Chương 2
Người ta thường nói: "nữ thập tam, nam thập lục" để nói cái tuổi dậy thì của nam nữ. Kể từ ngày, thằng bé xin ông chú, ra cái Chợ Hôm lăn lộn ở nơi đó, để kiếm sống, cũng đã ba năm. Từ thằng bé mười ba tuổi ngày đó, nay đã trở thành một gã trai mới lớn, lại đầy lọc lõi. Thằng bé ăn cơm Chợ Hôm, uống nước sông Thạch Hãn, hai thứ đó đã nuôi thằng bé ra dáng một chàng thanh niên, tuy vậy khuôn mặt vẫn còn búng ra sữa. Thằng bé đang bước đi, hai tay cho vào hai cái túi áo, đưa mắt nhìn dòng sông Thạch Hãn với những cánh buồm xuôi ngược.
Thằng bé đang đứng nhìn thì có tiếng người gọi:
_ Kiếm Văn! Có một mối ngon, người huynh đệ có tham gia hay không?
Ừ! Thằng bé là Kiếm Văn. Thằng bé họ Nguyễn như đại đa số cái dân làng Lập này. Khi sinh ra cha của thằng bé muốn con mình được đi đây đó cho mở rộng tầm mắt, chứ không muốn con mình bó thân trong cái làng Lập bên cạnh dòng sông Thạch Hãn, nên mới đặt tên cho thằng bé là Hài. Thằng bé tên họ đầy đủ là Nguyễn Hài, còn cái danh xưng Kiếm Văn, lại do người mẹ chuyên luyện võ nghệ đặt cho. Kiếm là vua của mọi thứ binh khí, nhưng cũng phải biết chữ, vì thế thằng bé có thêm tên nữa là Kiếm Văn.
Vì sao mẹ của thằng bé Kiếm Văn là dân chuyên luyện quyền cước, lại đem gả cho cha thằng bé là con nhà phú hộ. Chuyện là như vậy, vào cái thời thằng bé Kiếm Văn còn nằm trong mạch tượng của cả cha lẫn mẹ. Vào lúc đó, cha thằng bé là một tay buôn bán có tiếng ở nơi cái Chợ Hôm. Cái gì sinh lời kiếm ra tiền, ra bạc đều buôn bán hết cả, miễn sinh hoa lợi. Tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt, nhà phú hộ họ Nguyễn đã giàu nay lại càng giàu thêm. Thế mà có một lần cha của thằng bé Kiếm Văn, xuất tiền không thương tiếc. Chuyện là, vào ngày kia, có một chiếc thuyền từ đâu xa lắm, đâu như miệt trong cùng của đất Đàng Trong ra ngoài này có việc gì đó. Một gia đình, chỉ có hai cha con, trên con thuyền cập bến Chợ Hôm, thì người cha lăn ra ốm nặng, bao nhiêu tiền bạc đều đi theo con bệnh hết cả. Tiền hết mà con bệnh chẳng dứt, cũng kì lạ không biết người cha, là ông ngoại của thằng bé Kiếm Văn sau này bị bệnh gì, mà bao nhiêu thầy thuốc thăm khám, bắt mạch lại chẳng ra, chỉ có người con gái lớn lại âm thầm lặng lẽ đi mua thang về sắc cho cha. Cha của thằng bé Kiếm Văn vốn thấy việc sinh lời mới chi tiền, thế mà không hiểu vì sao, lại chi tiền không thương tiếc cho cha của cô gái, lại đem về nhà phụng dưỡng. Nhưng đâu như được một năm thì cha của cô gái qua đời, cha của thằng bé Kiếm Văn lại lấy lễ con rể mà chôn cất tươm tất cho nhạc phụ. Quả thật cha của thằng bé Kiếm Văn, không việc gì không sinh lợi không làm, cuối lại cũng lời được một cô vợ và sau này là thằng bé Kiếm Văn. Chỉ có điều người tính không bằng trời tính, một chuyến đi buôn, của nả bị đánh cướp, vợ hiền không biết sống hay chết, cha thằng bé Kiếm Văn chỉ kịp trăng trối với người em, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, chứ đừng để thằng bé Kiếm Văn trôi sông lạc chợ mà tội linh hồn của người đã khuất. Người em, là ông chú của thằng bé Kiếm Văn đã thực hiện như lời trăng trối của người anh, là không để cho thằng bé Kiếm Văn trôi sông lạc chợ, chỉ có điều tài của người em chẳng bằng anh, không biết buôn bán, xoay xở, chỉ biết đánh cá, bắt tôm, lại lấy phải người vợ chỉ biết sinh nở và bếp núc. Cha ra đi chẳng để lại gì cả, chỉ để lại cuốn sách luyện võ cho thằng bé Kiếm Văn, đó là vật gia bảo bên đằng ngoại của thằng bé.
Thằng bé Kiếm Văn, chẳng giỏi văn như người mẹ đã khuất của thằng bé mong muốn, nhưng quyền cước cũng đủ cho thằng bé dùng ở nơi chốn này.
Thằng bé trông giống cha, như lời ông chú của nó thường nói, chỉ có điều thằng bé không giỏi buôn bán xoay xở như cha, mà lại giỏi quyền cước như mẹ của nó. Thằng bé Kiếm Văn đang đứng ngắm nhìn dòng sông Thạch Hãn, thì có người bước đến gần và nói. Kiếm Văn lúc này mới quay lại nhìn cái người vừa hỏi:
_ Có mối ngon, người huynh đệ có tham gia hay không?
Thằng bé Kiếm Văn lúc này mới quay lại nhìn người vừa hỏi, mà cười lớn và nói:
_ Thì ra là Trần huynh! Ở xứ Đàng Ngoài, không đủ chỗ cho Trần huynh bay nhảy hay sao? Trần huynh lại phải vào xứ Đàng Trong này?
Người mà thằng bé Kiếm Văn gọi là Trần huynh, vốn người thành Thăng Long, ở Đàng Ngoài, họ Trần tên Phong, côn quyền đều thông thạo, là một kẻ bạt mạng chi tử, nghe thằng bé Kiếm Văn nói như vậy, liền lắc đầu bảo:
_ Kiếm Văn huynh đệ! Người anh em của Trần Phong này. Quả thật một xứ Đàng Ngoài không đủ cho Trần Phong này bay nhảy, cũng không biết khi nào đất Việt ta liền một dải, để Trần Phong này thỏa chí tang bồng, chẳng ngăn cách lũy Thầy, sáng lên đỉnh Hoành Sơn, tối trèo lên Hải Vân quan, mà ngắm đất trời, nước non.
Thằng bé Kiếm Văn nghe người xứ Đàng Ngoài, nói những lời như vậy, thì tròn mắt nhìn, cứ nghe cho biết, chứ nào đi xa khỏi cái Chợ Hôm này mà biết đất Việt, ngang dọc ra làm sao? Kiếm Văn nghe Trần Văn nói như vậy, cảm tưởng mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng, nhìn trời chỉ bằng cái miệng giếng mà thôi. Thằng bé Kiếm Văn đành phải khỏa lấp, mới hỏi:
_ Trần huynh! Huynh vừa bảo với Kiếm Văn là có một món lợi. Nhưng không biết là món lợi gì? Cho dù có món lợi, thì Kiếm Văn nào phải con buôn mà so đo buôn bán. Kiếm Văn chỉ là một kẻ bốc vác kiếm sống ở nơi cái Chợ Hôm này mà thôi.
Trần Phong nghe thằng bé Kiếm Văn nói như vậy, liền đưa tay vỗ vai và bảo:
_ Kiếm Văn! Quyền cước của người huynh đệ chẳng kém ta, mà ta lại lớn hơn người huynh đệ đến mười niên. Trần Phong này ngang dọc khắp nơi, từ miệt Đàng Ngoài đến xứ Đàng Trong này, cũng không mấy nể phục một ai. Thế mà gặp người huynh đệ lại xem như người huynh đệ ruột thịt.
Trần Phong lúc này đưa mắt nhìn thẳng bé Kiếm Văn từ đầu đến chân rồi bảo:
_ Hãy khoan nói đến món lợi kia, ta trông hơn một năm không gặp người huynh đệ, người huynh đệ lại lớn tướng hơn. Nhưng không biết quyền cước của người huynh đệ có tiến bộ hay không? Hay đã bị mấy cô em ở nơi cái Chợ Hôm này hút hết tinh lực rồi?
Thằng bé Kiếm Văn, nghe Trần Phong, vị ca ca ở xứ Đàng Ngoài bảo như vậy, liền cười lớn và nói:
_ Trần ca ca! Ca ca nghĩ sao lại nói Kiếm Văn như phường háo sắc vậy?
Kiếm Văn vẫn là một vị biểu đệ của Trần ca ca như ngày nào.
Trần Phong lắc lắc đầu và bảo:
_ Cái đó khó nói lắm, anh hùng khó qua ải mỹ nhân, huống chi ta nghĩ Kiếm Văn đệ chưa phải là anh hùng, chữ sắc thấy chẳng bằng gươm đao, nhưng đã dìm bao nhiêu anh hùng thân bại danh liệt.
Thằng bé Kiếm Văn nghe Trần Phong nói như vậy, liền chắp tay mà xá một cái, rồi nói:
_ Trần Phong ca ca! Trần Phong huynh! Cái anh Kẻ Chợ, đất Thăng Long. Tiểu đệ Kiếm Văn vốn kẻ thảo mãng ở nơi thôn dã, nào biết cái gì là chữ sắc dìm chết anh hùng. Kiếm Văn chỉ là tên phu khuân vác ở nơi cái Chợ Hôm này, kiếm năm ba đồng để cho chú thím nuôi em. Giờ đây Trần Phong huynh đem điều cao xa để nói thì tiểu đệ chẳng hiểu. Nhưng Trần huynh muốn thử quyền cước thì Kiếm Văn xin hầu.
Kiếm Văn nói xong liền xuống tấn, thủ thế, mắt hướng về Trần Phong, mà miệng lại mỉm cười.
Muốn biết sự thế ra sao? Xin mời mọi người xem chương sau sẽ rõ.
Hết chương 2
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro