Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 1: LẶNG NGẮM BẦU TRỜI

Nghiêng đầu bên thềm cửa sổ, gió mùa hạ thổi làm đỏ ửng bờ má hồng của một cô bé chạc 8-9 tuổi. Dường như cái oi mùa hạ đang bị chính tâm hồn thuần khiết đó hạ gục. Tôi nở một nụ cười thật tươi, vì chốc chốc, từ cửa sổ phòng mình, tôi nhìn thấy trên cành cây cao là một chú chim có bộ lông sặc sỡ. Ở vùng ngoại ô nhỏ này, đôi lúc vẫn có những con sóc hoặc chim sẻ líu lo, nhưng màu sắc của chúng nó lúc nào cũng rất trầm, phải nhìn kỹ và quan sát lâu thật lâu, mới thấy nó đang rục rịch di chuyển. Có lẽ chúng nó sợ một thế lực nguy hiểm nào đó sẽ phát hiện và vồ lấy ngay khi nó không kịp đề phòng, hoặc chỉ đơn giản, chúng nó cũng chẳng biết làm thế nào để thay đổi màu da xấu xí ấy, cha mẹ cho sao thì đành dùng vậy. Những ngày chẳng phải đi học thêm, tôi hay ngồi nhìn sang cây xoài nhà bác Tư, ở ngay phía sau nhà tôi để chờ chúng nó tới, chỉ ngồi và nhìn chúng nó tới khi mẹ bắt đầu càu nhàu về sự lười biếng của tôi và gọi tôi ra ăn cơm.

Nhưng mà chú chim đang trên cành hôm nay thì không giống vậy, nó lộng lẫy và khoác lên mình một lớp áo thật nhiều màu như thể đang khoe mẽ về sự tồn tại của bản thân. Tôi quay ngoắt sang hỏi con Linh: 

- Mày có thấy con chim kia không?

-Con nào? Con chim sẻ kia à?- Linh chỉ vào một con chim khác đậu ở trên mái nhà nhà bác Huyền trưởng khu dân phố. 

Lúc này tôi mới nhận ra về sự tồn tại của con chim sẻ, và hình như hôm nay con chim sẻ đấy cũng "đẫy đà" hơn một cách lạ lùng. Mặc kệ suy nghĩ thoáng qua đó, tôi vẫn chăm chăm vào thắc mắc của mình:

-Không, con chim nhiều màu kia kìa.

-Ừ, thấy, nó đẹp nhỉ? - mắt Linh sáng lên như thể mới phát hiện ra điều gì lý thú lắm. 

Tôi ậm ừ: 

-Thì rõ là nó rất đẹp, nhưng ý là tao là trông nó giống như đang khiêu chiến với những loài săn mồi khác vậy.

Linh ngạc nhiên:

- Khiêu chiến? Ý mày là sao? À, có lần tao đã nghe thấy bà tao bảo bố mẹ tao "chiến lạnh" gì đấy, tao có hỏi nhưng bà tao chỉ thở dài kêu "lớn lên rồi mày sẽ tự hiểu". Thế là tới giờ tao vẫn không hiểu "chiến lạnh" là gì, và bố mẹ tao cũng không ở với nhau nữa sau vài lần "chiến lạnh" đấy. Lúc đó tao buồn lắm, tao nghĩ, giá mà có một lúc nào đó bố mẹ tao chọn "chiến nóng" thì liệu mọi chuyện có thay đổi không. - Con Linh thoáng trầm tư và tự nhấn chìm vào một dòng hồi ức buồn, nhưng rồi nó gạt đi, giật mình hỏi lại:   

-Thế ý mày là con chim xinh đẹp kia "chiến lạnh" hay "chiến nóng"?

Tôi hơi sững người vì phản ứng đột ngột của nó, nhưng rồi cũng thở dài như thể một nhà khoa học phải dành thời gian cho những tên phóng viên ngốc nghếch trên phóng sự đài truyền hình. Đương nhiên, ở đây, tôi là "giáo sư", còn con Linh là thành phần còn lại. Tôi trả lời một cách chậm rãi và đĩnh đạc:

- Khiêu chiến tức là ra vẻ mình ghê gớm lắm trước mặt người khác ấy, là thích tỏ ra hơn người, và thường dễ bị ăn đấm. Đấy là trong thế giới loài người, còn thế giới loài chim, tao nghĩ con chim kia hẳn sẽ sớm bị lũ chim khác tấn công, vì đang "khiêu chiến" quá đà bằng bộ lông của nó.

Con Linh cau mày nghi ngờ lời giải thích của tôi:

-Ai dạy mày vậy Cương? 

Tôi giơ tay lên che chặt miệng của nhỏ Linh, thụt đầu từ ngoài cửa sổ vào, và nhăn mặt nói thật nhỏ nhưng gằn từng tiếng: "Tao là Kim Cương, không phải Cương, mày gọi tao vậy hoài rồi bọn con trai trong lớp lại trêu tao là đứa con trai thứ 13 nữa đó". 

Trên thực tế, lớp tôi chỉ có 12 thằng con trai, và tôi là thằng con trai thứ 13 trên danh nghĩa, bởi vì tên tôi là Kim Cương- Trần Ngọc Kim Cương. 

Từ nhỏ, tôi hay chơi cùng với thằng Thành và con Linh ở cùng khu dân phố, tôi và thằng Thành lúc nào cũng đóng vai bảo kê cho con Linh trong mấy lần nhập vai chơi đồ hàng, nên thằng Thành cứ gọi tôi là "thằng Cương" suốt. Trên lớp nó cũng không tha tôi, thậm chí, có lần nó còn rủ tôi chơi vật tay, vì bố nó thường "bốc phét" với nó rằng cơ bắp của nó không thua gì tuyển thủ quyền anh quốc tế. Tôi cũng chả ngán nó bao giờ, tôi cao hơn nó cả 1 cái đầu, và nặng hơn nó 8 ký lận. Và đương nhiên, lần nào tôi cũng thắng, thế là nó lại về khóc nhè với bố, bố lại an ủi nó và chèn vào cả trăm ngàn lời nói dối khác mà họ nghĩ một đứa trẻ 9 tuổi sẽ tin sái cổ, kiểu như: "Con Cương vật thắng con á? Thế chắc nó luyện vật tay từ bé với bố nó rồi, sớm hơn con. Nhưng mà yên tâm, bố sẽ huấn luyện cho con trai bố thành tuyển thủ quốc gia. 1-2 năm nữa, đừng nói là con Cương, cả cái nước Việt Nam này đều phải thua vật tay con trai bố. Thôi, nín nha, nín nha!". Và nó nín thật, tôi từ đằng xa trông thấy hình ảnh bố con nó ở cổng trường, nghe được đoạn hội thoại "thấm đẫm nước mắt" đó chợt thấy hơi sai sai, nhưng rồi lại mặc kệ như bao lần khác. Tôi thích chơi với thằng Thành cũng bởi vì nó ngây thơ và dễ dụ như vậy.

Còn con Linh, nó cũng đã từng như thằng Thành, nó từng là đứa cả ngày chỉ toe toét cười. Nó điệu lắm, lúc nào thấy nó là thấy váy công chúa và mái tóc tết bím gọn gàng dài đến ngang mông. Nó bảo mẹ nó thích chải chuốt cho nó lắm, mẹ nó dặn: "là con gái thì phải để tóc dài, và để ý dáng đi, nết ngồi", nên nó lúc nào cũng nhẹ nhàng và chả bao giờ to tiếng. Thỉnh thoảng, chơi nhảy dây, tại nó nhẹ nhàng quá trớn mà đội chúng tôi thua đậm. Những lúc đó, nó cũng chỉ cúi đầu mặt xị ra vì cảm thấy có lỗi. Tôi cũng không nỡ giận nó, càng không nỡ để lũ con gái trong lớp gắt gỏng với tâm hồn "thuỷ tinh" của nó, nên tôi vội gàn đi và gợi ý chơi trò khác bù vào ngay. Linh là đứa rất thông minh, nó thông minh nhất lớp, nó giải toán nhanh, và làm tập làm văn cũng hay lắm. Cô hay tuyên dương nó, nên nhiều đứa trong lớp cũng thường nịnh nó để được chép bài. Nó dễ tính và hoà đồng nên làm được bao nhiêu, nó cho tụi con gái chép hết bấy nhiêu. Có lúc tôi bất bình thay nó, nó chỉ cười bảo: "Mẹ tao bảo, phải biết giúp đỡ bạn bè". 

Hai năm gần đây, nó không hay cười nữa, cũng không thích chơi nhảy dây. Có lần tôi thấy nó đến lớp buồn thiu, tôi gặng hỏi, thì nó oà khóc và nói trong tiếng nấc cụt không rõ ràng, nhưng tôi hiểu hết từng từ nó nói, vì thế mà tôi thương nó hơn. Lần đó, nó và em trai chơi nhảy dây ở nhà, em trai nó vô tình làm vỡ bộ ấm chén trên bàn phòng khách, nó vội vàng dùng tay vơ hết mảnh sành vứt vào thùng rác như thể sợ một người lớn nào đó sẽ mắng cả 2 chị em. Vô tình, tay nó bị mảnh sành rạch đứt, nó không khóc, cố nhặt nốt những mảnh cuối cùng. Còn em nó thì gào lên vì sợ hãi khi thấy máu ở tay chị không ngừng chảy ra. Mẹ nó nghe tiếng động, vội vàng chạy ra rửa vết thương và cầm máu cho nó, tay mẹ run run, dường như trong mắt mẹ lúc đó, không có tia trách móc nào, chỉ có sự lo lắng tột độ vì mẹ sợ, sợ nó bị đau. Lúc đang băng bó, tiếng xe máy ù ù trở về nhà, tiếng chân trống chạm ma sát xuống mặt sân trước nhà, nó sợ hãi nép vào người mẹ, chờ cơn thịnh nộ của bố. Bởi nó biết, đó là bộ ấm chén mà bố nó yêu quý vô cùng...yêu hơn cả tình yêu dành cho mẹ nó. Bố nó về, nhìn lên trên bàn, không thấy bộ ấm chén đâu, lè nhè hỏi mẹ nó:

-Bộ ấm chén đâu rồi?

Mẹ nó ậm ừ, lí nhí đáp:

-Em vô tình làm vỡ lúc đang dọn dẹp nhà. À, anh mệt rồi đúng không, anh đi tắm đi, em dọn dẹp nốt rồi là quần áo cho anh đi làm ngày mai nhé!

Chưa nói hết câu, cơn giận trong người bố nó trỗi dậy mạnh mẽ, kèm theo cơn say do rượu kiểm soát hết lý trí. Không nói không rằng, bố nó lao thật nhanh về phía mẹ nó, đạp vào đầu, vào lưng, vào người mẹ nó những cú trời giáng. Nhanh như chớp, mẹ nó không chống đỡ, chỉ dùng hết thân mình che chắn cho 2 con, mặc kệ người chồng điên cuồng đánh đập. 

Được một lúc, bố nó loạng choạng ngã nhào, trong cơn say, bố nó bật khóc như một đứa trẻ, và đề nghị ly dị với mẹ nó. Mẹ nó run run đứng dậy, im lặng dắt 2 chị em nó về phòng, không hồi đáp lấy một lời. Khoảnh khắc đó, con Linh thấy tia ấm áp hồi nãy trong mắt mẹ nó như vụt đi đâu mất, chỉ còn lại ánh mắt thất thần và sự đau đớn; như thể, mẹ đã gánh hết cơn đau đứt tay của nó mất rồi. Sáng hôm sau, mẹ vẫn chở 2 chị em đi học, vẫn tươi cười chào tạm biệt con, chỉ là hôm nay trên khoé môi vẫn còn rớm máu, và trên những cánh tay đã kín những vết bầm. Đó là ngày nó ôm tôi khóc nức nở, vì nó cảm thấy có lỗi, tại nó mà mẹ nó phải bị đau, tại nó mà bố nó phải khóc. Lúc đó, nó nhận ra, chính nó đã phá hoại hạnh phúc mỏng manh mà bố mẹ nó vẫn cố duy trì. 

Một tuần sau, nhà nó vắng đi hai người, là mẹ và em trai nó. Nhờ mối quan hệ xã hội của mình, bố nó giành được quyền nuôi nó, bởi vì trước toà, bố nó là một người đàn ông thành đạt, có sự nghiệp và cả sự tử tế. Nhưng bố nó vẫn không biết, chính nó là người làm vỡ bộ ấm chén ấy. Ngày mẹ nó rời đi, mẹ nó khóc không thành tiếng, chỉ ôm nó dặn đi dặn lại: "Con nhất quyết đừng nói ra chuyện ngày hôm đó, hãy để mẹ và em mang theo chuyện này ra đi, nếu con kể ra, thì con không còn là con gái mẹ nữa". 

Tôi còn nhớ rõ, mẹ nó xách va li đi ngang cửa nhà tôi được khoảng 15 phút, thì tôi thấy nó chạy sang nhà tôi, ở lì mãi một tuần không về. Không khóc, không than, nó bình tĩnh kể cho tôi mọi chuyện. Bố nó lịch sự sang nhà tôi xin con về, nhưng bố mẹ tôi biết những đớn đau mà đứa trẻ trong kia đang phải gồng mình gánh chịu, thế là họ nói khéo cho bố con Linh để nó lại nhà tôi chơi vài ngày. Và bố nó đồng ý, hoặc bố nó vốn chẳng quan tâm tới nó. 

Tới hiện tại, nó bình ổn và trầm tư hơn, chỉ là ít nói, ít cười, nó dường như chỉ nói chuyện được với mình tôi và thằng Thành. 

Giọng anh tôi vang lên từ phòng khách phá vỡ dòng hồi tưởng của tôi và làm con Linh giật bắn mình: "Cương, à nhầm, Kim Cương đá quý hột xoàn, mày có ra ăn cơm tối không, hay để tao bê vào mời tận giường. Linh ơi, ra ăn cơm thôi em". 

Tôi phụng phiụ nhìn Linh: "Lật giọng nhanh hơn lật bánh tráng nữa. Chắc tao là em nuôi của ổng quá mày". Linh cười cười, nhìn tôi: "Ai dạy mày câu đó?". Tôi thở dài: "Còn ai ngoài ông anh nuôi của tao, cả từ "khiêu chiến" cũng là ổng dạy tao vào cái hôm ổng đi đánh nhau với anh Quang trên đỉnh dốc nhà tao á". Tôi bật cười nói tiếp: "Tao nhớ, vì hôm đó ổng bị mẹ đánh sưng mông, ha ha ha", tôi cười khoái chí và kéo tay Linh chạy ra ăn cơm tối, miệng vẫn còn không khép được khi nhìn thấy dáng người gầy gầy của người anh "nuôi" đang chống nạnh cạnh mâm cơm nhà.

****************************************

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro