lacduong1
Lạc Đường Hồ Biểu Chánh
Chương I Vợ trách con phiền
Trời chạng-vạng tối. Dãy nhà lá ở dài theo bờ kinh Dérivation, là cái kinh đào từ Lăng-Tô vô Rạch-Cát để chở lúa gạo trong các nhà máy Chợlớn đem ra thương-khẩu Sàigòn, lần lần lu lờ, làm cho phai bớt cái vẻ nghèo hèn thấp thỏi được chút ít. Tuy vậy mà đám con nít chạy chơi ngoài lộ, đứa quần áo lang-thang, đứa mặt mày dơ-dáy; những người đờn-bà ngồi ngoài cửa hứng mát, hoặc đút cơm cho con ăn, phần nhiều hình vóc ốm-o, tóc tai xụ-xọp; những đờn-ông làm ở các sở, mãn giờ đi về dập-dều, người nào cũng da nám tay chai; quang cảnh ấy, cũng đủ chứng cho cái xóm nầy là xóm bình dân lao động. Anh Lý-trường-Mậu, làm Cặp-rằng phụ trong một hãng vận tải dưới Xóm-Chiếu, đạp xe máy chạy chậm-chậm trên bờ kinh này. Anh trạc chừng 40 tuổi, nước da đen, con mắt lớn, mặt dài, trán rộng, rõ ràng là tướng mạo người khí khái, quyết đoán. Anh mặc một cái áo bành-tô bố xanh với một cái quần vải đen, chân mang guốc vông, đầu đội nón trắng. Anh biết đọc và biết nói tiếng tây đủ dùng, hồi trước trong nhà anh thường có bạc ngàn, nhưng vì anh mê bài bạc lỡ thua cụt vốn, nên anh đi làm mướn mỗi tháng có 25 đồng. Vợ lớn của anh chết, có để lại cho anh một đứa con trai tên Hiệp, năm nay nó được 14 tuổi. Anh chấp nối với cô Ba Trâm sanh được một đứa con gái nữa, tên Hào, năm nay nó được 11 tuổi. Gió chiều hiu-hiu mát-mẻ, nước kinh cuộn-cuộn chảy vô tàu kéo ghe thổi xúp-lê vang rân, bên Sàigòn đèn khí đã bực cháy sáng quắc. Cặp-rằng Mậu đạp xe máy thủng-thẳng chạy mà hứng cảnh, khi run chuông cho con nít tránh, khi dở nón mà chào người quen. Thình lình gặp thím Hai Tiền, là vợ của Hai Cư làm cu-li vác hàng dưới bến tàu, thím đi xăng-xái dựa lề đường, tay cầm cái khăn, và đi và lau nước mắt. Anh liền ngừng xe bước xuống hỏi Hai Tiền rằng: - Thím đi đâu về tối vậy thím Hai? Có việc gì mà thím khóc? - Cha con Lê té bị bịnh nặng lắm anh Ba ơi! - Té ở đâu? - Té dưới tàu. - Hồi nào? - Mới hồi trưa này. Hổm nay tôi bịnh nên tôi ở nhà, không đi mua bán được. Hồi trưa con Lê đếm bánh dừa đem đi bán, nó chạy về cho tôi hay rằng cha nó té bị thùng hàng đè hết thở, họ sửa soạn chở đem lại nhà thương thí. Tôi lật-đật ra đó, té ra quan thầy thuốc coi rồi lại dạy chở luôn vô nhà thương Chợ-Rẩy. Tôi tuốt theo vô Chợ-Rẩy mới gặp. Thiệt té nặng lắm anh Ba ơi! - Quan thầy thuốc nói bịnh thế nào? Có lẽ cứu được hay không? - Họ có nói đâu mà mình biết, song tôi coi thế nặng lắm, sợ chịu không nổi. Cha con Lê thấy tôi thì biết, mà cứ ngó tôi rồi lắc đầu chảy nước mắt, chớ không nói được. Mặt xanh lè, bộ mệt lắm, lại máu đâu trong họng một lát tuôn ra cả búng. - Nghèo đi làm ăn, phải bị nguy hiểm như vậy đó, chết rồi ai nuôi vợ con! Sao thím không ở trong nhà thương với chú, lại bỏ đi về? - Họ nói ban đêm họ không cho ở. Lại tôi đói bụng, nên phải chạy về kiếm ăn ba hột cơm rồi khuya tôi trở vô. - Ở nhà còn tiền bạc gì hay không? - Hổm nay tôi bịnh, có đi mua bán gì được đâu mà có tiền, nhờ cha con Lê đi làm kiếm bữa nào ăn bữa nấy. Cặp-rằng Mậu móc túi lấy ra bảy cắc bạc, đếm năm cắc mà đưa cho Hai Tiền mà nói rằng: „thim lấy đở ít cắc để đi xe ra vô mà nuôi chú. Khuya thím trở vô nhà thương nói giùm tôi gởi lời thăm chú nghe" Hai Tiền lấy mấy cắc bạc và đáp rằng: „Cám ơn anh Ba. Nhờ trời cho cha con Lê mạnh, tôi đi mua bán rồi tôi sẽ trả lại cho anh Ba". Cặp-rằng Mậu khoát tay, rồi leo lên xe máy mà đi. Một cái nhà lá hai căn tum húm, thấp thỏi, vách phênh xịch xạc, mái sau muốn đổ, ở gần bến đò Kinh, ấy là nhà của Cặp-rằng Mậu. Anh về tới, nhảy xuống xe, thấy trong nhà tối mò, lại có con Hào ngồi chơi trước cửa, thì hỏi rằng: - Má con đâu? - Má nằm trong buồng. - Tối rồi sao chưa đốt đèn? - Hồi nãy con muốn đốt. Má nói đốt tốn dầu nên má không cho. Cặp-rằng Mậu dắt xe máy vô nhà, bóp hộp quẹt máy cho ra lửa, rồi kê vào đèn để trên bàn mà đốt. Ba Trâm tóc tai dã dượi ở trong buồng bước ra. Tuy cô hẩm hút trong cái chòi lá, tuy cô mặc cái áo cụt vải trắng với một cái quần lãnh đen cũ xì, nhưng mà nước da trắng trong, mái tóc dợn sóng, tay chân dịu nhiễu, môi má ửng hồng, tuổi đã quá ba mươi mà sắc vẫn còn xinh đẹp. Nhan sắc nầy lẽ thì phải ở nhà lầu, ngồi xe hơi mới xứng đáng. Cặp-rằng Mậu thấy vợ thì nói rằng: - Chú hai Cư đi làm, chú té bị bịnh nặng lắm, họ chở chú vô nhà thương Chợ-Rẩy rồi. - Sao mình hay? - Tôi mới gặp thím đây. Tôi có cho thím năm cắc bạc. - Mình nghèo mà cứ làm cái mửng đó hoài gặp ai mình cũng cho tiền. - Chú lai Cư gặp việc rủi-ro, mình phải giúp chú chút đỉnh chớ. Mà thím Hai Tiền bộ thím cũng bịnh lắm, mét chằng. - Nghe nói thím đau ban hổm nay mà. Ở cái chỗ sình lầy, thấp thỏi như vầy, tự nhiên phải đau ban, chạy đâu cho khỏi. Chẳng những là thím Hai Tiền, tôi sợ rồi đây tôi với con Hào cũng phải đau nữa chớ. - Cái gì mà đau! Vậy chớ thiên-hạ họ ở đây đó sao? - Họ ở nhà cao ráo sạch sẽ, chớ họ có ở cái nhà dơ-dáy thấp-thỏi như nhà mình vầy đâu. - Ai lại không muốn ở nhà cho rộng lớn sạch sẽ. Ngặt vì mình nghèo biết làm sao? - Tại ai mà nghèo đó? Nếu hồi trước mình nghe lời tôi can gián, mình đừng có mê sa bài bạc, thì đâu đến nỗi vợ con phải cực khổ như vầy. - Thôi, chuyện xưa còn nhắc lại làm chi! Hễ mình nhắc tới chuyện đó thì chẳng khác nào mình đâm kim vào ruột tôi vậy. - Tại mình than nghèo, nên tôi mới nói chớ nhắc chuyện cũ rồi làm giàu được hay sao? - Con người giàu hay nghèo cũng tại cái mạng. Bởi cái mạng tôi phải nghèo, nên năm đó trời mới khiến cho tôi sanh tâm bài bạc, làm cho tiêu hết của tiền. Tôi chắc nếu tôi không thua thì cũng bị trộm cướp giựt hết. - Thua bài bạc hết rồi bây giờ khéo kiếm lời mà chữa mình! Ăn cơm hay chưa đặng tôi dọn cho? - Ở nhà ăn rồi chưa? - Mẹ con tôi ăn rồi. Tối ngày không có bánh hàng chi hết, nên đói bụng, hồi chiều cơm chín mẹ con tôi ăn trước. - Thôi để tôi đợi thằng Hiệp về rồi tôi sẽ ăn với nó. - Nó đi lưu linh, biết chừng nào nó về mà chờ. - Chừng nào cũng được. Bữa nay tôi không đói. Cặp-rằng Mậu cổi áo bành-tô đen máng trong buồng; bây giờ còn mặc cái áo thung trắng, lên võng mà nằm, đưa nghe trèo-trẹo. Ba Trâm kéo ghế ngồi dựa đèn ăn trầu, ánh sáng đèn chói mặt cô ta coi thiệt là đẹp đẽ, mà cô nhai trầu cái miệng của cô lại càng hữu duyên. Trường-Mậu nằm ngó vợ một hồi rồi kêu con Hào mà nói rằng: "Hào a, vô ba biểu một chút coi, con". Con Hào mặc bộ đồ hàng đen, tóc hớt bom-bê, ngặt mày sáng rỡ, giống hệt mẹ nó. Nó bước vô thì cha nó nắm tay kéo lại biểu ngồi trong lòng rồi hỏi rằng: - Chiều nay con đi học, con có bị đòn hay không? - Con thuộc bài mà bị đòn giống gì. - Giỏi! Ráng học nghe không, con. Học đặng sau làm cô giáo như cô giáo của con vậy đó. - Học đến chừng nào mới làm cô giáo được ba? - Học cho tới chừng thi đậu, có bằng cấp, mới làm cô giáo được chớ. Ba Trâm xen vô nói rằng: "Thứ học trường tư trong xóm làm sao mà thi lấy bằng cấp cho được. Muốn đi thi phải học trường lớn, người ta dạy đủ lớp rồi mới đi thi chớ". Cặp-rằng Mậu nói rằng: "Thì nó còn nhỏ, phải học trường nhỏ. Chừng nó học đủ lớp, nó khá rồi, mình sẽ đem nó đến trường lớn: chớ bây giờ dầu mình cho nó học trường lớn nó cũng phải ngồi lớp nhỏ, có ích gì đâu mà phải đi xa. Để nó học một vài năm nữa rồi sẽ liệu chớ". Ba Trâm thở ra nói giọng buồn rằng: - Thấy con Hào tôi rầu hết sức. Con người ta 11 tuổi đã ngồi lớp nhì lớp nhứt rồi, còn nó thì lụt đụt ở dưới lớp chót! Chẳng nói ai đâu xa, đến con của con Tư, là con chệc khách, mà nó cũng hơn con Hào nữa, thì hổ thẹn biết chừng nào. - Hơi nào mà phân bì. Thủng thẳng nó học có gấp gì đâu. - Thủng thẳng rồi nó già, làm sao mà học nữa được. Chớ chi mình mướn phố bên Cầu-kho, hoặc ngoài chợ Ông-Lãnh mình ở thì nó học trường Cầu-Kho, hoặc trường Đống-Cát, tiện biết chừng nào. Con của con Tư, nhờ cha nó ở Ông Lãnh nên nó học mới mau đó. - Tôi cũng muốn như vậy lắm chớ. Ngặt mình ăn lương ít, còn phố xá ở miệt bển mắc quá, làm sao mà mướn nổi. - Vợ chồng con Tư không ra gì. mà coi thế nó làm ra tiền nhiều, con nó ăn mặc phủ phê. Con Hào vỗ vai cha nó mà nói rằng: - Tháng nầy ba lãnh lương rồi ba mua cho con một chiếc vòng nghe không ba; vòng chạm như của con Kiên đeo vậy đó, con muốn quá. - Vòng mắc tiền lắm, ba mua sao nổi, con. - Ba của Kiên mua cho nó đó sao? Cặp-rằng Mậu day mặt vô vách, không trả lời được. Ba Trâm ngồi xỉa thuốc và than rằng: "Con đến bây lớn rồi mà không có một phân vàng trong mình. Phận tôi chẳng nói làm chi, có vàng đeo chơi, bằng không có thì thôi. Tội nghiệp cho con Hào, nó thấy con người ta đeo vàng, nó muốn, nó ngó, bộ thấy thương quá". Cặp-rằng Mậu cứ day mặt vô vách, không nói một tiếng chi hết. Ngoài sân có tiếng hút gió nghe lảnh lót, hút gió theo điệu bản đờn hành-vân, rồi thằng Hiệp hăng-hái bước vô nhà. Nó mặc một cái quần vải đen, hai ống cụt trên đầu gối, với một cái áo vải trắng cũ mà lại dơ, hai vạt trước có hai cái túi thiệt lớn, trên đầu nó lại đội muột cái nón nỉ đen, nón cũ quá nên vành sụp xuống, còn dây băng đứt đâu mất. Nó vừa vô khỏi cửa thì nó đứng chằn miệng mà cười, lòi hai hàm răng trắng trong mà nhỏ rứt. Nó thấy con Hào ngồi trên võng với cha nó, thì nó bước lại, móc trong túi, lấy ra một gói giấy mà đưa cho con Hào mà nói rằng: "Anh có mua cho em một cái bánh sữa đây, em ăn đi". Cặp-rằng Mậu thấy vậy ứa nước mắt. Thằng Hiệp móc túi nữa lấy ra hai cắt bạc mà đưa cho Ba Trâm, tiếng xu vẫn còn khua trong túi rôn rổn. Con Hào hỏi rằng: - Bữa nay anh bán nhựt trình khá lắm hay sao mà xu nhiều dữ vậy? - Bữa nay kiếm được bốn các, xài hết một cắc ba, còn có hai cắc chín. - Dữ hôn! Anh cho em một đồng xu đặng sáng mua khoai lang ăn. Thằng Hiệp móc xu ra đếm, rồi đưa cho con Hào hai đồng xu và nói: "Cho em hai đồng đây còn bảy đồng để sáng anh ăn bánh mà đi bán nhựt-trình". Ba Trâm đứng dậy bước vô trong và kêu thằng Hiệp mà nói: "Hiệp a, bưng đèn vô đây đặng tao dọn cơm cho mà ăn". Cách chẳng bao lâu, thằng Hiệp bưng ra một cái mâm chỉ có một tượng cơm, một dĩa cá với một dĩa rau luộc mà thôi. Nó để cái mâm trên bàn thì kế Ba Trâm bưng đèn ra theo, tay lại có cầm hai cái chén và hai đôi đũa. Cô ta nói trổng rằng: "Thôi, đi ăn cơm đi, khuya rồi". Cặp-rằng Mậu buông con Hào ra rồi đứng dậy bước lại bàn mà dòm mâm cơm. Anh ta châu mày mà nói rằng: "Ăn cực quá!" Ba Trâm nói rằng: "Có đi chợ được đâu mà ăn sướng. Hổm nay con Hào nó thèm thịt, mà có dám mua đâu". Con Hào nằm đưa tòn ten trên võng, nghe mẹ nói như vậy thì nó nói tiếp rằng: "Đầu tháng ba lãnh lương rồi mua thịt heo ăn nghe không ba. Hổm nay con biểu má mua hoài, mà má không chịu mua". Cặp-rằng Mậu không trả lời, cứ ngồi lại bàn mà ăn cơm với thằng Hiệp. Ba Trâm gật đầu đáp với con Hào rằng: "Ừ, để ba con lãnh lương rồi, má sẽ mua thịt heo cho con ăn. Con ăn bánh rồi, thôi đi uống nước đi con; uống nước rồi ngủ đặng sáng có đi bọc". Con Hào vâng lời, đi uống nước rồi đi vô buồng. Thằng Hiệp ngồi ăn cơm với cha nó, rau luộc chấm với nước cá mà nó ăn ngon lành, bộ mặt coi rất hân hoan. Nó thấy cha nó không vui, thì nó hỏi rằng: - Sao ba không mua giấy số ba? - Số gì? - Số tương tế họ bán đó. Trúng độc-đắc 10 ngàn lận ba à. Ba liều một đồng bạc mua thử nuột số, may trúng thì ba giàu to. - Dễ gì mà trúng. - Vậy chớ họ trúng đó sao. Họ trúng được thì mình cũng có thể trúng vậy chớ. Chớ chi con có một đồng bạc con mua một số liền. Nếu con trúng độc-đắc thôi thì sướng lắm. - Nếu con trúng số rồi con làm giống gì? - Trước hết con thôi làm nghề bán nhựt-trình. Tuy bán nhựt-trình không phải cực khổ hay xấu hổ gì, mình thả đi chơi các nẻo đường rao bậy bạ mà kiếm cũng đủ cơm ăn, song mình trúng số được bạc muôn thì cần gì phải theo nghề ấy nữa phải không ba? - Ừ... Không đi bán nhựt-trình nữa, con ở nhà, rồi con làm việc gì? - Con đi học chớ. - Học thứ gì? - Con học chữ Tây cho giỏi rồi con học chữ Ăng-Lê, đặng lớn con làm nuôi ba. Mà hễ trúug số rồi, thì con không cho ba đi làm nữa, làm cực khổ mà lại bị tiếng nặng tiếng nhẹ, làm chi. Con mướn phố tốt bên Sàigòn cho ba ở, con bắt ba ở không đi chơi, không cho ba làm việc gì hết. - Ở không mà ăn, chừng hết tiền rồi làm sao? - Dễ hết đâu! Trúng 10 ngàn đồng, dầu ăn xài nhiều đi nữa, thì cũng năm mười năm mới hết, chớ có lẽ nào một hai năm mà hết được, mà chừng hết tiền thì con giỏi rồi, con làm mà nuôi ba được, có sao đâu mà sợ. Cặp-rằng Mậu và riết cho hết chén cơm, rồi đứng dậy bưng tô nước mà bước ra sân. Ba Trâm đi vô buồng, vừa đi vừa nói rằng: "Hiệp ăn rồi thì dọn rửa giùm một chút rồi sẽ ngủ, nghe không con". Hiệp gật đầu, rồi ngồi ăn cho hết tượng cơm, ăn vẫn ngon, bộ vẫn vui hoài. Chừng ăn rồi, nó mới bưng hết chén dĩa đem ra sau mà rửa, và úp vô sóng tử-tế. Nó bưng đèn trở ra ngoài, thì thấy cha nó, miệng ngậm điếu thuốc, đương lấy cái áo bành-tô bố xanh mà mặc, nó bèn hỏi rằng: - Ba đi đâu mà bận áo vậy ba? - Đi làm. - Đi làm ban đêm nữa sao? - Ừ. Cặp-rằng Mậu dắt xe máy đem ra ngoài sân rồi mới đốt đèn. Thằng Hiệp đi theo ra đó, Cặp-rằng Mậu dặn rằng. "Dì con có hỏi ba, thì con nói ông chủ sai ba đi xa không biết chừng năm ba bữa ba mới về". Nói dứt lời rồi leo lên xe máy đạp đi tuốt. Chương II Thí thân liều mạng
Lối 3 giờ khuya. Trên bờ lộ dọc theo mé kinh Dérivation vắng teo, không có bóng người qua lại, không nghe tiếng chó sủa, mà những nhà lá ở dài theo đường cũng im lìm, cửa gài kín mít. Cặp-rằng Mậu sẻ lén đi trên khúc đường ấy, vừa đi vừa chăm chỉ dòm phía trước mặt, một lát lại ngoái lại mà ngó phía sau lưng, dường như sợ người ta đón, hoặc người ta theo mình vậy. Đi ngang qua nhà Hai Cư, anh thấy trong nhà có đốt đèn, lại nghe có tiếng khóc rỉ-rả, có lẽ anh sợ người trong nhà thấy dạng anh hay sao, nên anh bước tránh qua phía bên kia đường rồi đi nhẹ nhẹ, không dám cho động đất. Mà chừng qua khỏi rồi anh lại dừng chân, suy nghĩ một chút, rồi xăng xớm trở lại, bước vô cửa Hai Cư đứng dòm vô nhà và kêu nho nhỏ rằng:"Thím Hai a, thím Hai, có việc gì mà thím khóc vậy, thím Hai?". Tiếng khóc dứt. Hai Tiền mở cửa, thấy Cặp-rằng Mậu thì bệu-bạo nói rằng: "Anh ba ơi, cha con Lê mất rồi, anh Ba à!" Cặp-rằng Mậu bước vô nhà, đứng trệch qua chỗ tối và hỏi nho nhỏ rằng: - Chú mất hồi nào? - Mới tắt hơi hồi mặt trời lặn đây. - Chết trong nhà thương hay sao? - Thì nằm ở trỏng mấy bữa rày, tưởng quan thầy thuốc cứu được; té ra bịnh càng ngày càng thêm nặng, chịu không nổi phải chết. - Bây giờ thím tính làm sao? - Tôì có biết tính giống gì đâu. Hồi tối họ dặn tôi như muốn lãnh xác về mà chôn thì sáng mai vô mà lãnh; còn như không lãnh thì trưa mai trong nhà thương họ chôn. - Thím tính lãnh xác về không? - Tôi muốn như vậy lắm, ngặt vì hễ lãnh xác đem về thì phải làm dám ma, phải xin phép, phải mướn đất mà chôn cất, tốn hao lung lắm, tôi ughèo tôi làm sao nổi. Còn nếu để nhà thương họ chôn thì hất hủi thân của cha con Lê, tội nghiệp lắm. Từ hồi hôm đến bây giờ tôi điên trong bụng không biết làm sao cho được. Chớ chi tôi có một hai chục đồug bạc, tôi mua một cái hòm và vải sồ chút đỉnh đem vô nhà thương cậy họ liệm cho kín đáo rồi khiêng đi chôn luôn cũng còn ấm cúng một chút... Hai Tiền nói tới đó rồi tủi trong lòng nên khóc rống lên. Cặp-rằng Mậu đứng nép vào vách, khoát tay ra dấu biểu Hai Tiền đừng khóc và hỏi nho nhỏ rằng: - Trong nhà có ai hay không? - Không. - Con Lê đâu? - Nó ngủ trong buồng. Cặp-rằng Mậu liền xây mặt vô vách, móc túi lấy ra một bó giấy bạc hai chục đồng, rút một nắm không biết mấy tấm, mà cầm trong tay, rồi bỏ bó giấy bạc vào túi lại. Việc rồi anh mới day ra đưa nắm giấy bạc cho Hai Tiền mà nói rằng: "Thím lấy cái nầy đặng lo chôn cất chú". Hai Tiền đưa tay lấy nắm giấy, thấy nhiều quá thì giựt mình, nên ngó Mậu mà nói rằng: "Anh đưa chi nhiều quá vậy? Chừng vài chục cũng đủ mà". Cặp-rằng Mậu khoát tay, biểu đừng nói. Hai Tiền nói ráng rằng: "Cám ơn anh Ba quá, em biết làm sao mà trả ơn được." Cặp-rằng Mậu khoát tay nữa và nói nhỏ rằng: "Tôi thấy chú hai nghèo nhà bị việc rủi ro đến bỏ mạng nên tôi thương, tôi giúp cho thím tống táng chú. Tôi dặn thím môt điều nầy gắt lắm: thím phải kín miệng, đừng nói cho ai biết sự tôi đưa tiền cho thím đây. Hễ thím nói ra, thì là thím giết tôi đa, thím nhớ không?" Hai Tiền gật đầu. Cặp-rằng Mậu liền bước ra ngoài, biểu Hai Tiền khép cửa lại. Hai Tiền ngó theo thì thấy hai túi áo bành-tô cua Mậu kè-nè đầy nhóc, song không hiểu đựng những vật gì. Cặp-rằng Mậu ra lộ đứng ngó trên dưới; rồi xâm-xâm đi riết lên phía bến đò Kinh. Về đến nhà anh thấy trong nhà im lìm, tối mò. Anh đi dọc theo vách đầu xông mà vô phía sau, rồi mở cửa sau mà vô nhà. Anh lò mò đi ra chỗ cái bàn ăn cơm phía trước, rờ đụng cái đèn, bưng đèn vô buồng mà để trên một cái ghế, rồi bóp hộp quẹt máy cho ra lửa mà đốt đèn. Anh dở mùng lên thấy Ba Trâm đang ngủ với con Hào, thì nắm tay Ba Trâm mà kéo. Ba Trâm giựt mình mở mắt, ngó thấy chồng thi ngồi dậy và hỏi rằng: "Về hồi nào vậy? Đi đâu mà biệt mất mấy bữa rày?" Cặp-rằng Mậu khoát tay, biểu vợ đừng nói, thấy cái đèn cao ngọn thì vặn bớt xuống lu-lu rồi móc trong túi áo bành-tô lấy ra mấy bó giấy bạc mà bỏ trên ghế, giấy 100 có, giấy 20 có, giấy 5 đồng cũng có. Ba Trâm thấy bạc nhiều quá thì chóa mắt, nên vùng đứng dậy hỏi nhỏ rằng: "Tiền ở đâu mà nhiều dữ vậy?" Cặp-rằng Mậu khoát tay nữa, anh không nói chi hết, lại cổi áo bành-tô ra, trong mình chỉ còn bận một cái áo thung mát thôi, trong áo thung lại có mấy gói độn u lên từ trước tới sau. Anh rút áo thung lên thì mấy gói ấy rớt xuống đất. Ba Trâm chụp lượm đem để trên ghế, thì mấy gói ấy đều là giấy 100 đ. Cô run bây bẩy nửa mừng nửa sợ, mừng có tiền bạc nhiều, lại sợ không biết có xài được hay không. Ba Trâm hỏi nửa rằng: "Cha chả! Bạc tiền ở đâu mà nhiều quá như vầy hử? Đem về nhà đây biết có hại gì hay không?" Cặp-rằng Mậu lấy áo bành-tô mà bận vô lại mà nói nhỏ rằng: - Mình phải làm thế nào đem giấu hết tiền nầy liền bây giờ đi. Làm cho mau, để trễ không được. - Trời ơi! Biểu giấu ở đâu bây giờ . . . Tôi lén đem qua gởi con Tư, được không? - Minh liệu thế nào cũng được, miễn giấu cho nhẹm thì thôi, chớ để trong nhà sợ họ xét, họ lấy hết, rồi họ bắt tới mình nữa. - Cha chả! biết làm sao bây giờ! - Kiếm cái gì mà đựng đi cho mau. - Biết lấy cái gì mà đựng bây giờ... Ờ, ờ thôi để lấy cái giỏ mây đựng áo quần đó mà đựng đỡ. Ba Trâm liền bước lên giường, vói xách cái giỏ mây là cái giỏ tuy nhỏ, song có khóa chắc chắn. Cô móc túi lấy ra nuột cái chìa khóa nhỏ mà mở giỏ, sắp mấy cái áo ra, rồi Cặp-rằng Mậu phụ để hết mấy bó giấy bạc vô. Bạc sắp ở dưới, áo sắp lên trên, khóa giỏ lại. Ba Trâm bỏ chìa khóa vô túi rồi hỏi chồng rằng: - Bây giờ có biết chỗ nào mà giấu cho kín. Thôi để xách cái giỏ ra gởi cho con Tư dễ hơn. Gởi cho nó được không? - Tôi tỏ thiệt với mình, vì tôi thấy vợ con nghèo cực tôi chịu không được, nên tôi cướp giựt của người ta đem về cho mình đó. Mình phải liệu thế nào cất để dành mà xài và nuôi con, liệu thế nào tự ý mình, miễn là đừng để mất hết, hoặc họ bắt họ lấy lại. - Mình làm việc như vậy, biết có hại chi tới mình hay không? - Thân tôi không kể gì, dầu bị đày hay chết chém tôi cũng cam tâm, miễn là mình với hai đứa nhỏ được sung sướng thì thôi. Thà tôi thí cái mạng của tôi cho vợ con được giàu có sung sướng, chớ tôi sống mà phải cực cho hết cả nhà, thì sống có ích gì. Chồng nói như vậy, mà Ba Trâm cứ đứng ngó cái giỏ, không nói được một lời tạ ơn. Cặp-rằng Mậu châu mày nói tiếp rằng: "Tôi phải đi liền bây giờ đây, chớ ở nhà không tiện. Mà hễ tôi đi, tôi sợ tôi không gặp mình nữa được. Vậy tôi xin nói với mình một điều nầy: tôi gởi thằng Hiệp lại cho mình. Thuở nay nó không có mẹ, mà kể từ bữa nay nó lại không còn cha nữa. Tuy mình không đẻ nó, song mình có công nuôi dưỡng nó từ nhỏ cho tới bây giờ, thì mình cũng là mẹ nó. Vậy tôi xin mình nghĩ tình tôi mà thương yêu dạy dỗ nó giùm tôi. Hễ việc của tôi làm đây mà êm được, thì chẳng nói làm chi. Còn nếu có đổ bể ra mà tôi phải bị hại, thì mình ở nhà ráng bảo bộc nó cũng như con Hào vậy, chừng Tòa xử rồi, mình sẽ lấy lần số bạc nầy ra mà xài, lấy mỗi lần một mớ đặng khỏi người ta nghi. Đừng có cho thằng Hiệp đi bán nhựt-trình nữa, cực khổ thân nó tội nghiệp. Mình kiếm trường cho nó đi học đặng nó biết chữ với người ta. Mình hãy nhớ mấy lời tôi dặn đó nghe. Nếu mình làm y như vậy, thì dầu tôi chết, tôi cũng vui lòng, mà tôi lại còn cám ơn mình lắm" Cặp-rằng Mậu nói tới đó thì rưng rưng nước mắt. Ba Trâm cũng cảm động, song đứng trân trân chớ không nói tiếng chi hết. Cặp-rằng Mậu mới bưng cái đèn đi ra phía trước, thấy thằng Hiệp nằm ngủ trên cái võng, quần áo lang thang, đứng ngó một hồi rồi lắc đầu trở vô buồng, nước mắt tuôn dầm dề. Anh dở mùng, rọi con Hào rồi mới để đèn lên ghế mà nói nhỏ với vợ rằng: "Thôi, để tôi đi. Gần sáng rồi, nếu ở trễ sợ người ta ngó thấy. Ai có hỏi tôi thì mình cứ nói tôi rầy lộn với mình rồi tôi đi đâu mất mấy bữa rày không có về nhà. Dặn sắp nhỏ, cũng phải nói như vậy nghe không. Thôi, tôi đi. À hễ tôi đi rồi, mình kiếm chỗ mà giấu hay là gởi cái giỏ tiền đi nghe". Ba Trâm gật đầu. Cặp-rằng Mậu dở cửa sau mà bước ra ngoài, song đi được chừng vài bước rồi anh lại trở vô nhà. Ba Trâm đương mở cái giỏ tính đếm bạc, bỗng thấy chồng trở lại thì chưng-hửng . Mậu bước lại ôm vợ vào lòng mà hun hai ba cái rồi nói nhỏ rằng: "Tôi thương mình lắm, dầu thế nào mình cũng đừng quên tôi nghe". Ba Trâm gật đầu lia lịa. Mậu cười rồi bước đi. Ba Trâm đứng suy nghĩ một hồi lâu, dở cái giỏ lên mà coi bạc nữa rồi mới chịu khóa lại, bỏ chìa khóa vào túi. Cô bưng cái đèn đem để trên bàn ngoài trước mà tắt, rồi trở vô buồng xách giỏ dở cửa sau mà ra ngoài. Ra lộ đi được một khúc cô thấy có một người lớn với một đứa nhỏ phía dưới đi lên, xăng-xái đi theo cô. Cô hồi hộp nên đứng lại rồi để cái giỏ bên đường làm bộ đội khăn. Người lớn di tới vụt hỏi rằng: "Chị Ba phải không?" Ba Trâm coi lại, té ra mẹ con Hai Tiền, cô vững bụng mới hỏi rằng: - Thím Hai mà tưởng ai chớ. Thím đi đâu khuya vậy? Nghe nói chú nằm nhà thương, vậy mà chú mạnh hay chưa? - Cha con Lê chết rồi, chị Ba à. Mẹ con em vô nhà thương đặng lo chôn cất đây. - Tôi nghiệp chú Hai quá! Gặp việc rủi ro đến bỏ mạng! Chú năm nay được mấy mươi tuổi? - Mới 35 tuổi . - Còn nhỏ quá! . . .Không biết năm giờ bay chưa? - Còn khuya mà. Bây giờ chừng bốn giờ. - Vậy mà tôi tưởng gần sáng rồi chớ. Tôi đi qua bên Chợ-Đũi có chuyện. Đường vắng teo. Thôi, chị em mình đi cho có bạn. Ba Trâm với mẹ con Hai Tiền đi trên đường, Hai Tiền thấy Ba Trâm xách cái giỏ, song không hỏi giỏ gì. Ra tới bến đò Cầu-kho, mẹ con Hai Tiền đi bộ vô Chợlớn, còn Ba Trâm nói đi Chợ-Đũi, mà lại xách giỏ be-be đi ra phía Cầu Ông-Lãnh. Chương III Bị bắt
Gần 2 giờ chiều, con Hào sửa soạn đi học. Ôm sách vở bước ra cửa, thì Ba Trâm kêu nó lại mà nói rằng: "Thôi, đừng có đi học con, ở nhà nghỉ ít bữa. Con Hào khỏi đi học thì nó mừng nên lật-đật đem cất sách vở và hỏi mẹ nó rằng: - Ở nhà chừng ba về rồi sẽ đi học, phải không má? - Ừ - Ba đi đâu mà mấy bữa rày không thấy ba về nhà vậy má? - Đi đâu có nói đâu mà biết. Bữa hổm nói với thằng Hiệp sao đó rồi đi mất mấy bữa rày, có thấy tâm dạng gì đâu. - Còn hồi khuya má đi đâu mất! Con thức dậy không thấy má, con sợ quá. Má đi đâu vậy má? - Đi mua đồ về cho con ăn hồi sớm mơi đó chớ đi đâu. Nè ai có hỏi ba con thì con nói đi đâu mất ba bốn bữa rày không có về nhà. Còn như họ hỏi má có đi đâu hay không, thì con nói má ở nhà hoài, không có đi đâu hết. - Sao vậy má? - Thì cứ nói như má dặn đó vậy. Con nói bậy, ba con ở tù chết. - Còn cái giỏ đựng quần áo má để trong mùng đó, sao đâu mất từ sớm mơi tới giờ, con không thấy nữa. - Má bán má lấy tiền mua đồ cho con ăn đó. Con cũng phải giấu, đừng có nói cho ai biết nghe không. - Nói làm chi. Nói cho họ biết rồi họ cười minh, phải không má? - Ừ. Mẹ con nói chuyện tới đó thì Sáu Thêm, làm cu-li Hãng gạo ở ngoài bước vô hỏi rằng: - Có chị Ba ở nhà hay không? - Có qua đây, em hỏi chi vậy, Sáu? - Anh Ba bị lính bắt về bót rồi, chị Ba à. - Úy, bị bắt hồi nào? - Mới bắt tức thì, tôi gặp ảnh đương bị lính còng mà đem lên xe, nên tôi lật-đật chạy về cho chị hay đây. - Trời ơi! Làm giống gì mà bị bắt? - Có biết đâu. Ảnh có đánh lộn với ai hay không? - Không có đâu, ảnh giận qua rồi bỏ nhà đi mấy bữa rày, làm giống gì qua có biết đâu. - Đâu chị lên bót lóng nghe thử coi ảnh bị tội gì. - Ừ, để rồi qua đi chớ. Sáu Thêm từ giã mà về. Ba Trâm nằm lại trên võng đưa tòn ten, không tính đi kiếm chồng. Con Hào nghe cha bị lính bắt thì nó sợ, nên đứng buồn hiu, không nói một tiếng chi hết. Cách chẳng bao lâu, có một cái xe hơi lớn ngừng ngay trước nhà Ba Trâm. Con Hào ngó ra thì thấy hai người Biện Tây với bốn thầy Đội Việt-nam đương leo xuống xe, lại có cha nó trong đám người ấy nữa. Nó vụt nói lớn: "Ba về kia má. Mà sao có lính đi theo đông quá". Ba Trâm vụt ngồi dậy chạy ra cửa, thì quả thấy ông Cò và lính đương dắt chồng chị vô nhà. Cô đứng nép một bên cửa; con Hào chạy lại níu áo mẹ nó mà đứng gần đó. Một thầy Đội kêu Ba Trâm mà nói rằng: "Con kia, mẹ con mầy ra ngồi dựa mé lộ đây nè. Ngồi đó chớ đừng có đi đâu đa". Mẹ con Ba Trâm ríu-ríu ra ngồi trên lề đường, có một thầy Đội đứng giữ. Một thầy Đội khác dắt Cặp-rằng Mậu vô nhà, biểu ngồi dưới đất, rồi đứng một bên mà giữ. Còn ông Cò, một người Biện, và hai thầy Đội khác nữa thì lục soát cùng trong nhà. Họ bưng bàn dẹp ghế; họ khiêng chõng mở mùng, họ mò từ tấm vách, họ lần kiếm trên mái nhà, họ xom đất, họ rọi đèn, họ lục soát từ nhà trên xuống tới nhà bếp, mấy chỗ hóc hẻm họ lại càng kiếm kỹ không bỏ sót một chỗ nào hết. Xét trong nhà rồi lại xét tới ngoài sân, xét tới sau hè nữa. Xét tới chiều mà kiếm không được vật chi hết, ông Cò mới kêu một mình Ba Trâm vô rồi biểu một thầy Đội làm thông ngôn mà nói rằng: - Chồng mầy chém người ta mà giựt bạc đem về giấu ở đâu, mầy phải chỉ cho mau? - Bẩm ông, chồng tôi làm sự gì tôi có hay biết đâu. Vợ chồng rầy lộn với nhau, chồng tôi giận bỏ nhà mà đi bốn năm bữa rày, không có về đây. Ông Cò đưa tay muốn đánh Ba Trâm, song ông không đánh, lại nạt rằng: - Nói láo, con chó. - Bẩm ông, tôi nói thiệt. Nếu ông không tin, ông hỏi thử chòm xóm coi mấy bữa rày có ai thấy chồng tôi về đây hay không. - Nó về ban đêm, chòm xóm làm sao mà thấy được? - Bẩm ông, không có về hồi nào hết. Nếu có về, dầu ban đêm đi nữa, cũng có một hai người thấy chớ, thiệt không có. Ông Cò dạy dắt Ba Trâm ra ngoài, rồi dắt con Hào vô. Con Hào sợ run lập-cập, thấy cha nó ngồi dưới đất mà nó không dám ngó. Ông Cò biểu hỏi nó rằng: - Hổm nay cha mầy ở nhà hay đi đâu? - Ba tôi đi đâu mất mấy bữa rày, không có về nhà. - Đi hồi nào? - Đi bữa hổm, đi ban đêm. - Đi bữa hổm là bữa nào? - Tôi không nhớ. - Phải đi hồi hôm nầy hay không? - Không. Đi lâu rồi. - Chừng mấy bữa? - Bốn năm bữa rồi. - Đi rồi có trở về hay không? - Không. Ông Cò rùn vai, kêu một thầy Đội mà sai đem con Hào ra ngoài, rồi đi hỏi chòm xóm coi mấy bữa rày có ai thấy Cặp-rằng Mậu về hay không. Ông lại day qua hỏi Cặp-rằng Mậu rằng: - Mấy bữa rày mầy không có về nhà, vậy chớ mầy đi đâu? - Tôi rầy lộn với vợ tôi, hổm nay tôi không về nhà, tôi ở dưới nhà Tám Thiệt. - Tám Thiệt ở đâu? - Tám Thiệt làm một sở với tôi, nhà ở dưới Xóm-Chiếu. - Hồi hôm mầy có ở đó hay không? - Có đêm hồi hôm tôi ngủ tại nhà Tám Thiệt tới sáng. - Mầy ngủ ở nhà Tám Thiệt mà sao lính lại lượm được cái xe máy của mầy gần chỗ Mái-Chín Cúng bị giựt bạc? - Xe máy của tôi mất hổm nay. - Mất xe máy mầy có cớ bót hay không? - Không. Việc nhỏ mọn nên tôi không cớ. Thầy Đội mà ông Cò sai đi hồi nãy đó, thầy trở về nói rằng mấy người ở gần đều khai mấy bữa rày không thấy Cặp-rằng Mậu về nhà. Ông Cò biểu một thầy Đội nói với Mậu nữa rằng: - Nếu mấy bữa rày mầy không có về đây, tức thì tiền bạc mầy giựt của người ta hồi hôm mầy đem giấu chỗ khác. Giấu chỗ nào mầy phải chỉ liền bây giờ, nếu mầy không chỉ tao đánh mầy chết. - Trời đất ơi! Tôi có giựt tiền giựt bạc của ai hồì nào đâu mà biểu tôi chỉ. - Mầy cứ chối hoài hả? Ông Cò vừa nói vừa tống cho Mậu một bạt tay chảy máu răng rồi hăm rằng: "Để rồi mầy coi tao". Ông lại biểu người Biện Tây dắt Mậu ra xe. Ông với mấy thầy Đội cũng ra theo. Lúc ấy mặt trời đã chen lặn, thợ thuyền đi làm về dập dều, ai thấy nhà Mậu có Cò lính tới đông cũng đều đứng lại mà ngó. Khi Mậu ra tới lộ, anh thấy vợ con đứng đó, vì có lính cặp hai bên nên anh không dám nói chuyện song anh ngó con rồi ngó vợ cười chúm chím, không lộ sắc buồn hay là lo chút nào hết. Mậu và lính lên rồi thì xe chạy thẳng xuống phía Xóm-Chiếu. Chòm xóm và người quen đi ngang nãy giờ đứng xa xa mà coi, chừng thấy xe của Cò và lính đi rồi, mới áp lại hỏi Ba Trâm tại cớ nào mà Mậu bị lính bắt. Bây giờ Ba Trâm mới khóc thút thít mà nói rằng: "Tôi có biết chuyện gì đâu. Giận tôi rồi bỏ nhà đi biệt mấy bữa rày. Làm việc gì mà bị bắt đó tôi có hiểu đâu". Có người nhắc rằng: "Chắc là đánh lộn đâu đó, bị họ khai, nên Cò bót bắt chớ gì". Người khác cãi rằng: "Đánh lộn thì lính bắt giam mà tra hỏi rồi giải tòa, chớ xét nhà làm chi. Cò bót đến xét nhà đây, tôi sợ họ nghi về vụ trộm cướp nào đó chớ". Chòm xóm bàn bàn luận luận một hồi rất lâu rồi thủng-thẳng rút đi về nhà. Trong đám đó có Hai Tiền. Chị ta chảy nước mắt, chớ không nói chi hết. Ba Trâm trở vô nhà thấy bàn ghế giường chõng nghênh ngang như nhà hoang, bèn lo dọn-dẹp lại rồi lên võng mà nằm. Con Hào hỏi mẹ nó rằng: "Họ kiếm giống gì trong nhà mình vậy má?" Ba Trâm lặng thinh một hồi rồi đáp rằng: - Ai biết họ kiếm giống gì. - Con thấy ông Cò con sợ quá. - Mình có tội gì mà mình sợ. - Họ dắt ba đi rồi chừug nào họ thả ba về, má? - Mai mốt họ thả. Thằng Hiệp đi bán nhựt-trình về, nó bước vô, cũng đưa một cái bánh cho con Hào như mấy bữa trước, lại cười ngỏn-ngoẻn. Con Hào 1iền nóì với nó rằng: - Ba bị lính bắt rồi, anh Hiệp à. - Bắt hồi nào? - Bắt hồi nào không biết, mà cò với lính dắt về nhà lục kiếm cùng hết, rồi chở ba đi nữa: mới đi hồi nãy đây. Hiệp nghe nói thì ngẩn ngơ. Nó day lại thấy Ba Trâm nằm trên võng bèn hỏi rằng: - Tại sao ba tôi bị bắt vậy dì? - Mấy bữa rày đi làm giống gì ở đâu rồi bị bắt, tao ở nhà tao có biết đâu. - Họ có dắt ba tôi về đây rồi họ xét nhà nữa sao? - Chớ sao. Họ xét nhà làm tan hoang hết. Hiệp đứng suy nghĩ rồi nói rằng: "Nếu họ xét nhà thì chắc họ nghi ba hoặc chứa đồ lậu, hoặc ăn trộm, hoặc ăn cắp chớ gì. Bữa nay mấy tờ nhựt-trình không có tờ nào nói chuyện bắt đồ lậu hay là trộm cắp mà... À, à, có một tờ nói đêm hồi hôm, lối mười giờ, có một người Mái-Chín ở trong Chợ-lớn đi ra Sàigòn, đi xe kéo, gần tới xóm Bàn-Cờ thì bị người ta chận đường giựt cái cặp da có đựng hai mươi lăm ngàn đồng bạc. Người Mái-Chín la lên và rượt kẻ gian mà lấy cặp da lại, nên bị kẻ gian chém một dao trên đầu nặng lắm, té xỉu máu ra linh-láng. Kẻ gian lấy bạc chạy mất. Sở Cảnh-sát đương tìm kiếm gắt lắm. Không lẽ ba liên can trong vụ ấy ... Tối rồi, không biết lính đem ba về bót nào đặng kiếm mà hỏi thăm thử coi". Ba Trâm nói: "Hồi chiều xe hơi của ông Cò chở ba mầy đi ngã Xóm-Chiếu, không biết đem đi đâu. Vậy đi kiếm thử coi may có gặp hay khỏng". Hiệp móc túi lấy hai cắc bạc mà đưa cho Ba Trâm rồi bước ra cửa mà đi. Trời tối mò mà lại chuyển mưa nữa, Hiệp đi riết xuống bót Khánh-Hội nghểu nghến trước bót trót giờ đồng hồ, mà không thấy chi hết, lại cũng không dám hỏi thăm lính. Trời mưa gió ầm-ầm, nó ướt mình hết, lạnh lẽo chịu không nổi, nó phải trở về nhà. Ba Trâm mở cửa cho nó vô và hỏi rằng: - Kiếm được ba mầy không? - Không được. Bót nhiều quá, không biết họ đem ba về bót nào. Trời mưa lạnh quá, nên tôi về rồi sáng tôi sẽ đi kiếm nữa. - Hồi chiều đến giờ ăn cơm rồi hay chưa? - Chưa. - Còn cơm dưới nhà sau. Bưng đèn xuống dưới lấy mà ăn. - Tôi không đói. Hồi chiều tôi có ăn bánh. Ba Trâm trở vô buồng mà nghỉ. Thằng Hiệp cổi quần áo ướt mà vắt cho ráo nước, rồi gắn theo nẹp vách mà phơi. Nó lấy bộ khác mà bận vô, mà bộ đồ nầy rách rả, nên lòi vai lòi đít hết. Nó tắt đèn rồi lên võng mà nằm, nghe đầu trên có tiếng chó sủa vang-rân, rồi lại nghe dưới kinh tàu dắt ghe chạy ngang súp-lê inh-ỏi. Nó nằm suy nghĩ hoài, mà không hiểu cha nó có tội gì mà bị lính bắt. Nó thao thức sáng đêm ngủ không được. Trời hừng sáng, thằng Hiệp rờ bộ đồ ướt hồi hôm đã khô rồi, nó bèn thay áo quần rách ra mà bận bộ đồ ấy vô, lấy cái nón nỉ cũ của nó mà đội rồi mở cửa ra đi. Nó qua bót Quận nhì trước, nó đi qua đi lại trước bót, chờ coi lính có dắt cha nó ra mà tra hỏi hay không. Nó không thấy tâm dạng chi hết, mới đi ra bót Quận-nhứt rồi lần lên bót Quận ba. Đã trưa rồi mà tìm không ra mối, nó mới trở xuống chợ Bến-Thành, đi nghểu-nghến chung quanh chợ. Thình lình ở sau lưng có tiếng hỏi rằng: "Hiệp, mầy đi đâu đó? Sao bữa nay mầy không bán nhựt-trình?" Thằng Hiệp day lại thì thấy thằng Cao là bạn bán nhựt-trình như nó; tay ôm một bó nhựt-trình đủ thứ hết. Nó bèn hỏi thằng Cao rằng: - Bữa nay bán khá không mậy? - Không khá mấy. Từ hồi sớm mơi tới bây giờ mới bán được có ba mưoi mấy số. - Ba mươi mấy số còn gì nữa? - Sao bữa nay mầy không bán, lại thả đi chơi? - Tao mắc đi kiếm ba tao. - Ba mầy ở đâu mà kiếm? - Hôm qua ba tao bị lính bắt, không biết họ đem về bót nào, mà từ hồi hôm tới giờ tao đi ngang mấy bót đủ hết, song tao không thấy. - Cò bót bắt, họ giam trong khám, mầy đi ngang ngoài đường làm sao mà thấy được. Ba mầy làm giống gì mà bị lính bắt? - Không hiểu. Đâu mầy cho tao mượn mấy thứ nhựt-trình của mầy đặng tao kiếm thử coi có nói chuyện ba tao bị bắt hay không. - Không đươc đâu mầy. Mầy mở ra mầy coi, rách băng rồi tao làm sao. - Tao biết mở mà, không rách đâu. Mầy tưởug tao dại lắm sao? Nhà nghề mà. Tao mở ra tao coi một chút rồi tao xin bún tao dán lại được mà. - Thôi, đi qua gare đây mà coi. Hai đứa dắt nhau qua gare xe điện, lại cái băng trong góc mà ngồi rồi thằng Hiệp mới lập thế gỡ băng mở tờ "Nam-Kỳ Tân-Văn" ra mà coi. Trương đầu có bài tựa đề chữ lớn như vầy: Vụ cướp hai mươi lăm ngàn Người bị cướp sợ không sống Hai gian nhơn đã bị bắt. Thằng Hiệp thấy tựa như vậy thì đọc thử coi ai bị bắt đó. Bài ấy nói như vầy: "Số báo hôm qua chúng tôi có thông tin vụ Mái-Chín Cúng bị ăn cướp giựt một số bạc rất lớn mà lại còn bị bọn cướp chém rất nặng. Nay chúng tôi xin thuật rõ ràng vụ ấy cho độc giả biết thói tàn nhẫn của kẻ gian. Mái-Chín Cúng tuổi gần năm mươi, vóc ốm yếu, nhà ở Sàigòn, đường Lefèbvre có vợ xẩm, mà lại có một vợ người Nam nữa ở tại Ngã Sáu trong Chợlớn. Không ai biết chú làm nghề gì song người ở miệt Xóm-Chiếu thường thấy hễ có tàu hàng ở bên Tàu qua thì chú hay xuống tàu. Thường ngày chú đi một cái xe kéo nhà và chú hay dùng cái xe kéo ấy mà ra vô trong Chợ-lớn, chớ không đi xe điện. Theo lời của Mái-Chín Cúng khai, thì đêm hôm qua, đúng mười giờ tối, chú ở Ngã-Sáu ngồi xe kéo mà về Sài-gòn. Chú có đem theo một cái cặp da, trong ấy có một số bạc hai mươi lăm ngàn đồng, có giấy một trăm, giấy hai chục và giấy năm đồng. Ngồi trên xe, chú để cái cặp da khít bên mình. Về gần tới xóm Bàn-Cờ thình-lình có hai người Việt-Nam, tay cầm dao chận xe kéo chú lại, rồi một người giựt cái cặp da mà chạy vô phía đồng Tập-trận. Chú lật-đật nhảy xuống xe mà chạy theo và la om sòm, quyết giựt cái cặp da lại. Thằng gian thứ nhì nhảy theo chém chú hai dao té quị xuống đất, rồi nó chạy theo thằng trước mà vô đồng. Tên Năm là người kéo xe kéo Mái-Chín Cúng, thấy chủ bị nguy, nhưng vì không có khí giới nên không dám tiếp cứu. Phải chạy ra phía Chợ-Đũi mà la Mã-tà. Lính gác chạy vô tới chỗ thì bọn cướp đã trốn mất, chỉ thấy Mái-Chin Cúng nằm dựa lề đường bị hai vết dao chém, một vết tại cánh tay mặt, đứt thịt thấu xương và một vết tại bàng tang phía trái, làm đứt lìa cái tai, máu chảy lai-láng. Lính liền báo cho bót hay. Ông Cò quận ba ngồi xe hơi chạy vô, khám thương tích Mái-Chín Cúng rồi cho xe chở vô nhà thương Chợ-Rẩy. Ông truyền lịnh cho lính đi rảo trong đồng Tập-Trận mà tìm kiếm gian-nhơn, song kiếm không được bọn cướp, chỉ được hai cái xe máy bỏ trên cái gò mả. Trong hai cái xe máy ấy, một cái không có khắc tên chủ xe, còn một cái gắn tấm plaque khắc tên: Lý-trường-Mậu". Thằng Hiệp đọc tới đó thì biến sắc, kêu thằng Cao mà nói rằng: - Cao ơi, chắc ba tao bị bắt về vụ 25 ngàn đây chớ gì. Có xe máy của ba tao đây. - Nếu vậy thì mầy no. - No cái gì? Ba tao có phải là người cướp trộm đâu mậy. Ba tao làm ăn mà. - Đâu, mầy đọc hết bài coi mà. Thằng Hiệp đọc tiếp như vầy: "Nhờ bắt được hai cái xe máy nầy, sở cảnh-sát phăng lần mới bắt được Lý-trường-Mậu, nhà ở Vĩnh-Hội, làm Cặp-rằng phụ trong một hãng vận tải. Mậu khai ra mới bắt thêm đồng lõa là Tám-Thiệt, nhà ở Xóm-Chiếu, làm cu-ly trong hãng ấy. Tuy gian-nhơn cứ chối hoài, song Cò bót xét nhà Thiệt có tìm được một số bạc năm ngàn đồng, nên nhà đương cuộc định chắc hai tên ấy là kẻ cướp và cũng chắc trong vài ngày nữa sẽ tìm ra được số bạc của Mái-Chín Cúng bị giựt. Còn Mái-Chín Cúng thì đương nằm tại nhà thương, bịnh coi nặng lắm, quan thầy-thuốc chưa dám chắc cứu được hay không. Được tin gì thêm nữa, bổn báo sẽ đăng cho công-chúng biết". Thằng Hiệp đọc dứt bài rồi thì rưng-rưng nước mắt và nói quả-quyết với thằng Cao rằng: - Tuy nhựt-trình nói như vậy, song tao chắc ba tao không có giựt của đâu. - Không có sao mà cò bót bắt. - Họ nghi rồi họ bắt nhầu chớ gì. - Bị họ bắt được cái xe máy của ba mầy đó, nên tao sợ khó gỡ chớ. - Ừ, xe máy ở đâu mà lại đem bỏ đó không biết. Tao muốn kiếm ba tao đặng tao hỏi thử coi. Không biết bây giờ họ giam ở đâu. - Theo bài nhựt-trình đó thì ông Cò quận ba tra xét, chắc ba mầy bị giam trên bót quận ba chớ đâu. - Mầỵ nói có lý: để tao lên bót Giếng-Nước tao lập thế hỏi dọ thử coi. - Mầy tưởng dễ lắm sao? Mầy láng-chán lên đó lính đánh mầy chết. - Tao ở ngoài lộ, có làm việc chi đâu mà họ đánh. - Ở ngoài lộ làm sao mà hỏi thăm ba mầy được. - Thây kệ! Lên đó rồi sẽ hay. - Mầy ăn cơm chưa? - Từ hồi chiều hôm qua cho tới bây giờ tao không có ăn cơm, hôm qua bán nhựt-trình về tao giao cho dì tao hai cắc, dư mấy xu tao ăn bánh trừ cơm. - Thằng nhịn đói giỏi dữ! - Từ sớm mơi tới giờ tao bán được ba mươi mấy số nhựt-trình. Thôi tao với mầy xuống chợ cũ ăn cơm cho no rồi sẽ đi kiếm ba mầy chớ. - Mầy bao cho tao nghe không, chớ thiệt tao không có tiền đa. - Được mà, tao bao. - Mà rồi mầy cũng phải cho luôn tao số nhựt-trình "Nam-kỳ" nầy đa, cho đặng tao đem về tao đọc cho dì tao nghe. - Được. Tao sẵn lòng với mầy luôn luôn mà. Hai đứa dắt nhau xuống chợ cũ ăn cơm hết sáu xu, rồi phải phân rẽ nhau, thằng Cao đi bán nhựt-trình, còn thằng Hiệp cầm tờ "Nam-kỳ Tân-văn" lên bót Giếng-Nước. Thằng Hiệp ngồi ngoài lộ mà chờ tới tối mò mà không thấy tâm dạng cha nó. Nó bèn đi về nhà kiếm cơm ăn và đọc bài nhựt-trình cho Ba Trâm nghe. Ba Trâm thì chăm chỉ nghe đọc, song sắc mặt coi không buồn chi lắm. Qua ngày sau, thằng Hiệp lên bót Giếng-Nước mà đón. Gần 10 giờ nó thấy có một cái xe hơi ở phía sau chạy ra đậu trước cửa bót, rồi một ông Cò với hai thầy đội dắt cha nó với môt người nữa đem lên xe. Nó lật-đật chạy lại thì bị lính đuổi, nên nó không nói được một tiếng chi với cha nó. Xe hơi mở máy mà chạy, nó đứng ngơ-ngáo, không hiểu họ đem cha nó đi đâu. May lúc ấy có hai người lính nói chuyện với nhau, nó nghe một người nói: "Bọn nầy cứ chối hoài! Giải xuống Tòa coi chúng nó có chịu khai hay không". Thằng Hiệp nghe như vậy mới biết họ giải cha nó ra Tòa, nên đi riết xuống Tòa đứng ngoài cửa mà đón nữa. Đến 11 giờ rưỡi, hai thầy đội mới dắt Cặp-rằng Mậu và Tám Thiệt trong Tòa đi ra. Mậu vừa thấy thằng Hiệp thì nói rằng: "Tòa giam ba rồi. Con về đi. Không có sao đâu mà sợ". Thằng Hiệp khóc ròng, đứng ngó theo người ta dắt cha nó vô khám lớn. Nó trở về nhà thuật lại cho Ba Trâm nghe, rồi bữa sau đi bán nhựt-trình đặng kiếm tiền ăn. Chương IV Tòa xử
Cách hai tháng sau, các nhựt-báo đều đăng tin Tòa Đại-Hình Sàigòn định ngày nhóm xử, lại cũng đăng luôn chương trình Tòa định ngày nào sẽ xử những vụ nào. Thằng Hiệp đi bán nhựt-báo, nó đọc chương trình ấy, nó thấy có vụ cha nó và Tám Thiệt bị cáo về tội chém Mái-Chín Cúng mà giựt bạc, nên tối nó về nhà nó thuật lại cho dì ghẻ nó hay. Ba Trâm, tuy chồng bị giam, song bề ăn ở cũng như thường, nếu ai hỏi thăm Cặp-rằng Mậu thì cô làm bộ buồn, còn ở trong nhà với con thì cô cũng vui vẻ như không có tai họa chi hết. Cô nghe thằng Hiệp nói cha nó sẽ bị Tòa Đại-Hinh xử, thì cô không lộ sắc lo sợ hay là buồn rầu. Cô chỉ hỏi nó: - Không biết Tòa Đại-Hình xử, mình đi coi được hay không? - Được chớ. Ai vô cũng được hết thảy. Tôi đi coi hai ba lần rồi. Dì muốn đi, thì bữa đó tôi dắt dì đi. - Ừ, bữa đó mầy dắt tao đi với con Hào vô Tòa đặng tao thấy mặt ba mầy một chút. Không biết họ có cho nói chuyện hay không? - Nói chuyện đâu được! - Tưởng nói được thì tao nói cho ba mầy hay, ở nhà vợ con no ấm. Không có sao đâu mà lo. - Mấy tháng nay ba bị giam, không có lãnh lương nữa, rồi làm sao đủ tiền ăn vậy dì? - Thì mỗi bữa mầy bán nhựt-trình mầy đưa cho tao hai cắc đó, tao mua gạo ăn. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, phải tiện tặn chớ sao; còn bữa nào có thiếu hụt thì tao chạy qua dì Tư mầy bên Cầu Ông-Lãnh tao xin. Xưa rày dì Tư mầy nó giúp cho tao có mấy chục đồng rồi. - Dì Tư giúp thì chừng ba về ba làm rồi ba trả lại cho dì. - Biết có về được hay không! - Sao lại không về. Tôi chắc ba tôi chẳng bao giờ cướp giựt của ai. Cò bót lượm được cái xe máy của ba đó, họ nghi như vậy thôi, thế nào chừng xử, Tòa cũng tha bổng. - Nếu được như vậy thì nói gì! - Để bữa xử rồi dì coi. Tới ngày Tòa xử, thằng Hiệp thức dậy sớm, nó xin dì ghẻ nó sửa soạn đặng nó dắt dì đi. Ba Trâm mặc một cái áo xuyến với một cái quần lãnh mới, tóc bới vẻm vang, răng đánh sạch bốp, con Hào thì bận quần lãnh đen với áo bà ba lụa trắng, đầu có cài lược cài. Còn thằng Hiệp thì nó cũng còn mặc cái quần vải đen cụt với cái áo vải trắng cũ như hồi trước. Ba mẹ con dắt nhau qua Cầu Ông-Lãnh rồi lên Tòa. Tuy chưa tới giờ, song biện Tây, Sen-đầm đã đứng bao chung quanh phòng xử và bà con của tội nhơn cùng là chứng và Trạng-sư đều tựu lại đông nức. Ba Trâm với hai đứa nhỏ lại đứng trong một góc trước phòng xử với nhiều người đờn bà khác, cách chẳng bao lâu lính giải tội nhơn nắm tay nhau mà đi hai hàng, hai bên thì lính theo giữ. Thằng Hiệp kéo tay dì ghẻ nó và chỉ trong đám tội nhơn mà nói: "Ba kìa, dì". Ba Trâm gật đầu. Con Hào nói: "Ba bận quần áo sao mà nhàu nhè hết vậy má há? Còn ba cạo đầu trọc lóc chi vậy?". Lính dắt tội nhơn vô phòng xử mà sắp cho ngồi có thứ tự rồi đứng chung quanh mà giữ. Cách một lát, người ta cho phép chứng và bà con của tội nhơn cùng là công chúng vô phòng xử. Mẹ con Ba Trâm đi theo họ vô ngồi một cái băng để gần cửa với nhiều người khác. Thằng Hiệp ngó đám tội nhơn ngồi phía trước mà kiếm cha nó. Cặp-rằng Mậu day lại thấy vợ con thì cười, coi bộ không lo sợ buồn rầu chi hết. Lần lần người ta vô càng thêm đông, chen lấn nhau mà ngồi. Quan chưởng-Lý, quan Lục-Sự, Trưởng-Tòa và Trạng-Sư cũng đều tựu đủ. Đồng hồ gõ 8 giờ, kế nghe tiếng chuông run ở trong, rồi ba quan Tòa bận áo đỏ với ba ông Hội-Đồng thẩm án Việt-Nam bận áo dài, bịt khăn đen, mở cửa phía trong mà bước ra. Ông Trưởng-Tòa hô một tiếng lớn, ai nấy đều đứng dậy hết thảy. Các quan Tòa ngồi hàng giữa ngó ra phía ngoài, một bên thì quan Chưởng-Lý, còn một bên thì quan Lục-Sự với thầy thông-ngôn ngồi. Các quan Trạng-Sư ông thì đứng, ông thì ngồi tại hai cái bàn trước. Trong phòng xử đều lặng trang, cái không khí oai nghiêm làm cho người hung dữ đến đây thế nào cũng phải khiếp sợ. Thằng Hiệp hồi hộp trong lòng, lấy tay cào Ba Trâm mà nói nhỏ rằng: "Tôi ghê quá dì". Ba Trâm cũng sợ, nên hất tay nó và lắc đầu, tỏ dấu biểu đừng nói chuyện. Quan Lục-Sự kêu tên Lý-trường-Mậu và Lê-văn-Thiệt, và đọc một tờ dài lắm. Chừng đọc dứt rồi, thầy Thông-ngôn mới kêu Mậu đứng dậy biểu đưa tay lên mà thề khai thiệt, rồi hỏi tên họ gì, mấy tuổi, sanh đẻ ở đâu, làm nghề nghiệp gì, nhà cửa ở đâu, có vợ hay không. Cặp-rằng Mậu trả lời rõ ràng rằng: "Tôi tên Lý-trường-Mậu, 40 tuổi, sanh đẻ ở Sàigòn, làm Cặp-rằng phụ cho hãng vận-tải tại Xóm-Chiếu, nhà ở dựa kinh Dérivation, có vợ và có hai đứa con. Tòa hỏi: Anh giúp việc cho hãng vận-tải được bao lâu? Mậu đáp: Hơn ba năm rồi. Tòa hỏi: Anh ăn lương mỗi tháng bao nhiêu? Mậu đáp: Hai mươi lăm đồng. Thầy thông ngôn nói: Anh bị cáo trong đêm 12 tháng ba Tây năm nay, lối chừng mười giờ tối, anh hiệp với tên Tám Thiệt, là người làm việc một sở với anh, mà núp dựa mé đường Chasseloup-Laubat nối dài vô Chợlớn, nơi khoảng vắng vẻ không có nhà, tay lại có cầm khí giới, rồi chận xe kéo của người khách-trú tên Mái-Chín Cúng mà giựt cái cặp da, trong ấy có đựng 25 ngàn đồng bạc giấy. Theo hồ sơ thì chính mình anh giựt cái cặp ấy mà chạy. Mái-Chín Cúng chạy theo níu anh mà la. Tên Tám Thiệt nhảy đến chém Mái-Chín Cúng hai dao té quị, rồi hai người mới chạy vô đồng Tập-trận mà thoát thân. Tài chủ và anh xa phu đã nhìn anh một cách quả quyết mà cò bót lại lấy được hai cái xe máy trong đồng Tập-trận, gần chỗ cướp giựt ấy, một cái plaque khắc tên họ anh rõ ràng. Anh có nhận các điều mới nói, sự thiệt hay không? Hay là anh có điều chi để chữa mình thì khai hết cho Tòa nghe. Mậu đứng êm một chút rồi tằng hắng và đáp rằng: "Bẩm quan Tòa, những điều Tòa mới nói đó thiệt tôi không hay biết chút nào hết. Tôi vô can mà. Mái-Chín Cúng với tên Năm là người kéo xe lại nhìn mặt và khai quả quyết tôi giựt bạc. Thiệt đêm 12 tháng ba, tôi ngủ tại nhà Tám Thiệt bên Xóm-Chiếu. Đêm ấy tên Tân lại chơi và nói chuyện với tôi và Tám Thiệt quá mười một giờ khuya, rồi mới về. Nếu mười một giờ tôi còn ở nhà Tám Thiệt bên Xóm-Chiếu thì làm sao mà hồi mười giờ tôi đón Mái-Chín Cúng tại Bàn-Cờ cách Xóm-Chiếu ba bốn cây số ngàn mà giựt bạc cho được. Xin Tòa thẩm xét lại kẻo oan cho tôi tội nghiệp. Tòa nói: Phải, theo lời khai chứng của anh, là tên Tân, thì hồi 11 giờ anh với Tám Thiệt còn ở tại Xóm-Chiếu. Song lời khai ấy không tin được là vì tên Tân là bạn hữu làm chung một sở với anh, có lẽ là tên Tân khai như vậy đặng cứu anh. Mậu đáp: Bẩm, tôi có tội hay là vô tội là do lời khai của tên Tân. Vả lại tên Tân có ngồi nói chuyện chơi với tôi tới 11 giờ, nên nó khai sự thiệt như vậy, mà Tòa muốn xử tôi cách nào tôi cũng cúi đầu vưng chịu hết. Tòa nói: Anh đừng nói vậy. Nếu xét ra mà anh vô tội thì Tòa có lẽ đâu lại làm tội anh. Tiếc vì lời khai của chứng anh là một bằng cớ mỏng mảnh quá, không đủ chỉ rõ anh vô tội, còn có nhiều việc khác làm cho Tòa quả quyết anh có tội kia mà. Sở cảnh-sát lấy được cái xe máy của anh gần chỗ Mái-Chín Cúng bị cướp giựt, đó là một cái bằng cớ chắc chắn quá, anh có thế nào mà cãi được. Mậu đáp: Bẩm quan Tòa, vụ cái xe máy thì tôi đã khai với quan Thẩm-Án rằng tôi bị người ta ăn cắp mấy bữa trước. Người ăn cắp xe của tôi rồi đi cướp giựt người khác, tôi cũng phải bị liên can về sự cướp giựt đó hay sao? Tôi chắc Tòa chẳng bao giờ gắt gao đến thế. Tòa nói: Anh bị người ta ăn cắp xe máy mà anh không có cớ Cò bót. Bây giờ đổ bể, anh khai như vậy, làm sao Tòa tin anh cho được. Huống chi anh ở chung một nhà với Tám Thiệt... Mậu chận mà cãi: Bẩm, tôi có nhà riêng, tôi có vợ con; thuở nay tôi ở nhà tôi, chớ không phải ở chung với Tám Thiệt, vì tôi có việc xích mích với vợ tôi, nên tôi lại ở với Tám Thiệt có ba bốn ngày mà thôi. Tòa nói: Phải. Tòa muốn nói trong lúc Mái-Chín Cúng bị giựt bạc và bị chém thì anh ở một nhà với Tám Thiệt, mà chừng Cò bắt anh thì anh cũng còn ở đó. Anh với Tám Thiệt ở chung một nhà, sở cảnh-sát lấy được cái xe máy của anh với một cái xe máy khác nữa gần chỗ Mái-Chín Cúng bị cướp, lại tìm được gần nhà Tám Thiệt năm ngàn đồng bạc, những việc ấy há không đủ cớ cho Tòa đoán quyết anh với Tám Thiệt hiệp nhau mà cướp giựt hay sao? Mậu đáp: Bẩm, Cò bót xét lấy năm ngàn đồng bạc gần nhà Tám Thiệt, chớ không phải trong nhà. Tòa nói: Anh dụng tâm mà cãi như vậy không hay. Cách cãi như vậy thì làm cho Tòa thấy anh kiếm lời chữa mình, chớ không phải nhận anh vô tội đâu. Mậu đáp: Mà dầu kiếm được năm ngàn đồng bạc đó trong nhà đi nữa, tôi cũng không có tội bởi vì nếu tôi có giựt bạc thì tôi đem về nhà tôi giấu, mà ông Cò xét nhà tôi không có một đồng bạc nào hết. Tòa nói: Anh chữa mình thật là khôn lanh. Dầu anh nói giống gì, cũng không khỏi Tòa nghi anh giựt bạc, anh chia cho Tám Thiệt năm ngàn, còn hai chục ngàn anh giấu chỗ khác. Mậu đáp: Cái "nghi" của Tòa tôi không thế nào cãi được. Tôi chỉ lạy Tòa kiếm cho đủ bằng cớ rồi sẽ làm tội tôi, chớ không có bằng cớ, cứ dùng cái "nghi" mà kêu án thì oan cho một người vô tội. Tòa nói: Tòa sẽ cho anh thấy bằng cớ. Quan Chánh Tòa dạy Mậu trở lại chỗ cũ mà ngồi, rồi kêu Mái-Chín Cúng đứng lên trước mặt Tòa mà khai. Mái-Chín Cúng đứt mất một cái tai bên trái, tại màng-tang lại có một cái thẹo rất lớn vừa mới lành. Lời khai của chú giống in như lời của quan Chánh-Tòa nói hồi nãy. Tòa dạy chú chỉ trong đám tội nhơn coi người nào giựt cặp da đựng bạc, người nào chém. Chú Mái-Chín day lại, ngó qua đám tội nhơn rồi chỉ Lý-trường-Mậu nói quả quyết rằng tên ấy giựt cái cặp da, lại chỉ Tám Thiệt mà nói tên đó chém chú. Tòa kêu tên Năm, là người kéo xe cho Mái-Chín Cúng, lên mà hỏi thì người nầy khai và chỉ tội nhơn y như Mái-Chín Cúng. Trong phòng xử im lìm, dường như có một luồng gió làm lạnh hết thảy trong lòng dạ của những người ngồi trong đó. Một vị Trạng-sư đứng dậy nói: Tôi rất cung kính xin Tòa hỏi Mái-Chín Cúng với tên Năm coi thuở nay có biết mặt tên Mậu và tên Thiệt hay không. Quan Chánh-Tòa nói: Theo hồ sơ thì hai người nầy đã có khai tại phòng Thẩm-án rằng: trước vụ cướp giựt thì chẳng hề gặp Mậu và Thiệt lần nào. Như Trạng-sư muốn hỏi thêm Tòa sẵn lòng nhậm lời xin. Quan Chánh-Tòa hỏi Mái-Chín Cúng với tên Năm thì hai người đều khai trước vụ cướp giựt hai người không quen biết với Mậu và Thiệt. Trạng-sư nói: Xin Tòa nhớ giùm lời khai nầy cho bị cáo nhờ. Mái-Chín Cúng ăn cơm với vợ Việt-Nam, thế nào cũng có uống rượu chút đỉnh. Ngồi xe kéo trở về Sàigòn lúc mười giờ tối, trời trong gió mát, tự nhiên trong lòng khoẻ khoắn, cặp mắt lim dim. Còn tên Năm kéo xe, chạy đường dài tự nhiên phải mệt thân thể, lả mồ hôi, cặp mắt đổ hào quang. Thình lình bọn cướp chận đường, chủ ngồi trên xe, tớ kéo ở dưới, tự nhiên cả hai đều phải hết hồn mất vía. Đã vậy mà cái thời gian giựt cặp da và chém, nó ngắn ngủn mau lẹ như nháy mắt, phần ban đêm tăm tối, có lẽ nào Cúng với Năm nhớ mặt kẻ cướp cho được. Quan Chưởng-lý chận mà nói: Tôi xin cãi với ông Trạng-sư rằng chỗ "cướp giựt" đó không phải tăm tối. Đường có đèn khí sáng quắc. Trạng-sư cười và đáp: Tôi vẫn biết đường ấy có đèn khí. Nhưng tôi xin cãi lại rằng nhà nước cắm đèn khí tới năm chục thước mới có một ngọn, bọn cướp không dại gì núp dưới ngọn đèn mà chờ đặng chận đường, tự nhiên chúng nó núp cho xa ngọn đèn, nghĩa là cách 25 thước, thì làm sao thấy rõ gương mặt chúng nó được. Quan Chánh-Tòa hỏi: Quan Chưởng-lý chưa buộc tội mà sao ông lại cãi? Trạng-sư đáp: Không. Tôi chưa cãi. Tôi chỉ xin Tòa ghi nhớ mấy khoản tôi đã vạch ra đó mà thôi. Quan Chánh-Tòa gặt đầu rồi kêu Lý-trường-Mậu đứng dậy mà nói: Anh muốn có bằng cớ, thì Mái-Chín Cúng với anh Năm là bằng cớ hiển hiện đây, anh vừa lòng chưa? Mậu đáp: Bẩm đó là chứng, chớ không phải bằng cớ. Nếu Tòa tin lời chứng đó, thì tôi xin cũng tin lời chứng của tôi với. Quan Chánh-Tòa nói: Tòa sẽ hỏi chứng của anh. Quan Chánh-Tòa biểu kêu tên chứng, là tên Tân. Ngài dạy tên Tân đưa tay mặt lên mà thề rồi hỏi tên Tân đêm mười hai tháng ba có nói chuyện với Mậu và Thiệt hay không, nói ở đâu, từ giờ nào tới giờ nào? Tên Tân khai rõ ràng đêm ấy nó ghé nhà thăm Tám Thiệt hồi tám giờ tối, có Cặp-rằng Mậu ở đó. Ba người ngồi nói chuyện chơi tới mười một giờ khuya nó buồn ngủ nên mới từ giã mà về nhà. Hồi nó ra về thì Mậu đương giăng mùng sửa soạn ngủ. Tòa hỏi: Anh thấy trong nhà Tám Thiệt có đồng hồ hay không? Tân đáp: Tôi không để ý đến sự đó. Tòa hỏi: Bữa đó anh có đồng hồ trái quít trong túi anh hay không? Tân đáp: Tôi không có sắm đồng hồ nhỏ. Tòa nói: Nếu anh không có đồng hồ mà anh cũng không thấy đồng hồ trong nhà Tám Thiệt, thì sao anh dám chắc hồi anh lại là tám giờ và quá mười một giờ anh mới về. Tân đáp: Bẩm, tôi nhắm chừng. Tòa nói: Tòa cũng nhắm chừng anh lại đó hồi sáu giờ rồi bảy giờ anh về cũng được vậy. Mà thôi, Tòa chỉ hỏi thêm anh một câu nầy nữa: theo lời khai của anh, thì đêm ấy anh ở nhà Tám Thiệt trên ba giờ đồng hồ. Anh nói chuyện gì mà ngồi lâu dữ vậy, anh thuật lại cho Tòa nghe thử coi. Tên Tân đứng lơ-láo một hồi lâu, không trả lời. Tòa thúc: Khai đi? Tân đáp: Tôi không nhớ hôm đó nói chuyện gì. Tòa hỏi: Mới hai tháng nay, có lẽ nào anh quên hết? Tân đáp: Tôi không nhớ được. Quan Chánh-Tòa dạy Tân ra ngoài rồi kêu bị cáo là Tám Thiệt ra đứng trước mặt Tòa. Ngài dạy đưa tay mặt lên mà thề rồi hỏi tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, nhà cửa, vợ con. Tám Thiệt cao lớn, mạnh dạn, đứng khai rằng: Tôi tên Lê-văn-Thiệt, hai mươi tám tuổi, sanh đẻ tại Chợlớn, chưa có vợ, làm cu-li trong hãng Vận-tải, nhà ở tại Xóm-Chiếu. Quan Chánh-Tòa cũng nói y như mấy lời ngài nói với Lý-trường-Mậu hồi nãy và hỏi Tám Thiệt chịu nhìn nhận tội ác của mình làm hay không? Tám Thiệt lắc đầu đáp rằng: Tôi không có cướp giựt tiền bạc của ai hết. Tòa nói: Tài chủ Mái-Chín Cúng với chứng là tên Năm đồng khai quyết cho anh và chánh anh cầm dao chém Mài-Chín Cúng, anh còn chối gì nữa? Thiệt đáp: Họ khai gian. Tòa nói: Sở cảnh-sát lại có xét lấy được năm ngàn đồng bạc, anh bỏ vào hộp bánh mì mà chôn dựa bên hè anh. Phải số bạc ấy là phần của tên Mậu chia cho anh hay không? Thiệt đáp: Không. Ai lén đem chôn bạc ở đó tôi không hay. Tòa hỏi: Đã có bằng cớ và chứng khai hẳn hòi, như vậy mà anh cứ chối hoài hay sao? Thiệt đáp: Tôi không có ăn cướp, làm sao mà tôi chịu có cho được. Quan Chánh-Tòa rùn vai rồi khoát tay biểu Tám Thiệt trở về chỗ mà ngồi. Quan Chưởng-lý đứng dậy buộc tội, bác bẻ mấy lẽ của Lý-trường-Mậu và Lê-văn-Thiệt viện lẽ mà chữa mình, nói hai bị cáo đã cướp giựt một số bạc rất lớn mà lại còn gần giết một mạng người, luận những lời chối là một cách chữa mình rất vô lý, xin Tòa phải vì cuộc an cư lạc nghiệp của xã-hội mà trừng trị hai bị cáo thiệt nặng nề, để cho kẻ khác kiêng nể, không dám cướp giựt nữa. Nghe lời buộc tội gắt gao nghiêm nghị ấy, thì trong phòng lặng trang, ai cũng chắc bị cáo sẽ bị án. Vị Trạng-sư cãi lẽ hồi nãy về sự Mái-Chín Cúng với tên Năm nhìn mặt Lý-trường-Mậu, bây giờ đứng dậy mà biện luận đặng cứu tên bị cáo ấy. Ban đầu ông nói chậm rãi nho nhỏ, lần lần ông cất giọng lên cao, lời nói hùng-hào, bộ tướng mạnh-mẽ, khi tha thiết như than, khi ồ ào làm giận, khi phĩnh-phờ kiêu ngạo, khi chúm chím miệng cười. Ông nói sự lấy xe máy tại đồng Tập-trận không phải là cái bằng-cớ chứng chắc tên Mậu ăn cướp, sự nhìn mặt của tài-chủ và của xa-phu không đúng. Ông nài xin phải tin lời khai của chứng là tên Tân. Chừng kết luận, ông xin Tòa hãy nghĩ Lý-trường-Mậu thuở nay là một người chân thật lo làm mướn mà nuôi vợ con, không có án tiết chi hết, hãy nghĩ xét nhà tên Mậu không kiếm được bạc, mà từ ấy đến nay sở Cảnh-sát thám dọ thì cũng không thấy vợ con Mậu ăn xài chơi bời; xin ông hãy lấy công tâm mà xét lại, tên Mậu bị lôi ra trước Tòa Đại-Hình về tội cướp giựt chỉ vì tình nghi mà thôi, chớ không có bằng-cớ chắc-chắn. Vậy Tòa phải tha bổng mới công bình, mới khỏi làm án lầm một tên vô tội. Ông cãi rồi ông ngồi xuống. Thính giả đều thở ra phỉ dạ. Một vị Trạng-sư khác đứng dậy biện luận giùm cho bị cáo Lê-văn-Thiệt. Ông nói nhỏ nhẹ, êm ái, ông không dùng khẩu khí, chỉ trưng lý luận mà bác bẻ tờ buộc tội. Ông cho lời quả quyết của tài-chủ và của tên Năm là lời cáo gian, bởi vì đến mười một giờ khuya mà Tám Thiệt còn nói chuyện với khách tại nhà, thì không thế nào hồi mười giờ mà chận đường cướp giựt Mái-Chín Cúng tại Bàn-Cờ cho được. Còn năm ngàn đồng bạc kiếm được gần hè Tám Thiệt, thì ông nói rằng Tám Thiệt mướn một căn nhà lá mà ở, theo luật Việt-Nam, thì ngoài căn nhà ấy, Thiệt không có quyền gì hết. Nếu nghi Thiệt cướp bạc về giấu tại đó, sao Tòa không nghi cho chủ đất, hoặc người căn phía bên kia cũng gần chỗ giấu đó mà lại nghi cho Thiệt. Ông xin Tòa xét chỗ đó mà tha bổng Lê-văn-Thiệt. Trang-sư cãi xong rồi, quan Chánh-Tòa hỏi hai bị cáo còn muốn khai thên điều chi nữa. Các quan Tòa và Thẩm-án đồng đứng dậy đi vô phòng phía sau mà nghị án. Cách nửa giờ, Tòa mới ra nhóm lại và quan Chánh-Tòa đọc án phạt: 1.- Lý-trường-Mậu, mười năm khổ sai. 2.- Lê-văn-Thiệt, mười hai năm khổ sai. Thằng Hiệp nghe Tòa lên án cha nó mười năm khổ sai, thì nó bủn-rủn tay chân, vừa khóc vừa đứng dậy kéo tay Ba Trâm biểu đi về. Chừng mấy mẹ con đi ngang qua cửa khám lớn, thằng Hiệp đứng ngó vô khám, nhớ cha nó sẽ ở trong đó mười năm thì nó ngậm ngùi nên nước mắt nhỏ giọt. Thình lình có tiếng ồn ào phía bên Tòa. Mấy mẹ con Ba Trâm day lại thì thấy lính Săn-Đầm đương dắt Trường-Mậu và Tám Thiệt xuống khám. Cặp-rằng Mậu kêu vợ và nói rằng: "Má con Hào, ở nhà ráng dạy giùm hai đứa nhỏ, nghe không. Mười năm rồi tôi sẽ về". Lính xô Mậu đi riết, không cho nói nữa. Thằng Hiệp đứng ngó theo đau-đớn như dao cắt ruột. Chương V Mẹ ghẻ con ghẻ
Tại Cầu Ông-Lãnh, dọc theo đường Lò heo, hồi trước có một dãy phố lầu cũ, trong hai căn phố đầu có dọn một tiệm bán cà-phê nước trà và bánh ngọt, bánh mặn đủ thứ, mỗi buổi trưa và buổi tối người ta đến ăn uống nườm nượp. Chủ tiệm nầy tên là Từ-Hữu, là người Minh-hương, có vợ người Nam tên là Tư Hường, là em ruột của Ba Trâm. Cách mấy tháng trước, Ba Trâm xách giỏ bạc đi ra Cầu Ông-Lãnh là đem gởi cho Tư Hường. Bữa Tòa xử Cặp-rằng Mậu rồi, mẹ con Ba Trâm dắt nhau đi về, tới Cầu Ông-Lãnh thì thằng Hiệp đi một mình về nhà, còn Ba Trâm với con Hào thì ghé lại tiệm nước của Từ-Hữu. Vừa bước vô tiệm, con Hào gặp con Kiên là con gái của Từ-Hữu, chị em mừng nhau nên ở đó mà chơi, Ba Trâm bước vô trong nói nhỏ với Từ-Hữu rằng: "Ba con Hào bị Tòa lên án mười năm". Từ-Hữu chưng hửng hỏi rằng: "Cha chả! Tới mười năm hay sao?" Ba Trâm gật đầu rồi đi thẳng lên lầu. Tư Hường đương nằm trên bộ ván mà cho con bú, ngó thấy chị lồm cồm ngồi dậy hỏi rằng: "Chị nói bữa nay Tòa xử ảnh, sao chị không đi lên Tòa hỏi thăm coi ảnh được Tòa tha hay là bị án?" Ba Trâm vén áo ngồi một bên em mà đáp nho nhỏ rằng: - Qua đi coi Tòa xử từ hồi sớm mơi tới giờ, qua mới về tới đây. - Tòa xử sao đó? - Tòa kêu án mười năm. - Chết chưa! - Tài-chủ với người kéo xe họ nhìn mặt, họ khai quả quyết, tự nhiên Tòa phải kêu án nặng chớ sao. - Tòa có hỏi số bạc giựt đó đem giấu chỗ nào hay không? - Không ... ờ, may quá! Tòa không có hỏi cái đó. Tại sao vậy không biết. - Tuy vậy mà chị cũng phải dè dặt, đừng có chộn rộn, rủi đổ bể ra họ lấy lại mà mình còn phải ở tù cả đám. - Em tưởng qua dại lắm sao? Mấy tháng nay qua lấy có mấy chục đồng bạc đặng mua gạo, cá mà ăn, còn bao nhiêu thì còn nguyên đó, qua có dám động tới đâu. - Ừ, thủng thẳng vậy, đừng có gấp. Đợi năm bảy tháng, hoặc một năm nguôi ngoai rồi chị sẽ xài. - Thằng Tư nó hiểu việc đó hay không? - Không. Tôi giấu, tôi không dám nói. - Ừ, em đừng có nói cho nó biết làm chi. Để sau rồi qua sẽ giúp cho một hai ngàn làm vốn buôn bán. Qua khá thì em cũng khá vậy mà. - Còn thằng con riêng của ảnh, nó biết hay không? - Không. Nó cũng không biết gì hết. Đêm cha nó lén đem về thì nó ngủ nên không hay. Mấy tháng nay qua có nói ra đâu mà nó biết. - Bữa nay nó có lên Tòa coi xử hay không? - Có, nhờ nó dắt, chớ không thì qua có biết đâu mà đi coi. - Tôi sợ nó đọc nhựt trình, rồi nó coi Tòa xử nữa, nó phát nghi chớ. - Không có đâu. Ba con Hào chối hoài, không chịu có cướp giựt, thì nó có dè đem tiền bạc về nhà đâu mà nghi. - Bữa hổm chị đếm hết thảy bao nhiêu? - Mười chín ngàn chín trăm đồng. Theo như lời trên Tòa hồi nãy, thì Mái-Chín Cúng bị giựt 25 ngàn. Cò bót xét lấy lại được 5 ngàn ở sau hè Tám Thiệt. Lẽ thì phải còn 20 ngàn. Không biết lạc ở đâu mất hết 100 đồng. - Ối! Mất 100 đồng cũng không hại gì. Không biết chừng ảnh chận lại để bỏ theo lưng mà xài. - Em cất giùm cho kỹ nghe không, đừng có hơ-hỏng đa. - Dễ không! Tôi bỏ cái giỏ trong tủ áo, tôi khóa tủ, chìa khóa tôi giữ trong túi luôn luôn đây. - Ừ, phải giữ cho gắt mới được. - Chị có tính chừng nguôi ngoai rồi, chị lấy bạc ra mà làm việc gì hay không? - Thủng thẳng rồi sẽ hay. Bây giờ có biết làm việc gì đâu. Có lẽ qua sẽ mua một cái nhà mà ở cho sạch sẽ, rồi sắm một cái xe hơi để qua đi chơi. - Chị mua sắm như vậy thì đồng tiền của chị chết, chị có lợi gì đâu. - Phải ăn ở cho sung sướng đã, rồi tính giống gì sau sẽ hay. - Có vốn, phải lo buôn bán làm ăn cho có lợi thêm nữa chớ. - Em nói theo điệu vợ chệc hoài, hễ mở miệng thì tính lời tính lỗ. Ai mà làm như vậy cho được. Tư Hường cười. Cô nghe nói Ba Trâm chưa ăn cơm, nên kêu bạn trong tiệm sai đi mua đồ về dọn cho mẹ con Ba Trâm ăn. Còn thằng Hiệp về thẳng bên nhà, nó nằm chèo queo trên cái võng, nước mắt cứ tuôn ra hoài, không ăn không uống chi hết. Đến xế, Hai Tiền bước vô nhà, thấy thằng Hiệp nằm lim-dim thì hỏi rằng: - Chị Ba đi đâu vắng vậy cháu? - Dì tôi còn ghé bên chợ Ông-Lãnh. - Nghe nói bữa nay Tòa xử anh Ba phải không? - Phải. Tòa xử rồi hồi sớm mơi. - Xử sao đó cháu? Thằng Hiệp bệu-bạo đáp rằng "Xử mười năm tù, thím Hai à!" Hai Tiền la ba tiếng: "Trời đất ơi!", rồi ngồi trên ghế mà khóc rấm rứt. Thằng Hiệp thấy vậy càng thêm động lòng nên nó cũng khóc. Cách một hồi, nó vụt đứng dậy mà nói rằng: "Ối! Mười năm cũng không lâu gì, ba tôi ở tù oan hay là ưng, dầu người ta không biết, chớ trời cũng biết. Tôi làm mà nuôi dì tôi với em tôi được, không hại gì". Hai Tiền thấy Hiệp còn nhỏ mà nói mấy lời khẳng khái ấy thì ngồi ngó nó trân trân. Thằng Hiệp day qua rồi hỏi Hai Tiền rằng: - Xưa rày thím dọn nhà đi đâu mất vậy thím Hai? - Qua ở bên Bến-Thành đặng mua bán kiếm cơm ăn, chớ không có đờn ông mà ở bên nây thì khó làm ăn lắm. Cháu còn đi bán nhựt trình hay không? - Còn chớ. - Chị Ba cho cháu đi làm như vậy nữa hay sao? - Cho. Nếu không cho thì cơm đâu mà ăn. Hai Tiền đứng dậy ngó thằng Hiệp trân trân rồi nói rằng: "Chừng chị Ba về, cháu nói lại có thím qua thăm nhá. Thôi, thím về". Thằng Hiệp đưa Hai Tiền ra cửa, thấy một đám con nít đương giỡn chơi ngoài đường, nó men men đi lại đó, mà chừng lại gần thì nó châu mày rồi thủng thẳng trở về nhà. Đến chiều, Ba Trâm với con Hào về, có xách hai ba gói bánh đưa cho thằng Hiệp mà biểu ăn. Hiệp đói bụng nên phải ăn, nhưng mà nó không vui chút nào hết. Sáng bữa sau, thằng Hiệp đi lãnh nhựt-trình mà bán như thường, rồi chiều có được bao nhiêu đều đưa hết cho Ba Trâm. Bữa nào nó cũng làm như vậy, mà nó không buồn, không vui chi hết, dường như nó tưởng sự cực khổ đó là bổn phận của nó. Nó lang-thang lưới-thưới, còn con Hào thì quần áo nhổn nha, nhiều khi Ba Trâm đi chợ về lại ngồi xe kéo nữa, nhưng mà nó không để ý mấy việc đó. Một bữa, thằng Hiệp đi bán nhựt-trình đến tối mò mới về nhà, thấy trong nhà không đèn, mà cửa lại khóa phía ngoài. Nó đói bụng nên lại quán mua một ổ bánh mì nguội, với một táng đường mà ăn rồi nằm trên cái chõng nhỏ trước hàng ba mà ngủ. Đến khuya, có một cái xe hơi lại đậu ngay trước cửa, đèn chói sáng lòa. Thằng Hiệp giựt mình, ngóc đầu dậy thì thấy Ba Trâm với con Hào trên xe đương leo xuống, rồi con Hào đi vô cửa, còn Ba Trâm thì chống tay lên xe đứng nói chuyện nho nhỏ với một người đờn ông bận đồ tây ngồi trên xe. Một lát rồi người đờn ông ấy ló đầu ra mà hun Ba Trâm. Hai người cười với nhau rồi xe chạy. Ba Trâm đi vô nhà. Thằng Hiệp giận quá không thế dằn được, nên chừng Ba Trâm vô tới cửa thì nó vụt ngồi dậy hỏi lớn rằng: "Dì đi đâu mà chừng nầy mới về? Đi với thằng cha nào nó hun dì đó?" Mấy lời hỏi lớn mà cứng cỏi làm cho Ba Trâm hổ thẹn quá, nên cô bước lại mà chạt trong mặt thằng Hiệp và mắng rằng: "Đồ chó đẻ! Mầy nói giống gì đó? Mầy dám bỉ sử tao hả?" Thằng Hiệp bị vả đau, nên nhảy xuống đất mà chạy. Ba Trâm còn giận lắm, song không lẽ rầy rà làm vở lỡ trong xóm lúc nửa đêm, bởi vậy cố dằn lòng, lấy chìa khóa trong túi ra mà mở cửa rồi đi vô nhà với con Hào. Cô vừa đốt đèn rồi, thì thằng Hiệp cũng ló mó vô nhà, nó đi lại cái võng mà nằm, không thèm nói một tiếng chi nữa hết, mà mặt nó lầm lầm, bộ giận dì ghẻ nó lắm. Ba Trâm mặc một bộ đồ hàng trắng còn mới tinh, chơn lại có mang giày, còn con Hào thì cũng bận áo quần bằng hàng trắng, đầu lại có cái lược cài, chân mang guốc quai nhung. Ba Trâm đi vô buồng thay đồ. Con Hào cầm gói bòn-bon đưa ngay mặt thằng Hiệp mà nói rằng: "Anh ăn bòn-bon không anh Hai? Như ăn thì lấy vài cục đây mà ăn". Thằng Hiệp đương quạu, nghe hỏi như vậy nó càng thêm giận, nên hất tay con Hào một cái thiệt mạnh, làm văng cả gói xuống đất, đổ bòn-bon tứ tung. Con Hào lầm bầm nói rằng: "Ăn hay không thì nói, chớ sao lại hất cho đổ bòn-bon của người ta". Thằng Hiệp nói rằng: "Hứ! Mầy vui sướng dữ lắm, nên đi xe hơi ăn bòn-bon!" Con Hào ngồi lượm bòn-bon mà đáp rằng: - Ớ! Thấy người ta đi xe hơi nên ganh rồi nói bậy! - Tao nói như vậy đó là nói bậy hả? Ba bị đày mầy vui sướng lắm mà! - Bị đày thì thôi, chớ ai biết làm sao bây giờ. Anh giỏi thì anh làm sao cho ba ra khỏi khám đi. - Tao có tài gì mà làm cho ba ra khỏi khám được. Nhưng mà tao nhớ thân ba ở tù, bận áo xanh, ăn cơm lứt, tao thương, tao không muốn ăn chi hết, chớ không phải như mầy, cứ lo mặc quần hàng áo lụa, lo mang guốc mang giày, kiếm thế mà đi xe hơi, không biết thương xót ai, không kể xấu hổ chi hết. Ba Trâm thay đồ rồi bước ra nói rằng: - Nầy, tao nói cho mầy biết, mầy không được phép kiếm chuyện mà gây với con Hào đa. - Tôi đâu thèm gây với nó. Tôi nói chuyện phải quấy tốt xấu cho nó nghe mà thôi chớ. - Cái tuồng mặt mầy mà biết giống gì, nên dám nói chuyện phải quấy tốt xấu. - Tuy tuồng mặt tôi như vầy, song tôi biết nhiều chuyện lắm. - Mầy biết chuyện gì? - Dì hỏi chi vậy? Dì ở với ba tôi hơn mười năm, có sanh được một đứa con, mà dì không biết thương ba tôi ... Ba tôi rủi bị ở tù mới mấy tháng nay mà dì ở nhà lại đi lấy trai. Ba Trâm nghe nói tới đó thì giận run, xốc lại toan đánh thằng Hiệp. Thằng Hiệp chạy ra cửa đứng nói rằng: - Tôi có lỗi gì mà đánh tôi? - Tao đánh tới con gái mẹ mầy dưới mồ nữa, nói cho mà biết. - Mẹ tôi có làm đĩ lấy trai như họ đâu mà đánh. Ba Trâm giận quá, nhưng vì sợ đánh thằng Hiệp rồi nó đổ nùi chòm xóm hay, càng thêm xấu hổ, nên cố dằn lòng giận mà nói rằng: "Mầy phải đi cho khỏi nhà tao. Đồ ngỗ nghịch, tao không chứa nữa. Đi cho mau". Cô nói dứt lời liền đóng cửa lại. Thằng Hiệp vừa đi ra lộ vừa nói rằng: "Đuổi thì đi, ở còn gai con mắt, chớ ở mà làm gì".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro