1
Nước mắt của những đứa trẻ thực chất không hề giống nhau. Những đứa trẻ sống trong những gia đình trung lưu thường khóc ra những giọt nước mắt trong veo, đến nỗi người ta có thể tình cờ trông thấy gương mặt đang nhăn nhó, lo lắng phản chiếu lại. Nhưng nước mắt của những đứa trẻ sống trong những khu xóm nghèo khó lại mang một màu khác. À không, đúng hơn là những màu khác nhau. Vì ẩn chứa trong sự đau khổ ấy lại là những câu chuyện rất cá nhân. Nước mắt của đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thường có màu xám đục, vì khái niệm về hạnh phúc gia đình trong chúng thường rất mong manh. Nước mắt của đứa trẻ sống trong gia đình khó khăn lại thường có màu xám nhạt, bởi lẽ trộn lẫn với nó thường là những vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh vốn dĩ không hề dễ dàng gì ngoài kia.
"Nước mắt của mình màu gì?", Phụng nhìn chằm chằm vào những vệt nước đọng lại trên ngón cái sau khi dùng nó quệt một đường nhẹ ở khoé mắt. Dưới ánh đèn ngủ vàng vàng mờ ảo, lập lờ, thật khó để có thể quan sát được rõ nó là màu gì, nhất là khi nó đọng lại ở trên những ngón tay tróc một miếng da ở bên trái vì cứa vào một mảnh tôn nhỏ khi nhặt ve chai. Phụng chỉ mới chín tuổi, không ai lại tin rằng một cô bé chín tuổi lại nằm co ro dưới nền gạch men lạnh lẽo cùng chiếc gối sẫm màu vì thấm nước mắt. Gần đây Phụng hay khóc, nhưng nó chưa bao giờ khóc lớn. Vì khóc lớn, các anh chị nó sẽ nghe, sẽ lôi nó ra một góc nhà rồi cho vài cái bạt tai vì tội không cho người khác ngủ. Bị đánh lâu dần, thành ra Phụng không muốn khóc nữa, ít nhất là trước mặt người khác.
Ba má Phụng bán nhà trả nợ và cùng bảy đứa con của mình thuê căn trọ một lửng ở xã Hưng Long gần một khu xí nghiệp làm giày. Phụng là đứa thứ sáu, đằng sau nó còn nhỏ Phương Anh sáu tuổi và thằng út Hậu bốn tuổi. Nhà nó coi bộ nhiều xào xáo, vì anh hai và chị ba của nó được ăn học đến nơi đến chốn nhưng lại bỏ giữa chừng để nhường cho các em phía sau. Rồi đến lúc má sanh nhỏ Trúc - đứa thứ năm - thì ba lại lâm vào cảnh đề đóm, cờ bạc, thành ra những đứa sau lại phải nghỉ học. "Ổng mà không thất nghiệp chắc giờ tụi nó đi học hết ráo rồi", má Phụng đay nghiến nhiều lần mỗi hận thù này với mỗi khu mà nhà Phụng trọ qua. Lúc chuyển đến khu nhà mới, ba má nó có xin vào làm công nhận đóng giày trong xí nghiệp; anh hai, anh tư thì đi làm nhặt banh ở sân tennis thượng lưu ở quận 7, còn chị ba thì đi lấy một ông chồng cũng ghiền đánh đề như ba chỉ, rồi không biết số phận của chị có y chang má hay không. Cũng bởi vì nhà thường xuyên không có người nên Phụng phải ở nhà cùng chị Trúc lo cơm nước cho hai đứa em nhỏ; lâu lâu có người đến đập cửa đòi tiền nợ thì hai đứa nó cũng nhận nhiệm vụ đuổi khéo người ta.
Phụng thèm đi học; có một đồng phục, một cuốn sách, một cái cặp công chúa để đi học là khao khát của nó mỗi khi nằm xuống dưới gối, khi chỉ có bảy tuổi. Mỗi lúc má sai nó cầm cái ca đi mua trà đường, Phụng thường dừng lại ở các bảng hiệu, nó nhìn hình ảnh được trang trí bên trên đó, nhìn cả những con chữ như lăng quăng mà nó còn lâu mới có thể hiểu được. "Chữ a người ta nói là cái này nè, rồi chữ b nữa...". Có lần nó lo ngắm bảng hiệu mà đi mua đồ lâu quá, về nhà lại bị má lôi ra trước sân, cầm cán chổi đánh cho một trận, cô năm Hương nhà may kế bên phải chạy ra can ngăn kịp thời, nếu không chắc má đánh nó tới gãy cây chổi thì thôi. Phụng nghe má nói rằng chuyện con gái đi học không dành cho những đứa nghèo như nó; rồi nó đáp lại một câu xanh rờn: "Sao mình nghèo vậy má?". Như một phản xạ quen thuộc, má dùng một lực vừa phải nhấn xuống ót Phụng, làm nó chúi người về phía trước: "Mày đi mà hỏi thằng cha già của mày".
Có hôm Phụng thấy thằng Phước con cô năm Hương kế bên đem bán đống sách cũ cho ve chai được trả hai ngàn một kí, Phụng mới chạy lại xin một hai quyển về đọc. Kết cuộc là nó bị cô thu ve chai chửi cho một trận, cũng may là chưa méc mẹ nó. Kể từ đó, Phụng mới xin đi nhặt ve chai kiếm tiền, nhưng cái cốt là để nó đi lượm về vài cuốn sách người ta bỏ để xem. Có lần nó nhặt được quyển truyện ma của Người khăn trắng, mở ra toàn chữ là chữ, nhưng hễ có những nét vẽ minh hoạ là nó lại đem ra ngắm nghía, rồi lại đoán già đoán non nội dung được viết bên trong. Thấy nó cầm cuốn sách ngồi lom khom trong bãi cỏ mắt mèo, chú Trung bán báo mới định giúp đỡ nó: "Nè, đi lại đây tao cho mấy cuốn truyện con tao để đọc, ngồi ở đó hoài là muỗi cắn chết mày đó". Nghe xong câu đó, ánh sáng tràn ngập hai đáy mắt Phụng, nó chạy đến xoè hai bàn tay ra nhận truyện rồi cảm ơn chú Trung lia lịa. Nhà Phụng chật, hầu như không có giường nằm, chỉ có mấy tấm mền mỏng dùng để lót lưng khi ngủ. Phụng mới đến góc nhà chỗ có cái gạc măng rê cũ má dùng để đựng tô chén, cẩn thận xếp hai cuốn truyện rồi lấy cái rổ dằn lại. Nhưng với cái cách giấu sơ sài đó, má sớm phát hiện rồi đem đốt hết với lí do "tha rác về nhà". Sau sự việc đó, Phụng buồn tới mấy ngày, không dám đi ngang qua chú Trung vì sợ chú hỏi về hai quyển truyện đó.
Cuộc sống của những đứa trẻ xóm Hưng Long cũng không khấm khá hơn Phụng là bao, bởi tụi nó đều mù chữ, phải đi mưu sinh từ rất sớm. Phụng cũng thường ra xóm chơi cùng tụi nó, nhất là nhỏ Như - đứa hơn nó một tuổi. Như thường xuyên qua nhà trọ của Phụng để chơi, nhưng má Phụng lại không có thiện cảm với vị khách này lắm. Má thường mượn cớ nhà ăn cơm để đuổi khéo nó, còn hăm doạ sẽ chia đôi phần cơm của Phụng nếu còn dắt Như tới nhà giờ cơm. Như hay cùng Phụng chơi ô ăn quan ở sân trước khu xí nghiệp giày. Nếu có thêm mấy đứa con trai, chúng sẽ cùng chơi cá sấu lên bờ; hôm hái được tấm lá chuối già thì lại cho hai đứa con gái ngồi vào kéo vòng quanh sân. Tiếng lá chuối cọ xan xát xuống mặt đường đá, tạo nên những âm thanh vui tai mà người lớn nào hễ đi ngang qua cũng muốn đi chậm lại để nghe, để hoài niệm về một kí ức xa xôi nào đó. Bọn trẻ chơi đến khi đèn đường bật lên, hoặc có một đứa vô tình bị té trầy tay thì sẽ lập tức giải tán. Tiếng cười nói của chúng làm cho khu xóm trở nên nhộn nhịp, sôi nổi hẳn; không ai dám la rầy chúng, vì họ cũng biết rằng chỉ khi chơi đùa như vậy, chúng mới quên rằng mình nghèo, mình khổ mà sống như những đứa trẻ thực sự.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro