Làm văn NLXH
Đề 1
"Vợ nhặt" của Kim Lân và "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài là hai truyện ngắn đặc sắc, giàu giá trị nhân đạo. Cuộc đời và số phận của "thị" và "Mỵ" để lại bao nỗi đau buồn trong làng ta khi nghĩ về số phận người phụ nữ xưa nay.
1. Giữa đám người chạy đói xanh xám như bóng ma, và chết đói như ngả rạ nằm còng queo bên vệ đường, thị thật đáng thương: áo quần rách như tổ đỉa, người gầy sọp, chỉ còn thấy hai con mắt trũng hoáy trên cái khuôn mặt lưỡi cày. Thị sắp bị chết đói. Đói ghê gớm, đói đã nhiều ngày không có một hột gì bỏ vào bụng, nên mắt thị đã "sáng lên" khi nghe Tràng vỗ vào túi nói "rích bố cu", "muốn ăn gì thì ăn". Thị đã cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc! Qua hình ảnh thị, ta mới thấm thía câu:
"Ăn mày là ai? Ăn mày là ta
Đói cơm rách áo mới ra ăn mày!"
Cái đói đã cướp đi của thị hầu như tất cả. Họ tên, không; quê quán, không; cha mẹ, anh chị em, không. Thị là một trong hàng chục triệu nạn nhân trong trận đói năm ất Dậu 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra đã làm hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Mị trong truyện "Vợ chồng A Phủ" khốn khổ và tủi nhục biết bao. Món nợ truyền kiếp là sợi dây oan nghiệt đối với Mị. Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Mị sống lùi lũi như con rùa trong xó cửa, như con ngựa trong chuồng, công việc khong bao giờ ngơi tay. Muốn ăn lá ngón tự tử mà không xong! Tuổi trẻ, nhan sắc, tình yêu của Mị "bị thằng A Sử tước đoạt, giày xéo! Chỉ vì muốn đi chơi Tết mà Mị bị thằng A Sử trói đứng suốt đêm trong buồng tối bằng một thúng sợi đay, khắp người bị dây trói thít lại "đau nhức". Tình cảnh Mị khổ hơn một nô lệ súc vật. Cha con thống lí đã dựa vào uy quyền bọn Tây đồn Bản Pe để cướp ruộng nương, để có nhiều bạc trắng và muối. Chúng đã làm giàu trên nước mắt và máu của bao người Mèo ở Hồng Ngài. Thống lí Pá Tra và A Sử là kẻ thù không đội trời chung của Mị, của A Phủ, của bao người Mèo nghèo khổ ở Hồng Ngài.
Qua nỗi đời cay cực của cô gái mà Tràng đã "nhặt" được, qua nhân vật Mị, ta mới thấy ghê tởm tội ác của thực dân, phong kiến đối với nhân dân ta, đối với người phụ nữ khắp mọi nơi trên đất nước ta. Câu thơ Nguyễn Đình Thi giúp ta hiểu sâu hơn về số phận của người phụ nữ xưa nay:
"Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da".
(Đất nước)
2. Nói về số phận người phụ nữ xưa nay, ta nghĩ vè vai trò của họ trong cuộc đời và nạn bạo lực hiện nay. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước ta được độc lập, dân ta được tự do, người phụ nữ được giải phóng, có quyền bình đẳng. Vai trò người mẹ, người vợ, người chị, đứa em trong mỗi gia đình và xã hội thật vô cùng to lớn. Là nội tướng trong gia đình, là nội trợ, là người lao động trên đồng cạn dưới đồng sâu, trong nhà máy, họ đi dân công tải đạn, đi thanh niên xung phong, có mặt khắp mọi nơi suốt 30 năm dài đất nước chìm trong khói lửa. Có hàng vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tôn vinh.
Tuy vậy, người phụ nữ còn nhiều cơ cực, vất vả. Vì sao? Nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn. Tàn dư của tư tưởng phong kiến còn nặng nề và rơi rớt nhiều trong xã hội. Người phụ nữ và trẻ em sống đau khổ trong nạn bạo lực. Người chồng vũ phu, người cha độc đoán, tư ưởng trọng nam khinh nữ... là những nguyên nhân đẩy không ít phụ nữ vào vòng bi kịch. Đọc truyện "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Khải, qua hình ảnh người đàn bà mặt rỗ, có một sắp con bị chồng hành hạ "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng", ta càng thấy rõ số phận nặng nề và đau thương của người phụ nữ trong cuộc đời xưa nay.
Nạn bạo lực trong gia đình phải bị lên án và chấm dứt. Người phụ nữ phải được giải phóng. Giải phóng phụ nữ để mang lại hạnh phúc cho tuổi thơ. Giải phóng phụ nữ để xây dựng gia đình văn hoá mới, để làm cho xã hội ta văn minh hơn, tốt đẹp hớn.
----------Bonus----------
Sống trong xã hội cũ, người phụ nữ bị áp bức nặng nề, triền miên trong đau khổ. Trận đói năm Ất Dậu, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Đọc truyện "Vợ nhặt" của Kim Lân, lòng chúng ta quặn đau tê tái trước cảnh đám người chạy đói "xanh xám như những bóng ma", sáng nào cũng có "ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường". Trong cái đám con gái "ngồi vêu ra" xung quanh nhà kho có "thị". Cái đói đã cướp đi hầu như tất cả của người con gái này: họ tên không, tuổi tác không, gia đình, cha mẹ, anh chị em, quê quán cũng không. Mặt lưỡi cày, áo quần rách như tổ đỉa, chỉ còn nhìn thấy hai con mắt. Đói quá, "thị" mất hết cả duyên dáng, ý tứ, giữ gìn. Chỉ mới nghe Tràng nói "rích bố cu" và vỗ vào hầu bao thế là "thị" cúi đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc. Đứng trước vực thẳm cuộc đời, "thị" đã theo Tràng về làm dâu bà cụ Tứ. Cái buổi chập choạng hôm đó, trong túp lều tồi tàn, đứng trước người mẹ chồng, hình ảnh "thị" thật đáng thương: "cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt". Bà cụ Tứ, người mẹ già nghèo khổ ứa nước mắt ra. Bà nhớ ông lão, nhớ đứa con gái đã mất, thương Tràng, thương mình cơ cực, thương người đàn bà xa lạ. "Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...", câu nói ấy của bà cụ Tứ là cả một tấm lòng bao la trước cảnh cơ hàn, tai hoạ, để lại cho ta nhiều suy nghĩ, nhiều ám ảnh.
Đọc truyện "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, tôi thương Mị, cô gái Hmông ấy vô cùng. Người con gái đáng thương này xinh đẹp, thổi sáo hay, có bao chàng trai mê, nhưng sớm nếm trải nhiều bất hạnh. Mồ côi mẹ; món nợ truyền kiếp của nhà thống lí như một sợi dây oan nghiệt siết chặt lấy cổ Mị. Rồi Mị bị thằng A Sử đánh lừa bắt về cúng trình ma, cô trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Đêm nào Mị cũng khóc, cô muốn ăn lá ngón tự tử để thoát nợ đời. Mị thương cha già; Mị chết mà món nợ vẫn còn, ai cuốc nương làm ngô trả nợ cho bố. Mị thương bố, Mị chấp nhận cuộc đời khổ nhục con trâu, con ngựa trong nhà thống lí. Hình ảnh Mị "cúi mặt, mặt buồn rười rượi" ngồi quay sợi bên tảng đá, hình ảnh Mị bị thằng A Sử trói đứng vào cột bằng một thúng sợi đay "đau nhức", suốt đêm lúc mê lúc tỉnh, lúc khóc, lúc bồi hồi tha thiết như đã nói lên bao đau khổ mà người phụ nữ bất hạnh phải nếm trải trong cuộc đời. Cuộc đời Mị thấm đầy nước mắt và máu. Trang văn của Tô Hoài làm ta thương xót nghẹn ngào.
Những người phụ nữ như Mị, như "thị",, ... có biết bao phẩm chất tốt đẹp. Mị thương cha, thương mình bao nhiêu lại thương người bấy nhiêu. Cái đêm hôm ấy đêm gì…, khi ngồi sưởi bên bếp lửa, Mị liếc mắt nhìn sang thấy "một dòng nước mắt" lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ đang bị thống lí Pá Tra trói bằng hai cuộn dây mây vì tội để hổ bắt mất một con bò. Mị căm thù cha con thống lí: "Chúng nó thật độc ác". Mị thương người đàn bà bị trói chết trong cái nhà này! Lòng Mị xót xa: "Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Nhiều người ca ngợi Mị có sức sống tiềm tàng. Nhưng cao đẹp hơn nữa là Mị đã dũng cảm dùng dao nhỏ cắt dây trói cứu A Phủ và cũng là để tự cứu mình. Tình thương đã cho Mị sức mạnh để tự giải phóng, để giành lấy tự do và hạnh phúc. Mị và A Phủ đã dìu nhau chạy trốn khỏi Hông Ngài, Mị và A Phủ đã tìm đến Phiềng Sa, họ nên vợ nên chồng, họ có mái ấm gia đình hạnh phúc, họ trở thành chiến sĩ du kích. Đọc truyện "Vợ chồng A Phủ", tôi vừa thương Mị, vừa cảm phục Mị nhiều lắm.
Bà cụ Tứ chỉ có bát cháo cám đắng chát đón mừng nàng dâu mới mà nói toàn chuyện vui, chuyện sau này... Còn người vợ mà Tràng "nhặt" được đã nói lên một sự thật ở đời: dù kề bên cái chết vẫn dào dạt tình thương, vẫn khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc.
-------------KB---------------
Nhắc đến người phụ nữ, chúng ta hãy cúi đầu nghiêng mình trước hương hồn chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu,... Chúng ta tự hào về bà mẹ Suốt, về những cô gái thanh niên xung phong, những cô gái Đồng Lộc,... những tấm gương "anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang" của nhân dân ta thời chống Mĩ.
Trở lại bốn truyện ngắn trên đây, ta thấy các tác giả khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ một cách chân thực, cảm động, tạo nên tinh thần nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc.
Người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đời, trên trang văn là biểu tượng cho mọi đức tính quý báu của con người Việt Nam. Người phụ nữ đã trở thành câu ca tiếng hát. Người chị, người vợ, người mẹ là cái nôi của cuộc sống và tình thương để chúng ta mang nặng ơn sâu và mãi mãi tự hào.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro