Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 5: TRONG NGÁCH NGƯỢC

Im lặng đã trở lại trong mỏ. Không có tiếng động nhỏ nào vang đến chúng tôi. Dưới chân, nước nằm phẳng lặng, không một tí gợn, không một tiếng rì rào. Như cụ giáo nói, nước đầy ắp cả mỏ và sau khi tràn ngập các đường hầm từ nền đến nóc, nước vít chúng tôi lại trong cái nhà tù này, vít kín hơn, chắc chắn hơn một bức vách đá. Cái im lặng nặng nề, bí hiểm, cái im lặng ở cõi âm này còn ghê gớm, còn kinh hồn hơn cái náo động gớm ghiếc khi nước tràn lên. Giờ đây, chúng tôi bị chôn sống dưới mồ và trên tim chúng tôi có ba bốn mươi thước đất đè xuống nặng trĩu. Khi lao động thì chúng tôi lãng khuây. Bây giờ rỗi rãi, chúng tôi thật thấm thía cảnh ngộ của mình. Người nào cũng có lúc rời rã chán chường, kể cả cụ giáo.

Thình lình tôi cảm thấy có những giọt gì nóng nóng rỏ lên bàn tay tôi. Đó là thằng Carrory đang khóc thầm. Cùng một lúc có nhiều tiếng thở dài và tiếng rên rỉ ở tầng trên: "Pierre, Pierre con ơi!" Đấy là tiếng bác Pagès nhớ đến con mà than vãn...

Không khí nặng nề khó thở. Tôi thấy tức ngực và ù tai. Cụ giáo thì không có vẻ phờ phạc, rã rời một cách quá đáng như chúng tôi, hoặc là cụ muốn chống trạng thái ấy và tránh không cho chúng tôi buông xuôi trong tuyệt vọng. Cụ lên tiếng nói:

- Bây giờ chúng ta hãy xem còn bao nhiêu lương thực.

- Cụ cho rằng – Chú Gaspard nói – Chúng ta sẽ bị giam lâu dài ở dưới này chăng?

- Không, nhưng phải đề phòng. Ai có bánh mì?

Không ai trả lời. Tôi nói:

- Cháu còn một mẩu trong túi.

- Túi nào?

- Túi quần.

- Thế thì bánh của cháu thành cháo rồi. Hẵng cứ đưa ra.

Lúc sáng, tôi có cất trong túi một miếng vỏ bánh mì vàng ửng và giòn tan, bây giờ tôi móc túi ra một thứ cháo nhão nhoét. Thất vọng, tôi định vứt đi thì cụ giáo cản tay tôi. Cụ nói:

- Cứ giữ món cháo của cháu lại! Bây giờ thì dở đấy, nhưng ít nữa rồi cháu thấy ngon cho mà coi.

Lời dự đoán ấy đáng làm chúng tôi lo ngại, nhưng chúng tôi không để ý. Sau này, tôi mới nhớ lại và biết rằng ngay từ lúc bấy giờ, cụ giáo đã nhìn thấy đầy đủ tình cảnh nguy khốn của chúng tôi. Nếu cụ không thấy trước một cách chi tiết những nỗi đau khổ ghê gớm mà chúng tôi sẽ phải chịu, thì ít ra cụ cũng không có ảo tưởng là người ta sẽ cứu được chúng tôi một cách dễ dàng.

- Không còn ai còn bánh nữa à? – Cụ hỏi.

Không có ai trả lời. Cụ lại tiếp:

- Thế thì phiền đấy!

- Cụ đói à? – Compayrou ngắt lời.

- Tôi không hỏi cho tôi, mà cho Rémi và Carrory. Nếu có bánh mì thì phải để cho chúng nó.

Bergounhoux hỏi:

- Sao không chia đều cho tất cả chúng ta? Như vậy là không công bằng! Ai thì cũng đói như nhau cả thôi!

- À à, ra thế đấy! Giá có bánh mì, thì chắc hẳn đã xảy ra xích mích rồi đấy. Vậy mà các bạn đã hứa nghe theo tôi! Thực ra các bạn chỉ nghe theo tôi sau khi đã cãi vã chán chê và chịu nhận tôi nói đúng!

- Thế tất anh ta phải tuân lệnh thôi!

- Nghĩa là cũng sau khi có lẽ xảy ra xung đột! Vậy thì muốn khỏi có xung đột, tôi xin nói rõ vì sao bánh mì phải dành cho Rémi và Carrory. Tự tôi không đề ra cái lệ ấy đâu! Đó là luật pháp: luật pháp chỉ rõ là khi nhiều người cỡ dưới sáu mươi tuổi cùng chết trong một tai nạn nào đó thì người cao tuổi nhất thường là người sống dai nhất. Như thế cũng có nghĩa là Rémi và Carrory, còn ít tuổi, tất nhiên sức chịu đựng kém hơn so với Pagès và Compayrou.

- Thế cụ, cụ giáo, cụ trên sáu mươi rồi.

- Ồ, tôi ấy à? Tôi thì kể gì! Vả lại tôi đã có thói quen ăn uống chừng mực.

Sau khi suy nghĩ, thằng Carrory nói:

- Thế thì nếu tôi có bánh, bánh ấy phải dành cho tôi.

- Cho cháu và Rémi.

- Tôi không muốn chia cho nó thì sao?

- Thì người ta sẽ lấy của mày mà chia. Mày đã không thề là vâng lời hay sao?

Nó lặng thinh một hồi khá lâu rồi đột ngột móc một chiếc bánh từ trong mũ nó ra.

- Này, có một miếng đây!

- Cái mũ của thằng Carrory là một cái kho vô tận chăng?

- Đưa mũ đây! – Cụ giáo nói.

Carrory không muốn đưa mũ ra. Anh em giật lấy, trao cho cụ giáo. Cụ giáo bảo đưa đèn cho cụ và cụ vạch viền mũ xem có gì trong ấy. Tuy ở trong hoàn cảnh không vui vẻ gì, lúc bấy giờ chúng tôi cũng đã được một phút giải trí: trong cái mũ của thằng Carrory có một cái điếu, một ít thuốc lá, một chìa khóa, một chiếc xúc xích, một cái còi làm bằng hạt đào, mấy lóng xương cừu nhỏ làm đồ chơi, ba quả hồ đào tươi, một củ hành. Nghĩa là cái mũ của nó là một cái chạn cất thức ăn, đồng thời là một kho chứa.

- Bánh mì và xúc xích sẽ chia cho Rémi và cháu tối nay.

Thằng Carrory rên rỉ:

- Nhưng mà tôi đói, tôi đương đói đây.

- Tối nay, mày sẽ còn đói hơn!

- Tiếc sao cái thằng bé này không có đồng hồ trong kho chứa của nó. Nếu có thì chúng ta đã biết giờ giấc. Đồng hồ của tôi chết máy rồi.

- Chiếc của tôi cũng thế vì bị ngấm nước.

Câu chuyện đồng hồ nhắc chúng tôi trở về với thực tại. Mấy giờ rồi? Chúng tôi ở trong ngách ngược này bao lâu rồi nhỉ? Anh em bàn tán nhưng không đi đến nhất trí. Một số anh em cho là mới đúng trưa, một số khác lại bảo là đã sáu giờ chiếu. Nghĩa là đối với những người này, chúng tôi đã bị giam hãm đã hơn mười tiếng liền, đối với những kẻ khác thì chưa đầy năm tiếng. Sự chênh lệch trong ước lượng bắt đầu từ đây, nó còn diễn ra nhiều lần và đưa đến những khoảng cách lớn.

Lúc này không phải lúc nói chuyện phiếm, cho nên khi cuộc bàn cãi về giờ giấc chấm dứt thì mọi người lại lặng im và có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Các bạn khác nghĩ những gì, tôi không biết. Nhưng cứ ý nghĩ của tôi mà suy ra thì ý nghĩ của họ chắc không có gì tươi vui cả. Dù ý kiến của cụ giáo có vẻ chắc như đanh đóng cột, tôi cũng không tin rằng sẽ được cứu thoát. Tôi sợ nước, sợ bóng tối, sợ cái chết. Sự lặng lẽ làm tôi tê dại. Vách đá gồ ghề chẹn nghẹt tôi y như là nó đổ xuống đè lên người tôi với tất cả sức nặng của nó. Tôi không được thấy mặt Lise nữa ư? Và cũng không thấy chị Étiennette, Alexis, Benjamin? Tôi chết đi, ai nối đường dây liên lạc cho chị em người ta? Tôi sẽ không được gặp Arthur và bà Milligan, Mattia, và Capi? Làm sao nói cho Lise hiểu rằng tôi chết vì em đây? Còn má Barberin, má Barberin tội nghiệp! Ý nghĩ của tôi nối tiếp nhau, ý nghĩ nọ kéo theo ý nghĩ kia, ý nào cũng đen tối như ý nào. Tôi nhìn qua anh em khác để cho khuây lãng, nhưng thấy họ cũng buồn rầu, cũng ủ rũ như tôi thì tôi lại quay về với những suy nghĩ của mình, và lại càng buồn rầu, càng thất vọng hơn. Dẫu sao thì họ cũng đã quen sống trong hầm mỏ, do đó họ không khổ vì thiếu không khí, thiếu ánh mặt trời, thiếu tự do, và đất đá cũng không đè nặng lên trên người họ.

Thình lình, trong im lặng, tiếng chú Gaspard cất lên:

- Tôi cho rằng người ta chưa làm gì cả để cứu chúng ta.

- Tại sao anh lại nghĩ như vậy?

- Ta có nghe thấy gì đâu nào!

- Cả thành phố bị phá hủy. Đây là một trận động đất.

- Hay là ở trong thành phố người ta tưởng chúng ta đã chết hết, có làm gì nữa cũng vô ích?

- Thế thì chúng ta bị bỏ mặc ở đây rồi!

Cụ giáo ngắt lời:

- Tại sao các anh lại nghĩ như vậy về các bạn của chúng ta? Buộc tội họ như vậy là không đúng! Các anh thừa biết rằng khi xảy ra tai nạn, người thợ mỏ không bỏ nhau bao giờ, và thà rằng hy sinh hai mươi người, một trăm người, chứ không đành không cứu một người bạn. Các anh biết điều ấy chứ?

- Quả có thế!

- Đã thế thì tại sao các anh lại bảo là người ta bỏ mặc chúng ta?

- Tại vì chúng tôi không nghe thấy tăm hơi gì cả.

- Đúng là chúng ta không nghe thấy gì. Nhưng ở chỗ này có thể nghe thấy gì không đã chứ? Ai biết được? Tôi thì không biết rồi đó. Với lại nếu chúng ta nghe được và biết rõ rằng người ta không làm việc, thì điều đó có đủ chứng tỏ rằng người ta bỏ rơi chúng ta hay không? Chúng mình có biết tai họa đã xảy ra như thế nào không? Nếu là một cuộc động đất thì những kẻ sống sót có bao nhiêu là công việc phải làm trong thành phố. Nếu chỉ là một cơn lụt, như tôi đoán, thì phải biết tình hình ở các giếng thế nào. Giếng có thể lở mất, đường hầm từ kho đến có thể sụp đổ rồi. Phải có thì giờ mới tổ chức việc cứu tế được. Tôi không dám nói rằng chúng mình sẽ được cứu thoát, nhưng tôi tin chắc rằng người ta đương tiến hành công việc giải cứu cho chúng mình.

Cụ giáo nói những điều đó với giọng quả quyết có thể thuyết phục những người hoài nghi nhất và làm yên lòng những người khiếp sợ nhất. Tuy thế bác Bergounhoux còn có ý kiến:

- Nếu người ta tưởng chúng ta đã chết hết rồi thì sao?

- Người ta cũng cứ tổ chức tiếp cứu. Thế nhưng nếu anh lo ngại cái điều ấy thì chúng ta hãy làm cho họ biết rằng chúng ta còn sống. Chúng ta hãy đập vào vách hết sức mạnh. Các anh biết rằng âm vang truyền đi trong đất, nếu người ta nghe thấy, người ta biết rằng cần phải làm nhanh và tiếng gọi của ta lại còn chỉ hướng cho họ tìm đến.

Không chần chừ, bác Bergounhoux vốn mang giầy bốt rất to, đập mạnh vào vách đá theo cách "gọi thợ mỏ lên khỏi hầm". Cái tiếng động ấy, nhất là những ý nghĩ đó gợi lên đã lôi chúng tôi ra khỏi cơn tê liệt. Anh em có nghe thấy tiếng gọi của chúng mình không? Họ có sắp trả lời cho chúng mình không? Chú Gaspard hỏi:

- Này, cụ giáo ơi, nếu anh em nghe thấy thì họ có thể làm gì để cứu chúng ta nhỉ?

- Chỉ có hai cách, và tôi tin chắc rằng các ông kỹ sư sẽ dùng cả hai cách song song với nhau: một là khoét lối xuống để thông với ngách chúng ta, hai là múc cho vơi nước đi.

- Chao ôi! Khoét lối xuống!

- Ái chà! Múc nước đi!

Những câu nói ấy không làm cụ giáo cuống.

- Ta ở sâu bốn mươi thước phải không? Mỗi ngày đào từ sáu đến tám thước thì bảy tám ngày là tới ta.

- Không thể đào sáu thước mỗi ngày.

- Làm công việc thường ngày thì thế, nhưng khi phải cứu sống những người bạn thợ với nhau thì anh em có thể làm những việc phi thường.

- Tám ngày thì làm thế nào mà sống nổi! Cụ thử nghĩ xem, những tám ngày!

- Này, còn nước thì sao? Làm thế nào cho vơi?

- Nước thì làm thế nào, tôi không biết. Muốn biết điều đó, trước hết phải biết có bao nhiêu nước đã tràn vào trong mỏ: hai mươi vạn mét khối chăng? Hay ba mươi vạn? Tôi chịu. Tuy nhiên, để tới chỗ ta, không cần thiết phải múc hết cả khối lượng nước đã đổ vào mỏ, bởi vì chúng ta ở tầng một. Vì người ta tổ chức múc luôn ở cả ba giếng một lúc, mỗi giếng hai gàu cho nên mỗi chuyến múc được sáu gàu, mỗi gàu chứa hai nghìn năm trăm lít vị chi là mười lăm nghìn lít tất cả. Như thế cũng là nhanh đấy chứ!

Một cuộc tranh cãi bí beng nổ ra về các biện pháp tốt nhất để cứu sống chúng tôi. Cuộc tranh cãi không đi đến đâu, nhưng riêng tôi thì rút trong ấy ra được cái kết luận là dù có đủ tất cả mọi thuận lợi, chúng tôi cũng phải ở lại ít nhất là tám ngày trong cái nhà mồ ấy.

Tám ngày! Cụ giáo có nói về trường hợp những người thợ bị nghẽn dưới hầm hai mươi bốn ngày. Nhưng đó là truyện, còn chúng tôi đây là sự thực. Khi cái ý nghĩ ấy ám ảnh tôi thì tôi không nghe thấy người ta nói gì nữa. Những tám ngày!

Tôi day dứt vì cái ý nghĩ ấy không biết đã được bao lâu thì bỗng thấy người ta thôi không bàn cãi nữa. Thằng Carrory bảo:

- Nghe kìa!

- Cái gì chứ?

- Có tiếng gì trong nước...

- Có lẽ mày làm lăn một hòn đá.

- Không! Cái tiếng này không dội.

Chúng tôi lắng nghe. Tai tôi khá thính, nhưng chỉ thính đối với những âm thanh của cuộc sống, của đất bằng. Ở đây, tôi không nghe thấy gì cả. Các bạn của tôi vốn quen những tiếng động dưới mỏ nên may mắn hơn tôi.

- Ừ – Cụ giáo nói – Có cái gì động ở dưới nước ấy!

- Cái gì hở cụ giáo?

- Tôi không biết!

- Nước tuôn xuống đó thôi!

- Không phải, tiếng này không liên tục. Nó vang từng lúc và cách quãng đều.

- Từng lúc và cách quãng đều! Thế là chúng ta thoát chết rồi, các cậu ạ! Đó là tiếng của những gàu múc ở giếng!

- Gàu múc...

Tất cả chúng tôi cùng buột miệng cùng một lúc reo lên, lặp lại hai tiếng ấy. Và như điện giật, chúng tôi đều đứng phắt lên.

Chúng tôi không ở cách mặt đất bốn mươi thước, không thở không khí bị ép nữa, vách mỏ không đè chúng tôi, tai không ù, hơi thở thoải mái, tim lại đập trong lồng ngực. Carrory nắm tay tôi siết mạnh:

- Mày là một thằng tốt.

- Không, mày ấy chứ!

- Tao bảo là mày.

- Chính mày nghe thấy tiếng gàu múc trước tiên.

Nó cứ khăng khăng bảo tôi là một thằng bé tốt. Nó say rồi, say như say rượu. Mà thực ra chúng tôi chả say là gì? Chúng tôi say hy vọng ấy! Tuy nhiên, cái hy vọng này không thực hiện được chóng vánh, cũng không thực hiện với đủ tất cả mọi người. Trước khi được nhìn lại ánh nắng ấm áp của mặt trời, trước khi được nghe tiếng gió luồn qua khe đá, chúng tôi còn phải sống những ngày dài ác nghiệt ở chỗ này, còn phải chịu đủ mọi nỗi đau đớn dằn vặt và hoang mang tự hỏi không biết mình có được nhìn lại ánh sáng ấy, nghe lại cái tiếng gió êm như đàn ấy không?

Nhưng đã kể cho các bạn nghe cái tai nạn khủng khiếp của mỏ Truyère y như nó diễn ra, thì bây giờ cũng phải nói cho các bạn biết nó đã xảy ra như thế nào và các kỹ sư đã làm những gì để cứu chúng tôi.

Sớm thứ hai tuần ấy, khi chúng tôi xuống hầm mỏ thì trời đầy những mây sẫm và có hiện tượng của một cơn dông sắp diễn ra. Khoảng bảy giờ sáng thì cơn dông đến thật, kèm theo một cơn mưa xối xả như một trận lụt. Đó là vì những đám mây mù bay là là dưới thấp len vào thung lũng khúc khuỷu của sông Divonne, đã bị chẹt trong vành đồi, không cất cao lên được. Thế là chúng mang được bao nhiêu nước thì cứ việc trút hết bấy nhiêu xuống thung lũng. Đây không phải là một cơn mưa rào mà là một con thác từ lưng chừng trời đổ xuống một trận hồng thủy. Trong vòng mấy phút, nước sông Divonne và các chi nhánh lớn phình lên. Điều này dễ hiểu thôi. Trên mặt đất nền đá, nước không thấm xuống được nên cứ theo chiều nghiêng của mặt đất mà chảy ra sông. Bỗng chốc lòng sông Divonne đầy ắp, còn mấy con suối thì tràn bờ. Sông Divonne đầy, nước suối Truyère không chảy xuống được bèn tràn lên đất khu mỏ. Nước dâng chớp nhoáng, nhưng anh em thợ rửa quặng ở trên mặt đất không hề gì, bởi vì họ đã đi trú mưa rồi. Khu mỏ Truyère này không phải lần đầu bị lụt, nhưng miệng giếng mỏ ở cao, nước không lên tới được, cho nên người ta chỉ lo chạy những đống gỗ đã đẽo xong để chờ dùng chống hầm. Người kỹ sư đang điều khiển công việc đó bỗng thấy nước xoáy điên cuồng và lao vào một cái vực nó vừa xói lên. Cái vực ấy nằm ngay trên một tầng than cạn ở gần mặt đất.

Viên kỹ sư không cần suy nghĩ nhiều cũng hiểu đầu đuôi sự việc: nước đã ập vào hầm mỏ và chảy theo mạch than cho nên mực nước ở ngoài rút xuống. Mỏ sắp bị lụt, sắp ngập đầy nước. Thợ trong mỏ sắp chết đuối. Viên kỹ sư chạy đến giếng Saint-Julien, ra lệnh cho người ta dòng ông xuống. Nhưng sắp đặt chân vào thùng goòng để được thả xuống giếng thì ông ngừng lại. Từ trong lòng mỏ vang ra một tiếng náo động kinh khủng: đó là tiếng dòng nước chảy xiết. Những người đứng xung quanh ông kỹ sư bảo: "Ông đừng xuống" và giữ ông lại. Nhưng ông gỡ họ ra, rút chiếc đồng hồ trong túi gilê đưa cho một bác thợ và nói:

- Này, nhờ anh đưa chiếc đồng hồ này cho con gái tôi, nếu tôi không trở về.

Rồi quay lại mấy công nhân coi việc dòng thùng, ông bảo: "Cho xuống!" Chiếc thùng bắt đầu xuống. Bây giờ ông kỹ sư ngẩng đầu lên, hướng về bác thợ ông đã trao đồng hồ, dặn:

- Anh nói với nó là cha nó hôn nó.

Chiếc thùng xuống tới hầm mỏ. Ông kỹ sư gọi. Năm công nhân chạy đến. Ông bảo họ vào trong thùng. Trong lúc những người này được kéo lên thì ông lại kêu to gọi thêm nữa. Nhưng không có ích gì. Tiếng gọi của ông bị tiếng nước đổ, tiếng đất sụt át mất đi. Nước đã tràn tới hầm và ngay lúc đấy, ông kỹ sư thấy thấp thoáng có mấy ngọn đèn. Ông lội nước đến gối, chạy xô về phía ấy và đưa về được ba người nữa. Thùng đã trở xuống. Ông bảo ba người ấy vào thùng rồi định quay lại tìm theo những ngọn đèn mà ông mới trông thấy. Nhưng mấy người ông vừa cứu thoát đã dùng sức bế thốc ông vào thùng rồi báo hiệu cho ở trên kéo dây. Vừa vặn kịp vì nước đã ngập tràn khắp nơi.

Cái cách tiếp cứu này đã không dùng được nữa. Phải dùng phương pháp khác. Nhưng phương pháp gì? Ông nhìn quanh mình thì vắng vẻ quá! Một trăm năm mươi công nhân đã xuống mỏ bởi vì một trăm năm mươi chiếc đèn đã được phát hồi sáng nay. Nhưng chỉ có ba mươi chiếc được mang về trả ở kho đèn, như thế nghĩa là có một trăm hai mươi người còn mắc nghẽn trong mỏ. Những anh em ấy chết rồi chăng? Hay còn sống? Họ có tìm được chỗ trốn không? Những câu hỏi ấy đã được đặt ra trong đầu óc hoang mang ghê rợn của ông.

Khi ông kỹ sư nghiệm thấy có một trăm hai mươi công nhân bị nghẽn trong mỏ thì ở ngoài tại nhiều nơi đã xảy ra những vụ nổ. Đất, đá bắn tung lên rất cao. Nhà cửa rung rinh như có động đất. Ông kỹ sư hiểu rõ hiện tượng đó: không khí và các chất hơi khác bị nước dồn vào và nén ở các ngách không có lối thoát, khi khối đất ở trên quá ít, tức là ở những nơi mà ngách lên gần mặt đất, thì các khí bị ép đó làm nổ tung lớp vỏ đất mỏng đó như vỏ nồi súpde. Như thế cũng có nghĩa là mỏ đã đầy những nước và tai họa đã diễn ra rồi.

Lúc đó cái tin mỏ bị lụt đã truyền đi khắp thành phố. Từ mọi ngả, công chúng đổ về Truyère, từ người dân lao động cho đến bọn tò mò, và vợ con những người thợ bị nghẽn dưới hầm mỏ. Thân nhân của anh em thợ bị nạn đó dò hỏi, tìm kiếm, yêu cầu. Vì người ta không biết thế nào mà trả lời với họ cho nên họ vừa đau thương vừa phẫn nộ. À, ra người ta giấu sự thật.

Ông kỹ sư không để ý đến sự náo động bên ngoài; ông đang cúi rạp xuống tấm bản đồ khu mỏ, nghiên cứu xem anh em thợ trong mỏ có thể lánh mình ở nơi nào và phải bắt đầu tiến hành công cuộc cứu nạn từ chỗ nào.

May thay, các kỹ sư những hầm mỏ lân cận đã dẫn thợ của họ tới, và đi theo những công nhân này, còn có thợ trong thành phố. Thế là có thể ngăn công chúng lại, và nói chuyện với họ. Nhưng nói gì đây cho ổn? Thiếu mất một trăm hai mươi người. Những người này ở đâu?

"Cha tôi thế nào?", "Chồng tôi đâu?", "Trả con tôi cho tôi!".  – Giọng người vỡ đi trong nước mắt, câu hỏi nghẹn ở cổ vì tiếng nấc. Biết trả lời làm sao với những người con, những người vợ, những người mẹ ấy?

Chỉ một câu thôi, câu trả lời của hội đồng các kỹ sư: "Chúng tôi sẽ tìm, chúng tôi sẽ làm hết cách".

Và thế là công việc cứu nạn bắt đầu.

Có tìm ra một số người nào sống sót trong số một trăm hai mươi người bị nạn đó không? Nỗi nghi ngại tràn trề mà hy vọng thì chả có mấy. Mặc! Cứ tiến lên!

Công việc cứu nạn được tổ chức như cụ giáo đã đoán. Người ta đặt thùng múc nước ở cả ba giếng và từ đó nó hoạt động ròng rã không kể ngày đêm, mãi cho đến khi giọt nước cuối cùng trong mỏ cũng được vét trút ra sông Divonne mới thôi. Cùng một lúc, người ta bắt đầu đào hầm. Nhằm hướng nào mà đào? Biết sao được! Cũng hú họa thế thôi, nhưng cứ đào. Hội đồng kỹ sư không nhất trí về hiệu quả của những đường hầm đào mò vì không biết chắc chắn chỗ nào là chỗ lánh nạn của những người sống sót. Nhưng ông kỹ sư của mỏ Truyère hy vọng rằng có người đến ẩn núp ở khu công trình cũ, ở đấy lụt không lên tới. Ông định đào một lối thẳng từ mặt đất thông đến khu ấy, vạn nhất không cứu được ai đi nữa thì cũng chẳng tiếc công. Người ta đào chiều ngang hết sức hẹp, để khỏi mất thì giờ. Chỉ có một người thợ cuốc đứng mũi. Anh khao được bao nhiêu than thì những người khác làm dây chuyền dùng giỏ lấy dần đi bấy nhiêu. Người thợ đứng mũi này mệt thì người khác vào thay. Cứ thế, không phút lơi tay, không phút nghỉ, không kể ngày đêm, người ta tiến hành song song hai việc vét nước và khao hầm.

Những người anh em làm việc ở ngoài kia để cứu chúng tôi thấy thời giờ chậm đi một phần, thì chúng tôi ở trong này thấy nó chậm đi mười phần: bất lực và tù túng, chúng tôi chỉ biết chờ đợi, chờ đợi mà không biết anh em có đến kịp để cứu sống mình không! Những tiếng gàu dội xuống về sau không nuôi dưỡng được lâu dài cơn phấn khởi sôi nổi của chúng tôi như lúc ban đầu mới nghe thấy. Hễ suy nghĩ là lại lo buồn. Chúng tôi không bị bỏ rơi, anh em đang lo cứu chúng tôi, đó là niềm hy vọng; nhưng họ có vét ráo nước kịp khi chúng tôi còn sống không, đó lại là nỗi hãi hùng. Hơn nữa, trên những đau khổ tinh thần, giờ đây lại chồng lên những đau đớn xác thịt. Phải ngồi ở bậc thang theo một tư thế nhất định, chúng tôi thấy mệt mỏi rã rời quá đỗi: chúng tôi không thể cử động để cho giãn gân cốt, và càng thấy đầu nhức buốt rất khó chịu.

Trong bọn chúng tôi có thằng Carrory là ít bị dày vò hơn cả. Chốc chốc nó lại nhắc:

- Tôi đói. Cụ giáo, tôi muốn ăn bánh.

Mãi rồi cụ giáo cũng chịu đưa cho hai chúng tôi một miếng bánh lấy trong mũ da rái ra.

- Ít quá. – Carrory nói.

- Phải dè xẻn để dùng được lâu.

Những người khác giá được ăn với chúng tôi thì họ khoái biết bao nhiêu, nhưng họ đã thề tuân theo mệnh lệnh nên họ giữ lời thề. Compayrou nói:

- Chúng mình bị cấm ăn, nhưng được phép uống.

- Cái đó thì tha hồ, chúng tôi có đủ nước để dùng tùy thích.

- Cậu cố uống cho cạn hầm đi.

Bác Pagès muốn xuống, nhưng cụ giáo không cho:

- Anh sẽ làm sạt đất đi. Rémi nhẹ người và nhanh nhẹn hơn, để nó xuống lấy rồi đưa lên cho chúng ta.

- Bằng gì?

- Bằng chiếc ủng của tôi đây!

Tôi nhận chiếc ủng và sắp sửa tụt xuống. Cụ giáo bảo:

- Hãy hượm một tí, để bác đưa tay cho cháu nắm!

- Cụ đừng lo, cháu có ngã xuống nước cũng chẳng hề gì! Cháu biết bơi.

- Bác muốn đưa tay cháu nắm mà!

Không biết có phải cụ giáo đã cúi quá trớn không hay là vì không cử động mà cụ đã hóa tê dại, hoặc là vì than ở dưới chân đã sụt đi dưới sức nặng của người cụ. Chỉ biết rằng khi cụ cúi xuống thì cụ nhào luôn tới trước và đâm đầu vào vực nước đen sì. Chiếc đèn cụ cầm để soi cho tôi cũng lăn theo và chìm nghỉm. Nhoáng một cái, chúng tôi đã ở trong đêm dày đặc và tất cả mọi người buột miệng kêu lên một tiếng. Cũng may tôi đã ở tư thế đi xuống, tôi cứ việc nằm ngửa mà tuột và trong khoảnh khắc tôi đã lao xuống nước theo sau cụ giáo. Trong lúc đi đây đó với cụ Vitalis, tôi tập bơi, tập lặn, và đã bơi lặn thạo đến mức xuống nước cũng thoải mái như ở trên cạn. Nhưng ở trong cái hang tối này thì còn biết phương hướng nào? Khi trụt xuống, tôi không nghĩ đến điều đó, tôi chỉ nghĩ rằng cụ giáo sắp chết đuối và tôi lao xuống nước theo bản năng. Tìm đâu bây giờ? Đưa tay về phía nào? Làm sao mà lặn xuống? Tôi đang phân vân tự hỏi như thế thì thình lình thấy có một bàn tay bấu riết vai tôi và lôi tôi chìm nghỉm. Tôi đạp mạnh và trồi lên mặt nước. Bàn tay kia vẫn bám chặt vai tôi.

- Bám chặt cháu, cụ giáo nhé, và cố ngước đầu lên! Cụ thoát chết rồi đó?

Thoát chết ư? Cả cụ lẫn tôi cũng chưa thoát chết đâu, bởi vì tôi không biết phương hướng nào mà bơi cả. Tôi bỗng nảy ý gọi lên.

- Các bác lên tiếng đi chứ!

- Rémi, cháu ở chỗ nào?

Đó là tiếng chú Gaspard. Nó chỉ hướng cho tôi. Phải bơi về phía trái.

- Thắp đèn lên cho.

Liền sau đó một ngọn đèn sáng lên. Chỉ cần với tay là tôi níu được bờ, một tay bám vào một tảng than, tay kia tôi kéo cụ giáo. Với cụ, như thế là kịp thời quá, vì cụ đã uống nước và bắt đầu ngạt thở. Tôi nâng đầu cụ lên khỏi mặt nước và cụ hồi tỉnh nhanh chóng. Chú Gaspard và Carrory cúi xuống đưa tay kéo chúng tôi, còn bác Pagès rời bỏ bậc thang bác ngồi, xuống bậc chúng tôi, đưa đèn soi cho chúng tôi lên. Chú Gaspard nắm một tay, Carrory nắm một tay kéo cụ giáo, còn tôi thì đẩy ở dưới, đưa cụ lên bậc thang. Xong phần cụ đến lượt tôi lên. Bây giờ cụ đã tỉnh hẳn. Cụ nói:

- Lại đây cháu, lại đây với bác, để bác hôn cháu mấy cái! Cháu đã cứu mạng bác!

- Bác đã cứu mạng chúng cháu trước!

Thằng Carrory không phải là một đứa dễ cảm xúc, cũng không dễ quên những thiệt thòi vụn vặt, nó càu nhàu:

- Tại tất cả những cái bí beng này mà tôi mất toi một chiếc giày và cũng chưa được uống nước.

- Giày của mày thì để tao xuống vớt lên!

Nhưng người ta giữ tôi lại. Cụ giáo bảo:

- Bác cấm cháu!

- Thế thì ai cho tôi mượn một chiếc giày khác! Ít ra tôi cũng phải mang nước lên cho các bác uống mới được.

- Tôi không khát nữa. – Compayrou nói.

- Uống mừng cụ giáo bình an vô sự.

Tôi tụt xuống lần nữa, nhưng lần này thì chậm hơn và cẩn thận hơn.

Cụ giáo và tôi khỏi chết đuối nhưng bực một nỗi là ướt từ đầu đến chân. Lúc đầu, chúng tôi không nghĩ đến, nhưng lâu dần mới thấy áo quần ướt thấm lạnh vào người. Cụ giáo bảo:

- Phải đưa cho Rémi một cái áo!

Không ai trả lời vì kêu gọi chung ấy không bắt buộc nhất định một người nào phải thi hành.

- Không ai thưa à?

- Tôi thì tôi thấy rét lắm. – Carrory nói.

- Thế thì chúng tôi đây ướt hết như thế này, chúng tôi thấy nóng à?

- Ai bảo các người ngã xuống nước làm gì?

Cụ giáo nói:

- Đã thế thì phải rút thăm xem ai phải nhường một phần quần áo của mình. Tôi đã định không dùng cách ấy, nhưng bây giờ thì thấy cần phải công bằng.

Chúng tôi đều ướt cả; tôi thì đến cổ, còn những người cao lớn nhất cũng đến hông, cho nên được thay quần áo của họ cũng không phải là một ân huệ gì ghê gớm lắm. Tuy thế, cụ giáo cứ buộc phải thay, và nhờ số đỏ, tôi rút trúng cái áo của Compayrou. Riêng cặp chân của Compayrou cũng đã cao bằng người tôi, cho nên áo của anh ta không ướt. Được khoác cái áo ấy, tôi thấy ấm người lại ngay.

Cái việc bực mình vừa xảy ra đó có lay tỉnh chúng tôi trong chốc lát, nhưng sau đó thì chúng tôi lại như người mất hồn lởn vởn mãi với ý nghĩ đen tối về chuyện chết. Chắc hẳn những ý nghĩ ấy dày vò những người khác nặng nề hơn tôi bởi vì họ thì thức mà rã rời ngây dại còn tôi thì dần dần ngủ thiếp đi. Song cái chỗ ngủ này rất không ổn và tôi có cơ lăn tõm xuống nước. Thấy nguy cơ đó, cụ giáo bèn kẹp đầu tôi vào cánh tay cụ. Cụ không kẹp chặt lắm, nhưng đủ để giữ cho tôi khỏi rơi. Tôi nằm trong tay cụ như đứa trẻ nằm trên gối mẹ. Cụ là người không những có đầu óc vững mà còn có tấm lòng tốt. Khi tôi chập chờn tỉnh giấc thì cụ chỉ trở cánh tay cho đỡ tê dại, rồi lại ngồi yên ngay và khe khẽ nựng: "Ngủ đi cháu! Đừng sợ, đã có bác giữ cho. Cứ ngủ yên, bé!"

Thế là tôi nhắm mắt ngủ lại không chút lo sợ, vì tôi cảm thấy không đời nào cụ buông tôi ra.

Thì giờ cứ thế trôi qua, và luôn luôn chúng tôi nghe thấy tiếng gàu đều đều vục xuống nước. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro