Đề 57: Những kỉ niệm đầy xúc động về người bà thân yêu-Bếp lửa
ĐỀ BÀI:
Gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà thân yêu, bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt có đoạn:
"Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh
"Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!"
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng..."
Dựa vào đoạn thơ đã cho, em hãy viết một đoạn văn theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp khoảng 12 câu để cảm nhận về hình ảnh người bà trong đoạn thơ trên. Đoạn văn có sử dụng phép lặp để liên kết và câu chứa thành phần phụ chú (gạch chân và chú thích rõ).
_
(1) Trong trang thơ ghi lại dòng hồi ức tuổi thơ của thi sĩ Bằng Việt mang tên "Bếp lửa", hình ảnh người bà tảo tần, giàu đức hi sinh được khắc họa rõ nét, đặc biệt ở khổ thơ thứ tư và thứ năm của bài. (2) Trước tiên là sự hy sinh, tấm lòng yêu thương của bà được thể hiện trong hoàn cảnh chiến tranh: "Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi / Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi". (3) Nhà thơ Bằng Việt dùng lối viết tách từ "cháy tàn cháy rụi" và từ láy tượng hình "lầm lụi" đầy xa xót để xoáy sâu vào những thiệt hại nặng nề do ngọn lửa tàn bạo của giặc gây ra, quả thực là tận cùng của sự mất mát! (4) Nhưng tác giả cũng nhớ như in sự kiên cường của bà trong những ngày ấy, tấm lòng bà đôn hậu, giọng nói bà dịu hiền nhè nhẹ nhưng khi cần, tất thảy những hiền hậu, ôn tồn đó sẽ trở thành sự kiên định, vững vàng không gì lay chuyển được, điều đó được thể hiện qua những từ ngữ "vững lòng", "đinh ninh" và phép đảo ngữ trong câu thơ: "Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh". (5) Với sự kiên định và tấm lòng bao dung, vị tha, bà dặn cháu viết thư không được kể sự thật về những mất mát đau thương ở quê nhà để người đi xa ngoài tiền tuyến yên tâm công tác, gian khổ, thiếu thốn, vất vả, nhọc nhằn, bao nỗi nhớ thương bà đều phải nén vào trong lòng để lo cho con cho cháu. (6) Ở hình ảnh một người bà đôn hậu lại hội tụ những phẩm chất kiên cường nhất của một bà mẹ Việt Nam anh hùng bởi bà vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần vững vàng cho cháu, là hậu phương vững chắc cho con, là trụ cột mạnh mẽ của gia đình và là tấm lòng nồng nàn yêu nước. (7) Tác giả đã trích dẫn trực tiếp lời bà dặn khiến cho bạn đọc như cũng nghe thấy đâu đây tiếng nói ôn tồn, ấm áp của bà, những vần thơ sao quá đỗi thân thương! (Cháu biết ơn vô cùng công lao của bà và cũng thấm thía biết mấy những giá trị tinh thần tốt đẹp được truyền trao từ hành động nhóm bếp của bà: "Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen / Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn / Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng... (9) "Bếp lửa bà nhen" sớm sớm chiều chiều không phải chỉ để sưởi ấm, đun nấu, mà đã sáng bừng lên thành ngọn lửa bất diệt. (10) "Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn" là ẩn dụ cho tình yêu thương luôn luôn được ấp ủ trong tấm lòng bà, không bao giờ nguội tắt, trở thành một cội nguồn của sức sống, của tình yêu và sự ấm áp. (11) Ngọn lửa còn là sức sống bền bỉ, mãnh liệt bất chấp thời gian, là ánh sáng niềm tin bà đặt để nơi cháu, nơi tương lai hạnh phúc hòa bình: "Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng". (12) Điệp ngữ "một ngọn lửa" cùng các từ ngữ chỉ thời gian: "rồi sớm rồi chiều", các động từ "nhen", "ủ sẵn", "chứa" đã làm cho giọng thơ vang lên mạnh mẽ, đầy xúc động, tự hào. (13) Như vậy, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự, biểu cảm và nghị luận, sử dụng hình ảnh thơ chân thật, gần gũi, sinh động, giọng điệu thiết tha, thấm thía, nhà thơ Bằng Việt qua hai khổ thơ trong thi phẩm "Bếp lửa" đã giúp bạn đọc cảm nhận được về hình ảnh người bà với bao phẩm chất đáng quý - sự tảo tần, giàu đức hi sinh, giàu niềm tin và luôn yêu thương con cháu.
Phép lặp trong câu (4), (5): Bà
Thành phần phụ chú trong câu (13): "sự tảo tần, giàu đức hi sinh, giàu niềm tin và luôn yêu thương con cháu".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro