Khong luc Hai quan My trong ww2
Chiếc Douglas TBD Devastator (Kẻ Phá Hủy) là một kiểu máy bay ném ngư lôi của Hải quân Hoa Kỳ, đặt hàng năm 1934, bay lần đầu năm 1935 và đưa vào hoạt động năm 1937. Vào thời điểm đó, nó là chiếc máy bay tiên tiến nhất của Hải quân Hoa Kỳ và có thể là của hải quân toàn thế giới. Tuy nhiên, tốc độ phát triển máy bay đã nhanh chóng bắt kịp nó, cho đến khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng TBD đã lỗi thời. Nó hoạt động khá trong vài trận chiến ban đầu, nhưng trong trận Midway những chiếc Devastator tham gia tấn công hạm đội Nhật gần như bị tiêu diệt toàn bộ. Kiểu này được nhanh chóng rút khỏi phục vụ ngoài mặt trận, và được thay bằng Grumman TBF Avenger.
Thiết kế và phát triển
TBD của Phi Đội VT-8 lăn bánh trên tàu sân bay CV-8 trong khoảng 15 tháng 5 năm 1942. Máy bay này được trang bị 2 súng máy 0,30 in và mang ngư lôi.
TBD Devastator ghi dấu như là kiểu máy bay có nhiều cái "nhất" trong Hải quân Hoa Kỳ. Đây là máy bay cánh đơn đầu tiên dùng rộng rãi trên tàu sân bay, cũng là máy bay đầu tiên chế tạo toàn bằng kim loại, chiếc đầu tiên có buồng lái hoàn toàn kín, chiếc đầu tiên với càng đáp xếp được bằng thủy lực; công bằng mà nói TBD là một cuộc cách mạng. Trang bị bộ bánh đáp xếp được một phần, các bánh thu gọn 25 cm (10 inches) bên dưới cánh cho phép hạ cánh bụng với tổn hại tối thiểu.
Đội bay 3 người bố trí bên dưới nóc khoang lái "nhà kính" lớn kéo dài gần nữa chiều dài máy bay. Phi công, đương nhiên, ngồi phía trước; điện tín viên kiêm xạ thủ súng máy ngồi sau cùng, trong khi sĩ quan thả bom ngồi ghế giữa. Khi thả bom, sĩ quan thả bom nằm sấp chui vào vị trí bên dưới ghế phi công để ngắm qua một cửa sổ dưới thân máy bay, xử dụng thiết bị ngắm ném bom Norden. Vũ khí tấn công được thả có thể là 1 ngư lôi Mark XIII hoặc 1 bom 450 kg (1000 lb). Vũ khí phòng thủ gồm 1 súng máy 7,62 mm (.30 cal) hay 12,7 mm (.50 cal) bắn ra trước, và 1 súng máy 7,62 mm (.30 cal) cho xạ thủ phía sau.
Động cơ trang bị là kiểu Pratt & Whitney R-1830-64 Twin Wasp bố trí vòng tròn, công suất 900 mã lực (671 kW).
129 chiếc kiểu này được đặt mua bởi Cơ quan Hàng không (BuAer: Bureau of Aeronautics) Hải quân Mỹ để trang bị cho các tàu sân bay Saratoga, Enterprise, Lexington, Wasp, Hornet, Yorktown và Ranger.
Hải quân Mỹ ý thức vào năm 1940 rằng chiếc TBD đã bị các kiểu máy bay tiêm kích và ném bom các nước khác vượt qua, nên đang chuẩn bị kiểu thay thế (chiếc TBF Avenger), nhưng nó chưa đưa vào xử dụng khi Hoa Kỳ bước vào Thế Chiến II. Đến lúc đó, hao hụt trong huấn luyện đã làm giảm số máy bay chỉ còn hơn 100 chiếc. Devastator trở nên cái bẩy chết người của đội bay; bay chậm và kém cơ động, vũ khí tự vệ kém và vỏ giáp yếu so với vũ khí thời đó. Tốc độ của nó khi lướt tiếp cận thả bom chỉ khoảng 200 dặm mỗi giờ, làm nó trở nên con mồi dễ dàng cho máy bay tiêm kích và súng phòng không.
Hải quân Mỹ bắt đầu đặt tên thông dụng cho những máy bay của họ từ cuối năm 1941, và TBD mang tên "Devastator".
Lịch sử hoạt động
Những ngày đầu của chiến cuộc Thái Bình Dương, TBD làm tốt phận sự của nó trong tháng 2 và tháng 3 năm 1942 và tại trận chiến Biển San Hô, trong đó Devastator giúp đánh chìm tàu sân bay Shōhō của Nhật.
Những sự cố xảy ra cho kiểu ngư lôi Mark XIII vào lúc này. Nhiều trái đánh trúng mục tiêu nhưng không nổ; lại có xu hướng lặn sâu hơn độ sâu quy định. Phải mất hơn một năm để khắc phục những vấn đề này.
Những vấn đề trên chưa khắc phục được vào thời điểm trận Midway, 4 tháng 6 năm 1942. 41 chiếc Devastator xuất kích từ các tàu sân bay USS Hornet, USS Enterprise và USS Yorktown để tấn công hạm đội Nhật. Những chiếc máy bay tiêm kích hộ tống cho nó bị mất liên lạc, và TBD khởi sự tấn công mà không được bảo vệ đầy đủ. Phóng ngư lôi đòi hỏi phải bay đường bay thẳng kéo dài, làm cho máy bay trở nên chỗ yếu, cùng tốc độ bay thấp là mồi ngon cho những chiếc Mitsubishi Zero. Chỉ có 4 chiếc quay trở lại Enterprise, không chiếc nào quay về Hornet hay Yorktown. Tệ nhất, không trái ngư lôi nào trúng. Dù sao, sự hy sinh của chúng không vô nghĩa; những hành động tự sát anh hùng của của các đội bay Devastator hôm đó đã thu hút lực lượng tiêm kích cảnh vệ trên không Nhật ra khỏi vị trí, trong khi các tàu sân bay Nhật đang tiếp dầu và vũ khí cho máy bay ném bom, một cơ hội được khai thác bởi những chiếc máy bay ném bom bổ nhào SBD Dauntless chỉ huy bởi Trung tá C. Wade McClusky.
Hải quân lập tức rút TBD khỏi các đơn vị tiền tuyến sau trận Midway. Chỉ còn 39 máy bay tiếp tục phục vụ ngắn hạn tại Đại Tây Dương và trong các phi đội huấn luyện cho đến năm 1944. Chiếc TBD cuối cùng của Hải quân được dùng bởi Chỉ huy trưởng Không lực Hạm đội Bờ Tây, và không còn chiếc nào khi chiếc TBD của ông bị tháo bỏ vào tháng 11 năm 1944.[1]. Không chiếc nào còn lại sau chiến tranh.
Một cách sòng phẳng, thảm họa của trận Midway phần lớn là do tính mong manh của loại máy bay ném bom/ngư lôi trước hỏa lực pháo phòng không và máy bay tiêm kích phòng ngự. Không có máy bay tiêm kích hộ tống để kìm chân Zero và thu hút pháo phòng không hạm đội, ngay cả TBF Avenger cũng chịu tổn thất nặng tương đương như vậy.
Các nước sử dụng
Hoa Kỳ
• Hải quân Hoa Kỳ
• Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ
Đặc điểm kỹ thuật (TBD-1 Devastator)
[sửa] Đặc điểm chung
• Đội bay: 03 người (phi công, sĩ quan thủy lôi/hoa tiêu, điện báo viên/xạ thủ súng máy)
• Chiều dài: 10,67 m (35 ft 0 in)
• Sải cánh: 15,24 m (50 ft 0 in)
• Chiều cao: 4,60 m (15 ft 1 in)
• Diện tích bề mặt cánh: 39,2 m² (422 ft²)
• Trọng lượng không tải: 2.804 kg (6.182 lb)
• Trọng lượng có tải: 4.473 kg (9.862 lb)
• Trọng lượng cất cánh lớn nhất: 4.623 kg (10.194 lb)
• Động cơ: 1 x động cơ Pratt & Whitney R-1830-64 Twin Wasp-86 bố trí hình tròn, công suất 900 mã lực (671 kW)
Đặc tính bay
• Tốc độ lớn nhất: 331 km/h (206 mph)
• Tầm bay tối đa: 700 km (435 mi)
• Trần bay: 6.000 m (19.700 ft)
• Tốc độ lên cao : 3,7 m/s (720 ft/min)
Vũ khí
• 1 x súng máy M1919 Browning 7,62 mm (.30 cal) hướng trước.
• 1 x súng máy 7,62 mm (.30 cal) ở buồng lái sau (sau này tăng lên 2 súng)
• 1 x bom 453 kg (1.000 lb), hoặc
• 1 x ngư lôi Mark XIII 544 kg (1.200 lb)
Chiếc Grumman TBF Avenger (Người Báo Thù) (còn mang ký hiệu là TBM cho những chiếc được sản xuất bởi General Motors) là kiểu máy bay ném ngư lôi, ban đầu được phát triển cho Hải quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, và được xử dụng bởi một số lớn không quân các nước. Nó được đưa vào xử dụng từ năm 1942, và tham gia chiến sự lần đầu trong trận Midway.
Chiếc Douglas Devastator tiền nhiệm, là máy bay ném ngư lôi chính của Hải quân (từ năm 1935 đến khoảng 1942) đã trở nên lạc hậu vào năm 1939. Để thay thế nó, hãng Grumman được hợp đồng để chế tạo một chiếc mới thay thế. Thiết kế bởi Leroy Grumman, nguyên mẫu đầu tiên mang tên XTBF-1, và mặc dù 1 trong 2 chiếc nguyên mẫu bị rơi gần Brentwood, New York, việc sản xuất vẫn tiếp tục nhanh chóng.
Thiết kế và phát triển
Chiếc máy bay ném ngư lôi đầu tiên của Grumman là chiếc máy bay 1 động cơ nặng nhất của Thế Chiến II, và là chiếc đầu tiên trang bị cơ cấu gập cánh mới (do Grumman thiết kế) nhằm tăng tối đa chỗ chứa trên tàu sân bay; chiếc F6F Hellcat (cùng do Grumman chế tạo) sẽ dùng cùng cơ cấu này. Nó được gắn động cơ Wright R-2600-20 (tạo ra 1.900 mã lực). Đội bay gồm 3 người-phi công, điện báo viên/ném bom/xạ thủ súng máy bụng và xạ thủ súng máy sau lưng. Một súng máy .50 được gắn trên mỗi cánh, và một súng máy .50 gắn bên phải tháp súng cạnh đầu xạ thủ hướng ra phía sau vận hành bằng điện. Thêm 1 súng máy .30 bắn bằng tay gắn ở bụng (dưới đuôi) máy bay, dùng để chống lại máy bay địch tấn công từ phía dưới và đàng sau. Súng này được bắn bởi điện báo viên/ném bom ở tư thế đứng cúi xuống phần bụng của đuôi máy bay, dù anh ta thường ngồi trên ghế xếp hướng ra trước để vận hành radio và nhắm ném bom. Chỉ có 1 bộ điều khiển bay trên máy bay, và buồng lái của phi công tách biệt không thể vào được. Trang bị radio rất cồng kềnh, nhất là theo tiêu chuẩn ngày hôm nay, lấp đầy cả nóc kính buồng lái ngay phía sau phi công. Bộ radio này cho phép thâm nhập để sửa chữa thông qua một "đường hầm" dọc theo bên phải. Chiếc Avenger nào còn bay được cho đến hôm nay thường lắp một ghế vào chỗ bộ radio, tăng đội bay lên 4 người.
Trong trận Midway, tất cả các phi đội ném ngư lôi của 3 tàu sân bay (USS Hornet, USS Enterprise và USS Yorktown) chịu tổn thất kinh khủng; người sống sót duy nhất là Thiếu úy George Gay. Điều này một phần là do tốc độ thấp của Devastator (chậm hơn 320 km/h; 200 mph khi lướt thả bom) và vũ khí phòng vệ kém. Điều khôi hài là, đợt giao hàng TBF đầu tiên cập bến Trân Châu Cảng chỉ vài giờ sau khi 3 chiếc tàu sân bay đã vội vã khởi hành (dù một số ít TBF sau đó tham gia trận chiến cất cánh từ đảo Midway).
Avenger có một khoang bom rộng, cho phép mang 1 ngư lôi Mark 13 Bliss-Leavitt, 1 bom 900 kg (2.000 lb), hay cho đến 4 bom 230 kg (500 lb). Sau trận Midway, nói chung ngư lôi không được dùng thường xuyên cho đến tận tháng 6 năm 1944, sau khi có các cải tiến cho phép xử dụng lại. Đến lúc đó, hiếm khi máy bay Mỹ gặp được tàu đối phương trên biển và Avenger được giao vai trò tấn công hỗ trợ mặt đất. Máy bay có độ cứng chắc và ổn định, phi công bay cảm giác như lái một xe tải, cho dù là tốt hơn hay xấu hơn. Với thiết bị radio tốt, dễ điều khiển, tầm bay xa, Grumman Avenger cũng là máy bay chỉ huy lý tưởng dành cho Chỉ huy trưởng Nhóm bay (CAG: Air Group Commander). Với trần bay 10.000 m (30.000 ft) và tầm bay đủ tải 1.600 km (1.000 dặm), nó tốt hơn mọi máy bay ném ngư lôi Hoa Kỳ trước đây, và tốt hơn đối thủ chính của nó là chiếc Nakajima B5N "Kate" Nhật Bản đã lạc hậu. Những mẫu Avenger sau này được trang bị radar cho vai trò chiến tranh chống tàu ngầm và cảnh báo sớm trên không. Mặc dù những cải tiến về thiết bị radar hàng không mới nhanh chóng có được từ kỹ sư của MIT và công nghiệp điện tử, radar của năm 1943 rất cồng kềnh vì chúng dùng kỹ thuật bóng điện tử chân không. Do đó, radar ban đầu chỉ được mang trên những chiếc TBF Avenger rộng rãi mà không thể gắn trên những chiếc tiêm kích nhanh hơn và nhỏ hơn.
Lịch sử hoạt động
Trưa ngày 7 tháng 12 năm 1941, Grumman tổ chức một buổi lễ khai trương nhà máy sản xuất mới và trưng bày chiếc TBF mới trước công chúng. Điều khôi hài là trong cùng ngày ấy, Hải quân Hoàng gia Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, như sau này Grumman biết được. Sau khi kết thúc buổi lễ, nhà máy được nhanh chóng phong tỏa bảo vệ chống lại mọi ý đồ thâm nhập của đối phương. Đến đầu tháng 6 năm 1942, một chuyến hàng với hơn 100 máy bay được gửi cho Hải quân (cho dù, như trên đã nói, hầu như quá trễ để tham gia trận Midway định mệnh).
Dù sao, 6 chiếc TBF-1 có mặt trên đảo Midway thuộc Phi đội VT-8 (Phi đội Thủy lôi 8), trong khi phần còn lại của phi đội bay Devastator từ chiếc Hornet. Không may là, đa số phi công có rất ít kinh nghiệm trước đó, và chỉ có một chiếc TBF sống sót với hư hại nghiêm trọng và tổn thất nhân mạng nặng nề. Như tác giả Gordon Prange đã mô tả trong cuốn Miracle at Midway (Sự kỳ diệu ở Midway), những chiếc Devastator lạc hậu (và thiếu hụt máy bay mới) làm cho chiến thắng không trọn vẹn (và mất chiếc tàu sân bay Yorktown); sự dũng cảm không thể so sánh được với những chiếc máy bay cao cấp.
Ngày 24 tháng 8 năm 1942, trận hải chiến lớn tiếp theo diễn ra tại Đông Solomons. Với chỉ 2 tàu sân bay USS Saratoga (CV-3) và USS Enterprise, 24 chiếc TBF có mặt đã đánh chìm được tàu sân bay Nhật Ryūjō và bắn rơi một máy bay ném bom bổ nhào, với giá là mất 7 máy bay. Trong thời kỳ đầu của cuộc chiến, có một vấn đề không liên quan đến máy bay phát sinh: Hải quân sử dụng những trái ngư lôi khiếm khuyết trong nhiều trường hợp đã không phát nổ dù đã trúng đích; tác giả Prange nhắc đến trường hợp tương tự do bộ kích nổ từ tính bị hỏng. (tại Midway, tàu ngầm USS Nautilus (SS-168)) thực sự đã bắn trúng chiếc tàu sân bay Sōryū bằng 1 trái ngư lôi hỏng, cho dù là sau khi chiếc tàu Nhật đã bị loại khỏi vòng chiến).
"Phần thưởng" chủ yếu đầu tiên cho TBF (được đặt tên "Avenger" kể từ tháng 10 năm 1941, trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng) là trong trận Guadalcanal vào tháng 11-1942, khi Avenger của Thủy quân Lục chiến và Hải quân giúp đánh chìm chiếc thiết giáp hạm Hiei.
Sau khi hằng trăm TBF được sản xuất (ký hiệu TBF-1), chiếc TBF-1C bắt đầu được sản xuất. Khoảng trống phân phối cho thùng nhiên liệu bên trong và các thùng nhiên liệu dưới cánh giúp tăng tầm bay của Avenger lên gấp đôi. Đến năm 1943, Grumman bắt đầu giảm nhịp độ sản xuất Avenger để dần chuyển qua kiểu tiêm kích F6F Hellcat, và Bộ phận Máy bay Miền Đông của General Motors tiếp nhận sản xuất Avenger (ký hiệu được chuyển thành TBM). Từ giữa năm 1944, TBM-3 bắt đầu được sản xuất với động cơ mạnh hơn và đế cánh để mang thùng nhiên liệu vứt được và rocket. TBM-3 là phiên bản Avenger nhiều nhất(hơn 4.600 chiếc được sản xuất), cho dù hầu hết Avenger sử dụng là TBF-1 cho đến tận gần cuối chiến tranh (1945).
Ngoài nhiệm vụ thả ngư lôi truyền thống, Avenger cũng có được khoảng 30 chiến công diệt tàu ngầm, kể cả chiếc tàu ngầm chở hàng I-52, mà xác nó được tìm thấy năm 1998. Nó là một trong những phương tiện diệt tàu ngầm hiệu quả nhất tại Mặt trận Thái Bình Dương; cũng như tại Đại Tây Dương, khi có được những tàu sân bay hộ tống đi kèm theo những đoàn vận tải của Đồng Minh. Nơi đó, Avenger góp phần vào việc né tránh những chiếc U-Boat Đức khi bảo vệ trên không các đoàn vận tải.
Sau trận đánh Biển Philippine ("Cuộc săn vịt trời Marianas vĩ đại"), trong đó hơn 250 máy bay Nhật bị hạ, Đô Đốc Marc Mitscher yêu cầu một phi vụ có 220 máy bay tham gia để tiêu diệt lực lượng đặc nhiệm hải quân Nhật. Ở ngưỡng tối đa của bán kính chiến đấu (ngoài 300 hải lý), lực lượng bao gồm Hellcat, TBF/TBM, và máy bay ném bom bổ nhào đã chịu nhiều thiệt hại. Dù sao, Avengers từ tàu sân bay USS Belleau Wood (CVL-24) thả ngư lôi trúng chiếc tàu sân bay hạng nhẹ Nhật Hiyō như là chiến công chính duy nhất. Canh bạc của Mitscher không trúng cược nhiều như ông ta hằng hy vọng.
Tháng 6 năm 1943, Tổng thống Hoa Kỳ tương lai George H.W. Bush (cha) trở thành phi công hải quân nhỏ tuổi nhất lúc ấy. Khi đang bay chiếc TBM của Phi đội VT-51 từ tàu sân bay USS San Jacinto (CVL-30), máy bay ông bị bắn trúng ngày 2 tháng 9-1944 trên không phận đảo Chichi Jima, Thái Bình Dương[1]. Cả hai người trong đội bay của ông thiệt mạng; và vì ông đã thả bom trúng mục tiêu trước khi bị buộc phải thoát ra bằng dù, ông được trao tặng huy chương Chữ Thập Bay Dũng Cảm .
Một nhân viên phi hành Avenger nổi tiếng khác là Paul Newman, diễn viên và đạo diễn điện ảnh, vốn là xạ thủ súng máy phía sau. Ông từng hy vọng được tuyển học làm phi công, nhưng không đạt tiêu chuẩn vì mắc chứng mù màu. Newman đã ở trên tàu sân bay Hollandia (CVE-97) cách Nhật Bản khoảng 500 dặm khi chiếc Enola Gay thả trái bom hạt nhân đầu tiên xuống Hiroshima.[2]
TBF/TBM cũng đánh chìm 2 chiếc "siêu thiết giáp hạm" Nhật Bản Musashi và Yamato (vốn là kỳ hạm của Đô Đốc Isoroku Yamamoto trong gần suốt thời gian chiến tranh). Avenger đóng vai trò lớn trong chiến thắng của Mỹ trong Thế Chiến II, cho dù ngư lôi nói chung đã lạc hậu, và được thay bằng máy bay ném bom bổ nhào nhanh và hiệu quả hơn.
Avenger cũng được không lực của Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng, nơi nó ban đầu được gọi là "Tarpon" nhưng về sau đã cùng gọi là Avenger. 402 chiếc đầu tiên được biết dưới tên Avenger Mk 1, 334 chiếc TBM-1 của Grumman gọi là Avenger Mk II, và 334 chiếc TBM-3 là Mark III. Sau chiến tranh, phiên bản chống tàu ngầm "Avenger AS Mk IV" được Hải quân Hoàng gia sử dụng.
Bên sử dụng duy nhất còn lại trong Thế Chiến II là Không quân Hoàng gia New Zealand, dùng kiểu này chủ yếu như là máy bay ném bom hoạt động ở các căn cứ tại các đảo Nam Thái Bình Dương. Một số được chuyển cho Hạm Đội Thái Bình Dương của Anh.
Hoạt động sau chiến tranh
Năm 1945 Avenger tham gia những thử nghiệm tiên phong về rải phân bằng máy bay tại New Zealand dẫn đến việc thiết lập một ngành công nghiệp giúp gia tăng đáng kể sản lượng và hiệu quả nông nghiệp toàn thế giới. Phi công của Phi Đội 42 Không quân Hoàng gia New Zealand đã rải phân bón bằng máy bay Avenger xuống khu vực gần đường băng căn cứ không quân Ohakea.
Sau chiến tranh, sự biến mất của một phi đội Avenger Hoa Kỳ, được biết đến như là sự kiện Chuyến bay 19, khởi sự cho truyền thuyết về khu vực Tam giác Bermuda.
Một trong những bên sử dụng máy bay chính sau chiến tranh là Hải quân Hoàng gia Canadian, đã dùng 125 chiếc TBM Avenger của Hải quân Mỹ trước đây từ năm 1950 đến 1952 để thay thế những chiếc Fairey Firefly cao tuổi. Khi những chiếc Avenger được giao hàng, Hải quân Canadian đã chuyển trọng tâm chú ý sang nhiệm vụ chiến tranh chống tàu ngầm, và máy bay đã nhanh chóng trở nên lạc hậu trong vai trò tấn công. Vì vậy, 98 chiếc trong số đó được trang bị một loạt các cải tiến chống tàu ngầm, bao gồm radar, thiết bị phòng thủ điện tử (ECM) và máy dò sonar, tháp súng lưng được thay bằng nóc kính xuôi phù hợp cho nhiệm vụ quan sát. Chiếc Avenger cải tiến mang tên AS 3, một số trong đó được gắn bộ dò từ trường bất thường (MAD) trong một vòm lớn gắn phía sau bên trái thân và mang tên AS 3M. Dù vậy, lãnh đạo Hải quân Canadian sớm nhận thấy sự yếu kém của Avenger trong vai trò máy bay chống tàu ngầm, nên đến năm 1954 họ chọn S-2 Tracker để thay thế AS 3, cho phép tầm bay xa hơn, tải trọng nhiều hơn cho thiết bị điện tử và vũ khí, và một động cơ thứ hai - một lợi điểm an toàn lớn lao khi bay tuần tra tầm xa trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương băng giá. Khi những chiếc CS2F Trackers sản xuất nhượng quyền bắt đầu được giao hàng vào năm 1957, Avenger được chuyển sang vai trò huấn luyện, và chính thức nghỉ hưu từ tháng 7 năm 1960.[3]
Sự kiện nổi tiếng
Chuyến bay 19
Chuyến bay 19 biến mất vào ngày 5 tháng 12 năm 1945 trong một phi vụ huấn luyện trên Đại Tây Dương. Căn cứ theo những câu chuyện về Tam giác Bermuda, chỉ huy chuyến bay đã báo cáo về những ảnh hưởng thị giác bất thường khi bị mất tích, như là đề cập đến "nước trắng", đại dương "nhìn không giống mọi khi", và la bàn xoay không kiểm soát, trước khi đơn giản biến mất. Thêm nữa, tác giả Berlitz trong sách của ông khẳng định rằng, vì chiếc máy bay ném bom TBM Avenger được chế tạo để nổi được lâu trên mặt nước, họ có thể được tìm thấy vào ngày hôm sau, vì biển lặng và trời quang. Tuy nhiên, không chỉ không bao giờ tìm thấy chúng, một thủy phi cơ của Hải quân truy tìm và giải cứu bay sau đó cũng mất và không tìm được. Thêm vào tình tiết đó là báo cáo của Hải quân về tai nạn được mô tả là "nguyên nhân hay lý do không rõ".[4]
Trong khi những sự kiện căn bản trong câu chuyện theo kiểu Tam giác Bermuda là chính xác, một số chi tiết quan trọng bị bỏ qua. Hình ảnh phổ biến về một phi đội gồm những phi công dầy kinh nghiệm chiến đấu, biến mất trong một buổi chiều nắng đẹp đã không xảy ra. Vào lúc thông điệp radio cuối cùng nhận được từ Chuyến bay 19, bão đang ập đến. Chỉ có chỉ huy chuyến bay, Đại úy Charles Carroll Taylor, có kinh nghiệm chiến đấu và thời gian bay đáng kể, nhưng lúc đó ông chỉ có ít hơn 6 tháng kinh nghiệm bay ở vùng Nam Florida, ít hơn những học viên dưới quyền ông; và một quá khứ bị lạc đường khi bay trước đó 3 lần tại Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến II, và bị buộc phải hạ cánh 2 lần trên mặt nước. Đại úy Taylor cũng được mô tả là người chỉ huy lạnh lùng, trầm tĩnh và tự tin. Thay vào đó, trao đổi radio từ Chuyến bay 19 cho thấy Taylor trở nên mất phương hướng, kém tự tin trong quyết định, và hoàn toàn bị lạc đường.
Câu chuyện còn thường phóng đại việc tất cả máy bay đều gặp sự cố về la bàn, nhưng sau này các báo cáo của Hải quân và ghi chép thu âm những trao đổi giữa Taylor và các phi công khác của Chuyến bay 19 không cho thấy điều đó. Như trong báo cáo của Hải quân, nó cho rằng tổn thất máy bay và đội bay là do nhầm lẫn của chỉ huy chuyến bay; nhưng sau này trong báo cáo chính thức thứ hai, những từ ngữ quy trách nhiệm cho Taylor đổi thành "nguyên nhân không rõ" là để chiều theo nguyện vọng của gia đình ông. Chính sự khẳng định trong bản báo cáo thứ hai bị thay đổi này, cộng thêm việc mất tích những chiếc máy bay dân dụng Star Tiger và Star Ariel sau đó, bắt đầu dấy nên truyền thuyết về Tam giác Bermuda. [4]
Các nước sử dụng
Brasil
• Hải quân Brazil
Canada
• Không quân Hoàng gia Canada
Pháp
• Không lực Hải quân Pháp
Nhật Bản
• Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Hà Lan
• Không quân Hoàng gia Hà Lan
New Zealand
• Không quân Hoàng gia New Zealand
Anh
• Không lực Hải quân Hoàng gia Anh
Hoa Kỳ
• Hải quân Hoa Kỳ
• Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ
Uruguay
• Hải quân Uruguay
Đặc điểm kỹ thuật (TBF Avenger)
Đặc điểm chung
• Đội bay: 03 người (phi công, điện báo viên/ném bom/xạ thủ súng máy bụng, xạ thủ súng máy sau lưng)
• Chiều dài: 12,48 m (40 ft 11.5 in)
• Sải cánh: 16,51 m (54 ft 2 in)
• Chiều cao: 4,70 m (15 ft 5 in)
• Diện tích bề mặt cánh: 45,52 m² (490,02 ft²)
• Trọng lượng không tải: 4.783 kg (10.545 lb)
• Trọng lượng có tải: 8.115 kg (17.893 lb)
• Động cơ: 1 x động cơ Wright R-2600-20 bố trí vòng tròn, công suất 1.900 mã lực (1.420 kW)
Đặc tính bay
• Tốc độ lớn nhất: 444 km/h (276 mph)
• Tầm bay tối đa: 1.610 km (1.000 mi)
• Trần bay: 9.170 m (30.100 ft)
• Tốc độ lên cao: 10,5 m/s (2.060 ft/min)
• Áp lực cánh:178 kg/m² (36,5 ft•lbf²)
• Tỉ lệ công suất/khối lượng:0,17 kW/kg (0,0094 hp/lb)
Vũ khí
• 1 x súng máy Browning M1919 0,30 in (7,62 mm) gắn trước mũi
• 2 x súng máy Browning M2 0,50 in (12,7 mm) gắn trên cánh
• 1 x súng máy 0,50 in (12,7 mm) ở buồng lái sau lưng
• 1 x súng máy 0,30 in (7,62 mm) gắn dưới bụng
• 1 x ngư lôi Mark 13 900 kg (2.000 lb), hoặc
• cho đến 900 kg (2.000 lb) bom
Douglas SBD Dauntless (Dũng cảm) là kiểu máy bay ném bom bổ nhào chủ yếu của Hải quân Hoa Kỳ trong nửa đầu của Thế Chiến II. Chiến công đáng chú ý nhất của nó là đánh chìm 4 tàu sân bay chủ yếu của Hải quân Nhật trong Trận chiến Midway, và nó là chiếc máy bay đánh chìm được nhiều tàu nhất tại Thái Bình Dương so với mọi kiểu máy bay khác của Đồng Minh. Cho đến hết cuộc chiến, nó được dần thay thế bởi chiếc SB2C Helldiver trong vai trò ném bom bổ nhào trên tàu sân bay.
Lục quân Hoa Kỳ có phiên bản riêng của chiếc SBD, tên là A-24 Banshee (Banshee: nữ thần báo tử trong thần thoại Ái Nhỉ Lan), nguyên là cùng một kiểu máy bay với vài thay đổi (bỏ bớt móc hãm không cần thiết và bánh đáp khác). Hai phiên bản A-24A và A-24B được sản xuất và được Lục quân sử dụng trong và sau chiến tranh.
Thiết kế và phát triển
Chiếc SBD được thiết kế dựa trên nền tảng của kiểu máy bay Northrop BT-1, được bắt đầu sản xuất từ năm 1940. Nó được thiết kế bởi nhóm do Ed Heinemann lãnh đạo, với động cơ Wright Cyclone 1.000 mã lực. Một năm trước đó, cả Hải quân và Thủy quân Lục chiến đều đặt hàng một kiểu máy bay ném bom bổ nhào mới, đặt tên là SBD-1 và SBD-2 (kiểu sau có dự trữ nhiên liệu nhiều hơn và trang bị vũ khí khác biệt). Chiếc đầu đưa vào hoạt động cho Thủy quân Lục chiến vào cuối năm 1940, trong khi chiếc sau bắt đầu sử dụng trong Hải quân vào đầu năm 1941.
Phiên bản tiếp theo, SBD-3, bắt đầu sản xuất từ đầu năm 1941. Nó được tăng cường bảo vệ, thùng nhiên liệu tự hàn kín, và 4 súng máy. Kiểu SBD-4 có hệ thống cấp điện 12-vôn (thay vì 6 vôn), và một số ít được biến cải thành kiểu SBD-4P trinh sát.
Phiên bản kế tiếp và được sản xuất nhiều nhất, SBD-5, được sản xuất chủ yếu tại nhà máy của Douglas tại Tulsa, Oklahoma, được trang bị động cơ 1.200 mã lực (895 kW) và tăng cường vũ khí. Có trên 2.400 chiếc được sản xuất, và một số được xuất sang Hải quân Hoàng gia Anh để đánh giá. Ngoài những hoạt động trog quân đội Mỹ, nó cũng tham gia chống Nhật trong Phi Đội 25 của Không quân Hoàng gia New Zealand mà sau đó được thay thế bởi F4U Corsair, và chống lại quân Đức bởi Không quân Pháp Tự do. Một ít cũng được gửi sang Mexico. Phiên bản cuối cùng SBD-6, có thêm những cải tiến khác nhưng việc sản xuất kết thúc vào mùa Hè năm 1944.
Tổng cộng có 5.936 chiếc SBD các kiểu, bao gồm A-24A và A-24B của Lục quân, được sản xuất.
Lịch sử hoạt động
Douglas SBD Dauntless là máy bay ném bom bổ nhào chủ lực của Hải quân Hoa Kỳ từ giữa năm 1940 cho đến cuối năm 1943, khi nó được bổ sung (mặc dù không hoàn toàn thay thế) bởi SB2C Helldiver.
SBD tham gia chiến đấu ngay những ngày đầu của Mặt trận Thái Bình Dương, khi những chiếc Dauntless hạ cánh xuống Hawaii từ tàu sân bay USS Enterprise (CV-6) bị cuốn hút vào Trận chiến Trân Châu Cảng. Hoạt động chính đầu tiên là trong Trận chiến Biển San Hô, khi SBD và TBD đánh chìm chiếc tàu sân bay Nhật Shōhō. SBD cũng được dùng trong nhiệm vụ tuần tra trên không chống ngư lôi và ghi được nhiều chiến công chống máy bay Nhật đang cố gắng tấn công tàu sân bay Lexington và Yorktown. Vũ khí trang bị khá mạnh của nó (hai súng máy cỡ nòng .50 bắn ra phía trước và 1 đến 2 khẩu cỡ nòng .30 gắn linh động) quá đủ để chống lại những máy bay chiến đấu mong manh của Nhật, nên nhiều nhóm phi công-xạ thủ đã thể hiện thái độ năng nổ chống lại máy bay địch tấn công họ. Một phi công, "Swede" Vejtasa, bị 8 chiếc A6M-Zero tấn công đã cầm cự và bắn hạ 3 chiếc sau đó. [1] Kỹ năng của một phi công tiêm kích đã bộc lộ rõ ràng và anh được chuyển ngay sang phi đội tiêm kích. Trong tháng 10 năm 1942 anh bắn rơi 7 máy bay địch trong chỉ 1 ngày. Tuy nhiên, đóng góp quan trọng nhất của SBD trong chiến tranh là vào Trận chiến Midway (đầu tháng 6 năm 1942), khi máy bay ném bom bổ nhào SBD đánh chìm cả 4 chiếc tàu sân bay chủ yếu của Nhật (Akagi, Kaga, Sōryū và Hiryū) cũng như làm hư hại nặng hai tàu tuần dương Nhật (kể cả chiếc Mikuma, bị chìm trước khi một tàu khu trục Nhật đánh đắm nó).
Tại Midway, SBD của Thủy quân Lục chiến không hiệu quả bằng. Một phi đội hoạt động ngoài khơi đảo Midway, không được huấn luyện kỹ thuật "Bổ nhào"; thay vào đó, những phi công mới vận dụng cách lướt thả bom chậm nhưng dễ dàng hơn, dẫn đến tổn thất nặng. Các phi đội xuất phát từ tàu sân bay, cách khác, hiệu quả hơn, phối hợp với sự hộ tống của những chiếc máy bay tiêm kích F4F Wildcat. Cũng cần nói rằng sự thành công của cách ném bom bổ nhào được dựa trên 2 tình huống quan trọng: trước tiên và quan trọng nhất, các tàu sân bay Nhật thực sự đang ở lúc nhạy cảm nhất: những chiếc máy bay ném bom chuẩn bị xung trận với những vòi tiếp nhiên liệu và bom đạn trãi ra khắp sàn chứa máy bay. Hai là, cuộc tấn công đầy quả cảm nhưng bất hạnh của các phi đội máy bay ném ngư lôi TBD Devastator từ các tàu sân bay Mỹ đã lôi kéo những máy bay tiêm kích Nhật bảo vệ ra khỏi hướng đến của những máy bay ném bom bổ nhào, làm nó không thể ngăn chặn những chiếc Dauntless, khiến việc tấn công của SBD không bị trở ngại.
Kế đó, SBD tham gia chiến dịch Guadalcanal, xuất phát từ các tàu sân bay Mỹ và từ sân bay Henderson trên đảo Guadalcanal. Những chiếc Dauntless góp phần làm thiệt hại nặng các tàu chiến Nhật trong chiến dịch, kể cả đắm đắm chiếc tàu sân bay Nhật Ryūjō gần quần đảo Solomon vào ngày 24 tháng 8năm 1942, làm hư hại 3 chiếc khác trong chiến dịch kéo dài 6 tháng. SBD tiếp tục đánh đắm đắm 1 tàu tuần dương và 9 tàu vận tải trong trận đánh Guadalcanal này.
Trong những thời điểm quyết định của chiến cuộc tại Mặt trận Thái Bình Dương, những điểm mạnh và yếu của SBD đã bộc lộ rõ ràng. Điều thú vị là, trong khi điểm mạnh của Mỹ là ném bom bổ nhào, người Nhật nhấn mạnh đến những chiếc máy bay ném ngư lôi Nakajima B5N "Kate" của họ, vốn đã gây ra phần lớn những tổn thất của Mỹ trong Trận chiến Trân Châu Cảng.
Mặc dù đã tỏ ra lạc hậu vào năm 1941, SBD vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến năm 1944 khi những chiếc Dauntless tham gia trận chiến lớn cuối cùng là Trận chiến Biển Philippine. Tuy vậy, một số phi đội Thủy quân Lục chiến tiếp tục sử dụng Dauntless cho đến hết chiến tranh. Trong Hải quân nó được thay thế bởi SB2C Helldiver, trong sự tiếc nuối của phi công, đa số tin rằng chiếc "Chậm mà Chết người" Dauntless tốt hơn chiếc Helldiver, bị đặt tên lóng là "Tên đáng ghét hạng 2" . Dauntless là một trong những máy bay quan trọng nhất trên Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến II, đánh chìm nhiều tàu địch hơn bất kỳ máy bay Mỹ hay Đồng Minh nào khác tại Thái Bình Dương Pacific. Thêm vào đó, Barrett Tilman, trong quyển sách của mình về Dauntless, cho biết về những chiến công không chiến hạ máy bay địch của Dauntless, vốn rất hiếm hoi trong hạng các máy bay ném bom.
Các nước sử dụng
Úc
• Không quân Hoàng gia Australia sử dụng A-24B Banshee.
Chile
• Không quân Chile sử dụng A-24B Banshee.
Pháp
• Không quân Pháp
Mexico
• Không quân Mexico
Maroc
• Cảnh sát Sa mạc Ma-rốc[1]
New Zealand
• Không quân Hoàng gia New Zealand
Anh
• Hải quân Hoàng gia Anh
Hoa Kỳ
• Không lực Lục quân Hoa Kỳ
• Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ
• Hải quân Hoa Kỳ
Đặc điểm kỹ thuật (Douglas SBD Dauntless)
Đặc điểm chung
• Đội bay: 02 người (phi công, xạ thủ súng máy kiêm điện báo viên)
• Chiều dài: 10,08 m (33 ft 1 in)
• Sải cánh: 12,65 m (41 ft 6 in)
• Chiều cao: 4,14 m (13 ft 7 in)
• Diện tích cánh: 30,19 m² (325 ft²)
• Trọng lượng không tải: 2.905 kg (6.404 lb)
• Trọng lượng có tải: 4.843 kg (10.676 lb)
• Trọng lượng cất cánh lớn nhất: 4.853 kg (10.700 lb)
• Động cơ: 1 x động cơ Wright R-1820-60 bố trí vòng tròn, công suất 1.200 mã lực (895 kW)
Đặc tính bay
Tốc độ lớn nhất: 410,38 km/h (255 mph)
Tầm bay tối đa: 1.243,8 km (773 miles)
Trần bay: 7.780 m (25.530 ft)
Tốc độ lên cao : 8,6 m/s (1.700 ft/min)
Áp lực cánh: 160,4 kg/m² (32,8 lb/ft²)
Tỉ lệ công suất/khối lượng: 0,18 kW/kg (0,11 hp/lb)
Vũ khí
2 x súng máy Browning M2 12,7 mm (0,5 in) bắn ra phía trước
1 x súng máy Browning M1919 7,62 mm (0,3 in) do xạ thủ điều khiển; sau này tăng lên 2 khẩu cùng cỡ nòng
1.020 kg (2.250 lb) bom
Chiếc Curtiss-Wright SB2C Helldiver là kiểu máy bay ném bom bổ nhào hoạt động trên tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ trong Thế Chiến II. Nó thay thế cho kiểu Douglas SBD Dauntless phục vụ cho Hải quân trước đó. Cho dù kích thước lớn, SB2C bay nhanh hơn nhiều so với chiếc SBD nó thay thế. Những tên lóng mà các phi đội đặt cho nó như Big-Tailed Beast (hoặc đơn giản là Beast, quái vật đuôi to), Two-Cee (2C) và Son-of-a-Bitch 2nd Class (tên đáng ghét hạng hai) một phần do tai tiếng của một kiểu thiết kế mắc nhiều lỗi.[1]
Mặc dù những vấn đề về sản xuất tiếp tục tồn tại suốt quá trình phục vụ chiến đấu, phi công dần dần thay đổi ý kiến về những tiềm năng của chiếc Helldiver.
Thiết kế và phát triển
Helldiver được thiết kế để thay thế chiếc Douglas SBD Dauntless; nó là máy bay to hơn chiếc tiền nhiệm nên chỉ dùng được trên những tàu sân bay hạm đội lớn, có khả năng mang một loạt các vũ khí khác nhau, có một khoang chứa bom trong thân máy bay giúp làm giảm lực cản khi mang bom nặng. Chịu gánh nặng những yêu cầu kỹ thuật cả từ phía Thủy quân Lục chiến và Không lực Lục quân Hoa Kỳ, nhà sản xuất đã kết hợp nhiều tính năng của một máy bay "đa nhiệm" vào trong thiết kế của nó.[2]
Chiếc nguyên mẫu XB2C-1 lúc ban đầu chịu những vấn đề nhỏ liên quan đến động cơ R-2600 và cánh quạt 3-cánh; sau đó là những yếu kém trong cấu trúc, điều khiển kém, mất ổn định hướng và kém ổn định ở tốc độ thấp. Chiếc nguyên mẫu đầu tiên bay vào tháng 12 năm 1940, và sau khi chiếc nguyên mẫu bị rơi vào tháng 2 năm 1941, Curtiss được yêu cầu chế tạo lại với những thay đổi trong cấu trúc và kiểu dáng. Chiếc nguyên mẫu thứ hai cũng bị rơi vào tháng 12 năm 1941, khi nó đang thoát ra khỏi vòng bay bổ nhào thì cánh phải và cánh đuôi bị hư hại.
Sản xuất hằng loạt được yêu cầu vào ngày 29 tháng 11 năm 1940, nhưng một số lớn các cải tiến được yêu cầu thực hiện trên kiểu sản xuất. Cánh đuôi ngang và bánh lái được mở rộng, thùng nhiên liệu được tự hàn kín và tăng thể tích nhiên liệu dự trữ. Trang bị vũ khí được tăng cường gấp đôi với 4 súng máy 0,50 in. gắn trên cánh so với hai khẩu trên nắp động cơ trước đây. Nhờ dự trữ nhiên liệu nhiều hơn, SB2C-2 gia tăng được tầm bay xa.
Chương trình phát triển gặp nhiều trục trặc nên chiếc Grumman TBF Avenger được đưa vào hoạt động trước chiếc Helldiver, do dù nó được thiết kế chậm hơn những hai năm. Dù sao, nhịp độ sản xuất được tăng tốc do việc sản xuất tại Columbus, Ohio và hai xưởng tại Canada. Fairchild Aircraft Ltd. (Canada) đã sản xuất 300 chiếc XSBF-l, SBF-l, SBF-3 và SBF-4E; trong khi Canadian Car & Foundry chế tạo 894 chiếc SBW-l, SBW-3, SBW-4, SBW-4E và SBW-5. Những kiểu này tương ứng với những những phiên bản do Curtiss chế tạo. Tổng cộng có 7.140 chiếc SB2C được sản xuất trong Thế Chiến II. [3]
Lịch sử hoạt động
Hằng nghìn những cải tiến và thay đổi trên dây chuyền sản xuất làm cho chiếc Curtiss Helldiver không thể đưa vào hoạt động cho đến tận ngày 11 tháng 11 năm 1943, khi Phi đội VB-17 trên chiếc tàu sân bay USS Bunker Hill tấn công cảng Rabaul tại Papua New Guinea do quân Nhật chiếm giữ. Ngay cả khi Helldiver được đưa vào hoạt động trong Hải quân, những vấn đề về cấu trúc máy bay vẫn còn đó, và các phi công bị cấm bay bổ nhào trong những tình huống nhất định (một trong những vai trò chính của nó). Tương lai của "Beast" không thuận lợi khi khi nó không được các đội bay ưa thích, vì nó to và nặng hơn chiếc SBD nó thay thế.[4] Những tai tiếng mà chiếc Helldiver gánh chịu bao gồm động cơ không đủ mạnh, tầm bay xa kém hơn chiếc SBD, được trang bị hệ thống điện tử kém tin cậy và chất lượng sản xuất kém.
Một điểm kỳ quặc của những chiếc SB2C được sơn màu ngụy trang 3-màu kiểu 1942-1943, là mặt dưới phần ngoài cánh lại được sơn màu ngụy trang đậm, vì mặt dưới cánh lại dễ nhìn thấy từ trên cao khi cánh gập.
Hoạt động ngoài hải quân
Được chế tạo tại xưởng của Curtiss ở St. Louis, 900 chiếc được đặt hàng bởi Không lực Lục quân Hoa Kỳ dưới tên gọi A-25A Shrike[5]. Mười chiếc đầu tiên có cánh gập, nhưng số còn lại không có tính năng này. Nhiều thay đổi khác dễ phân biệt chiếc A-25A bao gồm bánh đáp lớn hơn, bánh đáp đuôi kiểu bánh hơi, bệ ngắm súng máy khác biệt, ống xả động cơ dài hơn và trang bị liên lạc vô tuyến theo kiểu Lục quân. Đến cuối năm 1943 khi chiếc A-25A được đưa vào hoạt động, Không lực không còn nhu cầu kiểu máy bay bổ nhào. Họ chuyển giao chiếc Shrike sang Australia, nhưng Không lực Hoàng gia Australia chỉ nhận 10 chiếc và từ chối nhận số còn lại, buộc Không lực phải gởi 410 chiếc sang lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ. A-25A được chuyển sang tiêu chuẩn SB2C-1 nhưng những chiếc SB2C-1 Thủy quân Lục chiến này không tham gia chiến đấu mà chỉ được dùng trong huấn luyện. Những chiếc A-25A còn lại chủ yếu được dùng trong huấn luyện và giả lập mục tiêu.[5]
Tình huống tương tự xảy ra cho những chiếc Helldiver phục vụ tại Anh. Có 26 chiếc máy bay được giao (trong tổng số 450 chiếc đặt hàng) cho Không lực Hải quân Hoàng gia Anh, nơi nó được gọi là Helldiver I. Sau những cuộc thử nghiệm đáng thất vọng, không có chiếc Helldiver của Anh nào được đưa ra hoạt động.[6] Sau chiến tranh, những chiếc máy bay còn lại được bán cho hải quân các nước Pháp, Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Thái Lan.
Các nước sử dụng
Úc
• Không quân Hoàng gia Australia
Pháp
• Không lực Hải quân Pháp
Greece
• Không quân Hy Lạp
Ý
• Không lực Hải quân Ý
Bồ Đào Nha
• Không lực Hải quân Bồ Đào Nha (trước 1952)
• Không quân Bồ Đào Nha (sau 1952)
Thái Lan
• Không quân Hoàng gia Thái Lan
Anh
• Không lực Hải quân Hoàng gia Anh
Hoa Kỳ
• Hải quân Hoa Kỳ
• Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ
• Không lực Lục quân Hoa Kỳ
Đặc điểm kỹ thuật (SB2C Helldiver)
Đặc tính chung
• Đội bay: 02 người (phi công, xạ thủ súng máy/điện báo viên)
• Chiều dài: 11,2 m (36 ft 9 in)
• Sải cánh: 15,2 m (49 ft 9 in)
• Chiều cao: 4,5 m (14 ft 9 in)
• Diện tích bề mặt cánh: 39,2 m² (422 ft²)
• Trọng lượng không tải: 4.588 kg (10.114 lb)
• Trọng lượng có tải: 6.202 kg (13.674 lb)
• Trọng lượng cất cánh tối đa: 7.600 kg (16.800 lb)
• Động cơ: 1 x động cơ Wright R-2600 Cyclone bố trí hình tròn, công suất 1.900 mã lực (1.400 kW)
Đặc tính bay
• Tốc độ lớn nhất: 473 km/h (294 mph)
• Tầm bay tối đa: 1.900 km (1.200 mi)
• Trần bay: 7.600 m (25.000 ft)
• Tốc độ lên cao: 8,9 m/s (1.750 ft/min)
Vũ khí
• 2 x pháo 20 mm gắn trên cánh
• 2 x súng máy Browning M1919 7,62 mm (0,30 in) gắn trên buồng lái sau
• Khoang trong thân máy bay: 900 kg (2.000 lb) bom hoặc 1 x ngư lôi Mark 13-2
• Mang trên cánh: 225 kg (500 lb) bom trên mỗi cánh
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro