1.
- Bà còn ở đó làm cái gì? Đi vô nhà !
Tiếng ông Sáu sang sảng, bà Sáu mắt mũi đỏ hoe lủi thủi đi vào nhà, mấy thằng trong chòi giữ lúa sát nhà ông Sáu nghe vậy ra dòm dòm, nghĩ bụng, chuyến này chú Tư tiêu rồi, coi bộ ông Sáu giận dữ lắm.
Nhà bốn đứa con, ông Sáu thương có mình chú Ba, tại vì chú Ba biết kiếm tiền, chú đi theo cậu Đại chạy việc 2 năm, về nhà học được mánh, đóng cái ghe nhỏ lái xuống Cà Mau bỏ bánh, bốn bữa về nhà đậu mấy ngày, mỗi lần về đưa cho ông Sáu ít tiền làm phí sinh hoạt, lấy lòng ông Sáu, ổng vui, nên đi đâu cũng khoe thằng Ba tài giỏi, nói thằng Tư dốt đặc, ở nhà đào ao nuôi cá, bươn đất trồng mía, nhưng mà mùa trúng mùa lỗ, nhỏ Hai với nhỏ Út lấy chồng theo chồng, ngày Tết ngày Giỗ mới về, mà về cũng mua quà bánh gửi tiền cho tía, nên ổng không mấy nhắc tụi nó. Chỉ tội nghiệp chú Tư, làm cái gì cũng không vừa mắt ổng, ông Sáu la hoài, bà Sáu nói đỡ liền mắng luôn bà Sáu, chú Tư lấy vợ không hạp ý ổng quát qua nhỏ dâu, vợ chồng chú đẻ đứa con trai coi dễ thương hơn con chú Ba ổng cũng chửi luôn cháu nội, hai bữa quậy một bữa, nửa tháng đòi đuổi đi một lần. Tối qua chú Tư đi đám về nhậu xỉn, ở bên sông gọi vợ bơi xuồng qua rước, nửa đêm la om sòm làm ông Sáu nằm trong mùn giận run tay, trời chưa hửng sáng ổng đã gom đồ đạc chú Tư mua trong nhà thành một đống, chờ vợ chồng cả nhà chú thức rồi lớn tiếng tống hết đi.
Hưởng dựa trong lòng mẹ, hai mẹ con ngồi trước mũi xuồng, đồ đạc chất ở giữa, tiếng máy dầu chạy thùng thụt nghe mà nhức lỗ tai, nước hai bên hông rào rào tạt vào cái mặt ngáy ngủ của Hưởng, làm cậu dụi mắt hoài, chút xíu tía lại tắt máy gỡ rác, khi thì gỡ cái bọc ni lông, khi thì tháo bụi lục bình, chạy qua mấy cây cầu khỉ, Hưởng thấy cái vó cá quen quen, cậu biết tới nhà ai nên lòm còm đứng dậy hô "bà ngoại", má giữ lấy chân Hưởng, tía tắt máy rồi cập xuồng ngay bến, bà ngoại trong bếp nghe tiếng cháu, chụm cây củi vô lò rồi lịch bịch chạy ra ngoài.
- Hưởng hả bây? Ôi cháu ngoại về thăm tui nè.
Mẹ Hưởng gượng gượng cười, đâu chỉ về thăm, còn xin ở đậu dài dài nữa.
. . .
- Anh Mẫn, anh Mẫn, nhà anh người một bầy luôn, đang nói chuyện ở trỏng ý.
Cái Mén hồn nhiên nói.
Thằng nhóc đứng cạnh cao hơn Mẫn một cái đầu, miệng ngậm cọng lúa non, tóc lưa thưa phủ trước trán, mặt mũi sáng sủa, mà cũng không sáng bằng da nó, thằng này chắc chuyên môn đi chơi không đội nón, tóc cháy nắng thành một màu vàng lợt, nó hơi ngó vô trong, hiếu kỳ hỏi.
- Ai tới hả?
Mẫn nhìn tới cái xuồng đậu dưới bến, nó nói.
- Cô Hai tao. Có thằng con cỡ tao nữa, bà nội thương nó lắm, nó tới là sai tao bắt gà nấu cháo, biểu tao dắt nó ra đồng chơi, thiệt mệt, chắc tao qua nhà thằng Hải trốn, mày đi chung không?
Thằng nhóc đầu vàng chấp tay đi về hướng nhà của Mẫn, nó nói vọng lại.
- Mày đi trước đi. Tao vô nói Bác Hai qua khui hụi.
- Ừa.
Nhóc đầu vàng đi tới sân, liếc thấy nhà trên đông người, nó tiu nghỉu đi xuống nhà dưới, kiếm không thấy bác Hai, chỉ thấy một thằng nhỏ đang cặm cụi viết chữ trên ván, nó cất tiếng hỏi.
- Tui kiếm bác Hai Phước, ông biết đâu không?
Thằng nhỏ ngẩng đầu lên, hai má cậu phúng phính hồng hồng, khuôn mặt cậu nhỏ xíu, mà hai mắt thì vừa to vừa tròn vừa đen, y như hai viên ngọc trai chị Bích đeo lỗ tai hồi Tết, cậu chớp chớp mắt nghĩ, hai viên ngọc đó khép lại rồi mở ra, mí mắt cậu cong cong, dày cợm, làm thằng nhóc đầu vàng cứ đắm đuối nhìn mãi.
- Bà ngoại ở sau vườn cho gà ăn.
Hưởng chỉ chỗ cho nhóc đầu vàng, còn thằng đó thì đứng như trời trồng, nó nghĩ sao mà giọng Hưởng dễ thương quá, giống inh tiếng gió mỗi khi thổi qua đồng cải, mấy ngọn hoa trắng trắng tạt vào nhau, phát ra giàn âm điệu mỏng tang mà nghe êm tai phải biết.
Hưởng thấy nhóc đầu vàng đứng yên không động đậy, cậu nghĩ thằng đầu vàng không biết chỗ, nên leo xuống ván mang đôi dép quai kẹp màu xanh đọt chuối, ngoắc ngoắc tay kêu thằng nhỏ đi theo mình. Đầu vàng mặt ngơ ngác đi sát bên Hưởng, đứng gần mới thấy, thằng đó trông nhỏ con, vậy mà lại cao hơn đứa học lớp 9 như Hưởng một tí. Chắc ảnh học phổ thông, Hưởng nghĩ. Cậu dẫn đầu vàng ra sau vườn, bên trái có chuồng gà, bên phải có chuồng heo, ở giữa phơi một đống củi lớn. Hưởng và đầu vàng đi vòng qua đống củi tới chuồng gà, thấy bà ngoại đang đứng rải thóc miệng lầm bầm cục tác cục ta, Hưởng gọi ngoại một tiếng, mấy con gà đang ăn yên lành bị tiếng Hưởng dọa bay loạn xạ.
- Anh Quốc !
Cái Mén không biết ở đâu từ trong chuồng chui đầu ra, trên tay ôm mấy quả trứng gà tròn lủm, em hét lớn khi thấy thằng nhóc đầu vàng, giơ hai tay ra khoe trứng em mới lụm, chắc bác Hai mượn em nó, chỉ cô bé 6 tuổi như nhỏ Mén mới chui vừa cái chuồng gà của bác.
- Giỏi.
Quốc nhíu mày tặng một ngón cái cho cô bé, cái Mén cười híp mắt đáp lại, Quốc cũng cười cười quay qua chỗ bác Hai.
- Má con nói bác Hai qua nhà má khui hụi.
Bà Hai Phước vỗ vỗ bàn tay phủi bụi thóc, nói.
- Ừa, tao qua bển liền.
Dứt lời bà xoay qua cái Mén.
- Mày lụm xong để vô khạp gạo cho bác, lựa hai trứng trọng trọng đem về luộc ăn.
- Dạ.
Cái Mén vui vẻ trả lời, lại chui vào trong chuồng gà bộ dáng cực kỳ chăm chỉ.
- Nắng gắt quá, vô nhà vô nhà.
Bà Hai Phước tháo nón lá trên đầu úp lên đầu Hưởng, xua tay đuổi hai đứa Quốc Hưởng vô nhà, cúi người thả ống quần xuống tà tà đi về hướng khác.
Đám thằng Quốc xưa nay đi chơi không mang dép, tối tối về nhà súm lại ra cây nước bơm một thùng rồi lấy bàn chải chà chân, rửa dép sạch sẽ đặng đi ngủ. Riết thành quen, đi chân trần đạp miểng chén mấy lần cũng không chừa. Nó thong dong dẫm lên vỏ ốc trên đất kêu rộp rộp, Hưởng nghe mà toát mồ hôi.
- Anh Quốc.
Quốc khựng người lại, quay đầu thì thấy Hưởng đi đằng sau đang cầm tay nó, mặt nó thoắt cái đỏ như đám ớt tía nó trồng sau nhà, tim nó thót cái nhẹ tênh, mà chỉ nghe Hưởng nói ba chữ xanh rờn.
- Cứt gà kìa.
Quốc cúi xuống, may mà chưa có đạp, nó mắc cỡ nói cảm ơn với Hưởng, lòng thầm thề từ nay về sau dép còn người còn, cho nên đó là lần cuối cùng người ta thấy thằng Quốc con ông trưởng xã đi chân đất.
Về tới nhà, Hưởng như cũ trèo lên ván gom tập vở thành chồng, Quốc đứng ở cửa sau, khoanh tay nhìn Hưởng vụng về dọn dẹp, không biết nghĩ ngợi cái gì, tự nhiên nó nói.
- Quên nữa, ông đừng có học con Mén kêu tui anh, ông tuổi con gì, tui tuổi sửu, ông lớn hơn hay nhỏ hơn tui?
Hưởng nhìn chằm chằm nó, liếm liếm môi, chắc là thói quen, mà cái thói quen này làm máu trong người thằng Quốc sôi xèo xèo. Hưởng trả lời nó.
- Tuổi hợi.
Quốc không ngờ cậu ốm nhom vậy mà lớn hơn nó hai tuổi, nó lại bảo.
- Thấy chưa, ông lớn hơn tui hai con giáp lận, tui kêu ông bằng anh mới đúng, kêu anh he, ông tên gì?
- Hưởng.
- Hưởng ! Tên đẹp đó, mấy đứa ở đây tên toàn số không à, hiếm ai tên đẹp lắm, may mà má tui coi cải lương, phái ông nghệ sĩ gẩy đàn nên đặt tui tên Quốc.
Quốc trầm trồ làm cậu ngượng đỏ mặt, còn nó giả bộ không thấy, khen càng bạo hơn.
- Mà Hưởng cũng đẹp nữa, tay chân trắng bóc, anh biết chữ không?
- Biết.
Hưởng gãi gãi tai. Nó lại bắt đầu cảm thán.
- Giỏi dữ, tui không biết, mấy đứa trong xóm cũng không đứa nào biết, bữa nào anh dạy tụi tui học chữ he?
Thằng Quốc nói nhẹ te mà khiến Hưởng giật mình, ánh mặt trời màu đỏ sau lưng cậu men theo cái lỗ trên vách nhà chiếu lên nụ cười của Quốc, vừa đẹp vừa rạng rỡ, Hưởng nhìn trân trân, liếc thấy Quốc chờ mình trả lời, cậu lắp bắp.
- Nhưng... mà tui ... không giỏi... cho lắm.
- Giỏi giang gì, đọc được là hay rồi, để mai mốt mua nước mắm cũng biết trên chai viết cái gì.
Hai đứa nhỏ tám hết chuyện trên trời dưới đất tới chuyện quá khứ tương lai, nói tới lúc cò trắng kéo cả đàn bay về, gà con trốn trong cánh gà mẹ kiếm hơi ấm, ếch nhái ngoài ruộng mở hội râm ran, vạt nắng cuối cùng cũng dần tàn lụi trên song cửa, cái Mén tập tễnh đứng trước sân gọi anh Quốc của em về ăn cơm, ánh đèn bình chiếu sau lưng em một cái bóng bé xíu, cùng em đợi anh Quốc ra cõng về nhà.
Quốc chọn đường vòng nên xa hơn, tại nó muốn đi qua đồng cải, nghe tiếng gió thổi làm lòng nó bình yên lạ thường, nó đứng trên bờ hít một hơi rồi cười như thằng ngốc, cái Mén bám trên lưng nó cũng bảo vậy, nó mặc kệ, cứ nhắm mắt hít lấy hít để, dù chưa tới mùa hoa, đồng cải bây giờ chỉ là một ruộng nước bập bềnh bông muống biển, nó vẫn thấy bình yên, thấy tự tại như mùa hoa đang chín, bởi vì giờ nó không cần chờ hoa nở, nó chỉ việc nói chuyện với Hưởng, có lẽ nó sẽ kêu Hưởng hát, có lẽ Hưởng sẽ hát cho nó bài ca mà nó chưa từng nghe, và có lẽ nó sẽ thương Hưởng mất.
. . .
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro