Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

II.

Từ đó về sau tôi ít mơ thấy Trương Chi hẳn. Dẫu mơ, dù trên bờ hay trong mui tôi cũng không ngóng đợi, không khóc lóc, chỉ bình tĩnh nhìn Trương Chi, nghe Trương Chi hát, mặc giọng hát ấy ngấm sâu vào hồn.

Tôi không quên được sự dịu dàng trong tiếng chàng hát, không quên được đôi mắt nhẹ cong khi tôi nhìn chàng đăm chiêu, không quên được dáng người lái đò trên dòng sông sóng sương trắng xoá. Nhưng, tôi cũng thôi thắc mắc Trương Chi là ai, thôi cố tìm hình bóng Trương Chi ở thực tại, thôi để tiếng hát chàng vẳng vào đời thực của mình.

Rồi không biết duyên cớ gì mà tôi năng chạm mặt vị khách phương xa lắm. Chẳng những ở chiếu thả thơ mà ngoài chợ phiên tôi cũng gặp anh. Thường thường chúng tôi chỉ mỉm cười gật đầu chào nhau, thỉnh thoảng mới buột lời trò chuyện đôi câu. Anh không hỏi gì lấn lướt tế nhị, tôi cũng chỉ trả lời phải tình phải lý. Đến tên của nhau chúng tôi còn chẳng biết, nên tôi vẫn đinh ninh chúng tôi chỉ là duyên bèo nước mà thôi.

Một sớm mùa thu, gió nhẹ nắng trong, vị khách phương xa đến nhà tôi một mình. Anh bảo mình không ghé vì chiếu thơ và ấm chè mà để từ biệt. Nhà anh ở Sơn Tây nhưng quê trong Trung kỳ, bấy giờ có việc ở quê nên phải xuôi nam ít bữa. Nghĩ tình chè nước, anh ghé nhà tôi cáo biệt thày. Thày giữ anh lại suốt buổi, bảo tôi mang cái ấm Mạnh Thần độc nhất trong nhà ra khoản đãi.

Nhẵn hai tuần Đinh Ngọc Tân Cương, vị chè chưa thấm hẳn người khách đã hỏi mượn đàn. Anh thưa với thày mình không sành chè, không có mắt bình phẩm hoa, không rành thơ chữ, chỉ có tiếng đàn là ổn nhất. Thày tôi đã có lòng, anh là khách cũng phải có dạ. Ấy gọi là có qua có lại.

Thấy khách tha thiết quá thày đành bảo tôi mang đàn ra. Cây đàn đứt một dây đã được sửa vào hôm sau. Đàn trông như mới, bảy dây tơ dưới vệt nắng trưa óng như sợi tóc, chỉ những đốm thâm thẫm trên mặt đàn minh chứng cho việc dây đàn từng đứt. Vị khách gảy ba dịp Dương Quan tự tiễn mình khỏi cái vùng vốn là đất khách, rồi lại nhỏ giọng ngâm hời phiên âm. Tiếng ngâm trầm ấm quen thuộc khiến tôi giật thót. Giọng ai kia mà giống Trương Chi?

Giọng chàng lúc tôi mộng mị, dù cố lờ đi nhưng tôi không sao quên được. Dù người khách ngâm một bài xưa nay Trương Chi của tôi chưa từng ngâm đến, tôi vẫn nghe ra ngay giọng chàng. Rõ ràng chàng là cơn mơ! Rõ ràng chúng tôi cách nhau như người trần với chốn tiên và cõi âm! Nhưng tôi vừa nghe tiếng chàng mồn một, trong cái nắng vừa qua chính ngọ, xung quanh là thày tôi và lũ hầu quen mặt.

Không. Tôi không tin được. Tôi không dám tin. Chuyện hoang đường bực này làm gì có ai tin, kể cả người đó là tôi đi nữa. Tôi chỉ nên giữ Trương Chi ở trong giấc ngủ chứ không nên biến chàng thành ai hay một ai thành chàng như thế. Trương Chi là kẻ chỉ sống trong mơ tôi!

Mắt tôi đột nhiên nhoà đi, miệng tôi hé mãi không khép được, đến khô khốc tôi cũng không biết. Thày tôi còn tâm đắc khúc Dương Quan tam điệp [1] lắm, nhẩm đi nhẩm lại "Tây xuất Dương Quan vô cố nhân" [2] mà không để ý con gái thày đã điên dại thất thần. Tôi đứng đó ngã khụy, được người khách ở đối diện nhanh tay nhanh chân hơn đỡ lấy. Tôi nhìn vết chàm loang rộng trên má người trai trẻ, nhìn thật kỹ, rồi lịm đi.

[1] Dương Quan tam điệp là nhạc khúc được phổ từ bài thơ "Tống Nguyên Nhị sứ An Tây" (Tiễn Nguyên Nhị đi sứ An Tây) của thi hào Vương Duy đời Đường. Bài thơ do Nhạc phủ thời vua Đường Huyền Tông phổ nhạc.

[2] Tây xuất Dương Quan vô cố nhân: câu cuối trong bài thơ "Tống Nguyên Nhị sứ An Tây" của Vương Duy, bản phiên âm:

Vị thành chiêu vũ ấy khinh trần,
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.
Khuyến quân khánh tận nhất bôi tửu,
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.

Và bản dịch thơ của Ngô Tất Tố:

Trời mai mưa ướt Vị Thành,
Xanh xanh trước quán, mấy cành liễu non.
Khuyên người hãy cạn chén son,
Dương Quan tới đó không còn ai quen.

Mọi người có thể nghe bản guqin và bản hoà tấu bài Dương Quan tam điệp trên Youtube, và mình nhiệt liệt đề cử với mọi người kênh Zi de guqin.

Không biết tôi ngất bao nhiêu ngày mà được ở cạnh Trương Chi rất lâu. Bờ sông mịt mùng sương thu, khoang thuyền lại đầy ắp nắng. Gương mặt Trương Chi bấy giờ hiện ra mồn một trong ánh nắng loá như vừa qua giờ ngọ. Tôi lướt tay trên hàng mày, đôi mắt, qua sống mũi rồi đến nhân trung và đôi môi, chiếc cằm. Này là Trương Chi của tôi, một Trương Chi diện mạo bình thường, trên mặt không có lấy nửa vết chàm. Chàng lặng yên cười để tôi ngắm. Nụ cười muôn đời như khói thoảng ấy chỉ hiền hoà như nụ cười giác ngộ của một vị sư.

"Anh biết không? Em tìm anh suốt."

Phải, tôi đã tìm Trương Chi kể từ ngày tôi hứa hẹn. Nếu không tìm, sao tôi lại để tâm giọng người phàm gian. Tôi ngỡ nếu tìm được Trương Chi, tôi sẽ hân hoan đến trào nước mắt. Tôi sẽ thưa với chàng mình thấy chàng trong mơ, rằng mình tìm chàng gần một năm nay và duyên của chúng tôi là túc duyên nghìn xưa sót lại.

Nhưng tìm thấy một người có giọng hát giống chàng rồi, tôi đã làm gì? Tôi điếng hồn và thảng thốt. Vui sướng chưa kịp đầy đã hoá thành túng quẫn. Trương Chi sao có trên đời, ai làm lồ lộ bóng người khói sương?

Tôi lại lặng lẽ khóc như khi trước. Tay Trương Chi đan xoà vào tóc tôi để rũ, chải chuốt, vuốt ve. Chàng chạm vào đôi môi đã thắm màu trầu của tôi, lần lên xương gò má, lau đi hốc mắt ướt nhoè. Sự dịu dàng, ân cần ấy vốn không thuộc về chàng. Chàng chỉ nên mải miết chèo đò và hát mấy câu ca dao. Chàng chỉ nên đứng cách tôi một khoảng thật xa, bóng hình lồng cả khói sương, rồi tan biến mỗi khi tôi chạm phải.

Trương Chi của tôi vốn không da không thịt. Chàng là một tảng khói có hình trong mơ.

Dường như tôi đã ngủ một giấc nghìn đời, có khi sâu, có khi thiêm thiếp. Tôi nghe loáng thoáng "cháy", rồi bóng đò trong cơn mơ cũng cháy. Trương Chi và tôi lao xuống nước. Tôi không biết bơi, được Trương Chi ôm rồi chìm dần vào lòng sông sâu. Từ đáy nước trông lên, con đò như hòn than đang rừng rực. Tôi đưa tay muốn níu nhưng chàng đan tay tôi vào tay mình, giữ lại. Chúng tôi cách con đò ngày càng xa, cách cái chết ngày càng gần. Không hiểu vì sao mà khắc ấy, lòng tôi thanh thản lạ.

Ít nhất thì Trương Chi không đẩy tôi lên bờ, để tôi chơi vơi giữa mơ và thực. Nếu bây giờ tôi chết, hẳn tôi sẽ thôi nằm mơ thấy chàng.

Đâu đây có tiếng Trương Chi gọi tên tôi, tiếng gọi vẳng đi vẳng về đến là tha thiết. Trương Chi mỉm cười rồi biến mất dần, chính tôi cũng tan vào làn nước, để lại bọt nước trắng xoá, lênh đênh.

...

Lại là bệt sáng mờ như nắng cuối năm và gió trời lành lạnh. Bên ngoài xám xịt từ trời đến đất, cảnh vật xa lạ, mùi thuốc sực nồng.

Tôi không chết. Buồn cười hơn, khi tỉnh dậy tôi thành gái đã có chồng, mà chồng tôi không ai khác ngoài vị khách từ Sơn Tây nọ.

Đào vẫn kè kè bên tôi như hồi con gái. Nó kể, từ khi ngất tôi mê man những năm tuần. Năm mươi ngày tròn, bao nhiêu là cớ sự xảy ra. Chàng trai trẻ về quê, trên đường đi thuyền bị cháy. Quãng ấy gần nhà tôi hơn là Sơn Tây; nô bộc của anh đến xin trú tạm để chạy chữa cho chủ.

Thày tôi giữ anh lại không chỉ vì tình nghĩa mà còn vì tôi nữa. Lúc mê man tôi cứ gọi Trương Chi suốt, mà tên chữ của người khách là Như Chi. Thày tưởng tôi thương nhớ nhưng gọi nhầm; mà không chỉ một mình thày, trên dưới nhà tôi đều tưởng như thế. Cái Đào còn bảo thày đã hứa nếu tôi tỉnh lại, thày sẽ bàn chuyện cưới hỏi với anh khách cho tôi. Lạ là khi nghe được anh khách đồng ý ngay, không có vẻ buồn rầu hay ghét bỏ.

Những tưởng hứa xong tôi sẽ tỉnh, nhưng không. Người ta suy diễn đủ điều nhưng chỉ mình tôi hiểu mình bất tỉnh vì đâu. Chuyện tôi đuổi hình bắt bóng Trương Chi và người khách lạ vốn chẳng liên quan nhau, nhưng tôi đâu còn cơ hội phân bua nữa. Vì muốn tôi tỉnh dậy, thày vời thầy bói đến. Thầy bói phán chúng tôi đều gặp kiếp, phải lấy nhau gỡ tai. Thế là kẻ mê man trên giường bệnh, người còn mang thương tật vì lửa sém, hai nhà chúng tôi sửa soạn hôn lễ gấp rút.

Và mùa đông, tôi tỉnh lại sau nghìn giờ chồng tôi gọi tên tôi, ở nhà chồng trên đất Sơn Tây.

...

Chồng tôi tên họ Phạm tên Chân, chữ là Như Chi, hai mươi bảy tuổi. Ai ai cũng gọi anh là Chi, riêng tôi tránh gọi, quày quả lắm cũng chỉ kêu Chân.

Từ ngày lấy chồng tôi không mơ thấy Trương Chi nữa, hồ như người lái đò đó chưa từng xuất hiện trong tiềm thức tôi. Tôi sống để bụng, chết mang theo, tuyệt nhiên không kể với chồng chuyện cũ.

Kể ra cũng lạ, chồng tôi thương tôi lắm, thương như thể tìm lại được món quà quý sau bao ngày đánh mất. Phần mình, tôi chẳng biết tôi có yêu thương gì anh không. Trước nay chúng tôi chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt người dưng, đột nhiên buộc nhau vào cuộc trăm năm, tôi vẫn còn gượng gạo. Nhưng tôi biết, tôi yêu vết chàm trên mặt chồng. Mỗi lần anh đi xa về tôi lại nhè vết chàm ra hôn lấy hôn để, đến nỗi anh bảo, trước nay không ai yêu khiếm khuyết của anh như tôi.

Lòng tôi hơi chùng, người sượng ngắt, lại ướm hôn gương mặt chồng lần nữa. Người này đáng nhẽ nên được nâng niu hơn.

Mồng hai Tết, trời thưa mây, nắng trong, gió bấc còn lồng vào tay áo. Chồng đưa tôi về nhà thăm thày, trước khi đi quyết khoác thêm áo cho tôi, cuộn gói tôi như bánh chưng vậy. Dọc đường anh tránh sông ngòi, chỉ toàn đi xe ngựa, đến gần nhà đá sỏi gập ghềnh thì thuê võng mà đi.

Dưới nắng xuân, ngôi nhà ba gian như bạc dần, già thêm mấy tuổi. Sân rộng thinh vắng, chỉ có tiếng lách tách từ trong vọng ra. Thày tôi dường như lặng hơn trước kia, không vui thú chè nước nữa, sáng ấy chỉ ngồi rít thuốc lào. Tiếng thuốc ro ro gián đoạn khi chúng tôi về, và đón tôi là đôi mắt đỏ hoe. Tóc thày mới đó đã pha sương, mặt mũi buồn xo. Thày càng rưng rưng, mặt thầy càng buồn càng méo xệch. Chúng tôi vào nhà thắp hương, bày biện bánh trái đâu vào đấy mới rỗi mà hàn huyên với nhau.

Gian nhà thoảng mùi gỗ xưa và mùi thuốc lào. Bếp lò ngày xuân lép bép nổ. Nước vừa sôi tới, thày nhắc ấm chầm chậm tráng ấm chè, rồi mới múc chè vào, đổ nước vừa đủ hãm. Thày đậy nắp, dội trên ấm một lần nước sôi nữa. Nước từ nắp ấm màu xanh đổ tràn xuống thuyền chè, lắng đọng dần, sóng sánh. Vừa chờ chè hãm xong tôi vừa nhìn quanh ngôi nhà gắn bó mười mấy năm, trông đến tủ chè mới hay bộ ấm chén men ngọc không còn ở đó nữa.

Thì ra, thứ thày đang dùng pha chè là cái ấm song ẩm tôi mua.

Lúc thày chuyên chè, từ đâu xuất hiện thêm một cái chén quân. Thày bảo mình tìm mua một chén lẻ để ba người cùng uống, tìm không được nên bỏ tiền mua ngọc tạc ra. Cái chén ngọc ấy dành riêng cho tôi. Khi chỉ thày và chồng tôi uống chè, thày cất nó vào, bộ ấm chén lại về dạng song ẩm vốn dĩ.

Nắng chìm dưới đáy chén chè ăm ắp nước, màu vàng trong như màu bánh xu xê. Qua làn khói mỏng, tôi soi bóng mình trong chén ngọc. Soi đến thẫn thờ, thốt nhiên, bên tai lại vẳng tiếng gọi đò xa xăm và tiếng Trương Chi kêu tên tôi, hốt hoảng. Giữa nước chè sóng sánh, bóng đò Trương Chi hiện lên như tranh thủy mặc. Đò ngược. Đò xuôi. Đò tròng trành từ trong mơ đến ngoài đời, mang theo tiếng hát buồn thương khắc khoải.

Tay tôi trống rỗng. Chén ngọc rơi xuống đất, tan tàn. Tôi như thấy khói chè nóng và thấy cả bụi ngọc vần nhau thành màu xám của đồng lau.

...

Năm thứ mười chín của cuộc đời, năm thứ hai theo chồng, tôi đổ bệnh.

Thầy thuốc bảo tôi dầm mưa đến đổ bệnh, trong khi tôi chỉ phơi ít mưa bụi hôm về nhà thăm thày. Năm nào vào xuân mà trời chẳng gieo mưa như thế! Do lòng người cả thôi. Tôi thường tự đùa với mình rằng Trương Chi trong mộng chết đuối và Trương Chi ở đáy chén đã hớp hết hồn tôi, nên xác tôi ở lại mới héo hắt, gầy nhom như thế.

Chồng tôi còn chưa biết, đêm nào cũng vòi tôi hôn vết chàm trên má anh rồi mới ngủ. Hơi thở anh nóng rẫy, nhịp tim đập rất êm. Toàn bộ sự sống của anh, kể từ lúc chúng tôi biết nhau rồi hoà vào nhau, là một dòng sông êm ả. Tôi chưa bao giờ thấy sông dâng lũ nên cũng không biết sông êm ả là trông như thế nào, mà đồ rằng êm mấy cũng tựa chồng tôi thôi. Có lẽ vì êm quá nên duyên chúng tôi vuột khỏi tay nhau khi nào chẳng biết.

Chắc khi tôi còn mải mê đuổi hình bắt bóng người đàn ông xa lạ trong anh, khi tôi xem anh là người trong mơ, khi giấc mơ của tôi hoà lẫn với hiện thực, duyên tôi đã vuột mất rồi.

Nắng tàn rực rỡ trước hiên. Bông hoa mơ cuối cùng trên nhành khẳng khiu rung rinh hoài trong gió. Trời cao xam xám sà vào phòng, phủ lên bóng hình chồng tôi ngồi bên giường. Một tháng tròn tôi ngã bệnh, anh gầy đi thấy rõ, bọng mắt đen dày, gò má hốc hác. Tôi xoa vết chàm trên má anh, rướn người vừa hôn vừa khóc. Đấy là lần đầu tôi tỉnh táo khóc kể từ khi dì tôi mất, và hẳn cũng là lần cuối cùng, trong đời tôi.

Anh cúi người hôn tóc tôi, giúp tôi dém lại góc chăn, trấn an tôi đôi câu. Anh nói mùa xuân lạnh nên tôi ốm, chừng nào hè đến, trời ấm tôi sẽ khỏi ngay. Tôi gật đầu thì thầm với anh. Khi nào khỏi bệnh chúng tôi sẽ vào Trung kỳ ngồi trên bè thả thơ. Anh cầm cái, tôi nhấn phím đàn cầm. Tôi còn hứa không để dây đàn đứt nữa, dẫu đứt cũng không khóc. Việc gì tôi phải khóc? Và việc gì chúng tôi phải xa nhau?

- Anh Chân. - luyên thuyên chừng một khắc xong tôi thở gấp, van nài - Anh ngâm Dương Quan tam điệp cho em nghe nhé! Hai năm nay anh không hát nữa, em nhớ lắm.

Anh không chịu, bảo đã tiễn ai đâu mà hát khúc Dương Quan, thế là đổi sang ru tôi bằng ca dao. Trong tiếng ngâm của chồng, mắt tôi díu dần lại, loáng thoáng bên tai là tiếng anh nghẹn ngào hát như hỏi tôi.

Trăng lên đỉnh núi trăng tà,

Mình yêu ta thực hay là yêu chơi.

Mắt tôi khô khốc đột nhiên nóng hổi lại. Tôi dặn lòng làm lơ để ngủ, vậy mà lòng vẫn hoài nhắc: Thì ra anh biết rồi.

...

Nếu hỏi tôi có thương chồng mình không, tôi sẽ đáp có. Hai người chúng tôi sa vào nhau nhờ tai vạ và lời phán của thầy bói nhưng vẫn mặn nồng êm ấm hai năm. Nhưng nếu hỏi tôi có yêu không, hẳn tôi sẽ tần ngần. Tôi biết trả lời làm sao khi đã dành hết hai năm ấy để yêu anh như yêu một Trương Chi khác ngoài đời thực.

Vì từ khi con thuyền bốc cháy, Trương Chi của tôi đã hoá khói bay lên trời.

Thế nhưng lúc đèn hết dầu tắt, chẳng ai vô duyên vô cớ lại đến đay nghiến, hạch hỏi người sắp chết. Không biết ấy là may mắn hay bất hạnh của tôi, vì những điều bị chôn giấu cả đời kia, bấy giờ tôi muốn nói ra nhưng chỉ biết chờ mà nói với lòng đất.

Ngày nào đó của mươi năm sau, nếu có duyên được Phạm Chân nằm cạnh, tôi sẽ lại rỉ tai anh. Anh biết không, em yêu vết chàm của anh lắm. Anh như Trương Chi bước ra từ giấc mộng, nhưng chỉ "như" vì Trương Chi không có vết chàm. Nó là thứ duy nhất giúp em phân định lòng mình một cách rõ ràng, dù kết cục không khác bao nhiêu.

Cuối tháng ba, trời bắt đầu trong và ấm lại, nắng vẫn đổ nhưng chưa chói gắt như độ hè. Sớm nào rảnh rỗi chồng lại đỡ tôi ra sân phơi nắng. Màu nắng tươi trên mái ngói chợt khiến tôi nhớ đến nước chè trong chén ngọc năm nào. Rồi tôi chợt nhớ thày. Hai ngày trước thày biên thư gửi cho chồng tôi, hôm qua thư mới đến tay. Thày bảo đã bán bớt bình cổ và ấm chè lấy tiền mua cho tôi mấy thứ thuốc quý; số tiền còn lại thầy dùng trùng tu mộ cho hai người vợ. Ít hôm nữa khi sắp xếp việc đâu vào đó, thày sẽ đến Sơn Tây thăm tôi. Nghe chồng đọc thư, tôi cười buồn:

- Không biết em có chờ được lúc ấy không nữa.

Chồng bảo mồm tôi xúi quẩy, an ủi một lúc rồi cũng thở dài. Anh kề cận tôi, biết rõ bệnh tình tôi nhất. Thứ bệnh này không thể trông cậy vào thuốc quý hay thầy giỏi, mà chính tôi cũng chưa biết phải bấu víu đâu để chữa khỏi. An ủi, với chúng tôi, là điều vô nghĩa nhưng cần thiết. Có mấy việc người ta phải làm cho rồi như nghi thức, thế mới đành lòng làm việc tiếp theo.

Quả như lời anh, miệng tôi hệt như miệng quạ. Ngay đêm ấy tôi phát sốt, mơ những giấc xám trắng, có bóng đò cháy như đuốc rồi rụi đổ xuống sông. Tôi không chìm dưới đáy sông mà đứng trên bờ, muốn gào tên Trương Chi nhưng không biết đò của ai và Trương Chi của tôi có trong đó không. Đến khi sông cạn và đồng lau héo trụi, đất trời vỡ ra thành bụi tro, tôi vẫn một mình quỳ sụp bên bờ, rệu rã.

Tỉnh giấc, thứ đập vào mắt là đèn dầu leo lét và đôi mắt đùng đục của chồng. Anh đờ đẫn vuốt tóc tôi, đờ đẫn gọi tên tôi như thuở trước tôi gọi tên Trương Chi. Dường như đã nhận ra điều gì, động tác của anh chỉ đến đó là dừng. Nhưng từ ánh mắt của anh, tôi đọc ra vô số thứ. Là đớn đau và tuyệt vọng vì bị lừa dối. Là căm hờn vì đã ngu si. Là tất cả những thứ, y hệt một tôi của trước kia...

Nhìn mắt anh, tôi đột nhiên hoang mang đến dại. Tôi đã tìm Trương Chi hai năm, tìm đến mức không rõ tôi bên cạnh Trương Chi trong đò nằm mộng hay Trương Chi là giấc mộng của tôi. Như trả công cho kẻ cuồng si hoang đường, đời ban cho tôi tấm chồng tốt như Phạm Chân. Còn tôi, tôi vẫn một mực giày vò vì cho rằng phận lẻ duyên tơ, đến bây giờ mới bẽ bàng ngộ ra. Nhiều khi, Trương Chi là tôi chứ không phải một ai khác.

Vết chàm của Phạm Chân vốn nên nhoè qua làn nước mắt, nhưng cứ thế đậm lên như bôi mực. Gương mặt Trương Chi tan thành bụi ngọc. Trời xám loang màu chè, đất xám loang màu chè. Một khắc ấy, hơi thở tôi tựa đã hoá vào trăm năm.

...

Nhiều năm sau trên cái xứ cỗi cằn, người ta đào một dòng sông, dẫn nước chảy khắp vùng. Lòng sông được nạo vét quanh năm chẳng mấy chốc đã thành sông lớn. Dòng được khơi, bóng đò bắt đầu xuôi ngược. Và chiều chiều trên dòng lặng lờ ấy, người ta thường thấy bóng đò muộn với anh lái đò thích hát vu vơ. Đứng xa, người ta không biết anh hát gì; mà giờ ấy không ai rỗi đến gần, chỉ đành nghe giọng đàn ông nọ du dương, đem nỗi buồn rải khắp bờ bãi.

Cái buồn của anh khiến lau xám, khiến nắng mờ, khiến sông xanh một vùng vương khói, thành đô thành huyền hoặc của riêng anh. Thảng hoặc người ta mới nghe được anh tỉ tê gì. Ồ, là mấy câu ca dao, có phác thêm lời như hoạ ý người xưa, hay, là hoạ ý với trời đất.

Tìm em như thể tìm chim,

Chim ăn bể bắc đi tìm bể đông.

Tìm qua nắng ráo mưa ròng,

Ngó lại trong lòng đã thấy bóng em.

HẾT

Cần Thơ,

19.07.2021

Lê Bình Chi

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro