Chương 16: Nỏ Thạch Lỗ
Nhiều năm về trước, khi Tụ Pán lên nắm quyền lực đế vương, rất nhiều những anh tài từ khắp mọi nơi về diện kiến Xích Đế. Trong số ấy có một người Rygal tên là Lỗ từ vùng rừng núi Thằn Lằn xin được quy phục. Đế hỏi:
"Theo ngươi, việc hệ trọng nhất của quốc gia ta bây giờ là gì?"
"Điều quan trọng nhất của quốc gia ta hiện tại ngoài nội trị thì còn phải chú ý đến quốc phòng. Để giữ được toàn vẹn lãnh thổ mà tổ tiên đã bảo vệ và gây dựng hàng thiên niên, chúng ta phải có một quân đội mạnh, được trang bị tốt."
"Hay lắm, ngươi nói rất hay. Sau nhiều năm loạn lạc, quân đội Xích Thuấn rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Vũ khí cũ kỹ, kinh nghiệm lỗi thời. Ngươi đến từ vùng núi Thằn Lằn phỏng?"
"Dạ đúng vậy, thưa đức Bloikeos."
"Vậy từ nay ta sẽ gọi ngươi là Thạch Lỗ. Thạch Lỗ, ngươi cần gì, cứ nói với ta!"
Thạch Lỗ lạy tạ:
"Suốt cuộc đời bề tôi này đã từng rèn biết bao nhiêu vũ khí; và việc tốt nhất của tôi cũng là quanh quẩn bên lò rèn. Thạch Lỗ này chỉ xin ngài một lò rèn luôn luôn rừng rực cháy sáng như những lò rèn của Nub Rygal."
Thạch Lỗ sau ba năm lấp đầy lò rèn của Bàn Phủ bằng tiếng gang đã chế tạo ra một vũ khí vô tiền khoáng hậu. Đế Tụ Pán gọi nó là "Nỏ thần" hay "Nỏ Thạch Lỗ". Chiếc nỏ của Thạch Lỗ có thể bắn nhiều phát tên trong một lần. Mỗi tên có đầu ba cạnh, được bịt đồng sắc nhọn.
Thạch Lỗ cũng giúp Đế cải tiến thành Bàn Phủ. Từ ba vòng thành sơ khai thời Lạc Tục, Thạch Lỗ đã xin Đế cho xây thành chín vòng thành chắc chắn, được cẩn thận kè bằng những tảng đá khổng lồ để tránh sụt lún. Đào đất đến đâu, khoét hào đến đó; thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy là những dốc thẳng đứng; mặt trong lại thoai thoải. Những hào nước được đào sâu hơn; chúng đều liên kết với nhau, như một mê cung bao quanh các vòng thành. Người ta có thể đi thuyền từ Cung Nội ra tận sông Cả, hay thậm chí là cả hồ Bontiena; từ đó, lan tỏa đi khắp nơi mọi chốn của Xích Thuấn. Kể từ khi ấy, Bàn Phủ như khoác lên mình tấm áo mới, như khai mở long mạch, dang tay ôm trọn lấy tinh túy của đất trời. Khu đô thị Bàn Phủ sầm uất với những khu chợ mọc lên đông đúc, là một trong những tụ điểm giao thương quan trọng bậc nhất của cả Liên Minh Xích Thuấn, cùng với Mân Xích và Bạch Hạc.
Thế nhưng, trong khi bức tường thành là bộ giáp hoàn hảo, sự đông đúc của Bàn Phủ khiến cho Đế Đô dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Bức thư bồ câu được gửi đến cho Đế Tụ Pán vào đêm trăng rằm tháng Giêng. "Đoàn Hắc Kỵ Binh của người Dkyil đang tiến tới thành Bàn Phủ. Trên dưới một vạn quân!"
"Chúng đã vượt qua lãnh thổ Sa Nang." - Tụ Pán nắm chặt lấy tay vịn ngai vàng, "Tụ Mô đã phản bội lại lời thề linh thiêng."
Leia Kurung chống gậy, lật đật tiến tới an tọa ở ngai bạc bên cạnh đức Đế vương, "Khu rừng phía Nam Cận Mễ sẽ giúp chúng ta kìm chân chúng được một chút. Trước hết ngài phải di tản dân chúng đã."
"Hơn năm vạn dân, chưa kể những thương nhân, khách vãng lai từ khắp mọi chốn. Ngài tính cho ta, liệu có kịp trước khi giặc đến hay không?"
"Kịp."
Ngay trong đêm tối hôm ấy, những thằng mõ từ khắp các phường thị Bàn Phủ đã rao đi thánh chỉ của Đế Tụ Pán. Dân chúng ở các vòng thành thứ chín, thứ tám, thứ bảy, thứ sáu phải di tản vào các vòng thành trong, nhường chỗ cho những cánh quân phòng thủ đóng trú. Những tháp canh và tường thành vòng ngoài cùng được lấp đầy bởi các cung thủ; trong khi đó, những hào nước cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong ba ngày đầu tiên, toàn bộ dân chúng ngoại thành đã di tản thành công; duy chỉ còn rải rác một vài khu chợ vẫn chưa hoàn toàn được giải tán. Cảng ở Sông Cả và hồ Bontiena tràn ngập trong sự sợ hãi và lộn xộn; những cuộc ẩu đả diễn ra dày đặc trong suốt những ngày tăm tối ấy của Bàn Phủ. Tướng Thạch Lỗ được điều động chỉ đạo toàn quân, cùng sự tư vấn của Leia Kurung, Đế Tụ Pán và trợ giúp của Topalae.
Những ngôi làng rải rác ven sông Cả đã gặp phải sự truy quét khủng khiếp từ đoàn quân của Hiên Vệ cho dù thánh chỉ đã được ban xuống. Những kẻ chạy thoát được từ cơn thịnh nộ của Hắc Kỵ Binh đã kể lại rằng, chúng là những con quái thú khổng lồ trên yên ngựa bọc giáp. Ngôn ngữ chúng nói hằn học như tiếng nước lũ cuồn cuộn, làn da chúng nhớp nháp như tảng thịt thiu không bọc da, hôi tanh như cá. "Và kinh khủng hơn cả, mỗi một bên mắt của chúng đều bị chọc mù!"
Quân đội Dkyil được chia thành hai loại kỵ binh: nhẹ và nặng. Chúng được bảo vệ bởi bộ giáp "Dmagu-chaza", gồm một chiếc mũ đồng và áo làm bằng da, được gia cố bằng các tấm kim loại tán đinh từ bên trong. Vũ khí của kỵ binh nhẹ là cung, giáo, chùy, dao, hay rìu nhỏ. Trong khi đó, kỵ binh hạng nặng được vũ trang vô cùng kỹ lưỡng. Chúng được cấp các loại gươm, giáo dài có móc để tròng và kéo lính địch ra khỏi yên ngựa, rìu lớn, áo giáp, mũ đồng, và khiên. Dmagu-chaza được chế tác vô cùng kỳ công. Người Dkyil làm một dải kim loại mỏng dài bằng chiều rộng của ngón tay và chiều dài của lòng bàn tay. Chúng chuẩn bị nhiều dải như vậy; mỗi dải được khoét tám lỗ nhỏ và chèn ba dây đai chặt với nhau ở bên trong. Những kẻ sản xuất áo giáp đặt các dải này lên nhau, chồng lên các gờ, và buộc các dải trên bằng dây đai mỏng xuyên qua các lỗ đã khoét. Ở phần trên, chúng khâu một dây đeo, gấp đôi ở hai bên và may nối với dây đeo kia, sao cho các dải khớp với nhau thật đều và chắc chắn. Sau khi hoàn thành tạo các dây đeo từ các dải, chúng buộc mọi thứ lại với nhau thành từng mảnh. Người Dkyil làm cho nó bóng loáng để quân địch có thể nhìn thấy khuôn mặt của người lính mang bộ giáp.
"Quân giặc đã hạ trại ở bên bờ sông Cả. Chúng ta sẽ làm gì đây thưa tướng quân?", Topalae hỏi.
"Chờ đợi, quan sát, giữ một cái đầu lạnh." Thạch Lỗ cứng rắn trả lời.
Đoàn kỵ binh của Hiên Vệ đến Bàn Phủ vào một ngày trời quang mây tạnh. Chỉ trong ba ngày đầu, những tảng đá to được chúng khai thác và mang về làm đạn; những thân cây to lớn ở bìa rừng được chặt để làm máy công thành. Một bức tối hậu thư cũng được chúng bắn tên vào. Không có một sứ thần nào được gửi ra; cả hai bên đều đang đợi tới thời cơ chín muồi cho cuộc giao tranh.
"Hỡi các binh sĩ anh dũng của thành Bàn Phủ linh thiêng! Chưa bao giờ quân giặc lại có thể đặt chân lên vùng đất này; chưa bao giờ chúng ta lại là kẻ yếu thế trước thế lực ngoại bang. Ngày hôm nay, chúng ta là những kẻ viết nên lịch sử. Ngày hôm nay chúng ta là những người nắm giữ vận mệnh của thiên hạ Âu Liên này! Nếu chúng ta đầu hàng ngày hôm nay, thứ chúng ta đánh mất, không phải là những thành lũy kiên cố của thành Bàn Phủ, càng không phải là giang sơn cơ đồ của Xích Đế ta. Thứ chúng ta đánh mất là xương máu của tổ tiên, là linh hồn của dân tộc Xích Thuấn, đó là thiên niên lịch sử không bao giờ chịu khuất phục! Chỉ cần chúng ta không từ bỏ, thì dù có phơi thây trên nội cỏ, ngọn lửa thiêng mà chúng ta đã thắp lên sẽ truyền tới hàng vạn thế hệ nữa! SÁT!"
Tiếng thét xé toạc không gian. Nhịp chân đập nứt mặt đất. Quân Dkyil bỏ ngựa, cầm giáo, mác, gươm, chùy hung hãn tiến quân. Chúng hạ thang, ném dây móc, chèo lổm ngổm trên bức tường của Cửu Thành (vòng thành thứ chín). Những đợt đạn đá cứ liên tiếp công phá những tòa tháp vững chắc. Một ngọn lửa bùng lên, cháy dữ dội.
"Đức Xích Đế chém đầu bề tôi này rồi hãy hàng! Hơn chục năm đức bề trên cùng tôi đã xây dựng một đội quân hùng mạnh, chẳng lẽ đến bước này rồi còn do dự để đổ hết công sức xuống sông xuống biển sao!"
"Lần này đánh giặc nhàn, xin đức Xích Đế hãy bình tĩnh." Leia Kurung tán thành. Lão ngồi phịch xuống ngai bạc, vuốt râu cười xòa. "Tường thành cao, chông cắm quanh thành, cổng thành vít đá; giờ chỉ còn cách bỏ yên ngựa, leo thang lên mà đánh vào."
"Theo như ta nhớ từ tin báo, chúng không có da như chúng ta, lại có một lớp nhầy bám quanh thịt. Phải chăng, ý ngài là?" Tụ Pán sốt sắng.
"Đúng vậy thưa đức Xích Đế, là lũ Snumangz. Lớp nhầy của chúng rất dễ bắt lửa. Lửa chính là mấu chốt của trận đánh lần này chứ không phải là thứ gì khác." Leia Kurung vắt chéo chân, "Mặt ngoài là rơm khô, mặt trong là rơm tẩm nước. Đợi khi quân địch trèo thang thì hãy châm lửa lên mà đốt hết chúng thành tro tàn!"
Lửa được đốt trên những đống rơm cố định khắp tường thành. Quân giặc gào thét dữ dội trong hỏa ngục. Hết lớp này tới lớp khác rơi xuống khỏi bức tường lửa. Thế nhưng, những kỵ binh nặng tiếp tục bắn hàng đợt mũi tên về phía Bàn Phủ. Quân Âu Liên ngã xuống trong đau đớn. Mũi tên có độc!
"Rơm đã cháy gần hết. Chẳng mấy chốc chúng sẽ lại tìm đường trèo vào thành. Phải khẩn trương thưa tướng quân!", Topalae lo sợ.
"Nạp tên. Bắn!"
Những mũi tên đồng đầu tiên từ Nỏ thần được bắn ra. Chúng sáng lóe trên bầu trời xanh thẳm của Xích Thuấn. Tên của Thạch Lỗ bay nhanh, xoáy mạnh trong không trung rồi đâm phập vào bộ giáp hống hách của lũ ngợm man di. Những con ngựa hí lên trong sợ hãi; chẳng mấy chốc đoàn kỵ binh rơi vào hỗn loạn, chúng dẫm lên nhau mà chết. Những kẻ bị đốt cháy chạy ngược về, điên cuồng, kinh hãi. Từ những mồi lửa lẻ tẻ, cả đoàn Hắc Kỵ Binh giờ trở nên toán loạn, vô tổ chức, rồi khụy ngã trong biển lửa mênh mông. Ngọn lửa cháy năm ngày mới tàn. Bàn Phủ trơ trọi giữa đống tro cốt phủ đầy một dặm bên ngoài Cửu Thành, như một kẻ già nua kiệt sức. Diều hâu sà xuống tìm mồi nhưng vô vọng. Một vài người lính Âu Liên đi kiểm tra lại chiến trường để kết liễu những kẻ còn sống sót.
Bóng tối bao trùm lên những con người Âu Liên dũng cảm. Những binh sĩ trẻ tuổi, những liệt sĩ đã đứng lên bảo vệ cho sự an nguy của Bàn Phủ và Đồng Bào của họ. Những bà mẹ ôm chầm lấy thân xác của những người con. Những thân xác đã nóng vì nhiệt huyết, đã nóng vì lòng yêu nước bất diệt, giờ lạnh ngắt đi vì chất độc đáng sợ đã lan ra toàn cơ thể đẹp đẽ và nam tính của họ. Một vài trong số những người bạn của Âu Kiêu và Meblokir, những đứa trẻ không cha không mẹ cũng tử trận. Tụ Pán đã khóc cho những đứa trẻ ấy; ngài ôm từng cái xác rồi đặt vào trong hòm. Những cái hòm được treo lên trên những vách núi cao vút ở bên kia bờ sông Cả, nơi mà họ được ở gần nhất với vòng tay của Trời và vùng đất của Ngài. Hôm nay, họ đã viết lên trang đầu tiên của một thời kỳ mới, trang đầu của thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Âu Liên, lịch sử Xích Thuấn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro