Tuyển vĩnh đao - Tiểu Đoạn
Tuyển Vĩnh Đao
Tác giả: Tiểu Đoạn
Chương 1
Chương 1
Dịch thuật: Aficio
Hồi nhỏ nghe phụ thân kể chuyện, nói rằng...
... Ngày xưa có một người mời khách, mời được bốn vị bằng hữu. Đến ngày hôm đó, một người bận việc không đến được. Chủ nhà thuộc mẫu hay nhớ nhung, trong bữa tiệc cứ than mãi: "Ôi, người cần đến thì chẳng đến." Một hai lần còn coi được, nhưng y cứ nói hoài không thôi. Trong số khách mời có người nóng tính, cuối cùng nhịn không nổi, hừ lạnh nói: "Hẳn mỗ là kẻ không nên đến rồi!" Đoạn đứng dậy, bỏ đi. Chủ nhà không giữ kịp, đành quay lại rồi than vãn mãi trong bữa tiệc: "Ôi, người không nên đi lại đi mất rồi." Nói tới mức khiến cho người thiếu sự khoan dung hơn trong hai người còn lại chịu không thấu: "Vậy là mỗ nên đi hử?" Đoạn cất bước đi thẳng khỏi cửa. Chủ nhà đuổi theo sau, vẫn không giữ lại được, chỉ đành nhìn bóng lưng mà gọi lớn: "Người ta nói không phải là huynh..."
... Người khách duy nhất còn lại có thêm hàm dưỡng nữa cũng không ngồi lại nổi.
Cuối cùng, chủ nhà chỉ còn biết một mình ăn hết cả bữa tiệc, uống trọn bầu rượu sầu.
... Thực ra cũng không có gì, chỉ là đột nhiên nghĩ tới cái từ "Tuyển Vĩnh" (1), Thương Ngưng mới nhớ lại câu chuyện đó.
Thương Ngưng thường nhớ lại câu chuyện đó, bởi vì hắn nhớ phụ thân mình. Họ Thương ở Giang Tây là một đại tộc, sống ở Ưng Đàm nhiều đời nay, danh tiếng trong giang hồ rễ sâu cành rộng. Chẳng qua trong dòng tộc, phụ thân lại là một người cha quá ư bất đắc chí (2). Hắn, cũng là đứa con quá ư bất thành khí (3).
Hắn từ nhỏ tới lớn tướng mạo bình bình, luyện công luyện đao mãi cũng chỉ tới mức ấy. Thân người tuy cao là thế, nhưng tuyệt chẳng phải đứa thông minh, làm việc gì cũng chẳng nên hồn, nhưng hắn luôn luôn nhớ tới phụ thân mình. Bởi cho rằng hắn rất có hi vọng, phụ thân từng nói với hắn rằng: "Đao pháp của con, nếu ngày nào đó có thành quả, cha nghĩ, chỉ có thể là cảnh giới của hai chữ đó thôi: Tuyển Vĩnh..."
"Tuyển Vĩnh?"
Cậu trai Thương Ngưng mới mười sáu tuổi nghĩ ngợi mơ hồ, cái gì mới là Tuyển Vĩnh đây?
Chú thích:
(1) Tuyển Vĩnh: Nghĩa là "thâm sâu, sâu sắc, sâu xa". (2) Bất đắc chí: Hoài bão không thành sinh ra u uất. (3) Bất thành khí: Ý nói vô tích sự.
Tuyển Vĩnh Đao
Tác giả: Tiểu Đoạn
Chương 2
Chương 2
Dịch thuật: Aficio
Ưng Đàm là nơi họ Thương sống thành cộng đồng. Những kiến trúc tứ hợp viện (4) lớn hay bé đều lấy trung tâm là nhà thờ tổ, rồi phân bố tứ tán xung quanh. Nhà của Thương Ngưng nằm ở ngoài rìa nhất của cái quần thể kiến trúc to lớn ấy. Một gian khóa viện (5) rất hẹp, thậm chí còn không độc lập, mà được cắt ra từ trong nhà của người khác.
Cửa với tường của hết thảy nhà dân nơi này đều là một mảng đen như than. Tuy thế trong cái mảng đen như than ấy, ắt phải có mấy cánh cửa mà trên đó điêu khắc những đường hoa văn rối rắm, từ đỉnh vòm xuống tới tận dưới đất. Đó là vinh dự đặc biệt chỉ dành cho gia đình có con cháu chiếm được ngôi đầu trong đại hội luận võ "Tử Đệ Hội", tổ chức năm năm một lần.
Thời thơ ấu của Thương Ngưng rất cô độc bởi sự bất đắc chí của phụ thân. Phụ thân hồi nhỏ đọc sách, rồi chuyển sang tập kiếm, sau đó lại đi buôn bán, rơi vào cảnh "độc thư tập kiếm lưỡng bất thành" (6), một đời sai lầm.
Mẫu thân ra đi khi Thương Ngưng còn rất bé. Cái chết ấy cũng là cái chết lặng lẽ mà kìm nén ở cái gia tộc tụ tập quần cư này. Sinh tồn ở gia tộc như thế, tử vong cũng là phương thức sinh tồn cho người sống. Đương nhiên phải thổi kèn đánh trống báo cho tất cả, cùng với để tang toàn tộc mới gọi là có mặt mũi, không thì cuộc đời của bạn cũng chỉ nhẹ như lông hồng (7) thôi.
Thương Ngưng từ bé đã nhẹ như lông hồng rồi. Nó luôn phải sống trong cảnh phải nhìn trước ngó sau ở cái khóa viện nhỏ xíu do thân tộc ban ơn cấp cho. Đứa bé trai chính là động vật cần đến hư vinh nhất trên thế giới này, cần có cha anh soi đường cho bước tương lai. Nhưng Thương Ngưng không có, nên khi đối mặt với những đứa bạn cùng tuổi kể về cha anh chúng diễu võ dương oai thế nào, nó thường muốn hét lên với chúng, nói rằng phụ thân mình "tài cao vạn trượng tựa mây trời, một đời hoài bão tỏ cùng ai?"
Nhưng nó sợ gặp phải ánh mắt khinh thường của kẻ khác. Cả họ Thương luyện võ, ngẫu nhiên Thương Ngưng lại lộ ra một câu thơ học từ phụ thân, liền gặp ngay phải sự trêu chọc đùa bỡn.
Vì thế, Thương Ngưng từ bé đã luyện đao, luyện cực kỳ gian khổ. Nỗi khổ này cũng bởi bị chê cười mà thành. Thương môn đao pháp do tổ tông truyền lại, chiêu thức đao pháp được truyền thụ thống nhất trong từ đường, nhưng tâm pháp tinh tế bên trong, mỗi nhà lại có sự tiếp nối riêng.
Phụ thân hắn lại là người bất đắc chí, bất kể thế nào cũng đều thành trò cười trong mắt người khác. Nên Thương Ngưng luyện đao như thể phải khai phá ra con đường mới từ chỗ chẳng có đường đi. Khai phá trong cay đắng, khai phá trong vụng về, khai phá trong muôn vàn cực nhọc, kết quả cũng hầu như đã được định sẵn là tốn công vô ích mà thôi.
Năm hắn mười sáu tuổi, phụ thân tạ thế.
Sau khi phụ thân tạ thế, hắn vẫn tiếp tục luyện đao, dựa vào chút tiền phụ thân để lại mà duy trì việc luyện tập khổ sở, vừa luyện đao vừa đi bổ củi, củi hắn bổ nổi danh trong trấn về độ đều đặn chỉnh tề. Toàn bộ người trong họ Thương đều cười sau lưng hắn: "Thương gia chúng ta đã sinh ra một gã bổ củi xuất sắc nhất."
Thương Ngưng ra mắt rất muộn, phải tới khi hắn hai bảy tuổi.
Vào dịp Tử Đệ Hội năm năm một lần đầu tiền, hắn còn đang để tang. Thực ra hắn có để tang hay không, người khác cũng chẳng nghĩ rằng hắn sẽ tham gia. Lần thứ hai, hắn bị ốm ngay ở thời điểm quan trọng, chính bởi sự hưng phấn trước đó, sự hưng phấn tới u uất khiến hắn sốt cao.
Dịp này, là dịp cuối cùng hắn có tư cách tham gia, hắn nhất định phải nắm lấy cơ hội này.
... Trong Tử Đệ Hội, trước cửa từ đường họ Thương, hắn cuối cùng đã rút ra thanh đao đen xì ấy.
Tử Đệ Hội năm nay gian nan chẳng kém những đợt trước, bởi sự đông đảo hảo thủ bên ngoài. Từ Lĩnh Nam cho chí Ký Bắc, đệ tử trẻ tuổi họ Thương sống bên ngoài quay về có đến mười mấy người.
Thương Ngưng chậm rãi rút đao, đao của hắn màu đen thẫm, mệt mỏi đè nén bao nỗi uất ức tích tụ suốt quãng đời thanh xuân. Theo như người sau khi tỷ thí với hắn kể lại: Chưa từng thấy cách phát chiêu như hắn bao giờ. Thương Ngưng nói rất ít, chiêu số cũng chẳng phức tạp, chỉ là mỗi một chiêu hắn chém ra đều thâm thúy một cách đặc biệt, còn đao ý cũng sâu dài như thế. Đến mấy chiêu tiếp theo, đao ý của chiêu đầu tiên vẫn còn quấn lấy thân thể địch thủ gây nên cảm giác liên miên không dứt. Cho tới khi hắn đắc thắng rồi, địch thủ vẫn không thể giải thích bản thân rốt cuộc là thua ở chiêu thứ mấy trong đao ý liên miên bất tuyệt đó.
Lần luận võ này diễn ra liên tục trọn bảy ngày. Toàn thể tộc nhân họ Thương dường như không hài lòng thấy hắn dành phần thắng - chứng minh rằng sự lạnh nhạt của người trong toàn tộc đối với hắn không khỏi quá cố chấp.
Võ hội dài hơn so với trước kia hẳn bốn ngày. Có rất nhiều đệ tử họ Thương thành danh không bằng lòng thấy hắn đoạt quán quân, bao kẻ vốn không định tham gia Tử Đệ Hội lại xuất thủ vào đúng thời điểm sau cuối.
Cho tới bảy ngày sau, hắn mới được đứng dưới lá cờ thêu hình chim ưng ấy.
Hắn đứng rất lâu, cho tới khi xác định được không ai xuất thủ khiêu chiến nữa, tộc trưởng Thương tộc mới tuyên bố hắn thắng cuộc.
Cho tới khi lời tuyên bố được phát biểu xong, Thương Ngưng mới thực sự yên lòng. Thân hình cao gầy của hắn đứng ở đó mà ánh mắt dõi tìm khắp trong đám người, tựa như đang trong giấc mơ nào.
Hắn đang tìm phụ thân.
Phụ thân không ở đây... từ thuở bé, phụ thân và hắn chưa từng tham dự Tử Đệ Hội lần nào. Hắn hiểu, cha đương nhiên không ở đây.
... Nhưng lần này, hắn thắng rồi, cha hẳn sẽ bước ra khỏi cái khóa viện nhỏ xíu ấy chứ?
Thương Ngưng hiểu rằng kể cả phụ nhân tới rồi, cha con gặp nhau lúc này cũng chẳng thể nói nên lời. Bao năm rồi, cha với con biến thành ảo ảnh câm lặng, nhưng trong lòng hắn luôn cảm thấy có bao điều muốn nói với phụ thân. Hắn muốn nói với cha: Cha ơi, con thành công rồi, sau này cửa nhà chúng ta cũng sẽ chạm trổ hoa vàng từ trên mái vòm xuống tới tận mặt đất. Trước kia bọn họ luôn bao quanh cửa nhà chúng ta như một miếng gang vậy, nhưng giờ đây, chúng ta không phải sợ nữa rồi! Sau này... sau này trong tất cả những hoạt động náo nhiệt đều có phần của chúng ta!
Tâm trí hắn đột nhiên nhảy nhót tung tăng như một đứa trẻ, theo cái kiểu của ngày xưa, sau khi đi vào đôi giày mới, cuối cùng đã có cơ hội cùng những đứa trẻ khác ra khỏi cửa chạy nhảy vui đùa, đuổi theo, nhập vào giữa nhóm trẻ con đang rộn rã reo hò, trong lớp bụi bặm cuộn tung, cảm giác vui sướng muốn xé toang buồng phổi.
... Nhưng phụ thân, cha lại không có ở đây.
Ánh mắt của Thương Ngưng tìm kiếm giữa lớp người, tìm đi tìm lại, cuối cùng tìm không thấy.
Cho tới lúc này, hắn mới tỉnh mộng: A! Phụ thân đích thực đã ra đi rồi!
... Năm mười sáu tuổi, trong tang lễ lặng ngắt, lúc bàn tay phụ thân dần dần lạnh băng trong tay mình... Nhưng khi ấy, không hiểu tại sao hắn vẫn khăng khăng không chịu tin rằng phụ thân đã chết. Bao nhiêu năm nay, hắn trừ việc luyện đao ra, vẫn chỉ luyện đao. Đối với cái chết của phụ thân, hắn khóc cũng chưa từng khóc. Không ngờ nhiều năm về sau, cái cảm giác "phụ thân chết rồi" cuối cùng lại từ nơi nào xa thẳm truyền tới, bao lấy, cuộn lấy. Thời khắc ấy hắn chỉ cảm thấy trong lòng là một sự trống rỗng chẳng thể nói thành lời.
Tộc nhân họ Thương xung quanh chìm vào im lặng. Hồi lâu, Thương Cửu Gia mới mở miệng nói: "Hài tử này mãi không chịu nói gì, nhưng ta sớm biết rằng y ắt có triển vọng. Phụ thân y thực không tầm thường. Từ khi biết phụ thân y đọc sách tập kiếm, khổ cầu ngày sau rạng rỡ, ta đã cảm thấy, chi này của Thương gia cuối cùng chắc sẽ xuất hiện người có triển vọng."
Câu này vừa nói ra, mọi người sâu trong lòng đều đồng cảm. Toàn trường nhất thời vui vẻ lên, đám trẻ con bị ngăn cấm đã lâu giờ được khuyến khích, cởi bỏ cấm đoán bắt đầu phấn khởi ồn ào náo động.
Tất cả đã khôi phục lại trạng thái mà Tử Đệ Hội phải có.
Lời đó có phần "Sự hậu Gia Cát Lượng" (8). Nhưng Thương Ngưng hiểu rõ, đó chính là sự công nhận của một đại tộc nhân họ Thương sau bao nhiêu năm.
Hắn cần câu nói này, cần họ có thể công nhận hắn một cách "hợp tình hợp lý". Vì sự công nhận này, hắn chịu đựng quá lâu rồi - nhưng giờ đây, hắn chợt thấy mình không cần nữa.
"Người cần đến thì chẳng đến"...
Trong đầu Thương Ngưng là một mảng trống rỗng, chỉ có thể nghĩ đến câu nói đó.
Pháo nổ các nhà chuẩn bị cho chiến thắng của Tử Đệ Hội rền vang rộn rã, nổ bắn tung những mẩu giấy hồng khắp toàn trường, chạm tới những lá cờ treo trên mình lũ ngựa to lớn đi tuần...
Nhưng Thương Ngưng âm thầm rút lui - phụ thân không đến, sự náo nhiệt cũng đột nhiên thành náo nhiệt tới mức không thích hợp.
Đúng vào ngày hôm sau, Thương Ngưng bán hết toàn bộ những thứ mình có, đổi lấy một con lừa tầm thường, lần đầu tiên ra khỏi vùng Ưng Đàm mà tổ tiên sinh sống.
Chú thích:
(4) Tứ hợp viện: Kiến trúc nhà cửa thường thấy của người Trung Quốc, 1 sân vườn ở giữa, xây nhà bao quanh bốn phía. Trong truyện nói rằng nhà cửa xây bao quanh nhà thờ tổ (từ đường). (5) Khóa viện: 1 gian nhỏ trong tứ hợp viện, trong truyện chỉ là 1 phòng ngăn ra từ nhà khác. (6) Đọc sách luyện kiếm đều không thành: chỉ người ôm đồm mà chẳng thành được nghề nào. (7) Nhẹ như lông hồng ở đây chỉ thân phận thấp kém, không đáng kể. (8) Sự hậu Gia Cát Lượng: Ra vẻ thông thái khi sự việc đã xong rồi. Tuyển Vĩnh Đao
Tác giả: Tiểu Đoạn
Chương 3
Chương 3
Dịch thuật: Aficio
Ba năm sau đó là quãng thời gian Thương Ngưng có chí tiến thủ kiên cường nhất.
Với tuổi trẻ, thanh xuân là khổ chiến và thắng lợi nối tiếp nhau hết lần này tới đợt khác, kể cả thất bại cũng thất bại trong niềm hưng phấn sảng khoái. Có thể dùng hết toàn tâm toàn ý cảm thụ thất bại vẫn thật tuyệt vời, vì nó thực sự thỏa mãn.
Thương Ngưng bại đa số là bại âm thầm khi một mình nghiên cứu đao pháp, khổ nhọc cải tiến nó.
Còn bên ngoài, hắn hầu như toàn thắng.
Rồi lúc ấy, hắn đã yêu.
Tình yêu là tặng phẩm kèm theo của tuổi thanh xuân, nhưng dường như ai nấy đều chẳng nhìn xa trông rộng mà cho rằng nó là toàn bộ.
... Nữ hài đó xuất thân từ nhà "Túc Châu Hoa".
Họ Hoa vốn có nguồn gốc ở Ưng Đàm. Trong những họ ở Ưng Đàm, thịnh vượng nhất là hai họ này. Tổ tiên của họ từng xưng là "Bình sinh Tái Bắc Giang Nam, quy lai hoa phát thương nhan" (9), nhằm trỏ vào hai họ Hoa, Thương.
Hoa gia nổi danh giang hồ về thương mại lữ hành, sinh ý trải khắp thiên hạ. Có thể cưới nữ tử Hoa gia là ước nguyện mà dường như mọi thanh niên Thương tộc từ nhỏ đều ôm ấp.
Tuy nhiên, Thương Ngưng yêu không bởi nguyên nhân đó. Không phải vì nàng xuất thân Hoa gia, cũng không phải vì nàng là "Lộ Hoa Nùng" (10) trên "Quần Phương Phổ" (11) - nàng tên là Hoa Nùng, nhị tiểu thư được người đời tán dương nhất của Hoa gia ở Túc Châu, cũng là cành hoa mẫu đơn (12) trên "Quần Phương Phổ", thanh tú xinh tươi. Song khi Thương Ngưng ngốc nghếch quen nàng, tất cả mọi thứ nào ngờ đều chẳng hề hay biết.
Nàng thực là thanh tú xinh tươi. Với tính nết của Thương Ngưng, hắn đương nhiên vừa nhìn thấy đã yêu. Từ trước tới giờ điều hắn thiếu chính là sự xinh tươi thanh tú ấy. Còn Hoa Nùng, tựa hồ cũng thích cái ngốc ấy của hắn, có phần còn kiêu hãnh đắc ý bởi hắn không hề hay biết về danh tiếng của bản thân mình cũng như gia đình mình - nữ hài nào chẳng thích người khác để ý tới nàng vì chính bản thân nàng chứ không vì gì khác chứ?
Chỉ có điều Thương Ngưng khi đó vẫn cực nghèo.
Nhưng nàng không để ý, nàng nói: "Phú quý thiếp gặp đã nhiều rồi. Ở tuổi của chàng nghèo chút cũng tốt. Nghèo mới nỗ lực phấn đấu. Phấn đấu rồi sẽ có danh tiếng, muốn gì mà chẳng được chứ?"
Hắn muốn nàng, cưới nàng. Hắn là thể loại nam tử chẳng có chút sáng tạo nào trong tình ái. Thấy yêu rồi, sự thừa nhận tốt nhất là ngay lập tức cưới nàng.
Nhưng nàng không vội, nàng cười nói: "Vội làm chi, đợi sau đại hội trên đỉnh Quần Ngọc sơn hãy nói tiếp."
"Chàng vội gì? Đợi khi chàng giành quán quân trên đỉnh Quần Ngọc sơn rồi, muốn gì mà thiếp chẳng cho chàng đây?"
Ánh mắt tú lệ của nàng khẽ liếc: "Nếu cưới, thiếp muốn xuất giá thật vẻ vẻ vang vang. Muốn bọn họ phải cam tâm tình nguyện mừng cưới. Tiền bạc chàng không cần lo, có hồi môn của thiếp, chúng ta sau này cũng đủ dùng rồi."
Thương Ngưng hơi vội vã, nhưng Hoa Nùng chỉ nhẹ nhàng đùa bỡn nút buộc trên áo hắn - sự thân mật giữa nàng với hắn luôn như vậy, chỉ cho phép nàng chạm vào hắn, không cho phép hắn chạm vào nàng.
Chạm cũng chỉ chạm tới y phục là ngừng.
Do đó Thương Ngưng háo hức chờ đợi ngày hội trên đỉnh Quần Ngọc sơn.
Hội "Quần Ngọc sơn" là chuyện trọng đại giang hồ mười năm mới tổ chức một lần.
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung, Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng。 Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến, Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng。
Dịch thơ: Dung nhan hoa thắm, áo mây bay, Gió xuân ve vuốt giọt sương gầy, Quần Ngọc núi kia như chẳng gặp, Chỉ biết dưới trăng vọng Dao Đài.
(Đây là bài Thanh Bình Điệu thứ nhất trong 3 bài, Lý Bạch tả nhan sắc Dương Quý Phi. Dao Đài là nơi Tây Vương Mẫu tổ chức yến tiệc.)
Hội "Quần Ngọc sơn" là đại sự khiến cho cả giang hồ đều hưng phấn không thôi. Bởi vì, nó liên quan tới "Danh Khí Phổ".
Bởi vì trong giang hồ, vinh dự cao nhất sợ rằng chẳng thể hơn việc được bài danh trên "Danh Khí Phổ". Danh phổ này do sử quan của giang hồ là Cơ Hốt Tẩu chỉnh lý, rất chậm sửa đổi. Trừ nguyên nhân đặc biệt ra, duy chỉ có người thắng trong hội "Quần Ngọc sơn" mười năm một lần mới được ghi danh trên Danh Khí Phổ. Mười năm mới thêm một người - chưa kể có lúc bởi Cơ Hốt Tẩu lựa chọn nghiêm ngặt, cho dù thắng rồi cũng chưa chắc người đó đã được đề tên danh phổ, danh sách vẫn y nguyên như cũ.
Thế nên người giang hồ mong mỏi cũng là chuyện đương nhiên.
"Tuổi trẻ tên đề Danh Khí Phổ, ôm trọn hoa thơm sức vẫn dư!" Được đề tên trên Danh Khí Phổ là xem như đã thành con cháu Dao Trì. Bất kể kiều nữ danh môn của giang hồ thế gia nào, muốn cưới ai là cưới được người đó.
Lần đại hội Quần Ngọc sơn này, Thương Ngưng gặp được Tỉnh Thiệu Phi.
Tỉnh Thiệu Phi giống như hắn, xuất thân hàn môn; giống như hắn, thiếu niên đắc chí (13); giống như hắn, là nhân vật có thực lực tranh đoạt "Danh Khí Phổ".
Nhưng Tỉnh Thiệu Phi lại không giống hắn ở một điểm. Sau khi Tỉnh Thiệu Phi một trận thành danh ba năm trước, danh tiếng của y trên giang hồ đã vượt xa Thương Ngưng.
Tuy thế y với Thương Ngưng là bằng hữu, y mỉm cười nói với Thương Ngưng: "Đời người đắc ý cứ vui chơi (14). Lão Thương à, ngươi quá thận trọng rồi."
Hôm ấy sau khi say rượu y nói lời thành thật: "Lão Thương à, lần tranh đoạt Danh Khí Phổ này, kẻ duy nhất ta không đố kỵ chính là ngươi."
"Tại sao ư? Bởi vì ta giống như ngươi, đều xuất thân hàn môn. Cuộc đời này như một bữa tiệc lớn, nhưng ta ngươi đều không bước chân vào đúng chỗ, từ khi sinh ra đã mất tư cách tham dự rồi. Chỉ có nỗ lực phi thường, liên tục truy cầu, khổ sở truy cầu mới có được cơ hội dự tiệc. Chúng ta đều xuất thân như nhau, do đó ta vô cùng thấu hiểu ngươi luyện đao khổ thế nào. Trận này nếu thành danh thì muốn làm gì là làm được ngay. Nếu ngươi thắng, ngươi muốn gì?"
Thương Ngưng ít nói, có tâm sự gì cũng ít khi bộc lộ với người, nhưng không phụ lòng bằng hữu.
Băn khoăn hồi lâu, y mới thốt lên: "Hoa Nùng."
Tỉnh Thiệu Phi cười lớn: "Đương nhiên là Hoa Nùng. Ta mà thắng ta cũng muốn cưới nàng, ai thắng kẻ đó đều có thể cưới nàng! Nhưng nhỡ ngươi bại..."
Y nhìn vào mắt Thương Ngưng, sau đó thoáng giật mình: "Lẽ nào cũng... cũng muốn cưới Hoa Nùng?"
Thương Ngưng không nói gì nữa.
Tỉnh Thiệu Phi là kẻ nhanh trí, cũng không nói nữa.
Song sự nghi vấn trong mắt y đã khuấy động tới Thương Ngưng.
Thương Ngưng bất mãn, rất bất mãn, hắn nhận thấy Tỉnh Thiệu Phi sao có thể... coi Hoa Nùng như một thứ phần thưởng? Ai thắng kẻ đó nhất định cưới được vào tay! Hoa Nùng không... Thế giới này cái gì cũng có thể, nhưng Hoa Nùng thì không!
Nhưng ngay sau đó, hắn không khỏi tự suy xét lại trái tim mình. Chuyện hắn yêu thích Hoa Nùng, có phải cũng giống như Tỉnh Thiệu Phi chăng, bởi vì nàng tựa hồ... tựa hồ một diễn viên xuất sắc trong cái vở kịch cuộc đời to lớn này? Nếu được ở bên nàng, bữa tiệc nhân sinh được sắp đặt ra, sẽ trở nên tráng lệ huy hoàng tới mức bản thân từ nhỏ chưa từng nếm trải chứ?
Thương Ngưng thấy bất ổn ở chính điểm này. Hắn luôn luôn tự kiểm điểm bản thân, luôn luôn có nghi vấn trong lòng. Từ nhỏ hắn không có ai để nương tựa, do đó lúc luyện đao, do đó lúc xuất thủ, hắn khi phải đánh luôn muốn đánh cho ra một đòn chân chân thực thực đáng tin cậy.
... Với lứa tuổi như hắn, thực ra không biết rằng, đời người sao tránh khỏi nghi ngờ.
Đại hội trên đỉnh Quần Ngọc, long tranh hổ đấu, hoành tráng kịch liệt.
Có nghĩ cũng không ngờ rằng minh tranh với ám toán cùng lẫn lộn với nhau trong trường chém giết này. Thực sự có người đổ máu, có người tàn phế; có người ôm hận mà chết, có người lê lết bước đi.
Thương Ngưng từ khi sinh ra tới giờ mới được trải nghiệm qua sự hiếu chiến như vậy. Hắn cũng không hiểu mình bước tới điểm sau cùng như thế nào. Càng không ngờ rằng, Tỉnh Thiệu Phi cũng đã tới được trận sau cùng.
Kẻ hắn phải đối mặt lại là hảo hữu duy nhất.
Trận chiến cùng Tỉnh Thiệu Phi.
Binh khí Tỉnh Thiệu Phi dùng là "Bách Xích Luyện", chứ không phải thanh "Tuyển Vĩnh Đao" bổ củi tầm thường của Thương Ngưng.
"Bách Xích Luyện" được Tỉnh Thiệu Phi luyện tới mức xuất thần nhập hóa, người từng bại dưới tay y kể lại, đối chiêu cùng y, thực sự là... lầu cao vạn trượng sảy chân bước hụt, sóng Trường Giang xô thuyền đứt dây neo! (15)
Thương Ngưng và Tỉnh Thiệu Phi đứng đối diện nhau trên đỉnh núi Quần Ngọc. Thời khắc ấy, vạt áo cả hai bay bay. Từ trong mắt hai người đều không thể biết được, họ cảm thụ thế nào.
Sau cả một chặng đường dài, cuối cùng đã tới đích. Đỉnh núi Quần Ngọc dẫn thẳng đến "Môn Thiên Các" (16). Đứng nơi đây, những người quan chiến đều ở dưới chân, đều nhỏ bé tới mức nhìn không thấy.
Đao Thương Ngưng một màu đen kịt, Tỉnh Thiệu Phi Bách Xích Luyện hạ thấp. Lúc đó Thương Ngưng đột nhiên nhìn xuống đài, hắn muốn tìm ánh mắt của Hoa Nùng.
Hắn phải tìm ra đôi mắt nàng mới có thể thấy được chút niềm tin - không phải là niềm tin chiến thắng, niềm tin chiến thắng cả đời hắn chưa từng mất đi. Thương Ngưng muốn tìm kiếm một lý do. Hắn muốn biết, hảo hữu duy nhất Tỉnh Thiệu Phi của mình đánh trận này, rốt cuộc là vì cái gì?
Hắn thấy không ổn ở chính điểm này. Hắn luôn hiểu rằng, chuyện xảy ra trong cuộc đời cần phải có một chút lý do nằm ngoài lẽ đời, lý do ấy đồng thời phải chân thực tới không thể bài bác nổi.
Sau đó, trên đỉnh Quần Ngọc mây lượn nhấp nhô, người đi như gấm dệt, hắn đã nhìn thấy đôi mắt Hoa Nùng.
Đôi mắt nóng bỏng, đôi mắt long lanh, đôi mắt chứa đựng... như là có gì đó ẩn ước bất an đang phải hết sức đè nén. Sự bất an ấy giống như... giống như sự hưng phấn của cuộc bạc dốc túi. Nàng đang dùng sự hưng phấn để khích lệ hắn: Chàng biết rằng Tỉnh Thiệu Phi cũng rất để ý tới thiếp, thiếp đã đặt hết lên mình chàng rồi! Do đó, chàng phải thắng... nhất định phải thắng!
Nhưng điều Thương Ngưng muốn không phải thứ này.
Lúc đó, Thương Ngưng đứng ở đỉnh cao của cuộc đời mình, trong lòng lại sầu muộn đối mặt với trận quyết chiến. Giữa cơn u sầu, dường như trong hắn đang dấy lên sự hưng phấn ngang bướng của đứa trẻ: Hắn phải thử xem, mình thua thì thế nào? Có phải như Tỉnh Thiệu Phi ngầm ám chỉ, mình bại rồi là sẽ trở thành chẳng có gì... bao gồm cả Hoa Nùng chăng?
Hắn cũng đang đánh cược - cái hư danh đó hắn không cần. Điều hắn cần là một sự thật có thể lấp đầy, bù đắp cho sinh mệnh của mình.
Chú thích:
(9) Một đời ngang dọc Bắc Nam Da mồi tóc bạc lại mang trở về. (Hoa phát: tóc bạc; Thương nhan: bề ngoài già cả) (10) Lộ hoa nùng: tạm dịch là giọt sương đậm. (11) Quần phương phổ: nghĩa đen chỉ cuốn sách về những loài hoa thơm cỏ lạ, nghĩa bóng là bảng danh sách những cô gái đẹp nhất. (12) Mẫu đơn: loài hoa người Trung Quốc xem là quốc hoa, đứng đầu muôn hoa. Ở đây nói rằng Hoa Nùng là cô gái xinh đẹp nhất. (13) Thiếu niên đắc chí: người trẻ tuổi thành công trong sự nghiệp. (14) "Nhân sinh đắc ý tu tẫn hoan, Mạc sử kim tôn không đối nguyệt" là 2 câu thơ trong bài Tương tiến tửu của Lý Bạch: Đời người đắc ý cứ vui chơi, Chén vàng sao nỡ trống hoài dưới trăng. (15) Ý nói thất bại đúng vào lúc quan trọng nhất, để lại sự nuối tiếc lớn sau này. (16) Có thể hiểu như đã đứng trước cửa thiên đường.
-------------------------------------------------------------------------------- Chương 4
Chương 4
Dịch thuật: Aficio
Mắt Hoa Nùng lạnh đi.
Vì Thương Ngưng bại trận.
Đúng vào lúc bại trận, hắn nhìn thấy toàn bộ ánh lửa trong mắt Hoa Nùng đồng thời tắt ngấm.
Hắn sợ phải nhìn thấy sự tắt lụi ấy. Như thời hắn còn bé, hắn không có nhiều pháo để chơi, chỉ có đúng một bánh pháo nhỏ, một bánh pháo nhỏ bé ít ỏi hơn nhiều so với người khác. Hắn đốt cũng trân trọng một cách đặc biệt, hắn phải đợi mọi người đều đốt xong rồi, tất cả những tiếng đùng đoàng vang động trở nên lẻ tẻ, mới đốt bánh pháo nhỏ mình yêu quý ấy.
Thế nhưng nó dù gì cũng phải nổ hết. Hắn sợ phải nhìn thấy sự tàn lụi tiêu tan. Đúng vào lúc hắn đang sợ phải cảm thụ lại cảm giác khi bánh pháo nhỏ sắp nổ hết, từ nơi xa truyền lại tiếng ầm ĩ vang động của mọi người nói trời nói đất.
Tỉnh Thiệu Phi đột nhiên hét lớn: "Ngươi không thua, lão Thương, ngươi không thua!"
"Thế này không công bằng, chúng ta vừa mới so tài, đánh lại đi!"
Nhưng không ai nghe thấy tiếng y nói, y bị vùi lấp giữa tiếng hoan hô của chúng nhân.
Chuyện này Thương Ngưng đâu có để tâm tới, hắn chỉ để tâm tới đôi mắt Hoa Nùng thôi.
Đôi mắt sáng như sao ban sớm đã lạnh rồi. Lồng ngực mấy năm nay được bao thắng lợi lấp đầy như bị người ta hút mạnh một cái, thoáng chốc đã rỗng không.
Hắn khổ sở gửi đi ánh mắt, trong mắt hắn lộ ra lời cầu xin của đứa bé con: "Đừng!"
Tận đáy lòng hắn đang gào lên với Hoa Nùng: "Đừng..." chỉ cần nàng giữ vững qua thời khắc này, chỉ cần nàng cho ta một cơ hội nữa, chỉ cần nàng cho ta một "lần sau"...
Nhưng hắn không còn đợi được ánh mắt đáp lại của nàng.
Lòng hắn đau như băng tan tuyết lở, ngọc nát thành nghiêng, tơ tàn lụa xé.
"Người không nên đi lại đi rồi!"
... Hắn đột nhiên nhớ tới câu này.
Hắn không hận ai cả, chỉ hận chính mình. Rõ ràng là thứ tới tận tay rồi, tại sao hắn không tin? Tại sao nghi vấn? Tại sao lại phải đi thử đổ vỡ xem nó có phải là thật không?!
... Mọi thứ trên đời đều không thể xem là thật, cũng không sao tránh khỏi sự đổ vỡ. Nhưng cho dù có như vậy đi nữa, nó cũng thật tốt đẹp. Giả cũng giả thật tốt đẹp, chỉ cần giả tới mức hoàn mỹ là tốt rồi. Mình sao lại không thể nhìn thấu cái hoàn mỹ ấy chứ?
Cái hoàn mỹ mà mình kỳ vọng thực ra không hề tồn tại, sự không hoàn mỹ mới chính là trạng thái tâm lý của bản thân. Chương 5
Dịch thuật: Aficio
Thương Ngưng lặng lẽ lùi lại.
Thậm chí tất cả những thứ thuộc về hắn cũng đã sớm hạ màn.
Hắn đã đoán ra kết cục này, thực sự hắn cũng đã đoán đúng. Bởi vì hắn âm thầm ẩn đi, bao thủ tục cần phải làm trên thế gian được rút gọn rất nhiều: Hoa Nùng là nữ tử rất thông minh, kể cả có liên hệ với Thương Ngưng cũng luôn luôn tự khống chế rất tốt, không để cho người khác có được mấy điều để nói. Do đó chỉ cần một năm, nàng đã tiêu diệt sạch sẽ những dấu vết nơi miệng lưỡi thế nhân về mình và Thương Ngưng.
... Một năm sau, nàng gả cho Tỉnh Thiệu Phi.
Tỉnh Thiệu Phi lúc đầu vì lòng kiêu hãnh tuổi trẻ, thường kiên trì nói rằng Thương Ngưng không thua.
Nhưng khi y nói điều này, người khác toàn cho rằng y khiêm tốn. Dần dần, y không nhắc tới nữa.
Y đã có một hôn lễ ồn ào nhất trần đời. Hôn lễ như vậy, phải chăng ai ai cũng ao ước? Cũng đủ để khiến y và Hoa Nùng lấy làm tự đắc. Nhưng không hiểu vì sao, y không được đề tên "Danh Khí Phổ".
Tỉnh Thiệu Phi xuất thân hàn sĩ, một khi thành công, dù ít dù nhiều cũng có một số điều mọi người không muốn thấy, rồi sự phẫn hận lẫn bừa bãi từ từ lộ ra. Dần dần, tiếng tăm của y trở nên không tốt lắm. Dần dần, mọi người lại nhớ đến Thương Ngưng.
... Hiện giờ, dẫu Tỉnh Thiệu Phi đã tuyệt không nhắc đến, nhưng dần dà mọi người đều bắt đầu nói: "Thực ra Thương Ngưng không thua..."
Đây chẳng qua là một chút tế nhị của nhân tình thế thái, nhưng Thương Ngưng không hề hay biết.
Sau ngày hôm đó, hắn suy nghĩ rất lâu - như thời xưa ở Ưng Đàm, đoạt ngôi đầu Tử Đệ Hội rồi, hắn mới kinh ngạc nhận ra cái chết của phụ thân; sau lần ở Quần Ngọc sơn, hắn mới kinh ngạc nhận ra cái chết của nội tâm mình.
Hắn thường nhớ lại câu chuyện phụ thân từng kể cho nghe, nhớ lại lời Tỉnh Thiệu Phi nói, nhớ lại rất nhiều. Hắn đột nhiên hiểu được thâm ý nằm trong câu chuyện ấy: Cuộc đời là một bữa tiệc lớn, tối thiểu thì ai nấy đều kỳ vọng cái nhân gian của mình là một bữa tiệc lớn. Bọn họ chuyên tâm chuẩn bị, mỗi món thịt món rau, từng cái bát cái đĩa, chọn được ngày tốt rồi, làm ra đường vàng đường bạc (17), mời đủ hết bạn bè thân thuộc, rồi chờ đợi ngóng trông, đợi tới ngày ấy để trang hoàng sắp đặt.
... Nhưng không phải tất cả mọi người đều có may mắn ấy, khi tiệc rượu bắt đầu, đa số sẽ phát hiện ra, không ngờ thiếu mất một cái gì, như câu chuyện đó nói: "Cần đến thì không đến". Cuộc đời chỉ mong thu xếp cho được một lần viên mãn, nếu như chẳng viên mãn, sẽ khiến cho người thích tính toán phải nghĩ ngợi: Việc mình khổ tâm lo liệu dường như đã bị bạc đãi. Do đó chủ nhân sẽ liên tục nhắc tới, nhưng cái sự nhắc ấy bản thân nó đã là bi kịch rồi... nhắc tới mức cuối cùng chỉ còn lại mình mình đối mặt với tiệc rượu ôm sênh (18) ca hát lảm nhảm.
Bữa tiệc đó là một giấc mộng... mình và Tỉnh Thiệu Phi vận khí đều không tốt, sinh ra trong gia đình hàn môn, bước lầm một chút là tới ngay cái nhân thế này - thế nên phải khó nhọc bắt kịp nó, Tỉnh Thiệu Phi mới phải cố sức lập danh như vậy, bản thân mình mới phải luôn luôn cân nhắc xem xét thật giả của mọi thứ, luôn luôn thích nghi vấn.
Hắn và y, đều có chung một điểm khởi đầu, phát hiện ra mình là kẻ bị trục xuất khỏi nhân sinh vốn hoàn mỹ ấy, đều là kẻ bỏ "nhà" ra đi cả. Lễ pháp công danh trong xã hội này vốn để khiến người ta quy về một ngôi "nhà" lớn duy nhất. Nhưng bất kể bị trục xuất hoặc là bỏ đi, đều khiến hắn có được cơ hội nhìn thấy cái giả trong nhân sinh, nhìn thấy một chút chút cái thật. Dẫu hắn vẫn mang sự kỳ vọng như đứa trẻ, mong rằng mình không vướng phải cái "giả" đó, lại cũng tự mình trân trọng cầu mong cái "thật" bất di bất dịch, chứ không chịu quay lại giảng hòa với cái giả kia.
Hắn chờ đợi chính là cái "thật" - tuy hắn đau khổ thấu triệt rằng mình mưu cầu được cái thật rồi, nhưng tuyệt không phải là cái thật của sự hối tiếc này.
Hắn đột nhiên hiểu được: Luyện đao cũng giống như cầu đạo. Luyện đao chính là một lần ra đi, nếu lần ra đi này chỉ tạm thời ngắn ngủi, để đạt được chút vốn liếng gì đó rồi lại trở về giảng hòa cùng yến tiệc, hắn sẽ khinh miệt sự yếu đuối của mình như thế nào đây?
... Bởi vì cái việc ra đi như thế chẳng khác chi "dâm dật"! (19)
Nhưng bất kể thế nào, nghĩ thêm nữa thì sẽ thông. Khi tin tức về hôn sự Tỉnh Thiệu Phi và Hoa Nùng lan truyền, chẳng hiểu sao, trong lòng Thương Ngưng lại dấy lên nỗi phẫn uất.
Hắn không hiểu mình phẫn uất vì cái gì, song không tài nào kiềm chế nổi sự không cam chịu và phẫn uất.
... Khi đó, hắn đang luyện đao trên "Cổ Thạch Đài".
Luyện đao đã trở thành sự gửi gắm duy nhất của hắn. Cái việc luyện đao vốn đã mất đi mục đích, nhưng hắn không hiểu vì sao vẫn tiếp tục khổ luyện. Không bởi thứ gì khác, đao là cuộc sống của hắn, là phong cách sống của hắn.
Trên đời này vốn tồn tại người hiếu kỳ, những người thích tìm kỳ kiếm quái, khoái chí với việc tìm ra tin tức mới mẻ tân kỳ nhất ở nơi hẻo lánh. Dần dần, không ngờ có người tới "Cổ Thạch Đài" xem hắn luyện đao. Đặc biệt là, đúng vào ngày mà Tỉnh Thiệu Phi thành thân với Hoa Nùng, không ngờ có hàng trăm người tụ tập bên "Cổ Thạch Đài".
Đây là sự hào hứng của việc "áo gấm đi đêm", tăng thêm niềm vui thầm kín cho công cuộc tìm kiếm đằng sau sự náo nhiệt.
Thế là... mưa nơi ấy đột nhiên tạnh hẳn...
... Bởi vì đã bị y phục của hắn nhuộm hết. Bộ y phục cũ của hắn trắng lóa lên, cái trắng lóa khi một đao rút ra.
Hắn chém ra một đao, sau đó hắn đi mất. Để lại cả một thạch đài đầy mưa gió cùng hàng trăm người trông ngóng. Hắn đi rồi, người trông ngóng vẫn chưa đi, bởi vì đao ý chưa tan. Cho tới ba tháng sau, nghe đồn còn có người thông hiểu đao pháp tới thạch đài quan sát đao ý chưa tiêu tán hết ấy. Sau này giang hồ có truyền thuyết: Cả tòa thạch đài đều bị nước mưa làm ướt, nhưng đao ý lướt qua rồi, đường nét từ ảnh hưởng của đao ý để lại trên thạch đài, thủy chung vẫn khô ráo.
Đao này, đao ý không ngờ lại sâu dài đến thế.
Đến nỗi "Tuyển Vĩnh Đao" được lưu danh giang hồ, lưu danh tới mấy chục năm.
Chú thích:
(17) Hoàng kim, bạch ngân, chỉ sự hết lòng khi mời khách. Hoàng, bạch cũng là sắc màu chính thống: "Quân tử phi hoàng bạch bất ngự, phụ nhân tắc hữu thanh bích". (18) Sênh: một loại nhạc cụ, trông tương tự cây khèn của người dân tộc. (19) Nguyên thể "dâm bôn": ý Tiểu Đoạn so sánh việc luyện tập nửa vời với sự tìm kiếm thỏa mãn tạm thời trong tình dục.
-------------------------------------------------------------------------------- Vĩ thanh
Vĩ thanh
Dịch thuật: Aficio
Một căn nhà thôn quê bé nhỏ.
Mấy thớt bạch mã lộp cộp đi tới.
... Bạch mã khoác cương vàng, trên cổ đạo xêng xang. (20)
Kẻ ngồi trên lưng ngựa tuổi hẵng còn trẻ. Mấy gã trẻ tuổi đột nhiên dừng ngựa, dừng ngay trước cửa căn nhà.
Lúc ấy đã là hơn chục năm sau đó.
Hơn chục năm rồi, Thương Ngưng chưa hề xuất đao trên giang hồ. Hắn rút lui về sống ở tiểu trấn heo hút miệt Giang Tây này.
"Tuyển Vĩnh Đao" của hắn đã lừng danh giang hồ. Nhưng giờ đây, hắn dùng thanh đao ấy để bổ củi. Bổ củi là kế sinh nhai hiện tại của hắn. Củi hắn bổ ra đều đặn khô ráo, đặc biệt dễ đốt.
Ban đầu chỉ là để mưu sinh, sau này, không ngờ lại "bổ" ra được chút hứng thú nhân sinh.
Lũ ngựa dừng lại bên cửa, người tới đây đều là con cháu thế gia có danh tiếng trong giang hồ. Ai nấy trẻ trung, người người đều ăn mặc cực kỳ khoa trương.
Một trong số đó xuống ngựa, nhìn chằm chằm vào Thương Ngưng tầm thường bên trong, bất chợt ngạo mạn hỏi: "Ngươi chính là Thương Ngưng à?"
Thấy hắn không trả lời, thiếu niên đó càng thêm kiêu căng mắng mỏ: "Con mẹ nó, ngươi là cái thá gì chứ! Đại hội trên Quần Ngọc sơn, thúc thúc ta chẳng ngờ không được đề tên Danh Khí Phổ, lão già Cơ Hốt Tẩu đó đúng là có mắt không tròng. Vậy mà múa đao ở 'Cổ Thạch Đài' một cái, bất ngờ lão cho ngươi tiếm danh vào Danh Khí Phổ, rõ ràng là ngươi lừa trời dối đất. Thúc thúc ta đang tiếng tăm lừng lấy, không hứng thú so đo với ngươi, nhưng con cháu Tỉnh gia không phải dễ trêu vào!"
... Thì ra là lớp con cháu họ Tỉnh.
Đến rồi... cuối cùng cũng đến rồi.
Thương Ngưng hé mắt nhìn đám thiếu nhiên phóng ngựa cả một ngày dưới ánh mặt trời.
Hắn đã ở tuổi trung niên - sinh tử trung niên lưỡng bất kham (21) - cái thêm là hiểu biết, cái bớt là hào hứng.
Nhìn đám người trẻ tuổi này, hắn không khỏi nhớ lại những tháng ngày xưa kia của mình.
Hắn không giận, thực sự không giận. Hắn nhớ lại mình khi còn trẻ, cũng là "trong mắt không lẫn một hạt cát" (22). Hắn nhớ tới câu "cần đến thì không đến" và "không nên đi thì lại đi", trong lòng chợt dấy lên cái cười thê lương.
Nhưng nó không hiện ra trên nét mặt. Hắn chỉ ngơ ngác nhìn đám thiếu niên, như thể một người dân quê chất phác, kinh hãi bởi y phục trắng tinh, giày da sáng loáng của bọn chúng. Trong miệng hiền lành lùng túng trả lời: "Nhưng mà, người ngươi nói không phải là ta..."
Mấy tên trẻ tuổi ngạc nhiên nhìn nhau. Bất kể thế nào, tên bửa củi này chẳng giống một đao khách lừng danh giang hồ chút nào.
Cả bọn phân vân một lát, ôm một bụng hồ nghi ruổi ngựa đi mất.
... "Người ngươi nói không phải là ta!"
Thương Ngưng nhìn thoáng qua bóng lưng của bọn chúng, rồi lại tiếp tục vung đao chém xuống một thanh củi.
... Cuộc đời thực sự là một sự hoang đường khiến cho người ta khó hiểu lầm lẫn, là vở bi kịch hoang vu lạnh lẽo.
Hắn đột nhiên cảm thấy vui, bổ củi mà cũng thấy vui. Cuối cùng hắn đã hiểu câu chuyện phụ thân kể, hiểu cái gì mới là "Tuyển Vĩnh". Tuyển Vĩnh là một trạng thái tâm lý thâm sâu, là sự đề kháng trào phúng trước tạo hóa vô danh và tao ngộ vô danh.
Dẫu sao đi nữa, vào lúc kết thúc bữa tiệc của hắn, hắn cuối cùng có thể không vướng mắc gì mà trào phúng một câu:
"Người ngươi nói không phải là ta..."
Hắn nhìn đống củi trước mắt, nhìn một đời tu luyện của bản thân, rồi tới thanh đao không ngờ cuối cùng dùng để bổ củi, trong lòng lại đượm buồn, nghĩ ngợi chẳng yên:
... Dẫu sao đi nữa, bất kể đao luyện tới mức nào, cả một đời mình, chắc gì đã sống được tới "Tuyển Vĩnh"...
Hết.
Chú thích:
(20) "Bạch mã sức kim ky, liên phiên Tây Bắc trì" là 2 câu đầu trong bài Bạch mã thiên của Tào Thực thời Tam Quốc, bài thơ kể về những trang du hiệp hào hùng ruổi rong khắp Hà Bắc Giang Tây, trừ gian diệt bạo. Ở đây Tiểu Đoạn sửa 2 chữ "Tây Bắc" thành "cổ đạo" với ý châm biếm, trào phúng. (21) Ý nói sự lỡ dở ở cái tuổi trung niên, không già, chẳng trẻ. (22) Ý nói nóng nảy, không biết nhịn cái bực dọc nhất thời.
Hết
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro