Cũ hơn trong lòng
Một chiều của mọi chiều, tôi lang thang, thong thả dạo qua từng dãy nhà góc phố. Những ngôi nhà lợp ngói cổ kính, vẫn chưa giũ sạch mùi xưa cũ sau mấy trận mưa lớn ngập đường. Những ngôi nhà cổ kính kết hợp với khung cảnh xưa cũ sẽ như thế nào?
Là một buổi trưa êm đềm, nắng trốn trong những con hẻm và khuất sau dãy nhà lụp xụp chằng chịt những dây điện hay một chiều hiu quạnh, ngọn đèn leo loét mùi dầu và không gian nhuốm mùi xanh thẳm của đất trời? Tôi cười cười, làm sao mà tôi biết được thời một ngàn chín trăm hồi ấy ra sao như nào. Ký ức của tôi chỉ còn sót lại vài mảnh mộc mạc cũ kỹ không đâu vào đâu. Lấm lem những bụi bặm của thời gian, những vết xước của tháng năm dài đằng đẵng. Mùi đất đỏ đường sình lầy lội những khi mưa về đã núp sau một hẻm rối rắm nào đấy.
Nắng chiều mà se se lạnh cái tiết thu hiếm thấy đâm sầm vào người rồi rít lên từng đợt nhè nhẹ, tôi tạt vào một quán nước nhỏ rôm rả bên đường. Xung quanh bây giờ bình yên nhộn nhịp quá, khác hẳn xung quanh hồi ấy trong tưởng tượng của tôi. Tưởng tượng của người sinh thời lúc hòa bình êm đềm.
Người ta bây giờ lại chẳng bảo những ông chú lớn tuổi hay bà cô về gìa lạc hậu lỗi thời sao. Ừ thì họ lạc thật, mà cũng chẳng phải họ vô tình lạc gì cho chăng đời có mấy mươi năm nhọc nhằn. Có thể do họ hoài niệm. Những thứ họ còn lại trong ký ức một chiều cũ mèm thì chẳng thể ngoắc thằng con hay một đứa nhóc nào để cố kể cho chúng cái hình ảnh cực nhọc rằng hồi xưa ba đi gánh nước, hai thùng nước đè nặng đôi vai, ì ạch đôi chân từ cái đường chưa tráng nhựa về tới nhà. Hay đó mẹ đi bán lông vịt đủ tiền chơi hội chợ.
Hẳn sẽ có những đứa con phàn nàn khi ba mẹ nó không biết dùng điện thoại, bởi trong điện thoại thì không có ánh chiều cổ kính theo chân ta về đến nhà những ngày lam lũ và những trưa hè nóng rát lưng mà nhảy cái ùm xuống sông thì sướng phải biết. Chiều trong điện thoại chỉ có những vần thơ lạ lẫm không hình bóng thân quen, và nước sông cũng không thể gột rửa cái bụi bặm đã phủ kín mái nhà trầy tróc xa kia.
Bởi thế mới nói, hai đời người cách xa có bao, chỉ mỗi cái "thời ấy, thời nay" mà đẩy người ta ra khỏi cả những vùng ký ức trùng lặp. Mỗi người một mảnh, mảnh nào mà ăn nhập với nhau thì người ta lại mừng rơn rủ vào quán tú tí vài chén cho ấm cái miền xa xôi thuở "hồi ở nhà" hay "lúc tôi đi lập nghiệp".
Bên kia bàn chỉ có những ông chú lớn tuổi, bởi chủ quán cũng là một ông bác có thời, và thời của họ thì qua mất rồi. Một tốp người "thời ấy" chìm vào hồi ức cũ hơn cả chiếc ra dô ngây ngất đã ngừng chạy được lau chùi sạch sẽ và đặt ngay ngắn trong góc quán. Như một vị khách đến từ đâu hồi mấy chục năm về trước lận. Một vị khách của thời gian không ai nỡ đuổi đi.
Tôi thích thú lắng nghe và cố hình dung ra một hồi xưa nữa, hồi xưa này lại khác hồi xưa kia và hồi xưa nọ. Còn gì thích hơn điều này nhỉ? Tôi thích những con người ấy, những con người chứa đầy hoài niệm và ký ức. Đủ để nhìn một tô hủ tiếu là lại nhớ ngay "hồi đó còn khó khăn, mỗi lần mình đi chợ được má cho ăn tô hủ tiếu là ngồi húp hết nước, chừa cục thịt ăn cuối. Mà ... Lần đó tự nhiên đâu chưa kịp ăn là con chó chỗ nào chạy tới, nó rượt con mèo, đụng vô bàn rồi làm đổ cả tô nước lèo với cục thịt còn sót lại, nó xực tuốt, mình tiếc mà nhớ quài vậy đó." Một mảnh nhỏ cũng đủ để họ nhớ thương cái mùi nước lèo thấm ngọt nước xương, giờ có đi giáp vòng cũng không biết kiếm đâu để kêu một tô húp cái rột cho nó sướng.
Có những hồi xưa nghèo túng, khó khăn, tưởng chừng như trả cho đời cái nợ ăn chơi đâu ba kiếp trước lỡ phạm vào mà vẫn thấy nó bình yên, nên thơ đến lạ. Tối trời thì phải đốt đèn, mà có ai nỡ đốt quài đâu cái ánh đèn yếu ớt soi sáng đời cho họ, người ta chẳng bảo hết đèn hết dầu thì cũng như xong đó sao. Vậy là cả nhà rồi cả xóm cả làng trải chiếu trước sân ngồi chơi. Mượn trăng làm đèn, mượn gió làm quạt, mượn đời làm vài phút xa xôi cho qua chút mệt mỏi nhưng vẫn vui vẻ đến nửa đêm, vui đến trà cũng nguội lạnh và ngọn tre thì vẫn gật gù theo tiếng cười rôm rả chèn những tiếp ngáp của bọn cu bọn tí.
***
Tôi gọi một ly trà chiều chỉ bán vào buổi chiều và nhận ra nó không khác trà bán buổi sáng là bao. Cơ mà nó vẫn có vị riêng của nó. Uống trà chiều thì mới cảm nhận được những câu chuyện kể buổi chiều và không khí nặc mùi hơi nước trước những ngày mưa to gió lớn. Tôi lặng lẽ tiến vào câu chuyện của họ, như một tên trộm tay mơ. Tôi mang những hồi xưa của họ cất thật kỹ vào ngõ nào đó đã sờn cũ bấy lâu tôi chưa đụng tới, một nơi chỉ dành riêng cho những thứ tôi trộm được và mang về. Thật ra, trên đời này chắc chỉ có mỗi "kỷ niệm, hồi xưa, nhớ thời đó" là không trộm được. Bởi lẽ dù tôi có mang nó đi đâu thì nó vẫn còn lại đó trong tâm trí một ông lão về già ước được một lần thử lại cảm giác tắm sông, leo cây và trốn ngủ trưa.
Dù sau mươi mười năm nữa, khi ánh trăng vẫn tròn, người ta vẫn còn mượn ánh sáng của nó để dẫn lối cho những buổi đêm rôm rả thì bạn vẫn có thể lắng nghe lại cùng một câu chuyện thuộc dòng họ hồi xưa, xưa đến mục nát, rách tươm.
Đúng là với mấy thứ đó thì tay trộm có cừ cỡ nào cũng đành chịu thua.
Nó không bị trộm, nhưng nó sẽ dần mất đi, rơi vào một cái rổ đen, cái rổ ấy như một kho trữ tạm thời. Và nó sẽ làm rơi rớt đi những mảnh nhỏ. Đến cuối đời, người ta chỉ còn lại một cái rổ với những mảnh loang lổ vết nứt vì sàn qua sàn lại quá nhiều lần "để tao nhớ xem, thời đó, thời mà bây chưa có ấy, sao nhỉ?...". Sau một lần sinh ra rồi đến trước ngưỡng sau một lần lại được sinh ra nhưng không cùng thời, kỷ niệm sẽ làm họ níu kéo, nuối tiếc vì sắp phải rời xa.
Một lần nữa, họ lại chìm vào trong cái rổ nhỏ tí tẹo - tài sản vô giá đã đi theo họ đến cuối đời. Họ, lại lỗi thời mất rồi!
...
Đến khi phố xá lên đèn, con đường lạnh lẽo đã xác xơ bóng người, chỉ còn sợi khói thuốc mỏng lượn lờ chưa kịp tắt trong không khí. Tôi lại nghe tiếng người ta gọi í ới đằng sau "chờ tao chút! Chút nữa thôi!" Chắc là họ vẫn chưa ăn xong cái món ăn tâm hồn lạt nhách hương vị lại đậm đà màu sắc kia. Buồn dài lê thê theo sau ánh đèn lết thết.
Khung cảnh sau mà phờ phạc, xưa cũ quá, hay tôi vẫn chưa về đến hai ngàn ngoài đường lớn thành phố kẹt tiếng còi xe?
Ông chủ quán thở dài nhập chồng ghế. Câu chuyện không đầu không đuôi mà hoài niệm đó giờ còn ai nói cười với ông?
Vô tình y chang cái ông bạn ra dô đen ngồi lì góc kia. Hay vì mải mê "lỗi thời" mà quên mất vẫn còn một ông bạn già đang sầu đời đằng đây? Thôi thì ông đành gói kĩ lại để mai về có dịp khui chung với gói cà phê hãy còn mới đằng kia vậy. Lũ bạn già và mớ chuyện mãi không cũ, ấy cũng hợp đến chẳng hiểu được.
Tôi khuất xa ông rồi biến mất trong nốt nhạc lên chưa dứt quãng...
Lòng vẫn còn ngổn ngang mớ hồi xưa tôi vừa trộm được. Thấy sao mà cũ, như một phòng trà hiện đại lại chỉ phát những bản tình ca xưa xa xưa xỉ. Xưa miền đâu đâu mà giờ có ra rạp phim cho xin vài tiếng xem lại cũng không còn.
Ấy mới bảo, người trong thời xem hồi nhỏ của họ như một bảo vật, sống đời an nhàn đằng sau nghĩ lại mới biết hạnh phúc đơn giản nhường nào.
Còn người đi sau, đành coi như bỏ lỡ một "lỗi thời" - một lỗi thời mà không kẽ lỗi đời nào muốn bỏ lỡ.
Mơ Mén
5/2019
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro