KNGT 02
[KN GIAO TIẾP] Có khi bạn là kẻ thù của chính mình
Có khi chính bạn là kẻ thù của mình
Cali Today News - Mark Leary là giáo sư giám đốc ban Tâm lý thuộc Trường Đại học Wake Forest university có lần tâm sự là không biết nếu ông được mời phát biểu 15 phút để nói chuyện với các sinh viên sắp ra trường thì ông sẽ nói ra sao đây, vì ông đã nhiều lần dự các buổi lễ tốt nghiệp như thế và nghe không biết bao nhiêu bài diễn văn của các đồng nghiệp.
Cuối cùng ông nói: “Có thể tôi sẽ nói với các em là thách đố trong tương lai lớn nhất đối với các em có khi lại là các thách đố do chính các em tạo ra cho mình, nhiều khi một cách vô tình. Tôi sẽ nói là các em sẽ gặp nhiều thất vọng, nhiều vấn đề và thậm chí cả thảm kịch nữa mà nhiều cái trong số đó các em sẽ không thể nào kiểm soát hay chống lại, nhưng lý do chính của nỗi bất hạnh của các em chính là các em!”
Nhà biên khảo Eckhart tolle có một câu vô tình trúng phóc ý của câu trong nhà Phật là “tâm bình, thế giới bình” là “As within, so without”. Chính cái ngã của mình sẽ làm mình khổ triền miên. Cái mà GS Leary gọi là “self-awareness” sẽ làm nảy sinh vô số vấn đề cho chính bản thân như trầm uất, lo lắng, tức giận và ghen hờn. Chỉ nội việc nghiền ngẫm chuyện quá khứ và lo vơ vẩn trong tương lai cũng đủ làm một cá nhân hụt hẫng trong vấn đề xử lý các hiện trạng của tình huống và nhất là mối tương quan với người khác.
Dường như chúng ta lúc nào cũng “bước hụt” trong hiện tại, chúng ta bị chia cách với hiện tại bởi dòng thác ý nghĩ tuôn ồ ạt, các diễn dịch, các ý kiến và đánh giá và nguy hiểm nhất là chúng ta sống trong ảo tưởng về chính chúng ta.
Thiên hạ có thói quen tự đánh giá bản thân… cao hơn mức trung bình một chút về mọi phương diện và tai hại là tự coi chúng ta cao hơn người khác một chút đến nỗi mới đây tại một trường đại học khi các sinh viên được yêu cầu ghi 20 điểm tốt (như thông minh, chín chắn, rộng lượng…) và 20 tính xấu (như quạu quọ, bủn xỉn, có thành kiến…) của bản thân thì các sinh viên ghi mình có sơ sơ 38 tính tốt và chỉ có 2 hoặc 3 tính xấu mà thôi!
Cũng thế, thế nhân thường tình luôn tự xem mình lái xe an toàn hơn người khác, có đạo đúc hơn người khác và thậm chí yêu đương cũng cừ khôi hơn người khác!... Một bản khảo sát ở Úc cho thấy xứ này có đến 86% nhân viên tự đánh giá mức độ lành nghề của mình cao hơn bạn đồng nghiệp và chỉ có 1% tự xem mình không đạt đến yêu cầu nghề nghiệp.
Có một khảo sát còn… rùng rợn hơn về “cái tôi khủng khiếp” do chính tuần báo “US News and World report” tiến hành khi toà soạn hỏi 1.000 người Mỹ về các tên tuổi lớn xem họ có lên thiên đàng sau khi chết hay không thì mẹ Teresa được xếp cao nhất trong danh sách với 79% đánh giá của người được hỏi, vậy mà khi câu hỏi chuyển thành: “Còn bạn, bạn có nghĩ là mình cũng theo chân mẹ Teresa sau này khi lìa đời hay không thì có đến… 87% người được hỏi gật đầu! Có nghĩa là họ tự đánh giá bản thân xứng đáng lên thiên đàng hơn bất kỳ ai trong danh sách, kể cả mẹ Teresa. Một thông tin đáng suy gẫm!
Thiên hạ thương cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt ra phải biết. Brett Pelham, một nhà tâm lý xã hội, cho hay người thương cái “first name” của mình đến nỗi họ có cảm tình với cái tiểu bang nào có chữ cái đầu tiên giống với tên họ, thí dụ Louise thì mê Lousiana, Mary thì thích Maryland, Michelle hẳn là Michigan, Cary mê California và Georges thì chú ý liền tiểu bang Georgia!
Các nhà tâm lý đề nghị với chúng ta 5 kỹ thuật sau đây để dẹp bớt cái tôi đáng ghét (le moi haissable) của mình lại một chút:
1. Tập bớt nói chuyện với trí não: Hãy làm sao để tâm trí ta được lặng yên. Chỉ nghĩ về mình khi nào cần giải quyết cái gì có tính thực tiễn của cuộc sống mà thôi. Thiền là phương pháp tốt nhất (meditetion) bạn sẽ bình thản hơn, chú ý hơn và bằng lòng hơn.
2. Đừng tìm cách bảo vệ cái tôi: khi gặp thất bại đừng… chửi mắng mình, khi người khác thất bại, đặc biệt người thân thì đừng công kích họ. Đừng mất thì giờ và sức lực đi bảo vệ hình ảnh cái tôi của mình. Khi bạn thấy mình có vẽ muốn bảo vệ cái tôi dữ quá thì hãy nhớ các hăm doạ cho cái tôi này thường không có thật, hãy tập trung giải quyết các tình huống cụ thể bên ngoài thì tốt hơn.
3. Hãy từ bi với chính mình (self-compassion); khi gặp thất bại, thất chí ngã lòng, hãy từ bi với bản thân. Nếu bạn đối xử với chính mình với lòng tử tế và kính trọng khi mọi chuyện nát bét ra hết, cái ngã (ego) của bạn sẽ không bị bão tố cuộc đời vùi dập và vì thế bạn đâu cần phải bảo vệ nó!
4. Đừng nuôi dưỡng cái ngã: Thật ra nếu bạn có tưởng tượng ra mục tiêu của đời mình là gì thì cũng ok, nhưng coi chừng, kiểu cố gắng như thế để “biến tướng” cuộc đờì bạn theo ý mình chỉ tổ làm cho “cái tôi” của bạn thêm lớn lao và thêm… đáng ghét… Cứ chạy theo “mục tiêu, đích nhắm” trong cuộc đơì có thể sẽ làm bạn thấy mục tiêu của cuộc đơì là phải hoàn tất cái gì đó trong tương lai, khiến bạn sẽ quên là cuộc đời duy nhất mà bạn đang có chính là cuộc đờì vào ngay lúc này, chứ không phải của quá khứ và tương lai. Hãy nắm bắt cái hiện tại (the power of now).
5. Đừng tin vào bất cứ cái gì bạn suy nghĩ: Cái cảm nhận của bạn về chính bạn và về thế giới thường được tựa vào các cách thức rất hẹp hòi vị kỷ của bản thân (cho nên mới có người cho là mình xứng đáng lên thiên đàng hơn mẹ Teresa). Hãy luôn tự nhủ là bạn không phaỉ lúc nào cũng nghĩ đúng về mình và về thế giới bên ngoài, cái đó các nhà tâm lý học gọi là “ego-skepticism”, rất tốt cho hạnh phúc dịu dàng của bạn.
Bởi vì chúng ta có cái ngã, nên chúng ta có thể quyết định làm nhiều điều để cái ngã thôi không bao phủ quyền lực độc tài của nó lên cuộc đơì của chúng ta. Hãy làm sao “cái ngã” làm việc cho chúng ta, hơn là chống lại chúng ta.
Phá ngã chấp là bước đầu lên đường nếm mùi vị “không thể tưởng tượng” của hạnh phúc, ngay bây giờ, tại đây!
[KN GIAO TIẾP] 5 điều teen Mỹ được khuyên làm trước khi hết thời học sinh
khoảng thời gian là học sinh sinh viên vẫn thường được coi là thời điểm dành cho việc giáo dục và trưởng thành. Rất nhiều bạn trẻ đến trường, vào lớp, miệt mài học tập để có được những bằng cấp mong muốn. Sự thật là, bạn càng muốn sớm bước chân vào “thế giới công việc” bao nhiêu, thì bạn càng bỏ qua nhiều những kinh nghiệm cuộc sống, những kinh nghiệm thú vị mà bạn chỉ có thể có được khi còn là học sinh, sinh viên thôi đấy nhé.
1. Hãy tham gia bất cứ khóa học nào theo sở thích của bạn
Bạn vẫn thường được bảo rằng, nếu sau này muốn học ngành kinh tế hay công nghệ thông tin, thì những lớp mỹ thuật âm nhạc thật tốn tiền và tốn thời gian. Mặc dù vậy bạn vẫn rất thích và muốn tìm hiểu hơn về những môn nghệ thuật. Hoặc có thể bạn học chuyên văn nhưng vẫn thích tham gia các lớp học toán, vì bạn thích sự rắc rối của nó. Bạn đã có mục tiêu để theo đuổi cả cuộc đời, nhưng không có nghĩa bạn không được phép có những sở thích bên ngoài lĩnh vực ấy. Hãy tự khám phá bản thân mình bằng cách mạnh dạn đăng kí học thử một lớp theo ý muốn của mình. Bạn sẽ có thêm rất nhiều kiến thức, những mối quan hệ, và chưa biết chừng những gì bạn học được ở lớp mỹ thuật lại có thể rất có ích cho nghề nghiệp kinh doanh của bạn sau này đấy.
2. Đi du lịch
Nếu bạn có đủ thời gian và tài chính, hãy đi du học. Đặt mình vào một môi trường và nền văn hóa hoàn toàn khác là một trải nghiệm giáo dục có một không hai. Phần lớn các du học sinh sẽ đều nói rằng du học khiến họ có thêm nhiều kinh nghiệm cuộc sống và trưởng thành hơn về cách nhìn nhận.
Tuy nhiên không phải ai cũng có được điều kiện như thế. Nhưng bạn lại không hề muốn gắn mình với ngôi nhà và trường học phải không? Bạn còn trẻ! Bạn đang sống trong khoảng thời gian khi mà những căn phòng rẻ tiền với dịch vụ vừa phải không phải là vấn đề quá đáng quan tâm. Hãy lên đường và du lịch cùng bạn bè, ngủ trong một chiếc lều trong rừng, hay dừng lại ở một nhà nghỉ tại một thành phố bạn chưa từng được biết tới. Chứng kiến những con người và cuộc sống hoàn toàn xa lạ. Đó cũng là một cách giáo dục hiệu quả.
3. Trở thành một phần của một cái gì đó lớn hơn chính bản thân mình.
Bạn đã và đang trưởng thành. Bạn đã có tiếng nói, có thể nêu ra những ý kiến của mình. Người ta sẽ lắng nghe bạn chứ không còn coi bạn là con nít nữa. Hãy biến những lời nói của mình thành hiện thực. Tất nhiên không ai yêu cầu bạn phải hoạt động hết mình, trở thành ‘người của công chúng’. Đơn giản chỉ cần tham gia các câu lạc bộ, các tổ chức trong trường học, đi tình nguyện, tham gia các quỹ từ thiện. Hãy cùng bạn bè thử sức để đạt được các mục tiêu. Nếu không thành công, ít ra đó là kinh nghiệm. Còn nếu thành công, hãy tận hưởng cảm giác sung sướng của chiến thắng.
4. Kết bạn với những người lạ
Những người lạ ở đây là những người thông thường vốn không thuộc vào “xã hội nhỏ” của bạn. Những giới hạn của những nhóm bạn nhỏ cần được xóa bỏ, bạn đã lớn hơn rồi, hãy bước ra ngoài ranh giới. Ai cũng có những bài học riêng và có thể dạy cho chúng ta những điều lý thú. Những người không giống bạn có thể cho bạn thấy những cách nhìn hoàn toàn khác nhau về cùng một vấn đề. Rất nhiều bạn trẻ đã phạm sai lầm khi chỉ chơi với một nhóm nhất định, dẫn tới việc hạn hẹp trong tầm nhìn. Hãy thoải mái lên, bạn không hề muốn mất đi một tình bạn đẹp chỉ vì người đó không phù hợp với nhóm bạn đúng không?
5. Hãy trải qua một mối quan hệ nghiêm túc
Mối quan hệ này không hẳn là một mối tình lãng mạn, nhưng cần sự nghiêm túc. Một mối quan hệ nghiêm túc sẽ dạy bạn rất nhiều điều về cuộc sống và con người, những điều mà trước đây bạn chưa từng nhận ra. Đó có thể là một người bạn thân mà bạn có thể chia sẻ mọi điều, hay “một nửa” sẽ gắn bó với bạn suốt cả cuộc đời, có thể là thầy giáo/cô giáo hết sức giúp đỡ bạn vượt qua khó khăn... Dù nó có lãng mạn hay không, bạn sẽ nhớ đến nó mãi mãi. Những người ấy sẽ giúp đỡ bạn trong cuộc sống sau này, ngay cả khi bạn không còn ngồi trên ghế nhà trường nữa.
Những lớp học thông thường là điều rất quan trọng, nhưng bạn cũng cần phải biết về cuộc sống bằng cách thực sự sống cuộc sống của chính mình. Đừng dồn mọi tâm trí vào điểm số và nghĩ rằng bạn không có thời gian dành cho việc gì khác ngoài học tập. Đừng chờ đợi và sẽ hối hận sau này. Hãy trải nghiệm cuộc sống khi còn là một học sinh, bạn nhé!
[KN GIAO TIẾP] Bí quyết tăng doanh thu gấp đôi
Hàng ngày, hãy mở sổ và viết ra một danh sách 10-15 mục tiêu quan trọng nhất của bạn, nhưng không được tham khảo lại danh sách đã viết trước đó. Làm được điều này, bạn đã góp phần tăng thu nhập của mình lên gấp đôi.
Một vị chuyên gia kinh tế từng đặt câu hỏi: “Ở đây những ai muốn tăng thu nhập gấp đôi?”. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tất cả mọi người đều giơ tay. Sau đó, ông nói tiếp: “Vậy thì tôi có một tin tốt cho các bạn đây. Tất cả những người ở đây đều sẽ có thu nhập gấp đôi - bảo đảm 100% - nếu các bạn có thể sống thật lâu”.
Nếu thu nhập của bạn gia tăng khoảng 3-4% một năm, chi phí sinh hoạt trung bình hàng năm cũng tăng lên, thì bạn sẽ tăng gấp đôi thu nhập của mình trong 20 năm. Nhưng đó là một khoảng thời gian quá lâu. Vậy vấn đề thực sự ở đây là gì? Đó chính là câu hỏi: “Bạn có thể làm điều đó nhanh đến mức nào?”.
Nhân đôi tốc độ hoàn thành mục tiêu
Ngày nay, mọi người thường nói về tầm quan trọng của khái niệm “tư duy tích cực”. Tư duy tích cực quả thực là quan trọng, nhưng chưa đủ. Nếu để mặc không định hướng và không kiểm soát, tư duy tích cực có thể nhanh chóng biến thành mơ ước tích cực và hy vọng tích cực. Thay vì có tác dụng như một nguồn sinh lực tạo ra cảm hứng và thúc đẩy bạn đạt thành tích cao, tư duy tích cực có thể chỉ trở thành một yếu tố có ý nghĩa cao hơn thái độ vui vẻ nói chung đối với cuộc sống và bất cứ điều gì xảy ra với bạn, dù tốt hay xấu.
Xác lập mục tiêu có hệ thống
Trong nhiều năm liền, vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Mỹ đã cố gắng hoàn thành những mục tiêu của mình, viết chúng ra giấy một hay hai lần trong năm, và sau đó xem xét đánh giá chúng bất kể khi nào có cơ hội. Chỉ cần việc này thôi cũng đủ để tạo ra sự khác biệt khó tin trong cuộc sống của ông. Thường thì ông viết ra một danh sách các mục tiêu của mình cho năm sắp tới vào tháng Giêng. Đến tháng 12 trong năm, ông sẽ xem xét lại danh sách của mình để đánh giá những điều mình đã hoàn thành, bao gồm cả một số mục tiêu lớn lao nhất và khó khăn nhất trong danh sách này.
Sau đó, ông nhận ra rằng kỹ thuật này đã thay đổi cuộc sống của mình. ông khám phá ra rằng việc viết ra mục tiêu của mình ít nhất một lần trong năm rồi sau đó viết đi viết lại những mục tiêu này nhiều lần có sức mạnh đáng kinh ngạc.
Một số tác giả đề nghị rằng nên viết ra các mục tiêu và xem xét chúng mỗi tháng một lần, một số khác còn đề nghị mỗi tuần một lần. "Điều mà tôi học được chính là sức mạnh của việc viết đi viết lại những mục tiêu của mình hàng ngày", vị chuyên gia này chia sẻ.
Viết mục tiêu hằng ngày
Sau đây là kỹ thuật thực hiện. Hãy lấy ra một quyển sổ gáy lò xo mà bạn có thể mang theo mình mọi lúc. Hàng ngày, mở sổ ra và viết ra một danh sách 10-15 mục tiêu quan trọng nhất của bạn, nhưng không được tham khảo lại danh sách đã viết trước đó. Hãy làm việc này hàng ngày, hết ngày này sang ngày khác. Khi bạn làm như vậy, nhiều vấn đề đặc biệt có thể xảy ra.
Ngày đầu tiên khi bạn viết ra danh sách mục tiêu của mình, bạn sẽ phải suy nghĩ và hồi tưởng mất khá nhiều thời gian. Hầu hết mọi người trải qua cả cuộc đời nhưng chưa từng lập ra một danh sách 10 mục tiêu hàng đầu của họ.
Ngày thứ hai, viết ra danh sách mục tiêu, nhưng không tham khảo danh sách hôm trước, công việc sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những mục tiêu này có thể sẽ khác đi, cả trong mô tả lẫn thứ tự ưu tiên. Đôi khi, một mục tiêu mà bạn viết trong ngày này sẽ không xuất hiện lại trong ngày tiếp theo. Nó có thể bị quên lãng và không bao giờ tái xuất hiện nữa. Hoặc cũng có thể nó sẽ xuất hiện trở lại vào một thời điểm thích hợp hơn.
Hàng ngày khi viết ra danh sách 10-15 mục tiêu, những định nghĩa của bạn về chúng sẽ trở nên rõ ràng và sắc bén hơn. Thứ tự ưu tiên của bạn sẽ thay đổi khi cuộc sống quanh bạn thay đổi. Sau khoảng 30 ngày, bạn sẽ thấy rằng hàng ngày mình viết đi viết lại những mục tiêu giống nhau.
Thực hành phương pháp này
Trong bài tập mà chúng ta thảo luận ở chương này, bạn sẽ học cách đạt được những mục tiêu nhanh chóng hơn rất nhiều so với những kết quả mà những người chỉ viết mục tiêu một lần đạt được. Kết quả của bạn sẽ nhiều gấp đôi, gấp ba, và gia tăng 5 đến 10 lần khi bạn sử dụng đến tính hiệu quả của việc xác lập mục tiêu mà chúng ta đã nói ở những chương trước, nhưng bạn sẽ viết ra mục tiêu của mình hàng ngày.
Bạn phải áp dụng một số quy tắc đặc biệt để đạt được kết quả tốt nhất từ bài tập này. Trước hết, bạn phải áp dụng “Công thức 3P”. Mục tiêu của bạn phải được viết ra và mô tả một cách khẳng định (positive), ở thời gian hiện tại (present) và mang tính cá nhân (personal).
Kích hoạt tiềm thức của bạn
Tiềm thức của bạn chỉ có thể được kích hoạt bằng những câu khẳng định được diễn đạt ở thời gian hiện tại. Do đó, bạn nên viết các mục tiêu của mình như thể bạn đã hoàn thành chúng. Thay vì viết: “Tôi sẽ có thu nhập 50.000 đôla trong 12 năm tới” thì bạn nên viết là: “Tôi có thu nhập 50.000 đôla một năm”.
Thay vì viết rằng: “Tôi sẽ ngưng hút thuốc” hay “Tôi sẽ giảm… kg” bạn nên viết rằng: “Tôi không hút thuốc” hoặc “Tôi cân nặng… kg”.
Mệnh lệnh của bạn phải mang tính khẳng định vì tiềm thức của bạn không thể xử lý mệnh lệnh phủ định. Nó chỉ đáp ứng những mệnh lệnh mang tính khẳng định ở thời gian hiện tại.
Chữ P thứ ba đại diện cho từ “Personal” (cá nhân). Kể từ nay trở đi, bạn hãy viết mọi mục tiêu bắt đầu bằng đại từ “Tôi” theo sau là hành động hay trạng thái mục tiêu. Bạn là người duy nhất trong vũ trụ có thể sử dụng đại từ “Tôi” cho bản thân mình. Khi tiềm thức của bạn nhận lệnh bắt đầu bằng đại từ “Tôi”, thì việc này có thể ví như một nhà máy nhận được lệnh sản xuất từ văn phòng trung tâm. Nó sẽ khởi động tiến hành ngay công việc để biến mục tiêu thành hiện thực.
Ví dụ, hãy bắt đầu viết mục tiêu của bạn bằng các cụm từ mang ý khẳng định như: “Tôi có thu nhập…”, “Tôi cân nặng…”, “Tôi đạt được…”, “Tôi giành được…”, “Tôi lái một chiếc xe…”, “Tôi sống trong một ngôi nhà…”, “Tôi leo núi…”, …
Xác lập kỳ hạn hoàn thành các mục tiêu
Để tăng sức mạnh cho những mục tiêu được viết ra hàng ngày, hãy thêm kỳ hạn hoàn thành vào cuối mỗi mục tiêu.
Ví dụ, bạn có thể viết rằng “Tôi có thu nhập trung bình 5.000 đôla một tháng trước ngày 31/12 năm…”.
Như đã thảo luận ở đầu chương, tâm trí của bạn thường hướng đến giới hạn cuối cùng và nỗ lực thực hiện qua “hệ thống cưỡng bức”. Ngay cả khi bạn chưa có giải pháp để đạt được mục tiêu, vẫn cứ đưa ra một kỳ hạn hoàn thành xác định cho nó. Nên nhớ rằng bạn luôn có thể thay đổi kỳ hạn hoàn thành với những thông tin mới cập nhật. Nhưng cần đảm bảo rằng bạn phải có kỳ hạn hoàn thành sau mỗi mục tiêu.
Nhân rộng kết quả
Bạn có thể gia tăng tính hiệu quả của phương pháp này với một vài kỹ thuật bổ sung. Trước hết, sau khi bạn đã viết ra mục tiêu của mình một cách khẳng định, ở thời gian hiện tại và mang tính cá nhân, hãy viết ra ít nhất 3 hành động mà bạn có thể thực hiện ngay lập tức để đạt được mục tiêu đó, cũng theo một cách khẳng định, ở thời gian hiện tại và mang tính cá nhân.
Ví dụ, mục tiêu của bạn là có thu nhập ở một mức độ nào đó. Bạn có thể viết rằng: “Tôi có thu nhập 5.000 đôla một tháng trong 12 tháng tới”. Sau đó, bạn có thể viết ngay ở phía dưới: (1) Tôi lên kế hoạch trước hàng ngày, (2) Tôi bắt tay ngay lập tức vào những mục tiêu quan trọng nhất của mình, và (3) Tôi tập trung tất cả tâm trí vào nhiệm vụ quan trọng nhất của mình cho đến khi nó hoàn thành.
Dù mục tiêu của bạn là gì đi nữa, bạn cũng có thể dễ dàng nghĩ ra 3 bước hành động có thể thực hiện ngay lập tức để đạt được mục tiêu đó. Khi bạn viết ra những bước hành động, bạn lập trình chúng vào tâm trí vô thức của mình trên con đường tiến đến mục tiêu. Ở một điểm nào đó, bạn sẽ chợt nhận ra rằng mình đang thực sự tiến hành những bước mà mình đã viết ra, mặc dù không suy nghĩ đến nó. Mỗi bước hành động sẽ đưa bạn tiến nhanh hơn đến mục tiêu tối hậu.
Sử dụng các thẻ đề mục
Có một cách khác để bạn gia tăng hiệu năng của hoạt động thiết lập mục tiêu hàng ngày là ghi các mục tiêu của bạn vào những tấm thẻ đề mục (8x13cm). Hãy viết một mục tiêu vào một thẻ với chữ thật to. Và bạn hãy luôn mang bên mình những tấm thẻ này. Mỗi khi bạn có giây phút rảnh rỗi, hãy lấy những tấm thẻ ra và xem xét lại các mục tiêu của mình, từng mục tiêu một.
Mỗi mục tiêu này nên được viết theo nguyên tắc cá nhân, khẳng định, ở thời gian hiện tại như đã nói ở phần trước. Một ai đó đã từng nói rằng: “Tôi thà có một buổi sáng nhịn ăn còn hơn là không có những sự khẳng định”. Mỗi lần sử dụng những thẻ này, bạn hãy dành ra một chút thời gian, hít thở sâu và thư giãn, sau đó lần lượt xem xét lại từng mục tiêu của mình.
Khi bạn đọc những mục tiêu này lên, hãy tưởng tượng những mục tiêu này đã trở thành hiện thực. Hãy thực sự nhìn thấy bản thân mình ở vị trí hoàn thành mục tiêu, thưởng thức thành quả, cảm nhận sự thỏa mãn khi mục tiêu đã được hoàn tất.
Hoặc một cách khác là khi bạn đọc nội dung ghi trong thẻ, hãy tưởng tượng ra những bước đi cụ thể mà bạn có thể tiến hành ngay lập tức để đạt được mục tiêu đó. Sau đó, thư giãn và tiếp tục làm với mục tiêu kế tiếp.
Lý tưởng nhất là bạn nên xem xét lại những mục tiêu của mình trên các tấm thẻ này ít nhất 2 lần trong ngày. Hãy nhớ mang theo chúng bên người và xem xét lại vào những lúc rảnh rỗi.
Thời điểm lập trình cho bộ não
Có hai thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để thiết lập và chỉnh sửa những mục tiêu của bạn, cũng như để đọc và rà soát lại những thẻ đề mục nêu trên. Đó là điều cuối cùng bạn làm trong buổi tối trước khi bạn đi ngủ, và là điều bạn làm đầu tiên vào buổi sáng hôm sau, trước khi đi làm.
Kết quả của việc viết lại và soát xét lại những mục tiêu của bạn vào buổi tối và buổi sáng là bạn ghi khắc chúng sâu hơn vào tâm trí vô thức của mình. Bạn sẽ dần chuyển từ tư duy tích cực sang học hỏi tích cực. Bạn sẽ phát triển một niềm tin vững chắc không thể lay chuyển rằng những mục tiêu của mình là có thể đạt được và mọi việc chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Rà soát mục tiêu hằng ngày
1. Chuẩn bị một quyển sổ gáy lò xo ngay hôm nay và viết ra 10- 15 mục tiêu mà bạn muốn đạt được trong một khoảng thời gian định được.
2. Chuẩn bị một tập thẻ đề mục có kích thước 8x13cm, trên đó viết ra những mục tiêu của bạn ở thể khẳng định, mang tính cá nhân, ở thời gian hiện tại để bạn có thể mang theo bên mình.
3. Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy mường tượng về cuộc sống của bạn khi các mục tiêu được hoàn tất.
4. Nghĩ đến ba điều bạn có thể thực hiện ngay để hoàn thành từng mục tiêu một. Hãy luôn nghĩ đến những khía cạnh hành động mà bạn có thể tiến hành.
5. Hãy khép bản thân vào việc viết đi viết lại những mục tiêu của mình hàng ngày mà không xem lại danh sách trước đó cho đến khi bạn hoàn toàn tin chắc rằng việc hoàn thành các mục tiêu này là tất yếu.
(Trích cuốn sách "Chinh phục mục tiêu" do First News ấn hành)
Hài hước giúp bạn tiến gần đến thành công hơn
(Dân trí) - Người hài hước không chỉ vận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm phong phú giúp người khác cảm thấy được thư giãn và vui vẻ, hơn nữa còn hòa giải mâu thuẫn và ác ý.
Một cuộc điều tra ở Mỹ cho thấy, những nhà quản lý sau khi tham gia một kháo đào tạo sự hài hước hiệu suất công việc cao hơn 15% so với 9 tháng trước đó. Điều đó cho thấy, người có tính hài hước bước đến thành công nhanh hơn!
1. Người có thành tích trắc nghiệm tính hài hước tương đối cao, thường có điểm số IQ cao, còn người có tính hài hước bình thường, đôi khi thiếu khả năng ứng biến linh hoạt.
2. Người có tính hài hước thường có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong cuộc sống thường ngày, bởi họ có khả năng rút ngắn khoảng cách với người khác chỉ trong thời gian ngắn và chiếm được cảm tình cùng sự tín nhiệm.
3. Người có tính hài hước luôn duy trì trạng thái lạc quan trong công việc. Theo thống kê, người đạt được thành tựu trong công việc không nhất thiết là người làm việc chăm chỉ, họ thường là người dí dỏm và hiểu người khác.
4. Người có tính hài hước luôn lạc quan, tích cực vì vậy họ lợi dụng đặc tính này để giải tỏa mọi áp lực, căng thẳng và phiền muộn mà công việc mang lại. Người thiếu sự dí dỏm âm thầm chấp nhận đau khổ, thậm chí khó thoát khỏi sự gò bó và tăng thêm gánh nặng cho chính mình.
Tất cả cho thấy sự hài hước mang lại tâm lý và trạng thái sức khỏe lành mạnh. Ngay từ bây giời hãy nuôi dưỡng và bổ sung sự hài hước để rèn luyện và nâng cao tâm trạng bản thân. Không nên có yêu cầu đòi hỏi xa vời thiếu thực tế, đừng quá để ý đến sự áp đặt của người khác, quan trọng nhất chính là sự quyết định của bản thân, học cách lí giải và thấu hiểu người xung quanh. Biết được mình cần gì và muốn gì sẽ giúp bạn duy trì một tâm trạng lạc quan và tích cực trong bất cứ tình huống hay hoàn cảnh nào.
Chủ động làm quen, kết giao bạn mới để giải tỏa áp lực. Kết giao là hành vi bản năng của con người, chủ động giao tiếp rộng rãi sẽ có tác dụng nhất định trong việc giải tỏa căng thẳng của công việc. Hơn nữa, đại chúng hóa mối quan hệ bản thân, tích cực giúp đỡ mọi người giúp chính mình tìm được thú vui trong cuộc sống.
Bí quyết để nắm bắt tính hài hước, đầu tiên bạn cần khiến tâm trạng của bạn thân luôn được vui vẻ,; tiếp đó là phát huy sức tưởng tượng, liên tưởng và kết hợp hai sự vật sự việc khác nhau để có được hiệu quả bất ngờ; cuối cùng là năng cao khả năng biểu đạt ngôn ngữ, chú trọng sự hài hòa trong ngôn ngữ và hình thể tập thể. Nếu bạn nắm bắt được điều này, đôi khi sự hài hước dí dỏm sẽ giúp bạn ứng phó được nhiều cục diện cam go, là cách điều hòa cuộc sống tốt nhất.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro