn Phúc Miên Tông 1841-1847
Tự Đức Nguyễn Dực Tông - Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 1848-1883
Dục Đức Nguyễn Cung Tông - Nguyễn Phúc Ưng Chân 1883 (3 ngày)
Hiệp Hoà Nguyễn Phúc Hồng Dật 6/1883-11/1883
Kiến Phúc Nguyễn Giản Tông - Nguyễn Phúc Ưng Đăng 12/1883-8/1884
Hàm Nghi Nguyễn Phúc Ưng Lịch - 8/1884-8/1885
Đồng Khánh Nguyễn Cảnh Tông - Nguyễn Phúc Ưng Đường 1885-1888
Thành Thái Nguyễn Phúc Bửu Lân 1889-1907
Duy Tân Nguyễn Phúc Vĩnh San 1907-1916
Khải Định Nguyễn Hoằng Tông Nguyễn Phúc Bửu Đảo 1916-1925
Bảo Đại Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ 1926-1945
PHÁP THUỘC: (1858 - 1945)
CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG:
NAM BẮC: (1954 - 1975)
- Việt Nam Cộng Hòa Tổng Thống:
Ngô Đình Diệm 26/10/1955 - 2/11/1963
Nguyễn Văn Thiệu 1/9/1967 - 21/4/1975
Trần Văn Hương 21/4/1975 - 28/4/1975
Dương Văn Minh 28/4/1975 - 30/4/1975
Về các vua
Hoàng đế đầu tiên: Lý Nam Đế (544 - 548) với niên hiệu đầu tiên là Thiên Đức
Hoàng đế cuối cùng: Bảo Đại (1925 - 1945)
Ở ngôi lâu nhất: Triệu Vũ Vương Triệu Đà: 70 năm (207-137 TCN), Lý Nhân Tông Càn Đức: 56 năm (1072 - 1127), thứ đến Hậu Lê Hiển tông Duy Diêu: 47 năm (1740 - 1786).
Ở ngôi ngắn nhất: Tiền Lê Trung Tông Long Việt: 3 ngày (1006), Dục Đức: 3 ngày (1883)
Lên ngôi trẻ nhất: Lê Nhân Tông lúc 1 tuổi (1442); Mạc Mậu Hợp lúc 2 tuổi (1562); Lý Cao Tông lúc 3 tuổi; Lý Anh Tông cũng 3 tuổi; Lý Chiêu Hoàng lúc 6 tuổi (1224).
Lên ngôi già nhất: Trần Nghệ Tông Phủ, khi 50 tuổi (1370); Triệu Đà khi 50 tuổi (207 TCN)
Trường thọ nhất: Bảo Đại 85 tuổi (1913-1997), vua Trần Nghệ Tông 74 tuổi (1321 - 1394). Nếu tính Triệu Đà thì Triệu Đà là vua thọ nhất: 120 tuổi (257-137 TCN) (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư). Ngoài ra, nếu tính cả các chúa thì chúa Nguyễn Hoàng thọ hơn Bảo Đại: 89 tuổi (1525 - 1613)
Yểu thọ nhất: Hậu Lê Gia Tông Duy Khoái 15 tuổi (1661 - 1675)
Nữ vương đầu tiên: Trưng Vương (Trưng Trắc) (vì chỉ xưng vương) (40-43)
Nữ hoàng duy nhất: Lý Chiêu Hoàng Phật Kim (1224 - 1225), vợ vua Trần Thái tông Cảnh (1226 - 1258).
Vua duy nhất ở ngôi 2 lần: Hậu Lê Thần Tông (1619-1643 và 1649-1662)
Về các triều đại
Triều đại tồn tại lâu nhất: nhà Hậu Lê 356 năm (1428 - 1527 và 1533 - 1788).
Triều đại tồn tại ngắn nhất: nhà Hồ 8 năm (1400 - 1407).
Triều đại truyền nhiều đời vua nhất: nhà Hậu Lê: 27 vua (từ Thái Tổ đến Chiêu Thống), nhà Trần (kể cả Hậu Trần) 14 vua.
Triều đại truyền ít đời nhất: nhà Thục 1 vua.
Triều đại truyền qua nhiều thế hệ nhất: nhà Hậu Lê 14 đời (từ Thái Tổ Lê Lợi đến Trung Tông Duy Huyên, rồi từ Anh Tông Duy Bang đến Chiêu Thống Duy Kỳ), sau đó là nhà Lý: 9 đời (từ Thái Tổ Công Uẩn đến Chiêu Hoàng Phật Kim).
Triều đại xảy ra phế lập, sát hại các vua nhiều nhất: Nhà Lê sơ 6/11 vua.
Thái thượng hoàng
Thái thượng hoàng gọi tắt là thượng hoàng, ngôi vị mang nghĩa là "vua bề trên" trong triều. Tùy từng hoàn cảnh lịch sử, thực quyền của thượng hoàng khác nhau. Thượng hoàng có thể giao toàn quyền cho vua hoặc vẫn nắm quyền chi phối việc triều chính; hoặc có thể thượng hoàng chỉ mang danh nghĩa. Triều đại có nhiều thượng hoàng nhất là nhà Trần với 9 thượng hoàng. Thông thường thượng hoàng là cha vua, nhưng có các trường hợp không phải như vậy: Thượng hoàng Trần Nghệ Tông truyền ngôi cho em là Duệ Tông, Duệ Tông mất lại lập cháu gọi bằng bác là Phế Đế; Thượng hoàng Mạc Thái Tổ truyền ngôi cho con là Thái Tông, Thái Tông mất sớm lại lập cháu nội là Hiến Tông; Thượng hoàng Lê Ý Tông là chú của vua Lê Hiển Tông. Ngoài 7 thượng hoàng nhà Trần từ Trần Thừa tới Nghệ Tông cùng Mạc Thái Tổ, các thượng hoàng còn lại trong lịch sử Việt Nam đều không tự nguyện làm thượng hoàng mà do sự sắp đặt của quyền thần trong triều. Danh sách cụ thể các thượng hoàng trong Lịch sử Việt Nam như sau:
Triều đạiThái thượng hoàngNắm quyềnGhi chú
Nhà LýLý Huệ Tông1224-1226Bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng lên làm thượng hoàng và đi tu ở chùa Chân Giáo.
Nhà TrầnTrần Thái Tổ1225-1234Cha của Trần Thái Tông - vua đầu tiên nhà Trần. Thượng hoàng duy nhất chưa từng làm vua nhưng được tôn làm thượng hoàng do có con làm vua.
Nhà TrầnTrần Thái Tông1259-1277Thượng hoàng thời Trần Thánh Tông.
Nhà TrầnTrần Thánh Tông1278-1293Thượng hoàng thời Trần Nhân Tông.
Nhà TrầnTrần Nhân Tông1294-1308Thượng hoàng thời Trần Anh Tông.
Nhà TrầnTrần Anh Tông1308-1320Thượng hoàng thời Trần Minh Tông.
Nhà TrầnTrần Minh Tông1329-1357Thượng hoàng thời Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông. Thượng hoàng nắm quyền lâu nhất (29 năm).
Nhà TrầnTrần Nghệ Tông1372-1394Thượng hoàng thời Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông. Thượng hoàng cao tuổi nhất (52 tuổi) và thọ nhất (74 tuổi).
Nhà TrầnTrần Thuận Tông1398-1399Thượng hoàng thời Trần Thiếu Đế. Thượng hoàng yểu nhất (22 tuổi).
Nhà HồHồ Quý Ly1401-1407Thượng hoàng thời Hồ Hán Thương.
Nhà Hậu TrầnGiản Định Đế1409Thượng hoàng thời Trùng Quang Đế. Thượng hoàng nắm quyền ngắn nhất (4 tháng).
Nhà MạcMạc Thái Tổ1530-1541Thượng hoàng thời Mạc Thái Tông và Mạc Hiến Tông.
Nhà Hậu LêLê Thần Tông1643-1649Thượng hoàng thời Lê Chân Tông Duy Hưu, sau khi con mất sớm lại làm vua lần thứ hai. Việc này do chúa Trịnh sắp đặt.
Nhà Hậu LêLê Hy Tông1705-1716Thượng hoàng thời Lê Dụ Tông.
Nhà Hậu LêLê Dụ Tông1729-1731Thượng hoàng thời Hôn Đức Công Lê Duy Phường.
Nhà Hậu LêLê Ý Tông1740-1758Thượng hoàng thời Lê Hiển Tông. Thượng hoàng trẻ nhất (22 tuổi).
Khổng Tử (551 - 479 t.TL): người lập ra Nho giáo
Khổng: Họ Khổng, chỉ Đức Khổng Tử. Tử: thầy.
Khổng Tử là Thầy Khổng.
Tiểu sử của Đức Khổng Tử.
Sau đây là phần: Tiểu sử của Đức Khổng Tử.
Đức Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sanh ngày 27 tháng 8 âm lịch năm Canh Tuất (551 trước Tây lịch), đời vua Châu Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương ứng với đời vua Lỗ Tương Công năm thứ 22, tại làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, bây giờ là Tỉnh Sơn Đông nước Trung Hoa.
Đức Khổng Tử là dòng dõi của Vi Tử Khải và Vi Tử Diễn, hai người nầy là anh ruột của vua Trụ, con của vua Đế Ất nhà Thương (cũng còn gọi là nhà Ân).
Sau khi Châu Võ Vương diệt vua Trụ, mở ra nhà Châu, Ông Châu Công Đán cho Vi Tử Khải làm vua nước Tống, gọi là Tống Công, để trông nom việc tế tự các vua nhà Thương. Vi Tử Khải mất, em là Vi Tử Diễn lên thay.
Cháu 13 đời của Vi Tử Diễn là Thúc Lương Ngột, làm quan Đại phu nước Lỗ, là thân phụ của Đức Khổng Tử.
Ngài lấy họ Khổng, bởi vì Thúc Lương Ngột là dòng dõi của Khổng Phùng Thúc, biệt lập ra họ Khổng kể từ Khổng Phụ Gia, sau 5 đời Công Khanh thế tập ở nước Tống.
Thúc Lương Ngột có người vợ cả họ Thi, sanh được 9 người con gái, một người vợ lẽ sanh được một con trai nhưng bị què một chân, tên là Mạnh Bì, tự là Bá Ni.
Năm Thúc Lương Ngột 70 tuổi, sợ không có người kế tự, mới sai người đến nhà họ Nhan để cầu hôn. Họ Nhan có năm người con gái đều chưa gả chồng, có ý chê Thúc Lương Ngột quá già, mới bảo với các con gái rằng:
- Các con có đứa nào thuận kết duyên với quan Đại phu ở Châu Ấp đó không?
Bốn người con gái lớn đều làm thinh, người con gái út là Trưng Tại đứng dậy thưa rằng:
- Phép làm con gái, khi còn ở nhà thì theo lời cha, cha đặt đâu con xin ngồi đó.
Họ Nhan nghe con gái út nói thế thì lấy làm lạ, liền gả Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột.
Trưng Tại đã kết duyên với Thúc Lương Ngột rồi, vợ chồng lo về sự hiếm hoi không có con trai nối dõi, nên cùng nhau vào núi Ni Sơn cầu tự. Khi Trưng Tại trèo lên núi Ni sơn, bao nhiêu lá cây đều rung động lên cả. Khi làm lễ cầu tự xong, đi trở xuống thì lá cây lại rủ xuống như cũ.
Đêm hôm ấy, Trưng Tại nằm mộng thấy Thần Hắc Đế triệu đến mà bảo rằng:
- Sau nầy, nàng sẽ sanh con Thánh, nhưng khi nào lâm sản thì nên vào ở trong hang núi Không Tang.
Đến khi nàng thức giấc tỉnh dậy thì biết mình có thai.
Một hôm khác, Trưng Tại mơ mơ màng màng như người chiêm bao, chợt thấy một Ông già đến đứng ở sân, tự xưng là Ngũ Tinh, dắt theo một con thú giống như con trâu con mà lại có một sừng, mình có vằn. Con thú ấy trông thấy Trưng Tại thì nằm phục xuống và nhả ra một cái ngọc xích, trên đó có đề chữ "Con nhà Thủy Tinh, nối đời suy Châu mà làm vua không ngôi."
Trưng Tại biết là điềm lạ, liền lấy dải lụa buộc vào sừng con thú ấy. Khi tỉnh dậy, Trưng Tại thuật điềm chiêm bao ấy cho chồng nghe. Thúc Lương Ngột nói:
- Con thú ấy là con kỳ lân.
Gần đến sản kỳ, Trưng Tại hỏi hang núi Không Tang ở đâu? Thúc Lương Ngột nói:
- Núi Nam sơn có một cái hang đá, tục gọi là hang Không Tang.
Trưng Tại liền sửa soạn đến đó ở và sanh đẻ trong hang Không Tang đúng theo lời Thần nhân mách bảo. Đêm hôm sanh ra Khổng Tử, có hai con rồng xanh từ trên Trời bay xuống nằm phục ở hai bên sườn núi và có hai vị Thần Nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho Trưng Tại. Gội xong thì biến đi. Khi Trưng Tại lâm sản, bỗng thấy trong hang đá có một suối nước nóng chảy ra để Trưng Tại tắm. Tắm xong thì suối cạn ngay.
Thúc Lương Ngột nói:
- Vì ta cầu tự nơi núi Ni Sơn mà được đứa bé nầy, nên ta đặt tên cho nó là Khâu, tự là Trọng Ni.
Trưng Tại biết đứa con nầy sẽ làm nên việc lớn, nên hết sức nuôi nấng và chăm sóc con.
Ông Khổng Tử có tướng lạ lắm: Môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng rùa, miệng rộng, hầu lộ, trán phẳng và cao, khi lớn, mình cao 9 thước 6 tấc (thước Tàu), có tánh ham học.
Năm Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha mất. Ngài sống với mẹ trong cảnh nhà nghèo. Khi lớn lên, mẹ cho đi học, Ngài chơi với trẻ hàng xóm, thích bày trò cúng tế.
Năm 15 tuổi, lập chí học tập.
Năm 19 tuổi, Ngài cưới vợ, vợ của Ngài là con của họ Thượng Quan nước Tống.
Năm 20 tuổi, vợ Ngài sanh đặng một con trai. Hôm đó, Lỗ Chiêu Công sai đem đến ban cho Ngài một con cá chép (Lý ngư), nên nhân đó, Ngài đặt tên con là Lý tự là Bá Ngư, để tỏ lòng tôn trọng vật của vua ban tặng. Về sau, Bá Ngư chết lúc 50 tuổi, chết trước Đức Khổng Tử. Con của Bá Ngư tên là Khổng Cấp, tự là Tử Tư, sau theo học với Tăng Sâm, rồi làm ra sách Trung Dung.
1. Đức tánh của Đức Khổng Tử:
Đức Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, Ngài cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi. Tánh Ngài ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào Thiên mệnh.
2. Thời kỳ tham chánh và dạy học:
Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng là cân đo và gạt lúa. Sau đó, qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự.
Năm Ngài 25 tuổi thì chịu tang mẹ.
Năm 29 tuổi, Ngài học đàn với Sư Tương, ở nước Lỗ.
Tuy làm chức quan nhỏ, nhưng Đức Khổng Tử đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều, nên quan Đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ, cho hai người con trai là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo Ngài học Lễ.
Đức Khổng Tử muốn đến Lạc Dương, kinh đô nhà Châu, để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Học trò Ngài là Nam Cung Quát nghe vây, liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho Ngài một cổ xe song mã và vài tên quân hầu cận để đưa Ngài và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến nơi, Đức Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi đến Xã đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ.
Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì Ngài đến quan sát và hỏi han cho tường tận.
Ngài đến gặp Trành Hoành để hỏi về Nhạc.
Khi ở Lạc Dương, Đức Khổng Tử còn tìm đến gặp Đức Lão Tử để hỏi về Lễ. (
Đức Khổng Tử ở Lạc Dương khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ.
Từ đó, sự học của Ngài càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng Ngài vào việc nước.
Được mấy năm, trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ngài theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Ở đây Ngài học được Nhạc thiều. Tề Cảnh Công mời Ngài tới để hỏi việc Chánh trị. Vua Tề rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho Ngài, nhưng quan Tướng Quốc nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho.
Năm sau, Ngài trở về nước Lỗ, thấy họ Quý dùng Dương Hổ để chuyên quyền, ý muốn tiếm đoạt. Ngài quay về quê lo việc dạy học, và nghiên cứu cho tường tận Đạo học của Thánh hiền. Lúc đó Ngài được 36 tuổi.
Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định Công, Ngài được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, bốn phương lấy chính sự của Ngài làm khuôn mẫu.
Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 năm trước Tây lịch), Ngài phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ ba khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước.
Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng Thơ) coi việc hình án. Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thạnh trị.
Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong Ngài lên làm Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc), coi việc Chánh trị trong nước.
Ngài cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính.
Đức Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão:
Thiếu Chính Mão là một nịnh thần rất nguy hiểm dưới trào Lỗ Định Công. Bấy giờ, Đức Khổng Tử đang làm quan Tướng Quốc nước Lỗ. Quý Tôn Tư, một vị Đại Thần quyền thế trong triều, nhưng luôn luôn hỏi ý kiến của Đức Khổng Tử mỗi khi có một quyết định trong công việc trị nước. Nhưng phần Thiếu Chính Mão, khi Đức Khổng Tử nói ra câu gì thì liền gièm pha khiến người nghe phân vân và đôi khi bị mê hoặc.
Đức Khổng Tử mật tâu với Lỗ Định Công:
- Nước Lỗ không cường thịnh lên được là vì trung nịnh không phân biệt, thưởng phạt không nghiêm minh. Thí dụ như muốn trồng lúa tốt tất phải trừ bỏ cỏ xấu. Xin Chúa công cho đem các đồ phủ việt (dùng vào việc hình) trong nhà Thái miếu bày ra ở dưới Lưỡng quán để dùng vào việc hình.
Lỗ Định Công thuận cho.
Sáng hôm sau, Lỗ Định Công truyền cho các quan triều đình hội nghị để bàn việc phá thành ấp xem lợi hại thế nào. Các quan người nói nên phá, người nói không nên phá.
Thiếu Chính Mão đón ý Đức Khổng Tử, nói rằng:
- Phá thành có 6 điều tiện:
1. Để tôn trọng quyền vua không ai bằng.
2. Để tôn trọng cái quyền thế Đô thành.
3. Để ức quyền tư môn.
4. Để khiến cho kẻ gia thần lộng quyền không chỗ nương cậy.
5. Để yên lòng ba nhà: Mạnh, Thúc, Quý.
6. Để khiến cho các nước nghe việc nước Lỗ ta làm mà phải kính phục.
Đức Khổng Tử tâu với Lỗ Định Công:
- Thành ấp nay đã thế cô còn làm gì được, huống chi Công Liễm Dương vẫn có lòng trung với vua, sao dám bảo là lộng quyền. Thiếu Chính Mão dùng lời nói khéo để làm loạn chánh trị, khiến vua tôi ly gián, cứ theo phép thì nên giết.
Các quan trong triều tâu:
- Thiếu Chính Mão là người danh giá ở nước Lỗ ta, dầu có nói lầm đi nữa cũng chưa đến tội chết.
Đức Khổng Tử lại tâu với Lỗ Định Công:
- Thiếu Chính Mão là người dối trá mà lại biện bác, làm người ta mê hoặc. Nếu không giết đi thì việc chánh trị không thi hành nổi. Xin Chúa Công cho đem phủ việt ra để trị tội.
Đức Khổng Tử truyền cho lực sĩ trói Thiếu Chính Mão đem đến Lưỡng quán mà giết đi.
Các quan trong triều đều sợ hãi, xám xanh cả mặt. Ba nhà: Mạnh, Thúc Quý, trông thấy cũng đều kinh sợ.
Từ khi giết xong Thiếu Chính Mão, Lỗ Định Công và ba nhà Mạnh, Thúc, Quý mới một lòng nghe theo lời của Đức Khổng Tử. Nhờ vậy, Đức Khổng Tử chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sĩ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chánh trị mỗi ngày một hay.
Ba tháng sau, phong tục biến cải cả: Các nhà buôn gà và heo không dám nhồi cám để dối người mua, trong khi ra đường, trai gái đi phân biệt nhau, không hỗn loạn, thấy của rơi ngoài đường thì không ai lượm, người nước khác du lịch đến nước Lỗ được tiếp đãi tử tế, không để cho thiếu thốn.
Dân nước Lỗ có làm một bài ca để tán tụng công đức của Khổng Tử. Bài ca ấy được truyền tụng sang nước Tề.
Tề Cảnh Công lo ngại nói rằng:
- Nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu ắt nên nghiệp Bá, tất họa đến nước Tề, ta biết làm thế nào?
Quan Đại Phu Lê Di tâu rằng:
- Chúa Công lo nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu, sao không lập cách ngăn đi.
Tề Cảnh Công nói:
- Nước Lỗ giao quyền chánh trị cho Khổng Khâu, ta dùng cách gì mà ngăn trở được?
Lê Di tâu:
- Tính con người ta, hễ được cường thịnh tất sanh lòng kiêu mạn. Xin Chúa Công lập một Bộ Nữ Nhạc mà đem dâng vua Lỗ. Vua Lỗ mà nhận Bộ Nữ Nhạc tất sanh lười biếng mà chán Khổng Khâu. Bấy giờ tất Khổng Khâu phải bỏ nước Lỗ mà đi, Chúa Công mới có thể ngồi yên được.
Quả vậy, Lỗ Định Công, không nghe lời can gián của Đức Khổng Tử, nhận Bộ Nữ Nhạc thì mê say theo, bỏ bê việc triều chánh, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho Họ Quí. Đức Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, lại có thể bị hại vì lời gièm siễm của bọn gian thần.
Do đó, trong ngày Lễ Tế Giao, vua Lỗ không nhìn đến, cũng không đem phần thịt tế biếu cho các quan Đại Phu. Đức Khổng Tử nhân việc lỗi nhỏ của vua Lỗ mà xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu.
3. Thời kỳ chu du các nước chư Hầu:
Đức Khổng Tử cùng các học trò đi qua các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, để mong thuyết phục các vua chư Hầu chịu đem cái Đạo của Ngài ra ứng dụng để đem lại thái bình thạnh trị cho dân chúng. Nhưng cái Đạo của Ngài là Vương Đạo nên đi ngược ý đồ Bá Đạo của các vua chư Hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các vua chư Hầu đều không dám dùng Ngài.
Rốt cuộc, sau 14 năm đi chu du các nước không thành công, Ngài phải trở về nước Lỗ, có quan Đại Phu Quý Khang Tử sai Công Hoa ra đón Ngài.
Phu nhân của Đức Khổng Tử là bà Thượng Quan đã mất trước đó một năm, nhằm năm Lỗ Ai Công thứ 10.
4. Đức Khổng Tử gặp Thần đồng Hạng Thác.
Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường qua nước Trần, gặp một đám trẻ nhỏ chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ mà không đùa giỡn. Ngài hỏi cậu bé:
- Sao cậu không chơi đùa với mấy đứa trẻ kia?
Cậu bé đáp: - Đùa giỡn thì vô ích, vì có thể bị rách áo quần, nhọc công mẹ vá, lại buồn lòng cha, nên tôi không giỡn.
Nói xong, cậu tiếp tục lo đắp thành. Đức Khổng lại hỏi:
- Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao?
Cậu bé thản nhiên đáp: - Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chớ có bao giờ thành tránh xe.
Đức Khổng Tử nghe cậu bé trả lời một câu bất ngờ và hay quá, liền xuống xe lại gần cậu hỏi nhiều điều khó khăn, được cậu trả lời thông suốt, sau đó cậu hỏi lại Đức Khổng Tử mấy câu mà Ngài không trả lời được, khiến Ngài rất phục cậu bé, tôn cậu bé làm thầy. Cậu bé ấy là Thần đồng Hạng Thác.
"Lúc Khổng Tử dạy về Nhơn đạo thời chưa thông Thiên đạo, còn dùng tửu nhục. Đến khi ngộ đạo cùng Hạng Thác thì trì trai thủ giới, nên mới có câu: Thiên sanh Khổng Tử chơn kỳ trí, tánh mạng công phu thỉ bất minh, vãng Trần lộ ngộ Hạng Thác vi sư, lão tác đồ ty thiếu vi tôn, cùng câu: Trai minh thạnh phục, yết dục dưỡng tinh.
Sau ngươi Châu Tử chẳng thông thời vụ, học Trung Dung chưa rồi mà luận đến Thiên đạo, lại chê Khổng Tử, Lão Tử rằng luận thuyết hư vô tịch diệt là dị đoan. Có phải ấy là ếch nằm đáy giếng xem trời nhỏ chăng?" (Đại Thừa Chơn Giáo)
Đức Khổng Tử ở Nhơn đạo, nhờ Thần đồng Hạng Thác mà Ngài giác ngộ, tu theo Thiên đạo nên trường trai, tuyệt dục, dưỡng Tinh luyện đạo, đắc phẩm Chí Thánh.
5. Thời kỳ soạn sách và dạy học trò:
Khi trở về nước Lỗ, Đức Khổng Tử đã 68 tuổi. Ngài trở lại quê nhà để mở mang việc dạy học và soạn sách.
Tổng số môn đệ của Đức Khổng Tử có lúc lên tới 3000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, nên gọi là Thất thập nhị Hiền.
Đức Khổng Tử san định lại các kinh sách của Thánh Hiền đời trước như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch.
Ngài ghi chú các lời nói của Thánh Hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu, nhất là với Kinh Dịch, Ngài chú giải rất kỹ.
Sau đó, Đức Khổng Tử viết ra sách Xuân Thu, chép những việc của nước Lỗ và của nhà Châu (Chu) liên hệ với các nước chư Hầu từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên (721 trước Tây lịch) đến đời Lỗ Ai Công thứ 14 (481 trước Tây lịch), tổng cộng là 242 năm. (Xem chi tiết nơi phần sau: Khổng Tử tác Xuân Thu)
Đức Khổng Tử là bậc Chí Nhân Chí Thánh, nhưng Ngài vẫn khiêm tốn không dám nhận mình là Thánh nhân.
Đối với các môn đệ, Ngài rất dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ đến xin học thì Ngài không bao giờ từ chối. Ngài thâu nhận học trò, không kể giàu nghèo, con quan hay con dân. Ngài mở ra một nền giáo dục bình dân đại chúng, đào tạo được một lớp người trí thức mới, tài giỏi và có đức hạnh trong giới bình dân.
Sự giáo hóa của Ngài chủ yếu là làm sao cho sáng tỏ cái đức sáng của người, chớ không gom vào trong sự truyền thụ kiến thức. Đây là một phương pháp giáo dục rất hay để khai mở cái Tâm của con người vậy.
6. Đức Khổng Tử tạ thế:
Mùa Xuân năm Lỗ Ai Công thứ 14 (481 trước Tây lịch), người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què chân trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc. Khi trở về, Ngài than rằng: Ngô đạo cùng hỹ! (Đạo của ta đến lúc cùng)
Sách Xuân Thu chép đến chuyện nầy thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân Kinh.
Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai Công thứ 17 (479 trước Tây lịch), một hôm Đức Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ! (Núi Thái sơn đổ ư! Cây gỗ tốt hư hoại ư! Triết nhân mòn mỏi ư!)
Học trò của Ngài là Tử Cống liền đến hỏi thăm Ngài. Ngài nói: Ta biết mình sắp chết.
Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất, Đức Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi. Mộ của Ngài ở bên bờ sông Tứ Thủy, phía Bắc thành nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.
Ba ngàn đồ đệ của Ngài đều thương tiếc và than khóc, nguyện để tang Thầy 3 năm. Có hơn 100 môn đệ làm nhà chung quanh phần mộ để lo phụng tự trong 3 năm, riêng Tử Cống ở đó hết 6 năm mới thôi.
Chu vi đất quanh mộ của Đức Khổng Tử rộng chừng 100 mẫu mà không hề có cây gai và cỏ may mọc. Học trò bảo nhau đi tìm các thứ hoa thơm cỏ lạ ở các nơi đem về trồng khắp chung quanh.
7. Các triều đại phong tặng Đức Khổng Tử:
- Năm 739, vua Đường Huyền Tôn phong tặng Đức Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, mặc phẩm phục Hoàng đế, tặng cho các đệ tử các tước: Công, Hầu, Bá.
- Năm 1008, vua Tống Chân Tông phong Ngài là: Đại Thánh Văn Tuyên Vương, phong cho thân phụ Ngài là Lỗ Công, thân mẫu Ngài là Lỗ Phu Nhân, vợ là Bà Thượng Quan Thị làm Vân Phu Nhân, và ra lịnh cho các tỉnh lập miếu thờ Ngài.
- Năm 1306, vua Minh Thế Tông phong tặng Ngài là Chí Thánh Tiên Sư.
- Năm 1645, vua Thanh Thế Tổ phong Ngài là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư Khổng Phu Tử.
8. Văn miếu:
Văn miếu hay Văn Thánh miếu là tòa nhà dựng lên để làm Đền thờ Đức Khổng Tử và các môn đệ của Ngài cùng với các Tiên hiền, Tiên nho qua các thời đại gồm:
a. Tứ Phối: Bốn vị Thánh cùng được phối hưởng cúng tế với Đức Khổng Tử. Tứ Phối gồm:
• Phục Thánh Nhan Tử (Nhan Hồi)
• Tông Thánh Tăng Tử (Tăng Sâm)
• Thuật Thánh Tử Tư (Khổng Cấp)
• Á Thánh Mạnh Tử (Mạnh Kha)
b. Thập Triết: Mười vị Hiền triết, học trò tài giỏi nhứt của Đức Khổng Tử. Thập Triết gồm:
• Mẫn Tổn (Mẫn Tử Khiên)
• Bá Ngưu (Nhiễm Canh)
• Trọng Cung (Nhiễm Ung)
• Tể Dư (Tử Ngã)
• Đoan Mộc Tứ (Tử Cống)
• Nhiễm Cầu (Tử Hữu)
• Trọng Do (Tử Lộ)
• Ngôn Yển (Tử Du)
• Bốc Thương (Tử Hạ)
• Chuyên Tôn Sư (Tử Trương).
c. Thất thập nhị Hiền: 72 vị học trò giỏi của Đức Khổng Tử, nhưng ở dưới Thập Triết một bực.
Nói là Thất thập nhị Hiền, chớ thật ra chỉ có 62 vị, vì trong Thất thập nhị Hiền có Thập Triết, nên phải trừ ra 10 vị.
d. Tiên Hiền, Tiên Nho: gồm 120 vị, qua các triều đại từ xưa đến nay.
9. Đức Khổng Tử trong Đạo Cao Đài:
Đức Khổng Tử là một Đấng Giáo chủ trong Tam giáo thuộc thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Nhờ Đức Khổng Tử mà Nho giáo mới được hưng hạnh, và trở thành một học thuyết triết học nhân sinh có hệ thống chặt chẽ và hoàn hảo, chủ yếu dạy về Nhơn Đạo (Đạo làm Người). Không có một giáo thuyết nào dạy Nhơn Đạo hoàn hảo bằng Nho giáo.
Trong Kinh Cúng Tứ Thời của Đạo Cao Đài có bài Kinh Nho giáo để xưng tụng công đức của Đức Khổng Tử.
Ngày Đại Lễ Vía Đức Khổng Tử được chọn là ngày giáng sanh của Đức Khổng Tử, đó là ngày 27 tháng 8 âm lịch. Hằng năm, khi đến ngày nầy, tại Toà Thánh và các Thánh Thất địa phương đều có thiết lễ Đại Đàn cúng Vía Đức Khổng Tử, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại Tiểu sử của Ngài, và nói về sự ích lợi của Nho giáo đối với sự ổn định trật tự trong gia đình và ngoài xã hội.
Do đó, Đức Chí Tôn mới có chủ trương NHO TÔNG CHUYỂN THẾ, tức là dùng tinh hoa của Giáo lý Nho giáo để dạy dỗ người đời, tái lập trật tự và đạo đức trong xã hội.
Trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, Đức Khổng Tử có giáng cơ dạy Đạo.
Sau đây, xin chép lại bài Thánh giáo nầy của Ngài:
Ngày 17 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1932).
THI:
NGÃ dĩ từ chương giáo nghĩa phương,
KHỔNG văn hoằng hóa sự luân thường.
PHU thê, phụ tử, quân thần đạo,
TỬ đệ phùng thời độ thiện lương.
DIỄN DỤ:
Các sĩ cùng chư khanh nghe rõ: việc Tam giáo hiệp nhứt.
Từ mới mở mang Trời Đất đã có Đại Đạo. Tam giáo vốn một nhà, đời sau chia làm ba, chớ kỳ trung một bổn, kẻ thế không thông hiểu nên tranh luận giành điều chơn giả với nhau hoài. Những người xưng mình là Minh Sư, thọ truyền cho đồ đệ, thì mỗi người cũng muốn khoe tài mình mà truyền khẩu với chúng sanh rằng, đạo mình chánh, đạo khác thì tà: Té ra, mình là manh sư gạt chúng.
Nếu Đạo Tiên, Đạo Phật mà không dùng văn chương thì lấy chi mà tả kinh diễn kệ. Còn học Nho mà không học Đạo thì ra người cuồng sĩ kiêu căng.
Vậy khuyên mấy sĩ Ba Đạo cũng đồng tìm kiếm gốc cho minh chơn lý, đặng trước độ mình, sau độ chúng. Vậy mới gọi là Chánh kỷ hóa nhơn. Thi rằng:
Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
Người sau lầm tưởng, vọng chia ba.
Minh tâm may hiểu đường chơn giả,
Mẫn tánh mới thông nẻo chánh tà.
Thích, Đạo tỷ như hành bộ khách,
Nền Nho ví tợ chiếc đò qua.
Muôn ngàn kinh kệ do nơi chữ,
Tam giáo từ xưa vốn một nhà.
KHỔNG PHU TỬ
Khổng Tước Minh Vương
Khổng Tử tác Xuân Thu
Tiểu sử Mạnh Tử
© http://vietsciences.free.fr Cao Đài từ điển
Hy Lạp cổ đại
I - Tổng quan về Hy Lạp và La Mã cổ đại
1. Địa lý cư dân và sơ lược lịch sử Hy Lạp cổ đại
· Địa lý và cư dân
Ngày xưa các bộ lạc Hy Lạp gọi bộ lạc của mình bằng những tên riêng. Đến khoảng thế kỷ thứ VIII - VII TCN, người Hy Lạp mới gọi mình Helen (Hellenes) và gọi đất nước mình là Hêla (Hellas) tức Hy Lạp.
Lãnh thổ của Hy Lạp cổ đại rộng hơn nước Hy Lạp ngày nay rất nhiều, bao gồm: Miền nam bán đảo Ban Căng, các đảo trên biển Êgiê và miền ven biển phía Tây Tiểu á, trong đó quan trọng nhất là miền Nam bán đảo Ban Căng tức là vùng lục địa Hy Lạp.
Miền lục địa Hy Lạp về mặt địa hình chia làm 3 khu vực: Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Từ Bắc bộ xuống Trung bộ phải qua một cái đèo hẹp nằm gần sát bờ biển phía Đông gọi là đèo Técmôpin. Trung bộ tuy là vùng có nhiều dãy núi ngang dọc nhưng cũng có những đồng bằng trù phú như đồng bằng áttích và đồng bằng Bêôxi. Đồng thời ở đây còn có nhiều thành phố quan trọng mà nổi tiếng nhất là Aten. Ranh giới giữa Trung bộ và Nam bộ là eo đất Coranh. Nam bộ là một bán đảo hình bàn tay 4 ngón gọi là bán đảo Pêlôpôneđơ. ở đây có nhiều đồng bằng rộng và phì nhiêu, rất thuận lợi cho việc trồng trọt.
Vùng bờ biển phía Đông của bán đảo Ban Căng khúc khuỷ tạo nên nhiều vịnh và nhiều hải cảng, rất thuận lợi cho việc phát triển hàng hải. Các đảo trên bờ biển Êgiê trở thành những trạm nghỉ chân cho các thuyền đi lại từ Hy Lạp đến Tiểu Á và Bắc Phi, trong đó lớn nhất là đảo Crét ở phía Nam bán đảo. Trong khi đó, biển Êgiê lại như một cái hồ lớn êm ả sóng im gió nhẹ nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho nghề đi biển trong điều kiện kỹ thuật chế tạo tàu thuyền còn thô sơ.
Còn Tiểu Á là một vùng giàu oó và là chiếc cầu nối liền Hy Lạp với các nước phương Đông cổ đại có nền văn minh phát triển sớm.
Điều kiện địa lý đó đã giúp cho Hy Lạp cổ đại trở thành nước có nền công thương nghiệp phát triển, đồng thời có thể tiếp thu ảnh hưởng của văn minh cổ đại của phương Đông.
Cư dân Hy Lạp cổ đại bao gồm nhiều tộc người: người Êôliêng chủ yếu cư trú ở Bắc bán đảo Ban Căng và một phần Trung bộ (đồng bằng Bêôxi); người Iôniêng ở đồng bằng Áttích, vùng ven biển phía Tây Tiểu Á; người Akêăng ở vùng Bắc bán đảo Pêlôpônedơ và người Đôniêng ở Bắc bán đảo Pêlôpônedơ, đảo Crét và các đảo khác ở phía Nam biển Êgiê.
· Sơ lược lịch sử Hy Lạp cổ đại
Lịch sử Hy Lạp cổ đại có thể chia thành các thời kỳ sau đây:
Thời kỳ văn hóa Crét-Myxen.
Thời kỳ Hôme.
Thời kỳ thành bang.
Thời kỳ Makêđônia.
Văn hóa Crét-Myxen và thời Hôme
Từ sớm, vùng biển Êgiê mà trung tâm là đảo Crét và vùng Myxen ở bán đảo Pêlônênedơ đã từng tồn tại những nền văn minh rực rỡ. Nhưng mãi đến tận thập kỷ 70 của thế kỷ XIX về sau, nhờ các cuộc khai quật khảo cổ học, người ta mới biết được tương đối cụ thể các nền văn minh đó.
Tại Crét và Myxen người ta đã tìm thấy những cung điện, thành quách, và nhiều hiện vật khác trong đó có cả chữ viết. Nền văn minh Crét tồn tại trong khoảng 18 thế kỷ, từ đầu thiên kỷ III đến thế kỷ XII TCN. Chủ nhân của nền văn hóa Myxen là người Akêăng. Thời kỳ huy hoàng nhất của văn hóa Myxen là từ thế kỷ XVI-XII TCN. Trên cơ sở công cụ đồng thau, ở Crét và Myxen đã xây dựng những nhà nước tương đối hùng mạnh. Từ năm 1194 - 1184 TCN, Myxen đã tấn công thành Tơroa ở Tiểu á và đã tiêu diệt quốc gia này. Sau cuộc chiến tranh này 80 năm tức là đến cuối thế kỷ XII TCN, người Đôriêng với vũ khí bằng sắt từ phía Bắc tràn xuống đã tiêu diệt các quốc gia ở Myxen và Crét. Thời kỳ Crét- Myxen kết thúc.
Tiếp theo thời Myxen là thời Hôme (thế kỷ XI-IX TCN). Sở dĩ gọi như vậy là vì lịch sử Hy Lạp trong giai đoạn này được phản ánh trong hai tập sử thi Ililát và Ôđixê của Hôme.
Nội dung của Iliát và Ôđixê nói về cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và thành Tơroa xảy ra cuối thời Myxen, nhưng chất liệu của cuộc sống hiện thực mà tác giả sử dụng để xây dựng tác phẩm như tình hình sinh hoạt, phong tục tập quán, quan hệ xã hội v.v... thì thuộc thời kỳ từ thế kỷ XI-IX TCN.
Xã hội Hy Lạp thời Hôme không phải là sự phát triển tiếp tục xã hội có nhà nước thời Crét-Myxen mà là giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy. Lúc bấy giờ, sự phân hóa giàu nghèo tuy đã diễn ra rõ rệt, nhưng nhà nước chưa ra đời.
Thời kỳ thành bang (thế kỷ VIII-IV TCN)
Đây là thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử Hy Lạp cổ đại. Do sự phát triển của các ngành kinh tế và sự phân hoá giai cấp, đến thế kỷ VIII TCN, ở Hy Lạp một lần nữa lại xuất hiện nhiều nhà nước nhỏ. Nhưng nhà nước này đều có một thành phố làm trung tâm nên gọi là thành bang.
Trong số các thành bang ở Hy Lạp, quan trọng nhất là thành bang Xpác và thành bang Aten, vì đây là hai lực lượng hùng mạnh nhất làm nòng cốt cho lịch sử Hy lạp cổ đại.
Thành bang Xpác ở phía Nam bán đảo Pêlôpônedơ, là một thành bang bảo thủ về chính trị, lạc hậu về kinh tế và văn hóa nhưng lại là một thành bang hùng mạnh về quân sự. Với ưu thế ấy Xpác bắt các thành bang lân cận trở thành chư hầu của mình và đến 530 TCN thì lập thành một đồng minh do Xpác cầm đầu gọi là đồng minh Pêlôpônedơ nhằm mục đích giành quyền bá chủ Hy Lạp.
Thành bang Aten ở miền Trung Hy Lạp. Đây chủ yếu là một vùng đồi núi, không thuận tiện đối với việc sản xuất nông nghiệp, nhưng lại có nhiều khoáng sảnh và hải cảng tốt nên công thương nghiệp có điều kiện phát triển.
Thành bang Aten thành lập vào thế kỷ VIII TCN. Khi mới ra đời, tính chất dân chủ của nhà nước Aten còn hạn chế, nhưng do sự đấu tranh không ngừng của quần chúng, trải qua nhiều lần cải cách, Aten trở thành thành bang có chế độ chính trị dân chủ nhất ở Hy Lạp cổ đại. Tuy vậy đó chỉ là chế độ dân chủ chủ nô, vì khoảng 4/5 dân cư Aten là nô lệ và ngoại kiều không được hưởng quyền dân chủ.
Trên cơ sở nền kinh tế công thương nghiệp và chế độ dân chủ, Văn hóa Aten phát triển rất rực rỡ. Các thành tựu về mọi mặt của văn hóa Aten là bộ phận quan trọng nhất trong nền văn hóa Hy Lạp cổ đại.
Trong khi Aten đang bước vào thời kỳ phát triển thuận lợi thì đến thế kỷ V TCN, Hy Lạp phải tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Ba Tư. Năm 490 TCN, quân Ba Tư đổ bộ lên cánh đồng Maratông, một địa điểm cách Aten hơn 42km về phía Đông. Tuy lực lượng so sánh rất chênh lệch, nhưng quân Hy Lạp mà chủ yếu là quân Aten đã giành được thắng lợi rất oanh liệt. Đến năm 479 TCN quân Ba Tư hoàn toàn thất bại phải rút về nước.
Sau khi đánh thắng Ba Tư, Aten bước vào thời kỳ cường thịnh nhất trong lịch sử của mình. Năm 478 TCN, Aten lôi kéo được gần 200 thành bang, thành lập một đồng minh gọi là đồng minh Đêlốt.
Do đường lối chính trị và kinh tế khác nhau, năm 431 TCN, giữa hai đồng minh Pêlôpônedơ và đồng minh Đêlốt đã xảy ra một cuộc chiến tranh gọi là chiến tranh Pêlôpônedơ. Sau 27 năm, đến năm 404 TCN, Aten hoàn toàn thất bại phải ký hiệp ước đầu hàng.
Thời kỳ Makêđônia
Sự thiết lập quyền bá chủ ở Hy Lạp và cuộc chinh phục phương Đồng của Makêđônia.
Sau chiến tranh Pêlôpônedơ, ở Hy Lạp lại diễn ra một cuộc đấu tranh mới để dành quyền bá chủ nhưng không có thành bang nào đủ mạnh để thống nhất Hy Lạp dưới quyền của mình.
Trong khi đó, ở phía Bắc Hy Lạp, nước Makêđônia đang phát triển nhanh chóng. Năm 337 TCN, nhờ giành được một chiến thắng có tính chất quyết định, vua Makêđônia là Philip II triệu tập một hội nghị toàn Hy Lạp. Trong hội nghị này, Makêđônia được giao quyền chỉ huy quân đội toàn Hy Lạp để tấn công Ba Tư. Như vậy về hình thức, các thành bang Hy Lạp vẫn được độc lập nhưng thực chất đã biến thành chư hầu của Makêđônia.
Trong khi Makêđônia đang gấp rút chuẩn bị tấn công Ba Tư thì năm 336 TCN, Philip II bị giết chết. Con trai ông là Alêchxăngđrơ mới 20 tuổi lên ngôi. Năm 334 TCN, Alêchxăngđrơ bắt đầu đem quân sang tấn công Ba Tư, đến năm 328 TCN thì hoàn toàn tiêu diệt đế quốc rộng lớn này. Năm 327 TCN, quân Makêđônia đánh chiếm vùng Punjáp của ấn Độ nhưng tiếp đó gặp nhiều khó khăn nên phải rút lui. Năm 325 TCN, quân Makêđônia về đến Babilon, thành phố này được chọn làm kinh đô của đế quốc do Alêchxăngđrơ thành lập.
Năm 323 TCN, Alêchxăngđrơ bị chết đột ngột. Sau đó các tướng lĩnh không ngừng đánh nhau để tranh giành quyền bính. Do vậy sang thế kỷ III TCN, đế quốc Makêđônia chia thành 3 nước lớn:
Makêđônia và Hy Lạp do dòng dõi của tướng Antigôn thống trị
Xini do tướng Xêlơcút thống trị.
Ai Cập do dòng dõi của tướng Ptôlêmê thống trị.
Ngoài ra còn có một số nước nhỏ khác như Pécgam, Rôđốt, Pacti, Bắctơria.
Trong thời kỳ ấy, ở phía Tây, La Mã đang trở thành một đế quốc hùng mạnh và đang có mưu đồ chinh phục khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Năm 168 TCN, Makêđônia bị La Mã tiêu diệt. Năm 146 TCN, Hy Lạp bị nhập vào đế quốc La Mã.
Sau đó, các vương quốc khác do người Makêđônia lập nên ở phương Đông lần lượt cũng bị La Mã thôn tính. Những quốc gia này đến thời cận đại được gọi là những nước Hy Lạp hóa và thời kỳ tồn tại của những quốc gia đó được gọi là "thời kỳ Hy Lạp hóa".
2. Địa lý cư dân và sơ lược lịch sử La Mã cổ đại
· Địa lý và cư dân
La Mã (Rôma) là tên của một quốc gia cổ đại mà nơi phát nguyên là ở bán đảo Ý (Italia).
Đây là một bán đảo dài và hẹp ở Nam Âu hình chiếc ủng vươn ra Địa Trung Hải, diện tích khoảng 300.000 km2, phía Bắc có dãy núi Anpơ ngăn cách Ý với châu Âu, phía Nam có đảo Xixin, phía Tây có đảo Coocxơ và đảo Xacđenhơ.
Ý có nhiều đồng bằng màu mỡ và nhiều đồng cỏ thuận tiện cho việc chăn nuôi gia súc. Ý có nhiều kim loại như đồng, chì, sắt... để chế tạo công cụ sản xuất và vũ khí. Bờ biển phía Đông không thuận tiện cho thuyền bè đi lại nhưng bờ biển phía Nam có nhiều vịnh và cảng tốt, do đó có quan hệ sớm với Hy Lạp.
Bán đảo Ý lớn gấp năm lần bán đảo Hy Lạp nhưng nó không bị chia cắt thành những vùng biệt lập như Hy Lạp mà là một đơn vị địa lý thuận lợi cho sự thống nhất về lãnh thổ và chính trị. Sau khi làm chủ bán đảo Ý, La Mã còn xâm chiếm bên ngoài lập thành một đế quốc rộng lớn bao gồm đất đai của ba châu Âu, á, Phi nằm bao quanh Địa Trung Hải.
Cư dân chủ yếu và cũng là thành phần cư dân có mặt sớm nhất ở bán đảo Ý gọi là người Ý (Italotes). Trong đó, bộ phận sống ở vùng Latium gọi là người Latinh. Về sau, một nhánh của người Latinh đã dựng lên thành La Mã ở trên bờ sông Tibrơ, từ đó họ được gọi là người La Mã.
Ngoài ra, còn có người Gôloa, người Êtơruxcơ, người Hy Lạp, người Gôloa cư trú ở miền Bắc cực bán đảo, người Êtơrucơ ở miền Bắc và miền Trung, còn người Hy Lạp thì ở các thành phố ven biển phía Nam và đảo Xixin.
· Sơ lược lịch sử La Mã cổ đại
Lịch sử La Mã cổ đại có thể chia thành hai thời kỳ lớn là thời kỳ cộng hòa và thời kỳ quân chủ.
Thời kỳ cộng hòa
A. Sự thành lập chế độ cộng hòa
Theo truyền thuyết, thành La Mã (Rôma) do vua Romulus xây dựng năm 753 TCN, do đó tên của ông được dùng để đặt tên cho thành này. Sự thực nhà nước La Mã ra đời vào giữa thế kỷ VI TCN, do cuộc cải cách của vua Xecviut Tuliut. Khi mới thành lập, nhà nước La Mã gồm có vua, Viện Nguyên Lão và Đại hội nhân dân. Vào khoảng năm 510 TCN, người La Mã nổi dậy khởi nghĩa lật đổ vua Táccanh kiêu ngạo. Từ đó chính quyền thành việc của dân (res publica), do vậy chế độ nhà nước mới gọi là Respublica tức là chế độ cộng hòa. Bộ máy nhà nước thời kỳ này bên cạnh Viện Nguyên Lão và Đại hội nhân dân là hai cơ quan chấp chính có quyền ngang nhau, nhiệm kỳ là một năm.
Tuy chế độ cộng hòa đã được thiết lập nhưng sự cách biệt giữa quý tộc và bình dân vẫn rất lớn. Vì vậy bình dân đã đấu tranh với quý tộc trong hai trăm năm để đòi giải quyết các yêu cầu của họ. Kết quả, bình dân đã được thỏa mãn các yêu cầu như bình dân được cử quan Bảo dân để bênh vực quyền lợi cho mình, được chia ruộng đất, được kết hôn với quý tộc, được làm quan chấp chính, bình dân nếu phá sản cũng không biến thành nô lệ v.v... Thắng lợi của bình dân đã làm cho chế độ cộng hoà quý tộc của La Mã được dân chủ hóa thêm một bước so với trước.
B. Sự thành lập đế quốc La Mã
Khi mới thành lập, La Mã chỉ là một thành bang nhỏ ở miền Trung bán đảo Ý . Từ thế kỷ IV TCN, La Mã không ngừng xâm lược ra bên ngoài, và hơn một thế kỷ sau, La Mã đã chinh phục được toàn bộ bán đảo Ý .
Tiếp đó La Mã muốn phát triển thế lực sang phía Tây Địa Trung Hải, nhưng ở đây La Mã đã gặp phải một đối thủ hùng mạnh, đó là Cáctagiơ.
Cáctagiơ là một đế quốc rộng lớn bao gồm vùng bờ biển Bắc Phi, miền Đông Tây Ban Nha, miền Nam xứ Gôlơ, bán đảo Xácđenhơ, đảo Coócxơ (ở gần Tuyrít, thủ đô nước Tuynidi ngày nay).
Do mâu thuẫn với nhau trong mưu đồ bành chướng thế lực mà đầu tiên là cuộc đụng độ ở đảo Xixin, từ năm 264-146 TCN, trong vòng gần 120 năm, giữa La Mã và Cactagiơ đã xảy ra ba lần chiến tranh rất ác liệt, người La Mã gọi là cuộc chiến tranh Puních, kết quả, đến năm 146 TCN, La Mã đã dành được thắng lợi hoàn toàn. Toàn bộ đất đai của Cáctagiơ trở thành lãnh thổ của La Mã.
Trong quá trình ấy, để giành quyền bá chủ ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải, La Mã đã nhiều lần tấn công Makêđônia, Xiri. Kết quả, đến giữa thế kỷ II TCN, Makêđônia bị biến thành một tỉnh của La Mã. Sang thế kỷ I TCN, cả vùng đất đai ở bờ Đông Địa Trung Hải cũng bị La Mã chiếm. Cuối cùng đến năm 30 TCN, Ai Cập cũng bị nhập vào bản đồ La Mã. Thế là La Mã đã trở thành đế quốc rộng mênh mông, Địa Trung Hải thành một cái hồ nằm gọn trong lãnh thổ của đế quốc.
Do chiến tranh không ngừng giành được thắng lợi, số tù binh bắt được rất nhiều. Tình hình đó làm cho chế độ nô lệ phát triển mạnh mẽ, dân số nô lệ nhiều hơn dân số nông dân và lao động của nô lệ giữ vai trò quan trọng nhất trong các ngành kinh tế. Tuy vậy nô lệ lại là giai cấp bị áp bức bóc lột vô cùng tàn bạo, nên họ không ngừng nổi dậy đấu tranh, trong đó tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Xpáctacút, nổ ra từ năm 73-71 TCN. Chính sự đấu tranh của giai cấp nô lệ là một nguyên nhân rất quan trọng làm cho La Mã càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng về mọi mặt.
Thời kỳ quân chủ
A. Quá trình chuyển biến chế độ cộng hòa sang chế độ quân chủ
Từ thế kỷ I TCN, chế độ cộng hòa ở La Mã dần dần bị chế độ độc tài thay thế. Do bất đồng với nhau trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước, các phe phái trong giai cấp chủ nô La Mã đã tạo điều kiện cho các tướng lĩnh nhảy lên vũ đài chính trị.
Người giành được quyền độc tài đầu tiên là Xila. Năm 82 TCN, Xila tuyên bố làm độc tài suốt đời nhưng đến năm 79 TCN vì ốm nặng phải từ chức và đến năm 78 TCN thì chết.
Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Xpactacút, ở La Mã xuất hiện chính quyền tay ba lần thứ nhất. Đó là Cratxút, Pompê và Xêđa. Năm 54 TCN Cratxút bị tử trận trong khi đánh nhau ở phương Đông. Pompê tìm cách trừ khử Xêđa để độc chiếm chính quyền nhưng bị thất bại phải chạy sang phía Đông. Ngay năm đó (48 TCN), Xêda truy kích Pompê tận Ai Cập. Tại đây, ông giúp công chúa Clêôpát giành được ngôi vua, do đó ông ở lại trong cùng đình Ai Cập hơn nửa năm. Năm 45 TCN, sau khi đánh bại mọi thế lực chống đối ở phương Đông, Xêda kéo đoàn quân chiến thắng trở về và trở thành người đứng đầu nhà nước La Mã, nhưng đến năm 44 TCN thì bị ám sát.
Sau khi Xêda chết ít lâu, năm 43 TCN, ở La Mã lại xuất hiện chính quyền tay ba lần thứ hai. Đó là Antôniút, Lêpiđút bị tước quyền lực, Antôniút kết hôn với nữ hoàng Clêôpát, do vậy toàn bộ quyền hành ở La Mã thuộc về Ôctavianút. Năm 30 TCN, Ôctavianút tuyên chiến với Clêôpát. Bị thất bại Antôniút và Clêôpát phải tự tử.
Năm 29 TCN, Ôctavianút trở về La Mã và trở thành kẻ thống trị duy nhất của toàn đế quốc. Mặc dầu chưa xưng Hoàng đế nhưng ông được tôn làm nguyên thủ, được dâng danh hiệu Ôgút (Auguste) nghĩa là đấng chí tôn và được tặng nhiều danh hiệu cao quý khác. Như vậy, Ôctavianút thực chât đã trở thành một hoàng đế và La Mã tuy vẫn khoác cái áo ngoài của chế độ cộng hòa nhưng thực chất đã chuyển sang chế độ quân chủ chuyên chế.
B. Sự suy vong của đế quốc La Mã
Đến thời quân chủ, chế độ nô lệ ở La Mã ngày càng khủng khoảng trầm trọng. Để khắc phục tình trạng đó, giai cấp địa chủ chủ nô phải thay đổi cách bóc lột: họ đem ruộng đất chia cho người lao động nông nghiệp để thu địa tô. Việc đó dẫn tới sự ra đời của một tần lớp xã hội mới gọi là lệ nông - tiền thân của nông nô thời trung đại sau này.
Đến thế kỷ III, công thương nghiệp phát triển một thời nhanh chóng suy sụp, cư dân thành thị giảm sút, thành thị trở nên điêu tàn, mối liên hệ giữa các nơi của đế quốc không còn chặt chẽ nữa. Trong hoàn cảnh đó, do miền Đông nhờ sự liên hệ với các nước phương Đông, kinh tế còn có thể phát triển thuận lợi hơn ở miền Tây, nên năm 330, hoàng đế Cônxtantinút đã rời đô sang Cônxtantinôplơ ở phía Đông. Năm 395, hoàng đế Têôđôdiút chia đế quốc thành hai nước: đế quốc Đông La Mã đóng đô ở Cônxtantinốplơ và đế quốc Tây La Mã đóng đô ở La Mã.
Trong khi La Mã đang suy yếu nhanh chóng như vậy thì đến thế kỷ IV, người Giécmanh bao gồm các tộc Tây gốt, Đông gốt, Văngđan, Phrăng, ănglô - Xăcxông, Buốcgôngđơ, đã di cư ồ ạt vào lãnh thổ của đế quốc La Mã. Lúc bấy giờ, họ đang sống trong xã hội nguyên thủy nên người La Mã gọi họ là "Mantộc". Sang thế kỷ V, một số bộ lạc Giécmanh đã thành lập các vương quốc của mình trên đất đai của Tây La Mã.
Đến thập kỷ 70 của thế kỷ V, đế quốc Tây La Mã chỉ còn lại một vùng nhỏ bé mà ở đó, chính quyền thực tế đã nằm trong tay các tướng lĩnh người Giécmanh. Năm 476, thủ lĩnh quân đánh thuê người Giécmanh là Ôđôacrơ đã lật đổ hoàng đế cuối cùng của đế quốc Tây La Mã là Rômulút Ôguxtulơ rồi tự xưng làm hoàng đế . Sự kiện đó đánh dấu sự diệt vong của đế quốc Tây La Mã, đồng thời đánh dấu sự chấm dứt chế độ chiếm hữu nô lệ.
Còn đế quốc Đông La Mã thì vẫn tiếp tục tồn tại và đi dần vào con đường phong kiến hóa và thường được gọi là đế quốc Bidantium. Đến năm 1453, Đông La Mã bị Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt.
II - Những thành tựu chủ yếu của văn minh Hy - La cổ đại
Hy Lạp và La Mã là hai quốc gia riệng biệt do các tộc khác nhau lập nên. Mãi đến thế kỷ II TCN, Hy Lạp mới bị La Mã chinh phục, nhưng trước đó rất lâu, La Mã đã tiếp thu nhiều thành tựu văn minh của Hy Lạp. Sau khi Hy Lạp bị nhập vào đế quốc La Mã, ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp đối với La Mã càng mạnh mẽ hơn nữa. Chính nhà thơ La Mã Hôratiút đã nói: "Người Hy Lạp lại bị người La Mã chinh phục, những người bị chinh phục ấy lại chinh phục trở lại kẻ đi chinh phục mình. Văn học nghệ thuật Hy Lạp tràn sang đất Latinh hoang dã..." Vì vậy nền văn minh Hy Lạp và La Mã có cùng một phong cách và thường được gọi chung là văn minh Hy - La.
Nền văn minh Hy - La phát triển rất toàn diện và mỗi mặt đều có những thành tựu rực rỡ, trong đó quan trọng nhất là các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, sử học, khoa học tự nhiên, triết học.
1. Văn học
Nền văn học Hy Lạp bao gồm ba bộ phận chủ yếu và có liên quan chặt chẽ với nhau là thần thoại, thơ và kịch
· Thần thoại
Thần thoại Hy lạp
Ở Hy Lạp, trong giai đoạn từ thế kỷ VIII-VI TCN, nhân dân đã sáng tạo ra một kho tàng thần thoại rất phong phú, bao gồm những truyện về khai thiên lập địa, về các thần thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội, về các anh hùng dũng sĩ. Đến thế kỷ VIII TCN, cùng với sự phát triển của các gia đình phụ quyền các thần được sắp xếp lại thành một hệ thốn có tôn ti trật tự.
Theo tác phẩm Gia phả các thần của Hêđiốt, nhà thơ Hy Lạp sống vào thế kỷ VIII TCN thì đầu tiên chỉ có Caốt là một khối hỗn mang mờ mịt, rồi Caốt sinh ra thần đất Gaia, rồi sinh ra thần ái tình Erốt, Gaia sinh ra Uranút tức là trời, được nhân cách hóa. Uranut lại lấy Gaia làm vợ, sinh được 12 thần gồm 6 nam và 6 nữ, gọi chung là thần tộc Titanút. Trong số các thần ấy, Crônút đã láy Rêa rồi sinh ra các thần. Người con út của Crốut và Rêa là Dớt đã lật đổ cha mình và trở thành chúa tể của các thần. Dớt có nhiều vợ như Hêra, Đêmêtê và sinh được nhiều con như Atêna, Apôlô, Aphrô*********... Một người anh em con chú, con bác với thần Dớt là thần Prômêtê đã dùng đất sét nặn thành người rồi lấy trộm lửa ở lò rèn của thần thợ rèn Hêphaixtôt đem đến cho loài người. Do vậy Dớt sai Hêphaixtốt xiềng Prômêtê ở núi Côcadơ và cho một con diều hâu mổ lá gan của chàng. Về sau Prômêtê được thần Hêraclét, con của thần Dớt giải thoát. Do công lao đó, trong thần thoại Hy Lạp, Prômêtê được coi là kẻ sáng tạo nền văn minh của nhân loại.
Bên cạnh hệ thống các thần đó, người Hy Lạp cổ đại còn sáng tạo ra các thần bảo hộ các ngành nghề và các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Ví dụ:
Đêmêtê là hóa thân của đất và là nữ thần của nghề nông.
Điônixốt là thần của nghề trồng nho và nghề làm rượu nho.
Apôlô là thần ánh sáng và nghệ thuật.
Ơtecpô là thần âm nhạc.
Tali là thần hài kịch.
Pôlimi là thần thơ trữ tình.
Urani là thần thiên văn.
Cliô là thần lịch sử v.v...
Như vậy thần thoại Hy Lạp phản ánh nguyện vọng của nhân dân trong việc giải thích và đấu tranh với tự nhiên, đồng thời phản ánh cuộc sống lao động và hoạt động xã hội. Do được tạo nên từ thực tế cuộc sống, các thần của Hy Lạp không phải là những lực lượng xa vời, có quyền uy tuyệt đối và đáng sợ như các thần ở phương đông mà là những hình tượng rất gần gũi với con người. Thần của Hy Lạp cổ đại còn có tình cảm yêu ghét vui buồn, thậm chí cũng có ưu điểm khuyết điểm như có khi thì rộng lượng, có khi thì hẹp hòi, cũng đa tình ghen tuông v.v..
Ví dụ thần Dớt là vị thần cao nhất, có nhiều vợ nhưng còn lén vợ có quan hệ với nhiều nữ thần khác. Nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrôdit đã kết hôn với thần thợ rèn Hêphaixtốt chân thọt, nhưng không chung thủy với chồng mà ngoại tình với thần chiến tranh Arét, con trai của Dớt và Hêra. Thần thợ rèn đã dùng lưới sắt chụp bắt được quả tang. Sau đó, Aphrôđit lấy Arét và sinh được 5 con. Ngoài ra Aphrôdit còn có những mối tình với thần rượu nho Điônixốt, với thần thương nghiệp Hécmét.
Thần thoại Hy Lạp có ảnh hưởng rất quan trọng đối với nền văn học nghệ thuật Hy Lạp, vì nó đã cung cấp một kho đề tài và nguồn ảnh hưởng cho thơ, kịch, điêu khắc và hội họa của Hy Lạp cổ đại.
Thần thoại La Mã
Người La Mã hầu như tiếp thu hoàn toàn kho tàng thần thoại và hệ thống các thần của Hy Lạp. Chỉ có một điều khác là người La Mã đặt lại tên cho các vị thần đó.
Ví dụ:
Thần Dớt của Hy Lạp trở thành thần Giupite của La Mã.
Thần Hêra, vợ thần Dớt thành thần Giunông vợ của Giupite.
Thần Đêmête, thần nghề nông của Hy Lạp trở thành thần Xêrét, thần ngũ cốc, thần bảo vệ mùa màng của La Mã.
Thần Aphrôđit, thần sắc đẹp và tình yêu của Hy Lạp thành thần Vênút của La Mã.
Thần Pôđêiđông, thần biển của Hy Lạp thành thần Néptun của La Mã.
Thần Hécmét, thần buôn bán của Hy Lạp thành thần Mécquya của La Mã.
Thần Hêraclét của Hy Lạp, biểu tượng của sức mạnh thành thần Héccun của La Mã v.v...
· Thơ
Hôme với Iliát và Ôđixê
Nói về thơ ca của Hy Lạp cổ đại trước hết phải kể đến hai tập sử thi nổi tiếng: Iliát vàÔđixê. Tương truyền rằng tác giả của hai tác phẩm này là Hôme, một nhà thơ mù sinh ở một thành phố thuộc Tiểu á vào khoảng giữa thế kỷ IX TCN. Tuy nhiên các vấn đề như tác giả, quê hương, của tác giả, thời gian sáng tác tập thơ... đều chưa được xác định. Chính vì thế ngay từ thời cổ đại, ở Hy Lạp đã có 7 thành phố tranh nhau cái vinh dự là quê hương của Hôme.
Đề tài của Iliát và Ôđixê đều khai thác từ cuộc chiến tranh giữa các quốc gia ở Hy Lạp với thành Tơroa ở Tiểu Á.
Nguyên là vào đầu thế kỷ thứ XII TCN, vì muốn chiếm của cải của thành Tơroa, vua Mixen ở Hy Lạp đã tấn công Tơroa. Cuộc chiến tranh này kéo dài 10 năm (1194 - 1184 TCN), kết quả là Tơroa bị thất bại, thành Tơroa bị hủy diệt,
Tuy sự thực lịch sử là như vậy, nhưng theo thơ Hôme, nguyên nhân của cuộc chiến tranh này đã được gắn liền với những huyền thoại rất diễm lệ.
Trong tiệc cưới của nữ thần Têtít và Pêlê, vua của Tetxali tổ chức ở thiên đình, các thần đều được mời tới dự. Riêng nữ thần bất hòa Irít không được mời. Tức giận vì việc đó, Irít đã ném vào giữa bàn tiệc một quả táo bằng vàng trên đó có dòng chữ: "Tặng người đẹp nhất".
Ba nữ thần Hêra, Atêna và Aphrôđit tranh nhau danh hiệu người đẹp nhất và đến nhờ thần Dớt phân xử. Dớt bảo họ đi gặp chàng trai đẹp nhất châu á là Parít, con thứ hai của Priam vua của Tơroa. Khi gặp Parít, Aphrôđit hứa sẽ giúp Parít lấy được Hêlen, người phụ nữ đẹp nhất châu Âu nếu xử cho mình thắng cuộc. Parít đã thỏa mãn yêu cầu của Aphrôđit. Giữ lời hứa, Aphrôđit cho Parít mượn chiếc thắt lưng của mình. Đây là chiếc thắt lưng nếu ai thắt vào mình thì sẽ làm cho người mình thích yêu mình say đắm. Nhờ vậy Parít đã lấy được Hêlen đem về thành thành Tơroa. Nhưng Hêlen lúc bấy giờ đã là vợ của Mênêlát, vua của Xpác. Vì vậy Mênêlát đã nhờ anh mình là Agamennông, vua của Mixen tấn công thành Tơroa để cứu vợ.
Trải qua 10 năm, quân Hy Lạp vây đánh thành Tơroa không có kết quả. Trong một trận chiến đấu, quân Hy Lạp bắt được cô Criđêit, con gái của người coi việc tế thần Apôlô rồi dành cho Agamennông. Ông già chuộc con gái không được nên xin thần Apôlô trừng trị quân Hy Lạp. Bệnh dịch đã giáng xuống. Sau khi được nghe ông già tiên tri nói rõ nguyên nhân, quân Hy Lạp buộc phải trả Cridêit. Agamennông không muốn chịu thiệt, đã tước cô Criđêit mà trước đó đã thưởng cho Asin.
Vì việc làm sai trái đó của Agamennông, Asin tức giận không chịu tham chiến, quân Hy Lạp bị thất bại, người bạn thân của Asin là Patơrôclơ bị tử trận. Vì thương bạn Asin phải tham gia chiến đấu để trả thù cho Patơrôclơ. Kết quả, Asin đã giết chết Hécto, con vua Priam của Tơroa rồi buộc xác Hécto dưới cỗ xe kéo khắp chiến trường và quanh mộ của Patơrôclơ.
Tập Iliat dài 15.638 câu, chủ yếu miêu tả giai đoạn gay go nhất tức là năm thứ 10 của cuộc chiến tranh ấy.
Tập Ôđixê dài 12110 câu miêu tả cảnh trở về của quân Hy Lạp. Sau chiến thắng quân Tơroa, vua Ôđixê phải trải qua 10 năm đầy gian nan nguy hiểm mới về đến quê hương của mình là đảo Itác và được gặp lại người vợ chung thủy đã một lòng chờ đợi suốt 20 năm là Pênêlốp.
Hai tập Iliát và Ôđixê không những là hai tác phẩm quan trọng trong kho kho tàng văn học thế giới mà còn là những tác phẩm có giá trị về lịch sử. Chính những tư liệu chứa đựng trong hai tập thơ này đã giúp các nhà sử học khôi phục một thời kỳ lịch sử gọi là thời kỳ Hôme.
Các nhà thơ Hy Lạp khác:
Tiếp theo Hôme là nhà thơ Hêđiốt với các tập thơ Gia phả các thần , Lao động và ngày tháng. Trong tập thơ thứ hai, tác giả đã nói lên sự phá sản của nông dân dưới sự thống trị của tầng lớp quý tộc , ca ngợi cuộc sống lao động, "không có thứ lao động nào là nhục nhã, chỉ có ăn không ngồi rồi là xấu xa", đồng thời đã đúc kết nhiều kinh nghiệm lao động.
Đến thế kỷ VII, VI TCN, thơ trữ tình bắt đầu xuất hiện. Các thi sĩ tiêu biểu là Parốt, Acsilôcút, Xôlông, Têônít, Xaphô, Panhđa, Anacrêông...
Acsilôcút được coi là người đặt cơ sở cho thơ trữ tình Hy Lạp. Ông phải sốn trong nghèo túng lại bị bất hạnh trong tình yêu nên thơ ông đượm vẻ sầu não chua chát, về sau thì chuyển sang ca ngợi các lạc thú của cuộc sống.
Đến nữ sĩ Xaphô, thơ trữ tình Hy Lạp đã đạt đến trình độ rất điêu luyện. Xaphô được gọi là "nàng thơ thứ mười" của thơ ca Hy Lạp sau chín nàng thơ trong thần thoại vì thơ của bà dịu dàng uyển chuyển lại có cốt cách phong nhã thanh tao và thường đượm vẻ buồn vì phần lớn đề tài đều có tính chất thương cảm.
Ví dụ, trong bài thơ "Tăng nữ thần sắc đẹp", tác giả đã cầu xin nữ thần giúp mình thoát khỏi sự khổ não được toại nguyện trong tình yêu:
Hỡi Aphrôđit, lệnh nữ thần của thần Dớt,
Ngài là vị nữ thần đầy trí tuệ.
Với nỗi u buồn, con cầu xin ngài
Hãy cứu vớt con, cứu vớt con thoát khỏi buồn đau.
......
Trên không trung của mặt đất âm u
Ngài ngự chiến xa vùn vụt bay xuống
Một con bồ câu bay trên chiến xa
Dẫu chiến xa bay qua các tầng mây
Trong chốc lát ngài đã xuống đây
Bên môi ngài nở nụ cười bất hủ
Ngài hỏi tôi vì sao đau khổ?
Vì sao mắt tôi đẫm lệ khẩn cầu?
.....
Ngài bảo tôi: "hãy nói đi không cần giấu diếm
Con đã yêu ai? Ai đã làm con khổ não?
Hỡi Xaphô, con thân yêu của ta!
Chàng lạnh lùng ư? chàng sẽ yêu nồng cháy
Chàng từ chối ư ? chàng sẽ tìm đến con.
Chàng không hôn con ư? Chàng sẽ quay trở lại
Và càng nồng nàn tìm đôi môi của con".
Anacrêông cũng là một nhà thơ trữ tình lớn. Thơ của ông chủ yếu ca ngợi sắc đẹp, tình yêu và hoan lạc, tuy nhiên ông rất ghét tiền tài, vì theo ông đó là lực lượng phá hoại hài hòa của cuộc sống.
Vì nó mà không có anh em.
Vì nó mà người thân không hòa mục,
Vì nó mà sinh ra chiến tranh sát phạt.
Vả lại, đáng sợ nhất là
Chúng ta, những người thương yêu lẫn nhau
Cũng vì nó mà sinh ra thù ghét.
Nhà thơ cuối cùng là Panhđa (522-422 TCN) ông là đại biểu của văn học quý tộc. Thơ của ông chủ yếu ca ngợi đời sống hào phóng xa hoa của giới quý tộc, tán dương những kẻ thắng cuộc trong đại hội điền kinh Ôlempích.
Thơ trữ tình của Hy Lạp có ảnh hưởng lớn đối với thơ ca của phương Tây sau này về phong cách sáng tác cũng như hình thức và đặt cơ sở cho một hình thức văn nghệ mới ở Hy Lạp là kịch.
Ngoài thơ trữ tình ở Hy Lạp có một số nhà thơ còn sáng tác về chủ đề chính trị, trong đó, bài Hành khúc của Tiếctê ca ngợi sự anh dũng của người Xpác được coi là mẫu mực của loại thơ ca chiến đấu.
Văn học La Mã
Người La Mã vốn từ sớm đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. Đặc biệt sau khi đánh chiếm thành phố Tarentơ của HyLạp ở trên bán đảo ý vào năm 272 TCN, La Mã bắt đầu tiếp xúc với văn học Hy Lạp, do đó đã chịu ảnh hưởng của văn học Hy Lạp.
Văn học La Mã cũng bao gồm nhiều thể loại như sử thi, thơ trữ tình, thơ trào phúng, văn xuôi, kịch.
Thời cộng hòa, La Mã đã có nhiều thi sĩ và nhà soạn kịch, ví dụ, Anđrônicút đã dịch Ôđixê ra tiếng La tinh, Nơviút viết sử thi Cuộc chiến tranh Puních, Catulút đã sáng tác nhiều bài thơ trữ tình.
Nói về tình yêu của ông với nàng Clôđia, em quan bảo dân Côđiút, nhà thơ viết:
"Anh vừa giận vừa yêu,
Có thể em sẽ hỏi vì sao anh như vậy
Anh chẳng biết nhưng anh cảm thấy
Đau khổ vô cùng vì vừa giận vừa yêu."
Thời kỳ phát triển nhất của thơ ca La Mã là thời kỳ thống trị của Ôctavianút. Để phục vụ cho chế độ chính trị của Ôctavianút, nhóm tao đàn Mêxen được thành lập. Mêxen là một người thân cận của Ôctavianút, là Mạnh Thường Quân của La Mã đã đứng ra bảo trợ các thi nhân văn sĩ. Trong nhóm này có những nhà thơ nổi tiếng như Viếcgiliút, Hôratiút, Ôviđiút.
Viếcgiliút (70-19 TCN)
Viếcgiliút (70-19 TCN) là nhà thơ lớn nhất của La Mã, sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả ở miền Bắc ý.
Tác phẩm đầu tiên đồng thời là tác phẩm làm ông bắt đầu có tiếng tăm là tập Những bài ca của người chăn nuôi. Với những bài thơ rất đẹp, tác phẩm này được Mêxen chú ý, và qua Mêxen, được Ôctavianút chú ý.
Tác phẩm tiếp theo là Khuyến nông. Tác phẩm này được sáng tác thể theo ý muốn của Mêxen. Mục đích chính trị của tác phẩm là tuyên truyền cho sự phát triển nông nghiệp đã bị nội chiến làm cho suy tàn.
Tập thơ này có bốn phần: phần 1, nói về nông nghiệp. Phần 2 nói về nghề trồng vườn. Phần 3, nói về nghề chăn nuôi ong. Tác giả đã bỏ ra 7 năm để hoàn thành tập thơ này. Thế nhưng ông đã được đền đáp xứng đáng: Ôctavianút rất thích tập khuyến nông, đến nỗi, năm 31 TCN, sau khi đánh bại Antôniút ở Hy Lạp trở về, ông đã nghe ngâm bài thơ này trong 14 ngày liền.
Với những tác phẩm trên, thiên tài thơ ca của Viếcgiliút đã được xác nhận. Nhưng tác phẩm ưu tú nhất làm ông trở thành ngôi sao sáng sáng nhất trong số các nhà thơ La Mã là Ênêit (Eneide). Đó là một tập thơ tự sự gồm 12 bài thơ. Viếcgiliút đã sáng tác tập thơ này trong 10 năm, nhưng cho đến khi ông chết, tác phẩm này vẫn chưa hoàn thành. Hơn nữa, ông đã dặn lại sau khi ông chết thì hủy tập thơ này, nhưng Ôctavianút đã ra lệnh công bố tập thơ và giữ nguyên văn bản như khi ông bị chết bất ngờ.
Về chủ đề, kết cấu, tình tiết, ngôn ngữ của tập thơ Ênêit đều phỏng theo sử thi Hôme. Mục đích của tác phẩm là ca ngợi sự anh dũng của nhân dân La Mã và dòng họ Ôctavianút.
Nội dung của tập sử thi Ênêit như sau:
Thành Tơroa bị quân Hy Lạp thiêu hủy. Ênê mang xác cha mình cùng với một số cư dân thành Tơroa sống sót chạy sang đất Ý. Nhưng khi đoàn thuyền sắp đến nơi thì vì thần Giunông ghét người Tơroa nên nổi giông bão, đoàn thuyền bị giạt sang Cáctagiơ. ở đây, Ênê được nữ hoàng Điđông góa chồng ân cần đón tiếp. Cuộc gặp gỡ đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu đương trong trái tim cô đơn của nàng Điđông góa bụa. Thế nhưng số phận đã bắt Ênê phải từ biệt nàng để sang Ý thành lập một vương quốc mới. Trong cơn đau khổ giày vò, Điđông đã tự sát bằng thanh kiếm do Ênê tặng. Ênê đến Xixin và tại đây, chàng đã mai táng cha mình. Tiếp đó, nhờ có một nhà nữ tiên tri đưa đường, Ênê đã xuống âm phủ để gặp cha và được cha cho biết một trong những người thuộc dòng dõi của chàng là Ôgút (tức Ôctavianút) sẽ tạo ra thời đại hoàng kim cho thế giới và lập nên một đế quốc rộng lớn mà biên giới kéo dài đến tận ấn Độ. Đến Ý, người Tơroa được vua Latinh vui mừng đón nhận, hơn nữa còn hứa gả con gái của mình là Lavini cho Ênê. Nhưng trước đó Lavini đã được hứa gả cho vua Tuốcnút của người Rutun, vì vậy chiến tranh giữa người Tơroa và cư dân địa phương đã nổ ra. Kết quả Ênê giành được thắng lợi... Tập thơ đến đây đã bị bỏ dở.
Qua Ênêit, Viếcgiliút đã ca ngợi sự phồn vinh của La Mã dưới thời thống trị của Ôctavianút, khẳng định sứ mệnh của người La mã là thống trị cả thế giới.
Với Ênêit, tên tuổi của Viếcgiliút đã trở thành bất hủ. Ngay lúc sinh thời ông đã được mọi người kính trọng. Tương truyền rằng, khi ông xuất hiện ở nhà hát, khán giả đã đứng dậy vỗ tay hoan nghêng nhiệt liệt. Cũng chính vì vậy, sau này, đến thời phục hưng, trong tác phẩm Thần khúc của Đantê, Viếcgiliút đã được chọn làm người dẫn đường cho nhà thơ đi xem địa ngục và tĩnh thổ.
Hôratiút (65-8 TCN)
Hôratiút (65-8 TCN), vốn là con một người nô lệ được giải phóng, được nhận một mảnh đất ở Nam Ý, Ông đã từng được sang học ở Aten, chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học và thơ trữ tình Hy Lạp. Về sau, với tư cách là quan Bảo dân, ông tham gia quân đội, nhưng trong một trận chiến đấu, vì sợ chết, ông đã vứt thuẫn, chạy trốn khỏi chiến trường. Mảnh đất của ông bị tịch thu, bản thân ông phải sống lưu vong ngoài đất Ý. Sau khi được ân xá, Ông mới trở về La Mã làm một viên thư kí. Những bài thơ đầu tiên của ông đã làm cho Mixen chú ý nên được Mêxen mời ra nhập nhóm tao đàn Mêxen và được Mêxen tặng một trang viên nhỏ.
Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là tập thơ ca ngợi gồm 103 bài thơ. Tập thơ này đã thể hiện chủ nghĩa nhân đạo, đồng thời cũng thể hiện thái độ của ông đối với cuộc sống là chủ nghĩa hưởng lạc. Hơn nữa, đến Hôratiút, vần luật thơ tiếng Latinh đã đạt đến chỗ hoàn mĩ. Đánh giá sự nghiệp thơ ca của mình đối với đời sau, Hôratiút đã viết bài Bia kỷ niệm, trong đó có câu:
Tôi dựng lên một cái bia kỷ niệm
So với đồng còn vững bền hơn
Và cũng cao hơn kim tự tháp của quốc vương...
Ngoài ra, Hôratiút còn có những đóng góp quan trọng về lý luận thơ ca và nghệ thuật kịch. Đặc biệt qua bài "Nghệ thuật thơ", ông dã tổng kết lý luận mỹ học của Hy Lạp mà chủ yếu là dựa vào ý kiến của Arixtốt.
Ôviđiút (43 TCN- 17 CN)
Ôviđiút (43 TCN- 17 CN) xuất thân trong một gia đình kỵ sĩ giàu có. Sau khi hoàn thành việc học tập, ông đã đi du lịch ở Hy Lạp và Tiểu á. Tuy mộng làm quan không được thực hiện nhưng nhờ có người vợ xuất thân quý phái của mình, ông được tiếp xúc với giới thượng lưu của La Mã.
Hoạt động văn học của Ôviđiút chia làm ba thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất: bao gồm các tập thơ nói về yêu đương tình ái thậm chí có một số mang tính chất sắc tình quá phóng túng. Các tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ này là:
Tình ca (3 tập).
Nữ anh hùng: Tập thư tình của các nữ anh hùng trong thần thoại gửi người yêu của họ.
Nghệ thuật yêu đương: Phương pháp quyến rũ người yêu.
Thời kỳ thứ hai: Trong thời kỳ này, thi nhân ngày càng trở nên nghiêm túc, hơn nữa Ôctavianút không thích lối văn đầy sắc tình của ông, vì vậy ông đã chuyển hướng sáng tác. Các tác phẩm thời kỳ này là:
Các ngày lễ: nói về các ngày lễ và nguồn gốc của nó.
Biến hình là tác phẩm xuất sắc nhất của ông, gồm 15 chương. Nội dung nói về sự biến đổi từ người thành cây cối, thành động vật và phi sinh vật theo thần thoại. Kết thúc tập thơ là nói về Xêda biến thành ngôi sao theo truyền thuyết lúc bấy giờ.
Trong tập thơ này có nhiều truyện thú vị như:
- Con trai của mặt trời yêu cầu cha giao xe ngựa lửa cho mình quản lý nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên suýt nữa thì đốt cháy cả trái đất.
- Nhà điêu khắc yêu bức tượng cô gái bằng ngà voi của mình.
- Bay lên trời lần đầu tiên bằng đôi cánh do mình chế tạo v.v...
Tập thơ Biến hình đã nêu ra được những hình tượng phong phú, sinh động biểu hiện trí tuệ và óc tưởng tượng tuyệt vời của tác giả. Chính vì vậy, ngay từ khi Ôviđiút còn sống, tác phẩm này đã rất nổi tiếng.
Thời kỳ thứ ba: năm 8 CN, theo mệnh lệnh của Ôctavianút, Ôviđiút bị đày đến vùng Hắc Hải. Nguyên nhân của việc đi đày này tới nay chưa rõ. Căn cứ theo một vài điều do Ôviđiút lộ ra có thể đoán rằng Ôviđiút có liên quan đến những chuyện tình với cháu gái của Ôctavianút. Cô này từ năm 7 CN đã bị trục xuất ra khỏi La Mã.
Trong cơn tuyệt vọng, Ôviđiút đã đốt bản thảo của tập Biến hình. Tuy vậy, nguyên tác của tập thơ này nhờ có các bản sao để truyền nhau lúc bấy giờ, nên tác phẩm vẫn được giữ lại.
Sau khi bị đi đày bản thân ông, vợ con và bạn bè đều xin Ôctavianút ân xá cho ông nhưng không được, vì vậy ông phải ở chỗ lưu đày cho tới khi chết.
Trong thời kỳ này ông có viết hai tập thơ: Những bài thơ buồn và Thư về kinh. Tuy trong những tập thơ này cũng có những bài thơ hay như: Đêm cuối cùng ở La Mã, Cảnh giông bão trên đường đi đày v.v... nhưng nói chung trong thời kỳ này, cảnh lưu đày đã làm tài năng của ông giảm sút nhiều. Mặc dù vậy Ôviđiút vẫn là nhà thơ có địa vị cao trong các thi nhân La Mã.
· Kịch
Nghệ thuật kịch của Hy lạp bắt nguồn từ các hình thức ca múa hóa trang trong các ngày lễ hội, nhất là lễ hội thần Rượu nho Điônixốt. Trong những ngày lễ hội này, người ta múa hát hóa trang, khoác da cừu, đeo mặt nạ diễn lại những sự tích trong thần thoại. Lúc đầu chỉ có những đội đồng ca hát những bài ca ngợi thần Rượu, sau thêm một diễn viên hát đế, như vậy bắt đầu có đối đáp. Cơ sở của kịch bắt đầu xuất hiện.
Sau khi hình thức kịch ra đời, người ta đã xây dựng những sân khấu ngoài trời rất lớn, ví dụ sân khấu ở Aten chứa được 17000 người, sân khấu ở Mêgalôpôlit (ở trung tâm bán đảo Pêlôpônedơ) chứa được 44000 người. Đồng thời chính quyền thường tổ chức những cuộc thi diễn kịch, có thời kỳ còn phát tiền cho công dân mua vé xem kịch, do đó nghệ thuật kịch càng phát triển.
Kịch Hy Lạp có hai loại: bi kịch và hài kịch. Những nhà soạn kịch tiêu biểu nhất là Etsin,Xôphôclơ và ơripít.
A. Etsin (525-426 TCN)
Etsin (525-426 TCN) xuất thân trong một gia đình quý tộc, ông đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Ba Tư. Mặc dầu từ thế kỷ VI TCN, ở Aten đã trình diễn vở bi kịch đầu tiên, nhưng thông thường người ta cho rằng chính Etsin mới thật sự là người sáng lập bi kịch Hy Lạp.
Etsin sáng tác 70 vở kịch nhưng chỉ có 5 vở truyền đến ngày nay. Hầu hết tác phẩm của ông đều lấy đề tài trong thần thoại Hy Lạp, nhưng chất liệu của tác phẩm lại là tình hình xã hội đương thời. Chủ đề tư tưởng của bi kịch Etsin là vấn đề số phận, đó là yếu tố chi phối không thể cưỡng được. Những vở kịch tiêu biểu của ông là Ôrextê, Prômêtê.
Nội dung chủ yếu của vở Ôrextê là:
Vua Agốt là Atơrớt phạm một tội lớn: y làm cho em mình là Tyextơ ăn thịt con mình đã nấu chín. Sở dĩ Atơrớt làm như vậy là vì Tyextơ dụ dỗ vợ của Atơrớt.
Con của Atơrớt là Agamennông có vợ là Clytaemnextơra lại có quan hệ ám muội với con của Tyextơ là Egixtơ. Khi Agamennông ở thành Tơ roa quay về thì bị vợ giết chết để báo thù vì Agamennông giết chết con gái của thị là Iphigiênia. Nhưng Clytaemnextơra và tình nhân lại bị con trai là Ôrextê giết chết để báo thù cho cha.
Sau đó, trong phần nữ Thần giáng phúc, Ôrextê bị đưa ra xét xử ở toà án do nữ thần Atêna tổ chức. Kết quả Ôrextê được trắng án.
Vở kịch Prômêtê gồm ba phần: Prômêtê trộm lửa, Prômêtê bị xiềng và Prômêtê được tha. Nay chỉ còn phần thứ hai nội dung như sau:
Prômêtê lấy lửa của thần Dớt ban cho người trần, bị thần Dớt đóng đinh vào vách núi Côcadơ và bị thần thợ rèn Hêphaixtốt dùng búa sắt đánh vào ngực nhưng thần Prômêtê vẫn không khuất phục.
Etsin không những là người sáng tác kịch bản đầu tiên, đồng thời cũng là đạo diễn và là người cải tiến đạo cụ như bố trí cảnh sân khấu, trang trí cánh bay, làm tiếng sấm sét, dùng mặt nạ v.v... Do đó ông được mệnh danh là "người cha của kịch Hy Lạp".
B. Xôphôclơ (497-406 TCN)
Xôphôclơ (497-406 TCN) là người được mệnh danh là "Hôme của nghệ thuật kịch" vì tác phẩm của ông đã phản ánh thời đại hoàng kim của Hy Lạp - thời Pêriclét.
Cũng như Etsin, các vở kịch của ông cũng thường xoáy quanh quan niệm về số phận, nhưng ông kết hợp số phận với việc ca ngợi tài năng của con người. Tương truyền rằng Xôphôclơ đã sáng tác 123 vở bi kịch, nhưng truyền lại ngày nay chỉ còn 7 vở. Ngoài ra còn có một vở kịch trào phúng.
Trong số các vở kịch còn lại của Xôphôclơ, nổi tiếng nhất là vở ơđíp làm vua. Vở kịch này dựa theo truyền thuyết về ơđíp, con vua Laíut và hoàng hậu Giôcaxta ở Tếpbơ.
Nội dung như sau:
Laiút được thần Đenphơ báo mộng cho biết sau này con trai của ông ta sẽ giết cha và lấy mẹ. Vì vậy khi Laiút và Giôcaxta sinh ra Ơđíp, Laiút bèn sai người dùi thủng bàn chân của đứa bé và đem vứt vào núi. Người chăn súc vật của vua Coranh thấy đứa bé tàn tật bèn thương hại đem về cho chủ. Vua Coranh giữ đứa bé lại trong cung nuôi nấng và nhận đứa bé làm con. Sau đó Ơđíp lại được thần Đenphơ báo cho biết số của chàng là giết cha rồi lấy mẹ. Sợ hãi trước số phận ấy, chàng bỏ nhà ra đi từ giã bố mẹ nuôi mà chàng tưởng là bố mẹ đẻ. Trên đường chàng đụng phải một người lạ mặt, do đó cãi nhau và chàng lỡ tay giết chết người đó. Người đó chính là Laiút, cha đẻ của chàng. Chàng đến Tépbơ và đã trả lời được mấy câu đố của con Xphanh, trừ được mối họa cho thành Tépbơ, do đó để cảm ơn chàng, nhân dân đã lập chàng lên làm vua. Thế là Ơđíp trở thành chủ nhân của cung điện cha chàng và lấy Hoàng hậu của vua trước tức là mẹ chàng. Sau 15 năm, Ơđíp đã có 4 con, chàng mới biết được sự thật đau lòng ấy, do đó mẹ ơđíp tự sát, Ơđíp gục lên vai mẹ, lấy kim tự đâm vào mắt mình để khỏi thấy mọi người trên đời nữa. Sau đó ông già mù này lang thang phiêu bạt và bị lương tâm giày vò. Cuối cùng, ông cùng với cô con gái Ăngtigôn về sống trên núi Côlônốt ở ngoại ô Aten.
Như vậy chủ đề của kịch Xôphôclơ là con người không thể tránh được số phận nhưng con người trong kịch của ông là con người có trách nhiệm với sai lầm của mình.
C. Ơripít (480-406 TCN)
Ơripít (480-406 TCN) đã soạn 92 vở kịch, nay chỉ còn lại 18 vở bi kịch hoàn chỉnh và 1 vở hài kịch. Kịch của Ơripít cũng xoáy vào chủ đề số phận, nhưng số phận ở đây không đồng nhất với thế lực thần linh hoặc một thế lực trừu tượng tồn tại ở ngoài loài người như Etsin và Xôphôclơ mà là kết quả của sự thôi thúc tình cảm, sự đấu tranh giữa tình cảm cao thượng và thấp hèn. Chính vì thế, có thể nói ơripít là người sáng tạo ra kịch tâm lý xã hội, là bậc tiền bối và là người thầy của Sêchxpia. Vở kịch tiêu biểu nhất của Ơripít là vở Mêđê.
Nội dung như sau:
Nàng Mêđê bị chồng ruồng bỏ để yêu một người con gái trẻ đẹp. Vì ghen, Mêđê thề phải giết chồng, người yêu của chồng và hai đứa con của mình với chồng để báo thù. Mêđê bị giày vò bởi những tình cảm mâu thuẫn: Một bên là lòng ghen tuông và sự thù ghét với tất cả những gì thuộc về người chồng phụ bạc, một bên là tình thương sâu sắc đối với con. Mêđê nói:
...
Khi mà hai đứa con không còn nữa
Mẹ sống cuộc đời cay đắng khổ đau
Các con sẽ sang một thế giới khác, và còn đâu
Đôi mắt đáng yêu để nhìn mẹ nữa!
...
Này con sen, ta không thể. Thôi đi ta không thể
Ta bỏ hẳn âm mưu. Ta sẽ đem lũ trẻ đi xa
Việc gì phải dùng sự bất hạnh của chúng để làm khổ bố chúng?
Vì như thế sẽ tăng gấp đôi sự bất hạnh của ta
Ta quyêt không! Hãy cút đi hỡi lòng tàn nhẫn.
Nhưng ngay lúc đó, lòng căm giận vì cơn ghen lại nổi lên.
Mêđê điên cuồng muốn tự tay giết chết con mình:
Chúng nó phải chết, nếu đã là tất yếu
Thế thì ta, kẻ đã cho chúng cuộc đời
Sẽ tự tay giết chết chúng.
Tất cả đều do số phận khiến xui.
.....
Ôi! chúc các con được tốt lành
Nhưng là ở thế giới bên kia.
Cha các con đã cướp mất hạnh phúc của các con...
Sự căm phẫn đã chi phối đầu óc tỉnh táo. Đó là cội nguồn sự bất hạnh lớn của người đời.
Trên đây là ba nhà soạn kịch tiêu biểu của Hy Lạp cổ đại, trong đó, ơripít là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với loại hình văn học này của thế giới.
Bên cạnh bi kịch là chủ yếu, ở Hy Lạp cổ đại còn có hài kịch.
Hài kịch nổi tiếng của Hy Lạp là Komoidia gồm hai chữ là Komos nghĩa là du hành cuồng hoan và oide nghĩa là hát. Như vậy Kimoidia nghĩa là vừa du hành vui nhộn vừa hát. Về sau, qua gia công, đã xuất hiện một loại văn học mới là hài kịch.
Đề tài của hài kịch thường là những chuyện lặt vặt, trong cuộc sống hàng ngày. Khi trình diễn thì cách dùng từ, đặt câu, chia màn, bối cảnh... đều tự do hơn bi kịch nhiều. Vì vậy phụ nữ và trẻ con không được xem hài kịch.
Nhà sáng tác hài kịch tiêu biểu của Hy Lạp cổ đại là Arixtôphan (450-388 TCN). Ông đã sáng tác 44 vở hài kịch, nay còn 11 vở, trong đó có các vở: Những kị sĩ, Đàn ong bò vẽ, Đàn chim, Đàn nhái.
Vở kịch Đàn nhái viết về cuộc tranh cãi giữa hai nhà viết kịch nổi tiếng là Etsin và ơripít. Hai ông cãi nhau ồn ào làm cho thần Rượu Điônixốt phải kêu lên rằng: "Các nhà bi kịch cãi nhau như những người bán hàng, chẳng còn ra thể thống gì cả". Thái độ của Arixtôphan là đứng về phía Etsin bảo thủ và không đồng tình với phái cách tân Ơripít.
Ở La Mã các nhà thơ Anđrônicút, Nơviút, Enniút, Plantút, Têrexiút, cũng là những nhà soạn bi kịch và hài kịch, Năm 240 TCN, ở La Mã bắt đầu diễn kịch. Anđrônicút là người đầu tiên được giao nhiệm vụ chuẩn bị kịch bản cho các buổi biểu diễn ấy. Từ đó, các nhà soạn kịch La Mã thường dịch bi kịch và hài kịch Hy Lạp, đồng thời phỏng theo kịch Hy Lạp để soạn những vở kịch lịch sử của La Mã hoặc cải biến các vở kịch Hy Lạp thành các vở kịch La Mã.
2. Sử học
· Sử học Hy Lạp
Trước kia người ta biết được lịch sử xa xưa của Hy Lạp chủ yếu nhờ truyền thuyết và sử thi. Đến thế kỷ V TCN, Hy Lạp mới chính thức có lịch sử thành văn.
Những nhà sử học nổi tiếng của Hy Lạp là Hêrôđốt, Tuxi*********, Xênôphôn.
A. Hêrôđốt (484-425 TCN)
Hêrôđốt (484-425 TCN) là nhà sử học đầu tiên của Hy Lạp, là người được gọi là "người cha của nền sử học phương Tây". Ông vốn là người ngoại kiều đến ngụ cư ở Aten. Để viết sử, ông đã đi du lịch nhiều nơi, sang tận Ai Cập, Babilon, Tiểu á. Mục đích viết sử của ông là "để cho công lao của con người không bị phai nhạt trong ký ức của chúng ta".
Tác phẩm của Hêrôđốt gồm có 9 quyển, viết về lịch sử Hy Lạp và các nước phương Đông như Atxiri, Babilon, Ai Cập, nhưng trong đó quan trọng nhất là bộ "Lịch sử của chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư". Trong tác phẩm này ông đã chứng minh tính chất chính nghĩa của kháng chiến chống Ba Tư của Hy Lạp và hết sức ca ngợi những chiến công oanh liệt của người Hy Lạp ở Maratông, Técmôpin.
Tuy nhiên, tác phẩm của Hêrôđốt còn hạn chế ở chỗ là ông đã ghi chép tất cả những chuyện ông được nghe kể lại, thậm chí có khi còn tự tạo ra sự kiện lịch sử. Mặc dầu vậy, tác phẩm của ông vẫn đáng được trân trọng vì nó có nhiều tài liệu lịch sử quý giá, và bản thân ông vẫn xứng đáng với tư cách là người đặt nền móng cho nền sử học phương Tây.
B. Tuxi********* (460-395 TCN)
Tuxi********* (460-395 TCN) cũng là một nhà sử học có vị trí quan trọng của Hy Lạp cổ đại. Năm 431 TCN, khi cuộc chiến tranh Pêlôpônedơ bùng nổ, ông là một nhà chỉ huy quân sự trong quân đôi Aten. Vì vậy bản thân ông đã từng thấy thắng lợi cũng như thất bại của Aten. Bằng những điều mắt thấy tai nghe và bằng những việc điều tra nghiêm túc, ông đã viết tác phẩm Cuộc chiến tranh Pêlôpônedơ nhằm mục đích để cho đời sau "biết rõ ràng về quá khứ".
Nếu như Hêrôđốt là người đầu tiên đặt nền móng cho sử học phương Tây thì Tuxi********* là người đầu tiên ở phương Tây đã viết sử một cách nghiêm túc. Ông nói: "Tôi không đồng ý vói nhiệm vụ của mình là ghi chép lại cái tôi biết khi bắt gặp lần đầu hay cái mà tôi có thể giả thiết được, mà chỉ ghi chép những sự kiện mà chính tôi mục kích hay là cái mà tôi nghe ở người khác sau khi đã nghiên cứu chính xác đến một chừng mực nào đó từng sự kiện riêng biệt".
Ông còn chú ý phê phán các nhận định các sự kiện lịch sử và giải thích các sự kiện bằng bối cảnh của nó như điều kiện tự nhiên, điều kiện vật chất, chế độ xã hội... Đồng thời ông cho rằng tác phẩm lịch sử phải có tác dụng giáo dục. Ông nói: "Phải giương cao ngọn đuốc lịch sử lên để hướng dẫn loài người đang dò dẫm con đường đi".
Do phương pháp chép sử của ông cẩn thận như vậy nên tác phẩm của ông có giá trị rất quý báu, đúng như ông nói, ông viết sử "không phải để mong được một tiếng khen nhất thời mà là để tạo thành một kho tài liệu muôn đời quý báu của loài người".
Dự định của Tuxi********* là viết toàn bộ cuộc chiến tranh Pêlôpônedơ, nhưng ông chỉ viết đến năm 411 TCN Tức là năm 20 của cuộc chiến tranh thì cái chết của ông đã làm tác phẩm bị bỏ dở.
C. Xênôphôn (430 - 359 TCN)
Xênôphôn (430 - 359 TCN) xuất thân từ một gia đình giàu có ở Aten. Trong số các tác phẩm của ông, quyển "Lịch sử Hy Lạp" là quan trọng nhất. Để viết tiếp lịch sử HyLạp mà Tuxi********* đang bỏ dở, Xênôphôn đã ghi thêm những sự kiện xảy ra từ năm 411 -362 TCN, tuy mong muốn kế tục sự nghiệp của Tuxiđit nhưng về phương pháp khảo cứu cũng như về bút pháp, Xênôphôn kém xa Tuxi*********.
Ngoài lịch sử Hy Lạp, Xênôphôn còn có một số tác phẩm khác như Nền chính trị của Xpác, Hồi ức về Xôcrát, v.v... Tuy tác phẩm của Xênôphôn có nhiều hạn chế nhưng trong đó đã ghi lại những tư liệu quý giá.
· Sử học La Mã
Từ khoảng giữa thế kỷ V TCN, ở La Mã đã có những tài liệu tương tự như lịch sử biên niên goi là Niên đại kí (Annales), nhưng nền sử học thật sự của La Mã đến cuối thế kỷ III TCN mới xuất hiện, và người được coi là nhà sử học đầu tiên của La Mã cũng là nhà soạn kịch Nơviút. Ông đã tham gia cuộc chiến tranh Punich lần thứ nhất, nhờ đó ông đã viết tập sử thi Cuộc chiến tranh Puních, nhưng tác phẩm này chỉ còn một số đoạn mà thôi.
A. Phabiút (sinh năm 254 TCN)
Người đầu tiên viết lịch sử La Mã bằng văn xuôi là Phabiút (sinh năm 254 TCN). Ông viết lịch sử La Mã từ thời thần thoại cho đến thời kỳ của ông. Ngôn ngữ ông sử dụng viết tác phẩm này là tiếng Hy Lạp, điều đó chứng tỏ rằng lúc bấy giờ văn xuôi La Mã chưa xuất hiện.
Người đầu tiên dùng văn xuôi Latinh để viết sử là Catông (234-149 TCN). Tác phẩm của ông nhan đề là Nguồn gốc, gồm 7 chương, trong đó 3 chương đầu ghi chép các truyền thuyết của Hy Lạp và các địa phương khác nói về La Mã. Các chương tiếp theo viết lịch sử La Mã cho tới thời kỳ của ông. Phương pháp viết sử của ông là không theo niên đại mà trình bày theo vấn đề. Vì vậy có thể coi ông là nhà sử học thực sự đầu tiên của La Mã. Tác phẩm của ông này chỉ còn một số đoạn.
Từ Catông về sau, La Mã có nhiều nhà sử học xuất sắc, Pôlibiút, Titút Liviút, Taxitút, Plutác.
B. Pôlibiút (205 - 125 TCN)
Pôlibiút (205 - 125 TCN) là người Hy Lạp, bị đưa sang La Mã làm con tin. Tác phẩm của ông là bộ Thông sử gồm 40 quyển viết về lịch sử Hy Lạp, La Mã và các nước phía Đông Địa Trung Hải từ năm 264-146 TCN. Trong tác phẩm của mình, ông có ý thức chú ý đến tác dụng giáo dục của sử học đối với cuộc sống. Ông nói: "Sử học là một thứ triết học lấy sự việc thật để dạy người đời". Ngày nay tác phẩm của Pôlibiút không còn giữ lại được đầy đủ.
C. Titút Liviút (59 TCN - 17 CN)
Titút Liviút (59 TCN - 17 CN) là nhà sử học xuất sắc của La Mã trong thời kỳ trị vì của Ôctavianút. Tác phẩm sử học lớn nhất của ông là "Lịch sử La Mã từ khi xây thành tới nay". Sách này gồm 142 chương, trình bày lịch sử La Mã từ đầu đến năm 9 TCN.
Đặc điểm của phương pháp sử học của Liviút là:
- Nêu cao chủ nghĩa yêu nước trong việc viết sử, đề cao quá khứ vinh quang của La Mã, ca ngợi sự anh dũng của nhân dân La Mã.
- Chú ý đến tác dụng giáo dục của sử học: nhấn mạnh các phong tục tốt đẹp ngày xưa, đem những tập quán tốt đẹp ấy so sánh với hiện tượng đồi phong bại tục lúc bấy giờ.
Tác phẩm của Liviút nay chỉ còn lại 35 chương, trong đó có giá trị lớn là 10 chương đầu, vì nhờ phần này mà đời sau biết được lịch sử liên tục của La Mã.
D. Taxitút
Taxitút sống vào cuối thế kỷ I đầu thế kỷ II. Tác phẩm của ông là Lịch sử biên niên viết về lịch sử thời kỳ đầu của đế quốc La Mã. Trong tác phẩm này, tác giả đã vạch trần sự thối nát của chính thể chuyên chế ở La Mã.
E. Plutác
Plutác, người Hy Lạp, sống cùng thời với Taxitút. Tác phẩm quan trọng của ông là Tiểu sử so sánh, trong đó ông đã so sánh từng đôi một các danh nhân Hy Lạp và La Mã.
Phương pháp sử học của ông là làm cho độc giả có thể tìm thấy những chỗ đáng học tập và những chỗ đáng tránh trong các truyện ký của ông. Khi đánh giá con người ông cho rằng không phải dựa vào địa vị xã hội mà phải dựa vào phẩm chất và hành động của họ. Chính vì vậy, trong tác phẩm của mình ông đề cao Xpactacút, thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa của nô lệ ở La Mã.
Tác phẩm của Plutác viết theo thể truyện ký vừa có giá trị sử học vừa có giá trị văn học.
Những thành tựu nói trên của sử học Hy Lạp và La Mã đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền sử học thế giới.
3. Nghệ thuật
Nghệ thuật Hy Lạp và La Mã bao gồm ba mặt chủ yếu là kiến trúc, điêu khắc, hội họa.
Lúc đầu vào khoảng thế kỷ VIII, VII TCN, người Hy Lạp cũng học tập nghệ thuật cổ của Ai Cập và của người Crét. Nhưng đến thế kỷ V, IV TCN, do những điều kiện về kinh tế xã hội chi phối, nghệ thuật Hy Lạp đã khắc phục được tính chất tượng trưng, chủ nghĩa, công thức, vươn tới chủ nghĩa hiện thực và đã đạt được những thành tựu vô cùng rực rỡ.
· Kiến trúc
Trong các thành bang Hy Lạp, Aten là nơi có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu: đền miếu, rạp hát, sân vận động...
Trong các công trình ấy tiêu biểu nhất, đẹp nhất là đền Páctênêông xây dựng vào thời Pêriclét (thế kỷ VI CN). Ngôi đền này xây bằng đá trắng, xung quanh có hành lang, có 46 cột tròn trang trí rất đẹp. Trên có bức tường dài 276m có những bức phù điêu dựa theo các đề tài thần thoại và sinh hoạt xã hội của Aten lúc bấy giờ. Trong đền có tượng nữ thần Atêna, vị thần phù hộ của Aten.
Đền Páctênông được xây dựng dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của kiến trúc sư Ichtinút và nhà điêu khắc Phiđiát. Trước thế kỷ thứ XVII, ngôi đền này còn được bảo toàn tương đối hoàn chỉnh, nhưng đến cuối thế kỷ XVII, trong thời chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Vênêxia, ngôi đền này bị cướp đi rất nhiều hiện vật. Những công trình điêu khắc còn lại bị Engin (người Anh) nhặt nhạnh đưa về để ở viện Bảo tàng Đại Britên ở Luân Đôn.
Ngoài Aten, ở các nơi khác cũng có những công trình kiến trúc đẹp như đền thần Dớt ở Ôlempi, các đền thờ ở một số thành phố Hy Lạp trên đảo Xixin.
Thành tựu về kiến trúc của La Mã lại càng rực rỡ. Về mặt này, người La Mã đã có rất nhiều sáng tạo. Các công trình kiến trúc của La Mã bao gồm tường thành, đền miếu, cung điện, rạp hát, khải hoàn môn, cột kỷ niệm, cầu đường, ống dẫn nước... Những công trình này từ thời cộng hòa đã có, nhưng đặc biệt phát triển từ thời Ôctaviút. Chính Ôctavianút đã tự hào nói rằng ông đã biến La Mã bằng gạch thành La Mã bằng đá cẩm thạch.
Trong số các công trình kiến trúc ở La Mã nổi tiếng nhất là đền Păngtênông, rạp hát, các khải hoàn môn.
Đền Păngtênông bắt đầu xây dựng từ thời Ôgút. Đền xây hình tròn, mái tròn, hết sức mỹ quan và hùng vĩ.
Nhà hát hình tròn xây xong năm 80, chu vi khoảng 400m, chứa được 50 000 người. Phía ngoài nhà hát có 3 tầng, mỗi tầng có 80 cột kiểu Hy Lạp, giữa hai cột có vòm tròn.
Khi nhà hát này xây xong, ở đây đã tổ chức "Lễ hội 100 ngày". Năm 106, ở đây còn tổ chức lễ hội kéo dài 123 ngày. Trong những lễ hội này thường có các trò đua xe, đấu thú, người đấu với thú, hải chiến (nhà hát được dẫn nước vào thành hồ).
Các khải hoàn môn do các hoàng đế La Mã xây để ăn mừng chiến thắng, cũng xây theo kiểu cửa vòm. Để đời sau nhớ mãi công trạng của mình, hoàng đế Tôragian (92-117) đã xây một cột trụ cao 27m. Trên trụ có bức phù điêu dài đến 200m, trên đó phản ánh cuộc chiến tranh chinh phục người Đaxi ở Đông Âu.
· Điêu khắc
Nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp đến thế kỷ V TCN có nhiều kiệt tác gắn liền với tên tuổi những nghệ sĩ tài năng như Mirông, Phiđiát, Pôliclét.
Mirông chuyên mô tả người đang vận động mà tác phẩm thành công nhất là lực sĩ ném đĩa sắt.
Phiđiát không những là nhà điêu khắc mà còn là một kiến trúc sư, một nhà đúc tượng và một nhà trang trí. Chính ông đã chỉ đạo việc trang hoàng mỹ thuật ở Aten. Đặc biệt ông nổi tiếng thế giới nhờ các pho tượng nữ thần Atêna - như tượng đồng Atêna. tượng Atêna đồng trinh đặt trong đền Păngtênông. Pho tượng này tạc bằng gỗ khảm vàng và ngà voi, cao 12m, tay phải cầm tượng thần thắng lợi, tay trái chồng vào cái thuẫn.
Ngoài ra, Phiđiát còn có các tượng "Người chỉ huy chiến đấu" đặt ở quảng trường Aten, tượng thần Dớt khảm vàng và ngà ở đền Ôlempi.
Tất cả những tác phẩm trên nay không còn nữa, chỉ dựa vào tài liệu ghi chép và sự bắt chước của người đời sau mà biết.
Pôliclét sống đồng thời với Phiđiát. Tài năng của ông thể hiện ở chỗ mô tả rất tinh vi và chính xác cơ thể con người, những tác phẩm nổi tiếng của ông là: "Người cầm dáo", "nữ chiến sĩ Amadông bị thương", đặc biệt là tượng thần Hêra khảm vàng và ngà.
Nghệ thuật điêu khắc La Mã cùng một phong cách với nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp. Chủ yếu thể hiện ở hai mặt: tượng và phù điêu.
Để trang sức, đường phố, quảng trường, đền miếu, La Mã đã tạo rất nhiều tượng. Tượng của Ôgút được dựng ở khắp nơi.
Các bức phù điêu thường khắc trên các cột trụ kỷ niệm chiến thắng của các hoàng đế và trên vòm các khải hoàn môn. Nội dung các bức phù điêu thường mô tả những sự tích lịch sử, ví dụ trên vòm khải hoàn môn của hoàng đế Titút (79-81) khắc cảnh đoàn quân thắng trận trở về, các binh lính mang theo chiến lợi phẩm lấy được trong đền miếu ở Giêrudalem. Trên các cột trụ của Tơragian có những hình vẽ mô tả cuộc chiến tranh với người Đaxi.
· Hội họa
Nghệ thuật hội họa của Hy Lạp và La Mã rất đẹp, nhưng tiếc rằng các tác phẩm về lĩnh vực này truyền lại đến ngày nay rất ít. Những họa sĩ tiêu biểu của Hy Lạp cổ đại là Pôlinhốt, Apôlôđo. Tác phẩm của Pôlinhốt còn lại đến ngày nay chỉ là một số hình trang trí trên đồ gốm mà thôi. Tuy vậy, đó là những mẫu mực mà người đời sau thường bắt chước. Còn Apôlôđo thì tương truyền chính ông là người đã sáng tác ra luật sáng tối và viễn cận trong hội hoạ.
Các tác phẩm hội họa của La Mã cổ đại còn được giữ lại chủ yếu là các bích họa, trên đó vẽ phong cảnh, các công trình kiến trúc, đồ trang sức, tĩnh vật... Còn chân dung người tuy cũng có nhưng rất ít. Đặc biệt ở vùng sa mạc Arập đã giữ lại được mấy bức chân dung vẽ bằng màu trên gỗ rất đẹp. Đó là hình của người chết dùng để đặt lên mặt của xác ướp.
4. Khoa học tự nhiên
Về khoa học tự nhiên, Hy Lạp cổ đại có những cống hiến squan trọng về các mặt Toán học, Thiên văn học, Vật lý học, Y học v.v... Những thành tựu ấy gắn liền với tên tuổi nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Talét, Pitago, ơclít, Acsimét, Arixtác. Êratôxten...
· Talét (Thales)
Talét (Thales, thế kỷ VII - VI TCN) quê ở Milô, một thành bang Hy Lạp ở Tiểu á. Ông đã du lịch nhiều nơi, do đó đã tiếp thu được các thành tựu của Babilon và Ai Cập. Phát minh quan trọng nhất của Talét là tỷ lệ thức. Dựa vào công thức ấy ông đã tính toán được chiều cao của Kim Tự Tháp bằng cách đo bóng của nó.
Talét còn là một nhà thiên văn học. Ông đã tính trước được ngày nhật thực, năm 585 TCN, ông tuyên bố với mọi người đến ngày 28-5-558 sẽ có nhật thực, quả nhiên đúng như vậy. Tuy nhiên, ông đã nhận thức sai về trái đất vì ông cho rằng trái đất nổi trên nước, vòm trời hình bán cầu úp trên mặt đất.
· Pitago (Pythagoras)
Pitago (Pythagoras, khoảng 580-500 TCN) quê ở đảo Xamốt trên biển Êgiê, ông cũng đã đi du lịch ở nhiều nước phương Đông, đã tiếp thu được nhiều thành tựu Toán học của những nước này. Trên cơ sở đó ông đã phát triển thành định lý mang tên ông về quan hệ giữa ba cạnh của tam giác vuông. Ông còn phân biệt các loại số chẵn, số lẻ và số không chia hết.
Về thiên văn học, Pitago tiến bộ hơn Talét. Ông đã nhận thức được quả đất hình cầu và chuyển động theo quỹ đạo nhất định.
· Ơclít (Euclid)
Ơclít (Euclid, khoảng 330-275 TCN) là người đứng đầu các nhà toán học ở Alêchxăngđri. Trên cơ sở tổng kết các thành tựu nghiên cứu của người trước, Ông soạn thành sách Toán học sơ đẳng, đó là cơ sở của môn Hình học, trong đó chứa đựng định đề Ơclít nổi tiếng.
· Acsimét (Archimede)
Acsimét (Archimede, 287-212 TCN) quê ở Xiraquydơ, một thành bang Hy Lạp ở đảo Xirin. Về Toán học, ông đã tính được số pi. Đó là số phi chính xác sớm nhất trong lịch sử phương Tây. Ông còn tìm được cách tính thể tích và diện tích toàn phần của nhiều hình khối.
Về vật lý học, phát minh quan trọng nhất của Acsimét là về mặt lực học, trong đó đặc biệt nhất là nguyên lý đòn bẩy. Với nguyên lý này, người ta có thể dùng một lực nhỏ để nâng lên một vật nặng gấp nhiều lần. Tương truyền, ông đã nói một câu nổi tiếng: "Hãy cho tôi một điểm tựa chắc chắn, tôi có thể cất lên cả quả đất". Ngoài ra, ông còn có nhiều phát minh khác như đường xoắn ốc, ròng rọc, bánh xe răng cưa.
Ông cũng đã phát minh ra một nguyên lý quan trọng về thủy lực học. Đó là tất cả mọi vật thả xuống nước đều phải chịu một lực đẩy từ dưới lên trên bằng trọng lượng nước phải chuyển đi.
Tương truyền rằng vua của thành bang Xiraquydơ có một cái vương miện, chóp mũ làm bằng vàng pha đồng. Một hôm nhà vua mời Acsimét đến và hỏi có thể biết được tỷ lệ vàng pha đồng ở trong chóp mũ không. Lúc ấy Acsimét chưa trả lời được, nhưng sau đó nhờ một lần tắm trong bể nước ông đã phát minh được nguyên lý trên và do đó đã giải được bài toán của nhà vua. Vui mừng về phát hiện đó, ông kêu to: "ơrêca! ơrêca! nghĩa là: " Ta đã tìm ra rồi! Ta đã tìm ra rồi!".
Dựa vào các phát minh trên. Acsimét đã chế ra máy ném đá để đánh quân La Mã, máy phóng gỗ để bắn thuyền quân địch. Ông còn biết sử dụng gương 6 mặt để đốt thuyền địch. Hệ thống đòn bẩy được sử dụng để hạ thủy những chiếc thuyền lớn ba tầng. Acsimét còn phát minh ra máy bơm nước để hút nước ra khỏi thuyền khi bị thủng.
Trong cuộc chiến tranh giữa La Mã và Cáctagiơ, Xiraquydơ liên hiệp với Cáctagiơ, vì vậy năm 212 TCN, khi Xiraquydơ bị La Mã tàn phá, quân La Mã xông vào bắt ông khi ông đang vẽ một đồ án khoa học. Trước khi bị sát hại, ông đã quát quân giặc: "Chúng mày muốn làm gì thì làm nhưng không được phá hủy đồ án của tao".
· Arixtác (Aristarque)
Arixtác (Aristarque, 310-230 TCN) quê ở đảo Xamốt. Ông là người đầu tiên nêu ra thuyết hệt thống mặt trời. Ông đã tính toán khá chính xác thể tích của mặt trời, quả đất, mặt trăng và khoảng cách giữa các thiên thể ấy.
ý kiến quan trọng nhất của ông là không phải mặt trời quay xung quanh trái đất mà là trái đất tự quay xung quanh trục của nó và quay xung quanh mặt trời. Nhưng bấy giờ ý kiến của ông không những không được công nhận mà còn bị buộc tội là đã quấy rầy sự nghỉ ngơi của các thiên thần.
· Eratôxten (Eratosthene)
Eratôxten (Eratosthene, 284-192) quê ở Xiren, thành bang thuộc địa của Hy Lạp ở phía Tây Ai Cập, châu Phi. Ông là một nhà khoa học giỏi về nhiều lĩnh vực: Thiên văn học, Toán học, Vật lý học, Địa lý học, Ngôn ngữ học, Sử học. Ông phụ trách thư viện Alêchxăngđri. Thành tích khoa học nổi bật của ông là ông đã tính được độ dài của vòng kinh tuyến trái đất là 39700 km, và tính được góc tạo nên bởi hoàng đạo và xích đạo.
Đến thời La Mã, về các lĩnh vực này tuy không phát triển bằng Hy Lạp nhưng cũng có những thành tựu quan trọng và một số nhà khoa học tiêu biểu.
· Pliniút (Pliius)
Nhà khoa học nổi tiếng nhất của La Mã là Pliniút (Pliius, 23-79). Tác phẩm đầu tiên của ông là Lịch sử tự nhiên gồm 37 chương. Đó là bản tập hợp các tri thức của các ngành khoa học như Thiên văn học, Vật lý học, Địa lý học, Nhân loại học, Động vật học, Thực vật học, Nông học, Y học, Luyện kim học, Hội họa, Điêu khắc... thời bấy giờ. Do vậy, đây là một tác phẩm tương tự như bộ bách khoa toàn thư của La Mã cổ đại.
Năm 79, núi lửa Vêduyvơ lại hoạt động. Ông đến gần để nghiên cứu hiện tượng phun lửa và bị phún thạch thiêu chết.
· Ptôlêmê
Clốt Ptôlêmê, là một nhà Thiên văn học, Toán học, Địa lý học người Hy Lạp sinh trưởng ở Ai Cập, sống vào thế kỷ II. Trên cơ sở đúc kết các kiến thức về thiên văn học của Ai Cập, Babilon và Hy Lạp, ông đã soạn bộ sách tổng hợp - Kết cấu toán học, trong đó ông cũng cho rằng quả đất hình cầu, nhưng so với Pitago và Acsimét thì quan điểm của ông thụt lùi một bước vì ông cho rằng quả đất là trung tâm của vũ trụ. Quan điểm này của Ptôlêmê đã chi phối nền thiên văn học châu Âu trong suốt 14 thế kỷ, mãi đến thời Phục Hưng, thuyết này mới bị thuyết hệ thống mặt trời của Côpécních đánh đổ.
Ptôlêmê còn soạn sách Địa lý học gồm 8 chương. Trong sách này Ptôlêmê đã vẽ một bản đồ thế giới: Vùng Bắc cực là Xcăngđinavi, vùng Nam Cực là lưu vực sông Nin, phía Tây là Tây Ba Nha, phía Đông là Trung Quốc, thời bấy giờ bản đồ này được xem là rất chính xác.
· Hipôcrát (Hippocrate)
Về y học, người được suy tôn là thủy tổ của y học phương Tây là Hipôcrát (Hippocrate, 469-377 TCN), một thầy thuốc Hy Lạp quê ở đảo Cốt trên biển Êgiê. Ông đã giải phóng y học ra khỏi mê tín dị đoan, cho rằng bệnh tật do ngoại cảnh gây nên, vì vậy phải dùng các biện pháp như cho uống thuốc hoặc mổ xẻ để chữa trị. Ông nói: "Thuốc không chữa được thì dùng sắt mà chữa, sắt không chữa được thì dùng lửa mà chữa, lửa không chữa được thì không thể nào chữa được nữa".
Thời Hy Lạp hóa, vua Philađenphơ (309-246 TCN) thuộc vương triều Plôtêmê ở Ai Cập là một người hay đau ốm, muốn tìm thuốc trường sinh bất lão nên đã tích cực thi hành chính sách khuyến khích sự phát triển của y học. Ông không những đã giúp đỡ các thày thuốc về vật chất mà còn cho phép mổ tử thi của phạm nhân để nghiên cứu, do đó y học đã có những thành tựu mới. Đầu thế kỷ III TCN, nhà giải phẫu học Hêcrôpin đã chứng minh rằng não là khí quan tư duy, cảm giác do hệ thần kinh truyền đạt, xem mạch mạnh yếu nhanh chậm có thể biết được tình hình sức khỏe. Nhà phẫu thuật Hêraclit ở thành Tarentum (ý) đã biết dùng thuốc mê khi mổ bệnh nhân. Phát minh này sau đó bị bỏ quên đến mãi năm 1860 mới được áp dụng lại.
· Claođiút Galênút (131 - đầu thế kỷ III)
Đến thời La Mã, đại biểu xuất sắc nhất về y học là Claođiút Galênút (131 - đầu thế kỷ III) quê ở Pécgam (Tiểu á), trên cơ sở tiếp thu các thành tựu y học trước đó, nhất là của Hipôcrát, ông đã viết nhiều tác phẩm để lại tới sau này, trong đó có một số đến thời trung đại được dịch thành tiếng Arập, Do thái, Latinh. Điều đó chứng tỏ các tác phẩm của ông đến thời trung đại vẫn có uy tín rất lớn, ví dụ sách Phương phá chữa bệnh được dùng làm sách giáo khoa trong thời gian dài.
Tóm lại, cách đây trên dưới 2000 năm, nền khoa học của Hy Lạp, La Mã cổ đại đã có những thành tựu rất lớn. Những thành tựu ấy đã đặt cơ sở cho sự phát triển huy hoàng của nền khoa học thời cận hiện đại; đồng thời là một tiền đề quan trọng của sự phát triển của nền triết học Hy-La.
5. Triết học
Hy Lạp và La Mã là quê hương của nền triết học phương Tây. Trên cơ sở chế độ chiếm hữu nô lệ, đại biểu cho các khuynh hướng chính trị khác nhau, quan điểm của các nhà triết học Hy-La rất đa dạng, nhưng chung quy cũng bao gồm hai phái chính là triết học duy vật và triết học duy tâm.
· Triết học duy vật
A. Talét
Nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp cũng là nhà toán học Talét. Quan điểm triết học của ông là quan điểm duy vật tự phát. Ông cho rằng nước là nguyên tố cơ bản của vũ trụ. Nước luôn luôn vận động nhưng trước sau không thay đổi và do đó hòa tan mọi vật. Bởi vậy nước là nguồn gốc của vũ trụ và sinh mệnh của con người.
B. Anaximandre (611-547 TCN)
Tiếp theo Talét, Anaximăngđrơ (Anaximandre, 611-547 TCN) quê ở Milê cũng là một nhà triết học duy vật. Ông cho rằng nguồn gốc của vũ trụ là vô cực. Vô cực chia thành hai mặt đối lập như khô và ướt, nóng và lạnh, rồi kết hợp với nhau phức tạp mà hình thành mọi vật như đất, nước, không khí, lửa... đồng thời, ông cho rằng vũ trụ không ngừng phát triển, không ngừng hình thành, không ngừng sinh sản ra những vật mới. Như vậy, ông là nhà triết học có quan điểm biện chứng đầu tiên ở Hy Lạp.
C. Anaximene (585-525 TCN)
Học trò của Anaximăngđrơ là Anaximen (Anaximene, 585-525 TCN). Ông cho rằng nguồn gốc của vạn vật là không khí. Mọi vật đều do sự co giãn của không khí mà thành. Vạn vật do không khí sinh ra rồi lại quay về trở thành không khí. Các sinh vật bao gồm người, động vật, thực vật nhờ thở không khí nên mới có sức sống và mới vận động được. Như vậy, mặc dầu chưa chính xác, nhưng quan điểm triết học của Anaximen cũng là quan điểm của duy vật biện chứng.
D. Hêraclit (540-480 TCN)
Quan điểm duy vật biện chứng ấy đến Hêraclit (540-480 TCN) được phát triển thêm một bước. Hêraclit quê ở Ephedơ (Tiểu á), là một nhà triết học cổ đại lớn của Hy Lạp cổ đại. Ông sống cuộc đời khổ hạnh ẩn dật để chuyên tâm suy nghĩ.
Ông cho rằng nguồn gốc của vạn vật là lửa. Tuy ý kiến này không đúng nhưng cái đáng quý của ông là quan điểm biện chứng tương đối đúng đắn. Ông đã nhận thức được rằng "đấu tranh là nguồn gốc của vạn vật", vì đấu tranh giữa hai mặt đối lập là cơ sở của mọi tồn tại và tư tưởng. Đồng thời, vạn vật và mọi hiện tượng, mọi sự việc trong tự nhiên và trong xã hội luôn luôn biến động. Trong quá trình vận động ấy hai mặt đối lập dần dần chuyển hóa lẫn nhau. Trên cơ sở ấy, ông đã nói một câu bất hủ: "Rửa chân ở dòng nước chảy, cất chân lên rồi thả chân xuống, chỗ nước ấy đã khác trước rồi".
Tóm lại, quan điểm triết học chủ yếu của Hêraclit có thể tóm tắt trong câu nói sau đây của ông: "Vũ trụ cũng như mọi vật không phải do bất cứ vị thần nào sáng tạo ra. Trước kia, hiện nay và sau này, nó là ngọn lửa vĩnh viễn và linh hoạt thiêu đốt theo quy luật và cũng tắt theo quy luật".
Tác phẩm của Hêraclit là bàn về giới tự nhiên, tiếc rằng nay chỉ còn lại một số đoạn mà thôi.
Đến thế kỷ V, IV TCN, trên cơ sở tiến bộ của khoa học tự nhiên, triết học duy vật cũng phát triển thêm một bước nhằm phân tích cơ sở tồn tại của thế giới vật chất. Triết học duy vật thời kỳ này gắn liền tên tuổi của Empêđôclơ, Anaxagơ, Đêmôcrit, Êpiquya...
E. Empêđôclơ (490-430 TCN)
Empêđôclơ (490-430 TCN) quê ở Agrigiăngtơ đảo Xixin. Ông cho rằng nguồn gốc của vũ trụ không phải do đơn nguyên tố sinh ra mà là do 4 yếu tố là đất, không khí, lửa, nước tạo thành. Trong quá trình phát triển của sinh vật thì đầu tiên xuất hiện thực vật, rồi đến động vật rồi đến con người. Trong quá trình phát triển ấy, những loài có thể thích nghi với hoàn cảnh thì sinh tồn, những loài không thích nghi được thì diệt vong.
Empêđôclơ bị chết vì rơi xuống núi lửa Etna ở Xixin.
· Triết học duy tâm
Trường phái triết học duy tâm của Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng có nhiều đại biểu nổi tiếng. Họ là những học giả thông minh và có tài hùng biện.
Để chống lại phái duy vật, phái duy tâm lúc đầu thường xuất hiện dưới hình thức nguỵ biện và lập thành một trường phái- phái ngụy biện.
Phương pháp biện luận của họ là nặng về chủ nghĩa hình thức và thường thiên về lối chơi chữ. Khi tranh luận thì đặt câu hỏi liên tiếp để dồn đối phương đến chỗ bí. Tính chất duy tâm chủ yếu của phái ngụy biện là cho rằng không có chân lý khách quan mà chỉ có nhận thức chủ quan hoặc chủ nghĩa tương đối mà thôi.
A. Prôtagôrát (485-410 TCN)
Đại biểu đầu tiên của phái ngụy biện là Prôtagôrát (485-410 TCN). Ông cho rằng mọi nhận thức đều có tính chất chủ quan. Nhận thức là do cảm giác của con người kết hợp với tự nhiên mà sinh ra, do đó nhận thức của mỗi người một khác. Vì vậy, cái gì mà người ta nhận thấy hợp lý thì sự thực nó là hợp lý - "con người là thước đo của mọi sự vật". Nhưng đồng thời, mỗi sự vật đều có hai mặt, vả lại có thể có hai cách phán đoán đều hợp lý, ví dụ, tật bệnh đối với người ốm là xấu, nhưng đối với thầy thuốc là tốt.
B. Goócgiát (487-380 TCN)
Một đại biểu khác của phái nguỵ biện là Goócgiát (487-380 TCN). Ông là một nhà diễn thuyết, một nhà văn, nhà thơ xuất sắc.
Ông cho rằng "tồn tại không tồn tại". Nếu có cái gì thực sự tồn tại chăng nữa thì cũng không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được, vì ngôn ngữ không đủ để diễn tả tư tưởng. Từ đó ông kết luận chân lý là không có.
C. Socrate 469-399 TCN
Nhà triết học ngụy biện lớn nhất của Hy Lạp là Xôcrát (Socrate 469-399 TCN), con của một nhà điêu khắc. Ông cho rằng mục đích của triết học không phải là để nhận thức tự nhiên mà là để nhận thức bản thân mình.
Về phương pháp luận, Xôcrát phản đối việc dạy lý thuyêt, chủ trương chỉ cần đặt ra những câu hỏi để đối phương trả lời, như vậy có thể đạt tới chân lý. Ông cho rằng giáo dục thực chất là "thuật và đỡ" tức là giáo dục giữ vai trò giúp cho tư tưởng sinh ra. Ông nói bản thân ông không phải là một "Người hiểu biết" mà chỉ là một "người thích hiểu biết".
Về chính trị, ông chủ trương việc trị nước không nên do nhiều người mà phải do những nhà thông thái có tài năng và đạo đức, nói một cách khác là do một số quý tộc. Chủ trương đó rõ ràng là trái với nguyên tắc cơ bản của chế độ dân chủ của Aten.
Năm 399 TCN, Xôcrát bị đưa ra xét xử ở Aten và bị kết tội truyền bá học thuyết kỳ quặc đầu độc thanh niên và làm hại đến chế độ dân chủ và sự tồn tại của quốc gia và bị xử tử bằng thuốc độc.
Suốt đời Xôcrát không viết một tác phẩm nào nhưng sở dĩ đời sau biết được tư tưởng của ông chủ yếu nhờ các tác phẩm của học trò ông là Platông.
Arixtốt cũng cho rằng, về mặt lôgich học, Xôcrát cũng có những cống hiến nhất định đặc biệt, chính ông là người đầu tiên nêu ra phương pháp quy nạp và định nghĩa.
D. Platông (427-347 TCN)
Nhà triết học duy tâm lớn nhất của HyLạp cổ đại là Platông (427-347 TCN).
Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc có quyền thế ở Aten, là học trò của Xôcrát. Ông đã ba lần đi Xixin để truyền bá chủ trương chính trị của mình, nhưng không thành công. Khoảng năm 387 TCN, ông mở trường giảng triết học ở Aten gọi là Acađêmi. Do đó về sau ở phương Tây chữ này được dùng để chỉ Học viện, Viện Hàn lâm.
Platông viết nhiều tác phẩm còn truyền tới ngày nay, nhưng quan điểm của Platông rất phức tạp và thường xuyên mâu thuẫn nên khái quát tư tưởng triết học của ông không đơn giản.
Hạt nhân quan điểm triết học của Platông là ý niệm và linh hồn bất diệt. ý niệm vĩnh viễn không đổi và là mẫu hình của sự vật cá biệt. Vì vậy thế giới thực tại xung quanh chúng ta không phải là một thế giới chân thực mà chỉ là sự phản ánh không đầy đủ của ý niệm hoàn thiện. Chỉ có ý niệm mới là chân lý.
Về mỹ học, Platông cho rằng mọi sự vật cá biệt chỉ là sự bắt chước ý niệm, mà tác phẩm nghệ thuật lại bắt chước sự vật cá biệt, tức là " băt chước sự bắt chước" mà cái đẹp là chân thật và hoàn hảo, do đó cái đẹp thực sự là ý niệm mà nghệ thuật không thể biểu đạt được.
Về mặt giáo dục, Platông chủ trương giáo dục nên do nhà nước tổ chức, mục đích chủ yếu là đào tạo những kẻ thống trị.
Về chính tri, Platông rất căm ghét chế độ dân chủ. Ông cho rằng ở Aten "bình dân được tự do quá trớn", thậm chí chó ngựa lừa cũng muốn làm gì thì làm không theo sự chỉ huy của chủ. ở Aten, dân tự do và nô lệ, công dân và ngoại kiều, thầy giáo và học trò, người nhiều tuổi và ít tuổi đều không phân biệt. Hơn nữa lúc bấy giờ đạo đức tốt đẹp không được đề cao, chủ nghĩa lợi kỷ thịnh hành, sự phân hóa giàu nghèo càng trầm trọng. Vì vậy Platông nêu ra một mẫu hình nhà nước lý tưởng để làm thay đổi tình hình ấy.
Trong tác phẩm "Nước cộng hòa", ông nêu ra rằng nhà nước lý tưởng do ba tầng lớp họp thành:
- Các nhà hiền triết là tầng lớp cầm quyền lãnh đạo. Tầng lớp này khôn gnên có tài sản riêng, cũng không nên có gia đình, vì vậy dễ nảy sinh lòng tham lam vị kỷ. Những nhà hiền triết cầm quyền nên sống tập thể, như vậy có thể tránh được sự lo lắng về cuộc sống.
- Tầng lớp thứ hai là các chiến sĩ. Tầng lớp này có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Họ cũng không nên có gia đình và tài sản.
- Tần lớp thứ ba là số công dân, còn lại tức là nông dân, thợ thủ công, lái buôn... Tần lớp này có nhiệm vụ cung cấp của cải cho nhà nước và cung phụng hai tầng lớp trên. Họ có thể có gia đình và tài sản riêng, nhưng các nghề nghiệp đều do nhà nước quản lý.
Con cái của mọi người cũng thuộc về nhà nước. Cha mẹ không biết con cái, con cái cũng không biết cha mẹ. Những đứa trẻ sơ sinh nếu yếu đuối thì giết đi, còn những đứa trẻ khỏe mạnh thì đem đến nhà nuôi trẻ để nuôi nấng.
Còn nô lệ thì không được coi là một tầng lớp, nhưng trong nhà nước của Platông vẫn có nô lệ, hơn nữa Platông hết sức nhấn mạnh sự phân biệt giữa chủ và nô lệ, ông nói: "Cần phải biết rằng nô lệ vĩnh viễn không thể trở thành bạn của chủ, vì những người vô tích sự không thể thàn bạn của những người đứng đắn, dẫu rằng họ cũng giữ một chức vụ đáng kính như nhau".
Về sau Platông còn viết tác phẩm Pháp luật, tuy lời lẽ có mềm dẻo hơn nhưng tư tưởng tập quyền và chế độ công hữu thì không thay đổi.
Tư tưởng triết học của Platông có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của chủ nghĩa duy tâm ở phương Tây.
E. Arixtốt (384-322 TCN)
Nhà triết học vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại là Arixtốt (384-322 TCN).
Arixtốt (Aristore) là con của một ngự y của vua Makêđônia, sinh ở Xtadia thuộc Makêđônia, là học trò của Platông và là thầy giáo của Alêchxăngđrơ đại đế. Sau khi Alêchxăngđrơ lên làm vua, năm 335 TCN ông đến Aten mở trường dạy học. Năm 323 TCN, Alêchxăngđrơ chết, ở Aten nổi lên phong trào chống Makêđônia, ông phải chạy khỏi Aten đến đảo ơbê rồi chết ở đó.
Arixtốt là một học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực như triết học, toán học, vật lý học, sinh vật học, sinh lý học, y học, sử học... được gọi là bộ bách khoa toàn thư của Hy Lạp.
Về triết học, ông chịu ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Đêmôcrít và Platông, nên tư tưởng triết học của ông có mặt gần với chủ nghĩa duy vật nhưng cuối cùng lại sa vào chủ nghĩa duy tâm. Ông là một nhà triết học nhị nguyên luận.
Một mặt, Arixtốt khẳng định vật chất tồn tại vĩnh viễn - sự vật cụ thể được tạo nên bởi bốn nguyên nhân là chất liệu, hình thức, động lực và mục đích. Do đó trong sự vật cụ thể, chất liệu và hình thức không thể tách rời nhau, không có hình thức thì không có chất liệu; không có chất liệu thì không có hình thức; Bởi vậy tuyệt nhiên không có thế giới ý niệm ở ngoài vật chất thực tại. Đó là chỗ khác nhau căn bản của triết học Arixtốt với triết học duy tâm của Platông.
Nhưng mặt khác ông lại cho rằng "hình thức" là nhân tố tích cực năng động, và nêu ra một loại "hình thức không có chất liệu, đó là "lực thúc đẩy đầu tiên" của mọi vật, là lí tính. Theo Arixtốt, lý tính là "tư duy của tư duy", là "tư duy thuần tuý", là "thần tính" v.v... Như vậy về điểm này, Arixtốt đã sa vào chủ nghĩa duy tâm.
vùng Hắc Hải. Nguyên nhân của việc đi đày này tới nay chưa rõ. Căn cứ theo một vài điều do Ôviđiút lộ ra có thể đoán rằng Ôviđiút có liên quan đến những chuyện tình với cháu gái của Ôctavianút. Cô này từ năm 7 CN đã bị trục xuất ra khỏi La Mã.
Trong cơn tuyệt vọng, Ôviđiút đã đốt bản thảo của tập Biến hình. Tuy vậy, nguyên tác của tập thơ này nhờ có các bản sao để truyền nhau lúc bấy giờ, nên tác phẩm vẫn được giữ lại.
Sau khi bị đi đày bản thân ông, vợ con và bạn bè đều xin Ôctavianút ân xá cho ông nhưng không được, vì vậy ông phải ở chỗ lưu đày cho tới khi chết.
Trong thời kỳ này ông có viết hai tập thơ: Những bài thơ buồn và Thư về kinh. Tuy trong những tập thơ này cũng có những bài thơ hay như: Đêm cuối cùng ở La Mã, Cảnh giông bão trên đường đi đày v.v... nhưng nói chung trong thời kỳ này, cảnh lưu đày đã làm tài năng của ông giảm sút nhiều. Mặc dù vậy Ôviđiút vẫn là nhà thơ có địa vị cao trong các thi nhân La Mã.
THẦN THOẠI HY LẠP.
Người Hy Lạp cổ xưa kể rằng khi khai thiên lập địa khởi thủy có ba vị Thần linh: Thần Hỗn Mang Khaos, Nữ Thần Đêm tối Nyx và Thần Ái tình Eros.
Thần Hỗn Mang kết hợp với Nữ Thần Đêm tối sinh ra Thần Định Mệnh. Thần nhân này mù hai mắt, có quyền thống trị, mỗi khi phán quyết một điều gì lại ghi trên một quyển sách bằng đồng. Các Thần nhân sau này có thể dùng quyền lực của mình ngưng việc thi hành những phán quyết đó, nhưng không thể cưỡng lại.
Sau khi sinh ra Thần Định Mệnh, thần Khaos sinh ra Nữ Thần Đất Gaia và Thần Tartaros tối tăm-Đây là một vực thẳm u tối ở kế bên Trái Đất.Tiếp đó Gaia lại sinh ra Thần bầu trời trải rộng bao la (hay còn gọi là Thần Thiên Vương) Ouranos, vị thần này ra đời lại dang rộng cánh tay bao bọc lấy cả Trái Đất rộng lớn. Như vậy theo quan niệm của người Hy Lạp cổ xưa thì đất sinh ra trời chứ trời không phải sinh ra đất dù bầu trời rộng hơn đất rất nhiều. Sau đó nữ thần Đất Gaia lại sinh ra núi non hùing vĩ vươn mình lên tận trời xanh, rồi lại sinh tiếp thần Biển Cả Pontos đổ nước tràn ra khắp bề mặt Trái Đất và quanh năm vỗ sóng. Nữ Thần Gaia cũng sinh ra những thần nhân khổng lồ và độc long Cyclopes.
Ouranos kết hợp với mẹ mình là Nữ thần Đất Gaia sinh ra sáu người con trai(Titan) và sáu người con gái, tất cả đều là các thần khổng lồ hùng mạnh và đáng sợ. Sáu nam thần gồm có: Okeanos, Ceus, Hyperion, Japet, Cryos và Cronus. Sáu nữ thần là : Tethys, Rhea, Themys, Mnemosyne, Phoibe, Thaya…Sau đó, Gaia lại sinh thêm Briare và Gyas là hai thần nhân đại lực mỗi người có năm mươi đầu và một trăm tay.
Thần thoại Hy Lạp kể lại rằng sau đó vì tức giận các con mình mà thần Ouranos đạp hết các con xuống vực thẳm Tartare, nhốt họ dưới đáy sâu trong lòng đất âm u, tức là trong bụng nữ thần Đất Gaia, cấm không cho nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Gaia, mẹ của họ vô cùng đau khổ vì gánh nặng trong bụng làm bà đau đớn. Tức giận, Gaia chế ra một lưỡi hái và kêu gọi các con trả thù, nổi dậy chống lại cha. Tuy nhiên, các con bà đều không dám làm theo lời mẹ, chỉ có người con út là Thần Cronus là dám nổi loạn và được giao nhiệm vụ này. Cronus vớisự giúp đỡ của mẹ, đã chém cha mình là Ouranos bị thương, bắt giam ông xuống Địa Ngục, sau đó thay thế Cha mình trị vì vũ trụ. Máu của Ouranos chảy xuống đất sinh ra ba nữ thần Đại Nộ Furies.
Để trừng phạt tội lỗi của Cronus, Nữ thần Bóng Đêm Nys đã sinh một bầy thần khủng khiếp: Thanatos - Thần Chết, Erys - Nữ thần Bất Hoà, Ates - Nữ thần Dối Trá, Kes - Nữ thần Tàn Sát, Hypnos - Thần Ngủ cùng với bầy đoàn bóng ma tăm tối, Nemetys - Nữ thần Báo Thù và nhiều thần khác. Các vị thần này chuyên đi gieo rắc nỗi kinh hoàng, sự tan vỡ, dối trá, giao rắc sự tranh chấp và bất hạnh cho thế giớI mà Cronus đã chiếm đoạt quyền ngự trị của cha mình.
Cronus lấy chị gái mình là Nữ thần Rhea và lên ngôi trị vì thay cho Ouranos. Với mặc cảm giết cha, Cronus luôn luôn lo sợ là quyền lực của mình sẽ không tồn tại lâu. Thần bị ám ảnh bởi một ý nghĩ cho rằng rồi sẽ có lúc đến lượt các con mình sẽ nổi loạn lật đổ thần như thần đã làm với chính cha mình. Thế là hễ Rhea sinh được người con nào, Cronus lại nuốt ngay người ấy vào bụng không chút thương xót. Ba người con đầu là Demeter, Hestia và Posiedon đều chịu số phận đó. Đến khi Rhea hạ sinh Zeus và Hera thì Cronus chỉ nuốt được Hera còn Zeus thì bị Rhea đánh tráo bằng một cục đá. Sau đó theo lời khuyên của mẹ là Gaia, Rhea bỏ trốn đến hòn đảo Crete trên Địa Trung Hải. Nàng giao Zeus cho các Nữ thần Sơn Thủy nuôi dưỡng. Đứa bé Zeus lớn lên trong sự thương yêu chăm sóc của hai nữ thần; được bú sữa của con dê cái Amalthea; từng đàn ong bay lên đỉnh núi và hai nữ thần Sơn Thủy lấy mật của chúng cho chàng; trong khi đó các tu sĩ của Cybele thay nhau nhảy múa, ca hát ngăn không cho tiếng khóc của Zeus lọt đến tai Cronus
Thế hệ thần thứ nhất :
1.Zeus (Ζευς): Vua của các vị thần và là người cai quản đỉnh Olympus. Thần của bầu trời, sấm sét và sự công bằng.
2.Poseidon (Ποσειδῶν): Chúa tể biển cả. Thần của các vùng biển cả, ngựa và động đất.
3.Hades (Άδης): Vị thần cai quản thế giới âm phủ.
4.Hera (Ήρα): Nữ hoàng của các vị thần. Nữ thần của phụ nữ, hôn nhân, hạnh phúc gia đình, bà mẹ và những trẻ sơ sinh.
5.Hestia (Εστία): Nữ thần của ngọn lửa thiêng trong gia đình.
6.Demeter (Δημήτηρ): Nữ thần của nông nghiệp, tự nhiên, mùa màng và sự sung túc.
Thế hệ thần thứ hai:
1.Athena (Αθηνά): Nữ thần của trí tuệ, nghề thủ công và chiến tranh chính nghĩa.
2.Ares (Ἀρης): Thần của chiến tranh, đổ máu và cuồng loạn.
3.Artemis (Ἀρτεμις): Nữ thần của Mặt Trăng, săn bắn, người trinh nữ xạ thủ.
4.Hephaistos (Ἡφαιστος): Thần thợ rèn, lửa và nghề thủ công.
5.Apollo (Απόλλων): Thần của ánh sáng, chân lý, tiên tri, y thuật, âm nhạc, nghệ thuật và xạ thủ.
6.Hermes (Ερμής): Sứ giả của các vị thần. Thần của thương mại, trộm cướp và giao dịch.
7.Aphrodite (Αφροδίτη): Nữ thần tình yêu, sắc đẹp, dục vọng và sung túc.
Cronus - Saturn - Cha của thần Zeus
Cronus (tiếng Hy Lạp: Κρόνος; còn gọi là Cronos) là con út của Uranus và Gaia, và là một trong 12 Titan.Ông lật đổ cha mình là Uranus và trị vì trong thời gian Golden Apple cho đến khi bị con của ông lật đổ lại và bị đày xuống Tartarus và sau đó đc gửi đi thống trị Elysian Field. Khi Gaia tìm đến những người con Titan của mình để cắt đứt dương vật của Uranus, chỉ có một mình Cronus dám nhận công việc ấy. Sau khi cứu thoát cho các Cyclops và Hecatonchire, Cronus lại có xích mích với họ và lại đẩy chúng xuống Tartarus. Hành động ấy khiến Gaia bất bình vì Cyclops và Hecatonchire cũng là con của bà. Nữ thần truyền phán rằng sau này Cronus sẽ bị con đẻ của mình truất ngôi.
Cronus cưới Rhea là chị của mình làm vợ, sinh được 5 người con đầu là Hestia, Demeter, Hera, Poseidon và Hades nhưng đều bị Cronus nuốt hết cả vì sợ lời truyền phán của Gaia. Đến khi sắp sinh Zeus, Rhea cầu xin Gaia chỉ cách. Gaia bảo Rhea sang đảo Crete sinh con rồi lấy tã cuốn vào một hòn đá để đưa cho Cronus, thay thế cho Zeus mới sinh. Cronus đã mắc lừa và nuốt cả hòn đá vào bụng.
Sau này, khi Zeus được nữ thần Metis chỉ cách cứu anh chị, Zeus nhờ Rhea cho Cronus uống thuốc mà Metis đưa. Quả nhiên, Cronus nôn hết những gì có trong bụng, kể cả hòn đá trá hình Zeus. Sau đó, cả 6 anh chị em đều chống lại Cronus.
Zeus - Jupiter - Vua các vị thần, Thần công lý và định mệnh
Zoose hay Zyoose, (Thần thoại La Mã gọi là Jupiter), là vị thần tối cao trên đỉnh Olympe. Zeus là cha của các người hùng Perseus và Hercule, và là người cuối cùng trong cuộc tranh giành quyền lực trên đỉnh Olympe.
Zeus là con trai của thần Titan Cronus và nữ thần Rhea. Khi vừa được sinh ra, Zeus bị cha mình dự định sẽ ăn thịt như những người con khác trước đó như: Poseiden, Hades, Hestia, Demeter và Hera. Nhưng Rhea đã dấu đứa con mới sinh của mình trong hang núi trên đỉnh Dicte, đảo Crete. (Cho tới ngày nay, những người tại hang núi “Hang của Zeus” sử dụng đèn flash để tạo bóng của các hình nộm trong hang động, tạo ra hình ảnh của đứa bé Zues trong thần thoại).
Khi lớn lên, Zeus làm cho Cronus mửa ra các anh chị của mình. Các vị thần đó về phe của Zeus trong cuộc chiến giành quyền cai quản vũ trụ long trời lở đất dài mười hai năm với các thần Titan và vua của họ là Cronus. Đánh bại cha mình và các vị thần Titan khác, Zeus giam họ dưới vực thẳm Tartare.
Sau đó, Zeus cùng những người anh em của mình phân chia quyền lực. Poseidon cai quản biển cả, Hades cai trị âm phủ, và Zeus làm chúa tể bầu trời. Zeus được xem như là vị thần có quyền lực tối cao nhất trên trái đất và đỉnh Olympe.
Hera - Juno - Nữ hoàng thiên đàng, vợ thần Zeus, Thần cưới hỏi và phụ nữ
Nữ thần HERA (Thần thoại La Mã gọi là Juno) là nữ thần của hôn nhân, nàng là vị thần bảo trợ cho cuộc sống gia đình, cho sự thánh thiện và bền vững của nó. Hera là vợ của thần Zeus và cũng như chồng nàng có toàn quyền thống trị của một vị Nữ hoàng trên đỉnh Olympe.
Khi Hera được nhả ra từ miệng của Cronus, Rhea đã đem nàng đến chỗ của thần Okeanos ở nơi tận cùng Trái Đất giao cho Nữ thần Tethys nuôi dưỡng. Hera sống một yên bình một thờI gian dài xa Olympus, cho đến khi Zeus vĩ đại tình cờ nhìn thấy nàng trong một chuyến du hành. Vị thần sấm sét vĩ đại vừa nhìn thấy nàng đã đem lòng yêu quý vá quyếr định bắt cóc nàng về làm vợ. Các vị thần đã làm cho họ một đám cưới thật linh đình. Nữ thần Cầu Vồng Irys cùng các Nữ thần Duyên Dáng mặc cho Hera bộ váy áo đẹp nhất, làm cho nàng đẹp lộng lẫy và rạng rỡ hẳn lên giữa các thần linh trên núi Olympus.
Hera không ưa anh hùng Heracles vì chàng là con trai của chồng mình với một người phụ nữ trần gian. Khi chàng còn nhỏ, Hera đã cho rắn đến nôi tấn công chàng. Sau đó Hera đã khuấy đảo rừng Amazon để hãm hại chàng khi chàng đang đi săn.
Trong khi đó Hera lại hỗ trợ người anh hùng Jason, vốn không thể nào đoạt được Con cừu vàng nếu không có sự hỗ trợ của nàng.
Trong thần thoại Hy lạp, Hera là vị nữ thần cai trị cung điện Olympus vì nàng chính là vợ của Zeus. Nhưng việc thờ cúng Hera lại xuất hiện trước việc thờ cúng Zeus khá lâu. Để hiểu rõ hơn, ta lùi lại cái thời mà những thế lực sáng tạo mà ta gọi là “thần” được quan niệm là người phụ nữ. Vị nữ thần mang nhiều hình dạng khác nhau, trong đó có loài chim.
Hera được thờ cúng khắp đất nước Hy Lạp, những đền thờ cổ xưa và quan trọng nhất được hiến dâng cho nàng. Việc Hera chinh phục thần Zeus và miêu tả nàng như là người đàn bà đanh đá ghen tuông chính là những phản ánh thần thoại về một trong những thay đổi sâu sắc nhất trong tư duy loài người.
Căn cứ trên những tranh vẽ hang động và các di vật khảo cổ thì hàng chục ngàn năm trước đây loài người rất quan tâm đến cơ thể người phụ nữ, hoặc là lúc đang mang thai hoặc là lúc sinh nở. Việc sinh con chính là khả năng kỳ diệu nhất của loài người khiến cho thế gian được mang lại sự sống mới tươi trẻ. Ở trình độ tiến hóa cho phép tổ tiên chúng ta nghĩ đến việc thờ cúng khả năng sinh nở này, có thể kết luận rằng họ cho rằng việc này gắn với hình ảnh người phụ nữ.
Hàng ngàn năm sau (tức khoảng từ 5 đến 9 ngàn năm trước đây), các hậu duệ châu Âu của những người kể trên sống trong những ngôi làng lớn, có kiến trúc đặc trưng và những đền thờ tôn giáo. Các di vật khảo cổ cho thấy họ thờ cúng một thế lực (hoặc một nhóm thế lực) mang nhiều hình dáng khác nhau-một con chim, một con rắn, cũng có thể là chính quả địa cầu. Và thế lực vĩ đại này chính là phụ nữ. Bởi vì chỉ có người phụ nữ mới có khả năng sinh sản-đem lại cuộc sống mới.
Người ta nói rằng khi con người khám phá ra vai trò của đàn ông trong việc sinh sản thì họ mới bắt đầu thờ cúng các nam thần. Dù vậy cũng không có gì nghi ngờ rằng các vị nam thần đã được thờ cúng từ trước đó. Và cũng rõ ràng rằng sau khi hiểu rõ hơn về việc sinh sản thì những người Châu Âu hiền hòa - quan niệm của Crete trong “Minoans” - tiếp tục thờ cúng Người Mẹ Vĩ Đại.
Và có rất nhiều người châu Âu hiền hòa. Những ngôi làng lớn nhất trong kỷ nguyên ấy không cần lập hàng rào phòng chắn. Nền văn minh “Châu Âu cổ” không hề lo ngại những vụ ẩu đả với xóm giềng. Nhưng sau đó sự việc đã thay đổi và một khoảng thời gian dài bạo lực bùng phát. Quân xâm lược tràn vào Châu Âu từ những vùng đất rộng lớn ở Châu Á. Họ đem theo dòng ngôn ngữ Indo-Châu Âu mà ngày nay bao gồm tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha và tiếng Anh. Họ cũng đem theo một vị thần linh, vị nam thần tối cao mà thần thoại Hy Lạp gọi là Zeus.
Người ta biết rất ít về những người Indo-châu Âu này, nhưng những ngôi làng bình yên của châu Âu cổ không phải là điều họ mong muốn. Ở một vài nơi nền văn minh mới của họ dần chiếm thế tối thượng. Ở vài nơi khác nó thành thứ văn hóa kết hợp. Những người sống ở miền núi đã phản kháng lại, dù nhiều người đã bị đánh bật khỏi thành lũy của mình, họ tiếp tục di chuyển và đánh bật những người khác theo hiệu ứng domino. Cuộc xâm lăng Dorian của Hy Lạp cổ có thể được xem là kết quả của phản ứng dây chuyền này.
Trật tự cũ có vẻ như tồn tại lâu nhất tại Crete nơi được bảo vệ bởi biển Aegean khỏi những cuộc xâm lăng trên bộ, nền văn minh Minoan đã tồn tại suốt gần ba ngàn năm. Nhưng đột ngột sau đó, từ triển vọng của sự tồn tại loài người, giới tính của những quyền năng tối cao chuyển từ nữ sang nam. Và rất nhiều câu chuyện hình thành nên cơ sở cho thần thoại Hy Lạp đã chỉ được kể sau sự thay đổi này.
Các cuộc tình vụng trộm của Zeus có thể bắt nguồn từ những buổi lễ trong đó vị thần mới “kết hôn” với các hiện thân khác nhau của Nữ Thần Vĩ Đại. Việc có nhiều điểm nghi vấn về vị thần này và những người thờ cúng có thể thấy qua sự ra đời kỳ lạ của nữ thần Athena từ đầu của thần Zeus- dường như muốn nói rằng vị thần linh này có thể làm bất cứ điều gì mà Nữ thần vĩ đại có thể làm được.
Nữ thần Hera tiếp tục được thờ cúng ở nhiều hình thức, tùy vào các thời điểm lịch sử. Việc thờ cúng vị nữ thần này đôi khi bị bãi bỏ phần lớn là vì những tập tục tôn giáo bị suy thoái dưới những ảnh hưởng mới. Nhưng chúng ta có thể thấy những bằng chứng trong thần thoại về trật tự cũ của vị thần này, trong đó Athena bản thân cũng là một nữ thần.
Dưới ảnh hưởng của người Indo-Châu Âu, Athena trở thành thần Chiến tranh. Thần hay giả dạng thành loài cú - một loài chim biểu tượng cho thần linh.
Aphrodite - Venus - Thần tình yêu và sắc đẹp
Nữ thần APHRODITE (Thần thoại La Mã gọi là Venus) là Thần Tình Yêu, Sắc Đẹp và sự sinh nở. Nàng cũng là thần hộ mệnh của thủy thủ.
Sử thi cho rằng Aphrodite được sinh ra từ bọt biển Còn theo Homer nàng là con gái của thần Zeus và Dione. (Cũng có dị bản nàng sinh ra là do máu của Ouranps bị Cronus chém rơi xuống biển.)
Khi được hỏi trong ba vị nữ thần Olympia ai là người xinh đẹp nhất thì Paris,hoàng tử thành Troy, đã chọn Aphrodite chứ không phải là Hera hay Athena dù hai vị nữ thần này đã hứa ban cho chàng quyền lực và chiến thắng. Điều này cũng dễ hiểu vì nữ thần Aphrodite đã hứa ban tặng cho chàng tình yêu của người phụ nữ đẹp nhất trần gian.
Sau này khi Paris cưới Helen xứ Sparta thì tên tuổi nàng đã gắn liền với địa danh thành Troy như một sự ô nhục. Trong cuộc chiến thành Troy diễn ra sau đó, Hera và Athena là hai kẻ thù không đội trời chung của thành Troy trong khi Aphrodite lại trung thành với Paris và dân thành Troy.
Sử thi Homer về cuộc chiến thành Troy kể rằng Aphrodite đã can thiệp vào trận chiến để cứu con trai mình là Aeneas, đồng minh của thành Troy. Người anh hùng Hy Lạp Diomedes lúc đó sắp giết được Aeneas đã chuyển sang tấn công nữ thần, phóng lao vào cổ tay nàng làm chảy ichor ( ichor là máu của các vị thần).
Aphrodite vội thả Aeneas ra, Aeneas may sao đã được Apollo, vị thần đứng về phe thành Troy, cứu sống. Trong cơn đau đớn nàng đã cầu cứu anh trai mình là thần Chiến tranh Ares lúc bấy giờ đang đứng gần đấy theo dõi cuộc chiến, Aphrodite mượn cỗ xe ngựa của Ares để bay lên đỉnh Olympus. Tại đây nàng khẩn cầu mẹ là Dione chữa lành vết thương cho mình. Thần Zeus yêu cầu con gái đừng tham chiến nữa vì chiến tranh là công việc của Ares và Athena, còn nhiệm vụ của nàng là chăm lo chuyện hôn nhân của thế gian thì hơn.
Ngoài ra trong sử thi Iliad có nói Aphrodite cứu Paris khi chàng sắp chết trong khi giao chiến với Menelaus. Nữ thần đã dùng sương mù phủ lấy chàng và đem chàng đi đặt vào giường ngủ của chàng trong thành Troy. Sau đó nàng biến thành một người đầy tớ già đến báo với Helen rằng Paris đang đợi nàng.
Helen nhận ra vị thần trong lốt giả dạng và hỏi liệu nàng có đang bị dẫn dụ cho việc gây ra một cuộc chiến nữa không. Vì Aphrodite đã phù phép khiến nàng phải bỏ chồng là Menelaus để theo Paris. Nàng nói Aphrodite có muốn đến gặp Paris thì cứ mà đi một mình.
Aphrodite nổi trận lôi đình, cảnh báo rằng Helen không được láo xược, nếu không nàng sẽ bị cả người Hy Lạp lẫn dân thành Troy căm ghét. Vị nữ thần tính khí thất thường này nói: “Hiện ta yêu thương ngươi bao nhiêu thì ta cũng sẽ ghét giận ngươi bấy nhiêu.”
Dù nữ thần Hera vợ Zeus và Aphrodite không cùng chiến tuyến trong cuộc chiến thành Troy nhưng Aphrodite vẫn cho Hera mượn chiếc thắt lưng của mình để làm xao nhãng cơn giận của Zeus. Ai đeo chiếc thắt lưng này sẽ khiến cho đàn ông (cả các vị thần) chết mê chết mệt.
Homer gọi Aphrodite là “người Cyprus” và nhiều biểu tượng của nàng có lẽ đến từ Châu Á qua Cyprus (và Cythea) trong thời kỳ Mycenaean… Điều này hẳn là do nhầm lẫn với những nữ thần đã xuất hiện từ trước đó như thần Hellenic hoặc thần Aegean. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng Aphrodite có nguồn gốc vừa Hy Lạp vừa ngoại quốc.
Aphrodite và Jason
Aphrodite còn có liên quan đến chuyện tình cảm của những người anh hùng. Khi Jason thỉnh cầu vua Colchis cho đem con cừu vàng bị treo trong rừng đi, vị vua này đã do dự không muốn đáp ứng. Vì vậy nữ thần Hera, người đứng về phía Jason, đã lên tiếng nhờ Aphrodite can thiệp một phen. Vị nữ thần tình yêu đã khiến cho con gái nhà vua là Medea đem lòng yêu Jason, và Medea đã trở thành công cụ đắc lực đem lại thành công cho Jason.
Aphrodite và Aeneas
Có lần thần Zeus trừng phạt Aphrodite vì đã quyến rũ các vị thần vào những cuộc tình duyên trái khoáy. Thần Zeus đã khiến nàng si mê Anchiese là con người trần gian. Đó là lý do vì sao nàng trở thành mẹ của Aeneas. Nàng đã bảo vệ người anh hùng này trong suốt cuộc chiến thành Troy cũng như sau đó khi Aeneas tìm ra nước Ý và trở thành người sáng lập một phần của đế chế La Mã.
Một nữ thần Ý tên là Venus có dung mạo rất giống với Aphrodite, vì thế Aphrodite có tên gọi La Mã là Venus. Nàng đã xuất hiện dưới cái tên Venus trong Aeneiad, bộ sử thi kể về công cuộc sáng lập thành Rome.
Aphrodite và Hephaestus
Vị nữ thần tình yêu đã kết hôn với Thần thợ rèn Hephaestus. Nhưng nàng lại không chung thủy với chồng mà lại đi mây mưa với Ares. Trong Odyssey, Homer có đề cập đến chuyện Hephaestus đã trả thù như thế nào.
Ảnh hưởng của Aphrodite trong nghệ thuật
Trong nghệ thuật cổ điển Aphrodite không có biểu tượng nào đáng kể ngoại trừ sắc đẹp của nàng. Hoa và các họa tiết cây cỏ cho thấy mối liên hệ giữa nàng với sự sinh sôi tươi tốt.
Aphrodite có liên hệ với chim bồ câu. Một loài chim thiêng liêng khác tượng trưng cho nàng là thiên nga, người ta thấy nàng cưỡi thiên nga trong bức tranh vẽ trên chiếc bình hoa cổ .
Họa sỹ thời kỳ phục hưng Botticelli đã tìm cảm hứng từ ý tưởng sử thi cho rằng Aphrodite sinh ra từ biển trong bức danh họa vẽ vị nữ thần nằm trong một chiếc vỏ sò khổng lồ. Tương tự là Venus de Milo, bức tượng nữ thần không tay nổi tiếng.
Aphrodite là Nữ thần Chiến tranh?
Nhà văn Pausanias đã miêu tả rằng có rất nhiều tượng nữ thần Aphrodite trong trang phục ra trận, nhiều nhất là ở Sparta. Lấy ví dụ như cách mà binh lính Sparta nuôi con gái, không có gì ngạc nhiên khi họ quan niệm ăn mặc theo kiểu quân đội giống vị nữ thần. Aphrodite cũng có thể đã phục trang như vậy để bảo vệ các thành phố, như Corinth, thành phố đã nhận nàng làm nữ anh hùng. Điều này không có nghĩa là nàng là thần chiến tranh, dù có người thấy nàng trong vị trí đó hoặc thấy có những dấu hiệu đó trong chuyện nàng xe duyên với thần chiến tranh Ares trong thần thoại.
Hai ấn bản gần đây nhất của “Từ điển cổ điển Oxford” lại có sự khác biệt về vấn đề này của vị nữ thần. Ấn bản năm 1970 cho rằng nàng là nữ thần chiến tranh và lấy căn nguyên từ gốc gác phương Đông của nàng. Thật sự nàng giống với Astarte, là một vị thần chiến tranh đồng thời cũng là thần của sự sinh nở.
Ấn bản 1996 thì lại đưa ra nhiều luận điểm đối lập. Ví dụ như ấn bản này cho rằng nàng kết duyên với Ares không phải vì họ cùng thích chiến tranh như nhau mà nguyên nhân sâu xa là vì tình yêu và chiến tranh là hai phạm trù đối nghịch.
Dù sao đi nữa, chức năng cơ bản của nữ thần Aphrodite là chăm lo cho sự sinh nở, vì đây là điều vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của con người.
Apollo - Phoebus - Thần mặt trời, âm nhạc, thơ và tiên tri
APOLLO (Thần thoại La Mã cũng gọi là Apollo) là Thần tiên tri, âm nhạc, chữa bệnh.
Như hầu hết các vị Thần trên đỉnh Olympus, Apollo ko hề do dự khi xen vào những quan hệ dưới trần gian. Thần là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của người anh hùng Achilles. Trong đội ngũ các anh hùng bao vây thành Troy trong cuộc chiến thành Troy, Achilles là chiến sĩ tài giỏi nhất. Chàng đã đánh bại dễ dàng chỉ huy Hector của thành Troy trong cuộc đơn đấu. Nhưng Apollo đã giúp Paris anh trai của Hector báo thù, giết chết Achilles bằng một mũi tên thần.
Khi một ai chết đột ngột, người đó bị cho là đã trúng một mũi tên của Apollo. Bản anh hùng ca của Homer về cuộc chiến thành Troy bắt đầu với việc thần Apollo gây ra một trận bệnh dịch bằng một cơn mưa tên xuống nơi đóng quân của quân Hy Lạp.
Là Thần âm nhạc, Apollo thường được hình dung khi đang chơi đàn Lia (lyre). Thế nhưng, chàng không sáng chế ra nhạc cụ này, mà được thần Hermes tặng để chuộc lỗi sau vụ Hermes bắt trộm bò của Apollo. Có người nói rằng Apollo là người sáng chế ra đàn luýt (một loại đàn dây họ ghita), mặc dù kỹ năng chơi đàn Lia của Apollo là tài giỏi nhất.
Apollo đã chiến thắng nhiều cuộc thi với nhạc cụ này. Trong một lần tranh tài với Aplollon, thần Pan đã dùng cây sáo mục đồng của mình và phải chịu thua cuộc trước tiếng đàn của Apollon. Lần đó, vua Midas sai lầm khi nói rằng ông thích tiếng sáo của thần Pan hơn, khiến Apollo tức giận biến tai ông thành tai lừa.
Ares - Mars - Thần chiến tranh
ARES (Thần thoại La Mã gọi là MARS) là Thần chiến tranh, hay chính xác hơn là vị thần của những kẻ cuồng loạn hiếu chiến. Là một vị thần bất tử nhưng Ares đã bị Harales đánh bại trong một trận đánh và có lần còn suýt bị hai tên khổng lồ giết chết. Khi bị thương trong cuộc chiến thành Troy, thần đã không được phụ vương Zeus đoái hoài gì đến.
Thần Ares có diện mạo khôi ngô nhưng bản tính rất tàn bạo. Thần thường được miêu tả cầm một ngọn giáo dính máu đỏ tươi. Tương truyền chiếc ngai của Thần trên đỉnh Olympus được bọc kín bằng da người.
Thần Mars trong thần thoại La Mã và thần Ares được xem là như nhau. Mars là cha của Romulus và Remus, hai huyền thoại sáng lập ra thành Rome. Vì vậy đối với dân La Mã thần Mars có vị trí quan trọng hơn và được sùng kính hơn
Artemis - Diana - Thần mặt trăng
ARTEMIS (Thần thoại La Mã gọi là Diana) là Nữ Thần đồng trinh (Nàng đã xin phụ vương Zeus cho Nữ Thần đồng trinh không bao giờ phải yêu) cai quản việc săn bắn. Nàng giúp đỡ những người phụ nữ trong việc sinh nở nhưng cũng mang đến những cái chết bất ngờ với những mũi tên của mình.
Artemis và anh trai Apollo là con của Zeus và Leto. Trong vài phiên bản Thần thoại khác thì Artemis được sinh ra trước và giúp đỡ Mẹ của mình sanh ra Apollo.
Niobe, nữ hoàng thành Thebes, đã khoe khoang là hơn hẳn Leto vì có nhiều con trong khi Nữ Thần Leto chỉ có 2 người con. Artemis và Apollođã rửa nhục cho mẹ bằng cách dùng tên lần lượt giết tất cả những đứa con của Niobe. Trước cái chết của các con mình, Niobe đau lòng than khóc đến khi hoá đá vẫn chưa nguôi.
Để ý thấy em gái suốt ngày đi săn với tên khổng lồ Orion, Apollo quyết định chấm dứt mối quan hệ này. Thần thách Artemis chứng tỏ tài nghệ của mình bằng cách bắn vào một vật đang trôi ngoài biển. Những phát bắn của Nữ Thần đều rất hoàn hảo. Sau đó nàng mới biết vật đó là cái đầu của Orion.
Artemis thường được miêu tả như một thiếu nữ trẻ mặc bộ áo quần làm bằng da hươu, vai đeo một cánh cung và một bao tên. Nàng thường được các động vật hoang dã như hươu hoặc gấu cái hộ tống.
Asclepius - Aesculapius - Thần Y học
Athena - Minerva - Thần thông thái và nghệ thuật
ATHENA (Thần thoại La Mã gọi là Minerve), vị thần của nghề thủ công và nội trợ nhưng đồng thời cũng là một vị thần chiến tranh. Athena là vị thần bảo hộ của Athen. Nguyên hình của vị nữ thần vĩ đại này xuất phát từ hình dạng của loài chim với dấu hiệu chính là con cú.
Zeus kết hôn cùng Metis, người con gái thông thái của Biển cả. Khi nàng mang thai, Zeus đã được cảnh báo từ các nữ thần Hộ Mệnh rằng đứa con sinh ra từ Metis sau này sẽ lật đổ ông ấy cũng giống như ông ấy đã từng đoạt ngai vàng của bố mình (Cronos) trước kia.
Vì thế Zeus đã nuốt cả Metis lẫn cái thai trong bụng. Liền sau đó Zeus phải cố gắng vật lộn với những cơn nhức đầu triền miên, Zeus đành mời gọi thần Hephaestus. Hephaestus đã chẻ trán của Zeus ra bằng cái rìu của mình và Athena từ đó đã vọt ra với đầy đủ vũ khí, y phục.
Sau này chính Athena đã hỗ trợ cho các anh hùng: Perseus, Jason, Cadmus,Odysseus và Heracles trong những chuyến hành trình của họ. Đặc biệt trong cuộc chiến thành T'roa, lúc quân Hy Lạp gần như vô vọng trong việc phá thành thì Athena đã giúp quân Hy Lạp tạo ra con ngựa gỗ khổng lồ, kết quả là T'roa lọt vào tay quân Hy Lạp ngay sau đó.
Cả Athena và Poseidon đều muốn trở thành thần bảo hộ cho miền Atikes. Để xứng đáng với sự tôn kính của mình, Athena đã tạo ra một cây ôliu làm tươi tốt khắp các thành luỹ Atikes và cả vùng đất Acropolos. Poseidon cố gắng vượt qua Athena bằng cách dùng cây đinh ba của mình đâm xuyên qua mặt đất làm phun lên những cột nước khổng lồ, tuy nhiên vì ông ấy là vị thần của Biển cả nên trong nước chỉ có... muối. Món quà của Athena với người dân Atikes xem ra hữu ích hơn, vì vậy Athena đã trở thành vị thần bảo hộ cho vùng đất này. Thành cũng được đổi tên thành Athens.
Peuseus cũng đã được Athena hổ trợ trong cuộc truy sát quái vật Medusa vì nàng muốn trang trí cái khiên của mình bằng đầu của Gorgon.
Athena là một nữ thần rất mực thông minh, một nữ thần vừa hiếu chiến vừa chủ hoà, vì chỉ có sau khi chiến thắng thì mới có hoà bình. Nàng khuyến khích tinh thần chiến đấu của các dũng sĩ, cho họ sức mạnh và lời khuyên lúc nguy nan. Athena cũng dạy cho dân chúng các kiến thức khoa học, dạy họ nghệ thuật và các nghề thủ công…
Eros - Cupid - Thần tình yêu
Cupid là tên gọi của một vị thánh La Mã, là biểu tượng của lòng say đắm và nồng nhiệt. Cupid là con trai của Thần Venus, nữ thần sắc đẹp và tình ái. Nhiều nơi, người ta còn dùng hình ảnh thần Eros (con trai của thần Aphrodite) để biểu tượng cho tình yêu. Truyền thuyết kể rằng, Cupid đem lòng yêu và cưới nàng Psyche, một biểu tượng của sắc đẹp và sự đoan chính. Thế nhưng sự ghen tuông của tình yêu khiến nàng đem lòng nghi ngờ người chống mẫu mực của mình. Cupid đã trừng phạt người vợ bằng cách buộc nàng làm nhiều công việc cực khổ. Trong khi làm việc, vì lén nhìn vào chiếc hộp "sắc đẹp" nàng bỗng biến thành nàng tiên ngủ! Với tài nǎng và tình yêu vợ vô bờ bến, Cupid đã "nhốt" được nàng tiên ngủ và đưa người vợ yêu trở về với chàng. Kể từ đó, Cupid được xem là biểu tượng của một tình yêu mãnh liệt.
Cupid được biết đến dưới hình dạng một đứa trẻ tinh quái và có cánh, người sẽ dùng mũi tên tình ái xuyên thủng trái tim của các "nạn nhân" của mình buộc họ phải yêu nhau đắm đuối. Và trong điêu khắc hay kiến trúc và cả hội hoạ nữa, Cupid đôi khi được khắc hoạ là cậu bé mù với hai cánh trên vai. Đại thì hào Shakespeare có nói một câu nổi tiếng về vị thần này: "Ái tình không nhìn bằng mắt mà bằng tâm hồn. Vì vậy, nhân loại khắc họa Thần Tình ái có hai cánh nhưng con mắt mù lòa".
cũng có ý kiến cho rằng:Sở dĩ người ta chọn thần Tình Yêu là một chú bé vì trẻ con có đầy đủ các tính chất của một tình yêu: Đó là sự thơ ngây, trong sáng, thật thà, nhiều khi là dại dột nữa; rồi tính hiếu động, tò mò muốn tìm hiểu và khám phá những cái mới lạ, bí ẩn; tính ích kỷ và cố chấp rất cao, nhưng được cái lại rất mau quên, dễ thay đổi, dễ tha thứ khi được khen và tặng quà. cái này thì có thể do suy diễn mà thôi.
Demeter - Ceres - Thần nông
DEMETER (Thần thoại La Mã gọi là Ceres) là Nữ thần Nông Nghiệp, cai quản mùa màng và nghề nông ở hạ giới. Demeter là con gái của Cronus và Rhea, là chị gái của thần Zeus và là mẹ của Persephone-Vợ của Hades.
Nàng thường đi đây đi đó để dạy cho loài người trồng trọt, chăm lo cho đất đai màu mỡ, cgo cây cối ra hoa kết trái. Không có Demeter thì đất đá trở nên khô cằn và cây cối khô héo mà chết. Với quyền năng này, nàng trở thành người bạn thân thiết của loài người và được người đời sùng kính.
Demeter có vớI Zeus một người con gái vô cùng xinh đẹp tên là Persephone. Một hôm Persephone đang hái hoa trên bãi cỏ thì mặt đất nứt ra một vết rất lớn và Diêm vương Hades vươn lên từ thế giới của bóng đêm. Vị thần đuổi bắt Persephone vào cỗ xe ngựa rồi trở về địa phủ, nơi nàng trở thành Hoàng hậu. Demeter vô cùng đau khổ, nàng đã đi cùng trời cuối đất hy vọng tìm được con gái mình, suốt thời gian đó mùa màng héo úa và mùa đông kéo dài đến vô tận.
Cuối cùng Hades cũng đã bị thuyết phục là sẽ trả Persephone lại nửa năm một lần, khi mùa xuân và mùa hè đến, khi đó hoa trái nở rộ. Nửa năm còn lại Persephone ở dưới địa phủ thì cũng là mùa khô cằn lạnh giá trên thế gian.
Demeter thường được mô tả trong nghệ thuật với hình ảnh đang mang một bó lúa.
Dionysus - Bacchus - Thần Rượu và Sinh sản
DIONYSUS (Thần thoại La Mã gọi là Bacchus) là vị thần Rượu Nho. Dionysus chính là con trai của thần Zeus và công chúa Semele, con gái Vua Cadmus sáng lập ra thành Thebes.
Khi Semele nghe theo lời xúi giục của Hera nài nỉ xin Zeus cho nàng nhìn thấy dung nhan của vị Thần oai quyền nhất vũ trụ thì nàng đang hoài thai Dionysus. Bị ràng buột của lời thề trước đó, Zeus hiện nguyên hình là vị thần Sấm Sét và Semele bị thiêu cháy thành than sau khi sinh non ra Dionysus. Zeus lúc đó đã rạch đùi mình và ủ Dionysus vào đó để nuôi sống đứa bé bằng sức mạnh của Vị thần tối cao. Sau đó Zeus giao Dionysus cho các Nữ thần Thời Khắc và Sơn Thủy nuôi dưỡng ở thung lũng Nyse.
Dionysus lớn lên trở thành Thần Rượu Nho sinh đẹp. Thần dạy loài người cách trồng nho vá cất rượu, đem lại cho loài người sức mạnh và niềm vui sảng khoái. Là một vị thần vui tính Dionysus đi chu du khắp đó đây. Thần đội chiếc vành kết bằng dây nho trên đầu, trong tay cầm một cây gậy có núm bằng quả thông và quấn dây trường xuên xung quanh. Theo sau Thần là các nữ thần Sơn Thủy và các vị thần Đồng Quê vui nhộn đội trên đầu những chiếc vành hoa lá vừa đi vừa uống rượu nho và múa hát vui vẻ.
Dionysus đã cứu thoát Ariadne sau khi nàng bị Theseus bỏ rơi. Chàng cũng đã cứu mẹ mình từ địa phủ, sau khi thần Zeus cho bà biết sự thật thần chính là vị thần Bão tố và đã dùng tia chớp tiêu diệt bà.
Dionysus chính là người đã cho Midas khả năng biến mọi thứ ông ta chạm vào trở thành vàng, nhưng sau đó chính thần cũng đã lấy lại khả năng này khi chứng minh cho Midas thấy nó không phải là một điều ước khôn ngoan vì bất cứ cái gì Midas chạm vào đều biến thành vàng, kể cả thức ăn.
Hades - Dis - Thần Âm Phủ
Hephaestus - Vulcan - Thần lửa hay thợ rèn
HEPHAESTUS (Thần thoại La Mã gọi là Vulcan) chính là vị thần thọt chân cai quản ngọn lửa và nghề thủ công, có khi cả hai, vì vậy còn có tên gọi là thần thợ rèn.
Hephaestus là con trai của thần Zeus và thần Hera. Tương truyền lúc mới sinh ra Hephaestus cũng là một vị thần sinh đẹp nhưng khi Hera vì tính ghen tuông của mình mà mưu toan xúi giục các thần khác nổi loạn bị Zeus phát hiện bắt treo giữa Thiên Cung và Hạ Giới bằng sợi xích vàng, chàng định lại gần giải thoát cho mẹ thì bị thần Zeus đã nắm chân quẳng xuống đất từ trên cung điện Olympus. Cũng có dị bản kể rằng ngay từ lúc sinh ra Hephaestus đã là một cậu bé yếu ớt và thọt chân. Hera trông thấy vừa xấu hổ vừa tức giận túm ngay lấy đứa bé quẳng xuống hạ giới.
Hephaestus rơi xuống biển và được Nữ thần Thetis thương tình nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Dù xấu xí và thọt chân nhưng Hephaestus có hai cánh tay khoẻ mạnh và một bộ ngực rắn chắc, vạm vỡ. Và đặc biệt là chàng rất khéo léo biết chế tạo ra các thứ đồ kim loại từ to lớn đến tinh xảo.
Hephaestus đã thực hiện được rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo như những cung điện nguy nga xây cho các vị thần ở trên đỉnh núi Olympus, hoặc là bộ áo giáp làm cho Achilles trong cuộc chiến thành Troy (mô tả về chiếc áo giáp này chiếm khá nhiều bút mực trong sử thi Homer về cuộc chiến thành Troy).
Hephaestus đồng thời cũng tạo ra người đàn bà đầu tiên cho loài người, Pandora, theo yêu cầu của phụ vương Zeus, nhằm trả đũa vụ thần Titan Prometheus lừa thần linh làm điều lợi cho con người mà gây ra tổn thất cho thần linh (đó là Prometheus đã đem lửa xuống cho loài người). Pandora được gả làm vợ anh trai của Titan, Epimetheus. Của hồi môn của Pandora là một cái bình chứa đầy điều xấu xa độc ác, khi nàng kéo nắp bình ra nàng sẽ đem khổ đau, vốn là một thứ xa lạ, đến cho con người vì họ phải làm lụng cực nhọc và đau yếu luôn. Chỉ có hy vọng là còn nằm lại trong chiếc bình đó. (Trong Thần thoại Hy Lạp có viết: “Từ nàng Pandora này sẽ sinh sôi, nảy nở ra giống đàn bà, một loài độc hại cho giống đàn ông mà giống đàn ông không sao dứt bỏ được bởi vì, theo sự sáng tạo của các vị thần, giống đàn bà là loại không thể chịu đựng được cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, nghèo túng, khó khăn mà chỉ sinh ra để sống trong cảnh an nhàn, sung túc và hưởng thụ kết quả lao động khó nhọc của người đàn ông, cũng như gây ra cho đàn ông biết bao điều đau khổ, phiền muộn trong chuyện hôn nhân và gia đình. Người đàn bà sẽ là người bạn đường của người đàn ông nhưng là người bạn đường gây ra những nỗi bất hạnh cho người đàn ông. Đó là cái tai họa mà thần Zeus ban cho loài người").
Hermes - Mercury - Người đưa tin cho các vị thần, thần giàu sang và may mắn
Thần HERMES (Thần thoại La Mã gọi là Mercury) là sứ giả đưa tin của các vị thần và là người dẫn đường cho các linh hồn sau khi chết xuống địa phủ. Bản tính Hermes vốn hiếu động thông minh từ nhỏ. Chàng từng giúp đỡ các anh hùng Odysseus và Perseus trong những cuộc đi săn của họ.
Hermes là con trai thần Zeus và một nữ thần núi. Khi mới ra đời chàng đã tỏ ra vô cùng tinh khôn.Thuở thiếu thời có lần chàng tìm thấy một cái mai rùa rỗng và đã để ý thấy tiếng vang từ trong đó. Chàng đã cột các sợi gân vào khe mai và tạo ra chiếc đàn lia đầu tiên.
Hermes được mọi người biết đến bởi sự giúp ích của chàng đối với loài người, bằng tài năng của một người đưa tin lẫn những sáng kiến của chàng. Khi Perseus quyết định giáp mặt với Gorgon Medusa, Hermes đã giúp người anh hùng này. Theo một bản thần thoại thì Hermes đã cho Perseus mượn đôi giày phép thuật của mình, ai mang nó vào sẽ bay được.
Có người cho rằng Hermes đã cho Perseus mượn một cái mũ tàng hình. Đây chính là chiếc mũ bóng đêm, cũng giống như cái mũ mà Hermes đội khi chàng đánh bại tên khổng lồ Hippolytus. Chuyện xảy ra khi những đứa con trai khổng lồ của mặt đất ngoi lên định soán quyền với các vị thần trên đỉnh Olympus.
Biểu tượng nghề nghiệp của Hermes với tư cách sứ giả chính là chiếc đũa caduceus.
Nguồn gốc của nó là một nhánh cây liễu có nhiều dây ruybăng quấn quan, theo truyền thống là huy hiệu của người đưa tin. Nhưng các dải ruybăng về sau lại được liên hệ đến hình ảnh loài rắn. Để củng cố cho điều này, một câu chuyện cho rằng Hermes đã dùng chiếc đũa thần để tách 2 con rắn đang cắn nhau ra, sau đó chúng đã quấn mình quanh cây đũa cùng chung sống trong hòa bình.
Nhiệm vụ của Hermes là dẫn dắt các linh hồn sau khi chết đi xuống địa phủ. Vì là người bảo trợ cho những linh hồn nên chàng thường đội một cái mũ bằng rơm rực rỡ ánh sáng. Hermes được gọi là Mercury trong thần thoại La Mã. Hình ảnh nổi tiếng nhất về chàng là một bức tượng do Bellini điêu khắc thể hiện chàng nhanh nhẹn trên 1 chân, ở gót có cánh, chiếc đũa rắn cầm tay và ở trên đầu là một thứ kết hợp giữa chiếc mũ tàng hình và chiếc mũ ánh sáng.
Hestia - Vesta - Thần sưởi ấm
Hymen - Hymen - Thần cưới hỏi
Irene - Pax - Thần hoà bình
Pan - Faunus - Thần Dê
Persephone - Proserpina - Thần mùa Xuân và cả thần Chết
Poseidon - Neptune - Thần biển
POSEIDON (Thần thoại La Mã gọi là Neptune) là vị thần của cai quản biển cả bao gồm các đạI dương, hảI đảo và các bờ biển. Mặc dù ông là một trong những vị thần tối cao của núi Olympus, nhưng phần lớn thời gian ông ở trong lãnh thổ của mình dưới sâu tận đáy biển của mình.
Poseidon là anh của thần Zeus và thần Hades. Ba vị thần năng chia nhau những quyền năng sáng tạo : thần Zeus thống trị bầu trời, thần Hades cai quản địa ngục và Poseidon được giao cho tất cả những gì thuộc về nước - cả sông và biển.
Với vẻ đẹp rực rỡ của một vị thần hùng mạnh cai trị biển cả, Poseidon có một cung điện tráng lệ nguy nga dưới đáy biển sâu. Mỗi khi Thần Poseidon trầm lặng, uy nghi ngồi trên chiếc xe do những con hải sư dũng mãnh kéo chạy trên mặt biển mênh mông, khi đó thì sóng biển dạt sang hai bên nhường đường cho thần, xung quanh có những con cá heo nhào lộn đón mừng và từng đàn cá tung tăng bám theo cỗ xe thần thánh. Khi Poseidon khua chiếc đinh ba xuống mặt nước thì biển cả dậy sóng, bão tố kinh hoàng, gây nên nhựng cơn địa chấn rung chuyển mặt đất. Nhưng khi thần chĩa đinh ba lên đầu các ngọn sóng thì chúng ngoan ngoãn dịu đi. Bão tố ngừng thổI và mặt biển trở nên êm dịu hiền hoà như cũ. Chính tay Poseidon chặt ngang các lục địa tạo thành những eo biển, cửa sông. Thần cũng tự tay phát ra các mạch nước nguồn, làm nổi lên những hải đảo. Cũng chính Poseidon đã giữ gìn cho các lục địa khỏi sụp đổ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro