CHƯƠNG 24 : HÀ NỘI... HÀ NỘI
Ba anh em Minh đi miết về phía Tây thêm một đêm nữa thì đến được vườn đào nơi mà Ba Khắc hẹn với Huyền Nga. Vườn đào đã đổi khác quá nhiều so với thời điểm Ba Khắc đến đây một trăm năm trước, khiến anh phải loanh quanh mãi mới tìm ra nó. Diện tích của khu vườn đã bị thu hẹp khoảng năm lần so với trước đây do người dân xung quanh phá rừng làm nhà. Không những thế, một con đường quốc lộ còn cắt khu vườn ra làm đôi, tiếng xe cộ chạy liên tục trong đêm tối khiến vườn đào mất đi vẻ yên tĩnh vốn có của nó. Khu nhà ởnằm trong khu vườn đào trước kia mà Huyền Nga và Ba Khắc từng nghỉ dưỡng nay lại phơi mặt ra hứng bụi ngay sát mặt đường. Vì vậy mà nó bị bỏ hoang phế, rêu phong um tùm. Nhìn khu dinh thự, Ba Khắc lắc đầu ngán ngẩm trước dấu vết tàn phá mãnh liệt của thời gian. Anh xoa tay vào bờ tường loang lổ để chạm đến gần hơn nỗi đau đớn của khu dinh thực bề thế, hoàng tráng một thời.
Việc khu dinh thự bị bỏ hoang phế khiến Ba Khắc mất hết đầu mối để tìm Huyền Nga trong khu vườn đào rộng này. Anh đành dẫn Minh và Trần Phúc đi sâu vào trong rừng để tìm Huyền Nga. Họleo lên ngọn núi cao cạnh đó, nơi còn khá nguyên sơ và bụi bặm của nền văn minh của con người vẫn chưa lan tới.
Thời điểm này đang là đầu tháng mười một âm lịch, gió đông bắc thổi mạnh hơn, nhiệt độ ngoài trời càng lúc càng xuống thấp và không khí cũng trở nên hanh khô. Vườn đào cổ thụ chủ yếu là loại đào đá đang dần chuyển sang màu úa, lá cây rụng nhiều. Những cành cây khẳng khiu chọc ra tứ phía nom như những nhánh củi khô trên nền trời xám ngoét. Thế nhưng chỉ khi mùa đông đi qua và những cơn mưa phùn mùa xuân ùa tới, từ những cành cây tưởng như đã chết đó sẽ nở ra những bông hoa màu hồng nhạt với những nhụy vàng nhỏ li ti. Cả một vườn cây sẽ lập tức trút bỏ hơi thở chết chóc để khoác lên một lớp áo hồng mơn mởn.
Đêm nay lại không có trăng, có sao gì nên việc đi lại trên núi khá vất vả. Đêm tối u uất. Những tiếng chim cú kêu rúc rúc chen lẫn với tiếng vượn hú phía xa xa. Khi Minh đang bật nhảy trên các gờ đá để tránh mặt cỏ đẫm sương phía dưới thì cậu nghe thấy một tiếng gầm của mãnh thú vọng trên các sườn núi. Một mùi hôi rình xộc trong gió. Ba Khắc ra hiệu cho mọi người dừng lại nghe ngóng. Một lát sau, từ trong bóng tối phía trước mặt, hai đốm xanh lét từ từ tiến đến chỗ bọn Minh đang đứng. Đến khi lại gần, Minh mới nhận ra đó là âm hồn một con hổ khá to. Màu lông của nó không vằn vàng đen như đồng loại mà lại toàn một màu xám như lông của những con chó sói.
- Khang. Là ngươi đấy phải không? – Ba Khắc dò hỏi con hổ.
Con hổ không phản ứng lại, chỉ trân trân nhìn Ba Khắc. Ba Khắc lại hỏi tiếp:
- Huyền Nga tiểu thư sai ngươi đến gặp ta phải không?
Con hổ tên Khang không nói gì, lừ lừ nhìn Ba Khắc, mồm hơi nhếch lên, khoe cặp răng nanh nhọn hoắt. Rồi nó quay đầu lại, lầm lũi đi về bóng tối phía đằng sau cũng giống như cái cách mà nó tiến đến.
- Đi theo nó nào. – Ba Khắc nhắc.
Vừa đi trên đường, Ba Khắc vừa kể cho hai em nghe về con hổ này. Xưa kia, khi Ba Khắc và Huyền Nga đi dạo chơi ở rừng đào này có bắt gặp một con hổ cái bị thợ săn bắn chết. Hồn của nó luẩn quẩn bên xác và được Huyền Nga nhìn thấy. Khuôn mặt nó lúc đó cực kỳ thảm hại. Con vật như có linh tính, nó tìm mọi cách lôi kéo Huyền Nga về ổ của nó, nơi đang có ba chú hổ con còn chưa biết đi. Huyền Nga thấy thương mấy chú hổ con nên tìm mọi cách để nuôi. Về phần Ba Khắc, do loài hồ ly vốn xung khắc với loài hổ, nên anh tỏ thái độ rất dửng dưng nhưng cũng không phản đối. Bởi vì Huyền Nga là một âm hồn, không có cách nào tác động lên mấy con hổ nên Ba Khắc phải miễn cưỡng thay nàng thực hiện các công việc chăm sóc chúng. Tiếc rằng loài hổ khá khó nuôi. Trong ba con chỉ có mỗi con hổ lông xám này là lớn lên được. Khi nó lớn lên đủ khả năng xoay sở trong tự nhiên thì liền bỏ đi mất tăm. Một trăm năm cứ thế trôi qua. Đêm nay khi Ba Khắc gặp lại thì nó đã trở thành một thú hồn cực kỳ cương mãnh.
Hai người đi theo hổ hồn được chừng ba, bốn cây thì đến một tòa nhà cổ rêu phong được làm bằng đá ong, giống hệt như những ngôi nhà trong thành Bạch Tượng Thăng Thiên. Ngôi nhà im phăng phắc, bên trong có ánh nến tỏa ra. Ba Khắc mạnh dạn đến gõ cửa. Một lúc sau, cánh cửa mở ra. Trong đó không phải là Huyền Nga mà lại là một âm hồn phụ nữ trung niên.
- Huyền Nga có ở đây không? – Ba Khắc hỏi.
- Có phải người là Ba Khắc công tử đó không?
Ba Khắc gật đầu. Người phụ nữ trung niên kia mừng ra mặt.
- Huyền Nga tiểu thư không có ở đây, người bảo tôi cấp tốc đến đây để chờ công tử và chuyển cho công tử bức thư này.
Bà ta đi vào trong nhà lấy ra một lá thư tay được gấp gọn gàng trang nhã. Cảm thấy lo lắng nên Ba Khắc giật luôn bức thư từ trên tay người phụ nữ, mở ra đọc luôn. Minh len lén đến gần để nhìn nội dung nhưng trên đó viết toàn chữ nho khiến cậu chẳng hiểu gì. Ba Khắc đọc thư như nuốt trọn từng chữ. Đọc xong thư, Ba Khắc thở dài, gấp lá thư lại cất trong túi áo ngực rồi từ biệt người phụ nữ và ra đi luôn trong đêm.
Ba Khắc dẫn hai em đi một mạch xuống hướng nam độ khoảng bảy tám cây số thì dừng lại nghỉ ở một bãi đá tảng to nằm bên bờ một con suối gần cạn hết nước. Trong tiếng suối róc rách, Minh mới hỏi Ba Khắc:
- Sao thế anh? Chị Huyền Nga có việc gì không?
Ba Khắc lúc đó mới nhăn mặt kể:
- Đêm hôm đó, sau khi chia tay, Huyền Nga đã tìm mọi cách để dụ mấy tên lính gác tù giam ra xa, nhờ đó mà chúng ta mới có thể thoát ra khỏi ngục được dễ dàng. Khi nàng thấy lính canh trong phủ đổ dồn hết về phía đông, đoán rằng chúng ta đã ra được bên ngoài nên nàng cũng tìm cách lẩn ra ngoài phủ luôn. Đêm đó tưởng mọi việc trót lọt và êm thấm. Ai ngờ đến đêm ngày hôm sau, khi Huyền Nga đang chuẩn bị đi về vườn đào này gặp chúng ta thì binh lính của phủ Quan Hoàng đến sinh sự, bắt nàng đi. Thì ra có kẻ ghen ghét đố kỵ với gia tộc của Huyền Nga đã tâu lên phủ Quan Hoàng là bắt gặp nàng dẫn ta và Minh đi ăn. Phủ quan giải nàng về thẩm vấn. May vì Huyền Nga quá khôn khéo, tìm đủ cách chối bay, chối biến mối quan hệ với chúng ta nên quan phủ chẳng thể luận tội được nàng. Gia tộc của Huyền Nga cũng tham gia vào, khiến cuối cùng phủ quan phải thả nàng ra nhưng vẫn áp đặt biện pháp cấm túc, theo dõi. Khó khăn lắm Huyền Nga mới cử được một người hầu mang thư đến đây. Nàng sợ rằng người hầu đó cũng bị theo dõi nên giục chúng ta khi đọc được thư phải tìm cách đi ngay.
- Vậy là tạm thời chị ấy vẫn an toàn đúng không ạ? – Minh hỏi.
- Đúng thế. Vẫn an toàn. Huyền Nga là kiều nữ của gia tộc. Vị thế của nàng không hề thấp, lại được vị trưởng tộc rất yêu thương nên phủ quan Mười Một sẽ không làm khó nàng ấy nhiều đâu. Trong thư Huyền Nga khuyên có kể rằngtình thế hiện nay rất bất lợi cho chúng ta. Mạng lưới phản loạn của Cao Biền dường như đang cấy rất sâu vào trong Mẫu Phủ. Chúng ta cần hành động thận trọng, tránh để tay chân của Cao Biền bắt gặp...
Cả bọn chìm vào yên lặng sau câu nói của Ba Khắc. Ba Khắc vân vê lá thư trong tay, mãi một lúc lâu sau, mới nói tiếp:
- Huyền Nga cũng bảo rằng sự việc bây giờ ảnh hưởng đến tồn vong của cõi âm. Chúng ta phải tìm cách báo cho các vị Thánh Mẫu biết tin...rồi nhờ họ giúp tìm lại viên ngọc bảy màu
- Nhưng làm sao có thể báo tin được? Bây giờ trong Mẫu phủ chưa biết ai là bạn, ai là địch, chúng ta biết báo tin cho ai? – Minh hoang mang hỏi.
- Chỉ có cách gặp trực tiếp các vị Thánh Mẫu thôi. – Ba Khắc đáp.
Trần Phúc từ nãy đến giờ vẫn mải mê suy nghĩ mới lên tiếng:
- Gặp được các vị Thánh mẫu thì tốt nhưng việc này sợ rằng khó như lên trời...
Cả Minh và Ba Khắc đều nhìn Trần Phúc tỏ vẻ chờ đợi. Trần Phúc nhặt một hòn đá, ném tõm xuống nước, giải thích:
- Các vị Thánh Mẫu là những người đức cao vọng trọng.Những kẻ phàm phu tục tử như chúng ta đâu cứ nói muốn gặp là gặp được. Với lại, đền, miếu thờ các vị Thánh Mẫu tuy có ở khắp mọi nơi nhưng xưa nay họ đi mây về gió, chẳng bao giờ ngự tại đền miếu hoặc ở một chỗ cố định bao giờ. Thậm chí chúng ta còn chẳng biết là họ có đang ở trạng thái thần linh hay là đã chuyển thế giáng phàm...
- Chuyển thế giáng phàm là gì ? – Minh tò mò hỏi hỏi.
- Chuyện này em cũng nghe đồn thôi, cũng không chắc chắn lắm. Từ xưa nay vẫn có một câu chuyện lưu truyền trong cõi âm rằng các vị Thánh Mẫu có nguồn linh khí vô cùng vô tận, thọ ngang trời đất. Tuy nhiên, phàm những tâm hồn nào tồn tại quá lâu đều sẽ rơi vào cảnh già cỗi. Để ngăn chặn sự thoái hóa tinh thần và tâm hồn, cứ hai trăm năm, các vị Thánh Mẫu lại sẽ chuyển thể giáng phàm một lần. Vào lúc đó, họ sẽ nén toàn bộ trí nhớ và sức mạnh của mình vào và giáng vào một gia đình có công đức viên mãn. Họ sẽ sinh ra và lớn lên như một đứa trẻ bình thường mà chẳng có một chút ý thức nào về thân phận của mình cho đến khi tròn ba mươi tuổi. Nhờ thế mà tâm hồn của các vị Thánh Mẫu luôn tươi mới và hiểu thấu cõi nhân gian hơn.
- Ồ. Lại có chuyện như vậy à? Không ngờ đời sống của các vị Thánh Mẫu lại trúc trắc thú vị đến vậy. – Minh trầm trồ ngạc nhiên.
- Đúng thế. Tuy nhiên, trong ba mươi năm đầu cuộc đời khi giáng phàm, sức mạnh của các vị Thánh Mẫu suy yếu chỉ như một người bình thường. Vì vậy mà hành tung của họ được Mẫu Phủ giấu rất kỹ. Nếu không phải là người tin cẩn, sẽ chẳng bao giờ biết được họ đang ở đâu và đang làm gì. – Trần Phúc giảng giải.
Ba Khắc vừa nghe, vừa vần vò lá thư, lông mày chau lại:
- Thật ra, trong lá thư, Huyền Nga cũng nói rằng việc tìm các vị Thánh Mẫu rất khó. Nhưng nàng đã có chỉ cho anh một đầu mối mặc dù không thể xác thực việc đó chính xác được đến đâu. – Ba Khắc kể. - Cách đây một tháng, ở Phủ Tây Hồ thuộc đất kinh kỳ Hà Nội, có người nhìn thấy hồn Kim Ngưu dưới đáy hồ nổi lên trên mặt nước quỳ phục trước bàn thờ Liễu Hạnh Công Chúa. Liễu Hạnh Công chúa chính là một kiếp giáng phàm của Thánh Mẫu Thượng Thiên.Từ đó, nàng mới suy đoán Thánh Mẫu Thượng Thiên giáng lâm tại đó. Huyền Nga vẫn khuyên chúng ta đến đó thử dò la xem thế nào, biết đâu lại có cơ duyên được diện kiến người.
- Nếu Huyền Nga của anh đã khuyên như thế thì chúng ta cứ thử xem sao. – Trần Phúc khuyên.
- Đúng đấy. Từ bé đến giờ, em chưa được đất kinh kỳ bao giờ. Bây giờ ở trạng thái linh hồn mà đến đó chơi một chuyến, vừa tiện vãn cảnh lại vừa tiện thăm thú thế giới âm hồn nơi đó, vậy là tiện một công đôi việc. – Minh hỉ hả.
- Hà Nội à... Hà Nội à... - Ba Khắc ngân nga đầy xúc cảm - Một trăm năm trước, ta đã từng đến đó. Vùng đất dị hợm của những khối nhà kín mít và sự tương phản giữa những tên người nước ngoài mắt xanh mũi lõ, xì xà xì xồ với những người dân bản địa lem luốc, đói khổ. Bây giờ không biết cùng đất đó ra sao rồi.
Thế là ba đứa quyết định cùng xuôi xuống Hà Nội để tìm manh mối về Thánh Mẫu Thượng Thiên. Họ men theo những dòng sông hùng vĩ, xuôi theo vùng đồi núi trung du, chạm xuống vùng đồng bằng phì nhiêu rồi đến Hà Nội sau khoảng bảy, tám đêm đi đường.
Thăng Long - Hà Nội là trung tâm của đồng bằng sông Hồng, nằm ở vị trí đắc địa của phong thủy, tọa trấn trên vị trí huyệt mạch vượng nhất của khu vực miền Bắc Việt Nam. Hai bên của Hà Nội là hai dãy núi Tam Đảo và Ba Vì tựa như hai con hổ gồng lưng, tạo thành đôi tay ngai vững chắc.Trước mặt Hà Nội là dòng sông Hồng uốn khúc như một con rồng cuộn mình trên một nền đất cao rộng và sáng sủa. Trong bức tranh phong thủy tổng thể đó, Hồ Tây trũng sâu, rộng mênh mông là một cái rốn tụ khí, tham lam hút hết linh khí của thiên địa vào trong đó.
Trớ trêu thay, kẻ đầu tiên cảm nhận được vượng khí của đất Thăng Long – Hà Nội và khai phá, bồi đắp nókhông ai khác lại chính là Cao Biền, kẻ thù của Mẫu Phủ hiện nay. Khi còn sống, y vừa là một viên tướng dưới thời Đường, có công đánh dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân,vừa là một thuật sĩ tinh thông về thuật phong thủy. Khi được vua Đường cử xuống đất Giao Chỉ, tức miền bắc Việt thời bấy giờ, y nhận thấy vùng đất hoang dã nằm giữa hồ Kim Ngưu, tên gọi của Hồ Tây thời xưa, và sông Tô Lịch tỏa ra vượng khí ngút trời nên đã sai người đắp thành Đại La men theo bờ sông Tô Lịch.
Tương truyền, long mạch của thành Đại La khi đó quá vượng nên việc xây thành gặp nhiều trắc trở, xây đi xây lại nhiều lần mà vẫn liên tục sụt lún. Cao Biền đã tìm mọi cách để trấn yểm trên dòng sông Tô Lịch, chặn long mạch của thành Đại La. Để thực hiện mục đích đó, y có nuôi một trăm âm binh bằng cách nhờ một bà hàng nước mỗi ngày thắp một nén hương trên một cây đa cổ thụ để gọi dậy một âm binh. Nếu thắp đủ một trăm nén hương trong vòng một trăm ngày sẽ gọi dậy đủ một trăm âm binh. Nhưng bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền bằng cách thắp cả một lượt 100 nén hương trong vòng một ngày. Kết quả là âm binh của Cao Biền đã dậy đủ 100 nhưng vì không đủ ngày, dậy non nên không có tác dụng. Thế nên dân gian ta từ xưa mới có câu "lẩy bẩy như Cao Biền dậy non". Tuy vậy, sau đó, vì tinh thông nhiều dị thuật nên Cao Biền vẫn thực hiện được việc trấn yểm được thành Đại La, khiến dòng sông Tô Lịch từ một nhánh sông rất vượng, thành một dòng sông chứa ẩn chứa đục khí.
Lại có chuyện Cao Biền muốn diệt thần núi Tản Viên, vốn là một trong Tứ bất tử của đất Giao Chỉ bấy giờ. Để có thể diệt được thần, Cao Biền dùng mẹo giả lập đàn cúng tế, lừa thần hiện lên rồi dùng kiếm báu chém thần. Ai ngờ, ngày hôm đó, khi thần núi Tản Viên hiện lên trước mặt Cao Biền, y liên tục dùng kiếm báu chém vào thần nhưng thần vẫn chẳng suy chuyển gì, còn thanh kiếm lại bị gãy làm đôi. Cuối cùng, thần núi Tản Viên nhổ một bãi nước bọt vào Cao Biền và chẳng thèm động tay đến hắn mà bỏ đi. Sau lần đó, Cao Biền sinh ra uất ức đến nỗi sinh bệnh, rồi một thời gian sau phải xin về nước dưỡng bệnh. Từ đấy, sự nghiệp của Cao Biền ngày một xuống dốc, không lâu sau thì chết tức tưởi trong lao ngục. Vì vậy, Cao Biền cực kỳ uất hận đối với đất nước Nam. Sau khi hóa thành âm hồn, nhờ giỏi dị thuật nên hắn nhanh chóng tu luyện thành thần và đến ngày nay vẫn tìm mọi cách để phá hoại nước Nam một lần nữa.
Lại nói về thành Đại La, mặc dù sông Tô Lịch bị trấn yểm nhưng chủ mạch của vùng đất là Hồ Kim Ngưu thì chưa bị ảnh hưởng nhiều nên vượng khí chẳng hao hụt là bao. Sau thời của Cao Biền chừng độ một trăm năm, vào một ngày nọ, có một chàng trai ngao du sơn thủy, có đi qua Hồ Kim Ngưu trong một buổi sáng mùa hạ. Gặp lúc sáng sớm, sương mù trắng tựa như mây khói bao phủ mặt hồ. Chàng thấy phong cảnh đẹp nên lưu luyến, nằm nghỉ bên một gốc cây cổ thụ rủ bóng xuống làn nước trong veo. Đang nằm nghỉ, chàng bỗng thấy có tám chú tiểu đồng đầu để chỏm trái đào bay là là trên những lá sen nơi mặt nước. Thấy chàng, chúng liền sà đến, chìa tay mời chàng ăn những hạt sen mà chúng thu lượm được. Rồi chúng nâng chàng lên, đưa chàng phiêu du theo làn sương khói mong manh, lướt trên đầu những con sóng khẽ dao động trên mặt hồ. Chàng trai nọ mải mê vui đùa với lũ trẻ và ra đến giữa hồ tự bao giờ. Đột nhiên, mặt hồ rung chuyển ầm ầm, sóng dữ từ đâu vỗ ào ạt. Một tiếng thét long trời nở đất vang lên như muốn phá tan màng nhĩ. Cùng với đó, một luồng khí màu trắng từ phía dưới hồ phun thẳng lên trời xanh giống như một con bạch long xé toang bầu trời xanh.
Giật mình, chàng trai choàng tỉnh dậy mới biết mình đang mơ. Chàng đưa tay lên lau mặt thì phát hiện trong bàn tay mình vẫn đang cầm một nhúm hạt sen. Ngỡ ngàng, chàng ngoảnh ra ngoài hồ thì thấy sóng nước cuồn cuộn vỗ vào bờ như bị chấn động ở phía xa ép đến. Phía trên trời, mây trắng xếp thành một dải hệt như một con rồng đang thong dong bay về phía xa. Thấy sự lạ, chàng trai toát mồ hôi, liền quỳ xuống vái lạy trời xanh. Chàng trai đó tên họ đầy đủ là Lý Công Uẩn, sau chính là người lập lên nhà Lý. Khi mới lên ngôi, vua Lý Công Uẩn nhận thấy vùng đất kinh thành Hoa Lưu quá chật hẹp, chẳng thể nâng đỡ được hoài bão của mình. Nhớ đến giấc mơ thời trai trẻ, nhà vua quyết định dời đô về vùng đất Đại La nằm bên hồ Kim Ngưu để hoàn thành đại nghiệp của mình. Nhà vua đổi tên thành Đại La thành Thăng Long, đổi tên hồ Kim Ngưu thành hồ Dâm Đàm có nhĩa là mặt hồ mù sương. Từ đó, nhà Lý định cơ nghiệp hơn hai trăm năm ở thành Thăng Long, chấm dứt chuỗi ngày tháng mún manh sớm nở tối tàn của các triều đại trước đó và mở ra một chuỗi huy hoàng của nước Đại Việt.
Trong hơn một nghìn năm đã qua, thành Thăng Long và hồ Dâm Đàm xưa đã trải qua bao lần vinh quang chói lọi của thời cuộc, nhưng cũng phải hứng chịu bao nắng mưa thăng trầm. Có những lúc tưởng như thành Thăng Long đã rơi vào lãng quên, bị đổi tên thành Hà Nội để giảm vị thế. Nhưng linh khí dồi dào liên tục hun đúc vẫn khiến Thăng Long – Hà Nội vượt lên trên mọi thử thách, trở thành thủ đô của nước Việt thời hiện đại.
Minh cùng với hai anh Ba Khắc và Trần Phúc đang ngồi trên môt ngọn núi ở phía Bắc của thành phố Hà Nội trong một đêm trời quang, gió hanh hanh thổi. Từ đây nhìn về phía nam có thể thấy những khu dân cư đông đúc, đèn điện sáng choang, xen kẽ là các khu công nghiệp với những nhà máy vẫn không ngừng thở ra khói vào lúc đêm muộn. Xa hơn nữa là dòng sông Hồng như một toa tàu dài dằng dặc lững lờ, thầm lặng chở phù sa đỏ vàng xuống miền hạ lưu. Cây cầu Nhật Tân vắt ngang qua sông như một con tôm nhảy khổng lồ với những cái gai là những bóng đèn cao áp đang tỏa ánh sáng gắt. Dưới chân cầu ở phía bên kia chính là Hồ Tây linh thiêng. Mặc dù đang là buổi đêm nhưng mặt hồ vẫn phản chiếu ánh sáng lung linh của dải đèn đường viền quanh. Ở trên tầng không cách mặt hồ khoảng hai, ba chục mét, Minh có thể nhìn thấy lờ mờ những dòng khí lưu đang cuồn cuộn chuyển động. Quả đúng như những gì Minh đã được Trần Phúc giảng giải, Hồ Tây đúng là một cái phễu hút linh khí khổng lồ và điên cuồng. Linh khí từ tứ phía trong cõi trời đất liên tục bị hút về xuống mặt hồ rồi biến mất không có dấu vết. Có lẽ chỉ những linh hồn mới đủ mẫn cảm để cảm thấy được những luồng linh khí khổng lồ như thế, còn với những người sống, do bị hạn chế bởi thể xác, đó chỉ đơn thuần là một khoảng không vắng lặng mà thôi.
- Những luồng linh khí bị hút xuống sẽ đi đâu hả anh? – Minh hỏi.
- Anh cũng không chắc chắn lắm, nhưng anh đoán một phần luồng linh khí sẽ được chuyển xuống cho thành thị của các âm hồn trong lòng đất phía dưới mặt hồ, một phần sẽ phun ngược trở ra vào ban ngày tạo thành các cột linh khí có áp lực cực lớn. – Trần Phúc trả lời
- Oa. Oa. Ở dưới mặt hồ có cả một thành thị của âm hồn cơ á? Nó to thế nào?
- Không to nhưng mà em đi mười ngày cũng không hết. – Ba Khắc xen vào
- Thật á? Sao lại như thế được, Hồ Tây chỉ rộng có thế kia thôi mà.
- Đừng kích động thế chứ. Sau khi đi vào Phủ Mẫu Liễu Hạnh, nếu có dịp, anh sẽ dẫn em đi vào thành đó cho biết. – Trần Phúc cười bí hiểm.
- Đúng thế. Nơi đó được gọi là thành Long Ẩn. Ngày xưa, anh đã từng đi lạc trong đó, mãi mới tìm thấy đường ra đó. So với nó, thành Bạch Tượng Thăng Thiên mà em từng thấy chẳng đáng để so sánh – Ba Khắc ở bên cạnh hoài niệm nói.
Sau đó, cả hai người anh đều giả vờ tảng lờ, không nói gì nữa, mặc cho Minh chìm sâu trong sự tò mò, muốn hỏi bao nhiêu thứ mà chẳng được. Chịu thua, cậu lại đung đưa chân, hai tay chống cằm nhìn chăm chú về phía Hồ Tây xa xa. Chợt, cậu lại nhìn thấy một thứ gì đó.
- Ủa. Ba điểm sáng phía bên kia là gì. Hình như chúng tạo thành những bức tường?
Vừa nói, Minh vừa chỉ tay về phía xa xa nơi có những điểm sáng nồng đậm linh khí lấp lánh tỏa lên từ mặt đất. Linh khí từ những điểm này quy tụ đậm đặc thành những cây cột linh khí chọc thằng lên bầu trời. Một cột nằm ngay sát mặt hồ, một cột còn lại ở phía đông, một cột ở phía nam. Giữa những cột sáng đó là những bức tường bằng linh khí mỏng manh, nếu không chú ý phát hiện thì sẽ không nhận ra được.
- Mấy điểm sáng đó hả? Đó không phải là ba, mà thực ra là có bốn điểm sáng. Một điểm nữa ở phía tây, xa hơn, chắc em không nhìn thấy được – Ba Khắc trả lời Minh.
- Đúng rồi. Phải có bốn mới là đúng. – Trần Phúc cũng nheo mắt nhìn.
- Thế nó là cái gì ạ?– Minh thực sự đang rất khó chịu vì hai người anh đang có vẻ trêu chọc cậu, không trả lời vào điểm chính.
Trần Phúc nhìn bộ dạng nhấp nhổm không yên của Minh, cười cười, cuối cùng cũng giải thích:
- Bốn điểm sáng với nồng độ linh khí cực kỳ nồng đậm đó chính là Thăng Long Tứ Trấn.
- Thăng Long Tứ trấn? - Minh gãi gãi đầu. Cậu thấy từ này quen quen, dường như đã đọc ở đâu rồi nhưng không còn nhớ nữa.
- Thăng Long Tứ Trấn là bốn ngôi đền thiêng, trấn trạch ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long. Bốn ngôi đền đó lần lượt là đền Bạch Mã ở hướng đông, đền Thủ Lệ ở hướng tây, đền Kim Liên ở hướng Nam và đền Quán Thánh ở hướng Bắc. Bốn ngôi đền này được xây trên các huyệt đại cát của thành Thăng Long nên linh khí cực thịnh. Mỗi ngôi đền đều có một âm hồn cực mạnh trấn chủ. Trong số đó, mạnh nhất và kiêu hùng nhất là thần Long Đỗ, tọa trấn tại đền Bạch Mã, người vốn được xưng tụng là Thành hoàng của kinh thành Thăng Long – Hà Nội, bảo hộ cho người dân chốn kinh kỳ được an cư lạc nghiệp. Chính thần Long Đỗ đã hao tổn biết bao tâm huyết để ngưng kết linh khí tỏa ra từ bốn ngôi đền tạo thành bốn cây cột linh khí lớn như em vừa nhìn thấy, rồi từ đó kéo thành các bức từng linh khí mỏng manh nhưng chắc chắn. Bức tường đó bao trùm lấy phần đất của nội thành Thăng Long xưa, tạo thành một chiếc áo phòng thủ khổng lồ. – Trần Phúc kể.
- Nhưng mà ông ta dựng bức tường linh khí đó lên để làm gì? – Minh thắc mắc.
- Thành Thăng Long là nơi đầu não của cả nước, nơi có các yếu nhân sinh sống, hơn nữa, mật độ dân cư nơi này cũng khổng lồ. Việc bảo vệ những người sống, tránh bị các âm hồn quấy nhiễu là cực kỳ quan trọng. Bức tường này được dựng lên sẽ ngăn chặn được các âm hồn, tà ma xâm nhập được vào thành trong thành, nhờ đó, giữ cho nội thành được bình yên. Tỷ dụ như ba anh emchúng ta, thì chỉ có em và anh Ba Khắc mới có thể tự do tự tại đi qua được bức tường đó bởi vì hai người đều còn sống, tràn ngập sinh khí. Còn như bản thân anh, là một âm hồn, sinh khí cạn kiệt, chỉ có âm khí là chủ đạo, thì sẽ bị bức tường ngăn lại. Nếu như không được phép của bốn âm hồn trấn chủ thì anh không tài nào vào bên trong được. – Trần Phúc giải thích.
- Thật ra bản thân anh cũng đã từng bị bức tường đó chặn lại - Ba Khắc kể –Lần đầu tiên khi đến Hà Nội, anh không hề biết về sự ảo diệu của bức tường linh khí đó. Lúc đó, anh đang biến hóa ở hình người, khi đi đến bức tường thì bị nó đẩy ngược bắn ra xa trăm mét. Anh thử thêm mấy lần nữa cũng đều bị như thế, cuối cùng mình mẩy xây xát đành thôi. Tuy vậy, anh vẫn cứ luẩn quẩn bên ngoài thành, cẩn thận quan sát, suy nghĩ, về sau mới phát hiện ra rằng bức tường đó như có linh trí, có thể nhận biết được người nào đang dùng tà thuật. Bản thân anh khi đi vào cũng đang là dùng thuật biến hình nên nó mới đẩy ra. Biết được như vậy, anh liền chọn một chỗ ít người qua lại vào lúc nửa đêm, trở lại hình dáng hồ ly nguyên thủy của mình mới trót lọt đi qua được bức tường linh khí đó. Khi đi qua bức tường được một quãng xa, anh mới biến thành hình người.
- Ồ. – Cả Minh và Trần Phúc đều thấy câu chuyện thú vị.
- Tuy vậy, sự việc đó vẫn không qua được mắt của các âm hồn trấn chủ. – Ba Khắc kể tiếp. Mấy hôm sau, khi anh đang nằm nghỉ trong một khách sạn do bọn người tây xây dựng, thì có một người xuyên không bước vào trong phòng. Đó là một người thanh niên dáng gầy dong dỏng, da trắng, môi đỏ, lông mày cong và đen nhánh, mình mặc áo the, đầu đội khăn xếp. Người đó hóa ra là thần Long Đỗ. Từ xưa đến nay, người đời vốn luôn có tiếng xấu đối với loài hồ ly chúng ta. Thần Long Đỗ cũng sợ ta đến đất kinh kỳ làm loạn nên phải đến để tra hỏi. Về sau, thấy ta thật thà và chỉ muốn rong chơi ở đấy ít bữa cho thỏa trí tò mò nên ngài mới tha cho. Ngài có vẻ rất kiệm lời, sau khi nói chuyện xong thì chẳng để ta có thêm lời nào nữa mà điềm nhiên xuyên không, biến mất luôn.
- Ngầu dễ sợ - Minh nói – Nếu ông ấy khó tính như thế thì lần này anh em chúng ta không được vào trong nội thành chơi rồi. Tiếc quá.
- Thôi đừng có tiếc nữa. Dù sao thì nội thành thị phi, náo nhiệt ấy là chốn chỉ dành riêng cho người sống. Sau này khi trở lại thân xác, em đến chơi sau cũng được mà, tiện thể đi qua mấy ngôi đền thuộc Thăng Long tứ trấn vãn cảnh, thắp hương luôn. – Trần Phúc an ủi. – Mà anh em chúng ta nghỉ chân chuyện phiếm như vậy cũng đủ rồi, đi về phủ Mẫu Liễu Hạnh thôi kẻo sắp đến nửa đêm rồi.
Thế là ba anh em tiếp tục đi về phía nội thành Hà Nội. Bây giờ mới khoảng chín, mười giờ tối nên phố xá đang còn rất đông vui, người người đi lại tấp nập. Để tiết kiệm thời gian, theo đề nghị của Minh, cậu và Trần Phúc ngang nhiên trèo lên nóc một cái xe bus đi về phía nội thành. Còn Ba Khắc thì trả tiền và ngồi trên xe như một hành khách bình thường trên xe bus. Minhngồi trên nóc, ngắm phố xá, để mặc cho gió mùa đông vuốt ve linh hồn mình. Đi được một chặng, cậu và Trần Phúc mới giật mình vì gặp ba âm hồn khác cũng leo lên trên nóc xe bus để di chuyển giống bọn cậu. Ba âm hồn kia thấy Minh và Trần Phúc đều đã kết hồn hạch thì không khỏi kinh sợ, dạt hết về một phía. Hỏi ra mới biết ở khu vực gần long mạch này, số lượng âm hồn tụ tập về rất nhiều. Để tiện cho việc di chuyển, chúng đều ngồi trên nóc những chiếc xe bus công cộng như thế này. Chiếc xe bus mà Minh và Trần Phúc càng đi vào gần Hồ Tây thì số lượng âm hồn "quá giang" cũng ngày một đông thêm. Thậm chí ở trên nóc một chiếc xe bus mà Minh nhìn thấy lúc gần vào nội thành phải có đến sáu, bảy chục âm hồn ngồi chen chúc nhau, lúc nhúc như một đàn côn trùng đang di cư. Một lúc sau, xe bus đi qua cầu Nhật Tân, ba anh em Minh xuống đổi sang một chiếc xe khác có lịch trình đi qua đường đê Âu Cơ. Xe bus đi thêm một đoạn nữa đến Quảng An thì ba anh em Minh chuyển sang đi bộ về Phủ Tây Hồ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro