Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

X


         Con gà của nhà hàng xóm bắt đầu gáy tiếng thứ nhất, ông chủ nhà trọ đã lên nhà trên đánh thức những ông khách trọ.

         Anh em Vân Hạc và Đốc Cung, Khắc Mẫn hoảng hốt tung chăn ngồi dậy. Trước ánh lửa đùng đùng của ngọn đóm nỏ trong tay ông chủ, mọi người ay ó dụi mắt trông ra ngoài sân. Trời vẫn tối mù mù. Mấy tàu lá chuối sau nhà đương phì phạch đánh nhau với ngọn gió bấc. Hơi rét thấu đến tận xương.

         Lần lượt châm lửa vào mấy đọi đèn trên những chiếc quang treo lủng lẳng ở dưới xà nhà, ông chủ vui vẻ đi xuống nhà dưới. 

         Thằng nhỏ nhanh nhảu đệ lên dãy phản của các ông khách hai cái hoả lò than đỏ rừng rực. Rồi một thằng khác đem tiếp vào đó tất cả một bộ khay chén và một ấm siêu nước sôi.

         Vân Hạc dích ra giữa phản vừa pha nước, vừa khoác cái chăn sù sù.

         Ngoài sân vẫn gió to, thỉnh thoảng lại có giọt mưa lách tách rỏ xuống tàu chuối.

         Gà gáy giục, cuộc trà vừa tan. Một nai rượu và một mâm đồ ăn lù lù tiến lên thay chỗ cho bộ ấm chén. Ông chủ vui cười nói với bọn khách:

         - Thưa các ngài, hôm nay là ngày vào kỳ đệ nhị, các ngài tuy không dặn làm, nhưng tôi thành tâm sửa thêm nai rượu, xin mời các ngài xơi tạm để giúp thêm cho khiếu văn.

         Tiêm Hồng lễ phép cám ơn và bảo ông ấy vào ngồi uống rượu. Nhưng mà ông ta từ chối không dám, rồi xuống nhà dưới.

         Vân Hạc, Đốc Cung quay vào rót rượu, so đũa. Tuy rằng ai nấy vẫn chưa hết cơn dở ngủ, uể oải không muốn ăn uống, nhưng cuộc rượu vẫn cử hành trong một cảnh tượng vui vẻ. Riêng có Khắc Mẫn chỉ nhắp vài hớp, rồi gọi thằng nhỏ lấy cơm. Thày kéo một mạch hết bốn, năm bát, rồi đứng phắt dậy, rửa miệng, uống nước và đi sắp sửa đồ đạc của mình.

         Gió vẫn thổi dữ. Mưa càng nặng hột hơn trước. Trời càng tối đen như mực. Khắc Mẫn rối rít giục bọn Vân Hạc uống rượu phiên phiến để đi ra trường. Nhưng bọn này vẫn cứ kề cà chén thù, chén tạc.

         Nóng ruột, Khắc Mẫn liền bảo thằng nhỏ châm đuốc cho mình. Rồi thày giở một chiếc áo tơi khoác vào lưng và lấy lều, chiếu, yên, lọ, đeo hết lên cổ. Với dáng bộ lật đật, thày nhìn vào bọn Vân Hạc:

         - Các anh ra sau nhé! Tôi phải đi trước, vì tôi phải vào trước các anh.

         Đốc Cung mỉm cười:

         - Sao mày tự làm khổ cái thân mày như vậy? Bây giờ quan trường còn ngủ, chứ dễ người ta đã ra cửa trường để đón mày vào đó chắc? Ra từ bây giờ để đứng cửa trường mà run đấy à!

         Khắc Mẫn không trả lời, tất tả bước luôn xuống thềm. Cả bọn trong này đều cười sằng sặc. Giây lát thấy thày bước lên, mỗi người hỏi mỗi câu:

         - Không đi nữa à?

         - Quên cái gì đấy?

         Khắc Mẫn không để ý đến những câu hỏi ấy, thày lừ lừ nhìn mặt Tiêm Hồng:

         - Tôi sẽ đóng ở gần nhà Thập đạo. Lát nữa bác vào, thế nào cũng đến đấy nhé.

         Tiêm Hồng gật đầu, Khắc Mẫn lật đật xuống thềm, rồi đi. Đốc Cung vừa cười vừa nói:

         - Cái ngu nó làm cho người ta phải khổ như thế.

         Vân Hạc đón lời:

         - Vì nó nhiệt tâm về công danh, ngồi đây sốt ruột không chịu được, cho nên phải đi. Chứ nó cũng không quá ngu đến nỗi không biết bây giờ quan trường chưa ra, ra đó cũng đến đứng đó.

         Gió lạnh.

         Mưa đã nhẹ hột.

         Ngoài sân trời sáng mờ mờ.

         Nai rượu cũng đã gần cạn. Mọi người bắt đầu ăn cơm.

         Cuộc rượu tan, ngoài phố có tiếng người đi rầm rập.

         Tiêm Hồng gọi thằng nhỏ đem hết lều, chiếu, yên, tráp lên đó, để ai nấy kiểm điểm một lượt xem có quên thiếu thức gì hay không.

         Đoàn Bằng ngó ra ngoài sân rồi nói:

         - Mưa to thế này, chắc là trong trường lội lắm. Bây giờ giữ sao cho hai cái chân khỏi lấm?

         Đốc Cung phụ hoạ:

         - Ừ, nếu chân lấm mà ngồi lên chõng, có khi nó sẽ dây ra quyển văn...

         Vân Hạc nói:

         - Thôi thì mỗi người đành phí một đôi bít tất. Bây giờ cứ đi bít tất mà lội bùn. Vào trường, đóng lều xong, sẽ tháo vứt đi.

         Tiêm Hồng khen:

         - Cái đó thông đấy. Cũng chỉ còn có cách ấy có thể làm cho chân sạch.

         Rồi cả bốn người cùng đội nón, khoác áo tơi, hai chân xỏ bít tất, sàm sạp bước xuống sân đất với những đồ đạc đeo xúc xích ở vai và cổ.

         Vân Hạc ra bộ cáu kỉnh:

         - Cái nước nhà mình nghĩ cũng buồn cười. Bao nhiêu ông to, ông lớn, làm rường, làm cột cho nước nhà đều ở thi mà ra, thế mà làm sao người ta lại không chịu làm vài chục gian nhà, để cho chúng mình ngồi thi?

         Đoàn Bằng cắt nghĩa:

         - Không phải các cụ ngày xưa đều không nghĩ đến điều đó. Nhưng trong trường thi hương, không thể cất nhà cho học trò ngồi thi. Là vì học trò đông quá, cất đến mấy chục gian nhà cũng không đủ chứa. Vả lại, thi ở giữa trời, các quan ngự sử còn có thể đứng trên chòi mà nhìn xuống dưới để rình những kẻ gian lậu, chứ nếu thi ở trong nhà, thì các ông ấy ngồi đâu mà canh?

         Đốc Cung ngắt lời:

         - Thì quan ngự sử cứ vào trong vi mà coi chẳng được hay sao? Sao lại cứ phải đứng ở trên chòi mới được?

         Tiêm Hồng đáp:

         - Không được! Các ông ngự sử cũng đều là người biết chữ. Nếu vào trong vi, lỡ các ông ấy gà cho học trò thì sao? Bởi vì cần phải phòng bị chỗ đó, cho nên, người ta mới cắt các ông đề điệu phải đem đầu bài xuống dán ở trong cái vi. Ông đề điệu là người dốt đặc một chữ không biết, không thể gà cho ai được.

         Đốc Cung đương toan nói thêm, đằng sau bỗng có tiếng kêu "trời", làm cho ai nấy đều phải giật mình quay lại.

         Một ông cụ già đầu bạc râu bạc đương nằm chỏng gọng trên đường, cuộn áo lều gác chéo giữa cổ, chiếc chõng tre và cái tráp sơn đè sấp đè ngửa trên bụng.

         Thì ra, vì đường trơn quá, ông cụ tuổi già sức yếu, bị toại, không thể gượng nổi, phải ngã bổ kềnh ra đó.

         Cả bọn vội vàng chạy lại, kẻ nhắc lều chõng, người nâng ông cụ trở dậy. Ông cụ chỉ run cầm cập, mặt mũi xám ngắt, không thể nói được một câu nào. Vân Hạc vừa dắt ông cụ vừa lẩm bẩm:

         - Khốn nạn! Bấy nhiêu tuổi đầu, còn thi với cử làm gì cho khổ thế này?

         Đốc Cung có ý ái ngại ông cụ, chàng nói:

         - Trời đang mưa rét, ông cụ già nua như vậy, nếu vào trường chưa chắc đã viết được văn. Hay là chúng mình hãy đưa ông cụ vào một nhà nào gần đây, để cho ông cụ nằm nghỉ.

         Ông cụ khi ấy đã hơi hoàn hồn, nghe nói, vội vàng xua tay và cất cái giọng run run:

         - Các thày... hãy cứ làm ơn dắt lão đến cửa trường... Lão thi đã sáu khoa rồi, khoa này mới được vào kỳ đệ nhị; sống chết lão cũng vào trường cái đã!

         Vân Hạc cố gàn:

         - Nhưng mà chúng tôi sợ cụ không thể chống nổi với sức mưa rét...!

         Ông cụ vẫn vừa run vừa nói:

         - Nhất là chết ở trong trường lão cũng cam lòng.

         Tiêm Hồng lại hỏi:

         - Cụ vào vi nào?

         Ông cụ đáp bằng tiếng tai:

         - Lão vào vi tả.

         Vân Hạc nhanh nhảu tiếp lời:

         - Vậy thì cụ đi với tôi! Tôi cũng vào vi tả đây!

         Bốn người bèn cùng chia nhau mỗi người mỗi việc: kẻ xách yên, người đeo lều chõng, kẻ cầm cánh tay phải, người nắm cánh tay trái, cùng dìu ông cụ đi đến cửa trường.

         Trong trường vừa nổi một hồi trống cái báo tin quan trường sắp ra.

         Trên khu đất trước cửa vi giáp, học trò đã đến tấp nập.

         Kỳ này bị hỏng rất nhiều, số người chỉ độ bằng một phần ba kỳ trước.

         Mọi người trao trả ông cụ các thứ đồ đạc, rồi cùng chia ngả đi tới các vi. Vân Hạc dắt được ông cụ đến cửa vi tả, người lính cầm loa ở cạnh ghế tréo đã bắt đầu gọi tên học trò.

         Chiều trời tự nhiên lại thấy tối sầm. Gió bấc lại nổi ào ào. Mây đen tự nẻo chân trời đùn đùn tiến lên giữa trời, và lan ra khắp bầu trời. Đánh nhoàng một cái, mọi người đều phải loá cả hai mắt. Vòm trời đen kịt như bị nứt ra nhiều vết, những luồng chớp nhoáng chói lọi đồng thời bật ra và thi nhau vằn vèo chạy đi chạy lại như đàn rắn vàng. Tiếng sét đoành đoành nổi lên như phá góc trời tây bắc; nó dồn nhau, nó đuổi nhau, nó ù ù đưa nhau sang mãi góc trời đông nam, làm cho tầng không chuyển động như sắp sụp đổ.

         Hột mưa lớn bằng quả ổi lác đác sa xuống mặt đất, xuống nón học trò, và lộp bộp rơi xuống đôi lọng xanh của ông phân khảo đương chễm chện ngồi trên ghế tréo với áo thụng xanh, mũ cánh chuồn và cây hốt ngà voi.

         Công việc lúc này có vẻ cấp bách.

        Người lính cầm loa luôn luôn thét không dứt miệng. Mỗi tên một người học trò chỉ được gọi đến hai lần. Nếu ở dưới không có tiếng thưa, tức thì người ta gọi luôn tên khác. Bọn lính thể sát làm việc cũng rất lạo thảo. Với các đồ đạc của học trò, học chỉ nhòm ghé qua loa, thấy không có vẻ khả nghi thì thôi.

         Trời cũng doạ chứ chưa làm thật. Sau khi học trò, quan trường, lính tráng vào hết trong trường, gió vẫn ào ào, sấm vẫn ù ù, chớp vẫn nhấp nhoáng, nhưng cơn mưa vẫn không lớn thêm. Người ta đoán rằng trời mưa để làm hoa rét, chứ cái tiết mùa đông, tháng giá, ít khi thấy có mưa to. Mà thật vậy, chỉ có cái rét là đáng ghê sợ. Được có mưa gió giúp sức, cái khí hậu tai ác đó mỗi lúc mỗi tai ác thêm, nó làm cho nhiều người học trò chân tay run lẩy bẩy, mặt mũi không còn sắc máu, hai môi xám nhợt như kẻ ngã ao. Nhất là mấy ông hàn sĩ áo đơn quần mỏng lại càng bị nó hành hạ cực khổ, lắm người cóng đờ cả mười ngón tay, không thể cắm được bộ gọng lều.

         Vân Hạc cũng không khoẻ mạnh hơn ai, chàng cũng lập cập hai hàm răng làm một, tuy trong mình đã quấn mấy lần áo bông áo kép. Lóng ngóng bằng đến nấu chín nồi cơm, chàng vẫn chưa lợp được kín cái lều. Bởi vì ngọn gió quái ác thúc vào đùng đùng, cái áo lều buộc được bên nọ, thì bên kia lại bật ra rồi, có khi nó còn nhổ cả gọng lều lên nữa. May quá, hôm nay chàng vẫn đem theo bốn chiếc cọc nhỏ và một chiếc dùi đục, chàng dùng dùi đục đóng chặt bón cái cọc ấy cho đầu nó xuống sát mặt đất rồi mới buộc chằng vào bốn góc lều. Nhờ vậy, cái lều mới khỏi lung lay.

         Hai bên đầu lều đã được che kín bằng hai chiếc áo tơi, chàng đem cái chõng đặt vào trong lều, rồi toan tháo bít tất bỏ đi. Nhưng lát nữa còn phải đi lấy đầu bài, nếu bỏ bít tất thì chân lại lấm, lấy gì mà lau. Nghĩ thế, chàng lại cứ để cả đôi bít tất ngồi thõng hai chân xuống đất và giở đá lửa đánh lửa hút thuốc. Đôi tất lúc ấy đất nhả bết vào đã thành một đôi ủng đất, nó làm cho chàng hai chân nặng trĩu, hơi rét tê dại da thịt.

         Cái chòi gần nhà Thập đạo thong thả điểm một hồi trống cái. Quan trường phân phát những mảnh giấy viết đầu bài cho hai ông chánh phó đề điệu và các lại phòng đem dán ở bảng cái vi. Theo như thí pháp mới định, kỳ đệ nhị có một bài thơ và một bài phú. Thơ là: "Bang gia chi quang" thể thất ngôn, vần thập tứ diêm.

         Phú là: "Sĩ nguyện lập sư triều" thể luật phú, vần "nhân chính khả duyệt thiên hạ chi sĩ", tất cả tám chữ theo lối thuận áp.

         Vân Hạc coi qua đầu bài rồi trở về lều. Chàng tháo bít tất quăng xuống xó lều và giở ống quyển lấy quyển nắn nót viết năm chữ lớn "Bang gia chi quang thi" và tám chữ con "dụng thất ngôn luật, thập tứ diêm vận", chàng lại bỏ quyển vào ống, bó gối ngồi nghĩ thế cục của tám câu thơ.

         Gió lại thổi dữ. Sấm sét lại nổi ầm ầm. Nước mưa ở đâu đổ xuống sùn sụt. Cái lều của chàng tuy đã có cọc buộc ghì xuống đất, nó vẫn vẹo vọ rung rinh mỗi khi gặp một cơn gió thật. Chốc chốc chàng lại cứ phải nắm lấy gọng lều và ấn xuống đất cho lều khỏi bung.

         Càng về gần trưa, mưa càng dữ dội. Các rãnh trong vi đều thành luồng nước trắng xoá. Bong bóng nổi trên mặt nước lềnh bềnh. Một lát sau, nước dềnh lên khỏi mặt rãnh, nó tràn vào lều và lênh láng chảy qua gầm chõng.

         Vân Hạc đương ngồi trên chõng, gục đầu vào chiếc yên gỗ, hí hoáy viết mấy câu thơ, chợt thấy cái chõng tự nhiên thấp xuống dần dần, rồi nó lún xuống đến sát mặt đất, bùn nước theo khe nan chõng phòi cả lên trên mặt chõng.

         Cái gì mà lạ thế nhỉ?

         Thì ra khu đất trường thi, mấy tháng trước đây, chỉ là những ruộng lúa mùa. Kỳ thi sắp tới, lúa cũng vừa chín. Sau khi lúa cắt hết rồi, người ta đem trâu cày lên và đập qua loa cho vỡ những tảng đất lớn. Rồi họ đánh thành từng luống như luống khoai sọ để cho học trò cắm lều lên trên. Kỳ trước được trời nắng ráo, xéo vào luống đất lổn nhổn, tuy có đau chân, nhưng còn sạch sẽ một chút. Bây giờ gặp hôm mưa to, luống đất bị nước ngấm vào, nó thành ra luống bùn, không đủ sức để đỡ cái chõng và một người ngồi. Vì vậy cái chõng mới phải thụt xuống, thụt cho đến khi bốn chân ngập hết như bốn cái cọc mới thôi.

         Vân Hạc cũng như hết thảy mọi người, tuy ngồi trên chõng vẫn không khác gì ngồi dưới đáy ao, đít áo, đũng quần, nước bùn thấm vào bê bết. Gió bấc như có thù riêng, luôn luôn quạt cho giọt mưa hắt vào các khe lều. Vì sợ nước bắn vào, quyển thi sẽ bị tỳ ố, chàng phải quay lưng ra phía ngọn gió, để lấy lưng làm cái bình phong chắn cho hạt nước tàn ác khỏi bay vào đến quyển văn. Nhưng cái lưng chàng không phải là vật kỵ gió, kỵ mưa, nước mưa theo gió hắt vào, nó đã thấm qua mấy lần áo bông, áo kép lọt tới da thịt. Các nước lúc ấy mới độc làm sao, nó vào đến đâu, chàng thấy ở đấy cứ buốt thon thót như bị tên độc bắn phải; miệng thít tha, tay run lẩy bẩy, chàng không thể nào cầm bút mà viết, tuy chàng đã nghĩ được xong bài thơ, một vần "lung" một vần "nhập đề" và một vần "thực" của bài phú. Cái làm cho chàng phải lo hơn nữa là việc lấy dấu "nhật trung". Quyển của chàng đã viết được ba dòng rưỡi ở trang đầu, nghĩa là đến chỗ đóng dấu nhật trung rồi đấy, nhưng mà dấu ấy chưa có, thì còn cứ phải để đó, không được viết tiếp xuống dưới. Lúc tạnh ráo, công việc ấy cũng còn phải chờ, phải đợi, phải chầu chực mất nhiều thì giờ, huống chi bây giờ, mưa gió ầm ầm, đi bằng cách nào cho đến được nhà Thập đạo mà không bị ướt?

         - Thà bỏ mẹ nó mà ra cho rảnh. Thi với cử thế này thật là nhục hơn con chó. Dù có đỗ đến ông gì, làm đến ông gì, cũng không bõ công.

         Chàng vớ luôn lấy quyển văn, đã toan xé toạc làm đôi. Thình lình lại nhớ ra rằng: dù không thi nữa, cũng phải đem nộp quyển trắng thì mới ra được. Nếu không có quyển, bọn lính canh cửa tưởng mình vào làm gà, chúng sẽ bắt bớ lôi thôi. Rồi chàng lại nghĩ: nếu nộp cái quyển có vài dòng chữ tất nhiên sẽ bị liệt vào hạng "duệ bạch", rồi nó đem tên tuổi mình yết ra bảng con thì mình sẽ bị mang tiếng viết không nổi quyển...

         Liều tình với trời, chàng lại cắn răng ngồi mà nghĩ nốt mấy vần phú nữa.

         Gió đã yếu dần, mưa cũng nhỏ dần. Thẳng trên đỉnh đầu, mặt trời đã nhỏn nhoẻn ngó xuống nhân gian bằng bộ mặt tẻ bẽ như bị xấu hổ.

         Vân Hạc vội vàng cầm chiếc ống quyển đi thẳng đến nhà Thập đạo.

         Trong vi bắt đầu nhốn nháo. Kẻ ở phía tả chạy sang, người ở phía hữu chạy lại, quang cảnh không khác một đám trốn loạn. Hết thảy mấy trăm con người, ai cũng như ai, mặt tái mét, môi thâm sì, quần áo lấm bê lấm bết, như người đào dưới đất lên.

         Trên các luống bùn ũng ĩnh, và các rãnh nước lênh đênh, gọng lều, áo lều, áo tơi, chiếu cói, giấy bút, lổng chổng ngổn ngang, không khác khu chợ sau một cơn giông bão.

         Té ra trong lúc mưa gió dữ dội, đã nhiều cái lều không thể đứng vững, bị gió cuốn đi, và cũng lắm ông học trò rét quá, không thể ngồi mà viết văn, đành nộp quyển trắng để tháo lấy thân.

         Trong nhà Thập đạo, người đông như một buồng trò.

         Ngoài bọn quan trường, lại phòng và lính canh gác lại thêm những ông cụ già vì lều tróc, lều giột, xin vào làm văn tại đó.

         Vân Hạc mới chìa ống quyển qua bức rào nứa, một người lính tức thì chạy ra đón lấy và đưa vào nhà Thập đạo cho người lại phòng. Mưa rét cũng có cái lợi, nó lợi cho cái ống quyển không phải nằm chờ phút nào, người lại phòng nhanh nhảu mở ống lấy quyển đóng dấu, rồi lại chuyển cho người lính đưa ra trả chàng.

         Thế là xong cái nạn lấy dấu nhật trung.

         Bấy giờ trong trường, có rất nhiều nước, nước ở các vũng, các rãnh dềnh lên, lênh láng khắp chung quanh lều. Bì bõm trao chân vào cái vũng nước cạnh lều chàng sẽ kiễng chân bước vào mặt chõng. Cái chõng tuy bị dìm dưới bùn, nhưng quần áo chàng lau mãi từ sáng đến giờ, nó cũng không lấm lắm nữa. Chĩnh chệm ngồi xếp bằng tròn trên chõng, chàng mở tráp lấy cuộn giấy bản để chùi mặt tráp cho khỏi ẩm ướt. Trong bụng đã thấy hơi đói, chàng bèn giở các quà bánh, ăn chập ăn chuội vài miếng, rồi mới cắm đầu vào viết. Lúc đầu tay hãy còn cóng, nét chữ hãy còn hơi run nhưng chàng viết độ vài dòng, thì tay lại thuần, chữ lại hoạt bát như trước.

         Mải miết viết luôn một mạch, chừng nửa buổi chiều thì đến vần "chi". Trời lại tự nhiên sầm tối, rồi lại mưa gió sấm sét ầm ầm. Bây giờ lại càng rét hơn sáng ngày. Quần áo tuy đã khô ráo, mà chàng luôn luôn thấy như  nước đổ vào lưng, da thịt cứ buốt thon thót. Bấm gan viết nốt vần "sĩ", chàng đọc lại quyển từ đầu đến cuối để đếm những chữ xoá, sót, móc, chữa và biên vào dưới chữ "cộng quyển nội". Thoát nạn.

         Thôi, còn tiếc gì của nữa, chàng bỏ tất cả lều chõng đồ đạc, chỉ cởi lấy đôi áo tơi để khoác vào mình cho khỏi mưa ướt, rồi chàng đội nón và cầm ống quyển đi ra.

         Tuy chưa có trống thu quyển, nhưng cái cửa sang nhà Thập đạo đã ngỏ, chàng đến trước nhà Thập đạo và đưa quyển văn ra nộp, vừa gặp lúc ông chủ khảo vơ vẩn ở đó. Ngài tự đón lấy quyển văn của chàng và mở ra coi mấy câu ở đầu trang. Rồi ngài lẩm nhẩm gật đầu và khen:

         - Giỏi lắm! Mưa rét như vậy mà còn viết được những câu như thế này, đáng sợ thật! Có lẽ thủ khoa sẽ về người này...

         Thì ra trong trường lúc ấy, trừ ra những người rét không viết được, phải trả quyển trắng đi ra, chàng tức là người nộp quyển thứ nhất. Vì vậy mới được quan trường ngó đến. Trước sự khen ngợi của ông chủ khảo, chàng cứ im lặng qua cửa chính trước nhà Thập đạo rồi ra.

         Ngoài trường lại càng rét dữ. Đường đi vừa lội vừa trơn như mỡ, chàng dò mãi không được một bước. Hạt mưa chua chủa như những mũi tên, luôn luôn theo gió bắn vào mặt chàng. Chàng đương đập hai hàm răng để chống lại với mưa và gió, thình lình thấy có tiếng hỏi:

         - Thưa ông đã ra.

         Nhưng chàng không thưa vì không biết người ta hỏi ai. Tiếng hỏi lại cố tranh với tiếng gió:

         - Ông Hạc! Lều chõng của ông đâu cả?

         Chàng vội vuốt những giọt nước tràn trụa trên mặt để mở mắt nhìn xem người nào. Nhưng cái mặt người ấy đương bị tùm hụp dưới chiếc nón sơn khiến chàng nhìn mãi mới biết đó là thằng bếp nhà trọ. Chàng hỏi:

         - Anh đến đây làm gì?

         Thằng bếp chạy đến nắm cánh tay chàng dắt đi và đáp:

         - Ông chủ sai con ra đón lều chõng cho các ông. Sao ông lại không đem đồ đạc gì về thế này?

         - Ai có phải tội mà đèo bòng những của tội ấy! Tao bỏ hết trong trường rồi.

         - Thế thì ông để con dắt ông vậy.

         Vân Hạc nói không ra hơi:

         - Thôi, anh ở đây đợi các ông kia. Nếu các ông ấy đem lều chõng ra, thì anh đeo giúp cho họ, tôi đi về một mình cũng được, không phải dắt.

         - Bây giờ vẫn chưa có trống thu quyển, những ông kia có lẽ còn lâu mới ra. Vậy để con đưa ông về, rồi lại ra đây đón các ông ấy cũng vừa.

         Lúc này cơn rét như đã ngấm vào tim phổi, chàng chỉ lẩy bẩy chực ngã, tưởng như  nếu đi một mình, không khéo thì không về được đến nhà. Vì vậy chàng không từ chối cái hảo tâm của anh bếp.

         Bì bõm lội trên con đường lênh láng bùn vữa, chàng đã mấy lần trượt chân chực lăn xuống đất, tuy đã được có thằng bếp khoẻ mạnh làm cột cho mình nương tựa.

         Tới nhà trọ, trời đã gần tối. Ông chủ trọ sốt sắng đợi ở trước cửa. Thấy chàng, ông ta đon đả chào hỏi:

         - Ối chà. Rét quá, ông nhỉ! Tôi không thấy khoa nào đương thi lại bị mưa gió dữ dội thế này. Xin mời ông vào trong nhà sưởi ấm cái đã, rồi sẽ thay đổi quần áo.

         Vân Hạc chỉ nói được một tiếng vâng. Rồi chàng run rẩy bước lên trên thềm.

         Giữa gian nhà giữa, đống củi đương nỏ đùng đùng, mấy chiếc ghế nhỏ la liệt bày khắp chung quanh. Chàng không kịp rửa hai chân lấm, chỉ lật được chiếc nón sơn và đôi áo tơi quăng ra giữa nhà, rồi sà luôn vào chiếc ghế gần nhất ở cửa.

         Độ một giờ sau, Đốc Cung, Tiêm Hồng, Đoàn Bằng lần lượt tiến về. Ai cũng như nấy, quần áo lấm như trâu vùi, mặt mũi không còn sắc máu. Trời đã tối mịt, mới thấy Nguyễn Khắc Mẫn với tất cả đồ đạc lỉnh kỉnh của thày.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro