Chương 3: Người phiên dịch và Nhà tiên tri
Khi Hanabusa tới gõ cửa, João đã thức dậy từ hai tiếng trước; choàng tỉnh vì tiếng chuông đền gióng lên. Những âm vọng trầm thấp còn rung mãi trong lồng ngực vị giáo sĩ sau khi chuông điểm đã lâu.
Suốt bữa sáng, đoàn giáo sĩ cùng tuỳ tùng bàn bạc bước kế tiếp cần làm dưới sự theo dõi và cản trở từ các tín đồ của Douma. Tất cả nhất trí rằng João sẽ đặt câu hỏi cho người chủ nhà trẻ tuổi về tín ngưỡng nơi này một mình, thay vì mất sức phiên dịch qua lại. Phương pháp của ông khác họ, nhưng có hiệu quả.
Ăn sáng xong, theo ba tín đồ dẫn đường, đoàn giáo sĩ xuyên qua không khí mùa thu dịu mát và hướng tới khu vườn của ngôi đền.
Khi họ tới gần, Douma đang đứng dưới một tán cây lá đỏ rực rỡ. Y khoác một chiếc haori đen choàng lên áo ngoài. Nếu không vì cái mũ và mái tóc khó coi đó, João hứng thú nghĩ, y trông cũng ra dáng một tu sĩ Dòng Tên đấy.(1)
“Cậu bé này tưởng mình là giám mục hay sao!” Thầy Antonio xì xầm bằng tiếng bản xứ của mình.
Thầy Lorenzo khoái trá, “Một đức giám mục vừa lên hương!”
Hàm João nghiến lại. Ra hiệu cho họ im lặng dù bằng cử chỉ hay tiếng động đều sẽ thu hút sự chú ý của nhóm tín đồ theo Douma và nhen nhóm ngọn lửa nghi kỵ trong họ. Ông thầm rủa lòng kiêu ngạo của các anh em ông.
Nghe thấy tiếng bước chân, Douma quay lại. Gương mặt sáng lên cùng một nụ cười, y gần như nhào về phía họ. “Chào buổi sáng, các bạn ta!” Y nói, “Mong rằng mọi người đều đã nghỉ ngơi ổn thoả.”
“Chúng tôi quả là đã được ngon giấc, thưa đại nhân,” João cúi đầu đáp.
“Tuyệt vời!” Douma nói. Y nâng ống tay áo lau má, bỗng dưng tỏ vẻ ngại ngùng. "Ta đã lo rằng nơi tạm trú của các vị có lẽ hơi quá... giản dị."
"Không đâu," João nói. "Giáo hội chúng tôi chối bỏ lối sống xa hoa, bởi tất cả đều là bề tôi khiêm nhường của Chúa."(2)
“Phù!” Douma thở phào. “Nghe vậy ta thực lấy làm mừng!”
Y hơi xoay người và ra dấu về phía khu vườn. “Vậy, các vị thấy sao?”
João nhìn qua. Một khung cảnh điển hình như nhiều đền chùa các giáo sĩ đã đến thăm trước đây: một miền cực lạc bị giới hạn nghiêm cẩn, nơi tự nhiên với tất cả hình thái của nó tồn tại trong tình trạng hoàn hảo. Cây cối bừng nở sắc vàng kim, buông lả tả trên những vòng bao bằng sỏi, những tảng đá cao cao đứng chính giữa như núi non trập trùng vùng Nagasaki.
Một dòng suối róc rách phía bên kia những đá và sỏi, tạo thành một hòn đảo nhỏ ở góc đông bắc khu vườn, từ đó ngước mắt chỉ có độc một cái cây già mọc lên. Một cây cầu đá nối đảo nhỏ với đất liền.
“Thật tinh tế, thưa đại nhân,” João nói. Sau khi ông phiên dịch lại, tương tự, các anh em ông cũng biểu lộ lòng thán phục.
“Đúng không nào? Thợ làm vườn của bọn ta đều thuộc hàng lão luyện cả mà.” Dứt lời, Douma quay sang tín đồ của mình, "Hanabusa, Aoi, Fujito – phiền ba người hộ tống những vị khách còn lại của chúng ta tới sảnh. Ta muốn nói chuyện riêng với quý ngài Cassis ở chỗ đó.” Y chỉ về hòn đảo nhỏ.
Hanabusa bật thốt, “Đức Giáo Tổ Từ Bi, nơi đó-!”
“Là thánh địa, ta biết chứ.” Douma bình tĩnh nói.
Y với ra và đặt một tay lên vai João. João cứng người. Cái chạm nhẹ tựa tuyết rơi, nhưng nhưng ông cảm nhận rất rõ ràng ánh mắt chăm chú của Douma.
Chàng trai trẻ nở nụ cười và buông tay, “Tất cả những gì ta chạm đến đều được thanh tẩy.”
Lão già rùng mình khi chạm phải cái nhìn của Douma.
“Không phải vậy ư?”
Hanabusa cúi đầu. “Đúng là như vậy. Xin thứ cho kẻ hèn này đã thất lễ.”
“Ông hiểu được là tốt rồi.” Douma tươi cười nhìn người phiên dịch còn đang ngây người, “Đi nào, lối này!”
João theo sau gia chủ đang nghêu ngao huýt sáo của mình băng qua khu vườn và lên cầu sang bờ bên kia. Douma ngồi lên một ghế đá nhỏ bên gốc cây và mời João cùng ngồi.
“Đây là loài cây gì vậy?” João hỏi, đưa mắt nhìn lên thân cây già cỗi và những cành nhánh quanh co.
“Là một cây mơ,” Douma đáp, “đang chờ xuân.”
Họ im lặng ngồi đó suốt một lúc, thưởng thức âm thanh của nước chảy và chim ca. Trong một thoáng, João có thể chấp nhận mà quên đi vì sao ông lại ngồi đây lúc này.
“Đây là địa điểm yêu thích của tôi,” Cuối cùng Douma cũng lên tiếng. Y phóng mắt ra xa.
Khi chàng trai trẻ quay mặt về phía ông, João thấy được rõ ràng những mảng màu trong mống mắt y, và cái cách chúng toả ra từ con ngươi: xanh da trời, nâu lục nhạt, thậm chí cả xanh lá cây; tất cả hoà vào nhau giữa một vụ nổ sắc màu.
João mỉm cười, “Quả thực rất yên bình, thưa đại nhân.”
Douma cười nhẹ, “Xin hãy gọi tôi là ‘Douma’ thôi. Tại khu vườn này, quỷ thần và con người đều bình đẳng.”(3)
Người phiên dịch cười. Cuối cùng thì Đức Giáo Tổ vĩ đại đã trở lại là một con người bình thường. Cuối cùng thì họ đã có thể trò chuyện.
“Vậy thì, cậu Douma – tôi là João.”
Douma gật gù, nhe răng cười. Răng y được chăm sóc kỹ lưỡng, không hề có dấu hiệu sâu vàng như ông đã thấy ở dân thường người Nhật. “Chào ông João.”
João buồn cười, bắt chước chào lại, “Chào cậu.”
“Douma này, nếu cậu không phiền” vị giáo sĩ nói, “tôi có thể hỏi đôi câu về giáo phái của cậu được không?”
“Được chứ!”
Khác với phần lớn các anh em khác trong giáo hội, João tin rằng cần thiết phải tìm hiểu về tôn giáo của đối phương – và tôn trọng nó, kể cả khi mình một chữ cũng không hiểu nổi.
“Giáo phái Vạn Thế Cực Lạc bắt nguồn từ đâu?”
“Chúng tôi tách ra từ Tịnh độ tông.” Douma giải thích. “Tổ tiên bên nội tôi là môn đệ của người sáng lập tông, sư Pháp Nhiên.”
João đã bắt gặp cái tên này trong các nghiên cứu trước đây. Ông gật đầu. “Giáo phái của cậu khác Tịnh độ tông ở điểm nào?”
“Ngài Pháp Nhiên tin rằng lòng sùng kính con người dành cho Đức Phật và tâm kiên định trên con đường dẫn đến Giác Ngộ tự nhiên sẽ suy tàn dần theo thời gian. Con người chỉ đơn giản là không thể nào thực hiện được điều đó theo cách mà các trường phái khác giảng dạy – thế giới này có quá nhiều thứ xấu xa.”(4)
“Thế giới quả thực rất khắc nghiệt,” João đồng tình.
“Tuy nhiên!” Douma bỗng hô lên. “Ngài Pháp Nhiên đã tìm ra một con đường. Sau nhiều nghiên cứu và suy tưởng, ngài đi đến kết luận rằng để tiến vào thế giới Tịnh độ, chỉ cần một cụm từ đơn giản: đó là phép tu niệm Phật.(5) Một người học rộng biết nhiều như ông hẳn đã từng nghe thấy cụm từ này?”
João xác nhận mình đã nghe qua.
“Tụng lên cụm từ ấy mỗi ngày, bất kể ở đâu, đang làm gì, khả năng ta tiến vào Tịnh độ – và sau đó là Niết bàn – tăng lên đáng kể. Đương nhiên,” Douma nói thêm, ngón tay đưa qua lại vẻ chê trách, “cũng phải biết khiêm nhường, không thể chỉ cầu cho mình mà còn phải cầu cho người nữa. Niệm Phật là niệm cho tất cả chúng sinh.”
Người đối diện Douma gật đầu. Ông không xa lạ gì Phật giáo Tịnh độ và các phép tu của họ, nhưng sự thuần khiết trong đức tin của Douma vẫn khiến ông ấn tượng.
“Cha tôi đã cố gắng hết sức để cứu vớt mọi người theo lời dạy của ngài Pháp Nhiên,”
Douma tiếp tục, “nhưng việc ấy là quá sức đối với người. Người chẳng qua chỉ là một phàm nhân mà thôi, và ngay bản thân giáo lý giản đơn ngài Pháp Nhiên truyền dạy đó đã dấy lên rất nhiều tranh cãi và hiểu lầm.”(6)
Mắt Douma bất ngờ sáng lên như hồi tưởng lại một phép màu, và giọng nói du dương của y vỡ oà trong xúc động, “Và rồi, tôi chào đời. Tôi có thể nghe được tiếng nói của thần linh, kể cả của chính Đức Phật. Bằng trí tuệ của các ngài, tôi có thể thực hiện điều cha tôi đã không làm được.” Chàng thanh niên giơ một tay đặt trước trái tim, “Không còn đấu đá, không còn hiểu lầm; chúng sinh có thể đặt niềm tin ở tôi, và tuân theo lời dạy chư thần truyền xuống.”
Nụ cười của y trầm xuống. “Dĩ nhiên, không phải ai trong giáo cũng hài lòng với điều đó. Họ xảy ra tranh chấp với cha tôi, và cuối cùng thì gia đình tôi bị trục xuất, không chốn nương thân.(7) Mười hai tín đồ cùng chúng tôi lui về vùng núi này, và với sự giúp sức của mọi người, chúng tôi xây dựng ngôi đền và lấy nơi đây làm nhà.”
Biểu cảm trên mặt y là thuần tuý thoả mãn, nụ cười y vững vàng tự tin như tấm lòng tận tuỵ của João. “Tôi được sinh ra để cứu giúp nhân gian. Tôi đã làm đúng như thế suốt từ khi có được những ký ức đầu tiên.”
Douma im lặng trong một thoáng, rồi cười khẽ và nâng ống tay áo lau mắt. “Xin thứ lỗi, tôi làm phiền rồi.”
João lắc đầu. “Nào có. Vậy, cậu tin vào sự bất diệt của linh hồn ư?”
“Sao chứ, tất nhiên là tôi tin!” Douma nói, “Khi đạt được Niết bàn, linh hồn ta có thể tồn tại tới vĩnh hằng cùng Đức Phật.”
João hỏi tiếp mà không hề suy nghĩ, “Cậu nghĩ thứ gì cấu tạo nên linh hồn?”
Douma bật cười. “Ông João, ông hỏi lạ ghê! Tôi không biết, vì tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ.”
Rồi y nói thêm, cũng với điệu cười bông đùa ấy,
“Hay ông thử giết tôi tìm hiểu xem? Không cần khách khí đâu!”
João run bắn. “Đại nhân- Tôi sẽ không bao giờ-”
Douma lại phì cười. “Chỉ là đùa thôi, bạn tôi ơi! Đùa thôi, đùa thôi mà!”
Nụ cười trở lại trên mặt vị giáo sĩ như một bóng ma. Ông suy ra được một thanh niên kỳ dị như vậy hẳn sẽ có khiếu hài hước kỳ dị không kém, nhưng vừa rồi ông đã không kịp phòng bị gì cả.
Hít một hơi, ông hỏi: “Cậu Douma, chẳng hay cậu có tình cờ biết đến… Chúa Jesus?”
Douma chớp mắt, “Là thần của các ông sao?”
“Ngài là con trai của Chúa Trời.”
“Ra vậy.” Nhà tiên tri trả lời, ánh mắt chăm chú tò mò của y cũng ngây ngô như giọng nói. Y cúi đầu, “Xin hãy kể thêm!”
Lúc này, nụ cười của João mới thực sự trở lại. Ông kể cho Douma nghe về sự hình thành của thế giới, về sự suy vong của Con Người, về cuộc đời của Jesus. Douma lắng nghe, đôi lúc bật ra một tiếng kêu hay há miệng vẻ kinh ngạc ở những thời điểm thích hợp, hoàn toàn bị cuốn vào dòng cảm xúc của người kể chuyện.
Khi João kết thúc, mắt Douma ngập nước.
“Thật xuất sắc,” y lẩm bẩm.
“Tóm lại, đó là đức tin của chúng tôi. Đức tin ấy thôi thúc chúng tôi vượt qua ngàn dặm đường xa để cứu giúp người khác thông qua Chúa.”
Đôi mày đậm của Douma nheo lại, cẩn thận tìm tòi João.
“Vậy, ông João, ông tới đây để cứu giúp tôi sao?”
“Phải.”
“Cứu tôi khỏi cái gì đây?”
“Khỏi kiếp đoạ đày.”
Douma ngồi yên, không chút động tĩnh.
“Vì ai?”
“Vì Chúa.”
“À.”
Douma mỉm cười, và ngay khoảnh khắc đó João nhận ra đứa trẻ này không hề tin tưởng những gì ông nói dù chỉ một từ. Trên cả tức giận, ông cảm thấy thương hại y, một niềm thương hại sâu kín, vô vọng. Vì một lý do nào đó, con người sinh ra và lớn lên cùng tôn giáo(8) trước mặt ông đây cảm thấy y không xứng đáng để cứu rỗi – João cảm nhận được điều đó từ tận trong tâm hồn.
Ông dịch tới gần hơn bên Douma và nhẹ nhàng đặt tay lên vai y. “Cậu có thể được cứu rỗi.”
Nụ cười của Douma biến mất. “Tôi sinh ra là để cứu rỗi mọi người.”
Y đứng dậy. “Ngày mai tôi sẽ cho ông thấy. Ông sẽ hiểu thôi.”
Tiếng ai vang lên, thông báo bữa trưa đã sẵn sàng. João giật nảy mình và quay đầu. Có người đứng ở bên kia cây cầu, một chàng trai trẻ đầu cạo trọc và gương mặt không biểu cảm.
“A, Yuta à!” Douma reo vang, “Tới liền! Tới liền!”
João nhìn không rời mắt. Ông không hề nghe thấy người kia đến gần. Một tiếng bước chân cũng không.
Douma chỉ cười. “Đi nào, quý ngài Cassis. Kể tiếp về biển cho ta nghe nhé.”
______
Tối hôm đó, khi đã an toàn trong nơi nghỉ tạm và trong tiếng mẹ đẻ của mình, các giáo sĩ tụ họp bên bếp lò, thuật lại chuyện ban ngày họ trải qua. Các anh em của João được dẫn đi tham quan khuôn viên đền và góp mặt trong một phiên thiền định ngột ngạt. Thầy Antonio đặc biệt phàn nàn thêm về cái lưng ê ẩm của thầy.
“Thế, Thầy Cassis này, cuộc nói chuyện với Giáo tổ kia thế nào rồi?” Lorenzo hỏi, chuyển đề tài.
“Thiếu gia(9) Douma sẽ không dễ dàng bị lung lạc đâu,” João đáp. “Y muốn chúng ta quan sát buổi họp mặt của y cùng một vài tín đồ vào chiều mai. Y muốn cho chúng ta thấy y cứu rỗi người ta thế nào.”
Antonio cười phì, “Cậu ta nghĩ có thể cải đạo chúng ta à?”
“Đứa trẻ này quên mất chỗ đứng của mình rồi!”
“Quan trọng hơn, các thầy ạ,” João nói, “Tôi cầu xin mọi người, làm ơn hãy kiềm lại những lời xì xào không mấy tốt đẹp trước mặt gia chủ của chúng ta.”
“Người anh em ơi,” Antonio khúc khích, “họ có biết tiếng nước ta đâu! Chẳng lẽ khách ngoại quốc không được phép nói chuyện riêng với nhau hay sao?”
João thấy sau đầu nóng lên. Ông thở dài, “Người anh em à, đối với họ chỉ nghi ngờ thôi là quá đủ rồi. Xin hãy giữ lại nhận xét của các anh em giữa bốn bức tường này.”
Đôi mắt tối màu của Antonio phản chiếu ánh lửa từ bếp lò. “Được thôi.”
Không lâu sau, đoàn giáo sĩ về nghỉ trên giường. João thao thức, siết lấy tấm chăn khi nhớ lại vẻ mặt Antonio lúc trước. Tâm trí ông nóng nảy vì lo âu. Ông không có ý gây xích mích, nhưng sự kiêu ngạo họ phô ra rành rành là một mối nguy. Các thầy trong đoàn đều coi trọng nhiệm vụ, ông biết, nhưng họ quá lạc quan về khả năng thành công, họ chắc mẩm rằng mình ở một địa vị siêu việt hơn so với Douma và tín đồ của y. Một tu sĩ Dòng Tên phục vụ Chúa với lòng khiêm nhường. Một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cũng đâu thừa. Tất nhiên là thế, ai cũng biết cả.
Không tài nào nằm yên, João nhỏm dậy, lặng lẽ bước ra cửa.
Khí lạnh vùng núi châm vào mặt ông nhoi nhói. Ánh trăng buông xuống khung cảnh xung quanh một vẻ êm dịu, toả sáng cả vùng trời tối đen như con tàu đã đưa ông tới.
Có bàn tay tóm lấy cánh tay ông. João quay lại và thấy Yuta đứng bên cửa, một áo trùm đầu dày phủ kín người, đôi mắt đen như than.
“Thưa ngài, mọi chuyện vẫn ổn chứ?” Anh ta buông tay, hỏi.
“Vẫn ổn cả, tôi không sao.” João trả lời. Ông siết tay thành nắm đấm hòng giấu đi bàn tay đang run lên. “Tôi không ngủ được. Tôi nghĩ hít thở ít không khí trong lành sẽ tốt hơn.”
“Thật có lỗi,” Yuta nói, “nhưng xin ngài hãy ở lại buồng mình vào ban đêm. Trong núi có nhiều thú dữ. Tôi được phái đến canh chừng phòng khi có con nào lảng vảng tới đây.”
João cười nhạt, “Thì ra là thế. Cám ơn, đã làm phiền cậu vất vả.”
Chàng trai đáp trả cử chỉ đó. Thấy vậy, ông lại nhớ đến Douma.
João về giường, run run. Giờ thì ông đã nhận thức được, rằng khi mới tới đây, ông chẳng biết gì về Douma và giáo phái của y cả.
=============
Chú thích:
(1) Tôi quên không nhắc đến tại chương trước (có quá nhiều chuyện để nói ở chương đó lol) nhưng quần áo của thầy tu Dòng Tên lúc đó là một chiếc cassock đen ôm vừa người đơn giản. Đến thời này, quan niệm về mối liên hệ giữa màu đen và tội lỗi đã không còn nặng nề, và màu đen không chỉ có trên quần áo của nhà thờ mà cả các học giả, sinh viên đại học và quý tộc cũng mặc màu này, từ đó màu đen có thêm tầng nghĩa chỉ quyền lực và tính chuyên nghiệp.
(2) Lời nguyện nghèo khó chỉ dẫn các tu sĩ Dòng Tên từ bỏ những thứ vật chất có giá trị cao, ví dụ như quần áo tơ lụa, và thay vào đó sẽ thể hiện lòng khiêm nhường và sự phục tùng Chúa thông qua lối sống hàng ngày. Giáo phái kỳ vọng họ sẽ từ bỏ sinh hoạt xa xỉ và sống như một người lính – luôn sẵn sàng đi bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào được điều tới để phụng sự Chúa.
(3) Kinh phật Tịnh độ tông có miêu tả về khu vườn hoàn hảo như sau: “Lại này A-nan-đà, thế giới tên gọi Cực Lạc, nơi Phật A-di-đà tiếp dẫn, thịnh vượng, sum suê, an sinh, màu mỡ, đẹp đẽ, và sinh sống xứ ấy là rất nhiều nhân loại cùng phi nhân…” (ND: Dòng kinh trên có trong Buddhist Mahâyâna Texts của E. Cowell và F. Müller. Tôi chỉ xem được bản không đầy đủ trên Google Play nên không tra được dòng này chính xác ở đâu, nhưng so sánh những đoạn xung quanh với bản dịch tiếng Việt ba bộ kinh chính của Tịnh độ tông thì nó nằm đâu đó giữa phẩm 14 và 13 của Kinh Vô Lượng/Kinh Đại Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm – nói là nằm đâu đó vì giữa hai phần kia không có đoạn nào như vậy cả, nên tôi đành mạn phép tự dịch.)
(4) Ở thời của sư Pháp Nhiên, Phật giáo Nhật Bản đang trong giai đoạn suy tàn do ảnh hưởng bởi sự tha hoá và thái độ hời hợt của các nhà sư. Pháp Nhiên tin rằng cần có một đạo Phật đơn giản hơn, trực tiếp hơn. Tịnh độ tông được xây dựng trên tín niệm cho rằng chúng ta không bao giờ có được một thế giới hoàn toàn không bị vấy bẩn, do đó các tín đồ phải cố gắng để được tái sinh ở một thế giới khác, gọi là Tịnh độ, tại đó ta sẽ tiếp tục tu tập cho đến khi thành Phật.
(5) Nam mô A Di Đà Phật – “Tụng ca đức Phật A-di-đà”. Thay vì tập trung vào việc tu tập để đạt được đức hạnh để có tư cách tiến vào Tịnh độ, Pháp Nhiên nhấn mạnh đức tin dành cho đức Phật – được cho là đã phát nguyện rằng những ai gọi tên ngài sẽ đến được Tịnh độ. Không cần phải thực hiện bất kỳ phép tu tập hay thiền định nào khác, chỉ đơn giản niệm tên đức Phật lặp đi lặp lại là đủ.
(6) Một số môn đồ suy diễn lời dạy của Pháp Nhiên theo những cách không thể lường được, từ đó dẫn đến những hành vi bất hảo làm ô danh tông môn, sự chỉ trích đối với các phái khác, hay những hình thức bất tuân giới luật khác.
(7) Sư Pháp Nhiên và các tín đồ của mình cũng đã bị trục xuất tương tự như vậy khi các đồng đạo thủ cựu biết đến tư tưởng cấp tiến của ông.
(8) Man of faith: chỉ một người ủng hộ, tin theo một tôn giáo nào đó. (ND)
(9) Sr. – viết tắt của Señor, tương tự Mr. (Mister) trong tiếng Anh. (ND)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro