Kinh Trung A Hàm
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ
1. PHẨM BẢY PHÁP
1. KINH THIỆN PHÁP[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm vườn Cấp cô độc[02].
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh[03], thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người[04].
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết pháp? Nghĩa là Tỳ-kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa[05]. Ấy là Tỳ-kheo biết pháp. Nếu Tỳ-kheo không biết pháp, tức không biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Tỳ-kheo như vầy là không biết pháp. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp, đó là biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này[06]. Đó là Tỳ-kheo biết nghĩa. Nếu Tỳ-kheo không biết nghĩa tức là Tỳ-kheo không biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia; không biết điều này có nghĩa như thế kia, điều kia có nghĩa như thế này. Tỳ-kheo như vậy là không biết nghĩa. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa, đó là biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết thời? Đó là Tỳ-kheo biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả[07]. Ấy là Tỳ-kheo biết thời. Nếu có Tỳ-kheo không biết thời tức là không biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Tỳ-kheo như vậy là không biết thời. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ thời, đó là biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ thời.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết tiết độ? Đó là Tỳ-kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo không biết tiết độ tức là Tỳ-kheo không biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, đại tiểu tiện, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Tỳ-kheo như vậy là không biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ, đó là biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết mình? Tỳ-kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc[08]. Tỳ-kheo như vậy là biết mình. Nếu có Tỳ-kheo không biết mình tức là không tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là không biết mình. Nếu có Tỳ-kheo khéo tự biết rõ mình, đó là biết mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là khéo biết rõ mình.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết chúng hội? Tỳ-kheo biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo biết chúng hội. Nếu có Tỳ-kheo không biết chúng hội tức là không biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là chúng hội Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Tỳ-kheo như vậy là không biết chúng hội. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội, đó là biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người[09]? Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người: có tín và có bất tín[10], người có tín là hơn, người bất tín là kém. Người có tín lại có hai hạng: Thường đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém. Người thường đến gặp Tỳ-kheo lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém. Người có lễ kính lại có hai hạng: có hỏi kinh và không hỏi kinh. Người có hỏi kinh là hơn, người không hỏi kinh là kém. Người có hỏi kinh lại có hai hạng: nhất tâm nghe kinh và không nhất tâm nghe kinh. Người nhất tâm nghe kinh là hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém. Người nhất tâm nghe kinh có hai hạng: nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém. Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém. Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp[11]; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp và thực hành đúng như pháp. Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém. Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác, làm ích lợi cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người, không xót thương thế gian không cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người. Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn và khoái lạc cho trời người. Người ấy là bậc nhất là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu giữa mọi người khác. Ví như từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sinh tô, từ sinh tô có thục tô, từ thục tô có tô tinh[12]. Tô tinh là thứ bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu đối với những loại kia. Cũng vậy, nếu người nào tự làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời người, thì trong hai hạng người như trên đã nói, đã phân biệt, đã thi thiết, người ấy là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu. Ấy là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người.
Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. VII.64 Dammaññū-sutta; biệt dịch: No.27 Thất Tri Kinh, 1 quyển, Ngô Chi Khiêm dịch (Đại 1, tr.810); No.125 (39.1) Tăng Nhất, “Đẳng Pháp Phẩm” (Đại 2, tr.728).[02] Hán: Xá-vệ quốc, Thắng lâm, Cấp cô độc viên 舍 衛 國 勝 林 給 孤 獨 園. Pāli: sāvatthiyam... Jetavāne Anathapiṇḍikassa ārāme.[03] Hán: Ư Hiền thánh đắc hoan hỷ lạc 於 賢 聖 得 歡 喜. No.27: Hiện thế an ổn, hân duyệt đa hạnh 現 世 安 隱 欣 悅 多. No.125 (39.1): ư hiện pháp trung thọ lạc vô cùng 於 現 法 中 受 樂 無 窮. Cả hai bản đều có nghĩa: “Được an ổn ngay trong đời hiện tại”.[04] Tri pháp, tri nghĩa, tri thời, tri tiết, tri chúng, tri nhân thắng như 知 法 知 義 知 時 知 莭 知 眾 知 人 勝 如. Pāli: dhammaññū ca hoti atthaññū ca attaññū ca mattaññū ca kālaññū ca parisaññū ca puggalaparoparaññū ca.[05] Chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa 正 經, 歌 詠, 記 説, 偈 他, 因 縁, 撰 録, 本 起, 此 說, 生 處, 廣 解, 未 曾 有, 說 義 Cả ba bản đều liệt kê mười hai bộ. Pāli chỉ có chín: suttaṃ geyyaṃ veyyākaraṇaṃ gāthaṃ udānaṃ ittivuttakaṃ jātakaṃ abbhutadhammaṃ vedallaṃ.[06] Hán: tri bỉ bỉ thuyết nghĩa, thị bỉ nghĩa, thị thử nghĩa 知 彼 彼 說 義, 是 彼 義, 是 此 義. Pāli: ayaṃ imassa bhāsitassa attho, ayaṃ imassa bhāsitassa, “Đây là ý nghĩa của điều được nói này. Đây là ý nghĩa của điều được nói này.”[07] Hán: hạ tướng, cao tướng, xả tướng 下 相, 高 相, 捨 相. Tập dị 17 (Đại 26, tr.457b): tu chỉ tướng, tu cử tương, tu xả tướng. Pāli: ayaṃ kālo uḍessa, ayaṃ kālo paripucchāya, ayaṃ kālo yogassa, ayaṃ kālo paṭisallānassā. “Đây là thời để giảng thuyết; đây là thời để chất vấn; đây là thời để tu tập, đây là thời để tĩnh chỉ’’. Trong bản Hán, đọc uddha(?) hay ucca (cao), thay vì uddesa (giảng giải).[08] Hán: tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm, sở đắc 信 戒 聞 施 慧 辯 阿 舍 所 得. Tập dị 17 (Đại 26, tr.457c): tín, giới, văn, xả, tuệ, giáo, chứng, niệm, tộc tánh, biện tài 信 戒 聞 捨 慧 証 念 族 姓 辯 扌. Pāli: saddha (tín), sīla (giới), suta (văn), cāga, (thí xả), paññā (tuệ), paṭibhāna (biện tài).[09] Hán: tri nhân thắng như 知 人 勝 如. Tập dị 17, đã dẫn: tri nhân thắng liệt 知 人 勝 劣.[10] Hán: hữu tín, hữu bất tín 有 信 有 不 信. Tập dị 17, đã dẫn: hơn kén về đức hạnh.[11] Hán: Tri pháp, tri nghĩa, hướng pháp, thứ pháp, tùy thuận ư pháp, như pháp hành chi 知 法, 知 義, 向 法, 隨 順 於 法, 如 法 行 之. Pāli: atthamaññāya dhammamaññāya dhammānudhammappaṭipanno, “sau khi tư duy về nghĩa, tư duy về pháp, rồi thực hành pháp và tùy pháp”.[12] Hán: nhũ, lạc, sinh tô, thục tô, tô tinh 乳 酪 生 酥 熱 酥 酥 精. Pāli: khīra (sữa), dadhi (sữa đông hay sữa chua), takka (bơ lỏng, ¼ nước ), navanīta (bơ đặc), sappi (dầu bơ hay bơ tinh, đề hồ). Bản Pāli tương đương không có thí dụ này.
2. KINH TRÚ ĐẠC THỌ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở tại Thắng lâm trong vườn Cấp cô độc.
Lúc bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu lá cây Trú đạc[02] Tam thập tam thiên úa vàng[03], lúc đó thiên chúng ở Tam thập thiên vui mừng hớn hở, cho rằng lá cây Trú đạc chẳng bao lâu nữa sẽ rụng. Rồi thì lá cây ở Tam thập tam thiên đã rụng. Lúc đó chư Thiên ở Tam thập tam thiên vui mừng hớn hở cho rằng lá cây Trú đạc chẳng bao lâu nữa sẽ mọc lại. Rồi thì lá cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên đã mọc lại, lúc đó chư Thiên ở Tam thập tam thiên vui mừng hớn hở cho rằng cây Trú đạc chẳng bao lâu nữa sẽ kết ra mạng lưới[04]. Rồi thì cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên đã kết mạng lưới.
Lúc đó chư Thiên ở Tam thập tam thiên vui mừng hớn hở cho rằng cây Trú đạc chẳng bao lâu nữa sẽ nở nụ giống như mỏ chim[05]. Rồi thì cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên đã nở nụ giống như mỏ chim. Lúc đó chư Thiên ở Tam thập tam thiên cho rằng cây Trú đạc chẳng bao lâu nữa sẽ nở hoa giống như cái bát[06]. Rồi thì cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên đã nở hoa như cái bát. Lúc đó chư Thiên ở Tam thập tam thiên hớn hở cho rằng cây Trú đạc chẳng bao lâu hoa sẽ nở tròn trịa. Nếu cây Trú đạc nở hoa tròn trịa thì nó chiếu ra ánh sáng, màu sắc và tỏa ra mùi thơm trong chu vi trăm do-diên[07]. Lúc bấy giờ vào tháng tư mùa hạ, các vị Tam thập tam thiên vui đùa với năm món dục lạc cõi trời. Đó là Tam thập tam thiên tập trung dưới cây Trú đạc mà hưởng thọ sự hoan lạc.
“Theo ý nghĩa như thế, vị Thánh đệ tử cũng vậy. Khi suy nghĩ đến việc xuất gia, lúc đó vị Thánh đệ tử như là chiếc lá úa vàng, cũng giống như lá cây Trú đạc ở cõi Tam thập tam thiên vàng úa.
“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, với chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là lá rụng, như lá cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên rụng xuống.
“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán[08], có hỷ và lạc phát sinh do viễn ly[09], thành tựu và an trụ[10] Sơ thiền; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là sanh trở lại như lá cây ở Tam thập tam thiên sanh trở lại.
“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử giác và quán đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh[11] thành tựu và an trụ Nhị thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được gọi là sanh màng lưới như cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên sanh mạng lưới.
“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả, vô cầu[12], chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là được xả bởi Thánh, có niệm và lạc, an trụ không[13], thành tựu an trụ Tam thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được gọi là nở nụ như mỏ chim, cũng như cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên nở nụ như mỏ chim.
“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh[14] thành tựu an trụ Tứ thiền. Vị Thánh đệ tử lúc đó được gọi là nở hoa như cái bát vậy. cũng như cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên nở hoa như cái bát.
“Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử các lậu đã tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát ngay trong đời này[15] mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; vị ấy biết một cách như thật rằng ‘Sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa’. Lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là hoa nở tròn trịa, cũng giống như cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên nở hoa tròn trịa. Đó là vị Tỳ-kheo lậu tận A-la-hán, được Tam thập tam thiên tập hội tại chánh điện Thiện pháp hỏi han khen ngợi rằng: ‘Vị Thánh đệ tử tôn quý đó, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết một cách như thật rằng, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là sự tập hội của các A-la-hán lậu tận, như Tam thập tam thiên cùng tập hội dưới cây Trú đạc vậy”.
Phật thuyết như vậy, các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. VII.65 Pārichattaka-sutta. Biệt dịch No.28 Phật Thuyết Viên Sinh Thọ Kinh, 1 quyển, Tống Thi Hộ dịch (Đại 2, tr.810); No.125 ( 39.2 ) Tăng Nhất 33, “Đẳng Pháp Phẩm” (Đại 2, tr.729).[02] Hán: trú đạc (độ) thọ 晝 度 樹. Pāli: pārichattaka (Skt. pārijāta: viên sinh thọ 圓 生 樹. Cây san hô (Erythmia Indica) trên trời Đao-lợi (Pl. Tāvatiṃsa), làm chuẩn để tính ngày; đồng hồ của trời Đao-lợi. No.125 ( 39.2 ) mô tả: gốc cây lớn năm mươi do tuần, cao một trăm do tuần, bóng mát phủ bốn phía, mỗi phía năm mươi do tuần. Các Thiên thần cõi trời Tam thập tam thiên, vào tiết tháng tư thường tụ tập đến đó thưởng ngoạn. No.28 cũng mô tả tương tự.[03] No.28: cây ấy tức sinh ra bán nổ bát la xá 半 努 缽 羅 舍. Pāli: paṇḍupālasa: (lá cây) héo úa.[04] Hán: sinh võng 生 網. Pāli: jālakajāta: nảy mầm chồi non. Bản Hán phân tích: jālaka: màng lưới + jāta: đã sinh. No. 28: bảo võng 寳 網. phân tích: jālaka, lưới; + jāta = jātarūpa (?): vàng (hoàng kim).[05] Hán: điểu trác 鳥 啄. Pāli: khāraka, chồi hay lộc.[06] No.28, hai giai đoạn: câu-châm-ma-la-ca 俱 砧 摩 羅 迦. Pāli: kuḍumalaka, nụ hoa vừa lú); và ca-ca-tả 迦 迦 寫. Pāli, koraka, nụ hoa).[07] Pāli: samantā paññ āsayojanāni ābhāya phuṭaṃ hoti, anuvātaṃ yojanasataṃ gandho gacchati, “hương thơm tỏa ra trùm khắp năm mươi yojana (do-tuần, hay do-diên); thuận gió, bay đến một trăm yojana.[08] Hán: hữu giác hữu quán 有 覺. Pāli: sa vitakkaṃ savicāraṃ, câu hữu với tầm (suy tầm) và câu hữu với tứ (tư sát).[09] Hán: ly sanh hỷ lạc 離 生 喜 樂. Pāli: vivekajaṃ pītisukhaṃ, hỷ và lạc phát sinh từ sự ẩn cư.[10] Hán: thành tựu du 成 就 遊. Pāli: upasampajja viharati, sau khi chứng nhập, vị ấy an trụ (sống trong trạng thái).[11] Hán: định sanh hỷ lạc 定 生 喜 樂. Pāli: samādhijaṃ pītisukhaṃ.[12] Hán: ly ư hỷ dục, xả, vô cầu du 離 於 喜 欲 捨 無 求 遊. Pāli: pītiyā ca virāgā ca uppekkako ca viharati: vị ấy sống (an trú) trong trạng thái xả, không còn hỷ.[14] Hán: xả niệm thanh tịnh 捨 念 淸 淨. Pháp Uẩn 7 (Đại 26, tr.485a): “Lúc bấy giờ, hoặc xả, hoặc niệm, thảy đều được thanh tịnh”. Pāli: upekkā-sati-parisuddhiṃ.[15] Hán: ư hiện pháp trung 於 現 法 中. Pāli: diṭṭhe dhamme.
3. KINH THÀNH DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hành nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như Vương thành ở biên giới có bảy việc đầy đủ[02] và bốn thứ lương thực sung túc dễ tìm không khó; do đó Vương thành không bị ngoại địch đánh phá, ngoại trừ tự phá hoại từ bên trong.
“Những gì là bảy việc mà Vương thành có đầy đủ? Đó là Vương thành ở biên giới xây cất vọng gác[03], đắp đất cho chắc không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ nhất của Vương thành.
“Lại nữa, Vương thành ở biên giới, đào hào vét ao cho thật sâu rộng, sửa sang cụ bị để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ hai của Vương thành.
“Lại nữa, như đường giao thông chung quanh Vương thành ở biên giới được dọn dẹp cho bằng phẳng, rộng rãi, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ ba của Vương thành.
“Lại nữa, như ở Vương thành biên giới tập trung bốn binh quân: quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài, đó là việc làm đầy đủ thứ tư của Vương thành.
“Lại nữa, như Vương thành ở biên giới dự bị binh khí, cung, tên, mâu, kích, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch ở bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ năm của Vương thành.
“Lại nữa, như Vương thành ở biên giới lập vị Đại tướng trấn thủ, sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vác, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người lành thì cho vào, kẻ không lương thiện thì ngăn cấm, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ sáu của Vương thành.
“Lại nữa, như Vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn, tô đất, để bên trong được an ổn, chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc làm đầy đủ thứ bảy của Vương thành.
“Bốn thứ lương thực[04] dễ tìm không khó là gì? Đó là Vương thành ở biên giới nước, cỏ, củi, gỗ có sẵn, có dự bị để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ nhất sung túc, dễ tìm không khó ở Vương thành.
“Lại nữa, như Vương thành ở biên giới thu nạp nhiều lúa gạo và chứa cất lúa mạch, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch ở bên ngoài. Đó là loại lương thực đầy đủ, dễ kiếm không khó ở Vương thành.
“Lại nữa, như Vương thành ở biên giới chứa nhiều đậu niêm, đại đậu, tiểu đậu[05] để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ ba sung túc, dễ tìm không khó ở Vương thành.
“Lại nữa, như Vương thành ở biên giới, chứa để dầu bơ, mật, mía đường, cá, muối, thịt khô, tất cả đầy đủ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ tư sung túc, dễ tìm không khó ở Vương thành.
“Như vậy, Vương thành bảy việc đầy đủ, bốn thứ lương thực sung túc, dễ tìm không khó, nên không bị ngoại địch đánh phá, chỉ trừ bên trong tự phá hoại.
“Cũng vậy, nếu Thánh đệ tử cũng được bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm[06], dễ được không khó, vì thế Thánh đệ tử không bị ma vương lung lạc[07] cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị ô nhiễm bởi phiền não, không còn thọ sanh trở lại.
“Bảy thiện pháp mà Thánh đệ tử có được là những gì? Đó là Thánh đệ tử có tín kiên cố, tin sâu nơi Như Lai[08], tín căn đã vững, trọn không tin theo Sa-môn, Phạm chí, ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên, và các hạng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử được thiện pháp thứ nhất.
“Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành tàm sỉ[09], điều đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ pháp ác bất thiện, phiền não ô ế, là thứ khiến thọ các ác báo, gây nên gốc rễ sanh tử. Đó là thiện pháp thứ hai mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành xấu thẹn[10], điều đáng xấu thẹn biết xấu thẹn, xấu thẹn pháp ác bất thiện, phiền não ô uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Đó là thiện pháp thứ ba mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành tinh tiến[11], đoạn trừ các ác bất thiện pháp, tu các thiện pháp, luôn gắng sức bền chí[12], chuyên nhất kiên cố[13], làm các điều thiện, không bỏ phương tiện[14]. Đó là thiện pháp thứ tư mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ tử học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự học rộng. Các pháp nào là toàn thiện ở khoảng đầu, toàn thiện ở khoảng giữa, toàn thiện ở khoảng cuối, có nghĩa có văn, thanh tịnh trọn đủ, phạm hạnh hiển hiện[15], học rộng nghe nhiều các pháp như vậy; học đến cả ngàn lần, chú ý chuyên tâm quán sát[16], thấy rõ hiểu sâu[17]. Đó là thiện pháp thứ năm mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành nơi niệm, thành tựu chánh niệm; những điều đã học tập từ lâu, đã từng nghe từ lâu[18], nhớ luôn không quên. Đó là thiện pháp thứ sáu mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán sát pháp hưng suy[19]. Do có trí như vậy, có thánh tuệ, có sự thấu hiểu, phân biệt rõ ràng, mà diệt tận hoàn toàn sự khổ. Đó là thiện pháp thứ bảy mà Thánh đệ tử có được.
“Những gì là bốn tăng thượng tâm, dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt được? Đó là Thánh đệ tử ly dục[20], ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ và lạc phát sinh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ thiềân. Đó là tăng thượng tâm thứ nhất dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.
“Lại nữa, Thánh đệ tử giác và quán đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh thành tựu và an trụ Nhị thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ hai dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.
“Lại nữa, Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà Thánh gọi là được xả bởi Thánh, có niệm và lạc, an trụ không, thành tựu an trụ tâm. Đó là tăng thượng tâm thứ ba dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.
“Lại nữa, Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh thành tựu an trụ Tứ thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ tư dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.
“Như vậy, Thánh đệ tử được bảy thiện pháp, đạt đến bốn tâm tăng thượng dễ được không khó, không bị ma vương lung lạc, cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị nhiễm bởi nhiễm ô, không còn thọ sanh trở lại.
“Như Vương thành ở biên giới xây cất vọng gác, đắp đất cho chắc không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử có tín kiên cố, tin sâu nơi Như Lai, tín căn đã lập, trọn không theo Sa-môn, Phạm chí, Ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên và các hạng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử có vọng gác tín tâm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.
“Như Vương thành ở biên giới đào hào vét ao thật sâu rộng, sửa sang thật vững chắc, để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng thế, Thánh đệ tử thực hành tàm sỉ, điều đáng xấu hổ biết xấu hổ, xấu hổ pháp ác, bất thiện, phiền não ô uế, là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có hồ ao tàm sỉ, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.
“Như Vương thành ở biên giới dọn dẹp những con đường nối liền chung quanh cho bằng thẳng rộng rãi để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử thực hành xấu thẹn điều đáng thẹn biết thẹn, thẹn pháp ác, bất thiện, phiền não ô uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có con đường bằng thẳng hổ thẹn để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.
“Như Vương thành ở biên giới tập trung bốn binh chủng: tượng quân, mã quân, xa quân, bộ quân, để bên trong được an ổn và chế ngự địch quân ở bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử thường thực hành hạnh tinh tấn, đoạn trừ ác bất thiện, tu các thiện pháp, luôn gắng sức bền chí, chuyên nhất kiên cố, làm các điều thiện, không bỏ phương tiện đoạn trừ ác bất thiện tu các thiện pháp, luôn tự khởi ý, chuyên nhất, kiên cố, làm các gốc rễ thiện, không bỏ phương tiện. Đó là Thánh đệ tử có quân lực tinh tấn để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.
“Như Vương thành ở biên giới, chuẩn bị binh khí, cung tên, mâu kích, để bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự nghe rộng. Các pháp nào là toàn thiện ở khoảng đầu, toàn thiện ở khoảng giữa, toàn thiện ở khoảng cuối, có nghĩa có văn, thanh tịnh trọn đủ, phạm hạnh hiển hiện, học rộng nghe nhiều các pháp như vậy; học đến cả ngàn lần, chú ý chuyên tâm quán sát, thấy rõ hiểu sâu. Đó là Thánh đệ tử có binh khí đa văn, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.
“Như Vương thành ở biên giới lập vị Đại tướng trấn thủ sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vác, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người hiền thì cho vào, kẻ bất lương thì ngăn cấm, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử thường thực hành nơi niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã từng thực tập từ lâu, đã từng nghe từ lâu, nhớ luôn không quên. Đó là Thánh đệ tử có Đại tướng trấn thủ niệm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.
“Như Vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn tô đất, để bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy. Nhờ đó Thánh tuệ có thể thấu hiểu, phân biệt rõ ràng mà hoàn toàn diệt tận khổ. Đó là Thánh đệ tử có bức tường trí tuệ, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.
“Như Vương thành ở biên giới có chuẩn bị sẵn nước, cỏ, củi, gỗ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử ly dục và ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do viễn ly, thành tựu an trụ Sơ thiền, lạc trụ không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.
“Như Vương thành ở biên giới thu nạp nhiều lúa gạo và chứa nhiều cây lúa mạch, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử đã dứt giác quán, nội tỉnh nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, thành tựu an trụ Nhị thiền, lạc trụ không thiếu thốn, an ổn, khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.
“Như Vương thành ở biên giới chứa nhiều niêm đậu, đại đậu, và tiểu đậu, để bên trong dược an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả, vô cầu[21], chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là được xả bởi Thánh, có niệm và lạc, an trụ không, thành tựu an trụ Tam thiền, lạc trụ không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.
“Như Vương thành ở biên giới chứa cất bơ, dầu, mía, đường, cá, muối, thịt khô, tất cả đầy đủ. Để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, thành tựu an trụ Tứ thiền, lạc trụ không thiếu thốn, an ổn khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn”.
Phật thuyết như vậy. Các Thầy Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. VII.6 43, Nagara-sutta. Biệt dịch, No.125 ( 39.4) Tăng Nhất 33 “Đẳng Pháp Phẩm” (Đại 2, tr.730).[02] Hán: thất sự cụ túc七 事 具 足. Pāli: sattehi nagaraparikkārehi, với bảy tư cụ bảo vệ thành trì.[03] Hán: lâu lỗ樓 櫓. Pāli: esika, cột trụ bằng đá, thạch trụ.[04] Hán: thực食. Pāli: āhāra. Các bản Tống, Nguyên, Minh: sự 事.[05] Hán: niêm đậu, đại tiểu đậu 黏 豆 大 小 豆.Pāli: tila-mugga-māsāparaṇaṃ, mè (vừng), đậu đỏ, và các loại đậu khác.[06] Bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm 七 善 法 四 曾 上 心. Pāli: satta-saḍhamma (bảy pháp vi diệu), và catu-jhāna-abhicetasika (bốn Thiền tăng thượng tâm).[07] Hán: bất vi Ma vương chi sở đắc tiện不 為 魔 王 之 所 得 便. Pāli: akaraṇīyo marassa, không bị Ma vương chinh phục.[08] Hán: thâm trước Như Lai深 著 如 來. Pāli: saddahati Tathāgatassa bodhiṃ, tin tưởng sâu sắc sự giác ngộ của Như Lai.[09] Hán: tàm sỉ慚 恥 tức tàm, hổ thẹn. Pāli: hirīmā.[10] Hán: tu quỷ羞 愧. Pāli: ottappī.[11] Pāli: āraddha-viriya, nỗ lực tinh cần.[12] Hán: hằng tự khởi ý恒 自 起 意. Pāli: thāmavā, có sức mạnh.[13] Hán: chuyên nhất kiên cố. Pāli: dalhaparakamma, năng lực bền bĩ.[14] Pāli: anikkhittadhuro kusalesu dhammesu, không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp.[15] Hán: cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh具 足 淸 淨 顯 現 梵 行. Pāli: kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahacariyau abhivadanti, (các pháp ấy) tán thán phạm hạnh viên mãn và thanh tịnh.[16] Hán: ý sở duy quán意 所 性 觀. Pāli: manasānupekkhatā, được quán sát một cách có ý thức.[17] Hán: minh kiến, thâm đạt明 見 深 達. Pāli: diṭṭhiyā suppaṭiviḍhā, lãnh hội bằng kiến giải.[18] Hán: cửu sở tằng tập, cửu sở tằng văn久 所 曾 習 久 所 曾 聞. Pāli: cirakataṃ pi cirabhāsitaṃ, những điều được làm từ lâu, được nói từ lâu.[19] Hán: quán hưng suy pháp觀 興 吹 法. Pāli: udayatthagātaminiyā paññāya samannāgato, thành tựu trí tuệ về sự sinh khởi và hoại diệt (của các pháp).[20] Về bốn Thiền, xem các cht. 8-14 (kinh Thành Dụ) trên.[21] Hán: ly ư hỷ dục, xả, vô cầu du離 於 喜 欲 捨 無 求 遊. Pāli: pītiyā ca virāgā ca uppekkako ca viharati: vị ấy sống (an trú) trong trạng thái xả, không còn hỷ.
-ooOoo-
4. KINH THỦY DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về bảy hạng người ở dưới nước. Các ngươi hãy lắng nghe, lắng nghe, và khéo suy nghĩ”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Đức Phật dạy:
“Những gì là bảy? Hoặc có người nằm mãi dưới nước. Hoặc có một hạng người ra khỏi nước rồi chìm trở lại. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua[02]. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Hoặc lại có người ra khỏi nước rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là người đứng trên bờ[03].
“Cũng vậy, Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về bảy hạng người như ví dụ về nước. Các ngươi hãy lắng nghe, và khéo suy nghĩ”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Phật nói:
“Những gì là bảy? Hoặc có người nằm mãi dưới nước. Hoặc có một hạng người ra khỏi nước rồi chìm trở lại. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Hoặc có người ra khỏi nước rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Hoặc lại có người ra khỏi nước rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là Phạm chí đứng trên bờ[04]. Đó là Ta nói vắn tắt về bảy hạng người theo ví dụ về nước. Như đã nói, đã giảng giải trên, các ngươi có biết ý nghĩa gì? Phân biệt gì? Có nhân duyên gì?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:
“Thế Tôn là gốc của pháp. Thế Tôn là Pháp chủ[05], pháp do Thế Tôn. Kính mong Thế Tôn nói ra, để chúng con sau khi nghe rồi sẽ hiểu biết rộng rãi ý nghĩa”.
Phật dạy:
“Các ngươi hãy lắng nghe, lắng nghe, và khéo suy nghĩ. Ta sẽ phân biệt ý nghĩa ấy cho các ngươi”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Phật nói:
“Thế nào là hạng người nằm mãi[06]? Hoặc có những người bị pháp bất thiện che lấp, bị nhiễm bởi nhiễm ô, thọ quả báo của ác pháp, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là hạng người nằm mãi dưới nước. Cũng như người chìm lỉm, nằm luôn dưới nước, Ta nói người kia cũng giống như vậy. Đó là hạng người thứ nhất của ví dụ về nước, thế gian quả thực có hạng người như vậy.
“Thế nào là hạng người ra khỏi nước rồi chìm lại? Đó là người đã làm trỗi lên tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người ấy sau đó lại mất tín tâm, không kiên cố, mất sự trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, không kiên cố. Đó là hạng người ra rồi chìm lại. Như người chìm trong nước, đã ra được rồi lại chìm. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ hai của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.
“Thế nào là hạng người ra rồi đứng? Đó là người đã trỗi tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn kiên cố, chắc chắn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ đều kiên cố, không mất. Đó là hạng người ra khỏi nước rồi đứng. Như người chìm trong nước, ra khỏi nước rồi đứng. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ ba của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.
“Thế nào là hạng người ra rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh? Đó là người làm trỗi dậy tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm kiên cố vẫn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ vẫn kiên cố không mất; trụ trong thiện pháp; biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Người kia biết như vậy, thấy như vậy, ba kiết liền dứt sạch, đó là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kiết đã dứt sạch liền chứng Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, quyết định thẳng đến chánh giác, đời sau thọ sanh tối đa bảy lần, qua lại bảy lần trong nhân gian, thiên thượng; rồi chứng đắc biên tế của sự khổ[07]. Đó là hạng người ra rồi lại đứng, đứng rồi nhìn quanh. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ tư của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.
“Thế nào là người ra rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn quanh rồi lội qua. Đó là người trỗi được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều đã kiên cố không mất, trú trong thiện pháp. Biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy, ba kiết liền dứt sạch. Đó là, thân kiến, giới thủ, nghi; ba kiết đã dứt sạch. Dâm, nộ, si[08] vơi mỏng. Còn phải một lần vãng lai trong nhân gian, thiên thượng[09]. Sau khi qua lại một lần đó rồi liền chứng đắc Khổ đế. Đó là người ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Như người chìm trong nước, ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ năm của ví dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.
“Thế nào là người ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia? Đó là người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn, không mất. Trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều vẫn kiên cố, không mất, trụ trong thiện pháp. Biết như thế, thấy như thế, năm hạ phần kiết[10] dứt sạch. Đó là tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, nghi. Năm hạ phần kiết dứt sạch rồi, sanh vào cõi ấy[11], rồi nhập Niết-bàn, chứng pháp bất thối, không trở lại thế gian này nữa[12]. Đó là người ra rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Như người chìm trong nước ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi đi qua, đi qua rồi đến bờ bên kia; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ sáu của ví dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.
‘Thế nào là người ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia. Đến bờ bên kia rồi được gọi là người Phạm chí đứng trên bờ? Đó là người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp, biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy. Tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Đó là người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi được gọi là vị Phạm chí đứng trên bờ. Như người chìm trong nước, ra rồi đứng lên, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi gọi là người đứng trên bờ; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ bảy của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.
“Ta trước có nói sẽ giảng về bảy hạng người chìm trong nước cho các ngươi nghe. Vì vậy, Ta đã nói xong”.
Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. VII.15 Udakūpamā. Biệt dịch, No.29 Diêm Thủy Dụ Kinh, thất dịch, Đại 1 tr.811c; No.125 (39. 3) Tăng Nhất, “Đẳng Pháp Phẩm, kinh số 3 (Đại 2, tr.729c).[02] Hán: độ 渡 “lội qua sông”. Các bản Tống-Nguyên-Minh 度 “vượt qua”. Pāli: patarati: lội qua.[03] Hán: trú ngạn nhân 住 岸 人. Pāli: pārangato.[04] Hán: trụ ngạn phạm chí 住 岸 梵 志. Pāli: pārangato thale tithati bramano, “người Bà-la-môn đã sang bờ bên kia, đứng trên đất liền”.[05] Pháp chủ 法 主. Tống-Nguyên-Minh: Pháp vương 法 王.[06] Hán: thường ngọa 常 臥. Pāli: sakiṃ nimuggo nimuggo, một lần chìm là chìm luôn.[07] Hán: đắc khổ biên tế 得 苦 邊 際. Pāli: dukkhass' antaṃ karoti, chấm dứt sự khổ.[08] Tức tham, sân, si.[09] Chỉ vị Tư-đà-hàm, hay Nhất lai, “trở lại đây một lần nữa”.[10] Hạ phần kiết, hay thuận hạ phần kiết; những trói buộc dẫn tái sinh Dục giới. Pāli: pañcannaṃ orambhāgiyānaṃ saṃyojanānaṃ.[11] Hán: thử gian 此 間. chỉ các năm cõi trời Tịnh cư (Pāli: suddhāvāsa), thuộc cõi thiền thứ tư Sắc giới.[12] Chỉ Thánh giả A-na-hàm, hay Bất hoàn.
-ooOoo-
5. KINH MỘC TÍCH DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở Câu-tát-la[2], du hành giữa nhân gian và có đại chúng Tỳ-kheo đi theo.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang đi giữa đường, chợt thấy có đống cây lớn[3] ở một nơi kia đang bùng cháy dữ dội. Thế Tôn thấy vậy, liền bước xuống bên đường, đi đến một cây khác, trải Ni-sư-đàn[4], kiết già mà ngồi. Đức Thế Tôn ngồi rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thấy đống cây lớn đằng kia bùng cháy không?”
Khi đó các Tỳ-kheo trả lời:
“Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy”.
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi nghĩ sao, với đống cây lớn phựt cháy hừng hẫy đó mà hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; hay là, với người con gái của dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, hay thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể, hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; việc nào vui sướng hơn?”
Lúc ấy các Tỳ-kheo thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, với đống cây lớn đang phựt cháy hừng hẫy hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, hoặc có người con gái dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hay thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể mà tới hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất vui sướng. Thế Tôn!”
Đức Thế Tôn bảo:
“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi Sa-môn mà lại mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà ôm đống cây lớn đang phừng cháy hừng hẫy, hoặc ngồi, hoặc nằm. Việc ấy mặc dù vì thế mà phải chịu khổ sở, hoặc chết. Nhưng không phải do đó mà thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới và không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện; không phải là phạm hạnh mà gọi là phạm hạnh, không phải là Sa-môn mà gọi là Sa-môn, hoặc ôm người con gái dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hoặc thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc trang sức thân thể, hoặc ngồi, hoặc nằm; người ngu si kia vì vậy mà lâu dài không thiện, không nghĩa[5], thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến cõi xấu, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa, và hãy suy nghĩ như thế này: ‘Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, được sanh vào các thiện xứ để được trường thọ; tiếp nhận áo chăn, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức, đại quả báo, đại quang minh. Hãy nên học như vậy”.
Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi nghĩ sao, như có lực sĩ lấy sợi dây thừng bằng lông bền chắc cột siết bắp tay[6] cho đến bứt da; bứt da rồi bứt thịt; bứt thịt rồi bứt gân; bứt gân rồi bứt xương; bứt xương cho tới tủy mới thôi. Hoặc nếu từ những người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hay thợ thuyền mà nhận sự tín thí, rồi sờ mó thân thể, chi tiết, tay chân. Điều nào vui sướng hơn?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ lấy sợi dây thừng bằng lông bền chắc cột siết bắp tay cho đến bứt da; bứt da rồi bứt thịt; bứt thịt rồi bứt gân; bứt gân rồi bứt xương; bứt xương cho tới tủy mới thôi. Rất khổ, bạch Thế Tôn, nếu từ người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền mà được cúng thí, rờ rẫm thân thể, chi tiết, tay chân; thì rất vui sướng, Thế Tôn!”
Thế Tôn bảo rằng:
“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn lại mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu vô thượng phạm hạnh thì thà để cho lực sĩ đem sợi dây thừng bằng lông, cột siết bắp tay cho tới bứt da, bứt da rồi bứt thịt, bứt thịt rồi bứt gân, bứt gân rồi bứt xương, bứt xương tới tủy mới thôi. Việc ấy mặc dù như vậy mà các ngươi thọ khổ hoặc chết, nhưng không do đó mà thân hoại mạng chung đi đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra pháp ác và bất thiện, không phải phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà xưng là Sa-môn; từ người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền thọ nhận sự tín thí, rồi rờ rẫm thân thể, các chi tiết và tay chân. Người ngu si đó vì vậy vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Hãy suy nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh vào các thiện xứ, để được trường thọ, tiếp nhận áo chăn, đồ ẩm thực, giường nệm, thuốc thang của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.
Phật lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem con dao đã mài giũa sắc bén chặt đứt ngang đùi; hay là từ nơi người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền, để thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, đón rước; điều nào sung sướng hơn?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem con dao đã mài giũa sắc bén chặt đứt ngang đùi, thì rất khổ. Thế Tôn, còn từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, hay thợ thuyền để thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, đón rước thì rất vui sướng”.
Thế Tôn bảo rằng:
“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem dao bén đã mài giũa chặt đứt ngang đùi. Việc ấy dù do đó mà chịu sự đau khổ, hoặc chết, nhưng không vì vậy mà khi thân hoại mạng chung đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn; rồi từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hay thợ thuyền, mà thọ nhận sự tín thí, lễ bái, cung kính, tiếp đón. Người ngu si kia vì thế vĩnh viễn không được thiện, không được nghĩa, thọ quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ, để được trường thọ, tiếp nhận áo chăn, thực phẩm, giường chiếu của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang vinh lớn, nên học như vậy”.
Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi nghĩ sao? Hoặc có lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực, rồi quấn quanh thân thể; hoặc từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền, để nhận sự tín thí y phục của người; cái nào vui sướng hơn?”
Các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể thì rất khổ. Nếu từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh tín thí, y phục của người, thì rất vui sướng”.
Thế Tôn bảo rằng:
“Ta sẽ nói các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem lá đồng sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể. Dù việc đó vì thế sẽ chịu sự khổ, nhưng không do vậy mà khi thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Nếu người ngu si, phạm giới, không tinh tấn, sanh ra pháp ác bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn; rồi từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền thọ lãnh sự tín thí, y phục của người. Người ngu si kia, vì thế vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp. Sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Do đó, các ngươi quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Nhận lãnh y phục, chăn mền, đồ ẩm thực, giường chiếu, thuốc thang của người tín thí là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.
Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi nghĩ sao, hoặc có lực sĩ đem kềm sắt nóng, kéo cho hả miệng ra rồi lấy viên sắt đốt cháy hừng hực quăng vào trong miệng. Viên sắt nóng đó đốt môi; đốt cháy môi rồi đốt cháy lưỡi; đốt lưỡi rồi đốt lợi; đốt lợi rồi đốt cổ; đốt cổ rồi đốt tim; đốt tim rồi đốt bao tử và ruột; đốt bao tử và ruột rồi rơi xuống dưới. Hoặc từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền, thọ nhận sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị. Việc nào vui sướng hơn?”
Các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng, rồi lấy viên sắt đã cháy hừng hực bỏ vào miệng. Viên sắt nóng ấy đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và ruột, đốt bao tử và ruột rồi rơi xuống dưới. Việc ấy rất khổ, bạch Thế Tôn, nếu từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để lãnh thọ sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị; việc ấy rất vui sướng”.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà để mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thà để lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng ra rồi đem viên sắt đã đốt cháy hừng hực quăng vào trong miệng, viên sắt nóng ấy đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và ruột, đốt bao tử và ruột rồi rơi xuống đất. Điều ấy dù do vậy mà phải chịu đau khổ, hoặc chết, nhưng không vì thế mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng có phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn. Từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để nhận lãnh sự tín thí, đồ ăn, vô lượng mùi vị. Người ngu si đó vì thế mà vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, chịu quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không luống không, mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Nhận lãnh sự tín thí, y phục, chăn mền, đồ ẩm thực, giường chiếu, thuốc thang của người là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.
Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem giường sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi cưỡng bức người kia phải nằm ngồi trong đó hoặc là từ các người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, giường chõng hay ngọa cụ của người; việc nào vui sướng hơn?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem giường sắt hay đồng đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức người kia phải nằm ngồi trên đó thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, nếu theo các người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, giường chõng, ngọa cụ của người; thì rất vui sướng”.
Thế Tôn bảo rằng:
“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Nếu các ngươi muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng, thì thà để cho lực sĩ đem giường đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức phải nằm ngồi trên đó, việc đó vì thế mà chịu sự khổ sở hoặc chết. Nhưng không vì thế mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng làm Sa-môn, rồi từ những người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, ngọa cụ, giường chõng của người; người ngu si đó vì thế vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không, mà có quả báo, có sự an lạc vô cùng, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ. Nhận lãnh sự tín thí, áo mền, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang của người là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như vậy”.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem cái nồi lớn bằng sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi túm lấy người kia ném ngược vào trong đó; hoặc là từ các người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp. Đằng nào vui sướng hơn?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem cái nồi lớn bằng sắt hay đồng đốt cháy hừng hực, rồi túm lấy người kia ném ngược vào trong đó; thế thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, nếu từ các người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp; thế thì rất vui sướng”.
Thế Tôn bảo rằng:
“Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi học Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem nồi lớn bằng đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi tóm giở ngược lên quăng vào trong nồi, mặc dù vì như thế mà chịu đau khổ hoặc chết, nhưng không vì vậy mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới, không tinh tấn, sanh ra ác pháp bất thiện, chẳng có phạm hạnh xưng là phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn, rồi từ người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ thợ thuyền để nhận lãnh sự tín thí, nhà cửa được tô trét đất bùn, cửa sổ và cửa lớn kín và chặt; có lò sưởi ấm áp của người. Người ngu si đó vì thế mà vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác, sau khi thân hoại mạng chung, thẳng đến ác xứ, hay sanh vào địa ngục. Vì thế các ngươi nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa. Nên nghĩ thế này: Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không mà có quả có báo, có sự an lạc cùng cực, sinh đến thiện xứ, được trường thọ, nhạân lãnh sự tín thí, áo mền, đồ ẩm thực, giường nệm, thuốc thang của người, là làm cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn. Nên học như thế”.
Khi dạy bài pháp này, sáu mươi vị Tỳ-kheo dứt sạch các lậu, giải thoát kiết sử. Sáu mươi Tỳ-kheo xả giới hoàn tục. Sao vậy? Vì sự giáo huấn của Đức Thế Tôn rất sâu, rất khó, sự học đạo lại rất sâu rất khó.
Phật dạy như thế, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[1] Tương đương Pāli: A. VII. 68 Aggi (Lửa). Biệt dịch, No.125 (33.10) Tăng Nhất “Ngũ Vương Phẩm, kinh số 10”.[2] Câu-tát-la 拘 薩 羅. Pāli: Kosala.[3] Hán: mộc tích 木 績 “đống gỗ”. Pāli: aggikkhandhaṃ, đống lửa.[4] Hán: ni-sư-đàn 尼 師 檀 (Pāli: nisīdana): chỉ tọa cụ, dụng cụ trải để ngồi, hay nằm. Pāli: paññatte āsane nisīdi, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn.[5] Hán: bất thiện bất nghĩa 不 善 不 義. tức bất hạnh và không đạt được mục đích gì.[6] Hán: bác 搏 (bộ thủ): đánh; có lẽ bộ nhục 膊 bắp tay. Tống-Nguyên-Minh: thoan: bắp chân. Pāli: jaṅghā: bắp chân.
-ooOoo-
6. KINH THIỆN NHÂN VÃNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hành tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói cho các ngươi biết về bảy nơi mà bậc thiện nhân đi đến và Vô dư Niết-bàn[02]. Các ngươi hãy lắng nghe và hãy suy nghĩ kỹ”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Phật dạy:
“Những gì là bảy? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta[03]. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn[04]’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước[05]. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng[06], nhưng vẫn chưa được chứng ngộ[07]. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đốt trấu, vừa nhen đã tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng thế, chút ít mạn chưa trừ hết[08], nhưng năm hạ phần kết[09] đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn[10]. Đó là nơi đi đến của bậc thiện nhân thứ nhất, thế gian quả thực có người như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vậy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không; vừa lên liền tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy; còn chút mạn chưa trừ hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ hai, thế gian quả thực có người như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi từ không rơi trở lại; rơi chưa đến đất liền tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ ba, thế gian quả thực có người như vậy.[11]
“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống, tới đất thì tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Sanh Bát-niết-bàn[12]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ tư, thế gian quả thực có người như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhúm cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy; cháy hết mới tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Hành Bát-niết-bàn[13]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ năm, thế gian quả thực có người như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhiều đám cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy, cháy hết mới tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kiết đã đoạn hết, chứng Vô hành Bát-niết-bàn[14]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ sáu, thế gian quả thực có người như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhiều đám cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy, cháy luôn cả thôn ấp, thành quách, rừng núi, đồng nội, hoặc đến đường đi, hoặc mé nước, cho đến đất bằng thì tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Thượng lưu A-ca-nị-trá Niết-bàn[15]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ bảy, thế gian quả thực có người như vậy.
“Vô dư Niết-bàn là gì? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, và đã được chứng ngộ. Ta nói rằng Tỳ-kheo kia không đi đến phía Đông, không đi đến phía Tây, Nam, Bắc, tứ duy hay thượng, hạ, mà ngay trong đời này[16] chứng được đạo lộ tịch tĩnh, diệt độ[17].
“Ta đã nói về nơi đi đến của bảy bậc thiện nhân và Vô dư Niết-bàn xong. Nhân đó mà nói”.
Phật thuyết như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, bắt đầu quyển 2. Tương đương Pāli: A. VII.52 Purisagati. Đề kinh theo Tống-Nguyên-Minh: “Thiện Nhân Vãng Lai Kinh” Câu-xá 24 (Đại 29, tr.124b, 125a): thiện sĩ thú 善 士 趣.[02] Vô dư Niết-bàn, hoặc dịch là Vô dư y Niết-bàn 無 餘 衣 涅 槃. (Pāli: anupādisesa-nibbāna), trái với Hữu dư y Niết-bàn là sự chứng Niết-bàn với sự tồn tại của ngũ uẩn.[03] Hán: ngã giả vô ngã, diệc vô ngã sở 我 者 無 我 亦 無 我 所. Pāli: no cassa no ca me siyā, “nó không hiện hữu, và nó không phải là của ta”. Bản Hán hiểu no là đại từ ngôi thứ nhất.[04] Hán: dĩ hữu tiện đoạn 已 有 便 斷. Pāli: yadatthi yaṃ bhūtaṃ taṃ pahajāmi, “Với cái gì đã hiện hữu, ta đoạn trừ cái đó”.[05] Hán: hữu lạc bất nhiễm, hiệp hội bất trước 有 樂 不 染 合 會 不 著. Pāli: so bhave na rajjati, sambahave na rajjati, “vị ấy không đắm trước hữu (không hoan lạc trong cái đang hiện hữu), không đắm trước sinh (không hoan lạc trong cái đang xuất sinh)”.[06] Hán: vô thượng tức tích 無 上 息 跡. Pāli: atthuttariṃ padaṃ santaṃ sammapaññāya passati, “bằng chánh trí, vị ấy thấy con đường tịch tĩnh dẫn đến mục đích tối thượng”.[07] Pāli: taṃ ca khvassa padaṃ na sabbena sabbaṃ sacchikataṃ hoti, “Nhưng không hoàn toàn thực chứng đạo lộ ấy”.[08] Hán: thiểu mạn vị tận 少 慢 未 盡. Pāli: na sabbena sabbaṃ mānānusayo pahīno hoti, na sabbena sabbaṃ bhavarāgānusayo pahīno hoti, na sabbena sabbaṃ avijjānusayo pahīno hoti, “chưa hoàn toàn đoạn trừ mạn tùy miên; chưa hoàn toàn đoạn trừ hữu ái tùy miên; chưa hoàn toàn đoạn trừ vô minh tùy miên”.[09] Hán: ngũ hạ phần kiết 五 下 分 結. Pāli: pañca orambhāgiya saṃyojana.[10] Trung Bát-niết-bàn 中 般 涅 槃 trường hợp Thánh giả A-na-hàm, sau khi chết ở Dục giới, trước khi tái sinh Sắc giới, nhập Niết-bàn ở khoảng trung gian. Xem Câu-xá quyển 24 (Đại 29, tr.124b). Pāli: antarā-parinibbāna.[11] Ba ví dụ trên tương ứng với ba cấp Trung Bát-niết-bàn: tốc, phi tốc và kinh cửu (nhanh, không nhanh và lâu); xem Câu-xá 24 (Đại 29, tr.125a).[12] Sanh Bát-niết-bàn 生 般 涅 槃 vị A-na-hàm sau khi tái sanh Sắc giới một thời gian không lâu liền nhập Vô dư y Niết-bàn. Xem Tập dị 14 (Đại 26, tr.426a); Câu-xá 24 (Đại 29, tr.124b). Pāli: upahacca-parinibbāna, nhập Niết-bàn do rút ngắn tuổi thọ sau khi sanh Sắc giới. Từ Pāli upahacca có nghĩa là “làm tổn hại”. Bản Hán, theo từ gốc Skt. là upapadya (Pāli: upapajja) có nghĩa là “sanh”.[13] Hành Bát-niết-bàn, hay Hữu hành Bát-niết-bàn 有 行 般 涅 槃 vị A-na-hàm sau khi sanh Sắc giới, trải qua một thời gian nỗ lực tu tập nữa rồi mới nhập Niết-bàn. Pāli: sasaṃkhāra-parinibbāna. Câu-xá 24 (Đại 29, tr.124b), Tập dị 14 (Đại 26, tr.426b).[14] Vô hành Bát-niết-bàn 無 行 般 涅 槃 sau khi tái sanh Sắc giới, không do nỗ lực tu tập mà nhập Niết-bàn. Câu-xá 24 (Đại 26, tr.124b) cho rằng, trong Kinh tạng, Vô hành được kể trước Hữu hành, như vậy hợp lý hơn. Xem thêm Tập dị 14 (Đại 26, tr.426b). Pāli cũng kể Vô hành trước Hữu hành. Pāli: asaṃkhāra-parinibbāna.[15] Thượng lưu A-ca-nị-trá Niết-bàn 上 流 阿 迦 吒 涅 槃 hay thượng lưu sắc cứu cánh Niết-bàn 上 流 色 究 竟 涅 槃 lần lượt tái sanh (trôi lên) từ các cõi Sơ thiền, cho đến cao nhất của Tứ thiền, rồi nhập Niết-bàn trong trạng thái đó. Câu-xá 24 (Đại 29, tr.124c), Tập dị 14 (Đại 26, tr.416b). Pāli: uddhaṃsoto akaniṭṭhagāmin.[16] Hán: ư hiện pháp trung 於 現 法 中. Pāli: diṭṭtheva dhamme.[17] Hán: tức tích diệt độ 息 跡 滅 度.
-ooOoo-
7. KINH THẾ GIAN PHƯỚC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa Câu-xá-di[02], ở tại vườn Cù-sa-la[03].
Bấy giờ vào lúc xế chiều[04], Tôn giả Ma-ha Châu-na[05], rời khỏi nơi tĩnh tọa[06] đứng dậy, đi đến chỗ Phật; đến rồi đảnh lễ, lui ngồi một bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, có thể thi thiết thế gian phước được chăng?”
Thế Tôn nói:
“Có thể, này Châu-na, có bảy loại phước thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy?
“Này Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ[07] có tín tâm cúng thí phòng xá, nhà gác cho đại chúng Tỳ-kheo. Đó là loại phước thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí giường nằm, đồ ngồi, đệm lông, thảm dệt, chăn len, ngọa cụ trong các phòng xá. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ hai, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí y phục mới mẽ, sạch sẽ, đẹp đẽ. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ ba, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, thường xuyên cúng thí chúng tăng cháo buổi sáng, thức ăn buổi trưa, lại cung cấp người làm vườn[08] để sai bảo; hoặc gió, mưa, tuyết, lạnh, tự mình thân đến khu vườn mà cúng thí chu cấp thêm. Các Tỳ-kheo sau khi ăn, không lo gió, mưa, tuyết lạnh khiến y phục bị ướt át, mà ngày đêm yên vui, tư duy thiền tọa vắng lặng[09]. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nếu đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi, hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy thường xuyên phát sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng.
“Châu-na, ví như nước sông Hằng-già[10] từ nguồn chảy ra, tuôn vào đại hải, ở vào khoảng giữa càng lúc càng sâu, càng lúc càng rộng. Cũng vậy, Châu-na, tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm ấy, đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi thì hoặc đi, hoặc đến, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy càng sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng”.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Châu-na từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối phải sát đất, quỳ dài, chắp tay, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, có thể thi thiết phước xuất thế gian được chăng?
Thế Tôn bảo rằng:
“Có thể được Châu-na, lại có bảy loại phước xuất thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy? Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai đang trú ở nơi nào đó. Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ hai, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Lại nữa, Châu-na, có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi. Với tâm thanh tịnh, đích thân tới thăm viếng, lễ kính, cúng dường. Sau khi cúng dường, thọ pháp ba tự quy, đối với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo mà thọ giới cấm[11]. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Châu-na, tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được, có chừng ấy phước, có chừng ấy kết quả của phước, có chừng ấy phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước.
“Châu-na, ví như từ châu Diêm-phù có năm con sông: Một là Hằng-già, hai là Dao-vưu-a, ba là Xá-lao-phù, bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí[12], đều chảy về đại hải. Ở khoảng giữa của chúng, không thể tính được số nước của bao nhiêu thăng hộc. Chỉ có thể nói là số nước nhiều không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được.
“Cũng vậy, Châu-na, tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được, có chừng ấy phước, có chừng ấy kết quả của phước, có chừng ấy phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước”.
Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng rằng:
Con sông Hằng-già
Trong sạch, dễ qua.
Biển nhiều báu quý,
Là vua các sông.
Cũng như nước sông,
Người đời kính phụng;
Mọi nơi chảy về,
Tuôn về biển cả.
Cũng vậy, người nào
Cúng y, thực phẩm,
Giường chõng, đệm chăn,
Và những tọa cụ;
Phước báo không lường,
Đưa đến cõi lành,
Cũng như nước sông
Tuôn về biển rộng.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ma-ha Châu-na và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Không thấy tương đương với Pāli. Biệt dịch, No.125(40.7) Tăng Nhất 34, “Thất Nhật Phẩm, kinh số 7” (Đại 2, tr.741).[02] Câu-xá-di 拘 舍 彌 hoặc phiên âm là Kiều-thưởng-di 憍 賞 彌. Pāli: Kosambī.[03] Cù-sa-la viên 瞿 沙 羅 khu vườn do Trưởng giả Cù-sa-la cúng dường Phật. Pāli: Ghositārāma.[04] Hán: bô thời 晡 時 theo cách tính giờ cổ của Trung quốc, vào khoảng giờ thân.[05] Ma-ha Châu-na 摩 訶 周 那 tên Tỳ-kheo. Pāli: Mahācunda.[06] Hán: yển tọa 宴 坐 ngồi nghỉ ngơi một mình và tập thiền; thiền tọa độc cư. Pāli: paṭisallāna.[07] Hán: tộc tánh nam, tộc tánh nữ 族 姓 男 族 姓 女 thường nói là thiện gia nam tử/ nữ nhân, hoặc thiện nam tử, thiện nữ nhân 善 男 子 善 女 人 những người sinh vào một trong bốn giai cấp. Pāli: kulaputta, kuladuhitā.[08] Hán: viên dân 園 民.[09] Đoạn này kể chung có bốn thứ: hai bữa ăn, người làm vườn, và chu cấp khi mưa gió.[10] Hằng-già 恒 伽 thường nói là sông Hằng. Pāli: Gaṃgā.āāa[11] Đoạn này kể chung cả năm thứ: thăm viếng, lễ bái, cúng dường, thọ tam quy, thọ ngũ giới.[12] Ngũ hà lưu 五 河 流 Hằng-già 恒 伽 (Pāli: Gaṃga), Dao-vưu-na 揺 尤 那
(Pāli: Yamunā), Xá-lao-phu 舍 勞 浮 (Pāli: Sarabhū), A-di-la-bà-đề 阿 夷 羅 婆 提(Pāli:Aciravatī) Ma-xí 摩 企 (Pāli: Mahī).
-ooOoo-
8. KINH THẤT NHẬT[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Bệ-xá-li[02], trong rừng cây Nại thị[03].
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa[04]. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải ghê sợ nhờm tởm, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát. Vì sao thế, vì có lúc không mưa[05]. Ngay khi không mưa ấy tất cả cây cối, trăm thứ lúa, thảy đều khô héo, đổ nát, chết cả, không thể thường trụ. Vì thế tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.
“Lại nữa, có lúc hai mặt trời cùng xuất hiện. Khi hai mặt trời xuất hiện, các rãnh ngòi, sông lạch, thảy đều khô cạn, không thể thường trụ. Vì thế tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.
“Lại nữa, lúc có ba mặt trời cùng xuất hiện. Khi ba mặt trời xuất hiện, tất cả dòng sông lớn[06] đều khô cạn, không thể thường trụ. Do đó, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm sự giải thoát.
“Lại nữa, có lúc bốn mặt trời cùng xuất hiện. Khi bốn mặt trời xuất hiện, các dòng suối lớn, từ đó phát nguyên năm con sông lớn của châu Diêm-phù: Một là Hằng-già; hai là Dao-vưu-na; ba là Xá-lao-phu; bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí[07], các dòng cuối nguồn nước lớn ấy đều khô cạn cả, không thể thường trụ. Do đó các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa, các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.
“Lại nữa, có lúc năm mặt trời cùng xuất hiện. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước trong biển lớn sụt xuống một trăm do-diên[08]; sụt dần đến bảy trăm do-diên. Khi năm mặt trời xuất hiện như vậy, biển có mực nước bảy trăm do-diên sụt dần đến một trăm do-diên. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước trong biển lớn sụt một cây Đa-la; sụt dần đến bảy cây Đa-la[09]. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, những biển có mực nước bảy cây Đa-la sụt dần cho đến một cây Đa-la. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, nước biển giảm sụt đến mười người[10]; sụt dần cho đến bảy người. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện, những biển có mực nước bảy người giảm dần đến vai, đến lưng, đến háng, đến đầu gối, đến mắt cá; cho đến lúc nước biển ráo hết không đủ chìm một ngón chân. Cho nên, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng thay đổi, pháp chẳng thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm, mà phải nhờm tởm, ghê sợ, tìm sự xả ly, tìm sự giải thoát.
“Lại nữa, có lúc sáu mặt trời xuất hiện. Khi sáu mặt trời cùng xuất hiện, tất cả đại địa, núi chúa Tu di[11], thảy đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Ví như thợ gốm lúc mới nhen bếp, tất cả đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Cho nên tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, tìm sự giải thoát.
“Lại nữa, có lúc bảy mặt trời xuất hiện. Khi bảy mặt trời xuất hiện, tất cả đại địa, núi chúa Tu di thảy đều phụt cháy bừng bừng, tạo thành một ngọn lửa rực rỡ. Như vậy, khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, thì tất cả đại địa và núi chúa Tu di thảy đều phụt cháy bừng bừng tạo thành một ngọn lửa. Gió thổi ngọn lửa ấy vươn cho đến trời Phạm thiên[12]. Lúc đó các vị trời Hoảng dục[13] vừa mới sanh lên cõi này, không rõ thành bại của thế gian. Vì không biết sự thành bại của thế gian, khi thấy ngọn lửa vĩ đại, đều sợ hãi dựng lông mà suy nghĩ như thế này ‘Lửa không đến đây được chăng? Lửa không đến đây được chăng?’ Các vị trời sinh trước đều biết rõ sự thành bại của thế gian, đều đã thấy việc thành bại của thế gian. Do biết sự thành bại của thế gian, khi thấy ngọn lửa vĩ đại, liền an ủi các vị trời kia rằng: ‘Chớ nên sợ hãi. Lửa cháy chỉ ngang đó, không thể lên đến đây được’.
“Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu di sụp lở, tán hoại, diệt tận, một trăm do-diên, hai trăm do-diên, ba trăm do-diên, cho đến bảy trăm do-diên. Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu di và đại địa này cháy tan, hủy diệt, không còn tro than gì cả. Cũng như đốt dầu bơ, cháy cho tiêu hết không còn khói đen[14]. Cũng vậy, khi bảy mặt trời cùng xuất hiện, núi chúa Tu di và cõi đại địa này cháy không còn tro than. Cho nên, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng thay đổi, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, tìm sự xả ly, tìm cầu giải thoát.
“Nay Ta nói cho các ngươi biết, ai có thể tin được rằng: ‘Núi chúa Tu di sẽ sụp đổ?’ Chỉ có những người thấy được sự thật[15]. Nay Ta nói cho các ngươi biết, ai có thể tin được rằng: ‘Nước trong đại hải sẽ khô cạn tất cả?’ Chỉ có những người đã thấy sự thật. Nay Ta nói cho các ngươi biết ai có thể tin rằng: ‘Tất cả đại địa đều cháy sạch?’ Chỉ có những người đã thấy sự thật. Vì sao vậy?
“Này các Tỳ-kheo, xưa có vị đại sư tên là Thiện Nhãn[16] được các tiên nhân ngoại đạo tôn làm bậc thầy[17], đã xả ly dục ái[18], chứng như ý túc[19]. Đại sư Thiện Nhãn có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử[20]. Khi đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử, trong số các đệ tử có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy. Người ấy sau khi mạng chung hoặc sanh lên cõi trời Tứ vương hoặc trời Tam thập tam, hoặc trời Diệm-ma, hoặc trời Đâu-suất-đà hoặc sanh lên trời Tha hóa, hoặc sanh lên trời Tha hóa lạc[21].
“Khi đại sư Thiện Nhãn dạy Phạm thế pháp, nếu có người phụng hành đầy đủ pháp ấy, người ấy tu bốn Phạm thất[22], xả ly các dục, sau khi mạng chung người ấy sanh lên trời Phạm thiên. Lúc ấy đại sư Thiện Nhãn nghĩ như vầy: ‘Ta không nên cùng với các đệ tử cùng sanh chung một nơi nào vào đời sau. Nay ta hãy tu thêm tăng thượng từ[23], sau khi tu tăng thượng từ rồi, mạng chung sẽ được sanh lên trời Hoảng dục[24] ’.
“Đại sư Thiện Nhãn liền sau đó tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sanh lên trời Hoảng dục. Đại sư Thiện Nhãn và các đệ tử học đạo không uổng công, đạt được quả báo lớn.
“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ sao? Xưa kia đại sư Thiện Nhãn được hàng tiên nhân ngoại đạo tôn kính là bậc thầy, xả ly dục ái, chứng như ý túc, các ngươi cho là người nào khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết, đó là Ta vậy. Vào thời đó, Ta là Thiện Nhãn đại sư, được tiên nhân ngoại đạo tôn kính là bậc thầy, xả ly dục ái, chứng như ý túc; lúc đó ta có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Ta dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử. Khi Ta dạy Phạm thế pháp, trong số các đệ tử có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy. Người ấy sau khi mạng chung hoặc sanh lên cõi trời Tứ vương hoặc trời Tam thập tam, hoặc trời Diệm-ma, hoặc trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh lên trời Tha hóa. Khi Ta dạy Phạm thế pháp, nếu có người phụng hành đầy đủ pháp ấy, người ấy tu bốn Phạm thất, xả ly các dục, sau khi mạng chung người ấy sanh lên trời Phạm thiên. Lúc đó Ta nghĩ như vầy: ‘Ta không nên cùng với các đệ tử cùng sanh chung một nơi nào vào đời sau. Nay ta hãy tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh lên trời Hoảng dục’. Sau đó, Ta lại tu thêm tăng thượng. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh lên trời Hoảng dục. Thời ấy Ta và các đệ tử học đạo không hư uổng, được quả báo lớn.
“Thời ấy Ta thân hành đạo này để lợi ích cho mình và lợi ích kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người, cảm thương thế gian, vì trời và người mà tìm cầu nghĩa, và sự lợi ích, tìm sự an ổn và khoái lạc. Lúc bấy giờ Ta nói pháp chưa đến chỗ rốt ráo; không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh, nên bấy giờ Ta không xa lìa được, sanh, lão, bệnh, tử, than khóc, buồn rầu; cũng chưa thể thoát được tất cả khổ não.
“Này các Tỳ-kheo, Ta nay xuất hiện ở đời, là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiên Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự[25], Thiên Nhân Sư, gọi là Phật, là Đấng Chúng Hựu[26].
“Ta nay đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi cho mọi người, cảm thương thế gian, vì trời và người mà tìm nghĩa và sự lợi ích, tìm sự an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp đã đạt được chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Do rốt ráo phạm hạnh, ta nay đã lìa khỏi sanh, lão, bệnh, tử, khóc than, buồn rầu. Nay Ta đã được giải thoát mọi khổ não”.
Đức Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Về bảy mặt trời xuất hiện. Tương đương Pāli: A. VII. 62 Suriya (Satta-suriya). Biệt dịch, No.30 Phật Thuyết Tát-bát-đa tô-rị-du-nại-dã Kinh, Tống, Pháp hiền dịch (Đại 1, tr.811); No.125 (40.1) Tăng Nhất 34, “Thất Nhật Phẩm, kinh số 1”.[02] Bệ-xá-li; Pāli: Vesali. Thủ phủ của bộ tộc Licchava.[03] Nại thị thọ viên 柰 氏 樹 園, vườn cây của họ Nại, tức vườn xoài. Pāli: Ambapālivāna, do kỹ nữ Ambapāli cúng dường Phật.[04] Hán: vô thường 無 常, bất cửu trụ pháp 不 久 住 法, tốc biến dịch pháp 速 變 易 法, bất khả ỷ pháp 不 可 依 法 . Pāli: anicca, adhuva, anassāsika.[05] Hán: hữu thời bất vũ 有 時 不 雨, đây chỉ đại hạn vào lúc tận thế. Pāli: hoti kho so, bhikkhave, samayo yaṃ kadāci karahaci dīghassa addhuno accayena bahūni vassāni bahūni vassatāni bahūni vassasahassāni bahūni vassasatasahassāni devo na vassati, “Này các Tỳ-kheo, có một thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều nghìn năm, trời không mưa”.[06] Bản Pāli liệt kê bốn sông lớn: Gaṃgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū.[07] Diêm-phù châu ngũ hà 閻 浮 洲 五 河. Hằng-già 恒 伽 (Pāli: Gaṃga), Dao-vưu-na 搖 尤 那 (Pāli: Yamunā), Xá-lao-phù 舍 勞 浮 (Pāli: Sarabhū), A-di-la-bà-đề 阿 夷 羅 婆 提 (Pāli: Aciravatī) Ma-xí 摩 企 (Pāli: Mahī). Bản Pāli liệt kê các hồ lớn, phát nguyên của các sông lớn. Các hồ lớn: Anotattā, Sihapapātā, Rathakārā, Kannamunda, Kunalā, Chaḍantā, Mandakinī.[08] Hán: do-diên 由 延 cũng nói là do-tuần 由 旬. Pāli: yojana, dài khoảng bảy dặm Anh.[09] Hán: đa-la thọ 多 羅 樹. Cùng loại cây thốt nốt hay cây cọ, dùng làm đơn vị đo chiều cao.[10] Các bản Tống-Nguyên-Minh: thập nhân 十 忍; bản Cao-ly: nhất nhân 一 人. Nghĩa là bằng chiều cao một người trung bình.[11] Hán: Tu di sơn vương 須 彌 山 王. Pāli: Sineru pabbatarājā.[12] Hán: Phạm thiên 梵 天, tầng thứ nhất thuộc Sơ thiền. Pāli: Brāhma-loka, Phạm thiên giới. No.30: Lửa đốt cháy cả cõi trời sơ thiền, ngọn lửa ngang đến cõi trời Nhị thiền.[13] Hán: Hoảng dục chư thiên 晃 昱 諸 天, cũng gọi là Quang âm thiên 光 音 天, hay Cực quang thiên 極 光 天. Tầng thứ ba thuộc Nhị thiền. Pāli: Ābhassarā.[14] Hán: yên mặc 熛 墨. Các bản Tống-Nguyên-Minh: yên diệm 煙 焰. No.30: Đốt đèn bằng dầu tô (bơ), cháy đến hết; đèn tắt thì dầu cũng cạn sạch.[15] Hán: duy kiến đế giả. Pāli: aññatra diṭṭhapadehi, ngoại trừ những người nhìn thấy tận mắt.[16] Thiện Nhãn 善 眼. Pāli: Sunetta.[17] Pāli: satthā... titthakaro, vị Đạo sư thuộc ngoại đạo.[18] Pāli: kāmesu vītarāgo, không còn ham muốn trong các tình dục.[19] Tức có phép thần thông. Pāli không có chi tiết này.[20] Pāli: Brahmalokasahavyatāya dhammaṃ desesi, “giảng dạy pháp về sự cộng trú với Phạm thiên giới”.[21] Tứ vương thiên 四 王 天 (Pāli: Cātummahārājikā devā), Tam thập tam thiên 三 十 三 天 (Tāvatiṃsa), Diệm-ma thiên 閻 摩 天 (Pāli: Yāma), Đâu-suất-đà thiên 兜 率 多 天 (Tusita), Tha hóa thiên 他 化 天. (Nimmānarati), Tha hóa lạc thiên 他 化 樂 天. (Paranimmita-vasavatin).[22] Hán: (tứ) Phạm thất 梵 室, cũng gọi là Phạm trụ 梵 住 hay Phạm đường 梵 堂, tức bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả. Pāli: Brahmavihāra.[23] Hán: tăng thượng từ 增 上 慈. Pāli: uttari mettā, từ cao hơn.[24] Xem cht.13.[25] Hán: Đạo Pháp Ngự 道 法 御, thường nói là “Điều Ngự Trượng Phu” 調 御 丈 夫. Pāli: purisadammasārathi.[26] Hán: Chúng Hựu 眾 佑, tức Thế Tôn. Pāli: Bhagavant.
-ooOoo-
9. KINH THẤT XA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá[02], trong tinh xá Trúc lâm[03], cùng an cư mùa mưa với chúng Đại Tỳ-kheo.
Tôn giả Mãn Từ Tử[04] cũng an cư mùa mưa tại sinh quán mình. Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo địa phương, sau khi đã trải qua ba tháng an cư mùa mưa[05], khâu vá lại các y đã xong, xếp y, cầm bát từ sinh quán đi về phía thành Vương xá. Lần lượt đi về phía trước, đến thành Vương xá, trú ở tinh xá Trúc lâm, tại thành Vương xá.
Bấy giờ các Tỳ-kheo địa phương tới trước Đức Thế Tôn, cúi đầu lễ bái rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Các Tỳ-kheo, các ngươi từ đâu đến đây? An cư mùa mưa ở đâu?”
Các Tỳ-kheo địa phương ấy thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, chúng con từ sinh quán tới đây và an cư mùa mưa tại sinh quán”.
Thế Tôn hỏi:
“Trong các Tỳ-kheo địa phương, Tỳ-kheo nào được các Tỳ-kheo khen ngợi rằng: ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục, tri túc[06]; tự mình nhàn cư[07] và khen ngợi nhàn cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậâu tận và khen ngợi lạâu tận; tự mình khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ[08] và khen ngợi khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’ chăng?”
Các Tỳ-kheo địa phương bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Mãn Từ Tử ở nơi sinh quán của mình, được các Tỳ-kheo khen ngợi rằng: ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục tri túc; tự mình nhàn cư và khen ngợi nhàn cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lâu tận và khen ngợi lâu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’.”
Lúc bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử[09] đang ngồi giữa đại chúng. Tôn giả Xá-lê Tử suy nghĩ như vầy: “Thế Tôn theo sự thật mà hỏi các Tỳ-kheo địa phương kia. Các Tỳ-kheo địa phương vô cùng khen ngợi Hiền giả Mãn Từ Tử, là người ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục, tri túc; tự mình nhàn cư và khen ngợi nhàn cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậu tận và khen ngợi lậu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’.”
Tôn giả Xá-lê Tử lại suy nghĩ: “Biết lúc nào tôi mới gặp Hiền giả Mãn Từ Tử để hỏi một vài nghĩa lý? Hiền giả ấy hoặc có thể nghe và trả lời những điều tôi hỏi”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa ở thành Vương xá, khâu vá y xong, Ngài xếp y, ôm bát, từ thành Vương xá đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, trú trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Tôn giả Xá-lê Tử và các Tỳ-kheo địa phương cùng ở lại Vương xá vài ngày, rồi xếp y, ôm bát, đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá -vệ, cùng ở tại rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Lúc bấy giờ Tôn giả Mãn Từ Tử ở tại sinh quán mình, sau khi đã trải qua ba tháng an cư mùa mưa, đã khâu vá lại các y, rồi xếp y, ôm bát, từ quê quán mình đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, cùng ở trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Tôn giả Mãn Từ Tử đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu làm lễ, rồi trải Ni-sư-đàn phía trước Như Lai mà ngồi kiết già.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử hỏi các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, vị nào là Hiền giả Mãn Từ Tử?”
Các Tỳ-kheo bạch Tôn giả Xá-lê Tử:
“Xin thưa, vị ngồi trước Như Lai, trắng trẻo, mũi cao như mỏ chim Oanh vũ, là vị ấy”.
Tôn giả Xá-lê Tử đã biết đúng mặt Mãn Từ Tử, liền ghi nhớ kỹ. Tôn giả Mãn Từ Tử sau khi qua đêm, trời hừng sáng, xếp y, cầm bát, đi vào Xá-vệ để khất thực. Sau khi ăn trưa xong lại, thâu dọn y bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai, đến rừng An-đà[10], chỗ đi kinh hành. Tôn giả Xá-lê Tử cũng sau khi qua đêm, trời hừng sáng, xếp y, cầm bát, đi vào Xá-vệ để khất thực. Sau khi ăn trưa xong lại, thâu dọn y bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai, đến rừng An-đà, chỗ đi kinh hành.
Bấy giờ Tôn giả Mãn Từ Tử đến rừng An-đà, trải Ni-sư-đàn dưới một gốc cây, ngồi kiết già. Tôn giả Xá-lê Tử cũng đến rừng An-đà, cách Tôn giả Mãn Từ Tử không xa, trải Ni-sư-đàn dưới một gốc cây ngồi kiết già.
Tôn giả Xá-lê Tử vào lúc xế chiều, rời chỗ thiền tọa, đi đến chỗ Mãn Từ Tử, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên, và hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử rằng:
“Này Hiền giả, phải chăng Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”
Đáp rằng:
“Đúng vậy”
“Này Hiền giả, vì lý do gì, có phải vì giới thanh tịnh[11] nên ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?”
Đáp rằng:
“Thưa, không phải vậy”.
“Vì tâm thanh tịnh[12], vì kiến thanh tịnh[13], vì nghi thanh tịnh[14], vì phi đạo tri kiến thanh tịnh[15], vì đạo tích tri kiến[16] thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh[17] nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?”
Đáp: “Không phải vậy”
Lại hỏi:
“Tôi vừa hỏi Hiền giả rằng: ‘Phải chăng Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?’ Hiền giả đáp: ‘Đúng vậy’. Rồi tôi hỏi Hiền giả: ‘Có phải vì giới thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?’ thì Hiền giả đáp: ‘Không phải vậy’; ‘Có phải vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?’ thì Hiền giả cũng lại đáp rằng ‘Không phải vậy’. Nhưng theo ý nghĩa nào[18] mà Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”
Đáp: “Này Hiền giả, vì Vô dư Niết-bàn vậy[19]“.
Lại hỏi:
“Thế nào, này Hiền giả, có phải vì giới thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?”
“Đáp: “Không phải vậy”.
Lại hỏi:
“Vì vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?”
“Đáp: “Không phải vậy”.
Lại hỏi:
“Tôi vừa hỏi Hiền giả, ‘Thế nào, này Hiền giả, có phải vì giới thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng[20]?’ Hiền giả đáp: ‘Không phải vậy’. ‘Vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?’ Vậy những điều Hiền giả nói có ý nghĩa gì? Làm thế nào để biết được?”
Đáp rằng:
“Này Hiền giả: Nếu vì giới thanh tịnh mà Thế Tôn, Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn, thì đó là lấy hữu dư mà gọi vô dư. Nếu vì tâm thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh mà Đức Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn, thì tức là lấy hữu dư mà gọi là vô dư[21].
“Này Hiền giả, nếu lìa pháp đó[22] mà Đức Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn thì phàm phu cũng sẽ Bát-niết-bàn, bởi vì phàm phu cũng lìa pháp đó[23].
“Này Hiền giả, nhưng vì giới thanh tịnh, nên tâm thanh tịnh; vì tâm thanh tịnh nên kiến thanh tịnh; vì kiến thanh tịnh nên nghi cái thanh tịnh; vì nghi cái thanh tịnh nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh nên đạo tích tri kiến thanh tịnh; vì đạo tích tri kiến thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh, nên Đức Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn.
“Hiền giả, xin hãy nghe thêm. Xưa, vua xứ Câu-tát-la là Ba-tư-nặc[24] ở nước Xá-vệ, có việc ở Sa-kê-đế[25]. Nhà vua suy nghĩ như vầy: ‘Dùng phương tiện gì để trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế được?’ Lại suy nghĩ như vầy: ‘Nay ta nên từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, bố trí bảy cỗ xe’. Rồi thì, từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, vua bố trí bảy cỗ xe. Bố trí bảy cỗ xe xong, từ Xá-vệ nhà vua đi đến cỗ xe thứ nhất, ngồi trên cỗ xe thứ nhất đi đến cỗ xe thứ hai. Rồi bỏ cỗ xe thứ nhất cỡi cỗ xe thứ hai đến xe thứ ba; bỏ cỗ xe thứ hai ngồi trên cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư; bỏ cỗ xe thứ ba ngồi trên cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm; bỏ cỗ xe thứ tư ngồi trên cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu; bỏ cỗ xe thứ năm ngồi trên cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy; bỏ cỗ xe thứ sáu ngồi trên cỗ xe thứ bảy; trong một ngày là đến Sa-kê-đế.
“Sau khi làm việc xong ở Sa-kê-đế, ngồi trong chánh điện của nhà vua, với các đại thần vây quanh. Quần thần tâu rằng:
“Tâu Thiên vương, phải chăng chỉ trong một ngày mà Thiên vương đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?
“Vua nói: Đúng vậy.
“Tâu Thiên vương, có phải Thiên vương cỡi cỗ xe thứ nhất mà trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?
“Vua nói:
“Không phải vậy.
“Có phải Ngài cỡi cỗ xe thứ hai, cỗ xe thứ ba cho đến cỗ xe thứ bảy từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế?
“Không phải vậy.
“Thế nào, này Hiền giả, nếu quần thần lại hỏi nữa, Ba-tư-nặc quốc vương xứ Câu-tát-la sẽ đáp thế nào? Có phải vua trả lời cho quần thần rằng:
“Ta ở Xá-vệ có việc ở Sa-kê-đế, ta nghĩ thế này: ‘Dùng phương tiện gì để trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế được?’ Lại suy nghĩ như vầy: ‘Nay ta nên từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, bố trí bảy cỗ xe’. Rồi thì, từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế, ở giữa đường đó, ta bố trí bảy cỗ xe. Bố trí bảy cỗ xe xong, từ Xá-vệ ta đi đến cỗ xe thứ nhất, ngồi trên cỗ xe thứ nhất đi đến cỗ xe thứ hai. Rồi bỏ cỗ xe thứ nhất cỡi cỗ xe thứ hai đến cỗ xe thứ ba; bỏ cỗ xe thứ hai ngồi trên cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư; bỏ cỗ xe thứ ba ngồi trên cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm; bỏ cỗ xe thứ tư ngồi trên cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu; bỏ cỗ xe thứ năm ngồi trên cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy; bỏ cỗ xe thứ sáu ngồi trên cỗ xe thứ bảy; trong một ngày là đến Sa-kê-đế.
“Như vậy! Thưa Hiền giả, Ba-tư-nặc, vua xứ Câu-tát-la, trả lời câu hỏi của quần thần như vậy.
“Cũng vậy, thưa Hiền giả, vì giới thanh tịnh mà tâm thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên tri kiến thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh nên nghi cái thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh nên đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn”.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử:
“Hiền giả tên là gì? Các vị phạm hạnh[26] gọi Hiền giả như thế nào?”
Tôn giả Mãn Từ Tử trả lời rằng:
“Hiền giả, tôi hiệu[27] là Mãn. Thân mẫu tôi tên Từ, do đó các vị phạm hạnh gọi tôi là Mãn Từ Tử”.
Tôn giả Xá-lê Tử tán thán rằng:
“Lành thay! Lành thay! Tôn giả Mãn Từ Tử! Là đệ tử của Đức Như Lai, trí biện hoàn hảo[28], thông minh, quyết định, an lạc vô úy, thành tựu sự chế ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ[29], ở trong cam lồ giới[30] tự mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trụ. Vì khi hỏi Hiền giả những ý nghĩa vô cùng sâu xa thảy đều được trả lời. Hiền giả Mãn Từ Tử, những người phạm hạnh sẽ được nhiều lợi ích, nếu gặp được Tôn giả Mãn Từ Tử, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Nay tôi cũng được lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Những người phạm hạnh nên quấn y trên đầu để đội Hiền giả Mãn Từ Tử, vì để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái”.
Tôn giả Mãn Từ Tử hỏi Tôn giả Xá-lê Tử:
“Hiền giả tên gọi là gì? Các vị phạm hạnh gọi Hiền giả như thế nào?”
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
“Tôi tự là Ưu-ba-đề-xá[31]. Thân mẫu tôi là Xá-lê[32], nên những người phạm hạnh gọi tôi là Xá-lê Tử”.
Hiền giả Mãn Từ Tử tán thán rằng:
“Hôm nay tôi đã bàn luận với vị đệ tử ngang hàng Đức Thế Tôn[33] mà không biết, cùng với bậc Đệ nhị tôn[34] luận bàn mà không biết, cùng với bậc Đệ nhị tôn[35] luận bàn mà không biết, cùng luận bàn với vị đệ tử tiếp tục vận chuyển pháp luân đã được vận chuyển[36] mà không biết. Nếu tôi biết ngài là Xá-lê Tử thì tôi đã không trả lời nổi một câu, huống chi lại luận bàn sâu xa như thế. Lành thay! Lành thay! Tôn giả Xá-lê Tử, là đệ tử của Đức Như Lai, trí biện hoàn hảo, thông minh, quyết định, an lạc vô úy, thành tựu sự chế ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ, ở trong cam lồ giới tự mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trụ. Vì Hiền giả đã hỏi những ý nghĩa vô cùng sâu xa. Hiền giả Xá-lê Tử, những người phạm hạnh sẽ được nhiều lợi ích, nếu gặp được Tôn giả Xá-lê Tử, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Nay tôi cũng được lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Những người phạm hạnh nên quấn y trên đầu để đội Hiền giả Xá-lê Tử, vì để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái”.
Hai vị Hiền giả khen ngợi nhau như vậy. Cùng khen ngợi nhau như vậy rồi, hoan hỷ phụng hành, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trở về chỗ nghỉ của mình.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.24 Rathavinīta-suttam. Biệt dịch, No.125 (39.10) Tăng Nhất 33 “Đẳng Pháp Phẩm, kinh số 10” (Đại 2, tr.733).[02] Vương xá thành 王 舍 城. Pāli: Rājagaha. Phiên âm: La-duyệt (-kỳ) 羅 閱 衹, thủ phủ của nước Magadha (Ma-kiệt-đà).[03] Trúc lâm tinh xá 竹 林 精 舍. Pāli: Veluvana; khu vườn gần Vương xá (Rājagaha), mà vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) cúng dường cho Phật, lần đầu tiên khi Ngài đến thăm vua, sau khi vừa đắc đạo. Ngài Xá-lợi và Mục-kiền-liên xuất gia vào lúc này. Chi tiết trong bản Pāli: Rājagahe viharati Veluvane Kalandakanivāpe, “trú ở Vương xá, trong Trúc viên, chỗ nuôi sóc (Hán thường nói: Ca-lan-đà Trúc viên)”.[04] Mãn Từ Tử 滿 慈 子. Pāli: Puṇṇa Mantāṇiputta.[05] Pāli: sambahulā jātibhūmakā bhikkhū jātibhūmiyaṃ vassaṃ vutthā, “số đông các Tỳ-kheo địa phương sau khi trải qua mùa an cư tại địa phương”.[06] Pāli: attanā appiccho appicchakathañ ca bhikkūnaṃ kattā, “tự mình ít ham muốn, và giảng cho các Tỳ-kheo về sự ít ham muốn...”[07] Hán: nhàn cư 閑 居. Pāli: pavivitta, (sống) độc cư, ẩn dật.[08] Hán: tự khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ 自 勸 發 渴 仰 成 就 歡 喜. Pāli: ovādako viññāpako sandassako samādapako samuttejako sampahaṃsako sabrahmacārīnan: vị giáo giới, vị giáo thọ, vị khai thị, vị khích kệ (sách tấn), vị làm cho các đồng phạm hạnh hoan hỷ.[09] Tôn giả Xá-lê Tử 尊 者 舍 梨 子, tức Tôn giả Xá-lợi-phất 尊 者 舍 利 弗. Pāli: Sāriputta.[10] An-đà lâm 安 陀 林. Pāli: Andhavana.[11] Hán: giới tịnh cố 戒 淨 故. Pāli: sīlavisuddhattham: mục đích là sự thanh tịnh của giới đức.[12] Hán: tâm tịnh 心 淨. Pāli: cittavisuddha.[13] Hán: kiến tịnh 見 淨. Pāli: diṭṭhivisuddha.[14] Hán: nghi cái tịnh 疑 蓋 淨. Pāli: kaṅkhāvitaraṇavisuddha, trừ nghi tịnh: “thanh tịnh do vượt qua sự hoài nghi”. Bản Hán đọc là kaṅkhāvaraṇavisuddha, “thanh tịnh đối với sự bao trùm của hoài nghi”.[15] Hán: đạo phi đạo tri kiến tịnh 道 非 道 知 見 淨. Pāli: maggāmaggañāṇa-dassanavisuḍha, thanh tịnh do thấy và biết về đạo và phi đạo.[16] Hán: đạo tích tri kiến tịnh 道 跡 知 見 淨. Pāli: paṭipadāñāṇadassanavisuddha, thanh tịnh do tri kiến về phương pháp hành trì (đạo tích).[17] Hán: đạo tích đoạn trí tịnh 道 跡 斷 智 淨, sự thanh tịnh do nhận thức toàn diện về đường lối hành trì. Pāli: ñāṇadassanavisuddha, thanh tịnh do tri kiến.[18] Hán: dĩ hà nghĩa 以 何 義. Pāli: kim attham, có mục đich gì?[19] Hán: Vô dư Niết-bàn 無 餘 涅 槃. Pāli: anupādā nparinibbāna, Niết-bàn không còn chấp thủ.[20] Bản Hán nhảy một đoạn so với bản Pāli: kin nu kho āvuso sīlavisuddhi anupādā parinibbānan ti, “Này Hiền giả, phải chăng giới thanh tịnh là Niết-bàn không thủ trước (Vô dư Niết-bàn)?”[21] So sánh bản Pāli: sīlavisuddhiñ ce āvuso Bhagavā anupādā parinibbānaṃ paññāpessa, sa-upādānaṃ yeva samānaṃ anupādā parinibbānaṃ paññāpessa, ... “Nếu Thế Tôn thiết lập (thi thiết) giới thanh tịnh là Vô dư Niết-bàn thì Ngài cũng thiết lập Vô dư Niết-bàn bình đẳng với Hữu dư...”[22] Tức ngoài những pháp đã kể: giới tịnh, cho đến, tri kiến tịnh.[23] Nghĩa là, phàm phu không có giới tịnh, cho đến, tri kiến tịnh.[24] Câu-tát-la vương Ba-tư-nặc 拘 薩 羅 王 婆 斯 匿. Pāli: rajā Pasenadi Kosalo.[25] Sa-kê-đế 娑 雞 帝; các bản Hán đều viết Bà-kê-đế 婆 雞 帝. Nay theo âm Pāli tương đương sửa lại. Pāli: Sakēta, một thành phố ở phía Bắc Kosala.[26] Hán: phạm hạnh nhân 梵 行 人. Pāli: Sabrahmacarī, đồng phạm hạnh, bạn đồng tu.[27] Hán: ngã hiệu 我 號, bản Tống: ngã phụ hiệu 我 父 號, tên cha. Pāli: Puṇṇo... me... Nāmaṃ, tên tôi là Puṇṇa.[28] Hán: sở tác trí biện 所 作 智 辯.[29] Hán: cam lộ tràng 甘 露 幢. Pāli: amataketu (?); từ điển Pāli không có từ này.[30] Hán: cam lộ giới 甘 露 界, chỉ cõi bất tử; đồng nghĩa với Niết-bàn giới. Pāli: amatadhātu.[31] Ưu-ba-đề-xá 優 波 鞮 舍. Pāli: Upatissa.[32] Xá-lê 舍 梨. Pāli: Sāri.[33] Các bản Tống-Nguyên-Minh đều in: Thế Tôn đẳng đệ tử 世 尊 等 弟 子. Pāli: satthukappena vata kira bho sāvakena, (cùng với) vị đệ tử được xem là ngang hàng với Đạo Sư.[34] Đệ nhị tôn 弟 二 尊. Nói như vậy, vì Ngài Xá-lợi-phất được kính trọng dưới Đức Phật chỉ một bậc.[35] Pháp tướng 法 將, vị tướng quân của Chánh pháp. Pāli: dhammasnapāti.[36] Hán: chuyển pháp luân phục chuyển đệ tử 轉 法 輪 復 轉 弟 子, nghĩa là hỗ trợ Phật chuyển pháp luân.
-ooOoo-
10. KINH LẬU TẬN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa ở Câu-lâu-sấu[02], tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu[03].
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Do tri, do kiến[04] mà các lậu bị tận diệt chớ không phải do không tri, không kiến.
“Sao gọi là do tri, do kiến mà các lậu bị tận diệt? Đó là do có chánh tư duy và không chánh tư duy[05]. Nếu không chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng[06]. Nếu có chánh tư duy thì dục lạâu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không sanh; đã sanh liền tiêu diệt.
“Những người phàm phu ngu si, không được nghe chánh pháp, không được gặp bậc chơn tri thức, không biết thánh pháp, không điều ngự thánh pháp[07] không biết pháp như thật. Nếu không có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh; đã phát sanh liền tiêu diệt. Vì không biết pháp như thật do đó pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm. Vì pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm, nên dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng.
“Thánh đệ tử đa văn được nghe Thánh pháp, được gặp bậc chơn tri thức, được điều ngự theo Thánh pháp, biết pháp như thật, nhưng nếu không có chánh tư duy, thì dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Sau khi biết pháp như thật, pháp không nên niệm thì không niệm, pháp nên niệm liền niệm. Vì không niệm pháp không nên niệm và pháp nên niệm liền niệm, nên dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt.
“Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu sầu. Những gì là bảy? Có lậu được đoạn do kiến, có lậu được đoạn do hộ, có lậu được đoạn do ly, có lậu được đoạn do dụng, có lậu được đoạn do nhẫn, có lậu được đoạn do trừ, có lậu được đoạn do tư duy.
“Thế nào là lậu được đoạn do kiến[08]? Kẻ phàm phu không được nghe chánh pháp, không gặp bậc chơn trí thức, không biết Thánh pháp, không điều ngự Thánh pháp, không biết như thật về pháp, không có chánh tư duy nên suy nghĩ thế này: ‘Ta có đời quá khứ?[09] Ta không có đời quá khứ ? Do nhân duyên gì ta có đời quá khứ? Đời quá khứ ta như thế nào? Ta có đời vị lai? Ta không có đời vị lai? Do nhân duyên gì ta có đời vị lai? Ta có đời vị lai như thế nào?’ Người ấy hoài nghi về mình rằng[10]: “Thân ta là gì, nó là thế nào?[11] Nay chúng sanh này từ đâu đến, và sẽ đi về đâu? Trước kia do nhân gì mà có, và sẽ do nhân gì mà có?’ Người kia khởi tư duy không chánh như vậy rồi, trong sáu tà kiến, một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật có thần ngã[12]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật không có thần ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Thần ngã thấy là thần ngã[13]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Thần ngã thấy là phi thần ngã[14]’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Chính thần ngã ấy có thể thấy, có thể biết, có thể hành động, có thể sai khiến hành động, có thể đứng dậy, có thể sai khiến đứng dậy, sanh vào nơi này, nơi kia, thọ lãnh thiện báo, ác báo; quyết không từ đâu đến, quyết không phải đã có, quyết không phải sẽ có[15]’. Đó tệ của kiến[16]; bị kiến lay động, bị kết sử của kiến buộc chặt. Kẻ phàm phu ngu si vì thế mà phải chịu cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử.
“Đa văn Thánh đệ tử được nghe Thánh pháp, gặp bậc chơn tri thức, được chế ngự theo Thánh pháp, biết pháp như thật, biết như thật về Khổ, biết Khổ tập, biết Khổ diệt và biết như thật Khổ diệt đạo. Biết như thật như thế rồi, ba kết tận trừ. Khi ba kết là thân kiến, giới thủ, và nghi đã trừ hết, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn đọa lạc ác pháp, chắc chắn thăng tiến đến chánh giác, thọ sanh tối đa bảy đời trong thiên thượng và nhân gian. Sau bảy lần qua lại liền chứng đắc Khổ đế. Nếu không có tri kiến thì phát sanh phiền não, ưu sầu, có tri kiến thì không phát sanh phiền não, ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ do kiến.
“Có lậu được đoạn trừ do hộ[17] là gì? Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, nếu có phòng hộ nhãn căn thì sẽ do chánh tư duy mà quán bất tịnh vậy; nếu không phòng hộ nhãn căn thì sẽ do không chánh tư duy mà quán là tịnh. Nếu không phòng hộ thì sanh phiền não, ưu buồn. Nếu có phòng hộ thì không sanh phiền não, ưu buồn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân và ý biết pháp mà có phòng hộ ý căn, thì sẽ do chánh tư duy mà quán bất tịnh, nếu không phòng hộ ý căn thì sẽ do không chánh tư duy mà quán là tịnh. Nếu không phòng hộ thì sanh phiền não, ưu buồn, nếu có phòng hộ thì không sanh phiền não, ưu buồn. Đó là có lậu được đoạn trừ do hộ.
“Có lậu được đoạn trừ do ly[18] là gì? Tỳ-kheo khi thấy voi dữ thì nên xa lánh, ngựa dữ, trâu dữ, chó dữ, rắn độc, đường hiểm, nhà tiểu, hầm hố, sông ngòi, suối sâu, vách núi, ác tri thức, ác bằng hữu, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo ở chung một chỗ với các người phạm hạnh, người không nghi ngờ mà khiến nghi ngờ, là những trường hợp phải nên xa lánh[19]. Hãy nên xa lánh tất cả ác tri thức, ác bằng hữu, ác ngoại đạo, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo ở chung một chỗ với các người phạm hạnh, người không nghi ngờ mà khiến nghi ngờ. Nếu không xa lánh thì khởi sanh phiền não, ưu sầu. Nếu xa lánh thì không phát sanh phiền não, ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ do ly.
“Có lậu được đoạn trừ do dụng[20] là gì? Tỳ-kheo khi thọ dụng y phục, chẳng phải để cầu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì muỗi mòng, gió mưa, lạnh nóng và vì hổ thẹn. Khi thọ dụng đồ ăn uống chẳng phải vì mưu lợi, chẳng phải để trang sức, chẳng phải để mập béo mà vì để làm thân thể ở đời lâu dài, trừ phiền não, ưu buồn, vì để thực hành phạm hạnh, vì muốn để bệnh cũ tiêu trừ đừng sanh bệnh mới, và vì để sống lâu, an ổn, không bệnh hoạn. Khi thọ dụng nhà cửa, phòng xá, giường nệm, ngọa cụ, không phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì để lúc mệt mỏi có nơi an nghỉ, để được tĩnh tọa. Khi thọ dụng thuốc thang không phải để mưu lợi, không phải để kiêu hãnh, không phải để mập béo, mà chỉ để trừ bệnh hoạn, để điều hòa mạng căn, để an ổn không bệnh. Nếu không thọ dụng những thứ ấy thì sẽ sanh phiền não, sầu lo, còn thọ dụng thì không sanh phiền não sầu lo. Đó là hữu lậu được đoạn trừ do dụng.
“Có lậu được đoạn trừ do nhẫn[21] là gì? Tỳ-kheo tinh tấn đoạn trừ ác, bất thiện, tu tập thiện pháp, nên luôn luôn có ý tưởng trỗi dậy[22], chuyên tâm tinh tấn; thân thể, da, thịt, gân, xương, máu, tủy, thà để khô kiệt tất cả chớ không bỏ tinh tấn. Phải đạt được mục đích mong muốn mới xả sự tinh tấn. Tỳ-kheo lại phải chịu đựng sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi, bọ chét, chấy, dù gió hay nắng bức bách, bị lời dữ, bị đánh đập, cũng đều có thể nhẫn chịu được. Dù thân mạng bệnh tật rất là đau đớn đến nỗi gần muốn tuyệt mạng, và những điều không thể ưa vui được, tất cả đều chịu đựng được. Nếu không nhẫn chịu thì sanh phiền não, ưu buồn, còn nhẫn chịu được thì không sanh phiền não ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do nhẫn.
“Có lậu được đoạn trừ do trừ[23] là gì? Tỳ-kheo nếu sanh khởi dục niệm mà không đoạn trừ, hay xả ly; sanh nhuế niệm, hại niệm mà không đoạn trừ xả ly. Nếu không trừ diệt thì sanh khởi phiền não, ưu buồn; còn nếu trừ diệt thì không sanh phiền não, ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do trừ.
“Có lậu được đoạn trừ do tư duy[24] là gì? Tỳ-kheo tư duy về giác chi thứ nhất là niệm, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; trạch pháp, tinh tấn, hỷ, tức[25], định, cho đến tư duy về giác chi thứ bảy là xả, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; nếu không tư duy thì sanh phiền não, ưu sầu, còn có tư duy thì không sanh phiền não ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ do tư duy.
“Nếu có Tỳ-kheo nào do kiến mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi kiến; do hộ mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi hộ; do ly mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi ly; do dụng mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi dụng; do nhẫn mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi nhẫn; do trừ mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi trừ; do tư duy mà đoạn trừ các lậu được đoạn trừ bởi tư duy. Đó gọi là Tỳ-kheo đã đoạn trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kết phược, có thể bằng chánh trí mà chứng đắc Khổ đế”.
Đức Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.2. Sabbāsava-sutta (kinh Nhất thiết lậu). Biệt dịch: No.31. Phật Thuyết Nhất Thiết Lưu Nhiếp Thủ Nhân Kinh, Hậu Hán, An Thế Cao dịch, Đại 1 tr.813; No.125(40.6) Tăng Nhất “Thất Nhật Phẩm, kinh số 6”.[02] Câu-lâu-sấu 拘 樓 瘦, tức Pāli: Kurusu, giữa những người (nước) Kuru. Nhưng, Pāli, M.2: Sāvatthiyaṃ viharati Jetavane..., trú ở Xá-vệ, trong rừng Jeta... No.1 25 (40.6) cũng vậy, Xá-vệ Kỳ thọ Cấp cô độc viên. No.31, Phật tại Câu-lưu, Tu hội pháp nghị tư duy.[03] Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu đô ấp 劍 磨 瑟 曇 拘 樓 都 邑. Pāli: Kammāsa-dhamma, thủ phủ của những người Kurū. Xem thêm cht.2.[04] Dĩ tri, dĩ kiến cố 以 知 以見 故. Pāli: jānato... passato āsavānaṃ khayaṃ vadāmi, “Ta nói sự diệt tận của các lậu là do biết, do thấy”.[05] Chánh tư duy bất chánh tư duy 正 思 惟 不 正 思 惟. No.31. Bổn quán, phi bổn quán 本 觀 非 本 觀, suy niệm đúng đắn và suy niệm không đứng đắn. Pāli: yoniso ca manasikāraṃ ayoniso ca manasikāraṃ, có như lý tác ý và không như lý tác ý (tư niệm có phương pháp và không có phương pháp).[06] Ba lậu: Dục lậu 欲 漏 (Pāli: kāmāsava): Tất cả phiền não ở cõi Dục, trừ vô minh. Hữu lậu 有 漏 (Pāli: bhavāsava): Tất cả phiền não ở cõi Sắc trừ vô minh. Vô minh lậu 無 明 漏 (Pāli: avijjāsava): Vô minh trong ba cõi. Bản Pàli chỉ nêu tổng quát: anuppannā c’eva āsavā... các lậu chưa sanh.[07] Hán: bất điều ngự Thánh pháp 不 調 御 聖 法, nghĩa là, không được huấn luyện, hay điều phục theo Thánh pháp.[08] Lậu tùng kiến đoạn 漏 從 見 斷. Pāli: āsavā dassanā pahātabbā.[09] Pāli: ahosiṃ nu kho ahaṃ atītam addhānaṃ, “Ta đã hiện hữu trong đời qua khứ?”[10] Hán: tự nghi 自 疑, ở đây, hoài nghi về sự hiện hữu của mình trong đời hiện tại. Pāli: paccupānnaṃ addhānaṃ kathaṃkathī hoti.[11] Hán: kỷ thân hà vị thị, vân hà thị 己 身 何 謂 是 云 何 是. Pāli: kin nu kho ‘smi, kathan nu kho ‘smi, “Tại sao ta hiện hữu? Ta hiện hữu như thế nào?”[12] Hán: chân hữu thần 真 有 神, tự ngã được biết như là linh hồn hay thần hồn. Pāli: atthi me attā ti, “Ta có tự ngã”.[13] Thần kiến thần 神 見 神. No.31: Tự kế thân thân kiến 自 計 身 身見. Pāli: attanā vā attānaṃ saṃjānāmīti, “do tự mình, tôi biết có tự ngã”.[14] Hán: thần kiến phi thần 神 見 非 神. Pāli: attanā va anattānaṃ saṃjānāmīti, “Không do tự mình, tôi biết có tự ngã.”[15] Hán: định vô sở tùng lai..., 定 無 所 從 來. Pāli: so kho pana me ayaṃ attā nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo sassatisamaṃ tath’eva ṭhassatīti, “Tự ngã của ta ấy thường trụ, kiên cố, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu”.[16] Hán: kiến chi tệ 見 之 弊... Pāli: Idaṃ vuccati... Diṭṭhigataṃ diṭṭthigahanaṃ diṭṭhikantāraṃ diṭṭhivisūkaṃ diṭṭhivipphanditaṃ diṭṭhisaṃyojanaṃ, “Đó được gọi là sở hành của tà kiến, rừng rậm của tà kiến, đường hiểm của tà kiến, tranh chấp của tà kiến, sự náo động của tà kiến, sự trói buộc của tà kiến”.[17] Hán: lậu tùng hộ đoạn 漏 從 護 斷. Pāli: āsavā saṃvarā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do phòng hộ.[18] Hán: lậu tùng ly đoạn 漏 漏 從 離 斷. Pāli: āsavā parivajjanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do bởi sự tránh xa.[19] Nghĩa là, tránh xa những Tỳ-kheo nào giao du bạn xấu, v.v..., khiến các bạn đồng tu phải nghi ngờ.[20] Hán: lậu tùng dụng đoạn 漏 從 用 斷. Pāli: āsavā paṭisevanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do thọ dụng.[21] Hán: lậu tùng nhẫn đoạn 漏 從 忍 斷. Pāli: āsavā adhivāsanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do sức chịu đựng.[22] Hán: thường hữu khởi tưởng 常 有 起 想, luôn luôn có ý tưởng tỉnh thức, không ham ngủ nghỉ.[23] Hán: lậu tùng trừ đoạn 漏 從 除 斷. Pāli: āsavā vinodā pahātabbā.[24] Hán: lậu tùng tư duy đoạn 漏 從 思 惟 斷. Pāli: āsavā bhāvanā pahātabbā, các lậu được đoạn trừ do tu tập.[25] Hán: tức 息, sự nghỉ ngơi; nhưng thường nói là khinh an. Pāli: passaddhi.
-ooOoo-
2. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
11. KINH DIÊM DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu tùy theo nghiệp được tạo tác của mỗi người mà thọ lấy quả báo của nó; như vậy, không có sự thực hành phạm hạnh, không thể diệt tận khổ[02]. Nếu nói như vậy: ‘Tùy theo nghiệp được tạo tác của mỗi người mà thọ lấy quả báo của nó[03]’. Như vậy, có sự tu hành phạm hạnh, có được dự diệt tận được khổ.
“Vì sao như vậy? Giả sử có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục[04]. Thế nào là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục? Nghĩa là, nếu có người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn[05]. Đó là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục. Ví như có người đem một lạng muối bỏ vào một chút nước, muốn làm cho nước mặn không thể uống được, các ngươi nghĩ sao, một lạng muối đó có thể làm cho một ít nước mặn đi không thể uống được chăng?”
Đáp rằng:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn, vì sao thế? Vì muối nhiều, nước ít, nên có thể làm cho mặn đi không thể uống được”.
“Cũng vậy, nếu có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục.
“Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện[06], tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài[07]. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Cũng như có người đem một lạng muối bỏ vào sông Hằng, muốn làm cho nước mặn không thể uống được. Các ngươi nghĩ sao? Một lạng muối đó, lại có thể làm cho nước sông Hằng mặn không thể uống được chăng?
Đáp rằng:
“Không thể được, bạch Thế Tôn, vì sao vậy? Vì nước sông Hằng rất nhiều mà một lạng muối thì quá ít, do đó không thể làm mặn đi đến không uống được”.
“Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài. Đó là có nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.
“Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Ví như có người đoạt lấy con dê của người khác. Thế nào là có người đoạt lấy con dê của người khác? Nghĩa là, người đoạt dê ấy, hoặc vua, hoặc quan, có nhiều uy thế; người chủ dê kia thì nghèo hèn, không thế lực. Kẻ ấy vì không thế lực nên van lơn đủ thứù, chắp tay cầu xin, nói như thế này: ‘Thưa Tôn giả, xin ngài trả lại dê cho tôi. Hoặc trả tôi đúng giá tiền’. Đó là có người đoạt dê của kẻ khác. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất dài. Đó là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục.
“Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo ngay trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Cũng như có người trộm được dê của kẻ khác, nhưng chủ dê đoạt lại. Thế nào là có người trộm được dê của kẻ khác, nhưng chủ dê đoạt lại? Nghĩa là, người trộm dê kia nghèo hèn, không thế lực; còn người chủ dê kia hoặc vua, hay quan, có rất nhiều uy lực. Vì có nhiều uy lực nên bắt trói người lấy trộm và đoạt lại dê. Đó là có người dù trộm được dê của kẻ khác, nhưng bị chủ đoạt trở lại. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, chắc chắn phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại báo. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện, tất thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.
“Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Cũng như có người nợ kẻ khác năm tiền, bị chủ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng như bị chủ nợ bắt trói. Thế nào là có người nợ kẻ khác năm tiền, bị chủ nợ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói? Nghĩa là, người mắc nợ kia nghèo, không có thế lực. Người kia vì nghèo và không có thế lực nên nợ kẻ khác năm tiền liền bị chủ nợ bắt trói; cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong địa ngục.
“Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài. Đó là có một người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Cũng như có người dù mắc nợ một trăm tiền nhưng không bị chủ nợ bắt trói; cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói? Nghĩa là người mắc nợ có vô lượng tài sản và thế lực rất lớn. Người ấy nhờ vậy dù mắc nợ trăm ngàn tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói. Đó là người mặc dù mắc nợ trăm tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói, cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài? Đó là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Người ấy ở trong đời hiện tại giả sử có thọ báo của thiện hay ác nhưng chỉ nhẹ nhàng, chút ít thôi”.
Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] “Thí dụ về hạt muối”. Bản Hán, bắt đầu quyển 3. Tương đương Pāli: A.III.99 Loṇaphala (Loṇakapalla).[02] Pāli: yathā yathāyaṃ puriso kammaṃ karoti tathā tathā taṃ paṭisaṃvediyatī ti etaṃ santaṃ, bhikkhave, brahmacariyavāso na hoti, okāso na paññāyati sammā dukkhassa antakiriyāya, “Nếu nói rằng: ‘Con người này tạo tác nghiệp như thế, như thế, nó sẽ cảm thọ nghiệp ấy như thế, như thế’. Nếu vậy, này các Tỳ-kheo,... không có đời sống phạm hạnh; không có cơ hội nêu rõ sự diệt tận khổ một cách chân chánh”.[03] Trong bản Hán, nguyên văn lặp lại như trên, nhưng trong bản Pāli: yathā yathā vedanīyaṃ ayaṃ pruriso kammaṃ karoti tathā tathā tassa vipākaṃ paṭisaṃvediyati, “Con người này tạo tác nghiệp được cảm thọ như thế như thế, nó sẽ cảm thọ dị thục của nghiệp ấy như thế như thế...”[04] Bản Pāli: appamattakaṃ pi pāpakammaṃ kataṃ tam enaṃ nirayaṃ upaneti, “chỉ tạo nghiệp ác dù chỉ chút ít, nhưng nghiệp ấy dẫn đến địa ngục”.[05] Pāli: paritto appātumo appadukkhavihārī, “hạn hẹp, tự ngã nhỏ mọn, sống ít khổ”.[06] Pāli: tādisaṃyeva appamattakaṃ pāpakammaṃ kataṃ, “tạo ác nghiệp chút ít tương tợ (như trường hợp trên)”.[07] Pāli: apparitto mahatto appamāṇavihārī, “không hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời không hạn lượng”.
-ooOoo-
12. KINH HÒA-PHÁ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Thích-ki-sấu[02] nước Ca-duy-la-vệ[03], trong vườn Ni-câu-loại[04].
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên[05] cùng với chúng Đại Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa[06], vì có việc nên tập họp ngồi tại giảng đường. Lúc bấy giờ Ni-kiền[07] có một người đệ tử thuộc dòng họ Thích tên Hòa-phá[08], sau giờ ăn trưa, thong thả đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên; cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi sự việc như thế này:
“Này Hòa-phá, ý ông nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; trong trường hợp này, ông có thấy vị ấy nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện, khiến cho đến đời sau chăng[09]?”
Hòa-phá trả lời rằng:
“Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có vị Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; trong trường hợp này tôi thấy rằng nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện, khiến cho đến đời sau. Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có ai ở đời trước hành bất thiện hạnh, người ấy do đó mà sanh khởi lậu bất thiện khiến cho đến đời sau[10]“.
Lúc đó[11] Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa ở chỗ vắng vẻ; bằng thiên nhĩ thanh tịnh siêu việt loài người, nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Thích Hòa-phá đệ tử của Ni-kiền cùng bàn luận như thế.
Đức Thế Tôn nghe xong, vào lúc xế chiều, rời chỗ tĩnh tọa, đi đến giảng đường, trải chỗ và ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Sau khi ngồi, Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Đại Mục-kiền-liên, vừa rồi ông cùng đệ tử của Ni-kiền Thích Hòa-phá bàn luận về việc gì? Lại có việc gì mà tập họp ngồi tại giảng đường?”
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay con cùng với chúng Đại Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, vì có việc nên tập họp ngồi tại giảng đường. Lúc bấy giờ đệ tử Ni-kiền thuộc Thích Hòa-phá này, sau giờ ăn trưa, thong thả đi đến chỗ con; cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên. Con hỏi như vầy: ‘Này Hòa-phá, ý ông nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; trong trường hợp này, ông có thấy vị ấy nhân đó mà sanh khởi lậu bất thiện, khiến cho đến đời sau chăng?’ Hòa-phá trả lời con rằng: ‘Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý; trong trường hợp này tôi thấy rằng nhân thế mà sanh khởi lậu bất thiện, khiến cho đến đời sau. Này Đại Mục-kiền-liên, giả sử có ai ở đời trước hành bất thiện hạnh, người ấy do đó mà sanh khởi lậu bất thiện khiến cho đến đời sau’. Bạch Thế Tôn, vừa rồi con cùng Thích Hòa-phá đệ tử Ni-kiền bàn luận như vậy. Vì việc đó mà ngồi tập họp tại giảng đường”.
Lúc đó Đức Thế Tôn bảo Thích Hòa-phá, đệ tử của Ni-kiền rằng:
“Nếu những gì ta nói là đúng, ông trả lời là đúng; nếu không đúng ông nên trả lời là không đúng. Ông có điều gì nghi ngờ thì nên hỏi ta như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm, cái này có sự gì? Cái này có ý nghĩa gì?’ Tùy những điều Ta nói mà ông có thể tiếp nhận được thì Ta với ông có thể bàn luận điều ấy”.
Hòa-phá trả lời rằng:
“Sa-môn Cù-đàm, nếu điều Ngài nói là đúng, tôi sẽ nói là đúng. Nếu không đúng tôi sẽ nói là không đúng. Nếu có điều nào nghi ngờ tôi sẽ hỏi Cù-đàm: ‘Thưa Cù-đàm, điều này có sự gì? Điều này có nghĩa gì?’ Tùy theo những điều Sa-môn Cù-đàm nói, tôi tiếp nhận. Vậy, Sa-môn Cù-đàm hãy cùng tôi bàn luận việc ấy”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Ý Hòa-phá nghĩ sao? Giả sử có Tỳ-kheo sanh khởi thân hành bất thiện, lậu, nóng bức, ưu sầu[12]. Vị ấy sau đó thân hành bất thiện được diệt trừ, không tạo thêm những nghiệp mới, vứt bỏ nghiệp cũ, tức thời ngay trong đời hiện tại liền đạt đến cứu cánh, không còn bị nóng bức, thường trụ bất biến, tức điều được nói là được thấy bởi Thánh tuệ, được biết bởi Thánh tuệ. Nếu thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện, ý hành bất thiện, vô minh hành, lậu, nóng bức và ưu sầu[13], người ấy sau đó diệt trừ vô minh hành bất thiện, không tạo thêm những nghiệp mới, vứt bỏ nghiệp cũ, ngay trong đời này liền chứng được cứu cánh, không còn nóng bức, thường trú bất biến, tức điều được nói là được thấy bởi Thánh tuệ, được biết bởi Thánh tuệ. Thế nào, này Hòa-phá Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý như vậy, trong trường hợp này ông có thấy vị đó nhân mà sanh khởi lậu bất thiện, khiến cho đến đời sau chăng?”
Hòa-phá trả lời rằng:
“Thưa Cù-đàm, giả sử có vị Tỳ-kheo thủ hộ thân, miệng, ý như vậy, trong trường hợp này tôi không thấy vị ấy do đó mà sanh khởi lậu bất thiện khiến cho đến đời sau”.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay, Hòa-phá, thế nào, này Hòa-phá, nếu có Tỳ-kheo vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi. Vị ấy vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi; cảm giác về hậu thân[14] sanh khởi thì biết là cảm giác về hậu thân sanh khởi; khi cảm giác về hậu mạng[15] sanh khởi thì biết là cảm giác về hậu mạng sanh khởi. Khi thân hoại mạng chung, tuổi thọ đã kết thúc, ngay trong đời này, tất cả mọi cảm giác đã ngưng bặt, tự thân mình biết sẽ đi đến chỗ lãnh đạm hoàn toàn[16].
“Này Hòa-phá, cũng như nhân cây mà có bóng. Giả sử có người mang búa thật bén đến chặt đứt rễ cây, chặt nát ra thành nhiều khúc, phá làm mười phần, hoặc trăm phần, đốt cháy thành tro, rồi hoặc để gió thổi bay đi, hoặc mang bỏ vào trong nước. Ý Hòa-phá nghĩ sao? Bóng nhân cây mà có; bóng ấy do đó mà mất hẳn cái nhân của nó, nên tuyệt diệt không còn sanh nữa chăng?”
Hòa-phá trả lời rằng:
“Đúng như thế, thưa Cù-đàm”.
“Này Hòa-phá, nên biết vị Tỳ-kheo kia lại cũng như vậy. Vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi. Vị kia vô minh đã dứt hết, minh đã sanh khởi; cảm giác về hậu thân sanh khởi thì biết là cảm giác về hậu thân sanh khởi; khi cảm giác về hậu mạng sanh khởi thì biết là cảm giác về hậu mạng sanh khởi. Khi thân hoại mạng chung, tuổi thọ đã kết thúc, ngay trong đời này, tất cả mọi cảm giác đã ngưng bặt, tự thân mình biết sẽ đi đến chỗ lãnh đạm hoàn toàn. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh[17] như vậy, liền được sáu trụ xứ thiện[18]. Sáu trụ xứ đó là gì? Này Hòa-phá, Tỳ-kheo mắt thấy sắc mà không hỷ, không ưu, xả cầu, vô vi, chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo chánh tâm giải thoát như vậy, đó gọi là được trú xứ thiện thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp mà không hỷ không ưu, xả cầu, vô vi, chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, vị Tỳ-kheo chánh tâm giải thoát như vậy, đó gọi là được trụ xứ thứ sáu.
Hòa-phá bạch rằng:
“Đúng như vậy, thưa Sa-môn Cù-đàm!”
“Đa văn Thánh đệ tử chánh tâm giải thoát như vậy, được sáu trụ xứ thiện. Sáu trụ xứ thiện là những gì?”
“Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc, không hỷ, không ưu, xả cầu[19], vô vi, chánh niệm, chánh trí”.
“Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được nói là đạt được trụ xứ thiện thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp mà không hỷ, không ưu, xả cầu, vô vi, chánh niệm, chánh trí. Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy được nói là đạt được trụ xứ thiện thứ sáu. Này Hòa-phá, Tỳ-kheo với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu trú xứ thiện này”.
Hòa-phá bạch rằng:
“Đúng như thế, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu trú xứ thiện. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc, không hỷ, không ưu, xả cầu, vô vi, chánh niệm, chánh trí. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được nói là đạt được trụ xứ thiện thứ nhất. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp mà không hỷ, không ưu, xả cầu, vô vi, chánh niệm, chánh trí. Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy được nói là đạt được trụ xứ thiện thứ sáu. Như vậy, Thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử với tâm giải thoát chơn chánh như vậy, được sáu trụ xứ thiện này”.
Rồi thì, Hòa-phá bạch Thế Tôn rằng:
“Bạch đức Cù-đàm, con đã biết. Bạch Đức Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Đức Cù-đàm, cũng như người có mắt sáng, cái gì bị úp thì lật lên; cái gì bị che đậy thì giở ra; đối với người mê thì chỉ đường cho; trong tối tăm thì cho ánh sáng để ai có mắt thì thấy ánh sáng màu sắc. Sa-môn Cù-đàm cũng giống như vậy, vì con mà dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp và hiển hiện nghĩa lý, theo đạo thậm thâm[20].
“Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, duy nguyện Thế Tôn nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay trọn đời xin tự quy y, cho đến mạng chung.
“Bạch Thế Tôn, cũng như người nuôi con ngựa dở mà mong có lợi ích. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Ni-kiền ngu si kia không khéo hiểu rõ, không thể giải biết, không biết được ruộng tốt, không suy xét mà cung kính, lễ bái, phụng sự trong một thời gian dài, mong được lợi ích, nhưng chỉ luống nhọc khổ, vô ích. Bạch Thế Tôn, con nay lần nữa xin tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, duy nguyện Thế Tôn nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay, trọn đời xin tự quy y, cho đến mạng chung.
“Bạch Thế Tôn, con vốn không biết nên đối với Ni-kiền ngu si kia mà có tín, có kính, từ nay dứt hẳn. Vì sao thế? Vì phỉnh gạt con vậy. Bạch Thế Tôn, nay lần thứ ba xin tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, duy nguyện Thế Tôn nhận lời cho con làm Ưu-bà-tắc; hôm nay, trọn đời xin tự quy y, cho đến khi mạng chung”.
Phật thuyết như vậy. Thích Hòa-phá và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.IV. 195 Vappa-sutta.[02] Thích-ki-sấu 釋 羈 瘦. Pāli: Sakkesu, “Giữa chúng những người Thích-ca.[03] Ca-duy-la-vệ 迦 維 羅 衛, cũng gọi là Ca-tì-la-vệ 迦 毗 羅 衛. Pāli: Kapilavatthu, thủ phủ của người Thích-ca; quê hương của Đức Thích Tôn.[04] Ni-câu-loại viên 尼 拘 類 園. Pāli: Nigrodhārāma, khu rừng gần Kappilavathu (Ca-tỳ-la-vệ) của một người bộ tộc Thích-ca tên là Nigrodha, được cúng cho Phật khi ngài trở về sanh quán ngay khi Ngài thành Đạo trong năm đầu tiên.[05] Đại Mục-kiền-liên 大 目 犍 連. Pāli: Mahā-Moggallāna.[06] Hán: trung thực hậu 中 食 後.[07] Ni-kiền, tức Ni-kiền Tử, hay Ni-kiền Thân Tử 尼 乾 親 子. Pāli: Nagaṇṭhā Nātaputta.[08] Hòa-phá 惒 破. Pāli: Vappa, trùng tên với một trong năm đệ tử đầu tiên của Phật.[09] Pāli: Idha assa Vappa kāyena saṃvutto vācāya saṃvutto manasā saṃvutto avijjāvirāgā vijjuppādā passasi no tvaṃ Vappa taṃ ṭhānāṃ yatonidānaṃ purisaṃ dukkhavedaniyā āsavā assaveyyuṃ abhisamparāyam ti, “Này Vappa, ở đây có người phòng hộ thân, phòng hộ miệng, phòng hộ ý, xa lìa vô minh, sanh khởi minh; do nhân duyên nào đó mà người trong đời vị lai có thể khởi lên các lậu dẫn đến thọ khổ ấy. Này Vappa, ông có thấy trường hợp ấy chăng?”[10] Pāli: pubbe pāpakammaṃ kataṃ avipakkavipākaṃ, tatonidānaṃ purisaṃ dukkhavedaniyā āsavā assaveyyuṃ abhisamparāyaṃ, “ác nghiệp được làm trong quá khứ nhưng quả dị thục chưa chín do nhân duyên đó người ấy trong tương lai có thể khởi lên lậu hoặc dẫn đến cảm thọ khổ.[11] Bản Tống-Nguyên-Minh: bỉ thời 彼 時; bản Cao-ly: hậu thời 後 時, sau đó.[12] Hán: lậu phiền nhiệt ưu thích 漏 煩 憂 熱 憂 戚. Pāli: kāyasamārambhapaccayā uppajjanti āsavā vighātaparilāhā, “do duyên là sự hoạt động của thân mà phát sinh các lậu, (là những thứ) gây tàn hại, nóng bức”.[13] Vô minh hành... ưu sầu, Pāli: avijjāpaccayā uppajjanti āsavā..., “do duyên là vô minh mà sinh khởi các lậu...”[14] Hán: hậu thân giác 後 身 覺. Pāli: kāyapariyantikaṃ vedanaṃ vediyamāno, khi có cảm giác về cảm thọ của thân tối hậu.[15] Hán: hậu mạng giác後命覺. Pāli: jīvapariyantikaṃ vedanaṃ, cảm thọ của sinh mạng tối hậu.[16] Hán: cứu cánh lãnh 究 竟 冷. Pāli: sīti, lạnh lùng.[17] Hán: chánh tâm giải thoát 正 心 解 脫. Pāli: sammāvimuttacitta, tâm được giải thoát hoàn toàn.[18] Hán: lục thiện trú xứ 六 善 住 處. Pāli: cha satatavihārā, sáu hằng trú, an trú thường hằng.[19] Hán: xả cầu 捨 求. Pāli: upekkhako viharati, vị ấy sống với trạng thái xả.[20] Bản Cao-ly: tùy kỳ chư đạo 隨 其 諸 道. Các bản Tống-Nguyên-Minh: tùy thậm thâm đạo 隨 甚 深 道.
-ooOoo-
13. KINH ĐỘ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở tại Thắng lâm trong vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có ba độ xứ[02] khác chủng tánh, khác danh xưng, khác tông chỉ, khác học thuyết, mà dù cho người có trí tuệ khéo nhận lãnh, khéo ghi nhớ[03] để nói cho người khác[04], nhưng cũng không thu hoạch được lợi ích[05].
“Những gì là ba? Hoặc có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định sẵn[06].
“Lại có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều do Đấng Tôn Hựu[07] định sẵn.
“Lại có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều vô nhân, vô duyên[08].
“Ở trong đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định đoạt’, Ta liền đến nơi người kia; đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn[09]. Cũng vậy, chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn. Này chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn, mà cho là như thật, thì ở bên trong, nhân bên trong[10], những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện[11]. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí[12], thì không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được[13]’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Phạm chí kia.
“Ở đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào, thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi đều nhân Đấng Thiên Hựu định đoạt’. Ta liền đi đến chỗ người kia, đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều nhân Thiên Hựu định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn. Cũng vậy, này chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn. Này chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn, mà cho là như thật, thì ở bên trong, nhân bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Phạm chí kia.
“Ở đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều vô nhân vô duyên’. Ta liền đi đến chỗ người kia, đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều vô nhân vô duyên? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân vô duyên. Cũng vậy, chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân vô duyên. Này chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều vô nhân vô duyên, mà cho là như thật, thì ở bên trong, nhân bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, thì không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Phạm chí kia.
“Những pháp mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho ô uế được, không thể chế phục được. Thế nào là những pháp mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho ô uế được, không thể chế phục? Đó là pháp sáu xứ mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho ô uế được, không thể chế phục.
“Lại có pháp sáu giới mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho ô uế được, không thể chế phục.
“Thế nào là pháp sáu xứ mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi? Đó là nhãn xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Đó là pháp sáu xứ ta đã tự tri, tự giác, ta nói cho các ngươi biết.
“Thế nào là pháp sáu giới mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi? Đó là địa giới, thủy, hỏa, phong, không và thức giới. Đó là pháp sáu giới mà ta đã tự tri tự giác, đã nói cho các ngươi biết.
“Do hòa hiệp của sáu giới[14] nên sanh thai mẹ. Nhân sáu giới mà có sáu xứ[15]; nhân sáu xứ có xúc[16], nhân xúc mà có thọ[17].
“Này các Tỳ-kheo, nếu ai có cảm thọ liền biết như thật về Khổ, biết về Khổ tập, biết về Khổ diệt, biết như thật về Khổ diệt đạo. Thế nào là biết như thật về khổ? Là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thù nghịch gặp nhau là khổ, yêu thương mà chia ly là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, năm ấm xí thạnh là khổ.
“Thế nào là biết như thật về Khổ tập? Do Ái mà thọ Hữu trong tương lai cùng với lạc dục, mong cầu hữu nơi này hay nơi kia[18]. Đó là biết như thật về Khổ tập.
“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt? Do Ái này mà thọ Hữu trong tương lai cùng với lạc dục, mong cầu hữu nơi này hay nơi kia, tất cả như vậy đã đoạn trừ không còn dư tàn, đã xả ly, diệt tận, vô dục, tịch tĩnh, tịch diệt. Đó gọi là biết như thật về Khổ diệt[19].
“Thế nào là biết như thật về Khổ diệt đạo? Đó là tám chi thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về Khổ diệt đạo.
“Tỳ-kheo nên biết như thật về Khổ, nên đoạn Khổ tập, nên thực chứng Khổ diệt, nên tu Khổ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo nào biết như thật về Khổ, đoạn Khổ tập, thực chứng Khổ diệt, tu Khổ diệt đạo, thì đó là Tỳ-kheo đã tận trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kết, có thể bằng chánh trí chứng đắc Khổ đế”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.II. 61 Tittha (hoặc Titthāyatana-sutta).[02] Hán: độ xứ 度 處. Pāli: titthāyatana, chỗ vượt qua sông. Tittha cũng chỉ tông phái hay giáo phái, do đó, Titthāyatana cũng chỉ căn cứ hay nền tảng lập thuyết của các giáo phái.[03] Pāli: paṇḍitehi samanuyuñjayamānāni samanugāhiyamānāni samanubhassiya-mānāni, “bị các nhà thông thái nạn vấn, chất vấn, khuyến cáo”.[04] Pāli: paraṃ gantvā, “sau khi đến với người khác”. Tức là, có thể giảng giải lại cho người khác.[05] Pāli: akiriyāya saṇṭhahanti, “chúng (các học thuyết ấy) không mang lại hữu ích gì”.[06] Hán: nhất thiết giai nhân túc mạng tạo 一 切 皆 因 宿 命 造, ”Tất cả đều do nhân túc mạng”, nguyên nhân đã định sẵn từ đời trước. Pāli: taṃ sabbaṃ pubbekatahetū.[07] Hán: Tôn Hựu 尊 佑, Thượng đế. Pāli: Issaranimanahetū, nguyên nhân do Thượng đế biến hóa ra hay sáng tạo.[08] Hán: vô nhân vô duyên 無 因 無 緣, thuyết tự nhiên, không có nguyên nhân và điều kiện. Pāli: ahetu-appaccayā.[09] Bản Pāli: pāṇātipātino bhavissanti pubbekatahetu, “họ sẽ (được coi như) là những kẻ sát sanh, do hành động đời trước”.[10] Hán: ư nội nhân nội 於 內 因 內. Pāli, không tìm ra ý nghĩa tương đương.[11] Hán: vô dục vô phương tiện 無 欲 無 方 便. Pāli: na hoti chando vā vāyāmo, không có ước muốn, không có nỗ lực.[12] Pāli: mujṭṭhassatīnaṃ anārakkhānaṃ viharataṃ, sống xao lãng, không giữ gìn (các căn).[13] Pāli: na hoti paccattaṃ sahadhammiko samaṇavādo, không thể tự gọi mình là Sa-môn một cách chân chánh.[14] Hán: lục giới hiệp 六 界 合. Pāli: channaṃ dhātūnaṃ upādāya gabbhassāvavakkanti hoti, do chấp thủ (y trên) sáu giới mà có sự nhập thai.[15] Bản Pāli: nhân nhập thai mà có danh sắc... xúc... thọ.[16] Nguyên Hán: canh lạc 更 樂.[17] Nguyên Hán: giác 覺.[18] Bản Pāli: vô minh duyên hành, hành duyên thức, cho đến, sanh duyên già...[19] Bản Pāli: do vô minh diệt không dư tàn nên hành diệt...
-ooOoo-
14. KINH LA-VÂN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa[02].
Bấy giờ Tôn giả La-vân[03] cũng ở tại thành Vương xá, trong rừng Ôn tuyền[04]. Lúc đó, Đức Thế Tôn sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, khoác y, cầm bát, đi vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, Ngài đi đến rừng Ôn tuyền, trú xứ của Tôn giả La-vân. Tôn giả La-vân từ đàng xa thấy Đức Thế Tôn đến, lập tức đến rước, cầm y bát của Phật, trải tọa cụ và múc nước rửa chân. Đức Phật rửa chân xong, ngồi trên chỗ ngồi của La-vân.
Khi đó Đức Thế Tôn liền lấy chậu nước đổ đi, chỉ lưu lại một ít, rồi hỏi:
“La-vân, ngươi nay có thấy Ta cầm chậu nước này đổ đi, chỉ lưu lại một ít không?”
La-vân đáp:
“Bạch Thế Tôn, con có thấy”.
Phật bảo:
“Ta nói đạo của người kia cũng ít như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm không quý. Này La-vân, người kia cũng không có điều ác nào là không làm. Do đó, này La-vân nên học như thế này, không đùa giỡn và nói dối”.
Đức Thế Tôn lại lấy cái chậu còn lại một ít nước đổ hết ra rồi hỏi rằng:
“Này La-vân, ngươi lại có thấy Ta cầm cái chậu còn một ít nước ấy đổ ra hết không?”
La-vân trả lời rằng:
“Con có thấy, bạch Thế Tôn”.
Phật bảo rằng:
“Này La-vân, Ta nói rằng đạo của người kia cũng mất hết như vậy. Nghĩa là đã biết rồi còn nói dối, mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-vân, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đấy, này La-vân nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.
Đức Thế Tôn lại cầm chậu trống không ấy úp xuống đất rồi hỏi rằng:
“Này La-vân, ngươi lại có thấy Ta cầm chậu không này úp xuống đất không?”
La-vân trả lời:
“Con có thấy, bạch Thế Tôn”.
Phật bảo rằng:
“Này La-vân, Ta nói rằng đạo của người kia cũng bị lật úp như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà không biết xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-vân, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này La-vân nên học như thế này, không được đùa giỡn và nói dối”.
Đức Thế Tôn lại cầm chậu úp lật ngửa lên rồi hỏi rằng:
“Này La-vân, ngươi có thấy Ta cầm cái chậu úp này giở ngửa lên không?”
La-vân trả lời rằng:
“Con có thấy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật bảo La-vân rằng:
“Ta nói rằng đạo của người kia bị lật ngửa, cũng lại như vậy. Nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà vẫn không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-vân, người ấy cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó này La-vân, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối.
“Này La-vân, cũng như nhà vua có thớt voi lớn, khi xông vào trận chiến đấu thì dùng chân trước, chân sau, đuôi, bộ chân, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ giữ gìn chiếc vòi. Tượng sư thấy vậy, rồi suy nghĩ như thế này: ‘Thớt voi lớn này của nhà vua vẫn còn tiếc mạng sống. Vì sao thế? Vì thớt voi lớn của nhà vua này khi xông vào trận giặc chiến đấu, thì dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ gìn giữ chiếc vòi’. Này La-vân, nếu thớt voi lớn của nhà vua khi xông vào trận giặc chiến đấu dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, trán, tai, vòi đều dùng tất cả. Tượng sự thấy vậy rồi liền suy nghĩ như thế này: ‘Thớt voi lớn của nhà vua này không còn tiếc mạng sống nữa. Vì sao thế? Thớt voi lớn của nhà vua này khi xông vào trận giặc chiến đấu, dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, hông, đầu, ngà, vòi, tất cả đều đem dùng’. Này La-vân, nếu thớt voi lớn khi xông vào trận giặc chiến đấu mà dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, ngà, vòi, tất cả đều đem dùng. Này La-vân, Ta nói thớt voi lớn của nhà vua khi xông vào trận giặc, chiến đấu, không có việc dữ nào mà không làm, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-vân, Ta nói rằng: Người kia cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này La-vân, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.
Rồi thì Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:
Kẻ nào phạm một pháp,Pháp đó là nói dối:Nó không sợ đời sau;Không chừa sự dữ nào.Thà nuốt viên sắt cháy,Nó nóng như lửa đỏ;Chứ không nên phạm giớiMà nhận đời cúng thí.Nếu biết sợ khổ sở,Không thích nghĩ tưởng đến;Chỗ sáng, hay kín đáoChớ tạo tác nghiệp ác.Nếu tạo nghiệp bất thiện,Đã làm, nay đang làm,Trọn không giải thoát đượcCũng không có chỗ tránh.
Đức Phật nói bài tụng rồi, lại hỏi rằng:
“Này La-vân, ngươi nghĩ thế nào, người ta dùng gương để làm gì?”
La-vân trả lời rằng:
“Bạch Thế Tôn, để nhìn xem khuôn mặt sạch hay không sạch”.
“Cũng vậy, này La-vân, nếu ngươi sắp hành động với thân nghiệp thì hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình mà làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp, vì mình mà làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp bất thiện, nó sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên bỏ thân nghiệp bất thiện sắp được làm ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp, vì mình mà làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp thiện, nó sẽ đưa đến lạc quả và sẽ thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi hãy thực hiện thân nghiệp sẽ làm ấy.
“Này La-vân, ngươi hiện đang hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp này tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên bỏ thân nghiệp đang làm ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi hãy nên thực hiện thân nghiệp đang làm ấy.
“Này La-vân, nếu ngươi đã hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, đã diệt tận, đã biến dịch. Nó là tịnh hay bất tịnh? Vì mình hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch, thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi hãy đến nơi người phạm hạnh, thiện tri thức, chí tâm phát lộ thân nghiệp đã tạo ra, xin ăn năn lỗi lầm, cẩn thận không giấu giếm, rồi phải khéo léo giữ gìn.
“Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp. Thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch, thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi nên ngày đêm vui mừng, an trụ chánh niệm, chánh trí.
“Với khẩu nghiệp cũng lại như vậy.
“Này La-vân, nếu nhân việc làm trong quá khứ nên đã sanh ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm trong quá khứ đã sanh ý nghiệp, ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, là vì mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà biết nhân việc làm trong quá khứ mà sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp đã quá khứ, diệt tận, biến dịch. Ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, tự mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo. Này La-vân, ngươi nên bỏ ý nghiệp trong quá khứ ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà rằng nhân việc làm trong quá khứ mà đã sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-vân, ngươi đến thọ nhận ý nghiệp quá khứ ấy.
“Này La-vân, nhân việc làm trong vị lai nên sẽ sanh khởi ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm trong vị lai sẽ sanh ý nghiệp; ý nghiệp ấy là tịnh hay bất tịnh, tự mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà biết rằng ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sẽ sinh ý nghiệp; ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên xả bỏ ý nghiệp trong vị lai đó đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, liền biết rằng: ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sanh ý nghiệp; ý nghiệp đó tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-vân, ngươi nên nhận lãnh ý nghiệp trong vị lai ấy.
“Này La-vân, cũng như nhà vua có thớt voi lớn, khi xông vào trận chiến đấu thì dùng chân trước, chân sau, đuôi, bộ chân, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ giữ gìn chiếc vòi. Tượng sư thấy vậy, rồi suy nghĩ như thế này: ‘Thớt voi lớn này của nhà vua vẫn còn tiếc mạng sống. Vì sao thế? Vì thớt voi lớn của nhà vua này khi xông vào trận giặc chiến đấu, thì dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ gìn giữ chiếc vòi’. Này La-vân, nếu thớt voi lớn của nhà vua khi xông vào trận giặc chiến đấu dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, trán, tai, vòi đều dùng tất cả. Tượng sự thấy vậy rồi liền suy nghĩ như thế này: ‘Thớt voi lớn của nhà vua này không còn tiếc mạng sống nữa. Vì sao thế? Thớt voi lớn của nhà vua này khi xông vào trận giặc chiến đấu, dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, hông, đầu, ngà, vòi, tất cả đều đem dùng’. Này La-vân, nếu thớt voi lớn khi xông vào trận giặc chiến đấu mà dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu, ngà, vòi, tất cả đều đem dùng. Này La-vân, Ta nói thớt voi lớn của nhà vua khi xông vào trận giặc, chiến đấu, không có việc dữ nào mà không làm, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-vân, Ta nói rằng: Người kia cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này La-vân, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.
Rồi thì Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:
Kẻ nào phạm một pháp,
Pháp đó là nói dối:
Nó không sợ đời sau;
Không chừa sự dữ nào.
Thà nuốt viên sắt cháy,
Nó nóng như lửa đỏ;
Chứ không nên phạm giới
Mà nhận đời cúng thí.
Nếu biết sợ khổ sở,
Không thích nghĩ tưởng đến;
Chỗ sáng, hay kín đáo
Chớ tạo tác nghiệp ác.
Nếu tạo nghiệp bất thiện,
Đã làm, nay đang làm,
Trọn không giải thoát được
Cũng không có chỗ tránh.
Đức Phật nói bài tụng rồi, lại hỏi rằng:
“Này La-vân, ngươi nghĩ thế nào, người ta dùng gương để làm gì?”
La-vân trả lời rằng:
“Bạch Thế Tôn, để nhìn xem khuôn mặt sạch hay không sạch”.
“Cũng vậy, này La-vân, nếu ngươi sắp hành động với thân nghiệp thì hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình mà làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp, vì mình mà làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp bất thiện, nó sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên bỏ thân nghiệp bất thiện sắp được làm ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp, vì mình mà làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp thiện, nó sẽ đưa đến lạc quả và sẽ thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi hãy thực hiện thân nghiệp sẽ làm ấy.
“Này La-vân, ngươi hiện đang hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp này tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên bỏ thân nghiệp đang làm ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi hãy nên thực hiện thân nghiệp đang làm ấy.
“Này La-vân, nếu ngươi đã hành động với thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, đã diệt tận, đã biến dịch. Nó là tịnh hay bất tịnh? Vì mình hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch, thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi hãy đến nơi người phạm hạnh, thiện tri thức, chí tâm phát lộ thân nghiệp đã tạo ra, xin ăn năn lỗi lầm, cẩn thận không giấu giếm, rồi phải khéo léo giữ gìn.
“Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp. Thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch, thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi nên ngày đêm vui mừng, an trụ chánh niệm, chánh trí.
“Với khẩu nghiệp cũng lại như vậy.
“Này La-vân, nếu nhân việc làm trong quá khứ nên đã sanh ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm trong quá khứ đã sanh ý nghiệp, ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, là vì mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà biết nhân việc làm trong quá khứ mà sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp đã quá khứ, diệt tận, biến dịch. Ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, tự mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo. Này La-vân, ngươi nên bỏ ý nghiệp trong quá khứ ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà rằng nhân việc làm trong quá khứ mà đã sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-vân, ngươi đến thọ nhận ý nghiệp quá khứ ấy.
“Này La-vân, nhân việc làm trong vị lai nên sẽ sanh khởi ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm trong vị lai sẽ sanh ý nghiệp; ý nghiệp ấy là tịnh hay bất tịnh, tự mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà biết rằng ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sẽ sinh ý nghiệp; ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên xả bỏ ý nghiệp trong vị lai đó đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, liền biết rằng: ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sanh ý nghiệp; ý nghiệp đó tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-vân, ngươi nên nhận lãnh ý nghiệp trong vị lai ấy.
“Này La-vân, nhân việc làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp, hãy nên quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc đang làm trong hiện tại nên sanh khởi ý nghiệp, ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Nhân việc đang làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp; ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và sẽ thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên xả bỏ ý nghiệp trong hiện tại ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Nhân có việc đang làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp; ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi nên nhận lãnh ý nghiệp hiện tại ấy.
“Này La-vân, nếu trong quá khứ đã có những vị Sa-môn, Phạm chí tạo nghiệp thân, khẩu, ý; đã quán sát rồi, lại quán sát nữa; đã thanh tịnh, lại thanh tịnh nữa. Tất cả những vị ấy, ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của mình, quán rồi lại quán nữa, đã tịnh rồi lại tịnh hơn nữa.
Này La-vân, nếu trong vị lai sẽ có những vị Sa-môn, Phạm chí tạo nghiệp thân, khẩu, ý, sẽ quán rồi lại quán nữa, sẽ thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn. Tất cả những vị ấy ngay nơi thân nghiệp, khẩu, ý nghiệp của mình, quán rồi lại quán nữa, sẽ thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn.
“Này La-vân, nếu trong hiện tại có những Sa-môn, Phạm chí tạo nghiệp thân, khẩu, ý; đang quán rồi lại quán nữa, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn. Tất cả những vị ấy ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của mình, đang quán rồi lại quán nữa, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn.
“Này La-vân, ngươi nên học như thế. Chính Ta cũng ngay nơi nghiệp thân, khẩu, ý của Ta, đang quán rồi lại sẽ quán, đang thanh tịnh rồi lại thanh tịnh hơn”.
Rồi thì, Đức Thế Tôn lại nói bài tụng rằng:
Thân nghiệp và khẩu nghiệp,Ý nghiệp, này La-vân!Pháp thiện hay bất thiện;Ngươi hãy thường quán sát.Đã biết còn nói dối,Này La-vân đừng nói.Tai hại do nói dối,Sao lại dám nói dối?Pháp Sa-môn bị úp,Trống không, không chơn thật;Đó chính là nói dối,Không giữ gìn miệng mình.Cho nên không nói dối,Là con bậc Chánh giác.Đó là pháp Sa-môn,La-vân hãy nên học.Nơi nơi vui sung túc,An ổn, không sợ hãi,La-vân muốn đến đó,Đừng làm hại người khác.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả La-vân và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.61. Ambataṭṭhikā-Rāhulovādasuttaṃ.[02] Vương xá thành Trúc lâm Ca-lan-đa viên 王 舍 城 竹 林 迦 蘭 哆 圓. Pāli: Rājagahe... Veluvāne Kalandakanivāpe.[03] Tôn giả La-vân 尊 者 羅 云, tức La-hầu-la 羅 睺 羅. Pāli: Āyasmant Rahula.[04] Ôn tuyền lâm 溫 泉 林. Pāli: Tapodārāma, tinh xá Ôn tuyền hay Suối nước nóng, ở phụ cận thành Vương xá. Bản Pāli, bấy giờ Rahula ở rừng Ambalaṭṭhikā.
-ooOoo-
15. KINH TƯ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng.
“Nếu kẻ nào cố ý tạo nghiệp[02], Ta nói rằng kẻ ấy phải thọ lấy quả báo. Hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc thọ vào đời sau. Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, Ta nói rằng người ấy không nhất thiết phải thọ quả báo.
“Ở đây, thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ khổ quả. Miệng có bốn nghiệp, ý có ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ báo, thọ khổ quả.
“Những gì là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, phải thọ khổ báo? Một là sát sanh, quá hung dữ, uống máu, cứ muốn sát hại, không thương xót chúng sanh, cho đến loài côn trùng. Hai là lấy của không được cho, đắm trước tài vật của kẻ khác, chiếm lấy với ý muốn trộm cắp. Ba là tà dâm; người kia chính mình xâm phạm tới người nữ có cha giữ gìn, hoặc có mẹ gìn giữ, hoặc được cả cha và mẹ giữ gìn, hoặc được chị em giữ gìn, hoặc được anh em gìn giữ, hoặc được cha mẹ vợ[03] gìn giữ, hoặc được người thân thuộc gìn giữ, hoặc được người cùng dòng họ gìn giữ; hoặc được bảo vệ bằng đe dọa hình phạt hay roi vọt[04], hoặc đã được thuê, hoặc đã được hứa hôn, cho đến chỉ mới nhận tràng hoa làm tin. Đó là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.
“Những gì là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một là nói dối; người kia hoặc ở giữa đám đông, hoặc trong quyến thuộc, hoặc ở tại vương gia, nếu có ai kêu mà hỏi rằng: ‘Ngươi có biết thì nói’. Nhưng nó không biết mà nói là biết, biết nói là không biết; không thấy nói là thấy, thấy nói không thấy. Vì mình, vì người, hoặc vì của cải, biết rồi mà lại nói dối. Hai là nói hai lưỡi; muốn ly gián người khác nên nghe nơi người này đem nói với người kia vì muốn phá hoại người này. Nghe nơi người kia đem nói với này vì muốn phá hoại người kia. Những kẻ hợp nhau muốn tạo ly tán; những kẻ đã ly tán lại muốn cho xa rời để kết bè đảng, vui thích bè đảng, khen ngợi bè đảng. Ba là nói thô ác; người ấy nếu có nói năng gì thì lời lẽ thô tục, hung bạo, tiếng dữ trái tai, không ai mến nổi, làm cho người khác phải khổ não, khiến cho không được định tâm. Bốn là nói lời thêu dệt; người ấy nói không đúng lúc, nói không thành thật, nói lời không đúng nghĩa, nói lời không đúng pháp, nói không tịch tĩnh[05], lại còn khen ngợi sự không tịch tĩnh, trái ngược thời gian mà lại không khéo dạy dỗ, không khéo la mắng. Đó là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo, bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.
“Những gì ba nghiệp của ý cố ý tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một, tham lam; thấy tài vật và các tư cụ sinh sống của người khác thường tham lam ước muốn sao cho được về của mình. Hai là sân nhuế; trong ý ôm ấp oán ghét, nghĩ rằng: chúng sanh kia đáng giết, đáng trói, đáng bắt, đáng loại bỏ, đáng đuổi đi, mong cho kẻ kia thọ khổ vô lượng. Ba là tà kiến; sở kiến điên đảo, thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có bố thí, không có trai phước, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này, đời sau; không có cha mẹ, trên đời không có bậc chân nhân đi đến chỗ chí thiện, khéo vượt qua, khéo hướng đến, ở đời này và đời sau mà tự chứng tri, tự giác ngộ, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú. Đó là ba nghiệp do ý cố tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ ấy khổ báo.
“Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện của thân, tu thân thiện nghiệp, xả bỏ nghiệp bất thiện của miệng và ý, tu thiện nghiệp miệng và ý. Đa văn Thánh đệ tử đầy đủ giới đức tinh tấn như vậy, thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi miệng và ý, lìa sân nhuế, lìa não hại, từ bỏ ngủ nghỉ, không trạo cử và cống cao, đoạn nghi, vượt kiêu mạn, chánh niệm, chánh trí, không còn ngu si, tâm vị ấy đi đôi với từ, biến mãn một phương thành tựu và an trú. Cũng vậy, với hai, ba, bốn phương và tứ duy, thượng, hạ, biến mãn, tâm đi đôi với từ, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại vô biên vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Người kia suy nghĩ rằng: ‘Tâm ta xưa kia vốn nhỏ hẹp, không khéo tu. Tâm ta nay đây khéo tu, quảng đại vô lượng’. Đa văn Thánh đệ tử đối với tâm vô lường, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm ô uế, không còn đi theo nữa. Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành từ tâm giải thoát[06], về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện nữa chăng?”
Các Tỳ-kheo thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, không thể”.
“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu từ tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu từ tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành từ tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa.
“Cũng vậy, tâm bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Người ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tâm ta trước vốn nhỏ hẹp, không khéo tu tập. Tâm ta nay đây rộng lớn vô lượng, được khéo tu tập’. Đa văn Thánh đệ tử đối với tâm vô lượng, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm ô uế, không còn đi theo nữa. Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành xả tâm giải thoát, về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện nữa chăng?”
Các Tỳ-kheo thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, không thể”.
“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, thường phải siêng tu xả tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất gia, nam hay nữ ấy, tu xả tâm giải thoát, thì không còn mang thân này đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có người thực hành xả tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Không có Pāli tương đương, chỉ một ít điểm tương đồng, A.X 207 Cetanā, X. 208 Karaja-kāya.[02] Hán: cố tác nghiệp 故 作 業. Pāli: sañcetanika kamma.[03] Hán: phụ phụ mẫu 婦 父 母. Có lẽ muốn nói “cha mẹ của nàng dâu” tức cha mẹ chồng.[04] Nghĩa là, được pháp luật bảo vệ.[05] Hán: bất chỉ tức thuyết 不 止 息 說.[06] Hán: từ tâm giải thoát 慈 心 解 脱. Pāli: mettaṃ cetovimuttiṃ, tâm giải thoát với từ.
-ooOoo-
16. KINH GIÀ-LAM[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Già-lam viên[02], cùng đại chúng Tỳ-kheo, đến Ki-xá tử[03], trụ trong vườn Thi-nhiếp-hòa[04], phía Bắc thôn Ki-xá tử.
Bấy giờ những người Già-lam ở Ki-xá tử nghe đồn Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họ Thích[05], đã từ bỏ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, đang du hóa tại Già-lam viên cùng chúng Đại Tỳ-kheo đến Ki-xá tử này, trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa ở phía Bắc thôn Ki-xá tử. Vị Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự[06], Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Vị ấy ở trong thế gian này giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ[07]’. Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi. Chúng ta hãy cùng nhau đến gặp Sa-môn Cù-đàm để lễ bái, cúng đường”.
Những người Già-lam ở Ki-xá tử, nghe như vậy rồi, mỗi người cùng với quyến thuộc của mình kéo nhau ra khỏi Ki-xá tử, đi về phía Bắc, tới rừng Thi-nhiếp-hòa, họ muốn gặp Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường.
Đi đến chỗ Phật ngụ, những người Già-lam ấy hoặc có người lễ bái cúi đầu dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chào hỏi Đức Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người chắp tay hướng đến Phật rồi ngồi sang một bên, hoặc có người từ đàng xa thấy Đức Phật rồi im lặng ngồi xuống.
Lúc đó, những người Già-lam đều ngồi yên. Đức Phật thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ[08]. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng thành tựu hoan hỷ, Ngài ngồi im lặng.
Bấy giờ những người Già-lam sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, họ đều từ chỗ ngồi đứng dâïy, sửa áo trịch vai bên hữu, chắp tay đến hướng Đức Phật, rồi bạch Đức Thế Tôn rằng:
“Thưa Cù-đàm, có một vị Sa-môn, Phạm chí đi đến Già-lam chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của người khác. Thưa Cù-đàm, lại có một vị Sa-môn, Phạm chí đi đến Già-lam cũng chỉ tự khen ngợi tri kiến của mình mà chê bai tri kiến của kẻ khác. Thưa Cù-đàm, chúng tôi nghe vậy liền sanh ngờ vực: Những vị Sa-môn, Phạm chí ấy, vị nào thật? Vị nào hư?”
Đức Thế Tôn nói rằng:
“Này các người Già-lam, các người chớ sanh lòng ngờ vực. Vì sao vậy? Vì nhân có ngờ vực liền sanh ra do dự[09]. Này các người Già-lam, các ngươi tự mình không có tịnh trí để biết có đời sau hay không có đời sau. Này các người Già-lam, các người cũng không có tịnh trí để biết điều đã làm có tội hay không có tội. Này các người Già-lam, nên biết các nghiệp vốn sẵn có ba tập nhân[10]. Những gì là ba? Này các người Già-lam, tham là tập nhân sẵn có của các nghiệp. Này các người Già-lam, nhuế và si là tập nhân sẵn có của các nghiệp.
“Này các người Già-lam, người có tham bị tham che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có nhuế bị nhuế che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu. Này các người Già-lam, người có si bị si che lấp, tâm không nhàm đủ, hoặc sát sanh, hoặc lấy của không cho, hoặc hành tà dâm, hoặc biết mà nói dối, hoặc lại uống rượu.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc giết hại, dứt bỏ sự giết hại, dẹp bỏ dao gậy; có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng. Vị ấy đối với sự sát sanh, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; vui thích trong việc lấy của đã cho, thường ưa sự bố thí, vui vẻ không keo kiệt, không mong người kia đền trả. Vị ấy đối với việc lấy của không cho, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc phi phạm hạnh, đoạn trừ việc phi phạm hạnh; siêng tu phạm hạnh, siêng tu diệu hạnh, thanh tịnh, không uế, ly dục, đoạn dâm. Vị ấy đối với việc việc phi phạm hạnh, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói dối, đoạn trừ sự nói dối; nói lời chân thật, ưa thích sự chân thật, an trụ nơi chân thật không di động, tất cả những điều vị ấy nói đều đáng tin, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với việc nói dối, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa sự nói hai lưỡi, đoạn trừ việc nói hai lưỡi, không phá hoại kẻ khác, không nghe nơi người này nói lại người kia muốn phá hoại người này, không nghe nơi người kia nói lại với người này muốn phá hoại người kia; những người xa lìa nhau thì muốn kết hợp lại, thấy người kết hợp lại thì vui vẻ, không kết bè đảng, không khen việc kết bè đảng. Vị ấy đối với việc việc nói hai lưỡi, tâm đã trừ sạch.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa việc nói thô ác, đoạn trừ việc nói thô ác. Nếu có những lời mà từ khí thô bạo, âm thanh hung dữ trái tai, mọi người không vui, mọi người không ưa, làm cho người khác khổ não, làm cho họ không được an ổn, vị ấy đoạn trừ những lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã dịu dàng, xuôi tai, đi sâu vào lòng người, đáng thích, đáng yêu, làm cho người kia an lạc, âm thânh vừa đủ rõ ràng, không làm cho người kia sợ sệt, làm cho người kia được an ổn, vị ấy nói những lời như vậy. Vị ấy đối với việc nói lời thô ác, tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa lời nói thêu dệt[11], đoạn trừ lời nói thêu dệt; nói đúng lúc, đúng sự thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về tịch tĩnh, ưa nói về tịch tĩnh, hợp việc, hợp thời, thích nghi, khéo dạy dỗ, khéo quở rầy. Vị ấy đối với việc nói lời thêu dệt, tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tham lam, đoạn trừ tham lam, không ôm lòng não hại, thấy của cải và các nhu cầu sinh sống của người khác không móng lòng tham lam, muốn cho được trở về mình. Vị ấy đối với việc tham lam tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa giận dữ, đoạn trừ giận dữ, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng. Vị ấy đối với sự giận dữ tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, thực hành chánh kiến, không điên đảo; thấy như vậy, nói như vậy: ‘Có sự bố thí, có sự trai phước, và cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác. Có đời này và đời sau. Có cha, có mẹ, trên đời có những bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo vượt qua, khéo hướng đến, trong đời này và đời sau mà tự tri tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trụ. Vị ấy đối với việc tà kiến, tâm đã tịnh trừ.
“Này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi khẩu và ý. Xa lìa nhuế, xa lìa não hại, trừ bỏ thùy miên, không trạo cử, cống cao, đoạn trừ nghi, vượt qua mạn, chánh niệm, chánh trí, không có ngu si; tâm vị ấy tương ứng với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, trong hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng, hạ, cùng khắp tất cả, tâm tương ứng với từ, không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, rất rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm bi, hỷ; tâm tương ứng với xả, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn[12]. Những gì là bốn?
“‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. Khi ta đã được nghiệp tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.
“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác. Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.
“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.
“Lại nữa, này các người Già-lam, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, ta không phạm đời sợ hay không sợ, luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.
“Như vậy, này các người Già-lam, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn”.
Những người Già-lam bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, Đa văn Thánh đệ tử tâm không thù, không oán, không sân nhuế, không não hại, liền được bốn trụ xứ an ổn. Những gì là bốn?
“‘Nếu có đời này đời sau, có quả báo của nghiệp thiện và ác. Khi ta đã được nghiệp tương ứng với chánh kiến này rồi, ta thọ trì đầy đủ, thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ cho đến sanh lên các cõi trời’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ nhất.
“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu không có đời này và đời sau, không có quả báo của nghiệp thiện và ác. Như vậy, ta ở ngay trong đời này không phải do cớ ấy mà bị người khác bài bác; nhưng lại được bậc chánh trí khen ngợi, người tinh tấn, người có chánh kiến nói là có’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại, đó là được trụ xứ an ổn thứ hai.
“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác gì, chắc chắn ta không có tạo ác, ta không niệm ác. Vì sao vậy? Vì tự mình không tạo ác, khổ do đâu mà sanh?’ Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ ba.
“Lại nữa, thưa Cù-đàm, ‘Nếu có tạo tác, chắc chắn ta không tạo ác, ta không phạm đời sợ hay không sợ, luôn luôn nên thương xót tất cả thế gian, tâm ta không tranh chấp với tất cả thế gian, không vẩn đục, nhưng hân hoan’. Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không não hại; đó là trụ xứ an ổn thứ tư.
“Như vậy, thưa Cù-đàm, Đa văn Thánh đệ tử tâm không kết, không oán, không sân hận, không não hại; đó là được bốn trụ xứ an ổn.
“Thưa Cù-đàm, chúng con đã biết. Bạch Thiện Thệ, chúng con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, chúng con trọn đời tự quy y với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Duy nguyện Thế Tôn chấp nhận cho chúng con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung”.
Phật thuyết như vậy. Tất cả những người Già-lam và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.III 65 Kesaputtiyā.[02] Già-lam viên 伽 藍 園. Pāli: Kesaputtaṃ nāma Kālānaṃ nigamo, thị trấn của những người Kālāma tên là Kesaputta, ở Kosala.[03] Ki-xá tử 羈 舍 子; Pāli: Kesaputta, xem cht. trên.[04] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸 攝 惒 林. Pāli: Siṃsapā.[05] Hán: Thích tông tộc 釋 宗 族. Pāli: Sakya-kula.[06] Đạo pháp ngự. Pāli: Damma-sārathi, Điều ngự trượng phu. Bản Hán đọc là dhamma-(đạo pháp), thay vì là damma- (huấn luyện, điều ngự).[07] Hán: cụ túc thanh tịnh hiển hiện phạm hạnh 具 足 淸 淨. Pāli: kevala-paripuṇṇaṃ pari-suddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, hiển bày đời sống phạm hạnh thanh tịnh và hoàn hảo tuyệt đối.[08] Hán: khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ 勸 發 渴 仰 成 就 歡 喜. Pāli: sandassetvā samādapetvā samuttejetvā sampahaṃsetvā, chỉ bày, khuyên bảo, khích lệ, làm cho hoan hỷ.[09] Hán: nghi hoặc... sanh do dự. Pāli: kaṅkhāniye...ṭhāne vicikicchā uppannā, trong trường hợp nghi hoặc, do dự phát sanh.[10] Hán: tập nhân bản hữu 因 習 本 有; bản Pāli không có chi tiết này.[11] Hán: ỷ ngữ 綺 語. Pāli: samphappalāpa, hư ngữ, tạp uế ngữ; nói bậy bạ.[12] Hán: an ổn trú xứ 安 穩 住 處. Pāli: assāsa, sự nghỉ ngơi (lấy lại hơi thở quân bình), sự bình an.
-ooOoo-
17. KINH GIÀ-DI-NI[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Na-lan-đà[02], ở xóm Tường, rừng Nại[03].
Bấy giờ A-tư-la thiên có người con là Già-di-ni[04], sắc tướng uy nghi, chói sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nơi Đức Phật, cúi lạy dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Già-di-ni, con trời A-tư-la bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, các người Phạm chí cao ngạo tự cho ngang bằng trời[05]. Họ cho rằng, nếu có chúng sanh nào mạng chung, họ có thể làm cho tự do qua lại các thiện xứ, sanh lên cõi trời[06]. Thế Tôn là Pháp chủ, mong Thế Tôn làm cho chúng sanh khi mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời”.
Thế Tôn bảo rằng:
“Này Già-di-ni, nay ta hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ở trong thôn ấp, hoặc có kẻ nam, người nữ biếng nhác, không tinh tấn, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện, là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Người ấy khi mạng chung, nếu có số đông người đến, thảy đều chắp tay hướng về người đó kêu gọi, van lơn, nói như thế này: ‘Các người, nam hoặc nữ, biếng nhác, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm nói dối, cho đến tà kiến. Các người nhân việc này, duyên việc này, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Như vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ biếng nhác kia, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến; có thể nào vì được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà lúc thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời không?”
Già-di-ni thưa rằng:
“Không thể được, bạch Thế Tôn”.
Phật khen rằng:
“Lành thay, Già-di-ni, vì sao thế? Những người nam hay nữ kia, biếng nhác, không siêng năng, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Nếu được số đông người đến chắp tay hướng về chúng, mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy khi thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ sanh lên cõi trời. Việc đó không thể có.
“Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không bao xa, có vực nước sâu, nơi đó có một người ôm tảng đá lớn và nặng ném vào trong nước. Nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về tảng đá mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Mong tảng đá nổi lên, mong tảng đá nổi lên’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Tảng đá lớn nặng ấy có thể nào vì được số đông người đến đều chắp tay hướng về nó và kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà sẽ nổi lên không?”
Già-di-ni trả lời rằng:
“Không thể được, bạch Thế Tôn!”
“Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia biếng nhác, không tinh tấn, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, nếu được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà lúc thân hoại mạng chung, được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời; điều đó không thể có được.
“Vì sao thế? Bởi vì mười loại nghiệp đạo bất thiện này vốn đen, có quả báo đen, tự nhiên đi thẳng xuống, chắc chắn đi đến ác xứ.
Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Nếu như trong thôn ấp hoặc có người nam hay nữ, tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, xa lìa lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến. Người ấy khi mạng chung nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về người đó mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Này các người, nam hoặc nữ, các người đã tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến cũng đều xa lìa, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Các người nhân việc đó, duyên việc đó mà khi thân hoại mạng chung, hãy đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Các người nam nữ kia, tinh tấn siêng tu lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Có thể nào vì bị số đông người đến chắp tay hướng về người đó mà ca ngợi cầu xin, nhân việc đó, duyên việc đó, mà khi thân hoại mạng chung sẽ đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục không?”
Già-di-ni trả lời rằng:
“Không thể được, bạch Thế Tôn!”
Thế Tôn khen rằng.
“Lành thay, Già-di-ni! Vì sao vậy? Này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia siêng năng tinh tấn, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp thiện đạo là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến đều xa lìa, được chánh kiến. Nếu được số đông người đến chắp tay hướng về người đó mà kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà khi thân hoại mạng chung sẽ đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Điều này không thể có. Vì sao vậy? Này Già-di-ni, bởi vì mười nghiệp đạo thiện là trắng, có quả báo trắng, tự nhiên thăng lên, chắc chắn đến thiện xứ.
“Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không xa có vực nước sâu, nơi đó có người đem hủ dầu ném vào nước; hủ bị vỡ, sành cặn chìm xuống, dầu bơ nổi lên trên. Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia tinh tấn siêng tu, lại thực hành diệu pháp, thành tựu mười nghiệp đạo thiện là xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, được chánh kiến. Người ấy khi mạng chung, thân thể là sắc thô nặng, thuộc về bốn đại, do cha mẹ sanh, nuôi lớn bằng cơm áo, chống dựa khi ngồi nằm, chăm sóc bằng tắm gội, là pháp phá hoại, là pháp diệt tận, là pháp ly tán. Sau khi mạng chung, hoặc chim quạ rỉa mổ, hoặc hùm sói ăn, hoặc bị đốt, hoặc bị chôn. Tất cả trở thành cát bụi. Tâm ý thức của người ấy thường được huân tập bởi tín, tinh tấn, đa văn, bố thí, trí tuệ. Người ấy, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà tự nhiên thăng lên cao, sanh đến thiện xứ.
“Này Già-di-ni, người ấy đối với việc sát sanh, đã xa lìa việc giết, đoạn trừ việc giết. Đó là con đường vườn hoa[07], con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.
“Này Già-di-ni, cũng vậy đối với sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, xa lìa tà kiến, được chánh kiến. Đó là con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ.
“Này Già-di-ni, lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ. Thế nào là lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ? Đó là tám chi thánh đạo. Từ chánh kiến cho đến chánh định; đó là tám. Này Già-di-ni, đó là lại có con đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ”.
Đức Phật thuyết như vậy. Già-di-ni và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: S.2.4.6. Pacchabhūmana-sutta (người phương Tây) hay Mataka-sutta (người đã chết). Chi tiết này không phù hợp với Pāli.
[02] Bản Cao-li: Na-nan-đà viên 那 難 陀 園; Tống-Nguyên-Minh: Na-nan-đà quốc 那 難 陀 國; Pāli: Nālandā, một thị trấn gần Rāhagaha.
[03] Tường thôn Nại lâm 牆 村 柰 林. Pāli: Pāvarika-ambavana, là một vườn xoài của Pavārika, một phú hào người Kosambi. Trong vườn xoài tại thị trấn Nālanda, ông dựng một tịnh xá cúng dường Phật.
[04] Hán: A-tư-la thiên – Già-di-ni 阿 私 羅 天 - 伽 彌 尼. Pāli: Asibandakaputta-Gāmaṇi, thôn trưởng Asibandakaputta. Bản Hán hiểu gāmaṇi (thôn trưởng) là từ riêng.
[05] Hán: sự nhược can thiên 事 若 干 天.
[06] Bản Pāli nói, theo tập quán các Bà-la-môn phương Đông (Pacchābhūmaka), nếu có những người chết họ chỉ cần gọi tên là những người này được sanh lên cõi trời.
[07] Hán: viên quán chi đạo 園 觀 之 道, có lẽ uyyāna (Pāli, vườn hoa) được do gốc động từ uyyāti: xuất phát. Sanskrti: udyāna: vườn hoa, cũng có nghĩa “tiên lên” (ud + YĀ).
-ooOoo-
18. KINH SƯ TỬ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Bệ-xá-li[02], bên bờ ao Di hầu[03], Cao lâu đài quán[04].
Bấy giờ một số đông bộ tộc Lệ-xế[05] ở Bệ-xá-li vân tập nơi thính đường[06], nhiều lần tán thán Phật, nhiều lần tán thán Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy đại thần Sư Tử, đệ tử Ni-kiền[07], cũng ở trong chúng đó. Bấy giờ đại thần Sư Tử muốn đến thăm viếng Đức Phật để cúng dường lễ bái. Đại thần Sư Tử trước hết đi đến chỗ các Ni-kiền, thưa với các Ni-kiền rằng:
“Thưa chư Tôn, tôi muốn thăm viếng Sa-môn Cù-đàm”.
Khi ấy các Ni-kiền quở Sư Tử rằng:
“Ông chớ đến thăm Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác[08], và cũng giảng cho mọi người về pháp bất khả tác[09]. Này Sư Tử, nếu thăm viếng người có tông chỉ bất khả tác sẽ không được may mắn; cúng dường lễ bái cũng sẽ không được may mắn”.
Số đông Lệ-xế ở Bệ-xá-li ba lần vân tập nơi thính đường, nhiều lần tán thán Phật, nhiều lần tán thán Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy đại thần Sư Tử, đệ tử Ni-kiền, cũng ba lần ở trong chúng đó. Bấy giờ đại thần Sư Tử cũng lại ba lần muốn đến thăm viếng Đức Phật, cúng dường, lễ bái.
Rồi đại thần Sư Tử không cáo từ các Ni-kiền nữa, mà đi thẳng đến chỗ Phật, cùng chào hỏi rồi ngồi xuống một bên và nói như vầy:
“Tôi nghe rằng Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác giảng cho người khác. Thưa Cù-đàm, nếu có người nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác; cũng đem pháp bất khả tác giảng cho người khác’. Người đó há không hủy báng Sa-môn Cù-đàm chăng? Người ấy có nói đúng sự thật không? Người ấy nói có đúng pháp chăng? Người ấy nói đúng pháp và như pháp[10] chăng? Đối với như pháp, không có sai lầm và không bị chỉ trích chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này Sư Tử, nếu có ai nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem bất khả tác giảng cho mọi người’, người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm, người ấy nói sự thật, người ấy nói đúng pháp, người ấy nói pháp như pháp, đối với như pháp không có sai lầm, cũng không bị chỉ trích. Vì sao vậy, này Sư Tử, có một sự kiện mà, nhân sự kiện đó[11], đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác[12] và cũng đem pháp khả tác ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt[13] và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm[14] và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật[15] và cũng đem pháp về pháp luật ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hành[16] và cũng đem pháp khổ hành ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai[17] và cũng đem pháp không nhập thai ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, lại có một sự kiện nữa mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn[18] và cũng đem pháp an ổn ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, thế nào là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đóù, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hạnh là không nên làm, khẩu và ý ác hạnh cũng không nên làm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp ô uế bất thiện tương tự như vậy, làm cội gốc cho chư hữu trong tương lai, làm nhân cho quả báo khổ, nóng bức, và làm nhân cho sanh, già, bệnh, chết, này Sư Tử, Ta nói pháp ấy hết thảy không nên làm. Này Sư Tử, đó là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đóù, đối với pháp như thật, không thể hủy báng, khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ bất khả tác, và cũng đem pháp bất khả tác ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, thế nào là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác và cũng đem tông chỉ khả tác ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân diệu hạnh là nên làm, khẩu và ý diệu hạnh là nên làm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp thiện tương ứng như vậy, sẽ mang lại lạc quả, được thọ lạc báo, sanh về thiện xứ để được trường thọ. Này Sư Tử, Ta nói, tất cả những pháp này đều nên làm. Này Sư Tử, đó là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khả tác và cũng đem pháp khả tác ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, thế nào là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt và cũng đem pháp đoạn diệt ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hạnh nên đoạn diệt; khẩu, ý ác hạnh nên đoạn diệt. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp ô uế, bất thiện như vậy, làm cội gốc cho cội hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết. Này Sư Tử, Ta nói tất cả các pháp ấy nên đoạn diệt. Này Sư Tử, đó là ‘Có một sự kiện mà, nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ đoạn diệt, và cũng đem pháp đoạn diệt ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, thế nào là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện ấy, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, Ta nói thân ác hạnh, nên kinh tởm; khẩu, ý ác hạnh nên kinh tởm. Này Sư Tử, nếu có vô lượng pháp ô uế bất thiện tương tự như vậy, làm cội gốc cho hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo, phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết. Này Sư Tử, Ta nói những pháp ấy đều nên kinh tởm. Này Sư Tử, đó là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ kinh tởm, và cũng đem pháp kinh tởm ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, thế nào là ‘Có một sự kiện, nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật cũng đem pháp luật ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, vì mục đích đoạn tham dâm mà Ta nói pháp luật. Vì mục đích đoạn sân nhuế và ngu si mà Ta nói là pháp luật. Này Sư Tử, nếu vô lượng pháp ô uế bất thiện, tương tự như vậy, làm cội gốc cho hữu trong tương lai, làm nhân cho khổ báo, phiền nhiệt, và cho sanh, già, bệnh, chết, này Sư Tử, vì mục đích đoạn trừ những sự kiện ấy mà Ta nói pháp luật. Này Sư Tử, đó là ‘Cóù một sự kiện mà nhân sự kiện ấy, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ pháp luật, cũng đem tông chỉ pháp luật ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, thế nào là ‘Có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hành và cũng đem pháp khổ hành ấy nói cho người khác’? Này Sư Tử, hoặc có Phạm chí Sa-môn lõa hình, không y phục[19] hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục; hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo; không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không làm khách được mời[20], không làm khách được chào đón[21], không làm khách được lưu[22], không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai[23], không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến; không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm[24], hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống; hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ[25], hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được[26], và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ, hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nửa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ; hoặc ăn cỏ[27], hoặc ăn lúa cỏ[28], hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn cám, hoặc ăn gạo đầu-đầu-la[29], hoặc ăn đồ ăn thô; hoặc đến chỗ vô sự[30], y nơi vô sự; hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng; hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải[31], hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu-xá[32], hoặc mặc áo vải đầu-xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ; hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bệân, hoặc để tóc vừa xõa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hỗm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm trái[33], lấy trái làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ Đấng Tôn Hựu Đại Đức, chắp tay hướng về. So như vậy thời phải chịu vô lượng khổ, học hạnh phiền lao.
“Này Sư Tử, có những khổ hạnh như vậy, chứ Ta chẳng nói là không có. Này Sư Tử, nhưng những khổ hạnh như vậy là những nghiệp hạ tiện, rất khổ, rất khốn, là sự thực hành của người phàm phu, không phải Thánh đạo. Này Sư Tử, nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với các pháp khổ hạnh ấy mà biết rõ, đoạn trừ, diệt tận và nhổ sạch gốc rễ của chúng đến rốt cùng, không cho sanh ra, Ta nói rằng những người kia là khổ hạnh[34]. Này Sư Tử, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với các pháp khổ hạnh ấy đã biết rõ, đã đoạn trừ, diệt tận, nhổ tất cả gốc rễ của chúng đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, do đó Ta là người khổ hạnh. Này Sư Tử, đó là sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ khổ hạnh, và cũng đem pháp khổ hạnh ấy nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối vời pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai, và cũng đem pháp không nhập thai ấy nói cho người khác?’ Này Sư Tử, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đối với sự thai sanh trong tương lai mà biết rõ, đoạn trừ, diệt tận, nhổ tuyệt gốc rễ của nó, cho đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, Ta nói rằng người kia không còn vào thai. Này Sư Tử, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với thai sanh trong tương lai đã biết rõ, đã đoạn trừ, diệt tận, nhổ tuyệt gốc rễ của nó, cho đến rốt cùng không cho sanh ra nữa, do đó Ta không còn vào thai nữa. Này Sư Tử, đó là một sự kiện mà nhân sự kiện đó, đối với pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ không nhập thai và cũng đem pháp không nhập thai đó nói cho người khác’.
“Này Sư Tử, thế nào là có một sự kiện, mà nhân sự kiện đó đối với pháp như thật, không thể hủy báng khi nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn và cũng đem pháp an ổn đó nói cho người khác’? Này Sư Tử, có một thiện nam tử nào đó cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chỉ vì mục đích thành tựu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong đời mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Ta tự an ổn và cũng an ổn cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khác. Ta đã an ổn và làm cho chúng sanh lệ thuộc vào sự sanh giải thoát sự sanh ấy; chúng sanh lệ thuộc vào già, tật bệnh, sự chết, ưu sầu, ô nhiễm, được sự giải thoát khỏi ưu sầu nhiễm ô ấy. Này Sư Tử, đó là có một sự kiện mà nhân sự kiện đó không thể hủy báng đối với pháp như thật rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm có tông chỉ an ổn và cũng đem pháp an ổn ấy nói cho người khác’.”
Đại thần Sư Tử bạch Thế Tôn rằng:
“Bạch Cù-đàm, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Cù-đàm, cũng như người có mắt tỏ, cái gì úp thì giở lên, cái gì che kín thì mở ra, chỉ đường cho người mê, đem ánh sáng đến chỗ tối, để cho ai có mắt sáng liền thấy màu sắc. Sa-môn Cù-đàm cũng lại như vậy, bằng vô lượng phương tiện, để thuyết pháp cho con, bày tỏ nghĩa lý, tùy theo các đạo[35].
“Bạch Cù-đàm, nay con xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc; kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến khi mạng chung.
“Bạch Thế Tôn, cũng như có người nuôi một con ngựa bất lương, mà mong được sự lợi ích, chỉ uổng công nhọc nhằn mà chẳng được sự lợi ích gì cả. Thế Tôn, con cũng như vậy. Các Ni-kiền ngu si kia, con không khéo hiểu biết, không thể tự biết, không nhận được đâu là ruộng tốt, mà lại không tự suy xét, mãi thờ kính, cúng dường, lễ bái để trông được lợi ích, chỉ nhọc mà vô ích. Bạch Thế Tôn, nay con một lần nữa xin tự quy Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến mạng chung.
“Bạch Thế Tôn, con vốn không hiểu nên đối với các Ni-kiền ngu si kia có sự tin tưởng và kính trọng, và từ nay chấm dứt. Vì sao thế? Vì họ lừa dối con. Bạch Thế Tôn, nay con lần thứ ba, xin tự quy y nơi Phật, quy y Pháp, và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy y, cho đến mạng chung”.
Phật thuyết như vậy. Đại thần Sư Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 4. Tương đương Pāli: A. VIII. 12. Sīha-sutta. Tham chiếu, Tứ Phần Luật 42 (Đại 22 tr.871); Pāli: Mahāvagga VI.31. 10-11.[02] Bệ-xá-li 鞞 舍 羅; phiên âm quen thuộc là Tì-da-li 毗 耶 離. Pāli: Vesālī, thủ phủ của bộ tộc Licchavi, phía Bắc sông Hằng, đối ngạn với Magadha.[03] Hán: Di hầu thủy biên 彌 猴 水 邊. Không thấy địa danh này trọng Pāli. Bản Pāli: Vesāliyaṃ viharati Mahāvane Kūṭāgārasālāyaṃ, trú ở Vesālī, giảng đường Trùng các, trong rừng Mahāvana (Đại lâm).[04] Hán: Cao lâu đài quán 高 樓 臺 觀. Pāli: kūīagārasāla, ngôi nhà lầu, thường gọi là “Trùng các giảng đường 重 閣 講 堂.”[05] Lệ-xế 麗 掣, cũng phiên âm là Li-xa 離 車 hoặc Lê-xa 梨 車. Pāli: Licchavi.[06] Hán: thính đường 聽 堂, sảnh đường. Pāli: santhāgāra, tập hội đường, hội trường, nhà hội nghị.[07] Hán: Ni-kiền đệ tử Sư Tử đại thần 尼 乾 弟 師 子 大 臣. Pāli: Sīho senāpati Nigaṇṭha-sāvaka.[08] Hán: tông bổn bất khả tác 宗 本 不 可 作. Pāli: akiriyavāda, chủ trương phi tác nghiệp, không hành động hay không thực tiễn. Trong kinh, hàm ý “điều không nên làm” hay “không có tác dụng”, tức chủ trương không hành động.[09] Hán: bất khả tác pháp 不 可 作 法. Pāli: akiriyāya dhammam.[10] Hán: pháp như pháp 法 如 法. Pāli: dhammassa cānudhamma, và tùy pháp của pháp, chỉ những vấn đề liên hệ đến pháp.[11] Pāli: atthi ... Pariyāyo, yena... pariyāyena: có pháp môn, do bởi pháp môn đó...[12] Hán: tông bổn khả tác 宗 本 可 作. Pāli: kiriyavāda.[13] Hán: tông bổn đoạn diệt 宗 本 斷 滅. Pāli: ucchedavāda.[14] Hán: tông bổn khả (tắng) ố 宗 本 可 (憎) 惡. Pāli: ucchedavāda, tức chủ trương khổ hạnh.[15] Hán: tông bổn pháp luật 宗 本 法 律. Pāli: venayika, sự chế ngự.[16] Hán: tông bổn khổ hành 宗 本 苦 行. Pāli: tapassī.[17] Hán: tông bổn bất nhập thai 宗 本 不 入 胎. Pāli:[18] Hán: tông bổn an ổn 宗 本 安 隠. Pāli: assattha, sự nghỉ ngơi.[19] Đoạn trình bày các lối khổ hạnh này giống Kinh 104 ở sau. Bản Pāli tương đương không có đoạn này. Các chú thích dưới đây tham chiếu D.XXV Udumbarika-sīhanāda-suttanta.[20] Hán: bất lai tôn 不 來 尊. Pāli: na-ehi-bhadantika, “không là Tôn giả được gọi: Mời đến đây!”[21] Hán: bất thiện tôn 不 善 尊. Không thấy có Pāli tương đương. Có lẽ: na-sādhu-bhadantika, “không là Tôn giả được chào đón: Lành thay, Tôn giả!”[22] Hán: bất trụ tôn 不 住 尊. Pāli: na-tiṭṭha-bhadantika, “không là Tôn giả được mời mọc: Hãy ở lại đây, Tôn giả!”[23] Hán: bất hoài nhâm gia thực 不 懷 妊 家 食. Pāli: na gabbhiniyā (paṭiganṇhāti), không (nhận thức ăn) từ người đàn bà mang thai.[24] Hán: ác thủy 惡 水. Pāli: thusodaka, nước lên men.[25] Pāli: ekāgāriko vā hoti ekālopiko, mỗi nhà chỉ nhận một miếng ăn.[26] Hán: thực nhất đắc 食 一 得. Pāli: ekissāpi dattiyā yāpeti, chỉ sống bằng một vật được cho.[27] Hán: thái như 菜 茹. Pāli: sāka-bhakkho.[28] Hán: bại tử 稗 子, loại cỏ giống như lúa. Pāli: sāmāka.[29] Hán: đầu-đầu-la 頭 頭 邏. Pāli: daddula.[30] Hán: chí vô sự xứ 至 無 事處, đến nơi rừng vắng? Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu: vana-mla-palāhāro yāpeti.[31] Hán: liên hiệp y 連 合 衣. Pāli: masāṇāni, vải gai lẫn các vải khác.[32] Hán: đầu-xá y 頭 舍 衣. Pāli: dussa, vải thô chưa nhuộm màu.[33] Hán: ngọa quả 臥 果. Pāli: phalaka, (nằm trên) tấm ván. Bản Hán hiểu phala(ka) là trái cây.[34] Pāli: yassa... Tapaniyā pāpakā akusalā dhammā pahīnā... tam ahaṃ ‘tapassī’ ti vadāmi, “những ai bằng khổ hạnh mà đoạn trừ các pháp ác bất thiện, Ta nói người ấy là ‘người khổ hạnh’.”[35] Hán: tùy kỳ chư đạo 隨 其 諸 道. Pāli: ?
-ooOoo-
19. KINH NI-KIỀN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Thích-ki-sấu[02], trong Thiên ấp[03].
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các Ni-kiền[04] thấy như vậy, nói như vậy: ‘Những gì mà con người cảm thọ[05] đều do nhân đã tạo tác từ trước[06]. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên[07]’.
“Ta liền đến các vị ấy; đến rồi liền hỏi:
“– Này các Ni-kiền, phải chăng các vị thấy như vầy, nói như vầy: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên?’
“Họ trả lời rằng:
“– Đúng như vậy, Cù-đàm.
“Ta lại hỏi các vị Ni-kiền kia rằng:
“– Các vị tự có tịnh trí hay không, để biết rằng, trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu đã diệt tận thì sẽ được đã diệt tận vĩnh viễn[08]? Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’
“Họ trả lời rằng:
“– Không phải vậy, Cù-đàm!
“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:
“– Các vị tự mình không có tịnh trí để biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu đã diệt tận thì sẽ được đã diệt tận vĩnh viễn? Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’ Nhưng các vị lại nói rằng: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên’.
“– Này các vị Ni-kiền, nếu các vị tự có tịnh trí để biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có? Trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta chừng ấy khổ đã diệt tận, hay chừng ấy khổ chưa diệt tận; và nếu đã diệt tận thì sẽ được đã diệt tận vĩnh viễn? Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo tác các thiện pháp, tu tập và tác chứng chăng?’ Thì này các Ni-kiền, các vị mới có thể nói như vầy: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh mà diệt và không tạo tác cái mới nữa, thì các nghiệp ấy dứt sạch. Các nghiệp đã dứt sạch thì các khổ được dứt sạch. Các khổ đã được dứt sạch thì đã đạt đến khổ biên’.
“– Này Ni-kiền, cũng như có người mà thân thể bị trúng tên độc. Vì trúng tên độc nên rất đau đớn. Người ấy được quyến thuộc yêu mến xót thương, muốn đem lại sự thiện ích, an ổn, nên lập tức mời vị y sư nhổ tên đến[09]. Vị y sư liền lấy dao bén để giải phẫu vết thương; do sự phẫu thuật vết thương nên lại rất đau đớn. Sau khi giải phẫu vết thương, liền tìm mũi tên[10]; khi tìm mũi tên, lại càng rất đau đớn. Tìm được mũi tên, liền lập tức nhổ ra; lúc nhổ ra y lại càng đau đớn thêm. Nhổ mũi tên ra rồi, đậy vết thương lại và băng bó. Khi băng bó vết thương, lại càng đau đớn hơn. Sau khi nhổ được mũi tên ra, người ấy khỏe mạnh, không bệnh hoạn, các căn không hư hoại, bình phục như cũ.
“– Này các Ni-kiền, người ấy có sẵn khôn ngoan nên liền suy nghĩ như vầy: ‘Ta trước kia bị trúng tên độc. Vì trúng tên độc nên rất đau đớn. Ta được quyến thuộc yêu mến xót thương, muốn đem lại sự thiện ích, an ổn, nên lập tức mời vị y sư nhổ tên đến. Vị y sư liền lấy dao bén để giải phẫu vết thương; do sự phẫu thuật vết thương nên lại rất đau đớn. Sau khi giải phẫu vết thương, liền tìm mũi tên; khi tìm mũi tên, lại càng rất đau đớn. Tìm được mũi tên, liền lập tức nhổ ra; lúc nhổ ra lại càng đau đớn thêm. Nhổ mũi tên ra rồi, đậy vết thương lại và băng bó. Khi băng bó vết thương, lại càng đau đớn hơn. Ta sau khi mổ mũi tên ra rồi, được khỏe mạnh, không bệnh hoạn, các căn không hư hoại, trở lại bình thường như cũ’.
“– Cũng vậy, này Ni-kiền, nếu các vị có tịnh trí, vậy có biết rằng: ‘Trước kia ta có hay không có, trước kia ta tạo ác hay không tạo ác? Ta bị chừng ấy khổ là hết hay bị chừng ấy khổ vẫn chưa hết. Nếu hết rồi sẽ được hết khổ vĩnh viễn? Chính ngay trong đời này mà đoạn các pháp bất thiện và tạo được các thiện pháp tu tập và tác chứng chăng?’ Thì này các Ni-kiền, các vị mới có thể nói rằng: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh diệt mà không tạo nghiệp mới nữa, thì các nghiệp ấy sẽ chấm dứt. Các nghiệp đã chấm dứt thì các khổ sẽ chấm dứt, các khổ đã được chấm dứt thì đã đạt đến khổ biên’.
“Ta hỏi như vậy mà không thấy các Ni-kiền có thể trả lời Ta rằng: ‘Này Cù-đàm, đúng như vậy’ hay ‘không đúng như vậy’.
“Lại nữa, Ta hỏi các Ni-kiền rằng:
“– Nếu các vị Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng, có sự khổ hành bậc thượng[11]; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc thượng[12] chăng?
“Họ trả lời Ta rằng:
“– Đúng vậy, Cù-đàm.
“– Nếu có sự tinh cần bậc trung, có sự khổ hành bậc trung; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc trung chăng?
“Họ trả lời Ta rằng:
“– Đúng vậy, Cù-đàm.
“– Nếu có sự tinh cần bậc hạ, có sự khổ hành bậc hạ; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc hạ chăng?
“Họ trả lời Ta rằng:
“– Đúng vậy, Cù-đàm.
“– Như vậy là, nếu các vị Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng, có sự khổ hành bậc thượng; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc thượng. Nếu có sự tinh cần bậc trung, có sự khổ hành bậc trung; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc trung. Nếu có sự tinh cần bậc hạ, có sự khổ hành bậc hạï; bấy giờ các Ni-kiền có phát sanh sự khổ bậc hạ.
“Nếu giả sử các Ni-kiền có sự tinh cần bậc thượng và khổ hành bậc thượng, bấy giờ các Ni-kiền ấy dập tắt sự khổ bậc thượng. Có sự tinh cần bậc trung và khổ hành bậc trung, bấy giờ các Ni-kiền ấy dập tắt sự khổ bậc trung. Có sự tinh cần bậc hạ và khổ hành bậc hạ, bấy giờ các Ni-kiền ấy dập tắt sự khổ bậc hạ. Hoặc làm như vậy, hoặc không làm như vậy, mà dập tắt khổ cùng cực và các nỗi khổ rất nặng nề, thì nên biết các Ni-kiền ngay trong đời này mà gây ra khổ. Nhưng các Ni-kiền bị si mê che lấp, bị si mê trói buộc, nên nói thế này: ‘Những gì mà con người cảm thọ đều do nhân đã tạo tác từ trước. Nếu những nghiệp cũ của chúng do nhân khổ hạnh diệt mà không tạo nghiệp mới nữa, thì các nghiệp ấy sẽ chấm dứt. Các nghiệp đã chấm dứt thì các khổ sẽ chấm dứt, các khổ đã được chấm dứt thì đã đạt đến khổ biên’.
“Ta hỏi như vậy mà không thấy các Ni-kiền có thể trả lời Ta rằng: ‘Này Cù-đàm, đúng như vậy’ hay ‘không đúng như vậy’.
“Lại nữa, Ta hỏi các Ni-kiền rằng:
“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp mang lại lạc báo[13] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành khổ báo chăng? Họ trả lời Ta rằng:
“– Không thể, thưa Cù-đàm!
“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp mang lại khổ báo[14] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành lạc báo chăng?
“Họ trả lời Ta rằng:
“– Không thể, thưa Cù-đàm!
“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo trong đời hiện tại[15], thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành ấy mà chuyển thành quả báo đời sau chăng?
“Họ trả lời Ta rằng:
“– Không thể, thưa Cù-đàm!
“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo đời sau[16] thì nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành mà chuyển thành quả báo đời hiện tại chăng?
“Họ trả lời Ta rằng:
“– Không thể, thưa Cù-đàm!
“– Các vị Ni-kiền, nếu có nghiệp báo không chín[17], nghiệp ấy có thể nào nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành quả báo chín[18] chăng?
“Họ trả lời Ta rằng:
“– Không thể, thưa Cù-đàm!
“– Các vị Ni-kiền, đó là lạc nghiệp báo, nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hành, mà chuyển thành khổ báo được. Này các Ni-kiền, khổ báo nghiệp; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần hay nhân sự khổ hành mà chuyển thành lạc báo được. Này các Ni-kiền, hiện báo nghiệp; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh tấn và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành hậu báo được. Này các Ni-kiền, sanh nghiệp báo; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành hiện báo được. Này các Ni-kiền, nghiệp không chín, nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển thành quả báo chín. Này các Ni-kiền, nghiệp báo chín; nghiệp ấy không thể nhân sự tinh cần và nhân sự khổ hạnh mà chuyển đổi thành khác đi được. Vì vậy, này các Ni-kiền, sự nỗ lực của quý vị là hư vọng[19], sự tinh cần ấy là trống rỗng, chẳng đạt được gì cả[20].
“Các Ni-kiền ấy liền trả lời Ta rằng:
“Thưa Cù-đàm, chúng tôi có tôn sư tên là Thân Tử Ni-kiền[21] có nói thế này: ‘Các Ni-kiền, nếu các ngươi trước kia đã tạo tác ác nghiệp; những nghiệp ấy đều có thể nhân sự khổ hành này mà bị diệt tận. Nếu nay hộ trì thân, khẩu, ý; nhân đó không còn tạo ác nghiệp nữa’.
“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:
“– Các vị tin tôn sư Thân Tử Ni-kiền, mà không chút nghi ngờ sao?
“Họ trả lời ta rằng:
“– Cù-đàm, chúng tôi tin tôn sư Thân Tử Ni-kiền, không hề có nghi hoặc.
“Ta lại hỏi các Ni-kiền kia rằng:
“– Có năm pháp đem lại hai quả báo trong đời này. Đó là tín, lạc, văn, niệm, kiến thiện quán[22]. Các Ni-kiền, có phải chăng người ta tự có sự hư dối mà nói rằng: ‘Điều này đáng tin, đáng nghe theo, đáng suy ngẫm, đáng chiêm nghiệm kỹ[23]?’ Họ trả lời Ta rằng:
“– Đúng như vậy, thưa Cù-đàm!
“Ta lại bảo các Ni-kiền kia rằng:
“– Đó là lời dối trá, sao đáng tin, sao đáng nghe theo, sao đáng suy ngẫm, sao đáng chiêm nghiệm? Nghĩa là, người ta tự có sự hư dối mà nói rằng: ‘Điều này đáng tin, đáng nghe theo, đáng suy ngẫm, đáng chiêm nghiệm kỹ’.
“Nếu các Ni-kiền nói như thế thì đối với pháp như thật có năm điều đáng khiển trách[24], chất vấn, là đáng ghê tởm[25]. Những gì là năm?
“Nay những điều khổ, lạc mà chúng sanh này cảm thọ đều do sự tạo tác trước kia[26] Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền trước kia tạo các ác nghiệp. Bởi thế nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ nhất của các Ni-kiền.
“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do sự hội hợp[27]. Nếu đúng như vậy thì các vị vốn hội hợp các điều ác. Bởi thế nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ hai của các Ni-kiền.
“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do định mạng[28]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền có định mạng ác. Bởi vậy cho nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ ba của các Ni-kiền.
“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do kiến[29]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền vốn có ác kiến. Bởi vậy cho nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cực trọng đại. Đó là điều đáng ghê tởm thứ tư của các Ni-kiền.
“Lại nữa, chúng sanh lãnh thọ sự khổ vui đều do Tôn hựu tạo[30]. Nếu đúng như vậy thì các Ni-kiền vốn có một Tôn hựu hung ác. Bởi vậy cho nên nay các Ni-kiền phải thọ khổ cùng cực. Đó là điều đáng ghê tởm thứ năm của các Ni-kiền.
“Nếu các Ni-kiền vốn do tạo tác nghiệp ác hội hợp, ác định mạng, ác kiến, ác Tôn hựu, vì thế mà các Ni-kiền nay phải lãnh thọ khổ cực trọng đại. Đó là vì những việc ấy nên các Ni-kiền là những người đáng ghê tởm.
“Pháp mà ta tự tri, tự giác và nói cho các vị, dù là Sa-môn, Phạm chí, hoặc Thiên, Ma, Phạm và những kẻ khác trên thế gian đều không thể hàng phục được, đều không thể chế ngự được.
“Thế nào là pháp mà ta tự tri, tự giác và nói cho các vị, không thể bị Sa-môn, Phạm chí, hoặc Thiên, Ma, Phạm và những kẻ khác trên thế gian có thể khuất phục được? Có thể làm cho ô uế được, và có thể chế ngự được?
“Nếu có Tỳ-kheo xả bỏ thân nghiệp bất thiện để tu thiện nghiệp nơi thân; xả bỏ khẩu, ý nghiệp bất thiện, tu thiện nghiệp nơi khẩu, ý. Vị đó đối với sự khổ đời vị lai liền tự biết ta không có khổ đời vị lai, được sự an lạc như pháp mà không xả bỏ[31]. Vị ấy hoặc muốn đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do sự tập hành bằng dục, hoặc muốn nỗ lực đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do sự tập hành bằng xả dục[32]. Vị ấy nếu muốn nỗ lực đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ do tập hành bằng dục, vị ấy tu tập sự tập hành bởi dục ấy[33] và sau khi đã nỗ lực thành tựu[34], sự khổ liền chấm dứt. Vị ấy nếu muốn đoạn trừ đối với nguyên nhân của khổ bằng sự tập hành bởi xả dục, tức tu tập sự tập hành bởi xả dục ấy, và sau khi nỗ lực đã thành tựu, sự khổ liền chấm dứt.
“Bấy giờ nếu Tỳ-kheo ấy suy nghĩ như thế này: ‘Tùy theo sự tạo tác, tùy theo sự thực hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. Nếu tự tinh cần khổ hạnh[35] mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hạnh ấy[36]’. Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hạnh. Sau khi đã tinh cần khổ hạnh, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hạnh nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo, những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hạnh, việc ấy không xảy ra.
“Này Tỳ-kheo, cũng như người thợ làm tên, dùng kềm để uốn tên[37]. Khi cây tên đã thẳng thì không còn dùng kềm nữa. Vì sao thế? Vì việc phải làm trước đó nay đã xong rồi, nếu còn dùng kềm nữa, việc ấy không đúng.
“Cũng vậy, Tỳ-kheo suy nghĩ như thế này: ‘Tùy theo sự tạo tác, tùy theo sự thực hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. Nếu tự tinh cần khổ hạnh mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hạnh ấy’. Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hạnh. Sau khi đã tinh cần khổ hạnh, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hạnh nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo, những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hạnh việc ấy không đúng.
“Này Tỳ-kheo, cũng như có người thương nhớ, say đắm, trông chờ săn đón một người nữ kia, nhưng người nữ ấy lại nói chuyện với một người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ. Người ấy do đó mà thân tâm phát sinh khổ não, buồn rầu không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Thật như vậy, bạch Thế Tôn!”
“Vì sao thế? Vì người kia thương nhớ say đắm và hết sức trông chờ săn đón nữ nhân mà nữ nhân ấy lại nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ, thân tâm người ấy làm sao khỏi sanh ra khổ não buồn rầu.
“Này Tỳ-kheo, giả sử người kia suy nghĩ thế này: Ta thương nhớ săn đón suông người nữ kia, nhưng người nữ ấy lại nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ. Nay ta có nên vì việc ấy tự gây khổ não và tự gây ưu phiền mà dứt trừ sự thương nhớ say đắm người nữ kia chăng?’ Người ấy sau đó vì sự tự gây khổ, tự gây sầu não liền dứt trừ sự thương nhớ say đắm người nữ ấy? Nếu người nữ kia vẫn còn nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ, người ấy sau đó có thể nào sẽ còn sanh ra khổ não, rất buồn rầu chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Không còn nữa, bạch Thế Tôn”.
“Vì sao thế? Vì người ấy đối với nữ nhân kia không còn tình thương nhớ say đắm nữa. Giả sử nữ nhân kia vẫn còn nói chuyện với người khác, thăm hỏi lẫn nhau, qua lại chung chạ; nếu cho rằng người kia vì thế mà thân tâm lại còn sanh khởi khổ não, rất buồn rầu, điều ấy không đúng.
“Cũng thế, bấy giờ Tỳ-kheo suy nghĩ thế này: ‘Tùy theo sự tạo tác, tùy theo sự thực hành mà pháp bất thiện sanh khởi, thiện pháp bị tiêu diệt. Nếu tự tinh cần khổ hạnh mà pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sinh khởi, thì ta hãy tự tinh cần khổ hạnh ấy’. Rồi vị ấy tự tinh cần khổ hạnh. Sau khi đã tinh cần khổ hạnh, pháp bất thiện bị tiêu diệt, thiện pháp sanh khởi. Bấy giờ vị ấy không còn tinh cần khổ hạnh nữa. Vì sao thế? Này các Tỳ-kheo những gì cần phải làm trước đó, nay mục đích đã thành tựu, nếu còn tinh cần khổ hạnh việc ấy không đúng.
“Vị ấy lại nghĩ như thế này: ‘Nếu có những nguyên nhân để đoạn trừ các khổ não kia, ta liền đã đoạn trừ rồi, nhưng đối với dục ta vẫn còn như cũ chớ chưa đoạn được. Nay ta hãy tìm cách đoạn được dục. Vị ấy vì để đoạn dục, bèn sống cô đôïc, ẩn dật nơi rừng vắng, hoặc đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ, sườn núi, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đi vào rừng sâu, hoặc ở giữa bãi tha ma. Khi vị ấy đã sống nơi rừng vắng rồi, hoặc là đến dưới bóng cây, nơi vắng vẻ yên lặng, trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già, dựng thân ngay thẳng, phản tỉnh không hướng ý niệm ra ngoài[38] đoạn trừ tham lam[39], tâm không còn não hại[40]; thấy của cải và tư cụ sinh sống của người khác, không còn móng khởi tham lam, muốn sao cho được về mình. Vị ấy đối với tham lam đã tịnh trừ tâm ý. Cũng vậy, đối với sân nhuế, tùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn do dự đối với các thiện pháp, vị ấy đối với nghi đã tịnh trừ tâm ý.
“Vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái[41] vốn làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ.
“Vị ấy đạt được tịnh tâm thanh tịnh, không nhơ uế và không phiền nhọc như vậy, nhu nhuyến và khéo léo an trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng thẳng đến lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ’, ‘đây là Khổ tập’, ‘đây là Khổ diệt’, và biết như thật ‘đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật rằng: Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậâu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy thì tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Đức Như Lai với chánh tâm giải thoát như vậy thành tựu được năm điều tán thán như pháp, không tranh cãi, khả ái, khả kính. Những gì là năm?
“Chúng sanh kia thọ lãnh khổ vui đều do sự tạo tác trước kia. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có nghiệp vi diệu từ trước. Bởi vậy nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ nhất mà Như Lai đạt được.
“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do hiệp hội. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có sự nghiệp hội vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự hiệp hội vi diệu, sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ hai mà Đức Như Lai đạt được.
“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do định mạng. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có định mạng vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ ba mà Đức Như Lai đạt được.
“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do kiến. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có kiến vị diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của Bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ tư mà Đức Như Lai đạt được.
“Lại nữa, chúng sanh thọ lãnh khổ vui đều do Đấng Tôn Hựu tạo tác. Nếu đúng như vậy thì Như Lai vốn có Tôn Hựu vi diệu. Bởi vậy, nên nay Như Lai mới có sự an lạc vô lậu của bậc Thánh, tịch tịnh, tĩnh chỉ, cảm thọ lạc. Đó là điều xưng tán thứ năm mà Đức Như Lai đạt được.
“Đó là Như Lai vốn có từ trước nghiệp vi diệu, sự hội họp vi diệu, định mạng vi diệu, kiến vi diệu và Tôn Hựu vi diệu và tạo tác vi diệu của Tôn Hựu. Do đó mà Như Lai được năm điều tán thán.
“Có năm nhân duyên làm cho tâm sanh ưu khổ. Những gì là năm? Đó là dâm dục triền, do dâm dục quấn chặt nên tâm sanh ưu khổ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi hoặc. Do nghi hoặc quấn chặt, nên tâm sanh ưu khổ. Đó là năm nhân duyên làm tâm sanh ưu khổ.
“Có năm nhân duyên để tâm diệt ưu khổ. Những gì là năm? Như do dâm dục triền nên tâm sinh ưu khổ, trừ dâm dục triền rồi thì ưu khổ liền bị tiêu diệt. Vì dâm dục triền nên tâm sanh ra ưu khổ, ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt và thường trụ bất biến; đó là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh. Cũng vậy, với sân nhuế, thùy miên, nghi hoặc triền; do nghi hoặc quấn chặt nên tâm sanh ra ưu khổ. Nếu trừ được nghi hoặc triền rồi thì ưu khổ liền bị tiêu diệt. Vì nghi hoặc quấn chặt nên tâm sanh ra ưu khổ, trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trụ bất biến. Đó là sở tri của Bậc Thánh, sở kiến của Bậc Thánh. Ấy là năm nhân duyên để tâm diệt trừ ưu khổ.
“Lại nữa, còn có pháp khác ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trụ và bất biến, là sở tri của bậc Thánh, là sở kiến của bậc Thánh. Thế nào là còn có pháp khác ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh không phiền, không nhiệt, thường trụ và bất biến, là sở tri của bậc Thánh, sở kiến của Bậc Thánh? Đó là tám chi thánh đạo, tức từ chánh kiến đến chánh định. Ấy là còn có pháp ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc cứu cánh, không phiền, không nhiệt, thường trú và bất biến, là sở tri của Bậc Thánh, sở kiến của bậc Thánh.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.101. Devadaha-sutta.[02] Thích-ki-sấu, xem cht.192, kinh số 12.[03] Thiên ấp 天 邑, sinh quán thân mẫu của Đức Thích Tôn; vườn Lâm-tỳ-ni cũng gần đó. Pāli: Devadahaṃ nāma Sakyānaṃ nigamo, trong một tụ lạc tên là Devadaha (Thiên tí, cánh tay trời) của người họ Thích.[04] Ni-kiền, Pāli: Nigaṇṭha, xem chú thích? Bản Pāli: santi... eke samaṇabrāhmaṇā evaṃvādino evaṃdiṭṭhino... evaṃvādino... Nigaṇṭhā, “Có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương như vầy, kiến giải như vầy... Những người Nigantha chủ trương như vậy”.[05] Pāli: yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkham asukhaṃ vā, những gì mà con người cảm thọ như khổ, lạc, phi khổ phi lạc.[06] Nhân bổn tác 因 本 作. Pāli: pubbekatahetu, nguyên nhân được làm đời trước.[07] Pāli: dukkhakkhayā vedanākkhayo; vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavisatī ti, “do khổ diệt tận nên thọ diệt tận; do thọ diệt tận nên hết thảy khổ tuyệt diệt”.[08] Hán: nhược tận dĩ, tiện đắc tận 若 盡 已 便 得 盡. Với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận.[09] Hán: bạt tiễn kim y 拔 箭 金 醫. Pāli: bhisakko sallakatto, y sĩ nhổ tên, hay y sĩ giải phẫu.[10] Hán: tiễn kim 箭 金.[11] Hán: thượng đoạn thượng khổ hành 上 斷 上 苦 行, đoạn ở đây được hiểu là tinh cần. Pāli: tibbo uppakkamo, tibbaṃ padhānaṃ, “tiến hành một cách căng thẳng, tinh cần một cách căng thẳng”. Trong bản Hán, padhāna (tinh cần) được đọc là pahāna (đoạn).[12] Sanh thượng khổ 生 上 苦, lãnh thọ cảm thọ tối thượng khổ. Pāli: tibbā opakkamikā dukkhā, những (cảm giác) khổ đột nhiên và kịch liệt.[13] Hán: lạc báo nghiệp 樂 報 業. Pāli: kammaṃ sukhavedanīyaṃ, nghiệp dẫn đến cảm thọ lạc.[14] Hán: khổ báo nghiệp 苦 報 業. Pāli: kammaṃ dukkhavedanīyaṃ.[15] Hán: hiện pháp báo nghiệp 現 法 報 業. Pāli: diṭṭhadhammavedanīya kamma.[16] Hán: hậu sanh báo nghiệp 候 生 報 業. Pāli: samparāyavedanṭya kamma.[17] Hán: bất thục báo nghiệp 不 熟 報 業. Pāli: aparipakkavedanīya kamma.[18] Hán: thục báo nghiệp 熟 報 業. Pāli: paripakkavedanīya kamma.[19] Hán: hư vọng phương tiện 虚 妄 方 便. Pāli: aphalo upakkamo, nỗ lực không kết quả.[20] Hán: không đoạn vô hoạch 空 斷 無 獲. Pāli: aphalaṃ padhānaṃ, sự chuyên cần không kết quả.[21] Thân Tử Ni-kiền 親 子 尼 乾. Pāli: Nigaṇṭha Nātaputta.[22] Tín 信 (saddhā), lạc 樂 (ruci: hoan hỷ), văn 聞 (anussava: tùy văn, nghe tường thuật), niệm 念 (ākārāparivitakka: tướng tĩnh lự, suy xét các dấu hiệu hay điều kiện hay lý do), và kiến thiện quán 見 善 觀 (diṭṭthinijhānakhanti: nhẫn thọ tà kiến).[23] Hán: năm điều, tín, lạc, văn, niệm, kiến thiện quán. Bản Pāli: “Lòng tin của các Tôn giả Nigaṇṭha đối với Tôn sư quá khứ như là thế nào? Sự hoan hỷ, tùy văn, thẩn sấn và nhẫn thọ như thế nào?” (diễn giải về năm pháp nói trên).[24] Hán: ngũ trách cật. Pāli: dasa vādānuvādā, mười luận đề (của các học thuyết).[25] Hán: khả tắng ố 可 橧 惡.[26] Hán: nhân bản tác 因 本 作. Pāli: pubbekatahetu.[27] Hán: nhân hiệp hội 因 合 會. Pāli: saṅgātibhava.[28] Hán: nhân vi mạng 因 為 命. Pāli: abhijātihetu, nhân là chủng loại thọ sanh. Tức do sự khác biệt da màu hay huyết thống.[29] Hán: nhân kiến 因 見. Pāli: diṭṭhadhammupakkamahetu, nguyên nhân là sự nỗ lực trong đời hiện tại. Bản Hán hình như chỉ đọc: diṭṭha-hetu.[30] Hán: Tôn hựu tạo 尊 佑 造. Pāli: Issaranimmānahetu, nguyên nhân là sự sáng tạo của Thượng đế (Tự tại thiên).[31] Pāli: dhammikaṃ ca sukhaṃ na pariccajati, tasmiṃ ca sukhe anadhimucchito, vị ấy không từ bỏ lạc thọ phù hợp chánh pháp, nhưng cũng không bị buộc chặt vào lạc thọ đó.[32] Hán: Bỉ hoặc dục đoạn khổ nhân hành dục, hoặc dục đoạn khổ nhân hành xả dục 彼 或 欲 斷 苦 因 行 欲 或 欲 斷 苦 因 行 捨 欲. Dục đoạn hành tức khát vọng đoạn trừ bất thiện bằng tinh cần trong khổ hạnh. Dục đoạn này được phát triển trong tinh tấn, khinh an, niệm, chánh tri, và do tư duy xả. Trong bản Hán này có hai phương pháp tu tập, hoặc bằng dục đoạn hành thuần tuý, hoặc dục đoạn hành đi đôi với xả. Pāli: imassa kho me dukkhanidānassa saṃkhāraṃ padahato saṃkhātappadhānā virāgo hoti; imassa pana me dukkha-nidānassa ajjhupekkhato upekhaṃ bhāvayato virago hoti, ta đối với nguyên nhân đau khổ này tinh cần hành; do tinh cần hành mà ly nhiễm; lại nữa, ta đối với nguyên nhân đau khổ này mà xả (không quan tâm); do tu tập xả mà ly nhiễm. (Nghĩa là, không cần đến sự tinh cần khổ hạnh nữa; Tự đoạn khổ).[33] Hán: tu kỳ hành dục 修 其 行 欲. Pāli: saṃkhāraṃ tattha padahati, ở đây vị ấy tập trung nỗ lực trên hành.[34] Hán: dĩ đoạn 已 斷, tinh cần tới mức tuyệt đỉnh.[35] Hán: tự đoạn khổ 自 斷 苦. Pāli: dukkhāya attānaṃ padahato, tập trung tự ngã để hành trì khổ.[36] Đại ý đoạn này theo Pāli: vị Tỳ-kheo trong khi sống với cảm thọ lạc, nhận thấy pháp thiện suy giảm và bất thiện tăng trưởng, bèn áp dụng sự thực hành với cảm thọ khổ (tức áp dụng lối khổ tu), khi ấy pháp thiện tăng trưởng và pháp bất thiện suy giảm.[37] Hán: dụng kiểm (sic) nạo tiễn 用 檢 撓 箭. Pāli: tejanaṃ dvisu alātesu ātāpitaṃ, hơ nóng cây tên giữa hai ngọn lửa.[38] Hán: phản niệm bất hướng 反 念 不 向. Pāli: parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, sau khi đặt niệm tưởng ngay trước mặt (hệ niệm tại tiền).[39] Hán: tham tứ 貪 伺; Pāli: abhijjhaṃ loke, ham muốn trần tục.[40] Hán: tâm vô hữu tránh 心 無 有 諍.[41] Hán: ngũ cái 五 蓋, vừa kể đoạn trên. Pāli: pañca nivāraṇā.
-ooOoo-
20. KINH BA-LA-LAO[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa ở Câu-lệ-sấu[02], cùng với chúng Đại Tỳ-kheo, đi đến Bắc thôn[03], trú ở phía Bắc của thôn trong rừng Thi-nhiếp-hòa[04].
Bấy giờ Ba-la-lao Già-di-ni[05] nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họ Thích, đã từ bỏ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, đang du hóa tại Câu-lệ-sấu cùng chúng Đại Tỳ-kheo đi đến Bắc thôn, trú ở phía Bắc của thôn trong rừng Thi-nhiếp-hòa. Vị Sa-môn Cù-đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Vị ấy ở trong thế gian này giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ’. Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi”. Người kia suy nghĩ rằng: “Ta nên đến yết kiến Sa-môn Cù-đàm để lễ bái, cúng dường”.
Ba-la-lao Già-di-ni nghe vậy rồi, ra khỏi Bắc thôn, đi về hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa, muốn yết kiết Thế Tôn để lễ bái cúng dường. Ba-la-lao Già-di-ni từ xa trông thấy Thế Tôn ở trong rừng cây, đoan nghiêm đẹp đẽ, như mặt trăng giữa đám tinh tú sáng ngời chói lọi, rực rỡ như tòa núi vàng, đầy đủ tướng hảo, uy thần vời vợi, các căn tịch tịnh, không gì ngăn che, thành tựu sự điều ngự, tâm yên tĩnh lặng. Ba-la-lao Già-di-ni từ xa trông thấy Đức Thế Tôn rồi, đến trước chỗ Thế Tôn, cùng chào hỏi rồi ngồi xuống một phía, thưa với Thế Tôn rằng:
“Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật[06]. Thưa Cù-đàm, nếu ai nói như vậy: ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật’, người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm chăng? Người ấy có nói đúng sự thật không? Người ấy nói có đúng pháp chăng? Người ấy nói đúng pháp và như pháp[07] chăng? Đối với như pháp, không có sai lầm và không bị chỉ trích chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này Già-di-ni, nếu có ai nói như vầy, ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật’, thì người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm, người ấy nói chân thật, ngươi ấy nói đúng pháp, người ấy nói pháp như pháp, đối với pháp không có lỗi lầm, không bị chỉ trích. Vì sao thế? Này Già-di-ni, Ta biết huyễn thuật ấy, nhưng chính Ta không phải là nhà huyễn thuật”.
Già-di-ni nói rằng:
“Những điều các Sa-môn, Phạm chí kia nói là chân thật, nhưng tôi không tin họ nói rằng ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật và là nhà huyễn thuật”.
Thế Tôn nói:
“Này Già-di-ni, nếu người nào biết huyễn thuật thì người đó là nhà huyễn thuật chăng?”
Già-di-ni thưa rằng:
“Quả thật vậy, Thế Tôn. Quả thật vậy, Thiện Thệ”.
Thế Tôn bảo rằng:
“Này Già-di-ni, ông đừng tự lầm lẫn mà hủy báng Ta. Nếu hủy báng Ta thì chỉ tự gây tổn hại, có sự não hại, có xúc phạm, điều mà Hiền Thánh ghét bỏ, và bị tội lớn. Vì sao thế? Này Già-di-ni, điều ấy thật ra không đúng như lời ông nói. Này Già-di-ni, ông có nghe Câu-lệ-sấu có binh tốt[08] chăng?
Già-di-ni đáp rằng:
“Tôi nghe rằng có”.
“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, Câu-lệ-sấu có binh tốt ấy để làm gì?”
Già-di-ni đáp:
“Thưa Cù-đàm, để làm thông sứ và giết giặc cướp. Vì việc đó nên Câu-lệ-sấu nuôi các binh tốt ấy”.
“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, binh tốt Câu-lệ-sấu có giữ giới cấm hay không giữ giới cấm?”
Già-di-ni đáp:
“Thưa Cù-đàm, nếu trên thế gian này có những người không giữ giới cấm, vẫn không thể quá hơn binh tốt Câu-lệ-sấu. Vì sao thế? Vì binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều giới cấm, chỉ làm các ác pháp”.
Lại hỏi:
“Ông thấy như vậy, biết như vậy, ta không hỏi ông. Nếu có người khác hỏi ông, ‘Vì Già-di-ni biết rằng binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều những giới cấm, chỉ làm những ác pháp; nhân việc đó nên Già-di-ni cũng phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp’. Nên nói như vậy, là lời nói đúng sự thật chăng?”
Già-di-ni đáp:
“Không phải vậy, thưa Cù-đàm. Vì sao thế? Vì binh tốt Câu-lệ-sấu có tri kiến khác, có sở nguyện khác, nên binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp. Còn tôi thì rất trì giới, không làm các ác pháp”.
Lại hỏi:
“Già-di-ni, ông biết binh tốt Câu-lệ-sấu phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp, nhưng ông không do đó mà phạm cấm giới, chỉ làm các ác pháp. Vậy thì vì sao không thể rằng Như Lai biết huyễn thuật, trong khi chính mình không phải là nhà huyễn thuật. Vì sao thế? Ta biết huyễn thuật, biết người huyễn thuật, biết quả báo của huyễn thuật, biết đoạn trừ huyễn thuật.
“Này Già-di-ni, Ta cũng biết sát sanh, biết người sát sanh, biết sự đoạn trừ sát sanh. Này Già-di-ni, Ta biết việc lấy của không cho, biết người lấy của không cho, biết quả báo việc lấy của không cho, biết sự đoạn trừ việc lấy của không cho. Này Già-di-ni, Ta biết việc nói dối, biết người nói dối, biết quả báo việc nói dối, biết đoạn trừ sự nói dối. Này Già-di-ni, Ta biết như vậy, thấy như vậy. Ai nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật tức là nhà huyễn thuật’, nếu người ấy chưa đoạn trừ lời nói này, mà nghe tâm ấy, dục ấy, nguyện ấy, văn ấy, niệm ấy, quán ấy, thì trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, mạng chung sanh vào địa ngục”.
Già-di-ni nghe vậy, kinh hãi khủng khiếp, lông trên mình dựng đứng lên, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, quỳ mọp, chắp tay hướng về Thế Tôn mà bạch rằng:
“Cù-đàm, tôi ăn năn tội lỗi. Thiện Thệ, tôi tự thú[09]. Tôi như ngu, như si, như bất định, như bất thiện. Vì sao thế? Vì tôi nói quấy rằng Sa-môn Cù-đàm là nhà huyễn thuật. Mong Thiện Thệ cho tôi được ăn năn tội lỗi, thấy tội thì bày tỏ. Tôi đã ăn năn tội rồi, sẽ giữ gìn không để tái phạm nữa”.
Thế Tôn bảo rằng:
“Thật như vậy, Già-di-ni, ông quả thật ngu, như si, như bất định, như bất thiện. Vì sao thế? Vì ông đối với Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mà nói quấy là nhà huyễn thuật. Nhưng ông có thể ăn năn tội lỗi, thấy tội thì nên bày tỏ, giữ gìn không để tái phạm nữa. Như vậy, này Già-di-ni, nếu có người ăn năn tội lỗi, thấy tội nên bày tỏ, hộ trì mà không tạo lại nữa, thì trưởng dưỡng Thánh pháp, không còn có sự sai lầm nữa”.
Lúc đó Già-di-ni chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:
“Thưa Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, thấy thế này, nói thế này: ‘Nếu kẻ nào sát sanh, kẻ ấy nhất thiết thọ báo ngay trong đời này; nhân đó mà sanh ra ưu khổ. Nếu kẻ nào lấy của không cho, nói dối, kẻ ấy nhất thiết thọ báo; nhân đó mà sanh ra ưu khổ’. Thưa Sa-môn Cù-đàm, ý Ngài nghĩ sao?”
Đức Thế Tôn bảo rằng:
Này Già-di-ni, nay Ta hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ sao? Nếu trong thôn ấp, hoặc có một người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều loại hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này trước kia làm những gì mà nay đầu đội tràng hoa, hoặc dùng nhiều loại hương xoa vào thân rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy vì Quốc vương mà giết hại kẻ thù. Quốc vương sau khi vui vẻ liền ban thưởng cho. Do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều loại hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như vua. “Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”
Già-di-ni đáp:
“Tôi có thấy như vậy, nghe như vậy, Cù-đàm. Tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.
“Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân, trói quặt hai tay lại, đánh trống, xướng lệnh, kéo ra cửa thành phía Nam, để ngồi dưới cây nêu cao, rồi chém bêu đầu. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này phạm tội gì mà bị Quốc vương giết nhỉ?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người này giết lầm người vô tội trong Vương gia, do đó Quốc vương ra lệnh hành hình như vậy’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”
Già-di-ni trả lời:
“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.
“Này Già-di-ni, nếu có Sa-môn, Phạm chí, thấy như vậy, nói như vậy: ‘Nếu có người nào sát sanh người ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong hiện tại này; nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì đó là lời nói chân thật hay lời nói hư dối?”
Già-di-ni đáp:
“Đó là lời nói hư dối, thưa Cù-đàm”.
“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”
Già-di-ni đáp:
“Tôi không tin, thưa Cù-đàm”.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay, Già-di-ni, Ta lại hỏi ông, ông nghĩ thế nào? Nếu trong thôn ấp, hoặc có người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này trước kia đã làm những việc gì mà nay đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng, “Người ấy ở nước khác, vì lấy của không cho, do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”
Già-di-ni thưa:
“Tôi có thấy như vậy, thưa Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.
“Này Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân trói quặt hai tay ra sau, đánh trống, xướng lệnh kéo ra cửa phía Nam, để ngồi dưới gốc cây nêu cao rồi chém bêu đầu. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người này mắc tội gì mà bị Quốc vương giết chết?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy lấy của không cho trong Vương gia, do đó Quốc vương ra lệnh hành hình như vậy’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”
Già-di-ni trả lời rằng:
“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.
“Này Già-di-ni, nếu có Sa-môn, Phạm chí thấy và nói như vậy: ‘Nếu có kẻ nào lấy của không cho, kẻ ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong đời hiện tại này, nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì lời nói đó chân thật hay lời nói hư dối?”
Già-di-ni đáp:
“Đó là lời nói hư dối, thưa Cù-đàm”.
“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”
Già-di-ni đáp:
“Tôi không tin, thưa Cù-đàm!”
Đức Thế Tôn khen rằng.
“Lành thay! Lành thay! Già-di-ni!”
Lại hỏi Già-di-ni:
“Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, nếu trong thôn ấp hoặc có người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua. Nếu có người hỏi rằng: ‘Người ấy trước kia làm những việc gì mà nay đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy ca múa để vui giỡn, cười đùa. Người ấy bằng lời nói dối làm cho Quốc vương vui vẻ. Sau khi Quốc vương vui vẻ liền ban thưởng cho, do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như vua’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?”
Già-di-ni trả lời rằng:
“Tôi có thấy như vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa”.
“Này Già-di-ni, rồi lại thấy Quốc vương bắt bớ tội nhân, dùng gậy đánh đến chết, rồi bỏ vào củi cây, chở trên xe trống đi ra cửa thành phía Bắc, vất vào trong rãnh nước, nếu có người hỏi rằng: ‘Người ấy mắc tội gì mà bị quốc vương giết chết đi?’ Hoặc có người trả lời rằng: ‘Người ấy ở trước Quốc vương nói dối là có chứng đắc, người ấy do lừa gạt Quốc vương bằng lời nói dối nên bị Quốc vương ra lệnh bắt làm như thế’. Này Già-di-ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy không?”
Già-di-ni trả lời rằng:
“Tôi có thấy vậy, Cù-đàm, tôi đã nghe và sẽ nghe nữa”.
“Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào, nếu có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: ‘Nếu có người nào nói dối, người ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong đời hiện tại này, nhân đó mà sanh ra ưu khổ’, thì lời nói đó là lời nói chân thật hay hư dối?”
Già-di-ni đáp:
“Đó là lời nói hư dối, thưa Cù-đàm”.
“Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?”
Già-di-ni đáp:
“Tôi không tin, thưa Cù-đàm”.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Già-di-ni!”
Lúc đó, Già-di-ni liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo chắp tay hướng về Thế Tôn mà thưa rằng:
“Kỳ diệu thay, những điều Cù-đàm nói rất vi diệu, khéo ví dụ, khéo dẫn chứng. Bạch Cù-đàm, tôi ở trong Bắc thôn có xây dựng một ngôi nhà cao lớn, sắp đặt giường nệm, để sẵn đồ chứa nước thắp sáng những ngọn đèn lớn. Nếu có vị Sa-môn, Phạm chí tinh tấn nào đến nghỉ ở ngôi nhà cao lớn ấy, tôi sẽ tùy khả năng mà cung cấp những gì vị ấy cần thiết. Có bốn vị luận sĩ mà sở kiến khác nhau, cùng đến tập hợp tại ngôi nhà cao lớn ấy. Trong đó có một vị luận sĩ thấy như vầy, nói như vầy[10]: ‘Không có bố thí, không có trai tếâ, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện, nghiệp ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, trên đời không có bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng[11], tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác[12], thành tựu và an trụ’.
“Vị luận sư thứ hai lại có sở kiến trái ngược với sở kiến của vị luận sư thứ nhất. Vị ấy cũng thấy như vầy, nói như vầy: ‘Có bố thí, có trai tế, có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha có mẹ có bậc chân nhân trên đời này đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’.
“Vị luận sư thứ ba[13] thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu[14], phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp[15], phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế không phải là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đời này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Không do đó mà có tội hay có phước; không do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ lợi hành, không do đó mà có phước, không do đó mà có quả báo của phước’.
Luận sĩ thứ tư lại có sở kiến trái ngược sở kiến vị luận chủ thứ ba. Vị ấy thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế chính là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Do đó có tội có phước; do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ, lợi hành, do đó mà có quả báo tội phước.
“Thưa Cù-đàm, tôi nghe như vậy liền sanh nghi hoặc: ‘Những vị Sa-môn, Phạm chí đó, ai nói chân thật, ai nói hư dối?’.”
Đức Thế Tôn trả lời:
“Này Già-di-ni, ông chớ sanh nghi hoặc. Vì sao thế? Vì do có nghi hoặc mà sanh ra do dự. Này Già-di-ni, ông tự mình không có tịnh trí, để biết là có đời sau hay không có đời sau. Này Già-di-ni, ông lại cũng không có tịnh trí để biết điều được làm là ác hay điều được làm là thiện? Này Già-di-ni, có một pháp định[16] được gọi là “Viễn ly”. Ông nhờ định ấy sẽ có thể được chánh niệm, có thể đạt tới nhất tâm; như vậy, ở trong đời hiện tại ông sẽ đoạn trừ sự nghi hoặc, và được thăng tấn[17]“.
Lúc đó Già-di-ni từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:
“Thưa Cù-đàm, thế nào là có một pháp định được gọi là “Viễn ly”. Tôi nhờ định ấy sẽ có thể được chánh niệm, có thể đạt tới nhất tâm; như vậy, ở trong đời hiện tại tôi có thể đoạn trừ sự nghi hoặc, và được thăng tấn[18]?”
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử Đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với từ, biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết không oán, không sân, không nhuế, không não hại, quảng đại vô biên, vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.
“Vị ấy suy nghĩ như vầy: “Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Không có sự bố thí, không có trai tế, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ trên đời, không có bậc thiện nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’. Nếu điều vị Sa-môn, Phạm chí kia nói ra là chân thật, ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi[19], thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Phạm chí kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.
“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.
“Lại nữa Già-di-ni: Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với bi, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với bi, không kết, không oán không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.
“Vị ấy suy nghĩ như vậy: “Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Có sự bố thí, có trai tế, có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha, có mẹ trên đời, có bậc thiện nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ’. Nếu điều vị Sa-môn, Phạm chí kia nói ra là chân thật, ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Phạm chí kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.
“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm; như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.
“Lại nữa Già-di-ni, Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với hỷ, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với hỷ, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.
“Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế không phải là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu’; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Không do đó mà có tội hay có phước; không do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ lợi hành, không do đó mà có phước, không do đó mà có quả báo của phước’. Nếu điều vị Sa-môn, Phạm chí kia nói ra là chân thật, ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Phạm chí kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.
“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.
“Lại nữa Già-di-ni, Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống; đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định; qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vầy: ‘Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết; đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy liền tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’. Vị ấy sau khi tự thấy: ‘Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện’, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ; sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định; sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm. Này Già-di-ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với xả, biến khắp một phương thành tựu và an trụ; cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.
“Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu; ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si; sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu; đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước; làm như thế thật sự là làm ác. Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối; do vậy có nghiệp ác, do vậy có nghiệp báo ác. Ở bờ sông Hằng-già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu; và ở bờ sông Hằng-già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Do đó mà có tội hay có phước; do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ, lợi hành; do đó mà có phước, do đó mà có quả báo của phước’. Nếu điều vị Sa-môn, Phạm chí kia nói ra là chân thật, ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc Vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa-môn, Phạm chí kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.
“Này Già-di-ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến”.
Khi Phật nói bài pháp ấy xong, Già-di-ni viễn ly trần cấu, phát sanh con mắt thanh tịnh thấy rõ các pháp. Lúc đó, Già-di-ni thấy pháp, chứng pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, vượt qua hoặc[20], không còn tôn sùng ai khác, không còn do ai khác, không còn do dự, đã trụ nói quả chứng đạt, được vô sở úy đối với giáo pháp của Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật mà bạch rằng.
“Bạch Đức Thế Tôn, con từ nay xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo; cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay, trọn đời quy y cho đến khi mạng chung”.
Phật thuyết như vậy. Ba-la-lao Già-di-ni và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: S.42.13. Pāṭali-sutta.[02] Câu-lệ-sấu 拘 麗 瘦. Pāli: Koliyesu, giữa những người Koliyā, một bộ tộc theo thể chế cộng hòa trong thời Phật, cư ngụ tại làng Rāmagama trên bờ sông Hằng, và phần khác sống tại Devadaha, lãnh thổ của họ và của giòng Sakya được chia đôi bằng sông Rohinin và một cuộc chiến đẫm máu sắp xảy ra, nếu không có sự can thiệp của Đức Phật.[03] Bắc thôn 北 村. Pāli: Uttara, tên thôn ở trong Koliyā.[04] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸 攝 惒 林. Pāli: Simsapavana.[05] Ba-la-lao Già-di-ni 波 羅 牢 伽 彌 尼. Pāli: Pātaliya-gāminī thôn trưởng Pātaliya.[06] Hán: tri huyễn thị huyễn 知 幻 是 幻. Pāli: (...) māyaṃ jānatī ti (...) māyavī ti, (Sa-môn Gotama) biết huyễn thuật, (vậy Gotama là) nhà huyễn thuật.[07] Hán: pháp như pháp 法 如 法. Pāli: dhammassa cānudhamma, và tùy pháp của pháp, chỉ những vấn đề liên hệ đến pháp.[08] Hán: tốt 卒. Pāli: lambacūlake bhaṭte, người làm thuê có lọn tóc buông thỏng.[09] Hán: tự thú 自 首. Bản Cao-li: tự tích 自 昔 (từ trước).[10] Thuyết đoạn diệt (uccheda-vāda) của Ajita Kesa-kambāli. Xem D.2 Sāmaññaphala-sutta; No.1(21), Trường A-hàm “Kinh số 14, Phạm Động), Đại 1, tr.88.[11] Hán: thiện khứ thiện hướng 善 去 善 向. Pāli: sammagata, sammā-paṭippanna, chân chánh hành trì (tám Thánh đạo), chân chánh thú hướng (nhắm đếùn Niết-bàn).[12] Pāli: na (...) ye imañ ca lokaṃ parañ ca lokaṃ sayaṃ abhiñīa saccchikatvā pavedenti, “không có những vị sau khi tự mình thực chứng về thế giới này và thế giới khác rồi thuyết minh lại”.[13] Thuyết vô tác dụng (akiriya-vāda) của Pūrana Kassapa, Pāli, D. 2. Sāmaññaphala-sutta; No.1(21), Trường A-hàm “Kinh số 14, Phạm Động), Đại 1, tr.88.[14] Tự mình hay khiến người khác; đoạn sau, văn nghĩa tương tợ.[15] Hán: chí tha hạng mạch 至 他 巷 陌. (bản Cao-li: kiếp 劫). Có lẽ Pāli: paripanthe (Hán đọc: parapanthe) tiṭihato, chận đường ăn cướp.[16] Hán: hữu pháp chi định 有 法 之 定. Pāli: atthi... Dhammasamādhi.[17] Tham chiếu Pāli: atthi gāmaṇi dhammasamādhi tatra ce tvaṃ cittasamādhiṃ paṭilabeyyāsi evaṃ tvaṃ imaṃ kaṅkhādhammam pajaheyyāsi, “Này thôn trưởng, có pháp định (pháp tam-muội), mà nếu trong đó ngươi có thể đạt được tâm định như vậy ngươi có thể đoạn trừ pháp nghi hoặc”.[18] Hán: thăng tấn 昇 進. Pāli: sagga, sanh lên trên; sanh thiên.[19] Hán: bố dữ bất bố 怖 與 不 怖, chỉ người run sợ tức kẻ yếu, và người vững vàng tức kẻ mạnh. Pāli: tasaṃ vā thāvaraṃ.[20] Hán: đoạn nghi độ hoặc 斷 疑 度 惑. Pāli: tiṇṇa-vicikiccho vigata-kathaṃkatho, vượt qua hoài nghi, dứt trừ do dự.
-ooOoo-
21. KINH ĐẲNG TÂM[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử[02] cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường[03] vào ban đêm, nhân đem các nội kết sử[04] và ngoại kết sử[05] mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo.
“Này chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người. Những gì là hai? Đó là người có nội kết sử, bậc A-na-hàm, không trở lại thế gian này, và người có ngoại kiết sử, không phải là bậc A-na-hàm, sẽ còn trở lại thế gian này.
“Này chư Hiền, thế nào là người có nội kết sử, bậc A-na-hàm, không còn trở lại thế gian này?
Nếu có người tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Vị ấy nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục. Nhân học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục mà chứngđược tịch tịnh tâm giải thoát[06]. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực[07] sanh về các cõi ý sanh khác[08]. Khi sanh về các nơi ấy rồi, vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta trước kia còn làm người[09], lúc ấy tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục. Nhân học nhàm tởm dục, không dục và đoạn dục mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác, và đang ở nơi đây[10].
“Này chư Hiền, lại có một hạng người tu tập giới cấm không rách nát, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Vị ấy nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham[11], học xả ly dục. Nhân học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham, học xả ly dục, mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác. Khi sanh về các nơi ấy rồi, vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta trước kia còn làm người, lúc ấy tu tập các giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ. Nhân tu tập giới cấm, không bị thủng, không sứt mẻ, không ô uế, không vẩn đục, hoàn toàn không thể chỉ trích, được bậc Thánh khen ngợi, khéo tu, khéo đầy đủ, nên lại học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham; học tập xả ly dục. Nhân học tập nghiệp đoạn trừ sắc hữu, đoạn trừ tham, học xả ly dục, mà chứng được tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi chứng đắc như vậy, trong cảm thọ lạc mà mến tiếc, không chịu xa lìa, trong đời hiện tại không được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung vượt qua các cõi trời Đoàn thực, sanh về các cõi ý sanh khác, và đang ở nơi đây.
“Này chư Hiền, thế nào là người có ngoạïi kết sử, không phải A-na-hàm, còn trở lại thế gian này? Nếu có người tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi[12], lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết[13], thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới. Này chư Hiền, đó là người có ngoại kết sử, không phải A-na-hàm, sẽ còn trở lại thế gian này”.
Bấy giờ, một số đông thiên chúng Đẳng tâm[14], sắc tượng vời vợi, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần tàn, đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lê Tử, đêm qua cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người: người có nội kết sử và người có ngoại kết sử.’ Bạch Thế Tôn, Đại chúng đã hoan hỷ, cúi mong Thế Tôn từ bi thương xót mà đến nơi giảng đường.”
Lúc đó Thế Tôn im lặng nhận lời chư Thiên Đẳng tâm. Chư Thiên Đẳng tâm biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.
Không bao lâu, sau khi chư Thiên Đẳng tâm đi khỏi, Đức Thế Tôn đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi mà ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Sau khi ngồi xong, Đức Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay, lành thay! Xá-lê Tử, thầy thật rất khéo léo. Vì sao thế? Vì đêm qua, thầy và chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người, người có nội kết sử và người có ngoại kết sử’.
“Xá-lê Tử, lúc đêm gần tàn, chư Thiên Đẳng tâm đi đến chỗ Ta, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằng:
“– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lê Tử, đêm qua cùng chúng Tỳ-kheo vân tập tại giảng đường, nhân đem nội kết sử và ngoại kết sử mà phân biệt nghĩa lý cho các Tỳ-kheo nghe như vầy: ‘Này chư Hiền, trên đời quả thật có hai hạng người: người có nội kết sử và người có ngoại kết sử’. Bạch Thế Tôn, Đại chúng đã hoan hỷ, cúi mong Thế Tôn từ bi thương xót mà đến nơi giảng đường.
“Xá-lê Tử, Ta im lặng nhận lời chư Thiên Đẳng tâm. Chư Thiên Đẳng tâm biết Ta đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.
“Xá-lê Tử, chư Thiên Đẳng tâm kia hoặc có mười hay hai mươi vị, hoặc ba mươi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại chướng ngại lẫn nhau. Này Xá-lê Tử, chư Thiên Đẳng tâm chẳng phải sanh ra trong cõi ấy, nhưng do tụ tập thiện tâm rất rộng rất lớn cho nên chư Thiên Đẳng tâm hoặc có mười hay hai mươi vị hoặc ba mưoi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại lẫn nhau. Này Xá-lê Tử, chư Thiên Đẳng tâm không phải sanh trong cõi trời này rồi mới bắt đầu tu thiện tâm, với tâm cực kỳ rộng lớn, khiến cho chư thiên Đẳng tâm cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng ngại lẫn nhau. Này Xá-lê Tử, chư Thiên Đẳng tâm trước kia khi còn là loài người đã tu tập thiện tâm rất rộng, rất lớn, do đó nên khiến chư Thiên Đẳng tâm hoặc có mười hay hai mươi vị, hoặc ba mươi hay bốn mươi vị, hoặc năm mươi hay sáu mươi vị, cùng đứng trên đầu mũi dùi vẫn chẳng chướng ngại lẫn nhau.
“Do đó, này Xá-lê Tử, nên học pháp tịch tĩnh, các căn tịch tĩnh, tâm ý tịch tĩnh, ba nghiệp thân, khẩu ý tịch tĩnh, hướng về Đấng Thế Tôn và các vị phạm hạnh có trí. Này Xá-lê Tử, các hàng dị học dối trá, luôn luôn suy tổn, vĩnh viễn lầm lạc. Vì sao vậy? Vì không đượïc nghe diệu pháp như thế này”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 5. Tương đương Pāli: A.II. 46. Samacittā.[02] Xá-lê Tử 舍 梨 子. Pāli: Sāriputta.[03] Bản Pāli: Pubbārāme Migāramātupāsāde, trong giảng đường của bà Migāramātu, khu vườn phía Đông (Đông viên Lộc Tử Mẫu giảng đường).[04] Hán: nội kết 內 結. Pāli: ajjhattasaṃyojana, sự ràng buộc nội tâm.[05] Hán: ngoại kết 外 結. Pāli: bahiddhāsaṃyojana.[06] Hán: tức tâm giải thoát 息 心 解 脱. Pāli: santacitovimutti, tâm tịch tĩnh (vắng lặng) giải thoát.[07] Hán: Đoàn thực thiên 摶 食 天. Pāli: Kabaliṃkārahārabhakkha-deva. Chỉ các cõi trời thuộc về Dục giới, ở đây còn phải nuôi sống bằng thực phẩm vật chất.[08] Ý sanh thiên 意 生 天, cõi trời ý sanh, chỉ cho các trời Sắc giới mà một vị A-na-hàm thác sinh. Nhưng, bản Pāli tương đương: aññataṛau devanikāyaṃ upajjati, vị ấy sinh một cõi trời khác.[09] Nghĩa là còn ở Dục giới.[10] Một vị thượng lưu A-na-hàm, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kết, nhưng do vị ngọt trong cảm thọ lạc của các sắc giới tịnh lự vị ấy lần lượt thác sanh từ cõi trời Phạm thiên của Sơ thiền, cho tới khi thác sanh đến Sắc cứu cánh của Tứ thiền ở đó mà nhập Niết-bàn (Xem Đại Tỳ-bà-sa 17, Đại 27, tr, 875c).[11] Chỉ đoạn trừ tham ái dẫn tái sanh Sắc giới.[12] Hán: thủ hộ tùng giải thoát 守 護 從 解 脫, thường được nói là biệt giải thoát luật nghi. Pāli: pātimokkhasaṃsarasaṃvuto, được thủ hộ bằng sự phòng hộ của Pātimokkha.[13] Hán: thiện nhiếp oai nghi lễ tiết 善 攝 威 儀 禮 節. Pāli: ācāragocarasampanno, đầy đủ oai nghi chánh hạnh.[14] Đẳng tâm thiên 等 心 天. Pāli: Samacittādevartā.
-ooOoo-
22. KINH THÀNH TỰU GIỚI[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng tri diệt[02]; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí[03], khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực[04], sanh lên các cõi trời Ý sanh[05], tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.
Lúc đó Tôn giả Ô-đà-di[06] cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Ô-đà-di nói rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời ý sanh khác, mà ra vào định tưởng tri diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.
Tôn giả Xá-lê Tử ba lần lặp lại, nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng tri diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.
Tôn giả Ô-đà-di cũng ba lần lặp lại, thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng tri diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.
Lúc đó Tôn giả Xá-lê Tử liền suy nghĩ như thế này: “Thầy Tỳ-kheo này cho đến ba lần bác lời ta nói, và cũng không có vị Tỳ-kheo nào tán thán lời ta nói. Vậy ta hãy đi đến Đức Thế Tôn”.
Rồi Tôn giả Xá-lê Tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử ra đi chẳng bao lâu, Tôn giả Ô-đà-di cũng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên.
Nơi đây, Tôn giả Xá-lê Tử lại nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng tri diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tưởng tri diệt; tất có trường hợp này”.
Tôn giả Ô-đà-di lại thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng tri diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.
Tôn giả Xá-lê Tử ba lần lặp lại, nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng tri diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.
Tôn giả Ô-đà-di cũng ba lần lặp lại, thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng tri diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.
Tôn giả Xá-lê Tử suy nghĩ thế này: “Thầy Tỳ-kheo này ở trưóc Đức Thế Tôn, lặp lại ba lần bác lời ta nói, cũng không có vị Tỳ-kheo nào tán thán lời ta nói; vậy ta nên im lặng”.
Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Ô-đà-di, ngươi cho Ý sanh thiên là sắc chăng?”[07]
Tôn giả Ô-đà-di bạch Đức Thế Tôn rằng:
“Quả thật như vậy, bạch Thế Tôn”.
Đức Thế Tôn liền khiển trách:
“Ngươi là người ngu si mờ tối, không có mắt, bằng vào những gì mà có thể luận bàn về A-tỳ-đàm thâm sâu[08]?”
Bấy giờ Tôn giả Ô-đà-di sau khi bị Thế Tôn quở mắng lòng dạ u sầu, cúi đầu im lặng, không còn lời lẽ để biện luận, như có điều suy nghĩ.
Đức Thế Tôn sau khi quở mắng Tôn giả Ô-đà-di rồi, nói Tôn giả A-nan rằng:
“Khi một Tỳ-kheo trưởng lão là bậc danh đức thượng tôn mà bị người khác cật vấn, tại sao ngươi bỏ mặc, không chiếu cố? Ngươi, là người ngu si, không có lòng từ, quay lưng lại với bậc trưởng lão thượng tôn danh đức”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi quở mắng Tôn giả Ô-đà-di và Tôn giả A-nan, bèn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng tri diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tưởng tri diệt; tất có trường hợp này”.
Đức Thế Tôn nói như vậy xong liền vào tịnh thất im lặng tĩnh tọa. Bấy giờ Tôn giả Bạch Tịnh[09] đang hiện diện trong đại chúng. Tôn giả A-nan thưa với Tôn giả Bạch Tịnh rằng:
“Đó là việc làm của vị khác mà tôi bị quở mắng. Thưa Tôn giả Bạch Tịnh, vào xế chiều Thế Tôn rời khỏi tịnh thất mà đến trước chúng Tỳ-kheo, trải tòa ngồi, để cùng thảo luận vấn đề này. Tôn giả Bạch Tịnh, ngài nên trả lời việc này. Tôi rất thẹn với Đức Thế Tôn và các vị phạm hạnh”.
Bấy giờ vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn từ thiền thất đi ra, đến trước chúng Tỳ-kheo, trải chỗ mà ngồi, rồi Ngài bảo rằng:
“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo trưởng lão có mấy pháp để được các vị phạm hạnh kính mến, tôn trọng?”
Tôn giả Bạch Tịnh thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão nếu có năm pháp sẽ được các vị phạm hạnh khác tôn trọng, kính mến.
“Những gì là năm?
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi[10], lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết[11], thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới. Bạch Thế Tôn, vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn có cấm giới ấy sẽ được các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi; những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh tịnh trọn đủ, vị ấy học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu sâu xa. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đa văn ấy sẽ được các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn có bốn tâm tăng thượng[12], sống an lạc trong đời hiện tại[13], dễ được chớ không khó. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn có thiền tư ấy sẽ được các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp[14], chứng đắc như thật trí[15], được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, chân chánh dứt hết khổ. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn có trí tuệ sẽ được các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão đã dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đã lậu tận ấy sẽ đưọc các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Bạch Tịnh, nếu vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn không có năm pháp này, thì do nghĩa nào để cho các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng?”
Tôn giả Bạch Tịnh thưa:
“Bạch Thế Tôn, nếu vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn không có pháp này, thì thật không còn điều nào khác hơn để cho các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng. Chỉ còn lấy sự già nua, tóc bạc, răng rụng, sức khỏe ngày càng suy tàn, thân còm chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn rời rụng, nhan sắc xấu xí. Vị ấy nhân những điều này được các vị phạm hạnh kính mến, tôn trọng”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Quả thật như vậy, quả thật như vậy, nếu Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn mà không có năm pháp này, thì thật không còn điều kiện nào khác hơn để cho các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng. Chỉ còn lấy sự già nua, tóc bạc, răng rụng, sức khỏe ngày càng suy tàn, thân còm chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn rời rụng, nhan sắc xấu xí. Vị ấy nhân những điều này được các vị phạm hạnh kính mến, tôn trọng.
“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lê Tử có đủ năm pháp này, các ngươi phải kính mến tôn trọng. Vì sao thế?
“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lê Tử tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi, lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới.
“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lê Tử học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi; những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh tịnh trọn đủ; học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu sâu xa.
“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lê Tử có bốán tâm tăng thượng, sống an lạc trong đời hiện tại, dễ được chớ không khó.
“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lê Tử tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp, chứng đắc như thật trí, được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, chân chánh dứt hết khổ.
“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lê Tử thành tựu năm pháp này, các ngươi nên kính mến tôn trọng”.
Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả Bạch Tịnh và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. V.166 Nirodha.[02] Tưởng tri diệt định 想 知 滅 定. Pāli: sañīavedayitanirodha-samāpatti. Cũng nói là tưởng thọ diệt tận định, hay diệt tận định.[03] Hán: đắc cứu cánh trí 得 究 竟 智, chỉ chứng đắc A-la-hán quả. Pāli: aññā-ārādhānā.[04] Đoàn thực thiên 摶 食 天. Pāli: Kabalīkārāhārabhakkha-devatā.[05] Ý sanh thiên 意 生 天. Pāli: manomaya-kāya-devatā.[06] Ô-đà-di 烏 陀 夷. Pāli: Udayī.[07] Pāli: Bhagavā (...): kaṃ pana tvaṃ Udāyi manomayaṃ kāyaṃ paccesī ti? Ye te bhante devā ārupino saññāmayā ti, Thế Tôn hỏi: ‘Này Udāyi, ngươi muốn hiểu thân do ý thức tạo thành là cái gì?’ – ‘Bạch Thế Tôn, Đó là chư Thiên thuộc Vô sắc do tưởng tạo thành’.[08] Thậm thâm A-tì-đàm 甚 深 阿 毗 曇; bản Pāli tương đương không đề cập ý tưởng này.[09] Bạch Tịnh 白 淨. Pāli: Upavāṇa.[10] Xem cht.12 kinh 21.[11] Hán: thiện nhiếp oai nghi lễ tiết 善 攝 威 儀 禮 節. Pāli: ācāragocarasampanno, đầy đủ oai nghi chánh hạnh.[12] Tứ tăng thượng tâm 四 增 上 心. Pāli: catunnaṃ jhānānaṃābhicetasikānaṃ, bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm.[13] Hán: hiện pháp lạc cư (=trú) 現 法 樂 居. Pāli: diṭṭhadhammasukhavihāra.[14] Hán: quán hưng suy pháp 觀 興 衰 法.[15] Hán: đắc như thị trí 得 如 是 智.
-ooOoo-
23. KINH TRÍ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu[02] xả giới, bỏ đạo. Tỳ-kheo Hắc Xỉ[03] nghe Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo, liền đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xong, thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, ngài nên biết Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo”.
Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:
“Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu ở trong giáo pháp này mà có sự ái lạc chăng?”
Tôn giả Hắc Xỉ hỏi lại rằng:
“Tôn giả Xá-lê Tử ở trong giáo pháp này có sự ái lạc chăng?”
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
“Này Hắc Xỉ, ta không hề có sự nghi hoặc đối với giáo pháp này”.
Tỳ-kheo Hắc Xỉ lại hỏi rằng:
“Tôn giả Xá-lê Tử đối với những việc trong tương lai thì như thế nào?”
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
“Ta đối với những việc trong tương lai thì cũng không có gì do dự”.
Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lê Tử vừa rồi tự tuyên bố là chứng đắc trí[04], biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa’.”
Đức Thế Tôn nghe xong bảo một vị Tỳ-kheo:
“Ngươi hãy đến chỗ Xá-lê Tử nói rằng ‘Đức Thế Tôn muốn gọi ngài.’”
Tỳ-kheo ấy vâng lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lạy Phật rồi đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
“Đức Thế Tôn gọi Tôn giả Xá-lê Tử”.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi liền đi đến trước Phật, cúi đầu lễ rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Xá-lợi-phất, có thật vừa rồi thầy tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’ chăng?”
Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, không phải với lời văn ấy, không phải đi với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Xá-lê Tử, một thiện nam tử tùy phương tiện[05] mà tuyên thuyết, hễ có chứng đắc trí, thì tuyên bố chứng đắc trí”.
Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con vừa nói không phải với lời ấy, không phải với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Xá-lê Tử nếu có vị phạm hạnh nào đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Này Xá-lê Tử nghe như vậy thầy sẽ trả lời sao?”
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu có vị phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn, nếu có người phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, sanh có nhân. Nhân của sự sanh ấy diệt tận, thì biết nhân của sự sanh diệt tận; tôi tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn nếu có người phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như thế”.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Hay thay! Hay thay! Nếu các vị phạm hạnh đến hỏi như thế, thầy nên trả lời như vậy. Vì sao thế? Vì nói như thế nên biết đó là nghĩa”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Xá-lê Tử, nếu có vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, sự sanh do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc[06]?” Thầy nghe những câu hỏi đó, trả lời như thế nào?”
Tôn giả Xá-lê Tử thưa:
“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, sự sanh do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?” Con nghe như vậy sẽ trả lời rằng: ‘Này chư Hiền, sự sanh lấy hữu làm nhân, lấy hữu làm duyên, từ hữu mà sanh, lấy hữu làm gốc’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.
Đức Thế Tôn khen:
“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, hữu do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”
Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, hữu do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?’ Bạch Thế Tôn con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này chư Hiền, hữu lấy thủ[07] làm nhân, lấy thủ làm duyên, từ thủ mà sanh, lấy thủ làm gốc.’ Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.”
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, thủ do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”
Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, thủ do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này chư Hiền, thủ lấy ái làm nhân, lấy ái làm duyên, từ ái mà sanh, lấy ái làm gốc’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, thế nào là ái?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”
Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, thế nào là ái?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này chư Hiền, có ba cảm thọ[08]; cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Ở trong đó mà ham muốn, đắm trước, đó gọi là ái’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?” Thầy nghe vậy rồi trả lời thế nào?”
Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?’ Nghe vậy rồi, con sẽ trả lời rằng: ‘Này chư Hiền, ba thọ này là pháp vô thường pháp khổ, pháp diệt. Pháp vô thường tức là khổ; thấy khổ rồi liền không còn ham muốn, đắm trước đối với ba thọ’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi như thế, con sẽ trả lời như vậy”.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Xá-lê Tử, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. Này Xá-lê Tử, những gì được cảm thọ, những gì được tạo tác, thảy đều là khổ[09]. Này Xá-lê Tử, đó gọi là còn một ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể được trả lời vắn tắt”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, bội xả[10] thế nào để tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’”
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, nếu có vị phạm hạnh đến hỏi con thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, bội xả thế nào để tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Con nghe như vậy sẽ trả lời thế này: ‘Này chư Hiền, tôi do bội xả bên trong[11] mà diệt tận các ái[12], không kinh hãi, không sợ sệt, không nghi, không hoặc, thực hành sự thủ hộ như vậy. Thủ hộ như thế rồi không sanh ra lậu bất thiện[13]’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.
Đức Phật bảo rằng:
“Này Xá-lê Tử, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. ‘Đối với những kết sử mà Sa-môn nói đến[14], những kiết sử ấy không tồn tại nơi ta, thực hành sự thủ hộ như vậy; thủ hộ như thế rồi không còn sanh ra lậu bất thiện nữa’. Này Xá-lê Tử, đó gọi là còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt”.
Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Sau khi Đức Thế Tôn đi vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lê Tử bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: ‘Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy’.”
Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe Tôn giả Xá-lê Tử nói những lời ấy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vội đến chỗ Phật bạch rằng:
“Sau khi Thế Tôn vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lê Tử nói rất to chẳng thua gì tiếng rống của sư tử, rằng: ‘Này chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy’.”
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Hắc Xỉ, thật như vậy! Thật như vậy! Nếu Ta trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lê Tử về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lê Tử vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Này Hắc Xỉ, nếu Ta trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lê Tử về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lê Tử vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Vì sao thế? Này Hắc Xỉ, Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã thấu đạt sâu xa về pháp giới[15] vậy”.
Phật thuyết như vậy, Tôn giả Xá-lê Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: S, XII.32, Kalāra-suttam.[02] Mâu-lợi-phá-quần-nậu 牟 利 破 群 [劣-力+兔]. Pāli: Moliyaphagguna.[03] Hắc Xỉ 黑 齒. Pāli: Kalārakhattiya.[04] Pāli: aññā vyākatā, tuyên bố về cứu cánh trí.[05] Hán: tùy kỳ phương tiện 隨 其 方 便. Pāli: yena kenaci pariyāyena, bằng pháp môn (phương pháp) nào.[06] Pāli: kiṃ-nidānā kiṃ-samudayā kiṃ-jātikā kiṃ-bhavā, nguyên nhân gì, tập khởi gì, chủng loại gì, tự thể gì?[07] Hán: thọ 受, dịch ngữ thông dụng là thủ. Pāli: upādāna.[08] Hán: giác 覺, từ ngữ thông dụng là thọ. Pāli: vedāna.[09] Pāli: yaṃ kiñci vedayitaṃ taṃ dukkhasmiṃ ti, cái gì được cảm thọ, cái ấy ở trong khổ.[10] Hán: bối nhi bất hướng 背 而 不 向, cũng nói là bối xả. Thông thường nói là giải thoát; có tâm môn, mà diệt thọ tưởng định là cao nhất. Pāli: vimokkha.[11] Hán: nội bối nhi bất hướng 內 背 而 不 向. Pāli: ajjhattaṃ vimokkhā, sự giải thoát bên trong (hay nội tâm).[12] Pāli: sabbupādānakkhayā, tất cả chấp thủ diệt tận.[13] Pāli: yathā sataṃ viharantaṃ āsavā ānussavanti, do sống chánh niệm như thế các lậu không còn rỉ chảy.[14] Pāli: ye āsavā samanena vuttā, những lậu hoặc mà Sa-môn nói đến.[15] Hán: thâm đạt pháp giới 深 達 法 界. Pāli: Dhammadhātu-suppaṭividha, lý giải sâu sắc về Pháp giới.
-ooOoo-
24. KINH SƯ TỬ HỐNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ trong rừng Thắng lâm vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Thế Tôn cùng với chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ. Tôn giả Xá-lê Tử cũng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ. Lúc ấy Tôn giả Xá-lê Tử an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ xong, đã trải qua ba tháng, sau khi vá sửa các y rồi, liền xếp y ôm bát đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui qua một bên rồi thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ vừa xong. Bạch Thế Tôn, bây giờ con muốn du hành trong nhân gian”.
Đức Phật nói rằng:
“Này Xá-lê Tử, Thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết-bàn hãy cho chứng đắc Niết-bàn. Này Xá-lê Tử, Thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn”.
Rồi thì, Tôn giả Xá-lê Tử sau khi nghe những lời Phật nói, ghi nhớ kỹ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi lui ra, trở về phòng riêng, dọn dẹp giường ghế, xếp y, ôm bát, ra đi du hành trong nhân gian.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử ra đi chẳng bao lâu, có một vị phạm hạnh ở trước Đức Phật phạm vào pháp tương vi[02], vị ấy bạch Thế Tôn:
“Hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con rồi đi du hành trong nhân gian”.
Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một vị Tỳ-kheo rằng:
‘Ngươi hãy tìm đến chỗ Xá-lê Tử, bảo với Xá-lê Tử rằng: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy rằng, sau khi thầy đi không bao lâu có một vị phạm hạnh ở trước Ta phạm pháp tương vi, nói thế này: Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con, rồi đi du hành trong nhân gian’.”
Vị Tỳ-kheo kia sau khi vâng lời Đức Phật dậy, liền từ chỗ ngồi đứùng dậy, đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi. Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau Đức Thế Tôn, đang cầm quạt hầu Đức Phật.
Sau khi vị Tỳ-kheo kia đi chẳng bao lâu, Tôn giả A-nan liền cầm chìa khóa cửa, đi đến khắp các phòng, gặp các vị Tỳ-kheo nào cũng nói như thế này:
“Lành thay, chư tôn mau đến giảng đường. Vì hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sẽ đứng trước Đức Phật mà rống tiếng sư tử. Những gì mà Tôn giả Xá-lê Tử nói ra đều sâu xa, tịch tịnh ở trong tịch tĩnh, vi diệu ở trong vi diệu. Những lời như vậy sau khi các vị và tôi nghe được rồi, nên khéo tụng tập, nên khéo ghi nhớ”.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-nan nói như vậy, tất cả đều đến giảng đường.
Bấy giờ vị Tỳ-kheo kia đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
“Đức Thế Tôn gọi thầy rằng, sau khi thầy đi không bao lâu có một vị phạm hạnh ở trước Đức Thế Tôn, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con, rồi đi du hành trong nhân gian’.”
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử sau khi nghe như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi lui sang mọât bên. Đức Phật liền bảo rằng:
“Này Xá-lê Tử, sau khi thầy đi không bao lâu có một vị phạm hạnh ở trước Ta, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con, rồi đi du hành trong nhân gian’. Này Xá-lê Tử, có thật sau khi khinh mạn một vị phạm hạnh rồi thầy đi du hành trong nhân gian chăng?”
Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu người nào không có niệm thân trên thân[03] thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, như một con trâu gãy sừng[04], rất nhường nhịn, hiền lành, dễ sai khiến, dễ chế ngự. Nó từ thôn này đi đến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác; những nơi nó đi qua, không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn, con cũng vậy. Tâm con như con trâu gãy sừng, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, như con của một người Chiên-đà-la[05] bị chăït hai tay, tâm ý rất thấp hèn. Nó từ thôn này đi đến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác, những nơi nó đi ngang qua không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn con cũng như thế. Tâm con như con của mọât người Chiên-đà-la bị chặt hai tay, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như mặt đất dung nạp tất cả đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Đất không phải vì thế mà khởi sự thương ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như mặt đất kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như dòng nước rửa sạch tất cả các đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Nước ấy không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như nước kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn lửa đốt cháy tất cả các đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Lửa không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như lửa kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn gió thổi bay đi đồ sạch đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Gió cũng không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như gió kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như cây chổi quét sạch đồ dơ, đồ sạch, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Chổi vẫn không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như cây chổi kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như cái Bô-chiên-ni[06], chùi lau tất cả các đồ dơ đồ sạch, đại tiện tiểu tiện, nước mũi nước miếng, cái Bô-chiên-ni cũng không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như Bô-chiên-ni kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như cái bình đựng dầu[07] nứt nẻ nhiều chỗ, đựng đầy mỡ rồi để dưới ánh mặt trời, chảy rỉ khắp, thắm ướt tất cả. Nếu người có mắt đứng bất cứ nơi nào, sẽ thấy bình mở, nứt nẻ nhiều chỗ, đựng đầy mở rồi để dưới ánh mặt trời, chảy rỉ khắp, thắm ướt tất cả. Bạch Thế Tôn, con cũng như thế. Con thường quán sát thân này có chín lỗ, đồ bất tịnh chảy rỉ khắp, thấm ướt khắp. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như một người ưa thích tuổi thiếu niên của mình, tắm gội sạch sẽ, xông thân thể bằng hương thoa, mặc áo trắng, đeo vòng ngọc để trang sức; cạo râu, sửa tóc, đầu đội tràng hoa; nếu đem ba xác chết mà quấn quanh nơi cổ họng; xác rắn chết, xác người chết, xác chó chết, máu ứ bầm xanh, sình trướng to lên, rất thối tha, rửa nát, nước nhớp chảy tràn. Người ấy sẽ ôm lòng hổ thẹn, rất ghét đồ dơ uế đó. Bạch Thế Tôn, con cũng như thế; thường quán sát những chỗ thối tha không sạch sẽ trong thân này, tâm ôm lòng hổ thẹn, rất ghét vật nhơ uế đó. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?”
Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo kia liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con xin sám hối. Bạch Thiện Thệ, con xin sám hối. Con như ngu, như si, như người bất định, như người bất thiện. Vì sao thế? Vì con đã đem lời dối trá để vu khống Tỳ-kheo Xá-lê Tử, là bậc phạm hạnh thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, con nay xin sám hối tội lỗi, mong Ngài chấp nhận cho, nếu con đã phát lồ rồi thì sẽ không còn tạo tội nữa”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Quả thật vậy, này Tỳ-kheo. Ngươi thật như ngu, như si, như người bất định, như người bất thiện. Vì sao thế? Vì ngươi đã đem lời dối trá hoàn toàn không chân thật để vu khống Tỳ-kheo Xá-lê Tử phạm hạnh thanh tịnh. Ngươi có thể sám hối tội lỗi, đã phát lồ rồi sau này sẽ không còn tạo tội nữa. Nếu có người nào sám hối tội lỗi đã phát lồ rồi, sau này không còn tạo tội nữa, như thế sẽ được trưởng thành trong Thánh pháp luật mà chẳng bị suy giảm”.
Thế rồi Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lê Tử rằng:
“Thầy nên mau nhận sự sám hối tội lỗi của người ngu si kia, chớ để Tỳ-kheo ấy lập tức ở trước thầy mà đầu bị vỡ thành bảy mảnh”.
Tôn giả Xá-lê Tử vì thương xót Tỳ-kheo kia nên liền nhận sự sám hối tội lỗi.
Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.IX.11. Vūttha (Sīhanāḍa-Sutta đề theo ấn bản Devanagari).[02] Hán: phạm tương vi pháp 犯 相 違 法. Có lẽ Pāli: khīyadhammu āpanna (āpajjati): rơi vào trạng thái ưu uất; đang cơn bất bình. Đây chỉ Tỳ-kheo kia đang có điều bất mãn hay oán hận ngài Sāriputta.[03] Hán: thân thân niệm 身 身 念. Pāli: kāye kāyagatā-sati anupaṭṭhitā, chánh niệm về thân hành (các động thái của thân) được xác lập trên thân.[04] Hán: tiệt giác ngưu 巀 角 牛. Pāli: usabho chinnavisāṇo, con trâu chúa (trâu đực) mà cặp sừng đã bị cắt.[05] Hán: Chiên-đà-la 旃 陀 羅, người thuộc giai cấp cùng đinh. Pāli: caṇḍāla.[06] Hán: bô-chiên-ni 晡 旃 尼. Pāli: puñchanī, cái giẻ lau.[07] Hán: cao bình 膏 瓶. Pāli: medakathālikaṃ; bình (hủ) đựng dầu hay mỡ để nấu ăn.
-ooOoo-
25. KINH THỦY DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, hôm nay tôi sẽ nói năm pháp trừ não[02] cho các vị, hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ”.
Các vị Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:
“Những gì là năm? Này chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh[03]. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ[04].
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.
“Này chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào?[05] Này chư Hiền, cũng như Tỳ-kheo A-luyện-nhã[06] thọ trì y áo phấn tảo[07], thấy vải xấu vất trong đống rác, dơ dáy hoặc vì bị đại tiện; hoặc tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm dơ. Thấy rồi, tay trái cầm lên; tay phải căng rộng ra; nếu chẳng phải bị đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm dơ, lại không có rách lủng, liền xếp cất lấy. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh, chớ nghĩ thân hành không thanh tịnh của người kia, chỉ nghĩ đến khẩu hành thanh tịnh của người kia. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như vậy.
“Này chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên trừ bỏ như thế nào? Này chư Hiền, cũng như cách thôn xóm không xa, có hồ nước rất sâu, rêu cỏ che lấp; nếu có người đi đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, bị gió nóng bức bách. Người ấy đến hồ rồi, cởi áo để trên bờ, liền nhảy xuống hồ, hai tay khoát rêu ra, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc một người khẩu không tịnh hạnh, nhưng thân tịnh hạnh. Đừng nghĩ về khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.
“Này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này chư Hiền, như trên con đường ngã tư có nước trong dấu chân trâu. Nếu có người đi đến, vì quá nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người ấy nghĩ thế này: ‘Mặc dù nước trong lổ chân trâu ở ngã tư đường này ít, nếu ta dùng tay hoặc lá cây múc lấy, thì sẽ quậy thành đục ngầu, không thể trừ bỏ sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, cho ta. Ta hãy nên quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước’. Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước. Người ấy liền trừ được sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh, chớ nên nghĩ đến thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, chỉ nên nghĩ đến tâm có chút thanh tịnh của người ấy. Này chư Hiền, nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.
“Này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này chư Hiền, cũng như có người đi xa trên con đường dài; nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè; thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước lại chưa đến. Nếu có người đi đến, đứng bên cạnh, thấy người bộ hành này đi xa trên con đường dài, nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè, thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước thì chưa đến. Người kia nếu được người chăm sóc, từ giữa cánh đồng xa xôi dắt đến thôn ấp, cho uống thang thuốc hay, bồi dưỡng bằng đồ ngon mỹ diệu, được chăm sóc kỹ lưỡng; như vậy người ấy chắc chắn được lành bớt. Đó là người kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với người bệnh này. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, nên nghĩ thế này: ‘Vị này thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, đừng để cho vị này do bởi thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, mà khi thân hoại mạng chung thẳêng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu vị này gặp thiện tri thức, sẽ bỏ thân hành không thanh tịnh để tu thân hành thanh tịnh; trừ bỏ khẩu và ý hành không thanh tịnh để tu khẩu và ý hành thanh tịnh. Do vậy, vị này sẽ do thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh, nên khi thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh thiên giới’. Đó là vị kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với vị này. Nếu người có trí mà sanh lòng hờn giận, nên đoạn trừ như vậy.
Này chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này chư Hiền, cũng như ngoài thôn xóm không xa, có hồ nước tốt, đã trong lại ngọt, đáy sâu bằng phẳng, đầy đặn, cỏ biếc ngập bờ, bốn phía có cây cỏ. Nếu có người đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người kia đến bờ rồi, cởi áo để trên bờ, nhảy xuống hồ, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ sự nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh, hãy thường nên nghĩ đến thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh của người đó. Nếu người có trí thấy mà sanh hờn giận, nên trừ bỏ như vậy.
“Này chư Hiền năm pháp trừ não mà tôi vừa nói, chính do vậy mà được nói”.
Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Thí dụ về nước. Tương đương Pāli: A. V.162. Āghātavinaya (kềm chế sự hờn giận).[02] Ngũ trừ não pháp 五 除 惱 法. Pāli: pañca āghātapaṭivinayā, năm yếu tố kềm chế sự hờn giận.[03] Hán: thân hành bất tịnh khẩu hành tịnh身 行 不 淨 口 行 淨. Pāli: aprisuḍhakāyasamācāro hoti parisuddhavacīsamācāro, có hành vi của thân không trong sạch nhưng hành vi của miệng trong sạch.[04] Pāli: evārupe... puggale āghāto paṭivinetabbo, sự hờn giận cần được kềm chế đối với người như vậy.[05] Nghĩa là, làm cách nào để không khởi tâm hơn giận đối với con người như vậy.[06] A-luyện-nhã Tỳ-kheo 阿 練 若 毗 丘. Pāli: araññaka-bhikkhu, Tỳ-kheo sống trong rừng vắng; không sống trong các tinh xá.[07] Hán: trì phấn tảo y 持 糞 掃 衣. Pāli: paṃsakulika, người tu theo hạnh chỉ mặc y phục từ vải đã bị liệng bỏ như là rác.
-ooOoo-
26. KINH CÙ-NI-SƯ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa[02].
Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư[03] cũng trú tại thành Vương xá, ở tại Vô sự thất[04], cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn[05]. Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương xá.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ngọ thực, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lê Tử từ đằng xa trong thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự[06], sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát[07]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không kính trọng, không biết tùy thuận quán sát, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng phần nhiều lại không biết kính trọng, không biết tùy thuận quán sát’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học kính trọng và biết tùy thuận quán.
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động[08]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay cười giỡn, tháo động, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay cười giỡn, tháo động’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không nói những đề tài súc sanh[09]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay nói những vấn đề súc sanh, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay nói những đề tài súc sanh’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không nói những đề tài súc sanh.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không kiêu ngạo và ít nói năng. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay kiêu ngạo và nói năng nhiều sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà lại hay kiêu ngạo và nói năng nhiều’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học không kiêu ngạo và ít nói năng.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thủ hộ các căn. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học thủ hộ các căn.
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết đủ trong sự ăn uống. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết đủ trong sự ăn uống.
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học tinh tấn không giải đãi. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà lại thường không tinh tấn, hay giải đãi, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không tinh tấn, trái lại còn giải đãi’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học tinh tấn, không giải đãi.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học chánh niệm và chánh trí. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà không học chánh niệm chánh trí, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không có chánh niệm chánh trí’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học chánh niệm chánh trí.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời; không đi vào thôn khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễâ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ; không lấn chỗ ngồi của vị Trưởng lão, bị Tỳ-kheo nhỏ khiển trách[10]. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ quở trách, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của các bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ quở trách’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm[11]. Vì sao thế. Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Luật và A-tì-đàm. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm.
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát[12] và ly sắc[13] cho đến vô sắc định[14]. Vì sao thế? Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định.
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về lậu tận trí thông. Vì sao thế. Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về lậu tận trí thông. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về lậu tận trí thông, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về lậu tận trí thông’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về lậu tận trí thông”.
Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, chỉ những Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mới nên học những pháp như vậy, chứ không phải là những Tỳ-kheo ở giữa người đời[15] sao?”
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự còn nên học những pháp như vậy huống gì là Tỳ-kheo sống giữa nhân gian?”
Như vậy hai vị Tôn giả cùng khen tán lẫn nhau, tán thán “Lành thay!” Sau khi nghe những điều được nói, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Kính trọng, không cười cợt,
Không phiếm luận, kiêu ngạo,
Hộ căn, ăn biết đủ,
Tinh tấn, chánh niệm, trí,
Biết thời, ngồi đúng chỗ,
Thảo luận Luật, Tỳ-đàm,
Và tịch tĩnh giải thoát,
Lậu tận thông cũng vậy.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 6. Tương đương Pāli: M. 69 Gulissāni-suttaṃ (bản Devanagari, Goliyānisuttaṃ).[02] Trúc lâm Ca-lan-đa viên 竹 林 迦 蘭 多 園. Pāli: Veluvāne Kanlandakanivāpe.[03] Cù-ni-sư 瞿 尼 師. Pāli: Gulissāni (Goliyāni).[04] Hán: tại vô sự thất 在 無 事 室. Pāli: (gulissāni nāma bhikkhu) āraññ iko, (Tỳ-kheo Gulissāni) là người sống trong rừng (ẩn cư).[05] Pāli: (āraññiko) padasamācāro, (là ẩn sĩ sống trong rừng, nhưng) là người có hành vi thô tháo.[06] Vô sự Tỳ-kheo 無 事 比 丘. Pāli: āraññaka-bhikku, Tỳ-kheo sống (ẩn cư) trong rừng.[07] Pāli: āraññkena... Bhikkhunā saṃghagatena saughe viharante sabrahmacārisu sagāravena bhavitabbaṃ sappatussena, “Tỳ-kheo tu hạnh sống ở rừng, khi đến sống giữa Tăng, cần phải tôn trọng, cung kính các đồng phạm hạnh”.[08] Hán: bất điệu tiếu, bất táo nhiễu 不 調 笑 不 躁 擾. Pāli: anuddhata, không trạo cử, acapala, không náo động.[09] Hán: súc sanh luận 畜 生 論. Pāli: tiracchāna-kathā, câu chuyện về thú vật; chuyện vô ích, trở ngại sự tu tập. Nhưng, đoạn này, trong bản Pāli tương đương: amukhararena bhavitabbaṃ avikiṇṇavācena, không nên lắm lời, không nên nói tạp nhạp.[10] Pāli: there ca bhikkhū nānupakhajja nisīdissāmi nave ca bhikkhū na āsanena paṭibāhissāmi, không chiếm chỗ ngồi của các Tỳ-kheo Thượng tọa; không đuổi các vị tân Tỳ-kheo khỏi chỗ ngồi.[11] Luật, A-tì-đàm 律 阿 毗 曇. Pāli: abhivinaya, abhidhamma, chỉ phần tinh nghĩa của luật (vinaya) và pháp (dhamma); không phải A-tì-đàm của Luận tạng.[12] Hán: tức giải thoát 息 解 脫. Pāli: santa-vimokka.[13] Hán: ly sắc 離 色. Pāli: atikkamma rūpe, vượt qua sắc pháp.[14] Hán: nãi chí vô sắc định 乃 至 無 色 定. Pāli: āruppā tattha yogo karaṇīyo, tu tập về các vô sắc.[15] Hán: nhân gian Tỳ-kheo 人 間 毗 丘. Pāli: gāmantavihārin, (Tỳ-kheo) sống tại các thôn xóm.
-ooOoo-
27. KINH PHẠM CHÍ ĐÀ-NHIÊN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, cùng chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử đang ở nước Xá-vệ cũng an cư mùa mưa.
Lúc ấy, có một Tỳ-kheo ở thành Vương xá, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa xong, vá sửa lại các y, rồi xếp y, ôm bát từ thành Vương xá đi đến nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên.
Tôn giả Xá-lê Tử hỏi:
“Này Hiền giả, Thế Tôn an cư tại thành Vương xá. Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không?”
Vị Tỳ-kheo đáp:
“Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lê Tử. Thế Tôn an cư tại thành Vương xá. Thánh thể được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái và khí lực bình thường”.
Lại hỏi:
“Này Hiền giả, đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
Đáp:
“Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lê Tử. Đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.
Lại hỏi:
“Này Hiền giả, chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
Đáp:
“Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.
Lại hỏi:
“Này Hiền giả, tất cả các Sa-môn, Phạm chí dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
Trả lời rằng:
“Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tất cả các Sa-môn, Phạm chí dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.
Lại hỏi rằng:
“Này Hiền giả, tại thành Vương xá có một Phạm chí tên là Đà-nhiên[02], vốn là bạn của tôi trước kia tôi chưa xuất gia[03]; Hiền giả có biết vị ấy không?”
Trả lời rằng:
“Thưa có biết”.
Lại hỏi rằng:
“Hiền giả, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
Đáp:
“Tôn giả Xá-lê Tử, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá thân thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường, nhưng không muốn thăm viếng Đức Phật và không ưa nghe pháp”.
“Vì sao thế?”
“Tôn giả Xá-lê Tử, Phạm chí Đà-nhiên không tinh tấn, phạm vào các cấm giới. Ông ấy dựa thế vua để dối gạt[04] các Phạm chí, cư sĩ; dựa thế các Phạm chí, cư sĩ để dối gạt vua[05]“.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi, và ba tháng an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ đã qua, sau khi vá sửa các y, ngài xếp y, ôm bát từ nước Xá-vệ đi đến thành Vương xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử, khoac y, ôm bát vào thành Xá-vệ lần lượt đi khất thực. Sau khi khất thực xong, ngài đi đến nhà của Phạm chí Đà-nhiên.
Lúc ấy, Phạm chí Đà-nhiên từ nhà đi ra, đến bên bờ suối, đang hành hạ cư dân[06]. Phạm chí Đà-nhiên từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lê Tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng đến Tôn giả giả Xá-lê Tử mà tán thán rằng:
“Kính chào Xá-lê Tử, đã lâu lắm rồi Xá-lê Tử không đến đây”.
Rồi Phạm chí Đà-nhiên, với lòng cung kính, ôm Tôn giả Xá-lê Tử dìu vào nhà, trải giường đẹp mà mời ngồi. Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi trên giường đó. Phạm chí Đà-nhiên thấy Tôn giả Xá-lê Tử đã ngồi xuống, liền bưng một cái chậu sữa bằng vàng[07] mời Tôn giả Xá-lê Tử ăn. Tôn giả Xá-lê Tử nói:
“Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ”.
Phạm chí Đà-nhiên lặp lại ba lần mời ăn. Tôn giả Xá-lê Tử cũng ba lần nói rằng:
“Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ”.
Lúc đó Phạm chí Đà-nhiên nói rằng:
“Xá-lê Tử, cớ gì vào nhà như thế này mà chẳng chịu ăn?”
Đáp:
“Này Đà-nhiên, ông không tinh tấn lại phạm vào các giới cấm. Dựa thế vào vua để dối gạt Phạm chí, Cư sĩ; dựa thế Phạm chí, Cư sĩ để dối gạt vua”.
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
“Xá-lê Tử, nên biết, nay tôi còn sống tại gia, lấy gia nghiệp làm bổn phận. Tôi còn phải lo cho mình được an ổn, cung cấp cha mẹ, săn sóc vợ con, cung cấp nô tỳ, phải nộp thuế cho vua, thờ tự thiên thần, cúng tế tổ tiên, và còn phải bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí để sau này còn được sanh lên các cõi trời, mong được trường thọ, được quả báo an lạc. Xá-lê Tử, các việc ấy không thể nào bỏ đi, một mực theo đúng pháp”.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
“Này Đà-nhiên, nay tôi hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Phạm chí Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì cha mẹ mà tạo các việc ác; vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì cha mẹ tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
“Không thể”.
Lại hỏi:
“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì vợ con mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì vợ con tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
“Không thể”.
Lại hỏi:
“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì nô tỳ mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì nô tỳ tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
“Không thể”.
Lại hỏi:
“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếâu có người vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Phạm chí mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao thế? Tôi đã vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Phạm chí mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng:
“Không thể”.
“Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử[08], vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức[09] mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, để tôn trọng, kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác. Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được cha mẹ thương yêu và nói thế này: ‘Mong cho con được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế?Vì ta nhờ con nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được cha mẹ thương yêu rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
“Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
“Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được vợ con tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho tôn trưởng được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ tôn trưởng nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được vợ con tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
“Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
“Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được nô tỳ tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho đại gia được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ đại gia nên được an ổn’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được nô tỳ tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.
“Này Đà-nhiên, một tộc tánh tử, vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Phạm chí, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.
“Này Đà-nhiên, nếu một tộc tánh tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Phạm chí, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, thì người ấy được các Sa-môn, Phạm chí yêu mến rất mực, và nói thế này: ‘Mong cho thí chủ được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ thí chủ nên được an hưởng khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được các Sa-môn, Phạm chí yêu mến rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm”.
Bấy giờ Phạm chí Đà-nhiên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về phía Xá-lê Tử thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tôi có người vợ yêu tên là Đoan Chánh[10]. Tôi vì say mê nó nên đã buông lung, tạo quá nhiều ác nghiệp tội lỗi. Thưa Tôn giả Xá-lê Tửû, bắt đầu từ đây tôi bỏ người vợ Đoan Chánh kia, xin quy y với Tôn giả Xá-lê Tử”.
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:
“Này Đà-nhiên, ông chớ quy y tôi. Ông nên quy y nơi Phật là Đấng mà tôi quy y”.
Phạm chí Đà-nhiên thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, từ hôm nay tôi xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Tôn giả Xá-lê Tử nhận tôi làm Ưu-bà-tắùc của Phật; trọn đời xin tự quy y cho đến mạng chung”.
Thế rồi Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho Phạm chí Đà-nhiên, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến thành Vương xá.
Ở đây được vài ngày, ngài xếp y, ôm bát rời thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn[11], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa[12], thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.
Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo đi đến thành Vương xá. Ở đây được vài ngày, xếp y ôm bát từ thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn cũng trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa, thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.
Rồi vị Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:
“Hiền giả từ nơi nào tới đây và du hành ở đâu?”
Tỳ-kheo ấy trả lời rằng:
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, tôi từ thành Vương xá đi đến đây và du hành ở thành Vương xá”.
Lại hỏi rằng:
“Hiền giả ngài có biết Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, vốn là bạn của tôi xưa kia lúc tôi chưa xuất gia không?”
“Thưa có biết”.
Lại hỏi rằng:
“Này hiền giả, Phạm chí Đà-nhiên ở thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường và có thường thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”
Trả lời rằng:
“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Phạm chí Đà-nhiên thường đến thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp; nhưng không được khỏe mạnh, khí lực dần dần suy yếu. Vì sao vậy? Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, hiện giờ Phạm chí Đà-nhiên mang tật bệnh rất khốn khổ, nguy hiểm khôn chừng, do đó có thể mạng chung”.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong lời ấy, liền xếp y ôm bát rời Nam sơn ra đi, đến thành Vương xá, trú trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử khoác y, ôm bát đi đến nhà Phạm chí Đà-nhiên. Phạm chí Đà-nhiên từ đằng xa trông thấy Tôn giả Xá-lê Tử đi đến, muốn rời giường đứng dậy. Tôn giả Xá-lê Tử thấy Phạm chí Đà-nhiên muốn rời giường đứng dậy, liền ngăn ông ấy rằng:
“Này Phạm chí Đà-nhiên, ông cứ nằm, đừng đứng dậy. Đã có giường khác đây, rồi tôi sẽ ngồi riêng”.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi xuống giường ấy, rồi bảo rằng:
“Hôm nay bệnh tình ra sao? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn bớt dần, không đến nỗi tăng thêm chăng?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Bệnh tình con rất là khốn đốn, ăn uống chẳng được gì cả; đau đớn chỉ tăng thêm mà không thấy giảm bớt tí nào. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, giống như người lực sĩ đem con dao bén nhọn đâm vào đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức thôi. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như lực sĩ lấy sợi dây thừng chắt đem quấn riết chung quanh đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như người mổ trâu, đem con dao bén mổ bụng trâu, chỉ sanh sự đau đớn quá mức. Bụng con hôm nay cũng quặn đau giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, cũng như hai lực sĩ bắt một người ốm yếu đem nướng trên ngọn lửa, chỉ sanh ra sự đau khổ đến cùng cực. Thân thể con hôm nay đau đớn, cả mình sanh ra khổ sở, chỉ tăng thêm chớ không giảm bớt; cũng giống như vậy”.
Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
“Này Đà-nhiên, bây giờ tôi hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà ông trả lời. Này Phạm chí Đà-nhiên, địa ngục và súc sanh, nơi nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Súc sanh tốt đẹp hơn”.
Lại hỏi rằng:
“Này Đà-nhiên, súc sanh và ngạ quỉ, loài nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Ngạ quỉ tốt đẹp hơn”.
Lại hỏi rằng:
“Này Đà-nhiên, ngạ quỉ và loài người, loài nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Loài người tốt đẹp hơn”.
Lại hỏi rằng:
“Này Đà-nhiên, người và Tứ vương thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Tứ thiên vương tốt đẹp hơn”.
Lại hỏi rằng:
Này Đà-nhiên, Tứ vương thiên và Tam thập tam thiên, cõi nào tốt đẹp?
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Tam thập tam thiên tốt đẹp hơn”.
Lại hỏi rằng:
“Tam thập tam thiên với Diệm ma thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Diệâm ma thiên tốt đẹp hơn.”
Lại hỏi rằng:
“Này Đà-nhiên, Diệâm ma thiên với Đâu-suất-đà thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Đâu-suất-đà thiên tốt đẹp hơn”.
Lại hỏi rằng:
“Này Đà-nhiên, Đâu-suất-đà thiên với Hóa lạc thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Hóa lạc thiên tốt đẹp hơn”.
Lại hỏi rằng:
“Này Đà-nhiên, Hóa lạc thiên với Tha hóa lạc thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Này Đà-nhiên, Tha hóa lạc thiên với Phạm thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”
Đà-nhiên trả lời rằng:
“Phạm thiên là tốt đẹp hơn cả. Phạm thiên là tối thắng”.
Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
“Đức Thế Tôn là bậc tri kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm thất[13]. Nếu một tộc tánh nam tử hay một tộc tánh nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên. Những gì là bốn?
“Này Đà-nhiên, Thánh đệ tử đa văn có tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với bi, hỷ; với xả, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đà-nhiên, đó là Đức Thế Tôn, là Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm thất. Nếu một tộc tánh nam tử hay một tộc tánh nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên”.
Bấy giờ, sau khi giáo hóa cho Đà-nhiên, nói về pháp Phạm thiên, Tôn giả Xá-lê Tử từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Tôn giả Xá-lê Tử từ thành Vương xá đi, chưa đến Trúc lâm vườn Ca-lan-đa, đang nửa đường ấy, Phạm chí Đà-nhiên do tu tập bốn Phạm thất, đoạn dục, xả dục niệm, thân hoại mạng chung sanh lên cõi Phạm thiên.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đang vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lê Tử từ đàng xa đi tới, nói với các thầy Tỳ-kheo rằng:
“Tỳ-kheo Xá-lê Tử là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ[14]; Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã thành tựu thật tuệ. Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã giáo hóa Phạm chí Đà-nhiên, nói về Phạm thiên rồi mới về đây. Nếu lại giáo hóa cao hơn nữa thì người kia mau biết pháp, như pháp[15]“.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Xá-lê Tử, vì sao ông không giáo hóa Phạm chí Đà-nhiên bằng một pháp cao hơn Phạm thiên? Nếu ông giáo hóa cao hơn thì người kia sẽ mau biết pháp, như pháp”.
Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, các Phạm chí từ lâu đời ái trước Phạm thiên, ưa thích Phạm thiên, cho Phạm thiên là rốt ráo, Phạm thiên là tôn quý, thật có Phạm thiên là Phạm thiên của ta. Do đó, bạch Thế Tôn, nên con đã giáo hóa như vậy”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và vô lượng trăm nghìn đại chúng, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.97. Dhānañjāni-suttam.[02] Đà-nhiên 陀 然. Pāli: Dhānañjāna (cũng viết, Dhanañjāni).[03] Pāli: Taṇḍulapālidvārāya Dhānañjāni nāma brahmaṇo atthi, “ở Taṇḍulapālidvāra có một người Bà-la-môn tên là Dhānañjāni”; không nói sự kiện là bạn cũ.[04] Hán: khi cuống 欺 誑. Pāli: rājānaṃ nissāya brāhmaṇagahapatike vilumpati, “dựa thế vua cướp bóc các Bà-la-môn và gia chủ”.[05] Pāli thêm chi tiết: Vợ trước của ông là người có tín tâm, từ gia đình có tín tâm (saddhā saddhākulā ātītā), còn bà vợ sau thì không.[06] Hán: khổ trị cư dân 苦 治 居 民. Pāli: tena kho pana samayena Dhanañjāni brāhmaṇo bahinagare gāvo goṭṭhe dohapeti, “Lúc bấy giờ Bà-la-môn Dhanañjāni đang sai người vắt sữa bò trong chuồng bò ở ngoài thành”.[07] Hán: kim táo quán 金 澡 罐. Pāli: chỉ nói mời uống sữa.[08] Hán: tộc tánh tử 族 姓 子. Pāli: kulaputta, thiện gia nam tử, hay thiện nam tử, người thuộc một trong bốn giai cấp.[09] Hán: như pháp như nghiệp như công đức 如 法 如 業 如 功 德. Pāli: Sahetukā dhammikā kammantā: những nghề nghiệp đúng pháp, có nhân.[10] Bản Pāli không nói tên người vợ. Sự mê hoặc này, trong bản Pāli, là lời tường thuật của vị Tỳ-kheo mà ngài Xá-lợi-phất hỏi thăm các tin tức chứ không phải là lời tự thú của Đà-nhiên.[11] Nam sơn 南 山. Pāli: Dakkhiṇagiri, một ngọn núi ở phía Nam thành Vương xá.[12] Rừng cây siṃsapa; xem các cht. trên. Nam sơn Bắc thôn và Thi-nhiếp-hòa lâm: không rõ các địa danh này.[13] Phạm thất 梵 室, hay Phạm trú 梵 住; Pāli: Brahmavihāra, đời sống (có phẩm tính) như Phạm thiên, hay sống chung với Phạm thiên. Bản Pāli: Brahmāṇaṃ... Sahavyatāya maggaṃ desessāmi, “Ta sẽ nói về con đường dẫn đến cọng trú với Phạm thiên”.[14] Hán: thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ 聰 慧 速 慧 捷 慧 利 慧 廣 慧 深 慧 出 要 慧 明 達 慧 辯 才 慧.
Bản Pāli ở đây không nói các đặc điểm trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, nhưng có thể tìm thấy đoạn tương đương M.iii, tr, 25: Paṇḍito (tuệ thông bác), mahāpānno (đại tuệ), javanapānno (tuệ nhạy bén), tikkhapānno (tuệ sắc bén), nibbedhikapānno (tuệ sâu sắc).[15] Hán: tri pháp như pháp 知 法 如 法;thường gặp trong bản Hán dịch này, mà tương đương Pāli thường là dhamma-anudhamma, pháp và tùy pháp tức những yếu tố phụ thuộc pháp. Đoạn văn này, Pāli tương đương: (...) sati uttarikaraṇīye hine Brahmaloke patiṭṭhāpetvā ..., “trong khi có pháp cao hơn nữa cần chứng, nhưng lạïi xác lập ở Phạm thiên giới...”
-ooOoo-
28. KINH GIÁO HÓA BỊNH[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc[02].
Bấy giờ Trưởng giả Cấp Cô Độc[03] mang bệnh hiểm nghèo. Lúc ấy Trưởng giả Cấp Cô Độc bảo sứ giả rằng:
“Ngươi hãy đi đến chỗ Đức Phật, vì ta mà đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn hỏi thăm sức khỏe, xem Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Rồi nói như vầy: ‘Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không?’ Sau khi ngươi đã vì ta mà thăm hỏi Đức Thế Tôn rồi hãy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, hãy vì ta mà đảnh lễ dưới chân ngài rồi hỏi thăm Tôn giả xem Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Rồi nói như vầy: ‘Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả Xá-lê Tử, thăm hỏi Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang mang bệnh tật rất hiểm nghèo, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lê Tử, nhưng cơ thể quá yếu đuối không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử được. Lành thay, Tôn giả Xá-lê Tử, xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc’.”
Bấy giờ, sau khi vâng lời dạy của Trưởng giả Cấp Cô Độc, sứ giả liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi đứng sang một bên thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không?
Đức Thế Tôn bảo sứ giả rằng:
“Mong cho Trưởng giả Cấp Cô Độc an hưởng khoái lạc. Mong cho chư Thiên, A-tu-la, Kiền-tháp-hòa, La-sát[04] và các chủng lại khác, thân thể được an ổn khoái lạc”.
Bấy giờ sứ giả nghe Phật dạy như thế, ghi nhớ kỹ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi đến Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi sang một bên và thưa rằng:
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Trưởng giả Cấp Cô Độc cúi đầu đảnh lễ dưới chân ngài, xin thăm hỏi Tôn giả Thánh thể có được an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang mang bệnh tật rất hiểm nghèo, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lê Tử, nhưng cơ thể quá yếu đuối, không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử được. Lành thay, Tôn giả Xá-lê Tử, xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc”.
Tôn giả Xá-lê Tử liền im lặng nhận lời. Bấy giờ sứ giả biết Tôn giả Xá-lê Tử đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng rồi ra về.
Sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lê Tử khoác y, ôm bát đi đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy Tôn giả Xá-lê Tử từ đàng xa đi đến, muốn từ giường ngồi dậy. Tôn giả Xá-lê Tử thấy Trưởng giả Cấp Cô Độc muốn từ giường ngồi dậy, liền cản lại rằng:
“Này Trưởng giả, chớ ngồi dậy. Còn giường khác đây, tôi sẽ ngồi riêng”.
Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi lên giường ấy, rồi hỏi rằng:
“Bệnh trạng của Trưởng giả hôm nay thế nào? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn giảm dần không đến nỗi tăng thêm chăng?”
Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời rằng:
“Bệnh tình của con rất nguy kịch, ăn uống chẳng được gì cả. Sự đau đớn chỉ tăng thêm chứ không thấy giảm bớt chút nào”.
Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
“Này Trưởng giả chớ sợ[05]. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si, thành tựu bất tín, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả ngày nay không hề có sự bất tín, mà chỉ có sự thượng tín. Do thượng tín ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thượng tín ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si do ác giới, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác giới, mà Trưởng giả chỉ có thiện giới. Do thiện giới ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện giới ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si không có đa văn, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có sự không đa văn. Do đa văn ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do đa văn ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có sự xan tham, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có xan tham mà chỉ có huệ thí. Do huệ thí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do huệ thí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có ác tuệ, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác tuệ mà chỉ có thiện tuệ. Do thiện tuệ ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện tuệ ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Này Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà kiến, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà kiến mà chỉ có chánh kiến. Do chánh kiến ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh kiến ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà chí[06], thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà chí mà chỉ có chánh chí. Do chánh chí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh chí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà giải, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà giải mà chỉ có chánh giải. Do chánh giải ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh giải ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà thoát, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà thoát mà chỉ có chánh thoát. Do chánh thoát ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh thoát ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà trí, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà trí mà chỉ có chánh trí. Do chánh trí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh trí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn”.
Bấy giờ bệnh trạng của Trưởng giả Cấp Cô Độc liền được thuyên giảm, bình phục như cũ[07], từ chỗ nằm ngồi dậy, khen Tôn giả Xá-lê Tử rằng:
“Lành thay! Lành thay! Ngài thuyết pháp cho bệnh nhân, thật kỳ diệu, thật hy hữu. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, khi con nghe xong bài pháp giáo hóa cho bệnh nhân ấy liền chấm dứt thống khổ, lại sanh khoái lạc vô cùng. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, bây giờ bệnh con đã thuyên giảm hẳn, bình phục như cũ. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, trước kia nhân có chút việc cần làm, con đi đến thành Vương xá, tạm trú trong nhà một Trưởng giả[08]. Lúc ấy vị Trưởng giả kia buổi sáng hôm sau sẽ cúng dường cơm cho Đức Phật và Chúng Tỳ-kheo. Bấy giờ qua đêm ấy, lúc trời gần sáng, vị Trưởng giả kia sai con cháu, nô tỳ, sứ giả và quyến thuộc: ‘Các ngươi hãy dậy sớm, cùng nhau bày biện, trang hoàng’. Những người kia đều vâng lời, cùng nhau xếp việc bếp núc, bày biện cỗ bàn với những loại ngon đẹp. Còn Trưởng giả đích thân trải bày một chỗ ngồi cao, trang nghiêm vô lượng.
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, sau khi thấy vậy, con liền nghĩ thế này: ‘Hôm nay vị Trưởng giả này có việc hôn nhân hay lễ hội rước dâu, hay việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, mà lại sắm sửa tiệc cơm, mở cuộc đãi đằng lớn như vậy?’
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, suy nghĩ như vậy rồi, con liền hỏi vị Trưởng giả kia rằng:
“– Ông vì việc hôn nhân hay vì lễ hội rước dâu, việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, mà lại sắm sửa tiệc cơm, mở cuộc đãi đằng lớn như vậy?
“Lúc ấy vị Trưởng giả kia liền trả lời con rằng:
“– Tôi không phải vì việc hôn nhân, việc thỉnh Quốc vương hay việc mời Đại thần, nhưng tôi sắm sửa tiệc cơm, thi thiết cuộc đại thí, vì sáng nay tôi sẽ cúng cơm cho Đức Phật và chúng Tỳ-kheo.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, vì con chưa từng được nghe danh hiệu Đức Phật, nên khi nghe rồi toàn thân lông dựng ngược. Con lại hỏi rằng:
“– Trưởng giả nói Phật, vậy thế nào là Phật?
“Lúc ấy vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:
“– Ông chưa được nghe sao? Có vị dòng dõi họ Thích, từ giã dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, với lòng tin chí thiết, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chứùng quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Vị ấy được gọi là Phật.
“Con lại hỏi rằng:
“– Trưởng giả vừa nói chúng[09]. Vậy thế nào là đại chúng?
“Bấy giờ vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:
“– Còn có rất nhiều vị, có dòng họ và tông tộc khác nhau, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, với lòng tin chí thiết, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để theo Phật đạo. Đó gọi là Chúng. Đức Phật và chúng ấy, tôi sắp thỉnh đến.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con lại hỏi vị Trưởng giả ấy rằng:
“– Đức Thế Tôn bây giờ đang ở nơi nào? Tôi muốn đi đến thăm.
“Bấy giờ vị Trưởng giả kia trả lời con rằng:
“– Đức Thế Tôn hiện đang ở thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Ông có muốn đến đó thì tùy ý.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, lúc ấy con nghĩ thế này: “Mong cho mau sáng để nhanh chóng đi đến thăm Phật. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, bấy giờ với tâm chí thành, con muốn đến thăm Phật, nên lúc đang đêm ấy mà tưởng đã sáng rồi, liền từ nhà vị Trưởng giả kia ra đi, đến trạm dừng nơi cổng thành[10]. Bấy giờ tại trạm dừng nơi cổng thành có hai người lính gác, một người gác đầu hôm thì cho hành khách bên ngoài vào thành, không làm trở ngại gì, một người gác cuối đêm thì cho hành khách ở trong thành đi ra cũng không làm trở ngại gì. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con lại nghĩ thế này: ‘Đêm hãy còn chưa sáng lắm. Vì sao vậy? Vì ở tại cổng thành có hai người lính gác; một người gác đầu hôm thì cho hành khách bên ngoài vào thành, không làm trở ngại gì; một người gác cuối đêm thì cho hành khách ở trong thành đi ra cũng không làm trở ngại gì’. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con vượt qua trạm dừng chân ở cửa thành để đi ra bên ngoài không lâu, ánh sáng biến mất và trời tối hẳn lại. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, toàn thân lông dựng ngược, con liền sợ hãi, mong sao đừng có người nào hay loài phi nhân đến xúc nhiễu con. Bấy giờ, tại trại dừng chân ở cửa thành có một vị trời[11], từ thành Vương xá đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà, ánh sáng tỏa chiếu khắp nơi, đến bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, chớ sợ. Vì sao vậy? Tôi kiếp trước đây vốn là bằng hữu của ông, tên thật là Mật Khí[12], vào lúc còn trẻ tuổi chúng ta rất yêu mến nhau. Này Trưởng giả, thuở xưa ấy, tôi đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết pháp cho tôi, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho tôi rồi, ngài ban cho tôi pháp ba tự quy, và trao cho năm giới. Này Trưởng giả, tôi do ba tự quy y và thọ trì năm giới, nên khi thân hoại mạng chung sanh lên trời Tứ vương thiên, sống ở trong trạm dừng tại cổng thành này. Trưởng giả hãy đi mau lên, Trưởng giả hãy đi vội lên, quả thật đi tốt hơn là đứng lại.
“Vị trời ấy nói lên bài kệ để khuyên con như sau:
“Được trăm ngựa, nữ tỳ,Trăm xe đầy châu báu;Không bằng phần mười sáuMột bước đi đến Phật.Trăm voi trắng tối thượng,Thắng yên cương vàng bạc;Không bằng phần mười sáuMột bước đi đến Phật.Trăm nữ nhân đẹp đẽ,Đeo chuỗi ngọc tràng hoa;Không bằng phần mười sáu,Một bước đi đến Phật.Chuyển luân vương kính trọngBáu ngọc nữ bậc nhất;Không bằng phần mười sáu,Một bước đi đến Phật.
“Vị trời nói tụng xong, rồi khuyên con rằng:
“– Này Trưởng giả, đi nhanh lên. Này Trưởng giả, đi nhanh lên. Quả thật đi tốt hơn đứng lại.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con lại nghĩ thế này: ‘Đức Phật có ân đức che chở bao trùm. Pháp và Chúng Tỳ-kheo cũng có ân đức bao trùm. Vì sao vậy, cho đến bậc trời cũng muốn ta đến yết kiến’. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con do ánh sáng ấy mà đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm còn chưa sáng tỏ, Đức Thế Tôn từ thiền thất đi ra, kinh hành ở khoảng đất trống để chờ con. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, từ xa con trông thấy Đức Thế Tôn đẹp đẽ trang nghiêm như mặt trăng giữa các vì tinh tú, ánh sáng chói lọi rực rỡ, sáng rực như tòa núi toàn vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần vời vợi, các căn tịch tĩnh, chẳng có gì che khuất, thành tựu điều ngự, tức tâm tĩnh mặc. Con thấy rồi liền hoan hỷ đi đến trước Đức Phật, đảnh lễ sát dưới chân, rồi kinh hành theo Ngài, theo pháp của bậc Trưởng giả mà nói bài tụng thăm hỏi rằng:
“Thế Tôn ngủ an ổn,Đến trọn đêm khỏe chăng?Như Phạm chí diệt độ,Vì không nhiễm trước dục.Xả ly tất cả nguyện,Được an ổn vô cùng.Tâm trừ không nóng bứcNgủ an lạc vui vẻ.
“Bấy giờ Đức Thế Tôn vừa đi đến cuối đường kinh hành, liền trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử. Lúc ấy, con đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho con rồi, như pháp thông lệ của chư Phật, trước nói pháp đoan chánh, để người nghe hoan hỷ. Đó là nói thí, nói giới, nói pháp sanh thiên, chê dục vọng là tai họa, sanh tử là nhơ uế; ngợi khen vô dục là đạo phẩm vi diệu, bạch tịnh. Đức Thế Tôn nói những pháp như vậy cho con nghe rồi, Đức Phật biết con có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm vươn lên, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không che lấp, có khả năng kham thọ chánh pháp, nghĩa là những điều chánh yếu nào mà chư Phật nói ra; Thế Tôn liền nói: Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho con. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, ngay khi con ngồi đấy đã thấy được bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như tấm vải trắng dễ nhuộm thành màu sắc, con cũng như vậy, ngay trên chỗ đang ngồi đã thấy bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con đã thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, độ hoặc, không còn tôn sùng ai, cũng chẳng theo người khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được sự không sợ hãi đối với giáo pháp Đức Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:
“– Bạch Thế Tôn, con hôm nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Xin nguyện Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắùc; bắt đầu từ hôm nay sẽ trọn đời tự quy y, cho đến lúc mạng chung.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con liền chắp tay thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, ngưỡng mong Thế Tôn nhận lời mời của con cùng Chúng Tỳ-kheo đến nước Xá-vệ để an cư mùa mưa.
“Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi con rằng:
“– Ông tên là gì, nhân dân nước Xá-vệ gọi ông là gì?
“Con liền trả lời rằng:
“– Con tên là Tu-đạt-đa[13]. Vì con thường cung cấp cho những người cô độc, do đó nhân dân nước Xá-vệ gọi con là Cấp Cô Độc[14].
“Bấy giờ Đức Thế Tôn lại hỏi con rằng:
“– Tại nước Xá-vệ, ông đã có phòng xá gì chưa?
“Con trả lời rằng:
“– Tại nước Xá-vệ con chưa có phòng xá gì cả.
“Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo con rằng:
“– Nếu có phòng xá thì các Tỳ-kheo mới có thể vãng lai, mới có thể trú ngụ được.
“Con lại thưa rằng:
“– Thật vậy, bạch Thế Tôn. Vì thế con sẽ xây cất phòng xá để các thầy Tỳ-kheo có thể vãng lai, và có thể trú ngụ nước Xá-vệ. Mong Đức Thế Tôn cho một vị đến giúp con.
“Bấy giờ Đức Thế Tôn liền sai Tôn giả Xá-lê Tử; khiến Tôn giả Xá-lê Tử đến giúp đỡ[15].
“Bấy giờ sau khi nghe Đức Phật dạy xong, con khéo léo ghi nhớ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Phật, đi quanh ba vòng rồi ra về.
“Khi công việc cần làm tại thành Vương xá đã hoàn tất, con cùng Tôn giả Xá-lê Tử đi đến nước Xá-vệ. Nhưng không vào nước Xá-vệ, cũng chẳng trở về nhà mà lập tức đi dạo khắp nơi bên ngoài thành để xem chỗ nào có thể đi lại tốt nhất, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì tịch tĩnh, không có muỗi mòng, cũng không ruồi bọ, không lạnh, không nóng, có thể xây phòng xá để cúng dường Đức Phật và đại chúng.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, bấy giờ con chỉ thấy vườn của Thắng Đồng tử[16] là đi lại tốt nhất, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì tịch tĩnh, không có muỗi mòng, cũng không ruồi bọ, không lạnh, không nóng. Con thấy rồi liền suy nghĩ thế này: ‘Chỉ có chỗ này là tốt nhất để xây cất phòng xá để cúng dường Phật và đại chúng’. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, lúc ấy con vào nước Xá-vệ, nhưng cũng chưa về nhà, liền đi đến chỗ Thắng Đồng tử thưa rằng:
“– Thưa Đồng tử, ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi không?
“Bấy giờ Đồng tử bảo con rằng:
“– Trưởng giả nên biết, tôi không bán khu vườn đâu.
“Cứ như vậy lần hai rồi lần ba, con thưa rằng:
“– Thưa Đồng tử, ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi không?
“Bấy giờ Đồng tử cũng lại lần thứ hai, lần thứ ba bảo rằng:
“– Tôi không bán khu vườn đâu. Chỉ khi nào ức ức[17] trải đầy.
“Con liền thưa rằng:
“– Này Đồng tử, ngài đã quyết định giá cả, chỉ còn việc trao tiền nữa thôi.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, người thì nói đã quyết định giá cả, người thì nói chưa quyết định giá cả, cùng nhau tranh tụng lớn. Rồi dắt nhau đến pháp đình[18] nước Xá-vệ để phán quyết về việc này. Bấy giờ vị pháp quan[19] nước Xá-vệ bảo Thắng Đồng tử rằng:
“– Này Đồng tử, thế là ngươi đã quyết định giá cả rồi, chỉ còn việc nhận tiền nữa thôi.
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, con liền vào nước Xá-vệ, trở về nhà lấy tiền, dùng voi ngựa và xe cộ để chuyên chở các kho lẫm đem đến, đã xuất ra tới ức ức để trải khắp mặt đất, nhưng còn vài chỗ chưa khắp đến. Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, con nghĩ như vầy: Nên xuất ở kho nào nữa để đem đến trải khắp chỗ dư này, không thừa cũng không thiếu? Bấy giờ Thắng Đồng tử liền bảo con rằng:
“– Này Trưởng giả, nếu có ăn năn về số tiền này thì hãy tự mang trở về, khu vườn trả lại cho tôi.
“Con bảo với Đồng tử rằng:
“– Quả thật tôi không có ăn năn; mà tôi còn suy nghĩ xem nên lấy ở kho nào nữa để mang trải khắp chỗ dư này không thừa cũng không thiếu.
“Bấy giờ Thắng đồng tử liền suy nghĩ như vầy: ‘Đức Thế Tôn hẳn là một bậc cao cả, có đức hựu lớn. Pháp và Đại chúng Tỳ-kheo hẳn cũng là rất cao cả, có đức hựu lớn. Vì sao thế? Vì có vậy mới làm cho Trưởng giả thi thiết sự cúng dường vĩ đại, coi rẻ của cải đến thế. Nay ta có lẽ xây cất nhà cổng ngay nơi này để cúng dường Đức Phật và Đại chúng Tỳ-kheo’. Rồi Thắng Đồng tử liền bảo vói con rằng:
“– Này Trưởng giả, hãy thôi đi, đừng xuất tiền để trả khoảng đất còn lại nữa. Vì ngay chỗ này tôi sẽ cất cất nhà cổng cúng dường Đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, vì lòng từ mẫn nên con đồng ý để lại chỗ ấy cho Thắng Đồng tử.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, rồi ngay trong mùa hạ ấy, con cho xây mười sáu dãy nhà lớn[20], sáu mươi câu-hi[21]. Tôn giả Xá-lê Tử giúp đỡ con việc ấy. Thế nhưng Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp để giáo hóa người bệnh, còn rất kỳ diệu, hy hữu hơn. Con nghe bài pháp giáo hóa người bệnh này rồi, bệnh khổ quá nặng nề ấy liền được giảm bớt, lại phát sanh ra sự an lạc vô cùng.
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, bây giờ con không còn bệnh nữa, và được an ổn. Mong Tôn giả Xá-lê Tử ở lại đây thọ trai”.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử im lặng nhận lời. Lúc ấy Trưởng giả biết Tôn giả Xá-lê Tử đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình lấy nước rửa, đem tất cả các thứ đồ ăn ngon, tinh khiết, dồi dào, các loại nhai và nuốt[22], tự tay dọn sớt, cho đến khi Tôn giả được no đủ. Ăn xong, dọn dẹp và lấy nước rửa tay xong, ông trải một chỗ ngồi nhỏ, ngồi riêng để nghe pháp.
Sau khi Trưởng giả ngồi xong, Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho ông khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyên bảo, khích lệ, thành tựu hoan hỷ cho Trưởng giả rồi, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh trước sau. Từ đàng xa Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lê Tử đi lại, liền bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thành tựu thật tuệ[23]. Vì sao vậy? Vì về bốn hạng Tu-đà-hoàn[24] mà ta đã nói sơ lược, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất triển khai thành mười hạng để nói cho Trưởng giả Cấp Cô Độc.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật nói xong hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli, M.143. Ānathapiṇḍikovāda-sutta. Biệt dịch No.125(51.8), Tăng Nhất 49, “phẩm Phi Thường, kinh số 8” (Đại 2, tr.819).[02] Xá-vệ quốc, Thắng lâm, Cấp cô độc viên 舍 衛 國 勝 林 給 孤 獨 園. Pāli: Sāvatthiyaṃ Jetavane Anāthapiṇḍikassa ārame.[03] Trưởng giả Cấp Cô Độc 長 者 給 孤 獨; Pāli, Ānathapiṇḍika, đại phú hộ đã dựng một tịnh xá tại rừng Thắng lâm (Jetavana) để cúng dường Phật.[04] A-tu-la, Kiền-tháp-hòa, La-sát 阿 修 羅, 犍 塔 惒, 羅 刹. Pāli: asura, gandhabba, rakkhasa.[05] Nội dung bài thuyết pháp sau đây không đồng nhất với bản Pāli tương đương.[06] Tà chí 邪 志, tức tà tư duy, đối lập với chánh tư duy trong Thánh đạo tám chi.[07] Bản Pāli, sau đó, khi Sāriputta đi khỏi, Trưởng giả Cấp Cô Độc mạng chung.[08] Từ đây trở xuống, nội dung tương đương được tìm thấy trong luật bộ Pāli.[09] Chúng 眾, tức tăng(-già), Pāli: saṃgha.[10] Hán: Thành tức môn 城 息 門; Pāli: Sivakadvāra.[11] Pāli, đã dẫn, một Dạ-xoa tên là Sīvaka.[12] Mật khí 蜜 (密) 器.[13] Tu-đạt-đa 須 達 多. Pāli, VI. đã dẫn, chép ngay khi vừa trong thấy Trưởng giả, Phật gọi ngay tên “Sudatta, hãy đến đây, Sudattā”, sự kiện này khiến ông phấn khởi.[14] Cấp Cô Độc 給 孤 獨. Pāli: Anāthapiṇḍika.[15] Các chi tiết liên hệ luật tạng. Luật Pāli và bản hán khác nhau.[16] Thắng Đồng tử 勝 童 子. Vin.ii.154ff. Jetakomara, con trai vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), về sau bị vua Vidudabha người em trai cùng cha khác mẹ giết vì khước từ tham gia cuộc chiến tàn sát dòng họ Thích. Các phiên âm quen thuộc khác: Kỳ-đà Thái tử 衹 陀 太 子, Thê-đa 逝 多.[17] Cả Vin.ii. đã dẫn, cũng không nói loại tiền gì.[18] Hán: đại quyết đoán xứ 大 決 斷 處.[20] Hán: đại ốc 大 屋, tức Pāli: vihāra (tinh xá).[21] Hán: câu-hi 拘 絺, tức Pāli: koṭṭhaka, chỉ nhà kho, phòng hay phòng kín.[22] Hán: thực đạm hàm tiêu 食 噉 含 消, loại thực phẩm cần phải cắn, và loại ngậm cho tiêu.[23] Xem cht.14, kinh số 27.[24] Có lẽ là bốn Dự lưu chi: 1/ Thân cận thiện xứ, 2/ Kiến văn chánh pháp, 3/ Như lý tác ý, 4/ Pháp tùy pháp hành, mà ngài Xá-lợi-phất đã quảng diễn thành mười, như trong kinh: 1/ Tín, 2/ Giới, 3/ Đa văn, 4/ Huệ thí, 5/ Thiện tuệ, 6/ Chánh kiến, 7/ Chánh trí, 8/ Chánh giải, 9/ Chánh thoát, 10/ Chánh trí. Chỉ bốn “Nhập lưu phần”, Tạp A-hàm 30. Đại 30, tr.843.
-ooOoo-
29. KINH ĐẠI CÂU-HI-LA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả Xá-lê Tử từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hi-la[02], chào hỏi lẫn nhau, rồi ngồi xuống một bên.
Tôn giả Xá-lê Tử nói với Tôn giả Đại Câu-hi-la như vầy:
“Tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho chăng?”
Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, ngài muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ”.
Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:
“Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó mà Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh[03] và thể nhập chánh pháp không?”
Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:
“Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện.
“Thế nào là biết bất thiện? Ác hành của thân là bất thiện, áùc hành của khẩu là bất thiện, và ác hành của ý là bất thiện. Đó là biết bất thiện.
“Thế nào là biết bất thiện căn? Tham là căn của bất thiện, nhuế, và si là căn của bất thiện. Đó là biết căn của bất thiện.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?
“Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết thiện và biết căn của thiện.
“Thế nào là biết thiện? Diệu hành của thân là thiện. Diệu hành của ý và khẩu là thiện. Đó là biết thiện.
“Thế nào là biết căn của thiện? Vô tham là căn của thiện, vô nhuế và vô si là căn của thiện. Đó là biết căn của thiện.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết thiện và biết thiện căn như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Nghĩa là Tỳ-kheo biết như thật về thức ăn, biết như thật về tập của thức ăn, thực diệt và thực diệt đạo của thức ăn[04].
“Thế nào là biết như thật về thức ăn? Có bốn loại thức ăn: Một là đoàn thực, thô và tế[05]; hai là xúc thực[06]; ba là ý tư thực[07]; bốn là thức thực[08]. Đó là biết như thật về thức ăn.
“Thế nào là biết như thật về tập của thức ăn[09]? Do ái mới có thức ăn. Đó là biết như thật về tập của thức ăn.
“Thế nào là biết như thật về diệt của thức ăn? Ái diệt tức là thức ăn diệt. Đó là biết như thật về diệt của thức ăn.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thức ăn[10]? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho tới chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của thức ăn.
“Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về thức ăn, biết như thật về tập của thức ăn, thực diệt và thực diệt đạo của thức ăn như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về lậu, biết như thật về lậu tập của lậu, diệt của lậu và diệt đạo của lậu.
“Thế nào là biết như thật về lậu? Có ba lậu là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu[11]. Đó là biết như thật về lậu.
“Thế nào là biết như thật về tập của lậu? Do vô minh mới có lậu. Đó là biết như thật về tập của lậu.
Thế nào là biết như thật về diệt của lậu? Do vô minh diệt thì lậu diệt. Đó là biết như thật về diệt của lậu.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của lậu? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho tới chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của lậu.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về lậu, biết như thật về lậu tập của lậu, diệt của lậu và diệt đạo của lậu như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về khổ, biết như thật về khổ tập, khổ diệt và khổ diệt đạo.
“Thế nào là biết như thật về khổ? Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, sở cầu bất đắc khổ, nói tóm lại ngũ thạnh ấm khổ. Đó là biết như thật về khổ.
“Thế nào là biết như thật về khổ tập? Do lão tử mới có khổ. Đó là biết như thật về khổ tập.
“Thế nào là biết như thật về khổ diệt? Lão tử diệt tức khổ diệt. Đó là biết như về khổ diệt.
“Thế nào là biết như thật về khổ diệt đạo? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về khổ diệt đạo.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về khổ. Biết như thật về khổ tập, khổ diệt và khổ diệt đạo như vậy. Đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về già chết, biết như thật về tập khởi của già chết, diệt của già chết và diệt đạo của già chết.
“Thế nào là biết như thật về già? Đó là, người kia già cả, đầu bạc, răng rụng, sự cường tráng càng ngày càng suy giảm, thân còng, chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo rút, da nhăn như cây gai, các căn rụng rời, nhan sắc xấu xí. Đó là biết như thật về già.
“Thế nào là biết như thật về chết? Đó là, chúng sanh kia và tất cả chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, khi mạng chung, cơn vô thường đến, thì chết rồi chôn và tan rã, tuổi thọ chấm dứt và bị phá hoại, mạng căn bế tắc; đó là của chết. Trước kia là nói về già, đây là nói về chết. Đó gọi là lão tử. Đó là biết như thật về lão tử.
“Thế nào là biết như thật về tập của già chết? Đó là, do sanh mà có già chết. Đó là biết như thật về tập của già chết.
“Thế nào là biết như thật về diệt của già chết? Đó là, sanh diệt tức già chết diệt. Đó là biết như thật về diệt của già chết.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của già chết? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của già chết.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về già chết. Biết như thật về tập của già chết, lão tử diệt của già chết và diệt đạo của già chết như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về sanh, biết như thật về tập của sanh, diệt của sanh và diệt đạo của sanh.
“Thế nào là biết như thật về sanh? Đó là, chúng sanh kia và tất cả chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, đến lúc sanh thì sanh, đến lúc xuất thì xuất, đến lúc thành thì thành; khi phát khởi năm ấm liền có mạng căn. Đó là biết như thật về sanh.
“Thế nào là biết như thật về tập của sanh? Do hữu mà có sanh. Đó là biết như thật về tập của sanh.
“Thế nào là biết như thật về diệt của sanh? Hữu diệt tức sanh diệt. Đó là biết như thật về diệt của sanh.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của sanh? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của sanh.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về sanh. Biết như thật về tập của sanh, diệt của sanh và diệt đạo của sanh như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về hữu, biết như thật về tập của hữu, diệt của hữu và diệt đạo của hữu.
“Thế nào là biết như thật về hữu? Có ba hữu: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu[12]. Đó là biết như thật về hữu.
Thế nào là biết như thật về tập của hữu? Do thủ[13] mà có hữu. Đó là biết như thật về hữu tập.
Thế nào là biết như thật về hữu diệt? Thủ diệt tức hữu diệt. Đó là biết như thật về hữu diệt.
Thế nào là biết như thật về hữu diệt đạo? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về hữu diệt đạo?
Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về hữu, biết như thật về hữu tập, hữu diệt và hữu diệt đạo như vậy. Đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thủ, biết như thật về thủ tập, thủ diệt và thủ diệt đạo.
“Thế nào là biết như thật về thủ? Đó là bốn thủ[14]: dục thủ, giới thủ, kiến thủ và ngã thủ. Đó là biết như thật về thủ.
“Thế nào là biết như thật về tập của thủ? Do ái mà có thủ. Đó là biết như thật về tập của thủ.
“Thế nào là biết như thật về diệt của thủ? Nghĩa là ái diệt thì thủ diệt. Đó là biết như thật về diệt của thủ.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thủ? Tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của thủ.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về thủ, biết như thật về tập của thủ, diệt của thủ và diệt đạo của thủ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về ái, biết như thật về tập của ái, diệt của ái và diệt đạo của ái.
“Thế nào là biết như thật về ái? Có ba ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái[15]. Đó là biết như thật về ái.
“Thế nào là biết như thật về tập của ái? Do thọ[16] mà có ái. Đó là biết như thật về tập của ái.
“Thế nào là biết như thật về diệt của ái? Thọ diệt tức ái diệt. Đó là biết như thật về diệt của ái.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của ái? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của ái.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật về ái, biết như thật về tập của ái, diệt của ái và diệt đạo của ái như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thọ, biết như thật về tập của thọ, diệt của thọ và diệt đạo của thọ.
“Thế nào là biết như thật về thọ? Có ba thọ: lạc thọ[17], khổ thọ và bất lạc bất khổ thọ. Đó là biết như thật về thọ.
“Thế nào là biết như thật về tập của thọ? Do xúc[18] mà có thọ. Đó là biết như thật về tập của thọ.
“Thế nào là biết như thật về diệt của thọ? Do xúc diệt nên thọ diệt. Đó là biết như thật về diệt của thọ.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thọ? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết như thật về diệt đạo của thọ.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về thọ, biết như thật về tập của thọ, diệt của thọ và diệt đạo của thọ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về xúc, biết như thật về tập của xúc, diệt của xúc và diệt đạo của xúc.
“Thế nào là biết như thật về xúc? Có ba xúc[19]: lạc xúc, khổ xúc và bất lạc bất khổ xúc. Đó là biết như thật về xúc.
“Thế nào là biết như thật về tập của xúc? Do sáu xứ mà có xúc. Đó là biết như thật về tập của xúc.
“Thế nào là biết như thật về diệt của xúc? Sáu xứ diệt tức xúc diệt. Đó là biết như thật về diệt của xúc.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của xúc? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của xúc.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về xúc, biết như thật về tập của xúc, diệt của xúc và diệt đạo của xúc như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về sáu xứ[20], biết như thật về tập của sáu xứ, diệt của sáu xứ và diệt đạo của sáu xứ.
“Thế nào là biết như thật về sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Đó là biết như thật về sáu xứ.
“Thế nào là biết như thật về tập của sáu xứ? Do danh sắc mà có sáu xứ. Đó là biết như thật về tập của sáu xứ.
“Thế nào là biết như thật về diệt của sáu xứ? Danh sắc diệt tức sáu xứ diệt. Đó là biết như thật về diệt của sáu xứ.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của sáu xứ? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của sáu xứ.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về sáu xứ, biết như thật về tập của sáu xứ, diệt của sáu xứ và diệt đạo của sáu xứ như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử, đó là có Tỳ-kheo biết như thật về danh sắc[21], biết như thật về tập của danh sắc, diệt của danh sắc và diệt đạo của danh sắc.
“Thế nào là biết như thật về danh sắc? Đó là bốn ấm phi sắc[22] là danh. Thế nào là biết về sắc? Bốn đại[23] và sắc do bốn đại tạo[24]. Đây là nói về sắc, trước đó nói về danh, đó là danh sắc. Đó là biết như thật về danh sắc.
Thế nào là biết như thật về tập của danh sắc? Do thức mà có danh sắc. Đó là biết như thật về tập của danh sắc.
“Thế nào là biết như thật về diệt của danh sắc? Thức diệt tức danh sắc diệt? Đó là biết như thật về diệt của danh sắc.
Thế nào là biết như thật về diệt đạo của danh sắc? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của danh sắc.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về danh sắc, biết như thật về tập của danh sắc, diệt của danh sắc và diệt đạo của danh sắc như vậy. Đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về thức[25], biết như thật về tập của thức, diệt của thức và diệt đạo của thức.
“Thế nào là biết như thật về thức? Có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Đó là biết như thật về thức.
“Thế nào là biết như thật về tập của thức? Do hành mà có thức. Đó là biết như thật về tập của thức.
“Thế nào là biết như thật về diệt của thức? Hành diệt tức thức diệt. Đó là biết như thật về diệt của thức.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của thức? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của thức.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về thức, biết như thật về tập của thức, diệt của thức và diệt đạo của thức như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về hành[26], biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành.
“Thế nào là biết như thật về hành? Có ba hành[27]: thân hành, khẩu hành và ý hành. Đó là biết như thật về hành.
“Thế nào là biết như thật về tập của hành? Do vô minh mà có hành. Đó là biết như thật về tập của hành.
“Thế nào là biết như thật về diệt của hành? Vô minh diệt tức hành diệt. Đó là biết như thật về diệt của hành.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của hành? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của hành.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về hành, biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hi-la, nếu có Tỳ-kheo mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy còn phải làm những gì nữa?”
Tôn giả Đại Câu-hi-la trả lời rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có thầy Tỳ-kheo mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy không còn gì phải làm nữa”.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hi-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Hai vị Tôn giả cùng nhau nói về nghĩa như vậy, thảy đều hoan hỷ phụng hành, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 7. Tương đương Pāli, không tìm thấy tương đương chính xác; A. IX. 13 Koṭihita, A.IV. 174 Koṭṭhika, ghi giữa cuộc thảo luận giữa ngài Mahākoṭṭhika và Sāriputta với nội dung không hoàn toàn đồng nhất với bản Hán này.[02] Đại Câu-hi-la 大 拘 絺 羅. Pāli: Mahākoṭṭhita, hoặc Mahākoṭṭhika.[03] Bất hoại tịnh 不 壤 淨. Pāli: avecca-pasāda, cũng nói là bất động tín, bất hoại tín, hay chứng tịnh; tín tâm không thể bị lay chuyển; đức tin trong sáng. Có bốn bất hoại tín (chứng tịnh): tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin Thánh giới.[04] Thực 食. Pāli: āhāra. Có bốn loại thức ăn; xem các cht. dưới.[05] Đoàn thực thô tế 摶 食 粗 細, thức ăn được nắn lại hay vo tròn (theo tục ăn bốc); thức ăn vật chất, gồm loại cứng và loại mềm tức cố thể và chất lỏng; Pāli: kabaliṅkāro āhāro oḷāriko vā sukkumo.[06] Nguyên-Hán: canh lạc thực 更 樂 食, hay xúc thực, thức ăn là sự xúc chạm, chỉ sự tiếp xúc giữa căn và cảnh. Pāli: phasso āhāro.[07] Ý tư thực 意 思 食, hay tư niệm thực, thức ăn là tư duy của ý thức. Pāli: manosañcetanā-āhāro.[08] Thức thực 識 食, thức ăn là sự nhận thức, phân biệt. Pāli: viññāṇaṃ āhāro.[09] Hán: thực tập 食 集. Pāli: āhāra-samudaya, sự tập khởi hay khởi nguyên của thức ăn.[10] Hán: thực diệt đạo 食 滅 道. Pāli: āhāra-nirodha-gāminipṭipadā, sự thực hành dẫn đến chỗ diệt trừ thức ăn.[11] Ba lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu 欲 漏, 有 漏, 無 明 漏. Pāli: kāma-āsavā, bhava-āsavā, avijjā-āsavā.[12] Ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu 欲 有, 色 有, 無 色 有. Pāli: kāma-bhava, rūpa-bhava, ārūpa-kāma.[13] Nguyên-Hán: thọ 受. Pāli: upādāna.[14] Hán: tứ thọ 四 受. Bốn thọ hay bốn thủ: dục thủ 欲 取, giới (cấm) thủ 戒 (禁) 取, kiến thủ 見 取, ngã (ngữ) thủ 我 (語) 取. Pāli: cattārimāni upādānāni, kāmupādānaṃ diṭṭhupādānaṃ sīlabbatupādanaṃ attavādupādānaṃ.[15] Ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái 欲 愛, 色 愛, 無 色 愛. Pāli: kāma-taṇhā, rūpa-taihā, arūpa-taṇhā.[16] Nguyên-Hán: giác 覺; Pāli: vedanā.[17] Hán: ba giác, tức ba thọ: khổ thọ 苦 受, lạc thọ 樂 受, bất khổ bất lạc thọ 不 苦 不 樂 受. Pāli: tisso vedanā, sukhā vedanā dukkhā vedanā adukkhamasukhā vedanā.[18] Hán: canh lạc 更 樂. Pāli: phassa.[19] Hán: ba canh lạc: lạc canh lạc 樂 更 樂, khổ canh lạc 苦 更 樂, bất lạc bất khổ canh lạc 不 樂 不 苦 更 樂.[20] Lục xứ 六 處. Pāli: cha ayātana.[21] Danh sắc 名 色. Pāli: nāma-rūpa.[22] Tứ phi sắc ấm (hay uẩn) 四 非 色 陰. Pāli: cattāro arūpakkhandhā, gồm thọ, tưởng, hành và thức.[23] Tứ đại 四 大. Pāli: cattāro mahābhūtā.[24] Tứ đại tạo vi sắc 四 大 造 為 色. Pāli: catumaṃ mahābhūtānaṃ upādāya rūpaṃ.[25] Thức 識. Pāli: viññāṇa.[26] Hành 行. Pāli: saṃkhāra.[27] Ba hành: thân hành 身 行, khẩu hành 口 行, ý hành 意 行. Pāli: tayo saṃkhāra, kāyasaṃkhāro vacīsaṃkhāro cittasaṃkhāro.
-ooOoo-
30. KINH TƯỢNG TÍCH DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, nếu có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế[02]. Nghĩa là, trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất. Vì sao thế? Vì nhiếp thọ tất cả các thiện pháp.
“Này chư Hiền, cũng như trong các dấu chân của loài thú vật, dấu chân voi là bậc nhất. Vì sao thế? Vì dấu chân voi rất là to lớn vậy.
“Cũng vậy, này chư Hiền, có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất.
“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo Thánh đế.
“Này chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế[03]? Đó là, sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét mà tự hội là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ, nói tóm lược năm thủ uẩn là khổ[04].
“Này chư Hiền, những gì là năm thủ uẩn? Đó là sắc thủ uẩn, thọ, tưởng hành và thức thủ uẩn.
“Này chư Hiền, cái gì là sắc thủ uẩn? Những gì có sắc, tất cả đều là bốn đại và bốn đại tạo[05].
“Này chư Hiền, những gì là bốn đại? Đó là địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới[06].
“Này chư Hiền, cái gì là địa giới? Chư Hiền, địa giới có hai, có nội địa giới và có ngoại địa giới.
“Này chư Hiền, những gì là nội địa giới[07]? Đó là, những gì ở trong thân, được thâu nhiếp trong thân như vật cứng, có tính chất cứng, được chấp thọ bên trong[08]. Đó là những gì? Đó là tóc, lông, móng, răng, da thô và mịn, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, lá lách, ruột, bao tử, phẩn và những thứ khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong, có tính chất cứng, bị chấp thủ bên trong. Đó là nội địa giới.
“Này chư Hiền, ngoại địa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm[09]. “Này chư Hiền, có lúc bị thủy tai, khi ấy ngoại địa giới tiêu diệt[10].
“Này chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, kéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu[11], lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.
“Này chư Hiền, cái gì là thủy giới[12]? Chư Hiền, thủy giới có hai; có nội thủy giới và có ngoại thủy giới. Chư Hiền, cái gì là nội thủy giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là mỡ, óc[13], nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, tủy, nước dãi, nước tiểu, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội thủy giới.
“Này chư Hiền, ngoại thủy giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm. “Này chư Hiền, có lúc bị hỏa tai, khi ấy ngoại thủy giới tiêu diệt[14].
“Này chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch[15], huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này[16]. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia[17]’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người thơ ấu, niên thếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn, xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả Đại.
“Này chư Hiền, thế nào là hỏa giới? Này chư Hiền, hỏa giới có hai; có nội hỏa giới và có ngoại hỏa giới. Này chư Hiền, thế nào là nội hỏa giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân, những gì là lửa, có tính chất nóng, được chấp thủ trong thân. Đó là những gì? Đó là, thân nóng hấp, thân nóng bức, bức rức, ấm áp, và sự tiêu hóa ẩm thực, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, thuộc tính nóng, được chấp thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội hỏa giới.
“Này chư Hiền, ngoại hỏa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.
“Này chư Hiền, có lúc khi ngoại hỏa giới phát khởi, nó đốt cháy thôn ấp, thành quách, núi rừng, đồng ruộng; cháy như vậy rồi lan đến đường cái, đến sông nước, cho đến khi không còn gì cháy mới tắt. Chư Hiền, sau khi ngoại hỏa giới diệt, nhân dân muốn lấy lửa hoặc dùng gỗ hay tre cọ vào nhau, hoặc dùng đá lửa bằng châu ngọc[18].
“Này chư Hiền, ngoại hỏa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận dữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: Giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả Đại.
“Này chư Hiền, thế nào là phong giới? Này chư Hiền, ở đây phong giới có hai; có nội phong giới và ngoại phong giới. Này chư Hiền, thế nào là nội phong giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là gió đi lên, gió đi xuống, gió trong bụng, gió ngang[19], gió co thắt lại, gió như dao cắt[20], gió nhảy lên, gió phi đạo, gió thổi qua tay chân, gió của hơi thở ra, gió của hơi thở vào, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, được chấp thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội phong giới.
“Này chư Hiền, ngoại phong giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.
“Này chư Hiền, có lúc ngoại phong giới phát khởi lên. Khi ngoại phong giới phát khởi thì nhà sập, cây bị tróc, núi lở; khi núi non đã lở rồi, gió liền dừng lại, mảy lông cũng chẳng lay động. Này chư Hiền, sau khi ngoại phong giới dừng lại, nhân dân tìm kiếm gió, hoặc dùng quạt, hặc dùng lá đa, hoặc dùng áo tìm gió.
“Này chư Hiền, ngoại phong giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả Đại.
“Này chư Hiền, cũng như nhờ cây gỗ, nhờ bùn đất, nhờ cỏ và nước, che kín trong một khoảng không nên sanh ra cái tên gọi là ‘nhà’. Chư Hiền, nên biết, thân này cũng lại như vậy, nhờ gân cốt, nhờ da dẻ, nhờ thịt, máu bao bọc một khoảng không nên sanh ra cái tên gọi là ‘thân’.
“Này chư Hiền, như có người bị hư nhãn xứ bên trong, nên ngoại sắc không được ánh sáng rọi đến, thành ra không có niệm và nhãn thức không phát sanh. Này chư Hiền, nếu nội nhãn xứ không bị hư hoại thì ngoại sắc sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm, nên sanh ra nhãn thức.
“Này chư Hiền, nhãn xứ bên trong và sắc, cùng với nhãn thức biết ngoại sắc, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi[21]’. Vì sao thế? Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy.
“Này chư Hiền, nếu nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xứ bên trong bị hư hoại thì các pháp bên ngoài sẽ không được ánh sáng rọi đến nên không có niệm, do đó ý thức không sanh khởi được. Này chư Hiền, nếu nội ý xứ không bị hư hoại thì pháp bên ngoài sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm nên sanh ra ý thức[22].
“Này chư Hiền, ý thức bên trong và pháp cùng với ý thức biết sắc pháp bên ngoài, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi’. Vì sao thế? Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy. Vị ấy nhàm tởm năm thủ uẩn này, thuộc trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai này, do nhàm tởm nên vô dục, vô dục liền giải thoát, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo đã học tất cả về Đại”.
Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Thí dụ về dấu chân voi. Tương đương Pāli: M. 28 Mahāhatthipadopama-suttaṃ.[02] Tứ Thánh đế 四 聖 諦. Pāli: cattāri ariyasaccāni.[03] Khổ Thánh đế 苦 聖 諦. Pāli: dukkhaṃ ariyasaccaṃ.[04] Hán: ngũ thạnh ấm khổ 五 盛 陰 苦. Pāli: upādānakkihandhā dukkhā.[05] Tứ đại 四 大 và tứ đại tạo 四 大 道. Pāli: cattāri ca mahābhūtāni catunnañ ca mahā- bhuātānaṃ upādāya rūpaṃ.[06] Địa, thủy, hỏa, phong giới 地 水 火 風 界. Pāli: cattāro mahābhūtā: paṭhavīdhātu āpodhātu tejodhātu vāyodhātu.[07] Nội địa giới 內 地 界. Pāli: ajjhattikā paṭhavīdhātu.[08] Hán: nội thân trung, tại nội sở nhiếp kiên, kiên tánh trụ, nội chi sở thọ 內 身 中, 在 內 所 攝 堅, 堅 性 住, 內 之 所 受. So sánh Pāli: yaṃ ajjhattaṃ paccataṃ kakkhaḷaṃ kharigataṃ upādiṇṇaṃ, “cái gì thuộc nội thân, cá biệt, thô cứng, thuộc thể rắn, được chấp thủ.”[09] Đại, tịnh, bất tắng ố 大, 淨, 不 憎 惡. Đại vì kích thước lớn hay phổ biến. Nói tịnh và bất tắng ố, vì không phải là đối tượng để quán bất tịnh.[10] Pāli: hoti... samayo yam bāhirā āpodhātu pakuppati, antarahitā tasmiṃ samaye bāhirā paṭhavīdhatu, có một thời ngoại thủy giới bị chấn động (thịnh nộ), khi ấy ngoại địa giới biến mất.[11] Hán: diệu, tức tịch, xả, ly 妙 息 寂 捨 離, tức diệt, tịnh, diệu, ly, bốn hành tướng của diệt đế theo Hữu bộ; xem Câu-xá 23 (Đại, tr.119b).[12] Thủy giới 水 界. Pāli: āpodhātu.[13] Hán: não căn 腦 根 (chỉ tủy sống); bản Nguyên-Minh: chi nhãn 脂 眼 (con mắt có mỡ, hay mỡ nơi con mắt). Không tìm thấy tương đương trong bản liệt kê của Pāli.[14] Pāli: hoti... samayo yam bāhirā āpodhātu pakuppati, sā gamaṃ pi vahati, nigamaṃ pi vahati, có một thời ngoại thủy giới bị chấn động (cuồng nộ), nó cuốn đi làng mạc, thị trấn...[15] Vô thường pháp, tận pháp, suy pháp, biến dịch pháp 無 常 法, 盡 法, 衰 法, 變 易 法. Pāli: aniccatā, khayadhammatā, vayadhammatā, vipariṇāmadhammatā, tính vô thường, pháp tánh diệt tận, pháp tánh băng hoại, pháp tánh biến dịch.[16] Hán: ái sở thọ 愛 所 受. Pāli: taṇhupādiṇṇassa...[17] Hán: thị ngã, thị ngã sở, ngã thị bỉ sở 是 我, 是 我 所, 我 是 彼 所. Pāli: ahan ti vā maman ti vā asmī ti, “tôi, của tôi, tôi hiện hữu”.[18] Hán: hoặc dĩ châu toại 或 以 珠 燧. Pāli: kukkuṭapattena pi nahārudaḍulena, bằng lông cánh gà, hoặc bằng dây gân.[19] Hành phong 行 風. Kinh 162 nói: hiếp phong. Pháp uẩn 21 (Đại 26, tr.503) cũng nói vậy.[20] Đao phong 刀 風, gió lúc chết, rát như dao cắt.[21] Pāli: Yo paticcasamuppādani passati so dhamman passati, yo dhamman passati so paticcasamuppādani passati.[22] Dẫn chứng của Đại Tỳ-bà-sa 12, (Đại 27, tr, 58c ). Nhược hữu nội ý xứ bất hoại, ngoại pháp hiện tiền, cập năng sanh tác ý chánh khởi, nhĩ thời ý thức sanh.
-ooOoo-
31. KINH PHÂN BIỆT THÁNH ĐẾ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc[02].
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Đây là sự công bố chánh pháp tối thượng[03], tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng[04].
“Trong quá khứ, các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.
“Trong đời vị lai, các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.
“Trong đời hiện tại, Ta là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.
“Tỳ-kheo Xá-lê Tử[05] là bậc thông tuệ[06], tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ. Tỳ-kheo Xá-lê Tử thành tựu thật tuệ. Vì sao vậy? Vì ta nói sơ lược về bốn Thánh đế thế này, thì Tỳ-kheo Xá-lê Tử có thể vì người khác mà giáo hóa toàn diện, quán chiếu toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết hiển thị, thú hướng.
“Khi Tỳ-kheo Xá-lê Tử giáo hóa toàn diện, quán sát toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng, làm cho vô lượng người đạt đến chánh quán. Tỳ-kheo Xá-lê Tử có khả năng hướng dẫn bằng chánh kiến vậy.
“Tỳ-kheo Mục-kiền-liên có khả năng làm cho đứng vững nơi chân tế tối thượng[07], nghĩa là cứu cánh lậu tận. Tỳ-kheo Xá-lê Tử sanh ra các bậc phạm hạnh, cũng như sanh mẫu; Tỳ-kheo Mục-kiền-liên trưởng dưỡng các bậc phạm hạnh cũng như dưỡng mẫu. Do đó các bậc phạm hạnh nên phụng sự, cung kính cúng dường, lễ bái Tỳ-kheo Xá-lê Tử và Mục-kiền-liên. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Xá-lê Tử và Đại Mục-kiền-liên mong cầu phước lợi và thiện ích, cũng cầu sự an ổn và khoái lạc cho các vị phạm hạnh”.
Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Lúc đó, Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo:
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn vì chúng ta mà xuất hiện thế gian, vì mọi người mà giáo hóa, khai thị toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng bốn Thánh đế này.
“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo Thánh đế[08].
“Này chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oắn tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, tóm lại ngũ thủ uẩn là khổ[09].
“Này chư Hiền, nói sanh là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, sanh là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, sanh thì sanh[10], xuất hiện thì xuất hiện, thành hình thì thành hình, hiện khởi[11] năm uẩn rồi liền có mạng căn. Như vậy gọi là sanh.
“Này chư Hiền, sanh là khổ, đó là chúng sanh khi sanh thâân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác toàn diện[12]. Tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm sự nóng hực[13], sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sanh là khổ.
“Này chư Hiền, nói già là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, già nghĩa là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, kẻ kia trở nên già yếu, đầu bạc răng rụng, sự cường tráng ngày càng suy yếu, thân còng, chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, phải chống gậy mà đi, thịt rút, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn hư hoại, nhan sắc xấu xí. Như vậy gọi là già.
“Này chư Hiền, già là khổ, là chúng sanh khi già thì thâân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói già là khổ.
“Này chư Hiền, nói bệnh là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, bệnh là đầu đau, mắt đau, tai đau, mũi đau, mặt đau, môi đau, răng đau, lưỡi đau, nướu đau, cổ đau, phong suyễn, ho hen, ói mữa, cứng họng, bệnh điên, bệnh động kinh, ung thư, mọc bướu, kinh nguyệt tràn, viêm đỏ, nóng hực, khô héo, bệnh trĩ, mụn nhọt, kiết lỵ, và tất cả những bệnh tương tự như vậy, từ xúc mà sanh ra, không rời khỏi tâm, ở ngay trong thân. Như vậy gọi là bệnh. Này chư Hiền, bệnh khổ là: Chúng sanh khi bệnh thì thâân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Này chư Hiền, vì lẽ ấy nói bệnh là khổ.
“Này chư Hiền, nói chết là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, chết là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, mạng chung, vô thường, chết chôn, tan rã, tuổi thọ chấm dứt, hủy hoại, mạng căn bế tắc, như vậy gọi là chết. Này chư Hiền, chết là khổ. Đó là chúng sanh khi chết, thâân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói chết là khổ.
“Này chư Hiền, nói oán tắng hội là khổ[14]; nói thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, oán tắng hội, nghĩa là, chúng sanh thật có sáu nội xứ[15]: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. Cũng vậy các ngoại xứ: xúc, thọ, tưởng, hành, ái[16], cũng lại như vậy. Này chư Hiền, chúng sanh thật có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. Như vậy gọi là oán tắng hội khổ. Này chư Hiền, oán tắng hội là khổ, đó là chúng sanh khi có sự tụ hội của những thứ oán ghét, thân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói oán tắng hội là khổ.
“Này chư Hiền, nói ái biệt ly khổ[17]; nói thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, ái biệt ly khổ, đó là chúng sanh thật có sáu xứ bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn khả ái, nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, biệt ly không tụ hội, không gắn bó, không tập hợp, không hòa hợp, đó là khổ. Cũng vậy, các ngoại xứ: xúc, thọ, tưởng, hành, ái, cũng lại như vậy. Này chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới vốn nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, không gắn bó, không hòa hợp, không tập hợp, đó là khổ. Như vậy gọi là ái biệt ly. Này chư Hiền, ái biệt ly là khổ nghĩa là chúng sanh khi xa cách nhau, thân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói ái biệt ly khổ là khổ.
“Này chư Hiền, nói sở cầu bất đắc là khổ[18]; nói thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, nghĩa là chúng sanh lệ thuộc vào sanh pháp[19], không thể lìa xa sanh pháp, ước muốn rằng: ‘Mong tôi không sanh ra’, điều ấy quả thật không thể muốn mà được. Với sự già, sự chết, sự ưu sầu, buồn lo mà ước muốn rằng: ‘Mong tôi không có buồn lo’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này chư Hiền chúng sanh quả thật sanh là khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ thế này: ‘Nếu ta sanh khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao được đổi thành đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều đó không thể muốn mà được. Này chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh lạc đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu ta sanh ra lạc, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cữu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được.
“Này chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh ra tư tưởng mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy suy nghĩ thế này: ‘Nếu ta sanh tư tưởng mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao nó đổi thành mà đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh ra tư tưởng, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu tư tưởng ta sanh ra đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cửu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sở cầu bất đắc là khổ.
“Này chư Hiền, nói lược năm thủ uẩn là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Đó là sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói năm thủ uẩn là khổ.
“Này chư Hiền, thời quá khứ là Khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh đế.
“Cái gì làø ái tập Khổ tập Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thật có sáu xứ tham ái bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý xứ. Trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có ô nhiễm, có đắm trước thì gọi là tập.
“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng: ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.
“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập Khổ tập Thánh đế này. Cũng vậy, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, hành, ái, cũng lại như vậy.
“Này chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới tham ái: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới, trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập.
“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.
“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập Khổ tập Thánh đế này. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh đế.
Này chư Hiền, thế nào là ái diệt Khổ diệt Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thực có sáu xứ tham ái bên trong: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ. Chúng sanh ấy giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là Khổ diệt.
“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.
“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người nào không tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Cũng thế, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, tư, ái, cũng lại như vậy.
“Này chư Hiền, chúng sanh quả thật có sáu giới tham ái: Đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới; người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.
“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người nào không tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.
“Này chư Hiền, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Đó là chánh kiến, chánh tư duy[20], chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn[21], chánh niệm và chánh định.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh kiến? Đó là khi vị Thánh đệ tử khi suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh. Hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát[22] tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự giản trạch, giản trạch toàn diện, giản trạch quyết định, giản trạch pháp, nhận định, toàn diện nhận định, quán sát minh đạt. Đó là chánh kiến[23].
“Này chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự tư sát, tư sát toàn diện, tùy thuận tư sát, điều nào nên niệm thì niệm, điều nào nên hy vọng thì hy vọng[24]. Đó là chánh tư duy.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài bốn diệu hành thuộc miệng, còn các ác hành khác nơi miệng đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh ngữ.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài ba diệu hành thuộc thân, còn các ác hành khác nơi thân đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh nghiệp.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó phải là mong cầu vô lý, không do nhiều tham dục mà không biết vừa đủ, không làm các thứ xảo quyệt bùa chú, để sinh sống bằng tà mạng. Chỉ theo chánh pháp mà mong cầu y phục, chớ không phải với phi pháp, cũng theo chánh pháp để mong cầu thực phẩm, giường chõng, chớ không phải với phi pháp. Đó là chánh mạng.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh tinh tấn? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu có phương tiện tinh tấn thì quả quyết, tinh cần để mong cầu, có khả năng để thú hướng, chuyên chú không xả bỏ, cũng không suy thối, quyết định hàng phục tâm mình. Đó là chánh tinh tấn.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm tùy thuận niệm, phản chiếu giải thoát niệm[25], suy niệm, biến mãn suy niệm, liên tục ức niệm, tâm niệm không xao lãng. Đó là chánh niệm.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh định? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ, không loạn, không tán, chuyên nhất[26]. Đó là chánh định.
“Này chư Hiền, thời quá khứ là Khổ diệt đạo Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ diệt đạo Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư dối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói Khổ diệt đạo Thánh đế”.
Rồi ngài nói bài tụng rằng:
Phật thấu triệt các pháp,
Thấy vô lượng thiện đức,
Khổ, tập, diệt, đạo đế,
Khéo hiển hiện phân biệt.
Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M. 141. Saccavibhaṅga-suttaṃ. Biệt dịch, No.32 Phật Thuyết Tứ Đế Kinh, An Thế Cao dịch, Đại 1 tr.814b; No.25(27.1) Tăng Nhất 19 “phẩm Đẳng Thú Tứ Đế, kinh số 1” Đại 2 tr.643a. Tham chiếu, Thập Tụng Luật 60, Đại 23 tr. 445c; D.22. Mahā-satipaṭṭhāna-suttanta.[02] Các bản Hán đều nói Phật tại Xá-vệ. Bản Pāli tương đương: Bārāṇasiyaṃ viharati Isipatane Migadāye, trú tại Ba-la-nại, trong Chư tiên đọa xứ, Lộc dã uyển.[03] Chánh hành thuyết pháp 正 行 說 法; No.32: Chơn chánh thuyết pháp
真 正 說 法. Bản Pāli: anuttaraṃ dhammacakkaṃ pavattitaṃ, Vô thượng Pháp luân được vận chuyển.[04] Hán: quảng nhiếp 廣 攝, quảng quán 廣 觀, phân biệt 分 別, phát lộ 發 露, khai ngưỡng 開 仰, thi thiết 施 設, hiển thị 顯 示, thú hướng 趣 向. Pāli: ācikkhanā (khai thị), desanā (tuyên thuyết), paññāpanā (thi thiết), paṭṭhapanā (an lập), vivaraṇā (khai hiển), vibhajanā (phân biệt), uttānīkammaṃ (hiển phát).[05] Bản Pāli: Các Tỳ-kheo hãy gần gũi Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên), là những Tỳ-kheo thông tuệ...[06] Tán thán trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, bản này và No.32 giống nhau, chỉ khác về dịch ngữ, về mười loại trí tuệ được kể ở đây, các bản Pāli chỉ kể có bảy (xem M. 111). Bản Pāli tương đương không tán thán riêng Xá-lợi-phất với mười trí. Xem cht.24, Kinh 28.[07] Hán: tối thượng chân tế 最 上 真 際. Pāli: uttamattha, chân lý tối thượng.[08] Khổ Thánh đế 苦 聖 帝, Khổ tập Thánh đế 苦 集 聖 帝, Khổ diệt Thánh đế 苦 滅 聖 帝 Khổ diệt đạo Thánh đế 苦 滅 道 聖 帝. Pāli: dukkha ariyasacca, dukkhasamudaya ariyasacca, dukkhanirodha ariyasacca, dukkhanirodagāminiyā paṭipada ariyasacca.[09] Hán: ngũ thạnh ấm khổ 五 盛 陰 苦. Pāli: pañcupādānakkhandhā dukkhā.[10] Nghĩa là, khi sanh thì sanh ra trong một chủng loại nào đó.[11] Hán: sanh 生, xuất 出, thành 成, hưng khởi 興 起. Pāli: jāti (sanh), sañjāti (xuất sanh), okkanti (xuất hiện), abhinibbatti (sanh khởi), khandhanānaṃ pātubhāvo (hiển hiện năm uẩn). Bản Hán, có tám khổ; bản Pāli chỉ kể năm khổ: jāti (sanh), jarā (già), maraṇaṃ (chết), soka-parideva-dukkha-domanassupayāsā (sầu bi khổ ưu não), picchaṃ na labhati (không đạt được mong cầu), saṅkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā.[12] Hán: thân thọ khổ, thọ, biến thọ; giác, biến giác 身 受 苦 受 遍 受 覺 遍 覺. Tham chiếu Pháp uẩn 6 (Đại 26, tr.480a): Lãnh nạp nhiếp thọ, chủng chủng thân khổ sự 領 納 攝 受 種 種 身 苦 事, lãnh nạp và nhiếp thọ mọi hình thái khổ khác nhau.[13] Hán: thân tráng nhiệt, phiền não, ưu thích thọ,... 身 壯 熱, 煩 惱, 憂 慼 受.[14] Thù ghét mà tụ hội. Bản Pāli không đề cập.[15] Lục nội xứ 六 內 處. Pāli: cha ajjhattāyatana.[16] Hán: canh lạc, giác, tưởng, tư, ái 更 樂 覺 想 思 愛.[17] Bản Pāli không đề cập.[18] Pāli: picchaṃ na labhati.[19] Hán: chúng sanh sanh pháp 眾 生 生 法. Pāli: jātidhammānaṃ sattānaṃ (...).[20] Nguyên-Hán: chánh chí 正 志.[21] Nguyên-Hán: chánh phương tiện 正 方 便.[22] Vô trước niệm quán thiện tâm giải thoát 無 著 念 觀 善 心 解 脫. Tham chiếu Pháp Uẩn 6 (Đại 26, tr.481c): Vô lậu tác ý tương ưng (ư pháp giản trạch), (sự giản trạch pháp) tương ưng với tác ý vô lậu.[23] Hán: trạch, biến trạch, quyết trạch, trạch pháp; thị, biến thị, quán sát minh đạt 擇, 遍 擇, 決 擇, 擇 法; 視, 遍 視, 觀 察 明 達. Tham chiếu Pháp Uẩn 6 (Đại 26, tr.481c): (ư pháp) giản trạch, cực giản trạch, tối cực giản trạch; liễu, biến liễu, cận liễu; cơ hiệt, thông đạt, thẩm sát, thông duệ, giác minh tuệ hành (於 法) 簡 擇, 極 簡 擇, 最 極 簡 擇; 了, 遍 了, 近 了; 機 黠, 通 達, 審 察, 聰 叡, 覺 明 慧 行.[24] Hán: tứ, biến tứ, tùy thuận tứ... khả niệm... khả vọng 伺, 遍 伺, 隨 順 伺… 可 念… 可 望. Tham chiếu Pháp Uẩn 6 đd trên: Tư duy... Tầm cầu... Suy mịch... Linh tâm ư pháp thô động nhi chuyển 思 惟… 尋 求… 推 覓… 令 心 於 法 粗 動 而 轉.[25] Hán: bối bất hướng niệm 背 不 向 念; chánh niệm liên hệ đến tám bối xả hay tám giải thoát.[26] Nhiếp chỉ 攝 止; được hiểu là tâm nhất cảnh tánh: tâm và cảnh là một.
-ooOoo-
4. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
32. KINH VỊ TẰNG HỮU PHÁP[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, vào lúc xế chiều[02], Tôn giả A-nan[03] rời tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp[04] bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh. Nếu Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Thế Tôn.
“Con nghe rằng[05], Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất[06]. Nếu Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất. Thế Tôn sinh lên sau nhưng có ba việc thù thắng hơn các vị trời sinh trước. Đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời[07]. Do đó nên các vị trời Đâu-suất vui mừng hớn hở, tán thán rằng: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, vị thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vị ấy sinh đến đây sau nhưng có ba việc thù thắng hớn những vị trời Đâu-suất đã sinh đến trước; đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Nếu Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất. Thế Tôn sinh lên sau nhưng có ba việc thù thắng hơn các vị trời sinh trước. Đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Do đó nên các vị trời Đâu-suất vui mừng hớn hở, tán thán rằng: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, vị thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vị ấy sinh đến đây sau nhưng có ba việc thù thắng hớn những vị trời Đâu-suất đã sinh đến trước; đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Thế thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn mạng chung ở trời Đâu-suất, biết sẽ vào thai mẹ[08], lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Nếu Đức Thế Tôn mạng chung ở trời Đâu-suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời![09]’ Thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn biết mình trụ trong thai mẹ[10], tựa vào hông bên phải. Nếu Đức Thế Tôn biết mình trụ trong thai mẹ, tựa vào hông bên phải, thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn hình thể duỗi dài[11] trụ trong thai mẹ. Nếu Đức Thế Tôn hình thể duỗi dài trụ trong thai mẹ, thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn, được bao che, trụ trong thai mẹ, không bị máu dơ làm cho ô uế, cũng không bị tinh khí các thứ bất tịnh khác làm cho ô uế. Nếu Đức Thế Tôn, được bao che, trụ trong thai mẹ, không bị máu dơ làm cho ô uế, cũng không bị tinh khí bất tịnh khác làm cho ô uế; thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn biết[12] mình ra khỏi thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Nếu Đức Thế Tôn biết mình ra khỏi thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn thân thể duỗi dài[13] mà ra khỏi thai mẹ. Nếu Đức Thế Tôn thân thể duỗi dài mà ra khỏi thai mẹ thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn được bao che khi ra khỏi thai mẹ, không bị máu dơ làm cho ô uế, cũng không bị tinh khí và các vật bất tịnh khác làm cho ô uế. Nếu Đức Thế Tôn được bao che khi ra khỏi thai mẹ, không bị máu dơ làm cho ô uế, cũng không bị tinh khí và các thứ bất tịnh khác làm cho ô uế; thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn mới sanh ra, có bốn vị thiên tử, tay cầm tấm vải rất mịn đứng trước thai mẹ, làm cho người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng: “Đồng tử này rấy kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hữu, có đại oai thần’. Nếu như Đức Thế Tôn mới sanh ra, có bốn vị thiên tử, tay cầm tấm vải rất mịn đứng trước thai mẹ, làm cho người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng: “Đồng tử này rấy kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hữu, có đại oai thần’. Thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, quan sát các phương. Nếu Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, quan sát các phương; thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, thì ngay phía trước người mẹ bỗng hiện một hồ nước lớn, nước đầy tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi ấy được thọ dụng thanh tịnh. Nếu Thế Tôn vừa mới sanh ra, thì ngay phía trước người mẹ bỗng hiện một hồ nước lớn, nước đầy tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi ấy được thọ dụng thanh tịnh; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn. Nếu khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, chư Thiên ở trên hư không tấu lên âm nhạc của trời; hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng và hoa Văn-đà-la[14] của trời, và bột hương chiên-đàn được rải lên Đức Thế Tôn. Nếu khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, chư Thiên ở trên hư không tấu lên âm nhạc của trời; hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng và hoa Văn-đà-la của cõi trời, và bột hương chiên-đàn được rải lên Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn, ở tại nhà của cha là Bạch Tịnh vương, vào một ngày đi dự lễ hạ điền, ngồi dưới gốc cây Diêm-phù[15], ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có lạc phát sanh do viễn ly, nhập Sơ thiền, thành tựu và an trụ. Bấy giờ là buổi xế, tất cả bóng của các cây khác đều đã ngả dần, chỉ có cây Diêm-phù là bóng cây không ngả, che mát thân của Đức Thế Tôn. Lúc đó, Thích Bạch Tịnh đến quan sát công tác hạ điền, đi đến chỗ người làm ruộng hỏi rằng: ‘Này nông phu[16], Vương tử ở chỗ nào?’
Người ấy trả lời rằng: ‘Vương tử[17] hiện đang ở dưới gốc cây Diêm-phù.” Rồi Thích Bạch Tịnh đi đến cây Diêm-phù, bấy giờ là xế trưa, Thích Bạch Tịnh thấy bóng của tất cả các cây khác đều đã ngả, chỉ có bóng cây Diêm-phù là không ngả, để che mát thân thể của Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Vương tử này thật là kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao thế? Vì vào lúc xế trưa tất cả các bóng cây đều ngả, chỉ có bóng cây Diêm-phù là không ngả, để che mát thân của vương tử’. Nếu vào buổi xế trưa tất cả cây đều ngả bóng, chỉ có bóng cây Diêm-phù không ngả, để che mát thân thể của Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng có một thời Đức Thế Tôn du hóa tại Bệ-xá-li, trong Đại lâm[18]. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành Bệ-xá-li khất thực. Sau khi khất thực xong, xếp y, cất bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai, đi vào rừng, đến dưới một gốc cây Đa-la, trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết-già. Bấy giờ là lúc xế bóng[19], tất cả các bóng cây khác đều ngả, chỉ có bóng cây Đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn. Bấy giờ vào lúc xế bóng, Thích Ma-ha-nam[20] ung dung đi đến Đại lâm. Thích Ma-ha-nam thấy rằng, vào buổi xế, tất cả bóng cây đều ngả chỉ trừ bóng cây Đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm rất là kỳ diệu, rất là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vào buổi xế, tất cả bóng cây đều ngả, chỉ có bóng cây Đa-la là không ngả để che mát thân thể Cù-đàm’. Nếu lúc xế bóng, tất cả các bóng cây khác đều ngã, chỉ có bóng cây Đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, một thời Thế Tôn du hóa tại nước Bệ-xá-li, trong Đại lâm. Bấy giờ các Tỳ-kheo để bát ngoài chỗ đất trống, bát của Thế Tôn cũng có trong số ấy, có một con khỉ ôm bát của Thế Tôn mà đi. Các thầy Tỳ-kheo la ó, sợ nó làm bể bát của Thế Tôn. Nhưng Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Hãy để yên. Hãy để yên. Đừng la. Nó không làm bể bát đâu’. Thế rồi khỉ ôm bát của Thế Tôn mà đi, đến một cây Sa-la, chậm rãi leo lên, lấy đầy bát mật nơi cây Sa-la, rồi chậm rãi leo xuống, trở về chỗ Đức Phật, đem dâng bát mật ấy lên Đức Phật. Đức Thế Tôn không thọ nhận. Lúc ấy khỉ liền ôm bát qua một bên, dùng đũa gắp bỏ sâu. Sau khi nhặt bỏ sâu, nó ôm bát trở lại dâng lên Thế Tôn. Thế Tôn lại không nhận. Khỉ lại ôm qua một bên, múc nước đổ vào trong mật, rồi ôm trở lại dâng lên Thế Tôn. Thế Tôn liền thọ nhận. Khỉ thấy Thế Tôn lấy bát mật rồi liền vui mừng hớn hở, múa may nhảy nhót rồi bỏ đi. Nếu Đức Thế Tôn khiến con khỉ kia, khi thấy Đức Thế Tôn lấy bát mật rồi vui mừng hớn hở múa may nhảy nhót, rồi đi; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng một thời Đức Thế Tôn du hóa Bệ-xá-li, ở tại ngôi lầu cao[21], bên bờ ao Di hầu. Bấy giờ Thế Tôn đang phơi tọa cụ, rũ bụi, phủi đất. Lúc ấy có một đám mây đến trái thời che kín khắp hư không muốn mưa nhưng dừng lại chờ Đức Thế Tôn phơi tọa cụ, rũ bụi, phủi đất, xếp cất một nơi, rồi mang cất chổi; vào đứng trong nền nhà. Bấy giờ đám mây lớn ấy thấy Đức Thế Tôn xếp cất tọa cụ rồi mới đổ mưa xuống rất lớn, từ cao cho đến thấp, nước ngập tràn lai láng. Nếu Đức Thế Tôn làm cho đám mây lớn kia thấy Thế Tôn xếp cất tọa cụ rồi, mới mưa xuống thật to và từ đất cho đến thấp nước ngập tràn lai láng; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe một thời Đức Thế Tôn du hóa tại Bạt-kỳ[22], ngồi dưới cây Sa-la thọ vương, trong rừng Ôn tuyền. Bấy giờ là buổi xế trưa, tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la thọ vương là không ngả, để che mát thân thể Đức Thế Tôn. Khi ấy chủ vườn La-ma đi dạo xem vườn, thấy rằng vào buổi xế, tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la thọ vương là không ngả để che mát thân thể của Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì sao buổi xế tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ cây Sa-la thọ vương là không ngả bóng để che mát thân thể của Sa-môn Cù-đàm. Nếu Đức Thế Tôn vào buổi xế tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la thọ vương là không ngả để che mát thân thể của Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng có một thời Đức Thế Tôn ở trong miếu thần A-phù[23]. Bấy giờ khi đêm đã tàn, vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn khoác y ôm bát vào thôn A-phù để khất thực. Sau khi khất thực xong, xếp y, cất bát, rửa chân tay xong, Ngài vắt Ni-sư-đàn lên vai, vào miếu thần ngồi thiền tịnh. Bấy giờ trời mưa đá rất to; sấm sét đánh chết bốn con trâu và hai người cày. Lúc chôn cất hai người chết ấy, đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động. Bấy giờ vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn rời chỗ ngồi tĩnh tọa đứng dậy, từ trong miếu thần đi ra, đến chỗ đất trống để kinh hành. Trong đám đông có một người thấy Đức Thế Tôn vào lúc xế trưa rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, ở trong miếu thần đi ra, đến chỗ đất trống để kinh hành, liền đi đến chỗ Phật cúi đầu làm lễ rồi đi kinh hành theo sau Đức Phật. Đức Phật thấy người ấy ở phía sau nên hỏi rằng: ‘Vì cớ gì mà đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động vậy?’ Người ấy thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn khi trưa, trời mưa đá rất to; sấm sét đánh chết bốn con trâu và hai người cày. Lúc chôn cất hai người chết ấy, đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động. Bạch Thế Tôn vừa rồi Ngài không nghe gì hết sao?
“Thế Tôn trả lời rằng: ‘Ta không nghe các âm thanh ấy’.
“Lại hỏi rằng: ‘Vừa rồi Ngài ngủ hay sao?’
“Thế Tôn trả lời: ‘Không phải’.
“Lại hỏi Đức Thế Tôn: ‘Lúc ấy Ngài tỉnh mà không nghe các âm thanh ấy sao?’
“Thế Tôn đáp: ‘Quả thật vậy’.
“Bấy giờ người kia liền suy nghĩ rằng: ‘Rất là kỳ diệu, rất là hy hữu, sở hành của Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, rất là vắng lặng, rất là tịch tĩnh. Vì sao vậy? Vì lúc tỉnh mà vẫn không nghe các âm thanh to lớn ấy. Nếu Đức Thế Tôn tỉnh thức mà vẫn không nghe các âm thanh to lớn ấy; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, một thời Đức Phật trú tại Uất-bệ-la[24] bên bờ sông Ni-liên-nhiên[25], ngồi dưới cây A-xà-hòa-la Ni-câu-loại[26], lúc mới chứng đắc Phật đạo. Bấy giờ mưa lớn đến bảy ngày, từ cao đến thấp đều bị ngập nước, từng luồng nước lớn chảy xoáy ngang dọc, trong vùng đất trống đó, Đức Thế Tôn đi kinh hành, đến nơi nào thì nơi đấy có bụi bay lên. Nếu Đức Thế Tôn ở trong vùng có luồng nước xoáy ngang dọc, mà đi kinh hành, đến chỗ nào thì chỗ ấy có bụi bay lên; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng Ma vương trong suốt sáu năm theo Phật để tìm chỗ sơ suất mà không được, liền chán nản nên bỏ về. Nếu Đức Thế Tôn bị Ma vương trong suốt sáu năm theo tìm chỗ sơ suất mà không được, liền chán nản nên bỏ về; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng Đức Thế Tôn, trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn suy niệm không gián đoạn. Nếu Đức Thế Tôn trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn không gián đoạn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-nan, ngươi hãy nghe Như Lai nói mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này nữa. Này A-nan, Như Lai biết thọ sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết, chẳng có lúc nào chẳng biết. Này A-nan, Như Lai biết tư và tưởng sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết. Không lúc không biết. Cho nên, này A-nan hãy nên từ nơi Như Lai mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này.”
Đức Thế Tôn thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.123. Acchariyabbhutadhamma-suttam.[02] Bản-Hán: bô thời 晡 時; bản Pāli: pacchābhattaṃ piṇḍapāṭikkantānaṃ, sau bữa ăn, sau khi khất thực về.[03] Bản Pāli: sambahulānṃ bhikkhūnaṃ...upaṭṭhānasālāyaṃ sannisinnānai..., số đông Tỳ-kheo tự tập tại ngôi nhà của thị giả.[04] Ca-diệp 迦 葉 (ta quen đọc là Ca-diếp). Pāli: Kassapa. Bản Pāli không đề cập.[05] Bản Pāli: Bhagavato sutaṃ sammukhā paṭiggahitaṃ, nghe, trực tiếp ghi nhớ từ Thế Tôn.[06] Bản Hán: Đâu-sắt (Tống-Nguyên-Minh: suất) -đá thiên 兜 瑟 (率) 哆; ta quen với phiên âm Đâu-suất hơn. Pāli: Tusita, tầng thứ nhất thuộc Dục giới thiên.[07] Bản Pāli: yāvatāyukaṃ Bodhisatto Tusike kāye aṭṭhāsi, Đức Bồ-tát tồn tại giữa thiên chúng Tusita cho đến hết tuổi thọ.[09] Pāli: aññe pi kira, bho, santi sattā idhūpapannā ti, “Này bạn, có những chúng sanh khác xuất hiện ở đây”.[10] Xem cht.8 trên.[11] Hán: thư thể 舒 體, hình thể duỗi dài, hay thư thới? Không tìm thấy ý nghĩa tương đương trong bản Pāli.[12] Xem cht.8 trên.[13] Xem cht.11 trên.[14] Văn-đà-la hoa 文 陀 羅 花, ta thường quen với phiên âm là Mạn-đà-la hoa 曼 陀 羅 花, dịch là viên hoa 圓 花, thích ý hoa 適 意 花. Pāli: mandārava.[15] Diêm-phù thọ 閻 浮 樹. Pāli: jambu. Từ đây trở xuống, bản Hán không đồng với bản Pāli. Nhưng sự kiện bóng cây Diêm-phù này có thể đọc, M.36 Mahāsaccakasuttam, tr.246.[16] Hán: tác nhân 作 人.[17] Hán: thiên đồng tử 天 童 子.[18] Bệ-xá-li 鞞 舍 離 (Pāli: Vesāli), Đại lâm 大 林 (Mahāvana).[19] Hán: trung hậu 中 後.[20] Thích Ma-ha-nam 釋 摩 訶 南. Có lẽ đây là Mahānāma của dòng họ Licchavi ở Vesāli, chứ không phải Mahānāma dòng họ Thích ở Kapilavatthu, con trai Amitodāna (Cam Lộ Phạn vương). Tham khảo Pāli, A. iii 75ff.[21] Cao lâu đài quán 高 樓 臺 觀. Pāli: Kūṭāgārasālā, ngôi nhà sàn, giảng đường Trùng các, trong Đại lâm (Mahāvana), Vesāli.[22] Bạt-kỳ 跋 耆, tên chủng tộc và cũng là tên nước. Pāli: Vajji.[23] A-phù 阿 浮. Pāli: Ātumā. Từ đoạn này trở xuống, tham chiếu, No.1(2)Trường A-hàm, “Kinh số 2, Du Hành”.[24] Uất-bệ-la 鬱 鞞 羅. Pāli: Uruvelā.[25] Ni-liên-nhiên 尼 連 然. Pāli: Nerañjarā.[26] A-xà-hòa-la Ni-câu-loại 阿 闍 和 羅 尼 拘 類. Pāli: Ajapāla-Nigrodha.
-ooOoo-
33. KINH THỊ GIẢ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá.
Bấy giờ, có các đại đệ tử, là các Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn danh đức, được nhiều người biết đến; đó là Tôn giả Câu-lân-nhã[02], A-nhiếp-bối[03], Tôn giả Thích-ca Vương Bạt-đề[04], Tôn giả Ma-ha-nam Câu-lệ[05], Tôn giả Hòa-phá[06], Tôn giả Da-xá[07], Tôn giả Bân-nậu[08], Tôn giả Duy-ma-la[09], Tôn giả Già-hòa-ba-đề[10], Tôn giả Tu-đà-da[11], Tôn giả Xá-lê Tử[12], Tôn giả A-na-luật-đà[13], Tôn giả Nan-đề[14], Tôn giả Kim-tì-la[15], Tôn giả Lệ-ba-đá[16], Tôn giả Đại Mục-kiền-liên[17], Tôn giả Đại Ca-diếp[18], Tôn giả Đại Câu-hi-la[19], Tôn giả Đại Châu-na[20], Tôn giả Đại Ca-chiên-diên[21], Tôn giả Bân-nạâu-da-nậu-tả trưởng lão[22], Tôn giả Da-xá Hành Trù trưởng lão[23], rất nhiều các vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn danh đức, đại đệ tử, được mọi người biết đến, tương tự như vậy, cũng ở thành Vương xá, tất cả đều trú gần ngôi nhà lá của Phật.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Hiện nay tuổi của Ta đã già; thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã quá già rồi, nên Ta cần có thị giả. Các thầy hãy cử cho Ta một thị giả, làm sao để chăm sóc Ta, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời Ta nói mà không quên mất ý nghĩa[24].”
Lúc ấy Tôn giả Câu-lân-nhã liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con xin nguyện hầu hạ, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ những lời Ngài nói mà không quên mất ý nghĩa.”
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Câu-lân-nhã, thầy cũng tuổi đã già, thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã qua dài rồi. Chính thầy cũng cần có thị giả. Này Câu-lân-nhã, thầy nên lui về chỗ ngồi đi.”
Bấy giờ Tôn giả Câu-lân-nhã đảnh lễ chân Phật rồi lui về chỗ ngồi.
Cũng như vậy, lần lượt Tôn giả A-nhiếp-bối, Tôn giảû Thích-ca Vương Bạt-đề, Tôn giả Ma-ha-nam Câu-lệ, Tôn giả Hòa-phá, Tôn giả Da-xá, Tôn giả Bân-nậu, Tôn giả Duy-ma-la, Tôn giả Già-hòa-ba-đề, Tôn giả Tu-đà-da, Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la, Tôn giả Lệ-ba-đá, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Câu-hi-la, Tôn giả Đại Châu-na, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả Bân-nạâu-da-nậu-tả trưởng lão.
Tôn giả Da-xá Hành Trù trưởng lão, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con xin nguyẹân hầu hạ xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ những lời Ngài dạy mà không quên ý nghĩa.”
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Da-xá, thầy cũng tuổi đã già, thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã qua dài rồi. Chính thầy cũng cần có thị giả. Này Da-xá, thầy nên lui về chỗ ngồi đi.”
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong đại chúng ấy, liền suy nghĩ như vầy: ‘Đức Thế Tôn muốn tìm vị nào làm thị giả? Ýù nghĩ đặt vào Tỳ-kheo nào? Muốn cho ai chăm sóc Ngài, xứng ý chớ không phải không xứng ý, và ghi nhớ những lời Ngài dạy mà không quên mất nghĩa? Có lẽ ta nên nhập định có hình tượng như thế[25], quan sát tâm của chúng Tỳ-kheo’. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nhập định có hình tượng như thế, biết Thế Tôn muốn chọn Hiền giả A-nan làm thị giả, ý Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời dạy mà không quên ý nghĩa.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền xuất định, thưa với chúng Tỳ-kheo rằng:
“Chư Hiền biết không, Đức Thế Tôn muốn chọn Hiền giả A-nan làm thị giả. Ý Ngài đặt vào A-nan; muốn A-nan chăm sóc, xứng ý chớ không phải là không xứng ý, ghi nhớ lời dạy mà không quên ý nghĩa. Bây giờ chúng ta nên cùng nhau đến chỗ Hiền giả A-nan khuyến dụ thầy ấy làm thị giả của Thế Tôn.”
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng các Tỳ-kheo cùng nhau đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên. Lúc ấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ngồi xong, nói rằng:
“Hiền giả A-nan, thầy có biết không, Đức Thế Tôn muốn chọn thầy làm thị giả; ý Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc Ngài, vì thầy xứng ý Ngài chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời dạy của Ngài mà không quên mất ý nghĩa. A-nan, cũng như ngoài thôn xóm không bao xa, có một tòa lâu đài to lớn, cửa sổ mở ra ở phía Đông, thì khi mặt trời mọc lên, ánh sáng sẽ rọi thẳng vào vách phía Tây. Này Hiền giả A-nan, Đức Thế Tôn cũng vậy, muốn chọn A-nan làm thị giả, ý Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc Ngài, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời dạy của Ngài mà không quên mất ý nghĩa. Này Hiền giả A-nan, bây giờ thầy nên làm thị giả Đức Thế Tôn.”
Tôn giảû A-nan thưa rằng:
“Bạch Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tôi không thể lãnh trách nhiệm hầu hạ Đức Thế Tôn nổi. Vì sao thế? Vì với các Đức Phật Thế Tôn khó xứng ý, khó hầu hạ;ï nghĩa là khó làm thị giả. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cũng như đối vớiù một con voi rất hùng mạnh, đã hơn sáu mươi tuổi, kiêu ngạo, sức mạnh cường thạnh, đủ ngà, đủ vóc, khó làm xứng ý, khó gần gũi; nghĩa là khó coi sóc.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, với Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng lại như vậy, khó xứng ý, khó gần gũi; nghĩa là khó làm thị giả. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, vì vậy tôi không thể lãnh trách nhiệm làm thị giả được.”
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nói rằng:
“Này Hiền giả A-nan, thầy hãy nghe tôi nói ví dụ, người có trí nghe ví dụ liền hiểu ý nghĩa của nó. Này Hiền giả A-nan, cũng như hoa Ưu-đàm-bát-la đúng thời mới xuất hiện thế gian. Này Hiền giả A-nan, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy. Đúng thời mới xuất thế. Này Hiền giả A-nan, thầy nên mau làm thị giả Đức Thế Tôn rồi sẽ được kết quả lớn.”
Tôn giả A-nan lại bạch:
“Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn chấp thuận ba điều nguyện của tôi thì tôi mới có thể làm thị giả. Những gì là ba? Tôi nguyện không đắp y của Thế Tôn, dù cũ hay mới; nguyện không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Phật; nguyện không gặp Thế Tôn phi thời. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn cho phép tôi nguyện ba điều ấy, tôi mới làm thị giả Đức Thế Tôn.”
Bấy giờ, sau khi khuyên Tôn giả A-nan làm thị giả rồi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đứng dậy đi quanh Tôn giả A-nan rồi trở về; đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã khuyến dụ Hiền giả A-nan làm thị giả Phật. Bạch Thế Tôn, Hiền giả A-nan, xin nơi Phật ba lời nguyện, nói rằng: ‘Những gì là ba? Nguyện không đắp y của Thế Tôn, dù cũ hay mới; nguyện không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Phật; nguyện không gạêp Thế Tôn phi thời. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn cho phép tôi nguyện ba điều ấy, tôi mới làm thị giả Đức Thế Tôn’.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, biết trước sẽ có những lời hiềm tỵ, hoặc có vị đồng phạm hạnh sẽ nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì y áo nên hầu hạ Đức Thế Tôn’. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, biết trước sẽ có những lời hiềm tỵ hoặc các đồng phạm hạnh, nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì y áo nên hầu hạ Đức Thế Tôn’. Thì đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, biết trước sẽ có những lời hiềm tỵ, hoặc có vị đồng phạm hạnh sẽ nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì đồ ăn nên hầu hạ Đức Thế Tôn’. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, dự đoán sẽ có những lời hiềm tỵ hoặc các đồng phạm hạnh nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì đồ ăn nên hầu hạ Đức Thế Tôn’. Thì đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan khéo biết thời, khéo phân biệt được thời, biết lúc nào là thời nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời đến gặp Như Lai; biết lúc nào là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nên đến gặp Như Lai, biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học không nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học không nên đến gặp Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nào có thể bàn luận với Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nào không thể bàn luận với Như Lai; biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ an ổn, có lợi ích, loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được an ổn, có lợi ích; thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ được biẹân tài thuyết pháp. Biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được biện tài thuyết pháp; đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
“Này Đại Mục-kiền-liên, mặc dù Tỳ-kheo A-nan không có tha tâm trí, nhưng có thể khéo biết trước được Đức Như Lai sẽ thuyết pháp cho ai khi Như Lai rời tĩnh tọa đứng dậy vào buổi xế, hôm nay Đức Như Lai sẽ làm như vậy, sẽ hiện pháp lạc trụ như vậy, nhận xét đúng lời Ngài nói, chắc thật không thể sai khác. Đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Khi Tôn giả A-nan nói như vầy[26]: ‘Thưa chư Hiền, tôi đã hầu Đức Thế Tôn đã hai mươi lăm năm, nếu do đó mà khởi tâm cống cao, không thể có sự kiện như vậy’. Nếu Tôn giả A-nan nói như thế, thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, tôi đã hầu Đức Thế Tôn trong hai mươi lăm năm, cho đến nay chưa hề gặp Đức Thế Tôn phi thời.” Nếu Tôn giả A-nan nói như thế, thì đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, tôi đã hầu Đức Thế Tôn trong hai mươi lăm năm, chưa từng một lần bị Phật khiển trách, trừ có một lỗi, lỗi đó cũng vì người khác[27].” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, tôi thọ tám văn pháp tụ[28] từ Đức Như Lai, thọ trì không quên; nếu nhân điều đó mà khởi cống cao, sự kiện như vậy không thể có.” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, tôi thọ tám văn pháp tụ từ Đức Như Lai, chưa hỏi lần thứ hai, trừ có một câu, câu ấy như vậy cũng không dễ. Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, tôi thọ tám văn pháp tụ từ Đức Như Lai, chưa hề thọ pháp từ người khác.” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, tôi thọ tám văn pháp tụ từ Đức Như Lai, khởi đầu chưa có tâm này, rằng ‘Tôi thọ trì pháp ấy để dạy lại người khác’. Này chư Hiền, tôi chỉ muốn tự chế ngự, tự tịch tịnh, tự Bát-niết-bàn thôi.” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, có điều rất kỳ lạ này. Đó là có bốn bộ chúng đi đến chỗ tôi để nghe pháp. Nếu tôi vì thế mà khởi cống cao, điều ấy không thể có được. Tôi cũng không hề tác ý trước rằng: ‘Nếu có ai đến hỏi, ta sẽ trả lời như vầy’. Này chư Hiền, tôi ngay trên chỗ ngồi tùy theo nghĩa người kia hỏi mà trả lời.” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, có điều rất kỳ lạ này. Đó là có số đông Sa-môn, Phạm chí dị học đến hỏi tôi sự việc gì, nếu vì thế mà tôi sợ sệt, hãi hùng, lông tóc dựng đứng; không thể có sự kiện ấy. Tôi cũng không hề tác ý trước rằng: ‘Nếu có ai đến hỏi, ta sẽ trả lời như vầy’. Này chư Hiền, tôi ngay trên chỗ ngồi tùy theo nghĩa người kia hỏi mà trả lời.” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Lại nữa, có một thời, Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả A-nan trú tại nước Xá-vệ, trong núi Bà-la-la. Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng: Này Hiền giả A-nan, thầy hầu hạ Đức Phật cho đến nay là hai mươi lăm năm, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”
Tôn giả A-nan thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tôi còn là hàng hữu học chưa ly dục.”
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Này Hiền giả A-nan, tôi không hỏi thầy là bậc hữu học hay vô học. Tôi chỉ hỏi, trong hai mươi lăm năm qua hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”
Tôn giả Xá-lê Tử ba lần lặp lại câu hỏi:
“Này Hiền giả A-nan, hai mươi lăm năm qua thầy hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”
Tôn giả A-nan cũng ba lần lặp lại câu trả lời rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tôi còn là hàng hữu học chưa ly dục.”
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Này Hiền giả A-nan, tôi không hỏi thầy là bậc hữu học hay vô học. Tôi chỉ hỏi, trong hai mươi lăm năm qua hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói rằng:
“Này Hiền giả A-nan, đáp nhanh đi, đáp nhanh đi, này A-nan, thầy đừng xúc nhiễu đến bậc thượng tôn trưởng lão.”
Lúc đó Tôn giả A-nan trả lời rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, hai mươi lăm năm qua, tôi đã hầu hạ Đức Phật, tôi nhớ lại chưa hề có lần nào phát khởi dục tâm. Vì sao vậy? Vì tôi thường hướng đến Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh với tâm niệm hổ thẹn.” Nếu Tôn giả A-nan nói như thế, thì đó là pháp vị tăng hữu của Tôn giả A-nan.
Lại nữa, có một thời Đức Thế Tôn du hóa thành Vương xá, trú trong Nham sơn. Bấy giờ Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-nan, ngươi nên nằm như cách nằm của sư tử.”
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, sư tử, chúa tể của loài thú, nằm theo cách nào?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, sư tử, chúa tể của loài thú, ban ngày đi tìm ăn, xong rồi vào hang; khi muốn ngủ, bốn chân xếp chồng lên nhau, ngay đuôi ra sau, nằm bằng hông bên phải; qua đêm đến sáng hôm sau, quay lại sau nhìn thân thể. Nếu sư tử chúa tể của loài thú, mà thân thể không ngay thẳng, thì khi thấy rồi, nó không vui. Nếu sư tử chúa tể của loài thú, mà thân thể được ngay ngắn khắp mọi phía, thì khi thấy rồi nó liền vui mừng. Nó từ chỗ nằm đứng dậy, ở trong hang đi ra; đi ra rồi gầm gừ; gầm gừ rồi tự ngắm thân thể; tự ngắm thân thể rồi nhìn khắp bốn hướng, xoay nhìn khắp bốn hướng rồi liền rống lên ba lần, rống ba lần rồi liền đi tìm ăn. Cách thức nằm của sư tử chúa là như vậy.”
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, cách thức nằm của sư tử, chúa tể của loài thú, là như vậy. Còn cách nằm của Tỳ-kheo phải như thế nào?”
Đức Thế Tôn đáp rằng:
“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo sống nơi thôn ấp, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, khoác y ôm bát, đi vào thôn khất thực, khéo hộ trì thân thể, nhiếp thủ các căn, trụ với chánh niệm. Vị ấy từ thôn ấp khất thực xong, xếp y cất bát, rửa sạch tay chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai đi đến chỗ rừng vắng, hoặc đến dưới bóng cây, hoặc vào trong nhà trống, hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền, tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm. Ban ngày hoặc kinh hành hoặc tọa thiền để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm rồi. Lại vào đầu hôm hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền, để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm. Sau khi hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm vào lúc đầu hôm rồi, đến nữa đêm đi vào tĩnh thất để nằm, xếp làm tư Ưu-đa-la-tăng[29], trải lên giường, gấp y tăng-già-lê[30] làm gối, nằm xuống phía hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, buộc ý vào ấn tượng ánh sáng[31], chánh niệm, chánh trí, hằng hướng tâm niệm đến ý tưởng sẽ trỗi dậy. Sau đêm ấy liền nhanh chóng ngồi dậy, hoăc kinh hành, hoặc tọa thiền, để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm. Như thế là pháp nằm như sư tử của Tỳ-kheo.”
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, cách nằm như sư tử của Tỳ-kheo là như vậy.”
Tôn giả A-nan lại nói như vầy:
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn dạy tôi cách nằm giống như sư tử; từ đó trở đi chưa hề có lần nào tôi nằm nghiêng về bên hông trái.” Nếu Tôn giả A-nan nói như thế thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Lại nữa, có thời Đức Thế Tôn du hóa Câu-thi-na-kiệt[32], trụ trong rừng Sa-la của Hòa-bạt-đan lực sĩ[33]. Bấy giờ là lúc tối hậu, Thế Tôn sắp nhập Bát-niết-bàn, Ngài bảo rằng: ‘Này A-nan, ngươi hãy đi đến giữa hai cây Song thọ, trải giường đầu quay về hướng Bắc, cho Như Lai. Nửa khuya đêm nay Như Lai sẽ Bát-niết-bàn.”
Tôn giả A-nan vâng lời dạy của Như Lai, liền đến giữa hai cây Song thọ trải giường nằm, đầu quay về hướng Bắc cho Đức Như Lai. Trải giường rồi trở về nơi Đức Phật, cúi đầu lễ chân Phật, đứng sang một bên, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã trải giường nằm, đầu quay hướng Bắc, cho Đức Như Lai, ở giữa hai cây Song thọ. Kính mong Đức Thế Tôn tự nên biết thời.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đến giữa hai cây Song thọ, xếp làm tư Ưu-đà-la-tăng trải lên giường, gấp y tăng-già-lê làm gối, nằm về hướng hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau. Lúc tối hậu sắp Bát-niết-bàn, Tôn giả A-nan quạt hầu Phật, đưa tay gạt nước mắt, rồi nghĩ như vầy: ‘Trước kia, có chúng Tỳ-kheo ở các nơi muốn đến thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái, thì đều có thể tùy lúc mà được thăm viếng Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường. Nếu họ nghe Đức Thế Tôn đã Bát-niết-bàn thì họ sẽ không còn đến để được thăm viếng Đức Thế Tôn mà cúng dường lễ bái. Ta cũng không còn tùy lúc mà thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái’.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo rằng:
“Tỳ-kheo A-nan bây giờ ở đâu?”
Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Phật, đưa tay gạt nước mắt rồi nghĩ thế này: ‘Trước kia, có chúng Tỳ-kheo ở các nơi muốn đến thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái, thì đều có thể tùy lúc mà được thăm viếng Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường. Nếu họ nghe Đức Thế Tôn đã Bát-niết-bàn thì họ sẽ không còn đến để được thăm viếng Đức Thế Tôn mà cúng dường lễ bái. Ta cũng không còn tùy lúc mà thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái’.”
Bấy giờ Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-nan, ngươi chớ khóc lóc, cũng chớ buồn rầu. Vì sao vậy? Này A-nan, ngươi hầu hạ Ta, thân hành từ hòa, khẩu và ý hành từ hòa, chưa từng có hai lòng, an lạc vô lường, vô biên, vô hạn. Này A-nan, nếu các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời quá khứ, có người thị giả nào hầu hạ cũng không thể hơn ngươi được. Này A-nan, nếu các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời vị lai, có người thị giả nào hầu hạ cũng không thể hơn ngươi được. Này A-nan, Ta, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời hiện tại, nếu có người nào làm thị giả, cũng không thể hơn ngươi được. Vì sao vậy? A-nan khéo biết thời, khéo phân biệt được thời, biết lúc nào là thời nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời đến gặp Như Lai; biết lúc nào là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nên đến gặp Như Lai, biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học không nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học không nên đến gặp Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nào có thể bàn luận với Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nào không thể bàn luận với Như Lai; biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ an ổn, có lợi ích loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được an ổn, có lợi ích; thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ được biện tài thuyết pháp. Biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được biẹân tài thuyết pháp.
“Lại nữa, này A-nan, ngươi tuy không có tha tâm trí, nhưng có thể khéo biết trước được Đức Như Lai sẽ thuyết pháp cho ai khi Như Lai rời tĩnh tọa đứng dậy vào buổi xế, hôm nay Đức Như Lai sẽ làm như vậy, sẽ hiện pháp lạc trụ như vậy, nhận xét đúng lời Ngài nói, chắc thật không thể sai khác.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn làm cho A-nan vui vẻ, bảo với các thầy Tỳ-kheo ấy rằng:
“Vị Chuyển luân Thánh vương có bốn pháp vị tằng hữu. Những gì là bốn? Đó là chúng Sát-lợi đến yết kiến Chuyển luân vương, nếu lúc ấy im lặng, họ thấy vậy liền vui vẻ, nếu lúc ấy có nói gì, họ nghe rồi liền vui vẻ. Tỳ-kheo A-nan cũng giống như vậy, nghĩa là có bốn pháp vị tằng hữu. Những gì là bốn? Đó là chúng Tỳ-kheo khi đến gặp A-nan, nếu lúc ấy im lặng, thấy vậy liền vui vẻ, nếu lúc ấy có nói gì, họ nghe rồi liền hoan hỷ. Chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, chúng Ưu-bà-di, nếu gặp A-nan, gặp lúc im lặng, thấy vậy liền hoan hỷ, nếu lúc ấy có nói gì, nghe rồi liền hoan hỷ.
“Lại nữa, A-nan thuyết pháp cho đại chúng, có bốn pháp vị tằng hữu. Những gì là bốn? Tỳ-kheo thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo bằng chí tâm, không phải không chí tâm. Chúng Tỳ-kheo kia cũng nghĩ như vầy: ‘Mong Tôn giả A-nan thường thuyết pháp, không dừng lại nửa chừng. Chúng Tỳ-kheo kia nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoàn toàn không chán nản. Nhưng Tỳ-kheo A-nan tự nhiên ngồi im lặng’. Tỳ kheo A-nan thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, chúng Ưu-bà-di, bằng chí tâm, không phải không chí tâm. Chúng Ưu-bà-di ấy cũng nghĩ như vầy: ‘Mong Tôn giả A-nan thường thuyết pháp, không dừng lại nửa chừng. Chúng Ưu-bà-di kia nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoàn toàn không chán nản. Nhưng Tỳ-kheo A-nan tự nhiên ngồi im lặng’.”[34]
Lại nữa, một thời sau khi Thế Tôn Bát-niết-bàn không bao lâu, Tôn giả A-nan du hóa tại Kim cang[35], trú ở thôn Kim cang. Bấy giờ Tôn giả A-nan thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh trước sau. Bấy giờ, Tôn giả Kim Cang Tử[36] cũng đang ở trong đại chúng ấy. Tôn giả Kim Cang Tử trong tâm suy nghĩ như vầy: ‘Tôn giả A-nan này vẫn còn là bậc hữu học chưa ly dục sao? Ta nên như vậy, và bằng định ấy mà quan sát tâm của Tôn giả A-nan’. Thế rồi Tôn giả Kim Cang Tử nhập định, và bằng định như vậy mà quan sát tâm của Tôn giả A-nan. Tôn giả Kim Cang Tử biết Tôn giả A-nan vẫn còn là hữu học nên chưa ly dục. Bấy giờ Tôn giả ra khỏi tam muội, hướng về Tôn giả A-nan nói bài tụng rằng:
Núi rừng vắng tư duy,
Khiến tâm trụ Niết-bàn,
Cù-đàm Thiền không loạn,
Sẽ sớm chứng tịch tĩnh.
Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng theo lời của Tôn giả Kim Cang Tử, rời bỏ chỗ đông mà sống một mình, tinh tấn, không tán loạn. Tôn giả rời bỏ chỗ đông, sống một mình, tinh tấn, không tán loạn, để đạt mục đích vì đó là một thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; chỉ vì mục đích là thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời hiện tại, tự tri tự giác, tự chứùng nghiệm, thành tựu và an trụ, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã đứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa’.
Tôn giả A-nan biết pháp rồi, cho đến, chứng đắc A-la-hán[37]. Tôn giả A-nan nói vầy:
“Này chư Hiền, tôi ngồi trên giường, ngả đầu chưa đụng gối, liền đoạn tất cả lậu, chứng tâm giải thoát.” Nếu Tôn giả A-nan nói như thế; thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói:
“Này chư Hiền, tôi sẽ ngồi kiết già để Bát-niết-bàn.” Tôn giả A-nan liền ngồi kiết già mà Bát-niết-bàn.
Nếu Tôn giả A-nan ngồi kiết già mà Bát-niết-bàn; thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Đức Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Không có Pāli tương đương. Tham chiếu, Thag. 1018-1050.[02] Câu-lân-nhã 拘 鄰 若 (Añña-Koṇḍañña).[03] A-nhiếp-bối 阿 攝 貝 (Assaji).[04] Thích-ca Vương Bạt-đề 釋 迦 王 跋 提 (Bhaddiya), vua họ Thích-ca.[05] Ma-ha-nam Câu-lệ 摩 訶 男 拘 隸 (Mahānāma Kolita).[06] Hòa-phá 惒 破 (Vappa).[07] Da-xá 耶 舍 (Yasa).[08] Bân-nậu 邠 耨 (Puṇṇa).[09] Duy-ma-la 維 摩 羅 (Vimala).[10] Già-hòa-ba-đề 伽 惒 波 提 (Gavampati).[11] Tu-đà-da 須 陀 耶.[12] Xá-lê Tử 舍 梨 子 (Sāriputta).[13] A-na-luật-đà 阿 那 律 陀 (Anurudha).[14] Nan-đề 難 提 (Nandiya).[15] Kim-tì-la 金 毘 羅 (Kimbila).[16] Lệ-ba-đá 隸 婆 哆 (Revata).[17] Đại Mục-kiền-liên 大 目 犍 連 (Mahā-Moggallāna).[18] Đại Ca-diếp 大 迦 葉 (Mahā-Kassapa).[19] Đại Câu-hi-la 大 拘 絺 羅 (Mahā-Koṭṭhita).[20] Đại Châu-na 大 周 那 (Mahā-Cunda).[21] Đại Ca-chiên-diên 大 迦 旃 延 (Mahā-Kaccāyana).[22] Bân-nậu-da-nậu-tả trưởng lão 邠 耨 耶 耨 寫 長 老.[23] Da-xá Hành Trù trưởng lão 耶 舍 行 籌 長 老.[24] Suốt trong khi hai mươi năm đầu, kể từ khi thành đạo Đức Phật không có thị giả riêng. Vị này hoăc vị kia thay nhau thị giả Ngài. Nhưng những vị này không xứng ý Ngài, đôi khi không vâng lời Ngài, có lúc ôm y bát của Ngài đi mất.[25] Hán: như kỳ tượng định 如 其 像 定; Pāli: tathā-rūpaṃ samādhiṃ samāpajji, nhập vào tam-muội có hình thức như thế.[26] Lưu ý trong bản Hán, văn khí thay đổi từ lời ghi nhận của Phật chuyển sang lối thuật sự.[27] Một lần Thế Tôn bệnh, A-nan nấu cháo nhưng phạm phải một điều luật do đó bị Phật khiển trách. Luật Thập Tụng, Đại 23, tr.187a.[28] Pháp tụ, hay Pháp uẩn, thể tài hay ý nghĩa được đề cập trong giáo pháp của Phật. Pāli: dhamakkhandha.[29] Ưu-đa-la-tăng 優 多 羅 僧, hay Uất-đa-la-tăng; Pāli: uttarāsaṅga, dịch là thượng y, áo khoác phần trên thân thể. Thường thì nói là “gấp tư tăng-già-lê”; Pāli: catugguṇam saṅghāṭiṃ paññāpetvā.[30] Tăng-già-lê 僧 笳 梨; Pāli: saṅghāṭi, áo choàng, áo khoác hay trùm bên ngoài.[31] Minh tưởng, hay quang minh tưởng 光 明 想, suy tưởng về ánh sáng; Pāli: āloka-saññā.[32] Câu-thi-na-kiệt 拘 尸 那 竭. Pāli: Kusināra, thị trấn nơi Phật sẽ nhập Niết-bàn.[33] Hòa-bạt-đan lực sĩ Sa-la lâm 惒 跋 單 力 士 裟 羅 林; No.1(2) Trường, kinh số 2 “Du Hành”: Bản sanh xứ Mạt-la song thọ gian. Pāli: rừng Upavattana, rừng cây sāla, ở bên bờ sông Hiraññavati, của dòng họ Malla ở Kusinarā. Đức Thích Tôn sẽ nhập Niết-bàn trong rừng này.[34] Nguyên đoạn dài này, xem No.16, Đại 1, tr.137, 143 - 6 của bản Hán tương đương; No.1(2) Trường, kinh “Du Hành”.[35] Kim cang 金 剛, Pāli có lẽ là Vajjī (tên dòng họ cũng là tên nước; Hán: Bạt-kỳ) được đọc là Vajira (kim cang).[36] Kim Cang Tử, Pāli, có lẽ chính xác là Vajjiputta (thay vì Vajiraputta), sự kiện được đề cập trong Thag. kệ 119.[37] Trong bản: A-la-ha 阿 羅 訶.
-ooOoo-
34. KINH BẠC-CÂU-LA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, sau khi Phật nhập Niết-bàn không bao lâu, Tôn giả Bạc-câu-la[02] du hóa[03] tại thành Vương xá, trong Trúc lâm vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ có một người dị học[04], vốn là bằng hữu thân thiết với Tôn giả Bạc-câu-la khi ngài chưa xuất gia, vào buổi xế, loanh quanh đi đến chỗ Tôn giả Bạc-câu-la, chào hỏi rồi ngồi sang một bên. Dị học nói rằng:
“Hiền giả Bạc-câu-la, tôi có điều muốn hỏi; có thể cho tôi được hỏi chăng?”
Tôn giả Bạc-câu-la trả lời:
“Này dị học, tùy điều ông hỏi, tôi nghe rồi suy nghĩ.”
Dị học hỏi:
“Hiền giả Bạc-câu-la, ngài đã theo học trong chánh pháp luật này được bao lâu?”
Tôn giả Bạc-câu-la trả lời:
“Này dị học, tôi theo học trong chánh pháp luật này đến nay đã là tám mươi năm.”
Dị học hỏi rằng:
“Hiền giả Bạc-câu-la, ngài đã theo học trong chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm; Ngài nhớ có lần nào ngài làm việc dâm dục chăng?”
Tôn giả Bạc-câu-la bảo dị học rằng:
“Ông đừng hỏi như vậy, mà hãy hỏi một cách khác: ‘Hiền giả Bạc-câu-la, ngài học đạo trong chánh pháp luật này được tám mươi năm, ngài nhớ có lần nào khởi lên dục tưởng[05] chăng?’ Ông nên hỏi như vậy.”
Bấy giờ dị học liền nói như vầy:
“Tôi nay lại hỏi rằng: ‘Hiền giả Bạc-câu-la, ngài học đạo trong chánh pháp luật này được tám mươi năm, ngài nhớ có lần nào khởi lên dục tưởng chăng?’”
Bấy giờ Tôn giả Bạc-câu-la nhân người dị học hỏi như vậy, liền nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, tôi đã học đạo trong chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm, nếu nhân đó khởi cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi đã học đạo trong chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm, chưa từng khởi dục tưởng.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi thọ trì y phấn tảo[06] đến nay là tám mươi năm. Nếu tôi nhân đó mà khởi tâm cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi thọ trì y phấn tảo đến nay là tám mươi năm; tôi nhớ chưa từng thọ y của người cư sĩ[07], chưa từng cắt may y, chưa từng nhờ người khác may hộ y, chưa từng dùng kim khâu y, chưa từng dùng kim khâu túi, dù là một sợi chỉ.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi khất thực đến nay là tám mươi năm; nếu tôi nhân đó mà khởi tâm cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi khất thực đến nay là tám mươi năm; tôi nhớ, chưa hề nhận lời mời của cư sĩ, chưa hề khất thực vượt thứ tự[08], chưa hề khất thực nơi các nhà lớn để nhận các thứ đồ ăn loại cứng, loại mềm[09] rất dồi dào, rất tinh khiết và mỹ vị; chưa hề nhìn ngắm người nữ; chưa hề vào khu vực Tỳ-kheo-ni, chưa hề cùng Tỳ-kheo-ni hỏi chuyện, cho đến cũng chưa hề nói chuyện giữa đường.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi ở trong chánh pháp luật này học đạo đã tám mươi năm, chưa hề nuôi Sa-di, chưa hề thuyết pháp cho bạch y; cho đến chưa hề nói cho họ chỉ bốn câu tụng.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi ở trong chánh pháp luật này học đạo đã tám mươi năm, chưa hề có bệnh, cho đến dù chỉ nhức đầu trong khoảng búng ngón tay; chưa hề uống thuốc, cho đến dù chỉ một Ha-lê-lặc[10].”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, trong tám mươi năm qua, khi tôi ngồi kiết già, chưa từng dựa vào vách hay dựa vào cây.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, trong vòng ba ngày ba đêm, tôi chứng đắc ba minh đạt[11].”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi sẽ ngồi kiết già để vào Niết-bàn.”
Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.
Tôn giả Bạc-câu-la thuyết như vầy. Các Tỳ-kheo và người dị học sau khi nghe Tôn giả Bạc-câu-la thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.124 Bakkulasuttam.[02] Bạc-câu-la 薄 拘 羅. Pāli: Bakkula, Bākula, hay Vakkula; nguyên quán ở Kosambi, một trong bốn đệ tử có đại trí thông (abhiñña). Ngài được coi là vị đệ tử khổ hạnh, không thuyết pháp.[03] Xem cht.1 Kinh số 1.[04] Dị học 異 學. Pāli: acela-Kassapa, một tu sĩ lõa thể tên là Kassapa.[05] Hán: dục tưởng 欲 想. Pāli: kāma-saññā.[06] Phấn tảo y 糞 掃 衣. Pāli: paṃsulaku, y may bằng vải lượm từ các đống rác. Bakkula tu hạnh đầu-đà, chỉ mặc y phấn tảo (Paṃsukulika).[07] Tức nhận vải từ cư sĩ để may y.[08] Hán: siêu việt khất thực 超 越 乞 食. Theo phép, khất thực phải đi lần lượt từng nhà, bất luận giàu hay nghèo.[09] Hán: thực đạm hàm tiêu 食 噉 含 消; thức ăn cần phải nhai, và loại chỉ ngậm cho tiêu.[10] Ha-lê-lặc 訶 梨 勒. Pāli: harītaka, loại quả dùng lam thuốc (Terminalia citrina).[11] Hán: tam đạt chứng 三 達 證. Tức sự chứng đắc ba minh: túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh. Pāli: tisso vijjā: pubbenivāsānussati-ñāṇa-vijjā, cutūapāte-ñāṇa-vijjā, āsavā-khaya-ñāṇa-vijjā.
-ooOoo-
35. KINH A-TU-LA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Bệ-lan-nhã [02], trong vườn Hoàng lô[03].
Bấy giờ vua A-tu-la là Bà-la-la[04] con trai của Mâu-lê-già A-tu-la[05], sắc tướng uy nghi, ánh sáng chói rực, vào lúc đêm gần sáng, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Thế Tôn rồi ngồi sang một bên.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Bà-la-la, phải chăng trong đại hải, A-tu-la không bị các sự suy thối này, là tuổi thọ của A-tu-la sắc tướng của A-tu-la, sự hoan lạc của A-tu-la, sức mạnh của A-tu-la? Các A-tu-la cũng thích sống trong đại hải chăng?”
Vua A-tu-la là Bà-la-la con trai của Mâu-lê-già A-tu-la trả lời rằng:
“Bạch Thế Tôn. Các A-tu-la của con ở trong đại hải không bị các sự suy thối này, là tuổi thọ của A-tu-la, sắc tướng của A-tu-la, sự hoan lạc của A-tu-la, sức mạnh của A-tu-la. Các A-tu-la thích sống trong đại hải.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Bà-la-la, trong đại hải có mấy pháp vị tằêng hữu, khiến cho các A-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy?”
Bà-la-la trả lời rằng:
“Trong đại hải của con có tám pháp vị tằng hữu, khiến cho các A-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy. Những gì là tám?
“Bạch Thế Tôn, đại hải của con từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Bạch Thế Tôn, đại hải của con từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài; đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất trong đại hải của con. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống ở trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, thủy triều trong đại hải của con chưa từng sai thời. Bạch Thế Tôn, nếu thủy triều trong đại hải của con chưa từng sai thời, thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ hai trong đại hải của con. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, nước trong đại hải của con rất sâu không có đáy, rất rộng không thấy bờ. Bạch Thế Tôn, nếu nước trong đại hải của con rất không sâu có đáy, rất rộng không thấy bờ; thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ ba trong đại hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, nước trong đại hải của con đều cùng một vị. Bạch Thế Tôn, nếu nước trong đại hải của con cùng một vị; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tư trong đại hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong đại hải của con có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Bạch Thế Tôn, nếu trong đại hải của con có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu; thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ năm trong đại hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, đại hải là chỗ cư trú của các vị thần lớn[06]. Những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa[07], La-sát[08], cá kình[09], rùa, cá sấu[10], Bà-lưu-nê[11], Đế-nghê[12], Đế-nghê-già-la[13], Đề-đế-nghê-già-la[14]. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm do-diên, cho đến ba trăm do-diên, bảy trăm do-diên mà thân vẫn ở trong đại hải. Bạch Thế Tôn, nếu có những vị thần cư trú trong đại hải của con; những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, cá kình, rùa, cá sấu, Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la, Đề-đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm do-diên, cho đến ba trăm do-diên, bảy trăm do-diên mà thân vẫn ở trong đại hải; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong đại hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, đại hải của con thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào mạng chung thì qua một đêm gió liền thổi tấp vào bờ. Bạch Thế Tôn, nếu đại hải của con thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào mạng chung thì qua một đêm gió liền thổi tấp vào bờ; thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ bảy trong đại hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong đại hải của con thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí[15]. Tất cả đều chảy vào đại hải. Chảy vào đó rồi, thảy đều bỏ tên cũ, gọi chung là đại hải. Bạch Thế Tôn, nếu trong đại hải của con thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí. Tất cả đều chảy vào đại hải. Chảy vào đó rồi, thảy đều bỏ tên cũ, gọi chung là đại hải; thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ tám trong đại hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Bạch Thế Tôn, đó là tám vị tằng hữu trong đại hải của con. Các A-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy.
“Bạch Thế Tôn, trong Chánh pháp luật của Thế Tôn có mấy pháp vị tằng hữu, khiến cho các Tỳ-kheo thấy được bèn hoan lạc trong đó?”
Thế Tôn đáp:
“Này Bà-la-la, trong Chánh pháp luật của ta cũng có tám pháp vị tằng hữu, khiến cho các Tỳ-kheo thấy được bèn hoan lạc trong đó. Những gì là tám?
“Này Bà-la-la, giống như đại hải, từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, dần dần thực hành, dần dần học tập, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa. Này Bà-la-la, nếu trong chánh pháp Ta dần dần thực hành, dần dần học, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa, thì đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích trụ trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như thủy triều trong đại hải chưa từng sai thời. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng chung cũng không phạm giới. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp luật của Ta những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng chung cũng không phạm giới; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ hai trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích trú trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như nước trong đại hải rất sâu không đáy, rộng không thấy bờ. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, các pháp rất sâu không đáy, rất rộng không thấy bờ. Này Bà-la-la, nếu Chánh pháp luật của Ta rất sâu không có đáy, rất rộng không thấy bờ; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ ba trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như nước trong đại hải cùng một vị mặn. Này Bà-la-la, Chánh pháp của ta cũng giống như vậy, chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo. Này Bà-la-la, nếu Chánh pháp luật của Ta chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tư trong Chánh pháp luật của Ta, khiến các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp luật của Ta cũng có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ năm trong Chánh pháp luật của Ta. Khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích trú trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải là chỗ cư trú của các vị thần lớn. Những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, cá kình, rùa, cá sấu, Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la, Đề-đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm do-diên, cho đến ba trăm do-diên, bảy trăm do-diên mà thân vẫn ở trong trong đại hải. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Hướng Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp luật của Ta, có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Hướng Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong Chánh pháp luật của Ta, khiến các Tỳ-kheo thích trú trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải thanh tịnh không dung chứa tử thi, nếu có người mạng chung trong biển, thì qua một đêm, gió sẽ thổi tấp vào bờ. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa; đó là pháp vị tằng hữu thứ bảy trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích trú trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí. Tất cả đều chảy vào đại hải. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như thế; thiện nam tử, thuộc dòng Sát-lợi, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn. Thiện nam tử thuộc dòng Phạm chí, dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của ta cũng giống như thế; thiện nam tử, thuộc dòng Sát-lợi, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn. Thiện nam tử thuộc dòng Phạm chí, dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tám trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi ưa thích trú trong đó.
“Này Bà-la-la, đó là tám pháp vị tằng hữu trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi ưa thích trú trong đó.
“Này Bà-la-la, ý ông nghĩ thế nào? Trong Chánh pháp luật của Ta có tám pháp vị tằng hữu, trong đại hải của ông cũng có tám pháp vị tằng hữu; hai loại vị tằng hữu ấy, loại nào thù thắng hơn? Vi diệu, tối thượng hơn?
Bà-la-la thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, tám pháp vị tằng hữu có trong đại hải của con không bằng tám pháp vị tằng hữu của Như Lai; không bằng một phần ngàn, một phần vạn; không thể so sánh, không thể ví dụ, không thể đếm, không thể kể, chỉ có tám pháp vị tằng hữu của Thế Tôn là cao hơn cả, là tối thắng, là vi diệu, là tối thượng.
“Hôm nay con xin tự quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo; cúi mong Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay, con thân tự quy y, cho đến mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy. A-tu-la vương Bà-la-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. Viii.19 Pahārāda. Biệt dịch: No.125(42.4), Tăng Nhất 36, “phẩm 42 Bát Nạn” kinh số 4, Đại 2 tr.752.[02] Bệ-lan-nhã 鞞 蘭 若. Pāli: Verañjā, tên một thị trấn gần Sāvatthi.[03] Hoàng lô viên 黃 蘆 園. Pāli: Naḷerupucīmaṇḍa, khu rừng gần thị trấn Verañjā, phần lớn toàn cây pucimanda, một loại lao? (Aśdirachta Indica).[04] Bà-la-la A-tu-la vương 婆 羅 邏 阿 須 羅 王. Pāli: Pahārāda-asurinda.[05] Mâu-lê-già A-tu-la tử 牟 梨 遮 阿 須 羅 子, con trai của A-tu-la Mâu-lê-già(?); No.125(42.4) Mâu-đề-luân thiên tử 牟 提 倫 天 子.[06] Pāli: mahataṃ bhūtanaṃ āvāso, trú xứ của các sinh vật to lớn.[07] Kiền-thấp-hòa 乾 塔 惒. Pāli: gandhabba.[08] La-sát 羅 刹. Pāli: Rakkha.[09] Ngư ma-kiệt 魚 摩 竭. Pāli: makara, một loại cá voi.[10] Đà 鼍; một loại cá sấu. Pāli: (?).[11] Bà-lưu-nê 婆 留 泥. Pāli: Vaguni, thị nữ của Long vương Vaguna (?).[12] Đế-nghê 帝 麑. Pāli: timi, một loại cá lớn.[13] Đế-nghê-già-la 帝 麑 伽 羅. Pāli: timiṅgala, một loại cá lớn có thể nuốt cả một chiếc thuyền.[14] Đề-đế-nghê-già-la 提 帝 麑 伽 羅. Pāli: timiramiṅgala, một loại cá lớn có thể nuốt cả một chiếc thuyền.[15] Hằng-già 恆 伽, Diêu-vưu-na 搖 尤 那, Xa-lao-phù 舍 牢 浮, A-di-la-ba-đề 阿 夷 羅 婆 提, Ma-xí 摩 企. Pāli, theo thứ tự: Gaṅgā, Yamunā, Sarabhū, Aciravatī, Mahī.
-ooOoo-
36. KINH ĐỊA ĐỘNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Kim cang[02], thành Viết-địa[03].
Bấy giờ cõi đất kia bị chấn động mạnh[04]. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.
Lúc đó, Tôn giả A-nan thấy cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. A-nan thấy rồi sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng; đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đứng sang một bên, rồi thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan rằng:
“Thật vậy, A-nan, nay đất bị chấn động mạnh. Thật vậy, A-nan, khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”
A-nan bạch rằng:
“Thế Tôn, có mấy nguyên nhân cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ?”
Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, có ba nguyên nhân khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. Những gì là ba?
“Này A-nan, cõi đất này y chỉ trên nước; nước y chỉ trên gió; gió y vào hư không. A-nan, có khi trong hư không nổi lên gió lớn. Gió nổi lên thì nước bị khuấy động. Nước bị khuấy động thì xảy ra động đất. Đó là nguyên nhân thứ nhất khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.
“Lại nữa, A-nan, Tỳ-kheo có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm tự tại như ý túc. Vị ấy khởi lên ý tưởng nhỏ đối với đất, khởi ý tưởng vô lượng tưởng đối với nước[05]. Do nguyên nhân ấy nên đất tùy theo sở dục, tùy theo ý tưởng của vị ấy mà bị xoáy rồi lại xoáy, chấn động rồi lại chấn động. Vị trời theo hộ vệ vị Tỳ-kheo ấy cũng lại như vậy, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm tự tại như ý túc. Vị ấy khởi lên ý tưởng nhỏ đối với đất, khởi ý tưởng vô lượng tưởng đối với nước. Do nguyên nhân ấy nên đất tùy theo sở dục, tùy theo ý tưởng của vị ấy mà bị xoáy rồi lại xoáy, chấn động rồi lại chấn động. Đó là nguyên nhân thứ hai, khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.
“Lại nữa, A-nan, nếu còn không đầy ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Do cớ ấy khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ. Đó là nguyên nhân thứ ba khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.
Bấy giờ, sau khi nghe xong, Tôn giả A-nan buồn rầu khóc lóc, nước mắt đầm đìa, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có nhiều pháp vị tằng hữu. Vì sao thế? Vì không bao lâu nữa, sau ba tháng, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn; bấy giờ khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.”
Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan rằng:
“Thật vậy, A-nan! Thật vậy, A-nan! Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có nhiều pháp vị tằng hữu. Vì sao thế? Vì không bao lâu nữa, sau ba tháng, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn; bấy giờ khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ[06].”
“Lại nữa, này A-nan, Ta đi đến vô lượng trăm ngàn chúng Sát-lợi, cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy; giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất khỏi nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là người hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có được pháp vị tằng hữu. Cũng như vậy, đối với các chúng Phạm chí, Sa-môn và cư sĩ.
“Này A-nan, Ta đi đến vô lượng trăm ngàn thiên chúng trời Tứ vương, cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy; giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất khỏi nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là người hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có được pháp vị tằng hữu. Cũng vậy, đối với thiên chúng Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên, Phạm thân thiên, Phạm-phú-lâu thiên, Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Hoảng dục thiên, Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên, Vô quái ngại thiên, Thọ phước thiên, Quả thật thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiệân kiến thiên, và Thiên hiện thiên[07].
“Này A-nan, Ta đến ngồi giữa vô lượng trăm ngàn thiên chúng trời Sắc cứu cánh[08], cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng ngồi xuống ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy; giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu họ có hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại nữa, Ta thuyết pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho họ rồi, Ta biến mất khỏi nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta là ai, là người hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có được pháp vị tằng hữu.”
Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 9. Tương đương Pāli, A. VIII. Bhūmicāla; tham chiếu, một phần D.16 Mahā-Parinibbāna-suttanta. Biệt dịch, No.125 (42.5) Tăng Nhất 37 “Phẩm 8 Bát Nạn” kinh số 5; tham chiếu, No.1(2) Trường, “Kinh Du Hành I”.[02] Kim cang 金 剛. Pāli: Vajirā, không thấy địa danh này trong Pāli. Có lẽ là Vajjī. No.125(42-5), tại Xá-vệ. Bản Pāli: tại Vesali.[03] Viết địa 日 地. Pāli, có lẽ phiên âm của Vajjī (cũng dịch là Bạt-kỳ), tên chủng tộc, cũng là tên Vương quốc; nhưng không tìm thấy tên thành tương đương.[04] Tham chiếu, D.16, biến cố xảy ra tại Cāpāla, sau khi Thế Tôn chấp thuận lời thỉnh cầu của Ma vương, Ngài xả bỏ thọ hành. Tham chiếu No.1(2), tr.15b và tt.[05] Có bốn tưởng: tiểu tưởng, đại tưởng, vô lượng tưởng, vô sở hữu tưởng (Tập Dị 6. Đại 26, tr.492 a).[06] Các bản kia, có tám trường hợp khiến động đất, như trên, và kể thêm lúc Bồ-tát giáng thần, lúc Bồ-tát đản sanh, lúc Như Lai thành đạo, lúc Như Lai chuyển pháp luân, lúc Như Lai xả bỏ thọ hành và lúc Như Lai nhập Niết-bàn.[07] Tứ vương thiên 四 王 天 (Pāli: Catummahārājikā devā), Tam thập tam thiên 三 十 三 天(Tāvatiṃsā), Diệm-ma thiên 焰 摩 天(Yāmā), Đâu-suất-đà thiên 兜 率 哆 天 (Tusitā), Hóa lạc thiên 化 樂 天 (Nimmānarati), Tha hóa lạc thiên 他 化 樂 天 (Paranimmitavasavatti), Phạm thân thiên 梵 身 天(Brahmakāyikā), Phạm-phú-lâu thiên 梵 富 樓 天 (Brahmapurohītā), Thiểu quang thiên 少 光 天 (Parittābhā), Vô lượng quang thiên 無 量 光 天 (Appamāṇābhā), Hoảng dục thiên 晃 昱 天 (Ābhassarā), Thiểu tịnh thiên 少 淨 天 (Parittasubhā), Vô lượng tịnh thiên 無 量 淨 天 (Appamāṇasubhā), Biến tịnh thiên 遍 淨 天
(Subhakiṇṇā), Vô quái ngại thiên 無 罫 礙 天 (Anabhrakā), Thọ phước thiên 受 福 天 (Puṇyaprasavā), Quả thật thiên 果 實 天 (Vehapphalā), Vô phiền thiên 無 煩 天 (Avihā), Vô nhiệt thiên 無 熱 天 (Atappā), Thiện kiến thiên 善 見 天 (Sudassā), và Thiện hiện thiên 善 現 天 (Sudassī). Pāli: Tám chúng (aṭṭha parisā), Biểu hiện tám pháp vi tăng hữu của Đức Như Lai giữa các loài trời và loài người: Sát-lợi, Bà-la-môn, cư sĩ, Sa-môn, Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên, chúng Ma và Phạm thiên.[08] Sắc cứu cánh 色 究 竟, cao nhất tầng thứ tư của Sắc giới.
-ooOoo-
37. KINH CHIÊM-BA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Chiêm-ba, ở bên hồ Hằng-già[02].
Bấy giờ là ngày mười lăm trong tháng, là ngày Thế Tôn thuyết Tùng giải thoát[03], trải tọa ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Khi Đức Thế Tôn ngồi xong, liền nhập định và bằng tha tâm trí Ngài quan sát tâm đại chúng. Khi quan sát tâm đại chúng rồi, cho đến lúc hết buổi đầu hôm, Ngài vẫn ngồi im lặng.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo[04] từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai, sửa y chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, đã hết buổi đầu hôm, Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng không trả lời.
Thế rồi, cho đến phần giữa đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần nữa, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Phật và thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng sắp hết; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát.”
Đức Thế Tôn lại một lần nữa không trả lời.
Thế rồi, cho đến phần cuối đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần thứ ba từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn thuyết pháp Tùng giải thoát.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo vị Tỳ-kheo kia rằng:
“Trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo làm đã việc bất tịnh[05].”
Lúc đó Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng đang ở trong chúng. Rồi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền suy nghĩ thế này: “Vì Tỳ-kheo nào mà Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh? Ta nên nhập định có hình thức như thế[06], nhân trong định có hình thức như thếá, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng.”
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập định có hình thức như thế, nhân trong định có hình thức như thế, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biết vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh.
Rồi thì, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuất định, đi đến trước vị Tỳ-kheo ấy, nắm tay kéo đi, mở cửa lôi ra bên ngoài mà nói:
“Này người ngu si, hãy đi xa đi, đừng sống ở đây[07], không được trở lại hội họp với đại chúng Tỳ-kheo, từ nay trở đi ông không phải là Tỳ-kheo nữa.”
Ngài đóng cửa, gài chốt then lại, rồi trở về chỗ Đức Phật, cúi đầu sát lạy chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà thưa rằng:
“Vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh; con đã đuổi vị ấy đi rồi. Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn thuyết pháp Tùng giải thoát[08].”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Đại Mục-kiền-liên, kẻ ngu si sẽ mắc đại tội nếu gây phiền nhiễu cho Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Như Lai ở giữa chúng bất tịnh mà thuyết Tùng giải thoát thì đầu người kia sẽ vỡ thành bảy mảnh. Do đó, này Đại Mục-kiền-liên, từ nay về sau các thầy hãy thuyết Tùng giải thoát, Đức Như Lai không thuyết Tùng giải thoát nữa[09]. Vì sao như thế[10]?
“Này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải, từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, dần dần thực hành, dần dần học tập, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu trong chánh pháp Ta dần dần thực hành, dần dần học, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa, thì đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất trong Chánh pháp luật của Ta.
“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như thủy triều trong đại hải chưa từng sai thời. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng chung cũng không phạm giới. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu trong Chánh pháp luật của Ta những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng chung cũng không phạm giới; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ hai trong Chánh pháp luật của Ta.
“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như nước trong đại hải rất sâu không đáy, rộng không thấy bờ. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, các pháp rất sâu không đáy, rất rộng không thấy bờ. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Chánh pháp luật của Ta rất sâu không có đáy, rất rộng không thấy bờ; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ ba trong Chánh pháp luật của Ta.
“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như nước trong đại hải cùng một vị mặn. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp của Ta cũng giống như vậy, chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Chánh pháp luật của Ta chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tư trong Chánh pháp luật của Ta.
“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp luật của Ta cũng có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ năm trong Chánh pháp luật của Ta.
“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải là chỗ cư trú của các vị thần lớn. Những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, cá kình, rùa, cá sấu, Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la, Đề-đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm do-diên, cho đến ba trăm do-diên, bảy trăm do-diên mà thân vẫn ở trong trong đại hải. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đa-hàm, Hướng Tư-đa-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu trong Chánh pháp luật của Ta, có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Hướng Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong Chánh pháp luật của Ta.
“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải thanh tịnh không dung chứa tử thi, nếu có người mạng chung trong biển, thì qua một đêm, gió sẽ thổi tấp vào bờ. Này Đại Mục-kiền-liên, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm hạnh, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu trong Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm hạng, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa; đó là pháp vị tằng hữu thứ bảy trong Chánh pháp luật của Ta.
“Lại nữa, này Đại Mục-kiền-liên, giống như đại hải thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí. Tất cả đều chảy vào đại hải. Và trong đại hải nước do rồng tuôn từ trời đổ xuống, giọt nước lớn bằng cái bánh xe. Tất nhiên, nước ấy không thể khiến cho đại hải có tăng có giảm. Này Đại Mục-kiền-liên, trong Chánh pháp luật của Ta cũng lại như vậy. Tộc tánh tử thuộc dòng Sát-lợi, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà xa, chí tín, lìa bỏ gia đình, xuất gia học đạo, bất động tâm giải thoát[11] được tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Này Đại Mục-kiền-liên, bất động tâm giải thoát trong Chánh pháp luật của Ta không tăng không giảm. Cũng như vậy, đối với tộc tánh tử thuộc dòng Phạm chí, dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, bất động tâm giải thoát được tự tác chứng thành tựu an trụ. Này Đại Mục-kiền-liên, bất động tâm giải thoát trong Chánh pháp luật của Ta không tăng không giảm. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu trong Chánh pháp luật của Ta, tọâc tánh tử thuộc gòng Sát-lợi, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà xa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình xuất gia học đạo, bất động tâm giải thoát, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Cũng vậy đối với với tọâc tánh tử thuộc dòng Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, bất đọâng tâm giải thoát được tự tác chứng thành tựu và an trụ. Này Đại Mục-kiền-liên, bất đọâng tâm giải thoát trong Chánh pháp luật của Ta không tăng không giảm; đó là pháp vị tằng hữu trong Chánh pháp luật của Ta.”
Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tham chiếu Pāli: A. VIII.20 Uposatha, Vin. Cv. IX.1. Tham chiếu Hán: No.1421 Ngũ Phần Luật 28 (Đại 22, tr.180); No.1428 Tứ Phần Luật 47 (Đại 22. tr.914c - 15). No.33 Hằng Thủy Kinh, Pháp Cự dịch (Đại 1, tr.817); No.34 Pháp Hải Kinh, Pháp Cự dịch (Đại 1 tr.818); No.34 Hải Bát Đức Kinh, Cưu-ma-la-thập dịch (Đại 1 tr.819).[02] Chiêm-ba, Hằng-già trì 瞻 波 恆 伽 池, Pāli: hồ sen Gaggarā ở Campā. Ngũ Phần Luật 28 (Đại 22 tr.180c): Chiêm-ba quốc, Hằng thủy biên. Tứ Phần Luật 36 (Đại 22, tr.824a): Chiêm-ba quốc Già-già hà trắc. Nhưng, A. Viii. 20: Sāvatthiyaṃ viharati Pubbārame Migāramātupāsāde, trú tại Sāvatthi, trong giảng đường của bà Migāramātu (Visakhā), khu vườn phía Đông.[03] Trong bản Hán: nguyệt thập ngũ nhật thuyết tùng giải thoát 月 十 五 日 說 從 解 脫. Ba-la-đề-mộc-xoa (Pāṭimokkha), đây dịch là tùng giải thoát, phổ thông dịch là biệt giải thoát, chỉ các loại giới mà Phật chế cho các chúng đệ tử. Bản Pāli: tena samayena... tadahuposathe, nhân ngày trai giới.[04] Các bản Hán đều nói Tôn giả A-nan. A. Vii.20 cũng vậy.[05] Tứ Phần Luật, đã dẫn: “Giữa một đại chúng không thanh tịnh mà muốn Đức Như Lai yết-ma thuyết giới thì không có trường hợp đó”.[06] Hán: như kỳ tượng định. xem cht.25, kinh số 33.[07] Hán: mạc ư thử trụ 莫 於 此 住. Tứ Phần Luật 28 đd. tr.181a: nhữ xuất khứ, diệt khứ, mạc thử trung trụ 汝 出 去 滅 去 莫 此 中 住. Pāli: natthi te bhikkhūhi saddhiṃ saṃvāso, “ông không còn sống chung với các Tỳ-kheo”. Tham chiếu các bản, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trục xuất Tỳ-kheo này ra khỏi tăng. Bản Pāli: saṃvāso (sống chung, sinh hoạt chung), trong các bản Hán: trú.[08] Tứ Phần Luật 36 (Đại 22, tr.824b): “Đại chúng đã thanh tịnh, mong Thế Tôn thuyết giới.[09] Tứ Phần Luật 36 (Đại 22, tr.824b): Đức Phật khiển trách Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, và thiết lập một trong bảy pháp Diệt tránh là “Tự ngôn trị”.[10] Từ đây trở xuống, tán thán sự hy hữu của đại hải như kinh 35 trên.[11] Bất di động tâm giải thoát 不 移 動 心 解 脫. Pāli: akuppā cetovimutti, sự giải thoát của tâm, không còn dao động.
-ooOoo-
38. KINH ÚC-GIÀ TRƯỞNG GIẢ (I)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Bệ-xá-li, trong Đại lâm[02].
Bấy giờ Trưởng giả Úc-già[03], chỉ có một số phụ nữ theo hầu hạ và ông đang ở trước các phụ nữ ấy, từ Bệ-xá-li ra đi. Ở khoảng giữa Đại lâm và Bệ-xá-li[04], chỉ để hoan lạc với các kỹ nữ, như vị quốc vương.
Rồi thì, Trưởng giả Úc-già, uống rượu say túy lúy, bỏ các phụ nữ kia ở lại đó, đi vào trong Đại lâm. Đang lúc Trưởng giả Úc-già say rượu lúy túy, từ đàng xa trông thấy Đức Thế Tôn ở giữa rừng cây, đoan chánh đẹp đẽ như vầng trăng giữa đám sao, ánh sáng chói lọi rực rỡ, ánh sáng như tòa núi vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần nguy nga, các căn tịch tĩnh, không bị ngăn che, thành tựu sự điều ngự, tâm vắng lặng tịch mặc. Trưởng giả thấy Đức Phật rồi, lập tức tỉnh rượu. Sau khi tỉnh rượu, Trưởng giả Úc-già liền đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho ông, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiẹân thuyết pháp cho ông, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, như thông lệ của chư Phật, trước hết nói về pháp đoan chánh cho người nghe hoan duyệt; tức là nói về thí, về giới, nói pháp sanh thiên, chê bai dục là tai hoạn, sanh tử là ô uế, khen ngợi vô dục là vi diệu, đạo phẩm thanh tịnh trong trắng. Sau khi Đức Thế Tôn nói những pháp ấy cho ông rồi, ngài biết ông có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm nhẫn nại, tâm thăng tấn, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không bị che lấp, có khả năng, có sức mạnh, có thể kham thọ Chánh pháp. Rồi như thông lệ của chư Phật, Ngài nói về pháp yếu chân chánh[05], Đức Thế Tôn thuyết cho ông nghe về Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Lúc ấy Trưởng giả Úc-già, ngay trên chỗ ngồi, thấy được bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng dễ nhuộm thành màu. Trưởng giả Úc-già, cũng giống như vậy, ngay nơi chỗ ngồi thấy được bốn Thánh đế, là Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Rồi thì, Trưởng giả Úc-già thấy pháp và đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn tôn sùng ai khác, không còn theo ai khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được vô sở úy đối với giáo pháp của Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ và thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con nay tự thân xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, cúi mong Đức Thế Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà-tắc; bắt đầu từ hôm nay trọn đời, xin tự quy y cho đến mạng chung. Bạch Thế Tôn, từ ngày hôm nay, con xin theo Đức Thế Tôn, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu[06], thọ trì năm giới.”
Sau khi Trưởng giả Úc-già xin theo Đức Thế Tôn, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.
Ông liền trở về nhà, triệu tập các người vợ[07] lại nói rằng:
“Các ngươi biết không? Ta đã theo Đức Thế Tôn trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới. Các ngươi nếu còn muốn được sống ở nơi đây thì có thể ở và làm việc bố thí tạo phước. Nếu không muốn ở, ai về nhà nấy. Nếu các ngươi muốn có chồng thì ta sẽ gả chồng cho.”
Bấy giờ người vợ cả thưa Trưởng giả Úc-già rằng:
“Nếu tôn ông đã theo Đức Phật, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, thì nên đem tôi gả cho người đàn ông kia.”
Trưởng giả Úc-già liền gọi người đàn ông kia đến, tay trái cầm tay người vợ cả, tay phải bưng chậu nước bằng vàng, bảo người kia rằng:
“Nay ta đem người vợ cả này cho ngươi làm vợ.”
Người ấy nghe rồi, liền vì quá sợ hãi, nên lông trong thân đều dựng đứng, thưa Trưởng giả Úc-già rằng:
“Thưa Trưởng giả, ngài muốn giết tôi chăng? Ngài muốn giết tôi chăng?”
Trưởng giả trả lời rằng:
“Ta không giết ngươi đâu. Vì ta đã theo Phật trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, do đó ta sẽ đem người vợ cả này cho ông làm vợ.
Trưởng giả Úc-già khi đã cho người vợ cả này và ngay trong khi đó, hoàn toàn không có lòng hối tiếc.
Bấy giờ, với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, Đức Thế Tôn ở trong đó tán thán khen ngợi Trưởng giả Úc-già rằng Trưởng giả Úc-già có tám pháp vị tằng hữu.
Rồi thì, có một vị Tỳ-kheo, khi đêm đã qua, vào lúc hừng sáng, khoác y ôm bát, đi đến nhà Trưởng giả Úc-già.
Trưởng giả Úc-già từ đàng xa trông thấy Tỳ-kheo đi đến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Tỳ-kheo mà thưa rằng:
“Kính chào Tôn giả. Tôn giả đã từ lâu không đến đây. Mời ngồi nơi giường này.
Bấy giờ Tỳ-kheo ngồi xuống giường ấy. Trưởng giả Úc-già đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo rồi ngồi sang một bên. Tỳ-kheo bảo rằng:
“Này Trưởng giả. Ông có điều thiệân lợi, có công đức lớn. Vì sao vậy? Đức Thế Tôn, với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, ở trong đó tán thán khen ngợi Trưởng giả Úc-già rằng Trưởng giả Úc-già có tám pháp vị tằêng hữu. Này trưởng giả, ông có những pháp gì?”
Trưởng giả Úc-già trả lời Tỳ-kheo rằng:
“Đức Thế Tôn không hề nói sai, nhưng con không biết Đức Thế Tôn vì lẽ gì nói như vậy. Nhưng mong Tôn giả nghe cho, về những pháp gì mà con có.
“Một thời Phật du hóa tại Bệ-xá-li, trong Đại lâm. Bấy giờ con chỉ có một số phụ nữ theo hầu hạ và đang ở trước các phụ nữ ấy, từ Bệ-xá-li ra đi. Con đi đến khoảng giữa Đại lâm và Bệ-xá-li, chỉ để hoan lạc với các kỹ nữ, như vị quốc vương. Rồi thì, thưa Tôn giả, con lúc bấy giờ uống rượu say lúy túy, bỏ các phụ nữ kia ở lại đó, đi vào trong Đại lâm. Thưa Tôn giả, con đang lúc say rượu lúy túy, từ đàng xa trông thấy Đức Thế Tôn ở giữa rừng cây, đoan chánh đẹp đẽ như vầng trăng giữa đám sao, ánh sáng chói lọi rực rỡ, ánh sáng như tòa núi vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần nguy nga, các căn tịch tĩnh, không bị ngăn che, thành tựu sự điều ngự, tâm vắng lặng tịch mặc. Con thấy Đức Phật rồi, lập tức tỉnh rượu. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”
Thầy Tỳ-kheo khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả,
Sau khi tỉnh rượu, con liền đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiên thuyết pháp cho con, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, như thông lệ của chư Phật, trước hết nói về pháp đoan chánh cho người nghe hoan duyệt; tức là nói về thí, về giới, nói pháp sanh thiên, chê bai dục là tai hoạn, sanh tử là ô uế, khen ngợi vô dục là vi diệu, đạo phẩm thanh tịnh trong trắng. Sau khi Đức Thế Tôn nói những pháp ấy cho con rồi, Phật biết con có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm nhẫn nại, tâm thăng tấn, tâm chuyên nhất, tâm không nghi, tâm không bị che lấp, có khả năng, có sức mạnh, có thể kham thọ Chánh pháp. Rồi như thông lệ của chư Phật, ngài nói về pháp yếu chân chánh, Đức Thế Tôn thuyết cho con nghe về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Lúc ấy con, ngay trên chỗ ngồi, thấy được bốn Thánh đế, là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng dễ nhuộm thành màu, con cũng giống như vậy, ngay nơi chỗ ngồi thấy được bốn Thánh đế, là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”
Thầy Tỳ-kheo khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, con thấy pháp, giác ngộ pháp, đắc pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi, vượt qua hoặc, không còn tôn sùng người khác, không còn theo người khác, không còn do dự, đã trụ nơi quả chứng, được vô sở úy đối với giáo pháp của Đức Thế Tôn. Bạch Tôn giả, lúc ấy, con liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn, hôm nay con tự thân xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ-kheo, mong Đức Thế Tôn nhận con là Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay cho đến trọn đời, xin’ tự thân quy y cho đến khi mạng chung. Bạch Thế Tôn, từ nay con xin theo Đức Thế Tôn trọn đời, lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới’. Bạch Tôn giả, từ khi con theo Đức Thế Tôn, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, chưa từng biết mình đã phạm giới. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.
Thầy Tỳ-kheo khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, bấy giờ sau khi con theo Đức Thế Tôn, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới rồi, cúi đầu nhiễu quanh Phật ba vòng rồi ra về. Trở về nhà, con liền tập trung các phụ nữ, rồi nói rằng:
“– Các ngươi biết không? Ta đã theo Đức Thế Tôn trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới. Các ngươi nếu còn muốn được sống ở nơi đây thì có thể ở và làm việc bố thí tạo phước. Nếu không muốn ở, ai về nhà nấy. Nếu các ngươi muốn có chồng thì ta sẽ gả chồng cho.
“Bấy giờ người vợ cả thưa với con rằng:
“– Nếu tôn ông đã theo Đức Phật, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, thì nên đem tôi gả cho người đàn ông kia.
“Con bấy giờ gọi người đàn ông kia đến, tay trái cầm tay người vợ cả, tay phải bưng chậu nước bằng vàng, bảo người kia rằng:
“– Nay ta đem người vợ cả này cho ngươi làm vợ.
“Người ấy nghe rồi, liền vì quá sợ hãi, nên lông trong thân đều dựng đứng, thưa với con rằng:
“– Thưa Trưởng giả, ngài muốn giết tôi chăng? Ngài muốn giết tôi chăng?”
“Con nói với người ấy rằng:
“– Ta không giết ngươi đâu. Vì ta đã theo Phật trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, thọ trì năm giới, do đó ta sẽ đem người vợ cả này cho ông làm vợ.
“Thưa Tôn giả, con đã cho người vợ cả này và ngay trong khi cho đó, hoàn toàn không có lòng hối tiếc.”
Thầy Tỳ-kheo khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con đến chúng viên[08], nếu trước hết mà gặp một vị Tỳ-kheo nào, con liền đảnh lễ. Nếu vị Tỳ-kheo ấy kinh hành, thì con cũng kinh hành. Nếu vị ấy ngồi, con cũng ngồi theo một bên, ngồi rồi nghe pháp. Vị Tôn giả ấy thuyết pháp cho con nghe; con cũng thuyết pháp cho vị Tôn giả ấy nghe. Vị Tôn giả ấy vấn sự con, con cũng vấn sự vị Tôn giả ấy. Vị Tôn giả ấy trả lời câu hỏi của con, con cũng trả lời vị Tôn giả ấy. Con nhớ chưa từng có lần nào con khinh mạn các vị Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão, trung hay hạ. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.
Thầy Tỳ-kheo khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con ở giữa chúng Tỳ-kheo, hành sự bố thí, thì có chư Thiên trụ giữa hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, đây là vị A-la-hán, đây là vị Hướng A-la-hán, đây là vị A-na-hàm, đây là vị Hướng A-na-hàm, đây là vị Tư-đà-hàm, đây là vị Hướng Tư-đà-hàm, đây là vị Tu-đà-hoàn, đây là vị Hướng Tu-đà-hoàn. Vị này tinh tấn, vị này không tinh tấn’. Bạch Tôn giả, khi con cúng thí cho đại chúng Tỳ-kheo, con nhớ chưa từng có ý phân biệt. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”
Thầy Tỳ-kheo khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con hành sự bố thí ở trong chúng Tỳ-kheo, có chư Thiên trên hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, có Đức Như Lai, vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng’. Bạch Tôn giả, con không do vi trời kia mà có tín, không do vị trời kia mà dục lạc, không nghe theo vị kia, nhưng con tự có tịnh trí để biết Đức Như Lai, Vôâ Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”
Thầy Tỳ-kheo khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, Đức Phật có nói về năm hạ phần kiết, tức tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, và nghi. Con thấy năm kiết sử ấy, hoàn toàn không có một kiết sử nào còn trói buộc con thác sanh vào bào thai, trở lại thế gian này. Bạch Tôn giả con có pháp ấy.
Thầy Tỳ-kheo khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
Trưởng giả liền thưa với thầy Tỳ-kheo rằng:
“Mong Tôn giả ở lại đây thọ thực. Tỳ-kheo im lặng nhận lời. Sau khi biết Tỳ-kheo đã im lặng nhận lời, Trưởng giả Úc-già liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình múc nước rửa tay, rồi đem tất cả rất nhiều món ăn cứng và mềm rất mỹ, diệu tinh khiết, ngon lành, tự tay hầu sớt, để cho Tỳ-kheo ăn được no đủ. Ăn xong, dọn cất đồ đạc và dùng nước rồi, lấy một giường nhỏ ngồi riêng để nghe pháp.
Thầy Tỳ-kheo thuyết pháp cho Trưởng giả, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, rồi đem trình bày đầy đủ lại cuộc thảo luận giữa thầy và Trưởng giả Úc-già lên Đức Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo rằng:
“Ta vì lẽ ấy mà khen ngợi tán thán Trưởng giả Úc-già có tám pháp vị tằng hữu.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. Viii, 21-22 Ugga. Úc-già Trưởng giả: Ugga gahapati. Có hai vị cùng tên. Vị Trưởng giả ở Vesali (Pāli: Ugga-gahapati Vesālika), được tán thán trong kinh 39 sau. Theo nội dung, vị Ugga (Pāli: Ugga-gahapati[02] Du Bệ-xá-li, trú Đại lâm trung 遊 鞞 舍 離 住 大 林 中. Pāli: Vesāliyaṃ viharati Mahānava Kūṭāgārasālāyaṃ, trú ở Vesāli, trong giảng đường Trùng các, trong rừng Đại lâm. Nhưng theo nội dung, có lẽ Phật đang trú tại làng Hatthi giữa những người Vajji.[03] Úc-già Trưởng giả 郁 伽 長 者. Pāli: Ugga-gahapati.[04] Bản Pāli: Tại Nāgavana, nơi hưởng lạc của ông gần Hatthigama.[05] Hán: chư Phật thuyết Chánh pháp yếu 諸 佛 說 正 法 要. Pāli: Buddhānaṃ sāmukkaṃsikā dhammadesanā, sự thuyết pháp rất đặc sắc của chư Phật.[06] Ông phát nguyện tuyệt dục. Bản Hán: phạm hạnh vi thủ, thọ trì ngũ giới 梵 行 為 首 受 持 五 戒. Bản Pāli: brahmacariyapañcamāni ca sikkhāpādāni samādiyiṃ, và thọ trì học xứ thứ năm là (?) phạm hạnh.[07] Hán: chư phụ nhân 諸 婦 人. Pāli: catasso komāriyo pajāpatiyo, bốn người vợ trẻ.[08] Hán: chúng viên 眾 園. Pāli: saṃghārama, công viên hay tịnh viên của Tăng.
-ooOoo-
39. KINH ÚC-GIÀ TRƯỞNG GIẢ (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời sau khi Phật nhập Niết-bàn không bao lâu, có một số đông Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão du hóa tại Bệ-xá-li, ở bên dòng sông Di hầu, tại ngôi lầu cao.
Bấy giờ Trưởng giả Úc-già[02] tổ chức đại bố thí như sau: Đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Ông tổ chức đại bố thí như vậy.
Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất.
Số đông Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão nghe Trưởng giả Úc-già tổ chức đại bố thí như sau: Đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn.
Các vị ấy nghe rồi bàn luận với nhau rằng:
“Này chư Hiền, vị nào có thể đến nói với với Trưởng giả Úc-già rằng: ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’?”
Rồi các vị ấy nghĩ như vầy: “Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, nhận được sự chỉ giáo của Đức Thế Tôn; được Phật và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể đến nói với Trưởng giả Úc-già rằng: ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’.”
“– Này chư Hiền, chúng ta nên cùng nhau đến Tôn giả A-nan trình bày sự việc như thế.” Bấy giờ số đông Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão đi đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi sang một bên thưa rằng:
“Thưa Hiền giả A-nan, ngài có biết không? Trưởng giả Úc-già tổ chức đại bố thí như sau: đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Ông tổ chức đại bố thí như vậy. Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất. Chúng tôi cùng bàn luận với nhau như thế này: vị nào có thể đến nói với với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’? Lại nghĩ như vầy: Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, nhận được sự chỉ giáo của Đức Thế Tôn; được Phật và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể đến nói với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’. Này Hiền giả A-nan, ngài có thể đến bảo với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết Trưởng giả’.”
Tôn giả A-nan thưa với các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão rằng:
“Thưa các Tôn giả, Trưởng giả Úc-già tính tình nghiêm nghị; nếu tôi tự tiện nói thì biết đâu làm Trưởng giả không vui. Thưa các ngài, tôi đại diện cho ai để nói đây?”
Các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão trả lời rằng:
“Hiền giả nên xưng là chúng Tỳ-kheo bảo như vậy. Sau khi ngài xưng là chúng Tỳ-kheo bảo vậy, ông ấy sẽ không còn nói gì nữa.”
Tôn giả A-nan liền im lặng nhận lời các vị Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão. Bấy giờ các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão biết Tôn giả A-nan im lặng nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi quanh Tôn giả A-nan rồi ai về chỗ ấy. Sau khi đêm qua vào lúc hừng sáng, Tôn giả A-nan khoác y, cầm bát đi đến nhà Trưởng giả Úc-già. Trưởng giả Úc-già thấy Tôn giả A-nan từ xa đi lại, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo chắp tay hướng về Tôn giả A-nan thưa rằng:
“Kính chào Tôn giả A-nan, Tôn giả từ lâu không đến đây. Mời ngồi lên giường này.”
Tôn giả A-nan liền ngồi lên giường ấy. Trưởng giả Úc-già đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi ngồi sang một bên. Tôn giả A-nan bảo rằng:
“Trưởng giả có biết không? Trưởng giả đã tổ chức đại bố thí như sau: đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Trưởng giả tổ chức đại bố thí như vậy. Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất. Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết.”
Trưởng giả thưa rằng:
“Bạch Tôn giả A-nan, đây là lời nói của ai vậy?”
Tôn giả A-nan đáp rằng:
“Này Trưởng giả, tôi truyền lại lời của chúng Tỳ-kheo.”
Trưởng giả thưa rằng:
“Nếu Tôn giả A-nan truyền lại lời của chúng Tỳ-kheo, thì không có gì phải luận. Còn nếu tự mình nói như vậy thì có thể làm cho con rất không được vừa lòng. Bạch Tôn giả A-nan, nếu con có thí xả như thế, có huệ thí như thế, dù tất cả tài vật đều khô cạn, cũng chỉ làm cho con mãn nguyện thôi. Giống như ý nguyện của Chuyển luân vương vậy.
Tôn giả A-nan hỏi rằng:
“Này Trưởng giả, thế nào là ý nguyện của Chuyển luân vương?”
Trưởng giả đáp:
“Bạch Tôn giả A-nan, người nghèo trong thôn nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta trở nên giàu nhất trong thôn’. Đó là ý nguyện của người ấy. Người giàu trong thôn nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta trở nên giàu nhất trong ấp’. Đó là ý nguyện của người đó. Người giàu trong ấp suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta giàu nhất trong thành’. Đó là ý nguyện của người ấy. Người giàu trong thành nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được chức tông chánh trong thành’. Đó là ý nguyện của người ấy. Vị tông chánh trong thành nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được quan quốc tướng. Đó là ý nguyện của người ấy. Quan quốc tướng suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được vị tiểu vương’. Đó là ý nguyện của người ấy. Vị tiểu vương suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được Chuyển luân vương’. Đó là ý nguyện của người ấy. Vị Chuyển luân vương suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được điều mà một thiện nam tử[03] có thể làm, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo để thành tựu phạm hạnh vô thượng, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là ý nguyện Chuyển luân vương.
“Bạch Tôn giả A-nan, nếu con có thí xả như thế, có huệ thí như thế, dù cho tất cả tài vật đều khô cạn, cũng chỉ làm cho con mãn nguyện thôi, như thế là ý nguyện của vị Chuyển luân vương. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”
Tôn giả A-nan khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, khi con đến chúng viên, nếu trước hết mà gặp một vị Tỳ-kheo nào, con liền đảnh lễ. Nếu vị Tỳ-kheo ấy kinh hành, thì con cũng kinh hành. Nếu vị ấy ngồi, con cũng ngồi theo một bên, ngồi rồi nghe pháp. Vị Tôn giả ấy thuyết pháp cho con nghe; con cũng thuyết pháp cho vị Tôn giả ấy nghe. Vị Tôn giả ấy vấn sự con, con cũng vấn sự vị Tôn giả ấy. Vị Tôn giả ấy trả lời câu hỏi của con, con cũng trả lời vị Tôn giả ấy. Con nhớ chưa từng có lần nào con khinh mạn các vị Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão, trung hay hạ. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”
Tôn giả A-nan khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, khi con ở giữa chúng Tỳ-kheo, hành sự bố thí, thì có chư Thiên trụ giữa hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, đây là vị A-la-hán, đây là vị Hướng A-la-hán, đây là vị A-na-hàm, đây là vị Hướng A-na-hàm, đây là vị Tư-đà-hàm, đây là vị Hướng Tư-đà-hàm, đây là vị Tu-đà-hoàn, đây là vị Hướng Tu-đà-hoàn. Vị này tinh tấn, vị này không tinh tấn’. Bạch Tôn giả, khi con cúng thí cho đại chúng Tỳ-kheo, con nhớ chưa từng có ý phân biệt. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”
Tôn giả A-nan khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con hành sự bố thí ở trong chúng Tỳ-kheo, có chư Thiên trên hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, có Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng’. Bạch Tôn giả, con không do vi trời kia mà có tín, không do vị trời kia mà dục lạc, không nghe theo vị kia, nhưng con tự có tịnh trí để biết Đức Như Lai, Vôâ Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”
Tôn giả A-nan khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, con ly dục, ly ác bất thiện pháp, v.v..., cho đến, thành tựu và an trụ[01]. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”
Tôn giả A-nan khen rằng:
“Này Trưởng giả, nếu ông có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”
Rồi thì, Trưởng giả Úc-già liền thưa với Tôn giả A-nan rằng:
“Tôn giả A-nan, mời ở lại đây thọ thực.”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời mời của Trưởng giả Úc-già. Sau khi biết Tôn giả A-nan đã im lặng nhận lời, Trưởng giả Úc-già liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình múc nước rửa tay, rồi đem tất cả rất nhiều món ăn cứng và mềm rất mỹ diệu tinh khiết, ngon lành, tự tay hầu sớt, để cho Tôn giả ăn được no đủ. Ăn xong, dọn cất đồ đạc và dùng nước rồi, lấy một giường nhỏ ngồi riêng để nghe pháp.
Tôn giả A-nan thuyết pháp cho Trưởng giả, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiẹân thuyết pháp cho ông, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Tôn giả A-nan thuyết pháp như vậy. Trưởng giả Úc-già sau khi nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Không thấy Pāli tương đương. Xem cht.1, Kinh số 38 trên.[02] Có lẽ Pāli: Ugga-gahapi Vesālika, gia chủ Ugga, người Vesāli.[03] Hán: tộc tánh tử 族 姓 子. Pāli: kulaputta.
-ooOoo-
40. KINH THỦ TRƯỞNG GIẢ (I)[1]
Tôi nghe như vầy:
Môt thời Phật du hóa tại A-la-bệ Già-la[02], trong Hòa lâm.
Bấy giờ Thủ Trưởng giả[03], cùng với năm trăm Đại trưởng giả đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Năm trăm Trưởng giả cũng cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Thủ Trưởng giả, nay ông có một chúng rất đông này, Trưởng giả, ông dùng phương pháp gì để nhiếp hóa đại chúng này?”
Bấy giờ Thủ Trưởng giả thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, có bốn sự nhiếp[04], như Đức Thế Tôn đã dạy. Một là huệ thí, hai là ái ngôn, ba là dĩ lợi, bốn là đẳng lợi[05]. Bạch Thế Tôn, con dùng bốn phương pháp ấy để nhiếp hóa đồ chúng này, hoặc là dùng bố thí, hoặc là dùng ái ngôn, hoặc là dùng lợi, hoặc là dùng đẳng lợi.
Đức Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Này Thủ Trưởng giả, ông có thể bằng như pháp ấy mà nhiếp hóa đại chúng, lại bằng như môn ấy mà nhiếp hóa đại chúng, lại bằng như nhân duyên mà nhiếp hóa đại chúng[06]. Này Thủ Trưởng giả, nếu trong quá khứ có Sa-môn, Phạm chí nào[07], bằng như pháp mà nhiếp hóa đại chúng, tất cả những sự nhiếp hóa đấy đều hoàn toàn[08] ở trong bốn sự nhiếp này. Này Thủ Trưởng giả, nếu trong vị lai có Sa-môn, Phạm chí nào bằng như pháp nhiếp hóa đại chúng, tất cả những sự nhiếp hóa ấy hoàn toàn ở trong bốn sự nhiếp này. Này Thủ Trưởng Giả, nếu trong hiện tại có Sa-môn, Phạm chí nào bằng như pháp nhiếp hóa đại chúng, tất cả những pháp ấy đều hoàn toàn ở trong bốn sự nhiếp này.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiẹân thuyết pháp cho ông, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng.
Bấy giờ, sau khi được Đức Thế Tôn thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, Thủ Trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.
Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.
Bấy giờ chư Thiên ở cõi Tam thập tam thiên tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi Thủ Trưởng giả.
“Này chư Hiền, Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.”
Bấy giờ, Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói rằng:
“Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam thập tam thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.”
Bấy giờ Thủ Trưởng giả im lặng không nói gì cả; không ngắm, không nhìn Tỳ-sa-môn Đại thiên vương. Vì sao thế? Vì tôn trọng định tâm và để thủ họâ định tâm của mình.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ở giữa vô lượng trăm nghìn đại chúng, khen ngợi Thủ Trưởng giả:
“Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằêng hữu. Sau khi Ta thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả ấy, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.
“Hôm nay chư Thiên ở Tam thập tam thiên vì Trưởng già ấy mà tập trung ở pháp đường để khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi dứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.
“Hôm nay Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói:
“– Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam thập tam thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.”
Bấy giờ có một Tỳ-kheo, sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, khoác y ôm bát đến nhà Thủ Trưởng giả. Thủ Trưởng giả từ xa trông thấy Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về thầy Tỳ-kheo mà thưa:
“Kính chào Tôn giả! Tôn giả đã lâu không đến đây. Mời ngồi trên giường này.”
Lúc đó Tỳ-kheo liền ngồi trên giường đó. Thủ Trưởng giả đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo, rồi ngồi sang một bên. Tỳ-kheo nói:
“Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Đức Thế Tôn vì ông ở giữa vô lượng trăm ngàn đại chúng mà khen ngợi Thủ Trưởng giả: ‘Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằêng hữu. Sau khi Ta thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả ấy, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.
“Hôm nay chư Thiên ở Tam thập tam thiên vì Trưởng già ấy mà tập trung ở pháp đường để khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến giáo, khích lệ, làm cho cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.
“Hôm nay Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói:
“– Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam thập tam thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.
“Bấy giờ Thủ Trưởng giả im lặng không nói gì cả, không ngắm, không nhìn Tỳ-sa-môn Đại thiên vương. Vì sao thế? Vì tôn trọng định tâm và để thủ hộ địng tâm của mình.”
Bấy giờ Thủ Trưởng giả thưa với thầy Tỳ-kheo rằng:
“Bạch Tôn giả lúc bấy giờ không có người bạch y nào chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Không có người bạch y nào.”
Và hỏi lại:
“Nếu có người bạch y thì sẽ có sai lầm gì?”
Trưởng giả đáp:
“Bạch Tôn giả, hoặc có người không tin lời của Đức Thế Tôn; người ấy sẽ ấy sẽ vĩnh viễn bất nghĩa, bất nhẫn[09], sanh vào chỗ cực ác, thọ vô lượng khổ. Nếu kẻ nào tin lời Đức Thế Tôn người ấy do việc đó sẽ cung kính lễ bái con. Bạch Tôn giả, con cũng không thích được như vậy. Bạch Tôn giả, mời ở lại đây thọ thực.”
Tỳ-kheo ấy im lặng nhận lời. Sau khi biết Tỳ-kheo đã im lặng nhận lời, Trưởng giả Úc-già liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình múc nước rửa tay, rồi đem tất cả rất nhiều món ăn cứng và mềm rất mỹ diệu tinh khiết, ngon lành, tự tay hầu sớt, để cho Tỳ-kheo ăn được no đủ. Ăn xong, dọn cất đồ đạc và dùng nước rồi, lấy một giường nhỏ ngồi riêng để nghe pháp.
Thầy Tỳ-kheo thuyết pháp cho Trưởng giả, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, rồi đem trình bày đầy đủ lại cuộc thảo luận giữa thầy và Thủ Trưởng giả lên Đức Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo rằng:
“Ta vì cớ ấy mà khen Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằng hữu. Lại nữa, Thủ Trưởng giả có pháp vị tằng hữu thứ tám là Thủ Trưởng giả vô cầu, vô dục.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. viii. 24 Hatthaka.[02] A-la-bệ Già-la 阿 邏 鞞 伽 邏. Pāli: Āḷaviyaṃ viharati Aggaḷave cetiye, trú ở Āḷavi, trong miếu Aggaḷava. Aggaḷava, mọât ngôi miếu tại Āḷavi, Phật thường dừng chân tại đây, và cũng tại đây Phật thiết lập một số điều khoản trong giới bổn Tỳ-kheo. Āḷavi là một thị trấn cách Sāvatthi 30 do-tuần.[03] Thủ Trưởng giả 手 長 者. Pāli: Hattaka, cũng gọi là Āḷavaka, con trai của vua xứ Āḷavi.[04] Tứ sự nhiếp 四 事 攝, hay Tứ nhiếp pháp 四 攝 法. Pāli: Cattāri saṅgahavatthūni: dānaṃ, peyyavajjaṃ, atthacariyā, samānattatā.[05] Huệ thí, ái ngôn, dĩ lợi, đẳng lợi 惠 施 愛 言 以 利 等 利. Thường nói là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Xem giải thích Tập Dị 9 (DTK. 1536, tr.402c).[06] Hán: như pháp, như môn, như nhân duyên 如 法 如 門 如 因 緣.[07] Pāli: ye hi keci… bất cứ ai…[08] Hán: hoặc hữu dư 或 有 餘.[09] Hán: bất nghĩa, bất nhẫn; có lẽ phải hiểu là: không được lợi ích, không được an ổn; Pāli: na attha, na khema.
-ooOoo-
41. KINH THỦ TRƯỞNG GIẢ (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại A-la-bệ Già-la, trong Hòa lâm.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Thủ Trưởng giả có tám pháp vị tằêng hữu. Những gì là tám? Thủ Trưởng giả có thiểu dục, có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ.
“Nói Thủ Trưởng giả có thiểu dục, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả tự thân thiểu dục, không muốn để cho người khác biết mình có thiểu dục. Có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có tuệ Thủ Trưởng giả tự có tuệ, không muốn cho người khác biết mình có tuệ. Nói Thủ Trưởng giả có thiểu dục, là nhân đó mà nói.
“Nói Thủ Trưởng giả có tín, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả có lòng tin kiên cố, tin tưởng thâm sâu nơi Như Lai, tín căn đã xác lập, hoàn toàn không theo Sa-môn, Phạm chí, Ngoại đạo, hoặc Thiên, Ma, Phạm và tất cả những người khác trong thế gian. Nói Thủ Trưởng giả có tín, là nhân đó mà nói.
“Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường hành xấu hổ, điều gì đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ đối với pháp ác bất thiện, phiền não ô uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là nhân đó mà nói.
“Nói Thủ Trưởng giả có quý, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự hổ thẹn, điều nào đáng thẹn thì biết thẹn, thẹn các pháp ác bất thiện và phiền não ô uế đưa đến thọï các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có quý, là nhân đó mà nói.
“Nói Thủ Trưởng giả có tinh tấn, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự tinh tấn, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp, có ý tưởng ngồi dậy[02], chuyên nhất và kiên cố, tạo gốc rễ thiện, không hề từ bỏ sự tinh cần[03]. Nói Thủ Trưởng giả có tinh tấn, là nhân đó mà nói.
“Nói Thủ Trưởng giả có niệm, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả quán nọâi thân như thân, quán nội giác, nội tâm, nội pháp như pháp[04]. Nói Thủ Trưởng giả có niệm, là nhân đó mà nói.
“Nói Thủ Trưởng giả có định, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nói Thủ Trưởng giả có định, là nhân đó mà nói.
“Nói Thủ Trưởng giảù có tuệ, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy tàn của các pháp; đạt được trí tuệ như vậy, Thánh tuệ minh đặt, phân biệt rõ ràng để hoàn toàn thoát khổ. Nói Thủ Trưởng giả có tuệ, là nhân đó mà nói.
“Nói Thủ Trưởng giả có tám pháp vị tằng hữu, là nhân đó mà nói.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. Viii.23. Hatthaka. Tham chiếu Kinh 40 trên.[02] Tu tập quang minh tưởng.[03] Hán: bất xả phương tiện 不 捨 方 便.[04] Quán bốn niệm xứ: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Pāli: kāye kayānupasī viharati, vedanāsu vedanānupassī viharati, citte cittanupassī viharati, dhammesu dhammānupassī viharati, sống quán thân trên thân, sống quán thọ trên thọ, sống quán tâm trên tâm, sống quán pháp trên pháp.
-ooOoo-
5. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
42. KINH HÀ NGHĨA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan từ chỗ độc cư tĩnh tọa [02] đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, giữ giới có ý nghĩa gì? [03]“.
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, giữ giới có ý nghĩa là khiến cho không hối hận [04]. Này A-nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận”.
“Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, không hối hận thì có ý nghĩa khiến cho được hân hoan [05]. A-nan, nếu ai không hối hận, người ấy được sự hân hoan”.
“Bạch Thế Tôn, hân hoan có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, hân hoan có ý nghĩa là khiến cho có hỷ [06]. Này A-nan, nếu ai hân hoan, người ấy có hỷ”.
“Bạch Thế Tôn, hỷ có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, hỷ có ý nghĩa là khiến cho tĩnh chỉ [07]. Này A-nan, nếu ai có hỷ, người ấy có tĩnh chỉ của thân”.
“Bạch Thế Tôn, tĩnh chỉ có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, tĩnh chỉ có ý nghĩa là khiến cho lạc [08]. A-nan, nếu ai tĩnh chỉ người ấy có cảm thọ lạc.
“Bạch Thế Tôn, lạc có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, lạc có nghĩa khiến cho có định [09]. A-nan, nếu ai có lạc người ấy có định.
“Bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, định có ý nghĩa là khiến cho thấy như thật, biết như chơn [10]. A-nan, nếu ai có định người ấy thấy như thật, biết như chơn.
“Bạch Thế Tôn, thấy như thật, biết như chơn có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn có ý nghĩa là khiến cho yếm ly [11]. Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn người ấy có sự yếm ly.
“Bạch Thế Tôn, yếm ly có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, yếm ly có ý nghĩa là khiến cho vô dục [12]. A-nan, nếu ai yếm ly người ấy được vô dục.
“Bạch Thế Tôn, vô dục có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, vô dục có ý nghĩa là khiến cho giải thoát. Này A-nan, nếu ai vô dục thì người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.
“Cho nên, này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.
“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia[13].
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.x. 1. Kimatthiya.[02] Hán: yến tọa 晏 (có bản viết: 燕) 坐. Pāli: patisallāna hoặc paṭisallāna.[03] Pāli: kimatthiya, có ý nghĩa gì, mục đích gì, ích lợi gì?[04] Hán: bất hối 不 悔. Pāli: avippaṭisāra, không hối hận.[05] Hán: hoan duyệt 歡 悅. Pāli: pāmojja, hân hoan, thích thú, vui vẻ.[06] Hán: hỷ 喜. Pāli: pīti, trạng thái hỷ giống như xuất thần.[08] Hán: lạc 樂. Pāli: sukha, an lạc, an ổn khoái lạc.[09] Định 定. Pāli: samādhi.[10] Hán: kiến như thật, tri như chân 見 如 實 知 如 真. Pāli: yathābhūtaññaṇadassana, tri kiến như thật.[11] Hán: yếm 厭. Pāli: nibbidā, sự chán ghét, nhàm tờm.[12] Hán: vô dục 無 欲. Pāli: virāga, ly dục, ly tham; không còn tham dục.[13] Pāli: iti kho Ananda kusalāni sīlāni anupubbena aggāya parentī ti, đó là các thiện giới lần lượt dẫn đến chỗ cao tột.
-ooOoo-
43. KINH BẤT TƯ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:
“Này A-nan, người giữ giới không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi không có sự hối hận’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy[02] ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận.
“Này A-nan, người đã được sự không hối hận, không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được hân hoan. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai không hối hận người ấy được hân hoan.
“Này A-nan, người đã được sự hân hoan không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được hỷ’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có hân hoan, người ấy được hỷ.
“Này A-nan, người đã có hỷ không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được tĩnh chỉ’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai có hỷ, người ấy được tĩnh chỉ.
“Này A-nan, người đã được tĩnh chỉ không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có lạc’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai đã có tĩnh chỉ, người ấy được cảm thọ lạc.
“Này A-nan, người đã có lạc không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có định’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có lạc, người ấy có định.
“Này A-nan, người đã có định không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi thấy như thật, biết như chân’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có định, người ấy thấy như thật, biết như chân.
“Này A-nan, người thấy như thật, biết như chân không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có sự yếm ly’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai thấy như thật, biết như chân, người ấy có sự yếm ly.
“Này A-nan, người đã có sự yếm ly không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được vô dục’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai có sự yếm ly người ấy được vô dục.
“Này A-nan, người đã vô dục không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được giải thoát’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai đã vô dục người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.
“Này A-nan, đấy là nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.
“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.x.2. Cetanā, tư, không có nghĩa bất như bản Hán.[02] Hán: pháp tự nhiên 法 自 然. Pāli: dhammatā esā, pháp tánh là như thế.
-ooOoo-
44. KINH NIỆM[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu các Tỳ-kheo nào thường lãng quên, không chánh trí thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại các việc gìn giữ[02] các căn, gìn giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn[03].
“Nếu Tỳ-kheo nào không thường hay lãng quên, có chánh trí thì thường xuyên có[04] chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền chứng đắc Niết-bàn.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. viii. 81. Sati.[02] Tham chiếu Pāli: Không chánh niệm sẽ mất tàm quý; mất tàm quý sẽ mất sự hộ trì các căn; mất hộ các căn sẽ mất hộ giới…[03] Tham chiếu Pāli: nibbidāvirāge asati…hatūpanisaṃ hoti vimuttiñāṇadassanaṃ, trong khi không có yếm ly, ly dục, thì có sự tổn hại đối với giải thoát tri kiến.[04] Hán: tập 習. Pāli: upanisasammpanno hoti.
-ooOoo-
45. KINH TÀM QUÝ (I)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu có Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh[02]. Nếu không có ái và kỉnh thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm chánh trí. Nếu không có chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Nếu Tỳ-kheo nào biết hổ thẹn thì có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu giải thoát thì liền được Niết-bàn.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. Vii. Hiri. Tham chiếu Kinh số 44 trên.[02] Hán: ái cung kỉnh 愛 恭 敬. Tham chiếu Pāli: hirottappeasati… hatūpanisaṃ indriyasaṃvaro, trong khi không có tàm và quý, sự thủ hộ các căn bị tổn hại.
-ooOoo-
46. KINH TÀM QUÝ (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này các Hiền giả, nếu Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không có chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Này chư Hiền, cũng như cây nào mà lớp vỏ ngoài tổn hại thì lớp vỏ trong cũng hư. Vỏ trong hư, nên thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá chắc chắn thảy đều tàn rụi.
“Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không ái và kính thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không có chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo biết tàm biết quý thì thường có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì có chánh niệm, chánh trí. Nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền được Niết-bàn.
“Này chư Hiền, giống như cây nào mà vỏ ngoài không bị hư tổn thì vỏ trong không bị hư hại. Vỏ trong không hư, nên thân, lõi, cành, nhánh, hoa, lá chắc chắn thảy đều thành tựu.
“Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nên biết tàm biết quý thì thường có ái và kỉnh. Nếu có ái kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí. Nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền đắc Niết-bàn.
Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích
[01] Tham chiếu Kinh 45 trên.
-ooOoo-
47. KINH GIỚI (I)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào phạm giới thì làm tổn hại gìn giữ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Nếu Tỳ-kheo nào giữ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.x.3 Sīla. Tham chiếu Kinh 44 và các kinh tiếp theo trên.
-ooOoo-
48. KINH GIỚI (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào phạm giới thì làm tổn hại gìn giữ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ bị tổn hại thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá không thể thành được. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Nếu ai phạm giới thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào giữ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
“Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ không hư thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá đều thành tựu. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu ai giữ giới thì thường không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. x. 4 Upanisā; tham chiếu, A. x. 5 Ānanda
-ooOoo-
49. KINH CUNG KÍNH (I)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo nào không thực hành hạnh cung kính, không khéo quán sát[02], không kính trọng[03] các bậc phạm hạnh, mà pháp oai nghi[04] đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp không đầy đủ mà giới thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giới thân không đầy đủ mà định thân đầy đủ[05], điều đó không thể xảy ra. Định thân không đầy đủ mà tuệ thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Tuệ thân không đầy đủ mà giải thoát thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát thân không đầy đủ mà giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà Niết-bàn đầy đủ, điều đó không thể xảy ra.
“Nếu Tỳ-kheo nào thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Học pháp đầy đủ nên giới thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giới thân đầy đủ nên định thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Định thân đầy đủ nên tuệ thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Tuệ thân đầy đủ nên giải thoát thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát thân đầy đủ nên giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát tri kiến thân đầy đủ nên Niết-bàn đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. V. 21-22 Agārava (không cung kính).[02] Hán: bất thiện quán 不 善 觀. Pāli: appatissa, không thuận tùng, không phục tùng, hay gây gổ.[03] Hán: bất kính trọng 不 敬 重. Pāli: asabhāgavuttika, không có lễ nghi, vô lễ.[04] Hán: oai nghi pháp 威 儀 法. Pāli: ābhisamācarikaṃ dhammaṃ, hành nghi lễ tiết.[05] Bản Pāli: sīlāni aparipūretvā sammādiṭṭhi paripūressati, các giới không viên mãn mà chánh kiến viên mãn.
-ooOoo-
50. KINH CUNG KÍNH (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh.
“Nếu Tỳ-kheo nào không thực hành hạnh cung kính, không khéo quán sát, không kính trọng các bậc phạm hạnh mà pháp oai nghi đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp không đầy đủ mà giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát không đầy đủ mà Niết-bàn đầy đủ, điều đó không thể xảy ra.
“Nếu Tỳ-kheo nào thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ, điều đó chắc chắc xảy ra. Học pháp đầy đủ nên giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát đầy đủ nên Niết-bàn đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tham chiếu Kinh số 49 trên.
-ooOoo-
51. KINH BỔN TẾ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Không thể biết biên tế[02] cùng cực của hữu ái[03]. Trước vốn không có hữu ái, nhưng nay sanh ra hữu ái, do đó mới có thể biết được nhân của hữu ái[04].
“Hữu ái có tập[05] chứ không phải không tập. Tập của hữu ái là gì? Vô minh là tập.
“Vô minh cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô minh là gì? Năm triền cái[06] là tập.
“Năm triền cái cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của năm triền cái là gì? Ba ác hành là tập.
“Ba ác hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là tập.
“Không thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là tập.
“Không chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy[07] là tập.
“Không chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không chánh tư duy là gì? Không có tín là tập.
“Không có tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không có tín là gì? Nghe pháp ác[08] là tập.
“Nghe pháp ác cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe điều ác là gì? Gần gũi ác tri thức[09] là tập.
“Gần gũi ác tri thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác[10] là tập.
“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.
“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.
“Minh giải thoát[11] cũng có tập, chứ không phải không tập. Tập của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là tập. Bảy giác chi cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là tập. Bốn niệm xứ có tập chứ không phải không tập. Tập của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hành là tập. Ba diệu hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ba diệu hành là gì? Thủ hộ các căn là tập. Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập. Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập. Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập. Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Nghe pháp thiện[12] là tập. Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Gần gũi thiện tri thức là tập. Gần gũi thiện tri thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự gần gũi thiện tri thức là gì? Người thiện[13] là tập.
“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự gần gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tham chiếu Pāli A.x. 61-62 Āhāra. Đối chiếu biệt dịch No. 36. Phật Thuyết Bản Tướng Ỷ Trí Kinh, An Thế Cao dịch; No. 37 Phật Thuyết Duyên Bản Trí Kinh, khuyết danh người dịch. (Bản Hán dịch này khá kỳ, khó hiểu).[02] Hán: bổn tế 本 際. Pāli: purimā koṭi, biên tế tối sơ, giới hạn thời gian về trước.[03] Hán: hữu ái 有 愛. Pāli: bhava-taṇhā: khao khát hiện hữu hay khát vọng sinh tồn.[04] Hán: tiện đắc khả tri sở nhân hữu ái. Pāli: atha ca pana paññāyati ‘idappaccayā bhavataṇhā ti.[05] Lưu ý chữ Hán: tập 習 theo nghĩa tập quán hay tập nhân, chứ không phải tập 集 theo nghĩa tập khởi (tập hợp). Chỉ tìm thấy một từ Pāli (āhāra: thức ăn) tương đồng với hai từ Hán dịch trong kinh này và các kinh sau: tập và thực. Như vậy, phải có hai từ Sanskrit hay Pāli khác nhau. Hiện chưa suy ra được. No.36 và 37 dịch là hữu bản 有 本, hay tùng trí hữu bản 從 致 有 本.[06] Hán: ngũ cái 五 蓋. Pāli: pañca nīvaraṇā.[07] Hán: bất chánh tư duy 不 正 思 惟. Pāli: ayoniso manasikāraṃ, không như lý tác ý, tư duy không phương pháp.[08] Hán: ác pháp 惡 法. Pāli: asaddhamma, pháp không vi diệu, không chân chánh.[09] Hán: ác tri thức 惡 知 識, xem cht. dưới.[10] Bản Hán đề cập ác thiện tri thức và ác nhân. Bản Pāli chỉ đề cập asappurisa, không phải thiện nhân.[11] Minh giải thoát 明 解 脫. Pāli: vijjā-vimutti.[12] Pāli: saddhamma, diệu pháp, chánh pháp.[13] Hán: thiện nhân 善 人. Pāli: sappurisa, người lỗi lạc, siêu việt; chân nhân, thượng nhân, thiện sĩ.
-ooOoo-
52. KINH THỰC (I)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Không thể biết biên tế[02] cùng cực của hữu ái. Trước vốn không có hữu ái, nhưng nay sanh ra hữu ái, do đó mới có thể biết được nhân của hữu ái.
“Hữu ái có thức ăn[03] chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.
“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái[04] là thức ăn.
“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.
“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.
“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.
“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.
“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.
“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.
“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Gần gũi ác tri thức là thức ăn.
“Gần gũi ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.
“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.
“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.
“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Sông lớn là thức ăn.
“Sông lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông lớn là gì? Sông nhỏ là thức ăn.
“Sông nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông nhỏ là gì? Lạch lớn[05] là thức ăn.
“Lạch lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch lớn là gì? Lạch nhỏ là thức ăn.
“Lạch nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch nhỏ là gì? Suối, chằm trong các sườn núi là thức ăn.
“Suối, chằm trong các sườn núi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của suối, chằm trong các sườn núi là gì? Mưa là thức ăn.
“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.
“Giống như vậy, hữu ái cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.
“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái là thức ăn.
“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.
“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.
“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.
“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.
“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.
“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.
“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Gần gũi ác tri thức là thức ăn.
“Gần gũi ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.
“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.
“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.
“Minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.
“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.
“Bốn niệm xứ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.
“Ba diệu hạnh cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hạnh là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.
“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.
“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.
“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.
“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.
“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Gần gũi thiện tri thức là thức ăn.
“Gần gũi thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gần gũi thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.
“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự gần gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.
“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Sông lớn là thức ăn.
“Sông lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông lớn là gì? Sông nhỏ là thức ăn.
“Sông nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông nhỏ là gì? Lạch lớn là thức ăn.
“Lạch lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch lớn là gì? Lạch nhỏ là thức ăn.
“Lạch nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch nhỏ là gì? Suối, chằm trong các sườn núi là thức ăn.
“Suối, chằm trong các sườn núi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của suối, chằm trong các sườn núi là gì? Mưa là thức ăn.
“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.
“Cũng vậy, minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.
“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.
“Bốn niệm xứ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.
“Ba diệu hạnh cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hạnh là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.
“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.
“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.
“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.
“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.
“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Gần gũi thiện tri thức là thức ăn.
“Gần gũi thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gần gũi thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.
“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự gần gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”. Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tham chiếu Pāli: A.x. 61-62 Āhāra. Tham chiếu thêm Kinh 51 trên.[02] Phần lớn nội dung giống như Kinh 51 trên, chỉ khác ở chỗ Kinh 51 nói là tập (nguyên nhân tập khởi) thì kinh này nói là thực (thức ăn).[03] Hán: hữu ái giả tắc hữu thực 有 愛 者 則 有 食. Pāli: bhavataṇhaṃ pāhaṃ, bhikkhave, sāhāraṃ vadāmi, “Ta nói, này các Tỳ-kheo, hữu ái có thức ăn.” Kinh 51: tập, chỉ cho nguyên nhân tập khởi. Bản Pāli: āhāra (thức ăn) đồng nghĩa paccāya (duyên).[04] Xem cht.6 Kinh 51.[05] Hán: đại xuyên 大 川. Pāli: mahāsobbha, hồ lớn.
-ooOoo-
53. KINH THỰC (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Không thể biết biên tế cùng cực của hữu ái. Trước vốn không có hữu ái, nhưng nay sanh ra hữu ái, do đó mới có thể biết được nhân của hữu ái.
“Hữu ái có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.
“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái là thức ăn.
“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.
“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.
“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.
“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.
“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.
“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.
“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Gần gũi ác tri thức là thức ăn.
“Gần gũi ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.
“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hạnh rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.
“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.
“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Mưa là thức ăn.
“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.
“Cũng giống như vậy, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.
“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.
“Minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.
“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.
“Bốn niệm xứ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.
“Ba diệu hạnh cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hạnh là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.
“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.
“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.
“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.
“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.
“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Gần gũi thiện tri thức là thức ăn.
“Gần gũi thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gần gũi thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.
“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Mưa là thức ăn.
“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.
“Cũng giống như vậy, có đủ người thiện liền có đủ sự gần gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tham chiếu Kinh 52 trên.
-ooOoo-
54. KINH TẬN TRÍ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Câu-lâu-sấu[02], trú trong Kiếm-ma-sắt-đàm[03], đô ấp của Câu-lâu.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Có tri, có kiến, mới có chứng đắc lậu tận, chứ không phải không tri, không kiến.
“Thế nào là có tri, có kiến mới chứng đắc lậu tận? Tri kiến như thật về sự Khổ liền chứng đắc lậu tận. Tri kiến như thật về Khổ tập, tri kiến như thật về Khổ diệt và tri kiến như thật về Khổ diệt đạo liền chứng đắc lậu tận.
“Tận trí có tập[04] chứ không phải không tập. Tập của tận trí là gì? Giải thoát là tập.
“Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là nhân.
“Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.
“Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yểm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn.
“Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.
“Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.
“Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? Chỉ là tập.
“Chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chỉ là gì? Hỷ là tập.
“Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.
“Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.
“Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Thủ hộ giới là tập.
“Thủ hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.
“Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.
“Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.
“Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.
“Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Quán pháp nhẫn là tập.
“Quán pháp nhẫn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán pháp nhẫn là gì? Tụng đọc pháp là tập.
“Tụng đọc pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tụng đọc pháp là gì? Thọ trì pháp là tập.
“Thọ trì pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ trì pháp là gì? Quán nghĩa của pháp là tập.
“Quán nghĩa của pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán nghĩa của pháp là gì? Lỗ tai[05] là tập.
“Lỗ tai cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lỗ tai là gì? Nghe pháp thiện[06] là tập.
“Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Đi đến[07] là tập.
“Đi đến cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của đi đến là gì? Phụng sự[08] là tập.
“Nếu ai phụng sự thiện tri thức, điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.
“Như vậy, nếu ai không phụng sự thiện tri thức thì làm tổn hại tập của phụng sự. Nếu không phụng sự thì làm tổn hại tập của sự đi đến. Nếu không đi đến thì làm tổn hại tập của sự nghe pháp thiện. Nếu không nghe pháp thiện thì làm tổn hại tập của lỗ tai. Nếu không có lỗ tai thì làm tổn hại tập của sự quán nghĩa của pháp. Nếu không quán nghĩa của pháp thì làm tổn hại tập của thọ trì pháp. Nếu không thọ trì pháp thì làm tổn hại tập của tụng đọc pháp. Nếu không tụng đọc pháp thì làm tổn hại cái nhân quán pháp nhẫn. Nếu không quán pháp nhẫn thì làm tổn hại tập của của tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại tập của chánh tư duy. Nếu không chánh tư duy thì làm tổn hại tập của chánh niệm chánh trí. Nếu không chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại tập của sự thủ hộ các căn. Nếu không thủ hộ các căn thì làm tổn hại tập của sự thủ hộ giới, sự không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, thấy như thật, biết như chơn, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại tập của tận trí.
“Nếu ai phụng sự thiện tri thức thì điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.
“Như vậy, nếu ai phụng sự thiện tri thức thì có tập[09] phụng sự. Nếu đã phụng sự thì có tập đi đến. Nếu đã đi đến thì có tập nghe pháp thiện. Nếu đã nghe pháp thiện thì có tập lỗ tai. Nếu có lỗ tai thì có tập quán nghĩa của pháp. Nếu đã quán nghĩa của pháp thì có tập thọ trì pháp. Nếu đã thọ trì pháp thì có tập tụng đọc pháp. Nếu đã đọc tụng pháp thì có tập quán pháp nhẫn. Nếu đã quán pháp nhẫn thì có tập tín. Nếu đã có tín thì có tập chánh tư duy. Nếu đã có chánh tư duy thì có tập chánh niệm chánh trí. Nếu đã chánh niệm chánh trí thì có tập thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì có tập tận trí”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu các Kinh 42, 51-53.[02] Câu-lâu-sấu 拘 樓 瘦. Pāli: Kurusu giữa những người Kuru, tên bộ tộc, cũng là tên nước.[03] Kiếm-ma-sắt-đàm 劍 摩 瑟 曇. Pāli: Kammāsadhamma.[04] Xem cht.5, Kinh 51 trên.[05] Nhĩ giới 耳 界.[06] Thiện pháp 妙 法, đây muốn nói là diệu pháp hay chánh pháp.[07] Hán: vãng nghệ 往 詣. Pāli?[08] Phụng sự 奉 事. Pāli: sevanā, thân cận, phụng sự.[09] Tập, đây được hiểu là duyên, tức dẫn đến, hay làm điều kiện cho. Tham chiếu Kinh 55 dưới.
-ooOoo-
55. KINH NIẾT-BÀN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Niết-bàn có tập[02] chứ không phải không tập. Tập của Niết-bàn là gì? -Giải thoát là tập.
“Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là tập.
“Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.
“Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yếm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn là tập.
“Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.
“Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.
“Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? Chỉ là tập.
“Chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chỉ là gì? Hỷ là tập.
“Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.
“Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.
“Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Hộ giới là tập.
“Hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.
“Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.
“Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.
“Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.
“Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Khổ là tập.
“Khổ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của khổ là gì? Già chết là tập.
“Già chết cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của già chết là gì? Sanh là tập.
“Sanh cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sanh là gì? Hữu là tập.
“Hữu cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hữu là gì? Thủ[03] là tập.
“Thủ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ là gì? Thọ[04] là tập.
“Thọ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ là gì? Xúc[05] là tập.
“Xúc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của xúc là gì? Sáu xứ là tập.
“Sáu xứ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sáu xứ là gì? Danh sắc là tập.
“Danh sắc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của danh sắc là gì? Thức là tập.
“Thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thức là gì? Hành là tập.
“Hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hành là gì? Vô minh là tập.
“Như vậy, duyên[06] vô minh có hành; duyên hành có thức; duyên thức có danh sắc; duyên danh sắc có sáu xứ; duyên sáu xứ có xúc; duyên xúc có thọ; duyên thọ có ái; duyên ái có thủ; duyên thủ có hữu; duyên hữu có sanh; duyên sanh có già chết; duyên già chết có khổ. Tập khổ mới có tín; tập tín mới có chánh tư duy; tập chánh tư duy mới có chánh niệm chánh trí; tập chánh niệm chánh trí mới có thủ hộ các căn, hộ trì giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Có tập giải thoát mới chứng đắc Niết-bàn”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Không thấy Pāli tương đương.[02] Xem cht.5, Kinh 51 trên. Tham chiếu Kinh 42 trên.[03] Hán: thọ 受, thường nói là thủ. Pāli: upādāna.[04] Hán: giác 覺, thường nói là thọ. Pāli: vedanā.[05] Hán: canh lạc 更 樂, thường nói là xúc. Pāli: phassa.[06] Tham chiếu cht.9 Kinh 54 trên.
-ooOoo-
56. KINH DI-HÊ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, trong một cái hang trong rừng Mãng nại[02], thôn Xà-đấu[03].
Bấy giờ Tôn giả Di-hê[04] làm thị giả Phật.
Vào buổi sáng sớm, Tôn giả Di-hê mang y cầm bát vào thôn Xà-đấu khất thực. Khất thực xong, Tôn giả Di-hê đến bờ sông Kim-bệ[05], thấy một khu đất bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái[06]. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong[07] chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Thấy xong, Tôn giả hoan hỷ, thầm nghĩ: “Khu đất này bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Nếu tộc tánh tử[08] nào muốn tu pháp đoạn trừ[09] thì nên ở chỗ này. Ta cũng có điều phải đoạn trừ[10], có nên ở chỗ yên tĩnh này để tu pháp đoạn trừ chăng?”
Liền đó, sau khi ăn xong, Di-hê thu xếp y bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn[11] lên vai, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay con mang y cầm bát vào thôn Xà-đấu khất thực. Khất thực xong, con đến bờ sông Kim-bệ, thấy một khu đất bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Thấy xong, con hoan hỷ, thầm nghĩ: ‘Khu đất này bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Nếu tộc tánh tử nào muốn tu pháp đoạn trừ thì nên ở chỗ này. Ta cũng có điều phải đoạn trừ, có nên ở chỗ yên tĩnh này để tu pháp đoạn trừ chăng?’ Bạch Thế Tôn, nay con muốn đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Này Di-hê, ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả. Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn trừ”.
Tôn giả Di-hê lặp lại ba lần bạch:
“Bạch Thế Tôn, nay con muốn đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.
Đức Thế Tôn cũng ba lần nói rằng:
“Này Di-hê, ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả. Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn trừ”.
Di-hê lại bạch rằng:
“Thế Tôn không có việc cần làm, không có phận sự cần hoàn tất, không có điều gì cần phải quán sát[12] Con còn có những bổn phận, những điều phải làm, những điều phải quán sát. Bạch Thế Tôn, con đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Di-hê, ngươi mong cầu sự đoạn trừ[13], Ta có gì để nói thêm nữa? Di-hê, ngươi cứ đi, làm theo những gì mà ngươi muốn”.
Bấy giờ Di-hê sau khi nghe lời Đức Phật dạy, khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ và khéo tụng tập. Tôn giả liền đảnh lễ sát chân Đức Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi.
Sau khi đến rừng xoài, vào rừng, Tôn giả đi đến một gốc cây, trải Ni-sư-đàn mà ngồi kết già. Tôn giả Di-hê sống trong rừng xoài, sanh khởi lên ba tâm niệm ác bất thiện là tâm niệm dục, tâm niệm nhuế và tâm niệm hại[14]. Do đó, Tôn giả liền nghĩ đến Đức Thế Tôn.
Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Thế Tôn, đảnh lễ chân Ngài, ngồi sang một bên và bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đến rừng xoài kia, ngồi ở chỗ yên tĩnh, liền sanh khởi ba tâm niệm ác bất thiện là tâm niệm dục, tâm niệm nhuế và tâm niệm hại. Do đó, con liền nghĩ đến Thế Tôn”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Di-hê, tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?
“Di-hê, Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức[15]. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.
“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo phải tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát[16], lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Di-hê, với tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai. “Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.
“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, thường tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện[17]. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.
“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt[18], phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.
“Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộ[19] để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-hê và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. ix.3. Meghiya.[02] Mãng nại lâm 莽 柰 林, tức khu rừng xoài. Pāli: ambavana.[03] Xà-đấu thôn 闍 鬥 村. Pāli: Jantugāma, gần làng Calikā. Pāli: cālikāyaṃ viharati cālikāpabbate, trú ở làng Calikā, trên núi Cālikapabbata. Phật an cư vào mùa mưa ở đây vào các năm thứ 13, 18 và 19, sau khi thành đạo. Calikapabbata là một ngọn đồi màu trắng nên vào những đêm tối người ta thấy nó hình như chuyển động.[04] Di-hê. Pāli: Meghiya.[05] Kim-bệ 金 鞞. Pāli: Kimikālā.[06] Hán: danh hảo nại lâm 名 好 柰 林. Pāli: addasā… ambavanaṃ pāsādikaṃ ramaṇyaṃ, thấy khu rừng xoài xinh đẹp, đáng ưa.[07] Hán: tuyền thủy 泉 水.[08] Tộc tánh tử 族 姓 子, cũng thường nói thiện nam tử hay thiện gia nam tử, Pāli: kulaputta.[09] Hán: học đoạn. Pāli: (…) padhānatthikassa padhānāya, để (tu tập) tinh cần cho ai tinh cần. Bản Hán, đọc pahāna (đoạn trừ) thay vì padhāna (tinh cần).[10] Hán: hữu sở đoạn 有 所 斷. Xem cht. trên.[11] Ni-sư-đàn 尼 師 檀. Pāli: nisīdana, tọa cụ, khăn trải ngồi.[12] Hán: vô vi, vô tác, diệc vô sở quán 無 為 無 作 亦 無 所 觀. Pāli: natthi kiñci uttari karanīyaṃ, natthi katassa paṭicayo, không có phận sự gì thêm nữa, không có việc làm thêm đối với điều đã làm.[13] Nghĩa là, “muốn tinh cần”.[14] Dục niệm nhuế niệm hại niệm 欲 念. Pāli: kāma-vitakka, vyāpāda-vitakka, vihiusā-vitakka, suy cầu tham dục, suy cầu sân hận, suy cầu bức hại.[15] Pāli: kayāṇamitto hoti kalyāṇasahāyo kalyāṇasampavaṅko, là bạn tốt, người đồng hành tốt, thân hữu tốt.[16] Tùng giải thoát, tức biệt giải thoát, hay Ba-la-đề-mộc-xoa.[17] Pāli: anikkhittadhuro kusalesu dhammesu, không trút bỏ gánh nặng trong các pháp thiện.[18] Thánh tuệ minh đạt 聖 慧 明 達. Pāli: ariyanibbedhikapaññā, trí tuệ quyết trạch của Thánh.[19] Ố (hay ác) lộ 惡 露. Pāli: asubha, bất tịnh
-ooOoo-
57. KINH TỨC VỊ TỲ-KHEO THUYẾT[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói các Tỳ-kheo rằng:
“Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?
“Tỳ-kheo, tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, thường tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.
“Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộâ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.
“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.
“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.
“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện.
“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau.
“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.
“Nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng. Nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.ix.1 Sambodhi. Tham chiếu Kinh 56 trên.
-ooOoo-
6. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
58. KINH THẤT BẢO[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên biết rằng liền có bảy báu xuất hiện ở đời. Những gì là bảy? Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nếu lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên biết rằng liền có bảy báu này xuất hiện ở đời. Giống như vậy, lúc Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì nên biết rằng cũng có bảy báu giác chi xuất hiện ở thế gian. Những gì là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, tức giác chi[02], định giác chi và xả giác chi. Đó là bảy. Lúc Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì nên biết rằng, có bảy báu giác chi ấy xuất hiện ở thế gian.”
Đức Phật thuyết giảng như vậy, sau khi các Tỳ-kheo ấy nghe xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán quyển 11. Tương đương Pāli: S.46.42. Cakkavatti. Hán biệt dịch, No.38 Phật Thuyết Luân Vương Thất Bảo Kinh, Tống Thí Hộ dịch; No.99(721) Tạp 27 kinh số 721; No.125(39.7) Tăng Nhất phẩm 39 kinh số 7. Tham chiếu Pāli: D.17. Mahā-Sudassana-Suttanta.[02] Tức giác chi, cũng thường nói là khinh an giác chi (Pāli: passadhi-bojjhaṅga).
-ooOoo-
59. KINH TAM THẬP NHỊ TƯỚNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi ăn trưa xong, tụ tập ngồi tại giảng đường, cùng luận bàn như sau:
“Này chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang ở chỗ nhàn tĩnh, với thiên nhĩ thanh tịnh, vượt xa người thường, Ngài nghe các Tỳ-kheo, sau bữa ăn trưa tụ tập ngồi tại giảng đường, cùng bàn luận về sự kiện này: “Này chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”
Đức Thế Tôn sau khi nghe như vậy xong, vào lúc xế trưa, Ngài từ chỗ nghỉ ngơi đứng dậy, đi đến giảng đường, trải tọa mà ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Ngài hỏi các Tỳ-kheo:
“Hôm nay, các ngươi tụ họp tại giảng đường cùng nhau bàn luận việc gì?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay tụ tập tại giảng đường, chúng con cùng nhau bàn luận thế này: ‘Này chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe’. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con cùng nhau bàn luận việc như vậy, nên tụ tập ngồi tại giảng đường.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy:
“Này các Tỳ-kheo, các ngươi muốn Như Lai nói về ba mươi hai tướng không? Bậc Đại nhân mà thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”
Sau khi nghe xong, các Tỳ-kheo bạch:
“Bạch Thế Tôn, nay quả là đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay quả là đúng lúc. Nếu Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo về ba mươi hai tướng, thì sau khi nghe xong, các Tỳ-kheo sẽ khéo ghi nhớ.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, ghi nhớ, Ta sẽ giảng giải, phân biệt rộng rãi cho các ngươi rõ.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe Thế Tôn dạy.
Phật nói:
“Bậc Đại nhân có lòng bàn chân bằng phẳng[02]. Đó là tướng của Đại nhân.
“Lại nữa, lòng bàn chân của Đại nhân có hình bánh xe[03]. Bánh xe có đầy đủ ngàn tăm. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, ngón chân của Đại nhân thon dài[04]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, mu bàn chân Đại nhân thì ngay ngắn[05]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, ở phía sau hai bên mắt cá của gót chân Đại nhân thì đầy đặn bằng phẳng[06]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, hai mắt cá nơi bàn chân thì nhô cao và đầy[07]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, lông trên thân thể của Đại nhân mọc hướng lên. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, ở chân tay Đại nhân có màng lưới giống như của chim nhạn chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, chân tay Đại nhân rất đẹp, mềm mại, xòe ra như hoa Đâu-la[08]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, da thịt của Đại nhân mịn màng, bụi nước không dính được. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, từng sợi lông trên thân của Đại nhân, từng sợi lông một mọc ở lỗ chân lông, màu xanh lóng lánh như màu của ốc, xoay tròn về hướng phải. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, bắp đùi như bắp đùi của nai chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, âm mã tàng[09] của Đại nhân giống như của ngựa chúa tốt. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, thân hình Đại nhân cân xứng đẹp đẽ, giống như cây Ni-câu-loại[10], trên dưới tương xứng hoàn toàn. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, thân thể của Đại nhân không gù còng. Thân không còng nghĩa là đứng thẳng mà duỗi tay, sờ tận đầu gối. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, thân của Đại nhân màu hoàng kim giống như vàng ròng tía[11]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, thân của Đại nhân có bảy chỗ đầy đặn. Bảy chỗ đầy đặn là hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, thân của Đại nhân phần trên lớn giống như thân sư tử. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, quai hàm của Đại nhân như sư tử[12]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, xương sống thẳng bằng. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, trên hai vai liên tiếp qua cổ đầy đặn bằng phẳng. Đó là tướng của bậc Đại nhân,
“Lại nữa, Đại nhân có bốn mươi cái răng. Răng đều đầy đặn, không khuyết lở, trắng, trong, láng bậc nhất. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, tiếng nói đáng ưa như tiếng trời Phạm thiên, âm thanh như tiếng chim Gia-la-tỳ-già[13]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, Đại nhân có lưỡi rộng dài. Lưỡi rộng dài là lưỡi khi lè ra trùm khắp cả mặt. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, mí mắt[14] của Đại nhân rộng như của trâu chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, mắt Đại nhân màu xanh biếc[15]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, đỉnh đầu Đại nhân có nhục kế[16] tròn cân đối, tóc xoáy ốc về hướng phải. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Lại nữa, giữa hai lông mày của Đại nhân có sợi lông trắng mọc xoáy tròn về hướng phải[17]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.
“Này các Tỳ-kheo, Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng này, chắc chắn có hai trường hợp, chân thật không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”
Đức Phật thuyết như vậy, sau khi các Tỳ-kheo ấy nghe xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Kinh nói về 32 tướng tốt; tham chiếu Pāli, D.30. Lakkhaṇa-Suttanta.[02] Túc an bình lập 足 安 平 立, Pāli: suppatiṭṭhitapāda, lòng bàn chân đầy đặn; khi đứng, tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất.[03] Túc hạ sinh luân 足 下 生 輪, Pāli: pāda-talesu cakkāni jātāni.[04] Túc chỉ tiêm trường 足 指 纖 長, Pāli: dīghaṅgulin.[05] Túc châu chánh trực 足 周 正 直, Pāli thay bằng brahmujju-gatta, thân hình ngay thẳng như của Phạm thiên.[06] Túc ngấn… bình mãn 足 跟 平 滿, Pāli: āyatapaṇhī, Pāligo-Bukyō-jiten (Shuzen Kumoi’s Dictionary of Pāli Buddhism) định nghĩa là “gót chân rộng và dài”. Nhưng, The Pāli Text Society’s Pāli-English Dictionary định nghĩa “having long eye-lashes” (có lông mi dài).[07] Túc lưỡng khỏa sung 足 兩 踝 [月+庸], Pāli: usaṅkhapāda.[08] Đâu-la hoa 兜 羅 華, Pāli: tūla, bông gòn.[09] Âm mã tàng 陰 馬 藏, Pāli: kosohita-guhya.[10] Ni-câu-loại thọ 尼 拘 類 樹, Pāli: nigrodha, cây đa, hay một loại cây sung Ấn độ (Ficus Indica).[11] Tử ma kim 紫 磨 金, Pāli: suvaṇṇa-vaṇṇa.[12] Sư tử giáp xa 師 子 頰 車, Pāli: sīha-hanu.[13] Gia-la-tỳ-già 加 羅 毗 伽, phiên âm thông dụng là ca-lăng-tần-già 迦 棱 頻 伽, Pāli: karavīka, giống chim cu gáy, đặc biệt trên Tuyết sơn.[14] Mí mắt, mi dưới, hay khóe mắt; Hán: thừa lệ xứ 承 淚 處, Pāli: pakhuma.[15] Hán: cám thanh 紺 青, màu xanh sẫm đỏ; Pāli: abhinīla.[16] Nhục kế 肉 髻, chỏm thịt trên đỉnh đầu. Pāli: uṇhīsa-sīsa.[17] Thường gọi là bạch hào tướng白 毫 相.
-ooOoo-
60. KINH TỨ CHÂU[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả A-nan ở nơi nhàn tĩnh, ngồi trầm lặng tư duy và suy nghĩ như vầy: “Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm.”
Rồi Tôn giả A-nan, vào lúc xế chiều, từ chỗ yên nghỉ đứng dậy, đi đến trước Phật, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên và thưa:
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con ở chỗ nhàn tĩnh, ngồi trầm lặng tư duy, đã suy nghĩ như vầy: “Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm!”
Phật bảo A-nan:
“Đúng như vậy, đúng như vậy! Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm!
“Nhưng này A-nan, trong thế gian, những người đối với dục mà không thỏa mãn, không nhờm tởm, ghê sợ cho đến chết thì thật quá nhiều! Thật quá nhiều! Vì sao? Này A-nan, trong đời quá khứ, có nhà vua tên là Đảnh Sanh[02] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, ngự trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Vị ấy có đủ một ngàn người con trai, mặt mày khôi ngô, dõng mãnh, không khiếp sợ, nhiếp phục được người khác. Vị ấy thống lãnh khắp cả cõi đất này cho đến biển cả, không dùng đao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến cho an lạc.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau, vua Đảnh Sanh ấy nghĩ rằng: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu; đầy đủ một ngàn người con. Ta muốn ngay ở cung điện này mưa báu bảy ngày, dâng đến tận đầu gối’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, tức thì ở trong cung mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ rằng: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn đứa con, và ở trong cung này, mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta nhớ đã từng nghe nơi người xưa nói rằng, ở phương Tây có châu tên là Cù-đà-ni[03], giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Nay ta muốn đến xem châu Cù-đà-ni. Sau khi đến, ta sẽ thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi lên hư không mà đi, cùng với bốn loại quân. Này A-nan, vua Đảnh Sanh trong phút chốc liền đến trú ở châu Cù-đà-ni kia.
“Này A-nan, sau khi đến ở, nhà vua đã ngự trị châu Cù-đà-ni suốt vô lượng trăm ngàn vạn năm.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn đứa con, và ở trong cung này, mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta lại có thêm châu Cù-đà-ni. Ta đã từng nghe người xưa có nói rằng, ở phương Đông có châu tên là Phất-bà-bệ-đà-đề[04] giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Nay ta muốn đến xem châu Phất-bà-bệ-đà-đề. Sau khi đến, ta sẽ thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi lên hư không mà đi, cùng với bốn loại quân. Này A-nan, vua Đảnh Sanh trong phút chốc liền đến trú ở châu Phất-bà-bệ-đà-đề kia. Này A-nan, sau khi đến ở, nhà vua ngự trị châu Phất-bà-bệ-đà-đề suốt vô lượng trăm ngàn vạn năm.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con, và ở trong cung mưa báu bảy ngày dâng đến đầu gối. Ta lại có thêm châu Cù-đà-ni, có thêm châu Phất-bà-bệ-đà-đề. Ta lại từng nghe người xưa có nói rằng, ở phương Bắc có châu tên là Uất-đơn-viết[05], giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc, họ tuy không có ngã tưởng, không có thọ dụng riêng[06], nhưng ta muốn cùng quyến thuộc đi xem châu Uất-đơn-viết, để thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi hư không mà đi cùng với bốn loại quân. Này A-nan, nhà vua thấy đất trắng bằng phẳng từ xa, bảo các cận thần:
“– Các khanh có thấy đất trắng bằng phẳng của châu Uất-đơn-viết này không?
“Các cận thần đáp:
“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.
“Nhà vua lại bảo:
“– Các khanh biết không? Đó là lúa tự nhiên của người xứ Uất-đơn-viết. Người Uất-đơn-viết thường ăn loại thức ăn đó. Các khanh cũng nên ăn loại thức ăn đó.
“Này A-nan, xa xa, vua Đảnh Sanh lại thấy tại châu Uất-đơn-viết có biết bao loại cây quí báu, khoe đủ màu sắc ở trong lan can, liền bảo cận thần:
“– Các khanh có thấy biết bao nhiêu loại cây quí báu, khoe đủ màu sắc ở trong lan can tại châu Uất-đơn-viết không?
“Các cận thần đáp:
“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.
“Vua lại đáp:
“– Các khanh biết không? Đó là thứ cây áo[07] của người xứ Uất-đơn-viết. Người Uất-đơn-viết dùng thứ ấy mà mặc. Các khanh cũng nên dùng thứ ấy mà mặc.
“Này A-nan, trong phút chốc, nhà vua đến trú ở châu Uất-đơn-viết. Này A-nan, sau khi cùng quyến thuộc đến đó, vua Đảnh Sanh thống trị châu Uất-đơn-viết suốt cả trăm ngàn vạn năm.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có vô cùng, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con và ở trong cung mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta cũng có châu Cù-đà-ni, cũng có châu Phất-bà-bệ-đà-đề lại có thêm châu Uất-đơn-viết. Ta lại từng nghe người xưa nói rằng, có cõi trời tên là Tam thập tam thiên. Nay ta muốn đến thấy Tam thập tam thiên’.
“Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi hư không cùng với bốn loại quân, hướng theo ánh sáng mặt trời mà đi. Này A-nan, từ xa, vua Đảnh Sanh đã thấy ở trong Tam thập tam thiên, trên đỉnh núi chúa Tu di, có một vật lớn như một đám mây lớn, liền bảo các cận thần:
“– Các khanh có thấy ở trên đỉnh núi chúa Tu di trong cõi trời Tam thập tam (có một vật) như một đám mây lớn ấy chăng?
“Các cận thần đáp:
“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.
“Nhà vua lại bảo:
“– Các khanh biết chăng? Đó là cây Trú đạc[08] của trời Tam thập tam thiên vậy. Dưới gốc cây này, vào mùa hạ tháng tư, các vị Trời ở Tam thập tam thiên vui chơi với đầy đủ năm thứ dục lạc.
“Này A-nan, từ xa, vua Đảnh Sanh thấy ở trong trời Tam thập tam thiên, trên đỉnh núi chúa Tu di, gần về hướng Nam có một vật giống như đám mây lớn, liền bảo các cận thần:
“– Các khanh có thấy ở trong trời Tam thập tam thiên, trên đỉnh núi Tu di, gần về mé Nam, có một vật giống như đám mây lớn không?
“– Có thấy, tâu Thiên vương.
“Nhà vua lại bảo:
“– Các khanh biết không? Đó là nhà Chánh pháp[09] của Tam thập tam thiên. Vị Trời Tam thập tam thiên ở trong nhà ấy, vào những ngày mồng tám, mười bốn hoặc mười lăm, vì loài trời, vì loài người mà tư duy về pháp, tư duy về nghĩa.
“Này A-nan, vua Đảnh Sanh liền đến cõi Tam thập tam thiên. Đến nơi, nhà vua đi vào nhà Chánh pháp. Ở đó, Thiên Đế-thích nhường một nửa chỗ ngồi cho vua Đảnh Sanh và mời ngồi. Vua Đảnh Sanh liền ngồi xuống trên nửa chỗ ngồi của Thiên Đế-thích. Bấy giờ, nhà vua và Thiên Đế-thích hoàn toàn không khác gì nhau; ánh sáng và ánh sáng không khác, màu sắc và màu sắc không khác, hình dung và hình dung không khác, oai nghi lễ tiết và y phục cũng không khác nhau; chỉ có con mắt nháy là khác nhau.
“Này A-nan, vua Đảnh Sanh kia một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con, và ở trong cung mưa báu bảy ngày dâng đến đầu gối. Ta lại có châu Cù-đà-ni, có châu Phất-bà-bệ-đà-đề, có châu Uất-đơn-viết. Ta cũng đã thấy Tam thập tam thiên vân tập đại hội. Ta đã được vào nhà Chánh pháp của chư Thiên, lại được Thiên Đế-thích nhường cho một nửa chỗ ngồi, và ta đã ngồi trên một nửa chỗ ngồi của Thiên Đế-thích. Ta với Thiên Đế-thích hoàn toàn không khác gì nhau; ánh sáng không khác, màu sắc không khác, hình dung không khác, oai nghi lễ tiết cho đến y phục cũng không sai khác, chỉ có con mắt nháy là khác nhau mà thôi. Nay có lẽ ta đuổi Thiên Đế-thích đi, cướp lấy phân nửa chỗ ngồi ấy mà làm vua loài Trời và loài Người, tự do tự tại.
“Này A-nan, vua Đảnh Sanh vừa khởi ý niệm như vậy, bất giác rơi xuống châu Diêm-phù, liền mất như ý túc, nhuốm bệnh, đau nguy kịch. Đến lúc sắp chết, các cận thần đến bên nhà vua hỏi rằng:
“– Tâu Thiên vương, nếu có vị Phạm chí, cư sĩ và kẻ bày tôi hay thần dân nào đến hỏi các hạ thần rằng: ‘Lúc băng hà Đảnh Sanh vương chỉ bảo những gì?’ Tâu Thiên vương, các hạ thần trả lời thế nào cho Phạm chí, cư sĩ hay thần dân ấy?
“Nhà vua bảo cận thần:
“– Nếu có Phạm chí, cư sĩ, hay thần dân nào đến hỏi các khanh rằng: ‘Lúc băng hà, nhà vua đã nói những gì?’ Thì các khanh nên đáp như thế này: ‘Vua Đảnh Sanh đã được châu Diêm-phù, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được bảy báu, nhưng khi chết vẫn chưa được thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã đầy đủ một ngàn người con, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã có bảy ngày mưa báu, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Cù-đà-ni, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Phất-bà-bệ-đà-đề, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Uất-đơn-viết, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã thấy chư Thiên tụ hội, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã hưởng đầy đủ các đặc tính của năm thứ dục lạc, sắc, thanh, hương, vị, xúc; nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn’. Nếu có vị Phạm chí, hay thần dân nào đến hỏi các khanh rằng: ‘Lúc băng hà vua Đảnh Sanh đã nói những gì?’ Thì các khanh nên trả lời đúng như thế.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn đọc bài tụng:
Trời mưa trân bảo quí,Chưa thỏa lòng kẻ dục.Ham muốn, khổ; nào vui.Kẻ trí cần phải biết.Giả sử được đống vàng,Cao như núi Hy-mã,Vẫn chưa đủ mảy may;Kẻ trí nghĩ như vậy.Được ngũ dục trên trời,Chẳng cho đó là vui.Dứt ái, không đắm dục;Là đệ tử Chánh giác.
Rồi Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, vua Đảnh Sanh ngày xưa ấy, Ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết rằng, vị ấy chính là Ta vậy. Này A-nan, lúc bấy giờ ta được lợi ích, cũng làm lợi ích cho người khác, cho mọi người, thương xót thế gian, vì trời và vì loài người mà cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Lúc bấy giờ, Ta nói pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh hoàn toàn, lúc ấy Ta không lìa khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, ảo não, cũng chưa thể thoát ra ngoài mọi khổ đau. Này A-nan, hôm nay Ta xuất hiện ở thế gian, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, là Chúng Hựu. Nay Ta đã làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho người khác, cho mọi người, thương xót thế gian, vì trời và vì người mà cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc.
“Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Khi đã rốt ráo phạm hạnh; Ta lìa khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, ảo não. Ta đã thoát khỏi mọi khổ đau.”
Đức Phật thuyết giảng như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu Divy. tr.210-226. Hán biệt dịch, No.39. Phật Thuyết Đảnh Sanh Vương Cố Sự Kinh, Tây Tấn Pháp Cự dịch; No.40. Văn-đà-kiệt Vương Kinh, Bắc Lương Đàm-vô-sấm dịch; No.125 (17.7) Tăng Nhất, phẩm 17 kinh số 7.[02] Đảnh Sanh 頂 生, Pāli: Muddhāvasitta; No.40 âm là Văn-đà-kiệt. Thường gọi là Quán đảnh vương, vua được truyền ngôi bằng phép quán đảnh.[03] Cù-đà-ni 瞿 陀 尼, tức Tây ngưu hóa châu (đại lục phía tây, nơi lấy bò làm vật ngang giá để trao đổi hàng hóa).[04] Phất-bà-bệ-đà-đề 弗 婆 鞞 陀 提. Pāli: pubbavideha, châu Thắng thân ở phương Đông.[05] Uất-đơn-viết 鬱 單 日; phiên âm khác: Bắc Câu-lô châu. Pāli: Uttara-kura.[06] Nghĩa là, không có ý tưởng về tự ngã hay linh hồn và không có tư hữu hay sở hữu cá nhân.[07] Y thọ 衣 樹. Người ở đây dùng vỏ cây làm y phục.[08] Trú đạc thọ 晝 度 樹, “cây đo bóng ngày”. Pāli: pāricchattaka, cũng dịch là san hô thọ, viên sanh thọ.[09] Chánh pháp đường 正 法 堂; Pāli: Dhammasabhā, hội trường của chư Thiên.
-ooOoo-
61. KINH NGƯU PHẤN DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo ở chỗ nhàn tĩnh, ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: “Có sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng?”
Vào lúc xế chiều, vị Tỳ-kheo ấy từ chỗ ngồi yên tĩnh đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên và bạch:
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay ở chỗ nhàn tĩnh, con ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Có sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng?’”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Không có một sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn; không có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng móng tay khơi ít phân bò, bảo Tỳ-kheo:
“Này Tỳ-kheo, nay ngươi có thấy Ta dùng móng tay khơi chút ít phân bò chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, con có thấy.”
Phật bảo:
“Này Tỳ-kheo, cũng vậy, không có một tí sắc nào thường trụ, bất biến, chỉ toàn có lạc, tồn tại vĩnh viễn; cũng như vậy, không có một tí giác, tưởng, hành, thức nào thường trụ, bất biến, chỉ toàn có lạc, tồn tại vĩnh viễn. Vì sao? Này Tỳ-kheo, nhớ lại xưa kia, trong một thời gian dài, Ta thường làm phúc. Sau một thời gian dài làm phúc ấy, Ta thọ quả báo an lạc. Vào thuở xưa đó, Ta tu hành về từ tâm trong bảy năm; trải qua bảy kiếp thành hoại[02] vẫn không trở lại thế gian này. Vào thời kiếp hoại, Ta sanh vào cõi trời Hoảng dục[03]. Vào thời kiếp thành, Ta sanh vào trong cung điện trống không của Phạm thiên[04], ở trong cõi Phạm kia, làm Đại Phạm thiên; và qua một ngàn lần tái sanh vào những nơi khác, Ta làm Thiên vương trời Tự tại; ba mươi sáu lần tái sinh làm Thiên Đế-thích, rồi lại vô lượng lần tái sinh làm Sát-lợi Đảnh Sanh vương[05].
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn được phủ những đồ cưỡi rất đẹp; dùng các báu bạch châu lạc[06] trang sức, phủ lên voi chúa đầu đàn Vu-sa-hạ[07].
“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn con ngựa được phủ lên các thứ đồ cưỡi đẹp. Dùng các báu vàng, bạc, dao lạc để trang sức cho ngựa đầu đàn là ngựa Mao[08].
“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, trang sức bằng bốn cánh, dùng da vằn quý báu đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo, dệt thành đủ loại màu sắc xen lẫn trang sức cho cỗ xe dẫn đầu chạy rất nhanh chóng tên là xe Nhạc thanh[09].
“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn thành lớn, giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, lấy vương thành Câu-xá-hòa-đề[10] làm đầu.
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngôi lầu; có bốn loại lầu báu, làm bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; đứng đầu là Chánh pháp điện[11].
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngự tòa; bốn loại tòa báu, bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; trải lên bằng các thứ nệm, chiếu dệt bằng lông năm sắc, phủ lên bằng những gấm, the, sa trun, lụa là; có chăn nệm lót, hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương[12].
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn chiếc áo song y, áo sơ-ma[13], áo gấm, áo lụa, áo kiếp bối, áo gia-lăng-già-ba-hòa-la.
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn người nữ, thân thể nõn nà, sạch sẽ, sáng sủa, sắc đẹp hơn người, không thua chư Thiên, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng sinh ưa thích, trang điểm bằng các thứ vật báu, anh lạc; tất cả đều thuộc dòng Sát-lợi. Ngoài ra, những người thuộc dòng khác thì nhiều vô số.
“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn món ăn, ngày đêm[14] thường dọn ra cho Ta ăn.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn món ăn kia, có một món hết sức ngon, sạch sẽ, có vô lượng mùi vị, là món Ta thường ăn.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn người nữ kia có một người thuộc dòng Sát-lợi, đoan chánh đẹp đẽ khác thường, hầu hạ Ta.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn song y kia có một chiếc áo song y, hoặc là áo sơ-ma, hoặc áo gấm, hoặc áo lụa, hoặc áo kiếp-bối[15], hoặc áo gia-lăng-già-ba-hòa-la là Ta thường mặc.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngự tòa kia, có một ngự tòa làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh; đồ trải lên thì dùng những tấm nệm, những chiếc chiếu dệt bằng lông năm sắc; đồ phủ lên thì dùng gấm, the, sa trun, lụa là, có chăn nệm lót, hai đầu để gối, có trải thảm quý bằng da sơn dương, là Ta thường nằm.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn lầu quán kia, có một lầu quán làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh, tên là Chánh pháp điện, là nơi Ta thường ở.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thành lớn kia, có một thành giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, gọi là thành Câu-xá-hòa-đề là chỗ ta thường ở.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe kia, có một cỗ được dùng da đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo dệt thành, màu sắc xen kẽ để trang hoàng, chạy rất nhanh chóng, tên là xe Nhạc thanh, Ta thường ngồi lên, đi đến các lầu quán để ngắm nhìn các vườn tược.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa kia có một con màu xanh biếc, đầu như chim, gọi là ngựa Mao, là Ta thường cưỡi, đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.
“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn kia, có một thớt toàn thân trắng toát, bảy chi thảy đều ngay thẳng, gọi là voi chúa Vu-sa-hạ, là Ta thường cưỡi đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.
“Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ rằng: ‘Đó là nghiệp quả gì, là nghiệp báo gì, mà ngày nay Ta có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần?’
“Này Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: ‘Đó là ba nghiệp quả, là ba nghiệp báo, khiến Ta ngày nay có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần: một là bố thí, hai là điều phục, ba là thủ hộ’.
“Này Tỳ-kheo, ngươi hãy quán sát rằng, tất cả những gì sở hữu[16] đều phải tiêu diệt, cả đến như ý túc cũng phải mất. Này Tỳ-kheo, ngươi nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường là khổ hay không phải khổ?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ và biến dịch.”
Lại hỏi:
“Nếu là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Lại hỏi:
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường là khổ hay không phải khổ?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ và biến dịch.”
Lại hỏi:
“Nếu là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Vậy thì, này Tỳ-kheo, ngươi nên học như vầy: ‘Những gì có sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc gần hoặc xa; tất cả những cái ấy chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu của cái kia’. Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật. ‘Những gì có giác, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần; tất cả những cái ấy chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu của cái kia’. Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật.
“Này Tỳ-kheo, nếu Đa văn Thánh đệ tử quán như thế thì liền nhàm chán sắc, nhàm chán giác, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán mà vô dục; do vô dục nên giải thoát; sau khi giải thoát thì biết là giải thoát, biết đúng như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.”
Sau khi, nghe Phật dạy như vậy xong, Tỳ-kheo ấy khéo ghi nhận, khéo ghi nhớ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui.
Tỳ-kheo ấy sau khi thọ nhận lời giáo hóa của Đức Phật, liền sống một mình, viễn ly, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn. Vị ấy đã sống một mình, viễn ly, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, đạt đến mục đích mà vì đó thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; đó là chỉ cầu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại, tự biết, tự ngộ, tự thân chứng, thành tựu an trú, biết đúng như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Như vậy, Tỳ-kheo ấy, sau khi đã biết pháp, cho đến chứng đắc A-la-hán.
Phật thuyết giảng như vậy. Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Thí dụ về phân bò. Tương đương Pāli: S.22.96. Gomayam. Tham chiếu, No.99(264).[02] Thất phản thành bại 七 反 成 敗, bảy lần thành rồi hoại của thế giới.[03] Hoảng dục thiên 晃 昱 天; Hán dịch khác: Quang âm thiên, Cực quang thiên. Pāli: Ābhassara.[04] Không Phạm cung điện 空 梵 宮 殿. Pāli: suññaṃ Brahma-vimānaṃ; tham chiếu D.1. Brahmajāla-sutta.[05] Pāli: Khattiya-muddhāvasitta, vua Quán Đảnh xuất thân dòng Sát-lợi.[06] Bạch châu lạc 白 珠 珞; Tống-Nguyên-Minh: 絡.[07] Vu-sa-hạ tượng vương 于 娑 賀. Pāli: Uposathanāgarāja.[08] Mao mã vương [馬+毛] 馬 王. Pāli: Valāhaka-assarāja.[09] Nhạc thanh xa 樂 聲 車. Pāli: Vejayanta ratha, cỗ xe (=cung điện) Chiến thắng.[10] Câu-xá-hòa-đề 拘 舍 惒 堤. Pāli: Kusāvati.[11] Chánh pháp điện 正 法 殿. Pāli: Dhammapāsāda.[12] Hán dịch: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na 加 陵 伽 波 惒 邏 波 遮 悉 多 羅 那. Pāli: kadalimigapavara-pacchattharaṇa, thảm lông bằng da sơn dương cực quý.[13] Sơ-ma y 初 摩 衣; Nguyên-Minh: sô 芻. Pāli: khoma-pilotikā, vải lanh.[14] Trong bản Đại chánh đọc là tận dạ 盡 夜, suốt đêm. Đây đọc là trú dạ 晝 夜.[15] Kiếp-bối y 劫 貝 衣. Pāli: kappāsika, vải bông (gòn).[16] Nhất thiết sở hữu 一 切 所 有; Tống-Nguyên-Minh: sở hành 所 行.
-ooOoo-
62. KINH TẦN-BỆ-SA-LA VƯƠNG NGHINH PHẬT[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo gồm một nghìn vị, đều là những Bậc Vô Trước, Chí Chơn[02], trước vốn là những đạo sĩ bện tóc[03]. Ngài đi đến ấp Ma-kiệt-đà ở thành Vương xá.
Bấy giờ vua xứ Ma-kiệt-đà là Tần-bệ-sa-la[04] nghe Đức Thế Tôn du hóa tại nước Ma-kiệt-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo, gồm một nghìn vị, đều là những Bậc Vô Trước, Chí Chơn, trước vốn là những đạo sĩ bện tóc, đến ấp Ma-kiệt-đà ở thành Vương xá này. Sau khi nghe vậy, vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà liền cho sắp đặt bốn loại quân, là quân voi, quân ngựa, quân xe, và bộ quân. Sau khi sắp đặt bốn loại quân xong, nhà vua với đông đủ vô số thuộc hạ, kéo dài trên một do-diên, cùng đi đến chỗ Phật.
Bấy giờ từ xa, Đức Phật thấy vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà đi đến, bèn theo đường tắt đến dưới gốc cây chúa Thiện trụ Ni-câu-loại[05], trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già cùng với chúng Tỳ-kheo.
Từ xa, vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà thấy Thế Tôn ở giữa cây rừng, trang nghiêm đẹp đẽ như vầng trăng ở giữa vòm sao, chói lọi, sáng ngời như núi vàng, tướng tốt vẹn toàn, oai thần lồng lộng, các căn vắng lặng, không bị ngăn che, thành tựu tự chế ngự, tâm tư yên tĩnh. Sau khi thấy Phật, vua cùng tùy tùng xuống xe.
Nếu các vua Sát-lợi được rưới nước lên đỉnh đầu để làm bậc Nhân chủ, chỉnh trị cõi đất, có năm loại nghi trượng, một là kiếm, hai là lọng, ba là mũ thiên quan, bốn là phất trần cán ngọc, năm là giầy thêu. Nhưng đến đây nhà vua cởi bỏ tất cả, cùng với bốn loại quân. Vua đi bộ đến trước Phật, đảnh lễ rồi tự xưng danh tánh ba lần rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, tôi là Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la[06], vua nước Ma-kiệt-đà.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Này Đại vương, đúng vậy, đúng vậy. Đại vương là Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà.”
Sau khi vua Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà ba lần tự xưng danh tánh rồi, đảnh lễ Phật và ngồi qua một bên. Có người chào hỏi Phật rồi ngồi qua một bên. Có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi qua một bên. Có người ở xa thấy Phật rồi lặng lẽ ngồi xuống.
Bấy giờ Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp[07] cùng ngồi trong chúng. Tôn giả là vị mà những người nước Ma-kiệt-đà đều chú ý đến và cho rằng, đó là bậc Đại tôn sư, bậc Chân nhân vô trước. Bấy giờ những người xứ Ma-kiệt-đà đều nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm theo Uất-tỳ-la Ca-diếp học phạm hạnh chăng? Hay là Uất-tỳ-la Ca-diếp theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm người xứ Ma-kiệt-đà, liền hướng về Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp mà nói bài tụng:
Ca-diếp, thấy những gì,Bỏ lửa mà đến đây?Ca-diếp, nói Ta biết,Lý do không thờ lửa?Ăn uống đủ các vị,Do dục nên thờ lửa;Trong đời thấy như vậy,Cho nên không ưa thờ.Ý Ca-diếp không ưa,Ăn uống đủ các vị,Sao không ưa Trời, Người?Ca-diếp, nói Ta rõ.Thấy tịch tĩnh, diệt tận,Vô vi, không dục hữu;Không thấy Trời cao quý,Cho nên không thờ lửa.Thế Tôn là tối thắng;Thế Tôn không tà tư;Thấy các pháp rõ ràng,Con nhận pháp tối thắng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Này Ca-diếp, ông hãy hiển hiện như ý túc cho chúng hội này được vui lòng và tin tưởng.”
Lúc đó Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp, bằng như ý túc như thế, biến mất khỏi chỗ đang ngồi, từ phương Đông xuất hiện, bay lên hư không, hiện bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả lại nhập hỏa định. Sau khi Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp nhập hỏa định, trong thân liền phát ra vô số tia lửa đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu hòa hợp, màu thủy tinh. Phần thân dưới phóng ra lửa thì phần thân trên phóng ra nước; phần thân trên phóng ra lửa thì phần thân dưới phun ra nước. Cũng vậy, từ các phương Nam, Tây, Bắc bay lên hư không, hiện ra bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả lại nhập hỏa định. Sau khi Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp nhập hỏa định, trong thân liền phát ra vô số tia lửa đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu hòa hợp, màu thủy tinh. Phần thân dưới phóng ra lửa thì phần thân trên phóng ra nước; phần thân trên phóng ra lửa thì phần thân dưới phun ra nước. Sau khi hiển hiện như ý túc, Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp đảnh lễ dưới chân Phật và bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Phật là Thầy của con; con là đệ tử của Phật. Phật có đủ nhất thiết trí; con không có nhất thiết trí.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Đúng vậy, Ca-diếp, đúng vậy, Ca-diếp. Ta có nhất thiết trí, ông không có nhất thiết trí.”
Bấy giờ Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp vì chính mình mà nói bài tụng:
Ngày xưa, lúc chưa rõ,Thờ lửa, cầu giải thoát,Tuy già vẫn đui mù,Tà, không thấy chân tế.Nay con thấy Thượng Tích,Rồng Vô Thượng đã dạy:Vô vi, thoát hết khổ,Thấy rồi, sanh tử dứt.
Những người xứ Ma-kiệt-đà, sau khi thấy như vậy, liền nghĩ: “Không phải Sa-môn Cù-đàm theo Uất-tỳ-la Ca-diếp học phạm hạnh mà chính Uất-tỳ-la Ca-diếp theo Sa-môn Cù-đàm để học phạm hạnh.” Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm của người xứ Ma-kiệt-đà, liền thuyết pháp cho Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi ngài đã dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Ngài theo đúng pháp của chư Phật, trước tiên thuyết pháp đoan chánh, khiến người nghe vui mừng, ấy là thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về pháp sanh thiên, chỉ trích dục là tai họa, sanh tử là ô uế, khen ngợi vô dục là diệu đạo phẩm, bạch tịnh.
Đức Thế Tôn đã nói cho vị đại vương ấy nghe những pháp như vậy. Ngài biết nhà vua có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm tăng thượng, tâm chuyên nhất, tâm vô nghi, tâm vô tận, có khả năng, có sức lực thọ nhận Chánh pháp. Tức là, như các pháp yếu mà chư Phật đã giảng thuyết, Đức Thế Tôn nói cho nhà vua nghe về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngài dạy:
“Này Đại vương, sắc là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, sắc là pháp sanh diệt. Này Đại vương, giác, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, thức là pháp sanh diệt.
“Này Đại vương, giống như mưa lớn thì bọt trên mặt nước hoặc sanh hoặc diệt. Này Đại vương, sắc sanh diệt cũng như vậy. Đại vương nên biết sắc là pháp sanh diệt. Này Đại vương, giác, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, thức là pháp sanh diệt.
“Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết sắc sanh diệt thì biết rằng sắc không sanh lại ở tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử nào biết giác, tưởng, hành, thức sanh diệt thì liền biết rằng thức không sanh lại ở tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết sắc đúng như thật thì không trước sắc, không kế sắc, không nhiễm sắc, không trụ nơi sắc, không hoan lạc rằng ‘sắc là ta’. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết giác, tưởng, hành, thức đúng như thật thì không trước thức, không kế thức, không nhiễm thức, không trụ nơi thức, không hoan lạc rằng ‘thức là ta’. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử không trước sắc, không kế sắc, không nhiễm sắc, không an trụ nơi sắc, không hoan lạc cho rằng ‘sắc là ta’, thì người ấy không thọ nhận sắc tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử nào không trước giác, tưởng, hành, thức, không kế thức, không nhiễm thức, không trụ thức, không hoan lạc rằng ‘thức là ta’, thì người ấy không thọ nhận thức tương lai. Này Đại vương, thiện nam tử ấy vô lượng, không thể kể xiết, vô hạn, chứng đắc tịch tịnh, nếu xả bỏ thân ngũ ấm này thì không còn thọ ấm thân khác nữa.”
Bấy giờ, những người xứ Ma-kiệt-đà nghĩ rằng: “Nếu như sắc là vô thường; giác, tưởng, hành, thức là vô thường, thì ai làm, ai thọ nhận khổ, lạc?”
Đức Thế Tôn biết ý nghĩ của những người xứ Ma-kiệt-đà, liền bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Hàng phàm phu ngu si không học, thấy ngã là ngã mà đắm trước nơi ngã, nhưng thực ra không có ngã, không có ngã sở. Ngã vốn không, ngã sở vốn không; pháp sanh thì sanh, pháp diệt thì diệt; thảy đều do nhân duyên hội tụ mà sanh khổ. Nếu không có nhân duyên thì các khổ liền diệt. Chúng sanh do duyên tụ hội liên tục mà sanh các pháp. Như Lai sau khi thấy chúng sanh liên tục sanh ra nên nói ‘có sanh có tử’. Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy đúng như thật về chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ, hoặc bất thiện xứ, đều tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, và thấy đúng như thật.
“Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh nơi thân, ác hạnh nơi khẩu, ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến và thành tựu nghiệp tà kiến, thì do nhân duyên kia, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu thiện hạnh nơi thân, thiện hạnh nơi khẩu, ý, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; thì do nhân duyên đó, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi lên chỗ thiện, cho đến cõi trời. Ta biết chúng sanh kia như vậy nhưng không nói rằng: Đó là ngã, có thể cảm giác, có thể nói năng, làm và sai làm, đứng dậy và khiến đứng dậy, ở nơi này hay nơi kia thọ nhận nghiệp báo thiện ác. Ở đây, hoặc có suy nghĩ như vầy: Điều đó không hợp lý, điều đó không đứng vững, việc làm ấy đúng như pháp; nhân cái này mà cái kia sanh, nếu không nhân cái này thì cái kia không sanh; cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Tức là duyên vô minh có hành cho đến duyên sanh mà có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt.
“Này Đại vương, Đại vương nghĩ sao, sắc là vô thường hay thường?”
Nhà vua đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường thì khổ hay không khổ?
“Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.”
“Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’?”
“Bạch Thế Tôn, không nên.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường thì khổ hay không khổ?
“Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.”
“Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’?”
“Bạch Thế Tôn, không nên.”
“Này Đại vương, Đại vương nên học như vầy: Những gì có sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật.
“Này Đại vương, những gì có giác, tưởng, hành, thức nào, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật. Ngã của ta, chẳng phải là của ta. Nên dùng trí tuệ quán biết đúng như thật.
“Này Đại vương, nếu Đa văn Thánh đệ tử quán đúng như vậy, thì liền nhàm chán sắc, nhàm chán giác, tưởng, hành, thức. Nhàm chán rồi liền vô dục, vô dục rồi, liền được giải thoát, đã giải thoát liền có tri kiến giải thoát, biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”.
Lúc Đức Phật nói pháp này xong, Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp sanh khởi và tám vạn chư thiên, một vạn hai ngàn người xứ Ma-kiệt-đà xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp sanh khởi. Bấy giờ Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, vượt khỏi mê hoặc, không còn tôn thờ ai, không theo ai nữa, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng, đối với pháp của Thế Tôn mà chứng đắc vô sở úy; liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật và bạch:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời con xin tự quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy. Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà và tám vạn chư Thiên, và một vạn hai ngàn người xứ Ma-kiệt-đà cùng một ngàn Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản kinh tường thuật lần đầu tiên vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) gặp Phật và trở thành đệ tử của Phật. Tương đương Pāli: Luật tạng, Mv. I. 22. Hán biệt dịch: No.41 Phật Thuyết Tần-bà-sa-la Vương Kinh, Tống Pháp Hiền dịch; No.99 (1074) Tạp 38, kinh 1074; No.100(13) Biệt Dịch Tạp A-hàm, kinh số 13. Tham chiếu, No.200 Soạn Tập Bách Duyên Kinh quyển 2; No.1421 Ngũ Phần Luật quyển 16; No.1428 Tứ Phần Luật quyển 33; No.1435 Thập Tụng Luật quyển 24.[02] Tất cả đều là A-la-hán.[03] Biên phát 編 髮. Pāli: jaṭilaka, đây chỉ ba anh em Uruvelakassapa cùng với các đệ tử, sau khi quy y Phật.[04] Ma-kiệt-đà vương Tần-bệ-sa-la 摩 竭 陀 王 頻 鞞 娑 邏. Pāli: Bimbisāra Magadha-rāja.[05] Thiện trụ Ni-câu-loại thọ vương 善 住 尼 拘 類 樹 王.[06] Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la 洗 尼 頻 鞞 娑 邏. Pāli: Seniya Bimbisāra.[07] Uất-tỳ-la Ca-diếp 鬱 毗 羅 迦 葉. Pāli: Uruvela-Kassapa, anh cả trong ba anh em, thuộc hàng tông sư của ngoại đạo bện tóc.
-ooOoo-
63. KINH BỆ-BÀ-LĂNG-KỲ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Câu-tát-la[02].
Bấy giờ Đức Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo cùng đi trên đường; giữa đường, Ngài mỉm cười rạng rỡ. Tôn giả A-nan thấy Thế Tôn mỉm cười, liền chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:
“Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì Thế Tôn mỉm cười? Các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nếu không có nhân duyên gì, thì không bao giờ cười suông. Con mong nghe được ý nghĩa ấy.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, chính trong xứ sở này, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ngồi tại nơi đây mà nói pháp cho các đệ tử.”
Lúc đó Tôn giả A-nan, ngay tại chỗ ấy, liền nhanh chóng trải chỗ ngồi, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:
“Bạch Thế Tôn, cúi mong Thế Tôn cũøng ngồi nơi đây mà nói pháp cho các đệ tử. Như vậy, chỗ này là sở hành của hai Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ mà Tôn giả A-nan đã trải. Sau khi ngồi xuống Ngài bảo:
“A-nan, ở trong xứ sở này, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có giảng đường. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau khi ngồi ở trong đó, bèn giảng pháp cho các đệ tử nghe. Này A-nan, trong xứ sở này, xưa kia có thôn ấp, tên là Bệ-bà-lăng-kỳ[03], giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc. Này A-nan, trong thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ, có Phạm chí đại trưởng giả tên là Vô Nhuế, giàu có tột đỉnh, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi, không thể tính toán, phong hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ.
“Này A-nan, Phạm chí đại trưởng giả Vô Nhuế có người con tên là Ưu đa-la Ma-nạp[04], được cha mẹ nuông chìu, thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không ác, học rộng, nghe nhiều, đọc hết bốn điển kinh[05], thấu triệt nhân duyên, chánh văn, hí là năm, cùng với cú pháp và thuyết văn[06].
“Này A-nan, đồng tử Ưu-đa-la có người bạn lành làm thợ đồ gốm tên là Nan-đề-bà-la[07] thường được đồng tử Ưu-đa-la yêu thương, tưởng nhớ, ưa gặp gỡ không chán. Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Ba ngôi tôn quý[08], không nghi hoặc Khổ, Tập, Diệt, Đạo; có tín, có giới, học rộng, ưa bố thí, thành tựu trí tuệ; xa lìa sát sanh, đoạn trừ sự sát sanh, xả bỏ đao gậy, biết hổ, biết thẹn, có tâm từ bi, làm lợi ích tất cả cho đến loài côn trùng; đối với tâm niệm sát sanh, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn sẻn, không mong báo đáp; đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu hạnh, thanh tịnh, không ô uế, lìa dục, đoạn dâm; đối với tâm niệm phi phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế gian; đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không khen ngợi bè đảng; đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác, trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, mọi người không thương mến, khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những lời như vậy; đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về chỉ tức, nói về việc ưa chỉ tức, nói việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, khéo quở trách; đối với tâm niệm ưa nói thêu dệt, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa dối người; đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ; đối với tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ; đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê; đối với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo; đối với tâm niệm nhận gà, heo, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá; đối với tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống; đối với tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu; đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng; đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn; đối với tâm niệm đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem; đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem, nghe, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu; đối với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn quá ngọ, đoạn trừ việc ăn quá ngọ, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm, học hạnh ăn đúng thời; đối với tâm niệm ăn quá ngọ, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào; nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì lấy làm đồ gốm đưa lên và nói với người mua rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản[09], gạo giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn[10]’.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời hầu hạ cha mẹ, cha mẹ mù lòa chỉ trông cậy vào vị ấy; cho nên vị ấy phải hầu hạ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la vào một sáng sớm, đi đến trước Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác; sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ngồi im lặng.
“Này A-nan, sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.
“Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la cưỡi xe ngựa trắng, cùng với năm trăm đồng tử nữa, vào lúc vừa sáng, từ thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ ra đi, đến một chỗ vô sự[11], muốn giáo hóa các đệ tử từ nhiều nước đến, dạy chúng đọc sách Phạm chí[12]. Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la từ xa trông thấy thợ gốm Nan-đề-bà-la đi đến; thấy rồi liền hỏi:
“– Nan-đề-bà-la, anh từ đâu đến?”
“Nan-đề-bà-la đáp:
“– Hôm nay tôi từ chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau khi cúng dường lễ bái Ngài xong thì đến đây. Này Ưu-đa-la, bạn có thể cùng với tôi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để cúng dường, lễ bái Ngài?
“Khi ấy, đồng tử Ưu-đa-la đáp:
“– Này anh Nan-đề-bà-la, tôi không muốn thấy Sa-môn trọc đầu. Sa-môn trọc đầu không thể đắc đạo, vì đạo khó chứng đắc.
“Rồi thì, thợ gốm Nan-đề-bà-la túm lấy chỏm tóc của đồng tử Ưu-đa-la kéo xuống xe. Lúc đó đồng tử Ưu-đa-la nghĩ: ‘Anh thợ gốm Nan-đề-bà-la này không bỡn cợt, không khùng, không si, nay kéo tóc mình chắc có điều gì?’ Nghĩ xong liền bảo:
“– Này anh Nan-đề-bà-la, tôi đi theo anh, tôi đi theo anh!
“Bấy giờ Nan-đề-bà-la hoan hỷ nói rằng:
“– Lành thay, chúng ta đi.
“Thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la cùng nhau đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Đến nơi, hai người đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Thợ gốm Nan-đề-bà-la bạch Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác rằng:
“– Bạch Thế Tôn, đồng tử Ưu-đa-la này là bạn của con. Bạn này thường ưa đến thăm, thường thích đến thăm con, không hề nhàm chán, nhưng không có lòng tin và cung kính đối với Thế Tôn. Mong Thế Tôn khéo léo thuyết pháp cho bạn con, hoan hỷ, khởi lòng tin và cung kính.”
“Bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la, khuyến khích, phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho hai vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Đức Thế Tôn ngồi im lặng. Bấy giờ, sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ, hai vị liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.
“Lúc trở về, đi chưa bao xa, đồng tử Ưu-đa-la lại hỏi:
“– Này anh Nan-đề-bà-la, anh đã được nghe pháp vi diệu như thế từ Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tại sao anh còn ở nhà, không thể lìa bỏ để học Thánh đạo?
“Bấy giờ thợ gốm Nan-đề-bà-la đáp:
“– Này Ưu-đa-la, chính bạn đã biết tôi phải trọn đời hầu hạ, nuôi nấng cha mẹ; vì cha mẹ tôi mù lòa, chỉ trông cậy ở mình tôi. Tôi vì hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ vậy.
“Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la hỏi:
“– Này Nan-đề-bà-la, tôi có thể theo Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, làm Tỳ-kheo, tu hành phạm hạnh được chăng?
“Lúc đó, thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la từ nơi ấy quay trở lại chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến nơi, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Thợ gốm Nan-đề-bà-la bạch Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác rằng:
“– Bạch Thế Tôn, đồng tử Ưu-đa-la này trở về chưa bao xa, lại hỏi con rằng: ‘Này anh Nan-đề-bà-la, từ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, anh được nghe pháp vi diệu như thế; tại sao anh còn ở nhà, không thể lìa bỏ để học Thánh đạo?’ Bạch Thế Tôn, con đã trả lời rằng: ‘Chính bạn đã rõ, tôi phải trọn đời hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ tôi mù lòa, chỉ trông cậy vào một mình tôi. Như vậy, tôi phải hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ’. Ưu-đa-la lại hỏi: ‘Này anh Nan-đề-bà-la, tôi có thể theo Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, xuất gia học đạo, thọ cụ túc giới, làm Tỳ-kheo, tu hành phạm hạnh được không?’ Bạch Thế Tôn, mong Ngài độ cho bạn con xuất gia, học đạo, truyền trao giới cụ túc cho bạn con được làm Tỳ-kheo.
“Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác im lặng nhận lời của Nan-đề-bà-la. Sau khi biết Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác im lặng nhận lời, thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng rồi lui ra.
“Sau khi Nan-đề-bà-la đi chưa bao lâu, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác độ cho đồng tử Ưu-đa-la xuất gia, học đạo, truyền trao giới cụ túc. Sau khi cho Ưu-đa-la xuất gia, cho thọ cụ túc xong, Ngài ở thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ vài ngày, rồi mang y, cầm bát cùng với đại chúng Tỳ-kheo du hành, muốn đến ấp Ba-la-nại, nước Ca-tư[13]. Đến Ba-la-nại, Ngài trú trong vườn Lộc dã tại Tiên nhân trú xứ[14].
“Bấy giờ, vua Giáp-bệ[15] nghe Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đang du hành trong nước Ca-tư, cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến Ba-la-nại, trú trong vườn Lộc dã tại Tiên nhân xư.ù Nghe rồi, vua bảo người đánh xe:
“– Ngươi hãy sửa soạn xe, hôm nay ta muốn đi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.
“Người đánh xe kia vâng lời vua bảo liền sửa soạn xa giá, sửa soạn xong, tâu với vua rằng:
“– Con đã sửa soạn xe đẹp, xin tùy ý Thiên vương.
“Vua Giáp-bệ, ngồi xe đẹp, từ Ba-la-nại ra đi, đến vườn Lộc dã, chỗ trú xứ Tiên nhơn. Từ xa, vua Giáp-bệ thấy, giữa rừng cây, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trang nghiêm đẹp đẽ như vầng trăng giữa vòm sao, chói lọi sáng ngời như núi vàng, tướùng tốt vẹn toàn, oai nghi lồng lộng, các căn vắng lặng, không bị ngăn che, hoàn toàn tự chế ngự, lắng tâm tĩnh mặc. Sau khi thấy, vua xuống xe, đi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên. Sau khi nhà vua ngồi xuống, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho nhà vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu hoan hỷ rồi, nhà vua liền đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Phật và bạch:
“– Mong Thế Tôn cùng với đại chúng Tỳ-kheo ngày mai nhận lời mời của con!
“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, im lặng nhận lời mời của vua Giáp-bệ. Sau khi biết Đức Như Lai đã im lặng nhận lời, nhà vua cúi đầu đảnh lễ, đi quanh ba vòng rồi lui ra, trở về nhà.
“Đêm ấy, vua hạ lệnh sắp sửa đủ các món ăn, thức uống ngon lành, sạch sẽ, mỹ diệu, với đủ các thức ăn loại cứng, loại mềm. Việc bày biện đã xong ngay đêm ấy. Lúc tảng sáng, vua trải giường ngồi, rồi sai người đến bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn, nay giờ đã đến, thức ăn đã sẵn sàng, mong Thế Tôn đến đúng thời’.
“Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác mang y, cầm bát và có chúng Tỳ-kheo theo sau, đi đến nhà của vua Giáp-bệ, ngồi vào chỗ ngồi phía trên chúng Tỳ-kheo. Vua Giáp-bệ thấy Phật và chúng Tỳ-kheo ngồi xong, tự tay múc nước rửa, tự tay bưng hầu các thức ăn, thức uống, đầy đủ các món ngon, sạch, mỹ diệu, khiến các Ngài ăn no. Ăn rồi dọn bát, lấy nước rửa xong, nhà vua lấy ghế nhỏ ngồi riêng một bên để nghe pháp. Vua Giáp-bệ ngồi xong, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, vua Giáp-bệ từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Như Lai và bạch:
“– Mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời của con mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này. Con xin xây cất năm trăm gian phòng, năm trăm giường nệm và cúng thí các vật dụng[16], cung cấp nếp trắng và đủ các món thực phẩm của vua, để cúng dường Ngài và chúng Tỳ-kheo.
“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác bảo nhà vua:
“– Thôi, thôi, Đại vương, chỉ cần có tâm hoan hỷ là đủ.
“Ba lần như thế, vua Giáp-bệ chắp tay hướng về Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thưa:
“– Mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời mời của con mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này. Con xin xây cất năm trăm gian phòng, năm trăm giường nệm, và cúng thí các vật dụng, cung cấp nếp trắng và các món ăn thực phẩm của vua để cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo.
“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác cũng ba lần bảo:
“– Thôi, thôi, Đại vương, chỉ cần có tâm hoan hỷ là đủ.
“Bấy giờ vua Giáp-bệ không nhẫn được, không vừa ý, tâm rất ưu sầu, nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác không nhận lời mời của ta mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này cùng với chúng Tỳ-kheo’. Nghĩ xong, nhà vua bạch Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác:
“– Bạch Thế Tôn, có kẻ bạch y tại gia nào phụng sự Thế Tôn giống con chăng?
“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đáp:
“– Có, và ở tại thôn Bệ-bà-lăng-kỳ giàu có, hoan lạc tột cùng, nhân dân đông đúc, thuộc lãnh thổ của Đại vương. Này Đại vương, ở trong thôn Bệ-bà-lăng-kỳ ấy có thợ gốm Nan-đề-bà-la; này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không hoài nghi Ba ngôi báu, không nghi hoặc Khổ, Tập, Diệt, Đạo, có tín, trì giới, học rộng, ưa bố thí, thành tựu trí tuệ, xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xả bỏ dao gậy, biết hổ thẹn, có tâm từ bi, làm lợi ích cho đến cả tất cả loài côn trùng. Đối với tâm niệm sát sanh vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn xẻn, không mong báo đáp; đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu hạnh, thanh tịnh, không ô uế, lìa dục, đoạn dâm; đối với tâm niệm phi phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế gian; đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không khen ngợi bè đảng; đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác, trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, mọi người không thương mến, khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những lời như vậy; đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về chỉ tức, nói về việc ưa chỉ tức, nói việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, khéo quở trách; đối với tâm niệm ưa nói thêu dệt, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa dối người; đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ; đối với tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ; đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê; đối với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo; đối với tâm niệm nhận gà, heo, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá; đối với tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống; đối với tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu; đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng; đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn; đối với tâm niệm đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem; đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem, nghe, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu; đối với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn quá ngọ, đoạn trừ việc ăn quá ngọ, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm, học hạnh ăn đúng thời; đối với tâm niệm ăn quá ngọ, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào; nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì lấy làm đồ gốm đưa lên và nói với người mua rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản, gạo giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn’.
“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời hầu hạ cha mẹ, cha mẹ mù lòa chỉ trông cậy vào vị ấy; cho nên vị ấy phải hầu hạ.
“Này Đại vương, Ta nhớ lúc xưa có lần du hành tại thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ. Này Đại vương, bấy giờ vào lúc sáng sớm, Ta mang y, cầm bát vào thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ khất thực; khất thực theo thứ tự, Ta đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Lúc đó, vì bận chút việc, nên Nan-đề-bà-la đi vắng. Đại vương, Ta hỏi cha mẹ Nan-đề-bà-la rằng:
“‘– Này Trưởng lão, thợ gốm bây giờ ở đâu?’
“Cha mẹ người ấy đáp:
“‘– Bạch Thế Tôn, đứa hầu vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi, không ở nhà. Bạch Thiện Thệ, đứa hầu ấy vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi nhà, không có ở nhà. Bạch Thế Tôn, trong rá có cơm gạo tẻ, trong chảo có canh đậu. Mong Thế Tôn thương xót chúng con, lấy dùng theo ý Ngài’.
“Này Đại vương, Ta liền thọ nhận pháp Uất-đơn-viết[17], lấy cơm canh ở trong rá rồi đi. Thợ gốm Nan-đề-bà-la, sau khi trở về nhà, thấy cơm trong rá còn ít, canh trong chảo giảm bớt, hỏi cha mẹ rằng:
“‘– Ai lấy bớt cơm canh?’
“Cha mẹ đáp:
“‘Này con, hôm nay Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đến đây khất thực. Ngài lấy cơm và canh trong rá, trong chảo rồi đi’.
“Thợ gốm Nan-đề-bà-la nghe xong liền nghĩ rằng: ‘Ta có lợi ích lớn lao, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với nhà ta, Ngài tùy ý tự tại’. Nhờ đó vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tịnh mặc suốt bảy ngày, mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc. Cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan hỷ.
“Lại nữa, này Đại vương, Ta nhớ xưa có lần du hành tại thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ, bấy giờ vào lúc sáng sớm, ta mang y, cầm bát vào thôn Bệ-bà-lăng-kỳ khất thực. Khất thực theo thứ tự, ta đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Bấy giờ Nan-đề-bà-la vì bận chút việc nên đi vắng. Này Đại vương, ta hỏi cha mẹ Nan-đề-bà-la rằng:
“‘– Này Trưởng lão, thợ gốm bấy giờ ở đâu?’
Hai người ấy đáp:
“‘– Bạch Đức Thế Tôn, đứa hầu ấy vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi, không ở nhà. Bạch Đức Thiện Thệ, đứa hầu ấy, vì bận chút việc, đi khỏi một lát, không có ở đây. Bạch Đức Thế Tôn, trong chảo lớn có cơm nếp, trong chảo nhỏ có canh; mong Đức Thế Tôn thương xót chúng con, lấy dùng theo ý của Ngài’.
“Này Đại vương, Ta liền thọ nhận pháp Uất-đơn-viết, lấy cơm canh trong chảo lớn và chảo nhỏ rồi đi. Sau khi trở về nhà, thợ gốm Nan-đề-bà-la thấy cơm trong chảo lớn còn ít, canh trong chảo nhỏ giảm bớt, hỏi cha mẹ rằng:
“‘– Ai lấy cơm trong chảo lớn, lấy canh trong chảo nhỏ?’
“Cha mẹ đáp:
“‘– Này con, hôm nay Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đến đây khất thực. Ngài lấy cơm trong chảo lớn và chảo nhỏ rồi đi.’
“Nghe xong, thợ gốm Nan-đề-bà-la nghĩ rằng: ‘Ta có lợi ích lớn lao, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với nhà ta, đã tùy ý tự tại’. Nhờ đó, vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tịnh mặc suốt bảy ngày, mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc; cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan lạc.
“Lại nữa, này Đại vương, Ta nhớ xưa kia có lần an cư mùa mưa tại thôn Bệ-bà-lăng-kỳ. Bấy giờ Ta mới làm nhà chưa kịp lợp. Nhà làm gốm cũ của thợ gốm Nan-đề-bà-la vừa mới lợp. Này Đại vương, Ta bảo các Tỳ-kheo đang đứng hầu rằng: ‘Các ông hãy đến dở nhà cũ làm đồ gốm của thợ gốm Nan-đề-bà-la đem về lợp nhà Ta’. Tỳ-kheo hầu hạ vâng lời Ta dạy, liền đến nhà của Nan-đề-bà-la và dở nhà cũ làm đồ gốm, bó lại rồi mang về lợp nhà của Ta. Cha mẹ thợ gốm Nan-đề-bà-la nghe dở nhà cũ làm đồ gốm liền hỏi:
“‘– Ai dở nhà cũ làm đồ gốm của Nan-đề-bà-la đó?’
“Các Tỳ-kheo đáp:
“‘– Trưởng lão, chúng tôi là các Tỳ-kheo hầu Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến dở nhà cũ làm đồ gốm của Nan-đề-bà-la bó lại, mang về lợp nhà của Ngài’.
“Cha mẹ của thợ gốm bảo:
“‘– Chư Hiền, chư Hiền hãy đem đi theo ý muốn, không có ai ngăn cản đâu’.
“Sau khi trở về, thợ gốm Nan-đề-bà-la thấy nhà cũ làm đồ gốm bị dở, liền hỏi cha mẹ:
“‘– Ai dở nhà cũ làm đồ gốm của mình vậy?’
“Cha mẹ đáp:
“‘– Này con, hôm nay các Tỳ-kheo hầu Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến dở nhà cũ làm đồ gốm, bó lại, đem về lợp nhà của Ngài’.
“Nghe xong, Nan-đề-bà-la nghĩ: ‘Ta có lợi ích lớn, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với trong nhà ta, đã tùy ý tự tại’.
“Vì việc ấy, vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tĩnh mặc suốt bảy ngày; mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc. Cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan lạc.
“Này Đại vương, nhà cũ làm đồ gốm của thợ gốm Nan-đề-bà-la suốt bốn tháng mùa mưa hoàn toàn không bị dột. Vì sao như vậy? Vì nhờ oai thần của Phật. Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la không có điều gì không nhẫn được, không có điều gì không thích thú, nên tâm không ưu sầu, đã nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với gia đình ta đã được tùy ý tự tại’.
“Này Đại vương, Đại vương có điều không nhẫn được, có điều không thích thú, nên tâm quá ưu sầu, đã nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và chúng Tỳ-kheo không nhận lời mời của ta mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này’.
“Bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vua Giáp-bệ, khuyến khích phát lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
“Khi Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ra đi chưa bao lâu, vua Giáp-bệ hạ lệnh cho người hầu cận: ‘Các ngươi dùng năm trăm cỗ xe chất đầy gạo, nếp và đủ các món thực phẩm của vua, chở đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la và nói với Nan-đề-bà-la rằng: ‘Này Nan-đề-bà-la, năm trăm cỗ xe này chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm mà vua thường dùng, do vua Giáp-bệ bảo chở đến tặng cho ông. Mong ông thương xót; hôm nay xin ông nhận cho’. Lúc đó, người hầu cận vâng lời vua, dùng năm trăm cỗ xe chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm của vua, chở đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Đến nơi, vị ấy nói:
“– Thưa thợ gốm Nan-đề-bà-la, năm trăm cỗ xe này chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm của nhà vua dùng, do vua Giáp-bệ bảo chở đến biếu tặng ông. Mong ông thương xót; hôm nay, xin ông nhận cho.
“Bấy giờ thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chối, không nhận và nói với các người hầu vua rằng:
“– Chư Hiền, vua Giáp-bệ phải lo đại sự cho nước nhà nên chi phí nhiều. Tôi biết như vậy, nên không thọ nhận.”
Đến đây, Đức Phật bảo A-nan:
“Này A-nan, ý ông nghĩ thế nào? Đồng tử Ưu-đa-la lúc bấy giờ, ông cho là người nào chăng? Chớ nghĩ vậy. Nên biết rằng chính là Ta vậy. Này A-nan, Ta lúc bấy giờ đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian. Vì loài trời và loài người mà Ta đã cầu nghĩa, cầu sự lợi ích, an ổn khoái lạc. Lúc bấy giờ ta thuyết pháp không được rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Không rốt ráo phạm hạnh, nên bấy giờ ta không xa lìa được sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc, cũng không thoát được mọi khổ đau. Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu. Hôm nay ta đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho người khác, lợi ích cho nhiều người, thương xót thế gian. Vì trời và người mà Ta tìm cầu nghĩa, tìm cầu sự an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp được rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Do rốt ráo phạm hạnh, Ta đã lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc. Nay ta đã thoát được mọi khổ đau.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 12. Tham chiếu Pāli, M. 81. Ghaṭīkāra-sutta, kinh Thợ Gốm.[02] Câu-tát-la 拘 薩 羅. Pāli: Kosala.[03] Bệ-bà-lăng-kỳ 鞞 婆 陵 耆. Pāli: Vebhaḷinga.[04] Ưu-đa-la Ma-nạp 優 多 羅 摩 納. Pāli theo đây là Uttramāṇava, thay vì là Jotipāla-māṇāva trong bản Pāli tham chiếu.[05] Tứ điển kinh 四 典 經, chỉ bốn bộ Veda. Bản Pāli: tiṇṇaṃ vedānaṃ pāragū, thông suốt ba bộ Veda.[06] Hán: thâm đạt nhân duyên chánh văn hý ngũ cú thuyết 深 達 因 緣 正 文 戲 五 句 說. Pāli: sanighaṇḍu-keṭubhānaṃ sākkharappabhedānaṃ itihāsa-pañcamānaṃ padako veyyākaraṇo, tinh thông ngữ vựng, nghi quỹ, phân tích âm vận, và thứ năm (kể luôn cả tinh thông Thánh điển Veda) là truyền thuyết lục, giỏi ngữ cú, văn pháp. Tham chiếu, No.99 (600) Tạp 23, kinh 600: tụng thuộc các kinh điển, danh tự của vật loại, phẩm loại sai biệt của vạn vật, phân tích và kết hợp tự loại, và thứ năm là lịch thế bản mạt. Trong bản Hán, nighaṇḍu (ngữ vựng) được hiểu là nidāna (nhân duyên). Pāli: keṭubha: sách về nghi quỹ, hay nghi thức; trong bản Hán: chánh văn. Pāli: itihāsa, truyền thuyết lục, hay truyện truyền kỳ; bản Hán: hý (chuyện cười).[07] Nan-đề-bà-la đào sư 難 提 波 羅 陶 師, theo đây Pāli là Nandipāla. Nhưng bản Pāli tham chiếu: Ghaṭīkāra (thợ gốm).[08] Hán: tam tôn 三 尊.[09] Hán: oản đậu 豌 豆, giống đậu Hà-lan.[10] Hình thức kinh tế trao đổi. Pāli: ettha yo icchati taṇḍulapabhivattāni (-pavibhattāni, paṭivibhattāni) vā muggapabhivattāni va kāḷāyapabhivattāni vā nikkhipitvā yaṃ icchati taṃ haratū’ti, “ai cần cái gì (đồ gốm), sau khi để lại đây những thứ dư thừa như gạo, đậu xanh, đậu oản, hãy lấy thứ cần (đồ gốm) ấy đi”.[11] Hán: vô sự xứ 無 事 處, chỉ khu rừng yên tĩnh. Pāli: arañña.[12] Phạm chí thư 梵 志 書, sách của Bà-la-môn.[14] Tiên nhân trú xứ Lộc dã viên 仙 人 住 處 鹿 野 園. Pāli: Isipatana-migadāya.[15] Giáp-bệ 頰 鞞; Tống-Nguyên-Minh: tần-bệ 頻 鞞. Pāli: Kikin.[16] Hán: thí câu chấp 施 拘 執, không rõ thí vật gì.[17] Viết 曰; bản Minh: việt 越.
-ooOoo-
64. KINH THIÊN SỨ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trú trong rừng Thắng, vườøn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Cũng như lúc mưa lớn, bọt nước sanh ra rồi diệt. Nếu ai có mắt đứng yên một nơi mà quán sát bọt nước khi sinh, khi diệt. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Cũng như mưa lớn, giọt nước rơi xuống hoặc chỗ cao, hoặc ở chỗ thấp; nếu ai có mắt, đứng yên một nơi mà quán sát nước lúc giọt chỗ cao, lúc giọt chỗ thấp. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Cũng như ngọc lưu ly, thanh tịnh tự nhiên, sanh ra không có tỳ vết, ô uế, tám góc khéo trau chuốt, được xâu qua bằng sợi dây đẹp hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc đen, trắng; người nào có mắt, đứng yên một chỗ mà quán sát ngọc lưu ly này thanh tịnh tự nhiên, sanh ra không có tỳ vết, ô uế, tám góc khéo trau chuốt, được xâu qua bằng sợi dây đẹp hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, đen, trắng. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Cũng như hai nhà có chung cửa ngõ, nhiều người ra vào; nếu ai có mắt, đứng yên một chỗ thì thấy người ra, kẻ vào. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Nếu ai có mắt, đứng yên trên lầu cao nhìn người dưới thấp qua lại, đổi thay đủ cách, ngồi, nằm, chạy, nhảy. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.
“Nếu chúng sinh nào sinh ở nhân gian, không hiếu thảo với cha mẹ, không biết kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau, thì do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh ấy sanh vào cảnh giới của Diêm vương. Người của Diêm vương bắt đưa đến chỗ vua và thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, chúng sinh này lúc còn làm người, không hiếu thảo cha mẹ, không biết kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau. Mong Thiên vương trừng phạt đúng theo tội trạng của nó.
“Bấy giờ, Thiên vương dẫn Thiên sứ thứ nhất ra mà tra hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ nhất đến không?
“Chúng sinh đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Ở trong một thôn ấp có hài nhi bé nhỏ hoặc nam hoặc nữ thân thể yếu đuối, nằm ngửa giữa phẩn và nước tiểu, không thể kêu cha mẹ; cha mẹ bồng khỏi chỗ bất tịnh, tắm rửa thân nó cho được sạch sẽ. Người có thấy cảnh tượng đó không?
“Chúng sinh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
Diêm vương lại bảo:
“– Từ đó về sau, lúc ngươi đã hiểu biết, tại sao ngươi không nghĩ rằng: ‘Chính ta lệ thuộc sự sanh[02], không lìa khỏi sinh; ta nên làm nghiệp thiện với thân, khẩu và ý?’
“Chúng sinh ấy hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do Trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ nhất này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ hai ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ hai đến không?
“Chúng sinh kia đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Trước kia ở trong một thôn ấp, ngươi há không thấy người đàn bà hoặc đàn ông, tuổi quá già nua, sức sống rũ liệt gần tàn, răng rụng, tóc bạc, lưng còm, chống gậy mà đi, thân thể run rẩy?
“Chúng sinh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
“Diêm vương lại bảo:
“– Ngươi từ đó về sau, khi đã có hiểu biết, tại sao không nghĩ rằng: 'Chính ta lệ thuộc sự già, không lìa khỏi sự già; ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’
“Chúng sanh kia hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ hai này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ ba ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ ba đến không?
“Chúng sinh kia đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Trước kia trong một thôn ấp, ngươi há không thấy người đàn ông hoặc đàn bà bệnh tật nguy khốn, hoặc nằm ngồi trên giường, hoặc nằm ngồi trên chõng, hoặc nằm ngồi dưới đất, thân thể rất đau đớn, đau đớn cùng cực, không thể ái niệm, để cho rút ngắn mạng sống chăng?
“Chúng sanh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
Diêm vương lại bảo:
“– Từ đó về sau, khi ngươi đã có hiểu biết, nhưng tại sao ngươi không nghĩ: ‘Chính ta lệ thuộc sự tật bệnh, không lìa khỏi bệnh. Ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’
“Chúng sanh ấy hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ ba này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ tư ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ tư đến không?
“Chúng sinh kia đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Trước kia, trong một thôn ấp, ngươi có thấy người đàn ông hay đàn bà lúc chết rồi qua một hai ngày cho đến sáu bảy ngày bị quạ mổ, chó ăn, hoặc lửa đốt, hoặc chôn xuống đất, hoặc vữa nát tan?
Chúng sanh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
“Diêm vương lại bảo:
“– Từ đó về sau, lúc ngươi đã có hiểu biết, tại sao ngươi không nghĩ: ‘Chính ta lệ thuộc sự chết, ta không lìa khỏi sự chết. Ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’
“Chúng sanh ấy hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ tư này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ năm ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:
“– Người có thấy Thiên sứ thứ năm đến không?
“Chúng sinh kia đáp:
“– Tâu Thiên vương, không thấy.
“Diêm vương lại hỏi:
“– Ngươi trước đây không thấy chăng, người của vua tróc nã kẻ phạm tội, tra khảo, trừng trị đủ cách, như chặt tay, chặt chân, hoặc chặt cả tay chân; xẻo tai, xẻo mũi, hoặc xẻo cả mũi tai; hoặc thái hoặc cắt; nhổ râu, nhổ tóc, hoặc nhổ cả râu tóc; hoặc bỏ vào trong cũi, quấn trong vải mà đốt; hoặc dùng cát lấp kín, dùng cỏ quấn lại mà đốt; hoặc bỏ vào trong bụng con lừa bằng sắt, hoặc bỏ vào trong miệng con heo bằng sắt, hoặc đặt vào trong miệng cọp bằng sắt mà đốt; hoặc bỏ vào trong chảo bằng đồng, hoặc bỏ vào trong chảo bằng sắt mà nấu; hoặc chặt ra từng đoạn; hoặc dùng chĩa nhọn mà đâm, hoặc dùng móc mà móc; hoặc bắt nằm trên giường sắt mà dội nước sôi; hoặc cho người vào cối sắt, dùng chày sắt mà giã; hoặc cho rắn rít mổ; hoặc dùng roi da mà quất, hoặc dùng gậy mà đánh, hoặc dùng hèo mà phang; hoặc treo sống lên ngọn nêu cao, hoặc chặt đầu đem bêu?
“Chúng sanh ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, có thấy.
Diêm vương lại bảo:
“– Từ đó về sau, khi ngươi đã hiểu biết, tại sao không nghĩ: ‘Nay ta hiện thấy điều ác, bất thiện’?
“Chúng sanh ấy hỏi:
“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?
“Diêm vương đáp:
“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.
“Diêm vương đã dẫn Thiên sứ thứ năm này ra để khéo tra hỏi, khéo kiểm xét, khéo giáo hóa, khéo quở trách xong, liền giao phó chúng sanh ấy cho ngục tốt. Ngục tốt liền dẫn y giam vào trong đại địa ngục có bốn cửa.
“Ở đây có bài tụng rằng:
Bốn trụ có bốn cửa,Vách vuông mười hai góc,Dùng sắt làm tường rào,Ở trên đậy nắp sắt.Trong ngục đất bằng sắt,Hừng hực lửa sắt nung,Suốt vô lượng do-diên,Cho đến tận đáy đất.Cực ác không chịu nổi,Sắc lửa khó nhìn thấy,Thấy rồi, lông dựng đứng,Khủng khiếp, sợ, rất khổ.Chúng sanh đọa địa ngục,Chân treo, đầu chúc xuống,Do phỉ báng Thánh nhân,Điều ngự thiện, Thánh thiện.
“Một thời gian thật lâu xa về sau, trong bốn cửa của đại địa ngục, cửa phía Đông liền mở cho chúng sanh kia. Sau khi cửa mở, các chúng sanh ấy nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, tìm chỗ nương tựa. Nếu khi các chúng sanh ấy tụ tập khoảng vô lượng trăm ngàn, thì cửa phương Đông của địa ngục liền tự đóng lại. Chúng sanh ở trong đó chịu đựng khổ đau cùng cực, khóc lóc kêu gào, sầu muộn, nằm lăn xuống đất, vẫn không thể chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết. Một thời gian lâu xa nữa, cửa Nam, cửa Tây, cửa Bắc lại mở. Khi cửa Bắc đã mở, các chúng sanh kia liền nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, tìm chỗ nương tựa. Các chúng sanh kia nếu khi tụ tập đến số vô lượng trăm ngàn, thì cửa Bắc của địa ngục tự nhiên đóng lại. Những chúng sanh ở trong đó chịu khổ đau cùng cực, khóc lóc, kêu gào, sầu muộn, nằm lăn xuống đất, vẫn không thể chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, các chúng sanh kia ra khỏi đại địa ngục Bốn cửa. Tiếp theo đại địa ngục Bốn cửa, các chúng sanh ấy lại sanh vào đại địa ngục Phong nham[03], lửa đầy bên trong, không khói, không lửa ngọn, khiến các chúng sanh ấy đi trên lửa, qua lại khắp nơi, da thịt, máu huyết ở đôi bàn chân, bước xuống thì cháy sạch mà dở lên thì sanh lại như cũ. Địa ngục ấy hành hạ các chúng sanh ấy như vậy cho đến vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột vẫn không chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Một thời gian thật lâu xa về sau, các chúng sanh ấy ra khỏi địa ngục Phong nham. Tiếp theo địa ngục Phong nham, lại sanh vào đại địa ngục Phấn thỉ[04], bên trong đầy dẫy phân, sâu đến vô lượng trăm trượng. Các chúng sanh kia đọa hết vào trong đó. Trong đại địa ngục Phấn thỉ ấy có rất nhiều sâu. Sâu tên là Lăng-cù-lai[05], thân trắng đầu đen, mỏ nhọn như kim. Loại trùng này rúc rỉa, đục phá chân của chúng sanh kia; sau khi đục phá chân, lại đục phá xương đùi; sau khi đục phá xương đùi, lại đục phá xương bắp vế; sau khi phá xương bắp vế, lại đục phá xương bàn tọa; đục phá xương bàn tọa xong, lại đục phá xương sống; đục phá xương sống xong, lại đục phá xương vai, xương cổ, xương đầu; đục phá xương đầu xong, lại ăn sạch não. Các chúng sanh kia chịu bức bách vô lượng trăm ngàn năm như thế, chịu đau khổ cùng tột, vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Một thời gian rất lâu về sau, các chúng sanh kia ra khỏi địa ngục Phấn thỉ. Tiếp theo địa ngục Phấn thỉ, lại sanh vào đại địa ngục Thiết diệp lâm[06]. Các chúng sanh kia thấy rồi tưởng là mát mẻ, nghĩ rằng: ‘Chúng ta qua nơi khoái lạc ấy để được mát mẻ’. Các chúng sanh ấy nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, muốn tìm chỗ nương tựa. Nếu tụ tập được vô lượng trăm ngàn, thì các chúng sanh ấy liền vào trong đại địa ngục rừng cây lá sắt. Trong đại địa ngục Thiết diệp lâm đóù, bốn bề có gió nóng lớn thổi đến; gió nóng thổi đến thì lá cây bằng sắt rụng xuống. Lá sắt rụng cắt lìa tay, cắt lìa chân, hoặc cắt lìa cả tay chân; cắt lìa tai, cắt lìa mũi hoặc cắt lìa cả tai lẫn mũi và các bộ phận còn lại; cắt thân máu chảy vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết. Lại nữa, trong đại địa ngục Thiết diệp lâm ấy có chó rất lớn xuất hiện, răng dài thườn thượt, ngoạm cả chúng sanh kia, lột da từ chân đến đầu mà ăn. Các chúng sanh ấy chịu bức bách vô lượng trăm ngàn năm như thế, chịu khổ đau cùng tột vẫn không thể chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của chúng dứt sạch. Lại nữa, trong đại địa ngục Thiết diệp lâm ấy có con chim đen lớn, có hai đầu, mỏ sắt, đứng trên trán chúng sanh, mổ sống con mắt mà nuốt; mổ vỡ sọ lấy não mà ăn. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu đau khổ cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Sau một thời gian hết sức lâu dài, các chúng sanh ấy ra khỏi đại địa ngục Thiết diệp lâm. Tiếp theo đại địa ngục Thiết diệp lâm, các chúng sanh ấy lại sanh vào đại địa ngục Thiết kiếm thọ[07]. Đại kiếm thọ cao một do-diên, mũi nhọn dài một thước sáu, chúng sanh kia bị bắt trèo lên tuột xuống. Lúc mới từ dưới leo lên cây thì mũi nhọn chúc xuống; lúc trên cây tuột xuống thì mũi nhọn lại dựng lên; mũi nhọn của kiếm thọ đâm suốt thân chúng sanh, đâm tay, đâm chân hoặc đâm cả tay chân; đâm tai, đâm mũi, hoặc đâm cả tai mũi và các bộ phận khác nữa; đâm thân máu đổ suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu đau khổ cùng cực, rốt cuộc vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Một thời gian lâu dài về sau, các chúng sanh ấy ra khỏi đại địa ngục Thiết kiếm thọ. Tiếp theo đại địa ngục Thiết kiếm thọ, các chúng sanh ấy lại sanh vào địa ngục Hôi hà[08], có hai bờ rất cao bao quanh tạo thành mũi nhọn. Trong sông có nước tro sôi và tối om. Các chúng sanh kia thấy rồi tưởng là nước mát, nghĩ rằng ‘sẽ có[09] mát’. Sau khi tưởng như vậy, các chúng sanh ấy liền nghĩ: ‘Chúng ta đến đó tắm rửa, tha hồ uống no, được mát mẻ khoái lạc’. Các chúng sanh ấy tranh nhau chạy đến mà vào trong đó, muốn tìm nơi hoan lạc, tìm chỗ nương tựa. Nếu các chúng sanh ấy tụ tập chừng vô lượng trăm ngàn, thì liền rớt xuống sông tro. Sau khi rơi vào sông tro, có chúng sanh trôi ngược rồi lại trôi xuôi. Lúc các chúng sanh trôi xuôi, trôi ngược, trôi cả ngược xuôi thì da chín rã xuống, chỉ còn lại xương tủy. Hai bên bờ sông tro có lính địa ngục, tay cầm đao kiếm hoặc chĩa sắt lớn. Các chúng sanh ấy muốn leo lên bờ, tức thì lính ngục đẩy nhận xuống. Lại nữa, hai bên bờ sông tro có lính địa ngục tay cầm móc câu liệng xuống, móc chúng sanh từ sông tro lên bỏ vào nơi sắt nóng, lửa cháy hừng hực, móc chúng sanh ấy đưa lên rồi quật mạnh xuống đất. Rơi xuống, chúng sanh ấy đang quằn quại, bị cật vấn:
“– Ngươi từ đâu lại?
“Các chúng sanh ấy cùng đáp:
“– Chúng tôi không biết từ đâu đến, nhưng hiện giờ chúng tôi chỉ sợ đói lắm.
“Lính địa ngục ấy liền xách chúng sanh liệng lên giường sắt nóng, lửa cháy hừng hực, bắt ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng kẹp vạch miệng ra, dùng hòn sắt nóng đang cháy hừng hực, bỏ vào. Hoàn sắt nóng ấy đốt cháy môi; cháy môi xong, đốt cháy lưỡi; cháy lưỡi xong, đốt lợi răng; lợi cháy xong, đốt cuống họng; cuống họng cháy xong, đốt tim; tim cháy xong, đốt ruột già; ruột già cháy xong, đốt dạ dày; dạ dày cháy xong hoàn sắt từ thân rơi xuống. Các chúng sanh ấy bị bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng cực, rốt cuộc không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Lại nữa, lính địa ngục ấy hỏi chúng sanh:
“– Ngươi muốn đi đâu?
“Chúng sanh đáp:
“– Chúng tôi chẳng biết muốn đi đâu, chỉ sợ khát lắm.
“Ngục tốt liền xách chúng sanh ném lên giường sắt nóng đang cháy đỏ rực, bắt buộc ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng, kẹp vạch miệng ra, lấy nước đồng sôi rót vào. Nước đồng sôi đó đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi răng, đốt lợi răng rồi đốt cuống họng, đốt cuống họng rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt ruột già, đốt ruột già rồi đốt ruột non, đốt ruột non rồi đốt dạ dày, đốt dạ dày rồi nước ấy từ thân chảy xuống. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.
“Nếu nghiệp ác bất thiện mà những chúng sanh ở địa ngục kia không dứt sạch, không dứt sạch tất cả, không dứt sạch đến mức không còn lưu dư thì những chúng sanh ấy lại rơi vào đại địa ngục Sông tro, lại chịu cảnh trèo lên tuột xuống ở đại địa ngục Rừng cây kiếm sắt, lại vào đại địa ngục Rừng cây lá sắt, lại rớt xuống đại địa ngục Phấn thỉ, lại qua đại địa ngục Phong nham, lại vào Bốn cửa đại địa ngục.
“Nếu nghiệp ác bất thiện của những chúng sanh kia dứt sạch, dứt sạch tất cả, dứt sạch đến mức không còn lưu dư, thì những chúng sanh ấy từ đó về sau hoặc đọa vào loài súc sanh, hoặc đọa vào loài ngạ quỷ, hoặc sanh vào cõi trời. Nếu lúc ấy chúng sanh đó vốn là người mà bất hiếu với cha mẹ, không biết tôn kính Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau thì phải thọ khổ báo không khả ái, không khả niệm, không khả hỷ như vậy, giống như trong địa ngục kia. Nếu chúng sanh kia vốn là người mà hiếu thuận với cha mẹ, biết tôn kính Sa-môn, Phạm chí, làm đúng như thật, tạo nghiệp phước đức, sợ tội đời sau, thì được thọ lạc báu khả ái, khả niệm, khả hỷ như thế, giống như trong cung điện của thần Hư không.
“Thuở xưa, Diêm vương ở tại viên quán mà nguyện rằng: ‘Thân mạng này mất, ta được sanh vào loài người. Nếu có dòng họ nào giàu có tột cùng, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi, không thể tính được, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ; dòng họ ấy là gì? Tức là Đại trưởng giả thuộc dòng Sát-lợi, Đại trưởng giả thuộc dòng Phạm chí, Đại trưởng giả thuộc dòng Cư sĩ. Nếu có dòng họ giàu có tột cùng, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính được, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ như thế, thì ta mong sanh vào nhà ấy. Sau khi sanh vào thì giác căn thành tựu, mong được tịnh tín pháp luật chân chánh do Đức Như Lai nói ra. Được tịnh tín rồi thì cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình mà học đạo. Con nhà quý tộc đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình mà học đạo thì chỉ mong cầu vô thượng phạm hạnh, trong đời hiện tại, tự biết, tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.’
“Thuở xưa, Diêm vương ở trong viên quán đã nguyện như thế.”
Bấy giờ có bài tụng rằng:
Bị Thiên sứ quở trách,Người vẫn cứ phóng dật,Chuốc sầu não mãi hoài,Tệ ấy do dục che.Bị Thiên sứ quở trách,Quả thật có thượng nhân,Không còn phóng dật nữa,Khéo nói diệu Thánh pháp.Thấy thọ là khiếp sợ,Mong cầu sanh, lão dứt,Không thọ, diệt không còn,Thế là sanh lão hết.Là an ổn khoái lạc,Đắc diệt độ đời này,Vượt khỏi mọi khiếp sợ,Cũng vượt dòng thế gian.
Phật dạy như vậy. Sau khi nghe xong điều Đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.130 Devadūta-suttaṃ; A. 3. 35. Devadūta. Hán biệt dịch, No.42 Phật Thuyết Thiết Thành Nê-lê Kinh, Đông Tấn Trúc Đàm-vô-lan dịch; No.43 Phật Thuyết Diêm-la Vương Ngũ Thiên Sứ Giả Kinh, Lưu Tống, Tuệ Giản dịch; No.86 Phật Thuyết Nê-lê Kinh, Đông Tấn Trúc Đàm-vô-lan dịch; 125 (32.4) Tăng Nhất, phẩm 32 kinh số 4.[02] Hán: ngã tự hữu sanh pháp 我 自 有 生 法, ta tự mình có pháp sanh. Pāli: ahampi khomhi jātidhammo.[03] Phong nham địa ngục 峰 巖 地 獄, địa ngục vách núi. Pāli:[04] Phấn thỉ địa ngục 糞 屎 地 獄, địa ngục bằng phân cứt. Pāli: Gūtha-nirya.[05] Lăng-cù-lai 凌 瞿 來.[06] Thiết điệp lâm 鐵 鍱 林, rừng cây là sắt. Pāli: Asipattavana-niraya, địa ngục rừng là gươm (kiếm diệp lâm).[07] Thiết kiếm thọ 鐵 劍 樹, cây bằng gươm sắt. Pāli: simbalivana (châm thọ lâm), rừng cây kim.[08] Hôi hà 灰 河, sông tro. Pāli: Khārodakā nadī, sông đá vôi.[09] Thường hữu 常 有; Tống-Nguyên-Minh: đương hữu 當 有, sẽ có.
-ooOoo-
65. KINH Ô ĐIỂU DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Thuở xưa, khi Chuyển luân vương muốn thử châu báu, liền cho tập trung bốn loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tập trung xong, vào lúc đêm tối, cho dựng cây tràng phan cao và đặt hạt châu trên đó. Ra đến ngoài viên quán, ánh sáng của minh châu soi sáng cả bốn loại quân. Ánh sáng ấy chiếu xa nửa do-diên.
“Bấy giờ có Phạm chí nghĩ rằng: ‘Ta nên đến xem Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly’. Phạm chí lại nghĩ: ‘Thôi, hãy bỏ qua việc muốn thấy Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly, ta nên đến khoảng rừng kia’.
“Nghĩ xong, Phạm chí liền đến khu rừng. Sau khi đến nơi, vào trong rừng, Phạm chí đến ngồi dưới một gốc cây. Ngồi chưa bao lâu, có một con rái cá[02] đi đến. Phạm chí trông thấy, hỏi:
“Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
Đáp:
“Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, vào sông lớn kia. Tôi nay muốn đi; chỉ sợ loài người.”
Con rái cá kia sau khi chuyện trò với Phạm chí xong, liền bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có chim cứu-mộ[03] đến. Phạm chí trông thấy, liền nói:
“Xin chào, Cứu-mộ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
Đáp:
“Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người.”
Chim cứu-mộ ấy nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có kên kên[04] đến. Phạm chí trông thấy, liền hỏi:
“Xin chào Kên kên! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?”
Đáp:
“Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, giết hại xong rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, ngựa chết, trâu chết, người chết. Tôi nay muốn đi; nhưng chỉ sợ loài người.”
Kên kên nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có chim ăn bã[05] lại đến. Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Xin chào Ăn bã. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
Đáp:
“Thưa Phạm chí, ông có thấy Kên kên vừa đi đến đây không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Nay tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.
Chim ăn bã ấy nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có con sói[06] đến. Phạm chí trông thấy rồi lại hỏi:
“Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?”
Đáp:
“Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chỗ hẻo lánh này đến chỗ hẻo lánh khác. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.
Sói nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có con quạ[07] đến, trông thấy, Phạm chí liền hỏi:
“Xin chào Quạ. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
Đáp:
“Này Phạm chí, ông trán cứng, si cuồng; sao lại hỏi tôi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
Con quạ mắng vào mặt Phạm chí rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.
Lại có con đười ươi[08] đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
Đáp:
“Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu[09] này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác; uống nước suối trong, ăn trái cây tốt, rồi đến đây. Nay tôi muốn đi, không sợ loài người.
Đười ươi nói chuyện cùng Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ta nói các thí dụ ấy là muốn các ngươi hiểu rõ nghĩa. Các ngươi nên biết, nói các thứ dụ ấy như thế, có nghĩa của nó.
“Bây giờ, con thú rái cá nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? – Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống[10]. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trụ chánh niệm, nhưng vị ấy lại thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại[11], không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như Phạm chí thấy rái cá rồi hỏi: ‘Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, nhiều hoa và cá, rùa. Trước tôi ở đó nhưng nay khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi vào sông lớn kia. Giờ tôi muốn đi, chỉ sợ loài người’. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con rái cá, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, an trú nơi vô sự, khoác y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.
“Lúc chim cứu-mộ đến nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như Phạm chí thấy cứu-mộ rồi hỏi: ‘Xin chào Cứu-mộ! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con cứu-mộ, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, an trú nơi vô sự, khoác y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.
“Bầy kên kên nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy kên kên rồi hỏi: ‘Xin chào Kên kên, ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: “Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, sát hại rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói thí dụ ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như kên kên, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trụ nơi vô sự, mang phấn tảo y, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như thế.
“Bầy chim ăn bã kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ ấy có nghĩa như thế nào? Giả sử có thầy Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp để sống. Vào lúc sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn xóm khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ ý, không giữ gìn các căn, không an trú chánh niệm. Vị ấy vào phòng Tỳ-kheo-ni giáo hóa, thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Tỳ-kheo-ni kia vào bao nhiêu nhà khác nói tốt nói xấu, thọ nhận phẩm vật của tín thí rồi mang về cho vị Tỳ-kheo ấy. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Vị Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim ăn bã rồi hỏi: ‘Xin chào Ăn bã! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, ông thấy con kên kên vừa đi đó không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con chim ăn bã, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành và tịnh hóa khẩu hành, ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên học như thế.
“Bầy con sói nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói ví dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có một Tỳ-kheo sống tại một thôn nghèo. Nếu Tỳ-kheo biết trong thôn ấp có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở, suốt chín tháng hoặc mười tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy liền hỏi: ‘Hiền giả du hành xứ nào?’ Tỳ-kheo ấy đáp: ‘Tôi sống tại thôn nghèo kia’. Các Tỳ-kheo nghe xong liền nghĩ: Hiền giả này làm việc khó làm. Lý do vì sao? Vì Hiền giả này có thể sống tại thôn nghèo ấy’. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi ích, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy lại đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy con sói rồi hỏi: ‘Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chốn hẻo lánh này đến chốn hẻo lánh khác rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con sói, chớ nên nương theo phi pháp để bảo tồn mạng sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thường hành thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên tu học như vậy.
“Lúc chim quạ mắng vào mặt Phạm chí rồi bỏ đi; Ta nói ví dụ ấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương nơi vô sự xứ nghèo nàn mà an cư tọa hạ. Nếu Tỳ-kheo ấy biết trong thôn ấp và thành quách có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ, tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở hai, ba tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy, liền hỏi: ‘Hiền giả tọa hạ nơi nào?’ Đáp rằng: ‘Chư Hiền, hiện giờ tôi nương nơi vô sự xứ nghèo nàn kia mà an cư tọa hạ. Tôi không giống như bọn ngu si kia, làm sẳn giường chõng, rồi sống trong đó với năm sự đầy đủ[12], buổi sáng rồi buổi chiều, buổi chiều rồi buổi sáng, miệng chạy theo vị, vị trôi theo miệng, cầu rồi lại cầu, xin rồi lại xin’. Lúc các Tỳ-kheo nghe xong, liền nghĩ: “Hiền giả này làm những việc khó làm. Lý do vì sao? Hiền giả này có thể nương nơi vô sự xứ nghèo nàn kia mà an cư tọa hạ’. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, lễ bái, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cần cho sự sống. Sau khi được lợi, vị Tỳ-kheo ấy lại đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim quạ rồi hỏi: ‘Xin chào Quạ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi về đâu?’ Đáp: ‘Này Phạm chí, ông là kẻ trán cứng, cuồng si, làm sao hỏi tôi rằng: ‘Ngươi từ đâu lại và muốn đi về đâu?’.’ Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con quạ, chớ nương theo phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường viễn ly. Nên học như thế.
“Con đười ươi kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi, Ta nói ví dụ ấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn khất thực, khéo thủ hộ thân, gìn giữ các căn, vững vàng chánh niệm. Từ thôn ấp khất thực rồi, ăn xong. Sau khi thu xếp y bát, rửa tay chân xong vắt Ni-sư-đàn lên vai, đi đến nơi vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, hoặc vào nhà trống, trải Ni-sư-đàn mà ngồi kiết già, chánh thân, chánh nguyện, chuyên niệm hướng nội, đoạn trừ tham lam, muốn cho mình được tâm không não hại; thấy của cải và vật dụng sinh tồn của người khác không móng khởi tâm tham lam mong sẽ được về mình. Đối với tâm tham lam vị ấy đã tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi, độ hoặc, ở trong thiện pháp không còn do dự. Đối với tâm nghi hoặc, vị ấy đã tịnh trừ. Vị ấy đã tịnh trừ năm triền cái này, chúng làm cho tâm ô uế, trí yếu kém; ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, chứng đắc quả thiền thứ tư, thành tựu và an trụ. Vị ấy chứng đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không uế, không phiền, nhu nhuyến, bất động, hướng đến chứng ngộ lậu tận trí thông, rồi vị ấy liền biết như thật rằng: ‘Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là khổ diệt đạo’. Biết như thật rằng: ‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo’. Sau khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Sau khi giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Giống như Phạm chí thấy đười ươi rồi hỏi: ‘Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác, uống nước suối trong, ăn trái cây tốt. Nay tôi muốn đi, chẳng sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo kia lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như loài rái cá, chớ sống như chim cứu-mộ, chớ sống như kên kên, chớ sống như chim ăn bã, chớ sống như con sói, chớ sống như quạ, mà nên sống như đười ươi. Lý do vì sao? Bởi vì Bậc Vô trước chân nhân trong thế gian giống như đười ươi.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 13. Không thấy Pāli tương đương.[02] Thát thú 獺 獸.[03] Cứu-mộ điểu 究 暮 鳥, không rõ chim gì.[04] Thứu điểu 鷲 鳥.[05] Thực thổ điểu 食 吐 鳥, chim ăn đồ (do thú khác) ói ra.[06] Sài thú 豺 獸.[07] Ô điểu 烏 鳥.[08] Tinh tinh thú 猩 猩 獸.[09] Nguyên Hán: quán 觀.[10] Y thôn ấp hành 依 村 邑 行, trái với hành ư vô sự 行 於 無 事. Xem cht.15, kinh số 26. Pāli, có lẽ gāmantaviharī.[11] Hán: xúc y 觸 猗.[12] Năm sự, tham chiếu No.125 (51.3) Tăng Nhất 49, Đại 2, tr.817b: 1. Lười biếng, 2. Ngủ nhiều, 3. Tâm loạn, 4. Các căn bất định, 5. Thích ở chợ hơn chỗ vắng vẻ.
-ooOoo-
66. KINH THUYẾT BỔN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại Ba-la-nại, trú ở Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Lộc dã.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa, vì một nhân duyên nhỏ nên tụ tập ngồi tại giảng đường cùng bàn luận vấn đề này:
“Thế nào chư Hiền, trong hàng cư sĩ tại gia, ai là người thù thắng? Phải chăng là người có các Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi đến nhà thọ thực? Hay là người mà lợi lộc cứ tăng lên mỗi ngày, gấp trăm ngàn vạn lần?”
Hoặc có Tỳ-kheo nói rằng:
“Này chư Hiền, lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần thì có nghĩa lý gì! Chỉ có điều này là chí yếu; nếu có một Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi mà đến nhà thọ thực, chứ không phải là ngày ngày được lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần.”
Lúc đó, Tôn giả A-na-luật cùng ngồi trong chúng. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần thì có nghĩa gì? Giả sử có nhiều hơn nữa thì chỉ có điều này là chí yếu; nếu có một Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi đến nhà thọ thực, chứ không phải ngày ngày lợi lộc càng tăng gấp trăm ngàn vạn lần. Vì sao? Tôi nhớ, thuở xưa, ta là một người nghèo khổ ở nước Ba-la-nại này, chỉ nhờ lượm mót gánh của khách mà sống[02]. Lúc ấy nước Ba-la-nại bị hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Bấy giờ có một vị Bích-chi-phật hiệu là Vô Hoạn[03], trú tại Ba-la-nại này. Lúc ấy, vào buổi sáng sớm, Bích-chi-phật Vô Hoạn mang y cầm bát vào Ba-la-nại khất thực. Bấy giờ tôi đi ra khỏi Ba-la-nại vào lúc sớm để đi lượm mót. Này chư Hiền, khi đang đi ra, tôi thấy từ xa Bích-chi-phật Vô Hoạn đi vào thành. Lúc Bích-chi-phật Vô Hoạn cầm tịnh bát đi vào thế nào thì lúc đi ra tịnh bát vẫn y như cũ.
“Này chư Hiền, khi tôi lượm mót rồi trở về Ba-la-nại, tôi lại thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi ra. Ngài thấy tôi liền nghĩ: ‘Sáng sớm, lúc Ta đi vào thì thấy người này đi ra. Bấy giờ ta trở ra lại thấy người này trở vào. Người này có thể chưa ăn. Nay ta hãy đi theo người này’. Rồi Bích-chi-phật đi theo tôi như bóng theo hình.
“Này chư Hiền, khi ta mang đồ lượm mót về đến nhà, bỏ gánh xuống và quay lại nhìn thì thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi đến, theo sau tôi bén gót, như bóng theo hình. Tôi thấy ngài, liền nghĩ: ‘Sáng sớm, lúc đi ra, mình thấy vị Tiên nhân này đi vào thành khất thực. Bây giờ vị Tiên nhân này có lẽ chưa có gì ăn. Ta hãy sớt bớt phần ăn của mình cho Tiên nhân này’. Nghĩ như vậy xong, tôi liền mang phần cơm bố thí cho Đức Bích-chi-phật và bạch rằng: ‘Mong Tiên nhân biết cho, cơm này là phần ăn của con. Vì lòng từ mẫn, mong ngài thương xót nhận cho’. Bấy giờ, vị Bích-chi-phật tức thì trả lời tôi rằng: ‘Cư sĩ nên biết, năm nay hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Thí chủ có thể bớt phân nửa bỏ vào trong bát của ta và dùng phân nửa kia, cả hai cùng được sống còn. Như vậy đã là tốt rồi’. Tôi lại thưa rằng: ‘Tiên nhơn, xin biết cho, trong nhà con sẵn có chảo, có bếp, có củi, có thóc gạo, ăn uống sớm muộn cũng chẳng cần đúng giờ giấc. Tiên nhơn, xin hãy thương xót con mà nhận hết thức ăn này’. Bấy giờ Tiên nhân vì lòng từ mẫn mà nhận hết.
“Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà bảy lần tái sanh vào cõi trời, được làm Thiên vương; bảy lần tái sanh vào loài người lại làm bậc nhân chủ.
“Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được sanh vào dòng họ Thích như thế này[04], giàu có cùng tột, súc vật chăn nuôi vô số, phòng hộ, thực ấp, của cải vô lượng, châu báu đầy đủ.
“Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm nên xả bỏ được địa vị chủ nhân của trăm ngàn thể nữ[05], vàng bạc và vô số những tài vật khác nữa, xuất gia học đạo.
“Này chư Hiền, ta nhân bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được vua chúa, vương thần, Phạm chí, cư sĩ và tất cả nhân dân thấy là tiếp đãi; bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di thấy thì kính trọng.
“Này chư Hiền, tôi nhân bố thí một bát cơm kia mà thường được người thỉnh cầu thọ nhận đồ ăn thức uống, áo chăn, đệm lông, thảm dệt, giường nệm, thuốc thang trị bệnh và các dụng cụ cần cho sự sống; không gì là không được thỉnh cầu. Lúc bấy giờ ta biết vị Sa-môn ấy là Bậc Vô Sở Trước Chân Nhân thì phước báo được thu hoạch chắc chắn gấp bội, thọ nhận đại quả báo công đức cực diệu, ánh sáng soi chiếu, thấu suốt rất rộng, rất lớn, cùng khắp.”
Bấy giờ Tôn giả A-na-luật, Bậc Vô Sở Trước Chân Nhân[06], được chánh giải thoát, nói bài tụng rằng:
Tôi nhớ, xưa nghèo nàn,Chỉ nhặt cỏ mà sống.Bớt phần, cúng Sa-mônVô Hoạn tối thượng đức.Nhân đó sanh dòng Thích,Tên là A-na-luật.Hiểu rành về ca vũ;Làm nhạc, thường hoan hỷ.Tôi được gặp Thế TônChánh giác, như cam lồ.Đã gặp, sanh tín tâm,Bỏ nhà đi học đạo.Tôi biết được đời trước,Biết chỗ sanh trước kia;Sanh Tam thập tam thiên,Bảy lần trú ở đó.Đó bảy, đây cũng bảy;Thọ sanh mười bốn lần,Nhân gian và thiên thượng,Chưa từng đọa ác đạo.Nay biết rõ sanh tử,Nơi chúng sanh qua lại;Biết tâm người thị phi;Hiền thánh, năm lạc thú;Chứng năm chi thiền định[07],Thường định, tâm tĩnh mặc[08].Đã chứng đắc tịch tịnhLiền đắc tịnh thiên nhãn.Mục đích là học đạo;Viễn ly, bỏ gia đình;Nay ta đạt nghĩa ấyĐược vào cảnh giới Phật.Ta không ưa sự chết,Cũng chẳng mong sự sanh;Thời nào cũng tự tại,Kiến lập chánh niệm trí.Tỳ-da-ly, Trúc lâm[09],Ở đây, mạng ta dứt;Ngay dưới rừng trúc này,Nhập Vô dư Niết-bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở chỗ tĩnh tọa, bằng thiên nhĩ thanh tịnh vượt xa hơn người thường, nghe các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa tụ tập tại giảng đường cùng bàn luận về vấn đề ấy. Nghe xong, vào buổi xế chiều, Đức Thế Tôn rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo mà ngồi, rồi hỏi rằng:
“Này các Tỳ-kheo, hôm nay các ngươi vì chuyện gì mà tụ tập tại giảng đường?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay vì Tôn giả A-na-luật nhân chuyện quá khứ mà thuyết pháp nên chúng con tụ tập tại giảng đường.”
Rồi thì, Đức Thế Tôn nói:
“Bây giờ các ngươi có muốn nghe nhân chuyệân vị lai mà Phật thuyết pháp chăng?”
Các Tỳ-kheo thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng thời. Nếu Thế Tôn nhân chuyện vị lai mà thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, thì các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ khéo thọ trì.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe và khéo mà thọ trì, suy nghĩ, ghi nhớ, Ta phân biệt diễn thuyết rộng rãi cho các ngươi.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời ngồi nghe. Đức Thế Tôn nói:
“Này các Tỳ-kheo, một thời gian lâu xa ở vị lai, sẽ có lúc mà nhân dân thọ đến tám vạn tuổi. Lúc con người thọ đến tám vạn tuổi thì châu Diêm-phù này giàu có cùng tột, an lạc cùng tột, dân chúng đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách của con gà bay.
“Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi thì con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng.
“Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi[10] thì chỉ những bệnh như thế này: nóng, lạnh, đại tiểu tiện, tham dục, ăn uống, già[11] và ngoài ra không có tai họa nào khác.
Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi có vua tên là Loa[12], là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đầy đủ một ngàn người con trai, dung mạo khôi ngô, dũng mãnh, không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Nhà vua thống lĩnh quả đất này cho đến bờ biển, không dùng đao gậy mà chỉ đem pháp mà giáo hóa, khiến dân chúng được an lạc. Có cây phướn bằng vàng lớn, được trang hoàng bằng các thứ châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, chu vi mười tám khuỷu tay, sẽ do nhà vua dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay phía dưới tổ chức bố thí cho Sa-môn, Phạm chí, người nghèo khổ cô độc từ các phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp dầu đèn... Sau khi bố thí như vậy, nhà vua cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Mục đích mà tộc tánh tử kia cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’
“Bấy giờ có Tôn giả A-di-đa[13] đang ngồi trong chúng. Tôn giả A-di-đa từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch tay áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Con thống lĩnh trọn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến cho nhân dân an lạc. Con có cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, do con dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ khốn khổ cô độc từ phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu. Sau khi bố thí xong, con liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Con vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-di-đa rằng:
“Ngươi là kẻ ngu si, chỉ nên chết thêm một lần, sao lại mong một lần tái sanh nữa? Vì sao như thế? Vì ngươi nghĩ rằng: Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Con thống lĩnh trọn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến cho nhân dân an lạc. Con có cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, do con dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ khốn khổ cô độc từ phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu. Sau khi bố thí xong, con liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Con vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-di-đa! Một thời gian lâu dài ở vị lai, ngươi sẽ làm vua hiệu là Loa, một vị Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu, đó là bảy báu. Ngươi sẽ có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Ngươi sẽ thống lĩnh toàn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa khiến cho nhân dân an lạc. Ngươi sẽ có một cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, dựng cao một ngàn khuỷu tay, do ngươi dựng lên. Sau khi dựng lên, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ cùng khổ, cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn, thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn, cung cấp đèn dầu... Sau khi bố thí xong, thầy liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Ngươi vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chỉ vì cầu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ tám vạn tuổi sẽ có Đức Phật hiệu là Di-lặc[14], Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; cũng như hôm nay Ta đã thành vị Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.
“Đức Phật ấy ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
“Đức Phật ấy sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
“Đức Phật ấy sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.
“Đức Phật ấy sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như Ta hôm nay có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo[15].”
Bấy giờ Tôn giả Di-lặc đang ở trong chúng ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch áo đang mặc, vòng tay hướng về Đức Phật, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.
“Con ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
“Con thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
“Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.
“Con sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán Tôn giả Di-lặc rằng:
“Lành thay! Lành thay! Di-lặc, ngươi phát tâm cực diệu là lãnh đạo đại chúng. Lý do vì sao? Vì ngươi đã nghĩ:
“– Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh hạnh thành, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, Phật, Chúng hựu. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Con ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Con thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.”
Đức Phật lại nói:
“Này Di-lặc, vào một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, ngươi sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Giống như Ta hiện nay là Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.
“Ngươi ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
“Ngươi thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
“Ngươi sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.
“Ngươi sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Ta có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Phật. Lúc đó, Đức Thế Tôn quay lại bảo:
“Này A-nan, ngươi hãy lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại đây. Nay Ta muốn cho Tỳ-kheo Di-lặc.”
Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng lời Đức Thế Tôn, liền lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại trao cho Đức Thế Tôn. Sau khi Đức Thế Tôn nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng từ Tôn giả A-nan, Ngài bảo:
“Này Di-lặc, ngươi hãy nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng này từ Như Lai mà bố thí cho Phật, Pháp và Đại chúng. Lý do vì sao? Này Di-lặc, các Đức Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác vì muốn cứu hộ thế gian và mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong an ổn khoái lạc.”
Bấy giờ Tôn giả Di-lặc nhận lấy tấm y dệt bằng chỉ vàng từ Đức Như Lai xong, liền dâng cúng cho Phật, Pháp và Đại chúng.
Lúc ấy ma Ba-tuần liền nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này đang du hành tại Ba-la-nại, ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ. Vị ấy nhân chuyện vị lai mà thuyết pháp cho các đệ tử. Ta hãy đến đấy để gây nhiễu loạn.”
Rồi ma Ba-tuần đi đến chỗ Đức Phật, hướng về Ngài và nói bài tụng rằng:
Người ấy tất sẽ đượcDung mạo diệâu đệ nhất;Thân tràng hoa anh lạc,Ngọc sáng đeo cánh tay.Nếu ở thành Kê-đầu[16],Trong cảnh giới vua Loa.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma Ba-tuần này đến chỗ Ta muốn gây nhiễu loạn.” Đức Thế Tôn sau khi đã biết là ma Ba-tuần liền nói bài tụng:
Người ấy tất sẽ đượcTối Thắng[17] không nghi ngạiDứt sanh, lão, bệnh, tử;Vô lậu, việc làm xong.Ai tu hành phạm hạnh,Sẽ ở cõi Di-lặc.Ma Ba-tuần lại nói bài kệ:Người ấy tất sẽ đượcY phục tối thượng diệu;Thân ướp trầm chiên-đàn,Tay chân đầy châu ngọc;Nếu ở thành Kê-đầuSẽ ở cõi Loa vương.Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:Người ấy tất sẽ đượcVô chủ và vô gia;Tay không cầm vàng ngọc,Vô vi, không sầu não;Nếu tu hành phạm hạnh,Sẽ ở cõi Di-lặc.Lúc đó ma Ba-tuần lại nói bài tụng:Người kia tất sẽ đượcDanh, tài, ẩm thực diệu;Khéo hiểu rành ca vũ,Tạo nhạc, thường hoan hỷ;Sẽ ở cõi Loa vương.Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:Người ấy tất qua bờ;Như chim phá lưới ra;Chứng trụ thiền tự tại;Đủ lạc, thường hoan hỷ.Này Ma, ngươi nên biết,Ta đã hàng phục ngươi.
Lúc đó Ma vương lại nghĩ: “Thế Tôn biết ta. Thiện Thệ biết ta.” Nghĩ vậy, nó buồn bã, sầu não, không thể ở lại, liền biến mất, không thấy ở chỗ ấy nữa.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-lặc, A-di-đa, A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Biệt dịch, No.44 Phật Thuyết Cổ Lai Trì Thế Kinh, khuyết danh dịch. Pāli, tham chiếu Thag.910-919.[02] Hán: quân thập 捃 拾. No.44: “Gánh cỏ đi bán mà tự nuôi sống”. Pāli: ghāsa-hāraka, người thâu nhặt thức ăn (của gia súc).[03] Vô Hoạn 無 患. No.44: “Có vị Duyên giác hiệu là Hòa-lý 和 里. Pāli: Upariccha.[04] Vì Tôn giả là anh em chú bác ruột với Đức Thích Tôn, con của Amitodana (Cam lộ Phạn vương).[05] Vì trước đó đời sống vương tử của Ngài rất phong lưu và Mahānāma - anh ruột của Ngài - đã khó khăn lắm mới thuyết phục được Ngài đi xuất gia.[06] Tức, một vị A-la-hán.[07] Ngũ chi thiền định 五 支 禪 定, Thiền định năm chi (Pāli: pañcaṅgika-samādhi): tức bốn cấp thiền trong đó Sơ thiền chia làm hai do sự khác biệt tầm (Pl. vitakka) và tứ (Pal. vicāra).[08] Pāli: sante ekodibhāvite, tịch tĩnh, chuyên nhất.[09] Tì-da-li Trúc lâm 毘 耶 離 竹 林. Pāli: Vajjīnaṃ Veluvagāme, trong Vajji-Veluvagāma, một ngôi làng ở Vesali, xứ Vajjī (Bạt Kỳ); Anuruddha sẽ nhập Niết-bàn ở đó.[10] Từ đây trở xuống, tham chiếu kinh 70 phần sau. Tham chiếu, Pāli, D. 26 Cakkacattī-sīhanā-suttanta.[11] Pāli (D.26), chi có ba chứng bệnh: ham muốn (icchā), đói bụng (anasana) và già (jāra).[12] Loa 螺. Pāli: Saṅkha (vỏ sò).[13] A-di-đa 阿 夷 多. Pāli: Ajita. Trong bản kinh này, A-di-đa (Ajita) và Di-lặc (Mettaya) là hai nhân vật được thọ ký, một người làm vua và một người làm Phật.[14] Di-lặc 瀰 勒. Pāli: Mettayya.[15] Pāli: so anekasahassam… (seyyathā pi’ham) anekasatam… vị ấy có vài nghìn… (cũng như Ta) có vài trăm…[16] Kê-đầu thành 雞 頭 城, Pāli: Ketumatī nơi mà Sankha là Chuyển luân vương.[17] Nguyên Hán: Vô phục, dịch nghĩa của A-dật-da (Pāli: Ajjta), cũng dịch nghĩa là Vô Năng Thắng.
-ooOoo-
67. KINH ĐẠI THIÊN NẠI LÂM[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Bệ-đà-đề cùng với chúng đại Tỳ-kheo, đi đến Di-tát-la, trú trong rừng xoài của Đại Thiên[02].
Bấy giờ đang giữa đường đi, Đức Thế Tôn mỉm cười rạng rỡ. Tôn giả A-nan thấy Đức Thế Tôn mỉm cười liền chắp tay hướng về Phật, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười? Các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nếu không có nhân duyên gì thì không bao giờ mỉm cười. Mong Ngài nói cho con được biết ý đó.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, thuở xưa, trong rừng xoài, thuộc xứ Di-tát-la này, ở đây có nhà vua tên là Đại Thiên[03], là vị Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của loài người.
“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy thành tựu bảy báu là những gì? Đó là, bánh xe báu, voi báu, ngọc báu, nữ báu, ngựa báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Đó là bảy báu.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu bánh xe báu là như thế nào?
“Này A-nan! Bấy giờ vào ngày rằm, là lúc thuyết Tùng giải thoát[04], sau khi tắm gội, vua Đại Thiên ngự trên chánh điện. Từ phương Đông có thiên luân bảo[05] hiện đến. Thiên luân có đủ một ngàn căm và đầy đủ tất cả bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo ra, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Vua Đại Thiên trông thấy liền hoan hỷ, nghĩ thầm: ‘Luân bảo cao quý[06] đã xuất hiện, luân bảo vi diệu đã xuất hiện. Ta cũng từng nghe người xưa bảo rằng: Vào ngày rằm, sau khi đã tắm gội và ngự trên chánh điện, lúc vua Đảnh Sanh Sát-lợi[07] thuyết Tùng giải thoát thì có thiên luân bảo từ phương Đông hiện đến. Thiên luân có đủ tất cả một ngàn căm và đầy đủ tất cả bộ phận, thanh tịnh tự nhiên chứ không do người tạo ra, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Vì vậy tất sẽ là Chuyển luân vương. Ta há không là Chuyển luân vương sao?’
“Này A-nan, thuở xưa, vua Đại Thiên muốn đích thân thí nghiệm Thiên bảo luân. Bấy giờ vua cho tụ tập bốn loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi cho tụ tập bốn loại quân xong, nhà vua đi đến chỗ thiên luân bảo, dùng tay trái vỗ về, dùng tay phải lăn thiên luân mà nói rằng: ‘Hãy theo thiên luân bảo; hãy theo đến nơi nào thiên luân bảo lăn đến’.
“Này A-nan, thiên luân bảo ấy khi đã chuyển động liền lăn về hướng Đông. Lúc đó vua Đại Thiên và bốn loại quân cũng đi theo sau. Nếu thiên luân bảo ngừng lại chỗ nào thì vua Đại Thiên và bốn loại quân dừng lại chỗ ấy.
“Bấy giờ, các tiểu quốc vương ở phương Đông đều đi đến chỗ vua Đại Thiên, tâu rằng:
“– Kính chào Thiên vương. Tâu Thiên vương, các nước này rất giàu có và an lạc, nhân dân đông đúc, đều hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương đem pháp giáo hóa. Chúng tôi sẽ phụ tá Thiên vương.
“Bấy giờ, vua Đại Thiên bảo các tiểu vương:
“– Các khanh, mỗi vị hãy tự quản lãnh lấy lãnh thổ của mình. Hãy áp dụng pháp, chớ áp dụng phi pháp. Đừng để trong nước mình có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh.
“Này A-nan, thiên luân bảo ấy qua khỏi phương Đông, vượt qua biển lớn ở phương Đông, quay về phương Nam, phương Tây và phương Bắc.
“Này A-nan, lúc thiên luân bảo lăn chuyển xung quanh cùng khắp thì vua Đại Thiên cùng bốn loại quân cũng đều đi theo sau. Nếu thiên luân bảo ngừng lại chỗ nào thì vua Đại Thiên và bốn loại quân đóng lại ở chỗ ấy.
“Bấy giờ, các tiểu quốc vương ở phương Bắc đều đi đến chỗ vua Đại Thiên, tâu rằng:
“– Kính chào Thiên vương. Tâu Thiên vương, các nước này rất giàu có và an lạc, nhân dân đông đúc, đều hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương đem pháp giáo hóa. Chúng tôi sẽ phụ tá Thiên vương.
“Bấy giờ, vua Đại Thiên bảo các tiểu vương:
“– Các khanh, mỗi vị hãy tự quản lãnh lấy lãnh thổ của mình. Hãy áp dụng pháp, chớ áp dụng phi pháp. Đừng để trong nước mình có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh.
“Này A-nan, thiên luân bảo ấy qua phương Bắc, vượt qua biển lớn phương Bắc rồi trở lại bản thành của vua. Lúc vua Đại Thiên ngự trên chánh điện đoán lý tài vật[08] thì Thiên luân bảo ngừng giữa hư không. Đó là vua Đại Thiên thành tựu Thiên luân báu như thế.
“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu voi báu như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có voi báu sanh ra. Voi ấy trắng toát, có bảy chi, tên là Vu-sa-hạ[09]. Sau khi trông thấy, vua Đại Thiên hoan hỷ, phấn khởi, nghĩ rằng: ‘Nếu được huấn luyện thì nó hết sức khôn’.
“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiên bảo tượng sư rằng: ‘Ngươi hãy mau huấn luyện con voi này cho hết sức thuần thiện. Nếu voi đã thuần thì đến cho ta hay’. Bấy giờ tượng sư vâng lệnh vua, đến chỗ voi báu, nhanh chóng huấn luyện, khiến nó trở nên hết sức thuần thiện. Khi voi báu được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện. Cũng như thuở xưa voi tốt sống vô lượng trăm ngàn năm, đã trải qua vô lượng trăm ngàn năm được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nhanh chóng trở nên thuần thiện. Voi báu này cũng giống như vậy, được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện.
“Này A-nan, bấy giờ tượng sư nhanh chóng huấn luyện voi báu, khiến nó trở nên thuần thiện. Sau khi voi báu đã được huấn luyện, tượng sư liền đến chỗ nhà vua tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, tôi đã chế ngự và huấn luyện; voi báu đã thuần, nay tùy theo ý của Thiên vương’.
“Này A-nan, thuở ấy, khi vua Đại Thiên thí nghiệm voi báu, vào buổi sáng mai mặt trời mọc, liền đến chỗ voi, cỡi voi báu ấy và đi cùng khắp cả cõi đất cho đến đại hải, rồi nhanh chóng trở lại bản thành của vua. Đó là vua Đại Thiên thành tựu voi trắng báu như thế.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu ngựa báu như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có ngựa báu sanh ra. Ngựa báu ấy có sắc xanh mướt, đầu đen như quạ. Vì ngựa được trang nghiêm bằng bộ lông nên gọi là Mao mã vương[10]. Sau khi trông thấy, vua Đại Thiên hoan hỷ, phấn khởi, nghĩ rằng: ‘Nếu được huấn luyện thì nó hết sức khôn’.
“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiên bảo mã sư rằng: ‘Ngươi hãy mau huấn luyện con ngựa này cho hết sức thuần thiện. Nếu ngựa đã thuần thì đến cho ta hay’. Bấy giờ mã sư vâng lệnh vua, đến chỗ ngựa báu, nhanh chóng huấn luyện, khiến nó trở nên hết sức thuần thiện. Khi ngựa báu được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện. Cũng như thuở xưa ngựa tốt sống vô lượng trăm ngàn năm, đã trải qua vô lượng trăm ngàn năm được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nhanh chóng trở nên thuần thiện. Ngựa báu này cũng giống như vậy, được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện.
“Này A-nan, bấy giờ mã sư nhanh chóng huấn luyện ngựa báu, khiến nó trở nên thuần thiện. Sau khi ngựa báu đã được huấn luyện, mã sư liền đến chỗ nhà vua tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, tôi đã chế ngự và huấn luyện; ngựa báu đã thuần, nay tùy theo ý của Thiên vương’.
“Này A-nan, thuở ấy, khi vua Đại Thiên thí nghiệm ngựa báu, vào buổi sáng mai mặt trời mọc, liền đến chỗ ngựa, cỡi ngựa báu ấy và đi cùng khắp cả cõi đất cho đến đại hải, rồi nhanh chóng trở lại bản thành của vua. Đó là vua Đại Thiên thành tựu ngựa báu sắc xanh như thế.
“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu ngọc báu như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có châu báu sanh ra. Hạt châu ấy trong suốt tự nhiên, không do ai tạo, tám cạnh không bẩn, được mài dũa cực đẹp, được xâu qua bằng sợi dây ngũ sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen.
“Này A-nan, lúc vua Đại Thiên ở trong cung điện, muốn có ánh sáng của đèn, tức thì sử dụng hạt minh châu.
“Này A-nan, thuở xưa, khi vua Đại Thiên muốn thử châu báu, bèn cho tụ tập bốn loại quân lại là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tụ tập bốn loại quân xong, vào lúc đêm tối, vua cho dựng một cây phướn cao, cho đặt hạt châu trên ấy, rồi đến công viên để nhìn. Ánh sáng của ngọc chiếu khắp bốn loại quân, soi đến nửa do-diên. Đó là vua Đại Thiên thành tựu ngọc báu là như thế.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu nữ báu là như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có nữ báu sanh ra. Nữ báu ấy có thân thể trong trắng, tinh khiết, nõn nà, sắc đẹp hơn người, không nhường thiên nữ, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng thấy khoan khoái; miệng tỏa mùi hương hoa sen xanh thơm phức; từ các lỗ chân lông trên người toát mùi hương chiên-đàn. Về mùa đông thì thân ấm áp, về mùa hè thì thân mát mẻ. Nữ báu ấy hết lòng hầu hạ nhà vua, nói năng hòa nhã, làm việc nhanh chóng, thông minh trí tuệ, hoan hỷ thích làm việc lành; luôn nghĩ đến nhà vua, tâm thường không rời, huống nữa thân và miệng. Đó là vua Đại Thiên thành tựu nữ báu vậy.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu cư sĩ báu là như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có cư sĩ báu sanh ra. Cư sĩ báu ấy giàu có cùng tột, của cải vô lượng, có nhiều súc vật chăn nuôi; phòng hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ; có phước báo nên được thiên nhãn, thấy các kho báu, đầy hay trống đều thấy rõ; thấy có người thủ hộ hay không có người thủ hộ. Mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ quặng hay không phải quặng[11]; đều thấy rõ cả.
“Này A-nan, cư sĩ báu ấy đến trước vua Đại Thiên tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, nếu Thiên vương muốn được vàng, và tiền bạc, thì Thiên vương chớ có lo buồn, vì hạ thần tự biết đúng thời’.
“Này A-nan, thuở xưa, khi vua Đại Thiên muốn thí nghiệm cư sĩ báu, vua chèo thuyền ra giữa sông Hằng, bảo rằng:
“– Này cư sĩ, ta muốn được vàng, và tiền bạc.
“Cư sĩ tâu:
“– Tâu Thiên vương, hãy cho thuyền cập bến.
“Khi ấy, vua Đại Thiên bảo:
“– Này cư sĩ, ta muốn được ở chính giữa sông này.
“Cư sĩ tâu rằng:
“– Tâu Thiên vương, hãy cho thuyền ngừng lại.
“Này A-nan, bấy giờ cư sĩ báu đến trước mũi thuyền, thọc tay vào trong nước, lấy lên bốn kho tàng, là mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ quặng hay không phải quặng, tâu rằng:
“– Tâu Thiên vương, xin tùy ý muốn, Thiên vương tha hồ sử dụng, còn bao nhiêu thì trả lại dưới sông.
“Đó là vua Đại Thiên thành tựu cư sĩ báu.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu tướng quân báu là như thế nào?
“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có tướng quân báu. Tướng quân ấy thông minh, trí tuệ, biện tài, nói hay, hiểu rộng. Tướng quân báu sẽ thay vua Đại Thiên thực hiện những mục đích đời này, khuyến cáo và an lập; thực hiện mục đích cho đời sau, khuyến cáo và an lập; thực hiện mục đích đời này, mục đích đời sau, khuyến cáo và an lập. Tướng quân báu sẽ vì vua Đại Thiên, nếu muốn tập hợp các quân là tập hợp được; nếu muốn giải tán là giải tán ngay; muốn cho binh lính thuộc bốn loại quân không mệt mỏi và khuyến khích giúp đỡ. Đối với các cận thần khác cũng vậy. Đó là vua Đại Thiên thành tựu tướng quân báu.
“Này A-nan, đó là vua Đại Thiên thành tựu bảy báu.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu bốn như ý túc[12] là như thế nào?
“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy sống thật lâu, đến tám vạn bốn ngàn năm; thời con nít vui đùa đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Tiểu quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Đại quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương[13], tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên. Này A-nan, nếu vua Đại Thiên sống thật lâu, đến tám vạn bốn ngàn năm; thời con nít vui đùa đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Tiểu quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Đại quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên, thì chính đó là đức như ý túc thứ nhất của vua Đại Thiên.
“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên không có bệnh tật, thành tựu sự điều hòa của thực đạo[14], không lạnh, không nóng, an ổn, không bị bức rức. Do đó, đồ ăn thức uống được tiêu hóa dễ dàng. Này A-nan, vua Đại Thiên không có bệnh tật, thành tựu sự điều hòa của thực đạo, không lạnh, không nóng, an ổn, không bức rức; do đó đồ ăn thức uống tiêu hóa dễ dàng, thì chính đó là đức như ý túc thứ hai của vua Đại Thiên.
“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên thân thể trắng trẻo, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, không kém gì thiên thần, đoan chánh, đẹp đẽ, ai nhìn cũng thấy khoan khoái. Này A-nan, nếu vua Đại Thiên thân thể trắng trẻo, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, không kém gì thiên thần, đoan chánh, đẹp đẽ, ai nhìn cũng thấy khoan khoái, thì chính đó chính là đức như ý túc thứ ba của vua Đại Thiên.
“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên thường ái niệm các Phạm chí, Cư sĩ, như cha nghĩ đến con. Phạm chí, cư sĩ lại cũng kính trọng vua Đại Thiên như con kính cha. Này A-nan, thuở xưa, vua Đại Thiên ở trong công viên, bảo người đánh xe rằng: ‘Hãy đánh xe đi chầm chậm. Ta muốn nhìn kỹ các Phạm chí, cư sĩ’. Phạm chí, cư sĩ cũng bảo người đánh xe: ‘Hãy đánh xe đi chầm chậm. Chúng tôi muốn nhìn kỹ đức vua Đại Thiên’. Này A-nan, nếu vua Đại Thiên thường ái niệm các Phạm chí, cư sĩ như cha nghĩ đến con; còn các Phạm chí, cư sĩ lại kính trọng vua Đại Thiên như con kính cha thì chính đó là đức như ý túc thứ tư của vua Đại Thiên.
“Này A-nan, đó là vua Đại Thiên được bốn đức như ý túc.
“Này A-nan, một thời gian sau, vua Đại Thiên bảo thợ hớt tóc rằng:
“– Nếu ngươi thấy đầu ta mọc tóc bạc thì cho ta hay.
“Bấy giờ thợ hớt tóc vâng lời vua bảo. Một thời gian sau đó, gội đầu cho vua, thấy mọc tóc bạc, liền tâu:
“– Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, Thiên sứ đã đến[15]; đầu mọc tóc bạc.
“Vua Đại Thiên lại bảo thợ hớt tóc:
“– Ngươi hãy lấy nhíp bằng vàng, từ từ nhỗ tóc bạc bỏ vào bàn tay ta.
“Lúc ấy, thợ hớt tóc vâng lệnh vua bảo, liền lấy cái nhíp bằng vàng, từ từ nhổ tóc bạc bỏ vào bàn tay vua.
“Này A-nan, vua Đại Thiên tay bưng tóc bạc, nói bài tụng:
Đầu ta mọc tóc bạc;
Thọ mạng đến hồi suy.
Thiên sứ đã đến rồi,
Nay lúc ta học đạo.
“Này A-nan, sau khi thấy tóc bạc, vua Đại Thiên bảo Thái tử:
“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến, đầu mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạïc dục thế gian, nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc, thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta chuyển giao pháp kế thừa[16] này cho con. Con cũng phải chuyển giao lại pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên[17]. Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này cho con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên địa. Này Thái tử, nếu trong nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành cựïc biên.
“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy đem việc quốc chánh của nước này phó thác cho Thái tử. Sau khi dạy bảo cặn kẽ xong liền cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-ta này, trú trong rừng xoài Đại thiên.
“Thái tử cũng là Chuyển luân vương thành tựu bảy báu, được phước đức có bốn đức như ý của loài người như vua cha; như bảy báu và bốn đức như ý của loài người đã được nói trên.
“Này A-nan, vị Chuyển luân vương ấy về sau cũng bảo thợ hớt tóc rằng:
“– Nếu ngươi thấy đầu ta mọc tóc bạc thì cho ta hay.
“Bấy giờ thợ hớt tóc vâng lời vua bảo. Một thời gian sau đó, gội đầu cho vua, thấy mọc tóc bạc, liền tâu:
“– Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, Thiên sứ đã đến; đầu mọc tóc bạc.
“Vị Chuyển luân vương kia lại bảo thợ hớt tóc:
“– Ngươi hãy lấy nhíp bằng vàng, từ từ nhỗ tóc bạc bỏ vào bàn tay ta.
“Lúc ấy, thợ hớt tóc vâng lệnh vua bảo, liền lấy cái nhíp bằng vàng, từ từ nhổ tóc bạc bỏ vào bàn tay vua.
“Này A-nan, Chuyển luân vương kia tay bưng tóc bạc, nói bài tụng:
“Đầu ta mọc tóc bạc;
Thọ mạng đến hồi suy.
Thiên sứ đã đến rồi,
Nay lúc ta học đạo.
“Này A-nan, sau khi thấy tóc bạc, Chuyển luân vương kia bảo Thái tử:
“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến, đầu mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạïc dục thế gian, nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc, thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta chuyển giao pháp kế thừa này cho con. Con cũng phải chuyển giao lại pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên. Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này cho con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên địa? Này Thái tử, nếu trong nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành cựïc biên.
“Này A-nan, Chuyển luân vương kia đem việc quốc chánh của nước này phó thác cho Thái tử. Sau khi dạy bảo cặn kẽ xong liền cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-ta này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.
“Này A-nan, đó là từ con đến con, từ cháu đến cháu, từ dòng họ đến dòng họ, từ kiến đến kiến[18], lần lượt đến tám vạn bốn ngàn vị Chuyển luân vương, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.
“Vị vua sau cùng tên là Ni-di[19], là một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp; là vị vua vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những kẻ nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho đến những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn, cung cấp đèn dầu...
“Bấy giờ chư Thiên ở cõi trời Tam thập tam thiên tụ tập ngồi tại Thiện pháp giảng đường[20] hết lời xưng tán vua Ni-di như thế này: ‘Chư Hiền, người xứ Bẹâ-đà-đề có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì vua cuối cùng của họ là Ni-di, một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, là người đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những người nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem các đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, cung cấp khăn quấn và đèn dầu...’
“Bấy giờ trời Thiên Đế-thích cũng có trong chúng, bảo chư Thiên Tam thập tam thiên rằng:
“– Chư Hiền, các vị có muốn thấy vua Ni-di ngay tại nơi này không?
“Chư Thiên Tam thập tam thiên đáp:
“– Thưa Câu-dực[21], chúng tôi muốn được đến ngay nơi ấy để yết kiến vua Ni-di.
“Bấy giờ, trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi cánh tay, Đế-thích ở cõi Tam thập tam thiên bỗng nhiên biến mất không thấy và hiện ra ở cung điện vua Ni-di.
“Lúc ấy, vua Ni-di thấy Thiên Đế-thích, liền hỏi:
“– Ông là ai?
“Thiên Đế-thích đáp:
“– Đại vương có nghe đến Thiên Đế-thích không?
“Đáp:
“– Nghe nói có Đế-thích.
“– Đó chính là tôi vậy. Đại vương có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì chư Thiên ở cõi Tam thập tam thiên tụ tập tại Thiện pháp giảng đường, hết lời xưng tán Đại vương thế này: ‘Chư Hiền, người xứ Bệâ-đà-đề có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì vua cuối cùng của họ là Ni-di, một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, là người đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những người nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem các đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, cung cấp khăn quấn và đèn dầu...’ Đại vương có muốn thấy Tam thập tam thiên không?
“Vua đáp:
“– Muốn thấy.
“Đế-thích lại bảo vua Ni-di:
“– Tôi trở về cõi trời, sẽ ra lệnh trang nghiêm xa giá với một ngàn voi kéo đến. Đại vương cỡi xe dạo chơi, lên du lãm cõi trời.
“Bấy giờ, vua Ni-di im lặng nhận lời. Đế-thích biết vua Ni-di đã nhận lời; trong khoảnh khắc, như thời gian lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cung điện vua Ni-di mà trở về cõi Tam thập tam thiên.
“Sau khi trở về, Đế-thích bảo người đánh xe:
“– Ngươi hãy nhanh chóng trang nghiêm giá với một ngàn voi kéo, đến đón vua Ni-di. Sau khi đến nơi, hãy tâu vua rằng: ‘Đại vương, nên biết, Đế-thích sai đánh cỗ xe có nghìn voi kéo này đến đón Đại vương. Đại vương hãy cỡi xe này dạo chơi, lên du lãm cõi trời’. Sau khi vua đã lên xe, lại hỏi vua rằng: ‘Đại vương muốn tôi đánh xe đi đường nào? Đi theo đường ác thọ ác báo? Hay diệu thọ diệu báo?’
“Người đánh xe vâng lệnh Đế-thích, tức thì trang nghiêm cỗ xe nghìn voi, đi đến vua Ni-di. Đến nơi, tâu vua rằng:
“– Đại vương, nên biết, Đế-thích sai đánh cỗ xe có nghìn voi kéo này đến đón Đại vương. Đại vương hãy cỡi xe này dạo chơi, lên du lãm cõi trời.
“Sau khi vua Ni-di đã lên xe, người đánh xe lại hỏi rằng:
“– Đại vương muốn tôi đánh xe đi đường nào? Đi theo đường ác thọ ác báo? Hay diệu thọ diệu báo?’
“Bấy giờ vua Ni-di bảo người đánh xe rằng:
“– Hãy đưa tôi đi giữa hai đường ác thọ ác báo và diệu thọ diệu báo.
“Người đánh xe liền đưa vua đi giữa hai đường ấy, giữa ác thọ ác báo và diệu thọ diệu báo. Từ xa, chư Thiên Tam thập tam thiên trông thấy vua Ni-di đi đến, sau khi trông thấy liền chúc lành rằng:
“– Kính chào Đại vương! Kính chào Đại vương! Đại vương có thể cùng sống chung hưởng lạc với Tam thập tam thiên chúng tôi.
“Lúc ấy, vua Ni-di nói bài tụng cho chư Thiên Tam thập tam thiên:
Giống như kẻ cỡi nhờ,Nhất thời tạm mượn xe;Nơi đây cũng như vậy.Vì là của kẻ khác.Tôi về Di-tát-la,Sẽ làm vô lượng thiện.Nhân đó sanh cõi trời,Tạo phước làm tư lương.
“Này A-nan, vua Đại Thiên thuở xưa ấy ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết vị ấy chính là Ta.
“Này A-nan, thuở xưa, Ta từ đời con đến đời con, từ đời cháu đến đời cháu, từ dòng họ đến dòng họ, lần lượt có đến tám vạn bốn ngàn Chuyển luân vương, từng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh, tại Di-tát-la này trú trong rừng xoài Đại Thiên. Bấy giờ Ta tự làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và vì người mà cầu nghĩa, lợi ích và an ổn khoái lạc. Khi ấy, Ta thuyết pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh, lúc ấy Ta không thoát ly khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não; cũng chưa thể thoát ra ngoài mọi khổ đau.
“Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành[22], Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, gọi là Phật[23], Chúng Hựu. Nay Ta làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và người mà cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Vì đã rốt ráo phạm hạnh, nay Ta lìa khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não. Nay Ta đã thoát mọi khổ đau.
“Này A-nan, nay Ta chuyển trao pháp kế thừa này cho ông, ông cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này lại, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn.
“Này A-nan, thế nào là pháp kế thừa mà nay Ta chuyển trao cho ông và bảo ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn? Đó chính là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Này A-nan, đó chính là pháp kế thừa mà nay Ta đã chuyển trao cho ông, và ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật chủng đứt đoạn.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 14. Pāli, M.83 Makhādeva-suttanta; tham chiếu Bản sanh, J.9. Makhādeva-Jātaka. Hán, No.125(1) Tăng Nhất 1, Tựa, Đại 2 tr.549; No.125 (50.4) Tăng Nhất 48, Đại 2 tr.806c.[02] Bệ-đà-đề 鞞 陀 提. Pāli: Videha, mà thủ phủ là Mithilā (Di-tát-la 彌 薩 囉). Đại thiên Nại lâm 大 天 柰 林 là khu rừng xoài của Mahādeva, một vị vua trong thời quá khứ mà triều đại tiếp theo thuộc về Okkāka, tổ phụ của dòng họ Thích.[03] Đại Thiên 大 天. Pāli: Makhādeva.[04] Thuyết Tùng giải thoát 說 從 解 脫, tức đọc giới bổn của Tỳ-kheo (Ba-la-đề-mộc-xoa hay Biệt giải thoát). Bản Pāli, vào các ngày 14, 15, mồng 8 mỗi nửa tháng, vua hành lễ Bố-tát (Pāli: uposatha).[05] Thiên luân bảo 天 輪 寶. Pāli: dibba-cakka-ratna, bảo vật là bánh xe trời.[06] Hiền luân bảo 賢 輪 寶. Pāli: bhavam cakka-ratnam.[07] Đảnh Sanh Sát-lợi vương 頂 生 刹 利 王. Pāli: rājā khattiyo muddhāvasitto, một vị vua dòng Sát-lợi đã được làm lễ quán đảnh (rưới nước lên đỉnh đầu), lễ tức vị. Vị này chưa phải Chuyển luân vương.[08] Đoán lý 斷 理, các bản Tống-Nguyên-Minh: liệu lý 料 理; tức xử lý tài vật hay tài sản.[09] Vu-sa-hạ 于 裟 賀. Pāli: Uposatha (Bố-tát).[10] Mao mã vương 髦 馬 王, Mã vương có bờm. Pāli: Valāhaka (Vân mã vương).[11] Hán: tác tạng, bất tác tạng 作 藏 不 作 藏. Có lẽ Pāli: ākara, mỏ khoáng hay quặng. Hán hiểu kara là làm.[12] Bốn như ý túc 四 如 意 足; No.1(2): bốn thần đức 神 德. Pāli: catasso iddhiyo, bốn tiềm lực hay năng lực phi thường.[13] Tiên nhân vương 仙 人 王. Pāli: rājisi, vị ẩn nguyên là vua.[14] Bình đẳng thực vị chi đạo 平 等 食 味 之 道. Pāli: samavepākin, tiêu hóa dễ dàng (ăn uống dễ tiêu hóa). Xem D.28 Saṅgīti-suttanta, veà pañca padhāniyaṅgāni (năm cần chi).[15] Xem kinh số 64.[16] Tương kế chi pháp 相 繼 之 法. No.125 (50-4): tương thiệu 相 紹.[17] Pāli: mā kho me tvaṃ antimapuriso ahosi, “con chớ trở thành là người (kế thừa) cuối cùng của ta”.[18] Tùng kiến chí kiến 從 見 至 見 (?)[19] Ni-di 尼 彌. Pāli: Nimi.[20] Thiện pháp giảng đường 善 法 講 堂. Pāli: Sudhamma-sabhā, phòng hội của chư Thiên Tam thập tam (Pl. Tāvatiṃsa).[21] Câu-dực 拘 翼 (= Kiều-thi-ca 憍 尸 迦). Pāli: Kosika hoặc Kosiya, hiệu của Thiên Đế-thích.[22] Trong bản Hán: Minh hành thành vi 明 行 成 為, có lẽ thừa chữ vi. Thường nói là Minh hành túc. Pāli: vijjā-caraṇa-sampanna.[23] Trong bản Hán: hiệu Phật 號 佛.
-ooOoo-
68. KINH ĐẠI THIỆN KIẾN VƯƠNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại thành Câu-thi[02], trú trong rừng Sa-la của Hòa-bạt-đơn lực sĩ[03].
Bấy giờ, vào lúc tối hậu, sắp nhập Niết-bàn, Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, hãy đến giữa hai cây Sa-la song thọ[04] trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Như Lai vào giữa đêm nay sẽ nhập Niết-bàn.”
Tôn giả A-nan vâng lời Đức Như Lai, liền đến giữa hai cây song thọ trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Sau khi trải chỗ nằm xong, trở lại chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài rồi đứng sang một bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Cúi mong Thế Tôn tự biết thời.”
Bấy giờ Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đến giữa hai cây song thọ, xếp tư y uất-đa-la-tăng trải lên chỗ nằm, gấp y tăng-già-lê làm gối. Ngài nằm nghiêng về hông bên phải, hai chân chồng lên nhau. Đây là lúc tối hậu, Phật sắp Niết-bàn.
Lúc ấy Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Phật. Tôn giả chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, còn có những thành lớn khác. Một là Chiêm-bà, hai là Xá-vệ, ba là Bệ-xá-ly, bốn là Vương xá, năm là Ba-la-nại, sáu là Ca-tỳ-la-vệ[05]. Sao Thế Tôn không nhập Niết-bàn ở các nơi ấy, mà quyết định tại thành bằng đất nhỏ hẹp này, một thành nhỏ hẹp nhất trong các thành?”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, ngươi chớ nói rằng đây là thành đất nhỏ hẹp, là thành nhỏ nhất trong các thành. Vì sao? Vì thuở quá khứ, thành Câu-thi-na này tên là Câu-thi vương thành[06], giàu có cùng tột, dân chúng đông đúc.
“A-nan, Câu-thi vương thành dài mười hai do-diên, rộng bảy do-diên.
“A-nan, ở đây dựng tháp canh cao bằng một người, hoặc hai, ba, bốn..., cho đến bảy người.
“A-nan, ở chung quanh bên ngoài Câu-thi vương thành, có bảy lớp hào. Hào ấy được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy hào cũng trải cát bằng bốn loại báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp tường thành bao bọc bên ngoài. Những lớp tường thành ấy cũng được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp hàng cây Đa-la[07] bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh bao bọc xung quanh. Cây Đa-la bằng vàng thì hoa, lá và trái bằng bạc. Cây Đa-la bằng bạc thì hoa, lá và trái bằng vàng. Cây Đa-la bằng lưu ly thì hoa, lá và trái bằng thủy tinh. Cây Đa-la bằng thủy tinh thì hoa, lá và trái bằng lưu ly.
“Này A-nan, ở giữa những cây Đa-la có đào nhiều hồ sen; hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen đỏ và hồ hoa sen trắng.
“Này A-nan, bờ hồ hoa ấy được đắp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Ở đáy hồ thì rải cát bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Trong thành hồ ấy có thềm cấp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì bậc chân[08] bằng bạc, thềm cấp bằng bạc thì có bậc chân bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì có bậc chân bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì có bậc chân bằng lưu ly.
“Này A-nan, xung quanh hồ ấy có câu lan[09] bằng bốn báu, lưỡi câu là vàng bạc, lưu ly, thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.
“Này A-nan, hồ ấy được trùm bởi màn lưới có chuông treo ở giữa. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.
“Này A-nan, trong hồ ấy trồng nhiều loại hoa dưới nước như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng; thường có nước, có hoa, không có người trông giữ ngăn cấm vì thuộc về tất cả mọi người.
“Này A-nan, ở bờ hồ ấy có trồng nhiều loại hoa như hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa Kiện-đề, hoa Ma-đầu-kiện-đề, hoa A-đề-mâu-đa, hoa Ba-la đầu[10].
“Này A-nan, bên các bờ hồ sen ấy, có nhiều người nữ thân thể nõn nà, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, chẳng kém thiên nữ, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng thấy vui thích, được trang sức đầy đủ các loại ngọc báu; những người nữ ấy bố thí tùy theo nhu cầu của mọi người như đồ ăn thức uống, áo, chăn, xe cộ, nhà cửa, giường nệm, đệm lông ngũ sắc, tôi tớ, đèn dầu... đem cung cấp đầy đủ.
“Này A-nan, lá cây Đa-la ấy lúc gió thổi thì phát ra âm thanh cực kỳ vi diệu, cũng như năm loại kỹ nhạc được nhạc sư tài ba tấu lên thì có âm thanh hết sức hài hòa, tuyệt diệu. Này A-nan, lá cây ấy lúc gió thổi cũng lại như vậy.
“Này A-nan, trong thành Câu-thi ấy giả sử có người tồi tệ thấp hèn hạ, muốn được thưởng thức năm loại kỹ nhạc, nếu cùng đến giữa những cây Đa-la thì đều được thưởng thức thỏa thích.
“Này A-nan, Câu-thi vương thành thường có mười hai loại tiếng không bao giờ gián đoạn, là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng đi bộ, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng trống bạc lạc[11], tiếng trống kỷ[12], tiếng ca, tiếng vũ, tiếng ăn, tiếng bố thí.
“Này A-nan, trong thành Câu-thi có vua tên là Đại Thiện Kiến[13], là vị Chuyển luân vương thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại; là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.
“Này A-nan, bấy giờ các Phạm chí, cư sĩ trong Câu-thi vương thành mang các loại châu báu, kiềm-bà-la báu[14], chở đến chỗ vua Đại Thiện Kiến, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, các loại châu báu, kiềm-bà-la báu này, mong Thiên vương vì lòng từ mẫn mà nạp thọ.
“Đại Thiện Kiến vương nói với các Phạm chí:
“– Này các khanh, các khanh hiến dâng nhưng ta thấy chưa cần thiết, vì ta đã có đủ.
“Này A-nan, lại có tám vạn bốn ngàn vị Tiểu quốc vương, đến thưa vua Đại Thiện Kiến rằng:
“– Tâu Thiên vương, chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương.
“Đại Thiện Kiến vương nói với các Tiểu quốc vương:
“– Các khanh muốn xây chánh điện cho ta, nhưng ta thấy chưa cần thiết, vì chánh điện ta đã có.
“Tám vạn bốn ngàn vị Tiểu quốc vương đều chắp tay hướng về Đại Thiện Kiến vương, lặp lại ba lần rằng:
“– Tâu Thiên vương, chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương. Chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương.
“Bấy giờ, Đại Thiện Kiến vương im lặng nhận lời của tám vạn bốn ngàn vua các tiểu quốc. Khi biết vua đã im lặng nhận lời, các Tiểu quốc vương liền bái biệt, đi quanh ba vòng rồi lui ra. Vua nước nào trở về nước ấy, dùng tám vạn bốn ngàn cỗ xe chất đầy những vàng và các loại tiền, bằng vàng tinh luyện hay chưa tinh luyện[15]. Lại lấy các trụ đều bằng ngọc lớn chở đến thành Câu-thi, cách thành không xa xây đại chánh điện.
“Này A-nan, đại chánh điện ấy dài một do-diên, rộng một do-diên. Đại chánh điện ấy được xây bằng gạch làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
“Này A-nan, thềm cấp của đại chánh điện ấy làm bằng bốn loại báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì trụ bằng bạc. Tam cấp bằng bạc thì trụ bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì trụ bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì trụ bằng lưu ly.
“Này A-nan, trong đại chánh điện có tám vạn bốn ngàn cột trụ làm bằng bốn báu là: Vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Cột bằng vàng thì đá tảng bằng bạc. Cột bằng bạc thì đá tảng bằng vàng. Cột bằng lưu ly thì đá tảng bằng thủy tinh. Cột bằng thủy tinh thì đá tảng bằng lưu ly.
“Này A-nan, bên trong chánh điện lại xây tám vạn bốn ngàn lầu làm bằng bốn báu là: Vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Lầu bằng vàng thì mái lợp bằng bạc. Lầu bằng bạc thì mái lợp bằng vàng. Lầu bằng lưu ly thì mái lợp bằng thủy tinh. Lầu bằng thủy tinh thì mái lợp bằng lưu ly.
“Này A-nan, trong đại chánh điện có thiết trí tám vạn bốn ngàn ngự tòa, cũng làm bằng bốn báu: vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lầu bằng vàng thì thiết trí ngự tòa bằng bạc, trải lên trên các thứ nệm chiếu, đệm lông năm sắc, phủ lên trên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương. Cũng vậy, lầu bằng bạc thì thiết trí ngự tòa bằng vàng. Lầu bằng lưu ly thì thiết trí ngự tòa bằng thủy tinh. Lầu bằng thủy tinh thì thiết trí ngự tòa bằng lưu ly, trải lên bằng các thứ nệm chiếu, đệm lông năm sắc, phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương.
“Này A-nan, đại chánh điện ấy xung quanh có câu lan bằng bốn báu, vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.
“Này A-nan, đại chánh điện ấy được che bằng màn lưới, trong đó treo các thứ chuông lắc. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông làm bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.
“Này A-nan, đại chánh điện ấy sau khi được kiến trúc đầy đủ, bốn vạn tám ngàn vua các tiểu quốc đi ra cách đại chánh điện không xa, xây ao sen lớn.
“Này A-nan, ao sen lớn ấy dài một do-diên; rộng một do-diên.
“Này A-nan, ao sen lớn ấy được đắp gạch bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy ao được rải cát bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.
“Này Na-nan, ao sen lớn ấy có thềm cấp bằng bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Tầng cấp bằng vàng thì thềm bằng bạc. Tầng cấp bằng bạc thì thềm bằng vàng. Tầng cấp bằng lưu ly thì thềm bằng thủy tinh. Tầng cấp bằng thủy tinh thì thềm bằng lưu ly.
“Này A-nan, chung quanh ao sen lớn có câu lan bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.
“Này A-nan, ao sen lớn ấy được che bởi màn lưới, trong đó treo các thứ chuông lắc. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.
“Này A-nan, trong ao sen lớn ấy có nhiều loại thủy hoa như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen đỏ, thường có nước ở hoa, có người gìn giữ, không thuộc về tất cả mọi người.
“Này A-nan, trong ao sen lớn ấy có nhiều loại lục hoa, như hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa Tu-kiền-đề, hoa Ma-đầu-kiẹân-đề, hoa A-đề-mâu-đa, hoa Ba-la-lại.
“Này A-nan, sau khi kiến trúc đại điện và hồ hoa lớn đầy đủ như thế, tám vạn bốn ngàn vua các tiểu quốc đi ra cách điện không xa, thiết lập vườn Đa-la[16].
“Này A-nan, vườn Đa-la ấy dài một do-diên, rộng một do-diên. Trong vườn Đa-la trồng tám vạn bốn ngàn cây Đa-la, đều dùng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Cây Đa-la bằng vàng thì lá, hoa, quả bằng bạc. Cây Đa-la bằng bạc thì lá, hoa, quả bằng vàng. Cây Đa-la bằng lưu ly thì lá, hoa, quả bằng thủy tinh. Cây Đa-la bằng thủy tinh thì lá, hoa, quả bằng lưu ly.
“Này A-nan, chung quanh vườn Đa-la ấy có lan can lưỡi câu bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.
“Này A-nan, vườn Đa-la ấy được che bằng lưới báu, có chuông treo lơ lửng ở khoảng giữa. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.
“Này A-nan, sau khi kiến trúc đại điện, ao hoa và vườn Đa-la đầy đủ như thế, tám vạn bốn ngàn Tiểu quốc vương cùng đến chỗ vua Đại Thiện Kiến thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, xin biết cho rằng, đại điện, ao hoa và vườn cây Đa-la, tất cả đã kiến trúc đầy đủ. Mong Thiên vương sử dụng tùy thích.
“Này A-nan, bấy giờ vua Đại Thiện Kiến nghĩ rằng: ‘Ta không nên lên đại điện này trước. Nếu có bậc Thượng tôn Sa-môn, Phạm chí ở thành Câu-thi vương này, ta nên mời tất cả tụ tập ngồi ở đại điện này, soạn các thức ăn ngon lành, mỹ diệu, đầy đủ thức nhai và nuốt, tự tay bưng hầu khiến các ngài ăn no. Ăn xong, dọn bát và dùng nước rửa, rồi mời các ngài trở về’.
“Này A-nan, sau khi vua Đại Thiện Kiến nghĩ như vậy, liền mời tất cả các bậc Thượng tôn Sa-môn, Phạm chí đang trú tại thành Câu-thi vương ấy tụ tập trên đại chánh điện. Tất cả tụ tập và an tọa xong, vua thân hành lấy nước rửa rồi đem các thức ăn ngon lành, mỹ diệu, đầy đủ các thức nhai và nuốt, tự tay bưng hầu khiến các ngài ăn no. Sau khi ăn, dọn bát, đem nước rửa và nhận lời cầu chúc, rồi vua mời các ngài trở về.
“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến lại nghĩ: ‘Nay ta không nên vào đại chánh điện để hưởng dục lạc. Ta nên đem độc nhất một người hầu lên ở tại đại chánh điện’.
“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiện Kiến đem người hầu lên đại chánh điện, đi vào lầu bằng vàng, ngồi ở ngự tòa bằng bạc, được trải lên bằng những thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, nhà vua ly dục, ly các pháp ác bất thiện; có giác, có quán, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.
“Từ lầu bằng vàng đi ra, lại đi vào lầu bằng bạc, ngồi vào ngự sàng bằng vàng được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, nhà vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.
“Từ lầu bằng bạc đi ra, lại đi vào lầu bằng lưu ly, ngồi vào ngự sàng bằng tủy tinh được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, nhà vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.
“Từ lầu bằng lưu ly đi ra, lại vào lầu bằng thủy tinh, ngồi vào ngự sàng bằng lưu ly được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, nhà vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.
“Này A-nan, bấy giờ tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu quá lâu không thấy vua Đại Thiện Kiến, ai cũng nhớ mong, khao khát muốn thấy. Lúc đó, tám vạn bốn ngàn phu nhân cùng nhau đi đến nữ báu thưa thỉnh rằng:
“– Thiên hậu, nên biết rằng, từ lâu không được hầu cận Thiên vương. Thiên hậu, chúng tôi nay muốn cùng nhân dân đến yết kiến Thiên vương.
“Nữ báu nghe xong, liền bảo Tướng quân:
“– Ngươi nay nên biết rằng, chúng tôi từ lâu không được hầu cận Thiên vương, nay muốn đến yết kiến Thiên vương.
“Tướng quân nghe vậy, liền đưa tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu đến đại chánh điện. Tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn tiểu vương cũng cùng hộ tống, đi đến đại chánh điện. Lúc cả đoàn đang đi, âm thanh ấy vang dội chấn động mạnh mẽ. Vua Đại Thiện Kiến nghe được âm thanh vang dội chấn động mạnh mẽ ấy. Nghe xong, nhà vua liền hỏi người đứng hầu bên cạnh:
“– Đó là tiếng gì mà vang dội chấn động mạnh mẽ thế?
“Người hầu thưa:
“– Tâu Thiên vương, đó là do tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, hôm nay tất cả cùng đến đại chánh điện; tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn Tiểu vương lại cùng nhau đến chánh điện, cho nên âm thanh ấy vang dội, chấn động mạnh mẽ.
“Nghe xong, vua Đại Thiện Kiến bảo người hầu cận:
“– Ngươi mau xuống khỏi đại điện, đến chỗ đất trống, trải nhanh giường bằng vàng rồi trở lại cho ta hay.
“Người hầu cận vâng lời, liền từ điện đi xuống, đến chỗ đất trống, trải giường bằng vàng một cách nhanh chóng, liền trở lại thưa rằng:
“– Con đã trải giường bằng vàng ở chỗ đất trống cho Thiên vương, xin tùy ý Thiên vương.
“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến cùng với người hầu từ điện đi xuống, ngự trên giường bằng vàng và ngồi kiết già.
“Này A-nan, bấy giờ tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu cùng nhau đến trước vua Đại Thiện Kiến.
“Này A-nan, từ xa, vua Đại Thiện Kiến trông thấy tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, liền đóng kín các căn. Tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu thấy vua đóng kín các căn, liền nghĩ: ‘Thiên vương nay chắc không dùng đến chúng ta nữa. Vì sao? Vì Thiên vương vừa thấy chúng ta, liền đóng kín các căn’.
“Này A-nan, khi đó nữ báu đi đến trước vua Đại Thiện Kiến. Đến rồi thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, xin biết cho, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu này hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương thương tưởng đến chúng tôi cho đến lúc mạng chung và tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn tiểu vương cũng hoàn toàn thuộc về Thiên vương, mong Thiên vương tưởng đến tất cả cho đến lúc mạng chung.
“Bấy giờ vua Đại Thiện Kiến nghe những lời ấy xong, bảo nữ báu rằng:
“– Này hiền muội, các người luôn luôn xúi dục ta làm ác, mà không khuyến khích ta làm lành. Này hiền muội, từ nay về sau nên khuyến khích ta làm lành, chớ xúi dục ta làm ác.
“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy liền ngồi qua một bên, nước mắt tràn ra, khóc lóc bi thảm, thưa rằng:
“– Chúng tôi chẳng phải là em của Thiên vương, mà nay Thiên vương gọi chúng tôi là hiền muội.
“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy, mỗi người dùng áo lau nước mắt, lại đến trước vua Đại Thiện Kiến thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, chúng tôi làm thế nào để khuyến khích Thiên vương làm lành, không làm ác?
“Vua Đại Thiện Kiến đáp:
“– Các hiền muội, hãy nói với ta như thế này: ‘Tâu Thiên vương, ngài biết không, mạng người ngắn ngũi, rồi sẽ đi qua đời sau, nên phải tu phạm hạnh. Do đó sự sanh không thể chấm dứt. Thiên vương nên biết, pháp ấy chắc chắn đến, không thể ái niệm, không thể hoan hỷ, hoại diệt tất cả, người đời gọi là ‘sự chết’. Cho nên, tâu Thiên vương, đối với tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, nếu có ái niệm, có dục thì mong Thiên vương đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung vẫn chớ niệm tưởng. Đối với tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn tiểu vương, tâu Thiên vương, nếu có ái niệm, có dục thì mong Thiên vương đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung vẫn chớ niệm tưởng’. Này các hiền muội, các hiền muội hãy khuyến khích ta làm lành, chớ xúi dục ta làm ác, đúng như thế.
“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, chúng tôi từ nay về sau sẽ khuyến khích Thiên vương làm lành, chớ không xúi dục Thiên vương làm ác, như thế này: ‘Tâu Thiên vương, mạng người ngắn ngũi, rồi sẽ đi qua đời sau. Pháp ấy chắc chắn đến, cũng không thể ái niệm, cũng không thể hoan hỷ, hoại diệt tất cả, người đời gọi là ‘sự chết’, cho nên, tâu Thiên vương, đối với tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, nếu có niệm có dục thì mong Thiên vương hãy đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung cũng không niệm tưởng’.
“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến thuyết pháp cho tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho những người ấy, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, nhà vua bảo họ trở về.
“Này A-nan, biết vua đã ra lệnh, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu mỗi người đều đến bái biệt nhà vua rồi trở về.
“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy trở về chưa bao lâu, vua Đại Thiện Kiến cùng người hầu cận trở lên đại điện, vào lầu bằng vàng, ngồi trên ngự sàng bằng bạc, được trải bằng các thứ nệm, chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, lụa, the, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán như thế này: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo, vô lượng các pháp ác bất thiện đến đây là cuối cùng. Tâm cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương trên và dưới phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, bao la rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú’.
“Từ lầu bằng vàng đi ra, nhà vua lại vào lầu bằng bạc, ngồi trên ngự sàng bằng vàng, được trải lên bằng các chăn nệm, đệm lông năm sắc, được trải lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán tưởng rằng: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo,... vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với bi tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú’.
“Từ lầu bằng bạc đi ra, nhà vua lại vào lầu bằng lưu ly, ngồi trên ngự tòa bằng thủy tinh, đượïc trải bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn nệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán thế này: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghéùt nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo, vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với hỷ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú’.
“Từ lầu bằng lưu ly đi ra, nhà vua vào lầu bằng thủy tinh, ngồi trên ngự tòa bằng lưu ly, được trải lên bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn nệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán thế này: “Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo,... vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với xả tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú.”
“Này A-nan, Vua Đại Thiện Kiến vào giờ phút cuối cùng, chết với một cảm giác đau phơn phớt.
“Cũng giống như cư sĩ hoặc con của cư sĩ, ăn món ăn mỹ diệu, cảm thấy một chút khó chịu.
“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến vào giờ phút cuối cùng chết với một cảm giác đau phơn phớt cũng lại như vậy.
“Này A-nan, bấy giờ vua Đại Thiện Kiến tu bốn Phạm thất[17], sau khi xả niệm dục, nhờ đó khi mạng chung, sanh vào cõi Phạm thiên.
“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến thuở xưa ấy ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy, nên biết rằng vị ấy chính là Ta vậy.
“Này A-nan, lúc bấy giờ Ta làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn và khoái lạc cho trời và người. Bấy giờ Ta thuyết pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh nên khi ấy không lìa khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thoát khỏi mọi khổ đau.
“Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Nay Ta đã làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn và khoái lạc cho trời và người. Nay Ta thuyết pháp đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Rốt ráo phạm hạnh nên nay Ta lìa khỏi sự sanh, tuổi già, tật bệnh, sự chết, khóc lóc, áo não. Ta nay đã thoát khỏi mọi sự đau khổ.
“Này A-nan, từ thành Câu-thi-la, từ rừng Sa-la của Hòa-bạt-đơn Lực sĩ, từ sông Ni-liên-nhiên[18], từ sông Bà-cầu[19], từ Thiên Quang tự, từ chỗ trải chỗ nằm cho Ta hôm nay, trong khoảng thời gian giữa đó, Ta đã bảy lần xả thân. Trong bảy lần ấy, sáu lần làm Chuyển luân vương, nay là lần thứ bảy thành Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Này A-nan, Ta không thấy ở đâu trong thế gian này, Trời hay Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ trời đến người mà Ta sẽ xả thân thêm lần nữa, vì điều đó không có thể có.
“Này A-nan, nay đây là sự sanh cuối cùng của Ta, là sự hữu cuối cùng, là thân cuối cùng, là bẩm hình cuối cùng. Ta nói đây là chỗ tận cùng của khổ.
Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Pāli: D.17. Mahā-Sudassana-suttanta. Tham chiếu, No.1(2) “Kinh Du hành”; No.5 Phật Bát-nê-hoàn Kinh, quyển hạ, Bạch Pháp Tổ dịch; No.6 Bát-nê-hoàn kinh, khuyết danh dịch; No.7 Đại Bát-niết-bàn kinh, Nghĩa Tịnh dịch; No.1451 Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tì-nại-da Tạp Sự quyển 37, Nghĩa Tịnh dịch.[02] Câu-thi thành 拘 尸 城. Pāli: Kusinārā, thủ phủ của bộ tộc Mallā; Đức Phật nhập Niết-bàn tại đây.[03] Hòa-bạt-đơn lực sĩ 惒 跋 單 力 士. Pāli: Upavattana-Mallā, bộ tộc Mallā ở Upavattana.[04] Song Sa-la thọ 雙 裟 羅 樹. Pāli: yamaka-sālā, cây Sa-la sinh đôi, mọc thành cặp; Sa-la song thọ.[05] Chiêm-bà (Pāli: Campā). Xá-vệ (Sāvatthi), Bệ-xá-ly (Vesali), Vương xá (Rājagaha), Ba-la-nại (Bārānasi), Ca-duy-la-vệ (Kapilavatthu). Bản Pāli kể hơi khác, thay Bệ-xa-ly và Ca-duy-la-vệ bằng Sāketa và Kosambī.[06] Câu-thi vương thành 拘 尸 王 城. Pāli: Kūsavati. No.1 (2) Câu-xá-bà-đề.[07] Đa-la thọ 多 羅 樹. Pāli: tāla, một giống cây cọ, tên khoa học Borassus flabelliformis.[08] Hán: đặng 蹬; bản Tống: tranh 橙. Có lẽ là 磴.[09] Hán: câu lan 鉤 欄, lan can theo hình thế nhà, cao thấp, quanh co (Từ nguyên). Pāli không đề cập chi tiết nay, nhưng từ Pāli tương đương là vedikā: lan can, lan thuẫn hay câu lan.[10] Các loại hoa: hoa Tu-ma-na 修 摩 那 (Pāli: sumanā, thiện ý), loại hoa lài cánh lớn; hoa Bà-sư 婆 師 (vassikā: hạ sinh hoa), một loại hoa lài rất thơm (Jasminum Sambac); hoa Chiêm-bặc 瞻 蔔 (campaka: tố hinh hoa), hoa Chăm-pa, rất thơm, có màu trắng và vàng; hoa Tu-kiện-đề 修 捷 提 (sogandhika: hảo hương), thụy liên trắng, súng trắng; hoa Ma-đầu-kiện-đề 摩 頭 捷 提 (madhu-gandhika: mật hương); hoa A-đề-mâu-đa 阿 提 牟 哆 (adhimuttaka: tăng thượng tín), hoa Ba-la-đầu 波 羅 頭.[11] Hán: bạc lạc cổ 薄 洛 鼓, không rõ loại trống gì.[12] Hán: kỹ cổ 伎 鼓.[13] Đại Thiện Kiến大 善 見. Pāli: Mahāsudassana.[14] Kiềm-bà-la bảo 鉗 婆 羅 寶, vải lông, áo lông.[15] Tác dĩ bất tác 作 以 不 作. Những người thợ (làm và không làm)?[16] Đa-la viên 多 羅 園. Pāli: Tālavana.[17] Bốn phạm thất 梵 室 hay phạm trụ 梵 住. Pāli: cattāri brahmavihārā. Cũng thường nói là bốn Vô lượng tâm. Pāli: catasso appamaññāyo.[18] Ni-liên-nhiên 尼 連 然, Pāli: Nerañjarā, con sông gần chỗ Phật thành đạo. Đây chính xác phải là Hiraññāvati, âm là Hê (hay hi) -liên-thiền 醯 (希 hay 煕) 連 禪, con sông gần chỗ Phật nhập Niết-bàn.[19] Bà-cầu 婆 求. Pāli: Kakutthā, con sông gần Kusinārā. Đức Phật tắm tại đây trước khi đến Kusinārā để nhập Niết-bàn.
-ooOoo-
69. KINH TAM THẬP DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong vườn Ca-lan-đa, rừng Trúc, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát[02], trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Ngồi xong, Thế Tôn nhập định quán tâm các Tỳ-kheo. Lúc đó Thế Tôn thấy chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã dứt trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu.
Khi ấy Tôn giả Xá-lê Tử cũng ở trong chúng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Này Xá-lê Tử, chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa, im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã dứt trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu. Ai là người có thể kính trọng, phụng sự chúng Tỳ-kheo?”
Tôn giả Xá-lê Tử từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa, im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu như thế. Bạch Thế Tôn, không ai là người có thể kính trọng, phụng sự chúng Tỳ-kheo, chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể phụng sự, kính trọng Pháp và chúng Tỳ-kheo cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định. Chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể kính trọng, phụng sự mà thôi.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Xá-lê Tử, đúng như vậy. Không ai có thể kính trọng, phụng sự pháp và chúng Tỳ-kheo cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định. Chỉ có Thế Tôn mới có thể kính trọng, phụng sự mà thôi.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có đầy đủ các thứ trang sức, lụa, tơ, gấm, len, nhẫn tay, xuyến cườm tay, chuỗi ngọc khuỷu tay, kiềng đeo cổ, vàng bạc[03], châu ngọc cài mái tóc. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng giống như thế, dùng giới đức để làm đồ trang sức. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu giới đức để dùng làm đồ trang sức thì đều có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có năm nghi trượng, kiếm, lọng, thiên quan, phất trần cán bằng ngọc và giày cẩn ngọc[04] để bảo vệ thân cho được an ổn. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng sự giữ gìn cấm giới để bảo vệ phạm hạnh, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu cấm giới để bảo vệ phạm hạnh thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có người giữ cửa[05]. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni lấy sự thủ hộ sáu căn làm người giữ cửa cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nào thành tựu sự thủ hộ sáu căn thì liền xả được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có tướng giữ cỗng thành thông minh, có trí tuệ, có sự phân biệt rõ ràng. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm tướng giữ cổng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm thì liền xả được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có hồ tắm đẹp, trong mát, tràn đầy. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng tĩnh tâm làm hồ tắm mát, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu tĩnh tâm làm hồ tắm mát thì xả được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có người hầu tắm, thường phục vụ tắm rửa. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni lấy thiện tri thức làm người hầu tắm cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu việc lấy thiện tri thức làm người hầu tắm, thì có thể xả được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có bột hương thoa thân, mộc cây[06], trầm thủy, chiên đàn, tô hợp[07], kê thiệt[08], đô lương[09]. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng giới đức làm bột hương cũng lại như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu giới đức để làm bột hương thì xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có y phục tốt đẹp, như áo sơ-ma[10], áo gấm lụa, áo bạch điệp[11], áo da sơn dương[12]. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng sự hổ thẹn làm y phục cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu sự hổ thẹn làm y phục thì xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có giường ghế rất rộng, cao lớn. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng Tứ thiền làm giường ghế cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu Tứ thiền thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có thợ hớt tóc rành nghề, thường phục vụ tắm gội, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm thợ hớt tóc cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng chánh niệm làm thợ hớt tóc thì có thể xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có đồ ăn ngon lành mỹ diệu, đủ các mùi vị đặc biệt; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng hỷ làm thức ăn, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu hỷ làm thức ăn thì có thể tiêu diệt được điều ác, tu tập thiện pháp.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có các thức uống như nước trái xoài[13], nước chiêm-ba[14], nước mía, nước nho, nước mạt-ta-đề[15]; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng pháp vị làm thức uống, cũng như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu pháp vị dùng làm thức uống thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có tràng hoa đẹp, như tràng hoa sen xanh, tràng hoa Chiêm-bặc, tràng hoa Tu-ma-na, tràng hoa Bà-sư, tràng hoa A-đề-mâu-đa, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng ba định là Không, Vô nguyện, Vô tướng[16] làm tràng hoa cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu ba định Không, Vô nguyện, Vô tướng làm tràng hoa thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có phòng ốc, nhà cửa, lầu quán, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng ba thất là Thiên thất, Phạm thất và Thánh thất[17] làm nhà cửa, cũng giống như thế. Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu ba thất dùng làm nhà cửa thì liền xả bỏ đựợc điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có người điển thủ[18], tức người giữ nhà[19], thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm người giữ nhà cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng trí tuệ làm người giữ nhà thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại thuế của các quốc ấp. Phần thứ nhất để cung cấp vua và hoàng hậu, cùng các thể nữ trong cung. Phần thứ hai cung cấp cho thái tử và quần thần. Phần thứ ba cung cấp cho toàn dân. Phần thứ tư cung cấp cho Sa-môn, Phạm chí. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng bốn niệm làm tô thuế, giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn niệm xứ dùng làm thuế thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn chánh đoạn[20] làm bốn loại quân cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn chánh đoạn làm bốn loại quân thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại xe tải, như xe tải bằng voi, xe tải bằng ngựa, xe tải bằng xe, xe tải bằng người; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn như ý túc làm xe tải cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn như ý túc dùng làm xe tải, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có các loại xe trang hoàng bằng các loại da vằn tốt của sư tử, cọp, beo dệt thành những thứ màu sắc lẫn lộn; thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chỉ quán làm xe cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chỉ quán dùng làm xe có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có giá ngự, tức là người đánh xe, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm kẻ giá ngự cũng lại như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm dùng làm giá ngự thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có cây phướn cực cao, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem tâm mình làm cây phướn cao, cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào đem tâm mình làm cây phướn cao thì liền có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có đường đi tốt đẹp, bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ đến các công viên, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng Thánh đạo tám chi làm con đường bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ Niết-bàn cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu Thánh đạo tám chi dùng làm con đường bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ Niết-bàn, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có tướng quân thông minh, trí tuệ, có sự phân biệt rõ ràng, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm tướng quân cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu trí tuệ dùng làm tướng quân thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có đại chánh điện cao rộng, sáng sủa, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm đại chánh điện cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu trí tuệ làm đại chánh điện thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần bước lên trên điện cao, quán sát những người dưới thấp qua lại, chạy nhảy, đi, đứng, ngồi, nằm, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem vô lượng trí tuệ thăng lên cao điện để quán sát tâm mình, làm cho tâm trùm khắp, nhu nhuyến, hoan hỷ, viễn ly. này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu vô lượng trí tuệ làm cao điện để tự quán tâm mình, làm cho trùm khắp, nhu nhuyến, hoan hỷ, viễn ly, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có Tông chánh khanh, thành am hiểu tông tộc, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khi dùng bốn Thánh chủng làm Tông chánh khanh cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn thánh chủng dùng làm Tông chánh khanh thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có lương y danh tiếng trị được các bệnh, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm lương y cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm dùng làm lương y thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có chánh ngự sàng, trải lên bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng vô ngại định làm chánh ngự sàng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu vô ngại định làm chánh ngự sàng thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có ngọc báu danh tiếng, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bất động tâm giải thoát làm ngọc báu danh tiếng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bất động tâm giải thoát làm ngọc báu danh tiếng thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.
“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần tắm nước trong mát, thoa bột hương tốt khiến thân thể thơm sạch, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tự quán tâm mình, khiến cho thân tịch tịnh, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu việc quán tâm mình, khiến cho thân tịch tịnh thì có thể kính trọng, phụng sự Thế Tôn, Pháp và chúng Tỳ-kheo, cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 15.[02] Tùng giải thoát 從 解 脫, hay Biệt giải thoát, hay Ba-la-đề-mộc-xoa, chỉ giới bổn của Tỳ-kheo. Pāli: Pāṭimokkha.[03] Sanh sắc 生 色; bản Tống-Nguyên-Minh: sắc tượng 色 像. Pāli: jātarūpa, chỉ vàng ròng (nghĩa đen: sắc nguyên sinh).[04] Nghiêm sức tỷ 嚴 飾 屣.[05] Thủ cáp nhân 守 閤 人.[06] Mộc mật 木 蜜, loại gỗ hương, dùng làm hương liệu.[07] Tô hợp 蘇 合, một loại hương liệu do tổng hợp nhiều hương liệu nấu thành.[08] Kê thiệt 雞 舌, loại hương liệu nấu từ cỏ úa.[09] Đô lương 都 梁, một loại lan rừng; tên chỉ chung các loại lan.[10] Sơ-ma y 初 摩 衣, Pāli: khoma áo vải, vải lanh.[11] Bạch điệp y 白 [疊 +毛] 衣; vải bông sợi rất mịn.[12] Trong bản Hán: gia-lăng-già-ba-hòa-la 加 陵 伽 波 惒 邏. Xem cht.12 kinh 61.[13] Nại ẩm [木+奈] 飲, Pāli: amba-pāna.[14] Chiêm-ba ẩm 瞻 波 飲; có lẽ nước trái cây diêm-phù (Pāli: jambu-pāna).[15] Mạt-ta-đề ẩm 未 磋 提 飲; một loại rượu (Pāli: majja-pāna).[16] Pāli: tayo samādhī, suññato samādhi, animitto samādhi, appaṇihito samādhi. D.33 Saṅgīti.[17] Tam thất 三 室 hay tam trụ 三 住 (Pāli: tayo vihārā); thiên thất 天 室 hay thiên trụ (Pāli: dibbo vihāro), tu bốn tĩnh lự từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Phạm thất 梵 室 hay phạm trụ (brahma-vihāro): tu bốn Vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Thánh thất 聖 室 hay Thánh trụ (Pāli: ariyo vihāro) tu bốn niệm xứ, bốn như ý túc, bốn chánh cần, năm căn, năm lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần (xem Tập dị môn 6, Đại 26, trang 239 a).[18] Điển thủ 典 守; người quản lý hồ sơ hay văn khố.[19] Thủ thất 守 室.[20] Bốn chánh đoạn 正 斷, tức bốn chánh cần. Pāli: sammappadhānā. Bản Hán, hiểu là pahāna, thay vì padhāna.
-ooOoo-
70. KINH CHUYỂN LUÂN VƯƠNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Ma-đâu-lệ Sát-lợi[02], trong rừng xoài, trên bờ sông Sử hà[03].
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này các Tỳ-kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đèn Chánh pháp. Hãy nương tựa nơi pháp của chính mình, chớ đừng thắp lên ngọn đèn khác, đừng nương tựa một pháp khác[04].
“Này chư Tỳ-kheo, nếu ai tự mình thắp lên ngọn đèn chánh pháp, tự nương tựa nơi pháp của chính mình, không thắp lên ngọn đèn khác, không nương tựa một pháp khác, thì có thể cầu học, được lợi và phước vô lượng. Vì sao?
“Này Tỳ-kheo, thuở xưa có vua tên là Kiên Niệm[05] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.
“Thành tựu bảy báu và được thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người là như thế nào? Đã nói trước đây[06] về sự thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.
“Bấy giờ vua Kiên Niệm, vào một thời gian sau, thiên luân báu[07] di chuyển, bỗng rời khỏi chỗ cũ. Có người trông thấy, đến chỗ vua Kiên Niệm tâu rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng thiên luân báu di chuyển, rời khỏi chỗ cũ.
“Vua Kiên Niệm nghe xong, bảo rằng:
“– Này thái tử, thiên luân báu của ta di chuyển, rời khỏi chỗ cũ. Thái tử, chính ta từng nghe cổ nhân nói rằng ‘Nếu thiên luân báu của Chuyển luân vương di chuyển, rời khỏi chỗ cũ, thì vua ấy chắc chắn không còn sống lâu, mạng vua không tồn tại lâu nữa. Này thái tử, ta đã hưởng dục lạc nhân gian, nay ta sẽ cầu dục lạc thiên thượng. Này thái tử, ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này thái tử, nay ta đem bốn châu thiên hạ này giao phó cho con, con hãy chỉnh trị giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp, không để trong nước có người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh. Này thái tử, về sau nếu con thấy thiên luân báu rời khỏi chỗ cũ một ít thì con cũng phải đem việc quốc chính của nước này giao phó cho con của con, khéo dạy bảo và ủy thác giang sơn lại cho nó, rồi con cũng phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.
“Bấy giờ vua Kiên Niệm giao phó đất nước lại cho thái tử. Khéo dạy bảo xong, vua liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Sau khi vua Kiên Niệm xuất gia học đạo bảy ngày, thiên luân báu ấy biến mất, không thấy.
“Lúc mất thiên luân, vua Sát-lợi Đảnh Sanh[08] quá ưu sầu áo não, không hoan lạc. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền đến chỗ Tiên nhân, tức vua cha Kiên Niệm, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng, sau khi Thiên vương học đạo mới bảy ngày thì thiên luân báu biến mất, không thấy nữa.
“Cha là Tiên nhân, vua Kiên Niệm bảo con rằng:
“– Con chớ vì mất thiên luân báu mà nhớ tiếc, ưu sầu. Vì sao? Vì con không được thiên luân báu này từ nơi cha.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa vua cha rằng:
“– Tâu Thiên vương, vậy con phải làm gì.
“Cha là Tiên nhân tức vua Kiên Niệm bảo con rằng:
“– Con phải học pháp tương thừa[09]. Nếu học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và đi lên chánh điện, thiên luân báu ấy chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại thưa cha rằng:
“– Tâu Thiên vương, pháp tương thừa như thế nào mà Thiên vương muốn bảo con học, để lúc học rồi, vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, thiên luân báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?
“Vua Kiên Niệm bảo con rằng:
“– Con hãy quán pháp như pháp, thực hành pháp đúng như pháp. Hãy vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí, cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu trong nước con có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí, thì con phải tùy thời đi đến chỗ của các vị đó để hỏi pháp, thọ pháp như thế này: ‘Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích[10] của cuộc đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện, không thọ ác?’ Khi được nghe xong, phải thực hành đúng như lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của con có kẻ bần cùng thì hãy lấy của cải cung cấp đầy đủ. Này con, đó là pháp tương thừa, con nên khéo học. Con đã khéo học thì vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, chắc chắn Thiên luân báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh sau đó liền quán pháp đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí, cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào các ngày mồng tám, mười bốn và mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đã đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp dầu đèn đầy đủ. Nếu trong nước của vua có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì vua tùy thời đích thân đến chỗ các vị hỏi pháp, thọ pháp thế này:
“– Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?
“Nghe xong, nhà vua thực hành đúng như pháp những lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của vua có kẻ bần cùng, nhà vua liền lấy của cải tùy thời cung cấp đầy đủ. Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát; sau khi tắm rửa và lên chánh điện, Thiên luân bảo ấy từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Nhà vua đã được làm Chuyển luân vương, cũng thành tựu bảy báu, cũng được bốn đức như ý của con người.
“Thành tựu bảy báu và được bốn đức như ý của con người như thế nào? Điều này đã nói ở trước.
“Vua Chuyển luân vương ấy, vào một thời gian sau, thiên luân báu bỗng nhiên rời khỏi chỗ cũ một ít, có người trông thấy, liền đến chỗ vua Chuyển luân vương tâu rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết cho rằng thiên luân báu đã rời khỏi chỗ cũ một ít.
“Chuyển luân vương nghe xong liền bảo thái tử:
“– Này thái tử, thiên luân báu của ta đã rời khỏi chỗ cũ. Này thái tử, ta từng nghe từ phụ vương ta là vua Kiên Niệm nói như thế này: ‘Nếu thiên luân báu của vua Chuyển luân vương rời khỏi chỗ cũ thì vua ấy chắc chắn không còn sống lâu, mạng vua không còn tồn tại bao lâu nữa’. Này thái tử, ta đã hưởng dục lạc của thế gian, nay ta cầu dục lạc thiên thượng. Này thái tử, ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này thái tử, con hãy chỉnh trị giáo hóa đúng như pháp, chớ đừng phi pháp, không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh. Này thái tử, về sau nếu con thấy thiên luân báu rời khỏi chỗ cũ, thì con cũng phải đem việc quốc chính của nước này giao phó lại cho con của con, khéo dạy bảo và ủy thác giang sơn lại cho nó, rồi con cũng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.
“Bấy giờ, vua Chuyển luân vương ấy giao phó đất nước cho thái tử, khéo dạy bảo xong, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Sau khi vua Chuyển luân vương ấy xuất gia học đạo được bảy ngày thì thiên luân báu ấy biến mất không thấy.
“Lúc mất thiên luân, vua Sát-lợi Đảnh Sanh không ưu sầu mà lại nhiễm dục, trước dục, tham dục, không nhàm tởm, bị dục trói buộc, bị lệ thuộc vào dục, không thấy tai họa của dục, không biết sự xuất ly khỏi dục, tự cai trị đất nước theo ý của mình nên đất nước suy vong, không phục hưng nổi. Cũng như các vị Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa, nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh thêm mãi, không hề suy giảm; vua Sát-lợi Đảnh Sanh cũng lại như thế, tự cai trị đất nước theo ý mình. Vì tự cai trị đất nước theo ý mình nên đất nước suy vong, không phục hưng nổi.
“Bấy giờ, Phạm chí quốc sư đi quan sát tình cảnh đất nước, thấy đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi, liền nghĩ rằng: ‘Vua Sát-lợi Đảnh Sanh tự cai trị đất nước theo ý của vua. Vì cai trị đất nước theo ý của vua nên đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi. Cũng như các bậc Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh thêm mãi, không hề suy giảm; vua Sát-lợi Đảnh Sanh này cũng lại như thế, tự cai trị đất nước theo ý của vua. Vì cai trị đất nước theo ý của vua nên nhân dân đất nước đã suy vong, không phục hưng nổi. Phạm chí quốc sư liền đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng, Thiên vương đã tự cai trị đất nước theo ý của Thiên vương. Vì đã cai trị đất nước theo ý của Thiên vương nên đất nước nhân dân đã suy giảm, không phục hưng nổi. Cũng như các vị Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh mãi, không hề suy giảm. Nay Thiên vương cũng lại như thế, cai trị đất nước theo ý của Thiên vương nên đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi.
“Nghe xong, vua Sát-lợi Đảnh Sanh bảo rằng:
“– Này Phạm chí, ta phải làm thế nào?
Phạm chí trả lời:
“– Tâu Thiên vương, trong nước có người thông minh trí tuệ, am tường toán số. Trong nước có đại thần và quyến thuộc học kinh, hiểu rõ kinh, tụng tập, thọ trì pháp tương thừa. Khi đã học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát, Thiên vương tắm rửa, lên chánh điện, thiên luân báu ấy chắc chắn từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại hỏi:
“– Này Phạm chí, pháp tương thừa như thế nào mà Phạm chí muốn ta học, để lúc học rồi, vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, thiên luân báu từ phương Đông hiện đến, có một ngàn căm, đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người làm, màu sắc tự như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?
“Phạm chí quốc sư thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, Thiên vương hãy quán pháp đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp. Hãy vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới. Vào những ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin, đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nằm, đệm lông, chăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu ở trong nước có những bậïc thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì Thiên vương hãy tùy thời, đi đến chỗ của các ngài để hỏi pháp, thọ pháp như thế này: ‘Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?’ Khi đã được nghe xong, Thiên vương nên thực hành đúng như lời các ngài đã dạy. Nếu trong nước của Thiên vương có kẻ bần cùng thì nên lấy của cải trong cung để cung cấp đầy đủ. Tâu Thiên vương, đó là pháp tương thừa, Thiên vương nên khéo học và ghi nhớ, rồi vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, Thiên vương, thiên luân báu ấy chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có một ngàn căm và đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.
“Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền quán pháp đúng như pháp, thực hành đúng như pháp, vì thể nữ, hậu phi và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm, tu hành bố thí, bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin, đem cho đồ ăn, thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu trong nước có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì vua đã đích thân tùy thời đến chỗ các vị ấy để hỏi pháp, thọ pháp như thế này:
“– Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?
“Khi đã nghe xong, nhà vua đã thực hành đúng như lời các ngài đã chỉ bảo. Nhưng trong nước có người bần cùng, vua không đem vật dụng cấp phát. Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, đã nghèo khổ lại càng nghèo khổ hơn. Vì nghèo khốn nên ăn trộm vật dụng của kẻ khác, vì ăn trộm nên bị chủ nhân bắt trói đem đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, người này ăn trộm vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi tội nhân:
“– Quả thật ngươi có ăn trộm?
Người ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, quả thật con có ăn trộm. Vì sao? Tâu Thiên vương, vì nghèo khốn. Nếu không ăn trộm thì không có gì để sống.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền đem của cải cấp phát cho và nói với người ăn trộm rằng:
“– Ngươi hãy trở về và sau này chớ trái phạm.
“Lúc đó, dân chúng trong nước nghe nói về vua Sát-lợi Đảnh Sanh như thế này: ‘Nếu trong nước có ai trộm cắp thì nhà vua liền đem của cải cấp phát cho,’ Do đó, có người nghĩ rằng: ‘Chúng ta cũng nên ăn cắp của cải kẻ khác’. Từ đó, dân chúng trong nước ai cũng tranh nhau trộm cắp của cải kẻ khác. Vì thế, người nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng trở nên nghèo khốn hơn, nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì trộm cắp lan tràn nên tuổi thọ con người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, sau khi tuổi thọ của con người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha thọ tám vạn tuổi, con thọ bốn vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ bốn vạn tuổi, có người trộm cắp vật dụng của kẻ khác, chủ nhân bắt trói đem đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:
“– Tâu thiên vương, người này trộm cắp vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi người lấy trộm:
“– Quả thiệt ngươi có ăn trộm phải không?
Người ấy đáp:
“– Tâu Thiên vương, quả con có ăn trộm.
Vì sao? – Vì nghèo khốn. Nếu không ăn trộm, con không có gì để sống.
“Nghe xong, vua Sát-lợi Đảnh Sanh nghĩ rằng: ‘Nếu trong nước ta có nạn trộm cắp mà ta lại đem của cải cấp phát đầy đủ, như vậy chỉ làm cho kho tàng của quốc gia khô kiệt, dung túng cho nạn trộm cắp lan tràn. Ta nên rèn dao thật bén, nếu trong nước ta có ai trộm cắp thì bắt trói ngay dưới gốc cây nêu cao và chém đầu nó’.
“Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh hạ lệnh rèn dao thật bén. Nếu trong nước có ai trộm cắp vật dụng của kẻ khác thì cho bắt trói dưới cây nêu cao mà chém đầu.
“Người trong nước bấy giờ nghe vua Sát-lợi Đảnh Sanh ra lệnh rèn dao thật bén, nếu trong nước có ai ăn trộm vật dụng của kẻ khác thì cho bắt trói dưới cây nêu cao và chém đầu, dân chúng bèn nghĩ rằng: ‘Ta cũng nên bắt chước rèn dao thật bén, mang đi ăn trộm vật dụng. Nếu lấy vật dụng của ai thì bắt chủ nhân của vật ấy mà chém đầu’.
“Từ đó về sau, những người ăn trộm thi nhau rèn dao bén mang đi ăn trộm vật dụng, bắt các chủ nhân mà chém đầu. Do đó, kẻ nghèo khốn không của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn hơn nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì nạn trộm cắp càng lan tràn nên sự chém giết càng tăng lên. Do đó tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, sau khi tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ còn bốn vạn tuổi và con thọ hai vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ hai vạn tuổi, có người ăn trộm vật dụng của kẻ khác, chủ nhân bắt trói dẫn tới vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, người này ăn trộm vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.
“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi tội nhân:
“– Quả thật ngươi có ăn trộm phải không?
“Bấy giờ, người ăn trộm nghĩ rằng: ‘Vua Sát-lợi Đảnh Sanh nếu biết sự thật này thì sẽ trói và đánh mình, hoặc vứt ném, hoặc tẩn xuất, hoặc phạt tiền của, hoặc trừng trị đau đớn đủ cách, hoặc treo lên cây rồi bêu đầu mình. Có lẽ mình dùng lời nói dối, lừa gạt vua Sát-lợi Đảnh Sanh chăng?’
“Nghĩ xong, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, tôi không lấy trộm.
“Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn hơn nên nạn trộm cắp càng lan tràn mãi. Vì sự trộm cắp càng lan tràn nên sự chém giết gia tăng. Vì sự chém giết gia tăng nên sự nói dối, nói hai lưỡi nhiều hơn. Vì sự nói dối, nói hai lưỡi nhiều hơn nên tuổi thọ của loài người càng giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ hai vạn tuổi, người con chỉ thọ một vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ một vạn tuổi thì trong nhân dân có người có đức, có người vô đức. Nếu ai vô đức thì ghen ghét người có đức và phạm tà hạnh với vợ của người. Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì trộm cắp lan tràn nên chém giết gia tăng. Vì chém giết gia tăng nên nói dối, nói hai lưỡi gia tăng. Vì nói dối, nói hai lưỡi gia tăng nên tật đố, tà dâm gia tăng. Vì tật đố, tà dâm gia tăng nên tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ một vạn tuổi, người con chỉ thọ năm ngàn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ hai ngàn năm trăm tuổi thì ba pháp khác lại hưng thịnh; đó là, lưỡng thiệt, thô ngữ và ỷ ngữ. Vì ba pháp này hưng thịnh nên tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ hai ngàn năm trăm tuổi, người con chỉ thọ một ngàn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ một ngàn tuổi thì một pháp hưng thịnh, đó là tà kiến. Vì pháp này hưng thịnh nên tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.
“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu, thì người cha chỉ thọ một ngàn tuổi, người con chỉ thọ năm trăm tuổi.
“Này Tỳ-kheo, khi loài người thọ năm trăm tuổi thì con người lúc ấy hoàn toàn[11] không hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm việc thuận lợi, không tạo phước nghiệp, không thấy tội đời sau. Lúc loài người không hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm việc thuận lợi, không tạo phước nghiệp, không thấy tội đời sau, cho nên này Tỳ-kheo, lúc đó người cha chỉ thọ năm trăm tuổi, người con chỉ thọ hai trăm năm mươi tuổi, hoặc hai trăm tuổi.
“Này Tỳ-kheo, hiện giờ nếu có ai được trường thọ thì được một trăm tuổi và có thể là không chừng.”
Đức Phật lại bảo:
“– Một thời gian lâu xa về đời vị lai, sẽ có lúc con người chỉ thọ mười tuổi, thì con gái sanh ra mới năm tháng đã lấy chồng.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có một giống lúa tên là bại tử[12], là thức ăn ngon nhất. Cũng như lúa gạo[13] là thức ăn ngon nhất của loài người hôm nay. Này Tỳ-kheo, cũng giống như thế, lúc con người thọ mười tuổi thì có loại lúa tên là bại tử, là món ăn ngon nhất.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, những thứ mỹ vị mà ngày nay hiện có như tô-du, muối, mật[14], đường mía thì thời ấy những thứ này sẽ biến mất tất.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, nếu ai tạo mười ác nghiệp đạo thì kẻ ấy sẽ được người khác kính trọng. Cũng như hiện giờ, nếu ai tạo mười thiện nghiệp đạo thì kẻ ấy được người khác kính trọng. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, cũng như vậy, nếu ai tạo mười ác nghiệp đạo thì kẻ ấy được người khác kính trọng.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi thì hoàn toàn không có một danh từ “thiện”, huống nữa là có tạo mười thiện nghiệp đạo.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có người tên là Đàn Phạt[15], đi đến khắp mọi nhà mà đàn phạt.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, thì mẹ đối với con có tâm giết hại rất mãnh liệt, con đối với mẹ cũng có tâm giết hại rất mãnh liệt. Cha con, anh em, chị em thân thuộc đối với nhau đều có tâm giết hại lẫn nhau. Cũng như người thợ săn trông thấy con nai thì có tâm giết hại rất mãnh liệt. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi cũng lại như thế, mẹ đối với con có tâm giết hại rất mãnh liệt. Cha con, anh em, chị em quyến thuộc đối với nhau đều có tâm giết hại lẫn nhau.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có nạn đao binh bảy ngày[16]. Nếu ai có nắm cỏ thì cỏ biến thành dao. Nếu nắm cây củi thì cây củi cũng biến thành dao. Ai cũng dùng dao ấy để giết hại lẫn nhau. Qua bảy ngày, nạn đao binh chấm dứt.
“Bấy giờ cũng có người biết thẹn thùng, xấu hổ, nhờm tởm, chán ghét, không ưa những sự hung ác kia. Lúc có nạn đao binh bảy ngày, họ đi vào núi non hoặc đồng nội, ẩn náu ở nơi yên ổn. Sau bảy ngày ấy, thì từ núi non đồng nội, nơi yên ổn đi ra, trông thấy nhau sanh lòng thương mến, quyến luyến nhau vô cùng. Cũng như mẹ hiền chỉ có một đứa con đã xa cách lâu ngày, nay từ phương xa trở lại gia đình yên ổn, mẹ con thấy nhau hoan hỷ, sanh lòng thương mến nhau vô cùng. Những người kia, sau bảy ngày từ núi non đồng nội, nơi yên ổn đi ra, trông thấy nhau sanh lòng thương mến, quyến luyến nhau vô cùng, cũng giống như thế. Trông thấy nhau rồi, liền nói rằng: ‘Chư Hiền, ta nay thấy nhau còn được yên ổn. Chúng ta vì tạo pháp bất thiện nên gặp gỡ nơi đây, thân thuộc chết sạch. Chúng ta hãy cùng nhau thực hành thiện pháp. Làm thế nào để chúng ta cùng thực hành thiện pháp? Chúng ta đều là kẻ sát nhân, nay nên xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, chúng ta nên thực hành thiện pháp ấy’.
“Những người kia cùng nhau thực hành thiện pháp, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ mười tuổi sanh ra con thọ hai mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ hai mươi tuổi lại nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn. Làm thế nào để chúng ta cùng làm điều thiện nhiều hơn? Chúng ta hãy xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh nhưng vẫn còn lấy của không cho. Chúng ta nên xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho. Chúng ta nên cùng nhau làm điều thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm điều thiện như thế. Khi đã làm điều thiện ấy, tuổi thọ lại tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai mươi tuổi sanh con thọ bốn mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ bốn mươi tuổi cũng nghĩ như thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xa lìa việc lấy của không cho, nhưng vẫn còn tà dâm. Chúng ta nên xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm điều thiện như thế. Khi đã làm điều thiện ấy, tuổi thọ lại tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ bốn mươi tuổi sanh con thọ tám mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ tám mươi tuổi cũng nghĩ thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho, xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm, nhưng vẫn còn nói dối. Chúng ta nên xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện ấy. Khi đã làm việc thiện ấy thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, khi loài người tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ tám mươi tuổi sanh con thọ một trăm sáu mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ một trăm sáu mươi tuổi cũng nghĩ như thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nhưng chúng ta vẫn còn nói hai lưỡi. Chúng ta nên xa lìa nói hai lưỡi đoạn trừ nói hai lưỡi. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi làm việc thiện ấy, tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ một trăm sáu mươi tuổi sanh con thọ ba trăm hai mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ ba trăm hai mươi tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối; xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, nhưng vẫn còn nói thô ác. Chúng ta nên xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi làm việc thiện ấy, tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ ba trăm hai mươi tuổi sanh con thọ sáu trăm bốn mươi tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ sáu trăm bốn mươi tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, nhưng chúng ta vẫn còn nói thêu dệt. Chúng ta nên xa lìa nói thêu dệt, đoạn trừ nói thêu dệt. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ sáu trăm bốn mươi tuổi sanh con thọ hai ngàn năm trăm tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ hai ngàn năm trăm tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nhưng còn tham lam tật đố. Chúng ta nên xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai ngàn năm trăm tuổi sanh con thọ năm ngàn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ năm ngàn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa lời nói dối, đoạn trừ lời nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, nhưng vẫn còn sân hận. Chúng ta nên xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ năm ngàn tuổi sanh con thọ một vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ một vạn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, nhưng vẫn còn tà kiến. Chúng ta nên xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến. Chúng ta nên cùng nhau tu học việc thiện này’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ một vạn tuổi sanh con thọ hai vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, người thọ hai vạn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, nhưng vẫn còn có phi pháp dục, ác tham hạnh và tà pháp. Chúng ta nên xa lìa ba pháp ác bất thiện này, đoạn trừ ba pháp ác bất thiện này. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.
“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai vạn tuổi sanh con thọ bốn vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ bốn vạn tuổi thì biết hiếu thuận với cha mẹ, tôn trọng cung kính Sa-môn, Phạm chí, làm việc thuận lợi, tu tập phước nghiệp, thấy tội lỗi đời sau. Loài người nhân vì hiếu thuận với cha mẹ, cung kính tôn trọng Sa-môn, Phạm chí, làm việc thuận lợi, tu tập phước nghiệp, thấy tội đời sau, cho nên này Tỳ-kheo, người thọ bốn vạn tuổi sanh con thọ tám vạn tuổi.
“Này Tỳ-kheo, lúc người thọ tám vạn tuổi, châu Diêm-phù này giàu có cùng tột, nhân dân đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách con gà bay.
“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới có thể lấy chồng. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi thì chỉ có những chứng bệnh như đại tiểu tiện, nóng, lạnh, muốn ăn uống và già. Ngoài ra, không còn tai họa nào nữa.
“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ tám vạn tuổi, có một vị vua tên là Loa[17] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, bảy báu đó là luân báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Nhà vua có đủ ngàn người con thông minh trí tuệ, dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không sợ, hàng phục được địch quân. Nhà vua thống lĩnh quả đất này cho đến bể cả, không dùng dao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến nhân dân an lạc.
“Này Tỳ-kheo, các vua Sát-lợi Đảnh Sanh làm nhân chủ chỉnh trị thiên hạ, đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại nên tuổi thọ không giảm xuống, hình sắc không thô xấu, chưa từng mất hoan lạc, sức lực cũng không suy.
“Này Tỳ-kheo, các ngươi cũng phải như vậy, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại, nên tuổi thọ không giảm xuống, hình sắc không thô xấu, chưa từng mất an lạc, thế lực cũng không suy.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại? Đó là Tỳ-kheo quán nội thân như thân, nội giác, nội nội, nội pháp như pháp[18]. Như thế gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại.
“Thế nào gọi là tuổi thọ của thầy Tỳ-kheo? Tỳ-kheo ấy tu dục định như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng dẫn đến xuất yếu, tu tinh tấn định, tu tâm định, tu tư duy định, như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng đến xuất yếu. Đó là tuổi thọ của Tỳ-kheo.
“Thế nào là sắc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ giải thoát giới, lại khéo thu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng thường canh cánh lo sợ, thọ trì học giới. Đó là sắc của Tỳ-kheo.
“Thế nào là lạc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc cảnh thiền thứ tư, thành tựu và an trú. Đó là lạc của Tỳ-kheo.
“Thế nào là lực của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo diệt sạch các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong đời hiện tại tự tri tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là lực của Tỳ-kheo.
“Này Tỳ-kheo, Ta không thấy có lực nào không thể hàng phục được như lực của Ma vương, cho nên lậu tận Tỳ-kheo phải dùng lực của vô thượng trí tuệ mới hàng phục được.”
Phật thuyết như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích
[01] Tương đương Pāli, D.26. Cakkavatti-Sīhanāda-Suttanta. Tham chiếu, Hán: No.1(6).[02] Ma-đâu-lệ Sát-lợi 摩 兜 麗 刹 利, bản Pāli nói ở Mātula, một ngôi làng tại Magadha. N.1 (6) nói là Ma-la-hê-sấu. Chữ Sát-lợi trong bản Hán này không rõ. Có thể là phiên âm tương đương với khetta, một cánh đồng.[03] Sử hà 駛 河 hay Sử lưu, con sông chảy ngang qua Nam và Bắc Kosala.[04] Đương tự nhiên pháp đăng, tự quy kỷ pháp. Mạc nhiên dư đăng, mạc quy dư pháp 當 自 然 法燈, 自 歸 己 法. 莫 然 餘 燈, 莫 歸 餘 法. So sánh DTK.1(6): Đương tự xí nhiên, xí nhiên ư pháp, vật tha xí nhiên, đương tự quy y, quy y Ứng Chánh Đẳng Giác Pháp, Vật Tha Quy Y. Pāli: Attadīpā bhikkhāve viharatha atta-saraṇā anañña-saraṇā. Dhammadīpā dhamma-saraṇā anañña-saraṇā. Dīpā: có nghĩa là ngọn đèn, hay hòn đảo.[05] Kiên Niệm 堅 念. No.1(6): Kiên Cố Niệm. Pāli: Dalhameni.[06] Xem Kinh số 67.[07] Thiên luân báu 天 輪 寶. Pāli: Dibbam cakka-ratanam. Xem mô tả nơi Kinh số 67.[08] Sát-lợi Đảnh Sanh vương 刹 利 頂 生 王. Pāli: rājākhattiyo maddāvasatto, người dòng Sát-lợi, được truyền ngôi bằng nghi thức quán đảnh.[09] Tương kế chi pháp 相 繼 之 法. Xem Kinh số 67.[10] Hán: nghĩa 義. Ý nghĩa hoặc mục đích.[11] Trong để bản: tận thọ 盡 壽 (suốt đời). Có lẽ dư chữ thọ. Ba bản Tống-Nguyên-Minh không có.[12] Bại tử 稗 子; loại cỏ giống như lúa. Pāli: hột kudrūsa.[13] Canh lương 粳 糧; Pāli: sāli-mamsodana.[14] Trong bản: diêm, mật 鹽 蜜. Theo liệt kê thông thường thi chỗ này là thạch mật tức đường phèn.[15] Đàn phạt 彈 罰; đàn hạch và trừng phạt? Không rõ Pāli.[16] Đao binh kiếp 刀 兵 劫. Pāli: satthantara-kappa.[17] Loa 螺. Pāli: Saṅkha.[18] Xem Kinh số 89.
-ooOoo-
71. KINH BỆ-TỨ[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp[02] du hóa tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Tư-hòa-đề[03], trú trong rừng Thi-nhiếp-hòa[04] về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này.
Bấy giờ trong ấp Tư-hòa-đề có vua tên là Bệ-tứ[05], giàu có cùng tột, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phòng họâ, thực ấp đầy đủ mọi thứ. Tất cả suối, hồ, cỏ cây ở ấp Tư-hòa-đề đều thuộc về nhà vua, là phong ấp do vua Ba-tư-nặc, nước Câu-tát-la cấp cho.
Bấy giờ, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe đồn rằng, “Có Sa-môn tên là Cưu-ma-la Ca-diếp, du hóa tại nước Câu-tát-la, cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi đến thị trấn Tư-hòa-đề, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Cưu-ma-la Ca-diếp là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán[06]. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp này.”
Nghe thế, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.
Bấy giờ, vua Bệ-tứ ở trên chánh điện, trông thấy từ xa các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Vua Bệ-tứ thấy vậy, hỏi người hầu rằng:
“Hôm nay vì cớ gì các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề này mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa?
Người hầu thưa rằng:
“Tâu Thiên vương, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề kia nghe rằng “Có Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp du hóa tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến thị trấn Tư-hòa-đề này, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa, về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Tâu Thiên vương, Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Ngài là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp ấy.” Tâu Thiên vương, do đó các Phạm chí, cư sĩ cùng với nhóm của mình theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.
Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo người hầu:
“Ngươi hãy đến các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề ấy, nói rằng ‘Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ xứ Tư-hòa-đề: ‘Này các ngươi hãy đợi, ta sẽ cùng các ngươi đến yết kiến Cưu-ma-la Ca-diếp ấy. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng có đời sau, có chúng sanh hóa sanh[07]. Ta thấy như vầy, chủ trương như vầy: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.’
Người hầu vâng lời, liền đến chỗ các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nói rằng:
“Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề như thế này: ‘Các ngươi hãy đợi. Ta sẽ cùng với các ngươi đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”
Các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe lệnh ấy, bảo người hầu:
“Xin tuân theo lệnh truyền’.
Người hầu trở lại tâu với vua:
“Tôi đã công bố mệnh lệnh của vua rồi. Các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề ấy đang đợi Thiên vương; mong Thiên vương biết cho, đã đến thời.”
Bấy giờ vua Bệ-tứ bảo người đánh xe:
“Ngươi mau sửa soạn xa giá. Ta nay muốn đi.”
Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xa giá xong, liền trở lại tâu với vua rằng:
“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, chờ ý Thiên vương.”
Lúc đó vua Bệ-tứ liền cỡi xe đi đến chỗ các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, rồi cùng nhau đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Khi vua Bệ-tứ từ xa trông thấy Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp ở giữa rừng cây, liền xuống xe đi đến chỗ Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp, chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên, thưa rằng:
“Này Ca-diếp, tôi nay muốn hỏi, thầy có nghe chăng?”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:
“Vua Bệ-tứ, muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”
Bấy giờ vua Bệ-tứ liền hỏi:
“Này Ca-diếp, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’. Ý Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp nghĩ sao?”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:
“Vua Bệ-tứ, tôi nay hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Ý vua thế nào, mặt trời, mặt trăng này thuộc về thế giới này hay thế giới khác[08]?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:
“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”[09]
Vua Bệ-tứ đáp:
“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác. Này Ca-diếp, tôi có người thân bị bệnh trầm trọng. Tôi đi đến chỗ bệnh nhân; đến nơi, nói rằng: ‘Bạn nên biết, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin chủ trương của những kẻ ấy. Những kẻ ấy lại bảo rằng: ‘Nếu có kẻ nam nữ làm việc ác, không tinh tấn, lười biếng, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, kẻ ấy chắc chắn đi vào ác xứ, sanh vào địa ngục’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói như vậy mà đúng thì bạn là người ruột thịt của ta, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; nếu thân hoại mạng chung, bạn chắc chắn sẽ sanh đến ác xứ, sanh vào địa ngục, thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay thế này: ‘Này Bệ-tứ, trong địa ngục ấy khổ như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại nói tin cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trong địa ngục kia, khổ như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện này nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:
“Vua Bệ-tứ, tôi lại hỏi vua. Vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Nếu có thuộc hạ của vua bắt trói một tội nhân, đem đến trước vua, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Vua bảo, ‘Các khanh hãy đem trói chặt hai tay ra đằng sau, bỏ nó lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như tiếng lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết, rồi đưa ra cổng thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi chém đầu nó’. Thuộc hạ vâng lời, liền trói tay tội nhân ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết xong, đưa ra cổng thành hướng Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao, muốn chém đầu nó. Tội nhân sắp chết nói với đao phủ rằng: ‘Ông hãy hoãn cho tôi một lúc. Tôi muốn gặp cha mẹ, vợ con, tớ gái, người đưa tin. Hãy để tôi tạm thời ra đi’. Ý vua nghĩ sao? Người đao phủ có thể để cho tội nhân ấy tạm thời ra đi ít lâu không?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Không thể, Ca-diếp.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:
“Người thân của vua cũng lại như thế, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không thi ân, không đại lượng, đắm trước của cải. Do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Lúc ngục tốt bắt ra hành hạ đau đớn, người thân của vua nói với ngục tốt rằng: ‘Nàøy các ngục tốt, các ông hãy khoan một lúc, chớ hành hạ ta đau đớn. Ta muốn tạm thời đi đến vua Bệ-tứ để báo cho vua hay rằng ‘Trong ngục tốt kia khổ như thế này, như thế này, mà tôi đã chứng kiến’.’ Ý vua thế nào? Ngục tốt kia có thể thả cho người thân của vua tạm thời ra đi không?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Không thể, Ca-diếp.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:
“Vua hãy quán sát về đời sau cũng lại như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy đã thấy hiện tượng ấy đúng như thật.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:
“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Đúng như vậy, Ca-diếp, lại còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân lâm bệnh trầm trọng, tôi đến chỗ bệnh nhân; đến rồi nói rằng: ‘Bạn nên biết, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Tôi thường không tin những kẻ kia về chủ trương của họ. Họ cho rằng: ‘Nếu có kẻ nam người nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ thường an lạc, bố thí, không tham đắm của cải; kẻ kia do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Này bạn thân yêu, nếu Sa-môn, Phạm chí nói như vậy mà đúng thì bạn là người thân ruột thịt của tôi, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, sống cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’.’ Này Sa-môn, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại tin cho tôi hay, ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện đó cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”
Tôn giả Ca-diếp bảo:
“Vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người trí nghe thí dụ này thì hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như ngoài thôn ấp kia có một hầm xí công cộng, sâu quá đầu người, đầy phẩn ở trong. Có một người rơi xuống, chìm tận đáy hầm ấy. Nếu có người khác thương xót, mong cầu sự phước lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc cho người mắc nạn, liền thong thả kéo nạn nhân từ hầm xí lên; gạt phẩn bằng thanh tre, chùi bằng lá cây, tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, đem bột hương thoa khắp thân thể, mời lên chánh điện cho vui hưởng ngũ dục. Ý vua nghĩ sao? Há kẻ nạn nhân ấy lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen và muốn trở lại hay sao?”
Vua Bệ-tứ trả lời:
“Không thể, Ca-diếp. Nếu có một kẻ nào khác tưởng tới hầm xí kia, hoan hỷ ngợi khen và muốn thấy thì nạn nhân kia cũng không thể ưa kẻ này, huống là chính nạn nhân lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lần nữa. Điều đó không thể xảy ra.”
“Vua Bệ-tứ, nếu vua có người thân có diệu hạnh, có tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; người ấy do nhân duyên đó, khi thân hoại mạnh chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời được vui hưởng ngũ dục ở đó. Ý vua nghĩ sao? Há lại thiên tử ở cõi trời kia bỏ ngũ dục ở đó, tưởng nhớ ngũ dục ở nhân gian này? Hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại nữa sao?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Không thể, Ca-diếp. Vì sao? Vì ngũ dục nhân gian xú uế, ở nơi bất tịnh, rất đáng ghét, không thể hướng đến, không thể ưa thích, thô sáp bất tịnh. Này Ca-diếp, so với ngũ dục nhân gian thì ngũ dục cõi trời là hơn, là tối thắng, là tối hảo, là tối thượng. Nếu thiên tử cõi trời kia, xả bỏ ngũ dục ở đó, tưởng đến ngũ dục nhân gian, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại; điều đó không thể xảy ra.”
“Vua Bệ-tứ, vua nên quán sát về đời sau cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy đã thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:
“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người bạn thân lâm bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân, đến xong, liền bảo: ‘Bạn nên biết rằng, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin những chủ trương ấy. Họ lại bảo: ‘Nếu có người nam kẻ nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có học, thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, người ấy chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cói trời’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói đúng thì bạn là người thân ruột thịt của ta, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì bạn hãy trở lại cho ta hay như thế này: ‘ Này vua Bệ-tứ! Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Nếu bạn ở cõi trời nghĩ rằng: ‘Nếu ta trở lại thì sẽ được những gì?’ ‘Bệ-tứ vương gia có nhiều của cải, ta sẽ cho bạn’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, tuổi thọ cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam thập tam thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của chư Thiên Tam thập tam thiên đến một ngàn năm, thì ý vua nghĩ sao? Nếu vua có người thân có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời, người thân của vua liền nghĩ: ‘Trước tiên, ta hãy vui hưởng ngũ dục cõi trời một ngày một đêm, hay là ta hãy vui hưởng ngũ dục hai, ba, bốn cho đến bảy ngày, nhiên hậu sẽ đi đến tin cho vua Bệ-tứ hay rằng: ‘Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này để cho nhà vua rõ’. Ý vua nghĩ sao? Bấy giờ vua còn sống chăng?”
Vua Bệ-tứ hỏi lại:
“Này Ca-diếp, người nào sau khi chết, đến nói rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi; một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam thập tam thiên; một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của chư Thiên ở Tam thập tam thiên đến một ngàn năm?”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ thì hiểu được ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như người mù kia nói rằng: ‘Không có sắc đen trắng, cũng không thấy sắc đen trắng; không có sắc dài ngắn, cũng không thấy sắc dài ngắn; không có sắc xa gần, cũng không thấy có sắc xa gần; không có sắc thô tế, cũng không thấy có sắc thô tế. Vì sao? Vì ban đầu ta không thấy, không biết, cho nên không có sắc’. Này vua Bệ-tứ, người mù kia nói như vậy có đúng không?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Không đúng, Ca-diếp. Vì sao? Ca-diếp, có sắc đen trắng, cũng có thấy sắc đen trắng. Có sắc dài ngắn, cũng có thấy sắc dài ngắn. Có sắc gần xa, cũng có thấy sắc gần xa. Có sắc thô tế, cũng có thấy sắc thô tế. Nếu người mù bảo rằng: ‘Vì ta không thấy, không biết cho nên không có sắc’, thì người ấy nói không đúng.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:
“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như người mù ấy, nếu vua bảo như thế này: ‘Người nào sau khi chết đến nói rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở cõi Tam thập tam thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng mà tuổi thọ ở cõi Tam thập tam thiên thì đến một ngàn năm’?”
Vua Bệ-tứ nói:
“Này Sa-môn Ca-diếp, thực là không nên, không nên nói như vậy. Vì sao? Vì Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp đã cố tình so sánh tôi giống như kẻ mù kia. Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết thân thuộc của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì này Ca-diếp, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các phước thiện, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Ca-diếp! Không nên cố tình so sánh tôi như người mù kia.”
Tôn giả Ca-diếp đáp:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ khác. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng giống như một Phạm chí có người vợ trẻ, vừa mới mang thai, người vợ cả đã có một đứa con trai. Trong thời gian ấy, Phạm chí kia bỗng nhiên mạng chung. Sau khi mạng chung, con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế như thế này: ‘Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn phải thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế đáp: ‘Ta nay đang có thai, nếu sanh con trai thì nó phải được phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn của cậu’. Con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế ba lần như thế này: “Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế cũng trả lời ba lần như thế này: ‘Nay ta đang có thai, nếu sanh con trai thì phải được chia phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn thuộc về cậu’. Bấy giờ bà mẹ kế ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo toàn sự sống mà trở lại hại mình. Bà vào trong phòng lấy dao bén mổ bụng xem là trai hay gái. Bà ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ, muốn bảo vệ sự sống mà lại tự hại mình và đứa con trong bụng. Nên biết, này vua Bệ-tứ, nhà vua cũng lại như vậy, ngu si không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo tồn sự sống mà lại nghĩ như thế này: ‘Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết người thân thích của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượïng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì tôi, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các thiện nghiệp, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Sa-môn Ca-diếp, không nên cố tình so sánh tôi với người mù kia’. Này vua Bệ-tứ, nếu người tinh tấn mà sống lâu thì được phước lớn. Nếu được phước lớn thì sanh lên cõi trời và sống lâu. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán sát đời sau như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:
“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân mang bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân hỏi han, thăm viếng, bệnh nhân cũng hỏi han và nhìn tôi. Lúc bệnh nhân chết, tôi lại đến hỏi han thăm viếng người chết, nhưng người chết không hỏi han, không nhìn tôi. Sau đó tôi cũng không còn trở lại hỏi han thăm viếng người thân ấy nữa. Này Ca-diếp, do sự kiện đó, tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ, người có trí nghe thí dụ này thì liền hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như có người thổi tù và giỏi. Nếu ở xứ kia chưa từng nghe tiếng tù và, người đó đến xứ ấy, vào một đêm tối, trèo lên núi cao, tận lực thổi tù và. Mọi người ở xứ ấy chưa từng nghe tiếng tù và, nay được nghe, liền nghĩ: ‘Tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng xem nghe, khiến tâm hoan duyệt như thế?’ Bấy giờ những người ấy bèn cùng nhau đi đến chỗ người thổi tù và giỏi. Sau khi đến, hỏi rằng: ‘Đó là tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng đến xem nghe, khiến tâm hoan duyệt như thế?’ Người thổi tù và giỏi đem liệng cái tù và xuống đất, bảo mọi người rằng: ‘Các vị nên biết, chính đó là tiếng tù và’. Lúc đó, mọi người lấy chân đá tù và rồi nói rằng: ‘Tù và hãy kêu đi! Tù và hãy kêu đi!’ Nhưng nó im lìm không âm hưởng. Người thổi tù và giỏi liền nghĩ: ‘Nay những người này ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ. Vì sao? Vì muốn tìm âm thanh từ một vật vô tri’. Bấy giờ người thổi tù và giỏi nhặt tù và lên, dùng nước rửa sạch, đưa lên miệng mà tận lực thổi. Khi ấy mọi người nghe xong, liền nghĩ: ‘Tù và thật kỳ diệu’. Vì sao? ‘Vì nhờ tay, nhờ nước, nhờ miệng, hơi thổi mới phát ra tiếng hay, vang khắp bốn phương’. Này vua Bệ-tứ, cũng như vậy, nếu người còn sống mới có thể nói năng, hỏi han nhau được. Nếu khi chết thì không thể nói năng, hỏi han được nữa. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh ra lại cũng như vậy, chứ đừng giống cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”
Vua Bệ-tứ lại hỏi:
“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:
“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự kiện phi lý này. Tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ của tôi. Đến rồi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, kẻ này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này cân sống. Cân sống xong, vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, ta mới biết người này lúc nào thì nhẹ cân, mềm mại, tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, đó là lúc sống hay là lúc chết?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy cân sống, rồi vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, thấy rằng tội nhân lúc sống thì nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, còn lúc chết thì nặng, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nhuận. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy, cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu được ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như thanh sắt hay lưỡi cày sắt được đốt cháy suốt ngày, vật bằng sắt ấy lúc bấy giờ thì nhẹ, mềm, sắc tươi nhuận và đẹp hơn. Nếu lửa tắt, nó dần dần trở nên nguội lạnh, nặng hơn, cứng, không mềm và sắc không tươi. Cũng vậy, này vua Bệ-tứ, nếu người lúc còn sống thì thân thể nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ. Nếu lúc chết thì nặng hơn, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nữa. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh cũng như thế, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy hiện tượng đó đúng như thật.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:
“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa rồi, hãy quan sát cùng khắp, xem chúng sanh ấy lúc vào lúc ra, qua lại chỗ nào?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa, quan sát cùng khắp để xem chúng sanh ấy lúc ra lúc vào qua lại chỗ nào. Nhưng này Ca-diếp, tôi làm phương thức như vậy mà chẳng thấy chúng sanh hóa sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh hóa sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, nay tôi hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Vua nghĩ sao, nếu vào ban ngày, vua ăn thức ăn mỹ diệu ngon lành, rồi lên giường nằm ngủ. Vua nhớ lại đã từng ở trong mộng, có lần thấy vườn tược, hồ tắm, rừng cây, hoa trái, suối trong, sông dài, qua lại cùng khắp chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Tôi nhớ lại đã từng có như vậy.”
Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:
“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, vua lên giường nằm ngủ. Bấy giờ có ai đứng hầu bên cạnh chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Có.”
Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:
“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, lên giường nằm ngủ. Lúc ấy, những người hầu hai bên tả hữu có thấy được khi vua ra vào, qua lại cùng khắp chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Dù cho có ai khác cũng không thể thấy, huống nữa là bạn hầu hạ hai bên.”
“Này vua Bệ-tứ, vua cũng quán chúng sanh hóa sanh cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, lúc đẹp lúc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:
“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân đem đến trước tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này lóc da, xẻo thịt, chặt gân, đục xương đến tận tủy để tìm chúng sanh hóa sanh’. Này Ca-diếp, tôi đã làm phương cách như thế mà rốt cuộc cũng chẳng thấy chúng sanh sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh hóa sanh’.”
Tôn giả Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này thì liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như Phạm chí bện tóc thờ lửa, ở gần bên đường. Cách đó không xa có những người khách buôn tá túc. Vào lúc sáng sớm, những người khách buôn ấy vội vã ra đi, bỏ quên một đứa bé. Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa dậy sớm, đi đến nơi khách buôn tạm trú, xem thấy đứa bé đứng một mình, không có chủ nhân. Thấy xong, vị ấy nghĩ: ‘Nay thằng bé con này không có nơi nương tựa, nếu ta không nuôi thì chắc nó sẽ chết’. Nghĩ như thế, Phạm chí liền bồng đem về nuôi. Thời gian sau, đứa bé lớn khôn, bấy giờ Phạm chí thờ lửa bện tóc bận chút việc ở thôn xóm khác. Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa bảo thiếu niên rằng: ‘Ta bận chút việc phải xuống thôn xóm một thời gian. Con phải giữ lửa cẩn thận, chớ để nó tắt. Nếu lửa tắt con phải dùng cái cọ lửa này mà nhen lại’. Bấy giờ Phạm chí bện tóc thờ lửa căn dặn cẩn thận xong, liền xuống thôn xóm. Sau đó, thiếu niên ấy ra ngoài rong chơi, lửa tắt hết. Sau khi trở về nó muốn nhen lửa, liền dùng cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên!’ Nhưng lửa vẫn không cháy. Lửa không cháy, nó phá cái cọ lửa ấy ra thành từng mảnh, một trăm mảnh vứt đi, ngồi bệt xuống đất sầu não mà nói rằng: ‘Không tìm được lửa, phải làm sao đây?’ Bấy giờ Phạm chí bện tóc thờ lửa đã làm xong công việc ở thôn xóm, liền trở về nhà. Về đến nơi, hỏi thiếu niên ấy rằng: ‘Con không vui chơi mà chăm sóc ngọn lửa, không để nó tắt chăng?’ Nó trả lời: ‘Thưa Tôn giả, con đi ra ngoài chơi nên sau đó lửa đã tắt. Khi trở về con muốn nhen lửa, liền lấy cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’ mà cuối cùng lửa vẫn không cháy. Con lại đặt lên phiến đá, ra sức đánh mà bảo: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’, nhưng lửa vẫn không cháy. Con liền phá cái cọ ấy ra thành mười mảnh, một trăm mảnh vứt đi, rồi ngồi bệt xuống đất. Thưa Tôn giả, con đã tìm kiếm như thế mà không có lửa, không biết làm sao!’ Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa nghĩ rằng: ‘Cậu thiếu niên này quá ngu si, không thông suốt, không rõ ràng, không có trí tuệ. Vì sao? Vì từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như vậy’. Khi ấy, Phạm chí bện tóc thờ lửa đem cọ lửa và vật mồi lửa đặt xuống đất mà cọ xát thì bật lửa và cháy bùng lên, liền bảo thiếu niên rằng: ‘Này con, phương pháp lấy lửa phải như vậy, chớ không phải như con ngu si, không thông suốt, không có trí tuệ, từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như con đã làm’.
“Cũng vậy, nên biết, này vua Bệ-tứ, vua cũng lại như vậy, ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không trí tuệ, đối với xác thịt chết cho đến xương tủy vô tri mà muốn thấy chúng sanh hóa sanh. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện đó đúng như thật.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng tôi đối với quan niệm này, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sân nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, trọn không thể xả bỏ. Vì sao? Nếu có người ở nước khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đoạn trừ và xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế, tôi đối với quan niệm này bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì si, trọn không thể xả bỏ.”
Tôn giả Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như hai người bạn bỏ nhà đi tìm kế sinh nhai. Trên đường đi, ban đầu họ thấy có rất nhiều cây gai không chủ. Một người trông thấy, bảo bạn rằng: ‘Bạn nên biết, ở đây có rất nhiều cây gai không chủ. Tôi muốn bạn cùng lấy, bó lại đem về, có thể làm vật dụng được’. Hai người liền lấy bó lại để gánh đi.”
“Trên đường đi họ lại thấy rất nhiều tơ lụa kiếp-bối, vải kiếp-bối không chủ, lại thấy rất nhiều bạc cũng không chủ. Thấy xong, một người vất bỏ cây gai đang gánh, lấy bạc gói lại.
“Trên đường đi lại thấy nhiều đống vàng cũng không có chủ. Bấy giờ người gánh bạc bàn với người gánh gai: ‘Này bạn nên biết! Vàng này quá nhiều mà không có chủ, bạn nên vứt bỏ cây gai, tôi thì vứt bỏ bạc đang gánh. Tôi muốn cùng với bạn đồng lấy vàng này gánh trở về, có thể chi dụng được hơn’. Người gánh gai bảo người gánh bạc: ‘Tôi gánh gai này sau khi đã sắp xếp gọn gàng, bó lại chắc chắn, từ xa gánh tới đây, tôi không thể bỏ được, nên bạn biết đấy, chớ lo cho tôi’. Khi ấy người gánh bạc giật gánh gai quăng xuống đất rồi xổ tung ra. Người gánh gai bảo người gánh bạc rằng: ‘Bạn đã xổ tung gánh gai của tôi như vậy, tôi đã mất công bó lại chắc chắn, gánh từ xa tới đây, nên tôi dứt khoát gánh cây gai này về, không thể bỏ được. Bạn hãy tự biết, chớ lo cho tôi’. Người gánh bạc liền bỏ gánh bạc, lấy vàng gánh về.
“Người gánh vàng trở về, từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh vàng về, thấy rồi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Hãy đến đây con. Con nhờ vàng này sống được sung sướng, phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại có thể bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí, tạo phước tăng thượng, thiện quả, thiện báo, sanh vào cõi trời, sống lâu’.
“Người gánh cây gai trở về nhà, từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh cây gai trở về, thấy vậy mắng rằng: ‘Ngươi là người có tội trở về, là người vô đức trở về. Vì bó gai này ngươi không sống được, không thể phụng dưỡng cha mẹ, không thể chu cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại cũng không thể bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí, không thể tạo phước tăng thượng, không được thiện quả, thiện báo, không thể sanh vào cõi trời để được sống lâu’.
“Cũng vậy, nên biết, này vua Bệ-tứ, vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ lãnh vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét.”
Vua Bệ-tứ lại nói rằng:
“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu người khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ quan niệm thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, nên đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ.”
Tôn giả Ca-diếp lại bảo:
“Này vua Bệ-tứ, Hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như một khách buôn, cùng với đoàn khách buôn đông đảo, có một ngàn cỗ xe đi vào con đường nguy hiểm. Trong đoàn khách buôn ấy có hai vị thương chủ. Hai vị ấy nghĩ rằng: ‘Chúng ta làm sao thoát khỏi nạn này?’ Họ lại nghĩ: ‘Đoàn của chúng ta nên chia làm hai, mỗi toán năm trăm’.
“Đoàn khách buôn ấy liền chia ra hai toán, mỗi toán năm trăm, một thương chủ dẫn năm trăm cỗ xe, tiến vào con đường nguy hiểm. Người thương chủ ấy thường đi dẫn đường ở phía trước, thấy một người từ mé đường đi ra, quần áo ướt sũng, chân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, đeo tràng hoa cỏ thơm[10], đi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường bí hiểm này, trời có mưa chăng? Có nước trong, củi và cỏ chăng?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong và nhiều củi, cỏ. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi, cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong và củi với cỏ tốt’.
“Vị thương chủ ấy nghe xong, liền trở lại đến toán của mình, thuật lại rằng: ‘Ta đi trước, thấy một người từ bên đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi người ấy: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi, cỏ chăng?’ Người ấy đáp rằng: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Như vậy không bao lâu nữa chúng ta sẽ có nước trong cùng củi và cỏ, chớ để nặng xe’.
“Các khách buôn vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, họ không thấy nước trong, củi và cỏ. Sau bảy ngày, toán khách buôn ấy bị quỷ ăn thịt người sát hại.
“Người thương chủ thứ hai nghĩ rằng: ‘Vị thương chủ trước đã qua khỏi tai nạn nguy hiểm. Chúng ta phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, vị ấy cho năm trăm cỗ xe cùng tiến vào con đường nguy hiểm. Cũng đi trước dẫn đường, vị thương chủ thứ hai thấy có một người từ mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ thứ hai này trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người lạ đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn lắm, có rất nhiều nước trong, củi và cỏ rất tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’.
“Người thương chủ thứ hai nghe xong, trở lại với toán, thuật rằng: ‘Ta đi đàng trước, thấy có một người từ bên mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời thường mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ thấy được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta chưa thể vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ được. Nếu lấy được nước, củi và cỏ mới, sau đó chúng ta mới bỏ’.
“Toán khách buôn ấy không vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, không lấy được nước, củi và cỏ mới. Họ đi hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày mà vẫn không lấy được.
“Lúc người thương chủ thứ hai đi trước, trông thấy người thương chủ thứ nhất và toán khách buôn đi trước đã bị quỷ ăn thịt người sát hại; thấy rồi, bảo toán của mình rằng: ‘Này các bạn, các bạn hãy xem người thương chủ đi trước ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ; đã tự giết mình, lại giết đồng bọn nữa. Các bạn, nếu muốn lấy hàng hóa của người khách buôn toán trước thì tự tiện mà lấy’.
“Này vua Bệ-tứ, nên biết rằng vua cũng lại như vậy. Nếu với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét nữa. Cũng như người thương chủ thứ nhất và đồng bọn thuộc nhóm thứ nhất.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ. Vì sao? Nếu những người ở nước khác nghe đến, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, đối với quan niệm đó tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”
Tôn giả Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như hai người hẹn nhau chơi đổ súc sắc. Người thứ nhất thường lén trộm con súc sắc mà ngậm[11], ngậm một lần, hai lần, ba lần cho đến nhiều lần. Người thứ hai liền nghĩ: ‘Cùng chơi với người này, nó luôn luôn gạt mình, trộm con súc sắc mà ngậm một, hai, ba lần cho đến nhiều lần’. Nghĩ thế, người ấy nói với bạn: ‘Ta muốn nghỉ, sau đó sẽ chơi lại’. Bấy giờ người thứ hai rời khỏi chỗ ấy, dùng thuốc tẩm vào con súc sắc rồi trở lại cùng chơi. Người thứ nhất lại lén trộm con súc sắc mà ngậm, một lần, hai, ba hoặc đến nhiều lần. Ngậm xong, liền trợn mắt, sùi bọt mép gần chết. Bấy giờ người thứ hai hướng về người thứ nhất nói bài tụng:
Xúc xắc này tẩm độcNgười tham ăn không biếtTrước ngồi chơi, gạt taSau phải mang họa khổ.
“Này vua Bệ-tứ, nên biết, vua cũng lại như vậy. Nếu quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ. Lại bị mọi người chê ghét. Cũng như người chơi súc sắc, vì lừa gạt mà bị mang họa.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ.”
Tôn giả Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ liền hiểu nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như người nuôi heo, lúc đang đi trên đường thấy có rất nhiều phân khô không chủ, liền nghĩ rằng: ‘Phân này có thể nuôi no đủ cho nhiều con heo, ta nên lấy gói lại mang đi’. Người ấy liền đội phân mà đi, giữa đường gặp trời mưa lớn, phân chảy ra, chảy xuống vấy phẩn cùng thân nhưng người ấy vẫn đội đi không vứt bỏ. Người ấy thọ vô lượng sự xấu, lại bị mọi người chê ghét. Này vua Bệ-tứ, nên biết rằng vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng như người nuôi heo kia.”
Vua Bệ-tứ lại nói:
“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu những người ở các nước khác nghe sẽ bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có một quan niệm đã thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai, đã đoạn trừ, xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế nên tôi đối với quan niệm này muốn bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”
Tôn giả Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ cuối cùng. Nếu vua biết thì tốt, nếu vua không biết thì tôi cũng không thuyết pháp nữa. Này vua Bệ-tứ, cũng như con heo lớn, thủ lãnh của đàn heo năm trăm con, đi vào con đường nguy hiểm, nó gặp một con cọp. Khi con heo đã trông thấy con cọp, liền nghĩ: ‘Nếu đấu với cọp thì cọp sẽ giết mình. Nếu sợ bỏ chạy thì thân tộc sẽ khinh mình, không biết phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, nó nói với cọp rằng: ‘Nếu muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta qua’. Cọp nghe liền bảo rằng: ‘Ta chấp nhận đấu với ngươi, chớ không tránh đường cho ngươi’. Heo lại nói rằng: ‘Này cọp, ngươi hãy đợi chốc lát, ta mặc áo giáp của tổ phụ xong rồi hãy trở lại cùng đấu’. Cọp nghe vậy liền nghĩ: ‘Nó chẳng phải địch thủ của ta, huống là áo giáp của tổ phụ nó’. Nghĩ xong, bảo heo: ‘Cho tùy ý ngươi’. Heo liền trở về chuồng, lăn trong đống phân, làm lấp phân đến tận mắt rồi trở lại chỗ cọp, nói rằng: ‘Ngươi muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta đi qua’. Sau khi thấy heo, cọp nghĩ: ‘Ta thường không ăn sâu bọ tạp nhạp vì uổng hàm răng, huống là phải gần con heo hôi hám này’. Con cọp nghĩ xong, liền bảo heo: ‘Ta tránh đường cho ngươi chớ không đấu với ngươi nữa’. Heo đi qua rồi hướng về phía cọp nói bài tụng:
Này cọp, ngươi bốn chân,Ta cũng có bốn chân.Hãy đến đấu cùng ta,Sợ gì mà bỏ chạy?”
“Bấy giờ cọp nghe xong, nói bài tụng trả lời heo rằng:
Ngươi lông mọc như rừng;Hèn nhất trong loài vật.Này heo, hãy cút mau;Phân thối chịu không nổi.”
“Lúc ấy, heo tự khoe, nói bài tụng rằng:
Hai nước Ma-kiệt, Ương[12]Nghe ta đấu với ngươi.Hãy đến đấu với ta’Sợ gì mà bỏ chạy?”
“Cọp nghe vậy, lại nói bài tụng:
Toàn thân, lông đều nhơNgươi làm ta lây thốiNgươi đánh muốn cầu thắngTa nay cho ngươi thắng[13].”
Tôn giả Ca-diếp bảo rằng:
“Này vua Bệ-tứ, tôi cũng như thế, nếu với quan niệm ấy, vua bảo trì vì dục, bảo trì vì sân nhuế, bảo trì vì sợ hãi, bảo trì vì ngu si, không bao giờ bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng giống như cọp để cho heo thắng.”
Vua Bệ-tứ nghe xong, nói rằng:
“Thưa Tôn giả, ngay từ đầu Tôn giả nói ví dụ mặt trời và mặt trăng. Lúc nghe xong, tôi hiểu ngay, hoan hỷ thọ trì, nhưng tôi muốn được nghe những biện tài càng lúc càng cao siêu của bậc thượng diệu trí ở nơi Tôn giả nên tôi hỏi đi hỏi lại mãi. Tôi nay đem mình quy y Tôn giả Ca-diếp.”
Tôn giả Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, vua chớ quy y tôi. Tôi đã quy y Phật, vua cũng nên quy y theo Ngài.”
Vua Bệ-tứ nói[14]:
“Thưa Tôn giả, con nay đem mình quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Tôn giả thay Phật nhận con làm Ưu-bà-tắc. Bắt đầu từ ngày hôm nay và trọn đời, con đem mình quy y cho đến lúc mạng chung. Thưa Tôn giả Ca-diếp, con từ hôm nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước.”
Tôn giả Ca-diếp hỏi:
“Này vua Bệ-tứ, vua muốn thực hành bố thí, tu phước. Vậy sẽ bố thí cho bao nhiêu người và thời gian bao lâu?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Bố thí cho trăm người hoặc đến ngàn người. Một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày.
Tôn giả Ca-diếp bảo:
“Nếu vua thực hành bố thí, tu phước. Bố thí cho một trăm người hoặc đến một ngàn người; một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày thì các Sa-môn, Phạm chí ở khắp nơi đều có nghe vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong đều sẽ từ phương xa đến, trong bảy ngày sẽ không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có ai không nhận được phẩm vật do nhà vua bố thí, vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài. Này vua Bệ-tứ, cũng như hạt giống không nát, không hư, không nứt, không bể, không bị tổn thương bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, được cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ kia cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời nhưng mưa không kịp lúc thì ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có sanh trưởng được chăng?”
Đáp rằng:
“Dạ không.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:
“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như thế. Nếu thực hành bố thí, tu phước. Bố thí cho một trăm người hoặc một ngàn người, từ một ngày cho đến bảy ngày. Những Sa-môn, Phạm chí ở các phương xa đều nghe rằng vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong liền từ phương xa đến, thí trong bảy ngày không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có vị nào không nhận được thực phẩm do vua bố thí thì vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài.”
Vua Bệ-tứ lại hỏi:
“Thưa Tôn giả, tôi phải làm thế nào?”
Tôn giả Ca-diếp đáp:
“Này vua Bệ-tứ, nếu vua thực hành bố thí, tu phước thì phải thường cung cấp trường trai[15]. Nếu vua thực hành bố thí, tu phước mà không thường cung cấp trường trai thì các vị Sa-môn, Phạm chí ở khắp nơi nghe rằng: vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí, nên vua có phước, được an lạc lâu dài. Này vua Bệ-tứ, cũng như hạt giống không hư, không nát, không nứt, không bể, không bị thương tổn bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, đã cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời, mưa kịp lúc, ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có thể sanh trưởng được chăng?”
Vua đáp:
“Sanh trưởng được.”
Tôn giả Ca-diếp lại bảo:
“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như vậy. Nếu thực hành bố thí, tu phước mà thường cung cấp trường trai thì các Sa-môn, Phạm chí ở các nơi nghe vua Bệ-tứ có một quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa, các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí nên vua được phước, được hưởng an lạc lâu dài.”
Bấy giờ vua Bệ-tứ nói:
“Con từ nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước và thường cung cấp trường trai.”
Lúc đó, Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp cho vua Bệ-tứ và các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho những vị ấy rồi, Tôn giả ngồi im lặng.
Bấy giờ vua Bệ-tứ và các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề được Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Tôn giả, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.
Sau đó, vua Bệ-tứ tuy thực hành bố thí, tu phước, nhưng bố thí quá thậm tệ, như canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng; lại bố thí áo gai thô xấu. Bấy giờ người cai bếp tên là Ưu-đa-la[16], lúc nhà vua bố thí, tu phước, liền xin Thượng tọa chú nguyện cho nhà vua thế này: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Vua Bệ-tứ nghe Ưu-đa-la lúc vua bố thí tu phước lại xin Thượng tọa chú nguyện rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Nghe vậy, vua kêu cai bếp lại hỏi:
“Này Ưu-đa-la, lúc ta bố thí, tu phước, ngươi xin Thượng tọa chú nguyện cho ta rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Có quả thật như vậy chăng?”
Ưu-đa-la đáp:
“Quả thật vậy, tâu Thiên vương. Vì sao? Thiên vương tuy bố thí tu phước nhưng quá thậm tệ: Bố thí canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng. Tâu Thiên vương, thức ăn ấy không đáng để đưa tay vọc, huống là để ăn. Thiên vương bố thí áo gai xấu, tâu Thiên vương, áo ấy không đáng để dùng chân dậm lên huống là để mặc. Con kính Thiên vương nhưng không trọng sự bố thí ấy, cho nên, tâu Thiên vương, con không mong phước báo của cuộc bố thí tệ mạt này để Thiên vương được hưởng.”
Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo:
“Này Ưu-đa-la, ngươi từ nay bắt đầu đem thức ăn như ta đã ăn mà bố thí. Con đem áo như áo ta đã mặc mà bố thí.”
Từ đó về sau, Ưu-đa-la đem thức ăn giống như thức ăn của vua mà bố thí, đem áo giống như áo vua đã mặc mà bố thí. Bấy giờ Ưu-đa-la nhờ coi sóc việc bố thí cho vua Bệ-tứ nên sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi trời Tứ thiên vương. Còn vua Bệ-tứ thì không chí tâm bố thí nên thân hoại mạng chung sanh vào cung điện trống không rừng Tòng thọ[17].
Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề[18] thường du hành trong Tòng thọ lâm không cung điện, từ xa trông thấy vua Bệ-tứ, liền hỏi rằng:
“Ông là ai?”
Vua Bệ-tứ đáp:
“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, Tôn giả có nghe trong châu Diêm-phù có vua xứ Tư-hòa-đề tên là Bệ-tứ chăng?”
Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề đáp ;
“Tôi nghe trong châu Diêm-phù-đề, ở xứ Tư-hòa-đề có vua tên là Bệ-tứ.”
Vua Bệ-tứ nói:
“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, con chính là vua ấy, vốn tên là Bệ-tứ.”
Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề lại hỏi:
“Này vua Bệ-tứ, vua đã quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’, thế thì do đâu vua sanh vào đây, trú trong vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở Tứ thiên vương nhỏ hẹp này?
Vua Bệ-tứ lại thưa:
“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, con vốn có quan niệm ấy nhưng bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ. Nếu Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề có xuống châu Diêm-phù thì xin báo cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù hay rằng: Nếu có bố thí, tu phước thì hãy chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo như vua Bệ-tứ xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Bệ-tứ là vua bố thí vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”
Bấy giờ Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề im lặng nhận lời. Sau đó, lúc Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề xuống châu Diêm-phù, rao cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù biết: phải chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp, có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo bố thí như vua Bệ-tứ, xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Bệ-tứ là vua bố thí mà vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”
Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp thuyết như vậy. Vua Bệ-tứ và các cư sĩ xứ Tư-hòa-đề nghe xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli D.23 Pāyāsi-suttanta. Biệt dịch DTK.1 (7).[02] Cưu-ma-la Ca-diếp 鳩 摩 羅 迦 葉. Pāli: Kumāra-kassapa, nổi danh xuất sắc về biện luận. Ngài được gọi là Kumāra, vương tử hay đồng tử, vì được vua nuôi, xuất gia mới lên bảy. No.1 (7) nói là: Đồng nữ Ca-diếp.[03] Tư-hòa-đề 斯 惒 提; Pāli: Setavyā, thị trấn của Kosala.[04] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸 攝 惒 林; Pāli: Siṃsapavana. Có một khu rừng Siṃsapavana ở Ālavi và một khu ở Kosambi.[05] Bệ-tứ 鞞 肆; No.1 (7): Tệ Túc. Pāli: Pavāsi, thủ trưởng thị trấn Setavyā.[06] Bản văn nói A-la-ha nhưng đây gọi theo dịch ngữ thông dụng nhất.[07] Hữu hậu thế, hữu chúng sanh sanh 有 後 世 有 眾 生 生. No.1 (7): Hữu hậu thế, hữu cánh sanh. Pāli: atthi paraloko, atthi sattā opapātikā: Có đời sau, có hóa sanh hữu tình.[08] Paro loko, Hán thường dịch là hậu thế (đời sau); nhưng trong tiếng Phạn, cũng có nghĩa là thế giới (hay thế gian) khác. Cho nên câu trả lời có ví dụ như thế.[09] Dịch sát nguyên văn Hán, có thể hiểu: “Vua có sự kiện phi lý nào để trình bày rõ hơn không?” Nhưng, tham khảo bản Pāli: atthi pana Rājañña pariyāyo yena te pariyāyena evaṃ hoti, iti pi n’atthi paraloko, n’atthi sattā opapātikā, n’atthi sukaṭadukkaṭānaṃ, “Đại vương, còn có lý do nào để nói không có thế giới khác, không có chúng sanh hóa sanh, không có quả báo thiện ác”.[10] Trước hành hoa man 著 蘅; hoành tức đổ hành, loại cỏ hoa thơm, lấy cỏ làm tràng hoa, chỉ cho sự dữ tợn.[11] Trong bản Hán nói là thiết thực 竊 食, lén mà ăn, nuốt.[12] Tức Ma-kiệt-đà (Magadha) và Ương-già (Aṅga), cách nhau bởi con sông Campā, trong thời Đức Phật, cả hai đều ở dưới sự cai trị của vua Pasenadi.[13] Bản Pāli và Trường A-hàm không có thí dụ chót này. Nó châm biếm thái độ ngoan cố của Pāyāsi.[14] No.1 (7): Tệ-tú hỏi: Tôn sư Tôn giả ở đâu? Tôn giả đáp: Tôn sư của tôi diệt độ chưa bao lâu.[15] Trường trai chỉ cho cuộc lễ thí kéo dài, không phải ăn chay trường. Bản Pāli và No.1(7) nói hơi khác: vua muốn mở cuộc đại thí (yañña), nhưng Tôn giả cản, nếu trong cuộc đại thí ấy có súc vật bị giết, tôi tớ bị sai khiến mệt nhọc, bị đánh đập.[16] Giám trù Ưu-đa-la. No.1 (7): một niên thiếu Bà-la-môn (không nói tên). Pāli: Uttāra mānava, niên thiếu Bà-la-môn Uttāra bất mãn và nói ngạo bị bỏ qua.[17] Nhiếp (hay Tòng) thọ lâm Không cung điện; cung điện trong cõi Catummahārājākadevā, và các thiên thần ở đây được coi là Yakkha (Dạ-xoa). Trước cung điện có một cây serīsa, năm mươi năm nẩy trái một lần.[18] Kiều-diệm-bát-đề, Pāli: Gavampati: một vị A-la-hán, nguyên là con một nhà đại phú ở Ba-la-nại.
-ooOoo-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro