Chương 0: Tuổi thơ của tôi
“Có một loài cây chỉ nở hoa vào lúc cuối đời.”
Đó là điều bí mật mà Sa nói với tôi khi đứng trước lũy tre làng, trong một buổi chiều tắt nắng. Lúc đó, nó nhìn tôi bằng đôi mắt mở to thao láo, chờ đợi. Tôi trông xuống con bé thấp hơn mình cả một cái đầu, nhưng chỉ ba giây thôi là tôi chuyển hướng ngay sang bụi tre xanh trước mặt. Bởi tôi không ưa cái vẻ ngoài gầy nhom, lôi thôi lếch thếch, lại thêm nước da đen nhẻm do cháy nắng của nó.
- Sao tao biết mày không nói dối? – Tôi bĩu môi.
Đúng vậy, tôi chưa từng nghe nói rằng tre có hoa. Khi tôi ý thức được vạn vật xung quanh thì bụi tre này đã đứng sừng sững ở đây rồi. Mười hai năm sống ở cái làng này, ngày nào cũng đi qua nó, thậm chí tôi cùng mấy đứa bạn mỗi chiều đi học về hay chơi bắn bi, đá ống lon ngay dưới gốc tre, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy bất cứ cái gì giống hoa mọc lên cả.
- Em nói thật mà. Anh Huân, tin em đi!
Đôi mắt con bé bắt đầu ướt nước, tôi khó chịu gắt gỏng.
- Không tin! Mày ở nhà, đừng có đi theo tao, nghe chưa?
Rồi tôi quay ngoắt, chẳng thèm bận tâm mặt nó lúc này có méo xệch hay không mà chạy thẳng một mạch. Tôi ghét cay ghét đắng cái vẻ năn nỉ ỉ ôi của Sa, ghét cái thói cứ hay nhằng nhẵng bám đuôi tôi, khiến đám bạn suốt ngày gán ghép tôi với nó. Lần này, mặc cho nó tìm mọi cách, thậm chí bịa ra chuyện hoang đường là tre có hoa, tôi nhất định phải cắt được cái đuôi này.
Chạy đi được một quãng, tôi ngoái đầu lại xem con bé có đuổi theo không, và tôi cảm thấy hả hê khi nó vẫn đứng nguyên tại chỗ. Ráng chiều rơi trên đầu ngọn tre, hòa vào màu xanh một chiều buồn ảm đạm, Sa đứng đó, bé xíu như cái chấm nhỏ, bóng đổ dưới nền đất đỏ sỏi đá nhấp nhô. Nó không khóc, nhưng mặt buồn xo, đôi mắt dõi theo tôi mang một mảng hoàng hôn chới với. Thấy tôi dừng lại, nó nhoẻn cười để lộ hai cái răng sún ngay cửa miệng.
Tuy nhiên, tôi chỉ dừng thế thôi, sau đó lại cắm đầu cắm cổ chạy. Tôi biết nó buồn, nhưng tôi vốn dĩ chẳng để tâm.
Sa là đứa trẻ bị bỏ rơi.
Một ngày hai năm trước, trên đường đi học về, tôi và đám bạn trông thấy một con bé ăn mặc rách rưới bẩn thỉu ngồi dưới bụi tre làng. Mấy hôm sau, nó tiếp tục ngồi chầu chực ở đấy. Tôi được biết, nó sống cùng một người ăn xin gần khu chợ, bà ta thương con bé tội nghiệp nên cưu mang nó.
Tôi thấy buồn cười. Có thì hẵng lo cho thiên hạ, không có thì lo cho mình trước đi.
Mỗi khi chúng tôi chơi trò chơi, nó hay lân la tới xem, thi thoảng bật cười khanh khách. Ngược lại, chúng tôi luôn cố gắng tránh nó, bởi cơ thể nó luôn bốc lên một thứ mùi khó ngửi mà tôi phải bịt mũi và chạy cho rõ xa. Vậy mà con bé dường như không hiểu chúng tôi kỳ thị nó, vẫn rất vô tư sán đến. Ngặt một nỗi, không hiểu lý do gì mà con bé cứ bám lấy tôi.
Vì thế, tôi ghét Sa. Tôi ghét nó.
‘Ghét của nào trời trao của nấy’ – Câu này rõ ràng ám chỉ hoàn cảnh của tôi đây.
Một hôm, khi đi học về, tôi thấy Sa đang quét rơm rác trong sân nhà mình. Sau sự kinh ngạc, tôi cáu giận, giật lấy cây chổi định đuổi đánh nó. Nhưng mẹ tôi đã đứng ra ngăn cản, bố trừng mắt nhìn tôi, nói rằng từ nay nó sẽ ở lại đây giúp việc, sống cùng vú nuôi tại gian nhà phụ cạnh khu bếp.
Sét đánh ngang tai, tôi đứng ngây một chỗ như phỗng.
Thì ra, người đàn bà xấu số kia đã qua đời vì tuổi già sức yếu. Mẹ tôi hay đi chợ nên biết chuyện, lại mang sẵn tấm lòng từ bi hỉ xả, bèn bàn bạc với bố nhận nó về nuôi, coi như tích chút công đức. Không may thay, bố tôi rất yêu mẹ tôi nên cái gì cũng chiều theo ý bà.
Lúc đầu tôi nằng nặc không chịu, mẹ dỗ dành : làm vậy để tích công đức cho con sau này. Tôi quạu cọ, chẳng biết công đức sau này ra sao, chỉ biết bây giờ một của nợ lù lù trước mặt.
Gia đình tôi thuộc hàng khá giả trong thôn. Nếu trở về thời phong kiến có thể gọi là phú hộ. Tuy chưa giàu đến mức nứt đố đổ vách nhưng gạo trắng nước trong, quần là áo lượt, cuộc sống dư dả an nhàn.
Bố tôi là một nhà buôn, từ đời ông cố nội đến đời bố đều đi buôn, của nả tích trữ không ít. Còn mẹ tôi là điển hình của kiểu phụ nữ truyền thống, sinh ra trong một gia đình nhà Nho gia giáo. Hình như bên ngoại tôi có gốc gác ở thành phố, sau đó ông ngoại chuyển về vùng quê hẻo lánh này dạy học, tránh xa thế sự xô bồ. Dĩ nhiên, mẹ tôi cũng kế tục ông, trở thành một nhà giáo được dân làng kính trọng.
Tôi nhờ thế mà được tiếng thơm lây, đâm ra hơi kiêu ngạo một chút, đặc biệt là bệnh ưa sạch sẽ. Thế nên tôi mới ghét con bé lúc nào cũng nhếch nhác ấy.
Làng tôi hình thành trên một khu đất trũng được bao quanh bởi những khóm tre, đằng trước là thôn xóm khác, còn đằng sau là cánh đồng thẳng cánh cò bay trải dài miên man. Nhà tôi sinh sống nhờ mấy mẫu ruộng ngoài đồng, cứ đến mùa lúa trổ đòng đòng, nước ngập tràn cả những con mương dài.
Lũ trẻ chăn trâu thường chơi ở đó, nhưng tôi không chơi với chúng, bởi chúng không được ăn học, người ngợm thì dơ dáy. Ngược lại, Sa lúc nào cũng tụm năm tụm ba với chúng, cười đùa rả rích. Con bé không được thông minh sáng dạ cho lắm nên nó bảo rằng muốn làm lụng giúp đỡ mọi người, mẹ tôi đắn đo mãi rồi cũng đồng ý, chỉ dạy nó những thứ cơ bản để xóa nạn mù chữ.
Vậy là, mỗi chiều đi học về, tôi thấy Sa lem nhem bùn đất dắt trâu vào chuồng, sau đó nấu cám cho lợn ăn rồi giúp vú nuôi cơm nước. Khi xong việc, nó chạy ra chỗ bụi tre đầu làng gọi tôi về ăn cơm. Trên đường, nó luôn miệng tấm tắc khoe những trò vui trên đồng, tôi dửng dưng, chân sải bước nhanh hơn. Nó không theo kịp bèn níu lấy vạt áo tôi. Tôi vội vàng hất mạnh tay, nó ngã ngửa.
Con bé mếu máo nhìn lòng bàn tay bị trầy xước lấm lem bụi đất rồi ngước nhìn tôi, nước mắt trực trào. Định ăn vạ sao? Tôi chau mày, bỏ mặc nó ngồi đấy mà đi tiếp. Sau lưng tôi, tiếng chân chạy lạch bạch và tiếng gọi của nó văng vẳng, yếu ớt.
- Anh Huân ơi.. chờ em với...
Thực ra trong lòng hơi áy náy, nhưng cứ nhìn bộ dạng đen đen bẩn bẩn của nó là tôi thấy phản cảm. Bàn tay nó xấu xí vô cùng, móng thì dính đầy đất cát cáu bẩn, thi thoảng mấy hôm lạnh bị sổ mũi, nó còn quệt ngang trông càng dơ tợn. Tôi thấy mà rùng mình. Thế nên, tôi ghét nó chạm vào tôi.
Có điều, dù tôi ghẻ lạnh nó ra mặt, nhưng nó vẫn mặt dầy tìm đến tôi.
Ngày lúa trổ đòng, nó hí hửng rủ rê tôi ra đồng chơi. Thường thì tôi gạt phắt, tuy nhiên nó khoe rằng có cái này hay lắm, không xem phí cả đời, tôi bị tính tò mò làm lung lay, nên cũng đi theo nó. Nó mừng ra mặt, hớn hở nhảy chân sáo trước tôi, cách một đoạn thì ngoái đầu lại như muốn kiểm tra xem tôi có biến mất không. Tôi nhìn cái thân hình bé tí tung tăng trên con đường làng, chiếc bóng in trên nền chiều tà buông đỏ ối, nhạt nhòa.
Ra đến cánh đồng, tôi ngửi ngay thấy mùi hương đồng gió nội, mùi ngai ngái của đất và mùi hương lúa mạ non. Gần cuối ngày, gió thổi mạnh, những ngọn đòng như dải lụa màu xanh ngọc bích uốn lượn, dập dờn tạo nên những nhịp điệu đàng. Một bức tranh đồng quê tuyệt đẹp hiện hữu trước đôi mắt ngây ngất của tôi. Bức tranh càng trở nên sống động hơn khi tôi nghe thấy tiếng âm thanh của côn trùng, nhái bén, tiếng của những con chim lạc đàn tìm đường về tổ, cả những tiếng cười nói của người nông dân và lũ trẻ đằng xa xa.
Nhoắng cái, Sa đã tháo dép nhảy xuống đồng, men theo bờ cỏ mà đi. Nó vẫy tới vẫy lui, tôi bèn bỏ xăng đan, sắn quần xuống theo nó.
Sa hái một ngọn đòng đòng non, cho vào miệng nhai một cách ngon lành. Sau đó nó chăm chú quan sát kỹ càng, bứt một ngọn khác xanh tươi mơn mởn, thích thú chạy tới đưa cho tôi, miệng cười toe toét.
- Ngon lắm! Anh ăn thử đi!
- Không! Mất vệ sinh lắm!
Tôi từ chối thẳng thừng. Từ bé đến lớn, mặc dù mang tiếng sinh ra và lớn lên tại thôn quê, nhưng nếp sống của tôi chẳng khác gì công tử Bạc Liêu, đương nhiên tôi khá kén ăn, huống chi là ăn rơm ăn cỏ thế này. Sa lại xụ mặt, cố nài.
- Không mất vệ sinh đâu, thật đấy! Anh Huân ăn thử đi! Ngon lắm lắm luôn mà.
Có lẽ, giữa không gian thoáng đãng mát mẻ này, tôi cũng bớt khắt khe và bớt ghét nó hơn. Vậy nên, tôi quyết định theo ý nó một lần, cầm ngọn đòng cho lên miệng, cắn tí tí. Bông lúa chưa ra hoa, được giấu kín trong lớp vỏ màu xanh, bên trong có màu trắng, mùi thơm và ngọt dịu.
Ồ ! Không tệ như tôi tưởng tượng. Thực ra, khá ngon lành là đằng khác. Đòng đòng có hương vị thật đặc biệt. Đó là cái mùi thơm nhè nhẹ, thoang thoảng hương hoa, vị ngầy ngậy, beo béo và ngọt bùi như dòng sữa mẹ.
- Ngon thật đấy!
Tôi cười vì khám phá ra một điều thú vị từ thiên nhiên, Sa cười còn tươi hơn cả tôi. Nó hăng hái chạy đi hái cho tôi thêm thật nhiều ngọn đòng đòng, càng ăn càng không thể ngừng, tôi cũng tự bứt và nhai cho đến khi nào cảm thấy no căng mới thôi.
Từ hôm đấy, tôi dường như bị nghiện đòng đòng, hôm nào cũng ra đồng bứt mấy cọng về nhai. Tôi thường bắt gặp Sa chơi trò đánh trận giả với lũ trẻ ở đấy, nó nhận ngay ra tôi, đưa tay lên miệng bắc thành cái loa, hét rõ to.
- Anh Huân ơi!!!! Em ở đây này!!! Ở đây này!!!!
Giữa cánh đồng bao la bát ngát, tiếng nó vang xa đến mức người đi đường cũng hướng nhìn tôi cười, lũ bạn nó hết đứa này đến đứa khác bắt chước tri hô tên tôi trêu ghẹo, còn nó thì vẫn cứ cười nhăn nhở. Tôi bực hết cả mình, ôm cục tức đi thẳng về nhà. Buổi chiều hôm ấy, tôi ôm đống sách vở nghiền ngẫm, không ra lũy tre làng như thường lệ nữa.
Nói tóm lại, tôi vẫn ghét nó. Và có một lần, sự ghét ấy lên tới đỉnh điểm.
Sa hay lôi kéo và rủ tôi ra đồng chơi, mới đầu tôi nhất quyết không chịu. Nhưng do sự kiên trì của nó, cuối cùng tôi xiêu lòng. Có điều, tôi không thể ngờ rằng, những trò chơi của Sa và lũ trẻ chăn trâu kia khiến tôi mê mẩn.
Chúng tôi cưỡi trâu đánh trận giả, hò hét long trời lở đất tưởng chừng muốn bung cuống họng. Bùn đất bắn tung tóe khắp người nhưng tôi chẳng mảy may quan tâm, chỉ biết lao tới vật nhau ra. Thậm chí bùn văng cả vào trong mồm, tôi khạc nhổ rồi lại xông vào trận chiến, khí thế hừng hực. Những lúc chiến thắng, tôi cảm giác mình giống như Đinh Bộ Lĩnh, một nam nhi chi chí đầu đội trời chân đạp đất.
Ở giữa đồng có một cây đa cổ thụ rất to, già cỗi, xù xì và rậm rạp, có vẻ đã hàng trăm năm tuổi. Tán đa xanh tốt tỏa rợp một khoảng trời, các rễ khí mọc từ cành cây đâm thẳng xuống đất chứng minh cho sự dẻo dai, trường tồn. Thân cây có nhiều hang hốc, như một nơi trú ẩn. Tôi hay trèo lên cây, nấp sau những cái hốc ấy, nhặt quả đa màu huyết dụ bỏ vào, tích trữ đạn để ném nhau. Gốc đa là nơi chúng tôi hay nô đùa, nhặt búp, hái lá, lúc mệt rồi thì nằm xoài dưới bóng cây, tận hưởng làn gió mát lạnh xua đi từng giọt mồ hôi.
Còn rất nhiều trò chơi hay ho như nặn pháo đất sét, đánh cỏ, tắm ao, câu cá... mà lần đầu tiên tôi được trải nghiệm. Có khi tôi chơi vui đến mức quên cả đường về, bị bố mẹ sạc cho một trận, những vẫn ‘ngựa quen đường cũ’. Sa tuy vậy mà biết kiềm chế hơn tôi, nó thường về trước khi trời sẩm tối để làm việc nhà, một lúc sau lại hớt hải ra gọi, người nhễ nhại mồ hôi, từ nhà tôi ra đồng nào có gần cho cam. Ấy vậy mà tôi còn nạt nó, bảo không khiến. Nhưng nó rất bướng bỉnh, đứng im một chỗ chờ đợi.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, do ham chơi quá độ nên việc học hành của tôi giảm sút nghiêm trọng. Cuối năm cầm sổ liên lạc và bảng điểm thấp lè tè trên tay, tôi ngỡ ngàng. Tôi chậm chạp đưa bảng điểm cho bố, đương nhiên ông vô cùng giận dữ, hất văng bộ ấm chén trên bàn. Tối hôm ấy, tôi bị một trận đòn nhớ đời.
- Là Sa rủ rê con đi chơi, nó cũng phải bị phạt chứ! – Tôi không cam tâm mà chỉ thẳng vào con bé đang đứng ở ngoài cửa.
- Im ngay ! Hậu quả gây ra là do anh, dám làm dám chịu. Anh không muốn, không ai có thể ép anh cả, đừng bao giờ đổ thừa cho ai hay hoàn cảnh.
Sa nép vào một góc nhìn tôi bị phạt, nét mặt căng thẳng. Tôi quắc mắt với nó, ý bảo ra chỗ khác chơi, nó sợ hãi thu mình nhưng vẫn lì lợm không chịu rời khỏi. Tôi giận điên người. Tôi ghét nhất là người khác đứng xem mình ăn đòn, có cảm giác giống khỉ diễn trò vậy.
Nếu mẹ không can, chắc tôi chưa thể thoát khỏi cơn thịnh nộ của bố. Sau trận đòn quắn mông, tôi mang cái thân người ê ẩm ra gốc tre ngồi một mình, bụng tức anh ách, nước mắt tự dưng tuôn xối xả. Sa mon men lại gần, đưa cho tôi cái khăn mặt ướt đã được vắt khô, cất giọng lí nhí.
- Anh Huân, đừng khóc nữa. Mọi thứ sẽ ổn thôi. Năm sau anh cố gắng học tốt hơn là được.
Con bé này thật phiền phức, tôi muốn ở một mình mà nó cũng lẽo đẽo theo. Nếu không vì nó rủ rê, tôi đã không đến nông nỗi này, còn giở trò mèo khóc chuột ư? Thế là tôi giật lấy chiếc khăn trên tay nó quăng xuống đất, mang hết ấm ức lẫn cáu giận trút cả lên đầu nó.
- Là ai khiến tao ra thế này? Mày đừng có giả vờ an ủi! Tao ghét mày! Ghét mày nhất trên đời!
Cứ thế, tôi xả hết bức xúc trong người. Tôi không nhớ đã nói những gì, đã nói bao lâu. Chỉ có điều, thứ tôi nhớ nhất lại là bộ dạng cam chịu của Sa. Nó cúi đầu, đứng yên chịu trận. Cuối cùng, đến khi tôi gào hết cả hơi, nó mới nấc lên từng tiếng.
- Em xin lỗi anh.. là lỗi tại em.. Anh Huân đừng ghét em...
Tôi chán nản bỏ về, để mặc nó đứng dưới lũy tre, gió thổi xào xạc.
Từ ngày ấy, tôi không bước ra đồng thêm một lần nào nữa, cũng không thèm nhìn Sa lấy nửa con mắt. Nó sáp đến, tôi bỏ ra chỗ khác. Nó nói, tôi giả câm giả điếc. Tôi không cho nó bất cứ cơ hội nào lại gần tôi. Một khoảng thời gian khá lâu trôi qua, cuối cùng nó cũng chịu bỏ cuộc.
Nhưng, ngày nào Sa cũng đứng chờ tôi đi học về dưới lũy tre làng, bất kể nắng mưa, lặng lẽ như một cái bóng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro