Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 24: Không phải lần đầu ôm

Trường Châu Thành lúc ba giờ chiều nắng phủ kín hết sân, nhưng mười hai thanh niên chia đều hai bên lưới đang đánh bóng chuyền vẫn tràn đầy năng lượng. Vì bóng mát dưới tán cây ở gần đó quá nhỏ, nên Lai và hai bạn làm truyền thông phải ngồi trong hành lang cách xa chỗ sân bóng.

Thật ra nó chẳng ngại việc dang nắng, hay nóng nực khi ngồi xem anh Toản tập luyện. Nhưng Đình Mạnh không cho phép tụi con gái ra ngoài đó, vì sợ bị say nắng lại đổ bệnh rồi quay ra đổ thừa.

"Lai, em học lớp 10A mấy vậy?" Chị búi tóc cao vừa nặn tắt vô chén muối, vừa hỏi.

Cát Lai với bạn nữ đeo kính gọng hồng đang cặm cụi xé bánh tráng, ngước lên nhìn chị trả lời: "Dạ, em học lớp A4 á chị Nhi."

"Vậy lớp bà với tui cách nhau năm phòng luôn á Lai." Bạn đeo kính gọng hồng lên tiếng.

Lai gật gù, hỏi: "Ai chủ nhiệm lớp bà á Trúc?"

"Cô Dung dạy Địa đó bà."

"À à, cổ dạy lớp tui luôn."

Chị Nhi thở dài, than vãn: "Mấy đứa sướng ghê, mới lên lớp 10 thôi. Chứ chị năm nay 11 rồi, thời gian cấp 3 nó trôi lẹ lắm. Mới đó mà chuẩn bị vùi đầu, vùi cổ vào học."

Mười hai năm cắp sách đến trường chỉ dài khi trên vai là điểm số, thi cử. Song đi qua rồi, chúng ta mới thấy nó thoáng như một cơn gió. Chúng ta tiếc nuối những việc chưa kịp làm, hay kỷ niệm của thuở áo trắng quần xanh. Nhưng thật ra, điều day dứt lại chính là tháng năm vô lo vô nghĩ và không phải khổ sở vì bốn chữ cơm áo gạo tiền.

"Cái này em công nhận là sướng nha, giống như lúc học cấp 2 em kêu mệt nhưng học cấp 3 rồi mới biết hồi đó còn thoải mái chán." Lai đưa ngón cái lên, đồng tình.

Trúc mặt mày ủ rũ, không khác Lai là mấy: "Thiệt nha trời ơi, có ngày tui đi học thêm đến 9 rưỡi 10 giờ lận. Giờ quen với nhịp học, nên đỡ hơn đầu năm."

Ba chị em ngồi nhai bánh tráng, nói chuyện lênh láng 7749 chủ đề không chán. Mãi đến khi đội bóng chuyền nghỉ giữa giờ đi vào, ba cái miệng mới giải lao.

Đình Mạnh chống nạnh, chau mày nói: "Tụi tôi thì tập mệt như cờ hó, còn các cô mang tiếng trợ lý săn sóc mà ngồi đây xay lúa."

Nhi bĩu môi, khinh khỉnh đáp: "Bọn em tới đây trông nom là quý rồi, không lẽ phải như hòn vọng phu đợi cánh đàn ông mấy anh ra rồi dâng nước lên hả?"

Mạnh thản nhiên gật đầu, hất cằm về phía Lai với Toản. Lúc này, Nhi mới phát hiện nhỏ bên cạnh từ lúc nào đã cầm chai Revive và khăn lau người cho đội phó Toản.

"Đây đây, anh nhấp từng ngụm thôi. Đừng tu ừng ực nha, không là bị trào ngược đó." Lai mở nắp chai, rồi đưa đến trước mặt anh.

Toản híp mắt cười với nó, sau đó hơi nghiêng đầu liếc về phía đám con trai tỏ vẻ đắc ý: "Cám ơn em nha."

Mười mấy cặp mắt trơ ra nhìn cái gọi là "chúng tôi không phải người yêu của nhau", nhưng lại rất nồng nặc mùi tự vả cho câu nói ấy.

Thục Nhi cười khẩy, châm chọc Mạnh: "Anh đừng trách sao em với Khánh không chu đáo như Lai nhé, nó chỉ biết mỗi anh Toản thôi. Nếu như trong cái đội này, có ý trung nhân của em thì đã khác."

Trúc bụm miệng cười, nói: "Có khi còn gấp mấy lần bà Lai luôn đó chứ."

Một bạn nam trong đội, nhún vai đáp: "Vậy bất công quá Mạnh ơi, nhọc lòng tuyển trợ lý mà giờ chỉ tập trung mỗi thằng Toản. Cũng không phải thiếu người, nhưng hai con này nó ăn không ngồi rồi miết à."

"Ừ, nhiều khi tụi mình phục vụ ngược lại mấy đứa con gái thì có." Anh đầu xoăn bĩu môi.

Toản ở một bên, dỏng tai lên nghe những lời ganh tỵ với mình mà không khỏi cảm thấy tự hào. Nhìn người trước mặt vừa cầm khăn chặm chặm bắp tay cho bớt mồ hôi, vừa cười hì hì.

"Có phải chỉ tập trung mình anh không?" Anh nhỏ giọng hỏi nó.

Lai ngước mặt lên suy nghĩ một hồi, chớp chớp mắt trả lời: "Hiện tại chỉ có mỗi anh Trường Toản thôi." Dù sao người ta cũng đang nói về số lượng đối tượng, chứ chẳng phải thật lòng hay có mục đích khác hay không.

Mỗi lần nghe nó gọi kèm theo tên đệm, Toản cứ thấy ngài ngại, mặt mũi thì nong nóng, đo đỏ. Có lẽ, vì không ai gọi anh như thế cả.

Toản đằng hắng, quay mặt đi chỗ khác: "Dù sao thời này, thứ mất niềm tin nhất chính là lời nói của con gái."

Lai ngay lập tức đơ ra, rõ ràng người ta thường hay bảo "đừng tin lời đàn ông" cơ mà. Với lại, nó thấy mình dễ thương, còn phúc hậu như vậy anh lại kêu mất niềm tin.

Nó đang tính phản bác vài câu, nhưng câu chuyện mà mọi người chuẩn bị nhắc đến hấp dẫn quá nên quăng chiếc khăn vô người anh rồi bỏ đi. Toản chụp lấy cái khăn, khóe miệng không biết từ lúc đã kéo ra đến mang tai. Sau đó, anh cũng theo nó đến chỗ đội đang ngồi.

Mạnh nhíu mày, khó chịu hỏi: "Mày sung sướng quá, nên cứ toét miệng ra cười hoài ha?"

Anh chưa kịp đáp, Nhi đã lên tiếng thay: "Tại anh không thấy cảnh tượng vừa rồi thôi, nó giống như là..." Ai cũng im thinh thích, lắng nghe Nhi chuẩn bị nói tiếp: "Mọi người biết cái cảnh mà nương tử ngỗ nghịch thẩy tú cầu cho nam nhân mình yêu thích không? Sau đó chàng chụp lấy rồi mãn nguyện, cười kiểu bao dung, chiều chuộng nàng á."

Trước khi tiếng cười như ong vỡ tổ vang lên, Trúc vội nói: "Có một câu này để thể hiện ý này, chính là việc nhỏ tùy ý em làm loạn, còn việc lớn có anh chống lưng."

"Má ơi, ha ha." Mạnh là đứa ôm bụng cười đầu tiên.

Không ngoài dự đoán, mười mấy cái miệng đồng loạt ha hả theo sau.

Riêng hai con người đang đi đến, bước chân đông cứng. Một hành động bình thường, nhưng sao qua miệng Nhi với Trúc thì thành một câu chuyện sến súa đến lạ. Người không biết ngại như Lai, mà còn cảm thấy xấu hổ. Huống chi, anh trai da mặt mỏng phía sau. Cả người Toản không khác gì con tôm luộc, hên là mới đánh bóng ở ngoài nắng vào nên không ai để ý mà ghẹo thêm.

Nhi cố nhịn cười, giọng run run: "Ơ kìa... Nghiêm đại nhân đỡ phu nhân ngồi xuống đi chứ."

Toản cố gắng hít vào thở ra mấy cái, bước đến ký nhẹ lên đầu Nhi: "Ít đọc tiểu thuyết thôi em ạ, người ta bình thường hơn chữ bình thường nữa mà qua miệng em nó thành gì á."

"Thành cái gì là cái gì?" Nhi nhướng mày hỏi.

Tập thể câu lạc bộ bóng chuyền đồng thanh, đáp: "Thành vợ thành chồng chứ thành cái gì nữa."

Cách tốt nhất để dừng lại câu chuyện khó xử, chính là đánh trống lảng sang chủ đề khác. Lai cười gượng gạo, vờ hỏi:

"Ngày mai mình sẽ đấu với trường nào vậy anh Mạnh."

Nhắc đến chuyện quan trọng ban nãy chuẩn bị bàn bạc còn đang dang dở, thì bận quay sang chọc ghẹo nó với anh. Đứa nào đứa nấy ngồi thẳng lưng, kéo khóe miệng về lại vị trí cũ và nghiêm túc nghe Mạnh nói.

"Có tám trường đăng ký dự thi, chia ra hai bảng. Sáng mai mình đấu với Đinh Tiên Hoàng, chiều lại thì Bà Rịa với Trần Hưng Đạo đội nào thắng thì mình gặp."

Nhỏ Trúc ngơ ngác, thắc mắc: "Ủa? Vậy mình thua từ trận đầu là về luôn hả?"

"Con này, phun nước miếng nói lại cho tao. Gì mà thua hả? Đương nhiên là phải thắng rồi, đội mình có anh Toản với anh Mạnh sao mà thua được." Hoàn đấm nhẹ vào bắp tay Trúc.

Mạnh vừa được khen, liền giả vờ ngại ngùng: "Trời ơi, thằng bé này cứ nói quá. Anh có giỏi gì, chỉ có năm lớp 10 nhất còn năm ngoái anh nhường cho Bỉnh Khiêm nhất, còn mình về nhì."

"Đúng đúng, cầm cúp lâu quá thì ngại lắm." Toản khoác vai Mạnh, cười xớ lớ.

Lai nhếch miệng, nhìn hai ông tướng trước mặt bằng ánh mắt xét nét. Đúng là nồi nào úp vung nấy, Toản với Mạnh không làm bạn thân cũng uổng.

Mấy thành viên khối 12 thì không lạ gì những màn sĩ diện này nên chỉ lắc đầu cười, còn mấy em lớp 10 vẫn chưa quen và thậm chí là ngây thơ:

"Anh ơi, nhưng năm nay mình lấy huy chương vàng được không anh?" Hoàn đứng bật dậy, lớn tiếng hỏi.

Mạnh nhướng mày, chắc nịch tuyên bố: "Được chứ! Mấy em muốn giải gì thì anh đây đánh lụm giải đó."

Có vẻ, câu này hơi khoa trương nên Toản vội quay qua nhìn bạn, rồi tán vào ót Mạnh một cái:

"Dẹp đi ba, vừa vừa thôi. Đánh hết sức cho tao, nói riết thành thật bây giờ."

Anh đầu xoăn đang ôm trái banh, đứng dậy rồi thẩy về phía Toản: "Yên tâm, mấy đứa đừng nghe hai thằng khùng nói. Năm nay năm cuối rồi, tụi này nhất định phải lấy cúp, lấy huy chương vàng chứ."

Sau câu nói đầy sự nghiêm túc, trách nhiệm và quyết tâm thì đội ra sân tập luyện tiếp.

Chị Nhi dọn dẹp mớ bọc nilon đựng bánh tráng mới ăn xong, chợt nhớ ra chuyện quan trọng: "Chết cha, nãy mua thiếu nước mà dưới căn tin kêu tí lấy mà quên."

Đầu buổi, tụi nó xuống lấy nước cho đội nhưng không đủ, thành ra mang lên có năm chai nên phải chia đều.

"Ừ, có mỗi Toản của ai đó là không cần phải chia với mọi người thôi." Trúc liếc qua chỗ Lai, ẩn ý nói.

Nó bĩu môi, oan ức đáp: "Nè nè, năm chai ban nãy là anh Toản nhà tui không đụng vào một giọt nha. Chai nước đó là... là tiền riêng của tui chứ bộ."

"Ít có dại trai ha trời." Nhi thở dài, rồi đứng dậy đi vứt rác.

Khoảng sân ở ngay căn tin mát rười rượi, vì nhờ cây me tây hàng chục năm tuổi. Tụi nó ngồi lại ghế đá ở dưới gốc me, để tan đi hơi nóng của cái nắng chiều trên sân trường.

Trúc duỗi thẳng chân ra, đấm đấm mấy cái lên đùi: "Ngày mai chạy qua Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn hay hẹn ở trường mình?"

"Tui còn chở bạn tui nữa, nên Trúc với chị Nhi qua trước đi." Lai đáp.

Chị Nhi nhìn đồng hồ trên tay, rồi quay qua nói: "Ô kê, chốt lại mai Trúc chạy qua chở chị đi. Còn Lai chở bạn, mà nước cho sáng mai là lấy nhà Lai luôn đúng không?"

Nó gật đầu: "Dạ."

"Ừ, giờ chắc mấy cha nội kia chắc cũng sắp tập xong. Tụi mình đem nước lên đi, không lại kêu bỏ bê."

Nhưng chưa kịp bước xuống bậc thang ở hành lang, không phải hình ảnh mười hai con người đang hừng hực khí thế. Thay vào đó là một người ngồi xụi lơ ở bồn hoa và mười một đứa đang túm tụm lại. Tình hình thì cũng không khả quan lắm, sự căng thẳng bao trùm hết không khí.

Lai mặc kệ đang xách túi nước nặng trịch, vắt chân lên cổ chạy lại chỗ "căng thẳng" đó.

Bởi vì, người đang ngồi xụi lơ đằng ấy là "chồng tương lai" của nó.

Nhi với Trúc cũng vội chạy theo, dọc đường miệng Nhi la oang oang: "Tránh đường, tránh đường... cho Nghiêm phu nhân coi."

Đám đông ngay lập tức tản ra, trông y hệt phim truyền hình.

Lai nhét túi vào tay Mạnh, ngồi thụp xuống lo lắng hỏi: "Anh Toản, anh bị gì vậy? Đừng bị gì nha hu hu, còn mẹ con em biết phải làm sao..."

Chợt không khí còn nặng nề hơn lúc nãy, ai nấy đều nín thinh, bụm miệng lại cố nhịn cười.

Lai quên mất là ở đây không chỉ có mỗi mình và anh, liền cười xoà: "Ha ha, lộn lộn. Anh có mệnh hệ gì thì cả đội biết làm sao hu hu?"

Toản nhướng mày, nghiêng đầu để xem có chút phản quang óng ánh của nước mắt và ánh nắng trên má nó không: "Đầu câu cười, cuối câu khóc. Có khi nào là thật lòng không, em Lai?"

Tuy không có "phản quang óng ánh", nhưng đổi lại khi Lai ngước mặt lên thì đôi mắt lấp lánh chớp chớp nhìn anh. Toản đương nhiên đã bị đánh gục 1-0, không còn khả năng bắt chẹt người đối diện nữa. Bởi vì, mắt nó giống cái bể sâu hoắm mà dạo gần đây anh vũng vẫy ở trong đó. Mặt nước trong veo, long la long lanh nhưng chẳng biết độ sâu đến đâu và bên dưới chứa những gì.

Lai đánh nhẹ vào đùi anh, rồi đứng dậy: "Em lo lắng cho anh thiệt, mà anh bị làm sao vậy?"

"Chưa đến mức chết." Toản cười khẩy, nhởn nhơ.

Mạnh khó chịu lên tiếng: "Nhưng đến mức có thể xỉu, phế tay và mai không thi đấu được."

"Hả? Vậy là anh Toản ngày mai không đánh bóng được luôn à anh?" Nhi ngơ ngác, hỏi.

Đình Mạnh đưa tay lên vờ như muốn đánh Nhi, trả lời: "Con nhỏ này ăn nói xui xẻo, thằng Toản nó mấy nay tập luyện quá sức nên cơ tay cơ chân muốn rã ra. Nè nè, mới nãy đó nhảy lên đỡ bóng mà té cái đụi." Nói một lèo làm Mạnh hụt hơi, hắn ta ngưng một lúc rồi nói tiếp: "Cả đám phải đẩy nó ra ngồi nghỉ, nếu không chắc còn bay nhảy ngoài sân á trời. Thằng này nó lì lắm, hai bàn tay mỏi nhừ luôn rồi kìa. Giờ này phải tìm ai trị nó thôi, cho biết sợ."

Sau loạt câu nói, Mạnh ôm ngực thở hồng hộc.

Trúc vừa nghe vừa gật gật đầu, nhưng con nhỏ chỉ đưa ra được hướng giải quyết cho câu cuối: "Cần gì tìm, có sẵn rồi nè..."

Nhỏ Trúc không nói nữa, đưa mắt nhìn mọi người rồi khẽ hất hất cằm. Thấy tất cả đã nhận được tín hiệu, liền hét to: "Nghiêm phu nhân đã ở đây rồi còn gì."

"Phịch"

Cả đám cùng lúc đẩy Lai vào lòng Toản, nó lọt thỏm trong vòng tay của anh và ngồi chễm chệ trên cặp đùi ếch.

Đồng loạt mười mấy cái miệng hú hét ầm ben hết lên, Nhi với Mạnh giả đò ngại ngùng lấy tay che mắt nhưng khe hở thì cũng nằm ở ngay mắt.

Toản ngoài việc vội đưa tay đỡ lưng Lai, thì nãy giờ toàn thân như đông đá và cũng chỉ chạm vào nó bằng cánh tay, còn bàn tay cuộn lại nắm chặt. Có lẽ, anh sợ trong lúc hoảng loạn rờ mó lung tung.

Lai đương nhiên có hết hồn, có ngại ngùng, có thẹn thùng. Nhưng với tâm tư trêu đùa anh, nên phần lớn thích thú chiếm nhiều hơn.

Nó nhướng mắt, hai bàn tay vẫn đang níu chặt chiếc áo ướt đẫm mồ hôi của anh. Nhỏ giọng, rụt rè:

"Anh đã ôm em rồi, phải chịu trách nhiệm với em đó. Mọi người cứ gọi em là Nghiêm phu nhân, sau này em làm sao lấy chồng được nữa."

Toàn đội, đều là những người anh em của Toản lại theo phe Lai: "Đúng rồi, chịu trách nhiệm đi."

Anh khó khăn lắm mới mở miệng được, ngập ngừng nói: "Nếu em ép anh... Vậy thì sau này không ai lấy em, cứ tới trước nhà gọi tên anh. Hài lòng chưa?"

"Ồ ồ ồ." Những con người ở đây, ngoài ồ, hú, quao thì không biết dùng lời nào để diễn tả sự phấn khích này.

Cát Lai gục mặt xuống nhưng giống đang nép vào ngực Toản hơn, cố mím môi lại để che giấu đi nụ cười làm ấm hết da như thể đang đi dưới nắng.

Anh cúi đầu, khẽ nói vào tai nó: "Bây giờ xuống khỏi đùi anh được chưa? Chân anh mà để tê lâu, sao sau này đủ sức khỏe làm chồng em." Toản dạo này cũng không vừa.

Đùi của Toản như có điện, Lai đứng bật dậy, gương mặt nóng bừng, ửng hồng hai bên má. Cố gắng vớt vát, đáp:

"Vợ ngồi có xíu mà sợ tê chân, sao bảo vệ em được? Sau này không chỉ mỗi em, còn có hai con em ngồi cùng nữa thì anh phải biết làm thế nào?"

"Khụ"

Toản ngay tức khắc quay mặt sang hướng khác, ho sặc sụa. Khi lấy lại được sự bình tĩnh, anh nghiêm giọng nói:

"Còn nói nữa là anh bóp cổ em đó."

Nó vội núp sau lưng Mạnh, la làng với giọng be bé: "Bớ bà con, bạo lực gia đình."

Vì cả người mỏi nhừ, nên anh chả buồn đứng dậy đùa giỡn giống mọi lần.

Màn tình tứ như phim của hai diễn viên Cát Lai và Trường Toản, với sự chứng kiến của câu lạc bộ bóng chuyền THPT Châu Thành khép lại.

Đình Mạnh tuyên bố giải tán: "Rồi rồi, giờ ai về nhà nấy ăn uống đầy đủ bổ sung sức khỏe để sáng mai chiến đấu hết mình. Còn thằng Toản tay đang mỏi, không nên gồng mà chạy xe... Ai chở nó về đi."

"Em em em, em đưa ảnh về." Lai xung phong, nhảy cẫng lên.

Nhi vừa đưa nước mọi người xong, đưa tay về phía Toản: "Của em, của em hết. Không ai giành với em đâu."

Anh đầu xoăn vươn người mấy cái, lên tiếng: "Nãy Toản chở tao đi, để tao chạy xe mày về. Nhưng yên tâm, tao sẽ xuất phát sau mười lăm phút để tránh ảnh hưởng không gian của mày với phu nhân."

"Má mày." Toản đứng dậy, giơ nắm đấm lên trừng mắt với anh đầu xoăn.

Lai chụp lấy nắm tay của anh, cười nói: "Đi thôi anh, không tí ảnh lẽo đẽo theo sau nữa."

Nó lôi nhanh anh đi, nên tràng cười của mọi người bị bỏ lại phía sau.

Đây là lần thứ bao nhiêu đó, mà Lai và Toản cùng về trên một chiếc xe. Chỉ khác ở chỗ, Lai là người cầm lái nên mọi chuyện phải theo ý của nó.

"Khom lưng xuống." Lai hất cằm, ra lệnh.

Anh nhếch một bên chân mày, tỏ vẻ khó hiểu.

"Để em đội nón cho anh." Nó cầm mũ của anh, dáng vẻ cứng rắn như thể anh mà không để nó làm thì khỏi đi về.

Toản ngoan ngoan cúi đầu thấp vừa với tầm tay của Lai.

Nó hài lòng, cười toe toét rồi đội nón lên cho anh và cài dây lại.

Ngồi trên xe được một hồi lâu, ảnh hơi chồm người lên trước hỏi: "Sao chưa chạy nữa Lai?"

"Anh phải ôm em, lỡ em thắng gấp anh té thì toang. Với lại người anh còn đang xụi lơ nữa, em đang gánh trách nhiệm của đội mà nên phải kỹ càng."

Toản hít vào một hơi thật dài, rồi đáp: "Yên tâm, anh ngồi vững lắm."

"Không." Nó vẫn không nhúc nhích, lưng thẳng thể hiện sự kiên quyết.

"Lạy em, anh... ngại lắm." Hết cách, đàn ông đàn ang đành phải thú thật.

Lai đưa hai tay ra sau, Toản hoảng loạn vội nhích người ra xa. Nhưng nó vẫn bắt được hai bàn tay của anh, dứt khoát đặt lên hông mình:

"Dù sao cũng chẳng phải mới ôm lần đầu, giữ nguyên vậy cho em. Buông tay là em tắt máy xe liền."

Dứt câu, nó đạp lên số 1 rồi vặn ga.

Không biết vì hai tay mỏi nhừ, hay sợ Lai dừng xe mà anh không dám nhúc nhích. Nhưng cũng có thể vì không nỡ để lòng bàn tay mình ngừng ma sát với vải áo đồng phục thể dục của Lai.

Hôm nay, những hạt giống gieo vào tâm hồn nó mới ngày nào vừa lên mầm, thành nụ thì bây giờ đã trổ ra cả vườn hoa.

Hơi tiếc nuối, đoạn đường không thể xa như đi Hà Nội. Tất cả là tại vì con chiến mã xanh đọt chuối của nó phi như bay.

Vì chìa khóa nhà gắn vô chìa khóa xe, nên anh đứng ngoài đợi có người ra mở cổng.

"Anh Trường Toản..." Lai đợi anh quay mặt lại, mới hỏi: "Nếu anh thắng thì yêu em đi, được không?"

Toản im lặng, chỉ đứng nhìn nó.

Lai mím môi, nói tiếp: "Dù sao anh cũng đâu thích ai, vừa hay em lại chỉ thích anh..."

"Toản về rồi hả con?" Chưa kịp nói hết câu, cô Thỏa bất thình lình mở cửa.

Sống lưng nó lập tức lạnh toát, quai hàm như có ai đổ keo B52 vào.

Cô Thỏa vừa thấy nó, liền cười: "Ủa? Lai chở anh về hả em?"

"À, con hơi mệt. Vì để giữ sức nên nhờ Lai đưa về, em ấy chung câu lạc bộ với con." Toản vội vàng giải thích.

Cô không có chút nghi ngờ, hay hỏi thêm gì: "À, cám ơn em nha."

"Dạ dạ, không có gì. Trong đội giao việc nên em làm thôi, em chào cô em về." Nó vội gật đầu, tạm biệt cô rồi đạp số, vặn ga chạy mất hút và mặc kệ câu tỏ tình đang dang dở.

Thái độ khác hẳn với lúc chưa có mặt cô 360 độ, dù nó không biết ngại nhưng vẫn thuộc hội người hèn.

Vì đang làm chuyện mờ ám, có tật giật mình mà Lai chẳng chú ý đến biểu cảm của cô Thỏa. Có vẻ, cô đã quên câu "Em mà làm con dâu cô." nên mới bình thường, không nhìn nó và anh với ánh mắt đa nghi.

Hầu như, các giáo viên có tâm khi la rầy học sinh thì sau đó đều quên sạch và không ghi nhớ những lỗi vụn vặt. Thay vào đó, thầy cô luôn nhìn phiên bản hiện tại của học trò mình đã tốt hơn hay chưa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro