Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2









Nam Bộ hiện vào mùa khô, Phong Dinh chào đón người con miệt thứ bằng cái nắng cháy da đầu...

Chiếc Peugeot sang trọng màu đen bóng chạy băng băng trên lộ cái thênh thang rồi rẽ vào con đường đất đỏ hướng thẳng về thị xã Châu Thành. Xe thong dong qua cánh đồng lúa bạt ngàn phảng phất hương mạ non, nhà nông vẫn đang miệt mài gieo trồng vụ mùa mới, cảnh vật và con người nơi đây quá đỗi thân thương, làm cho lòng người ta thư thả muộn phiền. Sáp Kỳ ghé mắt ra cửa sổ nhìn trời quang rồi thả hồn trong khung cảnh quê hương thanh bình khác xa chốn đô thành hoa lệ.

Khóm tre, rặng dừa và mấy bụi lau sậy bao năm vẫn mọc um tùm trên đường làng, chạy thêm một đoạn, chiếc xe dừng lại trước căn biệt phủ lâu đời với nét kiến trúc Đông Dương cổ xưa. Nhìn nơi tuổi thơ mình gắn bó, Sáp Kỳ không khỏi cong môi hồng, cô dịu dàng bước xuống, dáng vóc cô cao ráo, vận trên người bộ áo dài lụa màu vàng nhạt, tay đeo vòng cẩm thạch ngọc bích, nắng hạ chiếu vào thân ảnh làm bừng sáng cả góc trời. Quả không hổ danh giai nhân xứ Tây Đô, ngũ quan của Sáp Kỳ tương đối hài hòa, đậm chất một tiểu thơ gia giáo, riêng chỉ có cặp mắt sắc bén tạo nên sự cứng cỏi, ương ngạnh.

Giữa sân, Khương Sáp Kỳ đợi người làm trong nhà khuân hành lý, cô đi vòng ra sau cốp tự tay xách cặp táp đựng tài liệu của mình mới thong dong rảo bước vô nhà. Đương tới thềm ba đã nghe nhốn nháo tiếng già trẻ

- Cô Út!!!

- Cô Út dìa bà ơi!

- Đâu? Út Kỳ hả?

Bà Tư Phấn nhổm dậy khỏi bộ ngựa, dáng dấp lão niên lom khom trong bộ đồ bà ba nhung tăm sẫm màu. Bà nhờ con Gắm dìu ra trước hiên, khuôn mặt phúc hậu nom hào hứng khi thấy đứa cháu nội thân yêu đã lâu không về, bà quở trách:

- Quỷ nhỏ! Mày đi là đi biệt tăm hơi, quên lửng bà già này hả?

Sáp Kỳ đứng ở bậc tam cấp cười giả lả, cô di gót tới ôm lấy vai bà, xoa xoa

- Con nghe nội sốt ruột biên thơ là con về liền đây nè, xứ nào mà bằng ở với nội hả nội?

- Cha mày! Học thói đời nịnh nọt.

Người già miệng chửi là vậy nhưng vẫn không thể giấu đi sự lắng lo trong ánh mắt, đôi tay chai sạm và nhăn nheo của bà vồ về trên lưng Sáp Kỳ, giọng làu bàu

- Ốm quá con! Một hồi nội biểu bà Bảy tới cữ trưa nấu thêm đồ ăn cho mày tẩm bổ, chứ để nội nhìn mà xót xa trong dạ.

- Dòm thôi chứ con khỏe re hà, mơi mốt con ra chẻ củi nấu nước cho nội tắm mỗi ngày.

- Thôi, mày còn tỏ đường dìa đây là phước rồi.

Bà xua tay để Sáp Kỳ dìu vô trong, đoạn hội thoại cứ líu ríu không dứt, nhà ông phú Chánh hôm nay náo nhiệt lạ thường.

Khương Sáp Kỳ đứng trước bàn thờ gia tiên thắp nén nhang rồi khấn vái, thành tâm dâng hương lên Cửu Huyền Thất Tổ như một thói quen được nuôi nấng từ thuở nhỏ. Xong xuôi, Sáp Kỳ quay qua nhìn bà Tư Phấn đương dở ra hộp đựng trầu têm sẵn, thoăn thoắt bỏ vô miệng nhai nhóp nhép, cô cười cười, sẵn tay cầm cơi trầu bằng đồng đi tới để cạnh bà nội rồi mới ngồi xuống trường kỷ, rót trà ra hai chén mời bà.

- Cha má với anh chị đâu hết, nhà trống trơn vầy nội?

- Cha bây thăm ruộng, má thì dìa Định Tường giỗ quải ông sơ ngày mơi lên.

Sáp Kỳ gật gù nhấp ngụm trà đắng, tiếp lời:

- Còn anh Hai, anh Ba, sao để nội ở nhà mình ên?

- Hai Nhân lóng rày nó theo lái đi cân lúa cho cha mày bớt nhọc, dăm bữa nửa tháng mới dìa, còn thằng Ba hả?- Bà Tư Phấn ngắt quãng giây lát, sắc mặt ngó bộ không vui.

- Có dạo nó gạn hỏi vốn liếng đặng hùn hạp với bè bạn người Hoa mở tửu lầu tửu liếc gì đó ở khu Chợ Lớn. Mà cha bây khước nên nó lẫy, hổm nay đòi cất nhà ra riêng.

- Cái thằng thiệt, vợ con đuề huề rồi mà không có chí tiến thủ, cứ đàn đúm thì sớm muộn gì cũng dẫm lại vết xe đỗ mà hư thân.- Bà chậc lưỡi, mắt nhìn đăm đăm ra cửa não nề

Nhà ông phú Chánh được phước có hai người con trai, cậu Hai Nhân tuy không tài giỏi nhưng bù lại cần mẫn, siêng năng, tánh tình cũng rất hiền hậu, nói năng đạo mạo được lòng người. Còn cậu Ba Quốc trái ngược có vẻ ngang tàn, phóng khoáng, ra dáng một cậu ấm nhà phú hào sành sỏi thói đời thượng lưu. Ba Quốc thời niên thiếu học hành chểnh mảng, cậu thi rớt tú tài một, về lại Phong Dinh cậy quyền mà trốn quân dịch. Cậu bắt đầu chơi bời, thường xuyên lui tới chốn đô thành, đốt tiền vào vũ trường và những thú vui xa hoa như rượu mạnh, gái điếm để chứng tỏ bản thân là một tay chơi khét tiếng đất kinh kỳ.

Năm cậu hai mươi, từ một đêm say bí tỉ, Ba Quốc trót làm ả đào nổi tiếng của phòng trà Thời Hương có mang, cô ả tìm về tận quê nhà thưa trình ông phú Chánh, kéo theo tai tiếng khiến gia can dậy sóng lớn. Năm đó ông phú sanh giận, quyết chấn chỉnh nặng tay với cậu Ba Quốc, ông đệ giấy cho cậu đi tập huấn ở quân trường Đồng Đế, mặc người trong nhà hết lời khuyên can. Vì nhơn nghĩa, ông để đứa nhỏ nhận tổ quy tông, đặt tên Khương Hồng Lĩnh, còn cô đào kia được cho số bạc như mong muốn mà rời đi.

Cậu Ba Quốc trở về sau hai năm quân dịch, để chuyện xưa lắng xuống, cậu theo lời má mình tức tốc cưới cô Trà Giang, con ông thầu Biện môn đăng hộ đối. Nay cậu ở với cô Giang có thêm đứa con gái, hỷ sự viên mãn nhưng dường như đối với cậu chưa bao giờ là đủ khi thói trăng hoa, lêu lỏng vẫn bám riết trong máu.

Khương Sáp Kỳ nghe chuyện thở dài. Ngó cô đăm chiêu, bà Tư Phấn biết anh em cô bề ngoài khắc khẩu vậy chứ luôn để tâm nhau, sợ cô phiền lòng nên bà lãng sang chuyện khác

- Cấp này con dìa rồi chừng nào lên lại?

- Chiến sự đương căng thẳng, bác Hai biểu con ở hết hè đặng ôn tú tài, thủng thẳng trường gửi giấy báo thi rồi lên lại, nội yên tâm.

- Bom rơi đạn lạc miết, khổ bá tánh, quân binh.- Bà Tư than thở, ảo não nhổ bã trầu ra cơi đồng xong chầm chậm khóe miệng.

- Thôi bây chờ cha về rồi thưa trình, nội đi nghỉ, già cả ngồi lâu sanh mệt.

- Mà Út Kỳ, nhớ đem quà bánh cho tụi nhỏ, nghe con dìa chắc nó mừng lung lắm!

Sáp Kỳ thôi trầm ngâm, đứng dậy dìu bà Tư về buồng. Chợt nhớ ra một điều, cô hỏi han:

- Dạ nội, mà thằng Lĩnh ở với mợ Giang thuận không nội?

Bà Tư lắc đầu

- Mấy đời bánh đúc có xương hả con. May phước Trà Giang nó là người đường hoàng, chưa xử tệ với thằng nhỏ ngày nào.

- Âu cũng tội mợ.- Sáp Kỳ bày tỏ sự đồng cảm, cô luôn nặng lòng trước số phận bẽ bàng của những người phụ nữ phải sống cam chịu trong xã hội.

- Ừ, trót mang thân đàn bà bạc bẽo, chồng không trọn nghĩa thì ai mà chẳng tủi thân cho đặng...







----------







Dẫu chẳng thể rũ bỏ chuyện quốc sự ra khỏi đầu nhưng Sáp Kỳ cũng đã dựng dậy tinh thần vô tư lự, khắc hòa mình vào cuộc sống giản dị, thanh bình tại quê nhà. Cô dành thì giờ đàm đạo chuyện đời với ông phú Chánh sau chuỗi ngày xa vắng, già trẻ trong nhà cùng ngồi ăn một bữa cơm chiều ấm cúng, đầy ắp các món dân dã mà khi còn ở trên Sài Thành cô đã mong mỏi nhỏ dãi.

Buổi đêm trở lại buồng của mình, Sáp Kỳ ngả lưng lên chiếc giường gỗ phủ chiếu manh quen thuộc, nhìn xuyên qua vải mùng bốn bề thoáng đãng, những đồ vật hằng ngày đã sờn cũ, phảng phất mùi gỗ đàn hương. Sáp Kỳ cảm giác yên lòng, cô chầm chậm nhắm mắt, lặng nghe tiếng ve sầu trong đêm rả rích.

Ngồi xe từ sớm về Phong Dinh cũng thấm mệt, cô duỗi người, nhanh chóng chu du vào cơn mộng đẹp.

...

Đêm dài lầm lũi áo mơ phai
Sương mai cô quạnh giăng gót hài
Người nặng tâm tình, tôi khắc khoải
Tơ hồng dệt mộng bóng hình ai.

Sáp Kỳ ngủ thẳng giấc nhưng mộng mị không dài, một phần do nề nếp thức khuya dậy sớm, phần vì thói quen thi vị mỗi sáng thưởng trà. Khi Sáp Kỳ lọ mọ thắp cây đèn dầu cầm trên tay thì gà mới vừa gáy canh năm, ngoài vườn tiếng lá cây xào xạc, cô khẽ khàng rời khỏi buồng. Chân trần rảo bước qua hành lang, Sáp Kỳ mon men tới gần chái bếp, bất chợt cô chững lại, đáy mắt nhuyễn ra như kẻ mất hồn.

Từ ánh đèn vàng hắt hiu trong gió lộng, Sáp Kỳ lờ mờ nhìn thấy dưới mái hiên chái bếp, dáng dấp mảnh khảnh của một người phụ nữ đương ngồi trông về phía xa xa hồ sen nở rộ, bên cạnh là cái lò củi nhen nhóm lửa hồng. Sáp Kỳ thơ thẩn giương cao ngọn đèn ngang tầm mắt, áng trăng treo đủ sáng để cô nhìn rõ từng đường nét yêu kiều trên gương mặt người nọ, ngũ quan nhỏ nhắn càng thêm phần lộng lẫy với đôi môi hồng căng mọng và cặp mắt to tròn long lanh nước, song lại man mác buồn.

Gió nhẹ lay mái tóc suôn dài buộc hờ phía sau lưng nàng, nước da trắng ngần ẩn hiện dưới lớp áo lụa màu xanh ngọc. Khung cảnh hữu tình lại trở nên đơn bạc.

Khương Sáp Kỳ nhận ra người nọ, là mợ Châu Hiền, vợ anh Hai Nhân, cô gọi bằng chị dâu...

Châu Hiền về làm dâu nhà ông phú đã bốn năm, bởi lẽ cha nàng là chiến hữu chí cốt với ông phú Chánh từ thuở còn trai tráng, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy mà nên mối lương duyên, nàng thuận gả cho Hai Nhân khi vừa tròn hai mươi. Khương Sáp Kỳ lúc đó chỉ mười bốn, cô học miết trên Sài Gòn lâu lâu mới về lại quê nhà, thành thử ra cô chẳng có ấn tượng gì sâu sắc với người chị dâu đầu của mình. Trong mắt Sáp Kỳ, Châu Hiền là một người phụ nữ giỏi giang, có phẩm hạnh đoan chính như thuyết "Tam tòng, Tứ đức" mà Khổng Tử răn dạy, nàng thuộc khuôn khổ phụ nữ kiểu cũ mang nhiều định kiến, gia giáo và luôn lấy chữ kính hiếu làm trọng.

Sáp Kỳ chưa từng nghĩ đến ngày cô có dịp nhìn rõ dung mạo diễm lệ của người mà trước giờ cô luôn đối đãi bằng lễ nghĩa, dẫu cùng chung sống dưới một mái nhà.

Đèn dầu chợt tắt khiến Khương Sáp Kỳ nguôi những suy nghĩ vẩn vơ, cô nhận ra mình thiếu đường hoàng khi cứ đứng ngó lom lom về phía nàng, đành hụt hẫng quay đi.

Không tỏ bằng cách nào Sáp Kỳ trở lại buồng của mình đánh thêm một giấc thẳng cẳng đến chập sáng, quên bẽn đi thói quen thi vị. Lần nữa cô lủi thủi xuống bếp là khi mặt trời đã quá nửa đầu, nhà nông đi cấy và chợ phiên vãn người. Ngó thấy người làm trong nhà đang tất bật công chuyện, Sáp Kỳ tự thân đi kiếm chát bỏ bụng. Cô lom dom dưới bếp thì có dáng người bước tới, Sáp Kỳ khựng lại, tròn mắt nhìn Châu Hiền trong bộ đồ lụa thướt tha, gợi nhớ đến khung cảnh mỹ miều ban sớm, cô nghẹn không thành lời.

Châu Hiền cầm bẹ hành trong tay đặt lên thớt gỗ, dở xuống chiếc nón lá trên đầu, ngó Sáp Kỳ đứng bất động, nàng cười cười

- Vẫn mạnh hả cô Út? Lâu quá mới gặp, tôi nghe phong thanh cô Út về hồi hôm.

- Vậy hả mợ...

Trong lòng Châu Hiền bất chợt cảm thán: Sáp Kỳ nay lớn quá! Nhớ ngày nào nàng về đây làm dâu thì khi ấy cô vừa mới niên thiếu, ngũ quan trên khuôn mặt non nớt, nước da trắng nõn và chỉ đứng tới vai nàng. Sáp Kỳ hiện tại đã thành một thiếu nữ cao ráo sáng láng, khí chất bộc trực chứ không còn dáng vẻ ngây thơ như xưa. 

Châu Hiền quay mặt vô kệ bếp, tay thoăn thoắt băm gọn mớ hành lá, giọng nàng đều đều

- Cô Út ăn cử sáng luôn chưa để tôi dọn?

- Mất công mợ Hiền, cứ để chừng tôi đói tôi ăn.

Sáp Kỳ ngập ngừng xoa cái bụng kêu ọp ẹp, cũng may Châu Hiền đưa lưng nên không thấy, nàng vẫn xởi lởi

- Phiền hà chi đâu cô Út, ngồi đi sẵn tôi dọn cô ăn, bánh canh bột xắt ngon lắm!

- Vậy mợ ngồi ăn chung cho tôi vui.

- Tôi ăn hồi sớm rồi, cô Út đừng có ngại.

Sáp Kỳ không biết phải nói gì tiếp, đành dè dặt đợi. Nhìn dáng dấp thon gầy, nhỏ nhắn của Châu Hiền loay hoay múc bánh từ trong nồi ra tô, rắc thêm chút hành tiêu rồi bưng tận bàn cho cô, món ăn còn nghi ngút khói làm Sáp Kỳ ấm lòng.

- Mợ nấu hả? Coi ngon quá!

Bất chợt Châu Hiền mỉm cười, trước giờ nàng bếp núc như thói quen, ít ai khen ngợi.

- Vậy heng cô, bữa rày bà Bảy bịnh quá, tôi thay phiên đi chợ nấu cử sáng cho bà bớt nhọc.

- Sao mợ không biểu người làm trong nhà mần?- Sáp Kỳ ngưng đũa thắc mắc

- Phụ được thì phụ thôi cô, tôi ở vầy quen rồi, không làm thì tay chân bứt rứt.

Sáp Kỳ gật gù, thấy nàng vẫn đang miệt mài từ sáng sớm tinh mơ, dầu gì Châu Hiền cũng mang danh mợ Hai nhà ông phú, nàng lại không xá công việc của kẻ ăn người ở hay việc bếp núc ám mùi khói lửa, lúc nào cũng chu toàn trên dưới. Khương Sáp Kỳ âm thầm mến mộ.

Ngoài trời nắng gắt trên đỉnh đầu, gió cứ hiu hiu thoáng đãng, không khí giữa hai người trở nên bình đạm, cô ăn chậm rãi còn Châu Hiền cặm cụi làm việc của mình, nàng biết Sáp Kỳ xưa nay kiệm lời nên hay hỏi han cô chuyện học hành thi cử, chuyện tới lui ở Sài Thành, chất giọng ngọt ngào của nàng nghe êm dịu như nước mát tưới tăm trong lòng, cứ vậy mỗi người một câu.

- Tôi nghe trên đó loạn lạc, thấy cô Út dìa ở lâu cũng mừng.

- Sớm bình định thôi mợ, tôi tin vậy.- Sáp Kỳ trả lời bâng quơ

Châu Hiền bỏ thêm củi vô lò đất, phủi phủi tay, chợt nhớ ra gì đó, nàng biểu:

- Ngày mơi cô Út có muốn ăn gì thì dặn tôi đi chợ nấu cho nghen.

- Tôi ăn chung với nhà được, khỏi bày vẻ chi đâu mợ.

- Vậy hả? Tại tôi nghe má nói cô Út kén.- Châu Hiền ngờ ngợ

- Chắc má nhớ lộn ai thôi.

Sáp Kỳ gãi gãi đầu, cô kén ăn thiệt nhưng không dám phiền hà người ta, ngó thấy Châu Hiền có vẻ không tin, cô lãng đi

- Ừ, anh Hai dạo này vẫn mạnh hả mợ?

- Anh Nhân hả...

Đột nhiên Châu Hiền chững lại, Sáp Kỳ ngẩn đầu lên, thấy được trong đôi mắt nàng man mác buồn, nặng nề tâm tư giống hệt đôi mắt mà cô đã bắt gặp ban sớm.

- Ảnh đi ghe miết hà, tôi nghĩ chắc ảnh cũng mạnh giỏi thôi cô Út.- Giọng nàng run run, giấu nhẹm đi nổi bẻ bàng, bầu không khí trở nên ảm đạm.

...

- Út Kỳ dậy rồi hả con?

Bà Hạnh Nương từ gian nhà sau đi tới làm gián đoạn sự vắng lặng, chưa thấy hình đã nghe tiếng. Người đàn bà trung niên đầu búi tóc bánh lái gọn gàng, vận trên mình bộ áo dài kiểu cũ bằng vải gấm, sắc đỏ đô thêu hoa văn, rập khuôn của một người phụ nữ Nam Bộ xưa. Bà hiền từ nhìn con gái, nét mặt hiện rõ niềm hân hoan.

- Má, ngồi đi má.- Sáp Kỳ cười rộ, vui vẻ đứng dậy lấy ghế cho bà

Bà phú chưa ngồi vội mà ôm lấy bả vai Sáp Kỳ sờ nắn, theo thói quen cưng nựng trên mặt cô như hồi nhỏ, hôn hít lên hai má

- Trời ơi con gái má, ốm vầy nè con!

Sáp Kỳ hoảng hồn nhìn Châu Hiền còn đang ở đó, bất chợt cảm giác ngượng đỏ người, cô trừng to mắt, mặt méo xệch nhưng vẫn ngoan ngoãn để yên.

- Má, con lớn rồi chứ có phải con nít đâu. - Sáp Kỳ nhỏ giọng than thở, song liếc thấy Châu Hiền cười cười, ngượng càng thêm ngượng

- Mày lớn với ai chứ không có được lớn với má!

Bà phú ôm ấp chán chê mới để cô ngồi xuống, Sáp Kỳ rất nhanh lãng sang chuyện khác

- Con nghe má dìa Định Tường mới lên.

- Má lên hồi khuya rồi, thấy con nghỉ nên dặn sắp nhỏ không kêu.

Bà phú vuốt mấy sợi tóc lòa xòa ra sau tai cho Sáp Kỳ đặng cô ăn ngon, rồi phe phẩy quạt nan làm mát. Biết tin con gái dìa bà mừng lung lắm! Độ cứ nghe ở thành đô bắn phá liên miên khiến bà sốt ruột mấy ngày liền.

- Sao má dìa dưới mình ên vầy, đi đường có mệt không má?

- Đâu mà mình ên, có chị Hai bây theo phụ, sẵn dìa Định Tường thì má ghé Long Định thăm anh sui, cho Hai Hiền nó thăm nhà.

Sáp Kỳ ghé mắt qua gian bếp, nhìn nàng cầm ca nước đưa tới

- Má với cô Út uống nước lạnh cho mát.

- Cảm ơn mợ.

Bà phú nhớ ra nàng theo bà về từ khuya mà bây giờ còn tất bật dưới bếp, thấy vậy bà biểu:

- Hiền sao không đi nghỉ đi con, để sắp nhỏ làm chứ có chi mà quần quật vậy?

- Dạ cũng xong xuôi rồi má, ngơi tay con vô nghỉ liền nè.

Châu Hiền cầm bình trà mới pha đi lên gian trên mời nội, Sáp Kỳ nhìn bóng nàng khuất dạng, chợt thất thần, nghe làu bàu bên tai lời bà phú

- Tội nghiệp con nhỏ, chịu thương chịu khó, vậy mà thằng Hai nó đi miết để nhỏ lủi thủi có mình.

- Bộ vợ chồng ảnh xích mích chuyện gì hả má?

- Chuyện chi đâu, tánh hai đứa nó hiền lành thấy mồ!

Sáp Kỳ đảo mắt, kiềm lòng không đặng sự tò mò, làm bộ vừa ăn vừa thuận miệng hỏi han:

- Anh Hai với chỉ... hồi đó sao ở vậy má?

- Cũng cha mày! Với ông thầy lang Hoành cha con Hiền, bằng hữu rồi hứa hẹn sao đó tao có biết đâu. Hai đứa nó cũng thuận, nhưng mẩm chắc không thương rồi, vợ chồng mà đối đãi với nhau lễ nghĩa như khách giữ kẽ thì sao đặng.- Bà phú nghe tới chuyện liền sỗ ngữ, bà lắc đầu, tay chống cằm ảo não

- Sợ con Hiền nó tủi, má biểu hai vợ chồng có con đi, rồi mặc xác thằng Nhân tếch đâu thì tếch. Nói đó chứ cũng đánh lãng tới giờ, ngót nghét bốn năm rồi chưa hề hấng.

Sáp Kỳ nghe vậy bất bình buông đũa, cô chau mày

- Mợ Hiền không ưng thì thôi má. Anh Hai cứ đi biền biệt mới không tròn đạo chồng.

- Má hiểu chứ, hiểu mới thấy thương nó.

Bà Hạnh Nương là người cả đời tòng phu tòng tử, theo ông phú ăn ở phước đức, vậy mà từng tuổi này còn phải lo nghĩ cho hai đứa con trai bạc trắng mái đầu. Bà coi Châu Hiền như con đẻ vì tánh tình nàng lương thiện lại giỏi giang, kể cả sau này có điều chi bất trắc, bà cũng mong nàng đứng được trên bến đỗ yên bình, không phải gán phận với một người không thương mình.



----------



Cử xế chiều, tiết trời oi bức nên Sáp Kỳ định bụng ra đình viên giăng võng hóng gió nằm ngắm hoa sen đương nở. Cô lấy quyển tập che kín mặt, không biết do hồi hôm ngủ quá nhiều hay tâm hồn bận vu vơ ở đâu mà cô không tài nào thiếp giấc. Sáp Kỳ bực dọc ngồi dậy, thơ thẩn nhìn xa xăm ra bìa hồ thiệt lâu. Ánh chiều đã ngả vàng trên đầu búp sen non, không còn gay gắt như cái nắng ban trưa mà khung cảnh vẫn sáng bừng chói mắt. Sáp Kỳ nhíu mày, mấp máy đôi môi ửng hồng như nghĩ ngợi điều gì, cô cầm bút viết lên trang giấy trắng từng nét nguệch ngoạc

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau:
Có chi vướng víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

...

Kẻ về không nói bước vương vương
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ,
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

Nhớ đến tập thơ Nghẹn Ngào của Tế Hanh cô đọc mấy bữa trước, cứ viết ra rồi lại xóa, viết rồi lại xóa, tâm tình càng thêm chán nản, Sáp Kỳ đứng dậy phủi áo quần, lửng thửng bỏ vô nhà.













----------



Mợ Hiền có chồng rồi đó đaaaaa

Nhớ để lại cảm nhận của mọi người nhóe, truyện sẽ chầm chậm dễ đoán thui, quan trọng là cảm xúc của nhân vật nè.

Cảm ơn mọi người đã ủng hộ mình. 





Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro