Sáng đám cưới, chiều đám ma
Nhà họ Huỳnh giàu nhất vùng Xẻo Rô không ai chưa nghe qua, ông bá hộ Huỳnh Khương cũng nổi tiếng hào sảng, hay phát lúa gạo cho bà con nghèo nên tiếng tăm vì thế nức mũi gần xa. Bà bá hộ Trương Thị Ái xinh đẹp mặn mà, hơn tứ tuần nhưng nhìn cứ như gái mười tám, đã vậy còn ân cần, thạo việc, đảm đang.
Hai ông bà có với nhau cậu con trai, tên Huỳnh Hữu Nghị, lên ba đã biết viết chữ, lên bảy đọc làu kinh sách, mười tám tuổi thì được ba mẹ đưa lên trường y trên Sài Gòn để theo học làm bác sĩ, năm năm sau đã tốt nghiệp. Gia đình họ Huỳnh không những giàu mà còn hạnh phúc khiến ai nấy nhìn vào cũng thầm ganh tị, tuy vậy ông bà bá hộ sống có phước với làng xóm, cho nên ai ai cũng quý mến.
Trần Lục nghe ông thầy đờn nói đến đó thì ngăn lại, hắn bảo: "Thầy tha lỗi con nói thẳng, chứ cứ như chuyện đem đi lừa con nít, có ai trên đời mà sống sáng không lo chiều không nghĩ như vậy chứ?"
Ông thầy đờn vừa đi vừa vuốt râu, nói: "Cậu này nói đúng, quả nhiên là như vậy, mà không phải là "sáng không lo chiều không nghĩ", nên đổi thành "sáng đám cưới chiều đám ma".
Thoại Ngân chỉ về phía trước, bảo: "Thì lúc nãy thầy có nói rồi, nhưng thực hư ra sao mới được."
Thầy đờn xua tay, nói: "Thôi, thôi, sắp tới nơi mất rồi, có gì khuya khuya ăn cháo thầy kể cho mà nghe, hoặc cứ gặp thẳng người nhà mà hỏi, giờ thầy đi lo chuyện đám ma. Mấy cô mấy cậu muốn ngủ nhờ thì cứ nói đệ tử của thầy đờn là được, thầy không có phiền đâu. Vậy nha."
Ông thầy đờn nói đến đó thì cũng chân thấp chân cao bước lên con đường lát đá bên trên, đi về phía căn nhà của bá hộ Khương. Đám Trần Lục, Văn Giỏi và Thoại Ngân bước theo, vừa lên đường lớn mới biết thì ra có hai lối dẫn vào nhà, con đường đang thẳng tắp thì tách ra làm hai, cổng bên trái treo bảng Vu Quy còn cổng bên phải treo trống đám ma, nhìn vào kỳ cục hết sức.
Trời lúc này cũng vừa nhá nhem tối, vầng dương phía đường chân trời biến thành màu cam quýt, nắng cuối ngày chiếu những tia sáng yếu ớt và le lói lên mái ngói đỏ tươi của căn nhà, làm cho nó như biến thành hồ nước bằng máu. Đám người Trần Lục bước thật chậm về phía đó, đứng ở ngã ba mà phân vân không biết nên đi vào cổng bên nào, lúc ấy mới có một người thanh niên bước ra đón, hỏi ra thì anh ta chính là người con trai tên Huỳnh Hữu Nghị.
Hữu Nghị cao ráo, sơ vin gọn gàng, tóc chải ngược ra sau, vầng trán to rộng chứng tỏ là người có học thức. Anh ta nhìn một lượt đám người bên đây, thấy Trần Lục có vẻ là già dặn, cho là trưởng đoàn nên anh ta mới hỏi: "Mấy toa là đệ tử của thầy đờn hả?" Trần Lục gật đầu, Nghị mới nói tiếp: "Vô đây, vô đây, có bàn còn trống, cũng mới lên cử rượu, uống chia buồn, à không, chia vui với..."
Hữu Nghị nói đến đó cũng cứng họng, quả thật chẳng biết gọi đám cưới chạy tang này là thứ gì mới đúng, Thoại Ngân thấy vậy mới bước lên nói: "Anh cứ để tụi tui tự nhiên là được rồi, nhà có đám nên nhiều việc, hơi đâu mà ra tiếp đón từng người."
Hữu Nghị thở ra nặng trịch, nói: "Không được... Ba người vô đây, moa dẫn vô bàn."
Đám người đứng nói qua nói lại hơn năm phút đồng hồ, bọn Trần Lục và Thoại Ngân vì sợ bại lộ, lỡ như Hữu Nghị hỏi chuyện đờn địch thì không biết đường trả lời nên tìm cách khước từ, còn Hữu Nghị vì sợ phật lòng thầy đờn nên chẳng dám lơ là. Giằng co hết một hồi thì đám Trần Lục cũng không khước từ được, đành theo Hữu Nghị vào bàn. Vừa đặt mông xuống, Trần Lục sợ bị hỏi nên quyết định đánh phủ đầu: "Anh Nghị, nói thật thì ông thầy đờn... À nhầm... Sư phụ tụi tôi sáng nay kêu lên ghe đi sớm, chẳng chịu kể cho tụi tôi nghe thực hư câu chuyện cưới chạy tang này là sao, nếu anh không ngại thì chia sẻ một chút có được không?"
Hữu Nghị nói: "Ý toa muốn nói là vì sao nhà moa lại làm hai đám cùng một lúc?"
Thoại Ngân gật đầu lia lịa, ra ý thúc giục: "Đúng, đúng, em sống chưa đủ lâu, trước giờ nghe người ta kể chạy tang chạy tang mà không hiểu cho lắm."
Hữu Nghị rót một vòng rượu, gắp cho mỗi người một miếng mồi rồi mới kể nguyên do có đám ngày hôm nay cho cả bọn Trần Lục nghe. Thật ra chạy tang hiểu nôm na là làm đám cưới trước đám ma, người ta làm đám này vì hai nguyên do, thứ nhất là cặp nam nữ đã đính hôn với nhau nhưng sắp đến ngày cưới thì có người trong nhà chết đột ngột, sợ làm đám cưới sau sẽ đem đến vận xui nên phải tổ chức đám cưới trước. Hai là vì ở Nam Bộ sau đám ma người nhà sẽ để tang ba năm, mà để tang thì không tổ chức đám cưới được, vì vậy làm đám cưới trước để không phạm đến những điều cấm kỵ.
Thoại Ngân mới hỏi sao mà Hữu Nghị lại thở dài, trên mặt còn hiện rõ vẻ lo toan, Hữu Nghị mới nói: "Người mới chết là ba của moa, ngặt cái ba moa chết hết sức đột ngột, sau đó lại có chuyện kỳ lạ. Thôi để moa kể từ đầu..."
Số là khoảng nửa năm trước, lúc Hữu Nghị gần tốt nghiệp, một vị tiến sĩ trên Sài Gòn có đến hỏi anh sao này sẽ làm gì tiếp theo. Hữu Nghị vốn đã có định hướng sẵn trong đầu, bèn đáp là sẽ trở về Xẻo Rô để mở trạm xá, một là để an cư lạc nghiệp gần cha mẹ, song song đó hai lần một tháng khám miễn phí cho bà con. Vị tiến sĩ nghe xong thấy hết sức hài lòng cho nên khoảng thời gian sau đó tiếp giúp Hữu Nghị rất nhiều, trạm xá vì thế xây gần một tháng đã xong xuôi mọi thứ.
Ngày trạm xá khai trương, ông bà bá hộ đãi gần năm mươi mâm rồi mời bà con đến dự để chung vui với con trai mình, và trong buổi tiệc hôm ấy, Hữu Nghị gặp Kim Tươi. Kim Tươi vốn là người làng khác, chuyển nhà đến đây ở khoảng ba năm trước, lúc ấy Hữu Nghị còn ở Sài Gòn học y nên hai người chẳng hề biết nhau.
Cha của Kim Tươi cũng là thầy thuốc nam, vì mẹ Tươi mất sớm nên Tươi theo cha từ nhỏ, lại có phần thông minh anh tú, cho nên kiến thức về cây thuốc của Tươi uyên thâm khỏi bàn. Hữu Nghị vì ngưỡng mộ mà đem lòng thầm thương trộm nhớ, hôm sau anh lấy hết can đảm sang nhờ Kim Tươi làm y tá cho trạm xá của mình, hòng muốn ngày ngày được ở cạnh mỹ nhân.
Kim Tươi ban đầu từ chối, vì thái độ của Hữu Nghị có phần suồng sã nên cô cho rằng anh ta cậy gia thế có tiền nên nghĩ muốn nữ nhân nào thì nữ nhân đó phải theo. Tuy nhiên, về sau, Tươi mới phát hiện rằng thì ra Hữu Nghị vì quá thương cho nên đâm ra hấp tấp, cô bắt đầu để ý đến Nghị hơn.
Hơn bốn tháng trôi qua, Kim Tươi bắt đầu hiểu rõ hơn về con người của Hữu Nghị, anh ta vốn thông minh sẵn có, lại theo học trường y trên Sài Gòn nên kiến thức hết sức uyên bác, Kim Tươi học được rất nhiều từ anh. Cuối cùng, Tươi cũng phải lòng Nghị.
Tình yêu của Hữu Nghị và Kim Tươi đẹp như được viết ra từ sách, người ta cứ luôn miệng "trai tài gái sắc", nhưng cặp đôi này chính xác hơn là "trai và gái đều đủ tài và sắc", ai nấy cũng tấm tắc khen đẹp đôi, bảo họ nên cưới nhau là vừa. Hữu Nghị ngẫm lại thấy cũng đúng bèn dắt Kim Tươi về ra mắt ông bà bá hộ, Kim Tươi cũng không ngần ngại, dẫn Hữu Nghị về gặp cha mình, một tháng sau, nhà trai đã sang hỏi nhà gái.
Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Năm ngày trước khi nhóm họ, ông bá họ Huỳnh bị té sau sàn nước, trượt chân làm sao đó mà ngã vào đống đòn ngang dỡ xuống hôm sửa nhà. Ông bá hộ bị đinh gỉ đâm lủng năm lỗ trên khắp cánh tay, ngộ cái là máu chảy ra có màu đen kịt, lại bốc mùi hôi. Sau tai nạn đó, ông bá hộ bắt đầu nói mớ, ban đêm đang ngủ bật người thẳng dậy làm bà bá hộ ngủ chung hết sức kinh hãi, miệng ông mấp máy: "Lạnh... Lạnh gáy quá..."
Bà bá hộ đơ cứng người, thân thể như đổ đá, cảm thấy mặt cắt chẳng còn hột máu nào. Ông bá hộ cứ luôn miệng than lạnh gáy, bà bá hộ đánh liều sờ vào thử thì thấy một thứ băng hàn bốc ra từ gáy chồng mình thật, mờ mờ ảo ảo như khói ống điếu. Đúng lúc ấy, ông bá hộ ngoặc đầu chín mươi độ, nhìn chòng chòng vào bà bá hộ khiến bà ta giật mình mà ngất xỉu. Sáng hôm sau thì ông bá hộ chết.
Gia đình thấy chuyện kỳ lạ nhưng cũng cho rằng do ông bá hộ nhiễm độc từ đinh gỉ nên cũng không làm ầm lên, mặc dù ai cũng đau buồn nhưng người chết rồi cũng đâu sống lại được. Đám cưới chỉ còn ba ngày, có vài người khuyên Hữu Nghị nên làm đám chạy tang, không thôi sẽ gây động linh hồn ba mình. Hữu Nghị tất nhiên không chịu, anh học trên Sài Gòn mấy năm nay, đầu óc thấm nhuần tư tưởng bài trừ mê tín dị đoan, nên anh quyết định đêm đó sẽ khâm liệm ông bá hộ ngay, ai nói gì cũng không chịu nghe.
Ngày khâm liệm, quan tài của ông bá hộ đã chuẩn bị đâu vào đấy, được đặt uy nghi giữa nhà, xung quanh còn có rất nhiều hình nhân giấy. Con cháu đêm ấy quỳ khóc xung quanh rất nhiều, thầy chùa vừa đọc kinh xong, đạo tỳ bắt đầu trải chiếu cạnh quan tài rồi đặt xác ông bá hộ lên miếng vải đỏ. Xác ông bá hộ bấy giờ vẫn còn phủ vải che mặt, đạo tỳ nhảy múa một vòng để xin phép Diêm Vương sau đó dùng kiếm gắp tấm vải ra, con cháu lúc ấy ai cũng ngoái đầu sang nhìn, nhưng khi thấy cảnh tượng trước mắt thì ai cũng thét lên kinh hãi.
Cả khuôn mặt ông bá hộ giờ có cả trăm cái lỗ đen ngòm, xoáy sâu vào tận xương sọ, tựa như là dấu đinh gỉ đâm hôm xảy ra tai nạn vậy. Từ bên trong những lỗ tanh hôi này chảy ra chất dịch màu đen nhầy nhụa, bốc mùi như cả trăm xác chết. Đám đạo tỳ và người nhà chưa biết phải nên làm gì, ông bá hộ bỗng ngồi bật dậy, lưng thẳng như cây sào, khuôn mặt không chút sức sống từ từ quay qua nhìn đám người bên dưới.
Bà bá hộ thấy cảnh này chợt nhớ tới đêm hôm trước, bà la lên một tiếng thất thanh rồi ngã ra đất, đám đàn bà con gái cũng bắt đầu ngất xỉu. Đầu ông bá hộ xoay chầm chậm, tựa như bị ma quỷ kéo đi vậy, cái tay bên dưới thì dở lên, ngón trỏ rung rung, chỉ thẳng mặt Hữu Nghị mà quát, giọng nói như vang về từ mười tầng địa phủ: "Con cháu bất hiếu... Không muốn chạy tang thì thôi... Sao lại để ba mày không được tham dự đám cưới của mày? Bất hiếu... Bất hiếu!"
Hữu Nghị sau đó sợ xanh cả mặt, đám đạo tỳ thầy cúng thấy thế liền kêu anh mau mau đốt nhang, quỳ xuống mà van xin ba mình đi. Hữu Nghị tay rung cầm cập, cầm theo ba cây nhang mà vái lạy: "Con... Con xin lỗi ba... Con làm đám chạy tang! Con làm đám chạy tang!"
Nghe được đến đó, cái xác ông bá hộ rung lên bần bật, nước nhầy dính trên mặt túa đi bốn phương tám hướng, dính cả vào đầu tóc tất thảy những người bên dưới. Đám người hét lên dậy cả một vùng, đám khâm liệm mà tưởng như ma quỷ về đòi mạng. Xác ông bá hộ sau đó ngã "bịch" xuống chiếu, tấm vải đỏ tự động bay lên trùm lấy mặt ông ta, ai nấy cũng như muốn đái trong quần.
Hữu Nghị kể đến đây thì cúi gằm mặt, lúc ấy từ phía nhà sau cũng bước ra một cô gái hết sức xinh đẹp, tóc dài như thác, mắt trong như ngọc, là Kim Tươi. Trần Lục và Văn Giỏi ngẩng cả người, nhìn chằm chằm vào Kim Tươi không chớp mắt, Thoại Ngân thấy vậy mới kéo hai người, thì thầm: "Làm cái gì mà nhìn con gái người ta ghê vậy hai ông thần?!"
Trần Lục bạo biện: "À... Thì nhìn coi có phải ma quỷ gì không, thói quen ấy mà..."
Văn Giỏi bảo: "Đệ tưởng tại cô ta đẹp quá nên anh em mình mới nhìn...?"
Trần Lục cười khẩy: "Có mình đệ ấy..."
Thoại Ngân nói: "Anh Lục coi bộ chống chế hay đó, mê gái thì nói đại."
Trần Lục định gân cổ lên cãi, nhưng Kim Tươi đã đi đến sát bên nên hắn đành im miệng. Kim Tươi vừa ngồi xuống thì khuôn mặt đã đong đầy buồn bã, môi cô tím tái, không còn chút sức sống, Hữu Nghị thấy vậy mới gặng hỏi: "Em sao vậy?"
Kim Tươi mếu máo, như muốn nhõng nhẽo với Hữu Nghị nhưng sợ đông người: "Người ta để ba nằm chò co như vậy anh không thấy thương sao?"
Hữu Nghị choàng tay ôm vai Kim Tươi: "Anh xót muốn chết đây nè, nhưng mà thầy nói ba chết do phong hàn, phải ngậm đũa cho xác lạnh lại mới đắp chiếu được... Hay em muốn như hôm bữa...?" Kim Tươi im lặng, nuốt nước bọt ừng ực, tựa như ký ức về cái đêm khâm liệm ma quái đang hiện về rõ mồn một trong đầu cô vậy. Hữu Nghị thấy hôn thê mình như vậy mới kiếm chuyện khác nói: "Mà hình như cũng sắp đến giờ rồi đó..."
Văn Giỏi hỏi: "Đến giờ gì?"
"Thầy đờn sắp làm lễ khâm liệm."
Hữu Nghị nói xong thì từ biệt bọn họ, cùng Kim Tươi đi tới chỗ làm lễ. Đám người Trần Lục, Văn Giỏi và Thoại Ngân lập tức quay sang nhà chính, ở giữa nhà có tám vải phủ lên một thứ gì đó, nhìn hình thù có vẻ như là một cái quan tài. Ông thầy đờn ngồi trên cái khạp gần đó, ông ta đã thay đồ, áo bà đen, quần trắng, khoác thêm cái áo tang, trên tay là cây đàn kìm. Dưới khạp, cách khoảng một thước là cái xác của ông bá hộ, xác nằm trên chiếu, quấn vải, trên mặt đắp khăn màu đỏ, để lộ ra phần miệng đang ngậm ngang một chiếc đũa.
Gia quyến Huỳnh gia quỳ gối bên dưới cái khạp, cách khoảng ba thước, trong đó có cả Hữu Nghị và Kim Tươi. Ông thầy đờn thấy đã đủ mặt thì liền đưa tay, khảy đàn, miệng hát ra thứ nhạc gì đó nghe hết sức ghê rợn, giống đang rên hơn là hát, từ ngữ nghe chữ được chữ không. Lúc này, Trần Lục mới nghe tiếng Trúc Lâm thở dài: "Uầy... Banh chành như thế kia, còn gáng kéo lại cái gì không biết. Nếu ông bá hộ dựng dậy lần nữa sẽ thành xác bất phục phản như chơi."
Trần Lục đã học cách nói chuyện với Trúc Lâm trong đầu óc không cần lên tiếng, bởi vậy không sợ Văn Giỏi và Thoại Ngân nghe được, hắn hỏi: "Mà banh chành cái gì vậy Tổ phụ?"
Trúc Lâm bảo: "Cái xác kia nát hết rồi, phong hàn chiếm gần hết cơ thể, dự là trong vài năm nữa sẽ thi biến. Nếu mai mà chôn ở đất xấu nữa thì..."
"Coi kìa!"
Trúc Lâm chưa kịp nói hết câu, Thoại Ngân đã vội đứng lên chỉ vào cái xác của ông bá hộ, lồng ngực đang phập phồng, tựa như ông bá hộ vẫn còn đang sống và hít thở vậy. Lúc này, một trận gió rất lạnh thổi đến, cái khăn che mặt màu đỏ đắp trên mặt ông bá hộ cũng bị thổi tung rồi đậu lên đầu của Kim Tươi. Khăn che xác người hiện giờ chẳng khác nào tấm mạng che mặt trong đám cưới!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro