Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

01

Bà cụ gọi điện thoại đến, nói trên đường có mấy cây trúc bị đổ, cản trở đến việc lái xe, bảo tôi đi bộ lên.

Tuyết vừa mới rơi, đi trên con đường làng một hồi khiến giày dính đầy bùn đất, tôi chán nản thở dài, đây là đôi giày mới mà. 

Đến lối rẽ trên con đường dốc, tôi nhìn thấy mấy cây trúc đang nằm la liệt, nghiêng ngả đủ kiểu đó. Đứng giữa rừng trúc thưa thớt là một ông lão gầy gò nhỏ bé, như thể hòa được vào với rừng trúc ấy. Ông lão đeo một cặp kính gọng vàng, mặc một chiếc áo khoác dày màu tối, điều thú vị là ông lão còn đội một chiếc mũ nồi dạ lỗi thời. "Thời nay còn ai đội mấy cái mũ kiểu này nữa chứ." Tôi khẽ bật cười, buồn cười thật đó. 

Ông lão nhíu mày ưu sầu nhìn đống trúc đó, ngón tay đang ước lượng từ trên xuống dưới. Thấy chúng tôi đi tới gần, ông lão tháo mũ xuống, mỉm cười xin lỗi với chúng tôi. 

Hóa ra đây là một ông lão lịch thiệp. 

Bà cụ ở trong nhà nghe thấy tiếng bước chân liền đi ra đón chúng tôi, sự niềm nở bộc lộ hết ra trong lời nói của bà cụ: "Ôi chao, bé ngoan của bà, để bà ngoại xem xem đã cao thêm bao nhiêu rồi, có mập lên không nào..." 

Tôi không quen với sự nhiệt tình quá mức của bà cụ cho lắm, nhưng tôi cũng không muốn làm bà mất hứng rồi lại bị cha mẹ mắng, nên bèn dìu bà đi vào nhà, thuận miệng than phiền về mấy cây trúc làm cho đôi giày mới của tôi bị dính bẩn. Bà cụ lập tức thay đổi sắc mặt, nắm chặt lấy tay tôi: "Cái ông già ở bên cạnh chẳng bao giờ yên ổn cả..." 

Người sống trong rừng trúc sát vách đó là một bác sĩ, sống một mình đã nhiều năm. 

Bà cụ nhắc đến ông lão, vẻ mặt đầy sự chán ghét, ngay cả ông ngoại vốn có tính khí ôn hòa nhất cũng không khỏi thổn thức. 

"Cháu đừng chọc vào ông ta." 

Bà che mũi và miệng lại như thật: "Một người đàn ông mà trên người đầy mùi lẳng lơ." 

"Người nhà ông ấy đâu ạ?" 

Bà cụ không ngờ tôi lại quan tâm đến ông lão, bà nhìn tôi một cách thận trọng: "Cháu đừng trêu vào ông ta, đừng học điều xấu đấy!" 

Cuối cùng bà lại nhắc mãi không thôi: "Bà chỉ có mỗi một đứa cháu ngoan là cháu, nhất định không được học điều xấu..." 

Tôi vội vàng xua tay: "Vâng vâng vâng, cháu không hỏi nữa." 

Sau bữa cơm tất niên, cả nhà quây quần bên nhau chuẩn bị xem Xuân Vãn*, bà cụ cực kỳ mê các đêm chương trình văn nghệ lớn, không bỏ lỡ một năm nào cả. Mẹ cười trộm nói với tôi, bà cụ hơi lẩm cẩm rồi, trước đây ở trong bộ đội bà thích những thứ này nhất, thậm chí cả ca kịch cách mạng cũng xem không biết chán. 

*Xuân Vãn: Gọi đầy đủ là Gala Lễ hội Mùa xuân của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, được phát sóng từ 20h đêm giao thừa đến 0h30 ngày mồng một Tết trên CCTV.

Không hiểu, mấy chương trình tụ tập đông người này rốt cuộc có gì hay chứ. 

Giữa chừng, tôi mượn cớ bị ngạt thở vì mùi than củi rồi lén chạy ra ngoài hít thở không khí trong lành.

Đứng trong sân có thể thoáng nhìn thấy rừng trúc ở cách đó không xa, giữa những khóm trúc cũng ánh lên chút ánh sáng le lói. 

Nghĩ đến những gì mọi người nói ban ngày, chẳng lẽ ông lão cũng đón giao thừa một mình sao? 

"Sao cháu không vào trong nhà? Bên ngoài lạnh lắm đấy." Ông ngoại xách muội than đi ra. 

Không biết vì sao, đến cả bản thân tôi cũng không ngờ mình lại nhìn chằm chằm vào đốm sáng nhỏ ấy, không nhấc nổi chân. 

Tôi thừa nhận mình có hơi tò mò, nhưng cũng chỉ là tò mò mà thôi. 

Thôi bỏ đi, trên đời này làm gì có nhiều chuyện rõ ràng vậy chứ. Tôi kéo chặt áo khoác: "Cháu ra ngoài hít thở không khí một chút, lát nữa sẽ vào ạ." 

"Ông lão họ Phác, đã sống ở đây rất nhiều năm rồi." 

Ông ngoại nhìn ra được ánh mắt trông mong của tôi, bất chợt nói một câu. 

Tôi ngạc nhiên nhìn ông, xem ra thái độ của hai vợ chồng già không giống nhau cho lắm. 

Nói xong ông gãi đầu: "Ôi, ông nói với cháu mấy chuyện này làm gì cơ chứ." 

Hẳn là ông cũng không muốn dây dưa nhiều với người này, nhưng thấy tôi thực sự tò mò, ông lặng lẽ tiến lại gần, ngập ngừng nói: "Nhớ đừng nói với bà ngoại cháu nhé, không thì bà ấy lại cãi nhau với ông." 

Tôi vội vàng gật đầu, vâng dạ đáp lại.

"Hai năm trước, khi ông và bà ngoại cháu chuyển tới đây thì ông ấy đã ở đây rồi. Ông ấy là một bác sĩ, chữa bệnh cho người dân trong thôn nhưng chưa từng lấy tiền, chỉ mấy ngày lễ Tết mới nhận chút thịt xông khói. Sau đó không biết là người nào lắm mồm, lại nhắc đến mấy chuyện cũ kia."

Ông ngừng một chút, thở dài rồi tiếp tục nói: "Thời chiến tranh, ông ấy đã cứu một người lính, chuyện này rất khủng khiếp, người trong thôn đều khuyên ông ấy đừng dính vào, cháu chắc chắn không biết đâu, hồi đó giữ được mạng thật sự khó lắm. Nhưng ông ấy không nghe, vẫn chữa khỏi cho người ta, người lính đó đã sống ở đây rất lâu, mọi người đều nói không ra gì. Sau này, sau này quả nhiên bị người ta trông thấy, nói, nói là... chính là cái..."

Ông đột nhiên nói lắp bắp rồi dứt khoát dừng lại, dường như còn có hơi xấu hổ?

Tôi thử nghĩ một chút. Hai người đàn ông, sống chung, không tiện bị nhắc đến.

"Mê Long Dương* sao ạ?" Tôi buột miệng nói ra.

*Mê Long Dương: Câu thành ngữ mê Long Dương bắt nguồn từ mối tình của Ngụy An Ly vương và cậu học trò Long Dương Quân rất được nhà vua sủng ái. Ý chỉ các mối tình đồng tính.

Ông ngoại nheo mắt, tiện tay cốc đầu tôi một cái: "Cháu mới bao lớn mà đã biết mấy thứ lung ta lung tung này hả?"

Tôi ôm đầu, nửa đùa nửa thật nói: "Cô giáo từng nói lúc học tiết lịch sử!"

Ông nhìn tôi với vẻ bán tín bán nghi: "Dù sao thì chính là như vậy, mới đầu ông cũng không tin, nhưng về sau đến cả các cụ già trong thôn cũng nói như thế. Than ôi, cháu nói xem, một người tốt thế mà nhất định phải mắc vào căn bệnh lạ đó..."

"Về sau gần đến ngày giải phóng, gia đình của người kia tìm tới đây, ban đầu ai cũng tưởng người đã chết rồi, lúc gặp mặt, vợ người ta khóc đến mức sắp ngất xỉu..."

Ông ngoại nói đến đây, tiếc nuối lắc đầu, cũng không cần nói thêm gì nữa. Có lẽ là vì tuổi tác mà ít nhiều khiến ông thấy đồng cảm, những từ như "không nơi nương tựa" hay "cô đơn đến cuối đời" thật sự quá tàn nhẫn khi miêu tả. 

Tiểu phẩm đã bắt đầu, đó là chương trình mà bà cụ thích nhất, bà gọi chúng tôi mau mau vào xem. 

"Đến đây, đến đây." Ông ngoại đáp lại. 

"Ông đã kể hết mọi chuyện cho cháu nghe rồi, những thứ khác cháu đừng quan tâm nữa, coi chừng bị bà ngoại cháu mắng." 

"Cháu biết rồi." Tôi vẫy tay bảo ông vào nhà. 

Quan tâm hay không quan tâm gì chứ, tôi có hứng thú với một ông lão, nghe thôi đã thấy rợn người. 

Nhưng mà, ông lão thật đáng thương.

—tbc—

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro