Khúc hải vân
Bên cạnh Phạm Sơn Hà vóc người nhỏ nhắn, kiệm lời, vẻ ưu tư như lúc nào cũng đang nhìn vào sâu thẳm những nghĩ suy hướng nội luôn xuất hiện một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Khúc Hải Vân vui nhộn, cởi mở, thân thiện với mọi người chung quanh; cứ như anh không có thời gian cho những âu lo về cuộc sống. Vẻ ngoài của hai thanh niên khiếm thị cùng trạc tuổi ấy toát lên sự khác biệt về tính cách nhưng họ là một đôi bạn có chung những ý tưởng và cùng nhau hành động nhằm chia sẻ kiến thức công nghệ và cơ hội tự lực mưu sinh cho những người đồng cảnh ngộ.
Năm 2005, Khúc Hải Vân luôn có mặt trong mọi hoạt động của ngày hội tôn vinh Hiệp sĩ CNTT cùng với Hiệp sĩ Phạm Sơn Hà. Hôm đến thăm trại trẻ mồ côi ở thành phố Hạ Long, hình ảnh anh chàng beo béo đứng trên sân khấu mời cả hội trường cùng cất cao tiếng hát lạc quan, yêu đời đã để lại trong lòng mọi người có mặt những ấn tượng đậm nét, đầy cảm xúc.
"Cứ bước đi rồi đường sẽ bằng phẳng"
Đam mê và nhiệt huyết, con đường đến với cộng đồng của Vân bắt đầu từ năm 1998, vào cuối cấp 2 cậu đã là thành viên của nhóm tình nguyện trẻ do báo Sinh Viên VN tổ chức. Đến tận bây giờ khi đã dành phần lớn thời gian cho việc dạy học và không còn hoạt động như trước nữa nhưng các thành viên trong nhóm tình nguyện trẻ vẫn còn nhớ rất rõ anh chàng "Vân lật đật" vui tính và hăng hái tham gia vào các hoạt động quyên góp, giúp đỡ, dạy học cho trẻ lang thang và có hoàn cảnh khó khăn một cách nhiệt tình trong những năm cuối cấp 2 và cấp 3. Bảy năm trôi qua là bảy năm với những hoạt động xã hội và cống hiến không ngừng nghỉ cho cộng đồng đã tôi luyện cho Vân trở thành một con người khác. Bản lĩnh hơn trên lớp học và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, cậu đang dần khẳng định chính mình với xã hội bằng cách trở thành một người thầy, bằng những nỗ lực của bản thân để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Từ việc chiếc máy đánh chữ nổi bị hỏng trong kỳ thi đại học Vân đã được một người bạn giới thiệu đến với máy tính để học đánh văn bản bài thi trên đó. Chính trong những lần đầu tiên chạm vào bàn phím Vân đã hiểu rằng hai chữ "tin học" chính là bước ngoặt cuộc đời mình. Sau khi trượt đại học lần đầu Vân quyết định dành trọn thời gian trong một năm để tập trung vào tin học. Là người khiếm thị bẩm sinh nên việc học tập của Vân thật không dễ dàng gì. Từ việc phải tự mày mò, học thuộc lòng các thao tác phím, có những lúc Vân cảm thấy bất lực bởi nhiều phần mềm quá phức tạp "đến người sáng mắt còn phải chật vật chứ đừng nói đến người khiếm thị". Mày mò nhiều, khó khăn nhiều nhưng cuối cùng Vân đã gặp được Phạm Sơn Hà và bắt đầu làm quen với các phần mềm chuyên dụng dành cho người khiếm thị. Những bước chập chững đầu tiên với JAWS (phần mềm đọc màn hình) đã qua rất nhanh và sau đó là những ngày say mê mày mò "vọc" máy. Khi đã có được vốn kiến thức trong tay, Vân với Hà đã cùng có ý tưởng thành lập một trung tâm đào tạo tin học cho người khiếm thị. Từ tấm lòng và nhiệt huyết của đôi bạn Hà, Vân cùng với sự cộng tác của vài người bạn cùng cảnh ngộ, trung tâm Tia Sáng đã ra đời vào giữa năm 2005.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập trung tâm, Vân nói "Chính bản thân đã từng đến các trung tâm, cửa hàng tin học để xin thực hành cài đặt phần mềm nhưng chỉ nhận được những lời từ chối nên em và anh Hà cùng nghĩ rằng thành lập trung tâm sẽ là cách tốt nhất để những người khiếm thị như mình có thể đến với CNTT dễ dàng hơn". Khi được hỏi có nghĩ đến những khó khăn sẽ gặp phải khi thành lập trung tâm không Vân quả quyết "Cũng biết đó là một con đường không bằng phẳng nhưng mình cứ cố gắng bước từng bước rồi thì cũng sẽ đến lúc nó phải bằng phẳng thôi anh".
Chia sẻ ánh sáng với mọi người
Năm 2005, Khúc Hải Vân thi đỗ vào Khoa Văn, trường Đại học Nhân Văn Hà Nội; vừa là sinh viên, Vân vẫn dành thời gian làm "thầy giáo" ở Trung tâm Tia Sáng. Hai năm qua, Vân đã cùng với Phạm Sơn Hà mở ra cánh cửa, dẫn dắt gần 60 học viên khiếm thị tiếp cận kho tàng tri thức qua công nghệ thông tin. Vân đã góp phần tạo ra bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh và hiện anh cùng các thành viên trong nhóm đang gấp rút hoàn thành việc chuyển đổi bộ giáo trình này sang công nghệ Daisy Book (sách điện tử kỹ thuật số dễ tiếp cận cho người khuyết tật) để có thể phục vụ cho người khiếm thị vào tháng 7 sắp tới.
Do trung tâm chưa có được một đường dây liên lạc cố định nên chiếc máy City phone trên tay Vân đã trở thành đầu cầu liên lạc, hỗ trợ giải đáp tin học cho các học viên của trung tâm. Tính ra mỗi ngày phải có tới hàng chục cú điện thoại của các học viên và "người quen" gọi đến nhờ giải đáp kỹ thuật. Khi tôi tò mò hỏi về tần xuất số lần trả lời điện thoại trong ngày Vân cười xòa và nói "Chuông luôn reo mọi lúc mọi nơi, trả lời nhiều khi đến mệt, nhưng được cái vui. Vui lắm anh ạ". Hoạt bát và "mở" khi nói về niêm đam mê tin học là vậy nhưng anh chàng lại tỏ ra khá rụt rè khi đề cập về mình. Khi được hỏi về lý do chính dẫn mình đến "nghiệp làm thầy", Vân trầm ngâm một lúc và nói "Có kiến thức cách nhìn nhận cuộc sống của những người khiếm thị sẽ khác, họ sẽ tự vươn lên tìm ra ánh sáng mới cho mình. Em đã tìm thấy ánh sáng và rất muốn chia xẻ điều đó với mọi người". Rất đơn giản nhưng câu trả lời này quả thật đã nói lên thật nhiều điều.
Dự định cho ngày mai
Trung tâm không có nguồn thu mà chỉ dựa vào nỗ lực của các thầy, phương tiện dạy học hầu hết vẫn là các máy tính cũ. Khó khăn chồng chất nhưng xem ra các học viên không phụ công thầy khi cố công học tập và cứ 3 tháng lại có một lớp học viên mới tốt nghiệp góp phần biến những ước mơ "ánh sáng" thành hiện thực. Nhớ lại những ngày đầu cùng Phạm Sơn Hà gây dựng trung tâm Ánh Sáng, Vân bồi hồi nói "Chỉ cách đây hơn một năm thôi, tin học dành cho người khiếm thị còn là một cái gì đó thật xa vời. Bây giờ suy nghĩ mọi người đã khác và đó cũng là cơ hội để truyền bá kiến thức cho những người khiếm thị như mình".
Hiện nay, Vân sống nhờ nguồn thu nhập chính là việc giao báo cho các công ty phát hành. Khi được hỏi sao không sử dụng kiến thức tin học để kiếm sống, có thu nhập cao hơn nghề giao báo, Vân nói: "Việc tốt hơn thì có nhưng đều phải làm suốt 8 tiếng mỗi ngày. Như vậy sẽ không có thời gian dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị. Với em thì cứ kiếm đủ ăn và tiếp tục dạy là vui rồi".
Vân và các bạn đã và đang triển khai một kênh hỗ trợ giáo trình và công nghệ đào tạo cho các trung tâm tin học dành cho người khuyết tật tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Mặc dù tự nhận mình là hơi "tham" nhưng cả Vân và Hà đều rất tâm huyết với cái "tham" này.
Một ngôi nhà nhỏ nép mình bên đường cái, một lớp học nhỏ với những chiếc máy tính cũ và tuổi đời của người thầy xem ra cũng còn rất nhỏ so với những học trò lớn tuổi. Nhưng với một tấm lòng và trái tim khát khao cống hiến, người thầy trẻ tuổi này đã và đang ngày ngày cố gắng chỉ cho những học trò khiếm thị của mình thấy một thứ ánh sáng mới, ánh sáng của công nghệ và tri thức....
Khúc Hải Vân luôn sẵn sàng giao lưu với bạn đọc e-CHÍP theo số điện thoại: 04.9133.582 hoặc qua địa chỉ mail: [email protected].
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro