Chương 40: Mối lo sợ của Mattia
Sau những ngày Noël, phải đi làm ban ngày, cho nên chúng tôi càng ít hy vọng gặp ông James Milligan. Chúng tôi chỉ còn trông mong ở ngày chủ nhật, ngày đó là ngày tự do, có thể là ngày giải trí, đáng lẽ đi dạo chơi thì thường chúng tôi ở lì nhà.
Chúng tôi chờ đợi.
Không đả động gì đến những điều đương ám ảnh chúng tôi, Mattia thành khẩn hỏi anh bạn Bob có cách tìm được địa chỉ của bà Milligan, có một đứa con trai bị bệnh bại liệt, hoặc là đơn giản hơn thì địa chỉ của ông James Milligan. Nhưng anh Bob đã trả lời rằng cần phải biết rõ cái bà Milligan ấy thế nào và cũng phải biết rõ nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội của ông James Milligan ấy. Bởi vì ở ngay London đã có một số người mang cái tên Milligan ấy huống hồ ở trong nước Anh thì lại còn nhiều người mang tên ấy hơn nữa.
Chúng tôi đâu có nghĩ đến điều đó. Đối với chúng tôi, chỉ có một bà Milligan, đó là mẹ của Arthur, và chỉ có mỗi một ông James Milligan, đó là ông chú của Arthur.
Mattia lại bảo nên trở về Pháp và chúng tôi tranh luận lại càng hăng. Tôi nói:
- Cậu từ bỏ cái ý định tìm gặp bà Milligan rồi à?
- Hẳn là không! Nhưng không gì chứng tỏ bà ấy còn ở Anh.
- Cũng không có gì chứng tỏ bà ấy hiện ở Pháp.
- Có phần chắc là bà ấy đã sang Pháp. Arthur đã ốm thì mẹ nó tất phải đưa nó đến một vùng khí hậu tốt, người ốm dễ bình phục.
- Không phải chỉ ở Pháp mới có khí hậu tốt cho sức khỏe.
- Ở Pháp, thằng Arthur đã lành bệnh một lần rồi, thì tất bà mẹ nó lại đưa nó sang Pháp lần nữa. Vả lại tớ muốn cậu đi khỏi nơi này!
Tôi ở vào cái cảnh ngộ gay cấn đến nỗi không dám hỏi Mattia vì sao nó muốn tôi đi khỏi nơi này. Tôi ngại nó trả lời đúng chính cái điều mà tôi không muốn nghe thấy! Nó nói tiếp:
- Tớ sợ quá! Đi đi thôi, Rémi ạ! Rồi cậu sẽ thấy tai vạ giáng xuống đầu chúng ta cho mà xem. Ta đi đi thôi...
Tuy thế, tôi vẫn không đành nghe theo lời khuyên của Mattia, mặc dầu thái độ của gia đình tôi đối với tôi vẫn như cũ, ông tôi vẫn cứ khạc nhổ một cách giận dữ về phía tôi, bố tôi vẫn chỉ có ra lệnh, mẹ tôi vẫn không bao giờ để mắt đến tôi, hai thằng em luôn giở đủ trò ác độc, hòng làm hại tôi, còn Annie vẫn ra mặt ghét bỏ tôi, bé Kate vẫn chỉ mến tôi vì kẹo bánh đem về cho nó. Mà tôi cũng không thể nào tin được khi Mattia cứ một mực nói rằng tôi không phải là "cậu ấm của Driscoll tiên sinh". Ngờ vực, đúng tôi có thể ngờ vực lắm lắm, nhưng bảo tôi tin quả quyết rằng mình đúng là dòng máu Driscoll hay không phải thế thì tôi không thể làm nổi.
Thời gian trôi đi chậm chạp, rất chậm, nhưng rồi ngày nối ngày, tuần tiếp tuần, cũng đã đến lúc gia đình tôi rời London để đi khắp chốn trên đất nước Anh.
Hai chiếc xe đã được sơn lại và đã chất đầy ắp đủ thứ hàng hóa đem bán trong mùa khô ráo.
Cơ man nào là hàng hóa đã được chất trong xe đến là tài tình: vải, áo sợi,mũ nồi, khăn quàng, khăn tay, bít tất, quần đùi, áo gilê, cúc áo, chỉ khâu, vảibông, vải len, len sợi, kim, kéo, dao cạo, hoa tai, nhẫn, xà phòng, thuốc mỡ, xi đánh giầy, bàn là bằng đá, thuốc bột chữa bệnh ngựa, bệnh chó, thuốc tinh dầu để tẩy vết bẩn, thuốc nước chữa răng, thuốc làm mọc tóc hoặc nhuộm tóc!
Chúng tôi đứng đó và thấy rõ ràng là những kiện hàng ấy đều chuyển từ sân Sư tử đỏ ra, chứ không phải thẳng từ những cửa hàng bình thường vẫn bán.
Cuối cùng, xe chất đầy, ngựa cũng đã mua, mua ở đâu, mua cách nào, tôi không biết! Chỉ thấy dắt ngựa về và mọi việc xếp đặt xong xuôi để lên đường.
Còn chúng tôi thì sẽ làm gì? Ở London với ông già không hề rời sân Sư tửđỏ hay sao? Hay là sẽ đi bán hàng như Allen và Ned? Cũng có thể cùng đi theo xe của gia đình, tiếp tục cái nghề nhạc sĩ rong, biểu diễn tiết mục tại những làng mạc, thành phố xe đi qua? Bố tôi thấy chúng tôi kiếm được khá tiền với cây vĩ cầm và cây thụ cầm, bèn quyết định chúng tôi đi với ông, nhưng vẫn làm cái nghề nhạc sĩ. Trước ngày lên đường ông nói ý định của ông.Mattia bảo tôi:
- Về Pháp nhé! Ta rình cơ hội đầu tiên để trốn đi.
- Sao không chu du nước Anh một chuyến cho hay?
- Vì chúng mình sẽ gặp họa, tớ nói cho cậu biết đấy!
- Chúng ta có cơ hội gặp bà Milligan trên đất Anh.
- Tớ thì tớ tin rằng chúng ta có nhiều hy vọng thấy bà ấy trên đất Pháp hơn.
- Thôi được, chúng ta hãy cứ thử tìm trên đất Anh. Sau này sẽ hay!
- Cậu biết cậu đáng gì không?
- Không!
- Đáng cho tớ bỏ mặc cậu, tớ cút một mình sang Pháp!
- Cậu nói có lý đấy! Vì vậy tớ khuyên cậu cứ làm thế đi! Tớ biết tớ không có quyền giữ cậu, tớ biết cậu ở với tớ thế này là cậu tốt bụng quá. Vậy thì cậu hãy đi đi, rồi cậu tìm đến Lise, nói với em...
- Rằng cậu là một thằng ngu, một thằng xấu cho nên mới nghĩ rằng tớ có thể bỏ cậu mà đi trong lúc cậu đương khốn khổ thế này. Cậu khổ, phải, cậu khổ lắm. Thì tớ làm gì cậu mà cậu có những ý nghĩ thế kia cơ chứ? Hãy nói đi nào, nói tớ đã làm gì cậu? Không làm gì hết, phải không? Thế thì chúng ta lên đường với họ đi thôi!
Chúng tôi lại ra đi trên đường thiên lý. Nhưng lần này, tôi không được tự do muốn đi đâu thì đi, tự ý muốn làm gì thì làm. Chúng tôi đi theo gia đình Driscoll.
Tuy nhiên, tôi rời bỏ thành phố London với cái cảm giác là được giải phóng. Tôi phải nhìn thấy cái sân Sư tử đỏ và cái miệng hầm, nó luôn luôn thu hút mắt tôi mặc dù tôi cố cưỡng lại. Đã bao nhiêu lần đương đêm tôi giật mình tỉnh giấc, vì mơ thấy ánh sáng đèn soi vào cửa chỗ tôi nằm. Đó là một ám ảnh, một cơn mê, nhưng vẫn đáng sợ. Tôi đã nhìn thấy cái ánh đèn ấy một lần, thế là đủ để cho tôi cảm thấy nó ở mãi trước con mắt tôi như một ngọn lửa nóng bỏng.
Hai đứa tôi đi theo sau xe. Chúng tôi không phải ngửi mùi hôi thối ở Bethnal-Green nữa, mà hít thở khí trời trong sạch ở những cánh đồng chúng tôi đi qua...
Những cánh đồng ấy không mang cái từ "Green" trong tên, nhưng lại có màu xanh cho đôi mắt ngắm và tiếng chim hót cho đôi tai nghe.
Ngay trong hôm đầu ra đi, tôi đã thấy người ta bán những hàng hóa không mất tiền mua ấy như thế nào. Đoàn chúng tôi đến một thôn lớn, đỗ xe ngay giữa chợ, người ta hạ một bên thành xe xuống và thế là cả gian hàng phơi bày dưới con mắt tọc mạch của người mua. Bố tôi rao:
- Các ông các bà hãy xem giá hàng, xem giá hàng đi! Không đâu người ta bán giá như thế cả! Vì không bao giờ xỉa tiền mua cho nên tôi có thể bán rẻ. Bán ấy à? Không, bán thế cũng bằng cho không mà thôi! Hãy xem giá hàng! Mời các ông các bà hãy xem giá hàng.
Có những người tới xem giá hàng; lúc đi, tôi nghe thấy họ nói:
- Hàng hóa này chắc là đồ trộm cắp!
- Tự hắn nói rồi đó chứ còn gì!
Giá như họ nhìn qua phía tôi, họ thấy mặt tôi đỏ bừng lên thì chắc họ biết rằng những lời ức đoán của họ rất có căn cứ. Mattia thì nó thấy và ngay tối hôm đó, nó nói thêm về chuyện ấy, mặc dù từ trước tới nay nó tránh không đi thẳng vào vấn đề.
- Cậu chịu mãi được sự sỉ nhục này chăng?
- Van cậu đừng có nhắc đến nếu cậu không muốn làm khổ tớ hơn nữa.
- Tớ có muốn thế đâu! Tớ muốn chúng mình trở về Pháp. Tớ nói mãi với cậu rằng thế nào cũng xảy ra tai vạ. Bây giờ tớ nhắc lại lần nữa và tớ cảm thấy tai vạ sắp giáng xuống rồi. Cậu phải hiểu rằng không chóng thì chầy, rồi cũng có ngày bọn cảnh sát muốn biết làm thế nào mà tiên sinh Driscoll bán hàng của mình rẻ đến thế. Lúc bấy giờ sự thể sẽ ra sao?
- Mattia tớ van cậu!
- Cậu đã không muốn mở mắt ra cho thấy, thì tớ phải nhìn thấy hộ cậu! Sẽ có ngày người ta tóm cổ ráo, cả cậu, cả tớ nữa, mặc dù chúng mình không làm gì nên tội. Làm sao chứng minh được rằng chúng ta không can dự vào? Làm sao tự bào chữa cho được! Không phải mình ăn thứ bánh mua bằng tiền bán những món hàng ấy hay sao?
Tôi chưa hề nghĩ đến điều đó. Nó đập vào tâm trí tôi như một nhát búa tạ ai nện lên óc. Tôi gắng gượng chống chế, không phải chống chế với Mattia mà chống chế với cái ý nghĩ ấy. Tôi nói:
- Nhưng chúng mình ăn cái thứ do chính chúng mình làm ra đấy chứ!
- Đúng đấy, – Mattia đáp. – Nhưng có điều này cũng đúng tức là chúng ta hợp tác với những người ăn cái thứ họ không làm ra. Người ta sẽ vạch ra điều đó và người ta cũng chỉ vạch đến điều đó mà thôi. Chúng ta sẽ bị tù tội cũng như họ. Điều đó nhất định làm cho tớ đau khổ vô cùng vì bị cầm tù do tội trộm cắp, nhưng tớ còn đau khổ hơn nhiều nếu chính cậu bị như thế. Tớ, tớ chỉ là một đứa trẻ cùng khốn nghèo hèn, và rồi tớ cũng đến thế mà thôi, còn cậu. Khi tìm thấy gia đình, gia đình thật sự của cậu, gia đình cậu sẽ buồn tủi biết bao, cậu sẽ xấu hổ biết bao, nếu cậu đã bị tù tội! Vả lại, bị tù thì không có cách nào báo cho bà Milligan hay cái việc ông James Milliganmưu hại thằng Arthur. Thôi thì chúng ta hãy chuồn đi trong khi còn kịp.
- Cậu chuồn đi!
- Cậu cứ nhai mãi cái chuyện dại dột ấy! Chuồn thì chúng ta cùng chuồn, hoặc bị tóm thì chúng ta cùng bị tóm. Chừng nào chúng mình bị tóm rồi – sắp đấy, không phải chờ đợi lâu đâu – chừng ấy, cậu sẽ chịu trách nhiệm làm liên lụy đến tớ. Rồi cậu xem cái trách nhiệm ấy có nặng nề không! Cậu khăng khăng đòi ở lại bên cạnh người ta mà có ích lợi gì cho người ta thì sự cứng đầu của cậu, tớ còn hiểu được. Đó là một cử chỉ đẹp đẽ. Đằng này, cậu chả cần thiết gì cho họ: Không có cậu, ngày trước họ vẫn sống, sau này họ cũng sẽ sống. Ta đi mau mau đi thôi!
- Thế thì cậu hãy thư thư cho tớ vài ngày để tớ suy nghĩ rồi hãy hay.
- Phải nhanh lên! Yêu quái đánh hơi thấy thịt tươi, tớ đánh hơi thấy tai vạ.
Chưa bao giờ lời lẽ và sự van nài của Mattia làm tôi xúc động sâu sắc đến thế. Mỗi khi nghĩ đến thì tôi tự nhủ rằng thái độ do dự của tôi là hèn nhát, rằng bề nào thì tôi cũng phải quyết định đi, phải biết mình muốn gì mới được. Sự việc xảy ra đến về sau đã làm hộ tôi cái việc tự tôi không dám làm.
Chúng tôi rời bỏ thành phố London đã mấy tuần rồi. Bây giờ chúng tôi đến một đô thị sắp mở hội đua ngựa. Đua ngựa ở Anh không giống như ở Pháp; ở Pháp đua ngựa là một trò giải trí cho kẻ giàu sang, họ đến để xem ba bốn con ngựa chạy thi, để cho người ta xem mình và để đánh cá dăm ba đồng bạc. Ở đây đua ngựa là một ngày hội dân gian của cả một vùng mà người ta đến không chỉ để xem ngựa chạy. Trên đồng hoang hay trên động cát dùng làm bãi quần, tự mấy ngày trước những đoàn xiếc, những người bói toán du phương, nhưng người bán hàng rong đã đến họp chợ. Mattia và tôi với tư cách là nhạc sĩ, gia đình Driscoll với tư cách là người buôn bán.
Tuy nhiên, bố tôi không đến bãi quần, mà lại dọn hàng ngay trong thành phố. Có lẽ ông nghĩ ở đó hàng bán chạy hơn.
Đến sớm và không bận vào công việc bày hàng, hai chúng tôi đi dạo xem bãi quần ở một cánh đồng cói gần thành phố. Nhiều lều vải đã được dựng lên, từ xa trông thấy những cột khói mỏng thì biết ngay địa điểm và ranh giới của bãi quần. Chúng tôi đi vào một con đường trũng, trong giây lát thì ra tới cánh đồng. Cánh đồng ngày thường cằn cỗi và trống hoang, chiều hôm nay lô nhô những nhà ván dùng làm quán rượu, quán ăn, những lều, những xe, có khi chỉ là những bếp lửa trại giữa trời, chung quanh đó chen chúc những người mặc quần áo đẹp lắm hình nhiều sắc.
Chúng tôi vừa đi ngang một bếp lửa trại trên đó lủng lẳng một chiếc nồi, thì nhận thấy anh Bob. Gặp chúng tôi, anh mừng rỡ khôn xiết. Anh đến hội đua với hai người bạn đồng nghiệp để biểu diễn tài nghệ và thể lực. Nhưng mấy nhạc sĩ đã hẹn với các anh ấy lại không giữ lời hứa, thành thử cái khoản thu hôm nay sẽ chả ra gì chứ không hời như các anh hy vọng. Anh bảo chúng tôi có thể giúp ích cho các anh nhiều lắm nếu chúng tôi vui lòng thay thế bọn nhạc sĩ kia: tiền thu sẽ chia năm, lại có phần cho con Capi nữa.
Mattia liếc mắt sang tôi. Thấy con mắt nó, tôi biết rằng nhận lời anh Bob thì nó sẽ khoái lắm. Vì chúng tôi được tự do muốn làm gì tùy thích, miễn là đem nhiều tiền về, nên tôi nhận lời. Hai bên giao hẹn sáng hôm sau đến cho các anh ấy bố trí công việc.
Khi về, tôi báo cáo về việc thu xếp này với bố tôi thì xảy ra một trở ngại.
Bố tôi bảo:
- Ngày mai tôi cần con Capi. Các anh không được mang nó theo!
Nghe thấy thế, tôi đâm lo. Người ta muốn dùng con Capi vào một chuyện xấu xa đây chăng? Nhưng bố tôi đánh tan ngay sự lo lắng ấy:
- Con Capi thính lắm. – Ông nói. – Tiếng động nhỏ nào nó cũng nghe và nó biết giữ của giỏi. Nó giúp chúng ta coi xe rất tốt vì trong cảnh lộn xộn lắm kẻ lại người qua, ta có thể bị lấy trộm hàng. Vậy chỉ hai anh đi đánh đàn cùng với Bob thôi. Nếu biểu diễn quá khuya – chắc là thế – thì các anh đến tìm tôi ở quán Cây Sồi Lớn; gia đình sẽ ngủ ở đó vì tôi định tối mai rời khỏi nơi đây.
Quán Cây Sồi Lớn mà chúng tôi trọ đêm trước ở cách nơi này chừng một dặm. Quán dựng ở giữa cánh đồng trống, tại một nơi vắng vẻ, rùng rợn.Vợ chồng chủ quán có một vẻ khả nghi. Đường thẳng băng, tìm đến quán rất dễ, duy phiền một nỗi là sau một ngày làm việc mệt nhọc, đi thế cũng hơi xa.
Nhưng đó không phải là một điều đáng lưu ý bố tôi: ông không chịu để cho người ta cãi lại, ông đã bảo thì phải vâng, không được đối đáp.
Sáng hôm sau, tôi dắt con Capi đi dạo một vòng, cho nó ăn uống để chắc chắn là nó không thiếu thốn gì. Xong tôi tự tay buộc nó vào trục bánh xe mà nó có bổn phận canh giữ, rồi hai đứa tôi đi đến bãi quần.
Đến nơi thì chúng tôi vào chơi nhạc liền, và chơi suốt đến tối, không nghỉ ngơi. Mấy đầu ngón tay tôi đau buốt như bị châm ngàn mũi gai. Mattia thì thổi kèn đẩy đến không thở ra hơi. Tuy thế vẫn cứ phải đánh đàn, phải thổi kèn: anh Bob và các bạn anh diễn xiếc không biết mệt, thì chúng tôi cũng phải chơi nhạc không biết mỏi. Đêm đến, tôi tưởng được nghỉ hóa ra vẫn chưa! Chúng tôi rời lều vải, đến một quán bằng gỗ ván, và ở đấy xiếc nhạc diễn lại càng hăng. Cứ thế cho đến quá nửa đêm. Tôi vẫn cào thụ cầm ầm ĩ, nhưng chẳng biết là mình đánh bản gì; Mattia cũng không hơn gì tôi. Hàng chục lần, anh Bob rao đây là biểu diễn cuối cùng, hàng chục lần chúng tôi diễn lại.
Chúng tôi chỉ mới mệt mỏi, còn các anh ấy thì đã rã rời vì họ dùng sức nhiều hơn. Họ đã diễn hỏng vài tiết mục. Một lần cây gậy làm trò của họ đổ xuống bàn chân Mattia. Đau quá, nó kêu thét lên. Tôi tưởng nó giập chân rồi.
Anh Bob và tôi xúm lại quanh nó. May quá, vết thương không đến nỗi nặng như tôi tưởng: Có bầm nát, rách da thịt, nhưng xương không bị giập. Tuy vậy Mattia không đứng được. Làm thế nào bây giờ?
Chúng tôi giải quyết là Mattia thì cứ nằm ở lại xe anh Bob, để một mình tôi về quán Cây Sồi Lớn. Tôi cần phải biết gia đình Driscoll hôm sau đi đâu.
Mattia bảo:
- Đừng đi, Rémi ạ! Mai chúng ta sẽ cùng đi với nhau!
- Nhỡ mai không tìm thấy người ta ở quán Cây Sồi Lớn thì thế nào?
- Càng hay! Chúng ta được giải phóng!
- Nếu tớ rời bỏ gia đình Driscoll thì không phải bằng cách ấy! Vả lại, cậu tưởng họ không tìm thấy chúng ta ngay à? Cậu còn đi đâu được với bàn chân ấy?
- Ừ thì đi! Cậu đã muốn thế thì mai chúng ta đi. Nhưng đêm nay hượm đã, tớ sợ lắm!
- Sợ gì?
- Không biết. Tớ sợ cho cậu!
- Để tớ đi, Mattia ạ! Tớ hứa với cậu mai sẽ trở lại!
- Lỡ ra họ giữ cậu lại thì sao?
- Để họ không giữ tớ được thì tớ gửi đàn cho cậu. Như thế tất họ phải để tớ trở lại lấy đàn.Và thế là mặc dù Mattia lo ngại, tôi vẫn ra đi không chút e sợ.
Sợ ai, sợ cái gì kia chứ? Ai người ta đòi gì, hỏi gì ở cái thằng cầu bơ cầu bất này!
Tuy không chút sợ hãi, tôi vẫn thấy xúc động nhiều. Lần này là lần đầu tiên tôi thực sự cô đơn, không có con Capi, không có Mattia bên mình. Tôi thấy khó chịu vì cô độc, tôi bàng hoàng khi nghe tiếng kêu huyền bí của đêm khuya. Nhìn lên gương trăng nhàn nhạt, tôi cũng thấy buồn.
Tôi đi nhanh, mặc dù đương mệt, và cuối cùng đến quán Cây Sồi Lớn. Tôi kiếm mỏi mắt không thấy chiếc xe của gia đình tôi. Có hai, ba chiếc xe mui vải tồi tàn, một nhà gỗ ván và hai cỗ xe thấp, bên trong ấy vang ra tiếng thú dữ khi tôi đến gần. Nhưng hai chiếc xe xinh đẹp, sơn màu sắc lộng lẫy của gia đình Driscoll thì không thấy đâu cả.
Đi quanh quán, tôi thấy có ánh sáng ở một vòm cửa sổ gắn kính. Nghĩ rằng trong nhà còn có người thức, tôi gõ cửa. Người chủ quán có vẻ mặt gian giảo mà tôi để ý hôm trước đích thân mở cửa cho tôi. Hắn soi đèn thẳng vào mặt tôi. Hắn nhận ra tôi. Nhưng hắn không nhường lối cho tôi vào, mà cắp đèn đi sau lưng, hắn nhìn chung quanh nghe ngóng mấy giây rồi mới nói:
- Xe nhà anh đi rồi! Bố anh dặn đến gặp ông ta ở Louisse, không được trì hoãn và phải đi suốt đêm. Thôi anh đi mạnh giỏi..!
Thế rồi hắn bỏ mặc tôi, đóng ngay cửa lại. Từ khi đến Anh, tôi đã học tiếng nước này đủ để hiểu các câu ngắn đó. Tuy nhiên, có một tiếng không gợi cho tôi ý niệm nào cả, mà đó là tiếng quan trọng nhất. Lão chủ quán nói: Louisse. Louisse là nơi nào cơ chứ? Tôi chẳng biết mô tả ra sao cả, bởi vì tôi không hiểu ra rằng Louisse là cách đọc theo tiếng Anh của Lewes, tên một thị xã có ghi trên bản đồ. Vả lại, có biết Louisse ở đâu chăng nữa thì tôi cũng không thể bỏ Mattia mà đến đó ngay. Bởi vì tôi phải trở lại bãi quần, dù đã mệt mỏi lắm. Tôi quay lại và một tiếng rưỡi đồng hồ sau thì tôi nằm trong xe anh Bob trên một cái ổ rơm ấm, bên cạnh Mattia. Tôi thuật lại sự việc vắn tắt cho nó nghe rồi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.
Đánh một giấc mấy tiếng đồng hồ lại sức, sáng hôm sau tôi tươi tỉnh, sẵn sàng đi Louisse nếu Mattia – nó còn đương ngủ – có thể đi theo tôi.
Tôi ra khỏi xe, lại chỗ anh Bob. Anh dậy trước tôi, đương nhóm bếp. Tôi đương nhìn anh bò rạp xuống đất, phùng má thổi dưới nồi, thì thoáng thấy viên cảnh sát nắm dây con Capi dắt đi. Tôi sửng sốt đứng im, nghĩ thầm không biết có chuyện gì lạ vậy. Nhưng con Capi nhận ra tôi; nó đã giằng mạnh, làm dây tuột khỏi tay viên cảnh sát. Tức thời nó nhảy mấy nhảy đến bên tôi và vọt lên tay tôi. Viên cảnh sát đi đến, nói:
- Con chó này của anh phải không?
- Phải!
- Thế thì tôi bắt anh!
Bàn tay hắn chộp lên cánh tay tôi, siết chặt. Lời nói và cử chỉ của viên cảnh sát khiến anh Bob đứng lên. Anh bước tới, hỏi:
- Này! Vì cớ gì ông bắt em này!
- Anh là anh nó à?
- Không. Là bạn!
- Đêm qua, một người đàn ông và một thằng bé đã bắc thang leo qua một cửa sổ cao, vào trong nhà thờ Saint-Georges. Chúng đem theo con chó này để nó báo hiệu cho chúng, nếu có người đến phá đám. Sự việc quả đã xảy ra như thế. Bị bất ngờ chúng nhảy qua cửa sổ chạy trốn, không kịp mang con chó theo. Con chó không chạy theo chủ được bị bắt lại ở ngay nhà thờ. Dắt con chó đi, tôi biết chắc thế nào cũng bắt được bọn trộm, và tôi đã bắt được một đứa. Thằng bố giờ ở đâu?
Tôi không biết viên cảnh sát hỏi anh Bob hay hỏi tôi. Tôi không đáp, tâm thần thảng thốt. Tuy nhiên, tôi hiểu sự việc xảy ra như thế nào rồi. Dù không đúng tôi cũng nghiệm ra: người ta bảo tôi trao con Capi cho người ta không phải để giữ xe hàng, mà để báo động cho những người vào lấy trộm trong nhà thờ, vì tai nó thính. Rồi cũng không phải chỉ để đến ngủ ở quán Cây Sồi Lớn cho khoái mà người ta cho xe khởi hành lúc chập choạng tối. Sau đó, xe không nghỉ lại ở quán là vì vụ trộm bị bại lộ, phải mau mau xa chạy cao bay.
Tuy nhiên tôi thấy không nên nghĩ đến những kẻ phạm tội mà chỉ nên nghĩ đến mình. Họ có là ai thì tôi cũng vẫn tự bào chữa được và chứng minh được sự trong trắng của mình, không cần tố giác họ. Tôi chỉ cần báo cáo công việc làm từng giờ của tôi trong đêm ấy là rõ.
Tôi lý luận thế. Trong khi đó Mattia không biết vì viên cảnh sát nói hay nghe tiếng ồn ào mà thức dậy. Nó ra khỏi xe, đi tập tễnh đến bên tôi. Tôi nói với anh Bob:
- Anh giải thích hộ cho ông ấy rõ tôi không phải là kẻ phạm tội vì tôi đã làm việc bên cạnh anh đến một giờ đêm. Sau đó, tôi đến quán Cây Sồi Lớn gặp ông chủ quán nói vài câu rồi đi ngay trở về đây.
Anh Bob dịch mấy lời tôi nói cho viên cảnh sát nghe. Nhưng viên cảnh sát không chấp nhận như tôi hy vọng, trái lại. Hắn ta nói:
- Chúng vào nhà thờ lúc một giờ một khắc. Thằng bé này xưng là nó ở đây lúc một giờ đúng hay kém mấy phút. Như thế nó có thể ở nhà thờ lúc một giờ một khắc, cùng với bọn trộm.
- Từ đây đi vào thành phố phải đi hơn một khắc – anh Bob nói.
- Ồ! Chạy thì kịp. – Viện cảnh sát đáp. – Với lại ai chứng thực với tôi rằng nó đi lúc một giờ?
- Tôi, tôi thề đấy!
- À, anh? Còn phải xem sự chứng thực của anh có giá trị như thế nào đã!
Anh Bob không chịu. Đĩnh đạc, anh tuyên bố:
- Tôi lưu ý ông: tôi là một công dân Anh.
Viên cảnh sát nhún vai.
- Nếu ông lăng mạ tôi thì tôi viết bài đăng tờ Thời báo.
- Trong khi chờ đợi, tôi hẵng mang thằng bé này đi đã! Nó sẽ trình bày với quan tòa!
Mattia ôm lấy tôi, tôi tưởng để hôn. Nhưng không, nó thường lo chuyện thực tế trước chuyện tình cảm. Nó rỉ tai tôi:
- Hãy vững tâm! Chúng tớ không bỏ cậu đâu!
Xong, nó mới hôn tôi. Tôi nói với nó bằng tiếng Pháp: "Hãy giữ con Capi lại!" Nhưng viên cảnh sát hiểu. Hắn nói:
- Không, không! Ta giữ con chó! Nó đã giúp ta bắt được chú mày, nó sẽ giúp ta tóm cổ những tên kia.
Tôi bị bắt lần này là lần thứ hai, nhưng tôi cảm thấy nhục nhã ê chề hơn trước nhiều. Lần này không phải là một sự buộc tội vô nghĩa lý như vụ con bò sữa dù sau này người ta có xét thấy tôi vô tội và tha bổng đi nữa, để tôi không đau đớn thấy những người kia kết án đúng hay sao?
Tôi phải đi qua giữa hai hàng rào người tò mò đến xem. Nhưng người ta không la ó, không hăm dọa chúng tôi như ở bên Pháp. Nhưng người đến xem đây không phải là nông dân mà toàn là những người dù ít dù nhiều đều đã có chuyện với cảnh sát. Đó là dân xiếc rong, dân hàng quán, dân bói du phương, tóm lại là dân lang thang.
Cái nhà tù họ nhốt tôi không phải là một nhà tù trò chơi như cái trại giam chứa đầy hành năm trước. Cái nhà tù này là một cái nhà tù thực sự có cửa sổ chắn những song sắt lớn, chỉ mới nhìn thấy cũng đủ tiêu tan từ trong trứng mọi ý chí vượt ngục. Trong buồng giam tôi chỉ có một cái ghế dài để ngồi và một cái võng để ngủ.
Tôi ngồi phịch xuống ghế, rũ rượi một lúc lâu, tôi nghĩ ngợi về cảnh ngộ của tôi, nghĩ lang bang không mạch lạch vì không tài nào kết ý này với ý kia và chuyển từ ý trước qua ý sau cho được. Hiện tại thật là kinh khiếp mà tương lai còn khôn xiết hãi hùng!
Mattia bảo: "Hãy vững tâm! Chúng tớ không bỏ cậu đâu!" Nhưng thử hỏi một chú bé như Mattia thì làm nên trò trống gì? Hơn nữa, nếu anh Bob vui lòng giúp Mattia thì một người lớn hồ dễ làm được gì?
Khi ở tù thì người ta chỉ có một ý định là ra tù.
Không bỏ tôi và làm đủ mọi cách để giúp tôi thì Mattia và anh Bob có thể làm như thế nào để giúp tôi ra khỏi cái ngục kín này nhỉ? Tôi đến bên cửa sổ, mở ra, sờ mó những song sắt đóng chéo bên ngoài. Song sắt gắn cứng trong đá. Tôi xem xét từng vách tường dày gần một mét. Nền lát những tảng đá lớn. Cửa ra vào bọc một lớp tôn.Tôi lại quay về cửa sổ. Cửa sổ mở nhìn xuống một khoảng sân hẹp và dài, đằng đầu kia có một bức tường lớn bịt kín, ít nhất cũng cao đến bốn mét.
Chắc hẳn là không thể trốn thoát cái nhà ngục này dù có được những bạn tận tâm giúp đỡ. Sự tận tình của bạn phá sao nổi cái thực tại gay gắt nơi đây?
Sự tận tình không thể chọc thủng tường vách được!
Với tôi bây giờ, vấn đề chỉ còn là tìm hiểu xem phải ở bao nhiêu lâu trong ngục này, trước khi ra trước quan tòa để định đoạt số phận. Ra đấy, tôi có thể chứng minh sự trong trắng của mình hay không, mặc dù con Capi bị bắt trong nhà thờ? Liệu tôi có thể tự bào chữa mà không cần phải vạch tội của những người mà tôi không muốn và không thể tố cáo hay không?
Tất cả vấn đề của tôi là ở đó. Ở đó, và chỉ có ở đó thôi, là Mattia và anh bạn Bob của nó có thể giúp tôi. Vai trò của họ là thu thập những bằng cớ để chứng thực là lúc một giờ một khắc, tôi không thể có mặt ở nhà thờ Saint-Georges. Nếu họ đưa được bằng chứng ấy thì tôi thoát nạn, bất chấp cái bằng chứng câm chống lại tôi, là con Capi tội nghiệp. Những bằng chứng ấy tôi cho là không phải không tìm được.
Chao ôi! Giá mà Mattia không đau chân thì thế nào nó cũng biết sục sạo, xoay xở. Nhưng nó đau như thế thì có rời khỏi xe được không? Nó không đi lại được thì anh Bob có sẵn lòng làm thay nó không?
Tôi biết nhiều chuyện về những người tù tội, trong đó có một chuyện nói đến cách người bên ngoài dùng để liên lạc với người bị giam giữ: người ta giấu những mảnh giấy con vào trong thức ăn mang từ ngoài vào. Có lẽ Mattia và anh Bob cũng dùng cách ấy. Chợt nghĩ thế tôi bẻ vụn miếng bánh khẩu phần ra. Nhưng tôi không tìm thấy gì cả. Cùng với bánh, người ta có cho khoai tây. Tôi tán khoai tây ra bột và vẫn không thấy có mẩu giấy nhỏ nào.
Chắc Mattia và anh Bob không biết nhắn gì với tôi, hoặc là điều này có phần chắc hơn, họ không thể nhắn gì với tôi được cả.
Vậy hãy đợi đến mai thôi, đợi mà cố gắng đừng lo phiền quá đáng! Khốn thay! Tôi lại không thể không lo phiền! Tôi dám chắc rằng sau này, dù sống lâu đến bao nhiêu, tôi cũng vẫn nhớ cái đêm khủng khiếp tôi sống trong nhà ngục này như mới hôm qua thôi. Chao ôi! Tôi quả rồ dại đã không tin vào linh tính và sự lo lắng của Mattia.
Sáng hôm sau, viên cai ngục mang đến cho tôi một bô nước và một cái chậu. Lão ta bảo tôi rửa mặt nếu thấy thích, bởi tôi sắp ra trước tòa. Lão nói thêm rằng ăn mặc sạch chỉnh tề đôi khi là cách bào chữa tốt nhất của người bị cáo. Rửa ráy xong, tôi muốn ngồi xuống ghế. Nhưng không tài nào ngồi yên một chỗ được, tôi cứ loanh quanh trong buồng giam như con thú quay quay trong chuồng.
Tôi định nghĩ sẵn những câu trả lời và những lý lẽ để bào chữa. Nhưng tôi hốt quá. Tôi không nghĩ đến hiện tại, chỉ vẩn vơ nghĩ đến đủ các thứ chuyện vô lý, chúng nó lần lượt diễu qua trong đầu óc mệt mỏi của tôi như những hình ảnh của một chiếc đèn chiếu.
Người cai ngục trở lại, bảo tôi đi theo lão. Tôi đi bên cạnh lão ta, qua nhiều lần hành lang đến một cái cửa sổ nhỏ. Lão mở cửa nói:
- Vào đi.
Một luồng không khí nóng hắt vào mặt tôi cùng với tiếng ồn ào không nghe ra gì cả. Tôi bước vào phòng và thấy mình đứng trước một phòng tòa án!Tôi đương ở trong một cơn mê hoảng, mạch máu ở thái dương đập như sắp vỡ. Tuy thế, nhìn quanh một vòng, tôi cũng trông thấy rõ ràng và đầy đủ cái phòng xử án và những người có mặt ở đấy.
Phòng xử án khá rộng, trần cao, cửa sổ lớn. Phòng ngăn làm hai, một nửa dành cho tòa án, một nửa dành cho những người hiếu kỳ đến xem, quan tòa ngồi trên một bục cao. Trước mặt ông, thấp hơn một ít, có ba nhân vật tòa án nữa. Sau này tôi mới biết ba ông này, một ông là lục sự, một ông là thủ quỹ để lo về việc phạt tiền, và một quan tòa gọi là công tố viên. Trước kệ tôi đứng, có một nhân vật mặc áo thụng cài tóc giả, đó là vị trạng sư của tôi.
Sao tôi lại có trạng sư? Ông ấy từ đâu đến với tôi? Ai đem ông ấy đến cho tôi đấy? Mattia và anh Bob chăng? Lúc này không phải là lúc xem xét các câu hỏi đó. Chỉ biết rằng tôi có một trạng sư, thế là đủ.
Tôi nhìn thấy, trên một kệ khác, chính anh Bob và hai đồng nghiệp của anh, người chủ quán Cây Sồi Lớn và mấy người khác mà tôi không quen biết. Trên kệ đối diện, tôi nhận ra viên cảnh sát đã bắt tôi; bên cạnh hắn ta có nhiều người khác. Tôi biết đó là những kệ dành cho người làm chứng.
Phần dành cho công chúng đã chật người. Trên một bao lơn, tôi trông thấy Mattia, bốn mắt chúng tôi giao nhau, quấn lấy nhau, thế là tôi tức khắc lại vững lòng. Tôi sẽ được bênh vực, chỉ cần về phần tôi đùng nản chí và phải tự bênh vực lấy mình. Tất cả những tia mắt chĩa vào người tôi bây giờ không đè bẹp được tôi nữa.
Viên công tố đọc cáo trạng. Ông ta có vẻ vội vàng. Ông trình bày vắn tắt sự việc: "Một vụ trộm đã xảy ra ở nhà thờ Saint-Georges. Bọn kẻ trộm, gồm có một người lớn và một đứa bé, đã dùng thang leo lên phá cửa sổ chui vào nhà, chúng mang theo một con chó để canh giữ và báo động khi có biến. Một khách qua đường khuya muộn – lúc ấy là một giờ một khắc – lấy làm lạ sao có chút ánh sáng le lói trong nhà thờ. Ông ta lắng tai và nghe thấy có tiếng răng rắc, tức thì ông chạy đi đánh thức viên coi nhà thờ. Có đông người đến. Nhưng con chó đã sủa lên và trong khi người ta mở cửa thì bọn trộm hoảng sợ đã nhảy cửa sổ chạy trốn. Chúng đã bỏ con chó lại, con chó không leo thang được. Viên cảnh sát Jerry dắt con chó đến bãi quần. Sự thông minh và mẫn cán của ông ta thì không thể hết lời ca ngợi được. Tại đấy, con chó đã nhận ra được chủ nó, tức là cái người bị cáo đương ngồi ở ghế trên. Còn tên trộm thứ hai thì đương bị truy nã".Viên công tố viên nêu một số lý lẽ để chứng minh rằng tôi phạm tội, rồi chấm dứt cáo trạng. Một giọng the thé thét lên: "Yêu cầu im lặng". Bây giờ, không quay sang phía tôi và như tự nói riêng với mình, quan tòa hỏi tên, tuổi, nghề nghiệp của tôi. Tôi đáp bằng tiếng Anh rằng tôi là Francis Driscoll, tôi ở với cha mẹ tôi ở London, khu Bethnal-Green, sân Sư tử đỏ.
Xong tôi xin phép được nói bằng tiếng Pháp bởi vì tôi lớn lên ở nước Pháp và mới đến nước Anh được mấy tháng. Quan tòa nghiêm giọng nói:
- Đừng có mong lừa dối được bản chức! Bản chức biết tiếng Pháp!
Thế là tôi kể câu chuyện của tôi bằng tiếng Pháp và tôi giải thích không thể nào tôi vào trong nhà thờ lúc một giờ đêm vì vào giờ ấy, tôi còn ở bãi quần ngựa và đến hai giờ rưỡi thì tôi đến quán Cây Sồi Lớn rồi.
- Thế anh ở đâu lúc một giờ một khắc? – Quan tòa hỏi.
- Đương trên đường đi!
- Đó là điều phải chứng nghiệm. Anh nói anh đương trên đường đi tới quán Cây Sồi Lớn mà bản cáo trạng thì khẳng định là anh ở trong nhà thờ. Đi từ bãi quần từ một giờ kém mấy phút, hẳn là anh đã đến với tên đồng lõa của anh dưới tường nhà thờ. Tên ấy đợi anh ở đó với chiếc thang. Khi vụ trộm vỡ lở, anh mới đi đến quán Cây Sồi Lớn.
Tôi gắng sức chứng minh rằng sự việc không thể xảy ra như thế được nhưng tôi thấy ông thẩm phán không có gì tin tôi. Ông hỏi:
- Thế anh giải thích việc con chó của anh có mặt trong nhà thờ như thếnào?
- Tôi không giải thích được vì chính tôi cũng không hiểu. Hôm qua, con chó của tôi không đi với tôi. Tôi buộc nó ở nhà, dưới gầm xe.
Tôi thấy không tiện nói thêm vì tôi không muốn đưa dao cho người ta chém cha tôi. Tôi nhìn Mattia, nó ra hiệu bảo tôi tiếp nhưng tôi không nói.
Người ta gọi một nhân chứng. Người ta bảo người ấy thề trên sách Thánh ước là sẽ nói sự thật, không vì hằn thù mà cũng không vì đắm đuối. Đó là một người đứng tuổi, béo lùn, dáng dấp oai vệ lạ lùng mặc dù mặt ông ta đỏ, mũi ông ta tím. Trước khi thề, ông nhún gối thi lễ tòa án, rồi đứng lên có vẻ trịnh trọng lắm. Đó là viên coi nhà thờ Saint-Georges.
Ông ta bắt đầu nói rất nhiều về nỗi xúc động và niềm căm phẫn không bờ bến của ông khi nghe người ta đến đánh thức ông đột ngột để báo rằng có kẻ trộm vào nhà thờ. Thoạt tiên ông ta nghĩ rằng người ta bày trò đùa ông, nhưng rồi nghĩ ai lại bày trò đùa với một người tư cách như ông, cho nên ông hiểu là có việc nghiêm trọng đã xảy ra. Ông vội vàng mặc áo, vội đến nỗi làm đứt phăng hai cúc áo gilê. Cuối cùng, ông chạy đến, ông mở cửa nhà thờ và ông thấy... ai? Hay nói cho đúng: Gì?... một con chó.
Tôi không đối đáp gì về những chuyện ấy, nhưng ông trạng sư của tôi từ đầu không nói gì bây giờ đứng lên. Ông vung đầu tóc, xốc áo và lên tiếng hỏi:
- Tối hôm trước, ai đóng cửa nhà thờ?
- Tôi. – Viên coi nhà thờ đáp. – Đó là nhiệm vụ của tôi!
- Ông có chắc thế không?
- Khi tôi làm việc gì thì tôi biết chắc là tôi làm việc đó!
- Còn khi ông không làm?
- Thì tôi biết chắc là tôi không làm!
- Tốt lắm! Thế thì ông có thể thề rằng ông không nhốt con chó ấy trong nhà thờ khi ông đóng cửa, hay không?
- Nếu con chó ở trong nhà thờ, thì tôi đã thấy!
- Mắt ông có tốt không?
- Mắt tôi như mắt mọi người.
- Trước đây sáu tháng, có phải ông đã xông vào một con bê bụng mổ phanh treo trước cửa hàng một anh đồ tể, có phải không?
Viên coi nhà thờ tím mặt hét:
- Tôi không thấy sự quan trọng của một vấn đề như thế đặt ra với một người tư cách như tôi.
- Xin ông hết sức chịu khó trả lời y như thể vấn đề đó là quan trọng.
- Đúng là tôi có đụng phải một con vật treo một cách vụng về ở cửa hàng anh đồ tể!
- Thế nghĩa là ông không thấy nó?
- Lúc ấy tôi bận trí.
- Khi ông đóng cửa nhà thờ, chắc ông đã ăn tối?
- Hẳn rồi!
- Thế khi chui vào con bê, ông đã ăn tối chưa?
- Ái chà...
- Ông bảo ông chưa ăn tối à?
- Ăn rồi chứ?
- Ông uống bia nhẹ hay bia mạnh?
- Bia mạnh.
- Mấy chai lớn.
- Hai.
- Không bao giờ nhiều hơn?
- Có khi ba?
- Không khi nào bốn? Không khi nào sáu?
- Họa hoằn thôi!
- Ông không uống nước đường pha rượu mạnh sau bữa tối?
- Cũng có một đôi khi...
- Ông ưa pha nhiều rượu hay loãng?
- Không loãng lắm!
- Mấy cốc?
- Tùy.
- Ông có sẵn sàng thề rằng không lúc nào ông uống đến ba hoặc bốn cốc hay không?
Vì viên coi nhà thờ cứ mỗi lúc càng tím mặt, không trả lời nữa, ông trạng sư ngồi xuống. Ông vừa ngồi xuống vừa nói:
- Cuộc khẩu vấn này tạm đủ để xác minh rằng con chó đó có thể bị ông thủ từ nhốt lại trong nhà thờ, ông ấy sau bữa tối đã từng không nhìn thấy con bê vì bị bận trí. Đó là tất cả điều tôi muốn biết.
Nếu tôi bạo gan, hẳn tôi đã ôm ông trạng sư của tôi mà hôn. Tôi được cứu thoát rồi đây! Sao con Capi lại không bị viên thủ từ nhốt vào nhà thờ kia chứ? Có thể lắm! Mà nếu nó đã bị nhốt theo cách ấy thì hẳn là không do tôi đưa vào. Như vậy, nghĩa là tôi không có tội, vì chỉ có sự kiện ấy buộc tội tôi mà thôi.
Sau đó, tòa nghe những người chứng về phía tôi khai. Đó là anh Bob, hai người bạn và người chủ quán. Ai cũng nói về giờ giấc làm việc của tôi đêm hôm đó. Tuy nhiên vẫn còn một điểm quyết định, ấy là cái giờ chính xác tôi rời bãi quần ra đi.
Lấy cung xong, quan tòa hỏi tôi có muốn nói gì không và bảo cho tôi biết là tôi có thể không nói nếu thấy im lặng là hơn. Tôi đáp rằng tôi bị oan, mong nhờ lượng tòa minh xét. Bấy giờ quan tòa cho đọc biên bản những người hỏi cung mà tôi vừa nghe. Rồi ông tuyên bố sẽ cho rời tôi đến nhà lao tỉnh, để đợi đại hội đồng thẩm án quyết định có đưa tôi ra xử trước tòa đại hình hay không?
Tòa đại hình ư? Tôi bủn rủn khuỵu xuống ghế. Chao ôi! Sao tôi không sớm nghe lời Mattia?
P/S: Đánh máy xong hết rồi, bảo up chương mới mà k hiểu sao cứ bị quên nay mới nhớ ra để up lun ý =((((
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro