
Đề 36: Vẻ đẹp của người đồng mình-Nói với con
Tôi từng nhớ, Ra-xum Gam-za-tốp từng nói: "Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người". Quê hương trong bạn là gì? Đó chính là nơi chôn rau cắt rốn, là cội nguồn, là nơi lưu giữ cả một bầu trời yêu thương, nơi ấm áp nghĩa tình với những con người quê hương mộc mạc, chân phương...Với tình yêu quê hương thiết tha, Y Phương đã đưa hình ảnh "người đồng mình" lên trang thơ một cách đầy tự hào, xúc động qua cách thể hiện mới lạ. Mượn lời tâm sự với con, thi sĩ đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc về những đức tính tốt đẹp của "người đồng mình" – của con người quê hương miền núi.
Y Phương là cây bút của những tâm tình miền núi. Thơ ông mộc mạc, giản dị mà sâu lắng, thâm trầm mà sâu sắc. Chất liệu chính trên những trang viết của ông chính là những giá trị nhân văn trong truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc miền núi. Bởi thế mà có ý kiến cho rằng: "Thơ ông là một bức tranh thổ cẩm đan dệt nhiều màu sắc khác nhau, phong phú và đa dạng, nhưng trong đó có một màu sắc chủ đạo, âm điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo. Nét độc đáo đó nằm ở cả nội dung và hình thức. Với Y Phương, thơ của dân tộc Tày nói riêng và thơ Việt Nam nói chung có thêm một giọng điệu mới, một phong cách mới". "Nói với con" tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà thơ. Thi phẩm là tiếng lòng, là lời tâm sự nhắn nhủ chân thành của người cha đối với đứa con yêu. Mạch cảm xúc của bài thơ được phát triển một cách tự nhiên, đi từ tình cảm gia đình ấm cúng đến những tâm sự về tình cảm quê hương, dân tộc, từ cái riêng đến cái chung. Để rồi từ trong những ngọt ngào của kỉ niệm quê hương, người cha nói với con những đức tính tốt đẹp của người đồng mình.
Từ vành nôi đầu tiên là mái ấm gia đình, con đã được lớn lên và còn được nuôi dưỡng bởi tấm lòng tình nghĩa của quê hương:
"Người đồng mình yêu lắm con ơi"
Câu thơ bộc lộ trực tiếp tình cảm của người cha đối với quê hương. Gọi quê hương bằng cái tên thật thân thương trìu mến "người đồng mình" và biết bao tình cảm qua hai chữ "yêu lắm". "Yêu lắm" là yêu rất nhiều, một tình yêu sâu sắc, bền chặt, thuỷ chung, gắn bó với quê hương miền núi – nơi người cha đã sinh ra và lớn lên. Vậy vì sao người đồng mình lại đáng yêu, đáng mến như thế. Những câu thơ tiếp theo người cha giúp con hiểu rõ:
"Đan lờ cài nan hoaVách nhà ken câu hát"
Những hình ảnh miêu tả vừa cụ thể vừa vô cùng thi vị đã gợi ra hình ảnh con người lao động cần cù, chất phác với bàn tay khéo léo tài hoa, tâm hồn mộng mơ lãng mạn giữa cuộc sống lao động giản dị, đầm ấm, yên vui. "Lờ" là một dụng cụ dùng để đánh bắt cá lại được đan cài bằng những hoa văn trông thật đẹp mắt. Vách nhà không chỉ được đan cài bằng tre nứa mà còn ken chặt những câu hát. Trong căn nhà của họ, lúc nào cũng vang lên tiếng hát, họ vừa làm vừa cất lên khúc hát lạc quan yêu đời, họ là những nghệ sĩ giữa đời thường. Có lẽ điệu hát then và cây đàn tính đã trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của con người nơi đây. Các động từ "đan", "cài", "ken" không chỉ tả thực mà còn gợi sự quấn quýt, đoàn kết, gắn bó của những con người trên quê hương. Chỉ với những câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã giúp ta hình dung được hình ảnh đáng yêu của người đồng mình giữa núi rừng thơ mộng , hiền hoà. Vẻ đẹp của họ được gợi ra từ cuộc sống lao động bình dị, từ bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo. Họ có niềm vui giản dị, tinh tế ngay trong cuộc sống mộc mạc đời thường.
Người đồng mình không chỉ đáng yêu mà còn thật đáng quý bởi họ là những con người biết lo toan và giàu mơ ước:
"Người đồng mình thương lắm con ơiCao đo nỗi buồnXa nuôi chí lớn"
Cụm từ "Người đồng mình" được nhắc lại và không chỉ dừng ở đây mà còn lặp lại ở những vần thơ tiếp theo như khắc sâu vào lòng con, nhắc nhở con đừng bao giờ quên quê hương, quên người đồng mình, đừng bao giờ thôi tự hào về họ. Từ "yêu lắm" chuyển sang "thương lắm" làm cho lời thơ như chùng xuống đầy xót xa khi nói về cuộc sống nhiều buồn đau, vất vả của người đồng mình. Để rồi người đọc vừa se lòng, xót xa thương người đồng mình, vừa tự hào về chí khí của người đồng mình. Thương vì nỗi buồn của người đồng mình là "cao đo". Xưa nay có ai đo được nỗi buồn bởi nó đâu hiện thành hình khối. Đây là cách nói giàu hình ảnh cho thấy nỗi buồn của người đồng mình là rất nhiều. Quê hương miền núi với biết bao khó khăn, thiếu thốn, địa hình hiểm trở, phong tục, tập quán lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn. Song, người đồng mình vẫn "xa nuôi chí lớn", vẫn sẽ vượt qua tất cả những nỗi buồn đó, những khó khăn đó. Họ giống như những đóa hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, bởi trong họ luôn thường trực ý chí, nghị lực cùng niềm tin vào tương lai tươi sáng. Câu thơ ngắn gọn như một phương châm sống, thể hiện một bản lĩnh sống, một tâm thế đẹp của người dân miền núi: sống hiên ngang, đầy chí khí.
Nỗi buồn của người đồng mình càng nhiều thì ý chí của người đồng mình càng lớn. Ý chí ấy giúp họ vươn lên để:
"Sống trên đá không chê đá gập ghềnhSống trong thung không chê thung nghèo đóiSống như sông như suốiLên thác xuống ghềnhKhông lo cực nhọc"
Nhà thơ đã lấy những hình ảnh thực của thiên nhiên: đá, thung, ghềnh, thác để thể hiện thật cụ thể, chính xác cuộc sống đầy khó khăn, vất vả của người dân miền núi. Thành ngữ "lên thác xuống ghềnh" đã cụ thể hoá thêm mức độ của những khó khăn đó. Trên những khó khăn, thử thách, cha vẫn muốn con "không chê", "không lo". Điệp từ "không"nhắc đi nhắc lại như lời khẳng định ý chí, nghị lực đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ và sự gắn bó thuỷ chung với quê hương xứ sở. Vượt lên trên tất cả, con người sống mạnh mẽ, khoáng hoạt, chan hoà với thiên nhiên, với núi rừng: sống trên đá, sống trong thung, sống như sống như suối. Phép so sánh độc đáo cùng với điệp từ "sống" như một lời khẳng định sức sống bền bỉ, dẻo dai, mãnh liệt của người đồng mình. Phải chăng chính cuộc sống nhọc nhằn đầy nỗi khổ đau ấy lại khiến cho "chí lớn" thêm mãnh liệt? Họ như cây tùng, cây bách hiên ngang giữa chốn bạc ngàn, chẳng bão gió nào có thể quật ngã, như cây xương rồng trên cát luôn bám chặt vào mảnh đất quê hương, bất chấp mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đến đây, tôi chợt nhớ đến tình yêu quê hương sâu sắc kết tinh trong những vần thơ của Đỗ Trung Quân:
"Quê hương mỗi người chỉ mộtNhư là chỉ một mẹ thôiQuê hương nếu ai không nhớSẽ không lớn nổi thành người"
Phẩm chất của người đồng mình còn được người cha ca ngợi qua cách nói đối lập tương phản giữa hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần bên trong, nhưng rất đúng với người miền núi:
"Người đồng mình tuy thô sơ da thịtChẳng mấy ai nhỏ bé đâu con"
Lời thơ tràn đầy niềm tự hào, trân trọng và biết bao trìu mến. Thủ pháp đối lập giữa hình thức và tâm hồn trong hai câu thơ đã khắc hoạ nổi bật bức chân dung chân thực nhưng gợi cảm và có chiều sâu của người dân miền núi. Hiện ra giữa núi rừng hoang sơ là hình ảnh những con người "thô sơ da thịt" – thô ráp, mộc mạc, khoẻ khoắn. Ẩn sâu bên trong vẻ bề ngoài thô kệch đó là cả một tâm hồn rộng mở, là sức sống mãnh liệt, là ý chí nghị lực vượt lên trên tất cả "chẳng mấy ai nhỏ bé". Lời tâm sự của người cha thật tha thiết, ta như cảm nhận được nỗi niềm của người cha khi tâm sự với đứa con thơ. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh về ý chí nghị lực, về khát khao sống của người đồng mình.
Cùng với ý thức tự lực, tự cường, người đồng mình còn ngời sáng tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng xây dựng quê hương:
"Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hươngCòn quê hương thì làm phong tục"
Những con người lao động cần cù, vượt lên khó khăn, thiếu thốn, sẻ núi, ngăn sông, dựng nhà, dựng cửa, xây trường, xây trạm. Từng ngày, từng giờ bằng trí thông minh và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, họ đã không ngừng làm cho quê hương thêm giàu thêm đẹp, nâng cao thế đứng kiêu hãnh, rạng rỡ của quê hương với những truyền thống, phong tục tập quán không thể trộn lẫn. Họ chính là người làm nên quê hương, chủ nhân của những phong tục truyền thống tốt đẹp và họ tự hào về những điều đó. Cách nói "tự đục đá kê cao quê hương" mang đậm lối tư duy của người miền núi, vừa cụ thể vừa giàu sức khái quát càng tô đậm quyết tâm xây dựng quê hương của người đồng mình.
Bằng những hình ảnh thơ cụ thể mang ý nghĩa khái quát, âm hưởng lời thơ linh hoạt, khi thì mạnh mẽ rắn rỏi, lúc lại thiết tha, sâu lắng. Y Phương đã hóa thân vào nhân vật người cha để ngợi ca vẻ đẹp truyền thống của quê hương, làm rõ hơn vì sao người đồng mình lại "yêu lắm", "thương lắm" như thế. Người đồng mình giàu ý chí nghị lực, sống tình nghĩa, thuỷ chung, hồn nhiên, phóng khoáng, tự lực, tự cường xây dựng quê hương và giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của mình. Qua đó, ta như cảm nhận được niềm yêu mến, tự hào về quê hương, về những người dân quê vùng mình của nhà thơ. Cùng viết về đề tài quê hương, đất nước nhưng thi phẩm "Nói với con" mang một màu sắc mới mẻ, ở chỗ nhà thơ thể hiện niềm tự hào về quê hương, dân tộc thông qua việc ngợi ca những vẻ đẹp, phẩm chất của những con người trên quê hương cùng với đó là lối tư duy giàu hình ảnh đậm nét người miền núi. Với giá trị đó, bài thơ như một đoá hoa thơm góp một màu sắc mới lạ, độc đáo vào mảng đề tài quê hương, đất nước.
Tố Hữu từng nói: "Một bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu thơ mà chỉ còn thấy tình người và tôi muốn thơ phải thật gan ruột", điều đó được chứng minh qua "Nói với con", khi Y Phương không viết thơ, mà đó chính là những lời thủ thỉ, tâm tình đầy yêu thương, đầy xúc động của một người cha với đứa con thơ của mình khi nói về vẻ đẹp của những con người trên quê hương mình. Chính bởi lẽ đó đã khiến hình ảnh của quê hương, của người đồng mình hiện lên thật chân thực, cụ thể với bao phẩm chất tốt đẹp. Đó là mạch suối ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn ý chí cho con. Đọc bài thơ, hiểu về vẻ đẹp của những con người quê hương, ta thêm yêu, thêm trân trọng hơn những con người làm giàu đẹp quê hương, đất nước.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro