Ký sự mùa chim-Lenghiabk05
Ký sự mùa chim
Chim hạ! Cha ơi, chim hạ!” Hoài chạy bổ về phía đồng Mưng, nơi có trổ đánh chim của lão Khúc. Cô vừa chạy vừa kêu, giọng Hà Tĩnh nằng nặng. Lão khúc thấy cô con dâu kêu toáng lên, chưa biết mô tê, bèn chui tọt vào lùm cây, vớ lấy mấy sợi dây cước giật liên hồi.
Năm con cò mồi đang thiu thiu ngủ, bị dây cước giật đằng đuôi, choàng tỉnh, đồng loạt vỗ cánh. Đồng Mưng sáng bừng lên bởi những đốm trắng. Lũ cò bay trên không trung, thoáng thấy đồng loại dưới mặt đất, chúng đưa mắt quan sát rồi lượn đi lượn lại mấy vòng.
“Xuống!”
Lão Khúc nói như ra lệnh.
Con đầu đàn xếp cánh. Từ độ cao trăm thước, nó vút xuống như một mũi tên. Gìơ thì không thể cưỡng lại được nữa, một con tiếp đất, cả đàn sẽ tiếp đất. Tiếng chim kêu quang quác, tiếng cánh bay rào rào, đồng Mưng như trỗi dậy, chuyển động.
Lão Khúc khoái nhất là ngồi giật dây, xem chim đậu. Cánh chim đường dài mỏi mệt, sau cú bay ngàn dặm, không phân biệt được đâu là chốn thanh bình đâu là cạm bẫy, cứ thế đáp xuống và dính chặt vào que nhựa. Thứ nhựa cây rừng được lão Khúc luyện từ đêm qua, bôi lên nửa phần trên que tre, cắm la liệt dưới mặt đất. Kiểu bày binh bố trận của lão nông có thâm niên 50 năm làm nghề đánh chim, đố con nào thoát, nếu sà xuống trổ của lão.
Trổ là nơi bẫy chim. Tháng trước, khu vực đồng Mưng cây cỏ mọc um tùm, bùn lầy nước đọng ngập đến ngang thắt lưng. Lão Khúc bảo vợ ra chợ mua mấy lọ thuốc diệt cỏ. Lão đem thuốc rải khắp đồng, chẳng bao lâu lũ cỏ chết ráo. Lão dùng liềm quơ từng nắm, đắp thành mô. Hàng chục mô nổi lên trên mặt nước, cứ mỗi mô lão cắm từ 5 đến 7 que nhựa. “Cắm thật chặt vào nhé! Nếu lỏng ra, bọn chim nó tha nhựa bay mất!”, lão dặn vợ và cô con dâu.
Hôm lão đang đắp trổ thì Chủ tịch xã đến. Hắn đứng chống nạng trên bờ thửa, doạ dẫm:
“Ông Khúc ạ! Làm trổ ở đây, nghe chừng không ổn đâu! Đồng này có người định thuê chăn nuôi cá đấy. Ông thả chất hoá học vào đấy, bố thằng cá nào sống nổi!”.
“Chậc! Thằng cha này lại vòi vĩnh. Thèm ăn của dân chứ gì!?”, Lão Khúc nghĩ. Nghĩ vậy, nhưng lão vẫn giữ thái độ nhún nhường, lão biết thằng Chủ tịch xã này hay ăn lặt vặt, đặc biệt hay thù dai.
“Tôi đơm nốt mùa chim cữ Thu này nữa thôi. Gìa rồi, năm sau, tôi chẳng còn sức đâu nữa mà đơm chim!”, lão Khúc nói.
“Mặc kệ ông- tay Chủ tịch xã lớn tiếng- Đã cảnh báo rồi, đừng trách tôi nặng tay đấy nhé!”.
Lão Khúc mỉm cười đắng ngắt:
“Dạ! Chủ tịch cứ yên tâm về đi, tối tôi sang thăm nhà ông!”.
Chỉ chờ có vậy, tay Chủ tịch xã thung thăng ra về.
Buổi tối, lão Khúc bảo vợ đi vay nóng của hàng xóm 300.000đ. Lão gói ghém kỹ tiền trong phong bì, phi thẳng đến nhà riêng Chủ tịch xã. Thế là yên chuyện!
Mải nghĩ, lão Khúc quên béng việc bắt chim ở trổ. Cô con dâu nãy giờ đứng nấp trong bụi rậm, thấy yên, nhoài người ra nhắc cha: “Cha xuống bắt chim đi, để lâu nó vùng thoát, bay mất!”. Lão Khúc giật mình nhìn xuống đồng Mưng.
Vài chục con dính nhựa chứ chẳng ít. Quê lão, chim bán từng cặp, mỗi cặp hai chục ngàn đồng. Mười cặp, hai trăm ngàn đồng. Lão nhớ đến khuôn mặt của bà vợ vui vẻ sau phiên chợ chiều, chai rượu nếp sủi tăm, mùi hành tỏi thơm lừng, chợt nhoẻn cười. Đời lão, chưa một lần no rượu, chưa một ngày thảnh thơi.
Lão Khúc cởi phăng chiếc quần dài vá chằng vá đụp, ì oạp lội xuống đầm nước. Nước ngập gần rốn, có chỗ sâu ngang ngực. Kệ! Lão bước đi phăng phăng. Lão cũng chẳng thấy đau khi phiến lá sắc nhọn cứa đứt thịt da, chảy máu. Lão gom chim vào trong chiếc lồng, dùng lông khâu mắt chúng lại. Bọn cò trắng thèm nhất là đôi mắt người. Trong làng, nhiều thợ đánh cò bị mổ lòi mắt. Một phát mổ trúng đích, máu tươi phun ra, đôi mắt mù hẳn!
Lão vỗ vỗ vào lưng con to béo nhất, giọng ôn tồn như nói với đứa con nít:
“Cậu ngồi yên đấy nhé! Lát nữa, thế nào cũng có chú cò mồi say nắng, nằm sóng soài ra, tớ sẽ dùng cậu thay thế nó!”.
Roạt! Roạt!
Tiếng động trên đọt cây bạch đàn vọng xuống. Lão Khúc ngước mắt nhìn lên, vài chú cò trắng từ đâu bay đến, lao thẳng vào khu vườn hoang sau lưng trổ của Lý Phương. Lý Phương là hàng xóm của lão Khúc, hai trổ cách nhau dăm chục mét.
“Bác ngồi yên, để em lùa chim xuống! Ngồi yên đấy nhé!”, Lý Phương nói.
Lão Khúc ngồi yên theo yêu cầu của Lý Phương, nhưng không để ý lắm đến mấy chú cò đang đậu trên cây. Đôi mắt nhìn ra phía mặt trời mọc, lão chờ đợi đàn chim lớn sắp đổ về trong sáng nay. Sáng nay, theo dự đoán của lão, chim di cư sẽ nhiều vô số, bởi hai ngày qua trời mưa dầm dề và chẳng xuất hiện một mống chim nào. Mùa chim, quãng hai ngày một, chim theo đàn từ phương đông bay đến một lần.
“Xuống rồi đấy!”, Lý Phương cất giọng the thé. Mấy con cò trắng đậu trên cây thấy động, vội tung cánh chao liệng mấy vòng rồi sà xuống đầm nước, nơi có trổ của lão Khúc. Một con khác bay chéo sang góc trổ chim Lý Phương, dính nhựa. Que nhựa Lý Phương cắm không chặt, chú chim tha bay mất. Bay được một đoạn, nó sà cánh xuống đồng Mưng, lại dính vào bẫy của lão Khúc.
Tình thế thật khó phân giải. Rõ ràng là chim mắc bẫy lão Khúc, nhưng que nhựa đầu tiên tấn công nó là của Lý Phương. Bắt nó, mang trả cho ông hàng xóm, chẳng có lý nào. Nhưng bảo nó thuộc về mình, thật chẳng đành.
Lão Khúc định bụng gọi Lý Phương sang bắt chim, nhưng chưa kịp lên tiếng thì ông ta xồng xộc chạy đến.
“Lão Khúc ạ! Đó là con chim của tôi!”, Lý Phương tuyên bố.
“Chú xuống mà bắt!”, lão Khúc nói.
Tự nhiên, lão thấy buồn ghê gớm. Một con chim, đáng gì đâu, sao lại hùng hổ thế kia. Tình làng nghĩa xóm, có khi đi toong vì ba chuyện lặt vặt, cỏn con. “Chậc! Cho quách nó đi cho rồi!”, lão nghĩ bụng. Trong thôn Rộc, lão Khúc có tiếng là người ôn hoà, hay nhường nhịn.
Lão lại đưa mắt nhìn ra phía đông, chờ đợi. Tám giờ sáng, vẫn gió Tây. Trời không đổi gió, chim không vào đất liền. Gío Tây, lũ chim cứ bay dọc theo bờ biển. Cho đến khi có gió Đông, chim trắng mới đổi hướng bay.
Hoài, cô con dâu vẫn thập thò ở lùm cây.
‘Mi không về đi cấy, còn đứng đấy làm chi?”, lão Khúc nạt.
“Con thích xem cha đơm chim! Lát nữa, con về!”, giọng Hoài lanh lảnh.
Bà Mơn, 85 tuổi, tai lành tai điếc, đi ngang qua đồng Mưng nghe cô con dâu nhà họ Bùi nói, câu được câu chăng. Bà Mơn chột dạ chống nón cười vọng sang:
“Ô hay, con Hoài, sao mày lại thích chim của cha chồng!”…
rời đột nhiên trở gió. Từ phương đông, gió mang theo hơi mặn của biển, vượt qua rặng phi lao chắn đầu làng rồi tràn ra đồng. “Đổi gió rồi, chẳng lâu nữa đâu, chim sẽ vào!”, lão Khúc nhắc Lý Phương. Lúc này, người hàng xóm họ Lý đang lội xuống đầm nước cắm thêm que nhựa.
Lý Phương ngẩng lên nhìn trời:
“Sáng nay, chim sẽ đổ bộ vào nhiều đấy!”.
Chặt thêm vài cành tre, lão Khúc quây kín chỗ ẩn nấp. Đó là chỗ lão đặt “đài chỉ huy”, xung quanh được che bằng cành tre, phi lao, từ trên không nhìn xuống nom như một lùm cây. Thợ đánh chim ngồi trong “đài chỉ huy” quan sát. Nhác thấy lũ chim từ xa, khi nó còn là những chấm trắng nhỏ li ti, thợ săn chim giật cước mớm mồi.
Chim bay cách trổ khoảng 1km, giật giây cước cho chim mồi vỗ cánh, nhưng chỉ giật vài con mồi để nhử thôi, chỉ cần báo hiệu cho lũ chim trời biết có đồng loại đang đậu dưới mặt đất, là đủ. Khi chim cách trổ chừng 500m, giật toàn bộ số mồi giăng trên đồng Mưng. Dăm bảy con cò mồi vỗ cánh, đồng Mưng chuyển động.
Chim mồi, lão Khúc chọn những con to khoẻ, có khả năng chịu nắng tốt. Chúng bị khâu tịt mắt, chân buộc chặt bằng sợi dây, sợi dây dài ba bốn gang tay cột chúng vào chiếc cọc tre cắm trên đầm nước. Đằng đuôi, một sợi dây cước dài dăm bảy chục mét nối chúng với “đài chỉ huy”. Ngồi trong “đài chỉ huy”, thợ săn chim có thể điều khiển con mồi ở xa bằng cách giật dây.
“Cách giật dây phải khéo, nếu không, sẽ thành công toi!”, lão Khúc thường dặn Hậu, cậu con trai út đang học nghề “gia truyền” của cha.
Nếu giật mạnh, bọn chim mồi ắt sẽ ngã dúi dụi xuống mặt nước. Lúc “lâm trận”, chim tung cánh đầy đồng, thợ săn chim không có thời gian lội xuống đầm sửa lại vị trí chim đậu trên cọc tre, chúng treo lơ lửng trên cọc, mỏ chúi xuống, uống no nước mà chết. Hơn nữa, giật mạnh quá thì mồi chóng mệt, không đủ sức đánh hết trận chim buổi sáng. Giật sợi dây cước vừa đủ, sao cho chim đậu trên cọc tre vỗ nhẹ cánh, mà vẫn giữ nguyên được tư thế “chiến đấu”.
Khi bầy chim lượn vòng trên không trung, quan sát, tìm chỗ đáp xuống, là lúc bọn cò mồi phải hoạt động hết công suất. Khi thợ săn phát hiện thấy chúng xếp cánh, sà xuống, là lúc ngừng tay. Trong khoảnh khắc nhạy cảm này, bộc lộ tài nghệ đánh chim của thợ săn.
Lũ cò trắng, hễ đáp xuống đầm nước, chúng thường bắt đầu ở nơi cuối gió. Sải đôi cánh trắng muốt, từng con, từng con, cứ thế bám theo nhau nương theo chiều gió và hạ độ cao. Đến cuối đồng Mưng, chúng đột ngột thay đổi hành trình, hạ cánh ngược chiều gió thổi. Nắm được qui luật này, lão Khúc đánh trăm trận, trăm thắng!
Bầy chim đáp xuống, cách mặt nước 20m, 10, rồi 5m, thấp hơn, lão Khúc buống hết dây cước, chỉ giật nhẹ sợi dây nối với con chim mồi đầu gió, ở nơi xa nhất. Nắm lấy sợi dây, rút nhẹ, vừa đủ để con chim mồi nhớm đôi cánh lên và hạ xuống ngay tức thì, kiểu nhử mồi này của tay đánh chim cự phách dường như làm tê liệt đôi mắt của lũ chim trời, buộc chúng phải hạ cánh khẩn cấp. Khi đó trên đồng, hàng nghìn que nhựa đã phục sẵn. Chim đáp xuống, lông dính chặt vào nhựa, vùng vẫy một lát chợt ngã lăn ra, bất động.
“Ông Khúc ơi! Chim bắt đầu vào rồi đấy!”, Lý Phương gọi vống sang.
“Ừ!”
Lão Khúc thong thả châm đóm, rít một hơi thuốc lào.
Hướng xuống đầm nước, điểm qua “quân số”, lão Khúc lại nhìn ra phía đông. Chỗ quan sát nằm ở góc khuất, từ đây, có thể làm chủ cả một vùng trời.
8h30’ sáng.
Vài chấm nhỏ li ti xuất hiện ở cự ly nghìn mét. “Chim bắt đầu vào rồi đấy!”, lão Khúc lẩm nhẩm nhắc lại câu nói của Lý Phương. Chữ “bắt đầu” vang lên, thật thú vị.
Vài chú chim trời bay trên không, sự kiện đó không thu hút nhiều lắm sự chú ý của lão Khúc. Lão chờ đợi những bầy chim lớn hơn, hàng chục, thậm chí hàng trăm con, nên lão chẳng thèm kích hoạt bọn cò mồi. “Các chú cứ ngồi yên đấy nhé! Ngồi yên và nghỉ ngơi cho thoải mái. Lát nữa, trận đánh sẽ hết sức hoành tráng, mặc sức mà tung hoành!”, lão Khúc như nói với bọn cò mồi đang ủ rũ đậu trên đồng Mưng. Không thấy ông chủ nháy mồi, chúng yên lặng trên những chiếc cọc tre, buồn hiu.
Đôi mắt của lão Khúc bỗng hấp háy.
Từ phương xa, một bầy chim đông hàng trăm con đang lũ lượt bay về phía đồng Mưng. Ban đầu, là dày đặc chấm đen. Càng lại gần, chấm đen chuyển sang màu trắng. Bên kia, Lý Phương cũng phát hiện thấy bầy chim di cư. Người hàng xóm manh động giật dây. Tiếng chim mồi vỗ cánh rào rào.
Kệ! Lão Khúc, tay đánh chim có hạng, vẫn án binh bất động. Lão đang ém quân chờ đợi!
1.500m, 1.300m, 1.000m. “Lại đây, các con!- lão Khúc lầm rầm-Gần thêm tý nữa, ta sẽ đưa vào mê trận!”. 900m, rồi 800m, lúc này, từ lùm cây, có thể quan sát rõ nhất cử nhất động của lũ chim trời. 700m. “Nào! Xung trận!”, lão Khúc hạ lệnh.
Quạc! quạc!
Bọn cò mồi bừng tỉnh sau chú chạm đầu tiên. Chúng đồng loạt vỗ cánh. Một vài con kêu lên thảng thốt.
Bay tới khu đầm lầy, từ không trung, chim di cư phát hiện đồng loại đang đậu dưới mặt đất, chúng hạ thấp độ cao. Con đầu đàn nghiển cổ xuống nhìn, đôi cánh vỗ chậm lại. “Kiểu gì cũng xuống!”, lão Khúc nghĩ.
Qủa đúng như lão Khúc dự đoán, bầy chim lướt qua đồng Mưng rồi đổi đường bay, vòng trở lại.
Đây là lúc lũ chim mồi phải làm việc vất vả nhất. Những sợi dây cước liên tục căng lên, chùng xuống, khiến chúng giật mình vỗ cánh. Tín hiệu chết người phát ra gọi đồng loại, khi bản thân chúng cũng chẳng hề hay biết mình đang thi hành nhiệm vụ gì. Bởi, đôi mắt đã bị khâu kín, chúng chẳng thể nhìn thấy gì nữa!
“Xuống!”
Lão khúc ra lệnh.
Con chim dẫn đàn lướt theo chiều gió, nó sà cánh xuống sát đầm nước rồi đột ngột vòng trở lại. Lão Khúc buông dây, nín thở. Chỉ cần nhấp một con mồi duy nhất. Sợi dây rung nhẹ. Đốm trắng loé sáng cuối đồng kèm tiếng kêu “quạc! quạc!” vọng vào thinh không.
Chim đầu đàn là con đầu tiên đáp xuống. Gần như buông cánh, nó rơi tự nhiên vào trổ cắm đầy que nhựa. Đôi cánh vùng vẫy yếu ớt, tuyệt vọng, chim đầu đàn kêu lên mấy tiếng thảm thiết cảnh báo đồng loại, nhưng lúc này đã muộn mất rồi.
Hàng chục con chim khác, theo quán tính, buông mình xuống đồng Mưng. Lão Khúc yên lặng ngồi trong lùm cây, quan sát. Gìơ thì bọn cò mồi im re, không nhúc nhích.
Bên kia, Lý Phương cũng đang chăm chú theo dõi “trận đánh”.
Hoài giúp cha mang mấy chục con chim cò vừa đánh được ở đồng Mưng về nhà. Cô con dâu xắn quần lên tận bẹn, phăng phăng lội qua đồng lác.
Bà Xuân đang cuốc đất ở khu vườn, chợt kêu toáng lên:
“Hoài đi mau, chim đang xuống đấy!”.
Bầy chim khoảng năm chục con, bay là là sát mặt nước, hướng tới phía trổ của lão Khúc, Lý Phương. Phát hiện thấy bóng người đi trên đồng lác, con đầu dẫn đầu bay vọt lên không trung, lập tức cả đàn vỗ cánh bay theo. Lý Phựơng đứng dưới lùm cây, chửi đổng:
“Con Hoài, ngu thật là ngu! Ai lại lội xuống đầm nước vào giờ này!”.
Với thợ săn chim, tầm 9-10h sáng là giờ cao điểm, chim sẽ liên tục đáp xuống và kỵ nhất là ai đó trong làng lội xuống đầm nước, đánh động. Lý Phương vẫn chưa hả cơn giận, hắn quay sang ông hàng xóm, cằn nhằn:
“Lão Khúc này, lão cũng ngu như bò! Lão không nhắc con Hoài!”.
“Tao quên mất!- Lão Khúc xuề xoà- Tao mải gỡ que nhựa nên quên béng đi mất!”.
Lý Phương ngoa nhất thôn, bực tức gì ai, hắn chửi một thôi một hồi rồi thôi. Chửi cho hả giận, chửi liên hồi sau đó quên đi, hắn chẳng bao giờ để bụng, chẳng thù dai như mấy tay cán bộ xã. Biết tính ông láng giềng, lão Khúc không chấp.
Khi hai ông hàng xóm lời qua tiếng lại được mấy câu, Hoài đã sang tới bờ bên kia. Những phiến lá mọc ngầm dưới nước cứa vào da thịt, làm cô chảy máu. Nước trong đầm lác rất độc, gây ngứa và đêm về da cô sẽ nổi lên những vết sưng như muỗi đốt, ngứa ngáy vô cùng.
Hoài băng qua mặt đường bám đầy bùn đất, tung tăng xách chiến lợi phẩm về nhà. Vài chục con chim cò, từng ấy đủ để cải thiện bữa ăn gia đình và kiếm thêm chút tiền trong phiên chợ chiều. Bà Huê thả cuốc, trèo qua hàng rào dâm bụt, giúp cô con dâu mang mớ chim ra sau vườn. Hai mẹ con, kẻ đi tìm rơm, người vặt lông chim, chuẩn bị làm thịt lũ chim trời.
Xưa, công việc làm thịt chim rất khó khăn. Lũ chim đánh bắt được, phải dùng tay vặt lông từng con trước khi hun khói. Mấy năm gần đây gia đình lão Khúc nghĩ ra cách mới, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhúng chim vào nồi nước sôi, nhúng như nhúng gà, vịt, sau đó đem ra vặt lông. Đem chim huơ trên bếp than hồng hoặc trên đống lửa rơm, thịt chim cháy sèo sèo, bốc mùi thơm lừng.
Đợi đến lúc phần thịt bên ngoài chuyển sang màu vàng là được, từng con, từng con, bà Huê xếp chúng thành từng cặp, buộc chân bằng sợi dây lạt, mang ra chợ bán. Hôm làng đánh được nhiều chim, giá tụt xuống 20.000 đồng/cặp chim nướng. Bữa chim khan hiếm, mỗi cặp bán từ 30.000 đến 40.000 đồng, khách tranh nhau chẳng có hàng mà bán. Nghề đơm chim lãi hơn nghề làm nông. Làm nông, cày sâu cuốc bẫm, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đầu tư nào tiền lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trăm thứ phí đổ trên đầu ruộng, cuối vụ tính ngược trừ xuôi coi như hoà vốn. Nghề đơm chim, chỉ cần đầu tư vài trăm nghìn đồng tiền vốn mua nhựa, mấy chục ngàn mua cò mồi, đơm cả vụ, có khi lãi tiền triệu.
Tiền trăm, tiền triệu, đối với gia đình nông dân nghèo như lão Khúc, lớn lắm! Vì thế, cứ đến mùa chim, lão lại vác cọc ra đồng, hì hục từ sáng đến tối. Thỉnh thoảng, lão nghe người ta nói xã này, xã kia có lệnh cấm săn bắn chim, nghe nói vậy thôi chứ ở cái làng quê nhỏ bé nghèo khổ này, chưa ai cấm. Tháng trước, lão Khúc đang làm trổ thì trên bờ xuất hiện chiếc xe con. Gã cán bộ, nom rất oách, từ trên xe bước xuống, trịnh trọng: “Cho đánh vụ này nữa thôi nhé! Tới đây, huyện sẽ ban lệnh cấm săn bắt chim để bảo vệ môi trường!”.
Lão Khúc đang bì bõm lội dưới trổ, ngâm mình dưới nước lâu ngày nên ngứa ngáy khó chịu. Mệt và bực bội, lão giơ cuốc lên:
“Định doạ tôi phỏng!”.
Người lạ mặt sợ hãi, lên xe đóng cửa cái rầm, chạy mất dép.
Tuần trước, chiếc xe con ấy lại xuất hiện. Lần này, gã cán bộ không ra oai, anh ta đi vòng sang bờ thửa bên kia, nói vống sang:
“Ông gì ơi! Sáng giờ đã đơm được con nào chưa, bán cho tôi vài cặp!”.
“Té ra, cậu cũng định theo nghề đơm chim à?”, lão Khúc hỏi.
“Dạ không, tôi mua về nhậu!”.
“Hôm trước, cậu bảo địa phương sẽ có lệnh cấm mà!”.
“Đùa ông tý thôi! Cấm thế nào được mà cấm! Chim ngon bỏ mẹ, cấm lấy gì mà ăn!”.
“Cậu làm gì ở huyện?”.
“Cán bộ địa chinh”.
Lão Khúc ghét nhất là mấy thằng phụ trách đất đai. Nghe tin tỉnh mở con đường liên xã, nhiều người trong thôn nhờ vả chỗ này, chỗ kia, xin tách hộ để được cấp bìa đỏ bìa hồng. Ai cũng nghĩ, khi con đường đi qua thôn, dự án khởi động, sẽ được hưởng đền bù đất ở nếu đất đã được cấp bìa. Diện đất ở tiền đền bù mới cao, chứ đất vườn được mấy xu!
Cạnh nhà lão Khúc, ông Năm rục rịch làm bìa đỏ cho con trai, con gái. Gia đình 10 nhân khẩu, ông làm hồ sơ xin cấp 4 bìa đất cho con. “Mảnh vườn lớn, nếu đền bù theo đất vườn, chẳng đáng bao nhiêu! Cố lên một tý, xin cho con cái bìa đất, sau này chúng nó còn có chút vốn liếng mà làm ăn!”, ông Năm nghĩ.
Cô con gái của ông Năm, vừa học xong Cao đẳng sư phạm, đang thất nghiệp, thay cha lên gặp mấy tay địa chính để nhờ vả. Gã chuyên viên tiếp cô trong phòng làm việc, hắn nhìn cô từ đầu đến chân, nửa đùa nửa thật:
“Tiền à, anh không thiếu tiền! Anh chỉ thiếu tình!”.
Hắn nhất quyết không chịu nhận phong bì.
“Nói rồi, anh chỉ thiếu tình thôi mà! Con vợ anh, nó như con sư tử ấy, em ạ! Anh thiếu thốn tình cảm, kể từ ngày lấy vợ!”.
Rồi hắn nổi hứng, đọc thơ:
“Anh đọc cho em nghe bài thơ anh làm sau ngày lấy vợ nhé. Bài này có tựa đề “Bi kịch”, anh viết về bi kịch cuộc sống vợ chồng, khi hai người sống chung với nhau mà không mảy may hạnh phúc. Sống bên nhau, đêm chung chăn gối cùng nhau mà mỗi người hướng về một nẻo, mỗi người nghĩ về một phương”.
Hắn đọc:
“Người chồng nghĩ, sai lầm lớn nhất/ Trong đời ta là cưới vợ cho mình/ Người vợ nghĩ, tình yêu mật ngọt/ Mà bây giờ, tình quá đắng cay”.
Hắn hỏi:
“Em thấy thơ anh có hay không?”.
“Hay!, Nhưng anh giúp em làm sổ đỏ đi”, con gái ông Năm giục.
“Sổ đỏ, sổ đỏ…anh thiếu tình cảm, anh chẳng thiếu tiền! Em cất phong bì đi!”.
Hắn nửa đùa nửa thật như thế làm cô thấy sợ. Miệng hắn đọc thơ mà mắt đăm đắm nhìn vào cúc áo của con gái ông Năm. Những ngón tay lóng ngóng như muốn bóp vào đâu đấy, bóp vào và giữ chặt.
Con gái ông Năm vội vã ra về. Về nhà, cô kể với cha chuyện này.
Cô nói:
“Thôi cha chịu khó đi làm đi, con không đi nữa đâu”.
“Người ta chỉ đùa thôi mà!”, ông Năm trấn an con gái.
“Nhưng con sợ!”.
Bữa trăng sáng, ông Năm sang sân nhà lão Khúc đánh đàn bầu, uống nước chè xanh. Ông kể lại chuyện này cho lão Khúc.
Lão Khúc nghe xong, bỗng cất tiếng cười ha ha.
“Con gái ông mông to vú nở, thằng đàn ông nào mà chả thích!”.
Lão Khúc ngồi xổm trên đống lá tre, vạch chòi quan sát ra phía đông. Trưa đứng bóng, tiếng chim Cuốc váng vất trong bụi rậm, buồn thảm rõ rệt. Dáng ngồi của lão, vừa khổ hạnh vừa nhẫn nại. Dáng ngồi rất nông dân!
Mùa chim, mọi giác quan tưởng chừng đã chai lỳ trong thân xác già nua của lão được đánh thức. Đêm, lão nằm không yên. Lão lắng nghe tiếng gió trở chiều, tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên, tiếng lũ cò mồi cắn nhau chí choé ngoài sân, mong cho trời mau sáng để đi ra trổ. Kinh nghiệm của một thợ săn chim lão luyện cho thấy, hễ đêm nào động trời, lũ chim mồi cắn nhau, thì ắt ngày mai chim sẽ về tràn đồng.
Lão Khúc phân ra hai loại chim: Chim di cư và chim cư trú. Chim di cư là những đàn chim bay đến từ phương đông, vào đất liền từ phía biển, cữ tháng 8 âm lịch. Tránh cái rét, chúng thường bay thành đàn lớn, vượt qua ngàn dặm tìm nơi ấm áp trú ẩn. Mỗi lúc bản tin dự báo thời tiết báo có bão hay gió mùa đông bắc, lão chuẩn bị hàng vạn que nhựa, phục sẵn ở đồng Mưng. Trước, hoặc sau khi trời trở lạnh vài ngày, thế nào chim cũng ồ ạt kéo vào đất liền.
Chim cư trú là những chú chim thoát bẫy thợ săn, chúng chỉ quanh quẩn kiếm ăn ở một khu vực quen thuộc. Đồng loại, hầu hết đã sa lưới, chim cư trú trở thành những con chim lẻ cô đơn, người dân bản địa gọi là chim rai. Hiếm hoi lắm, lão Khúc mới phát hiện thấy chúng bay từng đôi. Thường thi, chim cư trú, chim rai, cô độc một mình. Thoát nạn trong mùa mưa năm ngoái, chim cư trú thừa trí thông minh để nhận biết đâu là cái bẫy của thợ săn, đâu là cành cây nguy hiểm với những viên đạn súng hơi rình rập. Thường xuyên phải đối phó với cạm bẫy, chim cư trú khôn ngoan, đã thành tinh, đừng hòng đánh bắt được nó.
Trong làng, một vài tay thợ săn kiên nhẫn trụ lại cuối mùa, đánh chim cư trú. Nhưng với lão Khúc, lão chỉ đánh chim tháng 8. Bao nhiêu que nhựa vót sẵn, đành vứt đi, khi mùa chim viên mãn. Phần nhựa mua về chưa sử dụng, lão cất kín, để dành năm sau. Lúc này, mưa đã ngớt, những chú cò mồi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bị đưa lên thớt, thành món xào nấu thơm phức!
“Chồn cáo hết, chó săn bị thịt”. Lão Khúc căm ghét thói thay lòng đổi dạ của con người. Một thời nâng niu, nhiều khi dựa dẫm, đến lúc không ta không cần ngươi nữa thì alê, hoá thành khói bụi. Lão Khúc không như vậy. Hết mùa chim, lão bảo vợ vỗ béo cho những con chim cò mồi, vỗ béo không phải để chiều hôm đưa lên chảo rán mà là lão vỗ béo chúng để sáng mai, lão mang ra đồng thả cho chúng bay đi.
“Hãy bay đi! Bay đến một nơi thật xa, và đừng bao giờ quay lại mảnh đất chết tiệt này nữa!”.
Lão nói với những con chim cò mồi.
Nhưng biết đâu đấy, một ngày đẹp trời, chim cò mồi lại nhập đàn phương bắc quay về đồng Mưng, sà xuống ma trận của lão Khúc, Lý Phương và dính bẫy.
Luẩn quẩn!
Đúng là một vòng luẩn quẩn!
Chim trời, cá nước, chả trách được lão Khúc, Lý Phương.
Cách đây 3 năm, Lý Phương săn được một con Vạc lớn. Nó nặng dễ đến trăm lạng, trên cổ có đeo chiếc vòng cườm bằng bạc, chân trái buộc một sợi chỉ và ở đó gắn một tấm biển nhỏ màu đồng. Lý Phương chẳng hiểu mô tê, đem sang hỏi lão Khúc. Lão Khúc chữ nghĩa bập bõm, chữ ta lão còn chưa thuộc huồng gì chữ tây. Hai lão nông mang đến hỏi một thầy giáo trong làng, thầy bảo: “Chú chim Vạc bay đến từ Nhật Bản, nó được đánh số kí hiệu, chắc là các nhà khoa học đã nghiên cứu gì trên nó!”.
Chậc! Nghiên với chả cứu! Ông đây đang đói, ông cho mày vào nồi biến thành món nhựa mận thơm nức, cả nhà ông lâu rồi mới được một bữa no!
Nghĩ sao làm vậy, Lý Phương vặt lông con chim Vạc, thui lên, băm nhỏ, cho vào nồi.
Lý Phương có chú họ làm quan to ở huyện. Hôm thịt con chim Vạc, nhà họ Lý mời ông chú về thưởng thức. Ông chú ăn xong, khen lấy khen để.
Rượu ngà ngà say, ông chú bảo tài xế đánh xe ra biển hóng mát. Dọc bờ biển, san sát quán hàng bán tôm cua ghẻ mực và Cave. Ông chú làm quan to ở huyện nổi hứng tình, bèn sà vào một quán chiến đấu. Đang lúc hăng hái đi mây về gió thì Công an xã ập vào, bắt quả tang trai trên gái dưới.
Ông chú bị kỷ luật, mất chức, thất thểu về làng. Gặp Lý Phương, ông ta mắng:
“Tại mày! Chỉ tại con Vạc chết tiệt của mày mà tao ra nông nổi này!”.
Lý Phương giận tím mặt, nhưng ông ta là bậc cha chú, chẳng dám cự lại. Lý Phương hỏi:
“Tại con Vạc hay tại rượu?”
Trong bụng, Lý Phương nghĩ “Tại tính trăng hoa của ông thì có!”.
Ông chú thường dân chỉ vào mặt Lý Phương:
“Tại mày! Tại mày! Hôm đó, mày không điện mời tao về ăn thịt Vạc thì thôi, làm gì tao bị thân bại danh liệt!”.
Ông chú, sau đó bán hết vườn tược, xuôi vào Đắc Lắc buôn cà phê. Bặt tin từ đó đến nay, không quay về làng.
Làng của lão Khúc vẫn vậy, nghèo khổ và bé nhỏ. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ cho đến năm nay, 70 tuổi, lão chẳng mấy khi đi ra khỏi luỹ tre xanh. Thuở nhỏ thì chăn trâu, cắt cỏ, lớn lên học được mấy chữ phải bỏ dở nửa chừng vì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. 18 tuổi, lấy vợ. Cuộc sống gia đình túng thiếu triền miên, lão nông nghèo chẳng dám ngẩng đầu nhìn thiên hạ.
Vợ chồng lão Khúc muộn mằn, sinh được 3 đứa con, một trai, hai gái. Cô con gái đầu lòng học xong Trung cấp Tài chính, chạy vạy mãi cuối cùng cũng xin được một suất nhân viên hành chính tại Uỷ ban xã. Hậu, cậu con trai thứ học hết cấp 3, lão Khúc cắm đất, vay tiền ngân hàng cho con đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Hậu làm thuyền viên đánh cá, suốt ngày viết thư về kêu khổ. “Suốt ngày lênh đênh trên biển, cực nhọc, vất vả vô cùng. Đã vậy, bọn con phải ăn bánh bao trừ bữa. Sáng bánh bao, trưa bánh bao, chiều lại bánh bánh bao. Con khổ quá không chịu nổi nữa!”. Nghe con kêu than, lòng cha già như đứt từng khúc ruột. Lão Khúc viết thư sang, bảo: “Khổ quá, con về đi! Về nhà, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cha con đùm bọc lấy nhau!”. Hậu huỷ hợp đồng, về nước, trong khi món nợ mấy chục triệu đang treo lơ lửng trên đầu. Về được vài năm, Hậu lấy vợ.
Đứa con út của lão, cũng chỉ học được đến cấp 2, rồi bỏ. Nhà lão nghèo, cái tiêu chuẩn hộ nghèo và mấy đồng trợ cấp không đủ để vợ chồng lão nuôi con ăn học. Tiền trường, tiền lớp, bao nhiêu thứ đổ lên đầu ruộng. Năm mưa rét triền miên, ruộng lúa mất mùa, bát cơm hằng ngày cứ vơi đi, vơi đi.
Lão Khúc vẫn ngồi bó gối trên thảm cỏ, hết nhìn ra mặt nước sủi tăm, lại nhìn lên nền trời xanh thẳm. Tự nhiên, lão thấy buồn bã trong lòng.
Lão nghĩ đến món nợ tiền vay ngân hàng và cảm thấy lo lắng. Mấy chục triệu đồng, đối với nhà giàu không là cái đinh gì, nhưng với gia đình lão đấy là một gánh nặng. Trồng lúa, trồng khoai, trồng sắn, trồng rau, may ra chỉ đủ ăn. Vợ chồng lão đang sức cùng lực kiệt. Con gái rồi sẽ đi lấy chồng. Con trai thì thất nghiệp. Lão biết bấu víu vào đâu?
Lão mong mùa chim cứ kéo dài mãi, để lão kiếm thêm một ít tiền trang trải nợ nần. Nhưng càng ngày, thời tiết càng khắc nghiệt, khí hậu biến đổi khiến bầy chim di cư ngày càng vắng dần. Ngày xưa, chim về tràn đồng. Cữ tháng 3, tháng 8 âm lịch, mưa ráo trời tạnh, khu vườn nhà lão đâu đâu cũng nghe tiếng chim hót. Dưới đất thì chim cuốc, chim đa đa; Trên cây thì chim vàng anh, chim chèo bẻo, chim sả; Tầng trời dày đặc lũ cò trắng. Vàng, đen, trắng, đỏ, thoắt ẩn thoắt hiện.
Gìơ đây, mùa chim dường như qua đi nhanh hơn…
Sang giờ Ngọ, lão Khúc vẫn chưa về nhà. Những ngày nhiều chim, lão Khúc, Lý Phương, cũng như tất cả thợ đánh chim trong làng, không ai muốn rời trổ. Người chăm chú nhìn trời, kẻ lội xuống nước cắm mấy que nhựa bị chim tha mất, hoặc tranh thủ sửa lại nơi ẩn nấp…Đồng Mưng thiêm thiếp trong buổi trưa tĩnh mịch.
Trên mặt nước, hàng vạn que nhựa cắm la liệt dọc bờ vùng, bờ thửa, cả trên những bó cây lác nổi trôi. Sau hơn nửa ngày dầm mình trong nắng, nhựa chảy ra, nó không còn nhuyễn như hồi sáng sớm nên việc đánh bắt chim sẽ khó khăn hơn. Lão Khúc từng chứng kiến bầy chim cò hàng chục con sà xuống ma trận, hai cánh dính bẫy, song lũ chim chỉ cần vẫy mạnh đôi cánh là có thể bay lên, thoát chết. Biết rõ điểm yếu này nhưng thợ săn chim ở mọi miền quê không tài nào khắc phục được. Chẳng ai có đủ sức lực và thời gian để thay hàng vạn que nhựa đã cắm trên trổ. Công việc này, phải mất vài ba giờ đồng hồ.
Thao thức, trằn trọc suốt đêm không ngủ, tầm 3-4h sáng lão Khúc đã đánh thức vợ dậy. Vợ chồng lão thắp đuốc, lọ mọ dắt nhau ra đồng. Bà Huê giúp chồng quảy lồng chim mồi lon ton đi trước, lão Khúc ôm bó que nhựa trên vai, tay xách mấy cuộn dây, hướng về phía đồng Mưng. Đoạn đường từ nhà ra đồng gần một cây số, phải mất 30 phút đi bộ mới tới nơi. “Rét tháng 3, bà già chết cóng”, cái rét tháng 8 cũng tái tê người. Trong sáng mờ sương, đôi vợ chồng nông dân thôn Kiệt run rẩy bước đi dưới ánh đuốc bập bùng.
Nhà lão nghèo, đến cái áo ấm cũng không đủ mặc. Nhưng nếu có áo ấm, lão Khúc cũng không thể khoác ra đồng mà đánh chim, bởi nó vướng víu, cản trở công việc cắm nhỡ và mọi thao tác khi xung trận. Tợp một ngụm rượu lấy khí thế, lão Khúc lầm lũi ra đồng. Sau một lúc lội nước, liên tục phải đứng lên, cúi gập xuống, cơ thể lão nóng ran. Nhiều hôm, lão phải cởi bỏ quần dài, mình trần, tả xung hữu đột.
Vợ bắt đầu cắm nhựa ở hướng Nam, lão đảm nhận hướng Tây, hai người kết thúc công việc giăng bẫy ở giữa đầm, nơi lão đã đốn hết bọn cỏ, lác. Có khi, lão xung phong nhận phần việc nặng nhọc về mình, để bà Huê đi cắm mồi, buộc dây vào đuôi lũ cò. Nếu một mình lão có thể gánh vác công đoạn cắm mồi, cắm nhựa, lão chẳng từ nan. Lão chẳng muốn bà vợ chân yếu tay mềm phải lặn lội đêm hôm giữa đồng. Nhưng không có người hỗ trợ, lọ mọ từ 3h sáng đến hừng đông, cái thân già của lão không thể hoàn tất được khối công việc nặng nề kia.
Cúi xuống, nom lại phận mình, đôi khi lão thấy chán chường, ngao ngán. 70 năm gắn bó với làng quê, đáng ra, ở tuổi này lão đã được nghỉ ngơi, ngày ngày bách bộ ra đồng nhìn ngắm sông nước trời mây, hoặc ngồi trong bóng râm đọc sách, vui đùa cùng lũ trẻ. Khốn nỗi, cơm áo gạo tiền gánh nặng đè vai, sáng trưa chiều tối con trâu đi trước cái cày theo sau. Lão vẫn phải quần quật làm lụng, không ngơi nghỉ. Nhưng khi ngước nhìn trời xanh, khi mê mải ngắm đàn chim vỗ cánh, lão quên hết cực khổ. Nghề đơm chim mang đến cho lão niềm say mê, sự hứng khởi. Lão yêu đến xót xa, cảnh hừng đông và mỗi buổi chiều tà nơi làng quê yên tĩnh, nơi có cánh cò, cánh vạc rập rờn bay. Tiếng bước chân rét mướt trong đêm lạnh mưa phùn, tiếng chim vặc nhau khi trời trở gió, tiếng lá cựa mình lao xao…tất cả, tất cả đã ngấm vào máu thịt lão Khúc.
Đời lão ngắn ngủi từ đồng ruộng về nhà, từ nhà ra đồng, không đổi thay.
Lão nông đã quen sống như vậy.
Con đường đất mềm mại từ đồng Mưng về cửa ngõ nhà lão, có lẽ là con đường đất duy nhất còn sót lại ở thôn Kiệt, khi huyện, xã rầm rộ chiến dịch bê tông hoá kênh mương, nhựa hoá đường giao thông nông thôn. “Chậc! Nhựa hoá với chả bê tông hoá, chưa làm xong đã hỏng!”, lão Khúc nghĩ.
Nhưng mấy tay lãnh đạo huyện, xã lại không quê mùa lạc hậu như lão Khúc. Mấy tay cán bộ nói, bê tông hoá, nhựa hoá, tiến tới sẽ đô thị hoá làng mạc, là xu hướng đi lên của thời đại. “Tư tưởng của ai không theo kịp, người đó sẽ bị bỏ lại phía sau, trở thành lỗi thời!”, tay Chủ tịch xã lập luận. Bê tông hoá kênh mương nội đồng là để phục vụ sản xuất, chủ động nguồn nước tưới cho đồng ruộng; Nhựa hoá đường giao thông nông thôn là thay đổi bộ mặt thôn quê, giao thông thuận tiện hơn thì kinh tế xã hội làng ta xã ta sẽ phát triển.
Nghe thật chí lý, chí tình!
Đường nhựa liên thôn gần nhà lão Khúc vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng được vài năm, đã xuống trầm trọng. Từng mảng nhựa lẫn đá bung ra, thành những vũng lớn, khiến việc đi lại càng khó khăn hơn. Trên địa bàn xã cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do đường nhựa dở ẹc. Xe máy đi nhầm vào hố voi hố gà trên đường, ngã dúi dụi. Dăm bảy người sứt đầu mẻ trán mặc dù đã đội mũ bảo hiểm. “Đấy! Tôi đoán không sai!”, lão Khúc nói với mấy cụ hưu trí trong làng.
Dân kiện lên huyện.
Huyện cử thanh tra về kiểm tra việc làm đường nhựa liên thôn, phát hiện sai phạm trong xây dựng cơ bản, nhưng lờ đi.
Lại kiện lên tỉnh.
Tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành. Kết quả, tay Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã bị cách chức thẳng cánh. Một vài vị trưởng, phó phòng cấp huyện bị liên đới, kỷ luật cảnh cáo. “Mấy tay ăn vào con đường này nhiều quá, chả trách mau hỏng!”, trong xóm, ngoài ngõ, người ta đồn ầm lên.
Hệ thống mương máng sau đợt bê tông hoá, bị nước lũ phá hỏng. Nhiều đoạn mương trét bằng ximăng, sau trận lũ, chỉ còn trơ lại đá, vữa. Dọc bờ mương, gạch đá ngổn ngang. Một vài đoàn về thanh tra, kiểm tra, kết luận do thiên tai. Mà thiên tai thì khủng khiếp lắm. Mưa to gió lớn, nước chảy ầm ầm, ô tô tải đậu trên đường còn bị lật nghiêng, cái nhà to còn bị xô ngã, cây cổ thụ còn bị gãy gục, mấy đoạn bê tông vớ vẩn thôn Kiệt, ăn nhằm chi!
Chậc! Mặc kệ sự đời! Lão Khúc chẳng hơi đâu mà nghĩ đến chuyện xa xôi. Lão nghĩ gần gần. Lão nghĩ đến bầy chim, bầy cò, nghĩ đến cánh đồng mát rượi. Thế thôi. Tự nhiên, lão thấy mình nhẹ lại.
Thuý, cô con gái đợi mãi không thấy cha về ăn cơm trưa, bèn đội thúng mang thức ăn đi ra đồng. “Mẹ vừa om cho cha ấm chè xanh!”, Thuý nói. Cô thận trọng đặt thúng xuống vệ cỏ. Bên trong, tô cơm trắng phau, đĩa thịt chim rán đang bốc mùi thơm phức, bên cạnh còn có mấy quả cà đựng trong chiếc bát Hải Dương. Lão Khúc khoái nhất là món cà muối do vợ ông tự tay làm. Những quả cà vàng ươm, được ngâm lâu ngày bởi thứ nước mắm cốt miền biển, vùng đất bãi ngang. Rau ráu, rau ráu, giòn tan, ăn đến đâu biết đến đấy!
“Mấy mẹ con đã ăn chưa?”, lão Khúc hỏi.
“Dạ, lát nữa, đang sớm mà, cha!”, Thuý trả lời.
“Con về ăn kẻo đói!”, lão Khúc giục.
“Dạ! Vâng! Đợi cha ăn xong, con về!”.
Lão Khúc ngáp dài:
“Không có be rượu nào à. Bữa ăn không có chén rượu, nhạt mồm nhạt miệng lắm!”.
Thuý chợt nhớ ra, cô luýnh quýnh:
“Vội quá, con quên mất! Để con về lấy rượu cho cha!”.
Vừa ngớt lời, cô con gái đã phốc qua bờ thửa, phóng vụt về phía vườn tràm.
Lão Khúc nhìn theo con gái. Dáng nó nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. 32 tuổi, nết na, thuỳ mị, nó là thiếu nữ có tiếng ở thôn Kiệt, sao đường tình duyên cứ lận đận, long đong…
ão Khúc có cảm giác, dưới đôi cánh trắng mỏng mảnh của loài chim, như có ma lực. Những đôi cánh bay đi, kéo theo những cơn mưa bão, cuồng phong. Mưa rả rích suốt ngày đêm, khiến khu đầm lầy ngập nước.
Có khi suốt cả tuần lễ, mây không chịu vén lên. Bầu trời luôn u ám một màu chì.
Vườn tược, ao hồ, tất cả đều ngập chìm trong nước. Nước tràn vào ngõ, vào sân, ngập đến tận thềm nhà. Ngày mưa tháng rét, người già co ro bên bếp lửa, còn trẻ lại lấy đó làm vui thích. Chúng chặt chuối, kết thành bè, tung tăng bơi lội khắp làng trên xóm dưới. Tiếng cười đùa, hò reo vang dậy đất trời.
Lão Khúc bảo cậu con trai ra chợ mua mấy cheo lưới. Tranh thủ mấy ngày mưa to, chim không vào đất liền, lão ra đồng thả cá. Lão phụ trách đồng Mưng, đồng Chuôm. Hậu, con trai lão “mai phục” ở cửa ngõ nhà mình.
Nước lụt quét qua ao nhà lão, khiến mẻ cá lão Khúc thả năm trước sổng ra ngoài, bơi lội khắp vườn. Bọn trắm, mè, rô-phi bơi vào tận bậc thềm tam cấp, đầu nổi lên trên mặt nước, giương đôi mắt nhìn lạ lẫm. Hậu quây lưới từ ngõ vào tận sân, rào chắn từng gốc cây, thập diện mai phục, đố con nào chạy thoát!
Lão Khúc thả lưới, đánh cá trên đồng. Mấy cheo lưới chưa làm lão thoả mãn, lão còn dùng mảnh lưới lớn đan thành giả, đặt ở mương nước chảy xiết. Cá lớn, cá bé bơi bị nước lũ cuốn theo dòng, trôi vào cái miệng lưới giăng sẵn cuối mương. Ba mươi phút hoặc lâu hơn, lão Khúc kiểm tra một lần. Được nhiều cá, lão đổ đầy chiếc rổ, mang về cho vợ.
Ba ngày mưa, thanh niên trai tráng trong làng thi nhau đổ ra đồng. Kẻ giăng lưới, người thả câu, cất vó, vui đáo để. Nhưng nghề đánh cá không phải là nghề của lão Khúc. Nghề tủ của lão là đơm chim. Xã này, huyện này, tỉnh này, không ai qua mặt được lão Khúc. Nhiều tay săn chim cự phách nghe danh lão, có hôm còn bỏ cả buổi về thôn Kiệt xem lão Khúc trổ tài. Các tay ấy muốn học hỏi mẹo đánh chim của lão Khúc, muốn lão truyền thụ cho ít kinh nghiệm dụ bầy chim trên trời.
“Các chú xem tớ đánh chim cả năm, cũng không học được đâu! Đời tớ, là đời thứ ba gắn bó với nghề này. Đã gọi là nghề gia truyền, khó học!”, lão Khúc nói với mấy tay đánh chim cự phách.
Qủa là lão có nhiều mưu mẹo dụ chim xuống đồng, hơn hẳn bọn đánh chim hàng huyện, hàng tỉnh. Nhưng nói cho cùng, chẳng qua là lão có duyên đánh chim mà thôi. Lão như có sức hút kỳ lạ, quyến rũ chim kỳ lạ, khiến lũ chim bay trên trời cao phải xếp cánh đáp xuống đồng Mưng.
Lão lấy vợ cũng là từ nghề đánh chim.
Huê, cô thôn nữ thôn Kiệt, ngày ấy ra đồng vô tình đi ngang qua trổ chim của lão Khúc. Thấy bóng người, bầy chim trắng đang sà xuống bỗng vỗ cánh bay vọt lên. Mấy trăm con chứ không ít.
Nhìn bầy chim bay tán loạn, anh Khúc bực bội la mắng om sòm:
“Cô kia, không có mắt à! Không nhìn thấy chim đang xuống hay sao mà quang gánh đi ngang trổ?”.
Anh Khúc chửi chưa đã nư, tiếp tục chửi một thôi dài:
“Ngu như bò! Bò còn có sách trong bụng!”.
Bất ngờ bị chửi té tát, Huê đỏ mặt. Cô vừa thẹn vừa bực. Dừng lại trên đường, cô nhìn chằm chặp về phía tay thanh niên, nghĩ bụng: “Đã thế, tôi cho ông biết thế nào là lễ độ. Hôm nay, ngày mai, đố ông đơm được mống chim nào!”. Đoạn tung tăng bước đi.
Nói sao làm vậy, sáng sáng, nhằm lúc chim hạ cánh xuống trổ của Khúc, cô thôn nữ lại tung tẩy gồng gánh đi qua đồng Mưng. Lối đi là một con đường đất vắt vẻo, nằm sát trổ. Lần nào cũng vậy, bầy chim sà xuống, thoáng thấy bóng người lại đập cánh bay lên.
Tay săn chim nổi cáu:
“Cô trêu tôi đấy phỏng?”.
Cô Huê chẳng vừa:
“Chim anh, anh đơm! Đường tôi, tôi đi!”
Khúc nổi đoá:
“Cô bị đui à? Không nhìn thấy chim xuống à? Đi lại phải nhìn trước ngó sau chứ!”.
Huê đanh đá:
“Ngoa ngoắt vừa thôi! Mặc kệ các người! Ai cấm tôi đi lại trên đường!”.
Về lý, rõ ràng là Huê không sai. Cô ấy đi trên đường chứ có dẫm xuống trổ đơm chim đâu. Trong lúc đôi co, chàng Khúc ta chợt để ý đến thân hình mảnh mai của cô thôn nữ. “Kể ra, hắn cũng đẹp!”. Nuốt nước bọt đánh ực. Chàng Khúc nuốt mối hận, cũng là nuốt cả sự thèm muốn vào lòng.
“Thôi mặc kệ nó. Nó muốn đi đi lại lại, cứ đi đi lại lại. Không bắt được chim, nhưng ông đây được ngắm người!”, tay săn chim tự nhủ.
Cô Huê năm lần bảy lượt đủng đỉnh đi ngang qua trổ, cuối cùng, chẳng thấy chàng thanh niên mắng mỏ gì nữa. Hai ba ngày liền, chàng Khúc không đơm được mống chim nào, đói meo. Cô Huê nguôi chí trả đũa, nghĩ lại, chợt thấy thương tay săn chim thôn Kiệt. “Sao mình lại làm thế cơ chứ! Anh ta bực bội, la mắng om sòm, cũng có lý. Gặp cảnh này, ai cũng bực chứ riêng gì Khúc!”.
Huê đi qua trổ chim nhiều hơn. Nhưng thời điểm cô đi qua không phải là lúc chim sà xuống, mà khi xung quanh yên tĩnh, trên trời không có đàn chim nào. Những lúc đó, cô diện bộ đồ thật đẹp.
Chàng Khúc như bị hút hồn bởi thiếu nữ.
“Cô thường xuyên đi qua đây nhé!”, mấy lần, Khúc định nói vống sang như vậy, nhưng chột dạ im miệng. Không đánh được chim, đói nhăn răng.
“Này! Tôi sang chỗ anh xem đánh chim, có được không?”, Huê buông lời.
“Được!”, tay săn chim vồ vập.
Huê xắn quần lên tận bẹn, lộ cặp đùi trắng nõn nà, cô chậm rãi lội qua đầm nước. “Mẹ kiếp! Đùi cô ta trắng hơn lông chim!”, chàng Khúc lẩm bẩm.
Bước chân lên bờ thửa, Huê cúi xuống tuột cạp quần xuống mắt cá. Lúc cô cúi xuống, để lộ cặp vú trắng ngần. Chàng Khúc chưa bao giờ nhìn thấy bộ ngực con gái mười tám đôi mươi, ngẩn người ra, tim đập thình thịch.
“Anh làm sao vậy? Sao không chửi nữa đi?!”, Huê nhìn chàng trai, lại nhìn ra đồng Mưng.
“Chửi thì được gì! Chửi mãi, có lọt tai đâu!”, Khúc bỗng thở dài.
“Sao lại thở dài?”, cô Huê hỏi.
“Tự nhiên, thấy mệt!”.
“Trông khoẻ thế mà mệt!”.
Hai người ngồi bên nhau, một thoáng lặng thinh. “Cô xích vào trong này, xích vào nữa đi. Thò ra ngoài, chim nó thấy, nó không xuống đâu!”, anh Khúc bảo cô Huê khi phát hiện thấy chim bay từ xa. Vừa nói, anh vừa đưa tay kéo Huê sát vào trong lùm cây.
Cú động chạm đầu tiên khiến anh tê dại. Huê cũng vậy. 18 tuổi. Chưa một lần bị nắm tay. Người cô nóng ran lên. Những ngón tay của Khúc dường như không theo sự điều khiển của trí óc, cứ thế cầm mấy sợi dây cước giật liên hồi. Ngồi đơm chim mà ý nghĩ của anh bay tận đâu đâu. Tai anh váng vất.
“Cô không đi làm đồng à?”, anh hỏi.
“Mấy bữa nay rảnh. Em tranh thủ lúc nông nhàn, ra coi anh đơm chim!”, Huê đáp.
Mẹ kiếp! chỉ tranh thủ thôi à? Khúc cảm thấy xót xa. Cảm giác xót xa vụt qua trong thoáng chốc.
Từ nữa đó, hầu như ngày nào cô thôn nữ cũng tranh thủ ra xem anh Khúc đơm chim. Nghề đơm chim, cái cảnh anh giật sợi dây cước, tiếng vỗ cánh, bầy chim chao liệng trên đầm nước, mùi hồ hôi của anh phả ra khi Huê ghé sát vào, sự đụng chạm nhẹ nhàng…tất cả, tất cả làm cô mê mẩn.
Họ đã ở bên nhau như vậy, đã tròn hai mùa mưa bão. Những chiếc lông chim rơi vãi trên đồng làng, hoà lẫn trong bùn đất. Những que nhựa xỉn màu cũng đã cong lên trong gió rét. Bầu trời trong xanh, màu chì, rồi trong xanh...
Một chiều tháng 8 se sắt, khi mọi người đã về nhà, trên đồng chỉ còn lại tiếng chim cuốc váng vất, Huê giúp anh thu dọn lồng chim, cuộn dây cước, kết thúc một ngày đánh chim vất vả.
“Mình ngồi lại một lát được không em? Anh có chuyện muốn nói”, anh đề nghị.
“Dạ!”, Huê ngoan ngoãn.
Họ ngồi bên nhau, nhìn ra phía đầm nước tĩnh lặng.
Vài con chim lạc bầy bay qua, chao cánh xuống mặt nước. Khúc nhìn mà dường như chẳng thấy gì. Bên tai anh, tiếng gió thổi lao xao.
“Huê này…”, anh ấp úng.
“Dạ, anh nói đi!”, cô hồi hộp.
Điều anh muốn nói, là điều anh chưa nói bao giờ, chưa nói cùng ai. Khúc cảm thấy cổ họng mình nghẹn lại, anh không nói được. Huê run rẩy chờ đợi. Bàn tay cô run lên khi bứt từng cọng cỏ.
Hơi ấm lan toả.
Đột nhiên, anh nắm chặt tay cô.
Huê dường như mất khả năng tự vệ. Người cô đờ đẫn.
Anh ôm chầm lấy cô, vụng về đặt lên môi cô nụ hôn. Huê đáp trả bằng nụ hôn nồng nàn. Không gian tối sầm lại. Bàn tay thô ráp, lực lưỡng của Khúc bỗng trở nên lóng ngóng, mềm mại. Những ngón tay lần tìm, bật tung hàng cúc áo…
*-*-*
Lão Khúc yên lặng ngồi trên thảm cỏ, chỗ mà, hơn 50 năm về trước, lão lăn đùng ra sau tiếng sét ái tình.
Đồng Mưng, thôn Kiệt vẫn vậy, nghèo đói và trầm buồn. Những cánh chim vẫn bay về từ phương đông, cánh chim ma lực kéo theo bao giông tố, cuồng phong.
Lão Khúc ngồi như hoá đá trên thảm cỏ ướt. Lão cứ ngồi yên như vậy, hồi tưởng lại những ngày đã qua.
Nhà lão đông anh em. Lập gia đình tròn một năm, vợ chồng lão ra đầu làng chụm túp lều, ở riêng. Một túp lều tranh, hai trái tim vàng, lão Khúc đã sống những tháng ngày hạnh phúc bên cô vợ trẻ. Cuộc sống tuy nghèo đói, đơn sơ, nhưng cơm lành canh ngọt.
Lão Khúc thường nói với vợ:
“Đời chúng ta đã khổ vì những cuộc chia ly. Dứt khoát, mình không được để con cái phải khổ bởi cha mẹ!”.
Số là, bố lão Khúc qua 2 lần vợ. Người vợ trước bỏ đi biền biệt, để lại 5 mặt con. Cha của bà Huê chết, mẹ bà vướng vào một cuộc tình với tay lái trâu, sinh được 3 cô con gái. Cái vung méo úp lên cái nồi méo.
Một buổi đẹp trời, tay lái trâu bảo với mẹ bà Huê: “Cô ở nhà trông con, tôi vào Nam buôn bán. Có chút vốn liếng, tôi lại trở về!”. Nói xong, bèn lùa con trâu cái ra ngõ. Từ đó mất dạng.
Mẹ con bà Huê khổ cực. Họ hàng người chồng cũ không chấp nhận đứa dâu tái giá, tìm cách đuổi ra khỏi nhà. Họ xúm lại, chửi bới, gọi mẹ bà là “Con đĩ”. Có hôm, mấy người đàn ông họ Vũ (họ chồng cũ đã khuất) xông đến, lôi mẹ con bà ra gốc rơm, doạ thiêu sống. Có kẻ nảy ra sáng kiến trói chặt mẹ con bà bằng sợi dây thừng, bên tổ kiến lửa. Mẹ con bà Huê bị kiến đốt từ sáng đến trưa, ngất xỉu.
Ba cô con gái, sản phẩm cuộc tình riêng với tay lái trâu, không được mang họ Vũ, không được ghi vào gia phả họ Vũ. Mẹ bà cũng không muốn con cái mình mang tên họ của tay lái trâu, kẻ bạc tình, bèn lấy họ của mình đặt cho con.
Bà Huê thấm thía nỗi khổ từ tấm bé, nên nói với chồng:
“Đời đời kiếp kiếp, em hứa sẽ mãi chung thuỷ với anh!”.
Lão Khúc âu yếm nhìn vợ:
“Nói lời, xin giữ lấy lời!”.
Bà Huê bảo:
“Có cần cắt máu ăn thề không?”.
Lão Khúc lắc đầu:
“Không cần! Chỉ cần em giữ lời là được!”.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, vợ chồng lão Khúc sống yên ấm, hoà thuận. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Dưới túp lều tranh, lần lượt, những đứa con ra đời.
Mấy tay trung niên trong làng nói với lão Khúc:
“Làm đàn ông, suốt ngày ôm váy vợ, thật không biết thẹn! Tung cánh bay đi, trời rộng đất dài, đi với chúng tao lên miền núi đẵn gỗ, xuôi bè, kiếm được khối tiền. Có tiền, mới ngẩng đầu lên được!”.
Nghèo thì hèn. Lão Khúc thấy đám trai làng nói có tình, có lý, bèn về bàn với vợ:
“Em ở nhà nuôi con, anh theo lũ bạn xuôi bè lên miền ngược, dăm bữa nửa tháng lại về một lần. Bám đồng, bám ruộng, quanh quẩn mấy tấc đất cỏn con thế này, đói kém dài dài!”.
Bà Huê trong bụng không muốn chồng đi xa. Nhưng nghĩ đến đàn con ốm yếu, nheo nhóc, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình túng quẫn, bà miễn cưỡng gật đầu đồng ý.
Lão Khúc nói với người anh họ:
“Em lên rừng kiếm gạo nuôi vợ con. Huê ở nhà, phận đàn bà, con mọn, mọi việc lớn bé trông cậy vào anh!”.
Nói rồi xách tay nải, nhằm hướng miền Tây thẳng tiến.
Mùa Hè, nắng miền Trung đổ lửa. Tay săn chim trở thành lâm tặc, ngày ngày chui lủi chốn rừng thiêng, đẵn gỗ, chặt nứa, kết thành bè xuôi dòng Lam xuống hạ lưu bán cho các Nậu. Mỗi tháng một lần, lão Khúc đáo qua nhà thăm vợ con. Kiếm được đồng nào, lão giao hết cho vợ, chỉ giữ lại một ít tiền làm lộ phí, ăn uống dọc đường. Bà Huê sống tằn tiện, chắt góp, cuối năm vợ chồng họ xây được căn nhà mới.
Năm mưa to gió lớn, lão Khúc và đám lâm tặc bị mắc kẹt nơi sơn cùng thuỷ tận mấy tháng liền. Nước dâng trắng xoá, cầu cống bị nước lú đánh sập, bản làng thành ốc đảo, mất liên lạc với bên ngoài. Lão Khúc phải ăn sắn thay cơm trừ bữa.
Trở về thôn Kiệt, lão gầy xọp đi vì đói. Có người mách:
“Trẻ chăn trâu nhìn thấy bà Huê và ông anh họ vật nhau ngoài bờ đê!”.
Lão Khúc không tin. Lão đem chuyện này ra hỏi vợ.
Bà Huê nước mắt lưng tròng:
“Anh còn lạ gì mồm miệng độc địa của dân thôn Kiệt! Chắc họ thấy mình xây được nhà, ghen ăn tức ở, nên tung tin thất thiệt đó thôi!”.
Lão gặng hỏi:
“Thật không có chuyện đó chứ?”.
Bà Huê thề thốt:
“Trời đất chứng giám. Em mà nói dối, tròng mắt em nổ liền! Em thương anh không hết, một lòng một dạ chung thuỷ với anh, ai lại đi làm chuyện lăng nhăng bậy bạ đó!”.
Lão Khúc nói:
“Anh cũng tin là không xảy ra chuyện như làng trên xóm dưới người ta đồn thổi!”.
Gạt mối hoài nghi sang một bên, lão Khúc lại lầm lũi đi vào rừng.
Mùa nước cạn, lão khăn gói về nhà. Lý Phương chặn ngay đầu ngõ:
“Ông nên ở nhà, tiếp tục nghề đơm chim!”.
Lão Khúc ngớ người ra:
“Nghề đơm chim may ra chỉ đủ ăn. Làm lâm tặc, trong túi luôn sẵn tiền. Sao ông lại bảo tôi bỏ nghề lâm tặc?”.
Lý Phương cười mỉa mai:
“ở nhà đơm chim, ở nhà giữ vợ!”.
Nghe Lý Phương nói vậy, ruột gan lão như đứt ra từng đoạn. Nỗi hoài nghi, ghen tuông lại ập đến. Đốm lửa le lói trong tim phút chốc bùng lên thành ngọn lửa. Lão cảm thấy sôi máu.
Nhưng không bắt tận tay day tận mặt, không có chứng cứ ngoại tình, lão làm gì được mụ vợ?! Lão có thể làm gì được, khi bà vợ vẫn một giọng ngọt ngào, một anh, hai anh.
Bẵng đi vài hôm, lão đạp xe sang làng bên thăm ông bạn cũ. Về nhà, đêm, lão quờ tay sờ háng vợ, thấy nhoèn nhoẹt, lão nghi hoặc trong lòng không yên.
Nằm bên vợ, lão Khúc giả vờ ngủ say. Hơi rượu phả ra khai khai, nồng nồng. Lão giả vờ kéo gỗ, tiếng ngáy như sấm. Lúc này, bà Huê quay lưng, buột tiếng thở dài.
“Mẹ kiếp! Chắc có chuyện!”, lão Khúc nhủ thầm.
Lão muốn dựng bà vợ dậy, trị cho một trận. Nhưng lão vẫn nằm yên. Không có chứng cứ ngoại tình, đến bố lão cũng chẳng làm gì được.
Lão Khúc nghĩ ra một kế. Lão nói với vợ:
“Chuyến này, tôi đi xa, có lẽ cuối năm mới về được!”.
Giọng bà Huê buồn buồn:
“Anh lại đi?!”.
Mặt trời ngang đọt tre, lão xách tư trang ngược đường tỉnh lộ, nhằm phía miền Tây. Nhưng không như mọi hôm, lão đột ngột thay đổi hành trình, quay về thôn Kiệt khi trăng vừa lên. Đến gần nhà, lão Khúc đi tắt qua cánh đồng, lội qua trổ chim, men theo hàng rào dâm bụt. Lão dừng lại ở gốc na, nghe ngóng.
Con mực sủa hoắng lên mấy tiếng, chợt phát hiện thấy chủ, nó cụp đuôi im re.
Lão mon men đi vòng ra sau hồi, áp tai vào cửa sổ. Trong nhà chẳng có động tĩnh gì cả. Chừng vài chục phút sau, lão trở lại gốc na, ngồi phệt xuống đất, định bật diêm châm thuốc hút. Chợt cuối khu vườn phát ra tiếng ho khan.
Lom khom cúi sát xuống đất, lão đi gần như bò, lặng lẽ như con rắn trườn về phía nơi vừa phát ra tiếng động. Cạnh lùm cây lộc vừng, hai cơ thể trần truồng phơi ra dưới ánh trăng.
“Đồ đĩ rạc!”, lão rít lên qua kẽ răng.
Tiếng rên phát ra nhè nhẹ. Đúng là tiếng rên quen thuộc của mụ Huê. Không kìm nén được nữa, lão bật đèn pin, lao đến…
Thấy ánh đèn pin quét tới, đôi gian phu dâm phụ hoảng hốt bật dậy. Lão Khúc bàng hoàng nhận ra đó là vợ mình và ông anh họ.
“Khốn nạn!”, lão rít lên.
Bà Huê run cập cập, quì mọp xuống đất, vái như tế sao:
“Xin anh tha cho em!”.
“Bốp!”, lão Khúc giang tay, tát thẳng vào mặt bà vợ. Ông anh họ sợ ăn đòn, vùng chạy mất dép.
Từ bữa đó, lão Khúc bỏ nghề lâm tặc, quay trở về với nghề săn chim. Lão thành cái bóng của chính mình, âm thầm, lặng lẽ. Người ta thường thấy lão ngồi bó gối ngồi bên trổ chim. Có hôm, chẳng có mống chim nào, lão vẫn ôm bó que nhựa ra đồng. Lão muốn tìm việc gì đó làm cho khuây khoả.
“Đàn bà là vậy, không thể tin được! Sểnh mắt một tý là ngoại tình!”, Lý Phương cười nửa miệng.
Lão Khúc lơ đang nhìn ra đầm nước, trống không:
“Lũ chúng nó, đúng là không tin được!”.
Mặt hồ sủi tăm, lũ cá thia lia bơi thành từng đàn, vu vơ đớp mồi. Lão Khúc chợt để ý quan sát đám cây cỏ nổi lên trên mặt đầm. Dưới chân lão, vô số bông hoa trắng nhỏ li ti. Những bông hoa màu trắng phảng phất mùi hương, e ấp nở bên đám cỏ dại. Ra xa chút nữa là đám lau lách, lá lau sà xuống sát mặt nước, bông lau loà xoà chấm nhỏ như hạt kê, màu trắng pha màu tím. Cỏ đan vào nhau, kết thành những đám rậm rạp, là nơi trú ẩn của lũ tôm tép. Cuối đầm nước xuất hiện một con chim cuốc. Chim cuốc cô đơn độc hành đi kiếm mồi. Thoáng thấy lão Khúc, con chim cuốc nhanh chân lủi vào bụi rậm.
“Loài chim cuốc hay kêu than, nếu ai đó nhặt được một đôi chim chết bên nhau, đem về luyện thành bùa ngãi. Trai gái dính bùa, ba đời cũng không dứt ra được!”, Lý Phương kể.
“Ai bảo với ông như vậy?”, lão Khúc hỏi.
“Các cụ trong làng bảo thế!”, Lý Phương trả lời.
“Biết bao giờ mới tìm được một đôi chim cuốc chết bên nhau, rõ là chuyện hão huyền!”, lão Khúc lắc đầu.
“Các cụ bảo thế, ông tin hay không thì tuỳ!”, Lý Phương nhấm nhẳng.
Mùa mưa lại tới. Sau đợt nắng hanh, cây cối trong khu vườn gặp nước, đua nhau nảy lộc đâm chồi. Chưa đầy một tháng nữa, khắp thôn Kiệt, khắp làng Rộ sẽ bao trùm một màu xanh.
“Ông làm gì mà ngồi thộn ra thế?”.
Lão Khúc giật mình. Sau lưng, bà Hạnh xuất hiện tự bao giờ. Trên tay bà hàng xóm bưng chiếc bát tô.
“Suỵt! Bà ra đây làm chi?”, lão Khúc bối rối.
“Tôi mang biếu ông bát chè đậu xanh. Vừa nấu xong, ông ăn kẻo nguôi!”, bà Hạnh nói.
“Bà ra đây, giữa ban ngày ban mặt thế này, hàng xóm biết, người ta lại ầm lên. Khổ bà, khổ tôi!”, lão Khúc nghiêm giọng.
“Kệ họ!”, bà Hạnh ngồi phệt xuống thảm cỏ.
“Bà Huê sắp mang cơm trưa ra đấy!- Lão Khúc nói- Bà ấy mà nhìn thấy cảnh này, phức tạp lắm!”.
“Ừ, thế để tôi về!”, nghe lão nhắc đến tên vợ lão, bà Hạnh tính nước chuồn.
Loáng cái, bà Hạnh đã rảo bước ra cuối đường mòn. Lão Khúc nhìn dáng, đi tất tưởi của bà hàng xóm, lão thấy thương thương.
Bà Hạnh nguyên là giáo viên, nghỉ hưu, về nhà làm nông. Chồng bà trước đây làm nghề chăn ngựa. Một hôm đang cho đàn ngựa ăn, bị con ngựa đực đá hậu trúng vào dái, liệt dương mấy chục năm rồi. Bà Hạnh độ ấy hồi xuân, chồng liệt dương, trong người ngứa ngáy khó chịu. Bà lò dò sang nhà lão Khúc:
“Cái lão này, càng săn chim, ngày trẻ ra!”, bà Hạnh ve vãn.
“Nói trẻ thì, thực tình, tôi chẳng trẻ trung gì nữa- Lão Khúc bảo- Nhưng sức vóc tôi, còn có thể bẻ gãy sừng trâu! Mấy tay thanh niên trai tráng trong làng, nhằm nhò chi!”.
Từ bữa đó, chiều chiều, nhằm lúc bà Huê cắp rổ đi chợ, bà Hạnh lại tót qua bờ rào đi tìm lão Khúc. Lúc thì gặp lão đang cuốc đất trong vườn, lúc thì thấy lão đang ngồi rình chim. Bà Hạnh xuất hiện trong những ngày vợ chồng lão đang có “chiến tranh lạnh”, lão vừa bắt quả tang cảnh vợ ngoại tình, nên phần nào làm dịu trái tim giận dữ đang sôi sùng sục.
Thực tình, lão Khúc không muốn xảy ra cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”, bởi lão căm ghét sự phản bội. Nhưng những gì đã chứng kiến trong đêm trăng suông, cuối khu vườn tĩnh mịch đêm hôm ấy, khiến lão cảm thấy đắng cay, uất hận. “Mẹ nó chứ! Mình lao tâm khổ tứ là vì miếng cơm manh áo cả nhà, tất bật làm lụng cũng là vì vợ con, thế mà sểnh một tý, nó đã chổng mông cho thằng khác! Tệ quá! Qúa tệ!”, lão hậm hực. Lão không muốn dan díu tình cảm với bất kỳ một ai khác, ngoài bà Huê, vợ lão. Nhưng cuộc đời đưa đẩy.
Cuộc đời đưa đẩy? Thật thế không? Lão Khúc lẩn thẩn nghĩ. Cái gì đã đẩy vợ lão đến bên ông anh họ? Có phải vì lão quanh năm chúi mũi vào chuyện làm ăn, lo kiếm tiền, không đoái hoài đến vợ con, không biết dò xét tâm tư của bạn tình, khiến bà cảm thấy lạnh lẽo cô đơn nên mới đi tìm chỗ trú ngụ? Có phải vì muốn trả đũa vợ nên lão mới sa vào vòng tay của bà Hạnh? Lão không thể cắt nghĩa nổi. Nhưng có một điều lão vừa cảm nhận được, đó là sự cô đơn. Cô đơn vì niềm tin bị đánh cắp.
“Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, bà phải hết sức cẩn thận!”, lão Khúc dặn đi dặn lại bà Hạnh.
“Trời không biết, đất không biết, nếu ông không nói, tôi không nói!”, bà hàng xóm bảo.
“Nhưng ở đây tai vách mạch rừng. Làng Rộ này, khối kẻ chuyên đi nhòm ngó, mách lẻo!”, lão Khúc cảm thấy lo lắng.
“Kẻ đáng phải sợ là tôi, chứ đâu phải ông. Ông còn sợ chi nữa, bà Huê đâu trách chi được ông!”, bà Hạnh trấn an.
“Cái mụ yêu tinh này, chỉ được cái nói đúng!”, lão Khúc nhủ thầm. Gìơ thì, dù lão có giở thói trăng hoa, bà Huê cũng chả trách gì được lão.
Càng ngày, lão càng cảm thấy bà Hạnh gần gũi. Chẳng biết đức ông chồng có được chiều chuộng tý nào không, chứ lão Khúc, bà hàng xóm chăm lo triệt để. Khi thì cút rượt nếp nút lá chuối khô, khi thì chiếc bánh đa bà mua ở chợ, nắm lạc, gói nem. Đáp lại tấm thịnh tình của bà Hạnh, thỉnh thoảng lão Khúc lại biếu bà đôi chim vừa đánh bắt được trên đồng làng.
Lão Khúc đưa bát chè lên ngang miệng, húp cái đánh soạt. Lão khà lên một tiếng khoan khoái.
“Kìa ông Khúc, chim đang xuống, giật mồi đi chứ!”, giọng Lý Phương lanh lảnh.
Lão Khúc đặt bát chè lên cỏ. Vội quá, tay lão vướng mấy sợi giây, bát cháo chè nghiêng sang một bên, đổ tung toé. “Aí dà!”, lão Khúc lẩm bẩm, đưa mắt nhìn ra đồng Mưng.
Xa xa, bầy chim trắng đang bay tới. Bầy chim đông đúc, rợp kín cả một góc trời. Những đôi cánh lấp lánh trong nắng quái ban chiều.
“Dễ đến vài trăm con chứ chẳng ít!”, lão Khúc ước lượng.
Một nghìn mét. Bảy trăm mét. Năm trăm mét. Ba trăm mét…Đã đến lúc rồi đấy! Lão Khúc nắm lấy sợi giây cước, máy mồi. Trên mặt đầm, lũ cò mồi bừng tỉnh, đồng loạt đập cánh. Một vài con giật mình kêu toáng lên. Quạc quạc! Quạc quạc!...
Nhưng trái với dự đoán của lão Khúc, Lý Phương, cánh chim đường dài ngàn dặm, dù đã mỏi mệt, vẫn không chịu hạ cánh. Từng đôi, từng đôi, chúng vụt lướt qua đồng Mưng, bay về phương Tây.
Lão Khúc dõi theo bầy chim đang bay xa dần về phương Tây, lắc đầu: “Tệ thật!”
Chim trời cá nước, nhiều khi cũng chẳng biết đâu mà lường. Có bữa, từng đàn chim xuất hiện, lạnh lùng vụt qua đồng Mưng, không một chú chim nào chịu hạ cánh. Nhưng có hôm, lũ cò trắng sa xuống nhiều vô kể, thợ đánh chim bẫy được vài ba trăm con chỉ trong buổi sáng. Ngoài tài nghệ, đôi khi, lão Khúc và Lý Phương cũng phải trông chờ vào vận may.
Lão Khúc ngồi bó gối vài tiếng đồng hồ, chân tay mỏi nhừ. Gần đây, lão hay sinh ra đau mỏi cơ bắp. Tuổi già cứ sầm sập đuổi sau lưng. Càng ngày, lão càng cảm thấy mình yếu đi.
Có lẽ, cái đận lên thác xuống ghềnh, xông pha vào chốn rừng thiêng làm lâm tặc xẻ cây đẵn gỗ, dầm mình dưới nắng mưa, đã tiêu mất của lão một đoạn thọ. Cộng với cái lo ngáy ngáy về cơm áo gạo tiền, làm sức lực của một lực điền sớm xuống dốc. “Mình đã già thế này rồi ư?”, lão Khúc tự nghĩ. Đây là lần đầu tiên trong đời lão cảm thấy lo lắng cho sức khoẻ của mình.
Tiếng bước chân sột soạt bỗng làm lão giật mình. Cuối đồng Mưng, vài tay săn chim đang ngó nghiêng tìm bọn cò đậu trong rặng tre, trên vai thợ săn lấp ló khẩu súng hơi.
Lũ cò trắng và tất cả các loại chim trú ẩn quanh đầm nước luôn đứng trên cạm bẫy. Mặt đất thì la liệt que nhựa, cò mồi; Đường làng ngõ xóm nháo nhác bóng mấy tay săn chim bằng súng hơi. Loài chim thật khó tìm được nơi hạ cánh bình yên!
“Từ sáng đến giờ đánh được mỗng nào chưa, Bác?”, người thanh niên tên Toàn vác súng săn xáp lại gần trổ của lão Khúc, hỏi.
“Bữa nay chim bay vô nhiều, nhưng không hiểu sao, chẳng mấy đàn đáp xuống. Sáng giờ, chỉ bắt được chừng chục đôi!”, lão Khúc trả lời.
“Thế là khá rồi! Bọn cháu đi rạc cẳng từ 5h sáng, mới bắn hạ được vài con chèo bẻo!”, Toàn nói.
Chèo bẻo là loài chim khôn ranh. Màu đen, mình nhỏ, bay theo đàn, chèo bẻo thường có thói quen đậu trên đọt cây cao tít, khó bắn hạ. Quê lão Khúc, bọn trẻ làm bẫy chim trên cây. Chúng bắt vài con chim mồi, mổ bụng moi hết nội tạng, phơi khô, cắm trên que phi lao nhử bầy chim và quang quanh cắm vài ba chục que nhựa. Chèo bẻo, vàng anh, chim sả từ bốn phương bay tới, dính nhựa rơi xuống đất. Dưới gốc cây, thợ săn chim đã phục sẵn, chỉ việc nhặt chiến lợi phẩm cho vào giỏ.
Nhưng cách đánh chim kiểu này giờ xưa như trái đất. Bọn trai làng, đứa vào Đại học, đứa đi làm thuê trong Nam ngoài Bắc, chẳng mấy ai có đủ thời gian để trèo lên cây đặt bẫy, vừa nguy hiểm lại vừa kém hiệu quả, khi đàn chim đang ngày một thưa dần. Ngoài việc đánh chim bằng que nhựa và căng mồi như lão Khúc, Lý Phương, một tốp khác sử dụng súng hơi.
Bắn chim bằng súng hơi vừa là thú tiêu khiển, vừa là cách kiếm mồi nhậu hiệu quả. Mang theo dăm chục viên đạn chì, lùng sục làng trên xóm dưới vài giờ đồng hồ, kiểu gì cũng hạ được bọn chèo bẻo, vàng anh, chim sả hoặc chim cuốc. Thịt chèo bẻo có mùi khen khét. Vàng anh béo ngậy. Sả là loài chim hiếm, mỏ đỏ, lông ngũ sắc, nầm với măng khô hoặc chiên mỡ xèo xèo mùi vị thật thơm tho. Chim cuốc dường như chỉ hợp với món rán. Bữa khan hiếm, mấy tay thợ săn súng hơi bắn bừa vào đàn chim sẻ. Bắn tuốt! Đã gọi là tiêu khiển là bắn tuốt, bất kể đó là chim gì. Thậm chí, hứng lên, trai làng còn chĩa súng vào đàn gà.
“Bác xem, bữa nay bọn cháu bắn được con chim đất!”, Toàn khoe, anh ta vừa nói vừa mở chiếc bì cói, lôi ra một con gà trống.
“Tổ cha chúng mày, chim không bắn, sao lại đi bắn gà. Muốn chết à?”, lão Khúc doạ.
“Cũng tại con gà chết tiệt này mà bọn cháu suýt bị dân thôn Tây Hồ bắt sống đấy, bác ạ!”, Toàn bảo.
Trước đó vài giờ, hai tay thợ săn chui rúc trong một khu vườn ở thôn Tây Hồ. Toàn phát hiện thấy đàn gà đang mải mê bới cỏ kiếm ăn, định hạ thủ nhưng cậu em ngăn lại. Toàn lừa nó:
“Mày tới chỗ cây thầu dầu (đu đủ) hái vài quả, tao đói quá rồi!”.
Cậu em tưởng ông anh đói thật, bèn chui qua bờ rào trộm thầu dầu. Lúc nó đang rướn lên định hái thì bỗng nghe tiếng đẹt khô khốc. “Bỏ mẹ rồi, ông anh bắn gà!”, cậu em vội vàng quay lại. Tiếng gà kêu quang quác. Một người dân Tây Hồ kêu toáng lên: “Bớ bà con! Hai thằng kẻ trộm bắn gà!”.
Toàn chộp lấy chiến lợi phẩm. Chạy! Hai anh em nhà hắn vác súng tháo thân về đồng mưng. Tiếng kẻng nổi lên. Người dân Tây Hồ, kẻ cầm cuốc, người cầm gậy, rầm rầm đuổi theo. Anh em Toàn vọt qua bờ mương, chui vào lùm cây, may mắn thoát nạn!
“Bọn bay cứ tiếp tục bắn gà, có bữa toi đấy!”, lão Khúc nói với Toàn khi hai anh em hắn đã đi được một quãng. Giọng lão yếu ớt bị gió thổi bạt sang bên kia đồng Mưng.
Toàn và cậu em trai vừa phát hiện thấy đàn chèo bẻo hơn hai chục con đậu trên rặng cây bạch đàn, hắn lom khom đi tới. Lũ chèo bẻo khôn ranh nhác thấy bóng người, đồng loạt tung cánh bay lên. Chúng nhanh nhẹn chuyền từ rặng bạch đàn đến rừng phi lao, thoắt cái đã lộn lại lùm cây bời lời. Bời lời là tấm phên chắn cuối cùng của thôn Kiệt, ở đó có con đường dẫn tới nghĩa địa làng.
“Mẹ kiếp! Bọn bay đừng hòng thoát!”
Toàn lẩm bẩm, thúc cậu em đuổi riết đàn chim.
Lũ chèo bẻo tinh quái. Chúng lờn vờn trước mặt, y hệt như những bóng ma. Chúng chao liệng trên không, sà xuống chễm chệ ngồi trên đọt cây, đung đưa, đung đưa. Một vài con cao hứng lao sát mặt nước đớp mồi và lượn qua ngay trước mũi súng săn của Toàn, khiến cậu bực bội hết chỗ nói.
“Kiểu gì tao cũng hạ được mấy tên!”, Toàn chép miệng.
Hắn giương súng, nhằm vào chấm đen li ti nơi đầu ruồi. Gío thổi rát khiến rặng cây đung đưa. “Gío to thề này, rất khó trúng đích!”, Toàn tự nhủ. Bắn chim trong lúc trời trở gió là một công việc khó khăn.
Toàn rê nòng súng theo hướng chấm đen động đậy trước đầu ruồi. Tầm xa hơn bốn chục mét chứ không ít. Cự ly, hướng gió này, nếu không bắn vào yếu huyệt của con chim thì khó hạ được nó. Anh ta đợi đọt cây lạng sang bên trái một chút và khi nó đứng yên trong khoảnh khắc, tức thì bóp cò!
“Roẹt!...Phốc!”
Trúng rồi. Tiếng đạn chì cắm phụp vào vật cứng ngọt lịm. “Tuyệt thật!”, tay săn chim khẽ kêu lên khoái trá, mắt nhìn theo cánh chim tuyệt vọng đang chới với trên không trung. Con chim trúng thương không rơi xuống ngay, nó muốn vùng thoát!
“Để tao bồi thêm cho mày phát nữa, chắc ăn!”, Toàn nói.
Anh ta lại giương súng.
“Khéo anh bắn phải chim ma đấy!”, cậu em nhắc.
Người dân thôn Kiệt, làng Rộc, đời này qua đời khác vẫn truyền kể câu chuyện những con chim ma. Loài chim lông vũ màu vàng hoặc đen, đen tuyền, dẫn dụ và mê hoặc thợ săn chim đi theo hướng bay, cuối cùng sẽ rơi vào một cạm bẫy nào đấy.
“Làm quái gì có chim ma! Đó là những câu chuyện vớ vẩn thôi!”, Toàn mắng đứa em.
Hắn lên đạn, đuổi theo chú chim trọng thương đang vẫy đôi cánh yếu ớt thoát thân ra hướng nghĩa địa. “Rẹt!”, Toàn bắn phát thứ hai, nhằm vào chấm đen động đậy trên cành cây. Nhưng lần này, viên đạn chì bay vào thinh không.
Chú chim bị đánh động bởi phát đạn sượt qua, vội nhấc mình, lảo đảo bay đi. Lúc này, Toàn đã say mồi, cứ nhằm hướng chim bay đạp gai xông tới. Hắn không để ý đến mặt đất lởm khởm hố sâu. Những chiếc hố đen ngòm, công trình tưới tiêu chạy quanh làng từng bị nước lũ phá hỏng.
Đột nhiên, tay săn chim bước hụt. Anh ta rơi xuống hố, mặt đập vào mảnh bê tông. Ngất lịm!
Cậu em vội vàng xáp lại, vực ông anh dậy. Nó hốt hoảng cõng anh trai chạy ra trạm y tế xã.
Hai anh em họ Trương khập khiễng đi qua trổ của lão Khúc, Lý Phương. Lão Khúc nhìn khuôn mặt bầm dập của tay thợ săn, buồn bã chép miệng:
“Đúng là nó gặp phải chim ma rồi!”.
Đột nhiên, lão nhìn xuống đồng Mưng, rùng mình. Loang loáng trên đầm lác, bọn cò trắng như đang thao láo mở to đôi mắt nhìn lão…
Về thôi, bữa ni trở gió Tây, chim không xuống đâu!”, tiếng Lý Phương từ bên kia bờ mương vọng sang.
“Ừ, ta về thôi! Gío máy thế này, chẳng có mống chim nào!”, lão Khúc gật đầu. Miệng nói, nhưng mắt lão cứ nhìn đăm đắm ra phía trổ. Ngoài đó, mấy chú cò mồi say nắng, nằm thiếp trên cọc tre, mỏi mệt, xác xơ.
Lão Khúc bỗng thấy thương lũ cò mồi. Một thời sải cánh tung hoành giữa trời đất bao la, thấm mệt, sà xuống đồng lác và cuối cùng chịu cảnh cá chậu chim lồng. Những đôi mắt bị chính chiếc lông trên cơ thể chúng trói buộc, trở nên tối tăm, rơm rớm nước hoà lẫn máu tươi. Đôi chân của lũ chim cũng bị giam cầm bởi sợi dây cước buộc chặt vào chiếc cọc cắm trên cỏ lác. Với nhiều thợ săn chim, cuối vụ, bọn cò mồi sau khi đã thi hành xong phận sự tất thảy đều bị vặt trụi lông, cho vào lò lửa.
Miệng nói “Về thôi”, nhưng kỳ thực, như bao lần trước, lão chưa muốn rời đồng Mưng, cho dù đó là ban trưa nắng gắt hay chiều Thu dầm dề cơn mưa lạnh. Lão thích ngồi trước cánh đồng cỏ lác, xa xăm nhìn ra triền đê lộng gió, nghe tiếng chim cu gù trong bụi rậm hay thảng hoặc tiếng chim cuốc thở than. Lão ngồi bất động, nghĩ ngợi mông lung.
Cho đến lúc Hoài, cô con dâu xuất hiện, giục lão về ăn cơm tối, lão mới lọ mọ lội xuống nước cuốn dây cước, thu gom lũ chim mồi cho vào rọ, lần lần đi về nhà.
Trưa nay, lão chỉ ăn bát chè do bà Hạnh mang tới, chẳng cơm nước gì, nhưng cuối ngày lão Khúc vẫn không thấy đói. Ngồi trước mâm cơm, lão ăn nửa bát lấy lệ. Lão cảm thấy mệt khác thường, bèn lên giường nằm.
“Cha mệt à?”, Hoài hỏi.
“Tự nhiên, thấy đau khắp mình mẩy. Có lẽ cha bị cảm thôi, không sao đâu, sáng mai sẽ khỏi!”, lão Khúc đáp.
“Con đi mua thuốc cảm cho cha nhé! Cha không uống thuốc, làm sao khỏi bệnh được?”, Hoài nói.
“Không cần đâu, con ạ!”, lão Khúc từ chối.
Bà Huê ăn cơm tối xong, thản nhiên ngồi xỉa răng, xem phim trên tivi.
Lão Khúc bỗng thấy buồn lạnh lẽo. Từ ngày cơm không lành canh chẳng ngọt, vợ chồng già như hai chiếc bóng. Hai chiếc bóng không thể là một. Hai chiếc bóng chỉ phủ lên nhau trong những khoảnh khắc ngắn ngủi. Lão Khúc khẽ nén tiếng thở dài.
Lúc này, hình ảnh người đàn bà láng giềng thấp thoáng trong đầu. “Kể ra, bà Hạnh cũng tốt!”, lão đột nhiên nghĩ. Bà Hạnh luôn quan tâm đến sức khoẻ cũng như sở thích của lão, chăm chút lão từng li từng tý. Còn bà Huê? “Ôi chà”, lão thở dài, vẫn là tiếng thở dài khe khẽ. Vợ lão chẳng mấy khi hỏi han, chẳng thèm quan tâm hàng ngày lão cần gì. Chiếc áo lão đang mặc đã sờn vai, cái quần rách ngang đầu gối, chục năm trở lại đây, vợ lão cũng quên mất việc khâu vá cho chồng.
“Thôi kệ, nghĩ làm gì, khổ cái thân mình!”, lão Khúc tự nhủ. Lão nhớ đến đồng Mưng, cánh đồng mọc đầy cỏ lác và rộn ràng tiếng chim, tự nhiên thấy lòng mình nhẹ lại.
Ngoài hiên, mưa ầm ĩ.
Trời trở gió.
Mùa chim, thời tiết vẫn bất thường như vậy. Buổi trưa oi nồng, hơi nước từ mặt đầm bốc lên ngột ngạt, loáng cái mây mù sầm sập kéo đến che kín cả bầu trời, mưa như trút. Những cơn mưa xối xả từ ngày này qua ngày khác, mưa rả rích tưởng chừng như không bao giờ dứt.
Lão Khúc nhỏm dậy, đi ra sân xem lũ cò mồi. Gío thông thốc thổi từ đầu hè, vít cong cành cây, làm rung chuyển khu vườn. Những hạt mưa xiên chéo thả vào chiếc lồng chim, khiến lũ cò rét run cầm cập. Lão Khúc ôm chiếc lồng vào gian nhà bếp. “ở đây, các chú không lo bị ướt nữa! Nằm im đấy! Mưa to gió lớn thế này, ngày mai, các chú sẽ được nghỉ ngơi thoải mái, không phải ra đồng chong mồi!”, lão như nói với chính mình.
Con đường từ ngõ dẫn vào nhà lão, mới mưa một hồi, nước đã dập dềnh. “Nếu mưa suốt đêm, có lẽ ao cá đi toong!”, lão lầm rầm. Chống chọi với trận lũ lụt tuần trước, cha con lão đào đất be bờ, giăng lưới ngăn không cho đàn cá nuôi sổng ra ngoài. Nhưng giờ đây, nửa đêm nửa hôm, cha con lão không thể làm việc đó được.
Mưa mỗi lúc một lớn.
Bất thần, một trận gió lướt qua, khiến lão xây xẩm mặt mày.
“Mình trúng gió độc rồi!”, lão tự nhủ, bèn lê bước đi vào gian nhà trong, nằm vật xuống giường. Vợ, con gái, con trai và con dâu của lão đã ngủ từ lâu, chẳng ai hay biết gì.
Lão Khúc, dường như đã lịm đi sau khi bị trúng gió độc, giờ nằm thoi thóp trên giường. Lão cứ nằm im như vậy cho đến canh ba mới cựa mình tỉnh dậy. Trong nỗi mệt mỏi, lão nhận ra lúc này ngoài trời mưa đã tạnh.
Mơ màng một lúc lâu, lão Khúc chìm vào giấc ngủ.
Vườn cây tí tách hạt mưa cuối đêm đọng lại. Gío không phi nước đại như đầu hôm nữa, mà chậm chậm lướt qua khu vườn.
Lão Khúc mơ thấy đàn chim bay về, đậu rợp lùm cây, ngọn cỏ. Một chú chim trắng chờn vờn trước mặt lão, như khiêu khích, như mời gọi.
Lão gượng dậy bước đi, trong vô thức, lần theo cánh chim.
Cánh chim dẫn lão ra đồng Mưng. Nhưng đồng Mưng giờ đây, vừa lạ vừa quen. Chỗ lão ngồi chiều nay, thảm cỏ xanh rì đã biến mất, thay vào đó là những chiếc lông trắng muốt. Êm như nệm mà thật xót xa. Đồng lác bỗng cao vọt lên quá đầu người, trong khi hàng cây bạch đàn, phi lao, bỗng trở nên lùn tịt. Quanh mặt đầm, sương trắng quyện trong màu chim trắng, bàng bạc, mơ hồ.
Lão nhắm theo cánh chim đang bay chờn vờn trước mặt, ì oạp lội xuống đầm nước.
Đầm nước có nhiều gai sắc của những phiến lá song lạ lùng thay, đôi chân lão vẫn không chảy máu. Lão Khúc dường như đã mất hết cảm giác về sự đớn đau!
Cánh chim bay mỗi lúc càng cao, càng xa. Lão Khúc chới với đuổi theo. Lão không biết mình đang đi vào chỗ nguy hiểm, chỗ nước sâu nhất. Nơi đó, người dân làng Rộc gọi đó là Động không đáy. Đó là vùng lầy lỗi, ai đút chân vào không thể rút ra được vì chỗ lầy lội không có cái để bấu víu, để thoát thân.
Lão Khúc mải mê đuổi theo chú chim. Trong sâu thẳm tiềm thức, có tiếng nói ngăn lão dừng bước. Tiếng nói như từ trên cao vọng xuống. Lão muốn dừng lại nhưng không thể cưỡng được. Đôi bàn chân của lão giờ đây không còn tuân theo mệnh lệnh trí óc.
Lão chợt nhớ đến khuôn mặt của bà Huê, bà Hạnh, hai người đàn bà trong đời lão.
Nhưng lúc lão Khúc cần, họ đã không đến.
Lão Khúc tiến dần đến chỗ Động không đáy. Nước dâng ngang ngực, ngang cổ, nước ngập đến tận miệng. Chân lão đã chạm vào lớp đất mềm nhũn, nó lọng bọng như một lớp dầu. Quay đầu là bờ. Nhưng giờ đây, lão không thể quay đầu!
Lão cứ chìm dần, chìm dần.
Và lúc ấy, cánh chim bỗng nhiên mất hút!
-------------*-*-*--------------
Tôi về thăm làng Rộc khi mùa chim viên mãn. Lão Khúc không còn nữa.
Người ta phát hiện thấy lão nổi trên đồng Mưng. Hai cánh tay của lão dang ra, chới với như hai cánh chim.
Lão đã về với đất, cỏ cây, như bao người dân làng Rộc kết thúc hành trình mưu sinh với bao ngọt ngào, cay đắng.
Nơi lão yên nghỉ không có mộ chí. Người dân quê tôi chẳng mấy khi đặt mộ chí cho người đã khuất. Nó cao hơn một chỗ đất bằng phẳng, để người thân nhận biết rằng, dưới đó, từng là một kiếp người.
Trên nấm mộ mọc đầy cỏ dại, hai bông hoa lặng lẽ nằm bên nhau.
Chiều chiều, có hai người đàn bà vẫn thường đến viếng mộ lão Khúc.
Quang Long
...(Hết)
................0.0.0................
hoannt [[email protected]], 09.09.2009, 07:12am: Tôi bị Ký sự mùa chim cuốn hút và chăm chú đọc một mạch hết 10 kỳ. Giọng văn nhẹ nhàng, bố cục chặt chẽ, lối kể chuyện thực tế, hấp dẫn, thỉnh thoảng liên hệ đến những thói hư, tật xấu, những bất cập, tồn tại của đời sống xã hội…anh Quang Long đã cho đọc giả thưởng thức Ký sự rất thú vị. Có một vài chi tiết, theo tôi là chưa hợp lý trong tình tiết. Tôi mạnh dạn góp ý để anh Quang Long xem xét, mai mốt xuất bản thành sách “Ký sự mùa chim” anh nha. Ví dụ: - Ở Kỳ 1, tác giả nói: “Kiểu bày binh bố trận của lão nông có thâm niên 50 năm làm nghề đánh chim, đố con nào thoát, nếu sà xuống trổ của lão”. Nhưng ở Kỳ 5 lại có chi tiết tác giả nói “…Lão Khúc từng chứng kiến bầy chim cò hàng chục con sà xuống ma trận, hai cánh dính bẫy, song lũ chim chỉ cần vẫy mạnh đôi cánh là có thể bay lên, thoát chết”. Hai chi tiết này có mâu thuẫn chăng!? - Ở Kỳ 9 khi tả cảnh Toàn dùng súng hơi bắn chim chèo bẻo, tác giả viết: “…Toàn rê nòng súng theo hướng chấm đen động đậy trước đầu ruồi. Tầm xa hơn bốn chục mét chứ không ít…...tức thì bóp cò! “Roẹt!...Phốc!” Trúng rồi. Tiếng đạn chì cắm phụp vào vật cứng ngọt lịm” Khoảng cách chừng 40m mà nghe “Tiếng đạn chì cắm phụp vào vật cứng ngọt lịm” thì e rằng không chính xác. - Ở Kỳ cuối có chi tiết “Vườn cây tí tách hạt mưa cuối đêm đọng lại. Gió không phí nước đại như đầu hôm nữa, mà chậm chậm lướt qua khu vườn”. Người ta thường nói “Ngựa phi nước đại”, còn “Gió phi nước đại” e rằng mới quá! - Và toát lên ở Ký sự mùa chim, người đọc vẫn cảm nhận được ở Lão Khúc sự chịu thương chịu khó, thương vợ, thương con (rất nhiều chi tiết trong Ký sự đã nói lên điều đó). Nhưng “Cuộc đời đưa đẩy? Thật thế không? Lão Khúc lẩn thẩn nghĩ. Cái gì đã đẩy vợ lão đến bên ông anh họ? Có phải lão quanh năm chúi mũi vào chuyện làm ăn, lo kiếm tiền, không đoái hoài đến vợ con, không biết dò xét tâm tư của bạn tình, khiến bà lạnh lẻo cô đơn mới đi tìm chổ trú ngụ? Có phải vì muốn trả đũa vợ nên lão mới sa vào vòng tay của bà Hạnh? Lão không thể cắt nghĩa nổi…”. Tác giả đã dụng ý dùng liên tiếp những câu hỏi quay cuồng trong suy nghĩ Lão Khúc. Và vì vậy, theo tôi không nên để nhân vật chính Lão Khúc ngoại tình với bà Hạnh (dù chỉ là ngoại tình trong ý nghĩ). Vì thực tình, “lão Khúc không muốn xẩy ra cảnh “ông ăn chả bà ăn nem”. Nếu được như vậy thì có lẻ hình ảnh Lão Khúc sẽ đẹp hơn, sẽ nâng cao hơn tính giáo dục và đậm sâu hơn trong tâm trí bạn đọc ở Ký sự mùa chim./.
................0.0.0................
Quang Long [[email protected]], 09.16.2009, 11:15am Năm nay, chim không nhiều như băm ngoái. Chim năm ngoái lại ít hơn chim năm trước. Mỗi mùa qua đi, đàn chim càng trở nên hiếm hoi. Ký sự mùa chim tôi viết, với bộn bề kỷ niệm trong hai tháng ôm que nhựa đi bẫy chim ở Nghi Lộc, bài đã đăng trên tạp chí Tri Thức Trẻ chuyên san của báo Tiền Phong. Tới đây, sẽ in thành sách. Thực ra, loạt bài này giống như một truyện vừa thì đúng hơn là một bài ký. Đây cũng là bước tiến của tôi trong nghiệp văn, nghiệp làm báo của mình, tôi muốn thử sức và tiếp cận với thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết. Hôm gửi bài cho Cuonggianonline, tôi định gửi bút ký Dưới Bóng Lam Hồng viết về xã ta, nhưng mail nhầm file. Dưới Bóng Lam Hồng đã in thành sách. Đó là tình cảm của một người con Cương Gián với quê hương. Xin cảm ơn các bạn đã chia sẻ!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro