CHƯƠNG 26 : NGỌC HỒI ỨC
Ba đứa Minh chưa kịp đi được đâu thì đã có hai âm hồn nam giới đến bắt chuyện với họ. Đó là hai âm hồn đã kết hồn hạch màu đỏ, mặc áo the, khăn xếp, giống như một thứ đồng phục nào đó. Thoạt nhìn, quần áo của hai âm hồn đó rất thanh lịch, nhưng chẳng hiểu sao ông trời lại xếp họ đứng với nhau để tạo ra ra một cảm giác tương phản đến lố bịch. Một kẻ thì lùn và béo tốt, cổ, tay và mình anh ta nần nẫn. Y béo đến nỗi mà từng thớ giấy áo căng ra, chỉ chực rách toạc mỗi khi anh cử động mạnh. Kẻ còn lại thì cao và gầy trơ xương; hai cái hốc mắt của tên này lõm vào trong khi cầu mắt thì lồi ra; còn quần áo của hắn thì chẳng khác mấy so với mấy tấm giấy treo hờ hững trên một cây sào mà gió có thể thổi đi bất cứ lúc nào. Hai âm hồn đó đứng cạnh nhau giống y chang cây cau đứng bên cạnh tảng đá vôi trong truyện cổ tích trầu cau của dân gian. Tên gầy hơn lên tiếng trước, bằng một tiếng nói nhừa nhựa:
- Chào ba ngài. Ba ngài chẳng hay là đến đây để định cư hay là chỉ tham quan vãng cảnh.
Ba Khắc cũng cung kính đáp lại:
- Chúng tôi đến đây để vãn cảnh chốn kinh kỳ này ít bữa rồi sẽ rời đi. Chẳng hay hai ông gặp chúng tôi có điều chi dạy bảo?
Tên béo kia xua xua tay, má hắn đung đưa theo từng chuyển động:
- Ấy ấy. Ba ngài đây, mỗi người đều hơn bọn tôi rất nhiều, chúng tôi sao dám dạy bảo. Chả là thế này, hai chúng tôi là nha lại dưới trướng Hội đồng Kỳ Mục của Thành Long Ẩn. Hội đồng Kỳ Mục có lệ là các âm hồn cư trú trong thành đều phải đeo thẻ căn cước ghi rõ tên tuổi, quê quán để tiện quản lý. Nếu không đeo thẻ căn cước mà bị vệ binh bắt được thì sẽ bị xử phạt. Quy định này áp dụng cho mọi âm hồn, không kể mạnh yếu, giàu nghèo, già hay trẻ. Việc của chúng tôi ở là trực ở bến cảng này để nhắc nhở cho các vị khách mới đến như các ngài biết mà tuân thủ luật lệ.
- Sao lại có cái tiền lệ như thế? – Trần Phúc hỏi – Tôi đã từng đến nơi này, đã bao giờ phải làm thẻ căn cước đâu.
- Chắc lần ngài đến đây từ cách đây rất lâu rồi. – Tên gầy đỡ lời. - Chứ lệ này đã áp dụng được bốn mươi năm rồi đấy ạ. Sở dĩ có cái lệ này là bởi sau những năm tháng chiến tranh, người chết vô số, lượng âm hồn đổ về thành Long Ẩn vì thế mà tăng lên ngùn ngụt. Dân số tăng lên dẫn đến biết bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu tệ nạn. Hội đồng Kỳ Mục khi đó rất đau đầu, cuối cùng mới quyết định phải đánh thẻ căn cước cho cư dân để quản lý họ tốt hơn. Ái chà. Các ngài không biết rằng quản lý một cái thành mà có đến hơn mười triệu âm hồn nó vất vả thế nào đâu. Bản thân như chúng tôi đây cũng rất là mệt mỏi, lúc thì phải đứng chào ở đây, lúc thì phải kê biên sổ sách, lúc thì phải họp, rồi hội nghị, rồi báo cáo. Cơ cực không sao kể xiết.
- Rồi rồi. Tôi hiểu rồi. – Trần Phúc ngắt lời tên gầy. – Vậy là phải làm thẻ căn cước chứ gì. Dù sao thì chúng tôi cũng chẳng ngại gì. Xin các ngài hãy cấp cho chúng tôi ba cái thẻ căn cước vậy. Tôi tên là Nguyễn Đại, anh này là Phạm Hồng, còn em trẻ trẻ này là Hoàng Văn Ngũ, cả ba đều đến từ Thái Bình. – Trần Phúc tùy tiện bịa ra ba cái tên.
Hai tên nha lại kia nghe thấy vậy thì gật gật đầu rồi họ quay sang mỉm cười nhìn nhau, trao đổi với nhau đôi điều gì đó qua ánh mắt. Tên gầy lại bắt đầu nói vòng vo:
- Ấy. May mà gặp được ba ngài đây là người nhanh trí. Chứ bình thường, chúng tôi cứ phải đánh vật với các vị khách, nói mãi mà họ không hiểu. Chúng tôi nói ra rả cả ngày như kẻ đi bán cháo phổi ấy chứ. Vất vả lắm mà đồng lương thì ba cọc ba đồng. Đã thế mỗi lần lĩnh lương lại phải biếu xén lên cấp trên, thành ra làm nhiều mà chả kiếm ăn được là bao. Cuộc đời này nó cứ bất công như vậy đấy, trong cái đám nha lại dưới trướng Hội đồng Kỳ Mục, khối kẻ chỉ ngồi chơi, xơi nước mà hưởng biết bao lộc trời, còn cái việc khó nhằn, lại đến chúng tôi. Mà chúng tôi nói thế không phải là chán ghét công việc đấu nhé. Dù khó dù khổ chúng tôi vẫn làm. Mình không làm thì chẳng còn ai làm nữa. Chỉ là chúng tôi chỉ mong rằng người dân, rồi các vị khách như các anh hiểu rằng chúng tôi đã làm việc vất vả như thế nào?
Lời nói của anh ta như một mê hồn trận, đến mức mà cả ba anh em Minh cứ đờ ra, rồi nhìn nhau mà chẳng ai hiểu ông ta nói cái gì.
- Này anh ơi. – Minh hỏi. – Thế rốt cuộc là ông có viết thẻ căn cước cho chúng tôi hay không? Chúng tôi chẳng có nhiều thời gian lắm đâu.
- Viết chứ. Viết chứ. Phải viết chứ. – Ông béo cười hề hề - Không có thẻ căn cước này, các ngài đâu có thể đi lại được trong thành. Không có thẻ, các ngài sẽ bị Hội đồng Kỳ Mục xử phạt nặng lắm, phải nộp nhiều tiền lắm. Chúng tôi phải viết thẻ căn cước cho các ngài để các ngài không bị mất tiền oan chứ.
Đến lúc này thì cả Ba Khắc và Trần Phúc đều hiểu ông ta ám chỉ điều gì. Trần Phúc tủm tỉm cười, móc từ trong túi ra hai xâu tiền:
- Gớm. Các ông anh cũng vòng vo quá. Đây, có tí chút, biếu hai ông anh uống nước. Hai anh viết hộ cái thẻ căn cước để chúng em còn đi nào.
Tên gầy nhanh tay đỡ lấy xâu tiền của Trần Phúc, thoắt cái đã giấu nhẹm vào trong ngực áo. Trong khi đó tên béo điềm nhiên như chưa có gì xảy ra, lấy từ cái tráp đeo bên mình ra ba miếng thẻ bài bằng gỗ màu xanh, có viền bao quanh màu đỏ, từ tốn viết tên giả của ba anh, em Minh vào trong đó. Hắn còn cẩn thận dặn ba người:
- Ba ngài đây thật đúng là người trời người phật, phong thái hào sảng từ trong dáng đi. Đây là ba tấm thẻ bài của ba ngài, các ngài nhớ phải luôn đeo tấm thẻ bài này bên cạnh để tránh bị vệ binh hỏi thăm nhé. À. Thẻ bài này chỉ dành cho khách tham quan, chỉ có giá trị trong một tháng thôi. Quá một tháng, các ngài phải gặp chúng tôi để đổi lấy thẻ bài định cư. Thôi, cũng không dám làm phiền nữa, chúc các ngài tham quan vui vẻ.
Hai tên nha lại đó tạm biệt ba anh em và hòa vào đám đông trên cảng. Một lúc sau đã thấy họ vây lấy một người phụ nữ khác cũng mới lên trên bờ. Người này có vẻ không được hào phóng như Trần Phúc nên hai tên đó phải múa môi, múa mép mãi mà chưa thấy kết quả gì.
Ba anh em Minh vừa tán chuyện về hai tên nha lại vừa nãy, vừa theo con đường lớn đi vào trong thành. Theo Ba Khắc giới thiệu thì thành Long Ẩn vuông như một bàn cờ, đường xá đan xen thẳng như kẻ chỉ, trong đó có một đường trục chính kéo thẳng từ cảng, qua khu vực trung tâm nơi đặt tòa nhà của Hội đồng Kỳ Mục, nối đến điểm tận cùng của thành nơi Kim Ngưu hồn khổng lồ cư trú, chính là con đường mà ba đứa đang bước đi đây. Bởi vì đây là con đường đẹp nhất thành Long Ẩn nên cảnh quan hai bên hoa lệ, kiều mỹ vô cùng. Dường như tất cả tinh hoa cùng với tầng lớp thượng lưu đều đổ ra đây. Mặc dù kiến trúc nhà cửa hai bên đường có thể khác nhau nhưng chúng đều được xây dựng cực kỳ bề thế, hoành tráng. Hơn thế nữa, khu vực mặt đường có rất nhiều hàng quán phục vụ nhu cầu sinh hoạt đa dạng của các âm hồn trong thành: nhà hàng, quán rượu, tiệm cắt may, tiệm đồ dùng, hiệu sách, hiệu thuốc, .... Thậm chí, nhiều loại dịch vụ mà Minh tưởng chỉ có ở nơi người sống cũng có mặt ở chốn kinh kỳ cõi âm này, tỷ như hiệu cầm đồ, nhà băng, ca quán nơi các quý tộc ngày xưa đến để nghe hát ả đào, và cả những rạp hát mang hơi hướng hiện đại mới được mở một thời gian gần đây.
Bước chân rong chơi đưa đẩy, ba anh em bước vào một hiệu sách ba tầng mang nét kiến trúc thời Lê có tên là Minh Hoàng. Tầng một của hiệu sách bày la liệt đủ các loại sách từ thơ ca, chính trị, truyện, nhưng phần lớn là những loại bí cấp, công pháp dạy cách tu luyện và kết hồn hạch trình bày cực kỳ bắt mắt. Minh mê tít mấy thứ bí cấp, công pháp này, toan sà vào xem thì Trần Phúc lôi cậu xềnh xệch đi sang một gian sách khác, nơi bán các loại sách về lịch sử cõi âm và Mẫu Phủ. Trần Phúc xem một hồi rồi lựa cho Minh ba quyển sách có tựa đề là: "Các cuộc chiến trong cõi âm và sự hình thành Mẫu Phủ", "Hồi ức thành Long Ẩn" và quyển sách cuối cùng có một cái tên rất nên thơ: "Đường xa gió bụi" nhưng chủ yếu lại nói về dư địa lý của các thành thị lớn của cõi âm. Minh nhìn thấy ba quyển sách dày cộp thì đã hoa hết cả mắt, toan chối đây đẩy thì Trần Phúc đã dúi vào tay cậu. Ba Khắc lại loay hoay ở một gian sách khác bán các loại tạp văn và truyện sắc hiệp. Anh ta mở vài trang, cười dấm dúi rồi nhanh chóng lựa lấy hai quyển đút vào trong ngực áo. Thanh toán xong tiền sách, ba đứa tiện đường tiếp tục lên trên lầu hai để xem tiếp.
Tầng hai của hiệu sách được bài trí xa hoa hơn tầng một, nơi đây bày la liệt các quả cầu long lanh như những khối chất lỏng cô đặc. Bên cạnh mỗi quả cầu đều có một tấm biển với một dòng chú thích và bảng giá tiền của nó. Quả cầu đầu tiên mà Minh nhìn thấy có ghi: "Cảm thụ âm khí của Nguyễn Văn Phong, hai trăm năm kết hồn", giá năm trăm đồng vàng. Một quả cầu khác bên cạnh đó thì lại ghi: "Trải nghiệm sinh tử kết hồn hạch – Đào Lý", giá tám trăm đồng vàng. Tò mò, Minh bỏ xa Trần Phúc và Ba Khắc để đi sâu vào bên trong phòng thì các tấm biển càng có những nội dung khá lạ lùng: "Áp súc linh khí theo cách xoáy ngược – Lễ gia", hai nghìn đồng bạc; "Nhập hồn – Vô danh" – Năm nghìn đồng; "Nhân duyên không dứt – Âm dương tương phùng – Phạm Hà", hai trăm năm mươi đồng vàng. Cuối cùng, Minh đứng tần ngần bên cách một quả cầu có tên vô cùng quái dị "Xẻ hồn, cấy ma – Phù Quỷ" có giá mười vạn đồng vàng. Quả cầu này có màu xám đùng đục với những dòng chảy không ngừng xoay tròn phía trên trong lớp màng mỏng manh. Từ quả cầu tỏa ra một luồng hấp lực vô hình, liên tục mời gọi Minh. Cuối cùng, không nén nổi tò mò, Minh nâng ngón tay trỏ lên, định chạm vào nó. Cùng trong khoảnh khắc đó, một cơn cuồng phong ập đến, đẩy cậu xoay một vòng, rời xa khỏi quả cầu. Một giọng nói vang lên:
- Xin quý khách cân nhắc, đó là ký ức tà thuật, nếu không tu luyện thì đừng nên mua kẻo làm vẩn đục tâm hồn.
Đó là một âm hồn cô nương trẻ trung, xinh đẹp, mới độ ngoài hai mươi tuổi, miệng chúm chím xinh tươi. Tóc cô buộc cao và để chùm đuôi tóc hờ hững cuốn trên vai. Tay cô cầm một ống phễu dài, giống như một thứ bảo bối mà Minh đoán nó được dùng để tạo ra các cơn gió xoáy như vừa nãy.
- Ồ. Sao tự nhiên lại có một cô nương hoa nhường nguyệt thẹn thế này? Cô nương ơi. Nàng tên là gì?
Tiếng nói đó là của Ba Khắc. Anh tiến đến sát cô gái, nhìn chằm chằm vào cô. Ánh mắt tình tứ thô bạo của Ba Khắc làm mặt cô khẽ ửng hồng nhưng cô không hề e ngại mà còn chăm chú nhìn lại anh. Ánh mắt cô long lanh như của một người thiếu nữ lần đầu tiên biết rung động trước lời tán tỉnh của một người con trai. Cô gái cứ ngây ra khiến Minh phải kéo tay cô:
- Này chị gì ơi. Chị là chủ quán ạ?
Lúc ấy, cô gái mới sực tỉnh, hết nhìn Minh rồi lại quay lại liếc Ba Khắc và bẽn lẽn trả lời:
- À. Em tên là Hồng Điệp, là người bán hàng ở đây. Vừa nãy nguy hiểm quá, vị khách thiếu niên này suýt chút nữa là chạm đến tà thuật rồi. Nếu đã chạm vào quả cầu đó thì tâm hồn mãi mãi bị vẩn đục, mãi mãi không thể đi theo con đường chính đạo được nữa.
- Ồ. Thế là thế nào? Thế mấy quả cầu này là gì hả chị? – Minh tò mò.
Cô gái cố gắng cắt đứt ánh nhìn si mê vào Ba Khắc, giọng nói lấy lại được vẻ trong trẻo và linh hoạt như bình thường.
- Các vị... Các vị nhớ đừng có mách ông chủ về chuyện vừa nãy nhé kẻo em lại bị đuổi. Mãi em mới xin được việc mà ngày công cao thế này. Vừa nãy em mệt quá, có nằm nghỉ một chút, nhưng mà chưa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng mà. – Hồng Điệp cười, để lộ hàm răng trắng và đều như hạt bắp. – À. Còn mấy viên ngọc này... Xin giới thiệu với các vị đây là ngọc hồi ức để lưu trữ và truyền ký ức. Ở trong mỗi viên ngọc này là một mảnh ký ức và cảm xúc được chiết xuất ra từ những trải nghiệm thực tế của các âm hồn. Khi các vị chạm vào chúng thì ký ức và cảm xúc ấy sẽ ngay lập tức truyền vào tâm hồn các vị như thể nó vốn là một phần ký ức sẵn có vậy.
- Kỳ diệu đấy chứ? – Trần Phúc thốt lên. – Vậy là chúng dùng cho việc tu luyện à?
- Đúng. Đúng. Anh thông minh quá. – Hồng Điệp khen - Chỉ cần mua một viên ngọc là anh đã nắm được ngay những kiến thức cùng với những trải nghiệm chân thực và tỷ mỷ nhất về một phương pháp tu luyện hoặc một thứ bùa phép hoặc một loại pháp thuật. Chẳng cần mất công mất sức học tập phát khổ phát sở. Nhưng mà ngoài các loại ký ức về tu luyện, cửa hàng em còn có ký ức về đủ mọi chuyện trong cuộc sống, từ chuyện tình duyên, chuyện âm hồn kết chồng kết vợ với người còn sống, chuyện quản lý, chuyện hưởng thụ, chuyện chăn gối. Miễn là các anh có nhu cầu gì, cửa hàng em đều có thể đáp ứng. – Cô gái vui vẻ giảng giải.
- Hay đấy, hay chúng ta thử kiếm một viên ngọc nào đó để thử xem sao? – Ba Khắc hào hứng đề nghị.
- Đúng đúng. Mỗi người thử một viên, dù sao thì chẳng mấy khi được trải nghiệm dưới suy nghĩ của người khác. – Minh hùa theo.
Rồi cả Minh và Ba Khắc đều nhìn vào Trần Phúc chờ đợi, đơn giản bởi vì Trần Phúc là đại gia, là mỏ vàng của hai người. Không có mạnh thường quân Trần Phúc thì Minh và Ba Khắc đều chỉ là kẻ khố rách áo ôm mà thôi. Trần Phúc lăn tăn suy nghĩ rồi cũng gật đầu:
- Thôi được. Nhưng mỗi người chỉ được chọn một viên ngọc hồi ức có giá dưới ba trăm thôi nhé.
Ba anh em vui vẻ đi lựa chọn viên ngọc hồi ức cho riêng mình. Trần Phúc dễ dàng lựa cho mình một viên ngọc có ghi "Bay lượn như rồng - Hồng nhậm". Về phía Minh, lúc đầu cậu chọn một viên ngọc có tiêu đề như trong phim kiếm hiệp là "Tay không đả hổ tinh – Thần Vũ". Tuy nhiên, khi cậu khoe với Trần Phúc, chàng ta lại cho rằng chủ đề này quá tầm thường và chọn cho cậu một viên khác có tiêu đề ngắn củn "Mẹ" và chẳng còn có tên tác giả gì cả. Còn Ba Khắc, anh ta đi lượn khắp nơi, nhìn nhìn, ngó ngó, mà chẳng tìm được gì. Cuối cùng, lựa lúc Minh và Trần Phúc đang mải mê ngắm nhìn những viên ngọc mà mình chọn được, anh ta mới thủ thỉ nói thầm với cô bán hàng Hồng Điệp đôi câu gì đó, khiến mặt cô nàng đỏ lựng lên. Cô nàng gật đầu nói với Ba Khắc, rồi đi khuất sâu vào phía trong trước khi trở lại, bê theo một cái khay có đựng một viên ngọc trắng như nước vôi không có ghi tiêu đề gì cả. Ba Khắc cười hấp háy, toan vồ lấy nhưng Hồng Điệp từ chối. Cô khéo léo dùng găng tay nhấc hai viên ngọc mà Minh và Trần Phúc chọn rồi dẫn ba anh em đến một cái bàn bằng gỗ ở phía trong gian lầu hai. Cô xếp ba viên ngọc ra bàn và nói:
- Ba anh từ từ cảm nhận. Nếu cảm thấy hay ho bổ ích thì lựa chọn thêm mấy viên nữa. Ở đây chúng em có lệ là nếu khách hàng mua từ năm viên ngọc hồi ức trở lên thì sẽ được giảm giá ba phần. Giá rẻ hấp dẫn. Các anh có đi khắp cả thành này chẳng có chỗ nào mà bán nhiều ngọc hồi ức mà giá lại rẻ như cho thế này đâu.
Ba anh em gật gật đầu cám ơn rồi hoàn toàn tập trung vào các viên ngọc ký ức trước mặt. Để bảo đảm an toàn, ba đứa sẽ không thử cùng một lúc mà lần lượt thay phiên nhau. Ba Khắc hí hửng nhất, anh ta tranh được nếm trải ký ức đầu tiên. Đó là một màn tuyệt diệu. Khi ngón tay trỏ của Ba Khắc chạm vào viên ngọc, lớp vỏ mỏng tang bao bên ngoài của nó vỡ tung như một quả bóng bay căng phồng bị kim châm, luồng khí trắng như nước vôi trong được tự do liền bay bao quanh ngón tay của Ba Khắc rồi dần dần bị da thịt của anh hấp thu hết. Ngay sau đó, đôi mắt của Ba Khắc bỗng đờ đẫn và dại hẳn đi, như thể tâm hồn và trí tuệ của anh đã thoát ra khỏi cơ thể và lang thang trong một thế giới khác. Quá trình đó kéo dài khoảng độ nửa tiếng. Trong thời gian đó, khuôn mặt của Ba Khắc biến chuyển qua biết bao nhiêu cảm xúc, đôi khi cười hềnh hệch một cách ngốc nghếch, lúc thì khóc một cách man dại, lúc thì khẽ nhếch mép nở nụ cười man trá, lúc thì hoan hỉ đến tột độ... Để cuối cùng, sau khi hoàn toàn thanh tỉnh lại từ trong chuỗi ký ức đó, Ba Khắc vẫn còn bần thần hồi tưởng còn khuôn mặt thì đỏ lựng lên vì thỏa mãn.
Trần Phúc là người thử tiếp theo sau Ba Khắc. Viên ngọc của chàng có màu tím thẫm với một lớp vỏ không hề dễ vỡ. Thậm chí, khi Trần Phúc chạm vào, nó còn bị đẩy ra, lăn nhè nhẹ trên bàn. Tò mò, Trần Phúc dùng cả bàn tay nhặt nó lên để ngắm nghía. Hóa ra mỗi viên ngọc có một cơ chế hòa nhập với người dùng hoàn toàn khác biệt. Khi được kẹp chặt bởi năm ngón tay của Trần Phúc, nó bắt đầu chảy ra thành một thứ chất lỏng nhầy nhầy như kẹo kéo. Thứ chất lỏng đó dần dần ngấm vào âm hồn của Trần Phúc qua bàn tay anh. Và cũng như Ba Khắc, ánh mắt của Trần Phúc mờ đặc như đang nhìn vào một khoảng không gian nào khác. Tuy vậy, những cảm xúc của Trần Phúc hiện ra trên nét mặt thuần phác và giản đơn hơn. Anh bặm môi và các cơ mặt nhăn lại giống như một học sinh đang vò đầu bứt tai trước một bài toán khó. Trải qua thời gian, nét mặt của Trần Phúc giãn dần ra. Sau cùng, Trần Phúc nở nụ cười sảng khoái, khuôn mặt tràn đầy sảng khoái và tự hào. Sau khi thanh tỉnh lại, Trần Phúc vẫn tiếp tục chìm đắm trong suy tư một lúc lâu trước khi thở hắt ra: "Không ngờ lại phức tạp như vậy!".
Minh là kẻ trải nghiệm cuối cùng. Sau khi bị Trần Phúc từ chối chủ đề yêu thích, cậu cảm thấy có chút bất mãn và hờ hững với viên ngọc của mình. Tiền là của Trần Phúc bỏ ra và chẳng lẽ cậu lại nhõng nhẽo như một đứa trẻ đòi này đòi kia. Minh ngắm nhìn quả cầu ký ức nằm im lìm trên bàn. Nó màu hồng pha chút vàng như màu nắng, rất ấm áp và nhẹ nhàng. Từng thớ vân trên mặt quả cầu khẽ chuyển động, xoáy tròn, xoáy tròn, cuộn dần như một chốn mê hồn. Minh vẫn tiếp tục nhìn nó mà chẳng hề có chút ham muốn đủ mạnh mẽ để nâng bàn tay mình lên.
- Ơ kìa. Đừng có như thế chứ. Em sẽ thích nó cho mà xem. – Trần Phúc động viên.
Minh thở dài và rồi trong một nỗ lực lớn nhất, cậu nhấc tay mình lên rồi chộp thẳng xuống quả cầu. Quả cầu biến mất quá nhanh, như một cái bóng thoáng qua dưới bàn tay Minh, khiến tay cậu đập thẳng xuống bàn. Cùng lúc đó, một luồng giống như điện mà không phải điện xộc thẳng từ tay, đi qua mũi, qua tai, qua mắt rồi tấn công trực diện vào ý thức của Minh. Minh cảm thấy choáng váng và cay xè như thể mình vừa nuốt hàng chục lọ mù tạt cùng một lúc. Tri giác của cậu chìm trong một mớ hỗn độn. Giữa chín tầng mầy. Không, còn cao hơn thế. Cậu thấy các tinh vân ngoài vũ trụ, cậu thậm chí còn cảm giác thấy cả thiên hà xoay chuyển, cậu lang thang giữa những đêm tối đen, vô cùng, bất tận, bất tận. Rồi một lực hút thô bạo và bủn xỉn kéo tụt cậu xuống mặt đất. Cậu không thể vẫy vùng, không thể chống cự, không thể động cựa. Cuối cùng, cậu cũng chạm đất, nằm giữa một chốn lạnh lẽo và cứng nhắc.
Minh từ từ mở mắt ra, và nhìn ra xung quanh minh. Cậu thấy mình là một đứa trẻ khác. Tên của cậu là Còm. Cậu gầy và thấp tịt. Làn da của cậu xanh xao, vàng vọt như một kẻ bị cớm nắng lâu năm. Nhưng đáng sợ nhất và cũng ngặt nghèo nhất, hai chân của cậu bị teo, nó khiến cho cậu phải nằm liệt trên giường quanh năm suốt tháng.
Gia đình của Còm rất nghèo và cơ cực. Ba của cậu là một kẻ thô lỗ. Ông ít nói, hơi cục cằn và hiếm khi quan tâm đến cậu. Mỗi khi uống rượu, ông thường lải nhải suốt buổi tối và vẫn hay nhiếc móc cậu vì đôi chân tật nguyền. Còm không trách ông bởi ông chưa bao giờ đánh cậu, hơn nữa ông còn làm việc rất chăm chỉ, những lúc không uống rượu, ông quần quật ngoài đồng kiếm cho mẹ con cậu bữa ăn. Mẹ cậu là người phụ nữ tần tảo và cam chịu. Những bất hạnh trong cuộc sống in hằn thành những nếp nhăn dài nơi khóe mắt của mẹ. Có lẽ cậu là nỗi bất hạnh lớn nhất của mẹ, vì cậu mà mẹ không thể đẻ thêm được nữa, vì cậu mà mẹ bị bố thường xuyên trách mắng trong lúc ông say rượu, vì cậu mà mẹ suốt ngày phải lủi thủi ở nhà để chăm sóc. Nhưng mẹ chưa bao giờ giận cậu dù chỉ là một chút. Mẹ là đôi chân của cậu. Những lúc không quá bận bịu, bà thường cõng cậu đi khắp làng khắp xóm, kể cho cậu những câu chuyện ở phía ngoài khu đồi phía tây, nơi mà cậu chưa bao giờ được biết đến.
Cuộc sống của cậu có lẽ cứ đều đều như thế nếu như không có biến cố đó xảy ra. Mẹ cậu mất vì một căn bệnh mà không thầy lang nào biết tên. Căn bệnh đến nhanh và cướp mẹ cậu đi trong chớp nhoáng. Những ngày cuối trước khi mất, mẹ miên man bất tỉnh rồi ra đi trong cơn mê ấy, chẳng để lại cho cậu một lời trăn trối. Đám tang của bà diễn ra đơn giản và nhanh chóng. Suốt đám tang bố cậu chỉ uống rượu. Ông không nói với cậu bất cứ một câu, chỉ nhìn cậu với ánh mắt ái ngại và căm tức.
Còm thù ghét mẹ vì bà ra đi trước cậu. Trước linh cữu của bà, cậu không khóc, chỉ giương ánh mắt vô hồn mờ đục nhìn tấm ván quan tài lạnh lùng. Mẹ cậu nằm trong đấy, khuôn mặt bà thanh thản nhẹ nhõm, thoát khỏi những vướng bận, khổ đau trong cái vòng luẩn quẩn của đời người. Còn cậu, ở bên ngoài này, sẽ phải chống chọi, sẽ phải quằn quại trong những khó khăn và buồn tủi. Giá như người chết ở trong quan tài là cậu chứ không phải mẹ thì cậu sẽ vui sướng biết bao. Cậu sẽ không phải chịu vết đau ở chân, cậu sẽ đến một miền cực lạc, cậu sẽ vô âu, vô lo. Ấy vậy mà mẹ nỡ đang tâm đánh cắp đi niềm vui sướng đó của cậu và bỏ mặc một thằng què quặt như cậu ở lại chốn lạnh giá này.
Khi đám tang qua đi cũng là lúc bầu không khí trong nhà trở lên bức bối. Bố Còm không biết và không thích nấu ăn, Còm lại càng không thể. Hai bố con sống nhờ nguồn thức ăn tiếp tế của bà ngoại. Vì bà quá già,yếu nên đồ ăn bà nấu chỉ là mấy món tạm bợ, nó không ngon và nóng hôi hổi như những món mà mẹ nấu riêng cho Còm. Còm chẳng ăn được gì. Cậu đã gầy lại càng gầy. Nhưng kỳ lạ thay, cậu vẫn thấy mình khỏe khoắn, vẫn minh mẫn. Thậm chí Còm còn thấy chân mình có dấu hiệu hồi phục. Chân cậu tuy vẫn đau nhói nhưng không còn vô lực như ngày xưa. Cậu bắt đầu cảm nhận thấy từng thớ thịt, từng dòng máu đang chảy dần dật trong chân mình. Rồi cậu có thể vịn vào thành cửa để tập đi những đoạn ngắn.
Bố cậu không hề để ý đến những tiến bộ nhỏ nhoi đó của cậu. Bốn tháng sau khi mẹ mất, ông ta lấy một người vợ mới. Còm gọi cô ta là dì Thúy. Dì Thúy có dáng người phốp pháp, đôi mắt hơi xếch lên và da mặt nhiều tàn nhang. Dì không nhẹ nhàng như mẹ và hay nóng giận, nghĩ gì nói đấy. Dì coi Còm như một đống thịt thừa vô tích sự, chỉ biết ăn chực nằm chờ. Trong bữa cơm gia đình, dì dành một nửa thời gian để chê bai và mắng nhiếc Còm. Bố cậu ở đấy nhưng không hề tỏ một thái độ gì hết. Ông chỉ chăm chú ăn và uống rượu. Còm mặc kệ hết thảy, cậu coi như mình điếc. Cậu cố ăn và cố gắng tập luyện để có thể đi được. Cậu đã có thể vịn để đi được khoảng bốn, năm bước chân. Cậu chờ một ngày có thể đi được trọn vẹn, cậu sẽ rời khỏi ngôi nhà này, rời khỏi sự đau khổ vẫn đày lên đầu cậu bao năm qua.
Hai tháng sau ngày về nhà Còm, dì Thúy mang thai. Bố Còm vui sướng khôn xiết. Lần đầu tiên trong đời, Còm thấy ông cười tươi như thế. Dì Thúy trở thành bá chủ của gia đình, dì muốn gì được nấy. Nhưng từ ngày mang thai, dì chẳng thể nào ngủ được. Dì thường cảm thấy vào có một bóng ma lẻn vào ngôi nhà này hàng đêm. Bóng ma ấy lảng vảng ở chỗ Còm nằm ngủ. Dì thấy sợ hãi và bất an. Bố Còm cũng lo lắng lắm. Ông mời một thầy pháp đến cúng bái và yểm bùa. Dì Thúy bắt đầu ngủ ngon trở lại. Nhưng một tuần sau, dì lại kêu than vì bóng ma ấy đã tìm cách phá được bùa phép để vào nhà. Bố Còm lại đi tìm một thầy pháp cao tay hơn. Nhưng ông ta cũng chỉ trấn trạch được ngôi nhà này được vài ngày. Cứ thế, con ma kia tìm đủ mọi cách để phá giải bùa phép để vào nhà.
Dì Thúy không nản chí. Dì nói là con ma sau nhiều lần phá giải bùa phép đã yếu lắm rồi. Dì thấy nó mỏng chỉ còn như tờ giấy. Cuối cùng, bố Còm lên kinh đô, mời hẳn một vị sư đã tu hành đắc đạo. Ông rắc xung quanh nhà Còm những cục đen sì được làm từ bột than, nước tỏi tươi và một thứ bùa phép gì đấy. Kể từ đó, dì Thúy ngủ ngon trở lại. Nhưng cũng từ đó, Còm không thể nào nhấc người lên để đi được nữa. Chân cậu lại trở thành một đống thịt vô dụng, đau đớn khôn xiết. Sức khỏe của Còm cũng yếu dần đi. Cậu không thể ăn được gì, hai võng má teo lại như hai cái hốc khô khốc. Bố Còm nhìn cậu ngao ngán. Ông cũng thử mời thầy lang về khám cho cậu. Nhưng khi thầy lang lắc đầu không thể tìm ra cách chữa thì ông nhanh chóng buông xuôi.
Còm ra đi vào một đêm mưa bão tháng bảy, khi mà sấm chớp gõ ầm ầm trên mái nhà. Bố và dì Thúy không hề hay biết rằng cậu chết. Cậu thấy hồn mình nhẹ nhàng tách khỏi thân xác. Cậu đứng tần ngần bên giường ngắm nhìn thân xác đang dần chuyển sang màu xám của mình mà tâm trạng nảy sinh niềm sung sướng vô bờ. Rồi Còm ngắm nhìn âm hồn mình. Nó là một bản thể đầy đủ. Còm đứng được khi ở dạng âm hồn. Âm hồn của cậu có chân. Nhưng nhìn kỹ, Còm mới nhận ra đôi chân của âm hồn mình là một mảnh chắp vá. Giữa phần chân và phần thân có một đường nét chắp vá mờ mờ. Đó là đôi bàn chân phụ nữ, gầy guộc và mỏng manh. Đôi chân mang hơi thở của mẹ. Âm hồn của Còm đang đứng trên đôi chân của mẹ.
Còm chưa kịp định thần để hiểu hết mọi chuyện đang diễn ra thì cậu bắt đầu thấy từ bốn phía của ngôi nhà có một mùi thật kinh khủng. Mùi tỏi tươi xâm nhập vào âm hồn cậu khiến cậu chao đảo, váng đầu váng óc. Những lá bùa chú dán chi chít quanh nhà chiếu vào hồn cậu, muốn đè ép cậu xuống. Hoảng hốt, Còm cố vận chút sức lực và chạy ra khỏi nhà, đứng dưới tán cây nhãn đang run rẩy dưới cơn mưa. Đứng từ đây, Còm mới nhận thấy toàn bộ ngôi nhà được bao bọc trong một lớp kết giới bảo vệ vững chắc được lập ra từ những lá bùa và những cục than đá trộn tỏi tươi của nhà sư ngày đó. Chúng ngăn chặn âm hồn không có sinh khí. Khi sinh khí trong âm hồn cậu cạn kiệt thì cũng là lúc cậu bị buộc phải rời khỏi nhà.
- Còm ơi... Con ơi...
Một giọng nói nhẹ nhàng từ phía sau chạm tới tâm hồn cậu. Còm ngỡ ngàng quay lại. Là mẹ. Bà đang ngồi trú mưa trong bụi dứa dại phía sau cây nhãn. Còm lao đến bên mẹ. Âm hồn bà yếu đuối và mỏng manh như một con diều lao đao trong một ngày mưa bão. Và... Bà không có chân. Đôi chân của bà đã bị cắt đi.
Còm nhìn mẹ, nhìn đôi chân cụt ngủn mà rưng rức khóc. Không khó để cậu hiểu được tất cả. Mẹ đã gán đôi chân âm hồn của mình cho Còm. Nhờ đó mà có lúc Còm thấy chân mình hồi phục đến mức có thể tập đi được. Chính mẹ là hồn ma hàng đêm lẻn vào nhà để trông nom cậu khiến cho dì Thúy mất ngủ thuê người đến trấn yểm ngôi nhà. Mẹ đã kiên trì sử dụng tất cả sức lực của mình, chống lại bùa phép để đến gặp cậu hàng đêm, điều đó đã khiến mẹ trở lên gầy yếu, mỏng manh như thế này.
- Đừng khóc con. Có mẹ ở đây. Đừng khóc con. Mẹ đây rồi. Mẹ con mình lại được ở bên cạnh nhau.
Trong đêm mưa gió bão bùng, hai mẹ con ôm lấy nhau cùng khóc. Nước mắt trút xuống sự tủi hờn của bao nhiêu năm khổ đau dài dằng dẵng. Nước mắt chảy hết đi rồi chỉ còn lại niềm vui đoàn tụ.
Đến khoảng bốn giờ sáng mưa gió ngớt. Còm cõng mẹ đi ra nghĩa địa của làng, rồi dựng một túp lều sống tạm ở đó. Hai mẹ con có những chuỗi ngày vui vẻ, đầm ấm. Ba tháng sau, vì đã hao hụt quá nhiều âm khí nên mẹ Còm hóa kiếp. Bà tạm biệt kiếp này để đến một kiếp làm người khác. Còm cũng bỏ nghĩa địa của làng để đi chu du. Cậu vượt qua khu đồi phía tây, nhìn ngắm thế gian rộng lớn, đi khắp vùng châu thổ Bắc Bộ của nước Việt rồi đến thành Long Ẩn cư trú. Mười sáu năm sau khi mẹ hóa kiếp, Còm cũng quyết định hóa kiếp. Nếu tạo hóa ưu ái, biết đâu kiếp sau cậu sẽ lại trở thành con trai của mẹ. Trước khi ra đi, Còm nguyện để lại ký ức đẹp đẽ này để nó có cơ hội được sống lại một lần nữa trong tâm hồn của người có duyên...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro