Kn và cơ sở Quản lý Môi trường
1.Khái niệm quản lý môi trường.
"Quản lý môi trường là tổng hợp các biện pháp, luật pháp, chính sách Kinh tế, kỹ
thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền
vững kinh tế - xã hội quốc gia".
Với nội dung trên quản lý môi trường cần phải hướng tới những mục tiêu cơ bản
sau đây:
- Thứ nhất là phải khắc phục và phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường phát
sinh trong hoạt động sống của con người.
- Thứ hai là Phát triển bền vững Kinh tế và xã hội quốc gia theo 9 nguyên tắc của
một xã hội bền vững do hội nghị Rio-92 đề xuất và được tuyên bố
Johannesburg, Nam phi về phát triển bền vững 26/8-4/9/2002 tái khẳng định.
Trong đó với nội dung cơ bản cần phải đạt được là phát triển Kinh tế - xã hội
gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi
trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học.
- Thứ ba là Xây dựng các công cụ có hiệu lực quản lý môi trường quốc gia và các
vùng lãnh thổ. Các công cụ trên phải thích hợp cho từng ngành, từng địa
phương và cộng đồng dân cư.
2. Cơ sở Quản lý môi trường.
2.1. Cơ sở triết học của quản lý môi trường.
Trong triết học người ta bàn nhiều về nguyên lý thống nhất của thế giới vật chất,
trong đó sự gắn bó chặt chẽ giữa tự nhiên, con người và xã hội thành một hệ
thống thống nhất, yếu tố con người giữ vai trò quan trọng. Sự thống nhất của hệ
thống được thực hiện trong các chu trình Sinh Địa Hoá của 5 thành phần cơ bản:
- Sinh vật sản xuất (tảo và cây xanh) có chức năng tổng hợp chất hữu cơ từ
các chất vô cơ dưới tác động của quá trình quang hợp.
- Sinh vật tiêu thụ là toàn bộ động vật sử dụng chất hữu cơ có sẵn, tạo ra các
chất thải.
- Sinh vật phân huỷ (vi khuẩn, nấm) có chức năng phân huỷ các chất thải,
chuyển chúng thành các chất vô cơ đơn giản.
- Con người và xã hội loài người.
- Các chất vô cơ và hữu cơ cần thiết cho sự sống của sinh vật và con người với
số lượng ngày một tăng.
Tính thống nhất của hệ thống "Tự nhiên - Con người - Xã hội" đòi hỏi việc giải
quyết vấn đề môi trường và thực hiện công tác quản lý môi trường phải mang tính
toàn diện và hệ thống. Con người cần phải nắm bắt cội nguồn của sự thống nhất đó,
phải đưa ra được những phương sách thích hợp để giải quyết các mâu thuẫn nẩy
sinh trong hệ thống. Bởi lẽ con người đã góp phần quan trọng vào việc phá vỡ tất
yếu khách quan là sự thống nhất biện chứng giữa tự nhiên - con người - Xã hội.
Chính vì vậy khoa học về quản lý môi trường, hay sinh thái nhân văn chính là sự
tìm kiếm của con người nhằm nắm bắt và giải quyết các mâu thuẫn, tính thống nhất
của hệ thống "Tự nhiên - con người - Xã hội".
2.2. Cơ sở khoa học - kỹ thuật - công nghệ của quản lý môi trường.
Khoa học về môi trường là một lĩnh vực khoa học mới, thực sự nó xuất hiện và
được phát triển mạnh từ những năm 1960 trở lại đây, làm cơ sở cho nghiên cứu,
đúc rút kinh nghiệm, phát hiện những nguyên lý, quy luật môi trường giúp cho việc
thực hiện quản lý môi trường.
Nhờ những kỹ thuật và công nghệ môi trường, các vấn đề ô nhiễm do hoạt động
sản xuất của con người đang được nghiên cứu, xử lý hoặc phòng tránh, ngăn ngừa.
Các kỹ thuật phân tích, đo đạc, giám sát chất lượng môi trường như kỹ thuật viễn
thám, tin học được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới giúp cho việc Quản lý
môi trường hiệu quả hơn.
2.3. Cơ sở kinh tế của quản lý môi trường.
Hiện nay Quản lý môi trường được hình thành trong bối cảnh của nền Kinh tế thị
trường và thực hiện điều tiết xã hội thông qua các công cụ kinh tế.
Trong nền Kinh tế thị trường mọi nguyên lý hoạt động được dựa trên cơ sở cung và
cầu của thị trường, thông qua cạnh tranh, hoạt động phát triển và sản xuất của cải
vật chất diễn ra dưới sức ép của sự trao đổi hàng hoá theo gía trị. Loại hàng hoá có
chất lượng tốt và giá thành rẻ sẽ được tiêu thụ nhanh, ngược lại những hàng hoá
kém chất lượng và giá thành cao thì sẽ không có chỗ đứng. Trên cơ sở những
nguyên lý của kinh tế thị trường, người ta đã đưa ra các chính sách hợp lý và các
công cụ kinh tế để điều chỉnh và định hướng hoạt động phát triển sản xuất có lợi cho công tác bảo vệ môi trường.
2.4. Cơ sở luật pháp cho Quản lý môi trường.
Cơ sở luật pháp cho quản lý môi trường thực chất là các văn bản về luật quốc tế và
luật quốc gia về lĩnh vực môi trường.
Luật quốc tế về môi trường thực chất là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm quốc tế
điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa quốc gia và tổ chức quốc tế trong
việc ngăn chặn, loại trừ thiệt hại gây ra cho môi trường của từng quốc gia và môi
trường ngoài phạm vi tàn phá quốc gia. Các văn bản luật quốc tế về môi trường đã
được hình thành một cách chính thức từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, giữa các
quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Từ hội nghị quốc tế về "Môi trường và con
người" tổ chức năm 1972 tại Stockholm, Thuỵ điển và sau hội nghị thượng đỉnh
Rio 1992, Brazin đã có rất nhiều văn bản luật quốc tế được soạn thảo và ký kết.
Cho đến nay đã có hàng ngàn các văn bản luật quốc tế về môi trường, trong số đó
đã có nhiều văn bản được chính phủ Việt nam ký kết.
Trong phạm vi quốc gia, chúng ta cũng đã có nhiều văn bản pháp lý liên quan đến
bảo vệ và quản lý môi trường. Văn bản quan trọng nhất là Luật bảo vệ môi trường
được quốc hội thông qua ngày 27/12/1993.
Các văn bản pháp luật Quốc tế và Quốc gia là cơ sở quan trọng để thực hiện công
tác quản lý Nhà nước vể bảo vệ môi trường.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro