Chương 37: Tã đẹp nói dối
Tôi cố gắng làm thân nhưng hai thằng em tôi, Allen và Ned, chỉ một mực tỏ ác cảm ra mặt. Tất cả những gì tôi muốn làm cho chúng nó đều bị chúng nó hắt hủi. Rõ ràng, đối với chúng, tôi không phải là một người anh.
Chuyện con Capi đã dựng nên một sự ngăn cách rõ rệt giữa chúng tôi. Tôi bảo chúng nó rõ không phải bằng lời nói vì tôi nói tiếng Anh còn khó khăn, mà bằng điệu bộ rất sinh động và đầy ý nghĩa, trong đó hai nắm đấm đóng vai trò chính. Tôi dùng hai nắm đấm nói rằng nếu chúng nó còn muốn giở trò gì với con Capi thì sẽ đụng ngay với tôi, tôi sẵn sàng bảo vệ con Capi hoặc trả thù cho nó.Không có em trai nữa, tôi tìm đến em gái. Nhưng Annie, con chị đối xử với tôi cũng chẳng hơn gì mấy đứa em trai nó. Cũng như hai thằng kia, nó ác cảm ra mặt đối với những cố gắng làm thân của tôi. Không ngày nào nó không bày trò cho tôi một vài vố theo kiểu của nó, và con bé quả là giàu sáng kiến về mặt này!
Bị Allen và Ned xa lánh, bị Annie hắt hủi, tôi chỉ còn con bé Kate, mới lên ba, còn quá ngây thơ để nhập bọn với các anh chị. Con bé cũng thích để tôi vuốt ve, trước hết bởi vì tôi thường bảo Capi diễn trò cho nó xem. Về sau, khi Capi trở về với chúng tôi thì tôi lại đưa về cho con bé nào kẹo, nào bánh, nào cam; trong khi chúng tôi diễn trò ngoài đường phố, bọn trẻ nhỏ đã mang quà lại và long trọng bảo: "Phần con chó!" Đem cam làm quà cho chó, có lẽ chẳng thích hợp lắm, nhưng tôi cũng nhận và cảm ơn. Những quả cam ấy sẽ giúp tôi giành được thiện cảm của tiểu thư Kate.
Ấy đó, trong cả cái gia đình mà tôi dành cho biết bao nhiêu trìu mến trong tim tôi khi mới đặt chân lên đất Anh, chỉ còn mỗi con bé Kate là còn cho phép tôi được quý mến nó. Ông tôi vẫn cứ khạc nhổ một cách giận dữ về phía tôi mỗi khi tôi đến gần. Bố tôi chỉ chú ý đến tôi mỗi buổi chiều khi hỏi đến số tiền thu được. Mẹ tôi thường vắng mặt; Allen, Ned và Annie thì ghét bỏ tôi. Chỉ còn Kate là còn để cho tôi vuốt ve, nhưng phải chăng chỉ khi nào túi tôi còn đầy quà? Đến là thất vọng!
Bởi thế, lúc đầu tuy tôi bác bỏ những điều ức đoán của Mattia, nhưng trong tâm trạng buồn bực, cũng đã có lúc tôi phải tự hỏi mình rằng nếu tôi đúng là con của nhà này, thì mọi người tất đã bộc lộ những tình cảm khác với cách đối xử khá thô bạo với tôi như hiện nay. Mà tôi đâu đã làm gì đáng phải chịu sự ghẻ lạnh hoặc sự phũ phàng ấy cho cam!
Thấy tôi ủ rũ và suy nghĩ buồn phiền, Mattia hiểu ngay vì sao. Nó bảo tôi, mà cũng như tự nhủ với mình: "Tớ nóng lòng muốn biết má Barberin sẽ trả lời cậu ra sao!"
Muốn nhận được bức thư mà chúng tôi đã dặn gửi theo cách "lưu trạm" chúng tôi thay đường đi mọi ngày. Chúng tôi xuống tận nhà bưu điện. Trong nhiều ngày, chẳng có gì, nhưng cuối cùng thì lá thư hằng nóng lòng mong đợi ấy cũng đã được trao tận tay người nhận. Nhà bưu điện không phải là nơi thuận tiện để đọc thư, chúng tôi lại đến con đường nhỏ ở một phố gần đây, cũng là để có thời gian cho cảm xúc lắng xuống chút ít. Ở đó, tôi đã mở bức thư của má Barberin nghĩa là thư mà người cha xứ Chavanon viết hộ:
"Bé Rémi yêu mến,
Những điều con cho má biết trong thư khiến má ngạc nhiên và bực bội...Má cứ tưởng bố mẹ con gia tư dư dật, hơn thế, vào hạng giàu sang quyền quý nữa kia...Con bảo má nói tường tận cho con rõ những chiếc tã bọc con như thế nào.
Dễ lắm, vì má đã giữ lại tất cả những vật ấy, để dùng làm tang chứng trong việc nhìn nhận con, cái ngày người ta đến hỏi con. Trước nay má vẫn đinh ninh rằng thế nào rồi cũng có cái ngày ấy.
Nhưng trước hết phải nói rằng con không có tã. Đôi lúc má nói đến tã là vì thói quen và cũng vì trẻ em ở xứ má bọc tã. Con thì không bọc tã. Trái lại con mặc quần áo đàng hoàng. Đây là những vật mặc trên người con lúc bấy giờ: một cái mũ chụp bằng ren, chỉ khác thường ở chỗ đẹp và sang quá, một chiếc yếm vải phin viền ren cỡ nhỏ ở cổ và cánh tay; một đôi hài dệt tay màu trắng đính những cái găng tơ; một cái áo dài bằng dạ trắng và cuối cùng là một chiếc áo khoác ngoài trùm cả đầu bằng hàng cátsơmia trắng, lót lụa, thêu thùa rất đẹp... Sau hết phải nói rằng tất cả những áo xống ấy đều không mang dấu hiệu.
Nhưng cái khăn bọc và cái yếm chắc là có đánh dấu, bởi vì cái góc thường thường mang dấu hiệu thì đã bị cắt đi. Việc này chứng tỏ người ta đã tìm đủ mọi cách để đề phòng kẻ đi tìm không theo dấu vết được. Đó là tất cả những cái má có thể nói rồi đó, bé Rémi yêu quý ạ. Nếu con thấy cần những vật ấy, con chỉ việc viết thư cho má, má sẽ gửi đến cho con.
Con đừng phiền lòng, con yêu quý, đừng phiền lòng là không biếu má được những tặng vật tốt đẹp mà con hứa với má. Con bò sữa, do con nhịn bữa mà mua, đối với má quý hơn tất cả những vật biếu tặng trên đời. Má vui mừng tin cho con biết rằng con bò khỏe, sữa không giảm và nhờ nó ngày nay má sống thư thả. Mỗi khi thấy nó, má không thể không nghĩ tới con và chú bạn nhỏ Mattia của con.
Má sẽ rất vui lòng nhận thư con viết cho má biết tin tức của con. Má mong những tin ấy luôn luôn tốt lành. Con âu yếm, giàu tình cảm là thế, lẽ nào chẳng sung sướng giữa gia đình con, có cha, có mẹ, anh chị em trai gái bên cạnh! Thế nào người ta cũng sẽ yêu con xứng đáng với tấm lòng con.
Chào con, con yêu quý, má hôn con âu yếm.
Mẹ nuôi của con.
Quả phụ BARBERIN."
Đoạn cuối bức thư khiến tim tôi se lại. Tội nghiệp má, má tốt với tôi làm sao! Vì má yêu tôi nên má ngỡ ai cũng yêu tôi như má.
- Bà ấy tốt quá. – Mattia nói. – Bà có nghĩ đến tớ đấy! Mà dù bà không nghĩ đến đi nữa tớ cũng cảm ơn bà. Bà đã tả tỉ mỉ, trọn vẹn như vậy thì ông Driscoll không thể nhầm lẫn nổi đối với cậu khi kể những áo quần cậu mặc lúc người ta bắt trộm cậu.
- Ông ấy có thể quên!
- Đừng nói thế! Ai lại đi quên những bộ quần áo con mình mặc ngày mình mất nó vì chính những bộ quần áo ấy sẽ giúp mình tìm lại nó.
- Tớ xin cậu đừng có đoán già đoán non, chờ đến khi bố tớ trả lời hẵng hay.
- Tớ có đoán gì đâu, chỉ có cậu nói là ông ấy có thể quên.
- Thôi được, để rồi xem.
Hỏi bố xem tôi ăn mặc như thế nào cái ngày bị bắt trộm là việc không dễ.
Giá tôi hỏi một cách thực thà, không dụng ý thì hết sức đơn giản. Đằng này không phải như thế và chính sự dụng ý khiến tôi rụt rè do dự.
Thế rồi một hôm, vì mưa rét quá, phải về sớm, tôi đánh bạo nói về cái vấn đề lâu nay giày vò tôi. Tôi mới bắt đầu hỏi thì bố tôi đã nhìn trừng trừng vào mặt tôi. Ông có thói quen làm thế mỗi khi tôi nói cái gì phật ý ông. Nhưng tôi đương đầu với cái nhìn ấy gan dạ hơn là tôi tưởng trước đây khi nghĩ tới giây phút này. Tôi ngỡ rằng ông sắp nổi giận. Tôi lo lắng liếc mắt về phía Mattia, nó lắng tai nghe mà vờ không để ý. Tôi muốn phân bua với nó là tại nó nên tôi mới mắc vào cái việc vụng dại này. Nhưng bố tôi không nổi nóng.
Qua cơn giận lúc đầu, ông mỉm cười. Thực ra thì trong nụ cười ấy có cái gì tàn ác, nhẫn tâm, nhưng dù sao đó vẫn là một nụ cười. Ông nói:
- Cái điều giúp bố tìm con đắc lực nhất là sự mô tả những quần áo con mặc ngày con bị bắt trộm: một mũ chụp bằng ren, một chiếc yếm viền ren, một khăn bọc và một cái áo dài bằng dạ, một đôi tất len, một đôi hài dệt tay, một áo khoác ngoài trùm cả đầu bằng cátsơmia trắng có thêu. Bố rất trông cậy ở hai chữ F.D đánh dấu trên khăn yếm; nó là tên con: Francis Driscoll. Nhưng dấu hiệu ấy đã bị người phụ nữ bắt trộm con cắt đi, chị ta hy vọng rằng làm thế thì không bao giờ ta tìm lại được con. Bố cũng đã xuất trình tờ khai lễ rửa tội sao lục ở nhà thờ xứ; người ta đã trả lại bố và hình như bố còn cất đâu đây.
Ông nói thế và sốt sắng đi tìm trong ngăn kéo, bình thường ông không sốt sắng như thế bao giờ, lát sau ông mang lại một tờ giấy có đóng nhiều con dấu trao cho tôi. Tôi đánh bạo một lần cuối:
- Nếu bố cho phép, – tôi nói, – con nhờ Mattia dịch ra cho con nghe.
- Được chứ!
Chữ được chữ mất, Mattia dịch ra cho tôi biết là tôi sinh ngày thứ năm mồng 2 tháng 8, tôi là con ông Patrick Driscoll và bà Margaret Grange, vợ ông ta.Còn đòi hỏi gì nữa kia chứ? Tuy nhiên Mattia cũng không lấy làm thỏa mãn. Đêm đến, khi chúng tôi đã chui vào chiếc xe của chúng tôi rồi thì nó lại ghé vào tai tôi như khi cần nói một điều bí mật:
- Tất cả các cái ấy không thể chê được, nhưng rốt cục vẫn không làm sáng tỏ vì sao ông Driscoll bán hàng rong và bà Grange, vợ ông, lại giàu có đến mức sắm cho con những mũ ren, những yếm viền ren, những áo khoác thêu thùa. Những người buôn bán hàng rong đâu có lắm tiền thế!
- Chính vì người buôn bán cho nên người ta có thể mua sắm những thứ ấy không mất nhiều tiền!
Mattia huýt sáo, lắc đầu. Xong, nó lại rỉ tai tôi:
- Cậu muốn tớ nói cái điều cứ lởn vởn mãi trong óc tớ không? Là cậu không phải là con của Driscoll tiên sinh mà chính Driscoll tiên sinh đã bắt trộm cậu.Tôi muốn cãi lại, nhưng Mattia đã lên giường nó.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro