Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Kim Binh Mai 20

Hồi 61

Mở Tiệm Buôn Mới

Về phần Kim Liên, trước cái chết của Tố Quan thì trong lòng vui sướng tự đắc lắm, vờ mắng a hoàn rằng:

- Con tiểu dâm phụ kia, tao đã nói mà mày tưởng là mày ghê gớm lắm, ngờ đâu cũng có ngày hôm nay. Bây giờ mày đã hết cậy thần thế hống hách? Mày bây giờ cũng như con mụ chủ chứa ma không có con điếm nào dưới tay, không nơi nương tựa nhờ vả, mày bây giờ cũng đâu có khác gì tao.

Kim Liên cố ý nói lớn. Bình Nhi bên này nghe rõ hết nhưng không dám nói gì, chỉ thấy lòng quặn đau mà nước mắt trào ra.

Từ đó ngày đêm đau khổ buồn phiền, thân thể hao mòn, tinh thần hoảng hốt, đêm nằm thấy toàn ác mộng, cơm cháo biếng ăn. Hai ngày sau đám tang của Tố quan thì Ngân Nhi cũng xin phép về nhà, Bình Nhi cô đơn không người bầu bạn, càng cảm thấy cuộc sống chán chường, trống vắng.

Cũng mấy ngày sau, Phùng lão đem một đứa a hoàn mười ba tuổi đến bán với giá năm lạng bạc để Tuyết Nga có người sai bảo, đổi lên là Thúy Nhi...

Về phần Bình Nhi, vừa nhớ con, lại vừa buồn giận, bệnh cũ tái phát, huyết bạch ra dầm dề. Tây Môn Khánh lo ngại lắm, vội mời Nhiệm y quan tới coi mạch cho thuốc, nhưng uống bao nhiêu cũng chẳng thấy công hiệu. Chỉ trong vòng nửa tháng, Bình Nhi gầy yếu tiều tụy hẳn đi. Thật là:

Sắc hoa úa héo vì đâu,

Chỉ vì mang bệnh u sầu đó thôi.

Một đêm vào thượng tuần tháng chín, gió vang hiu hắt, tiết thu lành lạnh, Bình Nhi nằm cô đơn, thấy giường chiếu lạnh lùng,càng nhớ tới con, một mình trằn trọc thở ngắn than dài.Bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa sổ. Bình Nhi giật mình gọi a hoàn,nhưng đêm khuya, a hoàn đã ngủ say, không đứa nào lên tiếng. Bình Nhi bèn bước xuống giường,khoác thêm chiếc áo lạnh, xỏ chân vào hài, ra mở cửa, bỗng thấy phảng phất như Hoa Tử Hư đang bồng Tố Quan mà gọi mình, lại bảo:

- Mới tìm được căn nhà mới, nàng đến cùng ở với ta.

Bình Nhi vội bước tới giằng lấy Tố Quan, nhưng bị Tử Hư xô một cái ngã xuống đất. Bình Nhi kêu lên, giật mình tỉnh dậy, thì ra là một giấc mơ, toàn thân lạnh toát mà mồ hôi vã ra như tắm. Lát sau hoàn hồn, lại khóc lóc cho tới sáng.

Hôm sau thuyền hàng của Lai Bảo từ Nam Kinh về tới. Lai Bảo sai Vương Hiển về báo cho Tây Môn Khánh biết để lo nộp thuế. Tây Môn Khánh viết thư, soạn lễ vật hậu hĩ cùng một trăm lạng bạc giao cho Vinh Hải đem tới viên chủ sự coi về thuế má để nhờ giúp đỡ.

Hàng từ thuyền bốc lên cộng tới hai mươi xe lớn, đưa về hết, cất vào kho.

Ngày mồng tám tháng chín, cửa tiệm mới được khai trương, thân bằng quyến thuộc đem lễ lại mừng có tới hơn hai chục người. Hạ Đề hình cũng sai người đem lễ lại. Kiều đại hộ thì gửi mười hai nhạc công tới giúp vui. Tây Môn Khánh cũng gọi Lý Minh. Ngô Huệ và Trịnh Xuân tới đàn hát. Hai viên quản lý Hàn, Cam ngồi trong quầy hàng, bắt đầu bán hàng, có Thôi Bản phụ giúp. Tây Môn Khánh mặc áo đại hồng, đội mũ đeo đai, tự tay thắp hương đốt vàng. Thân bằng quyến thuộc tề tựu đông đủ tại sảnh đường, ngồi suốt mười lăm bàn tiệc thịnh soạn. Khách dự tiệc gồm có Kiều đại hộ, Ngô Đại cữu, Ngô nhị cữu, Hoa đại cữu, Trầm di phu, Hàn di phu, Ngô Đạo quan,Nghê tú tài, Ôn tú tài, Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại, Thường Trĩ Tiết, lại có cả Lý Tam, Hoàng Tử, Phó quản lý, các bạn hàng vẫn thường giao dịch và cả mấy người hàng xóm nữa.

Ca nhạc vang lừng, chuyện trò vui vẻ. Rượu được vài tuần, Tây Môn Khánh đích thân đứng dậy róc rượu mời thực khách, kế đó là Bá Tước và Hy Đại. Buổi tiệc kéo dài tới chiều mới tan.

Khách khứa ra về hết. Tây Môn Khánh mời Ngô Đại cữu, Trầm di phu, Hàn di phu, Ôn tú tài, Bá Tước và Hy Đại ở lại, sai dọn tiệc mới chung vui.

Ngày khai trương đó, các quản lý bán được hơn năm trăm lạng bạc hàng hóa. Tây Môn Khánh vui mừng lắm. Tối hôm đó đóng cửa hàng xong, cho mời các quản lý Cam, Hàn, Phó, Hoàng Tứ, Thôi Bản và Kính Tế dự tiệc nghe hát.

Bá Tước ăn uống suốt một ngày, quá no say, bước ra hành lang cho tỉnh táo đoạn gọi Lý Minh ra hỏi:

- Tên ca công mặt mũi thanh tuấn, mặc cái áo tía kia là người ở đâu vậy?

Lý Minh đáp:

- Nhị gia không biết đâu, người đó là Trịnh Xuân, em của Trịnh Phụng và Trịnh Ái Nguyệt.

Bá Tước nói:

- Hèn gì, đám tang hôm nọ cũng có nó đấy.

Đoạn bước vào bàn tiệc bảo Tây Môn Khánh:

- Hôm nay là ngày vui vẻ của đại ca, hèn gì có cả cậu em đây tới.

Tây Môn Khánh cười:

- Đồ quỷ, làm gì có cậu em nào ở đây, chỉ ăn nói vớ vẩn.

Đoạn gọi Vương Kinh lại bảo:

- Tới rót rượu cho nhị gia, rót một chung lớn cho ta.

Bá Tước quay sang bảo Ngô Đại cữu:

- Đại cữu xem, đại ca phạt tôi một chung lớn thế này quả là không có danh nghĩa gì cả.

Tây Môn Khánh cười:

- Phạt về tội ăn nói bừa bãi, sao lại bảo không có danh nghĩa?

Bá Tước cười ha hả:

- Được rồi, tôi uống có say tới chết cũng vẫn nói như thường. Bây giờ đại ca phải bảo Trình Xuân tới gần đây hát hầu tôi một khúc, tôi mới chịu thôi.

Ba ca công nghe vậy, cùng bước tới định đàn hát nhưng Bá Tước bảo:

- Lý Minh và Ngô Huệ không phải hát, ta chỉ cần Trịnh Xuân đàn hát. một khúc ngắn cho ta uống chén rượu phạt này mà thôi.

Hy Đại phụ họa:

- Trịnh Xuân đâu, tới đây hát mau, có nghe Ứng nhị gia nói gì không?

Tây Môn Khánh bảo:

- Được rồi, uống một chung rượu phạt, nhưng nghe một khúc hát lại uống thêm một chung nữa.

Nói xong bảo Đại An róc thêm một chung nữa, đặt trước mặt Bá Tước, Trịnh Xuân xích gần bàn tiệc, vừa đánh đàn tranh vừa hát rằng:

- Nàng vừa đôi tám xuân xanh,

Nhìn đôi bướm lượn trên cành lả lơi.

Lệ châu lã chã tuôn rơi,

Nhờ người đuổi bướm đi nơi khác giùm.

Trịnh Xuân hát xong, bước tới cầm chung rượu mà mời, Bá Tước mới chịu uống. Đại An thấy vậy vội bước tới róc chung khác. Bá Tước đẩy chung rượu qua Hy Đại mà bảo:

- Tôi không uống được nữa đâu, uống hai chung này là gần chết rồi đây.

Hy Đại bảo:

- Đồ quỷ, uống không được rồi đẩy qua người ta sao? Bộ tôi là mán mà uốnggiùm nhị ca hay sao?

Bá Tước bảo:

- Đồ ngốc, nay mai tôi làm quan, thì cũng uống giùm tôi được không?

Tây Môn Khánh cười:

- Nay mai Ứng nhị ca làm tới Thượng thư đó.

Bá Tước cũng cười

-Tôi làm Thượng thư thì cho đại ca làm quan huyện được không

Tây Môn Khánh cười, bảo Đại An:

- Đem bình rượu tới đây, để ta cho nhị gia gục luôn.

Hy Đạ bảo:

- Có Ôn tiên sinh ở đây mà Ứng nhị ca ăn nói chẳng giữ gìn gì cả.

Nói xong cốc vào đầu Bá Tước một cái. Bá Tước vừa né tránh vừa nói:

- Ôn tiên sinh là bậc văn nhân quảng đại, đâu có chấp nhất.

Ôn tú tài điềm đạm nói:

- Nhị vị đây là chỗ thân tình với quan nhân, chúng tôi đâu dám vô lễ. Vả lại nếu không thế thì tiệc lại không vui. Hỷ tại tâm, lạc tại ngoại, có tự nhiên mới là vui.

Trầm di phu nói với Tây Môn Khánh:

- Hay là bây giờ mình dùng tửu lệnh, hoặc theo lối gieo súc sắc, hoặc theo lối chuyền cành hoa, hoặc theo lối dùng quân bài, như vậy uống rượu được nhiều, vừa vui mà tiệc không loạn. Ta nên mời Ngô Đại cữu đây làm lệnh chủ.

Tây Môn Khánh nói:

- Di phu nói rất đúng.

Đoạn róc một chung rượu, mời Ngô Đại cữu làm lệnh chủ.

Ngô Đại cữu uống rượu rồi nói:

- Bây giờ cho lấy súc sắc ra, mỗi người gieo một lần, tùy theo số mà nói tên một loài hoa rồi phải đọc một câu có tên hoa đó, bất cứ là thi ca từ phú gì cũng được.

Nói xong tự mình gieo trước, gieo được mặt nhất, bèn đọc:

- Gieo thành một điềm hồng tươi,

Hoa bạch mai lại muôn cười hồng mai.

Mọi người vỗ tay tán thưởng, cùng nâng chung uống. Đến lượt Trầm Di Phu gieo được mặt nhị, bèn đọc:

- Một cánh hai đóa sen,

Trông như ương với uyên.

Mọi người lại nâng chung uống. Đến lượt Hàn di phu gieo được mặt tam, bèn đọc:

- Tam xuân qua vườn lý cũ,

Đi qua không nên sửa mũ.

Mọi người nâng chung uống. Đến lượt Bá Tước gieo súc sắc,gieo xong chẳng cần biết là gì, vì là người dốt nát nên đọc càn:

- Con chó lông trắng như hoa,

Chỉ chục cắn người đi qua,

Một người đi tới, bị chó đuổi

Vung tay xua chó,

Bị chó cắn vào tay.

Tây Môn Khánh cười:

- Thật là đồ ngốc ai lại lấy tay cản chó bao giờ, thảo nào chẳng bị chó cắn vào tay.

Bá Tước gân cổ:

- Ai bảo hắn ta không lấy cây gậy mà xua chó?

Hy Đại bảo:

- Đại ca xem, vậy mà ai chê Ứng nhị gia là khùng, thì lại không phịu.

Tây Môn Khánh bảo:

- Phạt Ứng nhị ca một chung rượu lớn là xong. Tạ Ca thi hành lệnh phạt giùm đi.

Hy Đại róc rượu ép Bá Tước uống, hai người xô đẩy ồn ào một hồi mới yên. Đến lượt Đạo Quốc, Đạo Quốc nói:

- Gia gia chưa gieo, trôi đâu dám vô lễ gieo trước.

Tây Môn Khánh bảo:

- Cứ lần lượt theo chỗ ngồi, cần gì thứ tự tôn ty.

Đạo Quốc gieo xong đọc:

- Hoa mai tháng chạp,

Nhìn hoa như gặp thần tiên.

Đến lượt Tây Môn Khánh,Tây Môn Khánh gieo được mặt lục liền đọc:

- Sáu ngôi sao sáng bơ vơ,

Lung linh chiếu xuồng mặt hồ nước xanh.

Bá Tước bảo:

- Đại ca gieo được mặt lục như vậy là hên lắm, nay mai tất có tin mừng thăng quan tiến chức.

Nói xong rót một chung rượu lớn mà mời. Tây Môn Khánh uống xong, sai thưởng tiền cho mười hai nhạc công do Kiều đại hộ gửi đến, rồi cho về, chỉ giữ lại ba ca công. Ba người này tiếp tục đàn hát. Tiệc kéo dài tới quá canh một mới tan.

Sau khi đưa khách ra về, Tây Môn Khánh cắt đặt Hàn quản lý, Cam quản lý, Thôi Bản và Lai Bảo thay phiên nhau lần lượt ngủ lại cửa tiệm mới để coi hàng.

Hôm sau. Bá Tước dẫn lý Tam và Hoàng Tứ đến trả tiền Tây Môn Khánh, hai người nói:

- Hiện chúng tôi còn món tiền một ngàn bốn trăm năm chục lạng, nhưng kẹt chưa lấy được, nay tạm đưa trước lão gia ba trăm năm chục lạng, lúc có tiền chúng tôi xin đem tới trả hết, không dám chậm trễ.

Bá Tước nói thêm: .

- Thôi thì đại ca cũng thương tình cho họ.

Tây Môn Khánh gọi Kính Tế ra nhận bạc, làm giấy tờ, sau đó đưa hai người ra về.

Kính Tế gói bạc lại, để trên bàn trước mặt Tây Môn Khánh.

Tây Môn Khánh bảo:

- Hôm nọ Thường nhị ca tới đây báo tin là đã tìm được nhà rồi, bốn gian gọn gàng xinh xắn lắm mà giá chỉ có ba mươi lăm lạng. Nhưng hôm Thường nhị ca tới đây thì đúng lúc ca nhi tôi đang đau nặng, tôi bấn loạn cả lên, chẳng còn lòng dạ nào tính chuyện tiền bạc. Chẳng hay nhị ca có biết chuyện đó chưa? Thường nhị ca có nói không ?

Bá Tước đáp:

- Thường nhị ca có nói với tôi, tôi cũng bảo là đại ca đang lo cho ca nhi còn lòng dạ nào tính chuyện gì khác. Tôi có dặn là Thường nhị a cứ bảo chủ nhà chờ ít ngày, để tôi sẽ nói giùm với đại ca cho. Hôm nay nhân đại ca hỏi nên tôi mới nói.

Tây Môn Khánh bảo:

- Được rồi nhị ca ở đây ăn cơm, lát nữa tôi nhờ nhị ca đem năm chục lạng tới đưa cho Thường nhị ca để lo mua nhà cho xong, còn thừa thì bảo mở một cửa tiệm buôn bán lăng nhăng tại nhà mà tháng tháng kiếm ít tiền lời, có thể giúp vợ chồng sống được.

Bá Tước bảo:

- Như vậy tức là đại ca thương Thường nhị ca quá rồi còn gì.

Lát sau gia nhân dọn cơm rượu ra. Cơm xong Tây Môn Khánh bảo:

- Thôi, bây giờ tôi cũng chẳng giữ nhị ca làm gì, nhị ca mau cầm bạc tới đưa cho thường nhị ca, giúp lo việc cho xong đi.

Bá Tước bảo:

- Đại ca có cần sai người nào cùng đi với tôi không?

Tây Môn Khánh đáp:

- Thôi, khỏi cần, một mình nhị ca lo là được rồi. Hôm nay ngày tốt, nhị ca lo giúp Thường nhị ca ngay hôm nay đi.

Bá trước nói:

- Chẳng giấu gì đại ca, hôm nay là ngày sinh nhật của một người em họ tôi, hôm qua tôi đã cho đem lễ tới rồi, chú em họ lại sai người mời tôi chiều nay tới chợ, bây giờ đại ca sai tôi chuyện này nhưng xin cho một người đi theo, để công việc xong xuôi còn trở về báo cho đại ca hay.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì để bảo Vương Kinh nó theo nhị ca vậy.

Nói xong cho gọi Vương Kinh tới, bảo theo Bá Tước. Bá Tước đứng dậy cáo từ, dắt Vương Kinh tới nhà Thường Trĩ Tiết.

Trĩ Tiết ở nhà đang nóng lòng chờ đợi tin tức của Tây Môn Khánh thấy Bá Tước đến thì mừng lắm, đon đả mời vào. Bá Tước vào nhà, đặt số bạc lên bàn mà bảo:

- Đại ca nhờ tôi đem tiền đến cho nhị ca đây, bảo là hôm nay tốt ngày, tôi giúpnhị ca lo cho xong chuyện nhà cửa. Hôm nay tôi không rảnh vì còn phải đi dự tiệc sinh nhật của một người trong họ,nhưng dù sao tôi cũng phải lo cho xong chuyện này rồi mới đi được.

Trĩ Tiết mừng quýnh, vội gọi vợ đem trà ra rồi bảo:

- Thì nhị ca cứ ngồi đây uống chén trà đã cám ơn nhị ca nhiều lắm. Việc cũng chẳng có gì, chỉ cần mời chủ nhà tới đây trao tiền, lập văn tự bán nhà là xong.

Bá Tước uống trà ngồi đợi. Chủ nhà tới, lập văn tự, nhận tiền xong xuôi, Bá Tước mới sai Vương Kinh về thưa lại cho Tây Môn Khánh rõ, rồi cáo từ mà đi. Trĩ Tiết nhờ Vương Kinh đem văn tự nhà về cho Tây Môn Khánh coi. Tây Môn Khánh coi xong lại sai Vương Kinh đem trả Trĩ Tiết. Vợ chồng Trĩ Tiết vừa có nhà, vừa có tiền, vui mừng khôn xiết.

Hồi 62

Bệnh Tật Tai Ương

Một hôm Hàn Đạo Quốc từ cửa tiệm về nhà, vợ là Vương thị nói:

- Vợ chồng mình đây nhờ quan nhân mà ngày nay có miếng ăn, lại ngày thêm khá giả, chuyến đi vừa rồi, mình cũng kiếm được ít nhiều, vậy mình nên soạn một bữa tiệc thỉnh quan nhân tới dùng chén rượu, vừa để tỏ lòng biết ơn, vừa để giải khuây cho gia gia trong thời gian gia gia đang buồn rầu vì ca nhi chết.Vả lại gia gia đối với mình cũng tốt, mình nên giữ mãi cái tình đó để còn làm ăn về lâu về dài sau này.

Đạo Quốc bảo:

- Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng ngày mai mồng năm ngày xấu, để ngày kia mồng sáu mình làm tiệc, gọi ca nữ tới, rồi tôi sẽ đích thân thỉnh quan nhân. Nhưng tối thì tôi phải vào ngủ tại tiệm để coi hàng.

Vương thị nói:

- Gọi ca nữ làm gì cho phiền hà mà lại thêm tốn, nhà bên cạnh mình đây, Lạc đại tẩu có người quen là Thân Nhị Thư, rất trẻ, hát cũng hay, thường đến chơi luôn, mình nên mời tới hát. Có điều là Thân Nhị Thư không phải là ca nữ, nhưng cũng chẳng sao, hát hay thì thôi chứ gì.

Đạo Quốc gật đầu:

- Vậy cũng được.

Hôm sau, Đạo Quốc nhờ Ôn tú tài viết một tấm thiếp mời long trọng, rồi tới thưa với Tây Môn Khánh:

- Ngày mai vợ chồng tôi có chén rượu nhạt, gia gia rảnh rang thì xin quá bộ giáng lâm tới chứng kiến cho.

Nói xong đưa tấm thiếp lên. Tây Môn Khánh đọc xong bảo:

- Vợ chồng ngươi việc gì phải bày vẽ như vậy? Ngày mai ta cũng không bận gì, khi ở nha môn về, ta sẽ tới.

Đạo Quốc mừng lắm, vái chào lui ra.

Hôm sau, Đạo Quốc đưa tiền cho đàn em là Hồ Tú bảo đi mua các thứ rượu thịt về cho Vương thị cùng các a hoàn làm tiệc. Lại sai kiệu đón Thân Nhị Thư tới.

Quá trưa, trà nước rượu thịt sẵn sàng thì thấy Cầm Đồng đem một vò rượu Bồ Đào tới trước, lát sau thì Tây Môn Khánh đến, có Đại An và Vương Kinh đi theo. Tới cổng, Tây Môn Khánh xuống kiệu. Đạo Quốc vội chạy ra nghênh tiếp vào nhà. Mời Tây Môn Khánh ngồi xong, Đạo Quốc vái tạ mà nói:

- Đa tạ lão gia cho rượu.

Vương thị trang điểm lộng lẫy bước ra lạy chào bốn lạy rồi lui vào lo việc. Vương Kinh đem trà ra, Đạo Quốc hai tay nâng chung trà mời Tây Môn Khánh, rồi cũng cầm một chung ngồi ghé một bên mà tiếp. Sau tuần trà, Đạo Quốc nói:

- Chúng tôi chịu ơn lão gia rất nhiều. Trong lúc tôi lo việc ở xa, lão gia lại sai người săn sóc giúp đỡ cho tiện nội. Thằng em Vương Kinh lại được lão gia thương mà cho hầu hạ trong nhà. Ơn ấy quả là chẳng biết lấy chi đền đáp. Hôm trước ca nhi thất lộc, tôi thì chưa về, còn tiện nội thì đau nên không tới phân ưu được, chỉ sợ lão gia giận ghét. Hôm nay vợ chồng tôi có chén rượu nhạt, thỉnh lão gia chiếu cố, trước là để xin lão gia tha tội sau là để lão gia khuây khỏa đôi phần.

Tây Môn Khánh cười:

- Vợ chồng ngươi thật nghĩ xa quá, lại bày vẽ nữa.

Vương thị bước ra, ngồi khép nép một bên hỏi chồng:

- Chàng đã thưa với gia gia chuyện đó chưa?

Đạo Quốc đáp:

- Chưa.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Chuyện gì vậy ?

Vương thị đáp:

- Hôm nay chồng tôi định mời mấy ca nữ tới hát hầu gia gia, nhưng tôi thấy bất tiện nên không mời. Tại nhà họ Lạc ngay cạnh đây, có người quen thường hay tới chơi là Thân Nhị Thư, giỏi hát các điệu các bài. Tôi lúc trước có dịp nghe Úc Đại Thư hát, nhưng vẫn chưa hay bằng Thân Nhị Thư này. Cho nên hôm nay tôi mời Thân Nhị Thư tới hát hầu gia gia, chẳng hay gia gia có vui chăng. Nếu hôm nay Thân Nhị Thư hát nghe được thì hôm nào để gọi vào hát cho các nương nương nghe.

Tây Môn Khánh bảo:

- Vậy thì tốt lắm, cho gọi người đó ra ta coi.

Vương thị vâng lời bước vào. Đạo Quốc bảo Đại An giúp Tây Môn Khánh cởi áo ngoài, rồi mời vào tiệc. Hồ Tú róc rượu ra.Đạo Quốc hai tay nâng chung mời Tây Môn Khánh.

Vương thị dắt Thân Nhị Thư ra. Tây Môn Khánh chú mục nhìn, thấy tóc đẹp như mây, đôi mày xanh như núi mùa xuân, má hồng da phấn. Thân Nhị Thư sụp lạy bốn lạy. Tầy Môn Khánh bảo:

- Nàng cứ tự nhiên năm nay thanh xuân chừng bao nhiêu?

Thân Nhị Thư đáp:

- Tiện nữ năm nay hai mươi mốt tuổi.

Tây Môn Khánh lại hỏi:

- Nàng biết nhiều điệu hát không?

Thân Nhị Thư đáp:

- Cũng biết được ít nhiều, các khúc hát thì thuộc được chừng hơn trăm khúc.

Tây Môn Khánh bảo Đạo Quốc:

- Mời nàng ta ngồi xuống đây.

Đạo Quốc kéo ghế mời ngồi. Nhị Thư vái tạ rồi ngồi xuống.

Mọi người nhập tiệc. Nhị Thư đánh đàn tranh mà hát. Tây Môn Khánh vừa lòng lắm. Qua vài tuần rượu, Tây Môn Khánh bảo:

- Đem đàn tỳ bà lại để Nhị Thư hát vài từ khúc cho ta nghe.

Nhị Thư nắn cung tỳ bà, hát lên một bài từ. Bài hát dứt.Đạo Quốc bảo vợ rót rượu mời Tây Môn Khánh. Vương thị chuốc rượu cho lây Môn Khánh xong, quay sang bảo Nhị Thư:

-Thư Thư có nhớ khúc "Tỏa Nam Chi" thì hát hầu Đại quan nhân đây.

Nhị Thư nắn phím hát rằng:

Lúc mới gặp nhau

Đã nhận ngay ra ý trung nhân

Tuổi còn thanh xuân

Tóc nhu mây nổi

Má đào môi thắm đẹp muôn phần

Một đóa hoa tươi mơn mởn

Vẻ yêu kiều chưa gặp một lần

Chỉ tiếc nàng không phải dòng cao quý

Nên không thể đem về nhà làm vợ cho phỉ nguyện ái ân.

Lúc mới gặp nhau

Nhìn nhan sắc như nguyệt như hoa

Tiếc là gặp cảnh phong trần

Trong lòng trăm nỗi phân vân

Nghĩ vừa buồn vừa giận

Nhìn nhau đủ no mà chẳng được gần nhau

Nàng hát lên như tỏ nôi u sầu

Sầu kia chưa quên được,

Buồn này lại đền mau.

Tây Môn khánh nghe xong, nhớ lại cuộc gặp gỡ của mình với Ái Nguyệt vừa rồi, thì thấy đúng như lời hát, cứ say sưa khen tặng không thôi. Vương thị thấy vậy mừng lắm, rót đầy một chung rượu lớn, chuốc cho Tây Môn Khánh mà nói:

- Xin gia gia cạn chung này, vừa rồi mới chỉ là vài khúc mà thôi Nhị Thư đây còn thuộc nhiều khúc hát rất hay nữa, để hôm nào rảnh rang, Nhị Thư sẽ xin tới hát hầu các nương nương. Quả là Nhị Thư đây hát hay hơn Lục Đại Thư nhiều.

Tây Môn Khánh hỏi Thân Nhị Thư:

- Tiết Trùng Dương này, tôi cho người tới rước, nàng chịu đi chăng?

Nhị Thư đáp:

- Sao lão gia lại dạy vậy? Lão gia sai bảo một tiếng là tiện nữ đâu dám trái lệnh.

Tây Môn Khánh thấy Nhị Thư biết ăn nói thì hài lòng lắm.

Bữa tiệc lại tiếp tục. Lát sau tiệc tàn. Vương thị bảo chồng:

- Nhờ Đại An đưa Nhị Thư qua nghỉ bên Lạc Đại tẩu đi.

Thân Nhị Thư đứng dậy vái chào. Tây Môn Khánh thưởng cho ba tiền mà bảo:

- Để nàng mua dây đàn.

Nhị thư lạy tạ. Tây Môn Khánh dặn:

- Mồng tám là ta cho người tới rước nàng đó.

Vương thị nói:

- Gia gia cứ sai Vương Kinh tới bảo tôi, tôi sẽ mời Nhị Thư cho.

Nói xong nhờ Đại An đưa Nhị Thư sang nhà họ Lạc ở bên cạnh.

Đạo Quốc đứng dậy xin phép ra tiệm coi hàng. Chỉ còn lại Tây Môn Khánh và Vương thị. Vương thị chuốc rượu cho Tây Môn Khánh một hồi nữa rồi hai người kéo nhau vào phòng trong.

Vương Kinh dọn rượu tại phòng ngoài cùng, mời Đại An và Cầm Đồng.

Hồ Tú sau khi dọn dẹp tại nhà bếp, bỗng nghe trong phòng Vương thị có tiếng trò chuyện, thì tưởng là Tây Môn Khánh đã ra về, và Đạo Quốc đang chuyện trò với vợ, bèn ghé mắt qua cửa sổ nhìn vào, không ngờ Tây Môn Khánh đang cùng Vương thị đầu gối tay ấp nhỏ to. Vương thị nói:

- Chúng tôi được gia gia giúp đỡ nhiều quá, ơn lớn đó quả là không thể báo đáp được. Nhờ gia gia cho chồng tôi đi buôn bán mà lúc về cũng có được ít nhiều vốn riêng. Gia đình tôi thật khá hơn trước gấp bội, mà chồng tôi buôn bán quen, cũng khá hơn trước nhiều lắm.

Tây Môn Khánh bảo:

- Ơn huệ đó kể làm gì, tôi là bậc hào phú bậc nhất trong huyện Thanh Hà này, người nhờ vả tôi thiếu gì, làm sao kể hết. Nhưng Đạo Quốc được tôi tin cẩn như vậy, lý do tại sao thì nàng cũng biết. Chỉ sợ nay mai khá giả có tiền thì sinh lòng kia khác mà thôi.

Vương thị vội nói:

- Làm gì có chuyện đó, chồng tôi có to gan lớn mật tới đâu cũng chẳng bao giờ dám đổi dạ thay lòng với gia gia. Không có gia gia rồi biết nhờ vả vào ai?

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì tốt, mà nếu nàng cũng hết lòng với ta thì để lần này ta sai Đạo Quốc cùng Lai Bảo đi Nam, rồi cho ở luôn đó lo mua bán.

Vương thị nói:

- Thì sai hắn đi chứ để hắn ở nhà làm gì, vả lại chính hắn có nói với tôi là hắn ở ngoài đã quen rồi, cũng muốn mua bán ở ngoài cho tiện. Vả lại như vậy hắn cũng kiếm thêm được ít nhiều,chứ ở nhà thì lấy gì ăn tiêu cho đủ. Xin gia gia giúp cho hắn. Tùy gia gia sai đi nơi nào cũng được.

Tất cả câu chuyện giữa hai người đều bị Hồ Tú nghe hết.

Trong khi đó Đạo Quốc tưởng Hồ Tú đã trở ra tiệm, nhưng tới nơi, hỏi Vương Hiển và Vinh Hải thì biết là Hồ Tú chưa tới, bèn quay về nhà gọi cổng để tìm Hồ Tú. Tại phòng ngoài Vương Kinh cùng Đại An và Cầm Đồng vẫn đang cùng nhau chén tạc chén thù. Hồ Tú nghe tiếng Đạo Qruốc, vội trở xuống nhà dưới vờ nằm ngủ.

Đạo Quốc cầm đèn xuống nhà sau, thấy Hồ Tú nằm ngủ thì đá vào người ngồi dậy mà mắng:

- Đồ khốn, tao đã bảo mày ra tiệm trước rồi ngủ ở đó, vậy mà mày lăn ra ngủ ở đây. Bây giờ không dậy, mà còn nằm đó hay sao?

Hồ Tú lồm cồm ngồi dậy, vờ dụi mắt rồi bước ra đường.

Trong khi Đạo Quốc lớn tiếng ở nhà dưới, thì Tây Môn Khánh đã vội buớc ra ngoài. Lúc Đạo Quốc trở lên, Tây Môn Khánh hỏi:

- Ngươi đi đâu vậy ?

Đạo Quốc đáp:

- Tôi ra ngoài tiệm để coi sóc mọi việc nên từ nãy tới giờ không ở nhà hầu tiếp gia gia được, xin gia gia tha tội.

Đoạn sai a hoàn hâm rượu và đem thêm đồ ăn lên. Tây Môn Khánh ăn uống qua loa, nói vài câu chuyện rồi đứng dậy cáo từ, dùng ngựa mà về. Ba tên gia nhân theo sau. Về tới nhà cũng đã canh hai. Tây Môn Khánh vào ngay phòng Bình Nhi. Bình Nhi nằm trên giường nhưng chưa ngủ, thấy Tây Môn Khánh bước vào, có vẻ say, liền hỏi:

- Chàng uống rượu ở đâu về vậy ?

Tây Môn Khánh đáp:

- Đạo Quốc thấy tôi buồn phiền nên hôm nay làm tiệc mời tôi đến uống rượu giải muộn. Đạo Quốc lại gọi được một nàng cũng còn nhỏ tuổi là Thân Nhị Thư tới hát, nàng này hát hay hơn Lục Đại Thư. Tiết Trùng dương này tôi sẽ cho gọi Nhị Thư tới đây hát cho nàng nghe để nàng giải muộn. Nàng cũng đừng nên thương nhớ sầu khổ quá, nàng đang yếu phải tính dưỡng nhiều mới được.

Nói xong gọi Nghênh Xuân định sai cởi áo để nghỉ lại với Bình Nhi, nhưng Bình Nhi nói:

- Tôi khó ngủ, cứ trằn trọc, một đêm thức dậy mấy lần, Nghênh Xuân lại sắc thuốc để tôi uống đêm, chàng nghỉ ở đây sợ không ngủ yên được đâu. Chàng nên đi nơi khác mà nghỉ thì hơn. Chàng không thấy tôi gầy yếu xấu xí hay sao? Tôi buồn lắm, nhưng không nói ra mà thôi.

Tây Môn Khánh ôn tồn:

- Nàng đang bệnh, cần có người bầu bạn, tôi đến đây với nàng cho nàng vui, tôi đối với nàng thế nào nàng không biết hay sao mà lại nói như vậy?

Bình Nhi cười khẩy:

- Ai mà tin được lời chàng? Ngày mai tôi chết có khi chàng cũng không cần, chàng chỉ cần người ta mà thôi.

Tây Môn Khánh im lặng một lúc rồi bảo:

-Thôi, nếu nàng không muốn tôi ngủ đây thì để tôi sang phòng Kim Liên vậy.

Bình Nhi nói:

- Tôi cũng mong chàng qua trên đó, người ta đang chờ đợi chàng đang nóng lòng sốt ruột, chàng không sang với người ta mà cứ ở bên này thì chỉ khổ cho tôi mà thôi.

Tây Môn Khánh cười:

- Nếu nàng nói vậy thì tôi không sang đó nửa.

Bình Nhi mỉm cười:

- Không sao đâu, chàng cứ qua bên đó đi.

Nói xong đứng dậy tiễn Tây Môn Khánh ra cửa rồi trở vào ngồi trên giường. Nghênh Xuân đem thuốc đến Bình Nhi uống thuốc xong, tự nhiên nước mắt lại tuôn rơi. Lát sau mới nằm xuống mà nghỉ.

Trong khi đó Kim Liên đang định đi ngủ sớm thì bỗng thấy Tây Môn Khánh đẩy cửa bước vào cười hỏi:

- Đi ngủ sớm vậy?

Kim Liên ngạc nhiên mừng rỡ hỏi:

- Đâu ngờ chàng tới. Hôm nay chàng uống rượu ở nhà ai?

Tây Môn Khánh đáp:

- Đạo Quốc mới về ở Nam về, thấy tôi mới mất con nên làm tiệc mời tôi tới giải muộn. Vả lại Đạo Quốc cũng sắp đi xa nữa, nên muốn có tiệc đãi tôi để cảm tạ đã giúp đỡ hắn.

Kim Liên bảo:

- Hắn đi xa để chàng ở đây chiếu cố vợ hắn phải không?

Tây Môn Khánh bảo:

- Làm gì có chuyện đó, vợ chồng hắn cũng như gia nhân của tôi mà.

Kim Liên nói:

- Là gì thì là chứ, chàng muốn mà lại không được hay sao? Chàng đừng có lừa dối chúng tôi, chúng tôi đã biết hết cả rồi. Sinh nhật cửa chàng, con dâm phụ đó không thèm tới đây chúc thọ, nhưng sinh nhật của nó thì chàng lại lấy cái trâm vàng có chữ thọ của Bình Nhi cho tôi để đem tặng nó. Chàng nỡ muối mặt làm như vậy sao? Con đó dù nó có đẹp đến chừng nào chăng nữa thì nó cũng chỉ là loài dâm phụ, chàng say mê nó ở chổ nào? Lại còn dùng em trai nó làm gia nhân trong nhà nữa chứ. Tôi biết con dâm phụ đưa em vào dây chỉ là để thông tin với chàng mà thôi.

Tây Môn Khánh nhất định chối, bèn cười bảo:

- Lạ thật, ăn nói hồ đồ như vậy hay sao? Làm gì có chuyện đó. Nói thật cho nàng biết, trong tiệc hôm nay chỉ có chồng nó ngồi tiếp tôi mà thôi, tôi có thấy mặt mũi nó đâu.

Kim Liên nói:

- Đừng có cố tình dối gạt tôi, ai chẳng biết thằng chồng nó là đứa chẳng ra gì, nó dùng con vợ lung lạc chàng để chàng tin cậy nó trong việc buôn bán hầu bòn rút tiền bạc của chàng. Chàng có là đồ ngốc thì mới tin thằng chồng nó. Nói thật cho chàng biết, muối thì mặn, dấm thì chua có nói gì cũng không dối được ai đâu.

Tây Môn Khánh muốn cho qua chuyện nên chỉ cười, rồi đánh trống lảnh gọi Xuân Mai pha trà. Xuân Mai pha trà đem ra, Tây Môn Khánh yên lặng ngồi uống, nhưng Kim Iiên cứ lải nhải đay nghiến mãi, bèn tức giận đứng dậy, tới phòng Nguyệt nương mà nghĩ.

Kim Liên cứ nghĩ rằng Tây Môn Khánh giả vờ, lát nữa thế nào cũng trở vào, nhưng đợi mãi không thấy, bèn sai Xuân Mai ra ngoài dò xem. Xuân Mai đi một lát trở về thưa:

- Gia gia nghỉ tại thượng phòng rồi.

Kim Liên yên lặng suy nghĩ, hối hận vì đã quá lời và vụng về nhưng lại nghĩ rằng:

- Tây Môn khánh có nhiều người để yêu quý, đâu thèm để ý tới mình.

Do đó tức giận. sai Xuân Mai đóng chặt cửa phòng rồi dặn:

- Gia gia có đến gõ cửa, mày không được mở đấy nhé .

Xuân Mai vâng lời, đóng cửa tắt đèn đi ngủ.

Tây Môn Khánh tới phòng Nguyệt nương, nhưng mấy hôm nay vì cái chết của Tố Quan. Nguyệt nương buồn rầu than khóc không thôi nên mang bệnh. Nguyệt nương ngồi một mình trước đèn suy nghĩ vẩn vơ rằng:

- Nay mai còn nhiều bất trác nữa, rồi biết ra sao.

Đang trầm ngâm tư lự thì Tây Môn Khánh đẩy cửa bước vào trông sắc mặt giận không ra giận say chẳng phải say.

Nguyệt nương bèn hỏi:

- Hôm nay nhà nào mời chàng dự tiệc vậy ?Sao mãi giờ này mới về? Tôi thấy chàng có ve hơi say nhưng cũng có vẻ như đang giận ai, hay là trong tiệc đả có điều tiếng gì với ai chăng?

Tây Môn khánh ngồi xuống đáp:

- Làm gì có chuyện điều tiếng gì với ai. Hôm nay Hàn Quản ở Nam về, nghe tin ca nhi mất biết là tôi đang buồn, mới làm tiệc mời tôi đến uống rượu giải sầu. Tôi từ chối không được nên phải tới Hàn quản lý có mời được một thiếu nữ là Thân Nhị Thư ca hát hay lắm. Hàn quản lý thấy tôi hơi vui nên tận tình mời mọc do dó tôi cũng hơi say.

Nguyệt nương lại hỏi:

- Chàng về nhà, đã tới thăm Lục muội muội chưa?

Tây Môn Khánh đáp:

- Tôi có ghé thărn rồi, nhưng Bình Nhi đang ngủ, a hoàn đang sắc thuốc, nên chỉ ngồi một lát mà thôi.

Nguyệt nương nói: .

- Chàng thì phần việc công bọn bề, phần thì bàn chuyện tiệc tùng liên miên nên không để ý chuyện nhà ,theo tôi thấy bệnh tình Lục muội củng có phần nguy kịch chứ không chơi đâu. Nhất là từ khi ca nhi bỏ đi tới giờ Lục muội chỉ ngày đêm than khóc, chẳng nghĩ gì đến thân mình,tôi nghĩ như vậy không nên, nhưng khuyên giải hết lời cũng chẳng hiệu quả. Chàng nên lui tới an ủi Lục muội thì hơn. Khuyên Lục muội là phải nên giữ gìn sức khỏe, ráng quên những chuyện buồn phiền, có thế mới hy vọng mau khỏe được. Tôi biết tính Lục muội tuy ôn nhu hiền hậu, nhưng có tật là điều buồn phiền gì cũng để trong bụng, không chịu nói ra nên không ai an ủi được. Chàng cũng nên để ý tới điều đó.

Tây Môn Khánh nói:

- Như vậy thì để tôi tới an ủi Bình Nhi.

Nguyệt nương bảo:

- Chàng vừa nói là Lục muội đã ngủ, thì bây giờ để khuấy rày Lục muội làm gì? Vả lại cũng khuya rồi, hôm nay tôi cũng không khỏe, chàng nên tới phòng nào mà nghỉ đi.

Tây Môn Khánh gật đầu, tới phòng Kim Iiên, thấy cửa đã đóng chặt, bèn gọi Xuân Mai mở cửa. Kim Liên tuy giận Tây Môn Khánh, nhưng đến lúc nghe tiếng gọi cửa, lại mừng quýnh, lật đật tự chạy ra mở cửa. Đêm đó Kim Liên săn sóc Tây Môn Khánh chu đáo lắm.

Thấm thoát đã tới tiết Trùng dương, Tây Môn Khánh bảo Nguyệt nương:

- Hôm nọ ăn tiệc tại nhà Hàn quản lý, tôi thấy Thân Nhị Thư quả là có tài đàn hát, để tôi bảo chúng nó mời tới hát cho các nàng nghe. Nàng cũng nên bảo nhà bếp làm tiệc, bày tại Tụ Cảnh Đường trong hoa viên, gia đình mình uống rượu thưởng tiết Trùng dương.

Đoạn bảo Vương Kinh đem kiệu đón Thân Nhị Thư tới.

Lát sau Thân Nhị Thư tới, được đưa vào thượng phòng, lạy chào Nguyệt nương và mọi người. Nguyệt nương thấy Nhị Thư trẻ tuổi, xinh dẹp, ăn nói dịu dàng, hỏi về các bài hát thì biết nhiều lắm, bèn mời trà rồi bảo hát mấy bài. Sau đó mọi người kéo ra Tụ Cảnh Đường dự tiệc.

Hôm đó Tây Môn Khánh không ra nha môn làm việc, mà ở nhà suốt ngày để đích thân trông coi việc trồng hoa cúc. Tiệc hôm đó gồm tất cả thê thiếp của Tây Môn Khánh và con gái là Đại Thư, Xuân Mai, Ngọc Tiêu, Nghênh Xuân và Lan Hương hầu tiệc. Thân Nhị Thư ngồi bên tiệc đàn hát.

Hôm đó Bình Nhi không khỏe, mời mãi mới chịu tới, nhưng chỉ gắng gượng ngồi dự tiệc để làm vui lòng Tây Môn Khánh và mọi người. Mọi người mời rượu, Bình Nhi cũng chỉ uống chút ít.

Nguyệt nương thấy Bình Nhi thân thể gầy gò, dung nhan sầu muộn thì bảo:

- Lục muội nên vui vẻ lên, để bảo Nhị Thư hát vài khúc cho Lục muội nghe.

Ngọc Lâu nói:

- Đại nương bảo Nhị Thư xem khúc nào hay nhất thì hát trước đi.

Bình Nhi vẫn buồn rầu yên lặng, cùng mọi người nghe hát. Đang uống rượu nghe hát thì thấy Vương Kính vào thưa:

- Có Ứng Nhị gia, Thường Nhị gia tới.

Tây Môn Khánh bảo:

- Mời họ vào đại sảnh, ta ra bây giờ.

Vtòng Kinh lại nói:

- Thường nhị gia có cho đem hai quả đựng đầy lễ vật tới.

Tây Môn Khánh quay sang bảo Nguyệt nương:

- Đây là Thường nhị ca đã dọn tới nhà mới rồi, nên mới tới tạ ơn tôi đó.

Nguyệt nương bảo:

- Thế thì phải có gì khoản đãi người ta, chứ chẳng lẽ để người ta về không. Chàng cứ ra tiếp khách đi, để tôi bảo gia nhân dọn tiệc ở trên đó vậy.

Tây Môn Khánh đứng dậy, lúc bước đi còn dặn Nhị Thư:

- Nàng nhớ chọn những khúc hát thật hay để hát cho Lục nương nghe nhé.

Nói xong bước ra.

Trong này, Kim Liên nói:

- Bây giờ Lục thư thư thích khúc hát nào thì để bảo Nhị thư hát khúc đó. Có vậy mới khỏi phụ lòng săn sóc của gia gia. Gia gia gọi Nhị Thư tới đây là để hát cho Lục thư thư nghe, sao thư thư không nói gì vậy?

Bình Nhi nghe vậy, không đừng được, đành phải nói:

- Thôi thì Nhị Thư hát thử khúc "Tử Mạch đồng Trần" xem.

Nhị Thư dáp:

- Vâng,để tôi xin hát hầu nương nương.

Nói xong vừa đánh đàn tranh vừa hát. Khúc hát dứt, Nguyệt nương hỏi:

- Lục muội đã say chưa? Uống thêm chung nữa nhé.

Bình Nhi thật sự không muốn uống rượu chút nào, nhưng không thể chối từ, đành nâng chung rượu lên nhấp một ngụm nhỏ rồi đặt chung xuống. Lát sau thấy trong người hâm hấp rồi, Bình Nhi đứng dậy cáo từ về phòng nằm nghỉ.

Tây Môn Khánh bước ra, thấy Ứng, Thường hai người không ở đại sảnh mà đang ngắm hoa cúc ở gần hiên phỉ Thúy.

Nguyên nơi đây có hai mươi chậu cúc, chậu nào cũng cao tới bảy thước, gồm đủ các loại danh cúc như Đại lượng bào, Trạng nguyên hồng. Tử bào kim đái, bạch phấn tây Thi, Mặn Thiên tinh, Tuý vương Phi, Ngọc Mẫu đơn, Nga mao cúc, Uyên nương cúc v.v... Tây Môn Khánh thấy hai người thì vái chào. Trĩ Tiết vái lại rồi gọi gia nhân đem lễ vật tới. Tây Môn Khánh mời hai người vào ngồi lại hiên Phỉ Thúy rồi hỏi:

- Cái gì thế này ?

Bá Tước nói:

- Thường nhị ca nhờ đại ca nay đã có nhà cửa, chẳng biết lấy gì tỏ lòng biết ơn, nên mới bảo Thường nhị tẩu làm ít cua và vịt quay đem lại tạ ơn đại ca.

Tây Môn Khánh nói:

- Thường nhị ca bày vẽ thế này làm gì, thật phí tâm quá.

Bá Tước nói:

- Tôi cũng bảo nhị ca đây như vậy, nhưng nhị ca đây nhất định lựa mấy thứ này tới kính biếu đại ca.

Tây Môn Khánh gọi gia nhân mang hai quả lễ vật lại, sai mở ra thì thấy một quả gồm bốn chục con cua thật lớn nhồi thịt và các gia vị rồi nướng lên, bốc mùi thơm nức. Một quả là cặp vịt quay béo vàng trông thật ngon mắt. Tây Môn khánh coi xong sai Xuân Hồng và Vương Kinh đem vào trong rồi lại sai Đại An lấy tiền thưởng cho mấy người bưng lễ vật. Rồi quay sang vái tạ Trĩ Tiết. Bá Tước hết lời khen mấy chậu cúc rồi hỏi:

- Đại ca tìm ở đâu mà có những giống cúc quý quá vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Tìm gì dâu, đó là do Lưu thái giám sai đem tới biếu.

Bá Tước nói:

- Hoa đã là một chuyện, còn những cái bồn hoa mới là đáng nói trông chẳng khác gì đồ gốm Tô Châu, những thứ này bây giờ tìm đâu có.

Gia nhân đem trà ra, Tây Môn Khánh mời hai người uống trà rồi hỏi:

- Thường nhị ca hôm nào dọn nhà vậy?

Bá Tước lại đáp thay:

- Sau khi chồng tiền làm giấy được ba hôm thì dọn nhà, đồ đặc cũng mua đầy đủ cả rồi. Hiện Thường nhị tẩu đã dùng số tiền dư mở tiệm tạp, nhờ người em đứng trông coi giùm.

Tây Môn Khánh bảo Bá Tước:

- Vậy thì hôm nào chúng mình phải có ít lễ vật tới mừng tân gia của Thường Nhị ca chứ. Chỉ lên mời vài ba người thôi. Thường Nhị ca khỏi phải chuẩn bị gì cả, tôi sẽ bảo người nhà làm đồ ăn sẵn rồi mang tới, cũng gọi thêm hai kỹ nữ tới giúp vai, chúng mình vui vẻ một ngày.

Trĩ Tiết nói:

- Tôi cũng tính là phải có chén rượu nhạt thỉnh đại ca tới, nhưng cứ do dự không dám vì nhà cửa chật chội, chỉ sợ làm phiền lòng đại ca.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nhị ca chớ lo vớ vẩn. Chỗ anh em mà, để tôi bảo gọi Tạ đại ca tới nói cho biết.

Đoạn quay lại bảo Cầm Đồng đi mời Tạ Hy đại. Bá Tước hỏi:

- Hôm đó đại ca định cho gọi những ca nữ nào?

Tây Môn Khánh ctời:

- Thì lại gọi Ái Nguyệt và Hồng Tú vậy.

Bá Tước hỏi:

- Hôm nọ đại ca cho gọi Ái Nguyệt mà không nòi nên tôi không biết, theo đại ca thì Ái Nguyệt và Quế Thư hơn kém như thế nào?

Tây Môn Khánh đáp:

- Thì đại khái tài sắc cũng như nhau.

Bá Tước nói:

- Hôm nọ sinh nhật của đại ca, sao Ái Nguyệt nó không nói gì hết vậy? Con đó coi vậy mà có vẻ ghê lắm đó.

Tây Môn Khánh bảo:

- Để hôm nào tôi tới nhà Ái Nguyệt sẽ mời nhị ca cùng đi. Nhị ca đánh cờ giỏi thử đánh với Ái Nguyệt xem sao?

Bá Tước hăng hái:

- Được rồi, để hôm nào theo đại ca đi, tôi phá cho con nhỏ một trận mới được.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nhị ca chỉ được cái làm yêu làm quỷ là không ai bằng, phá gì thì phá, nhưng đừng làm người ta buồn mới được.

Đang nói chuyện thì Hy Đại tới. Hy Đại vái chào ba người rồi ngồi xuống. Tây Môn Khánh bảo Hy Đại:

- Thường nhị ca có nhà mới, chúng mình tùy tâm góp phần làm việc mừng tân gia đừng dể Thường Nhị ca đứng ra tổ chức làm gì cho tốn kém. Riêng tôi thì lo chuẩn bị thức ăn rồi sai đem tới, tôi cũng mời hai ca nữ nữa, Tạ ca tính sao?

Hy Đại đáp:

- Đại ca dạy rất phải, nhưng đại ca ấn định chúng tôi phải góp bao nhiêu, xin cho biết. Mà đại ca tính mời những ai nữa không?

Tây Môn Khánh nói:

- Đóng góp thì tùy tâm, còn người dự tiệc thì chỉ mình anh em mình mà thôi.

Bá Tước nói:

- Vả lại nhà chật chội, mời nhiều cũng không được.

Đang nói chuyện thì Cầm Đồng vào thưa:

- Có Ngô Đại cữu tới.

Tây Môn Khánh bảo:

- Mời đại cữu vào đây.

Cầm Đồng chạy ra. Lát sau Ngô Đại cữu vào, vái chào mọi người rồi ngồi xuống.Tây Môn Khánh mời dùng trà. Ngô Đại cữu uống trà, nói vài câu chuyện xã giao rồi đứng dậy nói:

- Xin lỗi quý vị, tôi muốn mời dượng đây vào trong có câu chuyện riêng muốn nói.

Tây Môn Khánh vội đứng dậy mời Ngô Đại cữu vào thượng phòng,tức phòng Nguyệt nương. Nguyệt nương đang dự tiệc tại Tụ Cảnh Đường trong hoa viên, nghe tin anh mình tới vội trở về phòng chào hỏi, rồi mời ngồi, gọi Tiểu Ngọc đem trà ra. Ngô Đại cữu lấy trong tay áo ra mười lạng bạc, đưa cho Nguyệt nương mà bảo:

- Tôi mới lãnh được ít bạc nay cô và dượng tạm cầm mười lạng này, hôm nào có thêm tiền, tôi sẽ xin trả nốt.

Tây Môn Khánh bảo:

- Đại cữu việc gì phải vội, lúc nào trả không được, thật đại cữu cẩn thận quá.

Ngô Đại cữu đáp:

- Tôi chỉ sợ chậm trễ để dượng phải chờ mà thôi.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Kho chứa đã sửa soạn tu bổ tới đâu rồi?

Ngộ đại cữu đáp:

- Chừng một tháng nữa thì hoàn tất.

Tây Môn Khánh bảo:

- Công việc xong xuôi nhất định đại cữu sẽ được quan trên khen thưởng.

Ngô Đại cữu nói:

- Năm nay có vụ khảo tuyển quân chính, nhờ dượng nói với quan Tuần án một câu giùm tôi.

Tây Môn khánh bảo:

- Công việc của đại cữu, tôi lúc nào cũng coi như việc của tôi xin đại cữu cứ yên tâm.

Nguyệt nương bảo:

- Bây giò mời đại cữu ra ngoài ngồi chơi.

Ngô Đại cữu nói:

- Được rồi để tôi ra, nhưng chỉ sợ ba vị khách có chuyện gì đang cần nói hay không?

Tây Môn Khánh bảo:

- Có chuyện gì đâu, Thường nhị ca vay tiền tôi để mua nhà, nay đã dọn tới nhà mới nên đem lễ vật dện tạ ơn, tôi mời ngồi lại đấy mà.

Ngô Đại cữu theo Tây Môn Khánh ra hiên Phỉ Thúy.

Nguyệt nương vào bếp sai làm thêm đồ ăn. Cầm Đồng, Vương Kinh bày bàn dọn tiệc.

Tây Môn Khánh sai Cầm Đồng vào kho lấy vò rượu Cúc Hoa do Hạ Đề hình biếu ra, lại sai Vương Kinh lấy mấy cái chung vàng để rót rượu. Rượu này còn ngon hơn cả rượu Bồ Đào Tây Môn khánh mời Ngô Đại cữu và mọi người thưởng thức. Tất cả đều khen ngợi không tiếc lời. Mọi người nhập tiệc.

Trên bàn tiệc có cả món cua và vịt của Trĩ Tiết. Hy Đại ăn món cua rồi nói:

- Không biết món cua này làm như thế nào mà ngon quá.

Tây Môn Khánh nói:

- Món này với món vịt đây là do Thường Nhị ca đem tới cho tôi đó.

Ngô Đại cữu nói:

- Tôi năm nay đã năm mươi hai tuổi rồi, ăn miếng ngon đã nhiều, mà chưa từng ăn món cua như thế này bao giờ, ngon thật.

Bá Tước hỏi:

- Các tẩu tẩu đã thưởng thức món này hay chưa?

Tây Môn Khánh đáp:

- Chắc là có chứ.

Bá Tước nói:

- Thế mới biết Thường Nhị tẩu làm đồ ăn khéo thật.

Trĩ Tiết cười:

- Tiện nội thì chiỉ sợ là làm chẳng ra gì,rồi các vị cười cho.

Mọi người ăn uống trò chuyện vui vẻ. Cầm đồng và Vương Kinh hầu tiệc. Tây Môn Khánh gọi Thư Đồng và Xuân Hồng tới hát mua vui.

Lát sau Bá Tước nghe văng vẳng tiếng đàn tranh và tiếng con gái hát bèn hỏi:

- Quế Thư ở đây hay sao mà có tiếng đàn tranh và tiếng hát?

Tây Môn Khánh bảo:

- Nhị ca thử nghe kỹ lại xem có phải giọng hát Quế Thư không?

Bá Tước nói:

- Không Quế Thư thì Ngân Nhi chứ gì?

Tây Môn Khánh cười:

- Chỉ giỏi đoán mò.

Bá Tước lại nói:

- Hay là Ức Đại Thư?

Tây Môn Khánh lắc đầu:

- Sai hết, đó là Thân Nhị Thư, ca hát giỏi lắm, còn hơn cả Ức Đại Thư nửa.

Bá Tước nôn nóng:

- Vậy thì sao đại ca không gọi ra đây cho chúng tôi xem mặt rồi nghe hát.

Tây Môn Khánh cười:

- Gọi sao được, đám thê thiếp của tôi hôm nay làm tiệc trong hoa viên để thưởng tiết Trùng dương nên mời Nhị thư tới hát đó.

Bá Tước nói :

-Tôi cũng biết nghe hát lắm chứ.

Hy Đại bảo :

- Tai Ứng Nhị ca là tai trâu mà bảo là biết nghe hát.

Hai người cười giỡn châm chọc nhau một hồi. Lát sau Bá Tước lại giục :

- Xin đại ca cho gọi Thân Nhị Thư ra đây một chút, chúng tôi coi mặt một chút mà thôi. Nếu như đại ca không đếm xỉa gì đến chúng tôi thì đại ca cũng phải gọi ra đây hát hầu đại cữu chứ, sao đại ca cố chấp thế?

Tây Môn Khánh biết từ chối không được,bèn quay lại sai Vương Kinh dẫn Nhị Thư ra. Nhị Thư tới trước bàn tiệc lạy chào rồi ngồi tại một cái đôn gần đó. Bá Tước hỏi:

- Chẳng hay thanh xuân nàng bao nhiêu?

Nhị thư đáp:

- Tôi tuổi Sửu năm nay hai mươi mốt.

Bá Tước lại hỏi:

-Nàng biết nhiều ca khúc không ?

Nhị Thư đáp:

- Cũng thuộc được hơn trăm ca khúc .

Bá Tước gật gù:

- Như vậy là nhiều đấy chứ.

Tây Môn Khánh bảo:

- Phiền nàng đánh một khúc tỳ bà và hát khúc "Tứ mộng bát không" cho Đại cữu đây nghe.

Nhị Thư ôm đàn mà hát, mọi người vừa uống rượu vừa thưởng thức tiếng đàn ca thánh thót du dương.

Nói về Bình Nhi, khi về tới phòng, tự nhiên huyết trắng ra rất nhiều, mắt hoa đầu váng, ngã quy xuống ngay bậc cửa, đầu đập vào bậc cửa, bất tỉnh nhân sự. Nghênh Xuân và nhũ mẫu Như ý vội vực vào cứu chữa, nhưng Bình Nhi vẫn không tỉnh.Nghênh Xuân hoảng quá, vội bảo Tú Xuân lên báo cho Nguyệt nương biết, Tú Xuân vào Tụ Cảnh Đường trong hoa viên báo tin dữ. Nguyệt nương cùng mọi người đều giật mình, bỏ cả tiệc mà tới phòng thăm. Thấy Bình Nhi nằm mê man trên giường,Nghênh Xuân và Như ý ngồi hai bên săn sóc bèn hỏi:

- Sao thế này? Vừa rồi còn đi đứng ăn uống được cơ mà?

Nghênh Xuân không nói gì, khẽ chỉ vào quần Bình Nhi, Nguyệt nương thấy ống quần ướt đẫm thì hoảng sợ nói:

- Chắc là hồi nãy uống rượu nên huyết vượng mà thành ra như thế.

Kim Liên nói:

- Có uống được bao nhiêu đâu.

Nguyệt nương vội sai nấu nước gừng đổ cho Bình Nhi, lát sau thì dần dần tỉnh lại, Nguyệt nương hỏi:

- Lục muội thấy trong người thế nào ? Sao lại đến nỗi này.

Bình Nhi đáp yếu ớt:

- Tôi cũng chẳng biết tại sao, tự nhiên tối tăm mày mặt, đầu óc choáng váng rồi ngã xuống, không biết trời đất gì nữa.

Nguyệt nương quay lại bảo Lai An:

- Ngươi chạy lên thưa với gia gia, để xem gia gia có cho mời Nhiệm quan tới coi bệnh cho Lục nương hay mời người khác.

Bình Nhi gạt đi:

- Thôi, không nên làm kinh động tới gia gia, để gia gia uống rượu.

Nguyệt nương nghe vậy lại thôi, chỉ dặn Nghênh Xuân săn sóc Bình Nhi cẩn thận rồi cùng mọi người vào hậu phòng, sai dọn dẹp tiệc, vì Nguyệt nương không còn lòng dạ nào ăn uống nữa.

Mãi tới chiều tối, Tây Môn Khánh mới tiễn khách ra về rồi vào phòng Nguyệt nương. Nguyệt nương kể lại việc Bình Nhi ngã xuống và ngất đi. Tây Môn Ihállh vội tới thăm thấy Bình Nhi nằm thiêm thiếp trên giường, sắc mặt nhợt nhạt như tờ giấy bạch. Bình Nhi mở mắt thấy Tây Môn Khánh đứng cạnh giường thì chỉ nắm áo Tây Môn Khánh mà khóc. Tây Môn Khánh hỏi nguyên do thì Bình Nhi đáp:

- Tôi về tới cửa phòng thì tự nhiên huyết trắng tuôn ra như suối, rồi xây xẩm mặt mày, choáng váng đầu óc mà ngã xuống, không biết gì nữa.

Tây Môn Khánh thấy trán Bình Nhi u lên tím bầm vì ngã thì hỏi:

- Các a hoàn đâu, sao không săn sóc nàng mà để nàng ngã như vậy?

Bình Nhi đáp:

- Có chứ sao không, có Nghênh Xuân và Như ý kịp thời tới đỡ dậy chứ không thì không biết ra sao.

Tây Môn Khánh bảo:

- Để sáng sớm mai tôi cho người mời Nhiệm y quan lại coi bệnh cho nàng.

Tối hôm đó Tây Môn Khánh nghỉ tại phòng Bình Nhi.

Sáng sớm hôm sau, trước khi ra nha môn làm việc, Tây Môn Khánh sai Họa Đồng đi mời Nhiệm y quan. Nhưng Nhiệm y quan vắng nhà, tới trưa, lúc Tây Môn Khánh ở nha môn về, Nhiệm y quan mới tới. Tây Môn Khánh mời vào đại sảnh uống trà nói chuyện, rồi khi gia nhân a hoàn dọn dẹp phòng Bình Nhi sạch sẽ xong xuôi, mới mời Nhiệm y quan tới coi mạch cho Bình Nhi.

Nhiệm y quan coi mạch xong, trở lên đại sảnh nói với Tây Môn Khánh:

- Cứ như mạch của phu nhân thì bệnh tình lần này đã gia tăng trầm trọng ấy là vì sầu thương bi cảm quá mà tổn tới gan, hỏa trong phế lại vượng quá, cho nên mộc vượng thổ hư mà huyết trắng huyết đỏ tuôn ra như sơn băng khó lòng cầm giữ. Nếu là huyết trắng không thôi, hoặc huyết bầm thì dễ, đằng này phu nhân lại ra huyết tươi. Thật là khó lắm. Tuy nhiên để vãn sinh cố làm thuốc, uống vào mà cầm được thì mới có hy vọng qua khỏi, còn nếu không thì vãn sinh cũng chẳng biết làm sao.

Tây Môn Khánh nói:

- Xin tiên sinh gia tâm cứu cho. Chúng tôi sẽ xin hậu tạ.

Nhiệm y quan nói:

- Sao quan nhân lại dạy vậy. Dù thế nào thì vãn sinh cũng phải tận tâm tận lực.

Sau vài tuần trà, Nhiệm y quan cáo từ mà vế. Tây Môn Khánh sai lấy một xấp lụa và hai lạng bạc cho Cầm Đồng đem tới nhà Nhiệm y quan để lấy thuốc về. Thuốc lấy về có tên là Quy tỳ thang, được sắc lên ngay cho Bình Nhi uống. Nhưng thuốc uống xong, huyết tươi lại ra như suối. Tây Môn Khánh hoảng lên, vội sai mời Hồ thái y tới.

Hồ thái y tới coi rồi nói:

- Đây là khí xung huyết quản, nhiệt nhập huyết thất, nếu cứ uống thuốc mãi vào thì e làm cho huyết ra nhiều thêm mà thôi.

Nguyệt nương bận rộn lo cho Bình Nhi nên chỉ giữ Thân Nhị Thư có một đêm rồi cho ít khăn lụa năm tiền và vài món quà khác rồi sai lấy kiệu đưa về.

Hoa đại gia thì từ hôm ăn mừng cửa tiệm khai trương không thấy tới thăm mãi khi nghe Bình Nhi đau nặng mới sai Hoa Đại tẩu đem lễ vật tới. Hoa Đại tẩu thấy Bình Nhi đau nặng, thân thể tiều tụy thì ngồi khóc mãi. Sau đó lên thượng phòng uống trà nói chuyện với Nguyệt nương rồi cáo từ mà về.

Lại có Hàn Đạo Quốc tới nói:

- Ở ngoại thành phía đông có Triệu thái y chuẩn về bệnh đàn bà, trị liệu như thần. Năm ngoái tiện nội bệnh nặng cũng nhờ Triệu thái y chữa khỏi, lão gia nên cho người mời tới trị bệnh cho Lục nương.

Tây Môn Khánh nghe lời,vội sai Cầm Đồng và Vượng Kinh cưỡi ngựa ra ngoại thành mời Triệu thái y rồi lại cho mời Bá Tước tới bảo:

- Đệ lục phòng của tôi bệnh tình trọng quá, làm thế nào bây giờ?

Bá Tước giật mình hỏi lại:

- Nghe nói lục tẩu tẩu đã khá rồi cơ mà sao lại trầm trọng?

Tây Môn Khánh đáp:

- Trước thì có khá hơn chút đỉnh, nhưng từ khi ca nhi bỏ đi thì cứ sầu thương bi thảm mà bệnh tình ngày thêm trầm trọng hơn lên. Hôm kia nhân tiết Trùng dương, tôi cho làm tiệc rồi mời Thân Nhị thư tới hát, những mong giải muộn, nhưng Bình Nhi không chịu ăn uống, giữa tiệc bỏ về phòng nghỉ. Nào ngờ về tới phòng thì huyết ra như suối, ngã xuống mà ngất đi. Nhiệm y quan tới coi mạch, cho biết là bệnh tình trầm trọng lắm. Đến khi uống thuốc vào thì huyết lại ra nhiều hơn. Thế có nguy không cơ chứ.

Bá Tước nói:

- Đại ca thử mời Hồ thái y lại coi xem nói sao.

Tây Môn Khánh đáp:

- Cũng cho mời tới rồi. Hồ Thái y bảo là khí xung huyết quản khó chữa lắm, rồi sau đó không nhận chữa. Hôm nay thì Hàn quản lý bảo là Triệu thái y ở ngoại thành chuyên về bệnh đàn bà, tôi vừa mới cho gia nhân đi mời. Thật khổ hết sức, vừa đám tang con thì lại gặp chuyện này. Bình Nhi thương con quá độ, ai khuyên giải cũng không được nên mới ra nông nổi này. Bây giờ tôi chẳng biết làm sao.

Đang nói chuyện thì Bình An vào thưa:

- Có Kiều Đại gia tới thăm.

Kiều Đại hộ bước lên đại sảnh vái chào Tây Môn Khánh và Bá Tước rồi nói:

- Nghe Lục nương thân gia đau nặng nên tới thăm.

Tây Môn Khánh nói:

- Đa tạ thân gia phí tâm. Cũng vì ca nhi mất đi mà bệnh tình mới như vậy.

Kiều Đại hộ hỏi:

- Đã có mời lang y tới coi mạch cho thuốc chưa?

Tây Môn Khánh đáp:

- Thường thì vẫn dùng thuốc của Nhiệm y quan, nhưng lần này thuốc uống vào cũng vô hiệu. Tôi lại vừa mới cho người đi mời Triệu thái y ở ngoại thành,nghe nói là chuyên về bệnh đàn bà. Chắc cũng sắp tới.

Kiều đại hộ nói:

- Trong huyện mình có Hà lão nhân, tinh thông y lý, người con là Hà Trĩ Hiên, hiện được nâng lên hàng quan đái y sĩ, sao thân gia không cho mời tới xem sao.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì cứ để chờ Triệu thái y tới xem sao đã, cần thì mời Hà lão nhân tới sau.

Kiều đại hộ nói:

- Theo ngu ý của tôi thì cứ mời Hà lão nhân tới trước là hơn, đồng thời cũng cho mời luôn cả Triệu thái y tới để cả hai cùng nghiên cứu bệnh tình mà bàn luận kê đơn bốc thuốc, như vậy tất phải công hiệu.

Tây Môn Khánh bảo:

- Thân gia dạy rất chí lý.

Nói xong sai Đại An đem thiếp, cùng đi với gia nhân của Kiều đại hộ là Kiều Thông tới mời Hà lão nhân.

Một lúc lâu sau, Hà lão nhân tới, vái chào Tây Môn Khánh và Kiều đại hộ. Tây Môn Khánh mời ngồi dùng trà rồi chắp tay nói:

- Mấy năm nay không được diện kiến lão nhân, không ngờ râu tóc đã bạc phơ cả rồi.

Kiều đại hộ cũng hỏi thăm:

- Công việc của lệnh lang y sĩ vẫn đều dặn đấy chứ?

Hà lão nhân đáp:

- Tiện nam thường được trong huyện gọi luôn nên không được nhàn, do đó tôi mới phải đi thăm bệnh.

Bá Tước nói:

- Lão nhân cao thọ như thế này mà trông còn tráng kiện quá

Hà lão nhân đáp:

- Thưa vâng, tôi đã tám mươi mốt tuổi

Chủ khách uống trà nói chuyện. Tây Môn Khánh sai gia nhân vào báo trước, sau đó mời Hà lão nhân tới phòng Bình Nhi coi mạch.

Hà Lão nhân coi mạch Bình Nhi xong trở lên đại sảnh nói với Tây Môn Khánh:

- Nương tử đây tinh xung huyết quản, lại thêm khí não buồn phiền, khí huyết tương đoàn nên huyết xuất như băng.

Tây Môn Khánh nói:

- Quả đúng là vì chuyện buồn phiền nên bệnh mới trầm trọng như vậy.

Đang nói chuyện thì Cầm Đồng và Vương Kinh vào thưa là Triệu thái y tới. Hà lão nhân hỏi:

- Người đó là ai vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Đó là Triệu thái y ở ngoại thành, do một viên quản lý giới thiệu cho tôi. Xin lão nhân cứ làm như không biết, rồi đợi Triệu Thái y coi mạch xong, lão nhân sẽ bàn luận với Triệu thái y để kê đơn cho thuốc.

Triệu y quan bước vào, Tây Môn Khánh đứng dậy thi lễ.

Triệu y quan thi lễ cùng mọi người rồi ngồi xuống uống trà nói chuyện. Lát sau Triệu thái y hỏi:

- Dám xin cho biết quý tính của liệt vị chư tôn đây.

Kiều đại hộ đáp:

- Lão nhân đây họ Hà, còn chúng tôi họ Kiều.

Bá Tước tiếp lời:

- Còn tại hạ họ Ứng, dám hỏi có phải Triệu tiên sinh đó chăng?

Triệu thái y đáp:

- Dạ chính chúng tôi, tiện hiệu là Long Cương. Các sách y khoa như Hoàng đế sách văn, Nạn kinh, Hoạt nhân thư. Đan khê gia yếu, Đan Khê tâm pháp, Gia giảm thập tam phương, Thiên Kim đô hiệu lương phương, Thọ vực thần phương, Hải thần phương... Sách nào cũng có đọc qua. Thuốc thì chúng tôi dùng hung trung hoạt pháp, mạch lý thì chỉ rõ huyền cơ, coi mạch mà biết được lục khí tứ thời, định được tiêu cách âm dương,nói rõ được nặng nhẹ quan hệ thế nào. Các chứng phong, hư, hàn, nhiệt thảy đều trị giỏi. Mạch lý huyền, hồng, trì số, cái gì cũng thông hiểu. Tôi nói năng vụng về nên một lúc không thể kể hết được.

Hà lão nhân nghe xong bèn hỏi:

- Dám hỏi tiên sinh khi coi bệnh thì lấy gì làm trước?

Triệu thái y đáp:

- Cổ nhân nói: vọng, văn, vấn, thiết. thần thánh công xảo.Văn sinh thì hỏi bệnh, sau mới coi mạch, rồi mới xem khí sắc,trăm lần chẳng một lần sai.

Tây Môn Khánh sốt ruột:

- Nếu vậy thì để thỉnh tiên sinh vào coi giùm cho.

Nói xong đích thân dẫn Triệu thái y vào phòng Bình Nhi.

Bình Nhi vừa mới ngủ được chốc lát đã phải thức dậy, a hoàn đỡ ngồi tựa vào gối.

Triệu thái y hỏi sơ bệnh tình rồi bắt mạch đủ hai tay, sau đó bảo:

- Xin phu nhân ngẩng đầu lên để tôi được coi khí sắc.

Bình Nhi từ từ ngẩng đầu lên. Triệu thái y nhìn qua rồi quay lại bảo Tây Môn Khánh:

- Xin lão gia hỏi phu nhân đây xem tôi là ai.

Tây Môn Khánh hơi ngạc nhiên, nhưng cũng làm theo lời,bèn hỏi Bình Nhi:

- Nàng có biết vị này là ai không?

Bình Nhi đáp:

- Vị này là thái y chứ ai, nghe nói là Triệu tiên sinh.

Triệu thái y quay lại nói với Tây Môn Khánh:

- Xin lão gia cứ yên tâm. Không hại gì cả, vì còn nhận ra được người này người nọ.

Tây Môn Khánh nói:

- Xin tiên sinh hết lòng giùm cho, chúng tôi sẽ xin hậu tạ.

Triệu thái y coi mạch lại một lần nữa rồi nói:

- Bệnh của phu nhân đây, tôi nói thật, cứ theo mạch và thần sắc thì nếu không phải thương hàn thì cũng chỉ là tạp chứng, nếu không phải là hậu sản thì cũng là sắp có thai.

Tây Môn Khánh nói:

- Không phải như vậy đâu. xin tiên sinh coi kỹ lại giùm cho .

Triệu thái y ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

- Nếu không thì tại sao mặt lại trắng bệch ra. chắc là tại kinh nguyệt không đều rồi.

Tây Môn Khánh nói:

- Thưa thật với tiên sinh, bệnh của tiểu thiếp tôi đây hiện là huyết ra không ngừng, do đó mới trầm trọng như thế này. Nếu tiên sinh có thuốc gì chữa được thì chúng tôi đền ơn thật hậu.

Triệu thái y reo lên:

- Đấy tôi nói có sai đâu, kinh nguyệt bất điều mà. Không sao tôi đã có thuốc.

Tây Môn Khánh mời Triệu thái y trở lên đại sảnh. Kiều đại hộ hỏi ngay:

- Nguyên do bệnh tình là thế nào vậy, thưa tiên sinh?

Triệu thái y ngồi xuống đáp:

- Cứ theo vãn sinh thì nguyên do là kinh nguyệt bất điều nên sinh ra chứng hạ huyết như vậy.

Hà lão nhân hỏi:

- Như vậy phải dùng thuốc thế nào?

Triệu thái y đáp:

- Tôi đã có một phương thuốc rất hiệu nghiệm, chỉ cần ít vị thuốc uống vào là hết ngay. Xin nghe tôi đây:

Cam thảo cam toại với Cương sa,

Lê lư Ba đậu, lại thêm Nguyên hoa.

Gừng sông thái ra chừng năm bảy lát,

Lạt thêm Ô đầu, hạnh nhân, bệnh ấy tiêu ma.

Các vị thuốc chuẩn bị xong thì luyện thành thuốc hoàn,sáng sớm uống với nước nóng là khỏi.

Hà lão nhân bảo :

-Thuốc đó e rằng quá độc, không dùng được đâu.

Triêu thái y nói:

- Từ xưa độc dược đắng miệng nhưng khỏi bệnh sao lại không uống được? Tây Môn Khánh thấy giọng điệu ba hoa của Triệu thái y thì đã phát ngán từ đầu, nhưng do Hàn quản lý giới thiệu, chẳng lẽ lại không mời coi mạch.

Trở vào đại sảnh, Tây Môn Khánh bảo Kiều đại hộ:

- Triệu thái y thật chẳng biết gì.

Hà lão nhân nói:

- Tôi biết người này lắm, nhtng không dám nói ra. Hắn ở ngoại ô phía đông, có hỗn danh là Triệu bịp quỷ, vì chỉ tài nói khoác để lừa bịp những người bệnh qua lại địa phương đó mà thôi. Hắn làm sao hiểu nổi mạch tức bệnh nguyên. Bệnh tình của phu nhân như vậy là tôi đã rõ, để tôi về làm thuốc cho đem lại nếu hợp duyên thì uống vào bệnh sẽ thuyên giảm ngay, vì dù sao cũng có câu "phước chủ lộc thầy" còn nếu huyết vẫn ra thì thật khó lòng lắm.

Nói xong đứng dậy cáo từ. Tây Môn Khánh tặng một lạng bạc rồi sai Đại An đi theo để mang thuốc về.

Thuốc mang về được sắc ngay cho Bình Nhi uống. Uống xong cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Nguyệt nương bảo Tây Môn Khánh:

- Cứ uống thuốc mãi như thế này mà không thấy bớt thì chỉ thêm mệt người mà thôi. Lúc trước Ngô thần tiên có đoán là năm hai mươi bảy tuổi thì Lục muội có tai nạn huyết quang,năm nay là đúng hai mươi bảy. Chàng nên cho mời Ngô thần tiên xem sao. Vả lại biết đâu chẳng phạm vào thần thánh nào mà sinh ra thế. Mình sẽ nói để Ngô thần tiên cúng vái cho.

Tây Môn Khánh nghe theo, sai gia nhân đem thiếp sang phủ Chu Thủ bị hỏi thăm xem Ngô thần tiên hiện ở đâu. Gia nhân về thưa rằng:

- Chu đại nhân nói là Ngô thần tiên vân du bốn phương, đi về bất định, trước thì hay đi về miếu Thổ địa ở phía nam ngoại thành, nhưng từ bốn tháng nay thì nghe nói là đã tới núi Vũ Đương rồi. Nếu cần người xem số đoán mệnh thì ở miếu Chân Vũ có Hoàng tiên sinh tướng số giỏi lắm. Xem một người chỉ lấy ba tiền, chuyên xem cho các gia đình giàu có, đoán mệnh như thần.

Tây Môn Khánh bèn sai Kính rễ ra phía bắc ngoại thành ,tới miếu Chân Vũ,thấy ngoài cổng có treo một ấm bảng đề "Điệi toán tiên tiên dịch số, mỗi quẻ ba tiền" Kính Tế bước vào vái chào Hoàng tiên sinh, đưa tiền lên rồi nói:

- Phiền tiên sinh đoán giùm cho một người.

Đoạn lấy ra tấm thiếp viết sẵn như sau: "Nữ mệnh, hai mươi bảy tuổi, sinh giờ Ngọ ngày rằm tháng giêng". Hoàng tiên sinh xem xong, lẩm nhẩm tính một hồi rồi nói:

- Mệnh này sinh vào giờ Giáp Ngọ, ngày Tân Mão, tháng canh Dần, năm Tân Mão. Năm nay là năm Đinh Dậu, nên có sao Kế Đô chiếu mệnh, lại phạm vào Tang môn Ngũ quỷ, nên có tai ách lớn. Sao Kế Đô là sao tối tăm, hình thể nó như một mối tơ rối rít, biến dị khôn lường, chủ về bệnh tật tai ương tang tóc,lại bị tiểu nhân ganh ghét làm hại, cũng có điều khẩu thiệt thị phi. Mệnh này năm nay bất lợi lắm.

Nói xong viết những lời đoán vào giấy. Kính Tế cầm đem về cho Tây Môn Khánh.

Tây Môn Khánh đang ngồi nói chuyện với Ứng Bá Tước và Ôn tú tài, cầm tờ đoán mệnh xem rồi đem vào giảng cho Nguyệt nương nghe rồi bảo:

- Cứ như lời đoán này thì hung nhiều cát ít.

Bất giác:

- Nói xong mặt ủ mày chau,

Trong lòng lặng một môí sầu ngàn cân.

Đoạn nói thêm:

- Số mệnh đã bắt phải chịu tai ương bệnh tật như thế này thi cũng chẳng biết làm sao.

Hồi 63

Nát Một Đời Hoa

Tây Môn Khánh thấy Bình Nhi bệnh tật ngặt nghèo, thuốc uống vào không công hiệu, xem bói thì chỉ thấy điều hung, nên cứ bồn chồn lo sợ, không biết làm sao. Trong khi đó bệnh tình Bình Nhi cứ ngày thêm trầm trọng. Lúc trước thì hàng ngày còn có thể chải đầu rửa mặt, đi lại chút ít trong phòng. Nhưng về sau thì hoàn toàn không ăn uống được nữa, hình dung tiều tụy hẳn đi, lúc trước như đóa hoa tươi, bây giờ chẳng khác chiếc lá khô vàng úa, rồi dần dần thì nằm liệt trên giường không dậy được nữa, đến cả tiểu tiện đại tiện cũng ở trên giường. Bình Nhi muốn tránh mùi u uế nên sai Nghênh Xuân phải thường xuyên đốt trầm trong phòng.

Tây Môn Khánh thấy Bình Nhi ngặt nghèo như vậy thì suốt ngày chỉ quanh quẩn bên giường mà chảy nước mắt. Cứ cách một ngày Tây Môn Khánh mới ra nha môn làm việc một lần.

Bình Nhi thấy vậy bảo:

- Chàng ơi! Chàng nên ra nha môn làm việc, kẻo bê trễ. Tôi không sao đâu, uống thuốc vào sẽ bớt, sẽ ăn uống được rồi bình phục lần lần. Chàng là đàn ông, không nên quanh quẩn trong phòng đàn bà con gái bệnh tật làm gì.

Tây Môn Khánh khóc bảo:

- Nàng ơi, nàng bệnh tật ngặt nghèo như thế này, làm sao tôi xa nàng được.

Bình Nhi gượng cười:

- Chỉ xạo, thế lỡ tôi chết thì sao? Tôi có chuyện này nói cho chàng nghe, không hiểu sao cứ mỗi lần không có ai bên cạnh thì tôi tự nhiên thấy sợ hãi trong lòng, rồi làm như có người đang đứng trước mặt vậy. Đêm đến nằm ngủ là y như tôi lại mộng thấy Tử Hư cầm dao gọi tôi dọa giết, ca nhi thì được bồng trong lòng. Mỗi lần tôi nhảy tới giành ca nhi thì lại bị Tử Hư đẩy ngã, rồi bảo rằng hắn đã mua được nhà mới, gọi tôi tới ở.

Tây Môn Khánh nghe xong bảo:

- Người chết thì cũng như ngọn đèn đã tắt, lửa tắt là hết, chẳng qua là nàng bệnh đã lâu ngày, tinh thần suy nhược mà sinh ra mộng mị đó thôi, chứ làm gì có ma quỷ. Nhưng đã vậy thì để tôi tới gặp Ngô Đạo quan xin hai lá bùa về dán tại cửa phòng cho nàng để đuổi tà ma.

Nói xong trở lên nhà trên sai Đại An cưỡi ngựa tới miếu Ngọc Hoàng xin bùa. Tới nửa đường, gặp Bá Tước và Hy Đại, Đại An xuống ngựa vái chào. Bá Tước hỏi:

- Ngươi đi đâu vậy? Gia gia ngươi có nhà không?

Đại An đáp:

- Gia gia tôi hiện có nhà, tôi tới miếu Ngọc Hoàng để xin bùa.

Nói xong vái chào rồi lên ngựa mà đi.

Bá Tước và Hy Đại tới nhà Tây Môn Khánh. Vào tới sảnh đường, Bá Tước nói:

- Tạ Đại ca đây nghe tin Lục tẩu không khỏe nên gọi tôi cùng tới vấn an.

Tây Môn Khánh nói:

- Lục nương tôi mấy hôm nay yếu lắm, thân thể gầy guộc không còn ra hình thù gì nữa. Tôi thật không biết phải làm sao!

Bá Tước hỏi:

- Đại ca sai đại An tới miếu Ngọc Hoàng làm gì vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Mấy đêm nay Lục nương tôi cứ mộng mị thấy toàn là ma thì sợ là có tà ma nên sai nó tới miếu Ngọc Hoàng xin bùa về trấn yểm.

Hy Đại bảo:

- Đó là tại Lục tẩu bệnh tật nên tinh thần suy nhược mà sinh ra vậy chứ làm gì mó ma quỷ.

Bá Tước nói:

- Nếu cần trừ tà thì ở ngoại thành có Phan đạo sĩ, học được Ngũ lôi chính pháp, rất giỏi trừ tà, được người tặng danh hiệu Phan Tróc Quỷ, thường dùng phép phù thủy cứu người. Đại ca thử cho người mời lại nếu có tà ma là Phan đạo sĩ biết ngay. Mà đại ca có nhờ trị bệnh, đạo sĩ đó cũng trị được.

Tây Môn Khánh bảo:

- Được rồi, cứ đợi xin bùa của Ngô Đạo quan về xem sao đã, rồi có gì tôi sẽ nhờ nhị ca dẫn gia nhân đi mời Phan đạo sĩ.

Bá Tước sốt sắng:

- Không sao, có gì thì để tôi đi cho cũng được, miễn trời còn thương Lục tẩu là được rồi.

Nói chuyện một lúc nữa thì hai người đứng dậy cáo từ.

Lát sau Đại An cũng về tới, đem bùa trình lên. Tây Môn Khánh cho dán ngay tại cửa phòng Bình Nhi. Nhưng tối hôm đó Bình Nhi sợ hãi kể lại rằng:

- Chết mất thôi, vừa rồi Hoa Tử Hư lại cùng với hai người nữa định bắt tôi, nhưng thấy chàng vào, họ vội kéo nhau chạy mất.

Tây Môn Khánh bảo:

- Dù có ma quỷ, nàng cũng đừng sợ, hồi sáng Ứng nhị ca có nói là ở ngoại thành có Phan đạo sĩ giỏi trừ tà, lại giỏi dùng phép phù thủy trị bệnh, để sáng mai tôi nhờ Ứng nhị ca tới mời lại đây thăm bệnh cho nàng, nếu có ma quỷ thì nhờ Phan đạo sĩ trừ cho.

Bình Nhi khóc mà nói:

- Chàng ơi, có mời thì mời sớm đi, Tử Hư hồi nãy tức giận bỏ đi, chắc là đêm mai tới bắt tôi mất thôi. Hay là chàng cho mời ngay bây giờ đi.

Tây Môn Khánh nói:

- Bây giờ đêm tối rồi, ra ngoại thành sao được. Nếu nàng cảm thấy sợ hãi thì để tôi bảo chúng nó đem kiệu đón Ngân Nhi tới đây bầu bạn với nàng.

Bình Nhi lắc đầu:

- Thôi đừng gọi Ngân Nhi nữa, sợ làm cản trở cả công việc của nó.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Thì gọi Phùng lão đến hầu hạ nàng ít hôm có được không?

Bình Nhi gật đầu. Tây Môn Khánh liền sai Lai An ra cửa tiệm lại đường Sư Tử gọi Phùng lão, nhưng Phùng lão không có đó, chỉ có một đứa gia nhân nói là đợi Phùng lão về sẽ bảo đến ngay.

Lai An về thưa lại, Tây Môn Khánh gọi Đại An dặn:

- Sáng sớm mai ngươi tới gặp Ứng nhị gia, nhờ dẫn tới ngoại thành mời Phan đạo sĩ.

Hôm sau Vương sư bà đem ít lễ vật gồm gạo, bánh, dưa cà tới thăm Bình Nhi. Bình Nhi thấy Vương sư bà tới vội bảo Nghênh Xuân đỡ mình ngồi tựa gối, mời Vương sư bà uống trà rồi hỏi:

- Từ sau ngày in kinh Phật tới nay, sao không thấy sư phụ tới? Tôi bệnh nặng như thế này mà cũng chẳng thấy tới thăm.

Vương sư bà vội chắp tay nói:

- Mô Phật, tôi quả không biết nương nương bệnh nặng, mãi tới hôm qua Đại nương sai người tới am, tôi mới biết. Còn chuyện in kinh Phật thì ôi thôi, nương nương không biết đâu, tôi và mụ dâm phụ họ Tiết cãi nhau một trận đáo để, mụ ta dám thông đồng với nhà in để ăn gian năm lượng bạc đó. Chuyện công đức của nương nương mà mụ dâm phụ đó dám làm vậy bao giờ không cơ chứ. Nay mai mụ chết chắc chắn là phải xuống ngục A tỳ chịu tội rồi đó.

Bình Nhi bảo:

- Người ta đã tạo nghiệp chướng như vậy thì cứ mặc kệ, sư phụ đừng tranh chấp làm gì.

Vương sư bà vội nói:

- Nào tôi có tranh chấp gì với mụ ta đâu.

Bình Nhi lại bảo:

- Đại nương giận sư phụ đó, sinh nhật của Đại nương mà sư phụ cũng không tới.

Vương sư bà nói:

- Tôi làm sao dám quên, nhưng vì mắc cãi với con mụ dâm phụ họ Tiết đó mà không tới được. Tuy nhiên tôi đã tụng kinh cầu nguyện cho Đại nương suốt một tháng nay, hôm qua mãn lễ là hôm nay tôi tới đây ngay. Tôi đã tới gặp Đại nương trước rồi, Đại nương cũng hiểu cho tôi, nên mới sai Tiểu Ngọc dẫn tôi tới thăm nương nương đây. Nhân tiện tôi có ít bánh trái để nương nương dùng và ít gạo tốt để nương nương sai nấu cháo ăn cho mau lại sức.

Tiểu Ngọc đứng bên mở hai cái quả đựng gạo và bánh trái ra. Bình nhi ngó qua lồi bảo:

- Đa tạ sư phụ phí tâm.

Đoạn sai Nghênh Xuân thâu nhận, cất vào nhà sau. Vương sư bà bảo:

- Nghênh Xuân thư thư lấy bánh ra và đem gạo nấu cháo để tôi thân mời nương nương dùng .

Bình Nhi bảo: .

- Thôi, để lát nữa cũng được, khỏi phiền sư phụ, mời sư phụ dùng trà.

Vương sư bà đáp:

- Đa tạ nương nương, tôi vừa uống với Đại nương ở thượng phòng rồi.

Đoạn lại giục Nghênh Xuân đem bánh ra và nấu cháo.

Lát sau. Nghênh Xuân dọn hai dĩa bánh và đem một bát cháo lên, rồi cùng Như ý cầm bánh và múc cháo cho Bình Nhi.Bình Nhi chỉ ăn được vài miệng bánh và húp được vài thìa cháo thì lắc đầu không ăn nữa.

Vưtng su bà nói:

- Người ta thường bảo "cơm cháo không ăn, mạnh gì thấy". Cháo này gạo ngon, xin nương nương cố ăn chút nữa cho khỏe.

Nghênh Xuân dọn dẹp các thứ rồi đem trà ra cho Bình Nhi uống. Tổng sư bà kéo ghế ngồi gần giường nhìn Bình Nhi rồi kêu lên:

- Sao nương nương lại gây yếu quá đỗi thế này? Lần trước tôi còn thấy nương nương có da có thịt cơ mà.

Như ý đứng lên nói:

- Đáng lẽ là mau khỏi bệnh, nhưng bây giờ nương nương tôi bị bệnh buồn giận lo phiền nên mới ra nông nỗi đó gia gia tôi có mời thái y tới, ngày ngày dùng thuốc, trước đó đã khỏi được bảy tám phần. Nhưng hồi tháng tám vừa rồi ca nhi thất lộc, nương nương tôi ngày đêm ưu phiền, không ăn không ngủ được. Sư phụ bảo như vậy thì đến gỗ đá cũng không chịu nổi đừng nói gì người, do dó bệnh tình mới ngày thêm trầm trọng. Với người khác thì buồn phiền đến đâu cũng còn khuyên giải được, nhưng nương nương tôi đây thì chẳng chịu trò chuyện giải khuây gì cả, cho nên khuyên giải cách gì cũng vô hiệu. Thế mới khó chứ.

Vương sư bà nói:

- Ưu phiền vì ca nhi thì có, nhưng vừa rồi ngươi nói là buồn giận thì làm gì có. Lão gia và Đại nương một lòng yêu quý, các nương nương trong nhà cũng một lòng kính trọng, thì ai làm cho nương nương khuây buồn giận được.

Như ý nói:

- Sư phụ đâu có biết.

Nói tới đây bèn sai Tú Xuân chạy ra ngoài nhìn xung quanh xem có ai không. Tú Xuân trở vào nói là không có ai.

Như Ý mói nói tiếp:

- Sư phụ không biết đâu. Ngũ nương bên cạnh đây là hại nương nương tôi và ca nhi đó. Chính con mèo lớn của Ngũ nương cào vồ ca nhi nên ca nhi mới bị kinh phong. Nhưng nương nương tôi cũng không nói cho gia gia tôi biết. Về sau Đại nương nói gia gia tôi bèn tự tay quật chết con mèo, vậy mà Ngũ nương còn chối tội, lại đổ tội cho chúng tôi đây. Sau đó từ hôm ca nhi mất đi. Ngũ nương mắng mèo quèo chó, nói toàn những điều đắc ý, cố tình để nương nương tôi nghe được. Sư phụ bảo như vậy thì ai chịu nổi, nhưng nương nương tôi thì cứ im lặng buồn giận mà khóc một mình. Nương nương tôi là người tốt chuyện hay chuyện dở cũng chi để bụng, chẳng bao giờ nói ra cho nên từ bao lâu nay không hề có điều tiếng gì với ai, nhưng cũng chính vì thế mà buồn giận lo phiền uất kết làm tăng bệnh. Sư phụ không biết chứ. Ngũ nương có tính ganh ghét lạ đời lắm,chẳng những ganh ghét với nương nương tôi, mà còn ganh ghét cả với mẹ ruột nữa.

Vương sư bà hỏi:

- Sao lạ lùng như vậy? Ganh ghét cả với mẹ ruột là thế nào?

Như ý đáp:

- Sư phụ làm sao biết được. Mỗi lần gia gia tới chuyện trò bầu bạn với nương nương tôi là y như Ngũ nương lồng lộn lên, đánh mèo chửi chó, rồi lôi cả a hoàn ra đánh đập xỉ vả để nói cạnh nói khóe. Một hôm mẹ ruột là Phan bà ở đây chơi, sang thăm nương nương tôi, nương nương tôi có tặng quần áo vải lụa. Vậy mà Ngũ nương cũng ghen tức với mẹ, bảo là sao nương nương tôi cho Phan bà mà không cho Ngũ nương.

Như ý đang nói thì Bình Nhi bảo:

- Thôi, ngươi nói những chuyện đó làm gì, lại lôi thôi ra. Ta cũng như người chết rồi, chẳng còn thiết gì cả, người ta làm sao thì cứ mặc kệ người ta, mình không việc gì phải nói. Trời không nói gì mà trời vẫn cao, đất không nói gì mà đất vẫn dày, người không thấy hay sao?

Vương sư bà nói:

- Mô Phật, không ngờ nương nương lại tốt tính như vậy. Trời Phật có mắt sẽ chứng giám cho nương nương, sau này nương nương tất được hưởng phúc lớn.

Bình Nhi ứa nước mắt bảo:

- Còn phúc gì nữa, có đứa con thì đã chết, bây giờ bệnh tật như thế này chẳng biết sống chết giờ nào. Tôi cũng đang muốn gửi sư phụ ít bạc, để đến khi tôi chết thì mời giùm một số sư phụ tới đây cầu kinh tụng niệm cho tôi được thoát khỏi nghiệt chướng.

Vương sư bà nói:

- Mô Phật, Bồ Tát ơi, sao lại nghĩ quẩn nói sàm như thế, Bồ Tát là người hảo tâm, sẽ có Trời Phật gia hộ chứ.

Đang nói chuyện thì Cầm Đồng chạy vào bảo Nghênh Xuân:

- Gia gia dặn là dọn dẹp phòng cho sạch sẽ, Hoa đại cữu vào thăm Lục nương đó.

Vương sư bà nghe vậy liền đứng dậy nói:

- Vậy thì để tôi xin phép lên với Đại nương.

Bình Nhi dặn:

- Sư phụ đừng về nhé, ở lại đây bầu bạn với tôi một hai ngày đã, tôi cũng còn chuyện muốn nói.

Vương sư bà vừa bước ra vừa quay lại đáp:

- Vâng, tôi không về đâu, xin nương nương cứ yên tâm.

Nói xong vội vã bước ra. Chốc lát, Tây Môn Khánh dẫn Hoa đại cữu xuống.

Hoa đại cữu hỏi:

- Bệnh tình thế nào? Tôi quả thật chẳng hay biết gì, mãi hôm qua nghe gia nhân bên này nói, tôi mới rõ, vội vàng tới đây. Có cả tẩu tẩu cũng tới thăm nữa đó.

Bình Nhi chỉ nói:

- Thật phí tâm đại ca và đại tẩu quá.

Nói xong lại quay mặt vào trong mà nằm. Tây Môn Khánh mời Hoa Tử Do ngồi một lát rồi đưa lên đại sảnh. Hoa Tử Do nói:

- Lúc thúc thúc chúng tôi còn trấn thủ Quảng Nam, có để lại phương thuốc rất hay, chuyên trị chứng băng huyết của đàn bà, uống với rượu nóng thì ngừng ngay. Phương thuốc đó Đại Thư ở đây đã biết, sao không dùng ?

Tây Môn Khánh đáp: .

- Phương thuốc đó đã được dùng rồi. Hôm qua Hồ đại doãn trong huyện này có tới thăm, đã bảo dùng phương thuốc đó. Nhưng uống vào, chỉ ngừng được có một ngày, đến hôm nay thì lại tiếp tục ra huyết, mà còn lại ra nhiều hơn là khác.

Hoa Tử Do nói:

- Thế thì nguy thật, có lẽ dượng nên lo chuyện hậu sự trước đi là vừa.

Nói dăm ba câu chuyện nữa thì Hoa Tử Di đứng dậy cáo từ.

Trong phòng Bình Nhi, Như ý và Nghênh Xuân ngồi bên,săn sóc cho chủ. Phùng lão tới thăm. Như ý hỏi:

- Phùng ma ma đi đâu mất mày mất mặt, chẳng đến thăm nương nương gì cả. Hôm qua gia gia có sai Lai An đi tìm ma ma, nhưng ma ma đi đâu mất. Tại sao vậy ?

Phùng lão đáp:

- Tôi quả là bận lắm cơ, hồi này ngày nào cũng lên chùa học Phật pháp, sáng sớm đã đi, tối mịt mới về. Gớm các hòa thượng Trương, Lý, Vương giảng thuyết hay lắm.

Như ý bảo:

- Ma ma có Vương hòa thượng thì ở đây cũng có Vương sư bà vậy.

Bình Nhi nằm im nghe hai người nói chuyện, nghe Như Y nói vậy thì mỉm cười, đoạn bảo:

- Phùng lão bây giờ phát khùng rồi.

Như ý bảo:

- Phùng ma ma thấy không? Cho gọi thì ma ma không lại, mấy hôm nay nương nương chẳng ăn uống nói năng gì cả, nhưng ma ma vừa đến đã khiến nương nương cười được rồi. Vậy thì ma ma ở lại đây hầu hạ nương nương vài ngày cho nương nương khỏe đi.

Phùng ma ma cười:

- Tôi đâu phải là thầy thuốc mà làm cho nương nương khỏe được.

Nói chuyện một hồi, Phùng lão luồn tay xuống dưới chăn sờ nắn người Bình Nhi rồi nói:

- Nương nương gầy ốm quá, phải làm sao ăn uống cho khỏe mới được.

Đoạn quay hỏi Nghênh Xuân:

- Nương nương có đại tiện tiểu tiện được không?

Nghênh Xuân đáp:

- Đại tiểu tiện như thường, không có gì lạ. Mấy hôm trước nương nương đại tiểu tiện ngay trên giường, nhưng bây giờ nương nương đã bước xuống giường, đại tiểu tiện vào bô được rồi. Một ngày cũng được hai ba lần.

Đang nói chuyện thì Tây Môn Khánh bước vào Tây Môn Khánh thấy Phùng lão thì nói ngay:

- Phùng lão đấy hả? Lão phải thường qua lại đây mới được, sao ta cho người gọi mà lão không tới?

Phùng lão vội lạy chào rồi đáp:

- Gia gia ơi, tôi nào dám không lại, có điều hồi này cũng bận rộn nhiều việc quá, có vậy thì mới thêm thắt chút đỉnh mà mua đồ ăn.

Tây Môn Khánh bảo:

- Đồ ăn thì thiếu gì, hôm qua gia nhân ở dưới quê lên có đem nhiều thịt cá thực phẩm lắm, lão vào nhà sau tất có phòng cho lão.

Phùng lão lạy tạ rồi vào nhà sau. Tây Môn Khánh ngồi xuống giường cạnh Bình Nhi. Nghênh Xuân đốt trầm hương,Tây Môn Khánh hỏi Bình Nhi:

- Hôm nay nàng thấy trong người thế nào?

Lại quay hỏi Nghênh Xuân:

- Nương nương từ sáng tới giờ đã ăn cháo chưa?

Nghênh Xuân đáp:

- Có ăn nhưng nương nương ăn ít lắm. Hồi nãy Vương sư phụ đem bánh tới, nương nương cũng chỉ ăn có vài miếng rồi thôi.

Tây Môn Khánh nói với Bình Nhi:

- Sáng nay tôi đã nhờ Ứng nhị ca ra ngoại thành mời Phan đạo sĩ nhưng đạo sĩ đi vắng, để sáng mai tôi lại sai Lai Bảo đi mới được.

Bình Nhi bảo:

- Chàng sai người mời mau mau giùm tôi đi, Tử Hư cứ theo đuổi quấy phá dọa nạt tôi hoài.

Tây Môn Khánh nói:

- Chẳng qua là tại tinh thần nàng suy nhược nên mới thành ra thế, từ nay dừng nghĩ gì tới hắn cả, tự nhiên sẽ không còn mộng mỵ vẩn vơ. Ngày mai mời Phan đạo sĩ tới đây làm phép trừ tà, rồi nàng uống thuốc là khỏi.

Bình Nhi nói:

- Chàng ơi, bệnh tôi nguy ngập như thế này, lại là thứ bệnh độc địa làm sao khỏi được. Mấy năm nay tôi được làm vợ chồng với chàng, những tưởng được êm ấm một đời, nào ngờ năm nay tôi mới hai mươi bảy tuổi mà đã phải chết. Số tôi thật khổ quá. Chắc là tôi không sống nổi để ở với chàng đâu, gặp lại chàng mau ở dưới suối vàng.

Nói xong, nắm chặt tay Tây Môn Khánh mà nức nở không thôi. Tây Môn Khánh xúc động ứa nước mắt mà bảo:

- Sao nàng lại nói vậy, nàng phải sống để sum họp với tôi chứ.

Hai người đang kể lể khóc thì Cầm Đồng vào thưa:

- Hạ Đề hình sai lính về hỏi là ngày mai là ngày rằm, tại nha môn có làm lễ, gia gia có tới không?

Tây Môn Khánh bảo:

- Lên thư phòng bảo viết thiếp, nói là Đề hình cứ tự động lo làm lễ, ta không tới được dâu.

Cầm Đồng vâng lời bước ra. Bình Nhi bảo:

- Chàng nên ra nha môn lo việc, đừng để bê trễ chuyện công. Tôi chẳng biết sống chết lúc nào, chỉ mong chết sớm cho chàng khỏi lo lắng bận rộn mà thôi.

Tây Môn Khánh bảo:

- Mấy ngày nay là tôi phải ở nhà với nàng chứ làm sao bỏ nàng mà đi được. Hoa đại cữu có nói với tôi là phải chuẩn bị sẵn chuyện hậu sự cho nàng đó.

Bình Nhi gật đầu bảo:

- Vậy là phải, nhưng chàng đừng hoang phí quá, cứ sai mua thứ tầm thường là được rồi. Chàng nhớ chôn tôi cạnh phần mộ của Đại nương ngày trước, chứ đừng hỏa táng. Tình chồng vợ, chàng lo được như vậy cho tôi là tôi mãn nguyện rồi.

Tây Môn Khánh càng nghe ruột càng đau như thắt, bèn khóc mà bảo:

- Nàng ơi, nàng đừng nói những chuyện thương tâm, tôi là Tây Môn Khánh, thề rằng chẳng bao giờ phụ nàng đâu.

Bỗng Nguyệt nương từ ngoài vào, tự tay bưng một cái quả đựng hoa quả và đồ ăn. Nguyệt nương tới gần Bình Nhi bảo:

- Lục muội à, Ngô Đại cữu mẫu bên tôi sai đem biếu muội muội ít đồ ăn đây.

Đoạn quay lại bảo Nghênh Xuân: .

- Người rửa sạch con dao rồi bổ mấy thứ hoa quả này cho nương nương ăn.

Bình Nhi gượng chống tay dậy nói:

- Cảm tạ Đại cữu mẫu bên đó đã phí tâm lo cho tôi.

Nghênh Xuân đem dao lên cắt trái cây cho Bình Nhi ăn.Bình Nhi ăn dược vài miếng thì nôn ra. Nguyệt nương sợ Bình Nhi liệt, vội chạy tới đỡ nằm xuống. Sau đó cùng Tây Môn Khánh trở lên thượng phòng nói chuyện Nguyệt nương bảo:

- Tôi thấy Lục muội khó lòng qua khỏi, chàng nên bảo gia nhân mua sẵn bộ áo thật tốt, để đến khi hữu sự, nhiều chuyện bận rộn, khỏi phải cuống quít.

Tây Môn Khánh đáp:

- Hoa đại cữu cũng bảo tôi như vậy. Vừa rồi tôi đem chuyện đó nói thì Bình Nhi dặn tôi là không nên mua thứ tốt phí tiền,chỉ nên mua loại thường mà thôi. Tôi nghe nói mà chảy nước mắt. Bây giờ thì cứ mời Phan đạo sĩ tới trước xem đã rồi lo chuyện hậu sự sau.

Nguyệt nương bảo:

- Chàng thật không hiểu gì, coi vậy mà còn hy vọng gì được nữa, việc hậu sự là phải tính trước, để khỏi bận rộn, còn nếu vạn nhất may mắn qua khỏi thì mình lại bán cho người khác, có thiệt gì đâu.

Tây Môn Khánh nói:

- Nàng tính vậy cũng được.

Đoạn trở ra đại sảnh, gọi Bôn Tứ vào bảo:

- Ngươi xem nơi nào có áo quan thật tốt thì cùng với Kính Tế đem tiền đi chọn mua một cỗ.

Bôn Tứ đáp:

- Huyện này thì chỉ nhà Trần thiên hộ là có gỗ tốt.

Tây Môn Khánh sai gọi Kính Tế vào bảo:

- Thưa với đại vương lấy năm đĩnh bạc, rồi cùng Bôn Tứ đi coi gỗ đặt làm áo quan.

Kính Tế vội vào thưa với Nguyệt nương, đem năm đĩnh bạc Nguyên Bảo ra, cùng đi với Bôn Tứ.

Mãi quá trưa hai người mới trở về thưa:

- Chúng tôi đã tới nhà Trần thiên hộ, nhưng gỗ ở đó chỉ hạng trung mà giá lại đắt, lúc trở về, trên đường tình cờ gặp Kiều thân gia, Kiều thân gia bảo là Thượng cử nhân có bộ áo tốt lắm, nguyên là dành cho người cha, bộ áo thật tốt mà tuyệt đẹp, định giá là ba trăm bảy chục lạng. Sau đó Kiều thân gia dẫn chúng tôi đến thương lượng với Thượng cử nhân. Vì sang năm Thượng cử nhân lên kinh đô thi hội nên cũng cần tiền, do đó mới chịu bớt năm chục lạng,Thật ra THượng cử nhân không muốn bán chút nào.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu đã do Kiều thân gia chọn giùm thì sao không trả tiền ngay còn về thưa lại làm gì.

Bôn Tứ và Kính Tế lại dắt nhau đi,mãi tới chiều mới chở bộ áo về, sai khiêng đặt trước thềm đại sảnh. Tây Môn Khánh bước ra coi kỹ, thấy quả là gỗ cực tốt,dày năm tấc,rộng ba thước năm tấc, dài bảy thước năm tấc. Xem xong hài lòng lắm,bèn sai gia nhân gọi Bá Tước đến để xem. Tây Môn Khánh hỏi:

- Thứ này coi được không?

Bá Tước coi kỹ càng, khen ngợi không thôi rồi đáp:

- Cỗ áo này quả là cỗ áo nhân duyên. Người ta nói lấy chồng nhờ phúc. Lục tẩu làm bạn với đại ca nên mới được cỗ áo này.

Đang nói chuyện thì dám thợ làm áo quan tới, kéo nhau đến trước sảnh lạy chào,Bá Tước dặn:

- Bọn người ráng làm cho đẹp, quan nhân đây sẽ thưởng cho năm lạng.

Đám thợ cảm tạ, đáp:

- Dạ, chúng tôi xin hết lòng.

Nói xong kéo nhau ra bắt tay ngay vào việc làm suốt ngày đêm hôm đó.

Bá Tước lại dặn Lai Bảo:

- Canh năm sáng mai nhớ đi mời Phan đạo sĩ ngay rồi cùng đạo sĩ về đây cho mau.

Nói xong cùng Tây Môn Khánh đứng trên thềm đại sảnh coi sóc đám thợ làm quan tài cho đến canh một mới cáo từ về nhà.

Tây Môn Khánh dặn:

- Sáng mai nhớ tới sớm,có thể Phan đạo sĩ cũng tới đây sớm.

Bá Tước đáp:

- Vâng,tôi biết rồi.

Nói xong vái chào mà về.

Tối hôm đó, Vương sư bà và Phùng lão đang trò chuyện với Bình Nhi thì Tây Môn Khánh tới thăm rồi muốn ngủ tại đó, nhưng Bình Nhi không chịu bảo rằng:

- Nơi này đã có mấy người đây bầu bạn với tôi rồi, chàng ngủ lại không tiện, chàng tới phòng khác nghỉ đi.

Tây Môn Khánh thấy vậy, mới qua phòng Kim Liên.Bình Nhi sai Nghêh Xuân đóng chặt cửa ngỏ trong ngoài lại,rồi sai mở rương đem vải lụa ra để trên bàn, gọi Vương sư bà lại tặng năm lạng bạc và một xấp lụa mà bảo:

- Sau khi tôi chết thì sư phụ mời vài sư phụ nửa tụng kinh siêu độ cho tôi.

Vương bà nói:

- Xin nương nương đừng nghĩ quẩn ,trời Phật có mắt, sẽ phù hộ độ trì cho nương nương khỏi bệnh mà.

Bình Nhi bảo:

- Mình tôi, tôi biết chứ, sư phụ cứ nghe theo lời tôi là được. Cũng đừng cho Đại nương biết là tôi tặng sư phụ tiền bạc chỉ nói là tôi tặng xấp lụa thôi.

Vương sư bà đáp:

- Vâng,tôi biết rồi .

Nói xong bỏ bạc vào tay áo. Bình Nhi lại gọi Phùng lão tới lấy bốn lạng, một cái áo đoạn bạch, một chiếc quần sa lục ra cho mà bảo: .

- Phùng lão à, lão là người cũ của tôi, theo tôi từ lúc tôi còn nhỏ tới giờ. Bây giờ tôi chết đi chẳng có gì cho lão chỉ có bộ quần áo này tặng lão để làm kỷ niệm. và số bạc này thì để lão mua quan tài. Để tôi nói với gia gia, cho lão ở bên đó coi nhà cho đến khi lão chết.

Phùng lão vừa đưa tay nhận quần áo tiền lạí,vừa khóc nôi :

- Số tôi chắc không may, theo nương nương từ lâu mà bây giờ giữa đường chủ tớ chia lìa nhưng nương nương còn sống ngày nào thì nương nương vẫn là chủ tôi, còn chẳng may nương nương mệnh hệ nào thì tôi biết nhờ cậy vào đâu.

Bình Nhi lại gọi Như ý tới, cho một cái áo lụa tím, một cái quần lụa lam và hai cây trâm vàng mà bảo:

- Ngươi chẳng gì cũng là người nuôi nấng ca nhi từ bấy đến nay. Ca nhi có chết, nhưng còn ta ngày nào thì ngươi hầu hạ ta ngày đó. Nay ta có chết đi, ta cũng không quên ngươi. Để ta nói với gia gia và Đại nương để ngươi ở lại đây, nay mai Đại nương sinh ca nhi hoặc tiểu thư thì ngươi lại hầu hạ Đại nương. Nay ta có chút đỉnh kỷ vật này tặng ngươi, ngươi đừng chê ít.

Như ý quỳ trước giường lạy tạ rồi khóc mà nói rằng:

- Tôi chỉ nguyện được hầu hạ nương nương suốt đời, nay nhất đán nương nương thất lộc, thật là tôi bạc phước quá. Nương nương có thương thì thưa giùm với Đại nương rằng tôi chồng con không có, sống chết chẳng biết nương tựa vào đâu, nếu gia gia và Đại nương không thương tình thì rồi tôi biết về đâu?

Nói xong nhận quần áo và trâm vàng lại lạy tạ rồi đứng sang một bên gạt lệ. Bình Nhi lại gọi Nghênh Xuân và Tú Xuân tới. Hai đứa quỳ bên giường, nước mắt lã chã. Bình Nhi bảo:

- Hai đứa ngươi bấy lâu hết lòng hầu hạ ta, ta cũng mến lắm, nay ta chết đi, cũng thương hai người vô cùng,hai người quần áo không thiếu gì, nên ta tặng mỗi đứa một đôi trâm vàng và một đôi thoa bạc để làm kỷ vật. Nghênh Xuân là đại a hoàn để ta nói với gia gia cho ngươi hầu hạ Đại nương. Còn Tú Xuân thì để Đại nương xem nhà nào tử tế thì cho ngươi tới đó, bớt được những lời khó chịu ở đây. Ta có chết cũng phù hộ cho ngươi.

Tú Xuân bật khóc lớn:

- Nương nương ơi, tôi dẫu chết cũng không chịu đi khỏi đây đâu

Bình Nhi ôn tồn:

- Ngươi ngốc quá, ta chết rồi, ngươi còn ở đây với ai?

Tú Xuân khóc đáp:

- Tôi chăm lo bàn thờ cho nương nương.

Bình Nhi cười buồn:

- Bàn thờ của ta chắc không để được lâu, thế nào cũng có ngày bị người ta đốt, lúc đó thì ngươi cũng phải đi.

Tú Xuân lại nói: .

- Nếu vậy thì để tôi cùng Nghênh Xuân hầu hạ Đại nương.

Bình Nhi bảo:

- Vậy cũng được, để ta nói cho.

Tú Xuân lạy tạ. Nghênh Xuân thì từ nãy tới giờ chỉ phục xuống mà khóc, không nói được tiếng nào. Bình Nhi cùng đám gia nhân cứ khóc than tâm sự cho tới gần sáng, mới mệt mỏi,ngủ thiếp đi được một lát.

Sáng sớm hôm sau, Tây Môn Khánh sang thăm, Bình Nhi hỏi:

- Đã lo áo quan cho tôi chưa?

Tây Môn Khánh đáp:

- Chiều lòng nàng nên đã cho mua gỗ quý về rồi, thợ đang làm. Nhưng nàng qua khỏi thì để lại cho người khác.

Bình Nhi hỏi:

- Bao nhiêu tiền vậy? Đừng nên phí phạm mới được, trong nhà đông người, tiền bạc cần nhiều, để mà sống còn hơn.

Tây Môn Khánh nói:

- Có bao nhiêu đâu, chỉ trăm lạng mà thôi.

Bình Nhi bảo:

- Vậy cũng còn là nhiều quá.

Tây Môn Khánh nói vài câu chuyện nũa rồi ra ngoài coi thợ làm quan tài.

Lát sau Nguyệt nương cùng Kiều Nhi vào thăm, thấy Bình Nhi nhợt nhạt hẳn đi vội hỏi:

- Lục muội thấy trong mình thế nào?

Nói xong ngồi xuống giường. Bình Nhi nắm tay Nguyệt nương khóc mà nói:

- Đại nương ơi, tôi không sống được đâu.

Nguyệt nương cũng khóc mà bảo:

- Lục muội có cần nói gì không? Có cả Nhị muội ở đây. Cần dặn gì thì lục muội cứ nói cho hai chúng tôi nghe.

Bình Nhi nghẹn ngào:

- Biết nói gì với Đại nương bây giờ? Mấy năm nay được làm chị em với đại nương, tôi hoàn toàn mãn nguyện, chỉ mong được làm chị em cho tới lúc già. Nào ngờ số tôi ngắn ngủi, nay bất hạnh gặp bệnh này mà chết thật đau xót biết bao. Sau khi tôi chết đi, hai đứa a hoàn không ai cai quản. Nhưng Nghênh Xuân là người của gia gia nên tất được sang hầu hạ Đại nương, còn Tú Xuân thì cũng ngoan hiền, xin Đại nương mở lòng cho nó ở lại hầu hạ, nếu không thì kiếm người nào tốt mà gả cho nó làm chồng một vợ một, khỏi để cho người ta chửi nó là đứa ở không chủ. Nhũ mẫu Như Ý cũng nhất định khóc lóc không chịu đi, vậy xin Đại nương thương tôi mà cho nó ở lại. Dù sao thì nó cũng nuôi nấng ca nhi bấy lâu, nó hiền lành khéo léo, nay mai Đại nương sanh hạ ca nhi hoặc tiểu thư thì để nó lại săn sóc.

Nguyệt nương gạt nước mắt đáp:

- Mình nói chuyện đây là nói hung được cát, nhưng Lục muội cứ yên lòng. Nghênh Xuân thì để nó về phòng tôi, còn Tú Xuân thì để về hầu hạ Nhị muội đây cũng được. Còn nhũ mẫu Như Ý thì nếu không muốn đi vì không nơi nương tựa, tôi sẽ gả cho một gia nhân nào trong nhà, cấp cho chỗ ở mà tiếp tục hầu hạ, chứ sau này không biết tôi có con hay không có con, nên cũng không cần phải có nhũ mẫu trước.

Kiều nhi ngồi bên cũng nói:

- Lục muội cứ an tâm, tôi sẽ cho Tú Xuân về hầu hạ tôi, tôi sẽ quý mến nó như muội muội quý mến nó vậy. Mọi việc trong nhà này đều do hai chị em tôi đây mà thôi, điều đó thì muội muội đã biết rồi.

Bình Nhi gọi Như Ý cùng Nghênh Xuân, Tú Xuân ra lạy tạ Nguyệt nương và Kiều Nhi. Nguyệt nương chỉ ngồi bên mà khóc.

Lát sau thì Ngọc Lâu,Tuyết Nga và Kim Liên cùng tới thăm Bình Nhi cũng nói vài câu về tình chị em. Khi mọi người đã ra hết chỉ còn một mình Nguyệt nương, Bình Nhi mới khóc nói:

- Đại nương nên gắng làm hài lòng gia gia để sống cùng gia gia tới lúc bạc đầu, đừng giống như tôi để cho người ta ám hại.

Nguyệt nương chỉ gật đầu khóc mà bảo:

- Muội muội cứ yên lòng, tôi nhớ rồi.

Câu nói chí tình của Bình Nhi khiến Nguyệt nương xúc động mà nhớ mãi.

Chị em đang khóc lóc thì Cẩm Đồng xuống báo là Phan đạo sĩ đã tới và dặn là phải lo dọn dẹp sạch sẽ phòng ốc.Nguyệt nương bèn tự đứng ra đôn đốc a hoàn sửa soạn các thứ rồi sai chuẩn bị trà nước và đốt hương Bách Hợp Chân. Đám tiểu thiếp nghe nói có Phan đạo sĩ tới, cũng kéo đến rồi cùng Nguyệt nương lui vào trong nhìn ra. Lát sau Tây Môn Khánh dẫn Phan đạo sĩ xuống. Phan đạo sĩ mặt mũi không giống người thường, đầu đội mũ Vân hà Ngũ nhạc, mình mặc đạo bào, lưng thắt dây tạp sắc, lưng đeo kiếm Cổ đồng, chân đi hài Nhĩ ma, tay cầm quạt Ngũ minh hàng quỷ. Mi rậm mọc dài sụp cả xuống mắt, râu tóc che kín cả má và miệng, tướng mạo dưỡng đường, uy nghi lẫm lẫm.Tới gần phòng Bình Nhi, tự nhiên Phan đạo sĩ thối lui hai bước, đáng điệu như người giật mình, sau đó đứng lại, gia nhân vén rèm lên. Tây Môn Khánh mời vào, đạo sĩ rút kiếm cầm tay bước xồng xộc vào gần giường Bình Nhi rồi mới trở vào phòng khách, nơi đây đã thiết lập sẵn hương án. Tây Môn Khánh đích thân bước tới thắp hương cầu khẩn. Phan đạo sĩ uống một ngụm rượu rồi phun ra làm phép gọi âm binh thần tướng. Phút chốc một trận cuồng phong ào tới,thấp thoáng ẩn hiện bóng dáng binh tướng trùng trùng. Phan đạo sĩ quát lên:

- Trong nhà họ Tây Môn có Lý thị bất an nên phải nhờ đến ta, thổ thần thổ công cùng bản gia lục thần hãy vì ta tra xét xem tà ma nào dám quấy nhiểu như vậy, rồi tức thời giam giữ lại cho ta, không được chậm trễ.

Lúc lâu sau, Phan đạo sĩ ngồi ngay gần hương án,rút lệnh bài ra, làm như dáng điệu của vị quan hạch hỏi tội nhân. Lát sau bước ra.

Tây Môn Khánh mời lên đại sảnh hỏi đầu đuôi. Phan đạo sĩ lắc đầu bảo:

- Nương nương đây là do oan khiên túc thế chứ không phải do tà ma, do đó không thể bắt được vong hồn quấy phá.

Tây Môn Khánh lo lắng hỏi:

- Nếu vậy thì pháp quan có thể cũng giải được chăng ?

Phan đạo sĩ lắc đầu:

- Đã là oan gia trái chủ thì âm quan cũng không giúp đỡ gì được.

Đoạn lại hỏi:

- Nương nương năm nay niên kỷ bao nhiêu ?

Tây Môn Khánh đáp:

- Tiểu thiếp năm nay hai mươi bảy tuổi.

Phan đạo sĩ bảo:

- Thôi được, để tôi cúng sao bản mệnh cho nương nương xem ngôi sao đó như thế nào.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Vậy thì chừng nào làm lễ, và cần dùng những thứ gì, xin pháp quan cho biết đầy đủ để chúng tôi lo.

Phan đạo sĩ đáp:

- Canh ba đêm nay tôi sẽ làm lễ, phải dùng vải vàng để quây quanh lễ đàn, dùng sinh thần đàn đẩu mà trấn, dùng ngũ cốc cực thang mà tế, không dùng rượu, lại làm một ngọn đèn bản mệnh. Như vậy là không cần những vật dụng nào khác. Có điều là quan nhân phải trai giới, phủ phục trước lễ đàn để tôi tế gà chó trong nhà phải nhốt kỹ lại một nơi.

Tây Môn Khánh nhất nhất dặn lại gia nhân làm đúng theo lời, rồi đi tắm rửa trai giới, nằm chờ tại thư phòng. Bá Tước được mời lại để thù tiếp Phan đạo sĩ dùng tiệc chay.

Tới gần canh ba thì mọi chuyện đã chuẩn bị xong xuôi, lễ đàn cũng đã chỉnh tề. Phan đạo sĩ ngồi trên cao, trước mặt là ngọn đèn bản mệnh của Bình Nhi, hai bên là thanh long bạch hổ,chu tước huyền vũ, bên trên là tam đài hoa cái, xung quanh là thập nhị cung thần. Tây Môn Khánh phủ phục trước đàn, gia nhân bị đuỗi hết ra, không một ai được lai vãng. Đèn nến thắp lên sáng trưng. Trên pháp tòa, Phan đạo sĩ xõa tóc cầm kiếm mềm thần chú, rồi bước mấy bước là bắt quyết. Tự nhiên ngoài trời đang trăng sáng bỗng tối tăm mù mịt cơn gió lạ nổi lên ba lần, rồi một luồng khí lạnh thổi vào, làm tắt phụt ngọn đèn bản mệnh của Bình Nhi. Trên pháp đàn, rõ ràng Phan đạo sĩ thấy một người mặc áo trắng dẫn hai người mặc áo xanh bước vào.

Người áo trắng tay cầm một tờ giấy cuộn lại, để lên hương án.Phan đạo sĩ mở ra coi thì thấy đó là một văn kiện của âm phủ, có triện đóng đàng hoàng. Coi xong, Phan đạo sĩ lật đật bước xuống pháp đàn, gọi Tây Môn Khánh đứng dậy mà bảo:

- Xin quan nhân khởi thân, nương nương có tội với trời nên không thể cầu đảo gì được nữa. Đèn bản mệnh đã tắt, vô phương cứu chữa. Như vậy là nương nương chỉ còn sống trong một sớm một chiều mà thôi.

Tây Môn Khánh nghe xong cứ phủ phục, nước mắt lã chã,lát sau mới ngẩng lên nói:

- Dầu sao thì cùng xin pháp sư tận tình cứu cho.

Phan đạo sĩ lạnh lùng:

- Số mệnh đã như vậy, không cầu đào cứu chữa gì được nữa.

Nói xong có ý cáo từ, nhưng Tây Môn Khánh khẩn khoản lưu giữ mà bảo:

- Bây giờ quá khuya rồi, để trời sáng pháp sư về cũng được.

Phan đạo sĩ nói:

- Không ở được thì đi,đó là lẽ tự nhiên, chẳng cần biết là khuya hay không.

Tây Môn Khánh thấy vậy cũng không dám ép, bèn sai lấy ba lạng bạc và một xấp vải để tạ ơn, nhưng Phan đạo sĩ nói:

- Bần đạo thi hành đạo trời, đã thề với trời là không ham tiền của thế gian nên không dám nhận.

Tây Môn Khánh vật nài mãi. Phan đạo sĩ mới sai hề đồng nhận xấp vải, còn bạc thì trả lại. Lúc đứng dậy, Phan đạo sĩ dặn:

- Quan nhân không nên vào phòng người bệnh, e họa vào thân, lời tôi dặn, quan nhân phải thận trọng nghe theo mới được.

Nói xong vái chào, đem hề đồng đi. Tây Môn Khánh định thân tiễn ra cổng nhưng không kịp, Phan đạo sĩ đã phất tay áo mà đi như gió cuốn.

Tây Môn Khánh quay vào sai gia nhân dọn dẹp lễ đàn, lòng buồn khổ vô cùng, rồi trở lên đại sảnh, chỉ nhìn Bá Tước mà rơi lệ, Bá Tước bảo:

- Người ta ai cũng có số mệnh, số mệnh đã định rồi thì không còn cách nào nữa. đại ca cũng chẳng nên quá bi thương.

Nhân lúc đó đã khoảng canh tư, Bá Tước bảo:

- Đại ca mệt nhọc, nên đi nghỉ thôi, tôi cũng về nhà, mai tôi sẽ lại đây sớm.

Tây Môn Khánh bảo: .

- Để gia nhân nó cầm đèn đưa nhị ca về.

Đoạn quay lại sai Đại An lấy đèn đưa Bá Tước về.

Bá Tước về rồi, Tây Môn Khánh vào thư phòng một mình một bóng nghĩ ngợi lung tung. Lát sau nghĩ rằng:

"Pháp sư dặn mình là không được vào phòng Bình Nhi, nhưng làm sao mình nhẫn tâm như vậy được. Dù có chết, mình cũng phải vào nói với nàng mấy câu sau cùng".

Một lúc sau, xuống phòng Bình Nhi. Tây Môn Khánh thấy nàng đang nằm thiêm thiếp quay mặt vào trong. Nghe biết Tây Môn Khánh tới, Bình Nhi trở mình, day mặt ra hỏi:

- Chàng ơi, sao chàng không vào đây với tôi, Đạo sĩ tế xong chưa? Có nói gì không?

Tây Môn Khánh bảo:

- Không sao đâu, nàng cứ yên lòng.

Bình Nhi bảo:

- Không phải,chàng nói dối tôi rồi, vừa nãy Tử Hư dẫn hai người lạ tới đây làm ầm lên, bảo là tôi mời pháp sư tới để bắt hắn, nhưng hắn đã thưa tại âm ty, nhất định không chịu buông tha tôi, ngày mai sẽ tới bắt tôi. Nói xong hắn tức giận bỏ đi.

Tây Môn Khánh nghe xong bật khóc mà bảo:

- Nàng ơi, tôi chỉ mong có nàng làm bạn cho tới bạc đầu, ngờ đâu nàng bỏ tôi đi sớm như vậy.

Nói xong phục xuống bên giường khóc ngất. Bình Nhi xúc động ôm lấy đầu Tây Môn Khánh mà khóc. Lát sau mới nức nở mà bảo:

- Chàng ơi, tôi cũng chỉ nguyện được bên chàng tới lúc răng long đầu bạc, nhưng tôi không có phúc, bây giờ gần đất xa trời, tôi muốn nói với chàng vài câu,gia đình này lớn, nhiều công việc, mà chàng lại một thân một mình, không ai giúp đỡ,cho nên phàm việc gì, cũng phải từ tốn thận trọng, không nên nóng nẩy mà có hại. Đại nương là người tốt, sau này sẽ sinh con trai cho chàng. Bây giờ chàng đang làm quan, thì nên bớt đi ăn uống bên ngoài,nếu bắt buộc phải đi thì cũng nên về nhà sơớ m.Gia sự phức tạp, tôi còn sống thì lo giúp chàng, nay chết đi thì cũng có vài lời khuyên chàng,chứ còn ai để tâm mà nói cho chàng hay.

Tây Môn Khánh nghe xong như dao đâm trong lòng, khóc mà nói:

- Nàng ơi, những điều nàng vừa nói, tôi xin ghi nhớ, nàng đừng quá lo âu cho tôi. Tây Môn Khánh này bạc phúc, không cùng nàng được làm vợ chồng cho đến lúc trọn đời, thật là trời giết tôi vậy.

Bình Nhi lại nói tới chuyện Nghênh Xuân, đoạn nói thêm:

- Tôi cũng đã thưa với Đại nương rồi. Tôi chết thì để Nghênh Xuân hầu hạ Đại nương, còn Tú Xuân thì Nhị nương đã gia ơn cho nó được hầu hạ rồi. Nhị nương hiện cũng thiếu người sai bảo,thôi để Tú Xuân nó về hầu hạ cũng được.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nàng cứ yên tâm, nàng có mệnh hệ nào thì trong nhà này không ai dám xua đuổi những gia nhân a hoàn từng hầu hạ nàng đâu. Đến ngay cả nhũ mẫu cũng nên giữ lại, để tôi bảo nó coi sóc bàn thờ cho nàng.

Bình Nhi nói:

- Việc gì mà phải lập bàn thờ, rước thần chủ của tôi về năm ba ngày rồi cho hỏa thiêu linh vị là được rồi.

Tây Môn Khánh nói ngay:

- Sao nàng lại nói vậy, Tây Môn Khánh này còn sống ngày nào thì còn lo thờ phụng nàng ngày đó.

Nói vài ba câu chuyện nữa.Bình Nhi bảo:

- Thôi,chàng đi ngủ đi, khuya quá rồi.

Tây Môn Khánh đáp:

- Tôi không ngủ đâu, tôi ở đây với nàng

Bình Nhi bảo:

- Tôi chưa chết sớm đâu, vả lại nơi này ô uế, chàng ở lại không tiện.

Tây Môn Khánh bất đắc dĩ phải trở về phòng Nguyệt nương, sau khi đã dặn a hoàn coi sóc Bình Nhi cẩn thận.

Tây Môn Khánh trò chuyện với Nguyệt nương vài câu rồi nói:

- Vừa rồi, tôi có tới thăm Bình Nhi, thấy nói năng tỉnh táo lắm, biết đâu trời thương mà để sống.

Nguyệt nương bảo:

- Chàng thật không biết gì cả, mắt thì lạc cả tinh thần, môi thì khô tím đi như vậy mà còn hy vọng nỗi gì, tôi cho là chỉ còn trong sớm chiều mà thôi. Còn chuyện nói năng tỉnh táo, tức là đã gần tới lúc rồi đó.

Tây Môn Khánh ngậm ngùi bảo:

- Bình Nhi về nhà này mấy năm, người trên kẻ dưới, chẳng làm mất lòng một ai, thật là người tốt vô cùng, vậy mà...

Nói tới đó lại nghẹn ngào mà khóc. Nguyệt nương cũng xúc động, nước mắt lã chã tuôn rơi.

Trong khi đó. Bình Nhi hỏi gia nhân:

- Bây giờ là canh mấy rồi?

Nghênh Xuân đáp:

- Gà chưa gáy, chắc chỉ mới quá canh tư.

Bình Nhi bảo Nghênh Xuân đắp chăn cho mình rồi cho đi ngủ. Vương sư bà cùng đám gia nhân cũng đi ngủ.

Nghênh Xuân thì ngồi dựa ngay chân giường Bình Nhi mà chợp mắt. Đang lúc mơ màng thì thấy Bình Nhi tụt xuống giường, lay vai Nghênh Xuân mà bảo:

- Các ngươi ở lại coi nhà nhé, ta đi đây.

Nghênh Xuân hoảng hốt đứng dậy, thì giật mình tỉnh mộng, vội tới bên giường, đưa tay lên mũi Bình Nhi, thì thấy hơi thở không còn nữa. Ngọn đèn trên bàn vẫn leo lét cháy.

Thương thay cho Bình Nhi một người tuyệt sắc giai nhân, mà cuộc đời ngẫm lại chỉ như giấc mộng. Nghênh Xuân kêu khóc rầm rĩ, đánh thức mọi người dậy, rồi khêu đèn to lên, đem tới gần giường coi kỹ, thì thấy Bình Nhi quả đã ra người thiên cổ, mặt giường, huyết ra lênh láng từng vũng.

Đám a hoàn vừa kêu khóc vừa chạy vào phòng Nguyệt nương báo hung tin. Tây Môn Khánh và Nguyệt nương lật đật chạy xuống, kéo tấm chăn phủ mặt ra, thấy nét mặt Bình Nhi vẫn bình thản như lúc còn sống, hơi thở đã dứt nhưng thân thể vẫn còn hơi âm ấm. Tây Môn Khánh xúc động khôn cùng, ôm lấy đầu Bình Nhi mà khóc:

- Nàng ơi, con người nhân nghĩa, nhiều tính tốt mà chết như thế này sao? Nàng bỏ tôi mà đi tức là giết tôi rồi, nàng có biết không? Tôi chắc cũng không sống lâu được đâu.

Nói xong lại vật mình than khóc. Nguyệt nương cũng khóc nức nở mà không nói được lời nào. Ngay sau đó, Kiều Nhi, Ngọc Lâu, Tuyết Nga, Kim Liên cùng gia nhân đầy tớ lớn nhỏ trong nhà cũng kéo đến khóc lóc, tiếng khóc vang động cả một vùng.

Nguyệt nương bảo:

- Không biết Lục muội đi vào giờ nào, sao không mặc áo cho tử tế.

Ngọc Lâu sờ vào người Bình Nhi rồi nói:

- Người hãy còn âm ấm, mới đi đây thôi. Lúc này mình không thay xiêm áo sạch cho Lục muội thì còn đợi gì nữa.

Trong khi đó Tây Môn Khánh cứ gục lên người Bình Nhi mà khóc:

- Nàng ơi, nàng ở với tôi trong vòng ba năm, chẳng mất lòng ai bao giờ, nay nàng đi thật là trời hại tôi, mà cũng là tôi đã hại nàng.

Nguyệt nương thấy vậy hơi phật ý bảo:

- Người ta đã chết rồi, chàng chỉ nên khóc vài tiếng là đủ, không nên ôm ấp như thế, e tử khí lây vào người không tốt, người ta ai cũng có số, làm sao giữ lại được.

Đoạn quay sang bảo Kiều Nhi và Ngọc Lâu :

- Hai muội muội lấy chìa khóa mở tủ chọn ít xiêm áo mới ra để thay cho lục muội.

Lại bảo Kim tiên:

- Còn tôi với Ngũ muội thì chải lại đầu tóc cho Lục muội.

Tây Môn Khánh ngẩng dậy bảo Nguyệt nương:

- Chọn những xiêm áo nào ngày thường Bình Nhi thích nhất, thì lấy ra mà thay.

Nguyệt nương bảo Kiều Nhi và Ngọc Lâu:

- Vậy thì lấy cái áo mới may bằng gấm đại hồng và cái quần bằng gấm màu liễu lục, cùng với bộ quần áo do Kiều thân gia tặng cho Lục muội lúc trước, lại lấy thêm cả cái áo đoạn bạch và cái quần lụa hoàng yến, mới may nữa.

Nghênh Xuân cầm đèn, Ngọc đâu cầm chìa khóa. Cùng Kiều Nhi mở rương tìm ba bộ quần áo cho Bình Nhi. Kiều Nhi ôm tất cả tới giường Bình Nhi. Nguyệt nương coi qua rồi tiếp tục cùng Kim Liên chải đầu, dùng trâm vàng cài tóc cho Bình Nhi. Kiều Nhi hỏi:

- Còn hài thì dùng hài gì?

Kim Liên nói:

- Thường ngày Lục thư vẫn thích đôi hài đại hồng gót cao, đôi đó Lục thư mới chỉ mang được có hai lần. Nên lấy ra đi cho Lục thư.

Nguyệt nương bảo:

- Không được đâu, đôi đó mang xuống âm ty làm sao được, lấy đôi hài tím đế bằng cho dễ đi.

Kiều Nhi vội bảo Nghênh Xuân lấy ra. Mọi người xúm nhau mà lo cho Bình Nhi, chỉ lát sau thì đầu tóc quần áo cho Bình Nhi đã chỉnh tề.

Tây Môn Khánh sai gia nhân dọn dẹp đại sảnh, rồi cho đem thi hài Bình Nhi lên, đặt ở giữa, trước có hương án, gia nhân đứng hầu hai bên để thắp hương.

Đại An cũng được sai đi mời Từ tiên sinh tới coi ngày giờ đất cát.

Nguyệt nương sai quét dọn tòa nhà Bình Nhi ở rồi cho khóa hết các cửa lại, chỉ dành một phòng nhỏ để gia nhân ở đó coi nhà. Phùng lão cùng nhũ mẫu và hai a hoàn thấy chủ đã chết thì cứ vật mình lăn khóc thảm thiết, khóc tới tắt cả tiếng, khô cả nước mắt, chỉ thấy miệng há ra mà không nghe thấy tiếng gì cả.

Vương bà thì luôn miệng tụng kinh cho Bình Nhi, từ kinh Mật Đa tâm, kinh Dược sư,tới kinh Giải quan, kinh Lăng Nghiêm. Trong khi đó, Tây Môn Khánh cứ đấm vào ngực mình, rồi lại ôm lấy thi hài Bình Nhi mà khóc đến khan tiếng trên đại sảnh.

Gà gáy sáng thì Từ tiên sinh tới,lễ rồi nói với Tây Môn Khánh:

- Xin thành kính phân ưu cùng lão gia, phu nhân đi vào lúc nào?

Tây Môn Khánh gạt lệ đáp:

- Giờ giấc thì không rõ lắm, lúc tôi đi ngủ thì khoảng canh tư. Sau đó thì gia nhân a hoàn cũng mệt mõi ngủ thiếp đi, thành thử không biết chắc tiểu thiếp tôi đi vào giờ nào.

Từ tiên sinh bảo:

- Không sao, để tôi coi.

Nói xong bước tới gần thi hài bình Nhi, lật mặt vạch mắt coi rồi quay ra nói:

- Như vậy là phu nhân đây đi vào lúc canh năm hai khắc.

Tây Môn Khánh sai lấy giấy bút ra .Từ tiên sinh viết rằng:

"Cố Cẩm Y Tây Môn phu nhân chi tang phu nhân họ Lý, sinh giờ ngọ ngày rằm tháng giêng, nam Tân mùi, mất giờ Sửu ngày mười bảy, tháng chín năm Đinh Dậu."

Đoạn ngẩng lên nói:

- Hôm nay là ngày Bính Tý, tháng Mậu Tuất, như vậy là phạm vào Thiên dịa vãng vong, trong nhà nên tránh tiếng khóc, như vậy sau đám tang, trong nhà mới không bị tai ương. Trong lúc tẩn liệm thì kỵ những người tuổi long, hổ, kê. xà.

Nguyệt nương lại bảo Đại An nhờ Từ tiên sinh coi sách xem Bình Nhi sẽ đi về đâu. Từ tiên sinh mở sách ra coi rồi bảo:

- Chết vào giờ Sửu, ngày Bính Tý, thế này là ứng vào Bảo Bình cung. Kiếp trước là con của nhà họ Vương ở Tân Châu, có đánh chết một con dê cái đương có mang. Nay sinh làm con gái nhưng thuộc tuổi Mùi, tuy lấy được chồng quý nhân, nhưng luôn luôn bệnh tật, sinh con thì yểu vong, rồi vì buồn giận mà chết. Nay chết đi thì chín ngày sau sẽ đầu thai làm con gái nhà họ Viên ở phủ Khai Phong, nhà nghèo khó gian nan, đến năm mười hai tuổi thì được gả bán cho một phú ông, được hưởng sung sướng, thọ bốn mươi hai tuổi.

Nguyệt nương và đám tiểu thiếp nghe xong đều than thở không thôi. Tây Môn Khánh lại nhờ xem ngày giờ an táng. Từ tiên sinh hỏi:

- Lão gia định quàn tại nhà bao lâu?

Tây Môn Khánh khóc mà đáp:

- Tôi không nỡ chôn ngay, có lẽ cũng phải quàn tại nhà năm bảy ngày.

Từ tiên sinh mở sách coi rồi bảo:

- Lão gia yên tâm, có thể quàn tại nhà lâu được. Giờ Ngọ ngày mồng tám tháng mười, giờ Mùi thì an táng. Có vậy thì mới không phạm vào người nào trong gia đình.

Tây Môn Khánh bảo:

- Ngày mười hai đưa đám cũng được.

Từ tiên sinh lại viết giấy để phủ lên người cho Bình Nhi, rồi trở ra nói:

- Giờ Thìn ngày mười chín thì cho tẩm liệm.

Đoạn cáo từ mà về. Lúc đó trời đã sáng rõ. Tây Môn Khánh tiễn Từ tiên sinh, rồi trở vào sai Đại An cưỡi lừa ra ngoại thành báo tin cho Hoa Đại cữu,đồng thời phân phối gia nhân, sai báo tin cho các thân bang quyến thuộc biết. Sau đó lại sai gia nhân ra nha môn thưa với Hạ Đề hình xin nghỉ, lại sai ra liệm vải lụa ở đường Sư Tử lấy về hai chục xấp lụa trắng để may tang phục cho mọi người trong nhà. Phó may họ Triệu và nhiều thợ may khác được gọi tới để may cắt cấp kỳ. Lại bỏ ra một trăm lạng, sai Bôn Tứ ra ngoại thành mua lụa quý để tẩm liệm.

Tây Môn Khánh nhớ tới Bình Nhi, từ nét mày khuôn mặt, chẳng muốn xa rời, chợt nghĩ ra một chuyện liền cho gọi Lai Bảo tới hỏi :

- Ở đâu có họa sĩ tài ba thì mời lại đây để vẽ cho Lục nương một bức truyền thần. Ta quên mất đấy.

Lai Bảo nói :

- Lúc trước có Hàn tiên sinh, truyền thần rất giỏi, Hàn tiên sinh nguyên là Họa sĩ trong điện Tuyên Hòa, nhưng nay bị cách chức nằm nhà.

Tây Môn Khánh bảo: .

- Vậy thì ngươi biết Hàn tiên sinh ở đâu, mời lại đây ngay cho ta.

Lai Bảo vâng lời đi ngay.

Tây Môn Khánh sau nhiều ngày lo lắng, nhiều đêm mất ngủ, nay Bình Nhi chết lại thương tâm xúc cảm nên tinh thần rối loạn, gắt gỏng ầm ĩ, đánh mắng gia nhân, rồi lại quay vào ôm lấy thi hài Bình Nhi mà khóc. Đại An đứng bên, cũng im lặng mà khóc. Nguyệt nương bận rộn chỉ huy đám tiểu thiếp và gia nhân lo việc, thấy Tây Môn Khánh quá bi cảm, quên cả uống trà buổi sáng, khóc đến khan cả tiếng, bèn tới bảo:

- Chàng việc gì phải quá bi thương như vậy, người chết đã chết rồi, khóc mấy cũng không sống lại được. Suốt mấy đêm nay chàng không ngủ, đầu không chải, mặt không rửa, cơm nước không uống không ăn, đến sắt đá cũng không chịu nổi đừng nói là người. Bây giờ chàng nên rửa mặt, chải đầu rồi ăn uống cái gì cho khỏe thì mới lo việc được, chứ nhưng mà ốm đau nằm một chỗ rồi công việc đây biết làm sao?

Ngọc Lâu hỏi:

- Thì ra gia gia nãy giờ vẫn chưa rửa mặt sao?

Nguyệt nương đáp:

- Rửa đâu mà rửa, hồi nãy tôi có cho chuẩn bị nước và khăn sẵn sàng, rồi sai gia nhân ra mời vào rửa mặt nhưng gia gia đập cho tên gia nhân một cái nên thân, có đứa nào dám ra mời nữa đâu.

Kim Liên cũng nhân đó nói:

- Hồi nãy tôi cũng có khuyên gia gia là dầu sao thì Lục nương cũng đã đi rồi, gia gia nên rửa mặt chải đầu, ăn cái gì cho khỏe rồi lo việc vậy mà gia gia mắng chửi tôi là dâm phụ này, dâm phụ kia, bảo là không liên can gì đến tôi, lại còn kết tội tôi làm cho Lục nương buồn giận mà chết nữa chứ.

Nguyệt nương bảo:

- Thương thì để trong lòng, việc gì mà phải ầm ĩ lên như thế. Người chết đã chết rồi, vậy mà chẳng sợ tử khí, cứ ôm ấp, kề má kề môi mà khóc gọi như thế bao giờ không cơ chứ.

Mọi người đang nói chuyện thì Kính Tế ôm mấy xấp lụa Thủy quang vào thưa:

- Gia gia nói là Đại nương dùng lụa này để may khăn tay cho mọi người trong nhà, còn thừa thì để may quần áo cho các nương nương.

Nguyệt nương sai a hoàn nhận lụa rồi bảo:

- Ngươi ra thưa với gia gia là sáng đã lâu rồi, gia gia nên rửa mặt chải đầu rồi ăn sáng cho khỏe.

Kính Tế đáp:

- Con không dám đâu, hồi nãy có một tên gia nhân ra mời gia gia vào ăn sáng, bị gia gia đá cho một đá gần chết, bây giờ con ra chọc giận làm gì.

Nguyệt nương bảo:

- Ngươi không dám để ta sai người khác vậy.

Lát sau, Nguyệt nương cho gọi Đại An vào bảo:

- Gần trưa rồi mà gia gia người chỉ mải khóc, quên cả ăn uống, vậy ngươi đem đồ ăn lên, rồi mới Ôn tiên sinh tới cùng ăn, thù tiếp cho gia gia.

Đại An đáp:

- Tôi đã nhờ người mời Tạ đại gia và Ứng nhị gia tới rồi, lát nữa Đại nương cho đem đồ ăn ra, có hai người đó khuyên giải thì thế nào gia gia cũng ăn.

Nguyệt nương bảo:

- Thằng khốn, đến chúng tao đây mà còn chưa biết gia gia ăn lúc nào, mày làm sao biết là có hai người đó thì gia gia chịu ăn?

Đại An đáp:

- Đại nương không biết, Tạ đại gia và Ứng nhị gia là hai bạn thân của gia gia, nói gì gia gia cũng nghe, nay hai người đó chỉ nói vài câu là gia gia chịu ăn uống ngay, hai người đó nói một hồi là gia gia vui vẻ tươi cười ngay cho mà xem.

Trong này đang nói chuyện thì Ứng, Tạ hai người đã tới đại sảnh, phục lạy trước hương án mà khóc rằng:

- Tẩu tẩu là người nhân nghĩa vậy mà bị Kim Liên ám hại, làm cho buồn giận mà chết, chúng tôi thật đau khổ vô cùng.

Hai người khóc than kể lể một hồi thì Tây Môn Khánh mới vào thư phòng cạnh đại sảnh, trò chuyện với Ôn tú tài. Bá Tước hỏi:

- Tẩu tẩu quy tiên vào giờ nào vậy?

Tây Môn Khánh thổn thức:

- Giờ Sửu

Bá Tước nói:

- Tôi về tới nhà thì cũng quá canh tư, tiện nội hỏi thăm, tôi nói là nhờ âm đức, tẩu tẩu cũng có thể qua khỏi. Nào ngờ vừa đặt mình xuống, mới chợp mắt đã nằm mộng thấy đại ca sai gia nhân đến mời tôi, bảo là tới ăn tiệc mừng thăng quan. Tôi tới thì thấy đại ca mặc áo đại hồng, rút trong tay áo ra hai cây trâm vàng cho tôi coi rồi bảo: "Một cây gãy rồi". Tôi tỉnh dậy, biết là có điềm dữ, cứ trằn trọc không yên. Tiện nội thấy vậy liền hỏi tôi, tôi đáp: "Nàng không biết đâu, để sáng ra xem sao đã.Vừa sáng thì có thằng Kỳ Đồng tới gọi tôi ngay, quả nhiên là tẩu tẩu không còn.

Tây Môn Khánh bảo:

- Đêm qua tôi cũng nằm mộng y như nhị ca vậy. Tôi mộng thấy Địch gia ở Đông Kinh tặng sáu cây trâm quý, trong đó có một cây gãy. Tôi bảo: "Thật tiếc quá". Tỉnh dậy,tôi cũng nói lại ngay với tiện nội. Đúng lúc đó thì nghe tin Lục nương tôi đã từ trần. Thật là trời không thương tôi bắt tôi phải khổ. Tôi làm tội lệnh gì mà trời lại đoạt mất người yêu quý nhất đời của tôi. Thật là trời giết tôi đi còn hơn. Mới đây đã mất đứa con trai,bây giờ lại mất thiếp quý, thật không hiểu tôi còn sống làm gì. Tiền bạc chức tước có dùng được gì đâu.

Bá Tước bảo:

- Đại ca nói vậy là sai rồi, tẩu tẩu làm bạn với đại ca bấy lâu nay nhất đán quy tiên, lẽ nào không thương không tiếc, nhưng đại ca cũng không nên quá bi cảm mà hại đến sức khỏe. Đại ca lại còn các tẩu tẩu khác, đại ca là cây tùng cho các tẩu tẩu nương tựa, phải giữ mình mới được. Nay đại ca có thương tiếc tẩu tẩu thì nên mời tăng sĩ tới tụng kinh siêu thoát, rồi lo tống táng chu đáo, như vậy là đại ca tận tâm tận lực rồi, tẩu tẩu cũng được mát lòng mát dạ. Lời tôi nói thật, xin đại ca nghĩ lại.

Tây Môn Khánh nghe Bá Tước nói xong thì không khóc nữa, sai gia nhân đem trà lên, lại bảo Đại An:

- Ngươi vào trong bảo lo đem đồ ăn lên đây ta cùng Tạ gia, Ứng gia và Ôn sư dùng.

Bá Tước hỏi:

- Vậy từ sáng tới giờ đại ca chưa ăn uống gì sao?

Tây Môn Khánh đáp:

- Thì từ lúc Nhị ca về nhà, tôi cứ bấn loạn cả lên, sau đó thì Lục nương tôi từ trần, đã ăn uống gì đâu.

Bá Tước bảo:

- Vậy thì không được, tẩu tẩu như cái cành cái lá, mà đại ca như cái thân cái gốc, phải ăn uống đầy đủ để lo việc. Người chết thì đã chết rồi, nhưng người sống thì phải sống chứ.

Thật là:

Lời kia giảm mối đoạn trường

Lời kia giảm bớt sầu thương cho người.

Tây Môn Khánh nghe Bá Tước khuyên giải, cũng nguôi ngoai đôi phần.

Hồi 64

Rộn Rịp Ma Chay

Tây Môn Khánh nhờ Bá Tước khuyên giải nên cũng tạm khuây khỏa, đang trò chuyện thì hai anh em Ngô Đại cữu và Ngô Nhị cữu tới phân ưu. Hai người làm lễ trước bàn thờ Bình Nhi rồi mới vái chào Ứng Bá Tước và trò chuyện cùng mọi người.

Trong khi đó Đại An vào trong thưa với Nguyệt nương:

- Đó, Đại nương thấy không? Tôi nói có sai đâu. Đại nương không tin, nhưng thử hỏi tại sao Ứng nhị gia chỉ tới nói vài câu là gia gia sai đem đồ ăn ra?

Kim Liên bảo:

- Thằng giặc chết đâm này gớm lắm, gia gia đi đâu cũng có nó đi theo, hèn gì nó chẳng hiểu tính nết gia gia.

Đại An cười:

- Tôi theo hầu gia gia từ lúc tôi còn nhỏ, nay lại không biết rõ bụng dạ của chủ hay sao.

Nguyệt nương hỏi: .

- Có những ai cùng ăn với gia gia?

Đại An đáp: .

- Thì có Ngô Đại cữu và Ngô Nhị cữu mới tới, lại có Ôn sư phụ, Ứng nhị gia, Hàn quản lý và cậu Kính Tế, kể luôn gia gia là tám người tất cả.

Nguyệt nương bảo:

- Cậu Kính Tế thì để mời vào trong này ăn được rồi, việc gì lại phải ngồi ở ngoài đó.

Đại An thưa:

- Cậu ấy đã ngồi rồi, mời vào e không tiện.

Nguyệt nương dặn:

- Ngươi bảo mấy đứa nó vào bếp đem đồ ăn lên, còn ngươi thì đem riêng cháo cho gia gia ăn, sợ là gia gia mệt, không nên ăn đồ nặng.

Đại An đáp:

- Gia nhân ở nhà còn ai đâu, gia gia sai đi báo tang hết rồi.

Vương Kinh thì được sai tới nhà Trương thân gia để mượn cái gì đó.

Nguyệt nường hỏi:

- Thế còn thằng Thư Đồng đâu, không sai nó làm thì để làm gì?

Đại An đáp:

- Thư Đồng thì đang cùng Họa Đồng đứng hầu bên linh cữu để lo việc nhang đèn. Xuân Hồng thì gia gia sai đi đổi lụa vì cho là không phải thứ lụa tốt, bây giờ phải đổi lấy thứ lụa sáu tiền một xấp để may tang phục.

Nguyệt nương bảo:

- May tang phục thì dùng thứ lụa năm tiền một xấp là được rồi. Việc gì còn phải đi đổi nữa. Nhưng thôi, bây giờ ngươi phải gọi thêm Họa Đồng hay đứa nào cùng ngươi đem đồ ăn lên chứ để gia gia đợi mãi sao đây?

Đại An lui ra cùng Họa Đồng dọn bàn bưng đồ ăn lên. Mọi người đang ăn uống thì Bình An vào thưa:

- Hạ Đề hình sai lính hầu tới để giúp việc.

Nói xong đưa thiếp của Hạ Đề hình lên. Tây Môn Khánh xem xong bảo:

- Lấy ít tiền thưởng cho họ, rồi bảo viết thiếp cảm tạ Hạ lão gia.

Mọi người ăn xong, Đại An và Họa Đồng dọn dẹp bát đũa thì Lai Bảo dẫn họa sư Hàn tiên sinh tới.

Chủ khách thi lễ xong, Tây Môn Khánh bảo:

- Phiền tiên sinh vẽ cho một bức truyền thần.

Hàn tiên sinh đáp:

- Xin vâng.

Ngô Đại cữu bảo:

- Nên vẽ ngay đi, chậm trễ e rằng dung nhan thay đổi mất.

Hàn tiên sinh đáp:

- Không sao, tôi xin bắt đầu ngay.

Tây Môn Khánh mời uống trà. Bỗng Bình An vào báo:

-Hoa đại cửu tới.

Hoa đại cữu tới trước linh sàng lạy khóc một hồi, rồi thi lễ và cùng mọi người trò chuyện, đoạn hỏi:

- Lục nương đi vào giờ nào vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Đúng giờ Sửu. Trước đó còn nói chuyện với tôi tỉnh táo lắm. Nhưng lúc tôi vừa chợp mắt ngủ được chút thì a hoàn tới báo là tiểu thiếp tôi đã đi rồi.

Hoa đại cửu hay Hàn tiên sinh ngồi bên, đằng sau có tiểu đồng cầm giấp bút và giá vẽ bèn hỏi:

- Dượng định cho truyền thần đấy à?

Tây Môn Khánh ứa lệ đáp:

- Tôi yêu quí nàng lắm, nay nàng khuất đi rồi thì tôi muốn có hình ảnh của nàng để thỉnh thoảng ra vào nhìn cho đỡ nhớ.

Nói xong sai gia nhân mở các cửa bên trong cho người vào chỗ đặt linh sàng. Hàn tiên sinh xin phép mở vải che mặt Bình Nhi ra, thấy nàng tuy bệnh lâu ngày nhưng nhan sắc không giảm sút, nét mặt bình thản như còn đang sống. Má còn tươi, môi còn hồng, dung nhan vẫn thập phần khả ái. Tây Môn Khánh nhìn mặt Bình Nhi, lại không nén nổi xúc động, che mặt mà khóc, Hàn tiên sinh chuẩn bị đồ nghề. Bá Tước bảo:

- Tiên sinh à, đây là Lục nương đã khuất rồi mà dung nhan vẫn còn như vậy đó, tiên sinh không biết chứ lúc sinh thời, dung nhan còn muôn phần diễm lệ hơn nhiều.

Hàn tiên sinh nói:

- Dạ điều đó chúng tôi đã biết.

Đoạn quay sang Tây Môn Khánh:

- Dám hỏi lão gia, có phải ngày mồng một tháng tám vừa rồi phu nhân đây có tới dâng hương tại Nhạc miếu phải không? Nếu đúng thì hôm đó tôi đã có hân hạnh diện kiến.

Tây Môn Khánh đáp:

- Đúng vậy đó, ngày ấy tiểu thiếp tôi còn đẹp lắm. Tiên sinh cố nhớ lại mà vẽ giùm một bức thật lớn chỉ có khuôn mặt, và một bức bán thân. Tiên sinh dụng tâm giùm cho, tôi xin tặng mười lạng bạc và một xấp lụa quý.

Hàn tiên sinh đáp:

- Lão gia dặn, tôi đâu dám chẳng tận tâm.

Nói xong, dựng giá vẽ, phác họa vài nét bán thân rồi trao cho mọi người coi thử. Mọi người xúm vào coi thì thấy:

Mặt hoa nét ngọc rành rành

Da tuyệt hơi thơm thoang thoảng.

Mới chỉ vài nét đơn sơ đã rõ ra là một bức họa mỹ nhân, mọi người trầm trồ khen tặng tài danh họa. Tây Môn Khánh bảo Đại An:

- Đem bức họa này vào cho Đại nương coi thử xem có đẹp không, có giống không, có cần sửa đổi gì không.

Đại An vâng lời, cầm bức họa vào đưa cho Nguyệt nương coi rồi thưa:

- Gia gia nói là Đại nương coi thử bức phác họa này xem có đẹp không, và có chỗ nào không giống thì để Hàn tiên sinh sửa lại

Nguyệt nương coi qua rồi bảo:

- Sao mà vẽ vời quá, người chết giờ này đã đi tới phương nào rồi, còn lưu lại hình ảnh làm gì.

Kim Liên bảo:

- Vẽ hình để lại cho con cháu thờ lạy cũng được chứ gì. Nay mai sáu người chết cả sáu thì vẽ sáu bức truyền thần mà để lại.

Ngọc Lâu coi bức họa rồi nói:

- Đại nương coi này, bức họa thật giống người, cứ y như là lúc Lục muội còn sống ấy thôi. Tuy nhiên có cái miệng chưa được giống lắm.

Nguyệt nương coi lại rồi bảo:

- Góc trán bên trái hơi thấp một chút, mà lông mày Lục nương cong hơn thế này một chút, nên nói với họa sư là coi kỹ lại mặt Lục nương mà sửa lại cho thật giống.

Đại An nói:

- Hàn tiên sinh lúc trước có được diện kiến Lục nương một lần tại Nhạc miếu rồi, nên mới chỉ phác họa mà đã giống như vậy đó, bây giờ sửa lại cũng dễ.

Đang nói thì Vương Kinh vào thưa:

- Các nương nương coi xong thì cho đem ra để Kiều thân gia coi. Kiều thân gia tới nãy giờ và đang chờ coi đó.

Đại An bèn cầm bức phác họa ra nói:

- Các nương nương bảo là miệng chưa được giống lắm, góc trán bên trái hơi thấp một chút, lông mày phải cong hơn một chút.

Hàn tiên sinh tiếp lấy bức họa bảo:

- Không sao, để sửa lại là được ngay.

Đoạn loay hoay sửa lại rồi đưa cho Kiều đại hộ xem. Kiều đại hộ coi xong bảo:

- Bức truyền thần này quả là linh động như người sống, có điều là không nói được mà thôi.

Tây Môn Khánh hài lòng lắm, gọi gia nhân đem rượu ra, tự tay rót mời Hàn tiên sinh ba chung, lại sai lấy một xấp lụa quý và mười lạng bạc ra đưa trước, đoạn nói:

- Phiền tiên sinh dụng tâm dùm cho, miễn sao từ nay tới ngày đưa đám mà có là được rồi, một bức chân dung và một bức bán thân, tiên sinh nhớ giùm cho. Rồi phiền tiên sinh tìm cho mấy cái khung thật đẹp.

Hàn tiên sinh đáp:

- Xin lão gia cứ yên tâm, những điều đó tôi đã rõ, lão gia không cần phải dặn.

Lát sau, hai bức phác họa đã vẽ xong, Hàn tiên sinh đậy mặt Bình Nhi rồi thu xếp đồ nghề, cáo từ mà về.

Tây Môn Khánh tiễn Hàn tiên sinh ra về rồi trở lại đại sảnh, cùng mọi người ngắm nghía bộ áo quan vừa hoàn tất. Lát sau Kiều đại hộ bảo:

- Hôm nay thân gia nên cho làm tiểu tẫn là hơn.

Tây Môn Khánh đáp:

- Vâng, hôm nay sẽ gọi người làm tiểu liệm, còn đại liệm thì đợi đến ngày mồng ba.

Kiều Đại hộ gật đầu rồi cáo từ.

Lát sau, mấv người chuyên lo việc tẩm liệm tới, Tây Môn Khánh đích thân đứng coi, lại lấy một hạt minh châu bỏ vào miệng Bình Nhi.Lễ tiểu liệm xong xuôi, lớn bé trong nhà tề tựu trước linh sàng mà khóc.

Sau đó Tây Môn Khánh xuất tiền để mua mọi thứ cần dùng cho đám tang. Bá Tước được cử giữ sổ sách chi tiêu về tang lễ. Hàn quản lý được giao cho năm trăm lạng để chi tiêu,Lai Hưng và Bôn Tứ được cử làm chân mua bán vật dụng, đồng thời lo việc cung cấp tiệc tùng đãi khách. Bá Tước, Hy Đại, Ôn Tú tài và Cam quản lý cùng lo việc tiếp đãi những người tới phúng điếu.Thôi Bản chuyên lo thận và xếp đặt đối trướng. Lai Bảo lo nhà cửa phòng ốc. Xuân Hồng và Họa Đồng lo việc hầu hạ đèn hương trên bàn thờ. Những việc lặt vặt khác cũng được giao phó cho từng người trong nhà. Công việc cắt đặt xong xuôi, người nào lo việc nấy.

Hôm đó Tiết thái giám cũng cho người đem đồ lễ và đối trướng lại phân ưu. Tây Môn Khánh thưởng xâu tiền cho gia nhân của Tiết thái giám, đồng thời sai viết thiếp cám ơn.Lại cho mười hai vị tăng của chùa Báo ân tới tụng niệm ngày đêm.

Hoa Đại cữu và Ngô Nhị cữu trò chuyện một lúc rồi cáo từ.

Tây Môn Khánh tiễn ra thềm rồi trở vào bảo Ôn Tú tài viết hiếu thiếp, đề bốn chữ " Kinh phụ yểm thệ", rồi ra ngoài lo đốc thúc gia nhân. Ôn tú tài viết xong, đưa cho Bá Tước coi để hỏi ý kiến, Bá Tước nói ngay:

- Thế này không ổn, dầu sao thì hãy còn Ngô Đại nương là chính thất, làm vậy e thiên hạ dị nghị, mà Ngô Đại cữu chắc cũng không vui. Để rồi tôi sẽ nói lại.

Mọi người giúp Tây Môn Khánh lo việc, đến tối mới ai về nhà nấy. Hôm đó, Tây Môn Khánh sai kê một cái giường nhỏ gần linh sàng để nằm ngồi nghỉ ngơi, dùng bình phong che khuất đi. chỉ cho Thư Đồng và Xuân Hồng hầu hạ, không cho người nào lai vãng.

Cứ sáng sớm thì Tây Môn Khanh vào phòng Nguyệt nương rửa mặt và ăn sáng. Ngay từ hôm sau Tây Môn Khánh đã mặc quần áo tang, đội mũ trắng đi hài trắng.

Hạ Đề hình cũng thân tới phúng điếu. Tây Môn Khánh dùng Ôn Tú tài tiếp đãi. Hạ Đề hình uống trà xong, cáo từ mà về.Trước khi về còn gọi đám lính trong nha môn lại dặn là phải phục dịch chu đáo, người nào không lo tròn phận sự sẽ bị nghiêm trị. Sau đó mới lên ngựa mà về.

Ngô Ngân Nhi nghe tin cũng ngồi kiệu tới phúng điếu. Lạy khóc trước linh sàng một hồi rồi vào thượng phòng chào Nguyệt nương, đoạn khóc mà nói:

- Lục nương mất rồi, thật tội nghiệp quá. Vậy mà chẳng ai nói gì, mãi đến hôm nay tôi mới biết.

Ngọc Lâu hỏi:

- Dù sao thì ngươi cũng là con nuôi của Lục nương, vậy mà Lục nương đau yếu bao lâu, chẳng thấy ngươi đến thăm gì cả.

Ngân Nhi đáp:

- Tam nương trách cứ thật đúng, nhưng quả là tôi không hề hay biết.

Nguyệt nương bảo: .

- Ngươi không nhớ mà tới thăm Lục nương, nhưng Lục nương thì khi nào cũng nhớ tới ngươi, lúc lâm chung còn tặng kỷ vật cho ngươi, ta đã giữ dùm ngươi rồi.

Đoạn quay lại bảo Tiểu Ngọc:

- Ngươi lấy ra cho Ngân thư coi đi.

Tiểu Ngọc chạy vào trong lấy ra một cái hộp đưa cho Ngân Nhi. Mở ra thấy có một bộ xiêm y bằng lụa quý hai cây trâm vàng và một cành hoa bằng vàng để cài áo. Ngân Nhi khóc như mưa như gió rồi nói:

- Tôi mà biết Lục nương đau nặng thì đã đến hầu hạ Lục nương rồi.

Nói xong lạy tạ Nguyệt nương. Nguyệt nương mời Ngân Nhi dùng trà rồi bảo ở lại vài ngày.

Hôm sau lễ tụng kinh siêu thoát đtợc cử hành,lớn nhỏ trong nhà kéo tới đại sảnh lạy khóc.Lân lý xóm giềng sang điếu tang, thân bằng quyến thuộc các nơi và các quan phủ trong huyện cũng tới phân ưu.

Sau đó Từ tiên sinh tới để coi việc đại liệm. Xong xuôi thì làm lễ nhập quan. Tây Môn Khánh bảo Nguyệt nương chọn bốn bộ xiêm y thật đẹp bỏ vào áo quan, bốn góc áo quan lại để bốn đĩnh bạc. Hoa Đại cữu bảo:

- Vàng bạc để dưới đất lâu ngày sẽ tan biến đi, tống tiễn người chết như vậy là không nên.

Nhưng Tây Môn Khánh nhất định không nghe.

Nhập quan xong, áo quan được đóng đinh. Lớn bé trong nhà lại nhất loạt khóc than rầm rĩ. Tây Môn Khánh khóc ngất mà nói:

- Nàng ơi, thế là từ nay tôi chẳng bao giờ còn thấy mặt nàng nữa.

Khóc lóc một hồi, làm lễ xong thì mọi người giải tán. Lát sau Tây Môn Khánh sai dọn tiệc chay để thết đãi Từ tiên sinh, rồi tiễn ra về. Lại có gia nhân vào báo là Đỗ trung thư tới để đề minh tinh. Đỗ trung thư nguyên là một chức việc trong điện Chân Tông, nhưng đã bị cách chức nằm nhà.

Tây Môn Khánh thân bước xuống thềm đại sảnh đón lên, tự tay rót ba chung rượu mà mời, có Bá Tước và Ôn Tú tài ngồi bên tiếp chuyện. Tây Môn Khánh sai đem lụa bạch ra để Đỗ Trung thư đề minh tinh, lại có ý muốn viết mười một chữ: "Chiếu phong Cẩm y Tây Môn cung nhân Lý thị cữu", nhưng Bá Tước bảo:

- Vị chính thất hiện còn sống, viết như vậy sao được.

Đỗ Trung thư nói:

- Đại nhân đây nói phải.

Đoạn giảng giải một hồi, rồi đề nghị là đổi chữ "cung" thành chữ "thất". Ôn tú tài cũng nói:

- Hai chữ "cung nhân" là dùng cho các bậc mệnh phụ có tước vị mình không nên tiếm dụng, hai chữ "thất nhân" chỉ người trong nhà, như thế vừa tự nhiên vừa là lối xưng hô thông thường, nên dùng lắm.

Tây Môn Khánh cho là phải. Minh tỉnh được viết xong, riêng hai chữ "chiếu phong" thì được thiếp vàng, đoạn cho treo trước linh cữu. Sau đó Tây Môn Khánh dọn tiệc rượu khoản đãi Đỗ trung thư rồi tiễn ra về.

Hôm đó các thân thích như Ngô Đại cữu, Hoa đại cữu, Hàn di phu, Trầm di phu đều đem lễ tam sinh tới thắp hương tế lễ. Kiều Đại nương, Ngô Đại cữu mẫu, Ngô Nhị cữu mẫu, Hoa Đại cữu mẫu cũng ngồi kiệu đến điếu tang khóc lóc. Nguyệt nương và các tiểu thiếp khăn tang áo xô đáp lễ rồi mời vào phòng trong, uống trà nói chuyện.

Trong đám khách khứa chỉ có vợ chồng Hoa Đại cữu là mặc đồ đại tang, còn bao nhiêu chỉ mặc đồ tiểu tang.

Hôm đó Lý Quế Thư nghe tin, cũng đến phúng điếu, thấy Ngân Nhi bèn bảo:

- Thư thư tới đây bao giờ vậy? Thư thư biết tin sao không nói cho tôi một câu. Thật là thư thư chỉ biết có mình mà thôi.

Ngân Nhi đáp:

- Tôi cũng chẳng biết tin tức gì, nếu biết tôi đã tới đây từ trước rồi.

Loanh quanh đã tới với ngày mồng bẩy. Thêm mười sáu vị tăng của chùa Báo ân tới tụng kinh Pháp Hoa.Thân bằng quyến thuộc xa gần vẫn tiếp tục tới phúng điếu. Tây Môn Khánh và Nguyệt nương bù đầu ngày đêm vì phải tiếp khách và lo các công việc.

Hôm đó Ngô Đạo quan ở miếu Ngọc Hoàng cũng tới phúng điếu được Tây Môn Khánh mời dùng tiệc chay. Đang ngồi nói chuyện thì gia nhân vào thưa:

- Hàn tiên sinh cho đem bức họa truyền thần tới.

Tây Môn Khánh coi bức họa, thấy vẽ Bình Nhi đầu đội mũ Kim thúy có gắn hạt châu, mình mặc áo đại hồng, mặt mày xinh tươi linh động như lúc còn sống. Tây Môn Khánh ngắm nghía một lúc lâu, hài lòng lắm, rồi cho dựng trước đầu linh cữu, khách khứa ra vào ai cũng trầm trồ khen ngợi bức họa trong như thật.

Lát sau Hàn tiên sinh tới, Tây Môn Khánh ân cần mời vào uống rượu nói chuyện, đoạn bảo:

- Bức họa bán thân này đẹp lắm, còn bức truyền thần đại ảnh, xin tiên sinh gia công vẽ thật khéo cho.

Hàn tiên sinh đáp:

- Tôi cầm cây bút là cẩn thận từng ly từng tý, đâu dám sơ suất.

Tây Môn Khánh thưởng cho ít bạc nữa rồi tiễn ra.

Gần trưa thì Kiều đại hộ đem thật nhiều lễ vật như lợn, dê và các thứ khác đến làm tế lễ. Phường bát âm cử nhạc inh ỏi.

Kiều đại hộ làm lễ trước linh cữu. Tây Môn Khánh và Kính Tế mặc đồ tang quỳ hai bên linh cữu mà trả lễ. Tiếp đó, những thân quyến của Kiều đại hộ như Thượng cử nhân, Chu Đường quan, Ngô Đại cữu, Lưu Học quan, Hoa Thiên hộ, Đoạn thân gia, sáu bảy người cùng bước tới làm lễ dâng hương. Trong khi đó bài sớ tế được đọc lên như sau:

- Hôm nay là ngày Tân Tỵ, tháng Canh Thân, năm Đinh Dậu, Chính Hòa thứ bảy, chúng tôi là Kiều Hồng cùng thân thích, kính cẩn làm lễ trước linh cữu Cố thân gia mẫu, Tây Môn phu nhân Lý thị. Thân gia lúc sinh thời tính tình khoan nhu ôn hậu, quán xuyến gia đình thì lấy cần kiệm làm gốc khiến người trong nhà phải kính cẩn mến thương quả đã làm tròn đạo vợ hiền. Thân gia như lan như huệ, sánh cùng người quân tử, cuộc đời hạnh phúc muôn phần. Nhưng đang lúc hưởng hạnh phúc, duyên cầm sắt tưởng ngàn đời vĩnh cửu, chữ thọ kia tưởng những vô cương, thì không may lâm bệnh mà cuộc đời như giấc hoàng lương, khiến cho người người không nén nổi bi thương. Nay thì đã hoàn toàn cách biệt âm dương. Chúng tôi đây thương xót khôn lường. Thân gia có linh thiêng thì xin chứng giám cho chúng tôi.

Đám Kiều đại hộ tế xong, được Tây Môn Khánh mời vào tiệc. Lát sau thì Kiều Đại nương, vợ Chu Đường quan, vợ Thượng cử nhân và Đoạn Đại thư cũng vào tế trước linh cữu.

Nguyệt nương cùng đám tiểu thiếp khóc lạy trả lễ rồi mời vào thượng phòng khoản đãi.

Ngoài này Tây Môn Khánh đang cùng khách khứa dùng tiệc thì nghe ngoài đường có tiếng quân hầu la hét dẹp đường,tiếng trọng phách, rồi gia nhân lật đật vào báo:

- Có Hồ lão gia trên phủ xuống điếu tang, hiện đã xuống kiệu ngoài cổng.

Tây Môn Khánh hoảng lên, vội nhờ Ôn tú tài ra nghênh tiếp còn mình thì bước tới cạnh linh cữu đứng chờ. Quân hầu đem vàng hương vào trước, rồi Hồ Phủ doãn mặc áo trắng đeo đai vàng bước sau, quan viên tùy tùng cũng theo vào. Tới trước linh cữu, Hồ Phủ doãn đứng lại, Xuân Hồng quỳ xuống đưa một bó hương đã đốt rồi, Hồ Phủ doãn cắm hương vào bát hương rồi vái hai vái.

Tây Môn Khánh sụp lạy trả lễ rồi nói:

- Kính xin lão tiên sinh tự nhiên, thật là làm phiền lão tiên sinh quá lắm.

Nói xong mời Hồ Phủ doãn ra ngoài. Hồ Phủ doãn bảo:

- Lệnh phu nhân quy tiên giờ nào vậy ? Mãi tới hôm qua tôi mới biết thành thử tới điếu tang hơi chậm, xin thứ lỗi.

Tây Môn Khánh nói:

- Trắc thất chúng tôi mất vào giờ Sửu, vì bệnh không cứu được nay lão tiên sinh nhọc lòng tới điếu, thật uổng công lão tiên sinh quá.

Ôn tú tài đứng bên vái một vái rồi nâng chung trà mà mời.Hồ Phủ doãn uống trà, nói vài câu chuyện rồi đứng dậy cáo từ.Ôn tú tài đưa tiễn ra tận ngoài cổng lớn.

Mãi tới chiều, những người tới điếu tang vẫn còn đông nườm nượp.

Hôm sau, ca nữ Trịnh Ái Nguyệt đem lễ tam sinh và nhiều lễ vật khác tới phúng điếu, lạy khóc trước linh cữu. Nguyệt nương tặng lại một xấp lụa, đoạn ra ngoài hỏi Tây Môn Khánh:

- Mình nên thưởng tiền cho Quế Thư và Ngân Nhi chứ?

Tây Môn Khánh đáp:

- Không cần, thưởng cho mỗi đứa một xấp lụa là được rồi.

Tối hôm dó đám ca nữ được Nguyệt nương mời ở lại để khoản đãi. Đám ca công như Lý Minh, Ngô Huệ, Trịnh Phụng,Trịnh Xuân cũng có mặt để chờ sai bảo.

Tây Môn Khánh cho đặt mười lăm bàn tiệc lớn tại đại sảnh để khoản đãi thân bằng quyến thuộc. Thực khách gồm Ngô Đại cữu, Ngô Nhị cữu, Hoa Đại cữu, Trầm di phu, Hàn di phu, Nghê Tú tài, ôn Tú tài, Nhiệm Y quan, Lý Tam, Hoàng Tứ, Bá Tước, Trĩ Tiết, Hy Đại, Chúc Thật Niệm, Tôn Thiên Hóa, Bạch Lãi Quang, các quản lý Phó, Hàn, Cam, hai đứa cháu bên ngoại và các lân lý hàng xóm. Để giúp vui bữa tiệc, Tây Môn Khánh đã cho gọi một đoàn hát tới hát tuồng. Mọi người ăn tiệc vừa coi hát.

Mở đầu bữa tiệc, thực khách vào tế trước linh cữu. Tây Môn Khánh và Kính Tế lạy trả. Sau đó bữa tiệc bắt đầu, đoàn hát cũng khởi sự diễn. Sau một hồi tuồng, Bá Tước nói:

- Nghe nói là hiện có ba ca nữ đang ở trong nhà sao đại ca không cho gọi ra rót rượu mời Kiều thân gia và lão cữu đây.

Tây Môn Khánh bèn sai Đại An vào gọi ba ca nữ ra. Kiều Đại hộ nói:

- Không nên, người ta tuy là ca nữ, nhưng hôm nay tới đây là để điếu tang, sao lại gọi ra chuốc rượu .

Bá Tước nói:

- Lão thân gia cứ để mặc chúng nó, có chúng nó ở đây tội gì không gọi ra.

Đoạn quay lại bảo Đại An:

- Ngươi cứ vào nói. Ứng nhị gia bảo là Lục nương mất đi, chúng nó phải tỏ lòng hiếu thuận bằng cách ra ngoài này chuốc rượu cho lão thân gia và lão cữu cùng chúng ta.

Đại An vào một lúc rồi trở ra thưa:

- Các thư thư nói là có Ứng nhị gia tại đây nên không chịu ra.

Bá Tước bảo:

-Nếu vậy thì để ta đi.

Nói xong đứng dậy bước vài bước, nhưng rồi lại trở về ngồi xuống. Tây Môn Khánh cười:

-Sao không đi, lại trở lại vậy ?

Bá Tước đáp:

-Tôi trở lại là chờ ba con tiểu dâm phụ đó ra đây,mắng cho mấy câu đở tức rồi mới đi được.

Đoạn lại giục Đại An vào gọi ba ca nữ ra. Đại An vào nói là Bá Tước chịu bỏ đi,ba ca nữ mới từ từ bước ra, tất cả đều mặc áo trắng, quần đoạn xanh, bước tới trước tiệc lạy chào thực khách rồi cười tủm tỉm đứng một bên chờ đợi. Bá Tước hỏi :

- Bao nhiêu khách tại đây, vậy mà gọi ra sao các ngươi cứ chùng chình không chịu ra ngay?

Ba ca nữ im lặng không trả lời, nhưng đưa mắt cho nhau rót rượu mời Kiều đại hộ và Ngô Đại cữu. Trong khi đó đoàn hát tiếp tục diễn tới đoạn Bạo Tri Bản tới nhà Ngọc Tiêu, bà mẹ ra nghênh tiếp. Bạo Tri Bản hỏi:

- Sao lão không gọi thư thư ra đây?

Bà mẹ đáp:

- Bạo quan nhân à, quan nhân thật không biết tính người, con gái tôi đã không muốn ra thì không thể mời gọi gì được, quan nhân bảo tôi làm sao gọi nó bây giờ.

Quế Thư coi tới đây cười bảo:

- Ông họ Bạo này quả giống ông họ Ứng đây như đúc.

Ngân Nhi tiếp:

- Cũng vô duyên y như nhau, chẳng khác gì cả.

Bá Tước trêu tức:

- Con dâm phụ kia, tao vô duyên sao mẹ mày lại thích tao?

Quế Thư trả đũa ngay:

- Có mà thích cái cóc khô.

Tây Môn Khánh hơi bực mình:

- Thôi, coi tuồng đi, còn nói lôi thôi nữa là bị phạt một chung rượu lớn đó.

Bá Tước vội im lặng uống rượu coi tuồng.

Hai cánh rèm thượng phòng được vén lên để mỗi người trong nhà có thể xem tuồng. Trong cánh rèm bên trái có Ngô Đại cữu mẫu, Ngô nhị cữu mẫu, Dương cô nương, Phan bà, Ngô đại di, Mạnh Đại nương,Trịnh tam thư, Đoạn Đại thư, Nguyệt nương và các tiểu thiếp. Trong cánh rèm bên phải có Xuân Mai,Ngọc Tiêu, Lan Hương, Nghênh Xuân và Tiểu Ngọc.

Một gia nhân là Trịnh Kỷ bưng thức ăn đi ngang, Xuân Mai gọi lại hỏi:

- Mang thức ăn cho ai vậy?

Trịnh Kỷ đáp:

- Đem lên để Ngô Đại cữu mẫu cùng các nương nương dùng.

Xuân Mai bèn thò tay cầm một chung trà trên mâm định uống. Trong khi đó, Tiểu Ngọc xem tuồng, thấy trong tuồng có một kỹ nữ cũng tên Ngọc Tiêu, bèn khều Ngọc Tiêu mà nói đùa:

- Kìa, có khách tới tìm, mụ đầu đang kêu chị, sao chị không ra?

Nói xong xô Ngọc Tiêu ra đằng trước. Ngọc Tiêu không đề phòng, chúi người ra trước, không gượng lại được, đâm xầm ngay vào Xuân Mai, vừa đúng lúc Xuân Mai cầm chung trà. Trà nóng đổ ướt hết áo, Xuân Mai giận dữ mắng Ngọc Tiêu:

- Đồ dâm phụ, có gì mà đùa giỡn vậy? Làm trà đổ hết ra áo người ta đây này, may mà không vỡ chung.

Xuân Mai hơi to tiếng. Tây Môn Khánh ngoài này nghe được bèn sai Lai An vào hỏi:

- Trong này có chuyện gì huyên náo vậy?

Xuân Mai ngã người trên ghế đáp:

- Anh ra nói rằng con dâm phụ Ngọc Tiêu nó ngứa nghề nên đùa giỡn ầm ỷ đó.

Lai An trở ra, nhưng thấy Tây Môn Khánh đang nói chuyện nên không thưa lại. Tây Môn Khánh bận thù tiếp nên cũng quên đi.

Nguyệt nương thấy ồn ào bèn bước sang, thấy Tiểu Ngọc ở đó thì hỏi:

- Cả ngươi cũng ra đây ngồi nữa sao? Trong phòng có ai coi sóc?

Tiểu Ngọc đáp :

- Trong phòng hiện chỉ có nhị vị sư bà, đã có Đại cô nương thù tiếp rồi.

Nguyệt nương bảo:

- Các ngươi tụ lại hết ở đây, đã không coi tuồng mà lại còn làm huyên náo nữa hay sao?

Xuân Mai vội đứng dậy nói: .

- Chính nó đùa giỡn cười nói, không cho ai coi tuồng cả.

Nguyệt nương mắng Tiểu Ngọc vài câu rồi trở về chỗ ngồi tiếp tục coi tuồng.

Ngoài kia. Kiều Đại hộ và Nghê tú tài đứng dậy cáo từ. Trầm di phu, Hàn di phu và Nhiệm Y quan cũng định đứng dậy.

Nhưng Bá Tước đã ngăn lại mà bảo:

- Chủ nhân đâu, sao không nói gì vậy? Chúng tôi đây chỉ là bằng hữu mà chưa dám đứng dậy cáo từ, vậy mà chỗ thân gia đã đòi về sớm.

Tây Môn Khánh sai đem một vò rượu quý ra rồi nói:

- Xin liệt vị ngồi lại uống hết vò này, tôi sẽ không dám lưu giữ nữa đâu.

Đoạn sai lấy chung ra, rót một chung đầy đưa cho Ngô Đại cữu mà bảo:

- Vị nào bỏ tiệc thì bị phạt như Đại cữu đây.

Mọi người thấy vậy lại ngồi xuống, uống rượu coi hát. Tây Môn Khánh nghe đào kép hát tới đâu:

- Kiếp này đã khó gặp nhau,

Thì mượn nét vẽ quên sầu nhớ thương.

Tự nhiên nghĩ tới Bình Nhi, rồi nhớ lại nét mặt Bình Nhi lúc còn nằm bệnh, bất giác lòng đau như cắt, nước mắt ứa ra, vội rút khăn tay thấm mắt. Tình cờ Kim liên ngồi trong rèm nhìn thấy, vội chỉ cho Nguyệt nương coi rồi bảo:

- Đại nương coi, rõ thật chán, đang uống rượu xem tuồng, tự nhiên lại khóc, thật chẳng ra làm sao.

Ngọc Lâu bảo:

- Thư thư là người thông minh mà không biết hay sao. Trăng có khi đầy khi khuyết, người có lúc hợp lúc tan. Đây là gia gia xem tuồng, thấy hoàn cảnh ly biệt trong tuồng, xúc động biệt ly hiện tại mà khóc.

Kim Liên bảo: .

- Khóc là khóc vì cái gì ấy chứ đâu phải vì xem tuồng. Đoàn hát này diễn có ra gì mà bảo là xúc động được, họ diễn làm sao mà tôi khóc được thì mới là diễn hay.

Nguyệt nương khó chịu:

- Ngũ nương nói nhỏ chứ, cho chúng tôi nghe hát.

Ngọc Lâu nói:

- Ngũ nương chẳng hiểu gì, lại cứ thích cãi.

Sau đó mọi người im lặng coi tuồng.

Tuồng diễn tới gần canh năm mới vãn. Khách khứa ra về.

Tây Môn Khánh sai dọn rượu thịt khoản đãi đoàn hát rồi bảo:

- Ngày mai Lưu, Tiết nhị vị thái giám tới điếu tang, các ngươi lại vì ta mà mệt nhọc một đêm nữa.

Đám đào kép dạ ran rồi quây quần ăn uống.

Bọn Lý Minh bốn người cáo từ về nhà.

Tây Môn Khánh thấy trời gần sáng, trong người mệt mỏi,liền vào giường nghỉ ngơi...

Hồi 65

Ba Điều Kiện Oái Oăm

Tây Môn Khánh đi ngủ rồi, Đại An lấy một ít rượu thịt,đem ra cửa tiệm để cùng Phó quản lý và Kính Tế ăn uống. Nhưng Phó quản lý vì uống quá nhiều, không uống được nữa, ra tới tiệm là lăn ngay xuống giường mà bảo:

- Ta say quá rồi, cậu Kính Tế thì chắc không ra đây đâu, người mang về cùng Bình An ăn uống đi.

Đại An lại đem rượu thịt ra căn phòng ngoài cổng cùng Bình An chén thù chén tạc. Sau đó Bình An lăn ra ngủ, Đại An cũng tìm chỗ ngủ.

Lát sau Phó quản lý tới tìm Đại An trò chuyện, Phó quản lý hỏi:

- Mọi việc lo cho Lục nương đã đầy đủ hết rồi phải không ?

Đại An đáp:

- Lục nương quả là người có phúc, chỉ phải cái không được thọ mà thôi. Ma chay cho Lục nương tốn kém lắm, không thể tính hết, nhưng gia gia đâu có phải dùng tới tiền của mình. Nói thật cho thúc thúc biết, khi về với gia gia, Lục nương đem về theo không biết bao nhiêu là tiền của. Người ngoài không biết, chứ tôi biết hết. Đừng nói gì tiền bạc, cứ nói những vàng bạc châu báu, nữ trang, kim cương cũng không sao kể hết. Cho nên gia gia tôi thương Lục nương là thương tiền chứ không phải là thương người. Nhưng Lục nương tôi là người rất tốt, tính tình thì khiêm nhượng, ăn nói thì hiền hòa, gặp ai cũng tươi cười, chẳng một ai mất lòng, đến ngay chúng tôi đây mà Lục nương cũng chưa từng một lời rầy mắng. Những lúc sai chúng tôi mua món gì, bao giờ cũng đưa dư tiền, chúng tôi đưa lại thì lục nương chỉ cười bảo: "Các ngươi mua giùm ta là được rồi, còn trả tiền thừa lại làm gì nữa". Mọi người trong nhà, không ai là không nhờ vả tiền bạc của Lục nương. Đại nương và Tam nương về chuyện tiền bạc thì còn tạm, chứ Nhị nương và Ngũ nương thì keo kiệt bủn xỉn lắm mỗi lần sai chúng tôi mua bán cái gì là hạch hỏi từng xu, cứ làm như chúng tôi ăn cắp ấy.

Phó quản lý lại hỏi:

- Như vậy là Đại nương cũng tương đối dễ chịu phải không?

Đại An đáp:

- Đại nương cũng tốt, nhưng hay mắng mỏ lắm, chuyện gì cũng có thể mắng được. Không như Lục nương, chẳng bao giờ làm mất lòng ai. Đã thế, trước mặt gia gia, bao giờ Lục nương cũng bênh vực che chở chúng tôi. Thật chẳng bù cho Ngũ nương, mở miệng là dọa mách gia gia, lại thường xúi gia gia đánh mắng chúng tôi nữa. Lại cái con Xuân Mai cũng hùa theo Ngũ nương mà tác yêu tác quái nữa chứ.

Phó quản lý bảo:

- Ngũ nương về với gia gia cũng lâu rồi còn gì.

Đại An nói:

- Lâu thì chỉ thêm thành yêu thành tinh mà thôi. Chắc thúc thúc cũng biết đó, đến ngay cả mẹ ruột mà Ngũ nương cũng chẳng coi ra gì nữa là, khiến cho bà cụ phải khóc mà về. Bây giờ Lục nương mất đi rồi, Ngũ nương tha hồ làm lộng, nay mai người nào lo quét dọn trong hoa viên tất sẽ khổ vì Ngũ nương cho mà xem.

Nói chuyện vài câu nữa thì Phó quản lý nằm xuống mà ngủ. Đại An uống rượu hơi nhiều, cũng nằm xuống ngủ vùi, không biết trời đất gì cả.

Tây Môn Khánh từ ngày Bình Nhi chết, đêm nào cũng ngủ tại cái giường nhỏ kê gần linh cữu. Sáng ra, Ngọc Tiêu tới dọn dẹp giường chiếu. Tây Môn Khánh mới vào phòng Nguyệt nương rửa mặt chải đầu. Nhưng đêm vừa rồi Tây Môn Khánh lại ngủ trong phòng Nguyệt nương. Thư Đồng không phải hầu chủ, bèn hẹn hò với Ngọc Tiêu tại thư phòng hoa viên. Hai đứa đang hú hí thì không ngờ Kim Liên dậy sớm, lên đại sảnh thì thấy đèn nhang trên bàn thờ đã tắt, bàn ghế ngổn ngang không ai dọn dẹp, bên trong chỉ có lọ bông đang quét tước.

Kim Liên hỏi:

- Chúng nó đi đâu hết cả rồi mà chỉ có mình mày ở đây hở thằng chết tiệt kia?

Họa Đồng dẹp:

- Chắc là chúng nó còn ngủ.

Kim Liên bảo:

- Mày đi tìm cậu Kính Tế, bảo lấy thêm một xấp lụa trắng cho tao, tao còn thiếu một cái quần đây này.

Hoạ Đồng nói:

- Vâng, để tôi đi hỏi.

Nói xong bước ra, lát sau trở lại thưa rằng:

- Cậu Kính Tế bảo là cậu không biết vì Thư đồng và Thôi Bản mới là người lo về quần áo tang. Bây giờ nương nương hỏi Thư Đồng là có ngay.

Kim Liên bảo:

- Vậy thì thằng khốn đó đâu, mày đi tìm về đây cho tao

Họa Đồng ngó vào thư phòng bên cạnh đại sảnh rồi nói :

- Vừa mới ở đây mà, hay là tới thư phòng trong hoa viên để rửa mặt chải đầu rồi.

Kim Liên bảo:

- Nếu vậy thì mày cứ quét dọn đi, để tao tới đó hỏi thằng khốn được rồi.

Tới thư phòng trong hoa viên, Kim Liên nghe bên trong có tiếng thầm thì khúc khích, bèn đẩy cửa bước vào, thấy Thư Đồng và Ngọc Liêu đang lơi lả nói cười liền mắng:

- À à, hai đứa khốn nạn này giỏi thật, chúng mày làm gì ở đây?

Thư Đồng và Ngọc Tiêu giật nẩy mình, nhìn ra thấy Kim Liên, vội buông nhau ra rồi quỳ xuống cả mà van xin, Kim Iiên bảo:

- Thằng khốn có mau lấy một xấp lụa trắng cho tao may quần không.

Thư Đồng vội chạy đi lấy lụa đem tới cho Kim Liên. Kim Liên cầm lụa về phòng. Ngọc Tiêu theo Kim Liên. Vào tới phòng Kim Liên, Ngọc Tiêu quỳ xuống mà nói:

- Xin Ngũ nương thương tôi mà đừng mách lại với gia gia.

Kim Liên bảo:

- Con dâm phụ gớm thật, mày muốn tao tha cho thì phải nói thật là từ trước tới nay mày gặp gỡ nó mấy lần rồi? Mày nói dối thì mày chết.

Ngọc Tiêu bèn nhất nhất thuật lại vụ dan díu với Thư Đồng từ trước tới nay, lại nói thêm là nhân vụ đám tang Bình Nhi, nhà cửa rối loạn, hai đứa thường hẹn hò nhau trong hoa viên.

Kim Liên nghe xong bảo:

- Mày muốn tao tha cho thì phải theo ba điều sau đây.

Ngọc Tiêu đáp:

- Nếu nương nương tha cho thì nói gì tôi cũng xin nghe.

Kim Liên bảo:

- Vậy thì điều thứ nhất, từ nay trong phòng Đại nương có chuyện gì, ngươi phải nhất nhất thuật lại cho ta nghe, không được giấu giếm, nếu ngươi giấu mà ta biết được thì lập tức ta mách gia gia chuyện của hai đứa ngươi ngay. Điều thứ nhì là từ nay ta sai việc gì, ngươi phải giúp ta tử tế. Điều thứ ba là Đại nương tại sao tự nhiên lại có thai, người phải nói thật cho ta biết

Ngọc Tiêu nói:

- Hai điều trên, tôi xin nghe theo nương nương. Còn điều thứ ba thì sở dĩ Đại nương tôi có thai là nhờ bùa phép và thuốc của Tiết sư bà.

Kim Liên gật đầu, hài lòng lắm.

Trong khi đó, Thư Đồng quá sợ hãi, nghĩ là thế nào Kim Liên cũng mách với Tây Môn Khánh, và mình sẽ không thoát khỏi đòn vọt, bèn ba chân bốn cẳng chạy về thư phòng, vơ vội ít đồ đạc quần áo, ít tiền bạc, rồi ghé qua tiệm thuốc, sau đó trốn luôn.

Hôm đó, hai thái giám Lưu, Tiết sai người đem lễ vật rất hậu tới trước rồi ngồi kiệu tới điếu tang sang. Tây Môn Khánh cần ít khăn, cho gọi Thư Đồng, nhưng gọi mãi không thấy. Lát sau phó quản lý tới, nghe nói Tây Môn Khánh đang cho gọi Thư Đồng mà gia nhân không biết tìm ở đâu, bèn bước tới thưa:

- Hồi sáng Thư Đồng có ra tiệm, bảo tôi xuất ra hàng chục lạng bạc để mua thêm khăn tay, nói là gia gia bảo. Tôi đưa bạc rồi, có lẽ giờ này nó đã ra ngoại thành để mua bán.

Tây Môn Khánh ngạc nhiên:

- Ta có sai nó mua khăn đâu mà nó dám bảo ngươi đưa tiền.

Đoạn sai gia nhân cưỡi ngựa ra ngoại thành, tới tiệm bán khăn tìm Thư Đồng. Nhưng gia nhân về thưa là không thấy, Nguyệt nương bảo chồng:

- Tôi nghi là thằng khốn đó làm điều gì lầm lỗi rồi sợ quá, lấy tiền rồi trốn đi rồi. Bây giờ phải xem trong thư phòng có mất mát thứ gì nữa không.

Tây Môn Khánh chạy vào thư phòng cạnh đại sảnh thì thấy chìa khóa tủ treo trên tường, đồ đạc trong tủ và một ít tiền dành lo việc giao tế đã không còn. Tây Môn Khánh giận lắm, gọi đám quân hầu lên bảo:

- Các ngươi chia nhau đi khắp hang cùng ngõ hẻm tìm nó cho ta.

Trưa hôm đó Tiết thái giám đến điếu tang, tới trước linh cữu dâng hương, sau đó được Tây Môn Khánh mời dùng rượu, có Ngô Đại cữu, Bá Tước và Ôn Tú tài ngồi bên thù tiếp. Tiết thái giám hỏi:

- Tội nghiệp thật, chẳng hay lệnh phu nhân mất vì bệnh gì vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Đa tạ lão công phí tâm, trắc thất tôi mất vì bệnh băng huyết.

Tiết thái giám nhìn bức họa chân dung Bình Nhi rồi nói:

- Lệnh phu nhân dung mạo thật ôn nhu đẹp đẽ, đáng lẽ phải được hưởng phúc, vậy mà giữa tuổi thanh xuân đã sớm quy tiên.

Ôn Tú tài ngồi bên nói:

- Kể thì cũng đáng than tiếc thật, nhưng ở đời cùng thông thọ yểu đều do số trời định sẵn, đến bậc thánh nhân cũng không cưỡng được.

Tiết Thái giám bảo:

- Tôi muốn được coi qua cỗ áo của lệnh phu nhân được chăng?

Tây Môn Khánh sai vén tấm vải phủ quan tài lên Tiết Thái giám bước tới coi rồi khen tặng hết lời, đoạn hỏi:

- Thứ gỗ này quả thật là quý,chẳng hay giá tiền là bao nhiêu vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Thưa thứ này là do thân gia của chúng tôi hỏi mua giùm, giá tiền cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Bá Tước ngồi bên nói:

- Lão công là người lịch duyệt. Xin thử đoán xem thứ danh mộc đó tên gì.

Tiết Thái giám lại bước tới coi lại một hồi rồi nói:

- Thứ danh mộc này không phải là Kiến Xương thì cũng là Trấn Viễn.

Bá Tước cười:

- Nếu quả là Trấn Viễn thì làm sao mà mua được .

Tiết Thái giám nói:

- Hay là thứ Dương tuyên du.

Bá trước nói:

- Dương tuyên du thì mình mỏng, thân ngắn, thứ này còn hơn Dương tuyên du nhiều. Thứ danh mộc này tên gọi là Đào hoa động, chỉ có tại Vũ đăng Châu thuộc Hồ Quảng. Thứ này dài hơn bảy thước, dày bốn tấc, rộng hai thước rưỡi, giá ba trăm bảy chục lạng đó. Công công không thấy hay sao, mình gỗ có màu đẹp, lại có vân như mây, mà còn tỏa mùi thơm nữa.

Tiết Thái giám nghe xong bảo:

- Vậy thì phu nhân đây quả là có phúc, chúng tôi tuy là chức nội quan mà nay mai chết đi, chẳng biết có được cỗ áo tốt hay không

Ngô lại cữu nói:

- Lão công cứ dậy vậy chứ lão công là người tai mắt trong triều, lại hưởng tước lộc dồi dào, chúng tôi đây là chức ngoại quan, làm sao so được. Lão công kề cận long nhan, nay mai được gia phong Vương tước, muốn gì lại không có.Tiết thái giám sung sướng hỏi:

- Tiên sinh đây thật là người lịch thiệp, dám hỏi quý tính là gì?

Tây Môn Khánh đỡ lời:

- Thưa đây là Ngô Đại nhân, anh của tiện nội, hiện giữ chức Thiên hộ tại phủ nhà.

Tiết Thái giám ngạc nhiên:

- Thì ra Ngô Đại nhân đây là anh của lệnh phu nhân thất lộc đây hay sao?

Tây Môn Khánh vội nói:

- Thưa không phải, Ngô Đại nhân đây là anh của tiện nội còn người bất hạnh đây chỉ là trắc thất.

Tiết Thái giám gật đầu tiếp tục uống trà. Tiết Thái giám hỏi:

- Sao giờ này chưa thấy Lưu lão công tới.

Đám quân hầu quỳ thưa:

- Kiệu của Lưu lão công cũng sắp tới.

Tiết Thái giám lại hỏi:

- Hai tên ca công ta gửi tới đã đến đây chưa?

Tây Môn Khánh vội đáp:

- Thưa đã tới từ sớm rồi.

Đoạn quay lại bảo Đại An gọi hai ca công tới. Lát sau hai ca công tới lạy chào. Tiết Thái giám hỏi:

- Hai ngươi ăn uống gì chưa?

Hai ca công đáp:

- Dạ chúng tôi đã ăn rồi.

Tiết Thái giám bảo:

- Vậy thì hai ngươi nên hết tâm hầu hạ, ta sẽ trọng thưởng.

Tây Môn Khánh nói:

- Thưa lão công, chúng tôi ở đây đã có một đoàn hát, xin để bảo chúng nó tới hát hầu lão công.

Tiết Thái giám hỏi:

- Đoàn hát đó từ đâu tới vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Đoàn này từ vùng duyên hải tới.

Tiết Thái giám bảo:

- Nếu vậy thì họ hát giọng man mọi khó nghe, làm sao mà hiểu được là họ hát cái gì. Tôi đây thuở nhỏ ở chốn hàn song, ba năm học hành tân khổ, chín năm ngao du, lưng đeo đàn gươm sách vở tới kinh ứng thi mới có chức quan, nghe các đoàn hát ở kinh nhiều rồi, nay nghe đoàn hát ở những nơi khác chắc không thích.

Ôn Tú tài nói:

- Lão công dậy như vậy là không thấu suốt nhân tình. Ở nước Tề thì nghe giọng hát nước Tề, ở nước Sở thì nghe giọng hát nước Sở. Lão công ở chỗ tôn nghiêm, âm nhạc chắc rành, nay nghe hát lại không thể có một chút thích thú nào hay sao.

Tiết Thái giám cười ha hả:

- Tôi quên, tôi quên, Ôn Tiên sinh là người ở đây, các vị đây đều là ngoại nhân, nên tiên sinh mới bênh vực các ngoại quan, phủ bênh phủ, huyện bênh huyện cũng là chuyện thường tình.

Ôn Tú tài nói:

- Dù là bậc sĩ đại phu trong triều thì nhiều khi cũng chỉ khởi đầu bằng danh vị tú tài. Lão công dạy như vậy e tổn thương tới liệt vị đây.

Tiết Thái giám nói:

- Thôi thôi, trong một địa phương thì cũng có người hiền kẻ ngu, chẳng nên bàn luận thêm nữa làm gì.

Đang nói chuyện thì gia nhân vào thưa:

- Lưu lão công tới, đang hạ kiệu ngoài cổng.

Đám Ngô Đại cữu vội bước ra nghênh tiếp. Lưu Thái giám vào trước linh cữu vái mấy vái rồi quay ra thi lễ cùng mọi người. Tiết Thái giám hỏi:

- Sao lưu công giờ này mới tới?

Lưu Thái giám dẹp:

- Có họ Từ ở bên phía bắc tới nên phải tiếp một hồi, khách về rồi mới đi được, do đó có hơi trễ.

Nói xong ngồi xuống. Gia nhân đem trà ra. Lưu Thái giám hỏi:

- Quân hầu đâu? Đồ tế lễ đã soạn ra chưa?

Đám quân hầu thưa:

- Đã soạn tươm tất cả rồi.

Quân hầu thưa xong bày lễ vật trước hương án rồi đốt hương. Lưu Thái giám rủ Tiết Thái giám cùng tới dâng hương.

Tây Môn Khánh đứng bên linh cữu lạy tạ rồi mời hai vị Thái giám trở lại chỗ ngồi.

Lát sau tiệc dọn ra, Ngô Đại cữu và Bá Tước róc rượu mời hai vị Thái giám. Rượu được vài tuần, đoàn hát đưa danh sách các tuồng tích lên, hai vị Thái giám chọn một tuồng cho hát.

Tuồng hát được nửa chừng, hai Thái giám có vẻ không thích,bèn gọi các ca công lên đàn hát. Hai người cũng chẳng nghe hát, cứ ồn ào trò chuyện. Tiết Thái giám bảo:

- Lưu ca à, chẳng hiểu hôm nọ làm sao mà mưa như trút nước, rồi sấm chớp đùng đùng, gió thổi như bão, làm bay cả ngói của điện Ngưng Thần, làm cho đám cung nhân bị một phen hoảng vía. Triều đình sợ lắm, vội cho lệnh tu sửa, bá quan cũng lo âu lắm. Rồi tiếp đó là sứ thần nước Kim sang đòi cắt đất ba trấn, tên giặc già Thái Kinh lại bằng lòng cắt đất, nhưng các võ tướng không chịu. Hôm nọ nhân tiết lập dông, thánh thượng ra tế tại thái miếu. Vị Thái thường Bác sĩ họ Phương được cử tới lo dọn dẹp trước, thấy gạch trong thái miếu dường như chảy máu, mà khu đất thái miếu như là bị sụt xuống một góc, bèn dâng biểu tường trình, lại nói là điềm bất tường, chẳng nên phong Vương cho các hoạn quan, thế có lạ không chứ.

Lưu Thái giám nói:

- Chúng mình tuy là nội quan, nhưng lại đang làm việc ở ngoài, nên chuyện trong triều không phải là chuyện của chúng mình, cho nên cứ việc uống rượu nghe hát là hơn.

Nói xong gọi ca công tới bảo đàn hát. Tiết Thái giám không nói gì, chỉ ngồi uống rượu nghe hát.

Mãi tới chiều hai vị Thái giám mới đứng dậy cáo từ. Tây Môn Khánh lưu giữ không được, đành phải tiễn về. Hai Thái giám lên kiệu, quân hầu dẹp đường ầm ý mà về.

Tây Môn Khánh tiễn khách xong trở lại bàn tiệc sai đốt đèn nến, đem thêm đồ ăn, và cho gọi các quản lý Phó, Hàn, Cam, Bôn Tứ. Thôi Bản và Kính Tế tới dự tiệc, lại bảo đoàn hát tiếp tục diễn, rồi bảo Bá Tước:

- Mấy vị nội quan vừa rồi thật không hiểu được cái ý vị của điệu hát miền Nam. Nếu biết trước như vậy thì tôi đã chẳng bảo hát làm gì.

Bá Tước nói:

- Mấy người đó có biết thưởng thức là gì họ chỉ quen nghe mấy điệu hát quê mùa, đâu hiểu được những điệu vui buồn, những chuyện ly hợp trong tuồng. Thật là uổng công đại ca.

Mọi người uống rượu xem tuồng, trò chuyện vui vẻ, Bá Tước ngồi cùng bàn với Tây Môn Khánh, lát sau hỏi:

- Ba đứa ca nữ còn ở đây, sao đại ca không gọi chúng nó ra chuốc rượu?

Tây Môn Khánh cười:

- Lại chuyện đó nữa, thôi dẹp đi, bọn chúng nó không vui đâu, nên đã về hết cả rồi.

Bá Tước bảo:

- Mấy đứa đó ở đây cũng hai ba ngày chứ ít đâu.

Tây Môn Khánh gật đầu:

- Nhưng Ngân Nhi ở lâu nhất.

Đến canh ba, tuồng đã vãn, tiệc cũng xong, mọi người mới chia tay. Tây Môn Khánh thưởng tiền cho đoàn hát rồi cho về,đoạn dặn Ngô Đại cữu:

- Ngày mai tới sớm tiếp khách giùm tôi.

Hôm sau, Chu Thủ bị, Kinh Đô giám, Trương Đoàn luyện,Hạ Đề hình cùng các chức việc trong nha môn tới tế lễ, lễ vật rất hậu, gồm đủ dê,lợn và nhiều thứ khác. Tây Môn Khánh đã chuẩn bị tiệc rượu khoản đãi, cạnh tiệc có bọn Lý Minh đàn hát.

Mãi tới chiều tiệc mới tan,các quan tiền hô hậu ủng ra về.

Tây Môn Khánh muốn lưu giữ Ngô Đại cữu và mọi người,nhưng Ngô đại cửu bảo:

- Mấy hôm nay ai cũng mệt mỏi cả rồi, lại quấy nhiễu dượng nhiều quá, dượng cũng mệt mỏi cần nghỉ ngơi. Thôi để chúng tôi về.

Nói xong cùng mọi người cáo từ mà về.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: