Phần một
1.
Bạn thân của tôi năm lớp Năm là thằng Nghị.
Dĩ nhiên hồi đó tôi còn những đứa bạn khác nhưng Nghị chơi thân với tôi nhất. Có lẽ do nhà tôi ở kế nhà nó. Đến lớp, nó lại ngồi cạnh tôi. Chơi với nhau trên trường chưa chán, về nhà hễ học bài xong là tôi chạy qua nhà nó. Nó học bài xong cũng tốt qua nhà tôi. Nhiều khi hai đứa gặp nhau giữa đường, phải oẳn tù tì để quyết định xem đứa nào nên chạy qua nhà đứa nào.
Trong một lần gặp nhau giữa đường mới đây, tôi ngạc nhiên không thấy Nghị chơi oẳn tù tì như mọi hôm. Nó chộp vai tôi, láu táu hỏi:
- Này, Lam! Mày xem phim lần đầu năm mấy tuổi, mày còn nhớ không?
- Ba tuổi. - Tôi đáp, không rõ tại sao nó lại hỏi tôi chuyện này.
- Xạo đi mày! Những chuyện xảy ra lúc ba tuổi làm sao mày nhớ được!
Phớt lờ vẻ nghi ngờ của Nghị, tôi bình thản đáp:
- Đó là một bộ phim chiếu về thợ lặn. Người ta bỏ thợ lặn trong một chiếc lồng sắt rồi thả xuống biển.
- Rồi sao nữa?
- Rồi người đó kéo người thợ lặn lên.
- Rồi sau đó?
- Sau đó người ta thả người thợ lặn xuống.
Nghị nhếch môi:
- Rồi chốc sau lại kéo lên?
- Ủa sao mày biết? - Tôi nói như reo - Mày xem phim này rồi hả?
- Phim dở ẹc ai mà xem. Phim gì mà toàn thả xuống rồi kéo lên. Thế khi xuống biển, người thợ lặn không làm gì sao?
Tôi đưa tay gãi cằm, bẽn lẽn thú nhận:
- Chắc là người thợ lặn có làm gì đó nhưng tao không nhớ.
Đúng là tôi chỉ nhớ được có thế. Tôi nghĩ thằng Nghị sẽ tiếp tục bảo tôi xạo. Nhưng trái với lo lắng của tôi, Nghị bặm môi, vẻ đăm chiêu:
- Mày giỏi thật đấy. Tao chả nhớ gì lúc tao ba tuổi.
- Lúc đó xe chiếu phim lưu động về chiếu phim ở sân trường tiểu học. Cả thị trấn đều kéo nhau đi xem.
- Ờ, chắc vậy. Tao dạo này cứ nhớ nhớ quên quên thế nào mày ạ. Chắc tao già rồi.
Nghị làm tôi phì cười:
- Không biết bao giờ mép tao có ria như chú Vịnh.
Tôi chẳng buồn tranh luận với Nghị về chuyện tuổi tác. Tôi đập tay lên tay nó:
- Tại sao mày hỏi tao chuyện này?
- Tại em tao hỏi tao. Tao không nhớ tao xem phim lần đầukhi nào nên chạy qua hỏi mày.
Tôi biết Nghị không có em. Câu trả lời của nó làm tôi há hốc miệng:
- Mẹ mày sinh em cho máy hồi nào vậy?
- Thằng này là em họ. Nó vừa đến ở nhà tao.
Em họ Nghị là thằng Tèo.
Hai mẹ con Tèo vừa ở quê lên. Mẹ thằng Tèo là em của mẹ Nghị. Nghị kêu bà bằng dì.
Tèo năm nay tám tuổi, nhỏ hơn tôi và Nghị hai tuổi. Đó là một thằng nhóc mặt mày sáng sủa, không có vẻ dì là đứa trẻ nhà quê dù tới bé đến giờ nó chỉ sống ở nông thôn.
Khi tôi theo thẳng Nghị về nhà nó, Tèo vẫn nằm trên giường. Nó mặc chiếc áo ngắn tay màu đỏ đã ngả màu gạch cua và một chiếc quần cộc màu xám dài tới gối. Tèo kê đầu lên hai chiếc gối xếp chồng lên nhau, ánh mắt đang lơ đãng nhìn qua cửa sổ.
Nghị giới thiệu:
- anh Lam là bạn tao. Ảnh tới thăm mày đó, Tèo.
Thẳng Teo nằm yên tại chỗ gật đầu chào tôi. Trông mặt nó có vẻ vui mừng khi có người đến thăm nhưng nó không thèm ngồi dậy khiến tôi bực mình:
- Mày có biết lịch sự là gì không hả Tèo?
- Em tao không ngồi lên được. - Nghị vội vàng giải thích.
Hóa ra cách đây bốn tháng, Tèo bị ngã từ trên cầu xuống suối. Cầu thôn quê lát bằng những mảnh ván gập ghềnh, trẻ con bước không khéo ngã như chơi. Lúc Tèo trượt chân, con suối đang vào mùa khô, lòng suối cạn lởm chởm những đá. Tèo đập người vào đá, bất tỉnh nhân sự.
Khi người làng vớt nó lên chở tới trạm xá, mắt nó nhắm nghiền, ngực thoi thóp thở, ai cũng tưởng nó chết.
Thế nhưng Tèo vượt qua được, y như có phép màu. Tất nhiên nếu đầu nó chẳng may va phải đá, chẳng phép màu nào cứu nổi nó. Tèo không chết, nhưng cột sống bị tổn thương nặng. Từ hôm đó, nó nằm một chỗ.
Đó là Nghị kể tôi nghe. Còn lúc tôi ngắm thằng Tèo và tự hỏi tại sao một thằng be trông đáng yêu như thế lại gặp số phận thế này, Tèo không hề hé môi về tai nạn của mình.
Giả như thằng Tèo muốn kể, nó cũng không có cơ hội. Vừa giới thiệu tôi với thằng Tèo xong, Nghị đã bô bô giành nói:
- À, tao nhớ ra rồi Tèo.
- Nhớ chuyện gì vậy anh?
- Chuyện tao xem phim lần đầu đó. Lúc đó tao mới ba tuổi. Đó là một bộ phim chiếu cảnh thợ lặn.
- Thợ lặn hả anh?
- Ờ, thợ lặn. Người ta bỏ thợ lặn vào trong một chiếc lồng rồi thả xuống biển.
- Người ta thả thợ lặn xuống biển để làm gì?
Nghị khụt khịt mũi, vừa nói nó vừa liếc tôi.
- Lâu quá rồi taao cũng chả nhớ. Chỉ nhớ lát sau người ta kéo người thợ lặn lên. Kéo lên xong, người ta lại thả xuống. Thả xuống xong, người ta lại kéo lên.
- Em biết rồi. - Tèo mỉm cười - Người ta chơi trò chơi đó anh.
- Ờ, hồi trước em cũng hay chơi trò đó. Em buộc một chiếc giày cũ vào sợi dây rồi thả xuống ao rồi kéo lên sau đó lại thả xuống...
- Đầu mày bị sao vậy hả Tèo? Mồi câu là chiếc giày, cá nào mà ăn?
- Cá không ăn nhưng nó chui vào chiếc giày để đi ngủ. Nó sẽ tưởng chiếc giày là nhà của nó.
Nghị thở hắt ra:
- Mày điên quá rồi, Téo.
Tôi chen ngang:
- Rốt cuộc mày có câu được con cá nào không?
-Lần đó em không câu được cá nhưng câu được một con diều.
Trước mắt dò hỏi của tôi và Nghị, thằng Tèo vui vẻ giải thích:
- Con diều giấy của em Tí bị đứt dây đó anh. Cánh diều bay là là rồi đáp xuống chiếc giày của em.
2.
Từ hôm đó, chiều nào tôi cũng chạy qua nhà Nghị chơi với thằng Tèo.
Càng ngày tôi càng phát hiện Tèo là một đứa thú vị. Tuy nằm một chỗ không chạy nhảy nô đùa như bọn tôi được (những việc ăn uống, tắm rửa, thay quần áo hay đi vệ sinh đều do một tay mẹ nó chăm lo), Tèo vẫn là một thằng bé vui tươi và sinh động.
Tèo không lộ vẻ buồn chán u sầu như tôi nghĩ.
Đặc biệt, nó rất thích chơi trò đố nhau.
Có lần nó đố tôi:
- Đố anh đôi chân chúng ta dùng để làm gì?
- Dĩ nhiên chân dùng để đi.
- Để làm gì nữa?
Tôi nhíu mày suy nghĩ:
- Chân còn dùng để chạy, nhảy.
- Rồi làm gì nữa?
- Để leo trèo. - Tôi cắn môi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro