PT4-NGHIỆP CẢM CỦA CHÚNG-SANH
BỒ TÁT VÂNG CHỈ. Lúc đó, Ngài Địa-Tạng đại Bồ-tát bạch cùng đức Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Con nương sức oai thần của đức Như- Lai, nên chia thân hình nầy ở khắp trăm nghìn muôn ức thế-giới, để cứu vớt tất cả chúng-sinh bị nghiệp báo.
Nếu không nhờ sức đại từ của đức Như-Lai, thời chẳng có thể biến hóa ra như thế được. Nay con lại được Như-Lai phó chúc: Từ nay đến khi Ngài A Dật Đa thành Phật, làm cho chúng-sanh trong sáu đường đều đặng độ thoát. Xin vâng! Bạch đức Thế-Tôn! Xin đức Thế-Tôn chớ lo!"
Bấy giờ đức Phật bảo Ngài Địa-Tạng Bồ-tát rằng: "Những chúng-sanh mà chưa được giải thoát, tánh thức của nó không định, hễ quen làm dữ thời kết thành nghiệp báo dữ, còn quen làm lành thời kết thành quả báo lành.
Làm lành cùng làm dữ tùy theo cảnh duyên mà sinh ra, lăn mãi trong năm đường không lúc nào tạm ngừng ngớt, mê lầm chướng nạn trải đến kiếp số nhiều như vi trần.
Ví như loài cá bơi lội trong lưới theo dòng nước chảy, thoạt hoặc tạm được ra, rồi lại mắc vào lưới. Vì thế nên ta phải lo nghĩ đến những chúng-sanh đó.
Đời trước ông trót đã lập nguyện trải qua nhiều kiếp phát thệ rộng lớn độ hết cả hàng chúng-sanh bị tội khổ, thời Ta còn lo gì!"
ĐỊNH-TỰ-TẠI VƯƠNG BẠCH HỎI. Khi đức Phật dạy lời như thế xong, trong Pháp hội có vị Đại Bồ-tát hiệu là Định Tự Tại Vương ra bạch cùng đức Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Từ nhiều kiếp đến nay, Ngài Địa-Tạng Bồ-tát đã phát thệ nguyện gì, mà nay được đức Thế-Tôn ân cần ngợi khen như thế? Cúi mong đức Thế-Tôn lược nói cho".
Bấy giờ, đức Thế-Tôn bảo Ngài Định Tự Tại Vương Bồ-tát: "Lóng nghe! Lóng nghe! Phải khéo suy xét đó, Ta sẽ vì ông mà giải bày rõ ràng.
ÔNG VUA NƯỚC LÂN CẬN. Vô lượng vô số na do tha bất khả thuyết kiếp về thuở trước, lúc đó có đức Phật ra đời hiệu là Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như-Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.
Đức Phật đó thọ sáu muôn kiếp. Khi Ngài chưa xuất gia, thời Ngài làm Vua một nước nhỏ kia, kết bạn cùng với Vua nước lân cận; hai Vua đồng thật hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhơn dân.
Nhơn dân trong nước lân cận đó phần nhiều tạo những việc ác. Hai Vua cùng nhau bàn tính làm những phương chước để dắt dìu dân chúng ấy.
Một ông phát nguyện: "Tôi nguyện sớm thành Phật sẽ độ dân chúng ấy làm cho đều được giải thoát không còn thừa".
Một ông phát nguyện: "Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Đề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật".
Đức Phật bảo Ngài Định Tự Tại Vương Bồ-tát rằng: "Ông Vua phát nguyện sớm thành Phật đó, chính là đức Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như-Lai.
Còn ông vua phát nguyện độ chưa hết những chúng-sinh tội khổ, thời chưa chịu nguyện thành Phật đó chính là Ngài Địa-Tạng Bồ-tát đây vậy.
QUANG-MỤC CỨU MẸ. Lại vô lượng vô số kiếp về thuở trước, có đức Phật ra đời, hiệu là Liên Hoa Mục Như-Lai. Đức Phật đó thọ bốn mươi kiếp.
Trong thời mạt pháp, có một vị La Hán phước đức cứu độ chúng-sanh. Nhơn vì đi tuần tự giáo hóa mọi người, La Hán gặp một người nữ tên là Quang Mục, nàng nầy sắm sửa đồ ăn cúng dường La Hán.
La Hán thọ cúng rồi hỏi: "Nàng muốn những gì?"
Quang Mục thưa rằng: "Ngày thân mẫu tôi khuất, tôi làm việc phước thiện để nhờ đó mà cứu vớt thân mẫu tôi, chẳng rõ thân mẫu tôi thác sanh vào đường nào?"
La Hán nghe nói cảm thương bèn nhập định quan sát, thời thấy bà mẹ của Quang Mục đọa vào chốn địa ngục rất là khổ sở.
La Hán hỏi Quang Mục rằng: "Thân mẫu người lúc sanh tiền đã làm những hạnh nghiệp gì, mà nay phải đọa vào chốn địa ngục rất khổ sở như thế?"
Quang Mục thưa rằng: "Ngày còn sống, thân mẫu tôi chỉ ưa ăn thịt loài cá trành, phần nhiều là hay ăn cá con và trành con, hoặc chiên, hoặc nấu, tha hồ mà ăn cho thỏa mãn.
Nếu tính đếm số cá trành của người đã ăn thời đến hơn nghìn muôn. Xin Tôn Giả thương xót chỉ dạy phải làm cách nào để cứu thân mẫu tôi?"
La Hán xót thương bèn dạy phương chước, ngài khuyên Quang Mục rằng: "Người phải đem lòng chí thành mà niệm đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như-Lai, và vẽ đắp hình tượng đức Phật, thời kẻ còn cùng người mất đều được phước lợi!"
Quang Mục nghe xong, liền xuất tiền của, họa tượng Phật mà thờ cúng. Nàng lại đem lòng cung kính, khóc than chiêm ngưỡng đảnh lễ tượng Phật.
Đêm đó, nàng chiêm bao thấy thân của đức Phật sắc vàng sáng chói như hòn núi Tu Di. Đức Phật phóng ánh sáng mà bảo Quang Mục rằng: "Chẳng bao lâu đây thân mẫu ngươi sẽ thác sanh vào trong nhà của ngươi, khi vừa biết đói lạnh thời liền biết nói".
Sau đó, đứa tớ gái trong nhà sanh một đứa con trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói. Trẻ đó buồn khóc mà nói với Quang Mục rằng:
"Nghiệp duyên trong vòng sanh tử phải tự lãnh lấy quả báo. Tôi là mẹ của người, lâu nay ở chốn tối tăm. Từ khi vĩnh biệt người, tôi phải đọa vào đại địa ngục. Nhờ phước lực của người, nên nay được thọ sanh làm
kẻ hạ tiện, lại thêm số mạng ngắn ngủi, năm mười ba tuổi đây sẽ đọa vào địa ngục nữa. Người có phương thế gì làm cho tôi được thoát khỏi nỗi khổ sở?"
Nghe đứa trẻ nói, Quang Mục biết chắc là mẹ mình. Nàng nghẹn ngào khóc lóc mà nói với đứa trẻ rằng: "Đã là mẹ của tôi, thời phải tự biết tội của mình, đã gây tạo hạnh nghiệp chi mà bị đọa vào địa ngục như thế?"
Đứa trẻ đáp rằng: "Do hai nghiệp: giết hại [sinh] vật và chê bai mắng nhiếc, mà thọ báo khổ. Nếu không nhờ phước đức của người cứu nạn cho tôi, thời cứ theo tội nghiệp đó vẫn còn chưa được thoát khổ".
Quang Mục hỏi rằng: "Những việc tội báo trong địa ngục ra làm sao?"
Đứa trẻ đáp rằng: "Những việc tội khổ nói ra càng bất nhẫn, dầu đến trăm nghìn năm cũng không thuật hết được.
Quang Mục nghe xong, than khóc rơi lệ mà bạch cùng giữa hư không rằng:
"Nguyện cho thân mẫu tôi khỏi hẳn địa ngục khi mãn 13 tuổi không còn có trọng tội cùng không còn đọa vào ác đạo nữa.
Xin chư Phật trong mười phương thương xót chứng minh cho tôi vì mẹ mà tôi phát nguyện rộng lớn như vậy:
Như thân mẫu tôi khỏi hẳn chốn tam đồ và hạng hạ tiện cùng thân gái, cùng kiếp không còn thọ những quả báo xấu đó nữa, tôi đối trước tượng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như-Lai mà phát lời nguyện rằng: Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp trong những thế-giới nào mà các hàng chúng-sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng-sanh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: Địa ngục, súc sanh, và ngạ quỉ vân vân.
Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bực Chánh Giác."
Quang Mục phát nguyện đó xong, liền nghe tiếng của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như-Lai dạy rằng: "Nầy Quang Mục! Nhà ngươi
rất có lòng từ mẫn, vì mẹ mà phát ra lời thệ nguyện rộng lớn như thế, thật là hay lắm!
Ta quan sát thấy mẹ nhà ngươi lúc mãn mười ba tuổi, khi bỏ báo thân nầy sẽ thác sanh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi. Sau đó vãng sanh về cõi nước Vô Ưu sống lâu đến số không thể tính kể. Sau rốt sẽ thành Phật độ nhiều hạng người, Trời, số đông như số cát sông Hằng".
Đức Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương Bồ-tát rằng: "Vị La Hán phước lành độ Quang Mục thuở đó, chính là Vô-Tận-Ý Bồ-tát. Thân mẫu của Quang Mục là ngài Giải Thoát Bồ-tát.
Còn Quang Mục thời là ngài Địa-Tạng Bồ-tát đây vậy. Trong nhiều kiếp lâu xa về trước ngài có lòng từ mẫn, phát ra hằng hà sa số lời thệ nguyện độ khắp chúng-sanh như thế.
Trong đời sau, như có chúng-sanh không làm lành, mà làm ác, nhẫn đến kẻ chẳng tin luật nhơn quả, kẻ tà dâm, vọng ngữ, kẻ lưỡng thiệt, ác khẩu, kẻ hủy báng Đại Thừa. Những chúng-sanh có tội nghiệp như thế chắc phải bị đọa vào ác đạo.
Nếu gặp được hàng Thiện-tri-thức khuyên bảo quy y với Ngài Địa-Tạng Bồ-tát chừng trong khoảng khảy móng tay, những chúng-sanh đó liền đặng thoát khỏi báo khổ nơi ba ác đạo.
Nếu người nào có thể quy kính và chiêm ngưỡng đảnh lễ ngợi khen, cùng dưng cúng những y phục, đồ ăn vật uống, các thứ trân bảo. Thời người đó, trong trăm nghìn muôn ức kiếp sau, thường ở cõi trời hưởng thọ sự vui thắng diệu.
Hoặc lúc phước trời hết, sanh xuống chốn nhơn gian, vẫn còn thường làm vị Đế Vương trong trăm nghìn kiếp, lại nhớ được cội ngành nhơn quả trong các đời trước của mình.
Nầy Định Tự Tại Vương! Ngài Địa-Tạng Bồ-tát có sức oai thần rất lớn không thể nghĩ bàn, nhiều sự lợi ích cho chúng-sanh như thế. Các ông, những bực Bồ-tát, phải ghi nhớ Kinh nầy hầu tuyên truyền lưu bố rộng ra".
Ngài Định Tự Tại Vương bạch đức Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Xin Phật chớ lo! Nghìn muôn ức đại Bồ-tát chúng con đều có thể nương oai thần của Phật mà tuyên lưu rộng Kinh nầy nơi cõi Diêm-Phù-Đề để cho lợi ích chúng-sanh".
Ngài Định Tự Tại Vương Bồ-tát bạch với đức Phật xong, bèn cung kính chắp tay lễ Phật mà lui ra.
TỨ-THIÊN-VƯƠNG HỎI PHẬT. Bấy giờ, bốn ông Thiên Vương đồng từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chắp tay mà bạch cùng đức Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Ngài Địa-Tạng Bồ-tát từ kiếp lâu xa nhẫn lại đã phát nguyện rộng lớn như thế, tại sao ngày nay mà vẫn độ chưa hết, ngài lại còn phải phát lời nguyện rộng lớn nữa? Cúi mong đức Thế-Tôn dạy cho chúng con rõ".
Đức Phật bảo bốn vị Thiên Vương rằng: "Hay thay! Hay thay! Nay vì muốn được sự lợi cho chúng-sanh, Ta vì các ông cùng chúng thiên nhơn ở hiện tại và vị lai, mà nói những sự phương-tiện của ngài Địa-Tạng Bồ- tát ở trong đường sanh tử nơi Diêm-Phù-Đề ở Ta-bà thế-giới nầy, vì lòng từ mẫn thương xót mà cứu vớt, độ thoát tất cả chúng-sanh mắc phải tội khổ".
Bốn ông Thiên Vương bạch rằng: "Vâng! Bạch đức Thế-Tôn! Chúng con muốn được nghe".
PHƯƠNG TIỆN GIÁO HÓA. Đức Phật bảo bốn ông Thiên Vương rằng: "Từ kiếp lâu xa nhẫn đến ngày nay, Ngài Địa-Tạng Bồ-tát độ thoát chúng-sanh vẫn còn chưa mãn nguyện, Ngài thương xót chúng- sanh mắc tội khổ đời nầy, lại quan sát vô lượng kiếp về sau, tội khổ cứ lây dây mãi không dứt. Vì lẽ đó nên Ngài lại phát ra lời trọng nguyện.
Địa-Tạng Bồ-tát ở trong cõi Diêm-Phù-Đề nơi thế-giới Ta-bà, dùng trăm nghìn muôn ức phương tiện chước để giáo hóa chúng-sanh.
Nầy bốn ông Thiên Vương! Ngài Địa-Tạng Bồ-tát nếu gặp kẻ sát hại loài sanh vật, thời dạy rõ quả báo vì ương lụy đời trước mà phải bị chết yểu.
• Nếu gặp kẻ trộm cắp, thời Ngài dạy rõ quả báo nghèo khốn khổ sở.
• Nếu gặp kẻ tà dâm thời Ngài dạy rõ quả báo làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương.
• Nếu gặp kẻ nói lời thô ác, thời Ngài dạy rõ quả báo quyến thuộc kình chống nhau.
• Nếu gặp kẻ hay khinh chê, thời Ngài dạy rõ quả báo không lưỡi, miệng lở.
• Nếu gặp kẻ nóng giận, thời Ngài dạy rõ quả báo thân hình xấu xí tàn tật.
• Nếu gặp kẻ bỏn sẻn, thời Ngài dạy rõ quả báo cầu muốn không được toại nguyện.
• Nếu gặp kẻ buông lung săn bắn, thời Ngài dạy rõ quả báo kinh hãi, điên cuồng mất mạng.
• Nếu gặp kẻ trái nghịch cha mẹ, thời Ngài dạy rõ quả báo Trời đất tru lục.
• Nếu gặp kẻ đốt núi rừng cỏ cây, thời Ngài dạy rõ quả báo cuồng mê đến chết.
• Nếu gặp cha ghẻ, mẹ ghẻ ăn ở độc ác, thời Ngài dạy rõ quả báo thác sanh trở lại hiện đời bị roi vọt.
• Nếu gặp kẻ dùng lưới bắt chim non, thời Ngài dạy rõ quả báo cốt nhục chia lìa.
• Nếu gặp kẻ hủy báng Tam Bảo, thời Ngài dạy rõ quả báo đui, điếc, câm, ngọng.
• Nếu gặp kẻ khinh chê giáo pháp, thời Ngài dạy rõ quả báo ở mãi trong ác đạo.
• Nếu gặp kẻ lạm phá của thường trụ, thời Ngài dạy rõ quả báo ức kiếp luân hồi nơi địa ngục.
• Nếu gặp kẻ ô nhục người hạnh thanh tịnh và vu báng Tăng già, thời Ngài dạy rõ quả báo ở mãi trong loài súc sanh.
• Nếu gặp kẻ dùng nước sôi hay lửa, chém chặt, giết hại sinh vật, thời Ngài dạy rõ quả báo phải luân hồi thường mạng lẫn nhau.
• Nếu gặp kẻ phá giới phạm trai, thời Ngài dạy rõ quả báo cầm thú đói khát.
• Nếu gặp kẻ phung phí phá tổn của cải một cách phi lý, thời Ngài dạy rõ quả báo tiêu dùng thiếu hụt.
• Nếu gặp kẻ tao ta kiêu mạn cống cao, thời Ngài dạy rõ quả báo hèn hạ bị người sai khiến.
• Nếu gặp kẻ đâm chọc gây gổ, thời Ngài dạy rõ quả báo không lưỡi hay trăm lưỡi.
• Nếu gặp kẻ tà kiến mê tín, thời Ngài dạy rõ quả báo thọ sanh vào chốn hẻo lánh.
Những chúng-sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề, từ nơi thân, khẩu, ý tạo ác, kết quả trăm nghìn muôn sự báo ứng như thế, nay chỉ nói sơ lược đó thôi.
Những nghiệp cảm sai khác của chúng-sanh trong chốn Diêm-Phù-Đề như thế, Địa-Tạng Bồ-tát dùng trăm nghìn phương chước để giáo hóa đó. Những chúng-sanh ấy trước phải chịu lấy các quả báo như thế, sau lại đọa vào địa ngục trải qua nhiều kiếp không lúc nào thoát khỏi. Vì thế nên các ông là bực hộ vệ người cùng bảo trợ cõi nước, chớ để những nghiệp chướng đó nó làm mê hoặc chúng-sanh."
Bốn ông Thiên Vương nghe xong, rơi lệ than thở, chắp tay lễ Phật mà lui ra.
Kinh Ðịa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện quyển Thượng hết
Bổn nguyện Ðịa-Tạng.
Ðao Lợi Thiên Cung,
Thần Thông hiển hóa độ quần mông,
Ðời ngũ trược khó thông,
Chúng-sanh cang cường,
Ham vui khổ vô cùng.
Nam-mô Thường-trụ Thập-phương Phật (3 lần)
Nam-mô Đại-nguyện Địa-Tạng Bồ-tát (3 lần)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro