Hai cái xác
Trong không gian mờ mờ ảo ảo, bầu trời sáng hơn mặt đất, khung cảnh kỳ lạ trước mắt càng làm Trần Lục thêm phần nao núng, hắn định quay lưng đánh bài chuồn, ra khỏi đây trước rồi tính kế cứu đám người Thiết Công sau. Tuy nhiên, bước lùi lại một bước hắn đã nghe tiếng thì thầm trong cái khạp xác khô đang đeo trên lưng, là Trúc Lâm. Trần Lục ghé tai nghe, Trúc Lâm bảo hắn tiến về phía trước, ông ta cảm giác có chuyện gì đó mờ ám, chạy ra ngoài rồi có khi lại không thể nào giải quyết hết cho đặng. Trần Lục cãi: "Không được đâu Tổ phụ, Tổ phụ chỉ là cái xác thì không lo chết sống, con còn tương lai phía trước, mùi đàn bà còn chưa nếm, tự nhiên chui vô đó làm gì."
Trúc Lâm nói: "Cái thằng hậu bối lười nhớt thây này, tin lão chui ra ngoài cho ngươi một trận không? Có lão ở đằng sau, ma quỷ xuống đây phải quỳ lạy lão trước, đừng có lo xa!"
Trần Lục ậm ừ: "Nhưng mà thấy cảnh ma quái trước mắt mà còn đâm đầu vô thì hơi ngu ngốc đó Tổ phụ. Chẳng thà mình chạy trước, tương kế tựu kế rồi quay lại cứu họ sau, như vậy mới là cung cách của người làm việc lớn. Dăm ba cái hành động anh hùng Lục con không có ham."
Trúc Lâm lại nói: "Cái thằng này, ngươi lại lý sự với lão nữa nhỉ? Lần này lão đảm bảo, không có hiểm nguy gì sất, cứ tiến về đằng đó!"
Trần Lục nghe Trúc Lâm "đảm bảo" thì khịt mũi, cả đời hắn nghe hai chữ này mòn cả tai, chẳng thể trông chờ vào những người thốt ra chúng. Tuy vậy, Lục ta cũng nghĩ thầm, Trúc Lâm đã có ý định cho mình thừa kế Quan Thiết, tất nhiên sẽ không đưa hắn vào hiểm nguy trùng trùng, như thế thì sẽ mâu thuẫn với những gì Trúc Lâm đã nói ban đầu. Hơn nữa, Trần Lục mà có chuyện gì, e rằng cái xác khô trong khạp cũng không mọc chân chạy đi được, Trúc Lâm đâu thể nào suy nghĩ ngu ngốc mà liên lụy đến bản thân lão như vậy?
Trần Lục từ nhỏ đã lăn lộn đủ nơi đủ chốn, gặp đủ loại người, những chuyện thiệt hơn, hoặc phân tích lợi ích cho bản thân hắn làm riết thành quen, bởi vậy suy nghĩ nhiều như vậy nhưng chỉ chưa tới mười giây, hắn nói: "Được rồi, coi như lần này con nghe lời Tổ phụ."
Trần Lục hít một hơi thật sâu, rẽ đám lá rồi bước ra khỏi chỗ trốn, màn sương bên kia cứ cuộn lại rồi oằn lên, tựa như bị cơn gió thổi ngang, thế nhưng không gian oi bức thế này thì lấy đâu ra gió, thế nên màn sương kia cứ như có sức sống, thập phần ma quái. Phía xa, bóng dáng của năm người cứ ẩn vào sương rồi hiện lên như thể chui ra từ hư không. Trần Lục phải công nhận mình có phần do dự, bước đi mà cảm giác chân mình chùng lại, cơ thể báo động, chực chờ có biến gì là hắn sẽ "tẩu vi thượng sách" ngay.
Lúc này, Trần Lục mới phát hiện ra một chuyện kỳ lạ: tiếng nói chuyện của đám người Thiết Công từ nãy đến giờ cứ lặp đi lặp lại. Đầu tiên Ngọc Mỹ sẽ nói gì đó tỏ ý lo lắng, sau đó Văn Giỏi, Tiếu Thiên và Sửu Anh sẽ an ủi, khỏi nói cũng biết mười phần thì chín phần là hung. Trần Lục gõ lên cái khạp, nói: "Tổ phụ, Tổ phụ có nghe mấy người nói chuyện không? Nãy giờ có nhiêu đó cứ nói đi nói lại hoài..."
Trúc Lâm trả lời bằng giọng quả quyết: "Cứ tiếp tục đi đi."
Trần Lục nghe vậy bèn quẹt mũi, mồ hôi lạnh bắt đầu đổ ra ướt cả trán. Đi được thêm mười bước, tứ phía bỗng vang lên tiếng động "két két", giống như ai đó đang dùng búa nhổ đinh, màn sương đang dày đặt bỗng nhiên bị thứ gì đó nhất loạt xua đi hết, để lộ ra trước mắt Trần Lục khung cảnh thật sự của "đám người Thiết Công". Trần Lục hoảng hồn, lùi về sau hai ba bước, thì ra không có người gì cả, đứng sừng sững phía đó là năm cái quan tài gỗ kỳ dị. Quan tài u ra ở đầu, thon ở giữa, phía dưới lại bị xẻ ra làm hai, chúng được dựng lên cho nên nhìn qua màn sương cứ tưởng có người đang đứng. Phía đỉnh quan tài còn được khắc hình mặt nạ thú, tiếng nói chuyện đích thực là phát ra từ những cái mặt nạ này. Trần Lục nuốt nước bọt, trong sát na chẳng biết phải phản ứng như thế nào.
Lúc này, Trúc Lâm mới lên tiếng, giọng có phần dè chừng: "Không xong rồi..."
Trần Lục thủ thế, có con gì nhảy ra là hắn sẽ chuồn ngay, trong đây không phải đám người Thiết Công nên chuyện bỏ chạy còn có phần dễ dàng hơn. Trần Lục nói: "Sao vậy Tổ phụ? Không phải người cần cứu, chúng ta nên đi ra."
Trúc Lâm nói: "Không được. Hậu bối, mau mở quan tài ra cho lão xem bên trong."
"Cái gì, Tổ phụ định..."
"Không được cãi, lão kêu làm thì cứ làm, lần này lão không tranh cãi với ngươi nữa!"
Trần Lục thấy giọng Trúc Lâm có phần gấp gáp, trong tâm hắn cũng nghĩ có gì đó không ổn với năm cái quan tài kỳ lạ, xen lẫn giữa đó là chút tò mò. Trần Lục nuốt nước bọt, khẽ tiếng tới cái quan tài đang phát ra tiếng nói chuyện của Ngọc Mỹ. Hắn sờ lên cạnh nắp quan rồi dùng tay đẩy nhẹ: nắp quan không có đóng đinh! Hoặc có thể, tiếng "két két" lúc nãy chính là của ai đó đã dùng búa gỡ đinh trên quan tài ra cũng không chừng? Trần Lục lắc đầu quầy quậy, không suy nghĩ nhiều nữa, hắn nghiến răng rồi kéo nắp quan tài, bên trong lập tức thổi ra một trận âm phong lạnh buốt. Quan tài trống không!
Trần Lục mấp máy: "Sao... Sao ngộ vậy?" Hắn nhìn lên cái mặt nạ, trên đó vẫn phát ra tiếng nói của Ngọc Mỹ khiến hắn khẽ rùng mình.
Trúc Lâm nói: "Hậu bối, coi như ngươi gặp may, lần này học được vài điều."
"Ý Tổ phụ là...?"
"Nhìn lên nắp quan đi."
Trần Lục nghe lời, vừa quay đầu sang, hắn lập tức nhún người, bật nhảy về sau gần ba bốn thước. Trong nắp quan là bóng dáng đen ngòm của ai đó đang nhìn hắn trừng trừng, hắn quát: "Con mẹ nó, thì ra là trốn trong nắp quan."
Trần Lục xoay người, toan bỏ chạy, lúc này mới nghe tiếng của Trúc Lâm: "Hậu bối ngu ngốc, nhìn cho kỹ lại đi!"
Trần Lục vẫn chưa hiểu, hắn liền kê mặt lại gần hơn, lúc đấy hắn mới tá hỏa, thì ra bên trong nắp quan tài có đặt một cái gương, bóng dáng lúc nãy hắn thấy chính là hình ảnh phản chiếu của chính mình. Trần Lục bước đến gần hơn, cái bóng của hắn trong gương cũng bước theo, hắn đưa tay trái, cái bóng trong gương đưa tay theo, hắn vẫy vẫy, cái bóng cũng vẫy vẫy, đoạn hắn nói: "Đặt gương trong quan tài, lần đầu tiên con thấy."
Trúc Lâm thở dài: "Thiên Táng Thất Sơn mà lại táng trong Quan Tài Gương. Tạo nghiệp rồi, tạo nghiệp rồi."
"Là sao Tổ phụ?"
"Người làm ra cái quan tài này, ắt hẳn muốn che giấu một chuyện khủng khiếp từng xảy ra tại nơi đây! Quan tài là thứ chứa đựng thể xác người chết cho đến khi tan rã về với đất mẹ thì cải táng, gương là thứ soi hằng ngày, để người chết ám hình vào gương, ngươi có nghĩ ra được là dụng ý gì hay không?"
Trần Lục gãi đầu: "Dạ... Hậu bối ngu muội, không biết được!"
Trúc Lâm nghiêm trọng nói: "Là để cho một con đường quay về dương thế đó!"
Ông ta giải thích, Quan Thiết từ lúc manh nha cho đến khi tan rã, thời gian nói lâu cũng không lâu, nhưng vẫn trải qua một hai đời người, tuyệt học gom được cũng không phải ít, trong đó phải kể đến thứ gọi là "hồi quang phản chiếu".
Người sắp chết thường sẽ trải qua ba giai đoạn: "huy quang", "hồi quang" và "tàn quang", tương ứng với ba giai đoạn tắt lửa đỉnh đầu và hai vai, thứ lửa hay được gọi nôm na là "tam muội". Có người nói, "tam muội chân hỏa" chỉ là câu giảng của nhà Phật về sự tạm bợ của kiếp này, tuy nhiên thứ mà Quan Thiết gọi là tam muội chân hỏa này không phải là lấy từ sách Phật mà ra. Lửa này ổn định dương khí trong cơ thể, nói dễ hình dung hơn thì giống như cây đinh ghim thứ khí ấy không thoát ra ngoài, vậy nên người yếu bệnh dễ gặp ma nhất là do đâu, do ba thứ lửa này không ổn định mà thôi.
Nói đến ba giai đoạn của chuyện hấp hối thì thế nào?
Thứ nhất là "huy quang", người sắp chết cảm thấy có sức lực, đây là lúc họ tự nhiên mà nói chuyện với người còn sống, bao nhiêu hối hận trong đời đều kể bằng sạch, vậy nên hay có câu rằng người sắp chết thường nói thật. Huy quang là lúc tam muội chân hỏa gồng lên mà cháy, gọi là giai đoạn bạo phát bạo tàn, chút dương khí còn lại đều được dồn vào.
Thứ nhì là "hồi quang", khi trăn trối xong xuôi, lửa ấy dần lụi, tựa như cây nến lúc cháy gần xong, sáp nến sẽ lan ra xung quanh, lửa dương khi cũng vậy, nó sẽ lan nhưng không phải bên ngoài, mà là lan vào trong. Người hấp hối thấy cuộc đời như được chiếu lại cho xem, rất nhanh, bao nhiêu buồn vui đều ập đến, điều ấy thực ra là do tam muội chân hỏa đem luôn hồn phách của họ ra để mà đốt cho hết, chờ đợi cuộc sống kiếp sau không còn vướng bận mà thôi.
Thứ ba là "tàn quang", nói thẳng ra, là ánh sáng cuối cùng mà mắt nhìn thấy được trước khi nhắm lại.
Trúc Lâm nói: "Có những người không tiêu hao đi cái tàn quang ấy, ngươi biết họ dùng vào việc gì hay không? Chính là dùng để nhìn vào gương. Cách này trong một quyển bí kíp của Lương Gia bọn ta, tên là Tàng Thây Tông Sách có nói: "phàm là người sắp chết không nên nhìn vào chân dung tự họa đủ cả tứ chi thân thể, nếu nhìn đủ lâu sẽ bị chính bức tranh hút hồn vào, giam cầm trong đó vậy!" Tranh đã được như thế, nhìn vào gương thì còn cỡ nào nữa? Nói cách khác, nhìn vào gương chính là "giấu đi" tàn quang, nghĩa là "chết giả!"
Trần Lục ngạc nhiên: "Chết giả? Nói vậy người trong quan tài này... còn sống?"
"Không hẳn, cái gì cũng có hai mặt của nó. Để gương hút hồn, nếu muốn cũng có thể coi là cách trừng phạt vô cùng đau đớn. Linh hồn đó nếu không có sự chuẩn bị để thoát ra, ngàn vạn kiếp cũng thể nói đến hai chữ "siêu sinh" đâu. Người làm ra cái quan tài này, ta chưa biết là ai, nhưng dường như có dáng dấp của Thiết Công!"
Thấy Trần Lục còn có phần chưa tường, Trúc Lâm nói tiếp: "Trong Tàng Thây Tông Sách có chép một chuyện về quan tài gương này. Có gia đình phú hộ nọ, mãi chưa có con, đi xem thầy thì được biết rằng do hai người chưa tạo đủ phúc để trả nghiệp tiền kiếp. Họ từ đó ăn chay niệm Phật, rốt cuộc cũng có được cô con gái. Tuy nhiên sinh con xong thì bà phú hộ qua đời. Người chồng tiếc thương vợ bao nhiêu thì càng dồn tình thương cho con gái bấy nhiêu. Cô bé càng lớn càng xinh đẹp, giống hệt như bà phú hộ lúc trẻ. Vậy mà thiên mệnh khó đoán, đến năm mười sáu tuổi, cô lại bị căn bệnh quái ác, có thể chết bất kỳ lúc nào. Ông phú hộ chạy vạy khắp nơi tìm phương kế cứu con, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu ái ngại. Không biết là trời cao động lòng hay là do nghiệp chướng, có một vị đạo sĩ bày kế chôn cô gái trong quan tài áp gương ngay mặt, lưu giữ "tàn quang", để linh hồn cô gái không bị hút đi, về sau mỗi lần nhớ con, ông phú hộ chỉ cần đợi đến canh ba nửa đêm thì lau kính đó ba lần theo chiều tròn từ trái qua phải, cô gái sẽ hiện lên. Ông phú hộ đêm nào cũng lau kính để gặp con mình, nhưng lần nào cô cũng hiện lên với vẻ mặt khóc lóc, đau buồn, muốn can ông ta chuyện gì đó, nhưng khổ nỗi không nói chuyện được. Đến lần nọ, cô báo mộng cho ông phú hộ, hôm sau lấy một cái quần cũ để lau kính, nói xong thì cũng biến mất. Đến hôm sau, ông phú hộ làm theo lời cô gái, tuy nhiên vừa lau được hai vòng thì ông đã hét lên kinh hãi, thì ra trên đỉnh đầu của ông có một con quỷ ngồi sẵn, mỗi lần ông lau kính, nó lại mò đến để tìm cách hút hồn cô gái và ông phú hộ. Sách có chép: hồn quỷ đó lại chính là vợ ông ta! Chuyện này, Tàng Thây Tông Sách có phê rằng, quan tài gương, lành ít dữ nhiều, nên tránh không nên giải!"
Trần Lục nghe đến đó thì bán tín bán nghi, hắn vừa định nói gì đó, chưa kịp mở miệng thì xung quanh bỗng vang lên tiếng kêu "réc réc" như có cả đàn heo bị chọc tiết, từ trong màn sương bên ngoài, hắn thấy những cái đầu người đang nhấp nhô, bên trên là những cặp mắt đỏ rực như màu máu, ban đầu là năm cái, sau đó là mười, hai mươi, gần năm mươi cái đầu với những cặp mắt đỏ lắc lư qua lại, phút chốc đã bao vây lấy hắn và Trúc Lâm. Trần Lục chậc lưỡi, trong bụng rủa thầm, lúc nãy không lo chạy mà đứng lại nghe kể chuyện, đám đầu người kia tất nhiên là hung chứ không phải cát, lần này chết mất xác hắn có làm ma cũng không cam tâm.
Lúc này, không gian bỗng lấp đầy bởi tiếng khóc, tiếng than van, ai oán nghe như cửu tuyền u minh, và còn có tiếng... trống đám ma. Trần Lục giật thót cả mình, nhìn kỹ lại thì thấy đám người mắt đỏ này còn khênh theo một cái quan tài. Quan tài này không có nắp, bên trong là một cái xác khô mặc áo cà sa màu cam, cổ đeo chuỗi hạt.
Trần Lục còn chưa biết phải phản ứng như thế nào, đột nhiên hắn nghe tiếng Trúc Lâm: "Lục con, lâu nay Thiết Công chỉ biết lên rừng tìm cây đóng hòm, để hôm nay ta truyền cho con vài chiêu để đánh nhau với đám ma quỷ cỏn con này. Con thấy sao?"
- o -
Hai Dũng vẫn nằm ngáy khò khò trên giường, chẳng biết trời trăng gì, trong lúc đó, đám người bên đây vẫn chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau, chẳng biết phải suy nghĩ như thế nào cho đúng. Rõ ràng ngoài kia có một nhóm người khác y hệt bọn họ đang bước đi, có dụi mắt mấy lần cũng không thể nào thấy khác đi được. Tiếu Thiên lay Văn Giỏi, thì thầm: "Giỏi đại ca, em đi đập miễu cũng không phải là lâu, nhưng cũng không thể nói là mới vào nghề. Thế nhưng, chuyện kỳ lạ này em chưa gặp qua bao giờ..."
Văn Giỏi chậc lưỡi, đưa ngón tay trỏ lên miệng: "Không được dùng lục ngữ. Là người cùng giới với nhau, lăn lộn cũng lâu, không lẽ em muốn để người ngoài biết thân phận của mình sao. Nên nhớ, em là người của Võ Gia, chuyện đó còn quan trọng hơn rất nhiều."
Tiếu Thiên gãi đầu: "Huynh nói cũng phải... Nhưng em có cảm giác, những người đi làm hòm này có thể tin được."
Văn Giỏi nói: "Huynh đồng ý, trước mắt là có thể tin được, nhưng về sau không ai biết được ai cả. Ngay cả đệ cũng không được tin huynh, sau này đệ cứ như vậy, sẽ không giữ được mạng của mình. Mà huynh nói thế này, người đệ không được đặt niềm tin vào nhiều nhất chính là những người thân với mình nhất, ví như Ngọc Mỹ cô nương, hoặc thậm chí là chính Võ Gia của đệ."
Tiếu Thiên nghe đến đó, tâm trạng bỗng chùng xuống, mặt xụ lại, quả thật như lời Văn Giỏi nói, nó và gia tộc của nó, Võ Gia, gần đây đang có những xích mích. Ngọc Mỹ đang nắp dưới bậu cửa sổ bên trái, thấy Văn Giỏi và Tiếu Thiên cứ bàn tính gì đó thì liền bò sang, hai người bọn họ thấy vậy thì không thì thầm với nhau nữa. Ngọc Mỹ bảo: "Lúc này mà còn tâm sự gì nữa vậy hai ông tướng? Mau nghĩ cách đi chứ."
Văn Giỏi nhìn sang Sửu Anh và Sửu Em, ra hiệu cho họ tụ lại, đoạn Giỏi nói: "Chú Sửu, con có đề nghị thế này, đám người ngoài kia có thể là ảo giác, và tâm điểm tạo ra ảo giác tám chín phần nằm ở cái đình làng kỳ quặc hồi sáng. Hai chú Sửu đang bị trọng thương, hay là để con dẫn nhóc Tiếu Thiên với Ngọc Mỹ cô nương đi lên đình một chuyến, gặp ma giết ma, gặp quỷ giết quỷ."
Sửu Anh nghe giọng Văn Giỏi có phần tự tin, ông suy nghĩ hồi lâu, cảm thấy người thanh niên này có vẻ còn chưa bộc lộ hết năng lực mới dám nói quả quyết như vậy, hơn nữa, đúng như Văn Giỏi nói, Sửu Anh và Sửu Em đều đang bị nội thương từ lúc đánh nhau với con Hổ Trành, có đi theo chỉ tổ làm vướng tay vướng chân. Nghĩ đến đó, Sửu Anh gật đầu đồng ý. Văn Giỏi dặn Tiếu Thiên và Ngọc Mỹ nai nịt gọn gàng, ba người bọn họ cúi người thận trọng bước ra nhà sau, mở cửa rồi chui tọt vào bóng tối.
Hơi lạnh xộc ngay vào mũi ba người khi họ vừa bước ra khỏi nhà, phía trước tối u u, nhìn xuống dưới chẳng thấy được chân mình, nhìn về trước chỉ thấy phạm vi chưa tới một thước. Còn chưa biết phải đi hướng nào, Văn Giỏi bỗng chớp mắt, hai con ngươi phút chốc biến đổi, biến thành một màu vàng rực như ngọn lửa, chính giữa có một đường đen cắt ngang, nhìn như mắt mèo. Ngọc Mỹ tuy đã thấy qua, nhưng do không biết cặp mắt đó là thứ gì, cô chỉ biết mấp máy: "Thật ra... Thật ra... Anh Giỏi là người như thế nào vậy?"
Văn Giỏi không trả lời, anh đang liên tục đảo mắt tìm kiếm thứ gì đó. Ngọc Mỹ bèn nhìn qua Tiếu Thiên tìm kiếm câu trả lời, thế nhưng, tất cả những gì cô nhận lại chỉ là ánh nhìn bẽn lẽn đầy dè chừng của thằng nhóc. Ngọc Mỹ nuốt nước bọt, cô nhớ lại những lần diệt ma đầy uy dũng trước đó của Tiếu Thiên, nhưng khi đứng trước một Văn Giỏi thì Tiếu Thiên lại tỏ ra lép vế hơn, tựa như cặp mắt đó là một thứ gì đó rất ghê gớm mà đến cả một thiên tài như nó cũng phải e sợ. Ngọc Mỹ liền hạ quyết tâm, trong bụng nhủ thầm sẽ để ý nhất cử nhất động của Văn Giỏi, sau này về sẽ kể lại với Sửu Anh.
Văn Giỏi vừa đảo mắt một lượt đã biết được phải đi hướng nào, anh quay sang nói với bọn Ngọc Mỹ và Tiếu Thiên: "Hai người đi phía sau, để Giỏi tôi dẫn đường, đình làng cách đây không xa lắm. Trong lúc bước đi nhớ cẩn thận, đi nhẹ nói khẽ, ngoài kia dân làng vẫn chưa ngủ đâu. Mà tôi không biết họ có phải là dân làng không nữa..."
Văn Giỏi nói xong thì dẫn đường, Ngọc Mỹ thấy vậy liền kéo lại: "Đôi mắt đó... Thật ra nó là thứ gì? Sao huynh chỉ cần nhìn là biết được hết?"
Văn Giỏi xua tay: "Không có thời gian giải thích, chuyện đó để sau đi."
Ngọc Mỹ nhíu mày, cảm giác như Văn Giỏi không muốn nói ra thì đúng hơn. Màn đêm ở đây kỳ lạ, đến cả ánh sáng của một ngôi sao thôi mà cứ tưởng là đèn pha, thế nhưng Văn Giỏi bước đi như không có chuyện gì là ghê gớm cả, Ngọc Mỹ và Tiếu Thiên bám theo phía sau chạy băng băng, tuyệt nhiên chẳng phải đụng phải chướng ngại gì, thoáng cái đình làng đã ở trước mặt ba người bọn họ.
Văn Giỏi ra hiệu dừng lại trước cánh cửa đình, quả như lời của Hai Dũng, đình này đã mục nát gần hết, không có dấu hiệu của người sinh sống, cũng không trang hoàng như lúc sáng bọn họ đến đây. Nhìn lên trên tường thấy rêu bám một lớp dày cộm, bốc mùi ẩm mốc, mái đình thì nào là nhện giăng tơ, côn trùng ẩn nấp, rõ ràng đã lâu không có ai dọn dẹp.
Văn Giỏi đặt tay lên cửa đình rồi khẽ quay người về sau, ra hiệu cho hai người kia chuẩn bị, đoạn anh đẩy cửa khiến bản lề oằn mình, kêu lên những tiếng ken két rợn cả da gà. Tuy vậy, so với khung cảnh hiện ra trước mắt thì vẫn chưa là gì: ở giữa sân đình có đặt một cái quan tài, xung quanh quan tài tối đen nhưng có ánh sáng từ đâu rọi xuống như soi rõ từng thớ gỗ, nắp quan mở, bên trong có một cái xác. Ngọc Mỹ đưa đầu vào nhìn, vừa nhìn thấy cái xác thì cô liền nấc lên một tiếng, nước mắt bắt đầu chảy ra. Trong quan tài là xác của Trần Lục.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro