CÓ MỘT MÙA HÈ
Đó đơn giản là những ngày hè bên cạnh gánh hàng rong như bao đứa trẻ khác. Người phụ nữ gánh trên vai những món "hàng" làm tôi hoa hết cả mắt. Trên hai đòn gánh ấy là đầy đủ mọi thứ từ ăn vặt đến đồ chơi. Đối với mọi người mà nói, người đó đơn giản chỉ đang gánh trên vai những món đồ mưu sinh. Nhưng đối với tôi, người phụ nữ đó đang đánh tuổi thơ cũng như những tháng năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi. Người ấy hay ngồi tận phía trong góc tường của một con hẻm, nằm ở bên hông nhà bà nội của tôi. Nhưng tầm 9 giờ thì người phụ nữ ấy sẽ di chuyển tới ngay sát bên cạnh ngôi nhà, cách đó chỉ hai căn.
Bà Bảy là cái tên mọi người vẫn gọi, gọi con người mang đến niềm vui cho biết bao nhiêu đứa trẻ trong xóm và tất nhiên là trong đó có cả tôi. Hồi nhỏ chỉ mong tới cuối tuần và những ngày hè. Để tôi có thể chạy đến góc đường nơi bà đóng quân. Mua quà vặt, cứu rỗi những ngày hè, ngày nghỉ chán phèo. Đã có lúc, tôi ước rằng lớn lên, mình cũng muốn làm nghề như vậy. Không hiểu tại sao tôi lại có suy nghĩ như vậy, chỉ biết rằng mơ ước đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Lúc nhỏ, vào những ngày hè thì ngoài việc du lịch với gia đình, bản thân tôi chả biết phải đi đâu nữa cả. Chả có bạn bè gì, có lẽ tôi chẳng có ai là bạn hoặc là tôi chẳng cần họ. Nhưng tôi biết duy nhất một điều là chỉ cần mỗi ngày, bước tới góc đường ấy, được nhìn thấy người phụ nữ ấy, ngồi tại góc đường ấy, bên cạnh là gánh hàng ấy, là tôi đủ vui rồi. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ con, cao tầm hơn một mét rưỡi. Nước da rắm nắng, gương mặt có phần hốc hác nhưng luôn cố gắng nở một nụ cười hiền từ. Và đặt biệt là cái lưng gù do phải gánh hàng rong ngày qua ngày. Đó là những hình ảnh luôn được lưu trữ vào bộ nhớ bên trong não bộ của tôi.
Hồi đó, vì còn con nít nên tính tình dễ buồn bực lắm. Có lần bà Bảy hứa với tôi là sẽ lấy những món đồ chơi mới về nhưng lại quên mất. Thế là tôi giận hờn cả buổi, đến khi ngứa ngáy quá rồi mới chịu lết mặt ra ăn hàng. Lúc bấy giờ, có nhiêu tiền là đem đi ăn hàng, mua đồ chơi ở chỗ bà Bảy hết. Khi xài hết tiền ba cho, tôi lại xin thêm từ cô và bà nội tiền ăn vặt, đến khi hết rồi thì lại tiếp tục đi xin người này người kia tiền. Và cũng rất nhiều lần tôi ăn quá lố mà bỏ cả cơm trưa. Tiền tôi đã xài thì phải nói là nhiều vô kể nhưng mà kí ức tôi nhận lại được thì vô giá.
Nhưng có một thời gian, bà Bảy không còn bán nữa. Và chính bản thân tôi cũng quên đi gánh hàng đó. Rồi một lần đi giữa đường, tôi thấy bà đi và cầm trên tay cọc vé số. Tôi khựng người, vẫn là dáng người quen thuộc ấy nhưng gánh hàng rong đã không còn. Bà mỉm cười chào tôi, nụ cười hiền như bao lần, và nói rằng bản thân không còn đủ sức khỏe cũng như vốn liếng để bán nữa. Tôi chỉ biết "Dạ" được một tiếng để rồi lặng người nhìn bà bước đi tiếp. Tôi chẳng thể làm gì, thậm chí tôi còn quên cả tuổi thơ của mình. Lúc tôi chỉ thấy chạnh lòng, không hẳn thế, nói đúng hơn là trong cái khoảng khắc ấy, có thứ gì đó trong tim tôi đã tắt. Mùa hè của tôi, đã chết.
Vài năm sau, nghe nói rằng bà Bảy có bán lại. Tôi có đến, không còn là gánh hàng nữa mà thay vào đó là xe đẩy. Nhưng không sao, tôi vẫn thấy rất vui vì tuổi thơ của mình vẫn còn đó, vẫn tiếp tục tồn tại trên góc đường quen thuộc. Tôi từng có suy nghĩ, hay là bỏ tiền cho bà ấy. Tôi đã từng có một cơ hội, ngày hôm ấy xung quanh không một bóng người, kể cả chủ xe. Nhưng trong cái khoảng khắc cuối cùng, tôi đã đắng đo và rồi điều đó đã không thành. Tại sao ư? Câu trả lời là vì tôi sợ, tôi sợ là nhiêu đó tiền liệu có đủ cho người ta hay không. Kể cả khi có lấy tiền lì xì Tết hay tiền để dành thì tới lúc ba mẹ hỏi tiền đâu hết rồi, tôi cũng chả biết trả lời như thế nào cho phải. Rồi tôi cũng nhận ra, bản thân chỉ là một đứa trẻ, đứa trẻ quên mất tuổi thơ của mình đã từng hạnh phúc ra sao. Tôi sợ hãi trước cái ích kỉ và sự ngây ngô ngày ấy của chính bản thân mình ngày trước.
Có một lần bà Bảy bị công an phường đuổi, và phải buôn bán gần tiệm cắt tóc của bác Hai. Mà khổ nỗi, chỗ ấy thì tít tận bên nhà ngoại, không xa lắm nhưng với một đứa trẻ con thì hành trình ấy khá là dài. Dẫu vậy, tôi quyết định sẽ không từ bỏ gánh hàng rông ấy thêm một lần nào nữa. Thế rồi, hành trình của tôi bắt đầu. Tôi đi sâu vào những con hẻm mà chiều ngang chỉ chưa tới một mét, tới những nơi mà tôi chưa từng tới hoặc ít nhất là chỉ một lần đi ngang qua. Mọi thứ lạ lẫm và mọi người bắt đầu dòm ngó tôi. Càng đi thì càng lo, xa quá rồi, tôi muốn về. Thế mà chân của tôi không biết vì lí do gì mà cứ tiếp tục bước đi, thậm chí đôi chân này sợ rằng sẽ không tìm được đích đến hơn là sợ bị lạc. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn đến nơi. Ánh nắng chiếu rọi vào cả một khoảng đất trống và chiếc xe đẩy hiện hữu ở giữa bức tranh hùng vĩ một cách lạ lùng. Dù gì đi chăng nữa thì đó vẫn là một quyết định đúng đắng, lần đầu tôi quyết định đấu tranh vì một điều gì đó cho bản thân này và cũng có thể là lần cuối cùng.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi lại quên đi gánh hàng ấy thêm lần nữa như một thói quen. Tệ thật. Và như một dấu hiệu của vũ trụ, chính vào năm lớp 9, nhà tôi xây lại nên gia đình tôi phải chuyển qua nhà nội ở tạm. Tại nơi đây tôi được gặp lại những ngày xưa đã cũ của tôi, cũng tại chính cái góc đường ngày ấy. Tất cả mọi thứ vẫn như vậy, chí ít là do tôi nghĩ vậy. Và rồi tôi nhận ra, người phụ nữ mưu sinh ấy không bao giờ quên tôi, chỉ có tôi quên đi người ta, quên đi tuổi thơ của mình. Đúng là không có gì thay đổi, bà Bảy vẫn bán những món đồ chơi, những món ăn ấy, vẫn ngồi tại góc đường ngày xưa. Vậy mà chỉ có tôi, kẻ vẫn luyên thuyên về "người nắm giữ tuổi thơ này nọ", là quên đi người ta hết lần này đến lần khác. Lần cuối cùng tôi được nhìn thấy người phụ nữ ấy, tính đến nay cũng đã hơn bảy năm rồi...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro