Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

24-32

24.

Giữa tháng 8, cuối cùng nhà xuất bản đã phê duyệt mã ISBN, người ai cũng nhẹ nhõm cả đi. Sau khi thuận lợi đưa sách đi in, tổng biên tập tự xuất hầu bao khao ban biên tập bọn Cảnh Doãn và vài vị đồng nghiệp nữa đi ăn Haidilao sau hai tuần vất vả làm việc ngày đêm.

(ISBN: viết tắt của International Standard Book Number, Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách, là mã số tiêu chuẩn quốc tế có tính chất thương mại duy nhất để xác định một quyển sách. )

Chỗ liên hoan vừa hay ở gần công ty Khang Sùng, cách có một con phố. Đường kia ngợp những tòa cao ốc cao lớn bễ nghễ, đầy cảm giác bén nhọn của thời đại, người ra kẻ vào ăn vận tươm tất, khung cảnh vội vã đến chào hỏi cũng chẳng có lấy một câu. Cả phố trải đường bê tông, san sát khách sạn, các tiệm ăn nhà trệt trang hoàng rực rỡ vui mắt. Hai bên đường trồng cây hợp hoan, trên lối đi bộ lác đác vài người đàn bà xách giỏ trúc trải vải bố ngồi bày quán dưới đất bán dưa lưới và nho đương mùa, vời người qua đường nếm mua.

Đến dưới Haidilao, Cảnh Doãn chợt bảo đồng nghiệp: "Mọi người lên trước gọi đồ đi, tôi... Tự nhiên nhớ ra có chút chuyện, tẹo nữa qua tìm mọi người sau."

Thấy mặt các đồng nghiệp đều lộ vẻ thắc mắc, y nhất thời không biết sắp xếp lời nói ra sao. Có những xưng hô chẳng hề lạ lẫm, ngày ngày đều treo bên miệng, hai chữ bình thường đến không thể bình thường hơn, tập đi tập lại vô số lần, mà lần nào cũng như lăn qua dầu sôi, cứ nói là miệng nóng rẫy.

Bởi vì đâu dễ có được, bởi vì tơ tưởng đã lâu.

"Người yêu tôi ở bên kia... Đang làm việc trên tòa đằng đó."

Y vươn cánh tay chỉ cái cao ốc đồ sộ đứng sau một tòa nhà nhỏ đối diện đường cái: "Tối nay phải tăng ca, tôi sợ người ta đói... Nên đi đưa chút đồ ăn."

"À ——"

Các tiền bối đều tỏ vẻ hiểu cho, đến tầm tuổi này rồi có giai đoạn nào chưa trải qua, đám cùng vai phải lứa thì ca thán, sôi nổi tỏ vẻ: "Ối giời đưa cơm giả dối thôi, có mà đi ngọt ngấy với nhau ấy, chắc đang thời kỳ tình yêu cuồng nhiệt rồi, một ngày không gặp nhức nhối cả người.", "Tiểu Cảnh yêu vào đúng là đầu óc mở mang hẳn nha.", "Ôi tôi chua quá, muốn nhấn cái đầu chó của bạn trai xuống dạy hắn học thế nào mới là săn sóc ghê.", lại có người đề nghị: "Hay là gọi cô ấy qua cùng ăn? Ngượng hả? Lẩu thôi mà, phiền gì đâu, thêm một bộ bát đũa là xong."

Cảnh Doãn muốn lắc đầu, lại không nỡ từ chối ý tốt, làm mọi người cụt hứng, đành phải uyển chuyển nói: "Tôi thay mặt người ấy cảm ơn mọi người trước, đợi chút nữa qua hỏi người ta có vội không thì sẽ dẫn qua đây... Mọi người không cần chờ tôi đâu, cứ lên món trước đi, đến lúc đó tôi gọi thêm chút đồ ăn là được rồi."

"Được rồi, được rồi, đi đi đi đi, không vội nhớ qua ha!"

Cảnh Doãn lùi vài bước, khoát tay với cả hội: "Tôi đi nhanh rồi về."

Di động "Đinh" một tiếng, Khang Sùng rep weixin: "Em ở đâu?"

Cảnh Doãn đi dạo quanh phố một vòng, vừa đi vừa ngừng, cuối cùng chọn một tiệm đồ nguội kiểu Tây, đẩy cửa vào rồi gửi một đoạn ngữ âm: "Hai mươi phút nữa xuống dưới công ty đợi em."

"Hả?"

Y không rep nữa, đút điện thoại vào túi, ngẩng đầu nhìn ảnh minh họa các món ăn phía trên quầy, gọi món rồi bảo chủ quán: "Đóng gói mang đi."

Đúng lúc trên người có tiền mặt, y đưa tiền, lấy tiền thối lại và hóa đơn, ra khu chờ, ngồi ghế gỗ dài ngẩn người.Chưa được bao lâu, phục vụ đã gọi y lấy món. Mấy món đơn giản quả là nhanh, không có hơi nóng thức ăn mặn nên nhiệt lượng có vẻ thấp, chẳng biết hương vị ra sao. Y để riêng đồ ăn với nước uống, giấy ăn ống hút cắm bên cạnh, túi thì nhỏ mà đựng mấy gói rõ to. Tay trái cầm chắc, y lẻn người vào giữa màn đêm đang lặng yên buông xuống.

Tay kia hơi trông trống, nhìn trông chẳng cân bằng tí nào, thế là y qua cửa hàng hoa cách vách mua năm bông hướng dương, đóa hoa tươi rực, màu vàng rạng rỡ, dùng giấy gói xanh đậm bó lại, thắt ruy băng, ôm trên tay phải, đi tìm nỗi vương lòng của y.

Khang Sùng nói xong một tràng liên tiếp "Nhường chút." thế là đùn vào đủ chuyến thang máy. Vừa xuống đến nơi đã thấy Cảnh Doãn: mặc chiếc T shirt màu baby blue, hình như lớn hơn một cỡ; quần cotton màu kem vân nghiêng rộng rãi, càng tôn lên màu da trắng nõn, thanh tú, trông nhỏ hơn tuổi thật, vẫn đầy cảm giác thiếu niên ngây ngô ngày ấy; khủy tay ôm bó hướng dương rạng ngời, cười lên thật ôn nhuận phát sáng biết bao.

Thời khắc ấy Khang Sùng chẳng phân rõ được, rốt cục em là hoa, hay là thái dương.

Y bảo: "Em đi cùng đồng nghiệp, tiện qua bên này."

Khang Sùng ngoảnh mặt làm ngơ: "Hình như em chẳng nhớ nhung gì tôi nhỉ?"

"Em biết là gửi weixin nhắc anh kiểu gì anh cũng nói 'Biết rồi' xong quên tiệt luôn, chín giờ hơn bụng đói phát đau dạ dày mới ăn bừa cái gì. Gần đây anh còn hay bực bội." Y không để ý, tự nói hết.

"Hôm nay em chưa hôn tôi." Khang Sùng nói.

Y đưa cả hoa lẫn bữa tối cho người ta, "Trên đường về nhà anh có chán thì gọi điện cho em, em ngủ cũng tiếp."

Khang Sùng bắt lấy tay em đang muốn rút ra."Em có đồng ý dọn ra ngoài, ở chung với tôi không?"

Cảnh Doãn lại chẳng tìm được gì để nói, chẳng còn đạo lí chi mà giảng, lực nắm tay kia mạnh hơn chút khiến y mất thăng bằng, cam tâm tình nguyện. Bên tai ù ù, y sa vào cái ôm ấp ủ, câu hỏi của Khang Sùng như thể tẩm thêm ma pháp gì, thoảng chốc ném y ngã vào bể bong bóng xà phòng dịu dàng mộng ảo. Hai đứa ở chung, tự có nhà của riêng mình, dùng thân phận người yêu, không phải bạn bè chí cốt, chẳng là trúc mã; cùng ngủ một chiếc giường, làm tình rồi nhập mộng, đêm khuya mở đèn tâm tình, đeo một đôi nhẫn cặp. Y nguyện ý mỗi sáng dậy sớm mấy phút, dành Khang Sùng ngủ nhiều hơn xíu. Y nấu cơm, Khang Sùng rửa bát, hay là mua luôn máy rửa cũng được, tiết kiệm bớt sức lực, cơ mà chẳng sạch bằng rửa tay. Quần áo thì thôi, hôm nào nghỉ giặt một thể, còn mặc của nhau được nhỉ. Trong tủ lạnh để mấy lon nước có ga và rượu, kem và cổ vịt. Tủ thường phòng sẵn đồ ăn vặt, lúc xem phim hay hoạt hình sẽ ăn. Cuối tuần đi siêu thị, công viên, bể bơi, phòng tập thể thao, nghỉ dài ngày thì ra ngoài du lịch, đi đảo này bờ biển nọ; mùa đông lạnh cóng, thành Táp năm nào cũng có tuyết rơi, gió buốt qua mặt đau chết, lười ra cửa thì làm ổ trong nhà; cùng nhau đón thật nhiều cái lễ, qua nhiều thật là nhiều năm.

Y nhớ đến trong hôn lễ khi ấy chị họ vừa khóc vừa nói: Chị chỉ muốn được đi hết quãng đời còn lại cùng người mình thích.

Không nhất thiết phải cần hôn nhân.

"Một ngày hai mươi tư giờ, đi làm tám tiếng ngủ cũng tám tiếng, trừ đi chỉ còn tám tiếng thôi. Tám tiếng này chia cho ăn cơm tắm giặt đi đường xã giao chỗ này chỗ kia bớt thành có ba tiếng. Thế ba tiếng này mỗi giây mỗi phút tôi đều muốn bên cạnh em, muốn vươn tay một cái là bắt được em, chẳng làm gì cũng không sao. Là tôi tham lam à, yêu cầu này có quá đáng không?"

Từng ngọn đèn đường lần lượt sáng lên, Cảnh Doãn nâng tay Khang Sùng lên, dùng bó hoa chắn ánh sáng, nương nhờ bóng cây che rợp, em hôn môi Khang Sùng, khẽ ngâm: "Không tham tẹo nào... Không quá đáng gì hết."

"Thế cứ định vậy ha. Cuối tuần đi xem nhà?"

"Ừ. Em nói trước với trong nhà đã."

"Em sẵn sàng chưa?"

"Ừ."

Em bảo gì, thì chính là đó.

Khang Sùng lại hôn rồi hôn em, hô hấp mềm dịu quấn quýt trên môi em, tay vắt qua thắt lưng, đụng đến mặt ngoài áo vải bông của em, bông gì mà nhuyễn cả tim gã. Dưới nữa là hõm lưng, gã không kìm nổi mạnh tay chun chút, em bị nhấn run run cả người, thế là chèn khủy tay lên, rùng mình một cái, tựa như đang cắn lưỡi, nói: "Em em em phải đi rồi, đồng nghiệp vẫn đang đợi."

"Ừ." Khang Sùng chà chà bụng ngón tay cái bên hai má em đang dần ấm lên: "Tối tôi gọi cho em."

Em càng lúc càng xa, vẫn cứ quay đầu lại nhìn, gió thổi đôi mắt em tường tỏ. Khang Sùng cất giọng: "Chưa nghĩ ra nên nói với trong nhà ra sao thì giữ lại để tôi. Đừng sợ, tôi đủ tiền cho hai ta bỏ trốn."

Cảnh Doãn vừa bực vừa vui, đáp lời: "Ngậm miệng quạ đen của anh lại mau."

Bóng hình em khuất sau góc phố, thời gian trôi mới thật nhanh làm sao.

25.

Ăn xong cơm tối, thời gian vẫn dư giả, mọi người khó có dịp tụ hội nên đều nhất trí bảo chưa chơi thỏa, thế là thảo luận tìm chỗ nào đi high tiếp. Đoàn người ra khỏi quán, vừa đi thang máy xuống vừa trao đổi ý kiến xem làm tí rượu với đồ ăn nhẹ hay chơi boardgame, bầu không khí hòa hợp. Cảnh Doãn an nhiên đứng góc, theo lệ thường chỉ nghe không nói, bóc cái kẹo bạc hà, ngậm thanh miệng.

Hầu hết mỗi quán lẩu đều sẽ bày một hũ kẹo kiểu này trên quầy thu ngân, để người ra tính tiền tự bốc, dùng làm sạch vị đồ ăn còn lại trong miệng. Hãng kẹo phổ biến thường gặp, hình đóa hoa mai, rỗng một lỗ ở giữa, nghe bảo còn huýt được sáo. Y thử rồi thử, chẳng ra gì hết. Cũng có khi tại y ngốc. Ngoại trừ đọc sách, còn nhiều chuyện y không làm được lắm.

Thừa dịp mọi người đang nghỉ nói chuyện, y cất lời: "Tôi xin phép không đi ha, vừa nhớ ra có quyển sách chưa đọc xong."

Quyển "Swimming Home" y gác đấy phải hơn tháng rồi, còn hai quyển "Sí quỷ" với "Phi hành gia" của Song Tuyết Đào hôm nọ vừa chuyển phát nhanh tới vẫn chưa có thời gian khui ra, chất đống dưới bàn sách. Y cười cười: "Lần sau nhé, hôm nay hơi mệt thật. Mọi người cũng đừng muộn quá ha, ngày mai tôi mang bánh cánh bướm cho cả nhà."

Trên đường về nhà Cảnh Doãn có cửa tiệm bánh cánh bướm lâu năm cực kỳ nổi danh, dân bản địa không ai không biết tới. Nguyễn Nghiên bảo chỗ ấy có từ khi bà còn trẻ là đủ thấy độ lâu đời của nó. Hồi bé Cảnh Doãn ăn rồi, ký ức vẫn khắc sâu. Lúc lên tiểu học, y, Khang Sùng với Trần Mật Cam tan học xong toàn về nhà cùng nhau, mỗi lần đi ngang qua tiệm này đều ngửi thấy tầng hương ngọt ngào phiêu đãng cả phố. Lúc tiền tiêu vặt eo hẹp thi ba đứa mua chung một cái. Phân lượng mỗi cái như nhau, chủng loại thì chọn qua lại mấy kiểu, chia ba ăn, cơ mà Khang Sùng không thích ngọt lắm nên thường ăn hương ăn hoa hai miếng rồi đưa tất phần to cho hai đứa, cực kỳ có phong độ của anh trai.

Thời đại biến hóa, xưởng bánh nhỏ năm ấy sửa chữa lại mấy lần, mở rộng mặt tiền, quảng cáo cao cấp hơn, nhiều loại bánh được cải biên, chủ cũng sang tên, còn ra mấy loại bánh đang hot trên mạng. Giờ nhìn từ ngoài vào thấy toàn bánh là bánh xếp trong tủ kính, nhưng Cảnh Doãn tự cảm nhận, có khi cả một thế hệ cũng đều thấy thế, bánh cánh bướm của tiệm vẫn là ngon nhất.

( 蝴蝶酥 Bánh cánh bướm: Tên gốc là Palmier có nghĩa là lá cọ/ lá thốt nốt, xuất xứ từ Pháp.)

Y đặt đơn đêm hôm trước, sáng hôm sau ra sớm lấy, tiện để cho Trần Mật Cam một phần, đặt trong hộp chứa sữa ngoài cửa nhà con bé, gửi một tin wexin nhắc nó nhớ lấy.

Đến đơn vị, Trần Mật Cam rep: "Giờ em đoạt anh khỏi tay Khang Sùng còn kịp không???"

Y ở đầu bên này cứ cười miết: "Muộn rồi."

Đọc xong "Swimming Home", từ cái này nghĩ đến cái khác, tự nhiên nổi hứng muốn đi bơi, thế là tối thứ bảy đi phòng thể thao với Khang Sùng. Kể ra nhập hạ tới giờ, y chưa bơi được lần nào cả.

Mà Khang Sùng đúng là tên đàn ông cứ thi thoảng lại ngốc nghếch, yêu vào chỉ số thông minh càng giảm gấp bội, chẳng coi ai ra gì cả mà đi giỡn y: "Nâng tạ hay là nâng em."chọc Cảnh Doãn ngượng chạy trối chết, huấn luyện viên bị bắt nhìn một màn tú ân ái cấp thấp này tỏ vẻ "căm thù khôn kể", mắt đảo như quả bóng sổ xố Song Sắc Cầu ấy.

(双色球 Song Sắc Cầu: Hãng sổ xố được quan tâm nhiều nhất trong phạm vi Trung Quốc Đại lục đến thời điểm hiện tại, mỗi tuần quay thưởng ba lần vào thứ 3,5, CN, giá mỗi vé số là 2 tệ. Khi quay số giải thưởng sử dụng hai loại bóng màu đỏ và xanh nên gọi là song sắc cầu.)

Hai đứa hẹn bốn mươi phút nữa gặp.

Dụng cụ ở lầu hai, bể bơi trên lầu ba rộng rãi, người cũng vắng, gợn nước màu u lam, phản bóng đỉnh lầu hình vòm, âm vang vọng ảo, yên tĩnh lạ lùng. Cảnh Doãn phải đến nửa năm rồi chưa xuống nước, thay quần áo làm nóng thân thể, bơi hai lượt dãn gân quen hơi xong là vào guồng rồi.

Y không ghét cũng chẳng ham vận động, chắc do thần kinh mặt này không phát triển cho lắm, nổi bật hơn tí trong chỗ yếu điểm này chỉ có bơi lội. Y thích nước, nước giúp y thả lỏng, giải tỏa áp lực, thư giãn tinh thần, lẫn loại cảm giác an toàn rất huyền diệu.

Bơi qua lại mười lượt, y nổi lên mặt, dựa lưng vào thành bể tạm nghỉ. Gạch men sứ lạnh băng, quang người dập dềnh mùi nước tẩy, trong bể chỉ còn y với một cô gái đội mũ bơi mặc bộ đồ liền người, vóc dáng đẫy đà, bơi hết sức chuyên tâm, trông như một chú cá vậy.

Bơi thêm một vòng về, nổi lên lần nữa đã thấy Khang Sùng chẳng biết vào bên bể từ lúc nào, ôm chiếc khăn khô ngồi xuống dựa vào thang leo, không cho hẳn hai cẳng chân vào nước mà chỉ quậy qua quẫy lại.

Cảnh Doãn bơi tới trước người gã.

Dưới ánh đèn sáng trắng lành lạnh, đuôi tóc ướt nước của em càng thêm đen đặc, dán thuận theo cổ, rìa tóc xẹp ép thành hình răng cưa tinh tế như của chiếc lá, xương vai hõm lại, bao phủ một lớp bọt nước to to nhỏ nhỏ, chúng gặp nhau, xuôi xuống theo thân thể hay trũng vào trên người em, tan rã.
Khang Sùng cười gọi em: "Ei mỹ nhân ngư ơi."

Em không đáp, chống thẳng tay bật người lên, sáp lại cực gần, ngửi ngửi hõm cổ và bên tai người ta.

Hôm nay nước hoa của Khang Sùng hương da thuộc, mới ngửi hơi xộc, gay mũi đầy tính công kích, sau quyện với mùi mồ hôi lại biến thành thơm nồng nàn thuần chất, tưởng như ôm lấy người, đầy mê hoặc dụ dỗ.

Khang Sùng hỏi em: "Làm gì đấy?"

Em chìm lại về nước, bảo: "Mỹ nhân ngư chưa thấy nhân loại trên đất liền bao giờ."

"Thế à." Khang Sùng khẽ chọn đuôi mắt, nói như thật: "Vậy em thấy nhân loại thế nào?"

"Thơm ghê."

Y vuốt tóc bên thái dương ra sau tai, để lộ góc nghiêng.

"Mùi pheromone đấy."

Theo động tác em, Khang Sùng cũng vươn tay lau hết nước còn trên mặt em, em hấp háy mắt, trong mi mắt ưng ửng đỏ.

"Được rồi. Đừng trộm khóc dưới biển." Khang Sùng bảo: "Không có chân vẫn gả cho tôi được mà."

Cảnh Doãn cười không nói, nhận khăn tắm trùm lên đầu, trở tay cọ nước lên người Khang Sùng.Hai người xuống lầu tắm rửa.

Đến cửa nhà tắm công cộng, còn cố ý nhìn quanh thăm dò một lần, thấy toàn gian tắm vòi sen đơn có vách ngăn, thế là buông được cõi lòng lửng lơ xuống.

Hồi còn bé đi theo hai ông bố trần nhồng nhộng nô đùa trong nhà tắm có bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó cần tránh "tị hiềm" đâu.

Cảnh Doãn vốn mặc quần bơi nên chẳng cần cởi quần áo gì, cầm đồ rửa mặt vào luôn. Lúc mở vòi hoa sen thử độ ấm thì nghe thấy tiếng mở, chốt cửa cách vách, Khang Sùng cũng vào rồi, ở gian bên tai trái y.

Lục tục có mấy người khác tập xong qua tắm, làm quen rồi pha trò, âm thanh vang khắp các phòng tắm, còn có người hát lạc điệu thế là rước lấy một tràng cười.

Chỉ có hai người bọn y bên này im lặng, ngầm hiểu trong lòng.

Cảnh Doãn tắm xong trước, lúc ra ngoài gõ gõ cửa phòng người ta, bảo: "Em chờ anh bên ngoài."

Khang Sùng ứng tiếng.

Y thay quần áo sạch, ra ngoài phòng thay đồ lấy máy sấy công cộng sấy tóc.

Chờ Khang Sùng thay quần áo xong ra tìm y, bảo gã lấy cái ghế dựa ngồi xuống, thế là nhân tiện sấy luôn.

"Cúi thấp đầu chút nữa." Y chỉ huy, đưa luồng gió về phía sau, sấy cái gáy.

"Ò." Tay trái Khang Sùng gõ di động trả lời tin nhắn, tay phải quơ một phát, ôm trọn chân người ta.

Sắc mặt Cảnh Doãn chẳng hề gì, sấy xong rút phích cắm, cuộn bừa dây điện đưa cho một tên đang đứng lo trước lo sau xem có nên lại đây mượn dùng hay không. "Cho này."

"Em thấy nhà to bao nhiêu thì vừa." Khang Sùng căn bản chẳng quan tâm, nhấn app xem nhà lướt lướt.

"Hai người à... Bảy tám chục mét vuông?" Cảnh Doãn nói: "Trả trước thì chúng ta mỗi người một nửa."

"Trên giấy tờ bất động sản viết tên cả hai đi." Khang Sùng tiếp: "Thay cho giấy chứng nhận kết hôn."

Gã với Cảnh Doãn đập tay một phát.

"Kế hoạch thông qua."

26.

Nguyễn Nghiên đi tản bộ với Cảnh Việt Đông về, Cảnh Doãn đã về trước một lúc, ngồi khoanh chân ở phòng khách xem TV. Trên bàn trà bày ấm trà sơn tra đường phèn, ba chén trà. Sắc trà nhạt màu, đường phèn chưa tan hết, viên đường và sơn tra hãy chìm dưới đáy ấm thủy tinh. Lúc bưng lên rót vào chén va chạm nhau phát ra tiếng lách cách nhẹ. Y rót hai chén trà xong, cất lời: "Bố mẹ về rồi."

"Anh sớm thế." Nguyễn Nghiên chủ động hỏi: "Đi bơi rồi à?"

Bà đứng một chân, tay đỡ tủ giày thay giày, treo túi xách lên, miệng hãy nói liên miên: "Đúng rồi, vận động nhiều lên. May mà anh không mập, có con trai nhà ai mới hơn hai mươi đã đeo cái dáng vẻ già cỗi thâm trầm như anh không cơ chứ."

Sau đó Cảnh Việt Đông vào nhà, đóng cửa, khóa lại, ngăn cách tất thảy mọi thứ: đèn cảm ứng âm thanh vụt sáng trong hành lang, tiếng bé con hàng xóm khóc nỉ non, huyên náo ồn ào của thế giới bình phàm. Mỗi bọn họ là cá thể cấu thành cái tên "Gia đình", hoàn chỉnh mà độc lập, không chịu bất cứ can thiệp và quấy nhiễu nào từ bên ngoài.

Cảnh Doãn cho nhỏ âm lượng TV xuống, để điều khiển qua một bên.

Y mở lời: "Con có lời muốn nói với bố mẹ."

Thành phố mơ màng thiếp đi, bầu trời xanh một màu sâu thẳm trầm lắng, gió đêm thổi tấm màn cửa sổ, phóng tầm mắt ra xa thấy tháp tín hiệu cao chót, thi thoảng chớp tắt đèn đỏ.

Cảnh Doãn ngồi trước màn hình TV, đối mặt với bố mẹ ngồi song song, cách bàn trà ở giữa. Y bình tĩnh lại tâm thần, thở dài một hơi, đặt hai lòng bàn tay âm ẩm lên đầu gối, ngốc ngốc rề rà đôi lúc.

Y đọc nhấn từng chữ rõ ràng, ngữ điệu vững vàng: "Con với Khang Sùng, đang yêu nhau."

Trong phòng yên tĩnh cực độ, giống như giữa vô hình có chiếc châm nhói vào huyệt Thái Dương, kéo theo một sợi dây, khiến người ta ù tai. Hình như TV phía sau đổi chương trình rồi, vừa nãy chiếu phim phóng sự trắng đen, hình ảnh lag giật, nhân vật trông như ghép vào vậy. Giờ đổi thành màu sắc sặc sỡ, lưng y chắn mất một phần, phần còn lại hắt lên mặt bố mẹ, dao động không ngừng, lúc sáng lúc tối.

Chỗ khác ngày thường là, lần này Cảnh Việt Đông lên tiếng trước, ông nói: "Ý trên mặt chứ hả?"

Cảnh Doãn cúi đầu, gật gật nhẹ. Trong dư quang đuôi mắt, Nguyễn Nghiên vẫn không nhúc nhích, vẻ mặt đờ đẫn, đánh mất hoàn toàn năng lực ứng biến.

"Hai đứa không phải bạn bè." bố tiếp lời: "Là quan hệ yêu đương, đang kết giao."

Y thản nhiên: "Vâng."

"Bắt đầu từ bao giờ?"

"Tháng bảy ạ."

Cảnh Việt Đông uống ngụm trà thanh họng.

"Thế con ——"

"Con."

Ông đang nói thì bị Nguyễn Nghiên cắt ngang.

"Bắt đầu... Thích nam từ khi nào?"

Bà ngồi không vững, hàm dưới hơi run run, Cảnh Việt Đông lập tức nắm lấy tay, ôm vai bà, siết chặt cánh tay giúp bà dịu cảm xúc, nhưng chưa gì đã phát hiện, hình như không cần thiết lắm.

Bà còn xa mới tới sự suy sụp mà hai người tưởng tượng.

Cảnh Doãn do dự mãi, nhìn thẳng vào mắt mẹ, nói: "Cấp hai ạ, có khi là cấp ba."

Bà cố chấp: "Rốt cục là sao?"

Y bảo: "Con không nhớ rõ, vì trước giờ không để ý, cũng chẳng có tâm tư để ý."

Nhận được quá nhiều yêu thương và săn sóc khiến y bị động, dè dặt, quen hồi đáp. Những năm qua, khắc chế và nội liễm đã tự nhiên ăn nhập thành bản năng xương tủy, quán xuyến cả trong tính cách, khiến y hiếm khi đi vòi vĩnh tranh thủ cái gì, cũng khó trở nên lo lắng hay sợ hãi.

"Chỉ lần này thôi." Y nói: "Con muốn tự làm chủ. Đây là tâm nguyện của con."

"Con muốn dọn ra ngoài, sống chung với anh."

"Con cân nhắc kĩ chưa?" Nguyễn Nghiên nói: "Không kết hôn nữa? Không muốn có con sao?"

Y lắc đầu.

"Con không thể tự lừa mình, không muốn lừa bố mẹ." y tiếp: "Cũng không lừa được người khác."Nguyễn Nghiên không lên tiếng trả lời.

Im lặng hồi lâu, bà tự nói làu bàu.

"Tiền quà lễ theo nó ra ngoài sao mà thu được lại đây..."

(份子钱 Tiền quà lễ: Một phong tục và truyền thống dân gian ở Trung Quốc, thường những người có quan hệ với nhau sẽ tặng khi kết hôn, sinh con cái, tân gia, gồm có tiền và quà tặng khác.)

Cảnh Doãn chẳng biết nên khóc hay cười.

"Thôi, chuyện sớm muộn mà, ba mươi tự lập, mắt thấy cũng sắp rồi." Cảnh Việt Đông nói.

"Con có tay có chân, cũng biết gánh vác lo liệu, cuộc sống sau này tự đảm đương, lựa chọn điều gì thì biết chịu trách nhiệm, mọi sự đều có nhân quả, quyết định hôm nay là tốt hay xấu, tương lai con sẽ tự hiểu rõ thôi."

"Xét cho cùng, bố còn vui lắm rằng con chủ động thẳng thắn chuyện này với bố mẹ, tạm không nói đến đúng sai, bố với mẹ con cũng chưa hiểu gì về phương diện này, trong cuộc sống không tiếp xúc bao giờ nên chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao, con chờ hai ông bà này tiêu hóa chút ha."

Ông giao mắt với Nguyễn Nghiên, đỡ nhau đứng từ sofa lên, tắt đèn tắt TV, về phòng ngủ chính.

"Đi ngủ sớm chút đi."

Cảnh Doãn ngồi bất động.

Chỉ nhìn bóng hình mới thấy hai vợ chồng quả thật già rồi, sống lưng hơi khom, eo cũng không thẳng nữa. Tháng trước Nguyễn Nghiên nhuộm tóc đen, mấy nay chưa gì đã mọc thêm không ít tóc bạc.

Y mím chặt môi, dốc hết khí lực mới mở được đường khâu, kiềm chế giọng đang run, nói: "Cảm ơn ba... Mẹ."

Y đánh răng xong về phòng ngủ, đứng đực ra trong bóng đêm một chốc, thấy mảnh ánh trăng xám bạc rơi trên sàn nhà thế là ngồi xuống chỗ ấy, dựa vào một góc giá sách, đầu óc trống rỗng.

Cuối cùng y cầm di động, gửi một tin wexin cho Khang Sùng: "Em come out rồi."

Cả nửa ngày chả thấy rep, không biết Khang Sùng ngủ rồi hay vẫn thức cùng, y ngẫn ngờ nhìn chằm chằm mấy từ ngắn gọn mà nặng trịch trong khuông chat.

Lúc đồng hồ góc phải chạy đến mười giờ, Khang Sùng gửi bốn chữ qua: "Kết quả thế nào?"

"Xem như tiếp nhận rồi đi."
Y đứng dậy ra ngoài ban công, muốn nhìn cửa sổ nhà Khang Sùng một chút, nhưng đổi góc mấy lần vẫn bị cây si che mất. Y từ bỏ, ngay sau đó di động rung, là tiếng rung riêng biệt. Điện thoại của Khang Sùng.

Y nhìn chằm chằm ảnh đại diện cuộc gọi đến, theo bản năng từ chối, gõ chữ đáp lại: "Em không sao."

"Tôi cũng không việc gì." Khang Sùng tiếp: "Chỉ muốn nghe giọng em xác nhận chút."

Y vô thức cười khẽ một tiếng.

"Rảnh ghê nhỉ."

"Muốn tôi qua tìm em không?"

"Anh trèo tường à? Như Người Nhện á hả?"

"Em nhảy xuống tôi đỡ."

"Xong cả hai cùng vào bệnh viện luôn."

"Cảm động thật."

"Rửa ráy rồi ngủ đi."

Lời cuối này y dùng ngữ âm gửi qua: "Ngủ ngon."

Y đóng cửa ban công, cảm giác chắc an tâm ngủ được rồi. Đang định ra ngoài phòng uống cốc nước thì phát hiện phòng cha mẹ vẫn sáng đèn, nước sánh ra dọc theo mép cốc rớt xuống sàn nhà.

Y dừng trước cửa, nhón mũi chân.

"Em không hiểu."

Là tiếng khóc của Nguyễn Nghiên.

"Em không giống anh, đi dạy nhiều năm như thế, tầm nhìn cởi mở, mỗi ngày đều tiếp xúc với người trẻ tuổi, chịu mưa dầm thấm đất, rồi cái gì cũng hiểu ra lẽ được. Em không như thế được, nghĩ không thông. Vì sao con mình không giống con cái nhà người khác chứ?"

"Ý của em là, đồng nghiệp, bạn bè em có con gần như đều kết hôn cả rồi, nhà lão nào đó còn sinh đứa thứ hai... Đúng, em biết loại chuyện này không thể so bì được, nhưng cái này không gọi là so bì đúng không? Em nghĩ có phải phương thức giáo dục của em có vấn đề nên mới dẫn con trở thành "Đặc biệt" như thế? Trách em bảo con nuôi tóc, hay là thời kỳ trưởng thành trước kia chỉ quan tâm đến thành tích học tập của con, sơ xuất chuyện bạn bè, chuyện sức khỏe tâm lý hả? Nhưng em thấy con có vấn đề gì đâu, chỉ hơi hướng nội hơn, thích ở một mình, chưa bao giờ gây rắc rối phiền toái, lúc nào cũng hiểu chuyện, chơi với người ta đều không tệ... Sao em không phát hiện ra chút nào hết?"

"Anh bảo em những chuyện thế này bình thường, em tiếp thu được, con của em thế nào cũng tốt, mãi mãi đều là con của em. Người khác thì sao đây? Liệu người ta nhìn con bằng ánh mắt khác... Đồng nghiệp ở đơn vị, người quen... Em không biết có nên nói với con mấy thứ này không, em sợ con áp lực, con nghe cũng không oán trách phàn nàn gì, hiểu chuyện như thế, con của em... Em sợ tương lai con sẽ chịu khổ... Sùng Sùng bên ấy chắc vẫn chưa nói cho trong nhà hả? Nếu không Tiểu Mai đã gọi qua báo từ sớm rồi, trời ơi, hai thằng con này... Rốt cục là muốn tính chuyện gì đây..."

"Em nghe anh nói."

Cảnh Việt Đông trấn tĩnh cất lời.

"Đầu tiên em không phải nghi ngờ bản thân, em không sai, em là một người mẹ đủ tư cách. Trên điểm này em cần hiểu, con trưởng thành thế nào, kết quả có liên quan đến em, nhưng không phải "hoàn toàn" như em nói. Sự ảnh hưởng từ gia đình trong quá trình con sinh ra và lớn lên có lớn hơn nữa cũng không thể nào đạt một trăm phần trăm, huống chi xu hướng tính dục chẳng phải vấn đề tâm lý hay bệnh tật gì hết mà có thể trị liệu uốn nắn lại. Nó chỉ là tính hướng mà thôi, đừng quá đặt nặng. Anh ở trường từng gặp qua, tuy không phổ biến, trước kia hướng dẫn luận văn cho một học sinh khóa chính quy còn tham khảo tình yêu đồng tính, em muốn xem thì anh tìm về cho."

"Em coi nó như một chuyện "bình thường", con mới không áp lực, bởi vì em là người thân cận nhất của con. Giống cái mặt gương vậy, thái độ của em với con chính là phản hồi trực quan nhất. Cho nên khi em biểu hiện "bình thường", con cũng sẽ thừa nhận chính mình."

"Đừng tự trách. Em thương con, dành cho con tình yêu, cũng dạy con biết yêu. Giờ con ấp ủ nó tặng người ta, nhờ công lao của em. Em nhìn con vừa rồi thận trọng bao nhiêu, anh biết nó không đem chuyện này ra làm trò đùa. Con dũng cảm từ chối, không trêu đùa người ta, thiện lương, trung thành, vậy là đủ rồi."

"Em chẳng kỳ vọng con gì nhiều, chỉ mong nó làm một người tốt."

Tay y khựng giữa khoảng không nắm cửa, không đặt xuống cũng chẳng bỏ ra. Y cứ đứng mãi, cách bố mẹ một bức tường, không định tiến thêm bước nữa, mà vẫn cảm giác được trái tim gần kề nhau.

"Con xin lỗi." Y nói với khe cửa.

Nói xong y bỏ chạy, không chờ bất cứ lời hồi đáp nào, về phòng, khóa trái cửa, bịt kín chăn.

Người lớn để lại ngày mai làm nhé, đêm nay y vẫn là đứa trẻ xưa ấy thôi.

27.

Sáng sớm hôm sau Cảnh Doãn tỉnh dậy, cứ thể ngồi ngẩn trong phòng ngủ chẳng làm gì, lắng tai nghe tiếng bố mẹ đi lại ngoài phòng, tiếng vang trầm trầm đục đục, âm thanh sinh hoạt ngày hạ, tất thảy đều khiến y an tâm lại dù trong bất cứ hoàn cảnh xốc nổi nào. Y thay quần áo, ra ngoài, rót ly nước ấm cho mình, dựa tủ lạnh uống từ từ.

Sáng sớm nay chẳng khác gì ngày thường: Nguyễn Nghiên trong phòng bếp nấu cháo cá, thấy y, không bắt chuyện. Y đi nhà vệ sinh, lượn qua phòng sách, Cảnh Việt Đông ngồi ghế đọc báo, thấy y, cũng chẳng nói năng gì. Cả nhà tận lực không nhắc tới chuyện tối qua, không phá vỡ sự hiểu ngầm và cân bằng, thận trọng im lặng quá thành thử có hơi chuyện bé xé ra to, vụng về mà cố gắng bảo toàn tự tôn cho nhau, cho dù cũng chẳng tất yếu.

Một nhà ba người ngồi quanh bàn ăn, Nguyễn Nghiên mới đắn đo cắt lời.

"Hay là tối gọi nhà Sùng Sùng cùng ăn bữa cơm?"

Cảnh Doãn gật gật đầu.

Vì đêm qua khóc nhiều nên mí mắt trên bà hơi sưng, đã cố tình đắp khăn mặt ấm rồi nhưng nhìn kĩ vẫn nhận ra được. Bà lấy thìa quấy cháo đang bốc hơi nghi ngút, mở miệng, trông như vẫn còn chuyện muốn nói, lại bị Cảnh Doãn ngăn.

Y bảo: "Đây là chuyện của hai chúng con, để con qua nói."

"Chú dì con đều là người sáng suốt." Cảnh Việt Đông gấp báo, vuốt phẳng, nhét xuống dưới bàn: "Con mang thành ý đến, những cái khác không phải sợ."

"Vâng." Y lấy chút su hào thái sợi muối, ăn miếng cháo.

"Nhà chỗ nào, nghĩ xong chưa?"

"Rồi ạ."

"Thế thì đi xem trước đi, ừ, xem thế nào đã, không đủ tiền thì nói với bố mẹ."

"Hai bọn con không định hỏi bố mẹ đâu."

"Dù sao nhà ấy hả, sớm muộn cũng phải mua, bố mẹ dự tiền trước cho anh, hiểu không? Gần hai năm nay giá nhà đất thành Táp bắt đầu tăng rồi, đúng chứ ông nhà? Nghe mẹ nói, thừa dịp này mua đi." Nguyễn Nghiên chưa an tâm, lảm nhảm mãi: "Lỡ như hai đứa có chia ——"

Bà hơi không biết nói làm sao cái từ kia, cảm giác như điềm xấu, thế nên tìm từ uyển chuyển hơn thay: "Không hợp nhau, thì cũng không ồn ào khó coi quá. Cúi đầu không gặp ngẩng mặt lại thấy, giao tình vài chục năm nhà chúng ta..."

Nếu con trai quen bạn gái, chuyện yêu đương kết hôn, vợ chồng ở chung bà còn làm tham mưu cho được. Giờ đổi thành nam, kinh nghiệm tích góp nửa đời này của bà coi như công cốc rồi, muốn giúp mà giúp chẳng nổi, lộ vẻ luống cuống vô cùng.

Thế là chủ đề lại tha về: "Sao tự nhiên lại nói chuyện yêu đương hả..."

Cảnh Doãn mò miếng thịt cá cuối cùng dưới đáy bát, khựng lại chút, cười nhạt trả lời: "Không phải đột nhiên đâu."Ánh mắt y rơi vào hư không, tựa gần tựa xa. Có lẽ y đang suy nghĩ xa xôi tìm kiếm chút manh mối đủ kiên cố lẫn vững chắc để có thể vứt hết thảy do dự và hành trang, thản nhiên lấy làm điểm tựa.

"Hai chúng con cố gắng không chia tay." Y bảo: "Không xa nhau là được rồi."

Y trước sau như một, cứ nhẹ như không, chuyện lớn chuyện nhỏ đều ứng đối được, đều giải quyết xong, nắm chắc toàn vẹn, không chừa chỗ trống nào cho người quan tâm.

Trong lòng Nguyễn Nghiên ngũ vị tạp trần.

Sau đó bà trông thằng con xưa nay bình chân như vại nhà mình nhìn di động một cái, hai mắt mở to, nói một mạch không dấu ngắt câu: "Ôi ôi ôi ôi trời ạ bố mẹ con đi nha", cứ thế kéo ghế tông cửa ra ngoài như đi cứu mạng ai vậy.

Khang Sùng đang ở nhà, bị ăn đòn.

Một thằng đàn ông bốn bỏ làm năm ba mươi tuổi đầu, từ bé đến lớn đánh nhau chưa bao giờ chịu thiệt, muốn thua thật chắc lý do chỉ là cố tình, ờ, ví dụ như bây giờ.

Ba Khang Sùng mở cửa cho, Cảnh Doãn còn chưa vào đến nơi, từ xa đã thấy Khang Sùng đứng đối mặt căng thẳng với mẹ gã Mai Ương trong phòng khách. Mặt mũi hai người đều bí xị, chẳng nói chẳng rằng. Khang Sùng bị ăn một cú bạt tai, đầu lưỡi ấn ấn chỗ thịt rách bị răng nanh đập vào trong miệng, mùi máu tươi hòa trong nước bọt khuếch tán, nhưng gã vẫn mím chặt môi, không hé một lời, cằm khẽ nâng, ánh mắt hướng xuống dưới, bộ dạng đúng kiểu chẳng màng sự đời.

Người phụ nữ đối diện thấp hơn gã hai cái đầu nhưng khí thế chẳng yêu kém tẹo nào, một mỹ nhân mười phân vẹn mười, nhỏ hơn Nguyễn Nghiên vài tuổi, nghe nói hồi còn trẻ được nhiều người theo đuổi lắm, cao ngạo điêu ngoa, lớn tuổi rồi phong thái không đổi, dáng người vẫn thon thả nhanh nhẹn như trước, hai tay mang đôi vòng ngọc xanh biếc, khoanh trước ngực.

Thời điểm thế này không nói lời nào ngược lại khủng bố nhất, đi cùng với im lặng chính là sự chuẩn bị bùng phát uy lực cực mạnh. Mắt thấy tình thế có nguy cơ leo thang, Cảnh Doãn chẳng nghĩ ngợi bước dài đến tiền phương, cưỡng ép can dự giữa mẹ con hai người, dùng thân mình chắn trước Khang Sùng, che gã sau lưng không để Mai Ương với đến, mặt cười câu nệ, lên tiếng giải thích nhanh: "Dì ơi dì ơi, là do con trước, là con. Con thích Khang Sùng trước, dì đừng trách anh."Y chạy vội thế là lòng bàn chân bị trượt, Khang Sùng ôm thắt lưng mới lảo đảo đứng vững, tim vọt lên đập bùng bùng. Không biết tột cùng Khang Sùng thẳng thắn đến mức nào, nhưng y không thể để Khang Sùng gánh vác một mình. Đây là chuyện của hai người.

Ai biết mạch não người yêu y quá phi thường, năng lực chắt lọc trọng điểm từ một câu tiếng người hình như dừng lại mãi mãi ở cái trình của trẻ sơ sinh, bản lĩnh đi lệch quỹ đạo đúng là khiến người ta thán phục, tức khắc bẹo mặt Cảnh Doãn chất vấn: "Hả? Thế sao em không nói với tôi sớm chút?"

Mặt Mai Ương cáu phừng phừng.

"... Không biết chịu trách nhiệm, vô liêm sỉ..." Bà cắn răng, càng nói càng giận: "Còn dám kéo người yêu mày làm lá chắn!"

"Mẹ mẹ mẹ mẹ mẹ đừng đừng đừng đừng đừng!" Lần này Khang Sùng phản ứng cực nhanh, ôm Cảnh Doãn đến chân cũng rời mặt sàn, che đầu che mặt, như thể hận không lùi xa mấy chục mét, chẳng khác gì rắn bị đánh bảy tấc. Gã không cần mạng nữa, bật lại mẹ: "Mẹ làm gì đấy, đánh con hỏng mất thì sao... Bọn con ở bên nhau được có dễ dàng gì đâu..."

"Được đấy Khang Sùng." Ba gã ngồi một bên chỉ lo thân mình, không chỉ bỏ mặc thằng con mà còn đổ thêm dầu vào lửa: "Con trai ta có khí phách. Nên truy nhận liệt sĩ!"

Mai Ương liếc mắt qua: "Hổ phụ sinh hổ tử đúng không? Tôi con mẹ nó trừng trị ông trước, Khang Trọng Diên cút qua đây!"

Bố Khang thấy chết không sờn: "Ngược lại tôi muốn nhìn xem bà đánh chết tôi rồi thì đi đâu tìm ông bạn già đẹp lão thế này."

Khang Sùng đành che mắt Cảnh Doãn: "Đừng nhìn, mất mặt chết."

Thừa dịp lỗ hổng chiến tranh mà rời vị trí, Khang Sùng khiêng Cảnh Doãn lên muốn chuồn, vừa xoay người đã ăn quả đắng, bị mẹ táp cho cái dép lê lúc nãy Cảnh Doãn đi vào đầu. Mai Ương đứng sau lạnh lùng nói: "Mày để Tiểu Doãn xuống cho tao."

Cảnh Doãn nện nện lưng gã: "Không sao đâu, anh đừng căng thẳng, chúng ta ngồi xuống rồi nói."

Khang Sùng bị thuyết phục, vẫn chưa bỏ phòng bị, một bàn tay ôm y, nói với Mai Ương: "Có gì cứ tẩn con. Đúng, con thừa nhận lúc trước luôn qua loa lấy lệ với mẹ, không nói thật cho mẹ. Biết là mẹ sẽ giận, nhưng cũng cần phân rõ phải trái chứ."

Mai Ương lấy tay chống nạnh: "Mày nẫng mất con của chị tao giờ còn mặt mũi ra phân rõ phải trái à? Tao phân cái đầu chó nhà mày nhé!"

"Vừa rồi chính miệng Tiểu Doãn nói mẹ cũng nghe, hai bọn con tự do yêu đương, anh tình tôi nguyện, chẳng ai ép ai cả." Khang Sùng gân cổ, lợn chết không sợ nước sôi: "À còn nữa con đã nẫng được tới tay đâu mẹ tưởng con không muốn à?"

"..."

Cảnh Doãn thật sự muốn đào cái hố tại chỗ xong chôn luôn mình xuống.

28.

Trước khi tiền hành nói chuyện chính thức, Cảnh Doãn lôi Khang Sùng vào phòng bếp, lấy chai nước khoáng đông lạnh từ tủ ướp đá, quấn khăn mặt rồi chườm cho Khang Sùng, nhiệt độ thấp tiêu sưng hiệu quả.

Hai người ngồi xổm xuống, gò người trốn sau tủ quầy đựng bát đũa và gia vị, nơi ẩn núp chật chội thế này, đến người ngoài phòng bếp có đi qua cũng chả phát hiện, giống khi còn bé cùng nhau chơi trốn tìm.

Hồi ấy tóc Cảnh Doãn còn tết bím đuôi sam, đôi mắt đen lúng liếng, chạy qua trốn lại chóp mũi đầy mồ hôi, lúc co rụt người lại vẫn không quên lấy tay bịt miệng đang thở dốc; Khang Sùng mặc cái quần đùi, đầu kề đầu bạn nhỏ, từ nhỏ đã cao hơn mấy đứa cùng lứa, lớn rồi da dẻ đi phơi nắng gắt cả mùa hè thế là đen thành màu tiểu mạch, đầu gối lại còn dán băng cá nhân vì xốc nổi mà để bị trầy da.

Cảnh Doãn nhẹ giọng hỏi gã: "Đau không?"

Mắt Khang Sùng cong lên, nửa mặt lạnh run, buồn cười mà chịu chết, hừ hừ kêu: "Đau."

Cảnh Doãn ngán ngẩm, đành quỳ một gối xuống nền nhà, sát lại chút nữa, chạm môi lên trán Khang Sùng.

"Đúng là em thích anh trước đấy." Y nhấn mạnh.

Khang Sùng vặn nắp chai uống ngụm nước lạnh đầy vụn băng, súc hết máu trong miệng, nhổ sạch sẽ, sau đó mới hôn trả người ta.

"Không đau nữa rồi."

Cả hai cùng ra ngoài, ngồi xuống trước mặt bố mẹ Khang Sùng.

"Tiểu Doãn uống này, chắc khát rồi hả."

Mai Ương rốt cốc nước ô mai cho Cảnh Doãn, y đứng dậy nhận bằng hai tay rồi ngồi lại ngay ngắn chỉnh tề, nói: "Cảm ơn dì ạ."

Khang Sùng quen thói sán lại cọ uống, chưa gì đã bị Mai Ương đạp cho phát, trông rõ là phiền phức: "Đừng có láo nháo với mẹ mày. Tiểu Doãn này con để nó lấn tới thành thói rồi, sắp mét chín đến nơi mà cứ ngốc nga ngốc ngếch."

Cảnh Doãn thẹn thùng sờ sờ cái gáy tóc đen lởm chởm.

"Hôm nay coi như dì hiểu vì sao thằng này dính con như thế."

Mai Ương trông một hồi, nhẹ thở dài, đủ những dấu vết chẳng khiến lòng bà nghi ngờ lắm trong quá khứ, tất thảy như một phép thử dẫn lối, đúng thời khắc này xâu chuỗi liên tiếp thành loạt chứng cứ hoàn mỹ vô cùng xác thực, bày ra sự thật có phạm trù vượt quá nhận thức của bà, dường như còn khó tiếp thu hơn cả chính tai nghe thấy.

Bà thả lỏng bờ vai, thu lại khí thế đối chọi gay gắt, tâm bình khí tịnh, nói:

"Chắc phải hơn hai mươi năm rồi nhỉ, hai đứa, đúng là giao tình từ khi còn bé đến tận giờ. Trên đời này cơ man là người, con đường trưởng thành một khi rẽ lối, tính tình rồi cách ứng xử một khi thay đổi, dần dần sẽ đẩy nhau càng ngày càng xa, quan hệ càng lúc càng nhạt nhẽo, dù về sau còn bên nhau cũng không sao giống như trước được nữa.""Nhưng dường như hai đứa từ đầu đến cuối vốn chẳng hề thay đổi... Không đúng lắm. Rõ ràng hai đứa lớn lên thành hai người trưởng thành khác nhau hoàn toàn, mỗi đứa có cách sống riêng, vòng giao thiệp khác nhau, rồi con người đều không ngừng biến chuyển, bất kể các con có nhận ra hay không. Vậy mà hai đứa kỳ diệu ghê, bất luận biến thế nào đổi ra sao, cứ tựa như khớp nối của miếng ghép hình, cuối cùng xếp một chỗ vẫn hợp nhau đến thế."

"Tiểu Doãn dì không dám nói, Khang Sùng là con dì, dì biết ——Tuy là chuyện hôm nay tới dì chẳng thể bày vẻ không lo lắng mà bảo "Hiểu rồi" được. Xử lí qua quýt có khi nó còn chả nhận ra tại sao lúc nào cũng khăng khăng chỉ mình con, không rời xa con được. Xong mới biết à hóa ra bên trong có hàm ý khác, còn yếu tố khác. Đổi lại thành người nào đó, dì muốn chỉ những người không nghĩ tới được tầng ý nghĩa này, họ có thể sẽ một đời cứ ở vậy, đến chết vẫn chẳng hiểu rõ, vẫn không vượt ranh giới. Đương nhiên thế cũng không tồi, họ bảo vệ tình hữu nghị trung trinh đến chết, ấy là một loại thuần túy khác."

"Nếu chuyện đã đến nước này, đám ông bà già còn nhúng tay làm khó dễ, thì đúng là rảnh việc đi tìm rắc rối, ăn no rửng mở. Có ai chịu bỏ những ngày đẹp tháng tốt để đi náo loạn gà bay chó sủa cơ chứ, phải không? Con cháu tự có phúc của con cháu, chúng tôi chưa tách được đến phiên các anh tự rạn nứt, các anh lại hận chết tôi, dựa vào cái gì tôi phải đóng vai phản diện hả?"

"Chẳng qua hai anh ấy, có vài câu tôi vẫn phải căn dặn. Cá nhân tôi tán thành hai anh ở chung, con người chỉ khi chính thức về một mái nhà mới cảm nhận được tư vị sinh hoạt chung một cách chân thực nhất. Rồi sau này gặp đủ loại chuyện, có lớn có nhỏ, có tốt có xấu, tranh đoạt, cãi vã, cả hai phải học cách xử lý, giải quyết, thỏa hợp lẫn nhau, bởi vì sống chung nên không trốn tránh được, đây là chỗ phiền toái, cũng là sự có ích. Bố mẹ sẽ không giúp đỡ, hai anh đừng trông chờ gì. Nói trắng ra, các anh có cuộc sống của các anh, bố mẹ cũng thế, đừng nghĩ chuyện gì cũng ỷ lại vào bố mẹ... À thi thoảng mè nheo tí thì không sao. Cuối tuần gì đấy kỳ nghì nào đó thường xuyên về nói chuyện, cọ cơm này kia, không thì bố mẹ buồn chết mất... Ầy Tiểu Doãn về thì tốt, theo mẹ viết chữ chụp hình, Khang Sùng mày không về cũng được ha, không miễn cưỡng, nhìn mày mấy chục năm thẩm mỹ mẹ hao mòn rồi, đi nhà mẹ vợ mày chạy việc đi."

"..." Vẻ mặt Khang Sùng khó tả: "Tiểu Mai mẹ đúng là người phụ nữ qua cầu rút ván số một."

Mai Ương đưa mu bàn tay hất tóc, mắt trừng một phát: "Tôi đã không ép anh kết hôn sinh con, còn không cho tôi chia sẻ quả ngọt thắng lợi tình yêu của anh à?"

Khang Sùng nói không lại bà, trêu không được thì trốn, kéo Cảnh Doãn làm bộ muốn đi: "Hôm nay bọn con dự định đi xem nhà rồi, không còn chuyện gì nữa thì bai bai quý bà đây nhé."

"Ấy từ từ đã?"

Mai Ương đứng lên theo, nét mặt tươi cười như hoa: "Đi cùng nhá?"

Nhóm hai người đi xem nhà trong dự kiến biến thành đoàn đi xem nhà.Khang Sùng cầm lái, Cảnh Doãn vạn năm ghế phụ, hôm nay chỗ ngồi phía sau có thêm hai vị nữ sĩ vừa tám chuyện khí thế ngất trời vừa chụp ảnh đăng vòng bạn bè, đảm nhận nhạc nhẽo phông nền cho hai đứa.

"Mặt tôi không sưng nữa chứ?" Khang Sùng vừa lái xe vừa hỏi.

"Không." Cảnh Doãn thấy dễ thương ghê, buột miệng hỏi: "Trước kia sao anh không hỏi em, hồi bé đánh nhau hung thế cơ mà."

"Lúc ấy không để ý ở trước mặt em có đẹp trai hay không." Khang Sùng nhìn phía trước, hơi nhướn mày: "Giờ thì để ý."

Cảnh Doãn cười cười, ngoẹo cả đầu qua một bên, chẳng lên tiếng, mãi sau mới nói: "Về sau ngày nào cũng ngủ chung một cái giường em xem anh làm như nào."

"Hớ." Khang Sùng không chịu yếu thế: "Có mà hai đứa mình lúc đấy còn dính còn kề nhau hơn thế. Đừng hỏi, hỏi là bắt đầu tưởng tượng."

"..." Cảnh Doãn khép mi: "Anh có còn cần cái bản mặt này không thế..."

Mua nhà không phải mua thức ăn, tùy tiện chọn là xong việc, có người lớn đi theo thì an tâm hơn, còn là phụ nữ, các mẹ kỹ tính, mắc sắc, suy xét càng chu toàn, nghĩ tới những chi tiết mà đàn ông con trai hay xem nhẹ.

Cả chiều chạy qua bốn năm tòa, đều là nhà hoàn thiện thô. Bởi vì yêu cầu về vị trí hay diện tích khá thoáng nên lựa chọn cũng nhiều, chỉ có vài mong muốn về loại hình căn hộ, hướng mặt trời, có tầng lửng, ban công, phòng bếp mở vân vân là phải hợp ý. Về phần vấn đề tài chính, có mấy vị nữ sĩ lúc nãy ở nhà còn luôn miệng: "Chúng tôi không giúp gì đâu, các anh đừng mong chờ.", giờ thì lật lọng, cứ muốn trợ cấp tí tiền, mua tí đồ gia dụng. Nguyễn Nghiên còn lấy mấy tờ quảng cáo với sách giới thiệu của chị gái môi giới, một bộ chuẩn bị mang về nhà cùng nghiên cứu tham khảo với bố nó.

"Hôm nay đến đây thôi."

Ra khỏi khu cao tầng, Mai Ương khoác tay Nguyễn Nghiên, hỏi: "Chị bảo tối muốn họp nhau ăn cơm hả? Em gọi Đan Đan trước nhé, dặn nhà nó đừng nấu cơm." Hoa Đan là mẹ Trần Mật Cam, cũng là em gái nhỏ tuổi nhất trong ba chị em thân thiết, Nguyễn Nghiên là chị cả.

"Con gọi nhà hàng đặt chỗ trước nhé." Khang Sùng vừa nhấn số vừa khoa tay: "Chín người nhá."

"Ờ."

Lúc rảnh rỗi đợi lễ tân nhà hàng nhận điện thoại, gã ôm Cảnh Doãn từ phía sau, đặt cằm lên vai em, ngó Cảnh Doãn nhắn wexin cho Trần Mật Cam.

Vốn chẳng để ý, đột nhiên gã không nhịn được cười, đầu ngón tay lướt lướt danh sách chat của Cảnh Doãn, nhấn cái biệt danh "Tên móng heo to", chả hay ho gì sất, giờ còn gọi thế này hả, ghim lên đầu đi nè.

Tôi tự sửa rồi ha, sửa thành "chồng" đó.

29.

Trần Mật Cam nhuộm quả tóc mới, lai giữa hồng cam với màu quất trông sáng rực, ra nắng thiên hồng, trong nhà thì nhiều màu quất hơn, giống hệt tên cô vậy. Hiệu quả nhuộm nổi bật bất ngờ, khiến nhà tạo mẫu tóc phi giới tính tán thưởng mãi, giơ di động muốn chụp chung với cô, lấy ảnh làm mẫu. Đang tạo các thể loại dáng chụp với kiểu tóc, cô nhận được weixin của Cảnh Doãn, bật dậy từ cái ghế bành như quả pháo kép nổ: "Chị em!"

"Làm sao làm sao?"

Nhà tạo mẫu tóc hãy đang bận chỉnh ảnh, chắn trước gương thì bị cô uỷnh một phát ra, chiếm chỗ đẹp, rút giấy thấm dầu lẫn hộp phấn ra, mặt mày rõ tợn bắt đầu chỉnh lớp trang điểm, hỏi: "Ây quanh đây có ngân hàng không! Công thương Nông thương gì cũng được!"

Nhà tạo mẫu vểnh ngón út, ưỡn ẹo, nghĩ bảo: "Cô đi về phía Nam ấy, qua hai cái giao lộ..."

"Đù tôi không biết phân biệt phương hướng!"

Cô tô son môi, cười toe la toáng lên, trông cực kỳ đúng lý hợp tình. Nhà tạo mẫu tóc trừng mắt: "Ra ngoài rẽ phải! Một ngàn năm trăm mét! Đối diện IKEA!"

"Ầy, nói thế từ sớm có phải tốt hơn không."

Cô bĩu môi, xách túi lên bỏ hết đồ trang điểm trên bàn vào, tặng một cái hôn gió, lộc cà lộc cộc chạy ra đẩy cửa, chuông kêu đinh đang.

"Đi à nha!"

Nửa đường đến ngân hàng, cô quẹo vào cửa hàng tiện lợi mua một tệp năm bao lì xì. Bóc vỏ ngoài ra xem, chất liệu khá cứng cáp, giấy đỏ chữ vàng, mỗi mặt mỗi cái in lời chúc khác nhau, "Cung chúc phát tài", "Đại cát đại lợi", "Vạn sự như ý", "Nghiệp học thành công", rồi "Trăm năm hòa hợp".

Cô chọn cái cuối cùng, rút mình nó ra, đút vào ngăn lửng túi xách.

Tìm thấy ngân hàng, cô rút một nghìn tệ tiền mặt (xấp xỉ 4 triệu VNĐ), nhét vào bao lì xì, đứng một mình nửa ngày trong gian ngăn cách bức bí đặt máy ATM dùng móng tay bóc miếng dán trên mép, mướt mải mồ hôi.

Dán xong nếp dính trên mép bao lì xì đựng tiền, cô mới ra ngoài, đứng bên đường huýt sáo đón xe, nắng chiều hắt dài bóng cô nàng, mái tóc chợt hồng chợt cam bay bay theo gió, ngọt lành như nước có ga.

Tới chỗ hẹn, Cảnh Doãn đang chờ cô dưới sảnh tầng một, ngồi trên ghế sa lông khu nghỉ ngơi công cộng, khuỷu tay trái chống tay vịn, đèn chân cao ngay gần, đang xem quyển tạp chí giới thiệu nội thất, nhiều ảnh, ít chữ, khoảng cách thời gian lật trang rất nhanh.

Lúc anh đọc sách toát một vẻ thần tiên không dính bụi trần, tự tách mình ra một góc yên lặng tuyệt đối. Trần Mật Cam không đành lòng ới anh, đi đến khe khẽ ngồi xuống, như thời hãy là cô em gái nhỏ hay nghe Cảnh Doãn đọc truyện trước khi đi ngủ, ghé bên cánh tay anh, nhỏ giọng hỏi: "Anh đang xem cái gì á?"

Bên sườn mặt lẫn cái cổ cong cong vương lọn tóc đen, góc độ trông thật khoan khoái, y hơi nghiêng nửa thân trên, nói với cô em: "Nhà tương lai.""Em cũng có thể qua nhà anh hả?"

"Đương nhiên."

"Okela, em phải học nướng bánh mì với bánh bích quy trước đã."

Y đưa tay sờ xoáy tóc cô em, cười nhìn: "Em đang phát sáng nè."

"Đúng hông." Hai tay cô nàng chống má, cười tươi rói: "Em siêu thích bản thân mình luôn~"

Đang nói chuyện, lại thêm một người chen chúc vào sô pha, ép dí Trần Mật Cam đang ngồi cạnh Cảnh Doãn, cánh tay quàng qua đầu cô, đủ tới vai Cảnh Doãn, kẹp cô nàng ở giữa, rất chi là lưu manh bảo: "Để tôi xem cô gái nhà nào đào người yêu của tôi đây."

"Tên đàn ông thối tha! Quỷ hẹp hòi! Đến giấm của em gái ông cũng phải ăn!" Trần Mật Cam giãy nảy rút lì xì ra, vứt lên người Khang Sùng: "Cho nhà anh tiền mồ hôi nước mắt của em!"

Khang Sùng cầm vào tay, nhìn chữ trên mặt, vắt chân, trông đến là hứng trí hỏi: "Tiền mừng hả?"

"Biết là hai anh giai đây không kết hôn được cũng chẳng thu đến tay tiền mừng của ai." Cô nàng vỗ ngực: "Bản cô nương thể hiện chút tâm ý.""Đa tạ đa tạ, cảm ân đại đức." Khang Sùng chắp hai tay, giơ quá lông mày, "Cũng không nhọc quý cô nương đây làm phù dâu, em tốt tôi tốt mọi người cùng tốt."

"Đù mé." Cô nàng hứ một tiếng: "Đúng thật nhể."

Bảy giờ hơn, người lớn lục tục đến đông đủ, cả đoàn chín người thanh to thế lớn, bao một phòng rộng. Không ngoài dự đoán, mẹ Trần Mật Cam Hoa Đan vừa thấy đã tổng sỉ vả màu tóc khác người của con gái. Cho dù Nguyễn Nghiên Mai Ương đều nhất tri bảo đẹp, khen muôn màu muôn vẻ. Nhưng là người mẹ có tư tưởng bảo thủ nhất, tác phong nghiêm túc nhất trong cả ba, bà vẫn không chấp nhận được quan điểm này.

Cõ lẽ vì giới tính con trai con gái khác biệt nên phương thức giáo dục cũng khác, có rất nhiều quan điểm của bà cả Nguyễn Nghiên, Mai Ương đều không tán thành hay ủng hộ, nhưng mỗi người mỗi suy tính và dụng ý, chỉ cần phương hướng chung không có mâu thuẫn, mọi ngưỡi vẫn giao hảo hòa hợp với nhau cả nửa đời người, tận đến tuổi xế bóng.

Khang Sùng lẫn Cảnh Doãn ít nhiều rén dì Hoa, nói là "sợ" cũng chả phải phải, chưa tới mức đó, không dám càn rỡ, kính nể dì thì đúng hơn. Thế mà sinh ra Trần Mật Cam sôi nổi không thích gò bó, tùy tiện cẩu thả, càng bị quản nghiêm thì càng bật ác, không sợ đối chọi với mẹ tí nào.

"Em cảm thấy, kiểu người như mẹ em, chắc khó tiếp nhận các anh lắm." Cô nói với Cảnh Doãn Khang Sùng: "Nhưng mà kệ đi. Ưu điểm lớn nhất của mẹ là 'Không xen vào chuyện của người khác'. Hiểu ý em chứ."

"Hiểu." Khang Sùng tiếp: "Biết là sớm muộn cũng phải rõ ràng, hai nhà chúng ta cứ giấu mãi càng không phải phép. Quan hệ tốt như thế mà lời thật chẳng được câu nào thì tổn thương cảm tình là tất có thôi."

"Chuẩn á."

Bọn họ vào phòng, lần lượt chào hỏi các vị trưởng bối. Quanh năm sẽ tụ họp kiểu này tầm bốn năm lần, đa số rơi vào ngày lễ Trung Thu, Nguyên Tiêu linh tinh, cũng có ngày thường như hôm nay vậy, chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt, chỉ là người lớn muốn gặp nhau một bữa, tâm sự chuyện trò tình hình gần đây thôi.

Mà đối với Cảnh Doãn Khang Sùng, đây càng chẳng phải nghi thức trang trọng gì, chút chuyện hai đứa còn sợ chia sẻ không hết cho mọi người.

Lấy Cảnh Doãn làm ranh giới, bên trái là các mẹ thích nói chuyện trên trời dưới đất, bên phải cánh đàn ông ngồi gần nhau tiện chạm cốc uống rượu hơn, y xoay bàn tròn, pha trà ngon cho cả nhà rồi mới ngồi xuống, nắm chặt tay Khang Sùng dưới bàn, Trần Mật Cam thuận thế kéo cao khăn trải bàn phủ lên đùi, che lại cho hai anh.

Cô nàng nghe dì Mai thấp giọng ghé tai mẹ nói gì đó, trông ánh mắt mẹ nhoáng lên một cái, đảo qua chỗ các anh, xen lẫn nghi ngờ, kinh ngạc, rồi sự phủ định khó lý giải. Mà có vẻ mẹ không hề hấn gì lắm, chỉ dừng đũa chốc lát lại tiếp tục múc thêm bát súp ngọt khai vị, vẫn nhỏ giọng nói chuyện với các dì, không bao lâu đã nhảy qua chủ đề khác rồi.

Thế nên cô chẳng lo nữa, quay đầu tập trung ăn bò lúc lắc, củ từ ngâm đường, tôm với sò biển Cảnh Doãn gắp rồi lột vỏ cho. Anh cũng làm y thế cho Khang Sùng, nhưng hình như trông con tôm kia của Khang Sùng to hơn của cô chút, hay là như nhau nhỉ, chẳng biết có phải ngồi xa nên thị giác sai số không.

To hơn tí thì to hơn tí đi! Cô nàng lấy cái đũa xiên tôm cho òm vào miệng, lỗ mũi "phẫn nộ" thở hắt một cái.

30.

Sau hôm ấy mấy ngày, Mai Ương nhận hai tấm danh thiếp Hoa Đan đưa qua, nhắn bà chuyển cho Khang Sùng. Nhìn giới thiệu với phương thức liên lạc đều từ văn phòng địa ốc, bạn bè giữ chức vị không thấp. Vừa đưa bà còn lựa một câu, ngắn thôi, y như phong cách của bà vậy: Cứ bảo cháu trai em, là được giảm giá.

Khang Sùng cảm động muốn chết, đi công tác về còn đặc biệt mua chiếc vòng cổ tặng bà, kiểu dáng trong nước không còn hàng. Ngoài miệng bà cứ nói "Không cần", "Thôi cất đi", "Thằng này cứ tiêu tiền lung tung" nhưng thâm tâm cũng vui lắm, tiếp khách hàng lớn hay lúc chủ trì cuộc họp quan trọng ở công ty mới lấy ra đeo, nâng niu như bảo bối.

Đến cuối tháng, sau mười ngày khảo sát cân nhắc, cuối cùng hai đứa ra quyết định, đưa tiền đặt cọc căn nhà cả hai vừa lòng nhất. Tuy nhờ phúc Hoa Đan mà giá cả rẻ hơn mấy vạn, nhưng vẫn là khoản tiền lớn, lúc ký hợp đồng, làm thủ tục Khang Sùng còn chưa có cảm giác gì mấy, tối đến đi ăn Sukiyaki chúc mừng xong ra tính tiền mới ngẫm lại: "... Hình như tôi hết tiền rồi hay sao ấy?"

Cảnh Doãn không khỏi thấy vừa thương vừa buồn cười: "... Đúng á."

"Em thì sao?"

"Em cũng hết òi."

"Ài ——"

Hai người ngồi tàu điện ngầm về nhà, tìm góc bên không bắt mắt giữa toa xe toàn người là người, ôm nhau cảm nhận chua xót của sự bần cùng. Một tay Khang Sùng nắm tay cầm, một tay khoác sau lưng Cảnh Doãn, che em khỏi bị đẩy đụng. Cánh tay Cảnh Doãn ôm lưng gã, ấm giọng an ủi bên tai: "Còn dư chút, còn dư chút, sống được qua mùa thu này."

Tàu dừng một trạm, cửa mở, người người hỗn động lên xuống, gió lạnh cuốn vị rỉ sắt trào vào, thổi làm mắt Khang Sùng híp cả lại. Gã nhìn sân ga, chứng kiến rất nhiều cuộc bôn ba và trốn chạy, đeo đuổi lẫn buông bỏ. Cuối cùng đèn báo hiệu sáng lên, cửa đóng, gã thở một hơi dài, ôm Cảnh Doãn càng chặt hơn, cùng những mảnh bé nhỏ mà bình phàm giống bọn họ giữa thành phố này, gánh vác trọng lượng khác nhau, vững chân bước theo phương hướng của mỗi người.

Tựu lại trong lòng vẫn vui vẻ lắm. Tuy không hoàn toàn giống, nhưng đã gần chạm tới căn nhà mơ ước rồi, tám mươi mét vuông, tầng chín, lấy ánh sáng tốt, diện tích thực không rộng nhưng cảm giác không gian rất thoáng, đầy đủ tiện nghi, sân phơi lớn cửa sổ nhiều, sàn nhà, gạch tường, phòng bếp, nhà vệ sinh, đường thoát nước các thứ được trang bị trước. Lúc nghiệm thu phòng ốc hai đứa đều xin nghỉ chạy qua nhà, tìm đơn vị chuyên nghiệm thu phòng ốc đo lường kiểm tra các chỉ tiêu, tối về lại thức đêm đọc bản bảo đảm chất lượng khu dân cư, dùng sách hướng dẫn với danh sách đồ trang bị, cam đoan tận tâm tận lực tự thân vận động hết, đoàn bố mẹ gần như chẳng giúp gì, chỉ tài trợ chút đồ gia dụng cho "có lệ". Nhà Khang Sùng chi tiền mua giường với sô pha, nhà Cảnh Doãn xuất tiền mua tủ quần áo với giá sách, bồn tắm lớn được bên nhà phát triển tặng, bằng gang, chất lượng có vẻ khá, còn bàn bếp, thảm trải sàn, rèm cửa, tủ TV, mấy đồ linh tinh khác thì hai đứa tự mua thêm. Quản cũng lười quản, lấy lời Mai Ương nói, "Tốt ghê, từ nay về sau không cần tích sổ tiết kiệm để lấy vợ cho các anh rồi, mẹ muốn đi ăn chơi đàng điếm, ngợp trong vàng son, muốn đi Maldives mặc bikini!"

(住宅质量保修书 Bản bảo đảm chất lượng khu dân cư: văn bản mà chủ đầu tư phát triển bất động sản cam kết với người mua về chất lượng nhà ở khi chủ đầu tư bán nhà ở mới xây cho người mua. Điều đó có hiệu lực pháp luật và chủ đầu tư phải thực hiện đúng những gì đã cam kết trong đó.)
Cuối tuần đầu tháng chín, công ty chuyển nhà lái xe đưa đồ gia dụng đến nhà mới, Khang Sùng ở bên ấy giúp đỡ, Cảnh Doãn bên này vửa ngủ trưa dậy, rửa mặt qua loa ngáp liền mấy cái đã ra ngoài. Dưới còn mặc quần đùi, trên mặc áo dài tay, đi đôi giày vải buộc dây, dùng dây thun buộc túm tóc, mơ mơ màng màng. Tàu điện ngầm ít ghế ngồi, y dựa vào ký ức chưa sâu lắm mà ngáo ngơ đến nhà mới. Vừa vào cửa đã thấy cả nhà chẳng còn chỗ đặt chân, bày đầy các thứ ngổn ngang, đồ đạc chưa sắp xếp. Trước mắt y đây rõ ràng là giá sách yêu quý nhất, lót bằng bọt biển, che vải plastic, tản mạn mùi gỗ dễ chịu.

Y ló đầu ra từ mặt sau cái tủ, gọi một tiếng: "Khang Sùng." Đi vào trong, trên sàn nhà hỗn đôn dấu chân, hộp giấy ép xẹp, bụi bặm lênh bênh trong không khí, y nghe tiếng đàn ông cười nói, mùi khói đặc sệt.

Cả nhóm đang nghỉ ngơi nói chuyện phiếm ở phòng khách, mấy người đều mặc đồng phục màu xanh của công ty chuyển nhà, đội mũ, vì hoạt động thể lực ngoài trời thường niên nên da mặt phơi nắng đen nhẻm đỏ lên. Khang Sùng trong đám người, lúc dọn dẹp cũng giúp một tay nên giờ ra mồ hôi, thế là dứt khoát cởi áo phơi trần nửa người, đai lưng quần thì lệch xuống, làn da được lớp nắng tràn vào nhà phủ lên thành màu hổ phách, bóng hắt đan xen những đường cơ. Thấy Cảnh Doãn đến, gã vẫy vẫy: "Đây cơ mà."

Chờ Cảnh Doãn đi đến trước mặt, bước vào phạm vi chạm tới được, gã liền quàng tay ôm chầm em về lòng, cánh tay gồ gân xanh khoác lên hông, độ cao và vòng tay chặt lỏng đều đúng mực, như thể lấy thước đo chuẩn từng li vậy.

Gã lên tiếng: "Tóc dài ra rồi."

Thân thể ấm áp, cách vải quần áo mỏng manh dán bên nhau, bầu không khí làm người ta bối rối cứ lởn vởn xung quanh. Lại là cảm giác ấy, luôn là cảm giác ấy, mùa hạ kích tình mẫn cảm kia cũng chẳng tài nào mang đi được. Cảnh Doãn tưởng như trong đầu có sợi dây thần kinh căng cứng như dây đàn, đang bị lực lượng nào đó vờn bắt, trêu ghẹo, khiến y trì trệ mãi không nên lời, đành gật đầu tỏ ý với mấy người bên kia.

"... Vất vả rồi.""Nên làm mà, đừng khách sáo." Một người đàn ông khác quay mũ đội ngược sau đầu tiếp lời, nửa tin nửa ngờ hỏi Khang Sùng: "Anh em à?"

"Người yêu." Khang Sùng cười bảo: "Chủ nhà còn lại đó ha."

"Mọi người muốn uống gì không?" Cảnh Doãn hỏi: "Tôi xuống mua."

"Nước lọc là được, làm phiền rồi."

Y cười đáp lễ, đứng dậy đi: "Nên làm mà, đừng khách sáo."

Y ở lại không nổi nữa, chẳng phải vì thẹn thùng, mà do không muốn mặc kệ loại thân thiết kề cận bao hàm ám thị kia tiếp tục lên men trong suy tưởng của mình. Giống như khi hất một bát nước trên mặt phẳng, nước không chịu bất kỳ kiểm soát nào, lênh láng mọi ngóc ngách, khiến y khát khô, đại não đục ngầu, sản sinh những mơ tưởng không phù hợp.

Xuống lầu, vòng qua xe chuyển nhà, y đi dọc theo con đường nhỏ lát đá cuội qua vườn hoa khu nhà, có chú chó bản địa lông vàng tro ngủ say trên thảm cỏ, bươm bướm bạo dạn đậu trên bụng nó, chắc đám lông chỗ ấy sờ thích lắm nhỉ. Trời xanh trong veo, máy bay thả một dải mây dài, luồn qua tán cây xanh um, chẳng thấy đầu.

Khu nhà có hai cổng, y đi cửa hông, đi mấy bước đến cửa hàng tiện lợi hai bốn giờ, bên cạnh bán hoa quả, đối diện là Pizza Hut. Y vén màn che, ngửi thấy vị kem đường ngòn ngọt, đi thẳng đến tủ đông lấy sáu chai Bách Tuế Sơn, ôm ra quầy tính tiền.

Lúc dùng di động quét mã trả tiền, y liếc thấy thứ bày trên kệ thấp, trên cùng để một loạt các thể loại áo mưa đến là lòe loẹt.

Y trộm nhìn một cái rồi dời tầm mắt đi liền, hỏi thu ngân cái túi ni lông bền bền chút.

31.

Lên đến nhà, giá sách chắn trước cửa đã được nâng chuyển vào phòng sách rồi, để lại trên nền nhà vết bụi bặm hình vuông. Y nhón châm bước qua, đưa nước cho mọi người, Khang Sùng hỏi y, dựa tường bên trái hay bên phải? Hỏi xong uống một hớp, vặn nắp chai, giơ chai nước lạnh dán lên khuôn mặt ửng đỏ nong nóng vì chạy vội của Cảnh Doãn.

Y sảng khoái rùng mình một cái, bảo, bên phải, đừng để trực tiếp dưới ánh mặt trời, nếu không sách phơi nắng lâu sẽ phai màu.

Một người công nhân nghe vậy, "Ồ" dài một tiếng, bảo sẽ học tập, tương lai trang trí phòng ngủ cho con trai giống thế.

Ba giờ chiều, xe của công ty chuyển nhà lăn bánh rời khỏi khu nhà, nhóm công nhân tiện đường mang hộ rác bọn họ muốn vứt xuống tầng, hai người cảm tạ rồi chào tạm biệt, vào nhà sửa sang nốt công việc còn lại. Nâng máy giặt quần áo vào phòng giặt, xoay đầu sofa, xếp chồng mấy cái ngăn tủ thành hình thang, nối đèn điện cho quầy bar, cuối cùng ghép cái giá trưng bày đặt trên mạng, nhìn bản mẫu, thao tác theo từng bước, chẳng khác mấy em nhỏ xếp gỗ là bao.

Nhìn quanh thấy từng món đồ gia dụng đều được sắp xếp thỏa ý, không gian sau khi quy nạp trở nên rộng rãi sáng sủa, khiến người dễ chịu. Cách phối hợp đồ trong nhà có thiết kế, trông chỉnh thể cách điệu giản lược mà gọn gàng chững chạc. Tông chủ đạo là đen, trắng, xám, điểm xuyết chút tông trầm hoặc xanh thẫm, phối thế nào cũng không sai, bất kể là đồ dùng nhỏ hay to, đều được chọn lựa tỉ mỉ.

Vội vội vàng vàng đến năm giờ, ngày tàn bóng xế, một khoảng nắng chiều nồng rực chầm chậm tựa vào ban công, Cảnh Doãn mở toang hết cửa lẫn cửa sổ mỗi phòng để gió lưu thông, rồi cùng Khang Sùng đứng chân trần trên nền đất màu chàm bị ánh mặt trời dội nóng hực. Trong quầng sáng xưa cũ, khuôn mặt hai người trân quý tựa như những bức ảnh cất giữ nhiều năm, hết thảy thế rồi lại sáng bừng như mới.

Cảnh Doãn thì thào: "Như thể đang nằm mơ vậy."

Khang Sùng đỡ em dẫm lên bàn chân mình, hai người quấn quýt tay chân, mặt kề mặt, bóng hình đong đưa qua lại. Tốc độ chảy trôi của thời gian ngưng trệ, vĩnh viễn lưu luyến bên ngày hạ cuối cùng.

Em rũ mi, không dám nhìn người ta, chẳng biết làm thế nào, không nói ra thì dường như sẽ chẳng kiềm chế nổi, gục mặt vào hõm vai Khang Sùng dụi dụi.

"Anh ơi."

"Ừ?"

Em ngưng thở, yết hầu nuốt khan, lúc cất lời giọng hơi khàn khàn.

"... Thích anh nhiều lắm á."

Đợi đến khi ngày tắt hẳn, hai người mới ra ngoài đi dạo IKEA mua chén khay bát đĩa, bình nước, nến tinh dầu, khăn mặt bàn chải đánh răng, hộp đựng đồ, gạt tàn thuốc, thớt gỗ, tranh treo tường, khăn trải bàn, thảm cửa. Chả biết có dùng tới hay không, còn lấy một con nhím bằng nhung biết kêu oai oái, dưới bụng có một hạt rỗng ruột, không biết nguyên lý thế nào mà niết một cái là kêu, Cảnh Doãn bất thình lình bị dọa, chọc tên Khang Sùng không có lương tâm cười như điên, ăn nện một phát cũng nhất quyết mua, gã tự cảm thấy IKEA chưa bao giờ thú vị nhường này, hứng trí dạt dào, đi lòng vòng bao lâu cũng không chán.

Xách hai túi chiến lợi phẩm, hai người đành qua tiệm ăn gần IKEA ăn tạm, mỳ Ý sốt thịt viên với cơm hải sản kiểu Ý, khách quan đánh giá thì vị tàm tạm, ngược lại món được nhất là món cánh gà nướng vốn chỉ có mặt cho đủ. Nước sốt ngọt cay, nướng vừa tới ngon miệng, dầu tiết ra ngoài da nướng thành lớp giòn rụm, tẩm muối đường, dậy vị caramel làm người ta khó quên.

Về nhà mở loa, hai người nằm liệt trên sofa mới khui hộp một lát, nghe nhạc, nói chuyện phiếm, dọn dẹp đồ đạc tiếp. Ngày đi làm thì chẳng còn tinh lực, tan tầm phải nghỉ ngơi, thế là muốn nhân ngày nghỉ nâng cao sỹ khí sắp xếp xong. Cùng lắm thì đêm nay ngủ ở đây, dù sao cũng có giường.

Bất tri bất giác đã gần mười hai giờ, hai người vừa buồn ngủ vừa khát, quẹt dép lê xuống lầu mua đồ uống lạnh.

Khu nhà mới này không náo nhiệt bằng đại viện hai đứa ở hồi trước, người người tụ tập. Hoặc có lẽ do ở đây chưa nhiều hộ dân lắm, đêm khuya điềm nhiên tịch mịch, mấy cây đèn đường đan xen giữa vườn hoa, còn cái thứ đang phát sáng kia nữa, ban ngày Cảnh Doãn chưa phát hiện, giữa hai khóm vạn niên thanh được cắt tỉa tròn vành vạnh kia có một máy bán hàng tự động, khoác lên mình nước sơn đỏ, trên giá bày đầy bình chai đồ uống.

Khang Sùng ném mấy đồng xu linh đinh lang đang vào, ấn nút trà chanh rồi ngồi xổm xuống chỗ nhận hàng chờ.Sắp qua cả phút đồng hồ, vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Gã với Cảnh Doãn liếc nhau, cả hai ngớ ra. Trên mặt Cảnh Doãn còn hai vết nhọ hề hề bị tay bẩn quệt, y cũng ngồi xổm xuống, thất thần chẳng biết làm sao.

"À." Khang Sùng giật mình tỉnh ngộ: "Cái này hỏng rồi."

Hai người ngồi xổm trước máy bán hàng tự động bị trục trặc, trừng mắt nhìn đồ uống thấy được mà chẳng uống được, cuối cùng rụt vai cười khanh khách. Chả biết cười gì, cơ mà ngừng không nổi, cười ngồi cả ra đất, rồi sáp gần hôn môi, lại ngừng để cười, cứ thế âu yếm bên môi lẫn hôn sâu thật nhiều lần.

Nhưng vẫn không thể lỡ việc được, phải đi ra cửa hàng tiện lợi ngoài khu nhà mua đồ uống thôi. Chiều Cảnh Doãn vừa vào, lại bởi diện mạo được công nhận, thế là cô thu ngân nhận ra y, gật đầu chào, quay qua nhìn Khang Sùng, con ngươi lóe lên, mặt hơi hồng hồng.

Khang Sùng vẫn nhìn Cảnh Doãn, muốn cười mà phải nín, nhìn thẳng hai mắt em, cố tình thả chậm động tác, lấy một hộp áo mưa trên giá xuống, tính tiền.

Kết quả là đêm ấy về chả làm cái gì hết, hai người lao lực cả ngày, chẳng dư dật gì, ngã vật ra giường là ngủ say như chết.

Hôm sau chưa tỉnh nhóm bố mẹ đã gọi điện, bảo đóng gói đồ cá nhân linh tinh còn trong nhà cũ vận chuyển qua rồi, dặn hai đứa nhanh nhanh chuẩn bị nhận đồ.

Khang Sùng đành bất đắc dĩ xuống giường ra mở cửa, trước mặt bày ba thùng sách chắn tịt cửa, đều là tài sản quý giá của người yêu gã, nhấc lên không nổi, chỉ còn cách đẩy vào. So với mấy thứ quần áo, giày chơi bóng, đĩa nhạc, đồ sưu tầm đặt bên cạnh, chúng đều đáng làm nền thôi.

Hai người chỉ ăn bữa sáng, lên tinh thần dọn sách, bỏ từng quyển từng quyển lên giá, dần dần đầy ắp lên, trông đẹp ghê, trong lòng cũng đầy cảm giác thành tựu.
Xếp được quá nửa đống sách, thùng giấy rỗng một cái, hai người nghỉ ngơi chốc lát, sóng đôi ngồi trên thảm trái sàn bị sofa bao quanh, liên kết máy tính với màn chiếu, muốn tìm bộ điện ảnh xem. Cảnh Doãn chọn một bộ từ năm 1977, tên "Le Camion".

(Le Camion – The Lorry: một bộ phim chính kịch của Pháp năm 1977 do Marguerite Duras đạo diễn, tham dự Liên hoan phim Cannes 1977.

Một nhà văn nữ đọc cho một diễn viên hài kịch bản của bộ phim tiếp theo của bà ấy. Phim kể về một người phụ nữ đi nhờ xe tải. Trong cả chuyến đi, chỉ có cô ấy cất lời và người lái xe thì lắng nghe cô mà không nói gì. Phim không chiếu cảnh nam nữ diễn viên, chỉ có các cảnh một chiếc xe tải lớn đi qua vùng nông thôn.

)

Một bộ phim nổi danh của Marguerite Duras. Sắc thái hình ảnh âm u, các công trình kiến trúc đều ủ ê bụi bặm, bầu trời chen chúc từng đụn từng đụn mây rối như bông, là mùa đông. Một chiếc xe tải thùng kín màu lam khởi hành giữa mù sương, thỉnh thoảng màn ảnh lắc lư, lời thuyết minh vang lên. Một người phụ nữa dùng tiếng Pháp nói: "Đây là một quốc lộ đi thông tới bờ biển."

Một trận sấm rền nổ rạch đường chân trời, chấn động khiến người ta nghe chẳng rõ nhạc phối nữa, Cảnh Doãn ngắm nhìn ngoài cửa sổ, giọng khẽ khàng: "Mưa rồi."

Như lời y nói, ngoài trời gió bắt đầu rít, ánh nắng trong phòng loãng dần, tối đi vài phần. Khang Sùng mở một túi khoai tây lát mỏng, ăn một miếng, uống một hơi bia.

Gã uống bia đen, Cảnh Doãn uống bia sữa, hai người giơ lon, cụng cái tượng trưng.

Trong phim, một nam một nữ đang đọc diễn cảm kịch bản, người phụ nữ lớn tuổi hơn, gầy gò; người đàn ông có cằm khá dài, mũi to. Bọn họ ngồi bên bàn tròn trước giá cắm nến, xung quanh một màu đen kịt. Cảnh trong gian phòng không cửa chuyển qua đường quốc lộ đi thông tới bờ biển.

Trời đã sáng, xe tải chạy qua vùng thôn quê, nhà máy, ống khói, cây bạch dương, tiếng nhạc đệm dương cầm sôi nổi hơn, lại tự dưng ngưng bặt mà không có dấu hiệu báo trước nào. Người phụ nữ tiếp tục đọc diễn cảm kịch bản, xuyên suốt từ đầu đến cuối cả bộ phim nhựa.

Hai người bắt đầu hôn môi.

Cảnh Doãn nằm xuống, một tay Khang Sùng ôm gáy em, để đệm phía sau, tay còn lại nắm chắc mắt cá chân em, giao vào sau eo, chân cũng víu lên, da thịt lộ ra theo ống quần tuột xuống, lõa lồ. Cọ sát và dính nị, thở dốc lẫn do dự đều được che dấu dưới tiếng màn chiếu vận hành ong ong, hòa thành một phần bộ phim nhựa.

Tàn ánh sáng trắng chiếu sáng nửa gương mặt Cảnh Doãn, tiếng thở nặng nề, lời không cất, đầu lưỡi thoáng hương bia sữa, môi khẽ cong, nhục cảm vô cớ. Ánh mắt em ươn ướt, bộc trực, mặc người bắt lấy, vì thời khắc này mà chờ đợi đã lâu.

Khang Sùng dùng một tay vén áo cởi quá đầu, cúi xuống bế bổng em lên, dép cũng mặc kệ, chịu sức nặng hai người, đi về phòng ngủ.

Một chồng sách đặt trên đất bị đạp đổ, quyển cao nhất trượt xuống, là tập đoản văn của Tất Phi Vũ, "Ngày mai hãy còn xa lắm". Trong phòng khách rộng rãi, điện ảnh hãy đang mở, giọng nam bộc bạch hỏi: "Đây có thể là một bộ điện ảnh... Về tình yêu ư?"

"Đúng." Người phụ nữ trả lời: "Cái gì cũng có phần. Đây là một bộ điện ảnh nói về tất thảy."

"Cùng lúc giữa thời khắc nói về mọi thứ ấy, cũng chính là nói về tình yêu."

32.

Trời mưa gần ba tiếng, giữa chừng ngớt một hồi, khiến người ta tưởng rằng đến thế là dừng, ai biết được chưa qua mấy chốc, mưa lại rền rĩ triền miên hạ xuống.

Trận đầu mưa đến là to, cục cằn, chưa chuẩn bị đã ào ào mãnh liệt, trận sau thì thư thả hơn nhiều, khống chế tiết tấu, thay đổi rõ điêu luyện, thong dong mà thỏa thuê.

Một trận mưa tuyệt vời. Đúng là không ngờ tới.

Lặng người nghe, tiếng mưa bên ngoài tắt dần, không khí ẩm ướt trong lành. Phân tử nước vận động theo gió, màu mây xám tro, lề mề du tẩu quanh đỉnh tòa nhà. Ấy mà chỗ sâu tận cùng lại hé một kẽ hở, để lọt đường ánh sáng dát vàng.

Sắc trời dần sáng lên.

Cảnh Doãn khom lưng ngồi ở góc giường, gập một chân, co gót lên mép giường, để đầu gối trong ngực. Y trần trụi, đưa tay ghém tóc, dùng thun buộc tóc màu đen buộc túm tóc thành một đuôi, để lộ cái cổ mảnh khảnh.

Cả người y nóng hực, gờn gợn run, đắm chìm trong dư vị tình sự. Y kéo chiếc chăn đơn màu trắng khoác lên vai, che kín lưng, cuộn mình như bé cừu non.

Khang Sùng cong ngón tay, dùng mặt trái đốt tay vuốt ve hai má Cảnh Doãn, thử nhiệt độ cơ thể, tiện đà nhích người xuống giường, nhặt bừa cái quần ở nhà rộng thùng thình lên mặc, đi phòng bếp rót nước uống.

Y duỗi thắt lưng kiệt sức, xoa bóp cơ thịt cứng ngắc bên gáy, gần xương quai xanh còn rải rác mấy dấu hôn đỏ thẫm. Y qua chỗ đầu giường, cầm mấy cực giấy vo viên lẫn áo mưa đã dùng lên đi vứt.

Trong phòng ngủ nồng vị tanh ngọt mục ruỗng, bị gió thổi nhạt bớt.

Khang Sùng mang cốc nước đun ấm qua, đưa Cảnh Doãn, mình cũng ké bên mép giường ngồi xuống. Hai người chẳng nói chẳng rằng, tận đến khi uống sạch nước.

Cảnh Doãn cầm cái cốc không, liếm liếm nước bên khóe miệng, thế rồi xoay nửa người trên, dùng sức hôn Khang Sùng, sức lớn đến mức Khang Sùng hơi ngửa ra sau. Môi va nhau đau đau, một lần tập kích vừa tới.

Hôn xong y cũng chẳng nói năng gì, trông vẫn còn chút bối rối, tùy tiện quơ đại cái áo chòng qua đầu, chui xong mới phát hiện mặc nhầm rồi, là áo ngủ của Khang Sùng, vải vóc mềm mại, bị vò nhăn hết cả.

Mà người y đã quyện lẫn mùi của Khang Sùng, chẳng cần cởi ra làm gì.

"... Điều tiếp theo này không được làm sai đâu ha."

Khang Sùng ôm em cách lớp áo ngủ, chắc nịch chứng minh, mười ngón tay giao triền quanh eo em, hai chân dài vòng lại bao lấy em, chóp mũi mơn trớn vành tai em.

"Tôi là của em, từ hôm nay trở đi nhớ kĩ nhé."

Gom hết quần áo bẩn nhét vào máy giặt, hai người tắm rửa trong tiếng trục quay và thoát nước, dùng sữa tắm mới mua, sấy khô tóc cho nhau, cùng ra ngoài sau cơn mưa đầu thu đi mua nguyên liệu nấu cơm. Tối nay muốn ở nhà tự nấu.

Hiện giờ nhiệt độ ngoài trời vẫn mặc áo ngắn tay được, dù mưa đã ngừng, nhưng chẳng biết chừng sẽ còn đổ tiếp, cho nên hai người cầm ô theo, cất di động, ví tiền, khóa cửa nhà, đi bộ ra một hãng siêu thị có chuỗi quy mô khá lớn gần đấy.

Thật ra lái xe cũng được, nhưng mà thời tiết thế này, đi bộ thoải mái hơn nhiều."Làm gà nấu bao tử với cơm niêu ha?" Cảnh Doãn hỏi Khang Sùng.

"Được luôn!"

Trên lối đi bộ thi thoảng có vài vũng nước, phản chiếu ảnh ngược của người lẫn cảnh vật xung quanh, trên mặt nước lơ lửng cánh hoa bị mưa táp rụng. Cảnh Doãn bước qua, đỉnh đầu chạm phải tán tường vi vươn ra, nhành cây tích mưa bị xao động, lộp độp rơi vào gáy y, y rụt cổ lại, "shh" một cái kêu lạnh.

Khang Sùng chẳng làm thế nào rời mắt khỏi em được, nếp nhăn nho nhỏ trên sống mũi với đuôi mắt phiêm phiếm hồng, sau khi kề cận da thịt, những dáng vẻ cử chỉ bình thường nhất dường như đều nhuốm đầy sự ẩn dụ dẫn hướng. Tư thế đứng biếng nhác, cánh tay buông thõng, các đốt ngón tay nhô lên, đến cả nét buồn ngủ lẫn mỉm cười mệt mỏi đều trở nên có thâm ý, liên tưởng đến những chuyện đã làm với thân thể này, thành ám hiệu ngầm giữa hai người.

Y chọn một gói lạp xưởng Quảng Đông, bỏ vào giỏ đồ Khang Sùng cầm, đề nghị: "Hay là gọi cho Cam tử? Hồi trước con bé bảo muốn qua nhà chơi còn gì."

"À ừ." Khang Sùng lấy di động ra: "Tôi gọi."

Trong lúc đợi em gái nghe điện, hai người dạo qua tủ giữ lạnh, thấy bảng giảm giá sữa chua, Cảnh Doãn đưa tay lấy một chai, hỏi Khang Sùng muốn vị nào, gã hất cằm chỉ chỉ vị dâu.

"À lố? Anh à?" Trần Mật Cam nhận điện bảo: "Em vừa tan tầm, sao đấy?"

"Đến cọ cơm không?" Khang Sùng đi thẳng vào vấn đề, quả nhiên bân kia tích cực hưởng ứng: "Nhất định rồi! Các anh nấu cơm ở nhà hả? Muốn em mua tí gì mang qua không?"

Cảnh Doãn đứng trước quầy lạnh thịt gà, Khang Sùng áp điện thoại lên tai y, cả người y nghiêng qua, nói: "Mang tí rau trộn oke không? Chay đấy, củ sen váng đậu đều được, em chọn rồi mua nhá."

"Okela!" Trần Mật Cam đồng ý xong, bỗng nhiên đổi giọng, gào: "Anh, anh ngủ với Khang Sùng rồi hả! Cổ họng dính nị thế kia!"
"..." Cảnh Doãn cầm dạ dày bò lánh dần ra xa: "Cúp đi."

Khang Sùng nghẹn cười, theo em đi tính tiền.

Chắc chắn là ngủ rồi!

Trần Mật Cam đắc ý ném di động vào túi xách, lộ trình tạm thời thay đổi, cô nàng xuống tàu trước năm trạm, nghĩ xem đi đâu mua rau trộn, cuối cùng quyết định qua quán ăn nhanh hay ăn kia, hương vị đảm bảo, phát huy ổn định.

Nhân viên cửa hàng gặp nhiều lần thế là quen mặt cô nàng luôn, thấy cô vừa vào đã đã khen hết lời: "Lại đẹp hơn rồi nha". Cô cười đáp, định tám mấy câu thì đột nhiên phát hiện một khuôn mặt như đã từng quen biết.

Người đàn ông ngồi ở góc cầm iPad làm việc chờ cơm cũng nhận ra cô, kính mắt xanh phản quang, gần như đồng thời, ánh mắt hai người giao nhau.

Ôi duyên phận.

Là người đàn ông từng hỏi cô phương thức liên lạc lúc ngồi ghép bàn.

Có khách vào sau len qua người cô, cô nhường đường, lại quay qua nhìn, không hề e dè.

Cô nghe tiếng mình nuốt nước bọt, đại não chưa biết làm gì tiếp, giày cao gót đã tự thúc cô đi đến.

Cô đẩy ghế dựa, hùng hổ ngồi xuống.

"Chào anh." Cô nói: "Lại gặp mặt rồi."

"... Chào cô."

Người đàn ông đẩy kính mắt, cười ngượng một cái, nhìn cô một lần rồi cúi đầu né tránh. Con ngươi màu trà, lông mi không dày nhưng khá cong, trông có vẻ nhỏ tuổi hơn cô, giống sinh viên mới ra trường.

Công tác chuẩn bị mất nửa phút, hắn mới nói: "Cô quả thật... Lại đẹp hơn rồi."

Trần Mật Cam muốn cười, đành quay mặt đi, nhìn phố xá ngoài cửa sổ.

Cô nàng hỏi: "Tôi còn cơ hội làm quen cậu không?"

Hết chương 32. Chính văn hoàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #hsahash