Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Không thể chuộc lỗi-Allen Hassan-Chương 17-19

Chương 17 (tiếp)

Tuy nhiên, do các bệnh viện Việt Nam quá tải nên những đứa trẻ thường được sự cứu chữa sau cùng. Trẻ em chết rất nhiều vì bị phỏng bom na-pan cùng những viêm nhiễm, những thương tích trầm trọng khác. Nhiều đứa trẻ phải bị mất tay chân, hư mắt… mà trong nhiều trường hợp là có thể cứu chữa được nếu như có thể đưa đến Hoa Kỳ chăm sóc, chữa trị. Vào thời điểm tôi tiếp xúc với Ủy ban thì nhiệm vụ chính của họ là đưa các em cần được chữa trị đến Mỹ, nhưng họ gặp quá nhiều trở ngại vì cách làm việc quan liêu của viên chức chính quyền, vì sự thay đổi nhân sự và vì sự khẩn thiết phải tái lập nhu cầu y tế thực sự cho trẻ em Việt Nam.

     Ủy ban Trách nhiệm quan tâm đến việc chuyển ngay bằng máy bay ra khỏi Việt Nam những trẻ em bị thương nặng cần chữa trị kịp thời, đưa các em đến một bệnh viện hiện đại ở Mỹ. Khi trở lại Việt Nam ngày 18.1.1969, tôi đại diện cho Ủy ban, chịu trách nhiệm đánh giá mức độ thương tích của trẻ em Việt Nam bị thương trong chiến tranh.

     Lần thứ hai đến Sài Gòn trong vai trò bác sĩ, tôi nhanh chóng gia nhập một nhóm gồm những nhà báo và nhân viên của các tổ chức nhân đạo, những người nhiệt tình phụ giúp tôi trong nhiệm vụ mới. Richard Hughes sắp xếp cho tôi sống chung trong một gia đình người Việt cùng với Don Luce, một nhà báo và là nhân viên về nhân quyền, nhân đạo, đã sống ở Việt Nam từ năm 1958 với tổ chức Dịch vụ tình nguyện quốc tế (International Volunteer Services). Ở Sài Gòn, tôi gặp gỡ rồi kết bạn với John Steinbeck IV - con trai của tiểu thuyết gia John Steinbeck, và Sean Flynn - con trai diễn viên Errol Flynn.

     Tôi cũng làm bạn với Stephen Erhart cùng người vợ trẻ đẹp của anh là Crystal. Tất cả đều là nhà báo và phóng viên thường trú nước ngoài. Tôi tin rằng những nhà báo này đích thực là những người yêu nước trong thời đại ấy. Họ điều tra, phát hiện những sự thật bị che giấu, bị lãng tránh ở Việt Nam. Sinh mạng họ bị đe dọa vì những việc làm đó. Trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã không kết bạn thực sự được với ai ngoài Nguyễn, cậu thông dịch viên tiếng Việt của tôi, nên lần này, tôi hết sức dễ chịu với việc gặp gỡ và kết thân nhanh chóng với những nhà báo trẻ ở Sài Gòn.

     Erhart, một phóng viên chiến trường sắc sảo, đã khuyên tôi để anh đi cùng trong những chuyến đi xác minh tin tức về các trẻ em bị thương tại các bệnh viện, từ Đồng bằng sông Cửu Long, Cao nguyên Trung bộ đến các tỉnh chạy dài lên phía Bắc tới bệnh viện cũ của tôi ở Quảng Trị. Trong nhiều tuần lễ sau đó, tôi và Erhart đã đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác bằng trực thăng, thỉnh thoảng cũng bị đạn bắn từ dưới đất lên. Tôi nhớ mãi những chuyến đi vội vã từ trực thăng này qua trực thăng khác để thu thập thông tin về những điều kiện y tế tại các bệnh viện ở Nam Việt Nam.

     Erhart là một trong những người ăn nói lưu loát và sâu sắc nhất tôi từng gặp. Là phóng viên của Dispatch News Service, anh là chuyên gia về nội tình của Việt Nam. Erhart từng tâm sự với tôi rằng, là một nhà báo chuyên nghiệp, anh luôn giấu đi cảm xúc khi phỏng vấn các tướng lĩnh Hoa Kỳ và các sĩ quan khác về cuộc chiến. Những gì nghe thấy, ghi nhận được, anh đều thận trọng ghi lại mỗi tối bằng chiếc máy đánh chữ xách tay, chuyển tải vào bài viết của mình.

     Trên đường đi, tôi thán phục tài nghệ của Erhart khi anh có thể lột phăng lớp vỏ xuẩn ngốc từ những lời tuyên bố của một tư lệnh quân sự và nhận ra được trong cái dáng làm ra vẻ can đảm, hiên ngang ấy là thực chất của vấn đề, cho thấy cuộc chiến đang đến hồi thất bại. Đó là những sĩ quan hàng đầu mà anh đã phỏng vấn, những người luôn muốn có cái nhìn phiến diện để giúp họ chiến thắng. Việt Nam là nơi tạo dựng binh nghiệp cho một số người và cũng là nơi chôn vùi tên tuổi một số khác, và con đường binh nghiệp của một sĩ quan đôi khi phụ thuộc vào những tuyên bố và tường trình trên các phương tiện truyền thông. Mặc dù đã nhận chỉ thị chung một cách rõ ràng, nhưng một vài sĩ quan can đảm thỉnh thoảng biểu lộ những ý kiến trái ngược khi nói bóng gió rằng chúng ta đang phung phí sinh mạng con người một cách không cần thiết, hoặc giả cho rằng cuộc chiến có thể sẽ dẫn đến thất bại.

     Tôi và Erhart đã đi đến mười mấy bệnh viện ở Nam Việt Nam, gồm các bệnh viện dân sự, quân y viện và cả một tàu bệnh viện. Điều kiện tại những bệnh viện này biến thiên từ tuyệt hảo đến nghèo nàn. Tôi đã lập báo cáo về các bệnh viện ở Sài Gòn, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Chu Lai, Nha Trang, Cần Thơ, Rạch Giá và cả bệnh viện cũ của tôi ở Quảng Trị.

Midaxudavo:

Chương 17 (tiếp)

Tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, nơi tôi hiểu rõ nhất, các điều kiện đã được cải thiện rõ rệt. Những khung lưới được lắp đặt ở cửa sổ để ngăn ruồi muỗi, điều kiện vệ sinh được cải thiện. Bệnh viện có thêm một khu chữa trị bỏng và bộ phận săn sóc thường xuyên cho bệnh nhân nặng. Con số thương vong vì chiến sự giảm xuống từ trung bình 30 ca/ngày còn ít hơn 4 ca/ngày. Tại bệnh viện đại học Huế, nơi tôi từng tham dự ca phẫu thuật tim mở đầu tiên và duy nhất của mình, các bác sĩ tình nguyện đã ra đi từ nhiều tháng trước do những mối quan hệ xấu đi với cộng đồng. Hy vọng là họ sẽ sớm quay trở lại. Giám đốc bệnh viện đại học Huế cho biết, con số thương vong vì chiến tranh giảm rõ rệt và bệnh viện đang cần một bác sĩ giải phẫu tạo hình giỏi, cho dù Huế vẫn còn vấn đề mà tôi nhìn thấy ở khắp nơi: việc thiếu chăm sóc đối với bệnh nhân liệt nửa người.

     Tại Đông Hà, nơi trước đây tôi đã chứng kiến những lều bạt đầy thương binh cụt cả tứ chi, chúng tôi thấy một toán gồm 4 đến 6 bác sĩ quân y làm việc hiệu quả tại bệnh viện Marines Memorial mới xây cất với điều kiện vệ sinh cao. Mặc dù các bác sĩ tại đây cho biết mỗi ngày họ chữa trị đến 130 bệnh nhân, nhưng chỉ có vài ba người bị thương tích vì chiến tranh khi chúng tôi có mặt.

     Xa hơn về phía Nam là bệnh viện Đà Nẵng, nơi ngẫu nhiên có một lượng lớn các bác sĩ tình nguyện, nhưng điều kiện vật chất thì quá tệ hại. Cứ hai bệnh nhân nằm chung một giường ở khu dành cho bệnh nhân phỏng, chứng tỏ đây là khu bệnh phỏng lớn nhất tại Việt Nam. Điều kiện vệ sinh khu này kém và một y tá Mỹ không được huấn luyện về chăm sóc bệnh nhân phỏng đang cố gắng lo toan cho 70 bệnh nhân với 40 giường bệnh. Khi được hỏi về việc chữa trị cho những bệnh nhân bị liệt nửa người, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nói với tôi: “Chúng tôi chỉ còn cách cho họ về nhà chờ chết. Chúng tôi không có bất cứ cách trị liệu đặc biệt nào ở đây cả”. Khi tôi hỏi liệu bệnh viện có thể sử dụng các sản phẩm sữa bột gửi bằng đường biển hay không thì tôi nhận được câu trả lời: “Trước hết chúng tôi cần có nước sạch đã!”.

     Ở tàu bệnh viện Heligoland của Thụy Điển, chúng tôi nhận thấy điều kiện chăm sóc bệnh nhân thật tuyệt vời, chẳng khác gì một bệnh viện của Mỹ. Tôi gọi đó là “một mô hình mẫu cho nhân dân Việt Nam”. Tại Nha Trang, chúng tôi thấy 8 bác sĩ Mỹ cùng với số dân thường bị thương phần lớn tản cư từ các vùng chiến sự đang cần phẫu thuật tạo hình phục hồi chức năng tối thiểu.

     Có một bệnh viện tỉnh tuyệt vời ở Rạch Giá với các bác sĩ tình nguyện và bác sĩ quân y. Nhưng ở bệnh viện Cần Thơ thì báo cáo của tôi viết cho Ủy ban ghi: “Bệnh viện có thiết bị nghèo nàn, điều kiện vệ sinh và chăm sóc bệnh nhân kém. Một y tá Mỹ nói rằng cô ta không thể hiểu vì sao các y tá Việt Nam lại lười biếng và vô tâm như thế. Rõ ràng ở đây đã thiếu sự bàn bạc phối hợp và đề ra các quy định chung để cả hai toán có thể hoạt động nhịp nhàng, thay vì cứ tỏ ra bực bội với sự có mặt của toán kia. Công việc của các bác sĩ không quá nặng, nhưng chẳng hề có thông tin hay dự báo gì để họ chuẩn bị trong những lúc có sự gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực khiến con số thương vong tăng lên”.

     Tại Cần Thơ, tôi đã có một cuộc chuyện trò mấy tiếng đồng hồ với viên phụ trách y tế của Thủy quân lục chiến Quân đoàn IV. Ông ta nói sẽ không xác nhận chuyến đi của tôi đến Cần Thơ, bởi lẽ người đại diện sau cùng của Ủy ban đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp với nhân viên của ông. Ông ta công khai quan điểm xem Thủy quân lục chiến là ưu tiên một, bác sĩ mới thứ hai, nhưng nhiều vấn đề ông ta nêu ra là khá tốt. Ông lưu ý đến sự cần thiết về việc cải thiện chăm sóc y tế cho thường dân Việt Nam và việc ông không thấy 37 tổ chức tình nguyện ở Việt Nam ưu tiên xử lý những vấn đề y tế cơ bản nhất. Ông nhận xét rằng các bệnh viện dân sự ở Việt Nam có đội ngũ nhân viên tốt hơn là các quân y viện chuyên chữa trị cho quân nhân Nam Việt Nam.

Midaxudavo:

Chương 17 (tiếp)

Bài ca dành cho những xác người

    Sau trận chiến ở Huế, Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ 28 tuổi danh tiếng của Việt Nam chuyên sáng tác những ca khúc phản chiến, đã viết “Bài ca dành cho những xác người”, một trong những ca khúc xúc động nhất của anh.

     Theo bài viết của Crystal Erhart trên tờ Dispatch News Service, 1968, trong cuộc chiến ở Huế, Trịnh Công Sơn đã ngồi nhìn những quân nhân thuộc quân đội Bắc Việt Nam chuyển quân qua vườn nhà mình, và sau khi sống chung với những người tỵ nạn khác trong một căn phòng tối tăm, ẩm ướt khoảng một tháng, rồi chứng kiến thảm cảnh chiến tranh khi người ta phát hiện những hố chôn người tập thể, những cuộc không kích, bắn phá thành nội, những nạn nhân đang giãy chết…, anh đã viết nên những ca từ này.

Xác người nằm trôi sông,

Phơi trên ruộng đồng,

Trên nóc nhà thành phố,

Trên những đường quanh co.

Xác người nằm bơ vơ,

Dưới mái hiên chùa,

Trong giáo đường thành phố,

Trên thềm nhà hoang vu…

     Tôi và Erhart nhận thấy một hiện tượng lạ khi đi thăm các bệnh viện. Chúng tôi đã đến nhiều nơi và phát hiện các bệnh viện có rất ít thường dân bị thương vì chiến sự. Đây là một điều bất thường. Có nơi chỉ có vài trẻ em. Số người bị thương ít đi một cách lạ lùng, khác xa con số trên các bài tường thuật của các nhà báo trước đây đã từng tiến hành những chuyến đi tương tự chúng tôi. Có lẽ hành trình của chúng tôi đã được báo trước cho bên không vận Mỹ – vốn do CIA điều hành – nên các tướng lĩnh hoặc những nhà chiến lược của Việt Nam không muốn chúng tôi phát hiện thêm nhiều điều tại các bệnh viện mà chúng tôi đi thăm theo lịch trình. Ủy ban Trách nhiệm có thể bị xem như là “một nhóm hòa bình hippi” và tôi có thể bị gán cho danh hiệu “một bác sĩ dân sự đáng nghi”. Đến nay, tôi vẫn tự hỏi phải chăng một số trẻ em bị thương đã không được chuyển đến bệnh viện vào lúc ấy.

     Trong một báo cáo gửi Ủy ban Trách nhiệm ngày 8.2.1969, tôi viết: “Hiện có ít nhu cầu gửi bệnh nhân đi Mỹ chữa trị”. Và nhận xét: “Mức độ chăm sóc y tế còn thấp, nhưng tôi không thể xem việc đưa đi một hay hai bệnh nhân là cần thiết, bởi đó chỉ là số ít trong số hàng loạt bệnh nhân bị nhiễm trùng hậu phẫu, những người liệt bán thân và những ca bị bỏng”.

     Trong bản tóm lược gửi cho Ủy ban, tôi báo cáo là tỉ lệ thương vong đã giảm chừng 80% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, đã có đủ chuyên gia ngành y, cho dù một số nơi còn thiếu chuyên viên phẫu thuật chỉnh hình, nha sĩ và bác sĩ nội khoa. Mặc dù một số bệnh viện đã bắt đầu thực hiện mức vệ sinh tối thiểu, tôi đã lưu ý là hầu hết các bệnh viện có tỉ lệ nhiễm trùng hậu phẫu là 100% với số tử vong cao. Tôi quan sát thấy nhân viên người Mỹ và Việt Nam làm việc không ăn ý với nhau và không ai chịu trách nhiệm săn sóc bệnh nhân trong trường hợp quân đồng minh rút lui. Tôi viết thêm: “Dù chương trình USAID đã chi thêm hàng triệu đô-la cho việc chăm sóc y tế, nhưng chương trình đã này đã cơ bản thất bại”.

     Sau khi đi thăm nhiều bệnh viện, tôi cũng muốn lánh xa một lúc khung cảnh bệnh viện nên đã cùng Erhart quyết định đi nghỉ một ngày ở thành phố Nha Trang. Erhart cũng muốn đi Nha Trang để phỏng vấn một vài sĩ quan Thủy quân lục chiến về diễn tiến của chiến sự.

Giống như bất cứ phóng viên lành nghề nào vào thời điểm đó, Erhart luôn mang theo trong ba lô mình chiếc máy đánh chữ xách tay, còn trong túi thì lúc nào cũng có cuốn sổ tay ghi chép. Anh ta là một người cực kỳ tinh mắt, đã để mắt tới những phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp, mà Nha Trang thì nổi tiếng với những cô gái xinh đẹp. Nằm bên bờ biển Đông, Nha Trang khá an bình, là nơi ít bị pháo kích trong suốt cuộc chiến.

     Chúng tôi leo lên chiếc máy bay nhỏ có tên “The Otter” (Con rái cá). “Con rái cá” là loại máy bay nhỏ và hiếm hoi nhưng hoàn toàn thích hợp với điều kiện Việt Nam. Nó có thể cất cánh trong địa hình nhỏ hẹp, lao nhanh xuống từ độ cao 1.200m và hạ cánh xuống đường băng ngắn hơn chiều dài một sân bóng đá trong nháy mắt. Ở Việt Nam, bất cứ máy bay nào bay dưới độ cao 1.200m đều trở thành mục tiêu của các loại súng nhỏ và súng phòng không. Khi “Con rái cá” hạ cánh xuống Nha Trang, chúng tôi khoan khoái đón nhận những làn gió nhẹ tươi tắn thổi từ biển Đông.

Midaxudavo:

Chương 17 (tiếp)

Erhart cùng tôi đi bộ dọc theo con đường nhỏ từ phi trường xuống bãi biển cát trắng của Nha Trang. Chúng tôi lập tức chú ý đến một khu vực bãi biển được những tay lính Thủy quân lục chiến trẻ ngực cởi trần bao quanh thành một vòng tròn lớn. Cái vòng này có đường kính chừng 15m và tròn đều như thể ta vẽ bằng compa, trông giống như một cái bánh doughnut bằng người, bao quanh là cát và các loại dù ở bãi biển.

     Lại gần hơn, chúng tôi thấy những người lính này đang chăm chú vào một cô gái Mỹ xinh đẹp. Một mình giữa trung tâm vòng tròn, cô gái đáng yêu kia trong bộ đồ tắm đang ngồi dưới một cây dù. Xung quanh cô là một đám đông lính Thủy quân lục chiến đang say sưa ngắm nhìn, một vài người dùng cả ống nhòm, số khác đơn giản chỉ ngắm vóc dáng cân đối, quyến rũ của cô gái. Cô thản nhiên như thể đang ngồi trên một bệ cát, chẳng hề quan tâm đến xung quanh trong khi không một tay lính nào dám bén mảng đến gần cô hơn khoảng cách 7,5m.

Một lát sau, tôi và Erhart nghĩ là mình phải bước vào vòng “ảo ảnh” như một cảnh trong phim của Fellini này mới được. Cô gái có mái tóc dài màu hung đỏ và một khuôn mặt, một dáng dấp đẹp cùng làn da rám nắng. Chắc chắn cô không phải là người Việt Nam. Ngồi lặng yên trên cát, cô đang trầm ngâm và viết gì đó vào cuốn sổ tay.

     Bằng một thái độ dịu dàng, anh chàng thạo đời Erhart nhỏ nhẹ hỏi cô đang viết gì và được biết cô ta đang viết hồi ký. Cô tên là Marilyn, vũ nữ tại một sàn nhảy địa phương. Marilyn còn cho hay là cô đã tiết kiệm được 150.000 đô-la từ công việc ở sàn nhảy và đang viết một cuốn sách về những trải nghiệm của mình tại Việt Nam.

Tôi không hiểu tại sao được đám đông ngưỡng mộ như thế mà không một người lính nào đến gần cô. Marilyn nhanh nhẹn giải thích rằng, cô thuộc loại “của cấm, không được bén mảng”. Cô cho biết, ngay khi đám lính kia đặt chân đến Nha Trang trong một kỳ nghỉ ngắn, họ đã được các sĩ quan cảnh báo là không được đến gần Marilyn quá 7,5m. Tôi lấy làm lạ là lúc đó tôi chẳng hề thấy một sĩ quan nào cả, chỉ có nhóm lính đang nhìn cả ba chúng tôi.

     Marilyn hỏi xem chúng tôi ngủ lại ở đâu.

- Chúng tôi chưa biết. - Erhart nói.

- Ồ, vậy thì các anh có thể ở lại với tôi tối nay.

     Thật là một câu trả lời thú vị! Tôi rộn ràng với ý nghĩ sẽ được ngủ chung phòng với cô gái này. Trước đây, tôi từng thề với lòng mình là sẽ không lợi dụng bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào, nhưng đây lại là một cô gái Mỹ và cô ấy đã mời chúng tôi qua đêm với cô ta. Tôi là một gã con trai Mỹ cường tráng và người đang mỉm cười với chúng tôi là một phụ nữ đẹp, ăn mặc gợi cảm. Không giống như những gã lính đang nhìn chúng tôi chòng chọc kia, người ta không nói với chúng tôi rằng Marilyn thuộc loại “của cấm, không được bén mảng”.

     Erhart và tôi theo chân Marilyn về nơi ở của cô, trong một nhà tiền chế nhỏ. Khi chúng tôi bước vào cổng khu nhà, người lính gác Thủy quân lục chiến chào chúng tôi theo kiểu nhà binh. Tôi ngẫm ra ngay là chỉ có sĩ quan mới được phép đi vào khu nhà của Marilyn, bởi chỉ có sĩ quan mới được binh lính chào kiểu đó. Tôi và Erhart chào lại. Khi đi cùng Marilyn, chúng tôi đều được chào như thế ở khắp Nha Trang. Riêng Marilyn, cô không đáp trả những cái chào nhà binh đó và làm ra vẻ mặc nhiên là như thế.

     Căn nhà tiền chế của Marilyn là một nơi cư trú nhỏ theo tiêu chuẩn người Mỹ vì chỉ có một phòng ngủ và một cái bếp, ngăn cách bởi một buồng tắm nhỏ. Chúng tôi thư giãn, tắm gội nhanh chóng rồi thay quần áo đi ăn tối. Marilyn diện một váy ngắn màu đen bó sát người và hầu như chúng tôi có thể thấy hết những đường cong tuyệt mỹ của cô. Quả là cô ta có đôi chân thật đẹp. Tiết trời ở Việt Nam quá nóng và ẩm nên hầu như các cô gái Việt Nam đều không mặc quần áo lót, và cả hai đứa chúng tôi chẳng ngạc nhiên gì khi Marilyn cũng mặc như thế. Tuy nhiên, vóc dáng xinh đẹp của cô trong chiếc váy đen đã cuốn hút chúng tôi ngay tức khắc.

Midaxudavo:

Chương 17 (tiếp)

Chúng tôi cùng ăn tối tại một nhà hàng ở Nha Trang. Cả ba đều gọi rượu vang. Tôi và Marilyn ăn cơm với tôm và món salad trộn, còn Erhart thì gọi một tô cơm lớn, cỡ bằng một phần tư ga-lông (hơn 1 lít) và anh ta ăn hết sạch.

     Sau khi ăn hết tô cơm, tay phóng viên đáo để này nhìn suốt qua bàn ăn rồi dừng đôi mắt thèm muốn ở chỗ Marilyn:

- Nếu như anh có thể ăn hết thêm một tô cơm cỡ này, em đồng ý ngủ với anh đêm nay chứ?

     Marilyn trả lời đồng ý trước sự ngạc nhiên của tôi.

     Erhart là người có khiếu ăn nói. Như vừa rồi, anh chàng đã uốn lưỡi thật mềm và nhanh. Giờ thì tôi chỉ còn cách ngồi đó mà buồn. Một màn giành gái như trong tiểu thuyết và tôi là người thua cuộc trước khi bữa ăn tối chấm dứt.

     Chúng tôi gọi thêm rượu vang. Erhart kêu thêm một tô cơm, xới lên và dùng đũa ăn theo cách của người Việt Nam. Anh ta ăn chậm dần với 2/3 tô cơm thứ hai nhưng tôi cứ thúc giục, nhấn mạnh là anh ta có thể ăn hết tô cơm, không chừa một hột. Erhart tỏ ra là người có tính ganh đua cực kỳ. Khi anh ta tiếp tục ăn, rồi ăn hết tô cơm, tôi để ý thấy vẻ mặt anh ta khang khác, một biểu hiện mà tôi chưa từng thấy trước đó bao giờ. Erhart bắt đầu đổ mồ hôi, nhưng tôi cũng thấy rằng anh ta sẽ không để cho chút trở ngại đó chi phối việc lên giường với cô Marilyn yêu kiều. Trông Erhart đã có vẻ bất ổn, nhưng tôi vẫn cứ nghĩ một cách buồn bã là việc hành xác này của anh ta sắp được bù đắp một cách xứng đáng.

     Erhart ăn xong, đứng dậy và giục chúng tôi ra về. Trên đường về, tôi chú ý thấy anh ta đi chậm chạp, uể oải, lờ đờ. Erhart cũng chẳng chào lại người lính gác. Với con mắt nghề nghiệp, tôi nhanh chóng ước lượng kích cỡ dạ dày của Erhart rồi so sánh với lượng cơm mà anh ta đã ăn, cộng với hai ly rượu vang. Khi chúng tôi về đến nhà, Erhart bắt đầu bị nấc cụt và lấy tay xoa bóp bụng mình; tôi lặng lẽ tính toán, biết là anh ấy đang phải đối phó với số cơm quá nhiều trong dạ dày.

     Các cửa sổ trong nhà Marilyn đã được phủ kín bằng những tấm màn đen. Sau khi chúng tôi vào nhà, cô ta cũng buộc cửa chính bằng dây buộc màu đen, rồi quay qua Erhart, lúc đó bắt đầu có vẻ tái xanh đi.

- Trông anh không được khỏe, phải không? - Cô nàng hỏi.

- Anh là của em đêm nay. - Erhart rền rĩ, rồi vội vã hướng về buồng tắm.

     Cả tôi và Marilyn đều nghe rõ tiếng Erhart vừa nôn ói, vừa rên rỉ.

     Tôi gõ cửa buồng tắm, lịch sự khuyên Erhart dùng một ít thuốc nhưng anh chàng từ chối và nói yếu ớt: “Tôi sẽ khỏe thôi”.

Hôm đó là ngày có thời tiết rất đặc trưng ở Việt Nam, chừng 35 độ cả ngày lẫn đêm, với độ ẩm từ 75 đến 80%. Không khí tươi mát hòa lẫn với làn gió nhẹ của biển Đông. Nha Trang vào đêm đó như khác hẳn các thành phố khác của Việt Nam, vốn thường sặc mùi khói xe, than củi và dầu lửa.

     Marilyn trải một cái mền dưới nền nhà dành cho bọn tôi, còn Erhart được dành cho chiếc giường, cho dù anh chàng chẳng sử dụng được bao nhiêu. Tay phóng viên “cơm” này loạng choạng chạy tới chạy lui buồng tắm suốt cả đêm, rên rỉ và cố nôn ra cho hết những gì còn trong dạ dày. Cái vẻ hiên ngang, hoạt bát thường ngày biến đi đâu mất cùng vẻ quyến rũ đáng kể của anh ta. Nhưng Erhart cũng cố kiềm chế và giữ yên lặng.

     Tôi nằm trên tấm mền cùng người đẹp Marilyn. Chỉ một va chạm với cơ thể cô nàng nằm kế bên thôi cũng khiến tôi như bị điện giật. Tất cả những gì căng thẳng và kinh hoàng ở Việt Nam tạm thời biến khỏi tâm trí tôi. Marilyn và tôi hôn nhau một cách dịu dàng. Hôn môi, hôn mắt và ngực. Tôi vô cùng hồi hộp khi có được một người đẹp như thế, ngọt ngào và đáng yêu, lại bất ngờ như thế vào đêm hôm đó.

Chương 17 (tiếp)

Đột nhiên cô nàng ngồi dậy.

- Em xin lỗi. - Marilyn thì thầm. - Em không thể tiếp tục.

- Có gì vậy em? - Tôi thì thầm hỏi lại.

- Chúng ta không thể tiếp tục được anh ơi.

- Sao vậy em?

- Em bị đau bên dưới này này… - Cô thì thầm. - Em nghĩ có thể em bị bệnh hoa liễu.

- Để anh xem nào. Em biết anh là bác sĩ mà.

     Marilyn kiếm cho tôi bao diêm rồi nằm dang hai tay hai chân ra trên tấm mền. Tôi quẹt diêm và khám cho cô nàng dưới ánh sáng lập lòe của que diêm. Dưới con mắt nhà nghề của tôi, Marilyn chỉ có một nốt ruồi nhỏ ở âm hộ. Tôi hỏi cô là có vấn đề gì khi tiểu tiện hay có bị đau âm đạo không. Khi nàng nói không, tức là đã “bật đèn xanh” cho hai đứa.

- Em không có bệnh gì hết! - Tôi thì thầm, không thể kiềm chế niềm đam mê của mình được nữa. Nàng là của tôi.

     Niềm khoái lạc trong vòng tay Marilyn sống mãi trong tôi suốt nhiều tuần lễ sau đó, đã tách tôi ra khỏi tâm trạng căng thẳng và chán chường của cuộc chiến ghê sợ này. Tình yêu thương thật kỳ diệu.

     Sáng hôm sau, ông bạn Erhart đã hồi phục. Sau khi rời Nha Trang, cả hai chúng tôi viết cho Marilyn mấy lời cám ơn và không bao giờ nhắc đến cô gái ấy nữa. Phần mình, tôi luôn hy vọng Marilyn hoàn tất cuốn sách, và mong cô sẽ có một cuộc sống tốt đẹp xứng đáng với bản chất hào phóng bẩm sinh của cô.

     Khi về đến Sài Gòn, tôi nếm mùi quan liêu trong thói làm việc của công chức Nam Việt Nam. Sau chuyến thăm viếng các bệnh viện, tôi thấy việc hình thành một trung tâm thần kinh rất có ích cho người Việt Nam và Sài Gòn sẽ là địa điểm lý tưởng cho một trung tâm như thế. Tại một bệnh viện ở Sài Gòn, ông Cung – người quản lý bệnh viện – ước chừng có khoảng 1.600 bệnh nhân bị liệt bán thân tại các bệnh viện của Việt Nam.

     Những bệnh nhân này chẳng hề nhận được một sự chăm sóc đặc biệt nào. Cả ông ta và ông Vi – giám đốc bệnh viện – cho tôi biết số bệnh nhân này có tỉ lệ tử vong cao bởi họ chẳng có lấy một bác sĩ chuyên khoa tiết niệu nào chuyên trị các loại nhiễm trùng vốn thường dẫn đến tử vong. Ông Cung còn ước lượng có khoảng 5.000 người Việt Nam khác bị liệt bán thân mà không nằm ở bệnh viện. Cả hai ông đều đã có dự án thành lập một bệnh viện như thế nhưng không có ngân sách. Ý tưởng thành lập bệnh viện đó với mục đích ban đầu là phục vụ bệnh nhân liệt bán thân, rồi sẽ mở rộng ra thành một trung tâm thần kinh chuyên nghiên cứu, giảng dạy và chăm sóc bệnh nhân là thường dân Việt Nam.

     Ủy ban Trách nhiệm cam đoan với tôi rằng có thể tặng cho chính phủ Nam Việt Nam khoản tiền lên đến 2 triệu đô-la trong ngân quỹ của Ủy ban để giúp xây dựng một bệnh viện mới ở Sài Gòn. Người ta khuyên tôi là nên gặp ông Trần Văn Hương, Thủ tướng của Nam Việt Nam. Khi tôi liên hệ với bộ phận văn phòng thủ tướng, họ nói là tôi có thể gặp Thủ tướng tại tư dinh của ông. Khi gặp ông, chúng tôi nói chuyện thông qua thông dịch viên và tôi đề đạt với ông ý tưởng thành lập một bệnh viện thần kinh. Thủ tướng có vẻ ấn tượng với đề án. Ông nói là bệnh viện có thể chăm sóc thêm cho các trẻ em bại liệt. Tôi cam kết khoản tiền 1 triệu đô-la để khởi công.

     Thủ tướng nói với tôi thông qua người thông dịch: “Ý tưởng của anh cho thấy sự am hiểu về những nhu cầu tương lai của đất nước chúng tôi”. Nhưng ông lại đưa ra một nhận xét khiến tôi phải luôn luôn ghi nhớ: “Xin làm ơn đừng có phớt lờ lịch sử của chúng tôi”.

     Thủ tướng đưa ra thời điểm sắp xếp một cuộc gặp gỡ làm việc giữa tôi với Bộ trưởng Bộ Y tế, một người mà ông mô tả là trẻ tuổi, nhiệt huyết và đầy tham vọng. Ngày 13 tháng 2, tôi gặp Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách viện trợ nước ngoài để bàn luận về đề án. Viên chức của chính phủ này hình như cũng quá thận trọng nên chúng tôi kết thúc buổi họp bằng những nụ cười.

Midaxudavo:

Chương 17 (tiếp)

Don Luce tường trình trước Quốc hội.

Là đại diện của tổ chức International Voluntary Services và World Council of Churches, Don Luce đã phục vụ 12 năm tại Việt Nam. Năm 1971, anh ra điều trần trước Tiểu Ban Chet Holifield của Quốc hội Mỹ về những hoạt động của chính phủ có liên quan tới hối lộ, tham nhũng và việc tra tấn người Việt Nam.

     Về việc người Mỹ tham gia vào các vụ tra tấn: “Khi tôi nói chuyện với những người từng bị giam trong các Trung tâm thẩm vấn rồi sau đó được thả ra, cùng với việc đặt những câu hỏi tổng quát với hàng trăm người bình thường khác, tôi đã nhận được ý kiến chung của người Việt Nam. Họ nói rằng hầu hết những người bị bắt đều bị tra tấn ngay tức khắc(1) rồi sau đó chuyển đến một Trung tâm thẩm vấn, hoặc một đồn cảnh sát và lại tiếp tục bị tra tấn. Còn với câu hỏi là liệu người Mỹ có dính líu gì đến các vụ tra tấn hay không thì họ nói rằng trong nhiều trường hợp là có sự hiện diện của người Mỹ. Vì thế, người Việt Nam có cảm giác rằng người Mỹ thường theo dõi việc tra tấn và thỉnh thoảng còn tham gia tra tấn nữa”.

     Về hối lộ: “Viện trợ của chúng ta bị các quan chức tham nhũng rút ruột. Một viên Quận trưởng mua chức vụ của mình đã kể lại rằng, để thu hồi “vốn”, ông ta phải làm 3 việc. Thứ nhất là ông ta bán số bột mì và dầu ăn vốn được phân phối miễn phí cho dân tỵ nạn; thứ hai là đánh thuế các quán rượu và nhà thổ ở địa phương rồi bỏ túi riêng; và cuối cùng là bán thẻ căn cước (giấy chứng minh nhân dân) mà những người tỵ nạn cần để có thể xin vào làm việc trong các căn cứ không quân”.

     Về bệnh hoa liễu: “Mức độ bệnh hoa liễu tăng rất nhanh… Tại Trung tâm bệnh hoa liễu quốc gia, nơi những cô gái bán bar cũng như gái bán dâm bị bắt khi một quán bar không đóng các khoản bảo kê, thì mức nhiễm bệnh của các cô gái này đến khoảng 50%. Đây là một vấn đề tồn tại trong suốt thời gian quân đội chúng ta hiện diện ở Việt Nam và vì những lý do chính trị, chính phủ chúng ta đã chưa cung cấp bất cứ sự trợ giúp y tế nào nhằm làm giảm bớt mức độ lây nhiễm bệnh hoa liễu”.

     Về những đứa trẻ lai Mỹ: “Theo ước tính của tôi dựa vào những nghiên cứu của World Council of Churches về số lượng những cô gái bán bar, những người vợ tạm bợ và những gái bán dâm, cùng việc phỏng vấn họ về số con lai với người Mỹ, thì có ít nhất 400.000 trẻ lai Mỹ-Việt… Khi chiến tranh kết thúc, đây sẽ là một vấn đề hết sức khủng khiếp vì khi đó, những cô gái hiện đang kiếm được rất nhiều tiền này sẽ thất nghiệp, và tất cả những đứa trẻ lai sẽ bị đưa vào trại mồ côi; lúc đó, các trại mồ côi sẽ không có đủ ngân sách để đáp ứng”.

     Về việc tái định cư cưỡng bức: “Từ năm 1965, chúng ta bắt đầu ép buộc dân chúng rời khỏi nơi cư trú của họ. Cụ thể, chúng ta đã đưa 1/3 dân chúng ở vùng nông thôn lên sinh sống tại các thành thị, xung quanh các căn cứ không quân. Chúng ta trả tiền cao để họ ngủ với binh lính, giặt ủi quần áo hoặc những công việc đại loại như thế. Hiện nay, việc làm đã trở nên khan hiếm hơn và tôi thiết nghĩ, việc bất ổn ở thành thị là hậu quả tất yếu của những gì chúng ta thực hiện hồi năm 1965 khi buộc các nông dân rời khỏi nơi sinh sống của họ… Điều đó đã phá hủy phần quan trọng nhất của xã hội Việt Nam là đời sống gia đình. Đàn ông buộc phải gia nhập quân đội bên này hoặc bên kia. Phụ nữ thì giặt ủi quần áo cho binh lính Mỹ, những cô gái thì làm trong các quán bar hoặc nhà thổ, còn các cháu bé thì đi đánh giày, giữ xe, rửa xe và trộm cắp. Đó là sự phá vỡ hoàn toàn cấu trúc của xã hội”.

     Trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, tôi rất kinh ngạc phát hiện ra rằng, Việt Cộng không phải là những người duy nhất sống dưới đường hầm ở Việt Nam. Erhart yêu cầu tôi – với tư cách là một bác sĩ – đi cùng anh ta đến một khu vực có nhiều binh lính Hoa Kỳ đào ngũ hoặc vắng mặt bất hợp pháp. Những người này rõ ràng là đang sống dưới các đường hầm. Cùng với một toán quay phim của hệ thống truyền hình – tôi không chắc là đài nào, nhưng có lẽ là đài truyền hình NBC – chúng tôi tìm thấy những binh lính Mỹ đào ngũ đang sống trong đường hầm ngay dưới lòng đất Sài Gòn.

     Giống như những đường hầm ở vùng nông thôn sử dụng cho mục đích quân sự, người Việt Nam cũng đào một mạng lưới đường hầm ở Sài Gòn trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp. Trong lòng đất Sài Gòn, dưới ánh sáng lờ mờ của nến và đèn xách tay, tôi khám bệnh và cấp thuốc cho những lính Mỹ đào ngũ. Họ là những thanh niên trẻ tuổi, hầu hết có sức khỏe tốt, đang lẩn trốn để tìm cách trở về Hoa Kỳ. Họ gồm đủ cả da trắng, da đen, người gốc La-tinh và ngay cả một người gốc da đỏ. Khi được các phóng viên truyền hình phỏng vấn, tất cả lính đào ngũ này đều nói rằng họ không muốn vô lý giết thêm bất cứ một người Việt Nam nào nữa.

     Nơi ẩn nấp kín đáo dưới lòng thành phố Sài Gòn này là một trong những nơi kỳ bí nhất mà tôi từng đến. Khi tôi tiết lộ với người bạn cùng phòng Don Luce thì anh chàng tỏ ra kinh ngạc. Chúng tôi bàn luận và nhất trí giữ bí mật để bảo vệ những người lính này. Vì một vài lý do, những thước phim do các phóng viên truyền hình quay đã không bao giờ được phát sóng, có thể là để bảo vệ những người lính đào ngũ khỏi bị trừng phạt hoặc là để tránh cho chính phủ không bị lúng túng. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, chính phủ Mỹ chính thức công bố có gần 50 binh lính phục vụ ở Việt Nam bị xem là đào ngũ. Tuy nhiên, một số nhà điều tra về những người Mỹ mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ đã đưa ra con số không chính thức là từ vài trăm cho đến một ngàn người. Một số những người lính Mỹ này chắc là đã ở lại Việt Nam, ra khỏi đường hầm, học tiếng Việt và lập gia đình với phụ nữ Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ.

     Tôi rời Việt Nam không lâu sau đó và tự hỏi không biết cái bệnh viện tâm thần thật sự cần thiết đó đến chừng nào mới được khởi công. Tôi đã biết là tham nhũng, đút lót, hối lộ và tống tiền đã tràn lan trong chính quyền Nam Việt Nam. Chắc chắn là công việc trông nom, quản lý một dự án như thế không dễ gì thông qua hệ thống viên chức quan liêu mà không bị bòn rút tiền nong. Nhưng ít nhất, khi leo lên máy bay giã biệt Sài Gòn, tôi biết là mình đã để lại nhiều người bạn tốt ở Việt Nam.

     Chiến sự vẫn tiếp diễn và bạn bè tôi ở Sài Gòn đã rẽ theo những số phận của riêng mình. Ông bạn Don Luce hướng dẫn dân biểu William Anderson và Augustus Hawkins thăm nhà tù Côn Đảo, nơi họ chứng kiến cảnh “chuồng cọp” tàn bạo. Họ làm ầm lên và kết quả là chính quyền Nam Việt Nam trục xuất Don khỏi Việt Nam vào tháng 5 năm 1971. Crystal Erhart thì mệt mỏi với ông chồng thích tán gái Stephen Erhart nên đã rời bỏ anh ta. Là một nhà báo sắc sảo, cô gia nhập nhóm du hành bằng mô tô do Sean Flynn và John Steinbeck IV khởi xướng. Họ sống lang thang như những tay biệt kích làm báo, truyền tải tin tức về chiến tranh Việt Nam. Crystal kết hôn với John Steinbeck IV và cuối cùng, họ trở về nước Mỹ. Sean Flynn mất tích khi anh theo dõi và đưa tin một sự kiện ở Campuchia năm 1970 với phóng viên ảnh chiến trường Dana Stone.

     Những phần còn sót lại của hài cốt anh được phát hiện nhiều năm sau này nhờ vào nỗ lực của phóng viên ảnh chiến trường Tim Page. Dựa vào các chứng cứ pháp lý, có lẽ Sean đã bị quân Khmer Đỏ bắt và hành quyết khi anh vượt biên giới vào Campuchia. Richard Hughes là người bạn Mỹ sau cùng của tôi rời Việt Nam vào tháng 8 năm 1976, mười sáu tháng sau khi Việt Nam thống nhất, khi anh đã giúp đỡ rất nhiều cho “Những đứa trẻ đánh giày Việt Nam” trong 8 năm trời. Cùng thời điểm đó, Stephen Erhart được chẩn đoán là bị ung thư dạ dày. Anh chết ở Ấn Độ năm 1976 khi đang tìm phương cách điều trị.

Midaxudavo:

Chương 18

TRỞ VỀ HOA KỲ

   Một người lính Pháp tên Henri Martin đến bán đảo Đông Dương để chuẩn bị đánh lại quân đội Nhật hoàng khi Thế chiến thứ II sắp kết thúc. Nhưng khi người lính trẻ biết được sự thật về những gì đang diễn ra ở vùng Đông Dương thuộc Pháp, anh đã khước từ chiến đấu và trở thành một người từ chối nhập ngũ vì lương tâm cắn rứt.

     Henri Martin đã đưa ra những lời lẽ đanh thép, vang dội trong phiên xử của tòa án quân sự. Những cáo giác của anh cũng có thể áp dụng cho trường hợp sau này khi người Mỹ dính líu vào Việt Nam, vì họ đã sử dụng những chiến thuật tàn bạo mà vô ích giống như người Pháp trước đây.

     “Tại Đông Dương, quân đội Pháp đã hành động giống như những tay phát xít Đức từng làm trên đất Pháp”, Martin đáp lại các công tố viên tại tòa án quân sự. “Tôi ghê tởm những hành động của họ. Tại sao máy bay chúng ta hàng ngày bắn phá trên đầu những ngư dân tay không? Tại sao binh lính chúng ta cướp bóc, đốt phá và bắn giết? Có phải đó là việc khai hóa một xứ sở? Chúng ta không phải đang đương đầu với một nhóm nổi loạn mà là cả một dân tộc đã nhất quyết bảo vệ nền độc lập của họ. Xin thưa với các ông rằng ở đất nước này, tất cả đều là Việt Minh và cho dù bất cứ điều gì xảy ra đi nữa, thì các ông cũng không thể tàn sát hết tất cả mọi người”.

     Võ Nguyên Giáp, vị tướng lĩnh huyền thoại của Việt Nam, người đã từng đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ, đã tuyên bố sau khi lực lượng Mỹ rút lui rằng, nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh 10 người để đổi mạng một quân nhân Mỹ trên rừng núi hay đồng ruộng của Việt Nam. Trong chiến lược tiến hành cuộc chiến tranh du kích trường kỳ kháng chiến, về cơ bản, Tướng Giáp hoàn toàn đúng khi mà các chiến lược gia quân sự tài ba của Mỹ đã giết hàng triệu người lính và thường dân Việt Nam bằng hỏa lực cực mạnh, nhưng cuối cùng lại là kẻ thua cuộc.

     Quân nhân Mỹ gọi việc từ Việt Nam trở về là “back in the world”. Nhiều bác sĩ từng phục vụ ở Việt Nam cũng trải qua một cú sốc sâu sắc khi họ trở về Mỹ và một số bị ám ảnh do những ký ức ở Việt Nam. Bác sĩ Ralf Young, chuyên gia nhi khoa, người từng hướng dẫn cho tôi khi tôi mới đến Huế, đã tự vẫn sau khi về nước. Về phần mình, tôi cũng đã thay đổi ở một mức độ nào đó mà bản thân tôi không thể hiểu ngay được sau mỗi chuyến đi Việt Nam.

     Khi tôi trở lại bệnh viện Mendocino, hai bác sĩ giám sát tôi -- Wally Cook và Hewlett Ryan - đã không cho phép tôi hoàn tất chương trình nội trú bệnh viện. Họ nói rằng tôi đã vắng mặt không phép tại bệnh viện. Tôi là người kiên quyết chống lại cuộc chiến trong khi những người giám sát của tôi lại ủng hộ chiến tranh. Tôi đã không được phép khi định chiếu cuộn phim 28 phút về cảnh con người tàn bạo với con người ở Việt Nam cho những bác sĩ nội trú khác thuộc khoa bệnh học thần kinh bệnh viện Mendocino cùng xem. Các bác sĩ giám sát không muốn nghe về những điều tàn bạo mà tôi đã chứng kiến ở Việt Nam. Tôi bị chấn động đến tận xương tủy trước những gì mình đã trông thấy và đã kể cho nhiều người nghe về cuộc tàn sát những em bé thơ dại. Tại Mount Zion, tôi viết cho bác sĩ Weinshol về các vụ thảm sát nhưng ông ta không bao giờ trả lời thư của tôi. Sau một cuộc họp với bác sĩ Ryan và Cook, bác sĩ Wallerstein bảo rằng tôi đã xuyên tạc sự thật, rằng tôi không nên hành nghề chữa bệnh tâm thần nữa mà nên kiếm một nghề khác làm kế sinh nhai.

- Nhưng tôi chỉ còn có 3 tháng của thời hạn 3 năm! - Tôi nói.

- Vâng, Hassan, anh có thể ứng biến được mà. - Ông ta trả lời. - Tôi tin chắc anh sẽ tìm ra một con đường để kiếm sống.

     Rồi các bác sĩ giám sát đưa một bản đề nghị cho tôi. Họ nói là sẽ để cho tôi hoàn tất 3 tháng sau cùng của thời kỳ nội trú nếu như tôi chịu viết bản hối lỗi và hứa sẽ không bao giờ làm những việc như thế nữa. Tôi không thể. Tôi nghĩ rằng thời gian ở Việt Nam, tôi đã làm được nhiều việc tốt hơn là những gì mình có thể làm khi ở lại California. 

Midaxudavo:

Chương 18 (tiếp)

Thế là chúng tôi chia tay. Một thời gian ngắn sau đó, bệnh viện Mendocino đóng cửa vĩnh viễn. Không biết nhiều về tôi, thế mà bác sĩ Ryan – cũng là một cựu binh Thủy quân lục chiến – người phản đối dữ dội quan điểm chống chiến tranh của tôi, đã viết là tôi đã cố ý bóp méo sự thật. Ông tuyên bố: “Nếu anh ta không từ chức, tôi sẽ đuổi cổ anh ta”. Bác sĩ Cook thì để lại một tờ phê bình trong hồ sơ của tôi với nhận xét rằng tôi “được phát hiện là quá gần gũi với những người nghèo, người bất hạnh, những người thua thiệt của thế giới, đặc biệt là với người Ả Rập”. Ông ta còn đề nghị không đề cử tôi vào bất cứ hội đồng nào.

     Nhiều năm sau, khi đọc được những hồ sơ này, tôi thật sự bất ngờ với điểm lưu ý về người Ả Rập trong tờ phê bình của bác sĩ Cook, bởi vì tôi chỉ có một người bạn duy nhất vào thời điểm đó có thể được xem là người Ả Rập, nhưng anh ấy chỉ đến thăm tôi có một lần ở Mendocino. Cũng trong hồ sơ của tôi, Phyllis Kemper, trưởng khoa tâm lý ở Mount Zion, đã phê trong một bản ghi nhớ khác rằng, tôi có thể không bao giờ trở thành một bác sĩ tâm thần vì tôi là một người Ả Rập, và những người Ả Rập thì chiếm giữ phụ nữ như là bất động sản. Nói chung, nhiều bản ghi nhớ và thư chỉ trích như thế được đặt trong hồ sơ của tôi. Những giấy tờ này nằm lặng yên trong hồ sơ của tôi ở Hội đồng Y khoa California, im lặng đầu độc nghề nghiệp của tôi. Sau sự kiện khủng bố 11.9.2001, một số trong những văn kiện cũ này đã được sử dụng để đánh giá lòng ái quốc của tôi.

     Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi là một chàng trai trẻ cô độc và đã bớt đi ảo tưởng. Đó là năm 1969. Người ta thẳng thừng yêu cầu tôi rời bệnh viện tâm thần trong khi tôi chưa chuẩn bị hướng đi nào cho mình. Là một bác sĩ nội trú khoa tâm thần, tôi nằm trong loại ưu tú của lớp học trước khi đi Việt Nam, nhưng giờ thì tôi không biết phải làm sao để giải thích việc không hoàn tất chương trình nội trú với Hội đồng Y khoa. Trong khi chờ đợi, tôi sống bằng công việc của một bác sĩ ở bộ phận cấp cứu trong khu vực Sacramento vào cuối tuần, luân phiên giữa nhiều bệnh viện như Folsom, Twin Lakes, Mercy San Juan, Carmichael và Arcade. Nhưng hồi ức về Việt Nam vẫn cứ ám ảnh tôi. Chỉ trong năm đầu tiên trở về từ Việt Nam, tôi đã nhận đến 19 phiếu phạt của cảnh sát về hành vi chạy xe quá tốc độ trên đường đi về nơi làm việc. Một tối nọ, tôi làm việc tại phòng cấp cứu cùng với bác sĩ Gerald Flick, một trong những người năng nổ nhất mà tôi từng gặp. Bác sĩ Flick đang đọc một cuốn sách luật. - Jerry này, chắc là anh bị điên rồi! Làm bác sĩ chưa đủ hay sao? - Tôi nói.

- À! Tôi gặp quá nhiều vấn đề với những quy định tại bệnh viện Kaiser nên tôi quyết định phải trở thành luật sư. - Bác sĩ Flick trả lời.

     Điều này gây ấn tượng với tôi. Lúc đó tôi nhận ra rằng, hoặc tôi là người kém cỏi, hoặc bác sĩ Flick làm quá nhiều, quá ham hố. Sau đó, tôi quyết định theo học trường luật.

     Vài năm trước đây, khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi đã viết thư cho các bạn từng là bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam, đề nghị họ viết lại cảm nhận về những trải nghiệm ở đất nước này. Hơn hai mươi bác sĩ đáp lại bằng những bức thư chân tình mà tôi đã trích dẫn trong cuốn sách này. Tôi nhận thấy nhiều bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam đã có những cảm nhận giống tôi, và rằng những trải nghiệm ở Việt Nam đã thay đổi quan điểm về chính trị và cuộc sống của họ.

Midaxudavo:

Chương 18 (tiếp)

“Những trải nghiệm ở Việt Nam tác động đến tôi nhiều hơn bất cứ bệnh nhân nào mà tôi từng chữa trị, mặc dù tôi đã làm công việc phục vụ một cách đầy hy vọng”, bác sĩ Joe Nettles - người từng phục vụ hai đợt tình nguyện ở Huế và Đà Nẵng – đã nói như thế. “Tôi ra đi như một kẻ diều hâu, hiếu chiến, nhưng trở về như một người theo chủ nghĩa hòa bình sau khi chứng kiến sự tàn khốc mà cuộc chiến gây ra cho những thường dân vô tội”.

     “Việt Nam trong giai đoạn từ tháng Hai đến tháng Tám năm 1972 đã biến tôi từ một bác sĩ đầy lạc quan thành một người am hiểu nhiều hơn về thế giới đau khổ và bất hạnh”, bác sĩ David F. Goldstone – người từng phục vụ ở Quảng Trị và Quy Nhơn – nhớ lại.

     Bác sĩ Thomas Felix Oram tình nguyện phục vụ ở Việt Nam năm 1967. Bác sĩ Oram là người Anh, có cha là bác sĩ y khoa thuộc quân y hoàng gia. Ông Oram từng là bác sĩ y khoa làm việc ở Malaysia trong 5 năm rồi chuyển đến Hoa Kỳ và tại đây, ông tình nguyện đến phục vụ ở Việt Nam.

     “Tôi đi Việt Nam với một ít hoài nghi về những gì chúng ta đang làm”, bác sĩ Oram viết. “Và khi rời đất nước đó, tôi không hoài nghi nữa mà tin chắc là chúng ta đã có những hành động sai lầm. Tôi cảm thấy những vấn đề sau đây:

1. Quyết định của Hoa Kỳ trấn áp chủ nghĩa Cộng sản đã hỗ trợ cho BẤT CỨ(1) chế độ chống Cộng nào ở bất cứ nơi đâu.

2. Hoa Kỳ quyết định hậu thuẫn cho một loạt các chính quyền ở Việt Nam, trong khi đó là những chính quyền tham nhũng và nhìn chung là KHÔNG(2) phục vụ đại đa số người Việt.

3. Hậu thuẫn quân đội Nam Việt Nam, một quân đội có ít trụ cột, niềm tin và thiếu những kế hoạch phối hợp tốt để chống lại Cộng quân.

4. Các cố vấn của quân đội Mỹ bị thay thế với số lượng ngày càng tăng cùng với sự gia tăng không ngừng của vũ khí và không lực, trong khi các hướng dẫn, chỉ thị rõ ràng những gì phải thi hành thì cứ giảm mãi.

5. Đánh giặc mà như bị trói một tay. Không lực hầu như có thể xóa tên miền Bắc Việt Nam trên bản đồ, nhưng Bắc Việt Nam lại là nơi không được đụng đến.

6. Quan trọng nhất là việc người Việt Nam không tôn trọng và sợ hãi chính quân đội Nam Việt Nam của họ hơn là sợ Việt Cộng.

7. Dân chúng Nam Việt Nam tỏ ra không ghét chủ nghĩa Cộng sản.

8. Số vụ tham nhũng mà người Mỹ dính líu vào có lẽ sẽ không bao giờ biết hết được. Nhiều người Mỹ mong muốn chiến tranh tiếp diễn vì nếu không, nguồn cung cấp tiền bạc cho họ sẽ cạn đi.

9. Hơn 50.000 sinh mạng người Mỹ đã chết trong một cuộc chiến tranh là một mất mát nhục nhã mà lại không có lý do rõ ràng.

10. Nhiều người Nam Việt Nam hầu như xem Hoa Kỳ như là một đế quốc thực dân chỉ quan tâm đến những mẫu mực lý tưởng của riêng họ và chà đạp lên những điều khác”.

     Stanley M. Garstka, một bác sĩ tình nguyện ở Nha Trang và Ban Mê Thuột, đã phân tích những nỗ lực y tế của Hoa Kỳ vào ngày 24.6.1968, và những nhận xét này đã được đưa vào hồ sơ Quốc hội Hoa Kỳ. “Trong khi người Việt Nam cảm kích sự trợ giúp của chúng ta,” – bác sĩ Garstka nhận xét – “thì vẫn tồn tại những vấn đề như việc các bác sĩ ngạo mạn và thiếu kinh nghiệm, hay các bác sĩ đã tiến hành những phẫu thuật phức tạp mà không chuẩn bị chăm sóc hậu phẫu thích hợp, nhất là với các ca chỉnh hình, giải phẫu thần kinh và tiết niệu vốn quy định việc theo dõi tiếp tục là điều bắt buộc. Bác sĩ Mỹ đã không tiệt trừ bệnh bạch hầu, bại liệt trẻ em, bệnh đậu mùa, ho gà và bệnh uốn ván ở Việt Nam, mặc dù chúng ta có đủ vắc-xin để xóa sổ tất cả những bệnh này. Các bác sĩ Mỹ đã không giảm được mức độ các bệnh hoa liễu, dịch tả, thương hàn, sốt rét, dịch hạch, bệnh đường ruột và các bệnh khác. Tử lệ tử vong cao ở bệnh nhân sau phẫu thuật cũng như ở những thường dân bị thương do chiến tranh không chỉ liên quan đến chất lượng các khoa, phòng phẫu thuật, mà còn là do việc săn sóc tiếp theo không đầy đủ”.

Chương 18 (tiếp)

Bác sĩ Garstka tiếp tục: “Cần phải thừa nhận ngay là chúng ta đã thất bại một cách thảm hại ở Việt Nam, không phải vì chúng ta thiếu khả năng hoặc thiếu động cơ thúc đẩy, mà vì Bộ Ngoại giao và những cơ quan trực thuộc đã là công cụ tạo nên tình trạng hỗn loạn, tham nhũng và làm thất vọng cả người Việt Nam lẫn người Mỹ. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của chúng ta ở Việt Nam”.

     Bác sĩ B. L. Tom phục vụ tại Đà Lạt, cách Sài Gòn mấy trăm km về phía Bắc, nơi không có tivi, radio hay máy hát. Ông đã được truyền cảm hứng từ những lời văn của bác sĩ Tom Dooley, một bác sĩ có nhiều năm cống hiến quên mình ở Việt Nam: “Hãy hiến dâng một phần đời mình cho những người khác. Sự cống hiến của bạn sẽ không vô ích. Nó sẽ là một trải nghiệm rất thú vị bởi đó là những nỗ lực mãnh liệt hướng tới một mục đích đầy ý nghĩa… Và bạn sẽ hưởng được niềm hạnh phúc khi phục vụ cho những người khốn cùng”.

     Năm 1970, tôi vào làm việc ở phòng khám bệnh của bác sĩ James Cavanaugh tại Sacramento, California. James là bạn thân cũ của tôi từ chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam. Tôi thích thành phố Sacramento, thủ phủ bang California. Bao quanh bằng những đồng lúa bát ngát, những vườn cây ăn quả và nhiều cây nông nghiệp khác, lại không xa dãy núi Sierra, Sacramento khá tách biệt với các thành phố lớn nằm dọc theo bờ biển của California và vẫn giữ được chút ít dáng vẻ của một thành phố nhỏ. Khi tôi ổn định cuộc sống ở Sacramento thì James và vợ anh ly hôn. Rồi James để lại phòng mạch cho tôi.

     Tôi vẫn cố giữ quan hệ với các bạn cũ ở Việt Nam, nhưng thời gian trôi qua, chiến tranh Việt Nam trở thành lịch sử. Tôi tiếp tục hành nghề bác sĩ ở Sacramento, chuyên làm bác sĩ gia đình, tiến hành nhiều ca phẫu thuật và giúp hạ sinh nhiều em bé.

     Năm 1975, tôi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tổ chức Bác sĩ Gia đình thuộc bệnh viện Community Memorial ở Sacramento. Tôi vinh dự được nhận danh hiệu “Bác sĩ của năm” do Sacramento Bee bầu chọn năm 1976. Trong 3 năm liền, tôi là Chủ tịch Hàn lâm viện Mỹ của các bác sĩ gia đình và là đại biểu tại Hiệp hội Y học California. Tôi cũng được tiến cử cả vào chức Chủ tịch của Hiệp hội Y học California nhưng tên tôi bị rút đi một cách bí mật khi cân nhắc vào những phút chót mà vào lúc đó tôi không biết được lý do. Vào thời điểm đó, tôi cũng bắt đầu nghiên cứu luật học, một môn học mà tôi từng quan tâm từ những ngày còn trên con tàu USS Toledo.

     Tôi theo học trường Luật thuộc Lincoln University ở Sacramento và gặp gỡ người vợ tương lai của mình - Sherry Nix - tại một trận đấu quyền Anh giữa hai luật sư. Tôi là bác sĩ săn sóc viên của trận đấu, còn cô ấy là người cầm bảng số cho biết số hiệp thi đấu của trận đấu. Là cựu hoa hậu bang Arizona, trở thành luật sư, rồi thẩm phán, Sherry có lẽ là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng gặp, lại còn thêm vẻ thông minh một cách lạ thường. Chúng tôi nhanh chóng đồng cảm và say mê nhau. Cả hai đều thích nghiên cứu luật và đã cùng sống chung với nhau một thời gian. Chương trình của trường Luật bao gồm 80% là đọc sách và 20% nghe các giáo sư giảng giải. Tuy chậm nhưng chắc chắn, trường Luật đã thay đổi cách nhìn của tôi về thế giới.

Đáng tiếc là tôi không thể quên được Việt Nam. Trong tuần trăng mật ở Rome và Majorca năm 1974, vợ tôi đưa cho tôi cuốn sách có tựa Home From the War (Trở về từ cuộc chiến) của tác giả Robert J. Lipton. Cuốn sách đã khơi dậy trong tôi những ký ức về Việt Nam, lôi cuốn và ám ảnh tôi. “Việc chứng kiến cái chết của những người già và trẻ em đã khắc ghi vào tâm khảm tôi. Bị bắn vào đầu. Tại sao?”. Tôi viết vào bên lề trang sách đang đọc. “Có lẽ tôi không bao giờ có thể quên được những điều ấy.”

     "Chiến tranh chưa chấm dứt"

Midaxudavo:

Chương 18 (tiếp)

Khi Richard Hughes trở về Mỹ vào ngày 7.11.1976, anh đã trò chuyện cùng William V. Dunlop, phóng viên của báo The New York Times. Dưới đây là một số cảm nghĩ của Richard vào thời điểm đó:

     “Chiến tranh đã chấm dứt ở Việt Nam nhưng vẫn còn tiếp tục ở Hoa Kỳ. Nó vẫn còn mưng mủ trong chúng ta, không chỉ bởi những tổn thất mà chúng ta đã gây ra cho đất nước Việt Nam mà còn vì ảnh hưởng của cuộc chiến đó đã tác động trực tiếp đến mỗi công dân Mỹ. Hiện chúng ta chỉ đang lướt qua và đề cập đến nó một cách chung chung bởi vì đó là một vấn đề quá lớn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

     Một trong những nguyên nhân khiến vấn đề Việt Nam bị đưa vào “hậu trường” là vì dân chúng cảm thấy những việc họ làm cũng chẳng ích gì, và họ không muốn dính líu đến những gì mà họ cảm thấy mình không thể giải quyết được. Nếu họ biết rằng những hành động của họ có thể giúp ích thực sự cho nhân dân Việt Nam, tôi chắc chắn rằng họ sẽ nhập cuộc ngay tức khắc.

Người Mỹ không căm giận nhân dân Việt Nam. Người Mỹ chỉ phẫn nộ với lãnh đạo của nước Mỹ, những người đã tiến hành chính sách Việt Nam mà không nói sự thật cho dân chúng biết. Đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta hình thành những cảm xúc ức chế về Việt Nam.

     Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ người Việt Nam. Giữa một xã hội mà cái chết hầu như hiện diện ở khắp mọi nơi mà con người vẫn tiếp tục cuộc sống một cách sinh động, đầy tình người. Giữa một xã hội đầy rẫy bạo lực mà con người vẫn dũng cảm, hiên ngang. Và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có được những gì mà nhân dân Việt Nam đã chiêm nghiệm từ cuộc sống thì hẳn chúng ta sẽ có lời giải đáp cho rất nhiều câu hỏi của chính mình.

     Tôi nghĩ sẽ có việc bình thường hóa mối quan hệ hai bên… Sẽ có đàm phán về trách nhiệm, và nên chăng chúng ta hãy nhận lấy phần trách nhiệm ấy về mình. Chúng ta có sức mạnh, và khi chúng ta sử dụng sức mạnh đó ở bất kỳ đâu thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm. Chúng ta đã ở đó, ở đó với tầm ảnh hưởng quá lớn. Và giờ đây có rất nhiều việc chúng ta có thể làm và cần phải làm. Chúng ta có khả năng. Chúng ta có thể làm điều gì đó để giảm bớt những đau thương, giúp họ cải thiện cuộc sống; và ngược lại, họ có thể giúp chúng ta thoát khỏi những nỗi ám ảnh, day dứt triền miên.”

     Rồi cuộc hôn nhân của tôi với Sherry gặp khó khăn và có nguy cơ tan vỡ do những căng thẳng, áp lực trong việc cả hai cùng theo học trường luật. Công việc của tôi lúc ấy là duy trì một phòng mạch khá lớn, làm giảng viên khoa bác sĩ gia đình tại trường Y Davis thuộc University of California, chuẩn bị cho kỳ thi hành nghề luật sư và cố gắng ngăn chặn nguy cơ kết thúc đời sống vợ chồng với Sherry. Tình hình càng đặc biệt căng thẳng khi những hồi ức và ác mộng về Việt Nam hiện về, hòa trộn với những lo toan kể trên. Nhiều đêm tôi giật mình tỉnh giấc sau một giấc mơ về Việt Nam, cả người lạnh toát mồ hôi. Tôi hối hả học cho xong chương trình luật giống như có ma quỷ đuổi theo sau lưng mình. Sherry cũng ngạc nhiên và hỏi xem tôi gặp vấn đề gì.

- Có cái gì đó ở phía sau cứ đẩy anh tới. - Tôi trả lời.

- Đó là cái gì vậy?”

- Sự sợ hãi.

     Thay vì đối mặt để giải quyết những vấn đề trong hôn nhân, tôi lại tìm cách làm việc nhiều hơn. Khi tình thế không còn cứu vãn được nữa, tôi bị trầm cảm trong khi vẫn tiếp tục đối đầu với những thứ quỷ ám. Sherry khẳng định là có nhiều nhận xét trong hồ sơ nghề nghiệp của tôi khiến cho tôi gặp nhiều trở ngại trong việc hành nghề bác sĩ. Cô ấy thúc giục tôi điều tra, nhưng tôi quá bận rộn để theo đuổi những việc như thế. Lúc ấy, tôi đang đảm nhiệm công việc trong Hội đồng y khoa, điều hành một phòng mạch hoạt động rất tốt và chuẩn bị hoàn tất chương trình luật học.

Midaxudavo:

Chương 18 (tiếp)

Cũng vào khoảng thời gian ấy, tôi lại gặp tai nạn. Một buổi sáng năm 1980, khi đang lái xe trong trạng thái mệt mỏi đến tham gia một ca mổ, tôi cho xe vượt qua ngã tư và tông vào một chiếc xe ủi đất của công ty Pacific Gas and Electric. Tai nạn làm tôi bị thương ở cổ, liệt cánh tay trái khiến từ đó về sau tôi không còn hành nghề phẫu thuật được nữa. Sau khi được bạn tôi, bác sĩ Ed Gamel giải phẫu, cánh tay tôi hồi phục được ít nhất 70% nhưng tai nạn này đã kết thúc nghề giải phẫu và bác sĩ sản khoa, cho dù đến lúc đó, tôi đã giúp cho hơn 400 hài nhi ra đời. Năm 1981, tôi và Sherry ly hôn. Cũng trong năm ấy, tôi vượt qua kỳ thi hành nghề luật sư ở California sau lần dự thi thứ tư. Tình cờ, tôi và Sherry ngồi cạnh nhau trong kỳ thi kéo dài 3 ngày này. Khi chúng tôi do dự trước những câu hỏi hóc búa, Sherry còn nghịch ngợm thúc nhẹ vào đầu gối tôi dưới gầm bàn, làm như thể tôi chưa chịu đủ đau khổ trong việc đèn sách cho 4 lần thi vậy!

     Ngay sau đó, tôi được cơ quan cựu chiến binh bổ nhiệm làm bác sĩ tâm thần, chuyên trị liệu cho các cựu chiến binh bị hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh Việt Nam (PTSD). Tôi hỗ trợ các cựu chiến binh trong chức năng một bác sĩ và luật sư am hiểu những thiệt hại do cuộc chiến gây nên cho họ, cả tinh thần lẫn vật chất. Cũng như nhiều cựu binh bị chấn thương tinh thần sau chiến tranh mà tôi tiếp xúc hàng ngày, tôi không thể quên được Việt Nam.

     Nếu như bạn chưa bao giờ tham gia vào một cuộc chiến tranh, chưa từng chứng kiến những trận đánh thì có thể bạn sẽ không hiểu những gì tôi đang nói. Một nỗi day dứt cứ bám mãi trong tâm hồn mình. Là một bác sĩ, tôi không muốn quên đi những gì mình đã thấy. Tôi không thể như thế vì tôi đã nếm mùi chết chóc, đã chứng kiến cảnh chết chóc, cảnh chặt chân tay, và cũng vì tôi có khả năng phán đoán khi chứng kiến những thảm kịch, cũng có thể là vì tôi cảm thấy mình may mắn sống sót sau tất cả những gì đã xảy ra. Tôi muốn ghi nhớ cảm giác đau lòng khi nhìn dòng máu nóng chảy ra từ cánh tay một em nhỏ vừa bị bom đạn xé toạc đi và tôi đang cố cầm máu cho em.

     Tôi muốn ghi nhớ các ca phẫu thuật mổ bụng trẻ em, tìm kiếm mảnh bom đạn để cố cứu sống những sinh linh nhỏ bé này; ghi nhớ khoảnh khắc đau đớn khi phát hiện cột sống của một cháu bé bị tổn thương nặng khiến cháu sẽ không bao giờ bước đi được nữa, không kiểm soát được việc tiêu tiểu, không còn cảm giác khoái lạc tình dục và không còn khả năng định hướng tương lai cho mình trong một đất nước thuộc thế giới thứ ba, vốn không thể hỗ trợ cái mà chúng ta gọi là sự hồi phục. Vì những trải nghiệm như thế, nên cảm giác của tôi khi trở về đời sống dân sự là: Đừng có cố thuyết phục tôi chấp nhận những việc không đúng sự thật. Đừng có kể cho tôi nghe thế nào là cuộc chiến tranh anh hùng, và cũng đừng trông mong là tôi sẽ trả lời hay viết một bài bình luận về điều đó.

     Cũng đừng có bàn tán về những “thiệt hại phụ”. Những ai từng kinh qua cuộc chiến đều đã chứng kiến những chịu đựng, đau đớn, chết chóc và hủy hoại. Những kẻ chủ xướng gây thêm nhiều cuộc chiến hơn nữa là những người chưa từng chứng kiến cái chết của những em bé, chưa từng nhìn thấy những thùng chứa đầy chân tay vừa mới được phẫu thuật cắt bỏ để cứu lấy sinh mạng những người bị thương. Có một nỗi day dứt đọng mãi trong tâm hồn bạn khi phải chứng kiến sự tàn sát con người ở quy mô lớn.

     Một cường quốc đã tiêu diệt hơn 2 triệu sinh mạng con người ở một đất nước vùng Đông Nam Á làm sao có thể lên lớp với phần còn lại của thế giới về thái độ, hành động dã man, tàn bạo? Những tiếng rì rầm khốn khổ từ những mảnh đời mà chúng ta đã gieo tai họa cùng những thi thể tan vữa như những làn sóng âm ỉ lan truyền khắp thế giới, chạm đến tất cả những người có liên quan. Dù thế nào đi nữa, từ lâu tôi đã thấy rằng chúng ta cần phải chuộc lỗi với những gì mà mình đã gây ra, phải trung thực với sự thật và đồng thời phải chấm dứt việc gây nên cái vòng quay chết chóc, đau khổ không ngừng đó.

Midaxudavo:

Chương 18 (tiếp)

Năm 1988, tôi tham gia Flying Samaritans, một nhóm các bác sĩ và nhân viên y tế đi đến các nước thuộc thế giới thứ ba như Mexico để chăm sóc y tế cho người nghèo. Cuộc thăm viếng những ngôi làng nhỏ ở Baja, Mexico làm tôi nhớ đến Việt Nam. Cả khu vực này hầu như chẳng biết đến y học phòng bệnh là gì. Những nông dân Mexico chẳng hề nhận được sự chăm sóc y tế nào cả. Khi tôi khám cho một đứa bé, tôi cầu trời cho cháu hết bệnh sau khi dùng thuốc, bởi vì tôi sẽ không thể khám lại cho cháu trong nhiều tháng trời và cháu cũng chẳng có một nơi nào khác để khám bệnh. Và cũng giống như khi ở Việt Nam, tôi chỉ có thể làm hết sức mình trong khả năng lúc đó với những gì mình có thể làm.

     Tuyên bố của cựu binh chiến tranh Việt Nam Pedro Hernandez, một bệnh nhân PTSD của bác sĩ Allen Hassan:

     “Như các bạn biết, tôi đã được hai vị Tổng thống, một Bộ trưởng Tư pháp và hai vị Thống đốc bang California vinh danh về những công việc có liên quan đến các băng đảng và những vấn đề ma túy của các băng nhóm này. Tôi đã từng phục vụ ở Việt Nam nên tôi biết khi bạn viết hay kể về những việc làm điên rồ của mình, thì đó là sự thật. Rằng chiến tranh là điên cuồng, rằng Pedro – người được các vị chính khách nói trên vinh danh – cũng là điên khùng nốt. Gần như tôi đã muốn tự sát sau khi trở về từ cuộc chiến, và con trai tôi đã đến nói với tôi: “Cho dù ba không thương lấy bản thân mình thì con vẫn yêu thương ba”. Và nhờ thế mà tôi đã bỏ đi ý định tự tử.

     Chúng ta đã tiếp tay cho CIA. Tôi đã quan hệ chặt chẽ với họ. Khi trở về Mỹ, tôi đã nghĩ về tất cả những cái chết và quyết định đi gặp một người tư vấn vì tôi cảm thấy mình quá tội lỗi. Tôi kể mọi việc, và người tư vấn nói: “Tôi quá mệt mỏi nghe anh nói, anh điên quá. Tôi không muốn thấy anh nữa. Tôi không muốn nghe bất cứ điều gì anh nói. Tôi không tin những gì anh kể là đã xảy ra”.

     Anh hỏi tôi về những gì chúng tôi đã làm. Rằng chúng ta có giết hại tù binh chiến tranh hay không? Dĩ nhiên là có! Và chính phủ đã phủ nhận việc này? Dĩ nhiên là thế! Liệu tôi có bị hội chứng căng thẳng vì chấn thương tâm lý sau chiến tranh Việt Nam hay không? Hãy xem này, tôi đã muốn tự sát đấy. Nhưng nay thì tôi hiến dâng đời mình để giúp đỡ trẻ em, giúp đỡ con người.

     Ở Việt Nam, đơn vị của tôi có đến 300 người đã chết và chỉ còn có 8 người sống sót. Vâng, tôi có điên không? Có thể lắm chứ!”

     Một số sự việc ở Mexico khắc ghi vào tâm khảm tôi, như những điều tôi từng thấy ở Việt Nam. Tôi nhớ có lần chúng tôi bay đến một ngôi làng trong mùa mưa ở Mexico. Từ trong bệnh xá tạm bợ nhìn ra khung cửa sổ vào một ngày mưa, tôi thấy một số người đang bước vội qua cánh đồng lầy tiến về phía chúng tôi. Khoảng cách ít nhất cũng gần 2 km. Khi đến nơi, họ có vẻ rất mệt. Trong số họ, có một bà mẹ trẻ với một cháu bé được quấn trong tấm áo. Tôi biết được rằng người mẹ đã phải lội bộ 13 km để được gặp bác sĩ Mỹ khám miễn phí. Nghe câu chuyện cô kể và nhìn cử chỉ biết ơn của cô khiến tôi nhớ đến lý do tại sao mình trở thành một bác sĩ y khoa. Cũng kể từ đó, cứ 6 tháng một lần, tôi trở lại Mexico mà cảm thấy là mình đang làm một phần của việc chuộc lỗi cá nhân cho những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho dân chúng Việt Nam. Nhiều năm trước đó, tôi từng giảm bớt công việc để làm thêm chức năng bác sĩ tâm thần tại nhà tù Pelican Bay ở thành phố Crescent, California, trợ giúp cho 2.000 tù nhân thụ án tù chung thân ở đó.

     Tôi khám bệnh cho một số cựu chiến binh tại phòng mạch của mình và giúp cho nhiều cựu binh nhận được sự điều trị cũng như những khoản phúc lợi khác mà họ xứng đáng được hưởng. Tôi yêu mến những nam nữ quân nhân Hoa Kỳ và khinh bỉ những quan chức đã bịa ra đủ lý do để gửi những nam nữ thanh niên này dự phần vào cuộc chiến kinh hoàng, để rồi lấy đó mà đánh bóng lý lịch chính trị của mình. Sau khi đã mục kích sự tàn bạo ở Việt Nam, tôi có thể công khai tuyên bố rằng, mỗi bác sĩ có nghĩa vụ dành ra ít nhất là 3 phút để khám bệnh cho một cựu binh đã bị thương vì chiến tranh.

Midaxudavo:

Chương 18 (tiếp)

Nhiều cựu binh của Thế chiến thứ II, của chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Iraq và các cuộc chiến khác đang phải tiếp tục chịu đựng những tổn thương tâm lý từ những trải nghiệm trong chiến tranh của họ, kể cả hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương sau chiến tranh và gia tăng khả năng mắc các chứng ung thư, tiểu đường vì nhiễm các hóa chất diệt cỏ gây ung thư như chất độc da cam. Với kinh nghiệm về ngành y và là một luật sư, tôi đã giúp nhiều cựu binh nhận được những phúc lợi xứng đáng. Qua nhiều năm, sự cảm thông và thương cảm của tôi đối với những người lính lớn dần, trong khi lại giảm đi thiện cảm đối với các tướng lĩnh và chính khách, những người đã gửi binh lính của chúng ta vào các cuộc chiến tranh vô nghĩa. Những chuyện kể của các cựu binh làm tôi nhớ lại những tháng ngày ở Việt Nam.

     Họ nói rằng bạn không thể chữa khỏi mặc cảm tội lỗi của hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh, mà chỉ có thể che bớt đi một chút. Họ nói là những ai đã dính líu vào những cái chết tàn bạo, phát hiện ra rằng bạo lực là do bàn tay con người tạo ra, thì không thể nào quên được. Nó giống như chứng loạn thần kinh: bạn nghe giọng nói cùng tiếng reo hò và thấy những ảo ảnh chết chóc. Người ta ước tính có khoảng 500.000 trong số 2,5 triệu người đã từng phục vụ ở Việt Nam có trực tiếp dính líu đến cái chết của người Việt Nam và phải chịu hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh. Hầu hết trong số 500.000 người này đã tìm quên bằng rượu hoặc ma túy, đã trải qua nhiều cuộc hôn nhân, đã toan tự tử và tự tử thật sự, và còn rất nhiều chuyện nữa… để lại biết bao thương cảm về cuộc đời của họ. Tôi đã thấy chấn thương chiến tranh gây ra biết bao mất mát cho những người còn sống sót. Những cựu chiến binh này chính là những vị anh hùng còn sống của tôi và tôi đã chữa trị cho nhiều người trong những năm qua. Khi họ bước vào phòng mạch, tôi có thể cảm nhận được nỗi đau từ trước khi họ khai bệnh.

     Trong cuốn sách Trauma and Recovery (Chấn thương và hồi phục), nữ tác giả Judith Herman đã viết: “Sự rối loạn trong quan hệ với người khác, dẫn đến nguy cơ của hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh, là rất cao khi kẻ sống sót không những chỉ đơn thuần là người chứng kiến thụ động, mà kể cả đối với kẻ tham gia tích cực vào sự chết chóc tàn bạo đó. Chấn thương càng nặng khi không thể biện minh cho những cái chết tàn khốc bằng những giá trị hoặc ý nghĩa cao hơn. Trong chiến tranh Việt Nam, binh lính hoàn toàn mất tinh thần khi chiến thắng tại mặt trận là mục tiêu bất khả thi và tiêu chuẩn chiến thắng trở thành trò hề, như việc đếm xác chết chẳng hạn. Trong hoàn cảnh như thế, người ta không chỉ đơn thuần phơi bày xác chết mà còn tham gia vào các hành động tàn phá, giết chóc vô nghĩa vốn gây nhiều tác hại khiến con người bị tổn thương lâu dài về tâm lý”.

     Mặc dù tiếp tục thành công ở phòng mạch và văn phòng luật sư nhưng tôi vẫn khổ sở với những cơn ác mộng triền miên về Việt Nam. Nhiều tháng, nhiều năm sau khi trở về Hoa Kỳ, giấc ngủ của tôi vẫn bị gián đoạn vì những hình ảnh hãi hùng. Tôi thường nằm mơ thấy cảnh người ta mang thi thể những cháu bé vào bệnh viện ở Việt Nam và các cháu chết ngay trước mắt tôi. Tôi mơ thấy mình đang nâng lên và đọc dòng chữ ghi rõ ràng trên dải băng tay: “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”.

Chương 18 (tiếp)

Có một giấc mơ khác cũng thường lặp đi lặp lại. Bắt đầu bằng một phát đạn cối nổ vang, rồi tiếng la thét vì đau đớn và sợ hãi bao phủ quanh tôi. Tôi ngồi bật dậy trên giường, toát mồ hôi trán. Tôi vừa mới thấy những đứa trẻ xuyên qua làn khói. Dường như có ba, bốn đứa trẻ Việt Nam. Chúng đang nhìn chằm chằm vào tôi - bác sĩ của chúng.

     Tôi nghĩ, chúng tôi phải sơ tán cả bệnh viện, không thì chết hết.

     Tôi chụp lấy hai đứa nhỏ nhất, ôm bổng chúng rồi ra hiệu cho các cháu khác.

     “Đi theo chú!”, tôi thét lên trong giấc mơ.

     Chúng tôi chạy xuống hành lang bệnh viện và khi vừa ra đến cổng thì tôi ngã quỵ. Tôi nhìn xuống và thấy máu ướt đẫm áo sơ mi của mình và chảy nhỏ giọt xuống đất. Một sự yên tĩnh lạ lùng và tôi dịu đi trong vô thức…

     Mặc dù các giấc mơ về Việt Nam không chấm dứt, tôi vẫn tiếp tục hành nghề thầy thuốc ở Sacramento, rồi thành phố này trở thành quê hương của tôi. Một ngày, Dick Hughes gửi cho tôi một tấm ảnh toàn những đống gạch vụn mà anh nghĩ rằng đó là tất cả những gì còn lại của bệnh viện tỉnh Quảng Trị của tôi sau khi bị bom đạn chiến tranh tàn phá.

     Qua nhiều năm, tôi đã tìm cách kể cho nhiều người biết về chuyện trẻ em bị tàn sát ở Việt Nam. Ít nhất, tôi đã kể cho hơn 10 vị bác sĩ. Năm 1987, tôi gửi một bức thư cho Bộ Quốc phòng yêu cầu điều tra vụ việc. Họ trả lời bằng một cuốn sách mỏng cho biết rằng điều luật của quân đội không cho phép một việc tàn bạo với trẻ em như thế. Năm 1989, tôi viết thư cho tướng Colin Powell – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân – và ông ta cũng chẳng thể giúp đỡ gì hơn. Tướng Powell cho một thuộc cấp viết thư trả lời, đề nghị tôi cung cấp thêm thông tin về vụ thảm sát cho Cơ quan Thanh tra của binh chủng Thủy quân lục chiến ở Washington D.C. Năm 1990, chính tôi lại bị Phòng An ninh Hải quân điều tra vì những cáo giác của mình. Năm 1991, tôi viết thư cho Thượng nghị sĩ John McCain, người chuyển tiếp một báo cáo của An ninh Hải quân với nội dung là không có chứng cứ về một vụ thảm sát trẻ em như tôi chứng kiến. Mỗi cơ quan chức năng có liên quan – nơi có thể biết được vụ thảm sát – đều không có hồ sơ lưu trữ về vụ việc, hoặc phủ nhận là không bao giờ có sự việc như vậy xảy ra.

     Năm 1991, tôi quyết định viết thư cho ông chú Mortimer Marks, một anh hùng trong Thế chiến thứ II. Lúc đó, ông chú của tôi đã ngoài 90. Khi còn là một cậu bé, tôi được nghe những người trong gia đình tự hào kể về những chiến tích oai hùng của ông trong nhiệm vụ một quân nhân Thủy quân lục chiến, khi ông sống sót sau sự kiện Bataan Death March(1) và bị quân đội Nhật cầm tù 3 năm. Tôi viết một số cảm nghĩ của mình và ông đã trả lời bằng thư với nội dung gồm những nhận xét sau đây:

Cháu Allen thân mến,

     Ông phải đọc bức thư 3 trang của cháu nhiều lần mới thấm thía mọi việc và ông đi đến kết luận chung là ông cháu mình có rất nhiều điểm giống nhau.

     Chúng ta giống nhau ở điểm mang hai dòng máu. Cháu, một nửa Thụy Điển, một nửa Ả Rập; còn ông thì một nửa Thụy Điển, một nửa Do Thái. Do mang dòng máu lai như thế, nên cả hai ông cháu mình phải chịu nhiều điều tiếng chẳng dễ chịu tí nào. Ông lấy làm phẫn nộ khi biết rằng một thuyền trưởng Hải quân từng nghi ngờ lòng trung thành của cháu vì cháu có mang dòng máu Ả Rập. Nếu như có quyền, ông sẽ đưa viên sĩ quan này ra tòa án quân sự vì đã dám xúc phạm phẩm cách của cháu. Về phần mình, ông cũng từng bị gièm pha về gốc gác Do Thái bởi những người chẳng biết chút gì về tổ tiên Do Thái của ông. Đối với ông, định kiến chủng tộc luôn luôn là một tồn tại thối tha. Nó quá khiếm nhã, dốt nát và phá hoại xã hội. Cách tốt nhất để đối phó với nó là phải công khai đương đầu ở bất cứ nơi đâu có sự xuất hiện của nó.

     Ông nghĩ rằng cháu đã thể hiện một cách tốt đẹp và cô đọng ý nguyện chung của loài người khi nói: “Cháu hy vọng rằng trái đất sẽ trở thành một Hiệp chủng quốc của thế giới, và chúng ta có thể nói lời cám ơn về sự đa dạng văn hóa ở khắp mọi nơi thay vì cố gắng làm cho toàn thể nhân loại giống như chúng ta”.

     Một trong những điều không thể xác định được của mọi thời đại là tình trạng thù địch tồn tại từ rất lâu giữa người Ả Rập và người Do Thái ở khu vực Trung Đông. Lịch sử cho chúng ta biết rằng cả hai nhóm sắc tộc này đều có nguồn gốc từ cùng một người cha Abraham. Vì sao mà họ đã phát triển rồi tách hẳn ra và thù địch nhau như vậy? Có thể là do chính trị, do quyền lực cai trị, và rồi, có thể là do tôn giáo. Cả ba tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo đều có một mối liên kết chung. Đức Moses ảnh hưởng đến Chúa Jesus và Chúa Jesus lại ảnh hưởng đến Tiên tri Mohammed. Jerusalem là thủ đô tôn giáo của cả ba. Dường như có khá nhiều điểm chung giữa hai cộng đồng người Do Thái và Ả Rập để họ có thể cùng sống trong hòa bình hơn là cứ tranh chấp với nhau triền miên. Một lần nữa, thói xấu định kiến đã gây ra những nỗi thống khổ.

Mortimer Marks

Ngày 4 tháng 2 năm 1992

     Nhiều năm sau khi từ Việt Nam trở về, tôi tự hỏi phải chăng những trải nghiệm của tôi ở Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến khả năng hình thành các mối quan hệ lâu dài của tôi. Những ký ức và những giấc mơ thỉnh thoảng lại xen vào cuộc sống. Tôi tự hỏi, phải chăng cuộc hôn nhân của tôi sẽ không tan vỡ nếu như tôi không có những cơn tỉnh giấc vào lúc nửa đêm, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, kinh hãi với những hình ảnh quằn quại và và đang chết dần của các em bé. Sau 30 năm, tôi vẫn còn nằm mơ thấy mình đang nâng cánh tay rũ rượi của một cháu bé bị bắn một phát đạn ngay vào đầu, đang đọc dòng chữ rõ nét trên dải băng tay “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”. Tôi không thể lay chuyển ký ức về một hội trường bệnh viện vấy đầy máu, về những điều kinh hoàng và về những cú sốc từ tất cả những gì mình đã chứng kiến.

     Trong 30 năm qua, tôi thường dành khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày để theo dõi tin tức thế giới. Tôi đã đọc hơn 200 cuốn sách viết về Việt Nam và còn sẽ đọc tiếp những cuốn xuất bản sau này. Giống như nhiều người từng có mặt ở Việt Nam, tôi tiếp tục quan tâm đến những thông tin làm rõ sự dính líu của chúng ta trong chiến tranh Việt Nam. Và trong nhiều năm qua, tôi vẫn thường tự hỏi về những gì đã xảy ra đối với những con người tôi từng quen biết mà nay vẫn còn sinh sống tại đó.

Midaxudavo:

Chương 19

TRỞ LẠI VIỆT NAM

     Năm 1998, sau khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Cộng sản của nước Việt Nam thống nhất, tôi quyết định trở lại Việt Nam, một đất nước vẫn còn trong tâm trí tôi.

Mặc dù 30 năm đã trôi qua, tôi vẫn ghi nhớ một cách sinh động nhiều sự việc mà mình từng trải nghiệm ở nơi đây. Như một du khách hơn là một bác sĩ, tôi lên kế hoạch thăm lại Sài Gòn, thủ đô cũ của Nam Việt Nam, Huế và bệnh viện cũ nơi tôi từng phục vụ ở tỉnh Quảng Trị. Tôi cũng có dự định đi thăm thêm một số cảnh quan xinh đẹp ở vùng đồi núi và các chiến trường xưa.

Chắc chắn tôi không phải là người Mỹ duy nhất vẫn còn quan tâm đến Việt Nam. Các Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain – cả hai đều là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam – đã làm việc hết sức mình cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Các cựu chiến binh khác thì đã lập nhiều tổ chức như Dự án Cựu chiến binh Khôi phục Việt Nam và hoạt động tích cực trong việc tái thiết nhiều trường học cũng như cam kết sẽ tiến hành nhiều dự án nhân đạo khác ở Việt Nam.

Trên chuyến bay, tôi bắt đầu hình dung về những đổi thay của Việt Nam. Tôi muốn biết về cái bệnh viện nhỏ bé ở Quảng Trị, về tất cả những người mà mình từng chữa trị tại đó, về thông dịch viên Nguyễn. Tôi tự hỏi không biết những chiến binh Cộng sản từng bắn cảnh cáo tôi trên đường đến bệnh viện có nhớ đến người bác sĩ Mỹ này không. Không biết là gia đình người nông dân bị một người lính Mỹ dùng làm mục tiêu thực hành bắn súng cối có nhớ đến người đã ngăn chặn hành động giết hại họ? Và có người nào trong số những thiếu nữ xinh đẹp năm xưa đứng xếp hàng chờ đợi tôi còn nhớ đến người bác sĩ từng cố gắng gắp ra những kim châm cứu gãy nằm sau lưng của họ? Tôi cũng không biết những đứa bé năm nào từng mang cho tôi mấy cái trứng hột vịt lộn có nhớ vẻ mặt tức cười của tôi khi từ chối ăn những cái trứng này không. Và tôi tự hỏi, không biết những cánh rừng rậm rạp của Việt Nam có bị tàn rụi với những hố bom, những quả mìn chưa nổ, và hậu quả sinh hóa làm rụng lá của chất độc da cam hay không?

Máy bay hạ cánh nhẹ nhàng xuống thành phố từng mang tên là Sài Gòn. Sau khi chính quyền Nam Việt Nam sụp đổ, Sài Gòn được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Tuy tên gọi có khác, nhưng nhiều thứ của thành phố này vẫn không thay đổi. Tôi vẫn thấy những căn nhà tiền chế ở phi trường, cũng những cánh cửa như thế, chỉ có vài mái nhà loang lổ những tấm tôn cũ mới. 

Midaxudavo:

Chương 19 (tiếp)

Cái nóng và độ ẩm đập ngay vào tôi khi vừa ra khỏi máy bay. Nhiệt độ bên ngoài gần 40 độ C và độ ẩm 85%. Trên đường về khách sạn, tôi vẫn thấy những tòa nhà thời Pháp, cũng những cánh cửa cái, cửa sổ và cổng chính mà tôi ghi nhớ nhiều năm trước đây. Việt Nam hiển nhiên vẫn còn là một nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng một số nhà chọc trời kiểu mới đang được xây dựng. Tôi cũng trông thấy những mặt hàng điện tử kỹ thuật cao được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.

Đường phố Sài Gòn tràn ngập xe xích lô, khách bộ hành, người bán hàng rong và những người đi xe đạp đầu đội những chiếc nón lá che nắng đặc trưng của Việt Nam. Khi xe ô tô, xe gắn máy và các loại xe tải khác cùng hòa nhập thì tình trạng giao thông thật tệ hại. Những người Cộng sản trẻ tuổi sáng sủa trong bộ đồng phục, mang quân hàm có sao vàng trên nền đỏ, tuần tra trên đường phố đông đúc bằng xe mô tô hoặc đi bộ. Khi tôi quan sát những nụ cười cùng nét mặt trẻ trung hiếu kỳ của họ, tôi biết là họ không hiểu nhiều lắm về người Mỹ.

Thành phố từng là thủ phủ lớn nhất của Nam Việt Nam trước đây nay là một thành phố tồn tại nhiều nghịch lý. Những chất thải đổ thẳng xuống sông Sài Gòn phá đi cảnh đẹp êm đềm của dòng sông hiền hòa. Người ta câu cá trên những chiếc tàu rỉ sét để cung cấp cho khu chợ cá và những chợ trời khác vẫn còn hoạt động.

Tôi trú ngụ tại khách sạn Hà Nội ở trung tâm thành phố với giá chỉ 30 đô-la/ngày, rẻ hơn nhiều so với khách sạn ở Mỹ với giá 100 đô-la/ngày hoặc hơn. Mặc dù không có nhiều khách nói tiếng Anh, tôi được đối xử giống như một ông hoàng ở khách sạn. Mỗi ngày khách sạn đều cung cấp báo cho tôi đọc và thay vì tập trung vào các chủ đề tội phạm hay chiến tranh, các tờ báo ở đây lại chú tâm vào các đề tài chăm lo cho người nghèo, tái thiết cơ sở hạ tầng của Việt Nam và chăm sóc trẻ em. Tôi đọc và biết đó là ngày Quốc tế Thiếu nhi ở Việt Nam. Tôi được biết 5 triệu trẻ em Việt Nam đã được cấp phát vitamin A, một loại vitamin thường thiếu trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã cung cấp tổng cộng 100 triệu viên vitamin A. Các vấn đề cũ như sứt vòm miệng – vốn thường thấy khi tôi còn phục vụ ở Việt Nam – nay vẫn còn tồn tại do thiếu một số ít chất khoáng trong khẩu phần ăn.

Khác với thời tôi còn ở Việt Nam, nay đã có rất nhiều bác sĩ chữa trị cho dân chúng. Theo bác sĩ Nguyễn Tài Mẫn và những bác sĩ khác mà tôi gặp ở Sài Gòn, hầu hết các bác sĩ ở Việt Nam đều nhận lương của chính phủ. Một bác sĩ phẫu thuật chính nhận được một khoản tiền nhỏ chừng 5 đô-la cho ca mổ quan trọng như mổ sọ. Chỉ riêng ở Sài Gòn đã có đến 3.400 bác sĩ, kể cả khoảng 500 bác sĩ làm việc không lương. Những người tốt nghiệp trường Y của Việt Nam đều mong muốn được làm việc không lương tại các bệnh viện lớn, do rất khó xin việc chính thức tại các bệnh viện này.

Midaxudavo:

Chương 19 (tiếp)

Kinh nghiệm làm việc ở các bệnh viện lớn rất cần thiết cho các bác sĩ mới ra trường trước khi muốn chuyển qua làm việc tại các bệnh viện tư hoặc cơ sở tư nhân, nơi mà họ có thể kiếm được rất nhiều tiền nhờ bán thuốc cho bệnh nhân với giá cao. Các bác sĩ hưởng lợi vì họ không phải đóng thuế dược phẩm như các nhà thuốc tây. Tuy nhiên, trong khi các thành phố dư thừa bác sĩ như thế, thì các vùng nông thôn Việt Nam tiếp tục thiếu bác sĩ vì các bác sĩ trẻ không muốn làm việc ở những nơi vừa có thu nhập thấp, vừa thiếu điều kiện làm việc và nghiên cứu. Bác sĩ Nguyễn Tài Mẫn nói với tôi là các chính sách của chính phủ đang được soạn thảo lại vào thời điểm đó để quy định các tân bác sĩ tốt nghiệp trường Y phải làm việc tại vùng sâu vùng xa và sẽ nhận được sự đối xử ưu đãi do công việc đó.

Khi tôi vừa bước ra khỏi khách sạn, một anh đạp xích lô dáng người nhỏ và gầy tiến đến tự xin làm người hướng dẫn cho tôi. Anh cũng tên là Nguyễn, trùng tên với người thông dịch viên cũ của tôi(1). Hằng ngày, Nguyễn đợi tôi trước khách sạn, rồi đưa tôi đi bằng xích lô đến chơi ở những điểm kinh doanh của bạn anh, có người là chủ nhà hàng, quầy bán báo, chủ hiệu nữ trang rẻ tiền. Mặc dù xe cộ đông đúc như vậy, nhưng Nguyễn vẫn đạp chiếc xích lô của anh một cách dễ dàng, đôi lúc đi ngược chiều trên một số đường một chiều, bất chấp dòng xe cộ đông đúc gồm đủ loại như xe buýt, xe tải, taxi, mô tô… đang chạy hướng ngược lại. Mặc dù có vóc dáng nhỏ bé, Nguyễn đưa tôi đi qua nhiều đường phố Sài Gòn một cách nhiệt tình và thoải mái. Hẳn là anh có một thần kinh thép và những bắp chân rắn chắc. Khi xe xích lô của chúng tôi vượt qua một đám trẻ, chúng mỉm cười và đưa tay vẫy vẫy chào.

Những người mẹ bồng theo con nhỏ đi xin tiền đã đến gần xe xích lô của chúng tôi nhiều lần. Ngày đầu tiên tôi cho một vài đồng. Thế là chẳng mấy chốc, cả ba bốn chục bà mẹ bồng con vây lấy xe chúng tôi. Nguyễn đã phụ giúp tôi. Anh giải thích với các bà mẹ rằng tôi đến đây để tìm cách giúp đỡ họ chứ không phải để cho tiền. Đã nhiều lần, Nguyễn giải thoát cho tôi khỏi những tình cảnh như thế.

Sau 30 năm, thành phố Hồ Chí Minh xem ra có vẻ bình dị hơn so với thành phố của những thứ quần là áo lụa cùng màu sắc sặc sỡ trong những năm tháng chiến tranh. Nhiều cửa hiệu bán đầy giày nhà binh, huy chương, quân phục và những thứ còn lại khác từ những năm chiến tranh. Trong một cửa hiệu nọ, khi tôi hỏi mua các loại quần áo phương Tây, người ta đã dẫn tôi vào trong một cái phòng ở phía sau rồi chỉ cho tôi một chiếc áo sơ mi bằng vải polyester với cái cổ lớn kiểu thập niên 1970, kiểu mà Sonny Bono đã mặc trong The Sonny & Cher Show. Chiếc áo này có lẽ là đồ còn lại từ những năm chiến tranh. Tôi mua với giá 7 đô-la rồi trở về khách sạn. Chiếc áo vừa khít với tôi.

Midaxudavo:

Chương 19 (tiếp)

Tại khách sạn Hà Nội, tôi chuyện vãn với vài người khách về những gì mình trông mong sẽ thấy ở Việt Nam thì một người đàn ông Việt Nam nhỏ con kéo tôi ra một bên để nói chuyện riêng. Tôi cao hẳn so với ông ta, một người chỉ hơn 1,5m và nặng chưa tới 40kg. Ông ta nhìn tôi có vẻ thành tâm.

“Anh phải thận trọng. Đừng có nói lung tung”, ông ta thì thầm. “Người ta luôn luôn quan sát, luôn luôn lắng nghe. Ngay cả tôi cũng e dè khi nói chuyện với anh như thế này.” Ông ta ngập ngừng cười cười rồi nói tiếp rằng cha của ông đã bị bỏ tù nhiều lần vì phát ngôn bừa bãi. Khi nói, mắt ông ta cứ đảo qua đảo lại quanh phòng như thể xem có ai để ý hay không, giọng run run. Cuộc chuyện trò này khiến tôi cảm thấy không thoải mái và kéo suy nghĩ tôi trở về với sự đa nghi thời chiến tranh Việt Nam.

Sáng hôm sau tôi bay đi Phú Bài, phi trường quân sự cũ phục vụ cho thành phố Huế. Tôi là người Mỹ duy nhất trên máy bay. Khi máy bay hạ độ cao xuống dưới 1.200m để chuẩn bị hạ cánh, tôi có thể trông thấy rõ ràng hàng trăm hố bom của các cuộc ném bom của Mỹ trên những cánh rừng.

Linh và Tú, hai phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp gặp tôi ở phi trường. Họ kéo tôi ra khỏi đám đông và tự giới thiệu về mình. Linh 27 tuổi và Tú 24. Hai người đang điều hành một công ty dịch vụ nhỏ với một chiếc xe du lịch nhỏ dùng để chở du khách từ sân bay về thành phố Huế. Linh và Tú thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Họ trở thành người thông dịch và hướng dẫn viên của tôi trong 10 ngày tiếp theo. Họ giống như hai thiên thần từ thiên đường bay xuống để chào đón tôi đến xứ sở nhiệt đới Việt Nam xinh đẹp, ẩm ướt và bụi bặm này. Hai cô lưu trữ mọi khoản chi tiêu của chúng tôi vào một máy tính xách tay. Còn người tài xế thì lái xe vèo vèo như thể đường phố là của anh ta.

Tôi đề nghị chọn một khách sạn nào đó ở Huế để ăn tối nhưng hai cô gái bác bỏ, nói là khách sạn sẽ tính thêm tiền phòng lạnh đến 15 đô-la, nên Linh và Tú đưa tôi đến một nhà hàng Việt Nam nhỏ nằm cạnh sông Hương. Họ cũng giúp tôi lên kế hoạch cho những ngày ở lại nơi đây. Thức ăn của nhà hàng thật ngon cùng với làn gió nhẹ lành lạnh thổi từ phía dòng sông.

Tôi nghĩ là những cô gái này cũng có thể điều hành công ty ở Mỹ. Họ hỏi tôi một số câu hỏi thẳng thắn rồi sắp xếp mọi thứ cần thiết cho tôi như nơi ăn ở, phương tiện đi lại và một máy ảnh. Họ nói là sẽ lo phương tiện đi lại, khách sạn, chỗ ăn, hướng dẫn nơi tắm, lo việc dọn phòng, giặt quần áo, đánh giày… và giúp tôi tìm đường đến những nơi cần tham quan. Họ đưa tôi đến khách sạn Red Star mà họ thích và sắp xếp chuyến đi Quảng Trị trên chiếc xe du lịch có gắn máy lạnh của họ. Tôi cảm thấy nhẹ hẳn người. Linh và Tú đã biết những nơi tôi cần đến, lên sẵn chương trình rồi họ bảo đảm sẽ đánh thức tôi dậy vào 7 giờ sáng. Nhưng khi tôi đề cập đến việc thảm sát những đứa trẻ mà tôi từng chứng kiến và nói với họ rằng tôi muốn tìm đến nơi chôn cất các cháu, thì cả hai cô gái làm ra vẻ không quan tâm rồi nói lảng qua chuyện khác.

Sau sự ồn ào bề ngoài của thành phố Hồ Chí Minh, vẻ đẹp thanh lịch và sự sạch sẽ của thành phố Huế gây ấn tượng tuyệt vời. Đường phố của cố đô ít có dấu tích của chiến tranh. Các cửa hàng và chợ búa ở Huế vẫn còn nguyên vẹn. Những ngôi nhà cổ và cung điện của Huế được chăm sóc chu đáo. Cấm thành cũng còn gần như nguyên vẹn, một số cơ sở trong Cấm thành được trùng tu, một số không hề hấn gì trong chiến tranh, trừ một vài vết đạn trên các bờ tường. Những đứa bé khỏe đẹp vui chơi dọc theo bờ sông Hương hiền hòa. Không có nhiều chứng tích về sự phá hoại hoàng thành khi các lực lượng quân đội đánh nhau dữ dội, chiếm đóng rồi rút lui khỏi thành phố. Tuy nhiên, có một người già cụt cả hai chân, khập khiễng tới gần để bán vé số khi chúng tôi đang ăn cơm trưa. Người tàn tật đi trên cặp nạng gỗ này đích thị là nạn nhân của chiến tranh.

Chương 19 (tiếp)

Bệnh viện đại học Huế trông giống như cách đây 30 năm, khi tôi còn là một bác sĩ phẫu thuật trẻ tuổi lần đầu tiên tham gia ca mổ tim hở cùng bác sĩ Detwiler. Đi bộ vào trong bệnh viện, tôi như sống lại thời xa xưa.

Ngày hôm sau, Linh và người tài xế đến khách sạn sớm và đón tôi lên chiếc xe du lịch của họ. Xe lăn bánh trên các đường phố cũ của Huế rồi ra Quốc lộ I trực chỉ hướng Bắc. Tôi quên là Quốc lộ I chạy ngang qua thành phố Huế. Chúng tôi chạy xe qua những cánh đồng lúa tươi đẹp, nhiều nhà cửa sơ sài và lều tranh chen lẫn bên những giàn hoa và cây cối xanh tươi. Nhiều người lớn, trẻ con đi ngược hướng với xe chúng tôi. Họ đi bộ, đạp xe đạp hoặc ngồi trên xích lô. Tôi chú ý đến một ngôi trường bị đánh bom mà không được xây dựng lại, trở thành một di tích chiến tranh. Chúng tôi đi qua những suối nước trong xanh, những vườn cây sum suê và các ao hồ của miền Trung Việt Nam.

Tôi nghĩ về những người lính trẻ – người Mỹ và người Việt Nam – mà máu của họ đã đổ xuống những dòng nước trong lành này. Tôi so sánh những người Việt Nam mà tôi biết cách đây 30 năm – những người lớn và trẻ em bị thương tích và mệt mỏi vì chiến tranh – với những doanh nhân Việt Nam trẻ tuổi đang ngồi trên xe cùng tôi, những người không còn sợ hãi hoặc sống cùng với cái chết nữa. Nhiều hồi ức trở lại và tôi cảm thấy dâng trào lên niềm hối tiếc lẫn âu sầu.

Trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ chịu thiệt hại quân sự ở Quảng Trị nhiều hơn bất cứ tỉnh nào khác của Việt Nam. Những quân nhân Mỹ bảo vệ bệnh viện của tôi và chiến đấu trong phạm vi bán kính 100 dặm (tương đương 160km) quanh Quảng Trị đã được tặng thưởng 26 huy chương Danh dự, nhiều người trong số họ được truy tặng sau khi chết. Quảng Trị bị đánh bom nặng nề năm 1972. Máy bay ném bom của Mỹ đã tiến hành hàng loạt vụ không kích ở đây, rồi tiếp theo là pháo binh của quân đội Nam Việt Nam nã đạn tàn bạo, hầu như san bằng những gì còn lại. Tóm lại, lượng bom đạn ném xuống 400 dặm vuông (khoảng hơn 1.000 km2) của tỉnh Quảng Trị nhiều hơn cả số bom đạn ném xuống toàn châu Âu trong Thế chiến thứ II. Theo ước tính, có đến 700.000 trâu bò và gia súc khác bị thiệt hại trong chiến tranh, trong số đó nhiều súc vật chết do những trò thể thao giải trí của binh lính Mỹ.

Trong cơ cấu tổ chức của nước Việt Nam thống nhất, thị xã Quảng Trị không còn là trung tâm của tỉnh nữa. Tỉnh đã có một thủ phủ mới là thị xã Đông Hà.

Khi chúng tôi đến Quảng Trị, thị xã cũ trông không còn quen thuộc với tôi nữa, vì tất cả hầu như được xây dựng lại sau khi bị bom đạn tàn phá.

Thành cổ được xây dựng lại hoàn toàn và được bao quanh bằng dây kẽm gai concertina. Tôi cố tự mình định hướng thành cổ, nơi từng được quân đội Nam Việt Nam dùng làm kho đạn, kho quân trang quân dụng trong những năm chiến tranh. Tôi chụp vài tấm ảnh và dùng chúng làm phương hướng để cố hình dung lại mọi vật. Điều đầu tiên mà tôi phát hiện là căn nhà cũ cũng như hầm trú ẩn của tôi đều đã biến mất trên mặt đất. Một vài căn nhà nhỏ trông lạ lẫm được dựng lên kế bên. Truy tìm vị trí bệnh viện cũ, chúng tôi dừng lại trước căn nhà của một gia đình mà tôi vẫn còn nhớ. Đó là một ngôi nhà giản dị mà xưa kia tôi thường đi bộ ngang qua mỗi ngày để đến bệnh viện, sau khi chiếc xe Jeep cấp cho tôi đã bị thu hồi, và những đứa bé đeo bám theo tôi như Pied Piper của Quảng Trị.

Một bà cụ khoảng 80 tuổi tiếp chúng tôi ở cửa chính - một bà cụ khiến bạn luôn muốn tỏ lòng kính trọng và chăm sóc. Trước sự ngạc nhiên của tôi, bà cụ nhận ngay ra vị bác sĩ Mỹ ngày nào. Khi các con cháu của cụ đã tập trung lại xung quanh, cụ mới nói cho chúng tôi biết là bệnh viện đã bị đánh bom và không còn nữa. Bà nói rằng có một ngôi nhà đã được xây dựng ngay trên vị trí của bệnh viện trước đây. Bà cũng nhớ đến sự cố ở Mỹ Lai, cách Quảng Trị cả trăm dặm đường, nhưng lại không nhớ gì về vụ thảm sát trẻ em mà tôi từng mục kích.

Tôi không thể tin rằng bệnh viện cũ của tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn. Nhiều nơi ở Quảng Trị vẫn còn nguyên vẹn(1). Chúng tôi nhìn thấy một ngôi trường bị tàn phá hoàn toàn và vẫn đang ở trong hiện trạng đó để nhắc nhở điều mà người Việt Nam gọi là “cuộc chiến tranh chống Mỹ”. Tôi và người thông dịch tiếp tục tìm kiếm những con đường ở Quảng Trị cho đến khi tìm được những gì còn lại của bệnh viện tỉnh Quảng Trị cũ. Nó chỉ còn lại một vài phần, ngoài ra chỉ là đống gạch vụn và bê tông đổ nát. Sân bệnh viện đầy cỏ, nơi những chiếc trực thăng hạ cánh mang theo những thường dân chết và bị thương nay đã thành vườn cây cao, xanh tốt. Mấy con chó lang thang dọc theo nơi mà trước đây là hành lang của bệnh viện, khịt khịt mũi vào nền đá hoa cương của hội trường bệnh viện cũ cùng những nơi khác của tòa nhà.

Midaxudavo:

Chương 19 (tiếp)

Mặt trời như thiêu như đốt và độ ẩm vào giữa trưa khá cao. Mồ hôi tôi tuôn ra nhễ nhại. Khi nhìn lại cảnh điêu tàn với những vết đạn, mảnh bom lỗ chỗ trên phần tường còn lại của bệnh viện, tôi như chìm sâu vào ký ức của mình. Rồi chúng tôi cũng tìm được người trông nom khu nhà và ông này hướng dẫn tôi đến một phần của tòa nhà còn đóng kín. Trong sự háo hức của tôi, ông ta mở toang cánh cửa phòng phẫu thuật cũ, với ánh sáng của mặt trời chiếu xuyên qua một bức tường đổ nát. Cho dù có những trận mưa lớn trong mùa mưa, các cánh cửa của căn phòng đã được buộc chặt, giữ cho căn phòng được vẹn nguyên như thể chẳng một ai đụng đến trong suốt 30 năm qua.

Đi vào bên trong, tôi thật kinh ngạc khi thấy phòng phẫu thuật, nơi tôi từng làm việc cật lực để cứu sống nhiều sinh mạng, nay vẫn còn ở đó. Cái bàn mổ cũng còn. Những chai lọ trong góc phòng vẫn còn chứa những dụng cụ phẫu thuật. Mỗi một dụng cụ tôi thường dùng vẫn còn nằm ở nơi quen thuộc, xếp thành hàng ngăn nắp dựa vào tường, như thể chúng được đóng băng đúng 30 năm. Những ký ức xúc động ngập đầy tâm hồn tôi như sóng tràn.

Tôi nghĩ về những trận đánh xảy ra sau khi mình đã rời nơi đây, về sự gia tăng chết chóc và hủy hoại. Và đột nhiên, tôi bị chìm vào cảnh hồi tưởng, quay trở lại với thời chiến tranh. Tôi nhớ đến những vết thương kinh hoàng, đến hàng hàng lớp lớp bệnh nhân và cảm thấy cái chết đang vây lấy quanh mình. Trong tích tắc, tôi nghe tiếng khóc ré của trẻ con, tiếng kêu rít của cánh máy bay trực thăng, tiếng đạn bắn và tiếng pháo nổ. Nước mắt trào dâng từ trong tim lên mắt tôi. Rồi bất thần, tôi quỵ xuống và kêu lên do bị tràn ngập bởi sự hoảng loạn và kích động thái quá. Chắc chắn là những hồn ma chiến tranh có thể hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó, nhưng các bạn trẻ Việt Nam này lại quay nhìn đi chỗ khác một cách bối rối, như là đang chứng kiến tôi trải qua một khoảng thời gian dài của thịnh nộ, hối hận và buồn thảm.

- Này, ông có làm sao không? - Cuối cùng, Linh lên tiếng.

Cô nhìn tôi một cách buồn bã và thông cảm. Nếu như những người hướng dẫn trẻ này đã từng nhìn tôi như một người Mỹ khiêm tốn, khổ hạnh và thận trọng, thì trong giây phút đó, họ đã xem tôi đúng như thực tế lúc ấy là một người dễ bị tổn thương.

Vài phút sau, tôi đã có thể ngồi nghỉ dưới tán một cây cao. Khi tôi hỏi tin tức về những y tá cùng các nhân viên khác - những người đã từng chăm sóc bệnh nhân của tôi 30 năm trước - người trông nom khu nhà đề nghị chúng tôi tìm gặp một phụ nữ tên Nang. Ông ta chỉ đường đến nhà người phụ nữ đó cho người thông dịch của tôi. Chúng tôi đi bộ xuống một con đường đất và tìm thấy ngôi nhà của bà ấy.

Nang là người đã từng làm y tá cho bệnh viện thời đó. Bà chẳng nhớ gì về vụ thảm sát, nhưng qua người phiên dịch, bà cho tôi biết là có một phụ nữ khác có thể cho tôi chứng cứ về cái chết của 40 cháu bé ngày xưa. Tôi xúc động vô vàn khi nghe tin này. Người phụ nữ mà Nang đề cập ở cách đó không xa.

Tuy đã quá trễ và mệt mỏi, nhưng Linh nói rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để tìm được ai đó biết về những đứa bé hoặc những gì đã xảy ra cho người thông dịch viên Nguyễn của tôi hồi ấy vốn có người cha làm Tỉnh trưởng Quảng Trị. Chúng tôi đi tìm nhà của người phụ nữ đó dưới cái nắng cháy da.

Đi bộ xuống một con đường đất khác, ngay từ khá xa, tôi đã thấy một phụ nữ trung niên vội vã bước lên đường. Chị ấy đang chạy về phía chúng tôi. Rõ ràng là chị nóng lòng muốn gặp tôi. Chị cúi đầu chào rồi mời chúng tôi vào nhà.

Midaxudavo:

Chương 19 (tiếp)

Chúng tôi ngồi ở sân sau, trên những chiếc ghế gỗ cũ kỹ bên một dòng suối và uống trà. Người phụ nữ này là y tá bệnh viện những năm 1968 và 1969, nhưng cũng giống như những y tá khác thời đó, chị không thường xuyên có mặt tại bệnh viện nên có thể không có mặt vào ngày 40 đứa trẻ bị thảm sát và được mang vào bệnh viện. Mặc dù tôi biết là chị đang cố hồi tưởng lại qua một thời gian quá lâu, nhưng rồi tôi thất vọng. Chị chẳng nhớ gì về những đứa bé được chở tới bệnh viện vào buổi chiều tháng Năm đó cả.

- Có quá nhiều người chết, quá nhiều hài nhi, quá nhiều trẻ em! - Chị nói bằng tiếng Việt. - Tôi không thể nhớ ngày nào có nhiều người chết như thế, nhưng tôi biết một vài người Mỹ đến để cố giúp chúng tôi. Người Mỹ giúp chúng tôi nhưng họ cũng giết hại chúng tôi.

Lúc đó, tôi không thể cầm được nước mắt. Tôi khóc cho mọi sự đau buồn, cho tất cả những cái chết và bị thương không cần thiết, và khóc cho thảm kịch chiến tranh vẫn còn âm thầm tiếp diễn ở Việt Nam. Linh – người thông dịch – lặng lẽ đặt tay cô lên cánh tay tôi.

Trong 3 ngày ở Quảng Trị, cùng với tài xế tên Tân, chúng tôi tìm kiếm những ai có thể nhớ đến sự cố năm xưa. Chúng tôi gặp những người từng sống ở đó, những người may ra có biết được, nhưng ký ức đã lụi tàn. Chẳng hề có chút tin tức gì về thông dịch viên Nguyễn, mà nếu còn sống, nay đã là một trung niên. Tôi muốn biết những gì đã xảy ra với Nguyễn và người cha làm tỉnh trưởng của cậu ấy.

Cuối ngày đầu tiên, chúng tôi đến Đông Hà, nơi tôi từng chứng kiến những lều bạt đầy thương binh trẻ cụt cả tay chân. Tôi vào thăm một trường học. Tôi biết đó là ngày nghỉ đặc biệt của trẻ em. Tôi gặp một cô giáo dáng đẹp mà trang nghiêm, tuổi ngoài 30. Cô mặc một chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam. Có lẽ cô chỉ là một bé gái vào thời điểm tôi phục vụ ở Việt Nam, nhưng cô nói tiếng Anh giỏi. Cô hỏi tên tôi và lý do tôi đến đây.

- Tôi đến đây vì những đứa trẻ mà chính mắt mình từng nhìn thấy bị giết chết trong chiến tranh, vì những bà mẹ, người cha, vì những ông bà, và bởi vì tôi đã thấy cảnh thảm sát quá nhiều người vô tội.

Tôi nói, trong khi cô im lặng lắng nghe. Tôi kể cho cô những gì mình đã thấy cùng mong muốn tột cùng của tôi là tìm cho ra câu trả lời đối với những thắc mắc của tôi về cuộc chiến. Hành trình trở về của tôi có mục đích là thế. Tôi cũng mong muốn chuộc lỗi ở một mức nào đó cho tất cả những gì đã xảy ra với đồng bào của cô.

- Ông lo lắng, quan tâm đến mức từ Hoa Kỳ trở lại cái thị xã nhỏ và nghèo nàn của chúng tôi như thế sao? - Cô hỏi, giọng êm và nhẹ.

Cung cách ăn nói nhẹ nhàng và chân tình của cô khi hỏi lại như thế đã xuyên thấu vào tim tôi. Đã nhiều năm qua, không ai thật sự muốn nghe tôi nói về những chịu đựng đau khổ, những thảm kịch tôi từng chứng kiến ở Việt Nam. Nghề nghiệp bác sĩ tâm thần của tôi đã thất bại, cuộc hôn nhân tan vỡ, tôi không thể đứng mổ được nữa, và các viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ đã phớt lờ mọi nỗ lực làm sáng tỏ sự thật của tôi. Nước mắt trào ra, tôi quay mặt đi trong chốc lát để lấy lại bình tĩnh. Sau 30 năm, cuối cùng ở đây cũng có người đã cảm nhận được sự chân thành muốn chuộc lỗi mà tôi mưu cầu, cũng như sự thật xúc động của nó.

Đột nhiên, cả hai chúng tôi cùng khóc òa.

- Ông quá tốt khi quay trở lại đây sau những gì đã xảy ra với chúng tôi. - Cô nói. - Xin cám ơn ông!

Trên đường trở về Huế, xe chạy ngang qua một nghĩa trang lớn bên ngoài thị xã. Tôi yêu cầu tài xế ngừng lại. Nghĩa trang được chăm sóc tốt nhưng đầy những ngôi mộ vô danh. Mỗi ngôi mộ có một tấm bia đơn giản màu đen. Một tấm bia đập vào mắt tôi do cạnh đó là một cây hoa hồng với một thân cây duy nhất, một đóa hồng đỏ thắm như treo lơ lửng trên tấm mộ bia. Tôi ngồi xổm xuống và đọc những dòng chữ trên bia mộ. Tấm bia chỉ có hai chữ bằng tiếng Việt ghi: “Liệt Sĩ”, cùng ngày sinh và ngày mất. Tôi nhìn xung quanh. Tất cả bia mộ đều ghi hai chữ “Liệt Sĩ”. Căn cứ vào ngày tháng ghi trên những tấm mộ bia, hầu hết Liệt Sĩ đều chết trong chiến tranh chống Mỹ.

Midaxudavo:

Chương 19 (tiếp)

Trở lại khách sạn Red Star, tôi xuống quầy rượu. Cô phục vụ ở quầy rượu nói tiếng Anh giỏi, mang cho tôi một chai bia. Duyên dáng trong chiếc áo dài đen, trông cô thật cuốn hút. Tôi hỏi cô theo tôn giáo nào. Cô trả lời một cách tự hào: “Hồ Chí Minh”. Tôi hỏi cô về chữ “Liệt Sĩ” mà mình vừa thấy trong nghĩa trang.

- “Liệt sĩ”- cô nói - có nghĩa là “anh hùng trong chiến tranh”.

Câu nói đó xuyên vào tâm trí tôi như một tia sét. Mặc dù có thể chẳng bao giờ tìm được phần mộ của những đứa bé bị thảm sát, tôi đã có cách giải thích để làm nhẹ đi mối u sầu vì không tìm được nơi chôn cất các em bé vô tội này. Có lẽ các cháu đã được chôn cất như những anh hùng chiến tranh mà tôi đã thấy trong nghĩa trang. Vào giây phút đó, tôi quyết tâm sẽ viết một cuốn sách để tôn vinh tất cả những trẻ em, thanh niên, người già đã chết trong cuộc chiến mà người Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Một buổi sáng khác, chúng tôi đi thăm Khe Sanh, một địa danh xa hơn về phía Bắc Quốc lộ I. Đó là một buổi sáng dễ chịu với những bông hoa rừng nở rộ khắp nơi. Chúng tôi đi ngang qua thủ phủ mới của tỉnh là Đông Hà rồi hướng về phía Tây theo quốc lộ 9, bắt đầu con đường dài, nhiều dốc, xuyên qua vùng đồi núi để đến chiến trường lịch sử Khe Sanh, một địa điểm từng là căn cứ của lực lượng Thủy quân lục chiến.

Con đường xuyên qua dãy núi A Sao này hẹp, gồ ghề, nhiều nơi cần phải sửa chữa. Xe đi qua Cam Lộ, một thị tứ nhỏ, từng là tổng hành dinh của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Chúng tôi cũng đi qua Camp Carroll, trước đây là Trung tâm chỉ huy các cuộc hành quân của Mỹ trong khu vực thuộc Quân đoàn I, nay đã chìm khuất trong cánh rừng rậm rạp. Địa điểm diễn ra trận chiến “Đồi Thịt Băm” nay cũng được phủ đầy cây rừng. Chúng tôi đi ngang qua The Rockpile, nơi từng là điểm quan sát chính của Mỹ, qua nhiều đường mòn, nhiều ngọn đồi chiến lược khác dẫn tới đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc theo biên giới Việt – Lào.

Chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục leo lên các ngọn đồi, đi vào vùng rừng núi rậm rạp. Trong một phút lạ lùng, tôi nghe như có tiếng lách cách của cánh máy bay trực thăng ở xa xa, dội vào vách núi, rồi mọi thứ trở lại lặng yên tĩnh mịch.

Phía bên dưới chúng tôi, gần chiếc cầu bắc ngang qua sông Dakrong, là ngôi làng nhỏ, hiền hòa và xinh đẹp của người Bru Vân Kiều. Việt Nam có đến 54 dân tộc cùng sống chung trên một lãnh thổ. Những cư dân sống trên vùng núi cao thường được người Pháp trước đây và sau này là người Mỹ gọi là người Thượng, người miền núi. Khi xe chạy vào làng, chúng tôi nhận được những nụ cười nhút nhát của dân làng. Từ trong nhà, họ hé nhìn chúng tôi qua khe cửa.

Người Bru Vân Kiều sống trong những ngôi nhà làm bằng những cây cột gỗ dài, mái nhà bằng rạ. Họ không có nước máy, không điện, không cống rãnh thoát nước, không điện thoại, nói chung là không có tiện nghi nào cả. Một cộng đồng dân cư nghèo, nằm trong số những người có thu nhập thấp nhất trên thế giới, nhưng trông họ có vẻ vui thú và ngôi làng của họ xem ra là một nơi chốn hạnh phúc.

Dân làng vừa mới săn được một chú lợn rừng và họ mời chúng tôi ăn trưa. Họ ninh thịt lợn rừng trong một chiếc nồi đầy bọt với gia vị thơm gắt. Bao quanh chúng tôi là nhiều người già, phụ nữ trẻ và trẻ em. Họ trố mắt nhìn chúng tôi ăn một cách hiếu kỳ. Một phụ nữ lớn tuổi châm tẩu thuốc làm bằng xương được chạm trỗ tinh vi, rồi thổi phù ra làn khói thơm mùi nhựa cây đặc biệt. Chỉ có vài nam thanh niên, có lẽ đa số đi săn bắn, câu cá hoặc làm công việc ngoài đồng ruộng.

Midaxudavo:

Chương 19 (tiếp)

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã tới Khe Sanh, chiến trường lịch sử nay hoang vắng, tiêu điều. Tôi đã không đi thăm Khe Sanh trong hai lần phục vụ ở Việt Nam trước đây, nhưng đó là điểm nóng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Căn cứ quân sự tọa lạc trên một địa hình thiên nhiên giống cái tô đựng xúp, và Thủy quân lục chiến đã dựng trại ngay giữa “tô xúp” nên thường bị đạn pháo từ những ngọn đồi xung quanh nã xuống. Thủy quân lục chiến đã dọn sạch rừng núi quanh đó bằng bom đạn và hóa chất khai quang, nhưng Việt Cộng lại đào được đường hầm rồi bất thần nổi lên tấn công quân Mỹ.

Ít còn dấu tích gì về căn cứ hỏa lực lớn của Thủy quân lục chiến từng tồn tại nơi đây. Hàng ngàn lính Thủy quân lục chiến Mỹ từng bám chặt Khe Sanh nhiều tháng trời trong vô vọng, cho đến khi cuộc Tổng công kích Mậu Thân bất ngờ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán năm 1968. Cuộc Tổng công kích đồng loạt nhắm vào hàng trăm thành phố, thị xã của Nam Việt Nam, kể cả cuộc tấn công phối hợp vào ngay trung tâm Sài Gòn. Khi quân đội Mỹ nhận định rằng việc vây hãm Khe Sanh chỉ là ý đồ chiến thuật nhằm đánh lạc hướng, họ đã cho phá nổ đường băng sân bay, phá sập các tòa nhà rồi chuyển quân đi đánh ở các nơi khác.

Chỉ có một bảo tàng nhỏ, cỡ bằng một toa xe chở hàng, để nhắc nhớ đến địa điểm chiến trường này. Bên trong chỉ có vài đồ tạo tác là đáng chú ý và một cuốn sổ để khách tham quan ghi lại cảm tưởng. Có ít du khách và cựu chiến binh tiến hành những chuyến đi mạo hiểm băng qua rừng núi để đến Khe Sanh. Cuốn sổ ghi cảm tưởng có vài trăm chữ ký của khách tham quan. Họ ghi lại ký ức, viết lời thăm hỏi, cảm tưởng… hầu hết bằng tiếng Anh và của người Mỹ.

Phía bên cổng vào Khe Sanh có một pa-nô nhỏ với dòng chữ: “Khu vực căn cứ Tacon do Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn xây dựng”. Một người bán dạo trẻ bày bán bên cạnh cổng vào viện bảo tàng, chào hàng các vật kỷ niệm của chiến tranh Việt Nam như những chiếc thẻ bài thật có, giả có, những phù hiệu trên các quân phục cũ, những cái nón sắt…

Bên ngoài viện bảo tàng, trẻ con đang chơi đùa, tranh giành nhau leo lên những quả bom không nổ. Cách đó một chút là những nhà nông đang chăm sóc vườn cà phê của họ.

Đi thêm 20km nữa, chúng tôi đến thị trấn Lao Bảo, nằm ở biên giới của Việt Nam với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Lao Bảo là thiên đường của giới buôn lậu, dồi dào các loại hàng hóa hợp pháp hay bất hợp pháp, kể cả súng đạn và ma túy. Thật là một nơi dừng lại thú vị với chúng tôi tại thị trấn lạ lùng này, trước khi bắt đầu một chuyến hành trình dài trở về Huế.

Trong những năm sau, tôi còn trở đi trở lại Việt Nam nhiều lần, nhưng sau chuyến trở về lần thứ nhất này, tôi đã hiểu rằng những trải nghiệm của tôi ở đây là sâu sắc, thâm thúy và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Qua hai chuyến đi phục vụ y tế và nhân đạo ở Việt Nam trong thời chiến, tôi trở nên yêu mến xứ sở và con người ở đây. Tôi nhớ Việt Nam. Tôi nhớ những con người kỳ diệu của đất nước này. Bằng cách nào đó, tôi đã mất đi, nhưng rồi lại tự tìm thấy mình trong xứ sở Việt Nam xinh đẹp này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro