I.
Gió lộng, luồn giữa đồng lau trắng xóa vi vu về bên tai. Rơm cỏ khô vỡ giòn dưới bước chân. Những thân lau trước mắt rõ ràng dần, có mềm oặt, có gãy đổ, có ngả nghiêng theo bàn tay lần dẹt ra. Ấy là một lối mòn không cỏ và lầy lội dẫn đến bờ sông sương mờ. Giữa nước trời đùng đục xám như sau buổi mưa sớm tháng bảy, trên dòng dằng dặc chảy hiện ra một bóng thuyền đi xuôi. Người trên thuyền ngồi ở đầu mui, khua nhẹ tay chèo, vừa chèo vừa hát.
Người hát gì, không ai biết. Tiếng hát cũng như con thuyền đó, thoáng trên dòng đầy sương mù rồi nhỏ dần, mất hút trong trời đất đầy lau xám tro.
Gió lại vi vu. Đồng không heo hút. Đất trời như mênh mang nước mắt khi người con gái nọ hờ hững gọi hai tiếng "đò ơi".
...
Tôi ngồi ngay ngắn trước gương để Đào giúp mình chải tóc. Sớm nào chúng tôi cũng chải mái tóc đen dài như thác đêm đổ như thể nghi thức, rồi vấn vào khăn để chỏm đuôi gà. Nhưng sớm nay chải xong Đào chỉ xếp khăn làm hai, làm ba theo chiều dọc, buộc hờ trên đầu. Chiếc khăn màu ngọc bích không biết nhuốm hương hoa gì nằm yên trên đỉnh đầu tôi, mà mái tóc sau lưng vẫn buông dài, trông đến ngồ ngộ. Tôi hỏi, Đào vừa chỉnh vén tóc mai vừa thưa:
- Một kiểu vấn thịnh ở Trung kỳ, trông trẻ hẳn cô ạ.
Tôi "ừ" nhưng không lấy làm ưng, toan bảo Đào vấn tóc như thường ngày thì trước sân thày đã sai người đến giục. Hội quần ẩm của làng đã đủ mặt, chỉ chờ hết một tuần chè là bắt đầu thả thơ. Trò này thày tôi bảo học từ Trung kỳ, cũng rặt đỏ đen nhưng hay hơn bầu cua, xúc xắc ở chỗ người ta được khoe sự học của mình ra. Thế nên hễ muốn thả thơ thày tôi phải đánh tiếng trước ít nhất nửa tháng để người ta đọc lại hết sách vở.
Nửa tháng ấy nhà kẻ cầm cái là nhọc nhất. Thày tôi chẳng những phải ôn thơ mà còn phải rọc giấy, lựa câu ra đề cho tôi chép. Tôi thì chép mòn tay, hao giấy, mực dây cả đầu.
Vậy nên lúc thày bày cách thả thơ tôi đã bĩu môi lắc đầu. Nhàm thì không nhàm nhưng nhọc quá, mà nhọc thế chỉ để khoe cái cao nhã ra, trong khi từ xưa người khiêm tốn mới thật là nhã nhặn.
Lúc tôi dẫn theo Đào ra đến, khách khứa của thày đã ngồi đầy trên chiếc chiếu cạp điều lớn. Tôi nhớ mặt thưa gửi từng người một, theo lời thày vào chuyên một tuần chè nữa mới đến chỗ cây đàn cầm [1] đã đặt sẵn trên hàng hiên. Cạnh đàn là kệ gỗ đỡ chiếc bình gốm thày tôi rất quý. Nghe đâu bình ấy truyền từ đời Trần, nước men hãy còn mới, mấy đoá hoa khắc trên xương gốm vẫn y nguyên. Trong bình cắm nhành hoa mơ đẹp nhất mà thày đích thân lên núi chọn cắt.
Để buổi thả thơ mồng sáu được "toàn bích" như lời thày nói, trên dưới nhà tôi đã bận rộn từ cuối tháng chạp sang đầu tháng giêng. Mới đêm trước tôi còn phải thức đến canh hai giúp thầy rọc giấy, chép thơ, đêm qua lại mơ thấy chuyện không đâu nên đầu váng lắm. Cây đàn trước mặt lúc rõ lúc nhoè. Mấy tiếng tôi gảy ra có lẽ không phải tiếng tơ như thày và các chú bác trông, nên cuộc thả thơ hơi trầm, thày tôi cũng liên tục bắt phải mấy câu buồn tê buồn tái mà thả.
Cuộc sát phạt giữa tao nhân mặc khách chỉ kết thúc khi trời xuân kéo mưa.
...
Tôi lấy quạt che đầu vụt chạy về phòng. Mưa không lớn, chỉ se se như sương mai, vẩy lên nhành hoa mơ bên cửa sổ phòng tôi mấy giọt li ti tựa bụi. Trên cao, trời vừa nãy còn quang đãng thoáng chốc đã xám xịt. Cái màu xám rười rượi buồn ấy y hệt trong giấc mơ của tôi, khi tôi đi mải miết ngoài đồng rồi gọi "Trương Chi".
Xưa nay vì giữ lễ, tôi không qua lại với anh con trai nào trong vùng. Nếu có, ấy cũng là người đến thưởng chè cùng thày hoặc học trò xưa đến nhà thỉnh ý thày về mấy bài thơ. Tôi chỉ việc ra chào lấy lệ, đủ lễ thì thôi, bảo gì đến việc săm soi người ta.
Thế nên mấy ngày liền mơ cùng một giấc Trương Chi, tôi đâm ra hoảng. Mới đầu năm mà ngơ ngẩn quá cũng không hay, tôi rửa mặt cho tỉnh tuồng, sai cái Đào lấy chiếc áo đang may dở ra, cố tập trung khâu nốt ba chiếc cúc còn lại.
Khâu đến giờ tị lại lo cơm nước cho các chú bác, thành ra mệt lử, tôi trèo lên giường định đánh một giấc đến xế chiều. Lúc ngủ tôi lại mơ thấy anh chàng họ Trương, vừa hát vừa chèo trên dòng sông lạ. Lạ là vì vùng tôi không sông không ngòi gì cả, phải hứng mưa hứng sương hoặc thuê xe bò đi một ngày đường chỉ để lấy về mấy thùng nước. Một lẽ "lạ" nữa là vì tôi không biết bơi nhưng lại không sợ dòng sông ấy, chỉ thấy thân thương vô bờ.
Lần này tôi không phải rẽ lau để đi nữa. Tôi thấy mình mặc nguyên chiếc áo tay chẽn màu hồng ban sáng, đứng sẵn bên bờ chờ bóng thuyền trong sương. Tôi cao giọng gọi. Thuyền lững lờ trôi đến giữa dòng, người lái thuyền cất tiếng ngâm nga. Trương Chi của tôi hát đủ các câu thơ thày vừa thả sáng nay, rồi như thở dài, chàng ngân thêm mấy câu ca dao:
Nghĩ tơ duyên quá dở
Giận căn nợ bời bời
Đau lòng quá lắm em ơi,
Xui chi gặp gỡ chẳng trọn đời với nhau.
Câu hát vừa dứt tiếng trống thu không đã thùng thùng dồn dập. Chiếc thuyền biến mất. Làn sương biến mất. Tôi choàng tỉnh giữa hoàng hôn.
Nắng đỏ cuối ngày bảng lảng trên chiếu chăn và trên người tôi bấy giờ đã nhớp nháp. Tôi qua quệt mồ hôi trên trán, cố lảng trống ngực và cơn thở dốc không biết vì kinh hãi hay xúc động. Vừa nãy tôi như nghe rõ tiếng Trương Chi hát. Âm điệu du dương mà vằng vặc buồn lẫn trong tiếng trống vô duyên kia, như rót vào tai tôi. Mấy chữ lẻ! Mấy chữ lẻ thôi mà khiến tôi ngỡ ngàng một hồi.
- Vừa nãy cô ngủ bên nhà có ai hát không? - tôi hỏi Đào.
Đào lắc đầu, giọng chắc nịch:
- Không cô ạ. Em thức canh ở đây từ trưa, không nghe ai hát. Các ông ở nhà trước cũng về cả rồi, từ trước ra sau im phăng phắc ấy. Mà sao cô hỏi thế?
Tôi vốn không có ý kể thật với Đào, chỉ ngó lơ cho qua.
Tối ấy tôi không dám ngủ, sợ vừa nhắm mắt là nghe giọng ai hát hay thấy bóng con thuyền. Hai thứ ấy như thứ bùa ngải đeo đẳng khiến tôi bất an, còn cái tên Trương Chi thì như chú thuật tà môn đâu đó, càng gọi tôi càng mê man. Tôi vừa tò mò vừa sợ như thế, đến đầu canh năm mới thiếp đi một lúc. Giấc ngủ yên bình hiếm hoi mà ngắn quá, tôi tiếc rẻ trốn mãi trong chăn. Cũng may đầu xuân trời hãy còn lạnh, chiếu chăn chỉ vừa ấm, tôi mới ngủ được thêm một ít.
...
Tết năm nay là cái Tết ảm đạm nhất tôi từng thấy, dù ngoài kia pháo vẫn nổ, tiếng trẻ con vẫn rộn ràng. Có lẽ vì mấy mồng đầu năm cuối cùng trời vẫn nặng nề như cũ. Ngẩng nhìn non cao, trên đỉnh non không khi nào vơi mây. Mây trĩu nặng sà xuống mặt đất, hồ như vươn tay là chạm đến. Màu xám ngoét liền từ trời đến đất, trải rộng trong mắt tôi, lấn hết xác pháo và nụ cười.
Cũng vì những thứ đối nhau chòi chọi cứ vô tình chen chân một chỗ nên tôi ngờ kẻ ảm đạm là mình chứ không phải trời đất. Nghĩ thế, ngày phiên chợ đầu tiên của năm họp tôi xin thày ra sắm sửa ít thứ. Không cần biết tôi sắm sửa gì, thày tặc lưỡi bảo trông tôi phờ phạc quá, đi nhanh mà hít hơi người.
Dạo một vòng, tôi mua được bộ ấm song ẩm biếu thày. Ấm chén bằng gốm men ngọc chứ không phải bằng đất như thường thấy, nước men màu xanh trong veo, mát dịu, gõ vào kêu vui tai như chuông. Thân ấm, thân chén mỏng nhẹ mà không mong manh. Cái vẻ thanh nhã toát ra từ bộ ấm chè quả nhiên khiến thày tôi mê mẩn. Thày nâng niu lắm, sợ bê ra bê vào rơi vỡ, sợ màu chè làm ố, sợ nước sôi làm rạn lớp men ngọc nên quyết bày trong tủ chè chứ không dùng.
Tôi ngồi trên sập, vừa têm trầu cho đầy cơi vừa trêu:
- Con mua ấm song ẩm cho thày con mình đấy. Thày cất thì cất, trưng thì trưng, nhưng ngày con lấy chồng nhớ mang ra uống với con một chén.
- Ngày đấy còn xa lắm! - thày vừa săm soi chén tống vừa đáp qua loa - Mày bé tẹo, chồng con gì.
Thế mà chiều ấy, trên mâm cơm chỉ có hai bố con như mọi khi, thày tôi lại uống rượu.
Mười bảy năm trước, vì sinh tôi nên u tôi mất sớm. Thày vốn còn một cô vợ lẽ nữa nhưng dì không có con. Dì chăm tôi từ bé, yêu tôi như con đẻ mà tôi cũng xem dì như u thân sinh, chỉ khác cái danh xưng mà thôi. Bốn năm trước dì tôi phải gió mất, thày tôi chưa đến xế chiều đã hai lần goá, sa sút một năm đến bỏ cả nghề dạy học. Từ đó về sau, dẫu ngâm thơ thày tôi cũng không ngâm mấy câu dưới trăng trước hoa nữa, chỉ vịnh cảnh, vãn thời thế, thỉnh thoảng lại làm thơ nhớ vợ thương con.
Bận nọ mùa thu, tôi theo lời thày sang nhà bác Nghinh cạnh bên biếu mấy quả hồng mới hái. Bác có một cậu con trai hơn tôi năm tuổi, năm ấy vừa tròn mười tám, vợ chồng bác thường ngấp nghé chuyện cưới xin với thày tôi lắm. Tôi sang biếu hồng, bác gái nhân ấy giữ tôi lại trò chuyện đến chiều, hôm sau còn vời hai bố con sang thết cơm. Thày tôi vẫn sang nhưng điệu bộ nom khó xử lắm, và chiều tối về thày nốc hết mớ rượu hoa cúc tôi cất trong nhà.
Sau này biết thày buồn gì, tôi vùi đầu ở nhà với thày suốt, đến biếu quà thay thày cũng đến những nhà không có con trai tìm vợ.
Năm nay tôi mười bảy, kể cũng không nhỏ gì nếu không muốn bảo là sắp lỡ thì quá lứa. Thế nhưng sợ thày hiu hắt, tôi vẫn thuyết phục thày và mình rằng mình còn bé lắm, dăm năm nữa mới phải theo chồng.
Ôi, dăm năm cho đến bao giờ.
Vì câu trêu của tôi, thày tôi say khướt ngay trên mâm cơm, tôi cũng chẳng còn dạ nào ăn nữa. Tôi lùa vội bát cơm, đỡ thày đi ngủ rồi cũng về phòng tất tả thổi đèn. Trong phòng chỉ còn ánh trăng tan và bóng đen mờ của bàn ghế. Nền gạch in nhành hoa mơ khô nhẳng, tiếng dế rả rích, tiếng cóc nhái rền vang. Mưa đổ vào canh ba, rào rào ồn ã trên mái ngói. Bấy giờ tôi mới lim dim ngủ, cũng lim dim vào giấc mộng đồng lau.
Đã mấy ngày liền không nằm mơ, mấy ngọn lau gió đùa và dòng sông không tên xa lạ tôi dần. Thế mà tôi vẫn nhớ chiếc thuyền và anh Trương Chi, như thể tôi ngủ mơ chỉ để tìm gặp người này một chốc. Sương giăng đầy sông, khói lồng từ đám cây lên bờ bãi. Phóng mắt ra xa, màu xám lui bớt, màu xanh trải dài. Ruộng nương xanh rì tít bên kia bờ là thứ có sức sống duy nhất trong cơn mơ đêm ấy, sống động hơn cả tiếng hát Trương Chi.
Sáng ra, đầu tôi quen thói văng vẳng giọng hát trầm buồn nọ. Đêm qua anh hát giục tôi đi lấy chồng, rồi lại hát chuyện nợ duyên. Lần này tôi làm lơ giấc mơ, lòng cũng thôi chộn rộn nhiều. Có lẽ vì tôi nặng lòng chuyện thày và chuyện lấy chồng nên bấy lâu mới mơ thấy đàn ông như thế.
Kể ra thì tục tằng quá, tôi đành giếm nhẹm đi. Từ đó đến hè đầu óc tôi thông thoáng hẳn, thỉnh thoảng thày vời bạn đến thả thơ cũng xăm xắn vào giúp, không lơ mơ nhưng hồi đầu năm. Cái tiếng con gái cụ Tú Mẫn có ngón đàn khéo và tiếng ngâm nhã nhặn được thể truyền khắp vùng. Truyền đến đâu thì truyền, tôi chẳng thấy một ai ngỏ ý dạm hỏi gì, cứ yên lòng hầu thày làm cái.
Cho đến ngày kia, một ông khách phương xa đến thăm bà con, nghe thày tôi mở cuộc đen đỏ văn chương nên vào góp vui đôi ván. Tôi vẫn rót tiếng tơ, vẫn giúp chuyên chè và ngâm thơ như thường, không để ý người khách lạ mặt lắm. Có điều đêm ấy chàng Trương Chi của tôi lại vào mộng. Còn tôi, tôi không đứng đàng xa nhìn nữa mà ngồi trong mui thuyền, nơi vừa trông ra là thấy người mình mong ngóng.
Tôi gần với dáng đứng lái chèo của Trương Chi lắm, gần lắm. Khoảng cách ngắn cũn ấy khiến tôi ngơ ngẩn, vươn tay toan chạm. Vừa chạm đến góc áo chàng đã tan ra như khói, từng sợi từng sợi mỏng mảnh vấn vít rồi lọt khỏi kẽ tay tôi.
Người tôi run lên. Rõ ràng tôi đã gặp, đã gần, đã chạm, nhưng Trương Chi vẫn mãi là hư vô. Chàng sẵn sàng biến mất trước mặt tôi, cũng không lời không tiếng như khi chàng đến. Tôi bần thần, tiếc nuối chực khóc.
Khắc ấy, Trương Chi của tôi quay đầu.
Vẫn là con sông đầy gió sương, vẫn là trời nước đùng đục trắng mờ không rõ trưa sớm. Gương mặt Trương Chi chỉ thoáng nét mày nét mắt, còn lại mờ mờ sau lớp sương dày đặc. Chàng ngồi nhìn tôi bằng cái nhìn vừa đủ hiền lành chứ không âu yếm. Tôi muốn hỏi chàng đủ điều nhưng người cứng đờ, miệng nói không thành lời. Hai chữ duy nhất mà tôi gọi được là tên chàng, Trương Chi.
Trương Chi. Trương Chi. Trương Chi. Tiếng hát của chàng vẫn thanh, vẫn êm mặc cho tôi đờ đẫn gọi chàng nghìn lần. Trong cơn mơ, tôi bị tước tất cả những quyền thét gào và hạch hỏi. Nước mắt tôi vô cớ giàn giụa, vậy mà giọng tôi gọi tên chàng vẫn trơ trơ như gỗ đá. Sao không cho tôi hét lên? Sao không để tôi kêu tên chàng khẩn khoản hơn một ít? Dù chúng tôi là hai kẻ lạ không lần quen biết, cái tên ấy cũng theo tôi nghìn giờ. Tôi chỉ muốn hỏi vì sao chàng biết tôi, vì sao tôi biết chàng, vì sao tôi vừa sợ hãi lại vừa đau đớn đến thế mà chỉ có thể kêu tên chàng một cách nhẹ tênh.
Nhẹ tựa như khắc sau tôi sẽ quên chàng đi. Nhẹ tựa như trước nay Trương Chi không phải là tên chàng.
Vì sao lại là Trương Chi mà không là một chữ gì khác?
Nghe Đào kể lại, đêm ấy tôi vừa mớ vừa khóc sướt mướt. Dù con bé nghe không rõ lời tôi nói lúc ngủ, tôi vẫn chắc mình chỉ luyên thuyên đúng hai chữ Trương Chi. Cơn mơ ấy như thật, lồng ngực tôi tận một tuần trăng sau vẫn còn thít chặt và phấp phỏng. Rồi đúng một tuần tiếng hát Trương Chi lại vẳng đến, còn tôi chỉ biết ngồi trên thuyền khóc than. Cuối cùng vào một đêm sau vô số đêm nước mắt lặng lẽ tuôn rơi, tôi trong mơ đã nói được một câu với chàng lái đò: Hay là em đi tìm anh nhé?
Sau câu ấy, Trương Chi của tôi nhoẻn miệng cười.
Người con trai xa lạ trong mơ cứ thế khiến tôi mất ngủ mất ăn. Tôi không thương hay nhớ hay yêu, hoặc chăng, chính tôi cũng không dám trao lòng với một người không có thật. Làm sao tôi có thể? Việc hoang đường nhường ấy, làm gì có ai tin tôi. Từ rày về sau tôi biết sống thế nào, chẳng nhẽ phải chịu cảnh mỗi tối mỗi mơ rồi khóc, sớm ra tiều tụy mất hồn như ma.
Sao người vướng phải giấc mơ hoang đường với anh lái đò họ Trương ấy không là ai khác mà lại là tôi? Sao tôi không thể bình tâm, lờ đi cảnh trong mơ như tôi từng làm? Sao đầu óc tôi càng lúc càng mơ màng, và cái quyết tâm đi tìm Trương Chi trong tôi càng ngày càng cuộn lên như sóng?
Trương Chi là một bóng hình không thật. Chàng tựa những mơ ước xa vời của tôi từ thuở bé, như việc tôi mơ rằng mình sẽ có u nhưng không bao giờ tôi có được. Chí ít, tôi biết chắc u tôi từng tồn tại. Trương Chi của tôi đã tồn tại bao giờ đâu? Hay chàng tồn tại ở đâu đó mà tôi không hay, để rồi gieo đau khổ cho tôi bực này?
Tôi chỉ dám yêu tiếng hát Trương Chi mà không dám yêu lấy hình hài nọ. Một khi thừa nhận rằng mình nhớ mong và muốn tìm kiếm, nỗi giằng xé giữa mơ và thực sẽ lớn lên. Mầm ác đó sẽ hoại diệt tôi. Đáng nhẽ tôi chỉ cần biết mình là ai và sống đến cuối đời, nhưng bây giờ tôi như không còn biết gì nữa.
Trương Chi là ai? Tôi là ai?
...
Một tiếng đàn sắc lẻm đột nhiên vút lên, dừng giữa không trung rồi thình lình rơi tõm xuống vực. Dây đàn đứt phăng. Tay tôi ứa máu. Máu rỏ trên thân đàn cầm, giọt đỏ sẫm dần, thấm vào thớ gỗ nâu, như hoà làm một.
Cuộc vui bị gián đoạn vì tiếng đàn rất chối của tôi và cũng vì dây đàn đã đứt. Trên chiếu hoa, thày tôi cố xoa dịu bạn hữu của mình và người khách lạ thường đến tệ ấp. Hốt nhiên, giọng thấy trong tai tôi già nua quá đỗi. Tôi mười bảy tuổi, thày sang tam tuần, còn sống được bao nhiêu năm mà phải ngày ngày thu vén lỗi lầm giúp con. Còn tôi, ngần ấy thời gian tôi chỉ vùi đầu vào cơn mơ, để giấc mơ gặm nhấm mình rồi vứt xác vào con xoáy ở đáy nước.
Tiếng đàn cứa vào tôi một nhát thật sâu, thứ rỉ máu không phải là ngón tay mà là hồn tôi, thứ đã mòn một nửa với Trương Chi. Tôi khóc nấc. Bất ngờ gặp nước mắt, cánh đàn ông luống tuổi ai cũng cuống đến thở dài. Lúc tôi đương vái chào luôn miệng xin lỗi, một người trên chiếu đi đến đưa cho tôi một chiếc khăn.
Tôi tần ngần không dám nhận khăn, ngẩng đầu.
Hoá ra là vị khách lạ mặt nọ.
Bấy giờ tôi mới nhận ra anh còn rất trẻ, chỉ quá hai mươi, nhưng vì trên má có vết chàm mà trông lớn tuổi hẳn. Thày đến xoa đầu tôi, xua tôi về phòng rửa mặt, không có ý cho tôi nhận ý tốt của người khách. Anh cũng không lấy gì làm sượng, chỉ dịu giọng:
- Cô đâu việc gì phải khóc.
Hơi thở tôi hụt một nhịp, rồi tim đập thùm thụp vào ngực, cả màng tai cũng rung theo.
Tôi đâu việc gì phải khóc.
__________
[1] Đàn cầm là một loại nhạc cụ từng xuất hiện ở Việt Nam, được ghi nhận độc lập với đàn tranh bởi Lê Tắc, sống ở Trung Quốc tương đương thời Trần (trong "An Năm chí lược"). Đàn cầm cũng được ghi lại bởi Lê Hữu Trác trong "Thượng kinh kí sự", Phạm Đình Hổ trong "Vũ trung tùy bút", bởi Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn... và xuất hiện trong Lễ tế Giao thời Nguyễn. Chưa có ghi chép cụ thể về cấu trúc, cách dùng và các bản phối dùng loại đàn cầm ở Việt Nam này, nhưng theo tranh vẽ của hoạ sĩ Tôn Thất Sa thì đàn cầm thời Nguyễn có bốn chân, mặt đàn cong vòm hơn so với đàn guqin (cổ cầm) Trung Quốc, cách mắc dây đàn cũng khác với guqin.
Theo trang Đại Việt Phong Hoa thì "Đến cuối thời Lê Trung Hưng, văn hoá đàn cầm suy thoái và biến mất trong dân gian, chỉ còn được sử dụng trong nhã nhạc cung đình cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung". Tuy nhiên, ở đây mình hư cấu rằng một số nhà quyền quý hoặc dòng dõi thư hương vẫn duy trì việc dạy học đàn cầm.
Bàn thêm thì, mở số ý kiến cho rằng đàn cầm ở Việt Nam là dạng thức cổ của đàn tranh chứ không phải một loại đàn biệt lập. Tuy nhiên trên điêu khắc chùa Thái Lạc, trong "An Nam chí lược" và tạp chí "Những người bạn Cố đô Huế" - phần liên quan đến nhạc cụ truyền thống thì tranh - sắt - cầm là ba loại đàn khác nhau.
Một số hình ảnh từ tạp chí "Những người bạn Cố đô Huế" về ba loại đàn được sưu tầm bởi trang Đại Việt Phong Hoa:
Đàn cầm
Đàn sắt
Đàn tranh
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro