Một thời để nhớ (2)
Hè lớp 11 lên 12, tôi đăng kí 1 khóa học bơi ở trường, lại là những lời nói ấy, chúng nhăm nhe nói "TH trong bộ đồ bơi thì sẽ như thế nào nhỉ", "Nó mặc thì ai thèm ngắm", "Mặt này phải phẫu thuật thẩm mỹ thì mới có người yêu", "Người yêu của Đ, của P, của T" sau đấy là những tiếng cười khúc khích. Lần nào tôi cũng chọn im lặng rồi mọi chuyện sẽ qua. Nó chỉ qua lúc đấy thôi, nhưng những câu nói ấy được thốt ra trong suốt 3 năm học nó vẫn nằm trong tâm trí tôi đến bây giờ và cả về sau nữa. Có khi người nói như chúng nó chẳng nhớ đâu nhưng tại sao mình lại để tâm đến lạ.
Lên lớp 12 tình hình cũng không khá khẩm hơn là bao. Vẫn là ngày đi học nghe chế giễu, tối về nhà nghe chửi. Rồi lớp 12 có kì thi quan trọng là thi Đại học, tôi đi học thêm tối ngày, có hôm học đến 9 rưỡi tối, về nhà vẫn làm bài tập. Hàng xóm nhà tôi năm đấy kiểu mới mua dàn karaoke xịn nên ngày nào cũng đem ra hát, có hôm đến 11 giờ đêm vẫn còn hát, nhưng tôi nghe người ta hát còn vui vẻ hơn là nghe bố tôi chửi vì có khi gặp bài mình biết còn ngân nga được vài câu. Tôi rất thích hát, có dịp được hát, tôi được mọi người khen hát hay nên tôi cũng tự tin hơn phần nào.
Chuỗi ngày bị face shaming của tôi vẫn tiếp diễn, mức độ thì cũng chỉ có hơn chứ không có kém. Mà tôi không hiểu vì sao chúng nó lại rảnh thế nhỉ, nói suốt mấy năm trời không chán, tôi thì cũng quen rồi. Như bao học sinh khác, ngày cuối cấp mọi người sẽ bịn rịn, khóc lóc vì phải chia xa, lớp tôi cũng có vài đứa như vậy, nhưng tôi thì không, một người chẳng có kỉ niệm gì vui như tôi thì ngày đấy tôi biết tôi đã được giải thoát khỏi những lời nói mang đầy sự châm chọc, khó nghe ấy mà tôi phải nghe trong suốt quang thời gian học của mình. Tôi cũng hỏi thăm vài cô bạn về trường các bạn ấy muốn thi vào, dự định trong tương lai, vài câu hỏi bâng quơ rồi chào tạm biệt nhau ra về.
Lúc về, tôi vui lắm, đạp xe thật nhanh về nhà, cặp sách để sang một bên, tôi cầm quyển truyện tận hưởng nó nguyên ngày. Có lẽ từ ngày tôi 15 tuổi đến khi tôi 18 tuổi, hôm nay là ngày tôi cảm thấy vui nhất, thoải mái nhất, tự do nhất. Nhưng từ đấy cũng nhận thức được rằng nhan sắc quan trọng như thế nào. Sau đấy là nửa tháng ôn tập ở nhà để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.
Ngày thi Đại học cũng đến, vẫn như hồi xưa thôi, kì thi nào tôi cũng tự đi xe đến trường để gửi. Nhiều lúc muốn mẹ được nghỉ vài ngày hay chỉ là xin đến muộn thôi để chở mình đi nhưng mẹ mình lại không nghỉ được. Thấy các bạn học sinh khác được bố mẹ chở đi, chở về, ra cổng trường có bố/mẹ chờ sẵn mà lòng gợn lên một nỗi buồn không biết miêu tả làm sao.
Kết quả thi Đại học của tôi đã có, tôi thi vào trường Đại học Hàng Hải chuyên ngành Kinh tế vận tải biển. Vì sợ nỗi ám ảnh 3 trước hiện về, nên khi lên Đại học, tôi cũng biết chú trọng vào ngoại hình của bản thân hơn, đi làm tóc cho hợp với khuôn mặt, tô son mỗi khi ra đường, biết ăn diện hơn so với thời còn học cấp 3 - cái thời mà chỉ biết cắp sách đến trường rồi về nhà, không biết làm đẹp, chỉ biết cắm đầu vào học thôi. Có khi thời gian học cấp 3 tôi chưa dậy thì hết hay sao ấy, mà lúc qua 18 tuổi, da tôi lại trắng hơn, mũi không còn to như trước với tô thêm một ít son nhìn trông cũng xinh xắn hơn chút. Vì học ở Hải Phòng nên thi thoảng còn gặp lại mấy đứa cấp 3, nó khen mình dạo này khác, trắng hơn, xinh hơn. Ai rồi cũng sẽ khác mà (cười). Đấy, lắm lúc cũng muốn vô tư vô lo về ngoại hình của mình nhưng mình lại không làm được.
Giờ thì tôi đã học xong Đại học, đã ra trường và làm 1 cô nhân viên văn phòng bình thường thôi, quãng thời gian qua đã dạy cho tôi không cần để tâm khi ai nói về mình nữa rồi. Tôi không dám có người yêu vì sợ người ta biết được gia cảnh mình như vậy, họ sẽ khinh thường mình như cách mà người đời vẫn soi mói gia đình mình. Hàng ngày đi làm rồi về nhà, luôn tạo cho mình vỏ bọc là một cô gái vô tư, vui vẻ, không lo âu, không bao giờ chia sẻ điều gì liên quan đến mình nên có khi họ không dám tiếp cận làm quen. Nhưng thôi mình đang có mục tiêu là làm kiếm thật nhiều tiền, để bù đắp lại cho mẹ, mẹ dành cả cuộc đời mẹ chỉ để nuôi chị em mình khôn lớn thành người có ích như bây giờ. Còn bố thì tôi không muốn nói đến, mẹ lấy bố gần 30 năm mà bố vẫn không thay đổi, nói khéo có, nịnh có, mắng có mà không bỏ được rượu nữa thì thôi, mẹ con tôi cũng đã hết kiên nhẫn rồi.
Những dòng nhật ký này đến đây là hết rồi, cảm ơn các bạn đã lắng nghe tâm sự của mình. Cả câu chuyện tuy không được vui nhưng nó là điểm sáng trong cuộc đời mình, nó nhắc nhở mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro