Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 07 : THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

Sau một đêm dài đằng đẵng, rốt cuộc Minh và Trần Phúc cũng đến được rìa chân núi Yên Tử. Non thiêng Yên Tử là trung tâm phật giáo từ xa xưa của nước Đại Việt cổ. Xưa kia, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành đắc đạo và sáng tạo ra trường phái thiền Trúc Lâm kết tinh những bản sắc tinh hoa của văn hóa Việt. Trải qua bao mài mòn của thời gian, bao phong ba bão táp của thời cuộc, đỉnh Yên Tử vẫn sừng sững, vươn cao chọc thẳng lên trời, tỏa ánh sáng đại trí đại tuệ của phật học trùm cõi Việt Nam

Nơi mà Minh và Trần Phúc đang đứng vẫn chỉ là phần rìa của khu vực Yên Tử. Từ nơi đây, Minh có thể cảm nhận thấy rừng núi trải dài phía xa, rộng ngút ngàn tầm mắt. Những ngọn núi im lìm hệt như những ông già khổng lồ ôm bầu rượu nằm ngả trên đất, ngủ say giấc thái bình. Ở phái xa xa, đỉnh Yên Tử cao chót vót như một cái tai mèo chạm đến bầu trời đầy sao.

Khu vực rừng Yên Tử dù đã được khai phá bởi con người nhưng phần lớn vẫn là rừng nguyên sinh. Trong đêm thanh vắng, gió đưa hương rừng lan tỏa xuôi theo các triền núi, cuốn theo mùi hoa cỏ ngậm sương thơm dìu dịu. Đứng giữa rừng xanh, Minh nghển cao cổ, dang tay ra như đôi cánh diều để hít ngửi căng lồng ngực mình hương thơm của cỏ cây hoa lá và cảm nhận những cơn gió mát trong lành của núi rừng vuốt ve linh hồn mình. Minh đã đi Yên Tử nhiều lần nhưng chưa bao giờ đến vào ban đêm để cảm thấy núi rừng đẹp và trong trẻo đến thế. Ở trạng thái linh hồn, thoát đi xác phàm nặng nề, Minh trở lên mẫn cảm hơn với các trường năng lượng trong trời đất. Từ xa, cậu có thể cảm nhận thấy đỉnh núi Yên Tử cao vời vợi kia tỏa ra luồng phật quang sáng nhè nhẹ, dìu dịu.

Trần Phúc cũng có một cảm giác vi diệu và cảm khái không kém. Xưa kia, chàng đã được nghe bố mẹ kể về một tháng tu hành trên đỉnh Yên Tử, sau đó không lâu thì hoài thai ra chàng. Vì vậy, trong thâm tâm, Trần Phúc luôn coi Yên Tử giống như cội nguồn, nơi mình phát tích ra. Thậm chí, đôi khi tu thiền rơi vào trạng thái vong ngã, chàng còn lờ mờ cảm nhận được dường như kiếp trước của mình là một nhà sư tu hành trên Yên Tử, cảm mến chân tình của cha mẹ cậu mà đầu thai vào. Trong hai trăm năm tuổi hồn của mình, Trần Phúc thường xuyên ghé thăm Yên Tử để học hỏi cao nhân. Lần nào ở nơi đất phật này, chàng cũng đều cảm thấy thư thái từ tận trong tâm, việc tu hành nhờ thế mà thăng tiến hơn không ít.

Khi Minh và Trần Phúc đến được bìa rừng thì trời cũng gần sáng, mặt trời tuy chưa lên nhưng ánh sáng đã len lỏi khắp các tán cây. Ánh sáng mờ mờ của buổi sáng sớm tan trong sương mù giăng vấn vít khắp núi rừng làm cho không gian chìm trong một màn mờ ảo hệt như chốn bồng lai cảnh trời.

Trần Phúc dẫn Minh đến một ngôi mộ nhỏ ốp bằng gạch rêu xanh rì nằm lẻ loi dưới những tán cây hoang vu bên cạnh đường. Chàngxuống ngựa, gõ gõ chân xuống nền đất bên cạnh ngôi mộ, giọng cung kính:

- Kính thỉnh Thượng Tọa Quảng Chân.

Tức thì, một làn khói từ ngôi mộ bốc lên, dần dần ngưng kết thành một ông già khổ hạnh, khoác một chiếc áo cà sa giấy màu xám. Tay ông ta cầm hờ hững một tràng hạt nhỏ. Khuôn mặt vị thượng tọa trông khá khắc khổ, hai má lõm sâu, đôi lưỡng quyền sắc và lạnh như được đúc bằng thép. Tuy vậy, đôi mắt ông rất hiền lành, dễ gần. Minh để ý thấy từ bụng ông già tỏa ra ánh sáng màu đỏ dìu dịu của viên hồn hạch. Yên Tử thật là đất ngọa hổ tàng long, chỉ một nhà sư trấn cổng mà đã có năng lực đến vậy.

- Chào Thượng tọa. – Trần Phúc vái chào.

- Cháu chào thầy – Minh cũng vái chào.

- Chào Đức ông, chào cậu. Cũng phải đến gần mấy chục năm rồi, Đức ông mới lại đến thăm lão già này. – Quảng Chân thượng tọa từ tốn trả lời. Ông ta mặc dù nhiều tuổi hơn nhưng đẳng cấp lại không bằng Trần Phúc nên giữ thái độ rất cung kính. – Trời cũng sắp sáng rồi, mời hai người vào trong này gian tệ xá của bần tăng nghỉ chân rồi thư thả nói chuyện.

Trần Phúc đồng ý, nắm lấy vai áo Minh hóa thành một làn hơi, chui vào trong ngôi mộ của Thượng tọa Quảng Chân. Minh cứ tưởng mình sẽ chui vào một cái quan tài hay một cái tiểu chật chội, tối tăm nào đó dưới mộ, ai ngờ bên trong ngôi mộ là một không gian giống một căn phòng hết sức rộng rãi, bốn bềđược ốp gỗ màu nâu trầm. Đồ đạc trong phòng vô vùng đơn giản, chỉ có một chiếc bàn đựng kinh sách, một chiếc bồ đoàn và vài bộ quần áp giấy được gấp gọn gàng nơi góc phòng. Thượng tọa mời Trần Phúc và Minh ngồi xuống, lấy bộ ấm trà màu nâu tràm ra, rót mời hai người.

- Chắc lần này thí chủ đến không phải để dạo chơi như những lần trước. Ta thấy đan điền của thí chủ ảm đạm, hồn hạch không tỏa ánh sáng. Đến cảtiểu thí chủ đây, vốn là linh hồn một người sống, lại tùy tiện đi lạc trong cõi u linh đầy nguy hiểm. Không biết bần tăng có giúp được hai thí chủ không? – vị sư già bắt đầu luôn câu chuyện.

- Chẳng dám giấu gì thượng tọa. Ta quả thực có chuyện.

Trần Phúc chẳng chút giấu diếm đem hết tai họa của mình và Minh ra nói với Thượng tọa Quảng Chân. Ông ta lắng nghe chăm chú giống như một người bạn tâm giao.

- Vậy là thí chủ muốn gặp Phổ Tuệ đại sư.?

- Đúng vậy. Phổ Tuệ đại sư bác đại tinh thâm, đã đạt đến hạch hồn màu trắng sữa. Hy vọng người có thể giúp ta hóa giải kiếp nạn này.

Thượng tọa Quảng Chân nghe vậy chẳng nói, chẳng rằng, đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, tay lần tràng hạt, có vẻ lo âu. Thấy Thượng tọa tâm tính không yên, Trần Phúc gặng hỏi:

- Xin hỏi Thượng tọa có điều chi trăn trở?

Vị Thượng tọa khi đó mới thở ngắn, thở dài mà đáp rằng:

- Chẳng dám dấu gì Đức ông, Phổ Tuệ đại sư hiện đang bế quan dưỡng thương, nếu không có chuyện nguy cấp thì chắc chắn sẽ không xuất hiện. Người đã bế quan gần sáu mươi năm rồi. Kể cả những người thân tín cũng không hề biết đại sư đang bế quan ở đâu. Đức ông phen này sợ rằng không có cơ duyên để gặp được đại sư rồi.

- Sao lại có chuyện đó, ba mươi năm trước ta cũng đến đây mà nào có biết về việc này?

- Đó là chuyện quan trọng của bổn chùa, nếu không phải tình thế cấp thiết thì không nói ra. Lần này Đức ông đến đây trong tình thế nguy hiểm đến tính mạng, nếu bần tăng lại giấu giếm thì thật không phải. Chuyện là như thế này...

.... Cách đây sáu mươi năm, hòa thượng Phổ Tuệ khi đó đang là người chủ trì âm phần của thiền phái Trúc Lâm tại núi Yên Tử. Mặc dù thanh tu chốn cửa phật nhưng người vẫn đau đáu dõi theo cuộc kháng chiến của người Việt chống lại người Pháp xâm lược. Từ xưa đến nay, cõi âm đã có cái lệ là người âm không được phép can thiệp quá nhiều vào việc của người dương thế. Nếu các âm hồn ngang nhiên can thiệp quá sâu, dẫn đến thay đổi thời cuộc thì tự nhiên sẽ có sấm sét giáng xuống thiêu đốt những âm hồn đó tan thành khói bụi, vĩnh viễn không thể siêu sinh. Hòa thượng Phổ Tuệ vì quá đau đáu trước vận mệnh của nước nhà, nên quyết tâm mày mò kinh sách, cuối cùng học được một phép cổ. Người bàn bạc với đồng sự, rồi quyết địnhhiến tế bốn mươi chín âm hồn để đổi lại một cơ hộicho âm hồn tăng chúng Trúc Lâm có thể thoát khỏi trói buộc của tự nhiên, tự do hành động trong bốn mươi chín tháng. Cũng nên biết rằng bốn mươi chín âm hồn hy sinh đó đều là tự nguyện bởi bản thân họ đã từng bị giày xéo mà chết dưới gót giày của thực dân. Tuy vậy, chuyện này nói ra không khỏi có chút cực đoan, nên Hòa thượng Phổ Tuệ đã ban lệnh cấm những kẻ biết chuyệnkhông được lan truyền ra ngoài.

Chọn ngày lành tháng tốt, Hòa Thượng Phổ Tuệ dẫn theo tám mươi lăm âm hồn tăng chúng xuống núi Yên Tử. Tăng chúng Trúc Lâm chiến đấu chống Pháp bằng rất nhiều cách. Họ dùng sức mạnh tâm linh quấy nhiễu tâm tư của lính Pháp, lúc thì thu thập thông tin địch rồi khéo léo báo cho quân cách mạng, khi thì bí mật cải tạo địa hình và thời tiết thời theo hướng thuận lợi cho phe ta...Những việc làm của tăng chúng đều được thực hiện rất cẩn mật, kín đáo, lại được ngụy trang vô cùng tỷ mỷ nên chẳng ai kể cả những âm hồn tinh tường khác trong cõi âm có thể đoán được. Những việc làm tưởng như nho nhỏ đó quả thật đã góp công lớn trong việc thay đổi cục diện chiến trường, vũ động quân ta, gò ép quân địch.

Mỗi khi đi qua một bãi chiến trường, Trúc Lâm phái còn giáo hóa và khuyên răn hồn ma những người chết trận, tụng kinh tẩy sạch oán khí của họ tránh để oán khí tích tụ quá sâu, dễ sinh ra quỷ. Bản thân Thượng tọa Quảng Chân cũng là một trong tám mươi lăm tăng ni đi theo phò tá Hòa thượng Phổ Tuệ trong chiến dịch chống Pháp. Đó thực sự là những ngày tháng huy hoàng, nồng nhiệt trong những năm tháng tuổi hồn dài đằng đẵng trong bóng đêm của ông.

Thế nhưng, trong thời gian kháng chiến trường kỳ,Trúc Lâm phái cũng gặp không ít sự kỳ dị. Có lần, họ đến một vùng vừa diễn ra chiến sự ác liệt mà xung quanh không hề có một hồn ma nào. Có lần, giữa lúc buổi tối, trời trong đầy sao thì bỗng nhiên có sét đánh dữ dội vào một vùng đất cách họ chừng ba bốn cây số, về saukhi họ tìm đến thì chỉ thấy một vùng đất đen sì, cây cối bốc cháy dữ dội mà chẳng tìm ra nguyên nhân.

Trong đoàn tăng chúng, Hòa thượng Phổ Tuệ vừa có trí tuệ thông thiên, lại vừa có trực giác mẫn cảm. Người nghi ngờ chính trong đoàn quân của mình có kẻ làm điều khuất tất nên thầm lặng giám sát sát sao. Cây kim trong bọc rồi cũng có lúc phải lộ ra. Vào một đêm tháng năm trời trở bão, Hòa thượng Phổ tuệ phát hiện ramột nhà sưlén lút rời khỏi đoàn, liền bí mật theo dõi. Nhà sư tìm đến một nơi vừa xảy ra chiến sự rồi bày trận, nhốt các âm hồn các tử sĩ vào trong. Sau đó, y lấy ra một loại bảo bối đặc biệt để luyện hóa các âm hồn đó để tạo thành âm khí thuần túy, dùng để bồi bổ, nâng cao sức mạnh.

Hòa thượng Phổ Tuệ không khỏi sững sờ. Nhà sư kia chính là Thượng tọa Huyền Không, vốn là phó tướng, chuyên bày mưu tính kế dưới trướng Phổ Tuệ. Y vốn là người túc trí đa mưu, lại cực kỳ năng nổ, không nề hà khó khăn nên được Phổ Tuệ rất tin dùng. Điều kỳ dị nhất là, hồn hạch của Huyền Không bình thường vốn là màu vàng kim, nay lại hiện ra màu trắng sữa, kích thước cũng to hơn đáng kể. Qua đó mới thấy khả năng che dấu cũng như ẩn nhẫn của Huyền Không thật đáng sợ. Mục đích của y là muốn lợi dụng chiến sự ác liệt, cắn nuốt vô vàn âm hồn các tử sĩ để đi con đường tắt nâng cao năng lực.Cách mà y đanglàm chẳng khác những kẻ "ăn tanh" là mấy. Con đường chờ y trước mắt chính là đọa lạc, trở thành các quỷ hồn, gieo rắc mối họa cho nhân gian.

Phổ Tuệ khi đó giận sôi người, liền lao ra, cách không đánh một chưởng về phía Huyền Không. Phổ Tuệ vốn là hạch hồn đỉnh cao, một chưởng đánh ra mưa gió phải ngừng, thiên địa rung động. Huyền Không vốn đang chú ý bày trận, không thể tránh khỏi, bị chưởng của Phổ Tuệ đánh trọng thương, hạch hồn chấn động, có dấu hiệu rạn nứt. Hồn hắn bay xa đến tận hơn một cây số mới dừng lại được. Phổ Tuệ đuổi theo sát, định một chưởng nữa chấn cho âm hồn Huyền Không tan nát. Nhưng người không tài nào xuống tay được vì Huyền Không đã nhanh chóng quỳ xuống xin tha mạng. Y liên tục kể lể rằng bản thân y khi xuống núi cũng rất trong sáng nhưng vì xông pha trong những vùng oán khí nặng nề, tâm tính không kiên định khiến cho âm hồn đã bị nhiễm bẩn, từ đó mới sinh ra tham lam, muốn cắn nuốt các âm hồn khác để thỏa mãn dục vọng của mình. Hắn dập đầu cầu xin Phổ Tuệ cho hắn một cơ hội được về chùa tu lại từ đầu, gột rửa hết tạp niệm rồi sẽ tiến nhập luân hồi để lưu giữ phúc đức cho kiếp sau. Phổ Tuệ thấy kẻ thân tín của mình đã có lòng hối cải thì không khỏi động lòng thương xót, bàn tay đã nâng lên lại hạ xuống. Người liền bắt y về.

Trên đường về, hai hồn bắt gặp một chiến sĩ cách mạng đang bị thương nằm dọc đường. Phổ Tuệ thấy người bị thương thì quên hết mọi chuyện liền sà đến tìm cách cứu chữa, tăng thêm cơ hội sống sót cho chiến sĩ đó. Ai ngờ trong lúc ngài làm phép, Huyền Không đã lén lút vận phép, từ đằng sau, đâm kiếm xuyên vào hồn hạch của ngài rồi chốn đi mất. Mặc dù nhát đâm của Huyền Không mới chỉ mới xiên một chút vào viên hồn hạch, nhưng hắn vốn là quỷ hồn, khi đâm đã khéo léo dùng tạp khí truyền vào, khiến cho hồn hạch của Hòa thượng Phổ Tuệ nhanh chóng bị nhiễm bẩn. Ngài ngã khụy xuống, nhanh chóng điều tức để ngăn chặn tạp niệm xâm nhập. Ngài ngồi điều tức ba ngày ba đêm mới tạm thời cầm cự được đôi chút. Khi ngài mở mắt ra thì đã thấy chúng tăng ngồi vây quanh, đang chăm chú theo dõi ngài.

Hòa thượng Phổ Tuệ liền kể lại hết sự tình, đồng thời ra lệnh cho chúng tăng về lại Yên Tử, tránh để đêm dài lại có kẻ bị nhiễm tạp niệm giống như Huyền Không. Về đến Yên Tử, tình trạng của hòa thượng Phổ Tuệ ngày một xấu, tạp niệm không ngừng thâm nhập. Sợ rằng chính mình lại bị đọa lạc, hóa thành quỷ hồn, ngài liền trầm xuống sâu trong lòng đất dưới dãy Yên Tử, muốn mượn linh khí tinh thuần ở dưới long mạch để tinh luyện lại âm hồn mình. Từ đó đến nay đã trải qua sáu mươi năm, toàn bộ âm phần củaTrúc Lâm Phái không có ai biết tình trạng của ngài thế nào và vị trí của ngài ở đâu cả. Đám đệ tử dù không ngừng thắc mắc nhưng chẳng ai có thể tìm được ngài cả...

Trần Phúc nghe xong câu chuyện không khỏi lặng người bần thần. Phổ Tuệ đại sư cũng gặp phải tình trạng giống như chàng mà đã phải bế quan năm mươi năm vẫn chưa phục hồi được. Bản thân chàng tài trí còn kém hơn đại sư gấp trăm ngàn lần, liệu còn có cơ may chữa lành được hồn hạch của mình không.

Căn phòng trở lên trầm lặng. Trần Phúc ánh mắt vô hồn, còn Quảng Chân thượng tọa thì ưu tư, mơ hồ trong những dòng ký ức xa cũ. Minh thấy hai người trầm ngâm mới hỏi:

- Chẳng lẽ ngoài vị Phổ Tuệ đó, không còn ai giúp được chúng ta nữa sao? Cháu vẫn nghe rằng Yên Tử từ xưa đến nay là đất thiêng, thậm chí còn được tôn xưng là cội nguồn của phật giáo của nước Việt. Chẳng lẽ thiền phái Trúc Lâm tồn tại trăm năm lại chỉ có mỗi ông Phổ Tuệ đó đắc đạo?

Thượng tọa Quảng Chân thấy cách nói chuyện của Minh rất thú vị, ông cười nhẹ nhàng với cậu:

- Cậu hỏi câu này thực sự hay. Yên Tử đúng là nơi trung tâm của phật giáo Việt Nam, vị thế lại ngự trên long mạch ở phía đông bắc của đất nước, đáng lý ra mà nói thì người tài không thiếu, thậm chí nếu nói cơ hội để sản sinh ra thần linh cũng không hề hiếm. Tuy vậy, đến nay, trong âm phần của thiền phái Trúc Lâm chỉ có duy nhất hòa thượng Phổ Tuệ có hồn hạch màu trắng, dưới đó chỉ có khoảng mười haiâm hồn có hồn hạch màu vàng, còn lại chủ yếu là hồn hạch màu đỏ. Nếu so với uy danh của núi Yên Tử, con số đó thật sự quá khiêm nhường.

Sở dĩ có chuyện đó là vì chúng tăng Trúc Lâm phái là những người tu theo phật, chỉ một lòng hướng đến sự thanh tịnh, chứ không đặt nặng việc tham lam vơ vét âm khí của thiên hạ, truy cầu sức mạnh cá nhân. Truyền thống này của Yên Tử có từ xưa, bắt đầu từ đời của Nhất tổĐiều ngự giác hoàng.

Nhất tổ Điều ngự giác hoàng hay còn gọi là Phật hoàng Trần Nhân Tông khi còn sống chính là vị vua thứ ba của nhà Trần, được xưng tụng là một trong những vị minh quân bậc nhất của lịch sử Đại Việt, vừa nhân đức lại có trí tuệ cực kỳ uyên bác. Chính người đã lãnh đạo nước ta chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Vào những năm cuối đời, người xuất gia, đi tu trên núi Yên Tử và lập ra thiền phái Trúc Lâm.

Khi người viên tịch, hồn của người vừa mới thoát ra khỏi long thể thì đã lập tức kết hồn hạch màu đỏ, tỏa ánh sáng chói mắt. Đó quả thực là một kỳ tích có một không hai trong kim cổ. Cứ theo đà ấy mà chiếu thì chẳng cần mất nhiều thời gian, Phật hoàng có thể trở thành thần linh.

Vậy nhưng người chưa bao giờ đặt nặng chuyện tu luyện hóa thành thần mà chỉ một lòng hướng phật, muốn được giác ngộ, đạt đến cảnh giới Niết bàn. Người cho rằng con người là tổng hòa của cả thân xác và linh hồn. Nếu mất đi thể xác, thì linh hồn chỉ là thứ khiếm khuyết, là một cái bóng vật vờ, là chút tàn dư tồn tại lay lắt mà thôi. Vì linh hồn không đầy đủ nên không thể giác ngộ được, dù cho có đạt tới cảnh giới thần linh đi nữa. Hơn nữa, người cảm thấy thế giới của âm hồn quá u uất, quanh năm suốt tháng không được nhìn thấy mặt trời, chỉ trốn chui, trốn nhủi trong bóng tối. Nếu tồn tại như thế thì thà rằng đừng tồn tại. Vì vậy, chưa đầy một trăm ngày sau khi viên tịch, âm hồn của Phật Hoàng Nhân Tông đã lựa chọn tiến nhập vào luân hồi, đầu thai thành một kiếp khác để có thể tiếp tục tu hành trong cõi nhân sinh.

Trước khi tiến nhập luân hồi, người có răn chúng tăngTrúc Lâm rằngâm dương trong thế gian này cân bằng rất vi diệu, nếu số lượng âm hồn quá lớn, tích tụ âm khí quá mạnh thì âm sẽ lấn át dương, cán cân âm dương sẽ lệch, lúc đó thế giới tất loạn. Người khuyên các tăng chúng đời sau của thiền phái Trúc Lâmđừng tham luyến sức mạnh, đừng vị kỷ cá nhân mà tích tụ quá nhiều âm khí kẻo gây ảnh hưởng đến nhân gian. Các thiền sư của thiền phái Trúc Lâm đời sau đều tuân theo lời giáo huấn của Phật hoàng, chẳng còn tham luyến cõi âm hồn hắc ám, đều nhanh chóng tiến nhập luân hồi chẳng lâu sau khi viên tịch.

Tuy vậy, Yên Tử là đất thiêng trong thiên hạ, linh khí dồi dào, lại là long mạch quan trọng trấn ở phía đông bắc của cả nước, nên phải có những âm hồn mạnh trấn giữ nơi đây, tránh để những kẻ có ý đồ xấu đến làm loạn. Các đời của phái Trúc Lâm đều cắt cử lại một vài âm hồn tiếp tục tồn tại, không ngừng tu luyện hạch hồn, trải qua mấy trăm năm mới hình thành nên âm phần của núi Yên Tử....

Bên chén trà thơm tỏa khói nghi ngút, Hòa Thượng Quảng Chân trầm mặc giải thích về lịch sử âm phần của Thiền phái Trúc Lâm. Minh và Trần Phúc lắng nghe không sót một chữ nào. Khi Hòa thượng chấm dứt câu chuyện, Trần Phúc mời trầm mặc lên tiếng:

- Bản thân ta đây đã đến chùa nhiều lần, cũng từng có thắc mắc như thế nhưng lại không dám hỏi vì sợ có điều phạm vào giới luật của nhà chùa. Nay nghe Thượng Tọa giải thích như thế ta không khỏi thán phục cốt cách của thiền phái Trúc Lâm, không khỏi tự hổ thẹn với bản thân mình. Quả thực trong hai trăm năm tuổi hồn của mình, không ít lần ta cảm thấy làm một âm hồn quá sức nhàm chán nhưng chưa bao giờ có đủ dũng khí để chấm dứt tồn tại của kiếp này, siêu sinh thành một kiếp khác. Nghĩ mà thấy hổ thẹn lắm thay.

Minh thì chẳng hiểu gì về những chuyện phức tạp ấy cả, vốn trẻ tuổi, cậu chỉ tôn sùng sức mạnh. Thế nên cậu tiếc:

- Trời ơi. Sao Phật hoàng lại dại thế. Giá như Phật hoàng đừng siêu độ sớm mà cố thêm vài năm nữa thì chắc chắn sẽ thành thần. Đến lúc thành thần thì muốn gì chẳng được...

Câu nói ngô nghê của Minh làm cả Thượng tọa và Trần Phúc bật cười ha hả. Thượng tọa còn đưa tay lên xoa đầu Minh giống như xoa đầu một đứa con nít khiến cậu cảm thấykhông vui. Không khí trong phòng vốn đang trầm mặc vì những hồi ức xa xưa bỗng nhờ Minh mà tươi vui hẳn lên.

Trời vừa xẩm tối, Minh đã giục hai hồn kia khởi hành lên núi. Mặc dù chuyến này đi không được gặp Phổ Tuệ đại sư nhưng Minh vẫn muốn được vãn cảnh đất phật. Về phần thượng tọa Quảng Chân, phần đang có việc phải trở về bản tự, phần vì quý Minh nên tiện đường đưa cậu và Trần Phúc lên chùa Hoa Yên.

Giữa bóng chiều lảng bảng, một làn khói mỏng manh nhè nhẹ bay ra từ một ngôi mộ cổ ven đường, hóa thành ba cái bóng mờ mờ ảo ảo. Ba hồn đó phân thành ngôi chủ khách, cùng nhằm đỉnh núi Yên Tử thẳng tiến.

Con đường lên núi Yên Tử dài ngoằn nghèo hệt như một con rắn khổng lồ vắt vẻo giữa rừng cây xanh rì. Hai bên đường, cứ cách khoảng hai cây số lại có một nhà sư đã kết hồn hạch tọa trấn. Họ nhìn thấy Minh và Trần Phúc đi cùng với Thượng tọa Quảng Chân thì không ngăn cản, cứ điềm nhiên nhắm mắt vào thiền.

Trên đường, họ lần lượt ghé qua chùa Giải Oan và chùa Suối Tắm. Tương truyền, ngày xưa, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia, ngài đã cưỡi voi đi đến núi Yên Tử. Người hầu cận, cung nữ vì cảm phục ngài nên đi theo không ít. Khi đi đến chân núi Yên Tử, người liền bỏ voi lại để đi bộ, đồng thời chỉ cho mội số người tâm phúc đi theo, số còn lại thì kiên quyết đoạn tuyệt và ra lệnh cho họ quay về. Các cung nữ đã nguyện đi theo người, kiên quyết không trở về nữa nên đã ở lại đây, xuống tóc đi tu, từ đó mới hình thành lên chùa Giải Oan sau này. Khi đi qua đây, Minh cố tìm kiếm mà không nhìn thấy âm hồn một vị ni cô nào. Có lẽ họ họ đều đã học theo Phật Hoàng sớm siêu sinh tịnh độ cách đây mấy trăm năm rồi.

Phía sau chùa Giải Oan, núi dựng lên sừng sững, ở dưới nhìn lên chỉ thấy mây giăng khói tỏa. Từ chùa Giải Oan có một con đường bậc thang lát bằng đá dẫn lên trên đỉnh núi. Cảnh vật nơi đây đổi khác hẳn so với bên dưới, giống như một chốn cảnh tiên với những cây cổ thụ to lớn hình dáng kỳ dị vắt ngang đường đi và những giống kỳ hoa, dị thảo tỏa hương thơm nức trong đêm tối. Giăng giăng trên những bậc thang, sương phủ trắng xóa dễ khiến người ta có cảm giác đi lạc vào một biển mây.

Ba hồn bọn họ lên chừng độ ba cây số thì đến rừng tùng cổ. Những cây xích tùng nơi này được chính tay Phật Hoàng trồng cách đây bảy trăm năm, cao lớn sừng sững, ngạo miệt giữa trời. Chúng vươn lên, ngọn đâm vào trời sao, bóng tỏa trùm mặt đất. Rễ của những cây tùng trồi lên trên mặt đất vốn bị sói mòn bởi nước mưa, đan chằng chịt tạo thành những tấm lưới dày. Thượng tọa Quảng Chân kể với Minh rằng những cây tùng tích tụ linh khí trời đất hàng trăm năm đã nảy sinh ra linh trí, có thể cảm nhận nhiều chuyện trong trời đất, nếu áp tai vào vỏ cây còn có thể nghe thấy chúng rì rầm chuyện trò với nhau. Minh thấy lạ, mới đưa tai úp để nghe thử. Ngờ đâu, tai chưa chạm vào vỏ cây đã nghe thấy đùng một cái,luồng gió từ trên ngọn cây tùng đánh xuống đẩy Minh ngã bật ra. Cuống quít, Minh liền rút cây đoản kiếm của mình ra chĩa về phía trước. Trần Phúc thấy vậy liền chạy đến chỗ Minh, ấn cây kiếm trên tay cậu xuống, kêu lên:

- Bình tĩnh, đừng có mạo phạm.

Rồi chàng hướng các cây tùng, cái dài một cái:

- Chúng đệ tử đến đây để vãn cảnh chùa, không hề có ý gì khác, mong các hộ pháp lượng thứ.

Trần Phúc vừa dứt lời, từ trên các ngọn cây tùng, từng cái bóng màu vàng kim lấp loáng hiện ra. Mười một vị hộ pháp của thiền phái Trúc Lâm bận áo chẽn màu xám, cổ đeo tràng hạt, mỗi người giắt sau lưng một loại khí giới. Có hồn hiền từ như ông bụt, có hồn tướng tá dữ tợn, có hồn bình thản như mây, có hồn khắc khổ như kẻ ăn mày. Trong số các vị hộ pháp, có một số hồn quen biết Trần Phúc từ trước, liền chắp tay chào lại. Ở trên ngọn cây tùng mà Minh định áp tai vào vừa nãy là một vị hộ pháp gầy gò, tướng tá lạnh tanh, nghiêm khắc. Ông ta chỉ ném cho Minh một cái nhìn hờ hững rồi nhắm mắt vào tu luyện tiếp. Minh thấy ông ta kiêu kỳ như thế thì không khỏi sôi gan lên, nói vọng lên:

- Này cái ông kia, tôi có làm gì hại đến ông đâu mà ông lại dọa tôi như thế? Làm việc xấu mà không biết xin lỗi à?

Vị hộ pháp kia vẫn điềm nhiên như không nghe thấy.

Ở bên cạnh, một vị hộ pháp khác to béo phốp pháp, khuôn mặt hóm hỉnh thấy thế thì cũng lên tiếng trêu chọc:

- Này Giác Văn. Người cũng thật là, trêu ai không trêu lại đi trêu vào một đại thí chủ mồm to để đến nông nỗi phải đi xin lỗi người ta. Ngươi còn không mau quỳ xuống cậu ta đi, kẻo cậu ta lại lu loa ầm làng ầm nước lên kìa.

Một vị hộ pháp khác ở phía xa xa nói vọng vào:

- Giác Văn à, ngươi ra tay như thế cũng có phần hơi quá, nếu chẳng may đánh trúng thí chủ mồm to kia thì chẳng phải là phái Trúc Lâm chúng ta mang tiếng ư?

Một vị khác thì lại bênh Giác Văn:

- Hừm. Các ngươi cũng đều biết Giác Văn vốn ưa thanh tịnh, không thích người khác làm phiền mình, hắn cùng lắm cũng chỉ dọa vị tiểu thí chủ mồm to một chút thôi mà.

Mặc cho các vị hộ pháp khác có trêu chọc gì, hộ pháp Giác Văn vẫn điềm nhiên nhắm mắt không hề lên tiếng, giống như những lời nói lao xao chẳng hề lọt vào tai ông ta. Biết tính Giác Văn một khi đã nhắm mắt thì chẳng thèm coi lời người khác ra gì, các vị hộ pháp lại xoay sang bọn Minh.Một vị hộ pháp trách mắng thượng tọa Quảng Chân:

- Cái tên Quảng Chân kia, tất cả là tại ngươi hết.Ngươi đã biết các hộ pháp chúng ta thường thiền tu ở trên ngọn cây tùng, đáng lẽ khi đi qua đây, ngươi phải im lặng, tránh để kinh động, ai lại bày trò khiến cho tiểu thí chủ mồm to này trêu chọc vào Giác Văn. – Vị hộ pháp bụng to nói.

- Đúng đúng. Tất cả là tại Quảng Chân hết, phạt hắn phải canh cửa thêm mười năm nữa. – Một vị khác hùa theo.

- Mười năm ít quá. Hai mươi năm.

- Phải phạt hắn năm mươi năm. – Một giọng nói to hơn ở phía cây tùng xa hơn vang vảng đến.

- Một ngàn năm. – Vị hộ pháp hóm hỉnh cất tiếng lúc ban đầu chen vào.

Thượng tọa Quảng Chân toát mồ hôi, cứ đứng lặng nghe mà chẳng dám cãi lại. Minh đang bực tức vì bị họ gọi là thí chủ mồm to, nay thấy Quảng Chân bị trách mắng như thế thì không chịu được, lại gân cổ lên đôi co với họ:

- Này các ông, đừng có cậy đông mà hiếp người quá đáng như thế. Ông Quảng Chân này ông ấy có làm gì đâu mà các người sinh sự.

Thượng tọa Quảng Chân thấy Minh nói như thế thì lại càng toát mồ hôi mạnh, vội bịt mồm cậu, lôi đi, đồng thời nói với đoàn hộ pháp:

- Xin lỗi các vị hộ pháp, Quảng Chân có việc phải lên bái kiến Hòa thượng Xích Tùng, không thể bồi tiếp các vị được. Xin cáo từ. Về chuyện tối nay, mong các vị lượng thứ.

Trần Phúc thấy cứ tiếp tục để Minh đôi co với các vị hộ pháp thì cũng không ổn, liền giúp Quảng Chân ghì chặt Minh lại, vác cậu ta đi. Ba người đi được một đoạn xa đến khi không còn nghe thấy tiếng cười nói lao xao của các vị hộ pháp mới dám dừng lại thả Minh xuống.

- Sao hai người lại phải trốn như thế, rõ ràng là họ sai trước. – vừa được thả xuống, Minh đã gào lên với điệu bộ không phục

- Ngươi cũng thật là... Đó là mười một vị hộ pháp của núi Yên Tử lừng danh cõi âm. Mỗi vị đều đã đạt đến hồn hạch màu vàng, bản lãnh phi phàm. Từ trước đến nay chưa hề có ai dám đôi co với họ. Ngươi là người đầu tiên đó. Cũng may họ là người tu hành, tuy có thể trêu đùa ngươi tí chút nhưng không hề có ác tâm, chứ nếu là kẻ khác thì sợ rằng chẳng có ai có thể cứu được ngươi đâu. – Trần Phúc trách mắng.

Thượng tọa Quảng Chân thì ôn tồn hơn một chút:

- Tiểu thí chủ bớt giận. Các vị hộ pháp đó ngày đêm thiền tu, cách biệt với thế giới nên có hơi chút lập dị. Xưa nay chưa từng có ai dám đối đáp tay đôi với họ như thí chủ. Họ thấy thí chủ thú vị nên mới buông vài lời trêu chọc thôi mà.

- Nhưng mà họ đòi phạt ông một ngàn năm kìa. Thật là quá đáng quá mà. – Minh vẫn cảm thấy bất bình.

- Tiểu thí chủ đừng lo. Họ chỉ nói vui thế thôi chứ không có quyền phân phó công việc và phạt ta. Tất cả mọi việc thuộc âm phần của thiền phái Trúc Lâm hiện vẫn do Hòa thượng Xích Tùng quản lý.

Thượng tọa Quảng Chân phải khuyên bảo mãi Minh mới chịu thôi. Cậu hậm hực bước chân theo Trần Phúc và Thượng Tọa tiếp tục đi lên trên. Vượt qua rừng tùng là đến những bậc thang lát bằng đá xanh cao và dốc, hai bên lan can chạm trổ những con rồng dữ tợn. Đi lên hết những bậc thang đó, Minh thấy ở phía trên, giữa ánh trăng mờ mịt, là bóng dáng lờ mờ một ngọn tháp cổ, rêu phong, bạc mình trong sương gió.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro