
Không thể chuộc lỗi-Allen Hassan-Chương 20-HẾT
Chương 20
NHỮNG BÀI HỌC CỦA CHIẾN TRANH
Ở Việt Nam, chúng ta tiến hành một cuộc chiến tranh để ngăn chặn Cộng sản, nhưng chiến tranh đã không ngăn cản được Cộng sản. Chúng ta gây ra thiệt hại to lớn cho nhân dân Việt Nam và cho cả chúng ta.
Tại Việt Nam, quân đội chúng ta chú trọng đến việc đếm xác chết, nhưng trong những cuộc chiến tranh sau này như ở Iraq, thì lãnh đạo quân sự của chúng ta không còn bận tâm đến việc đếm xem có bao nhiêu thi thể thường dân tử vong nữa. Pascal từng nói: “Con người không bao giờ làm điều ác một cách hoàn toàn và vui vẻ như khi họ làm điều đó vì một đức tin tôn giáo”. Đã đến lúc phải quan tâm đến khái niệm về nghiệp chướng của người châu Á, theo đó, những gì chúng ta đã gây ra cho thế giới này một lúc nào đó sẽ trở lại với chúng ta. Với 50 năm gây hấn đã qua của Hoa Kỳ, những gì sẽ quay trở lại với chúng ta theo luật nhân quả?
Cuốn sách này là một lời kêu gọi chống lại bạo lực của con người đối với chính con người và đối với những sinh vật khác trên trái đất. Sự hiểu biết sẽ cải hóa và làm con người trở nên nhân bản. Lẽ phải làm cho chúng ta hòa nhã, nhưng thành kiến thì tận diệt mọi khuynh hướng hòa dịu và dẫn đến chiến tranh. Nếu như chúng ta không thay đổi cách xử sự và trở lại là một đất nước hòa bình, hào phóng, sâu sắc và chu đáo, thì chúng ta sẽ tiếp tục đặt cược số phận của mình vào một ván bài, để rồi tự hủy hoại chính mình, hủy hoại cả hành tinh với vũ khí hạt nhân, vũ khí giết người hàng loạt, nước và thực phẩm bị nhiễm độc và chiến tranh sinh hóa.
Chúng ta chưa chuộc lỗi với những thiệt hại mà bom đạn và hóa chất của chúng ta đã gây ra tại Việt Nam. Tôi hy vọng rằng, một ngày nào đó, chúng ta có thể giúp đất nước tươi đẹp này tẩy xóa hết những hóa chất độc hại, những bom mìn chưa nổ, và rồi tạ lỗi cùng nhân dân Việt Nam về tất cả những gì chúng ta đã gây nên. Tôi hy vọng là chúng ta sẽ không quá kiêu hãnh và ngạo mạn để có thể thốt lên bằng tiếng Việt: “Chúng tôi chân thành xin lỗi!”.
Là một cựu quân nhân Thủy quân lục chiến, trong một chuyến đi tới Tunisia, tôi rất ấn tượng trước lòng kính trọng của một nhà điêu khắc đối với một chiến binh chết trong chiến trận cách nay 3.000 năm – ông đã đúc tượng bán thân của người chiến binh bằng vàng ròng. Có cách nào tốt hơn để vinh danh người chiến binh bằng việc đúc một tượng bán thân bằng vàng? Những chiến binh xưa kia chiến đấu trong các trận đánh giáp lá cà, giết kẻ thù một cách trực diện. Nhưng khoa học kỹ thuật đã thay đổi chiến tranh. Ngày nay, hơn bao giờ hết, những chất nổ và hóa chất cực mạnh gây chấn thương thể xác lẫn tinh thần ngày càng kinh khủng và kéo dài. Hầu hết người bị thương vong trong chiến tranh ngày nay là người già, phụ nữ và trẻ em - những sinh linh còn quá bé bỏng hoặc quá yếu đuối, dễ bị tổn thương nên không thể tránh được cái chết từ trên trời rơi xuống.
Bản tham luận quan trọng War and Children (Chiến tranh và Trẻ em) xuất bản năm 1998 của các tác giả Michael C. B. Plunket và David P. Soutball thuộc tổ chức Quốc tế Ủng hộ Trẻ em và Khoa Nhi đồng bệnh viện North Staffordshire, Vương quốc Anh, viết: “Chiến tranh không còn diễn ra trên bãi chiến trường như xưa nữa, mà là giữa những thành phố, thị trấn đầy dân cư, giữa những sân chơi đầy trẻ em và chợ búa đầy những bà mẹ”. Các tác giả đã lưu ý rằng, trong Thế chiến thứ I, chỉ có từ 5% đến 19% số thiệt hại nhân mạng là thường dân. Tỷ lệ này ngày một gia tăng. Số thương vong của thường dân trong chiến tranh Việt Nam xấp xỉ 60% còn ở Iraq có thể lên tới 80%. Trong vài cuộc chiến gần đây, thương vong của thường dân đã chiếm đến 90% – theo hai bác sĩ trên ước tính – và một tỷ lệ đáng kể những người bị thương cũng là trẻ em.
Trong hầu hết các nước văn minh, trẻ em được pháp luật bảo vệ chống lại sự lạm dụng của người lớn, nhưng không có sự bảo vệ nào như thế trong thời chiến. Một nỗ lực đang được tiến hành nhằm giải thích rõ ràng về nhân quyền của trẻ em. Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất không phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền của Trẻ em, trong đó có quy định “thừa nhận rằng, để được phát triển cân đối và đầy đủ về nhân cách, trẻ em cần được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường gia đình, trong khung cảnh hạnh phúc, tin yêu và hiểu biết”. Trong thời chiến, quyền của một đứa trẻ được nuôi nấng, giáo dục trong môi trường gia đình hầu như không thể thực hiện được do nhiều gia đình đã bị ly tán theo những cách khác nhau.
Midaxudavo:
Chương 20 (tiêp)
Theo quan điểm y tế cộng đồng, các cháu bé sau chiến tranh phải chịu suy dinh dưỡng bởi chiến tranh đã tàn phá mùa màng, hoặc đất nông nghiệp không canh tác được do những bãi mìn cài lại. Trẻ em và người lớn bị suy yếu vì chấn thương của chiến tranh sẽ trở thành con mồi của bệnh tật ở những nơi thiếu hụt y bác sĩ, có hệ thống y tế nghèo nàn, bị hủy hoại vì chiến tranh. Các chương trình y tế gây miễn dịch cho trẻ em bị gián đoạn trong thời chiến, khiến cho cả một thế hệ trẻ em có nguy cơ nhiễm những dịch bệnh vốn có thể loại trừ được.
Mặc dù trẻ em còn quá nhỏ để có thể ảnh hưởng đến hệ thống chính trị quốc gia, nhưng các em lại là đối tượng phải gánh chịu nhiều hậu quả nhất từ các cuộc chiến. Lòng tin ngây thơ của một đứa trẻ vô tội có thể bị phản bội một cách dễ dàng và tàn nhẫn. Trong những cuộc xung đột trên khắp thế giới, trẻ em bị động viên vào các lực lượng dân quân và dễ bị nguy hiểm trong nhiều hình thức bạo lực và hành động đồi bại. Trẻ em đã bị tra tấn để trừng phạt những cộng đồng dân cư, để khai thác thông tin hoặc để giải trí.
Những đứa trẻ phải chịu những hậu quả tâm lý nặng nề khiến chúng dễ bị cuốn vào những cuộc bạo động và các hoạt động chống xã hội khác, hình thành một chu kỳ bạo lực ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Trẻ em cũng bị hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương sau chiến tranh. Các em có thể gặp những trải nghiệm về tội ác trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, và nếu chúng sống sót được, thì những hội chứng căng thẳng, âu lo sẽ còn tác động lâu dài sau khi cuộc chiến đã chấm dứt.
Theo War and Children, trong 10 năm qua, khoảng 2 triệu trẻ em đã thiệt mạng trong các khu vực có chiến sự, 4 triệu em khác bị thương tật vĩnh viễn, 1 triệu cháu lâm vào cảnh mồ côi. Một con số ước lượng khoảng 12 triệu trẻ em đã bị tách rời khỏi môi trường gia đình ấm cúng của các cháu và 1/3 trong số các cháu này phải ở trong các trại tỵ nạn hoặc trốn ra nước ngoài. Một số vẫn còn bị giam hãm trong các trại tập trung và một số đã bị tra tấn. Làm thế nào để chúng ta chuộc lỗi đối với những đối xử tệ hại với những trẻ em vô tội như thế?
Người Mỹ đã để lại di sản gì khi rời khỏi Việt Nam? Bộ máy chiến tranh hùng mạnh của chúng ta đã không chuộc lỗi đối với sự tàn bạo gây ra cho những cháu bé nhỏ tuổi này, những đứa trẻ không thể trốn chạy khỏi bom na-pan được thả từ trên không xuống như những chiếc thùng tròn lăn đi và đốt cháy toàn bộ bất cứ xương thịt nào mà chúng chạm đến. Những tướng lĩnh và chiến lược gia của chúng ta đã không chuộc lỗi với những gia đình trong các thôn xóm không thể đào nổi một hố trú ẩn, đủ để tránh đạn pháo và súng liên thanh, hoặc bom do máy bay B-52 ném xuống. Chúng ta đã không chuộc lỗi với những phụ nữ mang thai, những bà mẹ với gánh nặng con cái không thể chạy trốn khi binh lính chúng ta đột nhập căn lều của họ và dẫn họ đi đến các trại tái định cư, hoặc những đứa trẻ phải bồng em nhỏ mà ngơ ngác không biết chạy tránh bom đạn nơi nào.
Với khoản chi phí từ 200 đến 400 tỷ đô-la, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến với một đất nước có diện tích chỉ bằng 3 lần bang Massachusetts. Tổng kết, Hoa Kỳ đã dùng trên 15 triệu tấn bom đạn các loại rải xuống Việt Nam, hơn gấp 4 lần số bom đạn sử dụng trên các chiến trường trong Thế chiến thứ II, và tương đương với 600 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima. Theo ước tính, có khoảng 20% số bom đạn, chất nổ mà Mỹ đã thả xuống hoặc gài lại đến nay vẫn chưa nổ. Những bãi mìn cài đặt trong chiến tranh hiện vẫn còn. Những quả bom, mìn chưa nổ này có thể phát nổ bất cứ lúc nào chỉ vì một lát cày của người nông dân hoặc vài bước chân của các em nhỏ hiếu kỳ. Theo các nguồn ước tính khác, cho đến hôm nay, vẫn còn từ 26 triệu đến 35 triệu hố bom ở Việt Nam. Những hố bom chứa đầy nước trong mùa mưa là mầm mống gây bệnh sốt rét ở các vùng quê.
Các máy bay của chúng ta đã thả khoảng 60 triệu lít chất độc da cam – một hóa chất cực mạnh làm rụng lá – xuống Việt Nam, hủy hoại và làm rụng lá trên một diện tích bằng cả bang Massachusetts. Chất độc da cam đã biến hơn 2 triệu hec-ta đất rừng và đất nông nghiệp tươi tốt thành đất cằn cỗi, vô giá trị, tước đoạt màu xanh của các loại cây lương thực cũng như các loài động vật quý như hổ, voi, nai… Chất độc da cam ảnh hưởng đến quân nhân Mỹ từ những biểu hiện nhất thời đến những hậu quả kinh khiếp, đồng thời gây ra những thiệt hại lâu dài cho cây cối và đặc biệt đối với con người sống trên vùng đất chịu tác hại của chất độc da cam ở Việt Nam.
Midaxudavo:
Chương 20 (tiêp)
Đối với nhiều người Việt Nam, cuộc chiến vẫn còn tiếp tục. Nhiều người may mắn sống sót nay đang sống một cuộc đời thê thảm với những vết thương khủng khiếp hoặc với cơ thể bị biến dạng, cùng với những nỗi ám ảnh, thiệt thòi vô cùng về tinh thần.
Trên bước đường ngạo mạn muốn thống trị, kiểm soát tương lai, chúng ta có đang gieo mầm cho sự hủy diệt của chính mình không? Chúng ta đã không thể chuộc lỗi những gì mình đã gây ra cho người dân Việt Nam. Cũng không chuộc lỗi với vụ thảm sát công khai những thường dân, những người mẹ và trẻ em ở Mỹ Lai, cũng không thể chuộc lỗi với tất cả những vụ Mỹ Lai khác chưa được công bố, như một vụ chính tôi đã mục kích với những nạn nhân trẻ em nằm chết thảm dưới nền nhà mà giờ đây mãi mãi không bao giờ được công bố. Chúng ta đã không thể chuộc lỗi với những bậc cha mẹ đã chết, với những trẻ em bị biến dạng thân thể, những cụ già bị cụt tay chân, hoặc những chấn thương tình cảm và sự đau khổ trong từng gia đình, vốn rất khó tính toán, không thể đo lường được và - không thể lãng quên.
Người bác sĩ có thể đánh giá thiệt hại về y tế, sức khỏe, nhưng phải cần đến pháp luật xem xét lâu dài, nhìn lại quá khứ, quan sát hiện tại, động lòng trắc ẩn rồi tự đánh roi, tự giày vò mình trước sự thật. Không giống như những đổi thay kết quả ngắn hạn thần diệu có thể thực hiện, luật pháp là một tiến trình chậm và thận trọng. Nó cần nhiều năm để giải quyết những vấn đề riêng biệt. Nhưng bằng sự giày vò chính mình, cùng những ý tưởng được đưa ra tranh luận trước báo giới và tòa án, thì một hiện tượng lạ ở mức độ nào đó sẽ xảy ra. Sự chính xác của những tuyên bố mạnh mẽ về sự thật sẽ được xác lập. Những lời dối trá và lỗi lầm sẽ bị đặt nghi vấn. Rồi từ đó, sự cao thượng sẽ tái xuất hiện. Sự cao thượng không dựa vào tổng sản phẩm quốc dân mà dựa vào những giá trị đạo đức. Giá trị đạo đức, thái độ hợp với luân thường đạo lý và sự công bằng, tất cả những điều đó có thể hình thành luật pháp ở một vài cấp độ, nhưng những khả năng thực sự tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi người sẽ dẫn đến hành động trên một phạm vi rộng và dài hạn.
Là một bác sĩ – luật sư, xin hãy để tôi thử ước tính những thiệt hại tài chính hợp lý về những gì chúng ta đã làm ở Việt Nam. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc bồi thường 10.000 đô-la cho mỗi người trong số 2,7 đến 3,7 triệu thường dân thiệt mạng ở Việt Nam do Mỹ gây ra. Con số này chỉ bằng 10% số trung bình 100.000 đô-la mà một người chết vô lý, chết do hành động sai trái gây ra ở Mỹ nhận được vào năm 1968. Nhưng ngay cả với khoản tiền bồi hoàn nhỏ đó cũng đã lên đến 30 tỷ đô-la. Chúng ta có thể thêm vào một con số 30 tỷ đô-la nữa. Đó là con số mà Bộ Ngoại giao đưa ra cho những thiệt hại của thôn xóm, làng xã ở Việt Nam. Nếu chúng ta tính chi phí 1.000 đô-la để lấp một hố bom thì với xấp xỉ 30 triệu hố bom lớn phải lấp đầy, chúng ta phải chi 30 tỷ đô-la khác. Nếu chúng ta chỉ đưa ra một giá cả thấp đến mức buồn cười – 50 đô-la cho mỗi con vật trong số 700.000 trâu, bò và những gia súc khác mà bom đạn chúng ta đã hủy diệt, rồi đến khoảng 10% trên tổng số những động vật hoang dã ở Việt Nam nữa? Chúng ta đã xem xét đến những món tiền thật sự, và chúng ta chưa tính toán đến khoản bồi thường thiệt hại cho khoảng 300.000 trẻ mồ côi, 83.000 người cụt tay chân, 181.000 người tàn tật, 40.000 người khiếm thị hoặc khiếm thính, và 8.000 người Nam Việt Nam bị liệt bán thân, không còn sử dụng được tứ chi do chiến tranh.
Midaxudavo:
Chương 20 (tiêp)
Tổn thất nhân mạng trong chiến tranh ở Đông dương, 1961-1975 (Số liệu thống kê của Richard W. Smith)
Khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1973 tại các nước Đông Dương, cứ 30 người thì có 1 người bị thiệt mạng, 10 người thì có 1 người bị thương, 5 người thì có 1 người tỵ nạn. Dưới đây là những tổn thất trong cuộc chiến mà người Việt Nam gọi là chiến tranh chống Mỹ:
Thiệt hại nhân mạng
• 2.284.000 người chết trong cuộc chiến
• 1.921.000 người Việt Nam chết, bao gồm:
450.000 thường dân Nam Việt Nam (1961-1975)
40.000 thường dân Việt Nam bị giết hại trong các chiến dịch Phượng Hoàng
176.000 quân nhân Nam Việt Nam (1961-1972)
900.000 bộ đội thuộc Mặt trận Giải phóng Miền Nam và quân đội Bắc Việt Nam (1961-1972)
155.000 quân nhân cả hai bên (1973-1975)
200.000 thường dân Bắc Việt Nam
• 200.000 quân nhân và thường dân Campuchia
• 100.000 người Lào
• 58.151 quân nhân Mỹ
• 5.000 quân nhân thuộc quân đội đồng minh với Hoa Kỳ
Thiệt hại khác
• 3.200.000 người Việt Nam, Campuchia và Lào bị thương
• 14.305.000 người tỵ nạn vào cuối cuộc chiến, bao gồm:
10.472.000 người tỵ nạn ở Nam Việt Nam
3.083.000 người tỵ nạn ở Campuchia
750.000 người tỵ nạn ở Lào
Tại Nam Việt Nam
• 300.000 trẻ mồ côi
• 800.000 trẻ mất cha, mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ
• 83.000 người cụt tay, chân
• 181.000 người tàn tật
• 40.000 người khiếm thị hoặc khiếm thính
• 8.000 người bị liệt bán thân
Tại Campuchia
• 480.000 thường dân bị chết và bị thương
• 260.000 trẻ mồ côi hoặc mất cha hay mẹ
Tại Lào
• 350.000 thường dân bị giết và bị thương
Tại Bắc Việt Nam
Hàng trăm ngàn người bị giết và bị thương bởi bom đạn rải thảm hủy diệt.
Đối với Hoa Kỳ
• 2.500.000 quân nhân phục vụ ở Đông Dương
• 58.151 quân nhân thiệt mạng trong chiến tranh
• 303.616 người bị thương ở Đông Dương
• 13.171 quân nhân bị tàn phế 100%
• 55.000 cựu quân nhân chết do tự tử, nghiện ngập, tai nạn…
• 500.000 quân nhân bị bệnh tinh thần “hội chứng Việt Nam” toan tự vẫn khi trở về nước
Thiệt hại vật chất
• 15.500.000 tấn hỏa lực do quân đội Mỹ sử dụng,
bao gồm:
7.800.000 tấn bom thả xuống Đông Dương
7.500.000 tấn đạn dược do lực lượng Mỹ trên mặt đất sử dụng
200.000 tấn đạn dược do các tàu hải quân Mỹ sử dụng
• 12.000.000 tấn hỏa lực sử dụng riêng ở chiến trường Nam Việt Nam (So sánh: Mỹ sử dụng 6.000.000 tấn hỏa lực trong Thế chiến thứ II)
• 26.000.000 hố bom ở Đông Dương
• 21.000.000 hố bom chỉ tính riêng ở Nam Việt Nam
• 18.000.000 ga-lông (hơn 70 triệu lít) chất diệt cỏ độc hại rải ra trên 6 triệu mẫu Anh (khoảng 2,4 triệu hec-ta) đất rừng và đất trồng trọt ở Nam Việt Nam
• 1.200 dặm vuông (khoảng 3.100 km2) của Nam Việt Nam bị trực thăng Mỹ san bằng
• 1.000 dặm vuông (gần 2.600 km2) của Nam Việt Nam bị san bằng do chất nổ và hỏa hoạn
• 150.000 đến 300.000 tấn bom đạn chưa nổ nằm rải rác ở Việt Nam, Lào, Campuchia
• 700.000 trâu, bò ở Nam Việt Nam bị giết hại
Midaxudavo:
Chương 20 (tiêp)
Chi phí chiến tranh Mỹ
Hoa Kỳ đã chi tiêu xấp xỉ 168.000 đô-la để tiêu diệt một quân nhân “kẻ thù”. Nếu tính cả phúc lợi dành cho cựu chiến binh, lãi suất trả nợ cùng các chi phí gián tiếp khác, thì tổng chi phí cho cuộc chiến khoảng từ 350 đến 900 tỷ đô-la. Dưới đây là những chi phí trực tiếp cho cuộc chiến:
132,7 tỷ đô-la chi phí trong ngân sách chiến tranh Việt Nam từ 1965 đến 1972
28,5 tỷ đô-la viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Việt Nam
2,4 tỷ đô-la viện trợ quân sự và kinh tế cho Lào
2,2 tỷ đô- la viện trợ quân sự và kinh tế cho Campuchia
0,3 tỷ đô-la hỗ trợ cho Pháp
2 tỷ đô-la chi phí chiến tranh tài khóa 1975
Tổng cộng chi phí trực tiếp cho chiến tranh: 168,1 tỷ đô-la
Chính phủ Mỹ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý trợ cấp 80 triệu đô-la cho những cựu chiến binh Mỹ bị tác động vĩnh viễn bởi chất độc da cam, nhưng chính phủ chúng ta mới dành nhỏ giọt một chút kinh phí cho những tác hại kinh hoàng mà chất độc da cam để lại trên lãnh thổ Việt Nam. Dân chúng Việt Nam đã phải sống với những hậu quả còn lại của chất độc da cam phát tán trên đồng ruộng và núi rừng nhiều năm sau khi chiến tranh đã kết thúc.
Còn chi phí cho thiệt hại ở vùng đồng quê Việt Nam, nơi trồng được các loài thực vật đa dạng, là nguồn để chế biến nhiều dược phẩm có ích, một vùng quê vẫn còn chưa hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường? Chúng tôi, những bác sĩ chữa trị cho cựu chiến binh biết rằng, những quân nhân Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam sẽ bị một số bệnh với tỷ lệ cao như mất khả năng sinh sản, ung thư tiền liệt tuyến, u bạch huyết bào, bệnh bạch cầu, đái tháo đường và nhiều nữa, nhưng còn những người Việt Nam đã bị những chứng bệnh tương tự như thế vì chiến tranh thì sao? Thêm một thí dụ cụ thể nữa là nếu như chúng ta chỉ xem xét đến 300 hài nhi Việt Nam dị tật thôi – đây là di chứng truyền qua đời thứ hai của chất gây ung thư trong chất độc da cam – và phải bồi thường thêm 10.000 đô-la cho mỗi bé về khoản chăm sóc y tế suốt đời, thì phải chi thêm 3 triệu đô-la nữa.
Thiệt hại tài chính mà chúng ta đã gây nên cho con người, súc vật, đồng ruộng và đồi núi của Việt Nam trong chiến tranh là khổng lồ. Và chúng ta chưa đề cập đến thiệt hại tinh thần đối với những người từng chịu đựng và sẽ tiếp tục chịu đựng, hoặc ngay cả những người bị biến dạng cơ thể vì thương tích hoặc bị cụt tay chân mà nguyên nhân xuất phát từ những bom mìn chưa nổ còn lại ở Việt Nam. Chỉ một thỏa thuận pháp lý thôi cũng có thể dễ dàng đưa ra một con số tài chính để chuộc lỗi còn lớn hơn cả chi phí tiến hành cuộc chiến đã nói ở trên.
Chúng ta phải thừa nhận là mình đã sai, rằng chúng ta không nên gây ra chiến tranh Việt Nam. Thay vì thiết lập một lò sát sinh, một sự hủy diệt không thể đối phó, chúng ta cần một kế hoạch Marshall(1) cho Việt Nam. Và tất cả những công ty, những cá nhân mà Tổng thống Eisenhower từng nhận diện như là tổ hợp công nghiệp quân sự, những công ty thu lợi nhuận tài chính từ chiến tranh Việt Nam, nên chịu trách nhiệm thanh toán khoản tài chính chuộc lỗi đó.
Nguyên nhân và hậu quả
Trong trường Y, chúng tôi đã từng được học là luôn luôn có một nguyên nhân và một hậu quả. Chúng tôi gọi nguyên nhân là căn bệnh học, và gọi sự phát triển của chứng bệnh là sinh bệnh học. Những gì mà các bác sĩ chúng tôi chẩn đoán chính là bệnh tật.
Con người là một động vật hung hăng, và căn bệnh học thể hiện trong một sinh bệnh học gọi là chiến tranh. Chiến tranh có thể được chẩn đoán qua sự giết hại những người khác được chính quyền hợp pháp hóa. Biện pháp duy nhất có thể ngăn chặn hoặc kiềm chế chiến tranh là làm chệch khuynh hướng hung hăng của con người. Ở một mức độ nào đó, năng lượng hung hăng đó phải được chuyển đổi thành nghĩa vụ công dân hoặc nghĩa vụ cộng đồng, thành điều thiện hoặc những hoạt động tốt đẹp trên phạm vi rộng. Chúng ta có thể chống lại bệnh tật, chúng ta có thể tiến hành cuộc chiến chống lại sự ngu dốt, thiên tai, chống lại mọi hình thức ô nhiễm trước khi chúng hủy diệt trái đất xinh đẹp cùng những động thực vật phong phú trên hành tinh này. Muốn như thế, chúng ta phải thay đổi cách hành động và xử lý.
Những thầy thuốc đều có thiện chí tốt, nhưng chúng tôi thường quá thiển cận đối với toàn cảnh, không dự báo được những gì sẽ xảy ra. Có quá nhiều sự việc ngăn cản năng lực người thầy thuốc chấp nhận một trách nhiệm lớn hơn. Người bác sĩ muốn hành động ngay. Chúng tôi muốn có kết quả ngay. Nếu có ai đó làm hỏng việc gì hôm nay, thì chúng tôi muốn có ngay câu trả lời ngày hôm sau. Các bác sĩ không có thì giờ nhìn lại hoặc cảm thấy có lỗi về những gì mình đã làm, vì họ quá bận rộn với công việc hằng ngày như chữa trị, chống lại bệnh tật, giúp cho người bệnh phục hồi nhanh hơn, phát triển các loại vắc-xin ngừa bệnh bại liệt ở trẻ em và bệnh AIDS, nói chung là tất cả những công việc thú vị và diệu kỳ mà chúng tôi đã làm trong ngành y.
Chương 20 (tiếp)
Là những thầy thuốc, khi xử lý các dịch bệnh tràn lan hoặc chữa trị bệnh tật của từng cá nhân, chúng tôi phải biết được căn nguyên, nếu không, chúng tôi không thể chữa trị được. Chúng tôi không thể dùng một miếng băng vết thương, một miếng cao dán để đắp lên những vết lở trên da người bị bệnh phong và hy vọng sẽ chữa lành vết thương cho họ. Chúng tôi phải xem xét đến những tân dược hiện hành dùng cho việc chữa trị bệnh phong, nhưng trước hết chúng tôi phải biết đó là bệnh phong. Nếu không, cá nhân bị bệnh sẽ lây nhiễm sang những ai tiếp xúc với họ và rồi cuối cùng, người bị bệnh đó cũng sẽ chết thê thảm qua việc mất dần từ ngón tay, đến bàn tay, rồi ngón chân, bàn chân rồi toàn bộ mũi…
Chiến tranh cũng giống như bệnh hủi; nó tiêm nhiễm tất cả và lấy đi lòng nhân ái, lấy đi bản chất con người của chúng ta. Kẻ thù thật sự của loài người là sự cuồng tín, dốt nát, là thiên tai và bệnh tật. Chúng ta có đủ tài năng và nguồn lực để đánh bại những kẻ thù này, nhưng chúng ta cần những con người có thiện chí muốn đối đầu với những thách thức đó.
Khi các phi hành gia từ trái đất bay lên mặt trăng và nhìn lại, lúc đó họ mới nhận thức được rằng, tất cả chúng ta đều xuất phát từ một thế giới. Như được thừa nhận trong bệnh học thần kinh của ngành y, cho đến chừng nào khái niệm này được tiếp thu, được diễn tả sâu sắc để cho tiềm thức của con người thực sự tin tưởng, thực sự cảm nhận nỗi đau của nhân loại, thì chừng đó, chúng ta mới vĩnh viễn chấm dứt được xung đột trên hành tinh này.
Nguy cơ mà nước Mỹ phải đối mặt ngày hôm nay nằm ở sự đồi bại về đạo lý của riêng chúng ta, nằm ở chủ nghĩa quân phiệt hung hăng và kiêu ngạo dẫn đến việc nhân danh tự do để giết hại một cách bừa bãi. Chúng ta sẽ không chiếm được sự đồng cảm của thế giới nếu cứ tiếp tục hành xử theo kiểu ném một chút tự do ở nơi này, một chút ở nơi kia và trong tiến trình đó, lại giết hại hằng trăm ngàn con người, kể cả phụ nữ và trẻ em. Carl Jung, nhà tâm thần học Thụy Sĩ vĩ đại từng nhận xét: “Danh dự, tiếng tăm và lòng chính trực cho phép một người được sống với niềm vui tràn ngập; đó cũng chính là những thứ không thể bị lấy đi ở một người, bởi nếu như vậy thì chính cuộc sống của người đó cũng đã bị tước mất”.
Sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001
Những ngày sau sự kiện 11.9, tôi có dịp suy ngẫm nhận xét của Carl Jung khi chính danh dự, tiếng tăm và lòng chính trực của riêng tôi – và cả lòng yêu nước của tôi – bị đặt vấn đề, có lẽ vì tôi chỉ trích chính sách của chính phủ chúng ta và tôi lại là hậu duệ của người Palestine.
Không lâu sau ngày 11.9 đó, một sự việc không may trong một loạt sự việc bắt đầu khi tôi bị một cảnh sát tuần tra xa lộ ở California chặn xe lại. Ông ta đưa ra những lời nhận xét chế nhạo và sỉ nhục về tên họ của tôi, và trong vô số lời nói báng bổ đó, cũng có lúc gọi tôi là người nước ngoài. Khi tôi căm phẫn hỏi lại số hiệu của ông ta thì viên cảnh sát tuần tra giận dữ cực độ. Ông ta còng tay tôi, siết tôi đến ngạt thở rồi đẩy tôi ngã ngồi trên mặt đất làm tôi gãy nhiều xương sườn. Khi kết tội tôi tấn công một cảnh sát mặc sắc phục, đang thi hành nhiệm vụ – dù chẳng có chứng cứ gì về một vết trầy da hay vết nhăn trên sắc phục của viên cảnh sát này – phán quyết của tòa án rõ ràng là bất công, nên tôi đã kháng án và tiến trình này kéo dài hơn 3 năm.
Kế đến là cuộc điều tra của Ủy ban Y tế bang California vốn theo dõi tôi trong nhiều năm. Sau khi tôi bị yêu cầu rời khỏi khoa thần kinh trong chiến tranh Việt Nam, suốt nhiều năm tôi đã yêu cầu Ủy ban gửi cho tôi toàn bộ hồ sơ của mình, nhưng họ chỉ đưa ra đủ thứ lời biện minh và không bao giờ gửi hồ sơ lại cho tôi. Rồi đến một ngày trong năm 2003, hai điều tra viên của Ủy ban đến phòng mạch của tôi. Họ hỏi tôi theo tôn giáo nào.
- Được, vậy còn những thưa kiện của tôi với Ủy ban thì sao? - Tôi hỏi lại.
- Có phải anh là một tín đồ Hồi giáo không? - Một người hỏi.
- Phải làm gì với mọi thứ đây? - Tôi hỏi.
- Được rồi. - Họ nói như ra lệnh. - Hãy đi khám ở một bác sĩ chữa bệnh tâm thần. Chúng tôi tạm thu giấy phép hoạt động của ông trong 2 tháng.
Midaxudavo:
Chương 20 (tiếp)
Giấy phép hành nghề y của tôi bị đình chỉ trong 2 tháng, điều đó có nghĩa là thu nhập của tôi bỗng nhiên bị mất đi và nhất là làm gián đoạn quan hệ giữa tôi và bệnh nhân của mình. Tôi bị buộc phải để cho một bác sĩ thần kinh đánh giá, và buộc phải thử nghiệm xem có bị bệnh Alzheimer không, vì Ủy ban cho rằng chính điều này mới dẫn đến sự cố xảy ra với viên cảnh sát tuần tra xa lộ. Và nếu đúng là thế, thì họ có thể thu hồi giấy phép của tôi vì lý do sức khỏe. Các đánh giá cho kết quả tôi là người lành mạnh với chỉ số IQ là 139. Các bác sĩ cũng xác nhận tôi không bị chứng Alzheimer. Nhưng việc đình chỉ đột ngột, độc đoán đó đã làm gián đoạn công việc của tôi và dĩ nhiên là tôi điên tiết lên vì hành động này. Trong quá trình đó, bạn bè và đồng nghiệp của tôi không thể can thiệp vào. Những thẩm phán, luật sư thân thiết khuyên tôi hãy để cho sự việc qua đi và hãy giữ mồm giữ miệng, nhưng tôi nhất định không thể im lặng trước những việc mà mình tin chắc là sai trái.
Vài năm trước đây, tôi đã từng thắng kiện trước Ủy ban Y tế California dù phải tốn một khoản chi phí lớn, để buộc Ủy ban phải tiết lộ thông tin trong hồ sơ của các bác sĩ. Vụ kiện của tôi chống lại Ủy ban Y tế California đã mở ra một tiền lệ sau khi được Tòa án Tối cao California phán quyết chấp thuận. Nhiều bác sĩ đã viết thư cảm ơn tôi về hành động này. Rồi khi tôi được phép xem lại hồ sơ cá nhân của mình vào năm 1998, tôi phát hiện rằng Ủy ban Y tế đã tích lũy một lượng giấy dày đến gần 8 tấc những tin tức về cá nhân tôi, bao gồm cả những thư từ, bản ghi nhớ, đánh giá tôi của các bác sĩ ở bệnh viện Mendocino và Mount Zion trong thời chiến tranh Việt Nam.
Những tài liệu này được lưu trữ trong hồ sơ của tôi 30 năm, giống như những quả lựu đạn của những tay phân biệt chủng tộc chuyên nghiệp, và khi nhìn lại, tôi mới hiểu tại sao việc tiến cử tôi vào chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Y tế California đã bị rút lại vào giờ chót. Như vậy, rốt cuộc tôi đã tìm thấy những văn kiện, hồ sơ là nguồn gốc của các tin đồn, những sự quấy rối mà tôi từng mơ hồ cảm nhận trong nhiều năm. Ủy ban Y tế không chịu rút khỏi hồ sơ của tôi bức thư của bệnh viện Mendocino có nội dung đánh giá tôi là người quá gần gũi với những người thua thiệt, những người không thích nghi với xã hội, nhất là người Ả Rập, vì họ cho rằng, bức thư phản ánh khuyết điểm về cá tính của tôi. Tôi lại phải kiện họ nữa, cáo giác họ có mưu đồ. Là bên nguyên, tôi cũng yêu cầu cho phép các bác sĩ được tranh luận về những bức thư có nội dung không đúng sự thật, có ác tâm và rút chúng ra khỏi hồ sơ cá nhân của họ.
Đến tháng 12.2004 thì có 2 nhân viên mật vụ đến văn phòng và cho biết là tôi đang bị điều tra vì bị tình nghi là một tay khủng bố. Họ nói rằng một người cung cấp thông tin giấu tên đã cáo giác để cảnh sát bắt giữ tôi, và khai rằng tôi đã nói 3 điều. Thứ nhất, tôi có nhiều thân nhân giàu có ở khu vực Trung Đông - điều này sai vì họ hàng của tôi đến chỗ tôi là để nhờ giúp đỡ về tiền bạc. Thứ hai là tôi có thể có quan hệ dòng dõi với Saddam Hussein. Cha tôi có cho biết tôi thuộc dòng dõi Saladin, một chiến binh và là vị vua Hồi giáo người Ai Cập hồi thế kỷ 12 từng chiếm đóng Jerusalem trong cuộc viễn chinh của Thập tự quân. Trong khi Saddam Hussein(1) từng tuyên bố mơ hồ rằng ông ta cũng là hậu duệ của dòng dõi này. Thứ ba, tôi đã nói rằng Tổng thống Bush sẽ hối tiếc về cuộc chiến tranh Iraq do ông khởi xướng. Lời khai thứ ba này thì đúng, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Bush sẽ thành khẩn hối tiếc về bất cứ điều gì ông đã làm.
Là một người Mỹ, tôi nghĩ là mình có quyền tự do ngôn luận, nhưng khi hai nhân viên mật vụ đứng trước cửa văn phòng mình thì tôi đâm ra nghi ngờ. Họ chụp ảnh tôi tại văn phòng và yêu cầu tôi ký tên để họ có thể xem hồ sơ y tế và tâm thần của tôi - và tôi biết là họ có quyền làm như thế theo đạo luật ái quốc. Sau khi trả lời những câu hỏi, tôi thật sự tức giận khi họ tuyên bố là tôi sẽ bị giám sát trọn đời. Tôi đã đánh liều sinh mạng của mình cho đất nước này trong vai trò một người lính Thủy quân lục chiến và là một bác sĩ ở Việt Nam. Tôi đã dành trọn cuộc đời mình làm một công dân yêu nước, làm việc hết mình và đóng thuế cho xứ sở này. Thế mà những nhân viên mật vụ này lại nghi ngờ lòng yêu nước của tôi khiến tôi tức điên lên được.
Năm 2005, sau khi tôi mệt mỏi chống án, người ta lại gắn vào người tôi một con chip – một thiết bị giám sát điện tử và tuyến bố hạn chế phạm vi di chuyển của tôi từ nhà đến phòng mạch trong vài tuần. Tôi bị buộc phải nghiêm chỉnh chấp hành án lệnh, nhưng thiết bị điện tử lại trục trặc nhiều lần. Thế là họ gọi tôi lên phòng thử thách – nơi theo dõi những người bị quản chế – còng tay rồi đưa tôi lên một chiếc xe với sức nóng tương đương 51 độ C trong khoảng 20 phút, sau đó chuyển tôi đến một xà lim giam đến 60 người trong 18 giờ và gọi tôi là “Con lợn Hassan thối tha”. Tôi bị giam 15 ngày mới được cho phép giải thích là cái thiết bị điện tử họ gắn cho tôi không hoạt động tốt. Tại tòa án, sau khi lắng nghe sự việc, quan tòa phán: “Thật là lố bịch. Thả ông ta ngay lập tức!”.
Midaxudavo:
Chương 20 (tiếp)
Như ông ngoại người Ireland từng dạy tôi, cứ mỗi lần có chướng ngại dựng trên đường đi của mình, tôi đã học được cách để vượt qua. Chế ngự những trở lực giúp tôi hình thành một khả năng nhận thức sâu sắc hơn về chính mình, giúp tôi nhận ra được phẩm cách và lòng nhân ái ở mỗi bệnh nhân bước vào phòng mạch của mình. Đôi lúc tôi nghĩ là mình đã thất bại, là tôi đã không đáp ứng đủ cho bệnh nhân của mình, và tôi còn phải làm nhiều nữa. Mặc dù tôi đã làm việc hết mình và cố sống một cuộc sống hợp với đạo lý, thỉnh thoảng tôi vẫn cảm thấy là mình sẽ không bao giờ có thể chuộc lỗi đối với tất cả những điều khủng khiếp mà tôi đã chứng kiến ở Việt Nam.
Di sản của chiến tranh
Trong 35 năm qua, tôi đã chăm sóc những người già cũng như những chàng trai trẻ phục vụ trong Thế chiến thứ II, ở Triều Tiên, Việt Nam, Panama, Grenada và trong hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Một số cựu chiến binh đã có những biểu hiện đáng sợ từ những gì họ đã trải nghiệm. Tôi thấy lòng nhân ái cao cả ở hầu hết các bác sĩ, nhưng tôi cũng thấy bộ phận lãnh đạo của các tổ chức, các hiệp hội y tế thiếu lòng trắc ẩn, thiếu dũng cảm và kiên trì để thẳng thắn chống lại cái ác.
Ủy ban Y tế California và Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp bang California - hai nơi quan sát, theo dõi về y tế của tiểu bang – là những thí dụ điển hình của tệ trạng này, vì ngay cả khi đã được cung cấp người làm chứng về hành vi tội phạm ở Việt Nam, cũng như 35 năm sau ở Guantanamo và Abu Ghraib, họ tuyệt đối chẳng làm gì cả. Một thực tế là những bác sĩ chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa để trợ giúp cho những cựu chiến binh đã từng trải qua những điều xấu xa của chiến tranh, và những ai phải chịu đựng đau khổ từ sự phơi bày những điều kinh khiếp đó. Với chức năng nghề nghiệp, thầy thuốc chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa để thẳng thắn chống lại những cái ác mà chúng tôi đã mục kích.
Mỗi một cái chết hay thương tích vĩnh viễn của một quân nhân hay một thường dân đều là một thảm kịch, là một vết nhơ của nền văn minh. Ở Việt Nam, tôi không lên án những quân nhân Mỹ tuổi 18 đến 21 vì họ chỉ là người thừa hành trong một hoàn cảnh mà họ có thể bị bắn, bị thương hoặc bị giết. Nhiều người trong số họ là anh hùng. Nhiều chàng trai trẻ dũng cảm đã chết mà chẳng bao giờ có cơ hội kể lại những câu chuyện về cuộc chiến xấu xa đó. Sau chiến tranh, khi những cựu binh chiến tranh Việt Nam trở về và kể chuyện của mình, họ bị phớt lờ, cô lập, bị từ chối những phúc lợi đúng ra họ được hưởng, thậm chí bị đưa vào nhà thương điên.
Cũng như trường hợp của tôi, người ta đã nói với nhiều cựu binh rằng những việc mà những cựu binh này đã thấy và đã làm trong chiến tranh là không thể xảy ra, vì nước Mỹ không cho phép những việc như thế xảy ra, và rằng dân chúng không muốn nghe những điều kinh hoàng như thế. Trong trường hợp của tôi, vụ thảm sát các cháu bé không thể nào phai nhòa trong tâm khảm. Những gì từng chứng kiến đã ám ảnh tôi nhiều năm. Tôi không có khả năng tìm cách biện minh, lý giải sự kiện để có thể tìm quên điều đó.
Chiến tranh là một điều xấu xa, vô nhân đạo. Cái mà tôi ghi nhớ mãi chính là những cặp mắt lạnh lùng nhìn thẳng vào mắt tôi vào buổi sáng ngột ngạt hôm ấy ở Quảng Trị, sau ngày xảy ra vụ thảm sát trẻ em. Bước ra khỏi hầm trú ẩn trong ánh sáng ban mai, một nhân viên – có lẽ làm việc cho CIA – dùng ngón tay cái và trỏ ghép lại thành hình khẩu súng rồi dí gần sát vào mặt tôi và nói: “Tối qua ông bạn suýt chết đấy!”. Trước việc tàn sát các em nhỏ cùng lời cảnh cáo đó, tôi phải nghĩ sao về cuộc chiến và phương cách chỉ đạo cuộc chiến đó?
Những tội ác chống lại loài người vẫn không dừng lại, mà ngày càng nhiều hơn và lại dính líu trực tiếp đến các bác sĩ. Khi Thượng nghị sĩ John McCain đề xuất dự luật ngăn cấm quân nhân Mỹ sử dụng hình thức tra tấn, thì chính quyền lại tìm cách miễn trừ cho nhân viên CIA. Ông John McCain có nhận xét chí lý về tác dụng mà ông gọi là “sự tra tấn hợp pháp”. Những tin tức gần đây từ Afghanistan và Iraq cho thấy những chuyên gia thần kinh và bác sĩ quân y Mỹ có thể đã chứng kiến hoặc thậm chí, đã tham gia vào việc tra tấn những người bị bắt giữ mà không hề báo cáo gì hết. Là một người đang hành nghề y, chúng ta để đạo đức, lòng trắc ẩn, danh dự của chúng ta ở đâu? Chúng ta để lòng can đảm của mình ở đâu? Những tin tức này là điều nhục nhã và rất đáng xấu hổ cho một nghề nghiệp mà nguyên lý hàng đầu là “không làm tổn thương, không gây hại”.
Midaxudavo:
Chương 20 (tiếp)
Trong số báo gần đây, các biên tập viên của tờ The Lancet – một tạp chí y học uy tín của Anh quốc – đã nhắc nhở các bác sĩ rằng, Hiệp hội Y học Thế giới đã đưa ra lập trường mạnh mẽ với việc các bác sĩ tham gia hoặc đồng ý với hình thức tra tấn. Tuyên bố của Hiệp hội có đoạn: “Các bác sĩ không được ủng hộ, khuyến khích, tha thứ hay tham gia vào việc tra tấn hoặc các hình thức xử sự hèn hạ… trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong các cuộc tranh chấp dân sự hay xung đột vũ trang”. Các biên tập viên của The Lancet còn thêm “Các nhân viên chăm sóc y tế nay cũng cần phá vỡ sự im lặng của mình”. Tạp chí The Lancet lên tiếng kêu gọi bác sĩ cũng như những ai chứng kiến các vụ tra tấn hoặc những hình thức hành hạ, lạm dụng khác ở nhà tù Abu Ghraib, ở Guantanamo hoặc những nơi khác hãy mạnh dạn cáo giác và cung cấp dữ kiện đầy đủ, chính xác về sự việc.
Có thể là những căng thẳng tích tụ từ những vụ gây hấn, xâm lược trên thế giới trong nửa thế kỷ qua - ở châu Á, Trung Mỹ và Trung Đông - đã dẫn đến đỉnh điểm là vụ tấn công khủng bố 11.9, hình thành một phản ứng mà trên thực tế, là một chu kỳ liên tục. Chúng ta sẽ lãnh lấy hậu quả về những gì chúng ta đã làm.
Một niềm hy vọng cho hòa bình
Tôi viết cuốn sách này bằng cả trái tim mình và tôi đồng ý cho phổ biến, phân phối để mọi người có thể hiểu rõ sự việc. Mặc dù tôi chỉ là một hạt cát trên bãi biển, nhưng nếu có hàng triệu tiếng nói của những hạt cát như thế cùng cất lên vì lòng nhân ái, tình thương, thì tất cả sẽ tạo nên một bãi biển đẹp.
Có nhiều lần trên đường lái xe về nông trại của mình ở ngoại ô Sacramento, tôi lấy làm lạ, tự hỏi về những bệnh nhân đã không bao giờ rời bỏ tôi, ngay cả khi tôi có vẻ khó chịu, mệt mỏi hay tỏ ra ngớ ngẩn. Tôi cũng ngạc nhiên tự hỏi làm thế nào mà thế giới bao la này vận hành trong một tiếng nói chung, trong sự hài hòa vĩ đại như thế. Tôi thán phục tinh thần nhân ái lại có khả năng đối phó với các tình huống bất ngờ, đem hy vọng đến cho toàn nhân loại. Tôi khâm phục vẻ uy nghi của con người cùng những sáng tạo chống lại bệnh tật, nghèo đói và sự ngu dốt. Tôi kính phục những con người nhỏ bé mang gánh nặng giữ cho nước Mỹ luôn tươi đẹp - những người thợ thủ công, thợ mộc, đầu bếp, thợ ống nước, làm cống, và những người đảm nhận các công việc nguy hiểm như cảnh sát, nhân viên cứu hộ, chữa cháy luôn đặt tính mạng của mình vào thử thách khi thi hành nhiệm vụ – để phân định rõ ràng đâu là điều thiện, đâu là cái ác, cái xấu.
Theo truyền thống, người Mỹ tán thành và có thiện ý đối với các cuộc chiến tranh giành tự do hoặc các cuộc chiến tranh nhằm thiết lập một thể chế dân chủ. Chúng ta là nền dân chủ đầu tiên của Tân Thế giới. Sức mạnh và ảnh hưởng của chúng ta lớn hơn bao giờ hết. Nhưng những hành vi quá khích đi cùng sự gây hấn và chinh phục sẽ làm người ta nhận ra sự hung bạo, làm cho người ta chán ghét, ghê tởm bởi những vụ thảm sát thường dân dưới danh nghĩa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những lời dối trá về sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã đưa những công dân chúng ta đến chiến trường Việt Nam, và những lời cáo giác dối trá về vũ khí giết người hàng loạt đã đưa chúng ta đến với chiến trường Iraq. Không nghi ngờ gì nữa, thái độ ngạo mạn của Hoa Kỳ đối với các nước thuộc thế giới thứ ba đang đưa chúng ta vào một vòng tròn vô tận của các cuộc chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Nếu chúng ta không thể nhận diện căn nguyên của một bệnh tật, chúng ta không thể xử lý sinh bệnh học và do vậy, chắc chắn là chúng ta không thể chữa trị được.
Chủ nghĩa khủng bố sẽ dần tiêu tan trên trái đất nếu như các cường quốc, những nước giàu mạnh đối xử với các nước thuộc thế giới thứ ba và nguyên thủ của họ bằng sự tôn trọng thật sự, và cùng nhau làm việc để đạt được những mục tiêu chung. Tôn trọng đức tin của mỗi một dân tộc cũng như lịch sử của họ, chúng ta có thể đưa vào xã hội ở những đất nước ấy những bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, những nhà nông học, những người theo chủ nghĩa nhân đạo ở mọi cấp, và những giáo viên không phải đến xứ sở của họ để giảng dạy kiếm tiền mà là vì người Mỹ là những mẫu mực cao quý. Sự cao quý của người Mỹ không phải là sự cao quý của một đức vua hay của một tư lệnh hạm đội, mà là sự cao quý dân chủ rộng mở với bản tính tự nhiên, làm cho hầu hết công dân chúng ta đặc biệt thích làm điều tốt lành.
Tất cả chúng ta đều cùng thuộc dòng giống loài người, nhưng nhiều lần điều đó bị thách thức. Tôi tin rằng các cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh gây hấn luôn luôn sai lầm. Câu hỏi đặt ra là, tại sao cứ gây chiến, cứ khởi động chiến tranh trong khi thế giới đầy ắp sự cao quý như thế, khi thế giới có quá nhiều mục tiêu tốt lành như thế?
“Các bạn đem đến cho tôi niềm vui sâu sắc nhất mà con người có thể cảm nhận được…”, nhà khoa học Pháp vĩ đại Louis Pasteur đã nói trong một bài diễn văn ngày 27.12.1892. “Tôi có niềm tin chắc chắn rằng khoa học và hòa bình sẽ chiến thắng sự dốt nát và chiến tranh, rằng các quốc gia sẽ liên kết, không phải để hủy diệt mà là để xây dựng, và rằng tương lai sẽ thuộc về những ai cống hiến hết mình cho nhân loại.”
Nếu có điều gì tôi đã gặt hái được qua những chuyến đi trong chiến tranh và cả hòa bình thì đó chính là niềm tin rằng cá nhân sẽ chiến thắng. Nỗ lực cá nhân sẽ chiến thắng sự vô nhân đạo của một chính quyền tệ hại. Tôi đã thấy điều đó trong các bệnh viện ở Việt Nam, trong những nụ cười thân ái của các em nhỏ nhảy lò cò bằng một chân. Tôi đã thấy điều đó trong nụ cười trên khuôn mặt của một cậu bé mà một con mắt của em đã bị múc đi chỉ vì gây mê và băng bó không đủ tại bệnh viện Quảng Trị. Tôi cảm nhận điều đó trong ánh mắt hàm ơn của những người nông dân Việt Nam khi tôi cố chữa trị thương tích cho họ trong thời kỳ chiến tranh, và tôi lại thấy điều đó khi trở lại Việt Nam nhiều năm sau này.
Tôi đã cố gắng sống một cuộc sống thích hợp với những đức tin của riêng mình trong vai trò một bác sĩ y khoa, một luật sư, một bác sĩ thú y và một cựu quân nhân Thủy quân lục chiến. Tôi đã làm hết sức mình để cáo giác những hành động tội lỗi mà tôi từng chứng kiến. Cuốn sách này là nỗ lực cuối cùng ghi lại chính xác các sự kiện đối với những hành động tàn nhẫn mà tôi đã mục kích ở Việt Nam. Sách cũng bày tỏ những hy vọng của tôi về xứ sở mà tôi sinh ra, vốn vẫn tiềm tàng khả năng là một đất nước vĩ đại thật sự. Thật là chán nản khi thấy những hành vi tàn ác, vô nhân đạo vẫn tiếp tục mang danh nghĩa tổ quốc tôi, mang danh nghĩa đất nước mà tôi mến yêu, nơi tôi ra đời, một đất nước đã cho tôi quá nhiều. Nhưng có điều gì đó trong những phẩm chất tốt đẹp của con người đang thử thách những nghi thức cổ xưa về sự chinh phục và tình trạng bị nô dịch. Nếu như chúng ta có thể hình dung ra một tương lai nhân bản hơn và nỗ lực để nó trở thành hiện thực thì đó chính là niềm hy vọng cho hòa bình trên thế giới.
Midaxudavo:
Phụ lục 1
BÓNG MA CUỐI CÙNG CỦA CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Phụ lục đặc biệt của tác giả dành cho ấn bản tiếng Việt
Loại chất diệt cỏ màu da cam (Agent Orange) chết người này sẽ còn lưu lại ở Việt Nam lâu dài hơn cả một ký ức. - Nó được gọi là “bóng ma cuối cùng” của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Di chứng của chất độc màu da cam để lại trên đất nước này sâu hơn, rộng hơn rất nhiều lần so với hiểu biết của tôi trong thời gian chúng tôi phục vụ tại Quảng Trị những năm 1968 – 1969. Dù ngửi thấy nó, cảm thấy nó trên da thịt mình, tôi vẫn không hề hay biết gì về tính độc hại khôn cùng của nó. Và những người lính khác, ở cả hai phía, cũng cùng chung số phận như tôi. Tôi hiểu rằng chất khai hoang đang được sử dụng khi chứng kiến cảnh những cánh rừng bị bóc vỏ trơ trụi dọc đường mòn Hồ Chí Minh ở Đông Hà, gần Khe Sanh, Quảng Trị.
Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng đó là một loại chất diệt cỏ chỉ tác dụng lên bề mặt, gây rụng lá nhanh và hàng loạt. Nhưng sức hủy diệt thực sự của nó không dừng lại ở đó. Đối với cơ thể, chất da cam này gây chứng hồng ban dạng trứng cá do tiếp xúc với chất clor mà y học gọi là bệnh Chloracne. Về sau, người ta khám phá ra rằng nó gây ra ít nhất 60 loại ung thư khác nhau đối với người và động vật sinh sống trong những cánh rừng ở khắp Việt Nam.
Chất da cam được sử dụng như một phương tiện của cuộc chiến tranh sinh hóa tại miền Nam Việt Nam. Không có loại hóa chất nào gây hại đối với con người một cách nặng nề và dai dẳng hơn nó. Người Mỹ đã phun rải tổng cộng 21 triệu gallon (gần 80 triệu lít) gồm 15 loại chất khai hoang – diệt cỏ khác nhau trên một diện tích gần 3,6 triệu mẫu Anh (tương đương 1,45 triệu héc-ta) rừng rẫy, làng mạc của Việt Nam, trong đó riêng chất da cam là 11,6 triệu gallon (gần 44 triệu lít). Tất cả đều được nhận diện qua tấm nhãn màu cam gắn bên ngoài thùng chứa. Đó là một hỗn hợp 50 – 50 chất khai hoang thương mại gồm 2,4-D và 2,4,5-T có axít cacodylic làm tác nhân phát tán. Trong tất cả các loại chất khai hoang được sử dụng tại Việt Nam, chỉ có chất da cam là có công thức cấu tạo khác với các loại thuốc khai hoang được sử dụng ở Mỹ. Nó chứa một loại hóa chất cực độc. Chất da cam làm rụng lá và giết chết cả các loại cây gỗ thuộc hàng thiết mộc, nó còn để lại những di chứng âm ỉ, bức bối, chết người trên binh lính của cả hai phía, và cả thường dân Việt Nam, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ con.
Liên quân đã sử dụng chất khai hoang nhằm bóc trần nơi ẩn náu của bộ đội Bắc Việt và du kích, những người đã thiết lập một hệ thống tinh vi các đường mòn và địa đạo bên dưới những cánh rừng rậm nhiệt đới. Thông thường chất khai hoang được rải xuống từ những chiếc máy bay vận tải cỡ lớn C123 hay máy bay nhỏ dùng trong nông nghiệp, từ các loại xe cơ giới và cả bình xịt tay do binh lính thực hiện.
Chất da cam được quân đội Mỹ thử nghiệm vào đầu những năm 1960 và được sử dụng dồn dập vào năm 1967 – 1968, khi tôi đang phục vụ với tư cách một bác sĩ tình nguyện tại miền Nam Việt Nam. Chất da cam bị ngừng sử dụng vào năm 1971 sau khi nhiều nhà khoa học phản đối việc sử dụng chất này, nhưng ảnh hưởng của nó không dừng lại vào thời điểm đó. Binh lính Mỹ, những người từng hứng chịu những tổn thương mang tính di truyền và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe do sự phát tác của chất da cam đã phải đấu tranh hết năm này sang năm khác để yêu cầu thực thi công lý từ các tòa án Mỹ. Còn những người lính và thường dân miền Nam Việt Nam, nạn nhân trực tiếp của chất da cam, vẫn chưa được bồi thường. Trẻ con sinh ra tiếp tục bị khiếm khuyết, dị dạng bẩm sinh và nhiều di chứng khác, trong đó có ung thư.
Chất da cam có chứa chất kịch độc dioxin, gọi tắt là TCDD, một chất hóa học không có trong tự nhiên. Dioxin là chất sinh ra từ quá trình sản xuất thuốc diệt cỏ và là một loại hóa chất độc hại nhất mà con người từng biết đến. Một nghiên cứu của Úc ước tính rằng có khoảng 368 pound (tương đương 167 kg) dioxin đã bị rải xuống Việt Nam trong vòng 6 năm. Dioxin có thể bị phân hủy dần dưới ánh mặt trời, nhưng nó tồn đọng rất lâu trong đất. Hiện còn một lượng lớn dioxin đang nằm trong đất và nước ở Việt Nam.
Các mẫu kiểm nghiệm chất da cam 2,4-D sử dụng tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ nhiễm dioxin lên đến 50 phần triệu. Một vài chất da cam gửi sang Việt Nam nhiễm dioxin cao gấp 15.000 lần so với các loại thuốc diệt cỏ được sử dụng tại Hoa Kỳ. Sau năm 1971, sự pha trộn dioxin vào thuốc diệt cỏ bị luật pháp của nhiều quốc gia giới hạn ở mức 0,1 phần triệu. Điều lạ là, dù quân đội Mỹ có lưu trữ thông tin đầy đủ, nhưng vẫn có 14% chất da cam gửi sang Việt Nam là không rõ nguồn gốc.
Từ năm 1962, người Mỹ đã biết dioxin là chất cực độc và ít nhất Dow Chemical, một nhà cung cấp thuốc khai hoang, biết rằng hợp chất này được cho nhiễm dioxin vào năm 1965. Nhưng, không có nghiên cứu nào được nhà sản xuất hay quân đội triển khai để kiểm nghiệm khả năng gây đột biến gen, ung thư hay quái thai của chất da cam trước khi mang sang sử dụng tại Việt Nam. Ngày nay sự thật đã rõ ràng, tất cả các tác dụng nói trên đều có thể nhìn thấy ở người và gia súc tại Việt Nam.
“Khi chúng tôi (các nhà khoa học quân sự) tiến hành chương trình thuốc diệt cỏ vào những năm 1960, chúng tôi đã được cảnh báo về khả năng hủy hoại của thuốc diệt cỏ đã nhiễm dioxin. Thậm chí chúng tôi còn được cảnh báo rằng thuốc diệt cỏ theo công thức “quân đội” có nồng độ dioxin cao hơn các loại thuốc diệt cỏ “dân sự” vì giá thành thấp và thời gian sản xuất ngắn. Tuy nhiên, vì sản phẩm được sử dụng trên “đối phương” nên không ai trong chúng tôi tỏ ra quan tâm thái quá. Chúng tôi không bao giờ hình dung ra cảnh binh lính của mình cũng sẽ bị nhiễm độc. Và, nếu xảy ra tình huống này, chúng tôi mong rằng chính phủ của chúng ta sẽ trợ giúp các cựu chiến binh bị phơi nhiễm”. Tiến sĩ James Clary, một nhà khoa học phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ, người thiết kế các thùng chứa thuốc khai hoang đặt trên trực thăng, cũng là người viết báo cáo tổng kết Chiến dịch Operation Ranch Hand đã viết như thế vào năm 1979.
Phụ lục 1 (tiếp)
Hủy hoại con người
Trong suốt cuộc chiến, các báo cáo về tình trạng trẻ con bị dị dạng bẩm sinh xuất hiện trên báo chí Sài Gòn đều bị gạt bỏ vì liên quân cho rằng điều đó chỉ giúp tuyên truyền cho Cộng sản. Những lời oán thán về các chứng bệnh nguy hại từ những người nông dân khắp các làng mạc Việt Nam đều bị làm ngơ. Binh lính than phiền với bác sĩ rằng họ bị rát bỏng da, nhức đầu, nôn mửa và nhiều triệu chứng khác sau khi phơi nhiễm nhưng họ được bảo rằng điều đó không có liên quan gì với việc phun xịt thuốc diệt cỏ.
Là một bác sĩ, tôi đã nhìn thấy hàng trăm cựu chiến binh Mỹ mắc chứng vô sinh, ung thư, tiểu đường loại 2 và nhiều vấn đề về sức khỏe khác có liên quan đến việc phơi nhiễm chất da cam tại Việt Nam. Tôi từng chứng kiến những người vợ của họ mang thai chết lưu (bào thai bị chết trong bụng mẹ), hoặc sinh con dị dạng. Vợ của một cựu chiến binh tôi từng gặp đã sinh ra một đứa con không có đầu. Tôi tin thảm họa của gia đình này là hệ quả trực tiếp vì sự phơi nhiễm của người cha với chất da cam.
Các chứng ung thư và các bệnh do tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh liệt kê sau đây được cho là có liên hệ với việc phơi nhiễm chất da cam: ung thư tiền liệt tuyến, ung thư Hodgkin, bệnh lymphom không Hodgkin, bệnh đa u tủy, sarcom sợi ở người lớn, sarcom phần mềm phế nang, sarcom mạch máu, sarcom gân dạng tế bào sáng, sarcom sợi thể bẩm sinh, sarcom sợi bì lồi, bướu ngoại-trung bì, sarcom cơ trơn dạng biểu mô, bướu vỏ bao thần kinh dạng biểu mô, sarcom dạng biểu mô, sarcom Ewing ngoài xương, sarcom mạch máu, sarcom sợi ở trẻ em, sarcom cơ trơn, sarcom mỡ, sarcom mạch bạch huyết, bướu mô bào sợi ác, bướu đại bào ác tính của bao gân, bướu vỏ bao thần kinh dạng tuyến ác tính, bướu xoang cảnh ác tính, bướu chu mạch ác tính, bướu trung mô ác tính, bệnh nội mô mạch máu tăng sinh nguyên bào cơ vân, sarcom cơ vân, sarcom hoạt mạc, tiểu đường loại 2 ở người lớn, bệnh bạch cầu dòng lymphom dạng mạn tính, sarcom mô mềm, bệnh thần kinh ngoại biên, hồng ban dạng mụn trứng cá do tiếp xúc với clor (bệnh Chloracne), bệnh tăng sắc tố da mãn. Sự tàn tật ở con em các cựu chiến binh Việt Nam do tiếp xúc với chất da cam thường thấy là bệnh cột sống chẻ đôi (bệnh nứt đốt sống) và bệnh vô não.
Tôi muốn giải thích thêm một số kiến thức y khoa về các bệnh kể trên. Ung thư tiền liệt tuyến là bướu ác tính của tuyến tiền liệt ở nam giới. Bệnh Hodgkin là bướu hạch bạch huyết đặc trưng bởi sự phì đại của hạch bạch huyết, gan, lách và thiếu máu liên tục. Bệnh lymphom không Hodgkin cũng là bệnh ác tính của hạch nhưng khác với bệnh Hodgkin do không có tế bào Reed-Sternberg khổng lồ. Bệnh đa u tủy là ung thư của tủy xương, đặc trưng bởi có nhiều bướu ở khắp bộ xương và đau nhức dữ dội. Sarcom là bướu của mô liên kết, xương, sụn và cơ. Sarcom sợi ở người lớn là bướu xuất hiện ở người lớn xuất nguồn từ mô liên kết. Sarcom mô mềm phế nang là ung thư của phế nang phổi, cấu trúc có dạng túi ở phổi. Ung thư phế quản là bướu ác tính ở phổi và khí quản nằm trong phổi. Ung thư thanh quản là bướu ác tính của thanh quản.
Ung thư phổi là bướu ác tính của phổi. Ung thư khí quản chỉ xảy ra ở khí quản. Sarcom mạch máu là bướu thường gặp ở vú và da được cho là phát xuất từ mạch máu. Sarcom tế bào sáng của gân là ung thư của gân. Sarcom sợi bẩm sinh là bướu ác tính có trước khi sinh ở mô liên kết của bào thai. Sarcom sợi bì là bướu phát triển chậm gồm những nốt chắc. Bướu nội-trung bì là bướu gặp ở da. Sarcom cơ trơn ác tính là bướu ác tính xuất nguồn từ một lớp bao ngoài của cơ. Bướu vỏ bao thần kinh ác tính là bướu ác tính của lớp ngoài của tế bào thần kinh. Sarcom sợi ở trẻ em là bướu hình thành ở trẻ em xuất nguồn từ mô liên kết sợi. Sarcom mỡ là bướu có thể gặp ở bất kỳ nơi nào của cơ thể gồm có những tế bào mỡ. Bướu mô bào sợi ác là bướu của mô liên kết. Bướu xoang cảnh ác là bướu gặp ở dạng các nốt nhỏ ở nền ngón tay, ngón chân, lỗ tai, bàn tay, và cơ quan khác. Bướu trung mô ác là bướu của mô hay dịch có nguồn gốc phôi thai.
Bệnh nội mô mạch máu toàn thân là sự tăng sinh của một số tế bào mạch máu gây ra mất sắc tố da. Sarcom cơ vân là bướu của cơ. Bệnh thần kinh ngoại vi cấp là sự rối loạn chức năng tạm thời của hệ thần kinh. Bệnh thần kinh ngoại vi là sự rối loạn chức năng liên quan đến hệ thần kinh tự động hay hệ thần kinh thân thể, cũng gọi là bệnh thần kinh ngoại vi bán cấp. Bệnh thần kinh ngoại vi bán cấp ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây đau, tê và cảm giác tê rần ở các dây thần kinh. Bệnh Chloracne là những hồng ban sẫm màu trên bề mặt da do tiếp xúc kéo dài với chất dioxin. Bệnh tăng sắc tố da mãn là bệnh đặc trưng bởi tổn thương gan và thận và thay đổi sắc tố da.
Những khuyết tật bẩm sinh, bao gồm những bất thường về cấu trúc, chức năng và chuyển hóa của thai nhi được xác nhận là do tác động của môi trường sinh thái (bị nhiễm hóa chất độc hại) trong thời kỳ bào thai còn trong bụng mẹ. Bệnh cột sống chẻ đôi (Spina bifida) đặc trưng bởi khuyết tật lỗ đóng của ống sống làm tủy sống lộ ra hay có thể bị lồi ra.
Bác sĩ Samuel S. Epstein, một nhà giải phẫu bệnh học và độc tố học nghiên cứu trên người và động vật thí nghiệm, đã gọi chất dioxin là “tác nhân sinh ung thư mạnh nhất”. Trong suốt cuộc chiến nhằm đem chất độc màu da cam ra ánh sáng ở Hoa Kỳ, bác sĩ Epstein đã chứng minh ở Hạ viện Hoa Kỳ (trong Tiểu ban về các phương tiện y khoa và lợi ích của các cựu binh) rằng chuột thí nghiệm đã mắc phải nhiều loại ung thư khi tiếp xúc với dioxin. Ông cũng cho biết một tỷ lệ cao những công nhân trong ngành lâm nghiệp có tiếp xúc với chất 2,4-T hoặc 2,4-D đã mắc phải các loại bệnh ung thư.
Midaxudavo:
Phụ lục 1 (tiếp)
Công lý cho cựu chiến binh Mỹ
Nhiều lính bộ binh Mỹ từng được trao cho các bình phun thuốc diệt cỏ để phun thứ chất da cam này xung quanh điểm đóng quân và doanh trại của họ. Lính biệt kích thì hoặc bị những chiếc máy bay nhỏ đang làm nhiệm vụ rải chất da cam vô tình phun cả lên người và nhiều người trong số họ mặc cả bộ quần áo đã bị nhiễm đó hàng tuần lễ liền cho tới khi cuộc hành quân kết thúc, hoặc uống nước lấy từ những ao hồ hay sông suối bị nhiễm chất độc chết người này.
Ngay cả các binh lính không nằm trong phạm vi bị rải chất độc hóa học cũng có nguy cơ bị phơi nhiễm cao do sự phát tán chất này trong gió, do nguồn nước và cả thực phẩm bị nhiễm độc. Các phi công trực thăng bay xuyên qua những đám mây bị nhiễm độc mà không hề hay biết (trong khi chuyên chở hàng thùng hóa chất da cam) nên đã mắc nhiều loại bệnh chết người, vốn chỉ phát tác nhiều năm về sau. Ngay cả những phụ nữ (như y tá) ở bên ngoài vùng chiến sự hoặc ở xa tiền tuyến và rừng rậm hàng chục cây số cũng hứng chịu những mất mát to lớn như sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh con khuyết tật.
Những người lính Mỹ trở về từ Việt Nam bị những chứng bệnh nan y hành hạ làm họ đau yếu và già trước tuổi thì được bảo rằng điều đó chẳng quan hệ gì đến thời gian họ phục vụ tại Việt Nam. Các nhà sản xuất chất da cam và chính phủ Mỹ luôn phủ nhận bất cứ mối liên hệ nào trong nhiều năm liên tiếp.
Trước năm 1983, có khoảng 9.170 cựu binh Mỹ làm hồ sơ đề nghị cho hưởng các chế độ trợ cấp khuyết tật vì các vấn đề sức khỏe có liên quan đến chất da cam. Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ đã bác 7.709 đơn trong số này và cho rằng chỉ có chứng phồng rộp da mặt mới là hậu quả do chất da cam gây ra. Giới y học dân sự thì không mặn mà gì với những con người trở về từ vùng đất xa xôi, lại bị nhiễm chất da cam. Hầu hết các bác sĩ đều không hiểu rõ những hệ quả mà một người phải gánh chịu sau khi bị phơi nhiễm trước thứ chất độc chết người này. Các cựu chiến binh Việt Nam, những người khiếu nại với các bác sĩ trong Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ của chúng ta các rắc rối về sức khỏe thì thường bị làm ngơ, bị cho là tâm thần và bị nhốt vào các nhà thương điên, hoặc chỉ được điều trị sơ sài và thậm chí không được điều trị gì cả.
Không thể biết chính xác có bao nhiêu thường dân, binh lính, và bao nhiêu cái chết có liên hệ với chất da cam và những hóa chất độc hại khác. So với con số 58.000 lính Mỹ chết trận trong cuộc chiến 10 năm tại Việt Nam, người ta ước lượng rằng số người chết vì phơi nhiễm chất độc này phải cao gấp 5 lần. Các cơ quan y tế có thẩm quyền ước tính rằng có khoảng 250.000 cựu binh Mỹ chết sớm do hậu quả từ chất da cam hoặc các biến chứng từ nó.
Midaxudavo:
Phụ lục 1 (tiếp)
Công lý từ luật pháp
Sau khi cuộc chiến kết thúc, nhiều bài báo về các di chứng của chất da cam bắt đầu xuất hiện tại Mỹ. Tại Seveso, Ý, một tai nạn công nghiệp xảy ra vào năm 1976 làm một lượng dioxin không kiểm soát được tràn vào không khí, làm chết hàng loạt súc vật trong bán kính nhiều dặm và gây bỏng da cùng nhiều rối loạn sức khỏe khác đối với người dân trong vùng. Riêng gia súc ăn cỏ bị nhiễm dioxin có tỉ lệ sẩy thai cao. Năm 1978, Tổ chức Bảo vệ Môi trường đã quyết định ngừng sử dụng chất da cam trong các khu rừng quốc gia vì số vụ sẩy thai gia tăng ở những phụ nữ sống gần các khu vực có phun chất diệt cỏ.
Theo quyển Waiting for an Army to Die: The Tragedy of Agent Orange của tác giả Fred A. Wilcox, các xét nghiệm trên khỉ nâu, ba giống chuột nhắt và hai giống chuột cống khác nhau đều cho thấy có sự nhiễm độc dioxin đối với hệ thần kinh. Điều đó có nghĩa là phụ nữ mang thai có thể sinh con chết lưu nếu bị phơi nhiễm chất này.
Ngay sau cuộc chiến, tại Hoa Kỳ, một loạt vụ kiện tụng về vấn đề liên đới trách nhiệm được tiến hành nhân danh 2,5 triệu cựu binh chiến tranh Việt Nam chống lại các nhà sản xuất chất da cam. Các nhà sản xuất như Dow Chemical, Monsanto (hiện đã đổi tên thành Solutia), Diamond Shamrock, Hercules, Uniroyal cùng nhiều công ty khác biện hộ rằng họ chỉ sản xuất hàng hóa cho chính phủ Mỹ sử dụng nên không thể bị kiện. Sau nhiều năm tranh luận ầm ĩ và trì hoãn, cuối cùng vụ kiện được dàn xếp bằng một thỏa thuận bên ngoài tòa án với việc bồi thường 180 triệu đô-la vào năm 1984. Năm 1989, sau khi thanh toán chi phí cho các luật sư, số tiền còn lại được chia cho các nguyên đơn. Tại Mỹ, một cựu binh chiến tranh Việt Nam mất sức hoàn toàn được nhận 12.000 đô-la, chia đều lãnh trong 10 năm. Trong thời gian này, các cựu binh ở Canada, Úc và New Zealand cũng nhận được tiền bồi thường từ các thỏa thuận bên ngoài tòa án với các nhà sản xuất chất da cam.
Quốc hội Mỹ thông qua Luật 102-4 với tên gọi Đạo luật Da cam vào năm 1991 và đây là cơ sở để tiến hành nhiều cuộc điều tra sâu rộng hơn về tác động chết người của việc phun rải loại chất khai hoang này. Đô đốc Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam Elmo R. Zumwalt, người từng ra lệnh thực hiện một số phi vụ rải chất hóa học đã giúp đem những tác hại của chất dioxin ra ánh sáng trước công luận Mỹ. Con trai của Zumwalt đã từng phục vụ tại Việt Nam và chết trẻ vì bệnh ung thư máu, một trong các chứng bệnh có liên quan đến việc phơi nhiễm chất da cam.
Năm 1996, sau một cuộc tranh luận dai dẳng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức thừa nhận chất da cam gần như là nguyên nhân của 13 chứng bệnh nan y từ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư máu, … cho tới tiểu đường loại 2 và bệnh thần kinh ngoại biên. Các cựu binh gặp rắc rối về sức khỏe có thời gian phục vụ tại Việt Nam đương nhiên được nhận các khoản trợ cấp theo chế độ thương binh. Một lính Mỹ sang Việt Nam dù chỉ một ngày cũng được xem là đã bị phơi nhiễm chất da cam. Nếu anh ta mắc chứng tiểu đường loại 2 hoặc một trong các loại ung thư gây ra bởi chất da cam thì sẽ được hưởng trợ cấp thương tật từ Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ. Một phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao Mỹ cho phép các cựu binh Việt Nam được chẩn đoán bị nhiễm chất da cam kể từ ngày 01/01/1995 trở đi có quyền khởi kiện các nhà sản xuất chất này.
Năm 1999, 20.000 người Hàn Quốc đã ký tên khởi kiện các nhà sản xuất chất da cam tại nước họ. Các tòa án Hàn Quốc đã yêu cầu Monsanto và Dow Chemical phải chi trả 62 triệu đô-la bồi thường cho 6.800 người. Tháng 01/2006, một tòa án khác của Hàn Quốc yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ chi trả cho các cựu binh Hàn Quốc từng phục vụ tại Việt Nam một khoản bồi thường khác là 63 triệu đô-la.
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được bình thường hóa vào năm 1995. Vào thời điểm đó, Việt Nam tạm gác lại các yêu cầu bồi thường chiến tranh. Một vụ kiện các nhà sản xuất chất da cam nhân danh các nạn nhân Việt Nam bị một phiên tòa liên bang tổ chức tại Brooklyn bác bỏ vào năm 2005. Vì thế, cho đến nay vẫn chưa có một thường dân hay cựu binh Việt Nam nào nhận được một đồng bồi thường từ nước Mỹ. Hiện phía Mỹ đã đồng ý tham gia các cuộc nghiên cứu và khảo sát sâu hơn về vấn đề này tại Việt Nam.
Midaxudavo:
Phụ lục 1 (tiếp)
Những việc cần làm ngay
Người phát minh ra chất da cam là một nhà thực vật học người Mỹ tên là Arthur W. Galston, về sau ông trở thành giáo sư đạo đức sinh học (bioethics) tại Đại học Yale. Trong một bài báo trên tờ The New Republic năm 1967, Giáo sư Galston đã cảnh báo chính phủ Mỹ về việc thả lỏng việc sử dụng chất diệt cỏ cực mạnh tại Việt Nam. Ông viết: “Chúng ta quá mù mờ về sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố sinh thái học nên không thể biết những biến đổi sinh thái gây ra từ việc phun rải thuốc diệt cỏ sẽ tác động ở phạm vi nào và kéo dài đến mức nào. Các biến đổi đó có thể hủy hoại sức khỏe những cư dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng…”. Giáo sư Galston là một trong những nhà khoa học đã khẩn cấp yêu cầu Tổng thống Nixon dừng ngay việc sử dụng chất da cam vào năm 1970, và ông vẫn còn tiếp tục kêu gọi khắc phục hậu quả mà các loại thuốc diệt cỏ này đã gây ra tại Việt Nam.
Một trong những vùng bị nhiễm dioxin nặng nhất ở Việt Nam là Biên Hòa, nơi 7.000 gallon (hơn 26.000 lít) chất da cam bị rơi vãi khắp nơi trong một tổng kho khí tài chiến tranh của quân đội Mỹ thời chiến tranh. Người dân tại đây sống cùng mức độ ô nhiễm dioxin cực kỳ cao – ước khoảng 413 phần ngàn tỉ, tức cao hơn 207 lần so với những vùng không bị phun rải chất diệt cỏ. Việc câu cá gần hồ Biên Hùng bị cấm vì hồ này vẫn còn bị nhiễm dioxin nặng sau hơn 30 năm kể từ ngày bị rải chất hóa học. Một vùng đất nhiễm dioxin nặng nề khác là Củ Chi, nơi cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km. Củ Chi một thời là vùng đất trồng cây ăn quả trù phú. Gần đây, cây cối mới bắt đầu xanh trở lại, nhưng vẫn còn ít người dám hái quả rừng ăn vì sợ bị nhiễm độc.
Trong quyển Chemical and Biological Warfare (Chiến tranh Sinh – Hóa), phóng viên người Mỹ Seymour M. Hersh đã trích dẫn một nghiên cứu vào năm 1967 của Toichi Fukushima, Trưởng Tiểu ban Nông nghiệp thuộc Ủy ban Khoa học Nhật Bản, về các phương pháp làm rụng lá cây cối và hủy hoại mùa màng ở Việt Nam của quân đội Mỹ. Nghiên cứu này ước tính các cuộc tấn công phá hoại mùa màng do Mỹ tiến hành đã tiêu hủy 3,8 triệu mẫu Anh đất trồng trọt ở miền Nam Việt Nam và gây ra cái chết của 1.000 nông dân và 13.000 gia súc. Fukushima nói có một ngôi làng bị tấn công hơn 30 lần bởi những chiếc máy bay C123 chuyên phun rải các chất diệt cỏ, “loại chất ăn mòn da cực mạnh và độc hại hơn thạch tín gấp nhiều lần”.
Một nghiên cứu khác của bác sĩ Tôn Thất Tùng, Tôn Đức Lang và Đỗ Đức Vân so sánh các trẻ em con của những người lính miền Bắc và con của các cựu quân nhân miền Nam Việt Nam, những người có các bà vợ không bị phơi nhiễm chất da cam, thì thấy rằng vợ của những người lính miền Nam có tỉ lệ sinh con bại não, dị tật bẩm sinh, sinh non, thai chết lưu, vô sinh cao hơn. Nghiên cứu này cho thấy việc phơi nhiễm với dioxin tác động đến khả năng duy trì nòi giống của người cha và khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Chính phủ Việt Nam ước tính có khoảng 500.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh vì chất da cam, và 2.000.000 người khác mắc bệnh ung thư và các chứng bệnh khác có liên quan đến các loại chất khai hoang được sử dụng trong cuộc chiến. Hàng ngàn đứa trẻ khuyết tật bị cha mẹ bỏ rơi sau khi sinh đang được tập trung vào các Làng Hòa Bình tại Việt Nam.
Làm gì để tẩy rửa cho Việt Nam? Ở Mỹ, dioxin từng gây nhiễm độc thị trấn Times Beach của bang Missouri vào năm 1982. Trước đó Times Beach được phun dầu (nhiễm dioxin) vào những năm 1970 để chống bụi cát. Các mẫu đất được lấy lên cho thấy nồng độ dioxin vượt quá 100 phần tỉ, cá biệt có mẫu vượt 317 phần tỉ. Vì thế, toàn bộ 2.000 cư dân và tất cả các nhà máy đều được di chuyển ra khỏi vùng này. Nhà cửa bị giật sập và 37.000 tấn đất mặt nhiễm độc được xúc mang đi thiêu hủy. Tro từ vụ đốt bỏ được chôn lấp cẩn thận tại một nơi riêng biệt. Bất cứ khu đất nào tại Times Beach có nồng độ dioxin quá một phần tỉ đều được phủ một lớp đất sạch mới có trồng cỏ. Những cuộc tẩy rửa tương tự – rõ ràng là rất tốn kém – phải được thực hiện tại Việt Nam.
Các công ty đã từng bán hóa chất cho quân đội Mỹ ngoài việc bồi thường trực tiếp cho các nạn nhân còn phải có trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho công tác tẩy rửa dioxin tại Việt Nam. Các gia đình Việt Nam cần nhận được sự công tâm của các tòa án Mỹ để được đền bù những mất mát và đau khổ mà họ đã và đang phải gánh chịu.
Như một cử chỉ thiện chí, tôi tin rằng chính phủ Mỹ rồi sẽ tiến hành một “Kế hoạch Marshall” khác để tẩy rửa cặn bã của chất da cam còn sót lại trong lòng đất Việt Nam. Tôi nghĩ cư dân các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan phải được biết về các tác hại khủng khiếp của chất da cam mà trước đây họ chưa từng được cảnh báo. Bên cạnh đó, những người từng bị phơi nhiễm chất da cam ở cả hai phía cần có hành động thích hợp để vạch trần bộ máy chiến tranh đã lan truyền cái chết ác nghiệt cùng những căn bệnh tàn khốc trong khi thu lợi nhuận hàng tỉ đô-la trên tuổi thanh xuân của chúng ta.
Nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, nhà phát minh ra chất da cam phát biểu: “Tôi cho rằng chúng ta, một quốc gia giàu có đã sản xuất ra những phương tiện chiến tranh đáng lên án, phải hành động. Đó mới là lương tâm của chúng ta”. Cũng như Giáo sư Galston, tôi tin rằng vì lương tâm của mình, nước Mỹ phải chuộc lỗi và sửa chữa những sai lầm về cuộc chiến tranh sinh hóa mà chúng ta đã gây ra tại Việt Nam.
Bác sĩ Allen Hassan
Midaxudavo:
Phụ lục 2
NỖI ĐAU XUYÊN THẾ KỶ
Trong suốt một thập kỷ, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử loài người tại miền Nam Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, trong cuộc chiến tranh hóa học này, khoảng 3 triệu hecta rừng cây và đồng ruộng Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ và làm rụng lá cây (hay còn gọi là chất khai quang). Cho đến ngày nay, khi mà cuộc chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng hơn 30 năm, nhưng những “cơn mưa hóa chất” do những chiếc máy bay Mỹ phun từ trên trời xuống vẫn để lại hậu quả nặng nề: Cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ còn bị âm thầm hủy hoại không biết đến bao giờ!
Cuộc sống đã và đang chứng minh một nghịch lý tồn tại trong xã hội ngày nay là nhiều phát minh khoa học, ngay sau khi được ứng dụng để phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, thì cũng ngay lập tức được nghiên cứu để sử dụng trong các cuộc chiến tranh nhằm hủy diệt con người. Các chất diệt cỏ và làm rụng lá cây không nằm ngoài quy luật nói trên. Trước Việt Nam, hóa chất cũng đã được Mỹ và Anh sử dụng trong Thế chiến thứ II; được Anh sử dụng trong cuộc chiến chống du kích quân ở Malaysia vào những năm 1950, nhưng thực tế đã chứng minh rằng chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, hóa chất được sử dụng lâu dài như ở Việt Nam.
Từ những năm 1950, chính quyền Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Đông Dương. Đến năm 1960, trước những thất bại liên tiếp trong âm mưu đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam và trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở khu vực này, trong khuôn khổ kế hoạch Staley-Taylor với mục đích bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng, chính phủ Mỹ với sự đồng ý của chính quyền Ngô Đình Diệm đã ráo riết chuẩn bị cho việc sử dụng chất diệt cỏ và làm rụng lá cây trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên phun chất khai quang dọc theo quốc lộ 14 nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum do máy bay trực thăng H34 thực hiện ngày 10/8/1961. Tuy nhiên, ngày 30/11/1961, Tổng thống Mỹ Kennedy mới chính thức chuẩn y kế hoạch khai quang ở chiến trường miền Nam Việt Nam và phải tới 4 năm sau, vào ngày 20/9/1965, Nhà Trắng mới chính thức thừa nhận việc sử dụng chất khai quang ở chiến tranh Việt Nam. Về phía chính quyền miền Nam Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 7/3/1962, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tuyên bố rằng việc rải chất khai quang là phương tiện rất hiệu nghiệm để chống lại chiến tranh du kích của cộng sản.
Thời gian đầu, chính phủ Mỹ muốn né tránh trách nhiệm trong việc dùng chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam, nên mặc dù chính máy bay của không lực Mỹ tiến hành các phi vụ rải chất độc hóa học, nhưng thân máy bay lại được sơn cờ của chính quyền Sài Gòn và phi công nhận được lệnh phải mặc thường phục khi bay. Chính phủ Mỹ muốn chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm phải nhận về mình trách nhiệm về việc sử dụng chất diệt cỏ và đã yêu cầu Diệm ra tuyên bố nói rằng các chất này không gây tác hại gì cho sức khỏe con người.
Thời gian đầu (từ năm 1961 đến năm 1964), việc rải chất độc hóa học được tiến hành ở quy mô nhỏ, hạn chế ở dọc các tuyến đường giao thông và quanh các căn cứ quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đến những năm 1965-1969, cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã tăng vọt về quy mô và cường độ. Mục tiêu rải mở rộng ra các vùng nghi ngờ có quân giải phóng hoạt động và các khu vực ruộng đồng ở những vùng tranh chấp.
Tạp chí Science số ra ngày 18/8/1967 đã đưa tin: Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố về hóa chất diệt cỏ sử dụng ở Việt Nam đang được tăng cường. Lầu Năm Góc tuyên bố một ký kết cung cấp hóa chất diệt cỏ với 8 công ty Mỹ với tổng số tiền là 57,7 triệu đô-la. Theo thống kê, kinh phí cho chiến dịch này tăng từ 12,5 triệu đô-la trong năm 1966 lên 15,2 triệu đô-la trong năm 1967 và dự chi cho năm 1968 sẽ lên tới 43,4 triệu đô-la. Những công ty cung cấp hóa chất diệt cỏ là Dow Chemical, Diamond Alkali, Uniroyal Chemical, Thompson Chemical, Hercules, Monsanto, Ansul và Thompson Hayward.
Phụ lục 2 (tiếp)
Lịch sử đã ghi lại rằng các cuộc phun hóa chất thường được tiến hành vào buổi sáng sớm, khi không khí yên tĩnh hơn nên hóa chất rải rơi đúng địa điểm cần rải mà ít chịu ảnh hưởng của gió. Đến trưa, khi nhiệt độ lên cao nhất trong ngày, hóa chất sẽ phát huy tác dụng tối đa. Thông thường những chiếc máy bay rải chất độc hóa học thường bay thành phi đội gồm 2-3 chiếc. Để tránh hỏa lực từ mặt đất, khi còn xa mục tiêu, chúng bay rất cao, khi tới gần mục tiêu, máy bay đột ngột hạ xuống thấp sát ngọn cây và trong vòng vài phút xả xuống mặt đất toàn bộ số lượng hóa chất qua các vòi phun được thiết kế ở hai bên cánh máy bay.
Hàng chục năm qua, hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó đa số là những người dân vô tội sống ở các vùng bị rải chất độc da cam, những cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong đã và đang bị hành hạ bởi những căn bệnh nan y do dioxin - một thành phần hóa học độc hại nhất của chất da cam, gây nên ung thư, dị dạng bẩm sinh, tiểu đường, suy kiệt sức lao động. Nhưng không chỉ những con người trực tiếp đối mặt với chiến tranh phải gánh chịu “nỗi đau da cam”, mà các thế hệ con cháu của họ cũng đang phải gánh chịu nỗi đau này. Họ chính là nhân chứng sống cho những tội ác “da cam” mà quân đội Mỹ gây nên ở Việt Nam.
“Nước Mỹ đã trút xuống (Nam Việt Nam) một lượng hóa chất độc hại tương đương mức bình quân đến 6 pound (gần 3kg) trên đầu người, kể cả phụ nữ và trẻ em.”
Thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson
“The US dropped down (South Vietnam) with a volume of toxic chemicals equivalent to average level up to 6 pounds (nearly 3kgs) per head, including the women and the children.”
US Senate Gaylord Nelson
Mặc dù cuộc chiến tranh tàn khốc mà Mỹ gây ra ở Việt Nam đã chấm dứt cách đây hơn 30 năm, nhưng nỗi đau dai dẳng mà chất diệt cỏ đựng trong những chiếc thùng chứa được đánh dấu bằng những băng sơn màu da cam gây nên vẫn từng ngày từng giờ hủy hoại cuộc sống của nhiều người Việt Nam. Thực tế đang chứng minh lời nhận định cho rằng Việt Nam giống như một phòng thí nghiệm, nơi mà người ta có thể nhận biết được sự tàn phá của dioxin vẫn đang còn tiếp diễn chậm chạp.
Nếu tính toán chính xác thì chất độc hóa học mà Mỹ rải xuống Việt Nam đã qua một khoảng thời gian hơn 40 năm. Trong thời gian đó, nhiều nạn nhân đã qua đời và nhiều người trong số những nạn nhân chúng ta được biết hiện nay là những nạn nhân thế hệ thứ hai, thứ ba – con cháu của những người trực tiếp nhiễm chất độc da cam mà trong đó, dioxin là chất độc nhất trong số các chất độc mà con người đã tìm ra từ trước đến nay. Ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam. Đây là những người chủ yếu sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và sát biên giới với nước láng giềng Campuchia, nơi trước kia từng hứng chịu nhiều nhất lượng chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống. Giờ đây, hàng triệu nạn nhân cùng con cháu họ đang phải sống cuộc đời bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các nạn nhân chất độc da cam mang trong mình khoảng 35 căn bệnh khác nhau. Kết quả điều tra trên 92 phụ nữ đã có con tại tỉnh Đồng Tháp do một nhóm chuyên gia y học Nhật Bản tiến hành đã cho thấy một sự thật đáng sợ: Đến năm 1970, tỉ lệ đẻ con dị tật là 0%, nhưng đến những năm 1971-1975, tỉ lệ đẻ con dị tật là 6%, những năm 1976-1980 là 15,7%. Tỉ lệ này tăng lên 19,6% trong những năm 1981-1985 và trong thời kỳ 1986-1988 tỉ lệ đẻ con dị tật đã lên tới mức đáng sợ - 30,3%. Kết quả điều tra cho thấy trẻ dị tật là những trường hợp trẻ đẻ ra không có não, thân dính liền nhau, dị dạng về chi, không có nhãn cầu, hở hàm ếch. Ngoài ra, có nhiều trường hợp các bà mẹ đẻ non, sẩy thai, thai chết lưu. Đề cập di chứng chất độc da cam, giáo sư Lê Cao Đài - Giám đốc điều hành Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, cho biết: Chất dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ ba. Theo điều tra mới đây, mỗi năm ở Việt Nam có 1/1000 trẻ em sinh ra bị dị tật.
Nếu có dịp tới thăm những gia đình bị đeo bám bởi “nỗi đau da cam”, chắc hẳn không ai có thể cầm lòng trước những đứa trẻ hình thù dị dạng, trước những ông bố bà mẹ đang phải từng ngày từng giờ vật lộn với nghèo khó để duy trì cuộc sống với những vết thương nhức nhối cả về tâm hồn và thể xác. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam là những gia đình ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, là những người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ. Hầu như tất cả họ chỉ có mong muốn thật giản đơn là làm sao con cái mình sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng ước mơ đơn giản đó đối với họ quá xa vời. Chất độc da cam như sợi dây vô hình đang trói chặt bao thế hệ người Việt Nam - nạn nhân chất độc da cam, với một tương lai mờ mịt không lối thoát. Họ đang sống đó, nhưng cuộc sống của họ được ví như địa ngục trần gian khủng khiếp và cuộc sống ấy còn đáng sợ hơn cả cái chết.
Midaxudavo:
Phụ lục 2 (tiếp)
Ở Việt Nam có biết bao nhân chứng sống cho vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam đối với các công ty sản xuất chất độc hóa học của Mỹ. Nhiều bà mẹ cùng những đứa con dị dạng phải sống trong tuyệt vọng, nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đang phải sống cuộc sống thực vật đơn thuần không thể nhận biết được thế giới xung quanh, nhiều đứa trẻ mang dị tật bẩm sinh đang lặng lẽ khóc thầm trong cô đơn bởi hình hài không ra con người của mình.
Đã 10 năm nay “nỗi đau da cam” đã đè nặng lên cuộc sống của chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Kết quả năm lần sinh nở của chị là năm đứa con với dị tật bẩm sinh. Hiện chồng chị – người bị nhiễm chất độc da cam, đang bị bại não và nằm liệt một chỗ. Giờ đây, gánh nặng cuộc sống đang đè nặng lên vai người phụ nữ cô đơn này. Bệnh tâm thần của ba đứa con còn sống sót ngày càng trầm trọng, chúng không thể kiểm soát được hành vi của mình, lên cơn điên chúng đánh cả bố mẹ. Các thành viên trong gia đình chỉ còn trông chờ vào chị Nhung - người đàn bà đang một mình vật lộn với số phận trớ trêu, đau khổ. Cuộc đời chị Nhung chỉ là một trong số nhiều ví dụ về những cuộc đời bất hạnh “nhuốm màu da cam” đáng sợ.
Đối với bất cứ quốc gia nào, thế hệ trẻ là thế hệ xây dựng tương lai của quốc gia đó. Nhưng chất độc da cam đang giết dần giết mòn không ít thành viên của các thế hệ tương lai ở Việt Nam. Chuyện về cô bé Trương Thị Sen (tỉnh Nghệ An) “đi bằng tay” đã vượt hàng ngàn cây số để đến trường, chuyện về cô gái tật nguyền Hoàng Lan Hương (tỉnh Tuyên Quang) phải sống chung thân với chiếc xe lăn đã vượt lên tật nguyền để tự học, tự xoa dịu “nỗi đau da cam” của bản thân và gia đình, chuyện về Kẹo – cậu bé tàn tật với sạp báo trên xe lăn đang khiến cho bao người bùi ngùi xúc động. Đó là những tấm gương vượt lên số phận của những nạn nhân chất độc da cam, nhưng còn biết bao nạn nhân khác đang trong hoàn cảnh không lối thoát. Nỗi đau da cam vẫn ngày đêm giày vò hàng triệu gia đình Việt Nam.
Bao nhiêu người đã phải ra đi, bao nhiêu người vẫn phải ở lại chống chọi với bệnh tật và bao nhiêu người nữa sẽ lại phải đầu thai với nỗi đau da cam? Đó là những câu hỏi không thể tìm thấy câu trả lời. Vậy mà, như lời Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân – nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, những kẻ gây nên tội ác đến nay vẫn còn lảng tránh, không nhìn nhận nghiêm túc tội lỗi của mình trước bao nhiêu số phận đau thương của các nạn nhân. Hy vọng, vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đối với các công ty sản xuất vũ khí hóa học của Mỹ sẽ thu được kết quả để góp phần làm vơi bớt “nỗi đau da cam” mà những nạn nhân đang phải gánh chịu.
Midaxudavo:
Phụ lục 2 (tiếp)
Lương tri thức tỉnh
Vào những năm 40 của thế kỷ XX, chất làm rụng lá, thuốc diệt cỏ được phát minh. Nó đã góp phần thúc đẩy các cuộc cách mạng xanh phát triển. Đói kém, khan hiếm lương thực - nỗi lo triền miên từ bao đời nay của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới đứng trước viễn cảnh sẽ được khắc phục. Nhân loại khấp khởi vui mừng và mong đợi.
Nhưng người được hưởng lợi trước nhất, nhiều nhất không ai khác ngoài các nhà sản xuất chất làm rụng lá và thuốc diệt cỏ. Hàng hóa của họ tràn ngập thị trường. Các công ty hóa chất Hoa Kỳ (công ty HCHK) nhanh chóng trở thành các công ty giàu mạnh của nước Mỹ. Đã giàu lại càng giàu thêm, khi vào những năm 60 của thế kỷ trước, các công ty này được chính phủ Hoa Kỳ đặt mua một lượng lớn chất khai quang, diệt thực vật để sử dụng trong chiến tranh hóa học (CTHH) tại miền Nam Việt Nam.
Tội ác lớn nhất, bi kịch thảm khốc nhất đối với môi trường, sinh thái, con người, động vật, thực vật ở miền Nam Việt Nam bắt đầu từ thời điểm này.
Chất làm rụng lá, thuốc diệt cỏ phải được sản xuất theo một quy trình công nghệ nghiêm ngặt thì không có tạp chất dioxin. Để làm ra một mẻ sản phẩm không có dioxin thì thời gian phản ứng hóa học phải không dưới 12 - 13 giờ. Nhiệt độ chưng cất không được cao quá 88,8 độ C. Thời gian phản ứng càng ngắn, nhiệt độ chưng cất càng cao thì hàm lượng dioxin trong sản phẩm càng nhiều. Vì muốn có nhanh, có nhiều sản phẩm bán cho Chính phủ, các công ty HCHK đã tăng nhiệt độ lên 277,7 độ C. Thời gian phản ứng cho một mẻ sản phẩm rút xuống còn 8 phút. Sản phẩm của họ có hàm lượng dioxin cao hơn hàng chục lần so với ngưỡng đảm bảo an toàn. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các công ty HCHK đã bán một lượng hóa chất có 170 kg dioxin để sử dụng trong cuộc CTHH ở miền Nam Việt Nam.
Theo Giáo sư Jeanne Mager Stellman (Trường Đại học Tổng hợp Columbia), con số là 366 kg. Về mặt lý thuyết, chỉ cần một thìa cà phê dioxin có thể gây chết chóc cho một thành phố có 8 triệu dân. Không cần số lượng nhiều hơn, chỉ với 170 kg là quá dư thừa để gây chết chóc cho cả nhân loại sống trên trái đất này. Sản phẩm làm ra càng nhanh, càng nhiều, thì lợi nhuận của họ càng cao. Lợi nhuận của các công ty HCHK tăng 1, thì mức độ nguy hiểm do họ gây ra cho nhân loại tăng lên gấp 10, gấp 100, gấp 1.000 lần. Chỉ có Chúa mới biết được quy mô, mức độ, thời gian của hậu quả do chất độc dioxin gây ra cho môi trường, sinh thái và sự sống của muôn loài. Trước và trong quá trình sản xuất theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ, các công ty HCHK đã biết rõ tính độc của dioxin mang tính hệ thống. Họ cũng đã biết cách loại bỏ dioxin ra khỏi sản phẩm. Họ biết rõ là sản phẩm của họ được dùng cho cuộc CTHH chống lại nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhưng vì sợ bị cắt bỏ hợp đồng, họ cố bưng bít những gì họ biết, họ làm. Mỗi một đồng đô-la lợi nhuận của họ thấm đẫm máu, xương đồng loại.
Mối đe dọa đối với nhân loại sẽ lớn hơn, hiện hữu hơn, khi còn nhiều người trên thế giới chưa biết được tội ác về sản xuất chất độc da cam/dioxin của các công ty HCHK. Nhiều năm sau khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt, hậu quả khôn lường của loại vũ khí hóa học đó mới dần dần bộc lộ. Nhiều cánh rừng nguyên sinh, nhiều cánh rừng ngập mặn của Việt Nam nay không còn nữa. Không một tiếng chim kêu. Không một chiếc lá lay động. Không một bóng dáng của sự sống. Môi trường bị hủy hoại. Sinh thái mất cân bằng. Nhiều triệu người gồm nhiều quốc tịch, màu da khác nhau bị phơi nhiễm chất da cam trong chiến tranh ở Việt Nam đã mắc phải nhiều bệnh nan y. Họ sống trong đau đớn không giới hạn và nghèo khổ tận đáy. Cái chết từ từ đến mà họ không có cách gì thoát ra được. Không có gì là quá đáng nếu như xếp chất độc da cam/dioxin là vũ khí giết người hàng loạt.
Tương lai loài người sẽ ra sao, môi trường sống của nhân loại sẽ như thế nào khi thảm họa về dioxin không được cảnh báo đầy đủ, khi chưa có một sức mạnh của Cộng đồng quốc tế, của Thần Công lý ra tay ngăn chặn những thủ đoạn làm giàu bất chính, bất nhân của các công ty HCHK.
Cách đây vừa đúng 230 năm, Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ (1776) long trọng tuyên bố: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Quyền được sống là quyền trước tiên. Quyền được sống bị tước đoạt một cách phi pháp thì nói đến hàng trăm, hàng nghìn quyền khác của con người là điều vô nghĩa, là đạo đức giả. Chất độc da cam/dioxin là kẻ sát thủ giấu mặt và tàn bạo nhất đối với quyền được sống của con người. Các công ty HCHK là những kẻ vi phạm quyền con người một cách lạnh lùng, vô cảm. Nhân dân Việt Nam không phản đối hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học vào công việc làm giàu của họ. Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đấu tranh để đòi Công lý. Các nạn nhân Việt Nam đòi các công ty HCHK phải bồi thường tất cả thiệt hại và đòi Chính phủ Mỹ phải cùng với Chính phủ Việt Nam tiến hành các hoạt động cụ thể nhằm khắc phục hậu quả của cuộc CTHH mà họ đã tiến hành ở Việt Nam.
Trong cuộc đấu tranh đòi Công lý, giành quyền được sống với đầy đủ nội dung của quyền này, các nạn nhân Việt Nam không đơn độc. Làm gì để tội ác của hôm qua, bi kịch của hôm nay không còn lặp lại? Đó là nhiệm vụ không phải của riêng ai.
Midaxudavo:
Phụ lục 2 (tiếp)
Bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton trong buổi họp báo tại nhà trắng
Ngày 28 tháng 5 năm 1996 (trích)
… Hôm nay là một ngày rất quan trọng đối với nước Mỹ để tiến thêm một bước làm giảm nhẹ những đau thương mà đất nước chúng ta đã vô tình gây nên cho những người con của mình khi buộc họ tiếp xúc với chất da cam ở Việt Nam. Hơn hai thập kỷ qua, các cựu chiến binh đã than phiền rằng việc tiếp xúc với chất da cam trước khi họ rời chiến trường đang giết dần giết mòn họ và thậm chí tổn thương đến con cái của họ.
Trong nhiều năm, chính quyền đã không lắng nghe những lời than phiền này. Với những bước tiến hành từ năm 1993, và bước tiến quan trọng chúng ta đạt được hôm nay, chúng ta đã chứng minh rằng nước Mỹ có thể lắng nghe và hành động.
Tôi xin tuyên bố từ nay các cựu chiến binh tiếp xúc với chất da cam bị các loại ung thư: ung thư tiền liệt tuyến, rối loạn thần kinh, bệnh thần kinh ngoại vi sẽ được hưởng trợ cấp thương tật. Chính phủ cũng sẽ đề nghị với Quốc hội trợ cấp cho con các cựu chiến binh bị dị tật bẩm sinh gai đôi. Đây sẽ là lần đầu tiên các con cựu chiến binh cũng được hưởng trợ cấp do bệnh tật của người cha đã phục vụ chiến trường.
Từ ngày đầu, chúng ta đã cố gắng nhiều để tìm câu trả lời về các hậu quả do chất da cam, các hóa chất diệt cỏ khác dùng để hủy diệt cây cối trong chiến tranh Việt Nam. Một lần trước đây chúng ta đã có câu trả lời cho vấn đề này, chúng ta đã tìm những biện pháp thực tế nhất để làm giảm những đau thương mất mát của những người đã hy sinh rất nhiều cho đất nước.
Ngay sau khi tôi nhậm chức, Viện Hàn lâm khoa học đã công bố một công trình nghiên cứu về tác hại lâu dài của chất da cam đối với sức khỏe con người. Bộ Cựu chiến binh, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Brown, đã nhanh chóng bồi thường và điều trị cho các cựu chiến binh bị các loại bệnh do chất da cam gây ra được Viện Hàn lâm thừa nhận.
Sau đó, chúng ta bổ sung thêm hai loại bệnh: bệnh Hodgkin và bệnh gan vào danh sách các loại bệnh được thừa nhận do tiếp xúc với chất da cam. Tiếp theo, Bộ trưởng Brown đã nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các chi tiết trong báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học. Theo đề nghị của ông ấy, tôi đồng ý trợ cấp cho các cựu chiến binh bị ung thư đường hô hấp và đau tủy. Cuối cùng, chúng tôi đã yêu cầu Viện Hàn lâm khoa học chú ý tới sự liên quan của chất da cam với các loại bệnh khác, bao gồm ung thư tiền liệt tuyến, bệnh thần kinh ngoại vi và dị tật gai đôi ở các con của các cựu chiến binh Việt Nam.
Buổi họp báo hôm nay công bố những kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Viện Hàn lâm khoa học.
Tôi xin hoan nghênh Viện Hàn lâm khoa học và Viện Y học trong cố gắng to lớn của họ phục vụ cho các cựu chiến binh. Họ đã tập hợp được những nhà khoa học và các bác sĩ giỏi nhất của Mỹ trong việc tìm câu trả lời cho câu hỏi khó khăn về tác hại của chất da cam. Quan trọng nữa là họ đã tạo điều kiện cho các cựu chiến binh tham gia ý kiến vào các công trình nghiên cứu. Tôi cũng hoan nghênh quyết tâm của Bộ trưởng Brown, người đã nhiều lần biến các kết quả nghiên cứu thành hành động cụ thể, đây là cống hiến lớn lao của ông trong lĩnh vực chất da cam.
Sự việc này chứng tỏ đất nước ta có thể đối mặt với hậu quả của những hành động mà chúng ta đã làm và chúng ta dám chịu trách nhiệm về những tổn hại đó, thậm chí do vô tình gây ra…
Danh mục các loại bệnh do chất đôc da Cam/Dioxin
(Do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) thừa nhận năm 2000)
1- Những bệnh có đủ bằng chứng là do tiếp xúc với chất độc da cam/dioxin:
- Ung thư tổ chức phần mềm (Soft - tissue sarcoma)
- U lymphô ác tính (Non - Hodgkin’s lymphoma)
- Bệnh Hodgkin - Bệnh sạm da (Cloracne)
2- Bệnh có bằng chứng hạn chế là do tiếp xúc với chất độc da cam/dioxin:
- Ung thư đường hô hấp bao gồm: Ung thư phổi, phế quản, khí quản, thanh quản
- Ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer)
- Bệnh đa u tủy (Multiple myeloma)
- Bệnh thần kinh ngoại vi cấp và bán cấp tính
- Bệnh nhiễm Porphyrin - da chậm (Porphyrin cutanea tarda)
- Bệnh tiểu đường (Diabetes)
- Hai loại dị tật bẩm sinh ở con cái các cựu chiến binh là: gai đôi và bệnh bạch cầu cấp tính (Spina Bifida và Acute myelogenous leukemia).
Midaxudavo:
Phụ lục 2 (tiếp)
Thông điệp của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân gởi Tổng thống Bill Clinton (trích)
Ngày 18 tháng 11 năm 2000
Kính gởi Ngài Tổng thống.
…Tôi viết thư này vì trong buổi gặp Ngài không thể nói hết được mọi điều cần thiết. Được Ngài tiếp tuy thời gian hạn hẹp là một may mắn và vinh dự cho tôi.
Hôm nay, tôi đề nghị Ngài quan tâm giải quyết một vấn đề nhân đạo rất lớn ở Việt Nam. Đó là giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Kèm theo thư này là một số tài liệu làm bằng chứng (ảnh, băng video, sách). Chúng tôi có sự hợp tác chặt chẽ với Giáo sư A. Schecter ở Đại học Texas trong lĩnh vực này.
Tôi tin rằng Ngài rất hiểu vấn đề này vì Ngài đã quyết định giải quyết vấn đề các nạn nhân chất độc da cam trong số các cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam trở về. Tôi đã được đọc bài phát biểu của Ngài tại Nhà Trắng ngày 28 tháng 5 năm 1996.
Nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam rất đông, tình trạng sống của họ rất thảm thương. Điều đáng ngại là chất độc da cam đã tác hại tới đời con, đời cháu của họ. Mọi người, trong đó có nhiều người Mỹ tới thăm họ, đều đã rất xúc động.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã lập Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, có chi nhánh ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thông cảm với Việt Nam đã ra lời kêu gọi giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam gửi tới các Hội Chữ thập đỏ quốc gia. Đáng mừng là Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Quỹ Ford đã hưởng ứng, nhiều tổ chức nước ngoài cũng ủng hộ chúng tôi. Nhưng khả năng hiện nay so với nhu cầu còn rất xa.
Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề nhân đạo, không phải chỉ của riêng Việt Nam, mà còn là vấn đề lương tâm và trách nhiệm của mọi người.
Tôi trân trọng đề nghị Ngài, đặc biệt với tư cách là một người đã không đồng tình việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam và đã thực hiện một số chính sách hữu nghị với Việt Nam về vật chất cũng như về tinh thần để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ nên giúp đỡ Việt Nam tẩy độc những vùng còn tồn đọng chất da cam đang tiếp tục tác hại tới cuộc sống nhân dân vô tội.
Tôi nghĩ rằng cần có sự hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học nhiều nước trong lĩnh vực này nhằm phòng ngừa tác hại di truyền qua thế hệ sau, phát hiện và chữa các tổn thương do chất da cam gây ra. Không thể đồng tình với quan điểm nghiên cứu khoa học trước, rồi mới giúp nạn nhân sau.
Hàng ngày có nạn nhân da cam chết trong đau khổ và đầy lòng oán trách. Hàng ngày có thêm các trẻ em vô tội trở thành nạn nhân chất độc da cam. Do đó cần phải tiến hành cùng lúc ba việc: giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tẩy độc môi trường và nghiên cứu khoa học.
Thưa Ngài Tổng thống! Tôi viết bức thư này trong khi chờ đợi buổi tiếp kiến Ngài. Nếu hôm nay vì quá bận, Ngài không dành được thời gian gặp tôi, xin Ngài hiểu rằng đây là tấm lòng của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gởi tới Ngài - người đỡ đầu Hội Chữ thập đỏ Mỹ. Tôi viết những dòng này với niềm tin và hy vọng vào sức mạnh của nhân đạo…
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)
Phụ lục 2 (tiếp)
Thư trả lời của Tổng thống Bill Clinton gửi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân
Ngày 12 tháng 2 năm 2001
Thưa giáo sư Nguyễn Trọng Nhân
Tôi rất vinh dự được sang thăm Việt Nam và chuyến thăm đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc.
Cám ơn bức thư đầy xúc động của Ngài, bày tỏ tâm huyết với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tôi xin chia sẻ với Ngài mối quan tâm lo lắng về những khó khăn bệnh tật và tâm lý mà các nạn nhân đang phải đối mặt. Tôi đồng ý rằng cần thiết phải làm cùng lúc nghiên cứu khoa học và nỗ lực trợ giúp nhân đạo của cả hai nước chúng ta. Tôi ca ngợi sự nghiệp khó khăn và sự cống hiến của Ngài trên cương vị là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Xin cám ơn Ngài về cuốn phim tư liệu, quyển sách “Chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam” và cuốn album ảnh đặc biệt về các nạn nhân chất độc da cam. Ngài đã trao tặng món quà đặc biệt đó cho tôi và tôi đánh giá cao nghĩa cử của Ngài.
Trân trọng Bill Clinton
Midaxudavo:
Phụ lục 2 (tiếp)
Lời kêu gọi của Hội nghị quốc tế nạn nhân chất da Cam/dioxin Hà Nội
Chúng tôi, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và những hóa chất độc hại khác cùng với những người ủng hộ và các nhà khoa học từ các nước: Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Anh, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Việt Nam đến tham dự Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin tổ chức tại Hà Nội --Việt Nam vào các ngày 28-29 tháng 3 năm 2006, xin gửi Lời kêu gọi sau đây đến cộng đồng quốc tế:
Chúng tôi thảo luận về những tác động của chất độc da cam chứa dioxin và những hoạt chất độc hại khác đến cuộc sống, sức khỏe và nỗi thống khổ của những người bị nhiễm chất độc. Trên cơ sở những ý kiến trao đổi, chúng tôi thống nhất khẳng định những nội dung sau đây:
1/ Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã cung cấp hàng chục triệu lít hóa chất độc hại núp dưới tên gọi là khai quang hoặc chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng. Nhiều hóa chất trên chứa hàm lượng dioxin cao. Đó là một chất cực độc.
2/ Những chất độc hóa học đó đã tàn phá môi trường, hủy hoại hàng triệu héc-ta rừng, gây mất cân bằng sinh thái, gây tổn thất rất lớn về tài nguyên gỗ, nhiều loài động vật cũng như nhiều loài thực vật rừng quý giá bị tiêu diệt. Do đó, thiên tai như lũ lụt, xói mòn, hạn hán ngày càng thường xuyên hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, nguồn sống chủ yếu của nhân dân miền Nam Việt Nam.
3/ Tuy nhiên, hiệu ứng tồi tệ nhất của những hóa chất độc hại này chính là tác hại đến sinh mạng và sức khỏe của tất cả những ai bị phơi nhiễm.
Nạn nhân của chất da cam/dioxin và các chất độc hại bao gồm:
a) Hàng triệu người Việt Nam đã và đang sống tại quê hương của mình, những người trong lực lượng vũ trang giải phóng, và cả những người làm việc cho chính quyền và quân đội Sài Gòn cũ - một đồng minh của Mỹ lúc đó.
Nhiều cuộc điều tra, nhiều công trình nghiên cứu khoa học (thường có sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài và Mỹ) đã cho thấy các nạn nhân Việt Nam phải chịu đựng rất nhiều bệnh tật nặng nề (nhiều hơn danh sách các bệnh tật có liên quan với chất độc da cam/dioxin do Viện Y học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ công bố vào những năm 1994-1995). Ngoài ra, nhiều nạn nhân nữ còn bị những tai biến sinh sản. Nhiều người bị tước đi năng lực sinh con và hạnh phúc làm mẹ. Tuy nhiên, điều đau đớn nhất là chất độc da cam/dioxin còn tác hại đến cả thế hệ con, cháu của nạn nhân. Nhiều cháu sinh ra không hề biết chiến tranh là gì nhưng đã phải mang hình hài đầy dị tật khiến cho các cháu không bao giờ được hưởng hạnh phúc đơn giản nhất là được sống như một người bình thường!
Vì những lý do đó, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ là những người nghèo khổ nhất, bất hạnh nhất của xã hội. Hàng vạn người đã chết mà không được hưởng công lý cho bản thân và gia đình của mình.
Thực tế, số nạn nhân ở Việt Nam đông và mắc nhiều bệnh tật nặng cũng dễ hiểu vì họ đã và đang sống trong những vùng bị rải chất độc da cam/dioxin.
b) Hàng chục vạn binh lính, sĩ quan đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand cũng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong khi tham chiến tại Việt Nam. Họ cũng mắc nhiều bệnh tật trầm trọng và do đó gây ra bao đau thương cho vợ con và những người thân. Một số nước đã thừa nhận những tác động về sức khỏe của chất da cam/dioxin cũng như các chất độc hóa học khác và đã dành trợ cấp y tế, các hình thức đối xử khác cho các nạn nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân khác vẫn chưa được hưởng và vẫn còn phải đấu tranh để được thừa nhận, được trợ cấp và giành công lý.
c) Ngoài những người bị tác động bởi chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, còn có những người ở Gatetown, Canada và một số nước khác cũng liên hệ thấy những bệnh tật của mình do chất độc da cam/dioxin gây ra khi quân đội Mỹ nghiên cứu sử dụng tại đó nhiều năm trước đây. Hoàn cảnh của họ cũng tương tự như những người Việt Nam và các nạn nhân khác, vì thế họ cũng đến dự Hội nghị Quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin này để tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân trong cuộc đấu tranh vì công lý.
Vì nhiễm chất độc da cam/dioxin và các chất độc hại khác mà sức khỏe nhiều người bị tổn thương, nhiều người đã chết, gia đình mất hạnh phúc và phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn vì con cháu họ bị tàn phế, không nơi nương tựa khi ốm đau, già yếu. Việc sản xuất và sử dụng các chất độc kể trên là vi phạm luật pháp quốc tế.
4/ Chúng tôi rất không đồng tình với kết luận của ông Thẩm phán Jack Weistein đã bác đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam vì đã không còn tôn trọng công lý và thực tế rất rõ ràng ở Việt Nam.
5/ Chúng tôi, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin cùng với những người ủng hộ chúng tôi khẳng định cam kết đoàn kết hành động, không phân biệt màu da hoặc chính kiến, đòi các công ty hóa chất Mỹ phải đền bù theo đúng trách nhiệm như luật pháp quy định.
6/ Chúng tôi ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam cho đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh của họ vì công lý.
Chúng tôi chào mừng thắng lợi bước đầu của các nạn nhân Hàn Quốc và tiếp tục ủng hộ họ đến thắng lợi cuối cùng. Chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh vì công lý của các cựu chiến binh Hoa Kỳ, Úc, New Zealand.
Chúng tôi cũng ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin ở Canada và các nước khác trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình.
7/ Chúng tôi yêu cầu chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả của các chất độc hóa học.
8/ Chúng tôi kêu gọi các chính phủ Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ phải có chính sách thỏa đáng đối với các nạn nhân của nước mình và ủng hộ các nạn nhân Việt Nam.
9/ Chúng tôi kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế và quốc gia, các tổ chức phi chính phủ ủng hộ vật chất và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và giúp Việt Nam khắc phục những hậu quả nặng nề của các chất độc hóa học.
Nỗi đau và nỗi khổ này không của riêng ai.
Cuộc đấu tranh vì công lý này là vì toàn thế giới, vì các thế hệ tương lai và vì hành tinh trái đất lành mạnh của chúng ta.
Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2006
- HẾT -
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro