Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

II. LÍ LUẬN VỀ THƠ

1. Nguồn gốc của thơ:
+ Thơ phải xuất phát từ thực tại. Thơ được sinh ra từ trong hiện thực cuộc đời, cái đẹp trong thơ phải mang dấu ấn của cái đẹp trong sự thật đời sống. Cuộc sống là điểm xuất phát (là đề tài vô tận, gợi nhiều cảm xúc phong phú ...), là đối tượng khám phá chủ yếu và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật. Thơ ca nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. Những giá trị nghệ thuật chân chính xưa nay đều là những sáng tác bắt rễ sâu xa trong mảnh đất thực tế của thời đại mình. Thơ ca chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ, chỉ chinh phục trái tim người đọc khi thể hiện những vấn đề, những cảm xúc mà con người hằng quan tâm, trăn trở. Nếu thơ ca không bắt nguồn từ hiện thực, xa rời cuộc đời, thoát li thực tại, thơ ca sẽ không thể đến với người đọc, không thể tồn tại trong cuộc đời, khi ấy thơ ca đã tự đánh mất chức năng cao quý nghệ thuật vị nhân sinh của mình.
2. Đối tượng của thơ:
+ Đối tượng của thơ là thế giới tâm hồn, tình cảm của con người. Những cảm xúc, rung động, những suy tư, trăn trở... đều có thể trở thành đối tượng khám phá và thể hiện của thơ.  Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa. Không có chất liệu đời sống thì không làm nên nội dung và giá trị của tác phẩm. Những sự việc đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật. Chính vì vậy, cần thấy rằng thơ ca là cuộc đời nhưng đó không phái là sự sao chép máy móc mà phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ. Thơ ca là hình ảnh của đời sống tươi nguyên được tái hiện qua lăng kính tình cảm của người nghệ sĩ. Vì vậy nếu thơ không có tư tưởng, tình cảm thì đó chỉ là những lời sáo rỗng, nhạt nhẽo, vô vị, tầm thường, chỉ là trò làm xiếc ngôn từ vụng về chẳng thể đánh lừa được người đọc.
3. Đặc trưng của thơ :
+ Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay, ngôn từ sẽ chỉ là những xác chữ vô hồn nằm thẳng đơ trên trang giấy, nói như Ngô Thì Nhậm, thi sĩ phải "xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần" còn Xuân Diệu khẳng định:  "Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc".
+ Văn học phản ánh đời sống con người, với thơ ca cuộc sống không chỉ là hiện thực xã hội bên ngoài mà còn là đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú của chính nhà thơ: "Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim" (Đuybralay)
+ Với người làm thơ, bài thơ là phương tiện biểu đạt tình cảm, tư tưởng. Chỉ có cảm xúc chân thành, mãnh liệt mới là cơ sở cho sự ra đời một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Cảm xúc càng mãnh liệt, càng thăng hoa thì thơ càng có nhiều khả năng chinh phục, ám ảnh trái tim người đọc.
+ Cảm xúc trong thơ cũng không phải thứ cảm xúc nhàn nhạt. Đó phải là tình cảm ở mức độ mãnh liệt nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng tạo. Nhà thơ phải sống thật sâu với cuộc đời mới có thể viết nên những vần thơ có giá trị của sự trải nghiệm ("Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy")
4. Hoạt động sáng tác thơ
+ Thi sĩ trước hết phải là người có tâm hồn giàu rung cảm, sống sâu sắc, trọn vẹn với từng khoảnh khắc cuộc đời để có những cảm xúc mãnh liệt, dồi dào trên mỗi trang thơ; cội nguồn của sáng tác văn học, chính là cảm hứng đột khởi trong lòng của nhà văn. Nhu cầu giải thoát và bộc lộ tình cảm chính là nhu cầu thôi thúc đầu tiên của quá trình sáng tác của nhà thơ qua cây cầu ngôn ngữ. Lamáctin - nhà thơ Pháp - tâm sự : "Thế nào là thơ? Đó không phải chỉ là một nghệ thuật, đó là sự giải thoát của lòng tôi". Thơ là "sự giải thoát của lòng tôi"  - thơ là tiếng nói tâm hồn, tình cảm của nhà thơ với bao buồn, vui, ước mơ, hi vọng....Thơ không chỉ là sản phẩm kì diệu của nghệ thuật ngôn từ mà thơ là phương tiện giao tiếp, bộc bạch tình cảm của người nghệ sĩ với đời. Trong Mấy ý nghĩ về thơ, Nguyễn Đình Thi cũng khẳng định: "Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, tức là chữ - để thể hiện một trạng thái tâm lý đang rung chuyển khác thường". "Lời và những dấu hiệu thay cho lời nói", tức là chữ, chính là phương tiện hữu hiệu nhất, đắc dụng nhất để kết thành thơ vì "yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ" (M.Gorki); để thể hiện một trạng thái tâm lý đang rung chuyển khác thường: nhà thơ ghi lại trạng thái tâm hồn mình đang có những biến chuyển, rung động sâu sắc, mạnh mẽ, căng thẳng nhưng say mê khác thường.
+ Hoạt động sáng tác thơ nói riêng cũng như sáng tác văn học nói chung là một trạng thái tâm lý – thẩm mỹ phong phú và phức tạp, quá trình sáng tạo nghệ thuật đã chuyển tất cả những rung động, nhận thức của người nghệ sĩ về đời sống trở thành những hình tượng nghệ thuật ngôn từ. Đây là một quá trình lao động thầm lặng song cũng đầy vất vả, gian nan trong một niềm say mê vô tận của người nghệ sĩ.
5. Yêu cầu và trách nhiệm của người nghệ sĩ trong lao động thơ ca:
+ Lao động thơ là lao động nghệ thuật - nó đòi hỏi công phu, tâm huyết và sự sáng tạo. Sáng tạo sẽ đem đến cái mới, công phu tâm huyết sẽ tạo nên sự hoàn hảo và chiều sâu. Văn chương tồn tại bởi nội dung tư tưởng song tồn tại bằng ngôn từ nghệ thuật. Nếu chất liệu ngôn từ không được lựa chọn và gọt giũa, sức biểu đạt của nó kém đi sẽ khiến tư tưởng, tâm huyết của nghệ sĩ không thể hiện được trọn vẹn, tính nghệ thuật của tác phẩm giảm sút, sức hấp dẫn nghệ thuật kém sẽ khiến những giá trị còn lại dù có cũng khó phát huy tác dụng. Thơ ca lại càng đòi hỏi điều này vì nó có những đặc trưng mang tính loại biệt (trong phạm vi dung lượng giới hạn, thơ cần biểu đạt một cách sâu sắc, tinh tế tư tưởng, tình cảm, khát vọng bằng hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ và có sức mê hoặc mạnh mẽ). Nguyễn Công Trứ tâm sự: "Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời", "nợ" vừa là duyên nợ, vừa là trách nhiệm của người cầm bút với thơ ca; "chuốt" là chỉnh sửa, lựa chọn một cách công phu sao cho đạt tiêu chuẩn cao nhất về mặt thẩm mỹ. "Chuốt lời" vì thế sẽ là sự thể hiện của tài năng, cũng là sự thể hiện trách nhiệm của nhà thơ với thơ và với người đọc. Nói tóm lại: người nghệ sĩ phải sáng tác từ những xúc cảm chân thành nhất, tha thiết nhất, phải lựa chọn ngôn từ chính xác nhất, tinh lọc nhất.
+ Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Vì vậy, thơ ca cũng đòi hỏi nhà thơ phải in dấu tâm hồn, trí tuệ mình vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay. Nhờ khả năng sáng tạo tuyệt vời mà các thi nhân luôn tìm ra những cách nói mới về những điều đã cũ. Nếu không có sáng tạo, không có phong cách riêng thì tác phẩm và tác giả đó sẽ không thể tồn tại trong văn chương. Những sáng tạo về hình thức biểu hiện rất phong phú qua thẻ loại, cấu tứ tác phẩm, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ ...
+ Nhưng để có thơ, để diễn tả được những cảm xúc để có hạnh phúc vô biên thì đó là một công việc đầy lao lực. Vì người làm thơ chính là người nghệ sĩ làm nghệ thuật cần biết sáng tạo, biết chắt lọc, cần có tài năng. Ví như Maiacôpki đã phải kêu lên:
Nhà thơ phải trả chữ
Với giá cắt cổ
Như khai thác
Chất hiếm "radium"
Lấy một gam
Phải mất hàng năm lao lực
Lấy một chữ
Phải mất hàng tấn quặng ngôn từ.
Thơ có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn con người cho nên ngoài là nơi dừng chân của tâm hồn thì nó còn có tác dụng sâu xa hơn nuôi dưỡng và hình thành nhân cách. Đọc thơ, làm thơ người ta là truyền tải những bài học bằng tình cảm nên có có tác dụng lay chuyển con người làm con người ta vươn tới cái chân, thiện, mĩ; nó tác động cải tạo tư tưởng, đạo đức của con người.
6. Hoạt động tiếp nhận và thưởng thức thơ ca:
+ Độc giả tìm đến với thơ ca trước hết cần lắng lòng mình để cảm nhận những nỗi niềm tâm sự người nghệ sĩ gửi vào trang viết, cũng phải sống hết mình với tác phẩm để hiểu được thông điệp thẩm mỹ của tác giả, để sẻ chia, cảm thông với tác giả. Nhà thơ Tố Hữu quan niệm: "Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó". "câu thơ" là sản phẩm lao động sáng tạo của nhà thơ, cũng là hình thức tồn tại của những tư tưởng tình cảm mà nhà thơ gửi gắm. "Đọc" là hành động tiếp nhận và thưởng thức của người đọc. "Tình người" là nội dung tạo nên giá trị đặc trưng của thơ - là nội dung tình cảm, cảm xúc của thơ. Từ ý nghĩa cụ thể của từ ngữ, có thể hiểu ý kiến của TH đề cập đến giá trị của thơ từ góc nhìn của người thưởng thức, tiếp nhận thơ: giá trị của thơ là giá trị của những tư tưởng tình cảm được biểu hiện trong thơ. Tình cảm, cảm xúc càng sâu sắc mạnh mẽ, càng lớn lao đẹp đẽ sẽ càng khiến thơ lay động lòng người.
+ Với người làm thơ, bài thơ là phương tiện biểu đạt tình cảm, tư tưởng. Chỉ có cảm xúc chân thành, mãnh liệt mới là cơ sở cho sự ra đời một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Cảm xúc càng mãnh liệt, càng thăng hoa thì thơ càng có nhiều khả năng chinh phục, ám ảnh trái tim người đọc. Với người đọc thơ, đến với bài thơ là để trải nghiệm một tâm trạng, một cảm xúc và kiếm tìm sự tri âm. Do vậy, khi tìm đến một tác phẩm thơ, người đọc quan tâm nhiều tới cảm xúc, tới tình cảm mà nhà thơ kí thác.

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ THƠ
1. Giọng ca buồn là thích hợp nhất cho thơ. (Etga Pô)
2.Thơ ca phải say mới thích. (Tố Hữu)
3.Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế. (Hoài Thanh)
4.Thơ chính là tâm hồn. (M. Gorki)
5 .Thơ là thơ đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng. (Sóng Hồng)
6.Thơ là tiếng lòng. (Diệp Tiếp)
7.Thơ là thư kí chân thành của trái tim. (Duy bra lay)
8.Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Để đạt được một lúc ba điều ấy đối với các thi sĩ vẫn còn là điều bí mật. (Trần Đăng Khoa)
9.Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. (Sóng Hồng)
10. Bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu thơ mà chỉ còn thấy tình người và tôi muốn thơ phải thật là gan ruột của mình. (Tố Hữu)
11. Hãy hát lên khi mỗi mảnh hồn anh là một sợi dây đàn (Platông)
12.Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa. (Xuân Diệu)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro