Tiếng hát phố Khâm Thiên và một gã cầm bút họ Lý khờ dại
Lạp Lệ Sa quay lại nhìn tôi, vẫn với gò má nay đã trở nên xương xẩu tiều tuỵ , có lẽ vì thời gian qua em bị bòn rút sức lực nhiều; nhưng trong mắt tôi lại vẫn yêu kiều và khiến tôi tôn thờ như một con chiên ngoan đạo mà thốt ra hai tiếng nàng thơ như ngày nào.
Hôm nay có một ông đốc Tây giàu có chuộc em ra khỏi nhà trò.
Tôi vẫn luôn ám ảnh ánh mắt đó, có chút gì đó bi thương ẩn dưới làn mi lóng lánh giọt lệ, tất nhiên là em đủ bình tĩnh để kìm lại không cho chúng lăn dài trên gương mặt đã được trang điểm cẩn thận bởi một cô nàng nào đó tân thời và nghệ sĩ, mà có lẽ hắn ta phải bỏ ra cả chục bạc để nhờ cô ả tân trang cho nhân tình của mình.
Tôi luôn tin một ả đào xinh đẹp, đoan trang khiến cho người ta có cảm giác muốn bảo vệ, muốn chở che như em, không sớm thì muộn, sẽ có kẻ si tình nào đó sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được em, mặc cho những dấu vết nhơ nhuốc mà nhiều gã đàn ông khác để lại trên xác thịt. Vĩnh Khâm tôi tin rằng cũng là một trong số ấy, có thể là đã từng, hoặc vẫn luôn, nhưng không ai phủ nhận thứ ái tình rực lửa mà tôi đã trót trao em từ lần đầu tiên nghe thấy tiếng hát người ca nương họ Lạp.
Em vốn người nước Xiêm sau lưu lạc về An Nam, lại ngay chốn Hà thành phồn hoa đầy cám dỗ, nơi mơ ước của kẻ quê mùa khắc khổ nhưng lại mang tâm hồn tinh sạch và thuần khiết, hơn hẳn lũ dân nội thành lúc nào cũng trong tình trạng sống dở chết dở vì chế độ, chuyện thuế má và đủ mọi vấn đề đến từ điều kiện sống trong thành phố. Tất lẽ dĩ ngẫu rằng chẳng ai muốn dấn thân vào mấy cái ca lâu lúc nào cũng ỉ ôi tiếng bọn đào hát, đào rượu mơi khách, tiếng đàn đáy nghe đứt từng khúc ruột của lũ kép, tiếng trống chầu thỏa mãn của mấy ông quan viên, hoà cùng âm thanh chửi rủa chói tai của những mụ vợ đánh ghen. Em lại là kẻ tha hương xa xứ, có cái dòng máu ngoại chảy trong người, chỉ cần khôn ngoan và biết dùng mánh khoé là có thể phất lên liền.
Cao quý thay cái gốc gác của em, là con là dân đất thiêng hồn thánh Xiêm La, nơi mà những nhà cầm quyền Pháp quốc còn phải e dè, mềm mỏng. Ấy vậy mà thân em vẫn ra như vậy đây, ngồi trên sập gỗ trải chiếu hoa ngân nga những giai điệu truyền thống của một đất nước khác, uống rượu, châm lửa đốt phiện đen cho khách.
Cuộc sống của em gò bó vào chốn bức bối ngập ngụa sự vụng trộm này chỉ vì hai chục bạc chẵn - một cuộc giao dịch không chút tình nghĩa của cô chủ cũ và bà Năm, người sở hữu ca lâu. Dẫu gì thì em cũng chẳng ham cái kiếp con sen cho người ta đè đầu cưỡi cổ, đến phải nuốt trôi cái nhục nhã mỗi lần bị thằng hầu xe trong nhà đụng chạm cùng với cơm thừa canh cặn của chủ. Em không nhận mình là con sen thạo việc, nhưng em tự tin mình là ả đào đắt khách nhất phố Khâm Thiên. Việc gì phải rửa dọn lau chùi để kiếm ăn và phải lén lút trộm lấy mấy hào mua rau mà tích dần đổi nhật báo, trong khi em có thể dùng tiếng hát của mình để bắt mấy ông lớn móc chiếc ví da trông rất tân thời kia mà đốt vào một đêm với em. Và chắc chắn rằng từ cánh đàn ông thượng lưu vốn đã quen mặt với các ca lâu cho đến lũ phu xe bần tiện khổ cực, lũ mà cà bông thích lừa phỉnh cướp giật ở đất Hà thành này, không ai là không biết Lệ Sa, một mĩ nữ ngoại yêu kiều với tiếng hát đẹp tựa âm điệu đàn lia của thiên thần (theo như lũ thi sĩ tiến bộ theo phong trào Âu hoá tâng bốc em)
Dù hổ thẹn thật, ô nhục thật, nhưng đã bị coi như một món hàng để đổi chác trong tay kẻ có tiền, em chỉ biết phó mặc cho số phận mà thôi. Mà có lẽ chính vì con mắt nhìn đời phủ sầu ấy nên bất cứ kẻ nào cũng muốn động lòng trước em, ngay cả kẻ cầm bút chân chính như tôi cũng vậy.
Tôi là một kí giả tầm trung, lương lậu đủ sống và khoác trên mình cái danh nhà cải cách vì từng được gia đình gửi đi học ở mẫu quốc - đất Pháp xa hoa. Tất cả mọi chi phí đắt đỏ để nuôi sống tôi nơi xứ người đều do bà Lý, một me Tây người Hoa gánh vác. Chẳng hiểu cơ sự gì mà bà phải làm cái "nghề" cũng chẳng ra đâu vào với đâu, nay ân ái với ông này mai ăn nằm với gã kia, chỉ có quanh năm suốt tháng bòn rút tiền "chồng", rồi khi họ về nước lại tiếp tục tìm cho mình một gã người Tây khác mà nương nhờ. Ừ tôi cũng chẳng dám trách cứ gì bà, dẫu sao thì tôi cũng lớn lên, ăn học bằng đồng tiền của những gã đàn ông không phải ruột thịt mình, đổi lại là những đường ái tình điêu luyện của người mẹ mà tôi chẳng mấy khi được gần gũi. Tôi cũng chẳng dám thắc mắc về cha ruột, người mà họ đồn là một gã lính Xiêm, dù lúc nào bản thân cũng thắc mắc. Bởi tôi biết rằng mẹ sẽ chẳng bằng lòng mà moi móc quá khứ lầm lỡ ra kể cho tôi đâu, hẳn thế, và tôi cũng đã an phận mang họ Lý của bà cùng quốc tịch Trung Quốc rồi.
Vì trưởng thành thiếu bóng dáng người cha nên mẹ bù đắp cho tôi bằng cách thắt lưng buộc bụng mà gửi tôi đi du học, ngăn cách tôi khỏi cái hủ lậu, cái quê mùa của nơi đây, thế rồi khi thành tài thì trở về khai sáng cái dân tộc mà tôi chẳng có tí liên can gì ngoài việc cho mẹ con chúng tôi một chỗ ở nho nhỏ.
Nhưng tôi vẫn luôn đau đáu một điều, rằng cớ gì những người phụ nữ như mẹ tôi, như Lệ Sa, và trăm ngàn má hồng khác, cứ phải lưu lạc đến Đông Dương ngột ngạt này làm gì, rồi người đổi đời thành cao sang thì ít mà kẻ không danh phận thì nhiều.
Tôi nhớ như in ngày trở về Hà Nội, tâm hồn thanh niên của tôi đã nhuốm đậm màu lãng mạn của Pháp quốc. Tất cả những thứ tân tiến, xa xỉ nhất đều thấm nhuần vào trái tim kiêu hãnh của một kẻ được ăn học ở chốn phồn hoa, dù thực tình cũng chỉ là gã thực tập quèn đóng dấu tài liệu trong văn phòng luật để kiếm tiền ban ngày, tối lại về viết phóng sự. Nói tôi là một kí giả không sai nhưng cũng chẳng hẳn là đúng. Tôi tự phong cho mình danh hiệu ấy và cũng tự nhận thấy mình đủ đứng đắn, chín chắn mà đường hoàng được làm việc trong toà soạn Đông Dương nhật báo khi trở về. Cho mình cái quyền ưỡn ngực tự hào về năng lực của bản thân, huênh hoang về học vấn, vô tình tôi khoác lên một vẻ ngoài trí thức đến lạ lùng, đi đến đâu cũng một tiếng bẩm ông hai tiếng thưa ngài. Ở trong cái xã hội cũ mới còn chưa rạch ròi, chưa có một chủ trương nào công nhận hẳn một bên nhằm bài trừ bên còn lại, ắt nhiều trò kệch cỡm lắm. Tỉ dụ như tôi vẫn chưa biết xưng hô thế nào cho phải trong một buổi học chữ quốc ngữ có cả các nhà cải cách tân tiến và những vị quan án đứng tuổi mặc áo the khăn xếp. Nhưng dẫu sao thì tôi vẫn biết rằng mình cần phải thích nghi dần thôi, bởi lẽ đâu còn đường quay lại Trung Hoa sau ngần ấy năm.
Việc đầu tiên tôi làm là ra tiệm may đo sắm cho mình một bộ âu phục mới. Chiếc áo sơ mi của tôi đã sờn vai, đường may tinh tế như hồi mới mua của chiếc quần âu màu be cũng bục chỉ. Tôi thưởng cho mình một diện mạo nhã nhặn, xứng đáng cho buổi phỏng vấn với toà soạn ngày mai. Hẳn thế, mẹ tôi vừa lấy một người chồng quyền lục hơn tôi tưởng, và ông bố dượng tốt bụng ấy không ngần ngại dùng những mối quan hệ thân tình có phần phức tạp ấy để bố trí công việc cho tôi ngay lúc vừa về nước. Và cũng nhờ ông ta mà tôi ngay lập tức có những người bạn hữu mới, toàn là những gã công tử đua đòi, con của ông nọ bà kia, sống xa hoa như vua chúa trong những dinh thự nguy nga, tráng lệ. Muốn hay không, để có chỗ đứng trong xã hội, người ta vẫn phải thiết lập những mối quan hệ nhất định, và tôi cũng chẳng phiền mấy về điều đó.
Họ đưa tôi đi đủ chỗ, nào sân quần, nào rạp chiếu bóng, rồi rong ruổi lên cả những con phố cổ cho một cốc bia mà mấy ông viên chức toàn phải uống vội uống vàng cho kịp giờ làm nên chẳng bao giờ thấy được vị ngon thật sự. Sau khi nói đủ chuyện trên trời dưới đất về cái lối sống đầy lạc thú đắt đỏ của mình, anh bạn con ông thư kí toàn quyền Đông Dương mới đánh bạo hỏi tôi:
"Bạn mới về nước, chắc chưa đi đến nhà trò bao giờ. Liệu có hứng thú muốn nghe thử nhạc truyền thống không, tôi đây tình nguyện dẫn bạn đi thưởng thức."
Thành thực mà nói tôi đam mê nghệ thuật dân gian vô cùng. Hồi trước ở cùng mẹ cũng thấy bà có ngón đàn tranh tuyệt đẹp, tiếng hát mĩ miều mà tôi đâm mê. Rồi bà kể cho tôi về hí kịch, về những cô vũ nữ mặc hán phục, những dải lụa thêu, tiếng sáo trúc ngân dài trên hồ sen phẳng lặng. Tôi lặng thinh, chợt thoáng cái nơi máu mủ ruột thịt ấy hiện lên, dầu chưa bao giờ từng đặt chân về đất mẹ. Nghe anh ta rủ rê mật ngọt, tôi cũng bùi tai mà ưng thuận ngay, đã về Hà Nội thì phải đi cho bõ.
"Bẩm, ông lớn ghé chơi, mời ông ạ."
Thằng nhóc mặc chiếc bà ba trắng ngà xỉn, quần nâu xắn cao nom vô cùng sáng sủa trong số mấy kẻ hầu người hạ mà tôi từng thấy nhanh nhảu chạy ra mở cửa cho chúng tôi, có lẽ ông con trai thư kí toàn quyền là khách quen ở đây. Nó lê chân theo chúng tôi mấy bước rồi mau chóng quay lại cổng như thể biết được chốn xa hoa sau tấm rèm kia không dành cho mình, tiếp tục đón những ông quan tai to mắt lớn, những gã tri thức giàu sụ và đủ mọi loại khách trong giới thượng lưu tới nghe hát. Không gian phòng chờ được bài trí theo lối cổ, với tủ chè, mấy bộ bàn ghế, sập ụ gỗ sơn đen và mấy món trang trí cẩm thạch bày bên trên, cũng có vẻ chừng chục bạc cho một chiếc bình, tấm tranh khung gỗ sồi như vậy. Nhìn vào thì mấy ai nghĩ đây là chốn ăn chơi sa đoạ, nơi cánh đàn ông đốt tiền vào tửu sắc yên đổ(*)?Như một thằng nhãi mắt mũi chưa sạch trong bộ âu phục lịch lãm, tôi đứng trân trân ngắm nhìn góc tối thu nhỏ của cả một xã hội, nhiều lúc muốn trợn trừng mắt lên xem trước mắt mình liệu có phải là thật hay không. Trong những năm tháng bên Pháp, dẫu có tiếp xúc với một nền văn minh phóng khoáng đến cỡ nào, con người bên đó ưa lãng mạn ra sao thì cũng không thể sánh được với những điều táo bạo đang diễn ra ngay trước mắt tôi (hoặc tôi chính trực và đốn mạt đến mức chưa được thưởng thức "nhà thổ" ở Pháp bao giờ). Một gã quan già khọm, trông có vẻ lắm của nhưng mặt mũi lại chẳng được đường hoàng cho lắm, đang làm cái hành động củng cố cho sự đê tiện trong ánh mắt và trên gương mặt lão là cho tay vào trong tà áo của một cô đầu rồi bỏ ra với bàn tay không. Quái, hắn làm thế nào để móc tiền vào trong chiếc coóc-sê chật ních thịt của cô ả với bộ ngực đầy đặn kia nhỉ? Tôi rùng mình ghê sợ, một phần vì sự khiếm nhã đột nhiên lấn át tâm trí tôi, một phần những cảnh tượng nhạy cảm quá đỗi trần trụi trước mắt mình. Người tôi đờ ra nhưng một khúc gỗ, mặc lũ đàn bà cứ đi đi đi lại lởn vởn chung quanh. Vừa hay lúc ấy một người phụ nữ trung niên bước xuống cầu thang trong trang phục áo dài cổ, đầu vấn khăn đóng vô cùng trang trọng, nhìn vào có thể đoán ngay là chủ của ca lâu này.
"Cậu ghé chơi."
Bà cung kính cúi chào một kẻ kém mình đến hai giáp, sau ấy cũng gật đầu một cách kiêng nể với tôi.
"Bẩm, vẫn như mọi khi chứ ạ?"
Ông bạn tôi gật đầu
"Bẩm, vẫn chỉ Lệ Sa hay ý cậu đây có muốn thuê riêng một người hát ạ?"
Bà ta chỉ sang tôi với một nụ cười hiền phúc hậu nhất có thể song chẳng che giấu nổi sự gian manh.
"Anh Lý là một kí giả, một nhà cải cách thượng lưu, sao có thể chia sẻ với một kẻ như tôi. Thôi thì nể cái tình này, gọi đào Huyền lên hầu tôi, còn Lệ Sa thì bố trí cho anh Lý."
Rõ là ông bạn đang muốn mỉa mai sự ngờ nghệch của tôi nên ưu ái tặng cho tôi một đêm trêu hoa ghẹo nguyệt với cô gái được mệnh danh là bóng hồng kiều diễm bậc nhất đất Hà thành. Cảm ơn cái tính sĩ diện cùng cái phúc đức mà anh ta ban cho tôi, để một kẻ khù khờ được khai mở con mắt xã hội, vì chính nhờ nó mà tôi yêu làn điệu ca trù da diết, yêu cả người con gái với đôi môi đỏ au, nước da trắng ngà cùng gò má phiếm hồng ngân lên những khúc ai oán trên tiếng đàn đáy với giai điệu bi luỵ như ái tình tôi trao em.
Tôi không thể quên được hình ảnh ấy, em bước vào trong tà áo dài sẫm màu, đầu đội khăn, chân guốc gỗ dịu dàng mà e lệ đến lạ. Đã lăn lộn trong cái nghề này từ lâu mà vẻ thuần khiết, trong trắng của em vẫn khiến cho những kẻ vốn huênh hoang như tôi sững lại mà tôn sùng, ngả chiếc mũ phớt của mình trước cái đẹp vô thực ấy. Trông em đoan trang, đức hạnh và đạo mạo đến mức người ta chẳng dám thân mật ngay dẫu đồng tiền của họ cho phép họ làm vậy. Giữa chiếc sập gỗ lớn, em từ từ thả guốc mà thu hai chân lên, xếp tà áo dài lại rồi bắt đầu gõ phách, hát. Em hát, em sưởi hồn tôi rồi lại xáo trộn nó bằng sự si mê trong những câu ru tình. Em gieo câu Kiều như khóc, và bộ dạng mỏng manh ấy khiến người ta không khỏi động lòng.
"Đằng ấy đã bao giờ tính chuyện về Xiêm chưa?"
Tôi hỏi em trong một buổi nào đó, giữa vô vàn lần tôi quay lại phố Khâm Thiên vì si mê tiếng hát em. Em chỉ cười, một cái nhếch mép mỉa mai cay đẳng như chà xát trái tim:
"Em chỉ ước đủ tiền chuộc thân."
Thay vì phải khoác lên mình những bộ đồ nhìn thục nữ theo lối cổ rồi lại phải trút bỏ khi người ta yêu cầu, em muốn được mặc bộ y phục đỏ, đầu cài trâm ngọc dưới tấm khăn trùm, cổ đeo kiềng vàng, chân đi giày thêu. Em muốn được làm một người phụ nữ bình thường, loanh quanh luẩn quẩn trong bếp hoặc thi thoảng thì bận rộn với lũ trẻ cũng chẳng hề gì. Em muốn nương tựa vào một tấm chồng dù chẳng quá giỏi giang, như bao cô gái đến tuổi cập kê ngoài kia. Nhưng liệu ai sẽ chịu được cái tấm son chẳng thể nào gột sạch của một cô đầu? Họ có lẽ chỉ muốn chơi đùa, vui vẻ với em cho khuây khoả trong phút giây, chứ chẳng kẻ nào ngây ngốc mà chịu tính chuyện trăm năm với một người con gái như vậy. Ấy là em nghĩ thế, nhưng tôi thì luôn tin rằng chắc chắn một ngày nào đó em sẽ rời khỏi chốn ngột ngạt ủ dột này, vì em xứng đáng được như vậy. Nếu không ai có ý định giải thoát em ra khỏi đây, thì chí ít là Lý Vĩnh Khâm sẽ làm điều ấy, dù có vắt kiệt đồng lương vốn chỉ đủ sống của mình. Tôi đã hạ quyết tâm ngay từ buổi hẹn hò quý giá mà bản thân phải giành ra hết số tiền tiết kiệm để bao trọn em một buổi ấy. Dù tôi vô cùng thích cái dáng vẻ trang nhã, xinh xắn cổ truyền trong tà áo dài của em và cũng chẳng muốn lôi em vào nơi xa xỉ và đầy những trò lố bịch như câu lạc bộ khiêu vũ; nhưng ngay sau khi thấy em trong bộ Tây phục bằng vải voan trắng tinh khôi, chuỗi hạt trai trên chiếc cổ yêu kiều cùng chiếc túi xách nhỏ tựa như một mợ tiểu thư quyền quý nào đó, tôi chỉ muốn mời em ngay một điệu valse và mong mỏi nơi em một cái gật đầu ưng thuận. Tôi không tiếc và cũng sẽ mãi chẳng bao giờ cảm thấy tiếc vì bộ đồ, những thứ trang sức hay tất cả những điều tôi từng làm cho em, dẫu giờ đây chẳng còn nghĩa lí gì.
Tôi thương em, cái tình sao mà thật thà.
Em bước rất vụng, đôi cao gót liên lục chạm mũi da chiếc giày tôi. Nhưng trong một cuộc ái tình hoan lạc như thế, điệu nhạc du dương cùng bàn tay e lệ của em trên vai tôi, và những ngón tay thô ráp của tôi cũng siết lấy vùng eo nhỏ nhắn của em, mọi thứ chẳng còn quan trọng. Tôi còn nhớ, trong hơi men của rượu vang, khi vẫn khoác lấy cánh tay Lệ Sa bước ra khỏi cổng câu lạc bộ, tôi đã trịnh thượng tuyên bố với một ông đốc và phu nhân của ông ta:
"Ồ, bạn đấy à. Rất hân hạnh, đây là nhà tôi."
Tôi yêu em, cái tình sao mà đậm đà.
"Mình đợi anh, anh nhất định sẽ cưới mình làm vợ."
Tôi đặt lên in lên trán em một nụ hôn chắc nịch lời hứa hẹn, và tôi biết đó sẽ là điều duy nhất khiến tôi thật sự cố gắng, ít nhất là trong thời gian tới.
"Em đợi mình."
Và tôi đã dốc tâm vào những bài phóng sự để nộp cho toà soạn trong một thời gian dài đến nỗi gầy rộc đi. Có thành công nhất định và thất bại của một cây viết trẻ cũng không ít, nhưng dù gì thì tôi cũng đã tích góp được kha khá, đủ cho một cuộc sống giản dị tối thiểu của một cặp vợ chồng mới cưới. Tôi quay lại phố Khâm Thiên tìm gặp nàng ca nương xinh đẹp mà sau này sẽ chẳng còn phải mang tiếng là một ả cô đầu nữa, mà dẫu có trót mang tiếng cũng chẳng quan trọng, vì chỉ cần em vẫn đợi tôi nơi ấy thì dù thế nào tôi cũng cam tâm. Và người ta sẽ không còn biết đến cái tên Lệ Sa nữa, họ sẽ gọi em là bà Lý - phu nhân của kí giả nổi tiếng Lý Vĩnh Khâm.
Lạp Lệ Sa quay lại nhìn tôi, vẫn với gò má nay đã trở nên xương xẩu tiều tuỵ, có lẽ vì thời gian qua em bị bòn rút sức lực nhiều; nhưng trong mắt tôi lại vẫn yêu kiều và khiến tôi tôn thờ như một con chiên ngoan đạo mà thốt ra hai tiếng nàng thơ như ngày nào.
Hôm nay có một ông đốc Tây giàu có chuộc em ra khỏi nhà trò...
(*): rượu, gái, thuốc phiện, cờ bạc
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro