Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung

Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung

Sa môn An Thế Cao dịch từ Phạn ra Hán

HT Thích Đức Niệm dịch

(Lược trích bản lược giải của HT Thích Đức Niệm)

1. Tôn giả A-Nan khải thỉnh Đức Phật về việc tín phụng Phật có quả báo bất đồng.

A-Nan bạch Phật rằng: “Có người tín phụng thờ Phật được giàu sang phú quý tốt lành như ý. Có người tín phụng thờ Phật lại phải quả báo không như ý, bị tiêu hao suy thoái. Tại sao có việc khác biệt lạ lùng như vậy? Cúi xin đức Thiên-Trung-Thiên (Phật) từ bi khắp vì chúng sanh mà giải nói cho.

2.- Phật đáp, phụng Phật được cát tường.

Phật bảo A-Nan: “Có người phụng sự Phật, theo bậc minh sư thọ giới, tin tưởng, tinh chuyên hành trì không phạm, tinh tiến phụng hành giáo pháp, không thối thất điều đã lãnh thọ.

Hình tượng Phật phải trang nghiêm tốt đẹp, sáng chiều thành tâm lễ bái, cung kính thắp đèn nến, thanh tịnh bố thí được phước báo an lạc, hành vi không trái với lời Phật dạy, trì trai giữ giới không gián đoạn, không mỏi mệt, như thế lòng mới được an vui.

Thường được chư Thiên, thiện thần ủng hộ, tâm cầu như ý, hành sự như nguyện, trăm việc tăng tiến gấp đôi, được trời rồng quỷ thần mọi người kính trọng, về sau đắc đạo.

Kẻ thiện nam, người thiện nữ (y như giáo pháp đức Phật mà chánh tâm tu hành) là chân thật đệ tử Phật.

3.- Phật đáp, phụng Phật mà lại gặp phải điều bất thường.

Có người tin phụng Phật mà không chịu tìm minh sư, không nghiên cứu kinh Phật, chỉ thọ giới thôi.

Chỉ có được cái danh thọ giới, mà hồ đồ mê muội không tin năng lực của giới, trái phạm giới luật, khi tin khi không, tâm ý do dự. Không có tâm hoan hỷ cung kính kinh điển tượng Phật, nên chẳng thành kính thắp hương đèn lễ bái, lại riêng ôm lòng nghi ngờ, giận hờn mắng nhiếc, ác khẩu đố kỵ người hiền.

Lại chẳng thực hành lục trai, ham thích sát sanh. Không tôn kính Phật, để kinh Phật chung lộn với áo quần vật bẩn thỉu; hoặc để kinh Phật chỗ bất tịnh giường ghế của vợ con; hoặc treo vắt trên ghế trên phên vách, không có tâm cung kính làm kệ tủ để kinh sách, xem thờ kinh Phật như kinh sách thế gian không khác. 

Nếu khi bệnh tật, tự mình không tin tiền nhân nghiệp quả lại cầu hỏi thầy bói thầy phù thủy làm sớ văn cúng tấu để mong giải trừ. Thờ tà thần thì thiện thần xa lánh không còn hộ trì, do đây mà yêu tinh quỷ mị ngày một đến thêm nhiều, ác quỷ tụ tập nơi cửa khiến cho suy kiệt tổn hao, sở cầu không được tốt, hoặc mới vừa từ trong ác đạo ra được làm người, tuy là đời nay làm người, nhưng vẫn là người còn mang nặng tập khí tội lỗi. Hạng người như thế không phải đích thực là Phật tử.

Khi chết phải đọa vào địa ngục chịu các hình phạt tra khảo đau đớn, bởi do tà tâm gây tạo tội ác quả hiện đời suy thoái tiêu hao, đời sau lại còn phải chịu bao điều oan ương hoạn nạn, chết đọa vào đường ác luân chuyển chịu thống khổ khốc liệt không lời nào tả cho hết. Quả báo khổ đau như vậy đều do tâm niệm hành vi bất thiện đời trước và đời nầy tích tụ ác nghiệp mà hình thành.

4- Phật huấn thị phải phá trừ mê chấp.

Kẻ ngu mù tối không thấu hiểu nguyên nhân của quả báo do hành vi đời trước tạo nghiệp nhân, dẫn tới báo ứng nghiệp quả, chính là nguyên nhân từ trước đưa đến ngày nay. Rõ ràng như vậy mà không thấy biết, lại nói do phụng thờ Phật pháp nên phải suy thoái tiêu hao; không những không biết chính tự đời trước chẳng tu phước đức mà còn oán trách thiên địa, giận thánh hờn trời, bởi do người đời mê muội nên chẳng thông hiểu đạo lý nhân quả báo ứng.

Người không thấu đạt đạo lý, ôm lòng không yên, chí không kiên cường, tâm thối thất lạc đạo, trái phụ ơn Phật chỉ dạy mà không phản tỉnh hồi tâm, bị tà kiến trói buộc đọa đày trong ba đường ác, đều do mình tự tạo tác họa phước. Duyên do thức tâm tội ác, gieo thành gốc rễ lầm lạc, không thể không thận trọng.

Thập ác là oan gia, thập thiện là bạn lành, thân tâm an ổn đều do tu thiện mà được. Thiện là áo giáp bằng đồng không sợ binh đao; thiện là thuyền lớn có thể vượt nước sông sâu biển cả, hay giữ lòng tin chân chánh thì nhà cửa an hòa, phước báo tự nhiên tăng trưởng, đạt được từ việc tốt lành nầy đến việc tốt lành khác, không phải thánh thần ban cho. Nếu không tin như vậy thì về sau sẽ chuyển thành bi kịch.

Phật nói: Nầy A-Nan! Thiện ác theo người như bóng theo hình không có xa lìa nhau. Việc tội phước đối với chúng sanh cũng như vậy, chớ nên ôm lòng nghi ngờ mà tự đọa vào đường ác. Tội phước nhân quả phân minh, phải nên tin chắc chớ đừng lầm lẫn, thì chỗ ở thường an lạc. Lời Phật nói hết sức chân thật trọn không dối người.

5.- Đức Phật nói Tam Bảo khó được gặp.

Đức Phật lại bảo A-Nan: Như Lai không nói hai lời, khó gặp Phật ở đời, khó nghe được kinh pháp, ông có phước duyên đời trước, nên nay được hầu Phật nghe pháp.

Nên nghĩ đến việc báo ân Phật, Ngài đã giảng truyền giáo pháp, thị hiện làm người, làm ruộng phước điền cho người tín tâm gieo trồng phước đức để đời sau không còn lo âu. A-Nan lãnh thọ giáo pháp của Phật, tự mình phụng hành đồng thời truyền khắp cho chúng sanh đều nghe.

1.- A-Nan thỉnh bạch Phật.

A-Nan lại bạch Phật rằng: Có người không phải tự tay mình sát sanh, không tự tay mình sát sanh là không có tội, phải vậy không, bạch đức Thế Tôn?

2.- Phật giảng về tội khinh trọng của nghiệp sát.

Phật dạy rằng: Sai khiến người làm việc sát sanh tội nặng hơn là tự mình làm? Vì sao? Bởi vì, hoặc là kẻ nô tì, người ngu muội, trẻ con, hạng thấp hèn không biết tội phước, hoặc là bị quan quyền sai sử chứ không phải tự ý xuất phát làm việc sát sanh. Do đó, tuy mắc tội sát sanh, nhưng tâm và việc chẳng đồng, khinh trọng khác biệt. Sai khiến người sát sanh là cố ý phạm, âm thầm ôm lòng ngu ác, thích thú tự tay sát hại sanh mạng chúng sanh, như thế thiếu mất từ tâm, khi dối Tam Bảo, lừa đảo lương tâm, tổn thương sanh mạng, tội nặng không biết đường nào!

3.- Phật dạy tạo nghiệp sát oán thù không dứt.

Sát sanh tạo nghiệp oán thù tương báo, đời đời phải gánh chịu oan ương, không thể đoạn dứt, hiện đời bất an, thường gặp phải tai họa hung hiểm.

Khi bỏ thân người thì phải đọa vào địa ngục, được ra khỏi địa ngục lại đọa vào súc sanh, bị người làm thịt. Cứ thế ba đường tám nạn số vạn ức kiếp thịt mình cung cấp cho người, chưa có lúc nào dứt, thân chịu khốn khổ, phải ăn cỏ uống nước mương rạch.

Loài súc sanh cầm thú hiện nay trong đời, đều do tạo nhân đời trước, khi làm người thì vô đạo bạo ngược, ám hại tổn thương sanh mạng, không tin nhân quả, do vậy mà ngày nay phải cái quả báo như thế. Đời đời làm việc oán thù thì phải bồi thường cho nhau, đồng tánh linh mà mang thân khác biệt, tội sâu như vậy đó.

1.- Thầy trò mỗi người đều có bổn phận.

A-Nan lại bạch Phật rằng: “Người thường thế gian hoặc là đệ tử có ý ác đối với bậc thầy hay với người đạo đức thì tội đó như thế nào?

Phật dạy A-Nan: Phàm làm người nên quý mến người thiện, không nên đố kỵ. Hễ ai có ý ác đối với người đạo đức, bậc sư trưởng tốt thì chẳng khác gì có ác ý đối với chư Phật.

Thà lấy cây cung vạn thạch tự bắn vào mình chớ không thể ác ý đối với bậc sư trưỏng tốt và người đạo đức. Phật hỏi: “Nầy A-Nan, tự bắn vào thân mình có đau không?” A-Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn, đau lắm, đau lắm”. Đức Phật nói: “Cũng như vậy đó, người ôm giữ ác ý đối với người đạo đức, bậc sư trưởng tốt, là tạo thảm kịch đớn đau như tên bắn vào thân”.

Phật dạy làm người đệ tử không nên khinh mạn đối với bậc thầy, không nên ác ý đối với người đạo đức, phải xem các bậc thầy như Phật, không nên khinh mạn đố kỵ, thấy họ làm việc lành thiện nên khởi tâm tùy hỷ công đức. Người có giới đức thì cảm động đến các trời, thiên long, quỷ thần đều kính trọng. Phật dạy, thà đem thân quăng vào lửa, dùng dao bén cắt thịt mình, cẩn thận chớ đố kỵ với bậc thiện nhơn. Đố kỵ với người lành thiện thì tội không phải nhỏ, nên phải cẩn thận cẩn thận lắm vậy, hỡi các người ơi!

A-Nan lại bạch Phật: “Người làm thầy có thể tùy ý la mắng đệ tử không cần theo đạo lý, nhân lỗi nhỏ làm thành to, như thế có thể không tội lỗi chăng?” Đức Phật đáp: Không thể được! Không thể được! Tình nghĩa thầy trò, ân nghĩa tương cảm tự nhiên rất là sâu đậm, sư đệ thăm hỏi tương thân tương kính như nhau.

Trách phải hợp lý, dạy phải hợp đạo, điều gì không muốn ai làm cho mình thì chớ nên làm cho người khác, tôn giữ rộng truyền lễ nghĩa giới pháp, chớ tạo oán hờn kiện tụng.

Đệ tử cũng như vậy, sư đệ ân nghĩa chân thành, thầy phải tròn bổn phận thầy, đệ tử phải tròn bổn phận đệ tử, chớ bài báng nhau, ôm lòng ác độc tạo nên oán hận, việc nhỏ xé thành to, hậu quả tự thiêu hủy mình.

Là người đệ tử phải biết kính thuận với bậc thầy tốt, cẩn thận chớ nên ác ý chống đối thầy. Ác ý đối với thầy không khác gì ác ý đối với Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ, như thế thì trời không che, đất không chở.

2.- Hành nghi của thầy trò.

Quán xét người đời mạt thế, những bọn người ác bất trung bất hiếu, không có nhân nghĩa, không hợp nhân đạo.

Các ma tỳ kheo ở trong tứ chúng chỉ nghĩ nhớ đến lỗi người, tự mình không dứt ác, đố kỵ người hiền đức lương thiện, làm cho họ bị tổn hoại, chẳng nghĩ đến làm thiện, chỉ nghĩ đến việc bạo hành đố kỵ người hiền, việc công đức tự mình đã không làm mà còn hại người khác đang làm để cho bại hoại, làm cho ý đạo tuyệt dứt không thể thực hành.

Tỳ kheo tham dục vụ tục, nhiều mưu cầu lợi dưỡng, gồm chứa tiền của tự hủy hại mình, trọng tiền của, xem thường đạo nghiệp, chết đọa đường ác địa ngục vô gián, ngạ quỷ súc sanh.

Chưa bỏ nghiệp ác trên đây, thì làm đời xuất gia để cầu cái gì? Phải nên nghĩ đến việc báo ơn Phật. Phải nên trì kinh giữ giới, đoạn ác để đắc đạo. Đạo không thể không học, kinh không thể không đọc, thiện không thể không làm. Hành thiện, bồi đức là giúp tâm đức lìa khổ, siêu xuất sanh tử.

 Thấy người hiền đức chớ nên khinh mạn, thầy người lành thiện chớ nên nhạo báng, không nên nhân lỗi nhỏ mà làm cho lớn tội, xử sự trái pháp vô lý thì mắc phải tội, tội phước đều có chứng cứ, vậy mà không cẩn thận ư?

1.- A-Nan hỏi cách cư xử của người Phật tử.

A-Nan lại bạch Phật: “Vào thời mạt pháp, các đệ tử học Phật cùng với việc đời hằng ngày tương duyên sanh tồn, liệu lý việc nhà hệ lụy đến thân miệng thì phải làm cách nào trong trần mà không nhiễm trần.

2.- Phật dạy cách làm thế gian sự mà không có thế gian ý.

Phật nói: Nầy A-Nan! Người có thọ giới pháp của Phật, thành tín phụng hành, hiếu thuận cha mẹ, dè dặt cẩn thận hành vi, quy kính Tam Bảo, hiếu dưỡng cha mẹ, tận trung quốc dân, trong tâm ngoài thân cẩn trọng hành thiện, tâm miệng hợp nhau, như thế cho dù làm việc thế gian mà không có ý thế gian.

3.- A-Nan cầu xin Phật giảng giải ý nghĩa thế gian sự, thế gian ý.

A-Nan thưa với Phật: Thế nào là thế gian sự? Thế nào là thế gian ý? Thật khó phân biệt.

Phật nói: Là đệ tử Phật có thể mua bán kinh doanh thương nghiệp, đúng cân đủ thước, không nên lừa dối, làm đúng tình lý, không trái lương tâm lý tánh tự nhiên, tống táng, hôn thú, di cư đều là thế gian sự.

Là đệ tử Phật thì đối với việc thế gian ý như xin xăm bói quẻ, càu thỉnh sùng bái quỉ thần, phù chú, trù yếm, tấu sớ giải trừ, xem lựa ngày giờ tốt xấu, tất cả những thứ nầy đều không nên làm.

4- Phật huấn thị về cung cách và bổn phận người Phật tử.

Thọ trì năm giới Phật chế là người phước đức. Phàm làm việc gì nên khải bạch Tam Bảo. Phật huyền thông thấu suốt không việc nhỏ nhặt nào mà không biết.

Người có giới đức thì chư thiên thiện thần tận lực kính hộ, chư thiên hóa hiện để phục dịch, trời rồng quỷ thần đều kính phục. Tôn quý giới luật xưa nay chưa có điều chẳng cát tường, đâu phải lo ngại điều chẳng lành ư? 

Đạo thì bao la trùm che khắp đại địa, kẻ không thấu đạt lý nầy, lại tự làm chướng ngại cho chính mình.

Việc thiện ác do tâm người làm. Họa phước đều do người tạo. Thiện ác phước theo người như bóng theo hình, như vang theo tiếng.

Người có giới hạnh là có đạo đức ứng hợp với chân tánh tự nhiên, chư thiên hộ trì, sở nguyện không trái ý, cảm động mười phương, đức tánh bằng trời, vun bồi công đức vĩ đại, thánh hiền ngợi khen, khó có thể nghĩ bàn.

Kẻ trí hiểu sự đạt lý trọn đời không drơi vào đường tà, khéo y như lời Phật dạy thì có thể đạt đạo giải thoát.

1.- A-Nan biết mình được phước duyên gặp Phật ở đời.

A-Nan nghe Phật thuyết xong, sửa lại y áo chỉnh tề, đầu mặt cúi sát đất bạch Phật: “Tuy nhiên cúi xin đức Thế Tôn, chúng con có phước duyên được gặp đức Như Lai, khắp cho ân đức lớn lao, mong Ngài thương nghĩ đến tất cả chúng sanh, vì họ mà làm ruộng phước, khiến cho họ được thoát khổ”.

2.- A-Nan xót thương người đời nhiều ác, kém đức tin. 

Lời Phật dạy chí chân chí thiết, mà người tin Phật quá ít oi, đời nầy xấu ác nhiều, chúng sanh nguyền rủa lẫn nhau, thật đáng đau lòng lắm vậy! Nếu có tin lời Phật cũng chỉ một hoặc hai thì làm sao hoán cải cõi đời ác trượt nầy, nên mới tồi tệ đến như thế.

3.- A- Nan thương xót chúng sanh mà cầu Phật trụ lâu ở đời.

Sau khi Phật diệt độ, kinh pháp tuy còn mà không có người tin, rồi dần dần suy tàn tán diệt! Than ôi! Đau lòng lắm thay! Sẽ phải nương cậy vào đâu, cúi xin đức Thế Tôn vì thương xót chúng sanh mê tối lầm lạc, chưa nên vào Niết bàn.

1- Thỉnh Phật trụ ở đời.

A-Nan nhân đây mà nói kệ rằng.

1/ Phật hộ trì ba cõi

Ân đức khắp chúng sanh

Nguyện vì tất cả chúng

Nên chưa thể Niết bàn.

2/ Người gặp chánh pháp ít

Mê muội không rõ chân

Đáng thương kẻ bất thức

Tội chướng sâu như thế

3/ Có phước gặp Phật pháp

Vạn triệu chỉ một hai

Kinh pháp tiêu tán dần

Biết phải nương vào đâu.

2- Nghi hoặc hủy báng Tam Bảo thì tội nặng.

4/ Ân Phật quá lớn lao

Tội do chúng sanh tạo

Trống pháp chấn tam giới

Thế sao không được nghe?

5/ Đời trược nhiều kẻ ác

Vẫn tự đọa điên đảo

Chê trách hủy báng Phật

Tà mị hủy chánh chân.

6/ Không tin đời có Phật

Nói Phật chẳng đại đạo

Người này chẳng phải người

Tự trồng các gốc tội.

3- Tội nào thì quả nấy

7/ Mạng chung đọa đường ác

Đao kiếm chẻ thân mình

Ác quỷ giết nuốt ăn

Ném vào trong dầu sôi.

8/ Dâm đảng ôm trụ đồng

Lửa dữ bừng thiêu đốt

Phỉ báng người thanh cao

Kềm sắt kẹp kéo lưỡi

9/ Say sưa không lễ tiết

Mê hoặc mất nhơn cách

Chết đọa vào địa ngục

Đồng sôi rót vào miệng.

10/ Gặp phải các ách nạn

Thống khổ không thể nói

Nếu được sanh làm người

Kiếp nghèo đói hạ tiện.

4- Phước báo của người thọ trì giới.

11/ Không sát, được hưởng thọ

Thân thể thường an khang

Không trộm, được giàu sang

Tiền của đầy như ý.

12/ Không dâm, hương thanh khiết

Thân hình thuần thuần đẹp thơm

Thần khí thường minh mẫn

Phong thái vượt đại dương.

13/ Tín thành không dối trá

Được chúng nhơn kính tin

Không rượu say trí sáng

Phước huệ đời tôn kính.

14/ Được năm phước hơn đời

Trời người cùng làm bạn

Đời kiếp ức vạn bội

Chân lý thật rõ ràng.

5/ Nghi quả báo tội phước.

15/ Mạt thế nhiều kẻ ác

Chẳng tin lắm nghi hoặc

Ngu sinh chẳng hiểu đạo

Vốn tội lại đào sâu.

16/ Chê Phật hại chánh pháp

Chết đọa đại thiết thành

Thần thức ở trong đó

Đầu đội bánh xe sắt

18/ Muốn chết cũng chẳng được

Giây lát đã biến mất

Chỉa ba cùng gươm giáo

Thi nhau đâm chém thân.

6- Tâm ý thế gian là nguyên nhân của nghiệp báo.

18/ Sao người đời như thế

Nghịch chánh, tin quỷ thần

Tấu xin điều may mắn

Cúng bái tổn hại thân.

19/ Chết đọa mười tám ngục

Trải qua ngục Hắc thằng

Tám nạn liên tiếp chịu

Hoàn phục thân người khó.

20/ Nếu khi được làm người

Man rợ chẳng nghĩa lý

Si cuồng không mắt tai

Chưn què lại câm ngọng.

21/ Dại khờ không rõ sự

Việc ác cứ trói lôi

Luân lưu trong chúng ác

Mang hình loài lục súc.

22/ Bị người mổ xẻ thân

Lột da cắt cổ họng

Đền oan trái đời trước

Đem thịt thân trả người.

23/ Vô đạo đọa ác đạo

Cầu thoát thật khó thay

Thân người đã khó được

Phật pháp khó dịp nghe.

7- Kết thúc băng lời chuyển hóa.

24/ Thế Tôn vì chúng sanh

Giúp ba cõi nhờ ơn

Pháp cam lồ tưới khắp

Khiến chúng sanh phụng hành.

25/ Những ai được kiến tánh

Thương nghĩ đến quần sanh

Khai thông đường chánh đạo

Kẻ tuệ căn thoát khổ.

27/ Ơn nào hơn ơn Phật

Cứu đời chuyển pháp luân

Nguyện hết thảy chúng sanh

Thấm nhuần pháp cam lồ.

28/ Thuyền bát nhã đến bến

Phật pháp chở đại thiên

Ngã nhơn đồng một thể

Phát nguyện vô thượng chân.

1- Đại chúng phát tâm Bồ đề.

A-Nan nói như thế rồi, đại chúng trong pháp hội thấu hiểu đều phát chánh tâm tinh tấn cầu đạo vô thượng Bồ đề.

2- Đại chúng phát tâm tự độ độ tha.

Hương xông thơm ba cõi, từ đây được độ thoát, mở bày đường giác ngộ, bắt cầu độ chúng sanh.

3- Thính chúng trong pháp hội tâm trí khai thông đồng hân hoan tiếp nhận lời Phật và A-Nan nói.

Vua quan thần dân, thiên long quỷ thần nghe kinh hoan hỷ tiếp nhận những điều A Nan vừa nói. Tất cả đại chúng vừa buồn vừa sợ, cúi dầu đảnh lễ chưn Phật và lạy A-Nan thọ giáo mà lui ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro